Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ đánh giá độ phì vật lý, hoá học của vùng đất trồng lúa nước trời điển hình huyện...

Tài liệu đánh giá độ phì vật lý, hoá học của vùng đất trồng lúa nước trời điển hình huyện long phú tỉnh sóc trăng

.PDF
60
212
88

Mô tả:

MỞ ĐẦU Đất là một thực thể sống hình thành trong nhiều thiên niên kỷ và là một trong những thành phần quan trọng nhất của môi trường sống. Với đặc thù vô cùng quý giá là có độ phì nhiêu, đất làm nhiệm vụ của một bà mẹ nuôi sống muôn loài trên trái đất. Tuy nhiên, đất cũng tiềm ẩn những yếu tố hạn chế nhất định đối với từng loại cây trồng và sinh vật (Shin-Ichiro Wada, 2000). Hàng năm có khoảng 5 – 7 triệu ha đất trên hành tinh chuyển sang không sản xuất được và tốc độ này sẽ gia tăng đến hơn 10 triệu ha trong thế kỷ 21 nếu như không có những nghiên cứu khoa học để duy trì độ phì tự nhiên của tài nguyên đất và những hoạt động sản xuất, quản lý đất phù hợp được áp dụng (Lê Văn Khoa, 2003). Bạc màu đất chủ yếu đang diễn ra hiện nay là suy thoái vật lý và hoá học đất như: nén dẽ, kết cứng-đóng ván, laterite hoá và xói mòn, phèn hoá, mặn hoá... Ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) các nghiên cứu về độ phì nhiêu đất và sự suy thoái về vật lý, hóa học và sinh học đất 2 vụ lúa, 3 vụ lúa, đất chuyên màu và đất trồng cây ăn trái nhiều năm tuổi bước đầu cho thấy sự giảm hàm lượng chất hữu cơ, độ nén dẽ cao, hệ số thấm thấp. Khi đất bị nén dẽ nghiêm trọng sẽ hạn chế sự phát triển của hệ rễ cây trồng, làm giới hạn khả năng hút chất dinh dưỡng và nước. (Võ Thị Gương, 2004). Đồng bằng sông Cửu Long với tổng diện tích tự nhiên gần 4 triệu hecta, chiếm 7,9% diện tích của vùng châu thổ và gần 5% lưu vực sông Mê Kông. Trong đó diện tích đất mặn chiếm 744.547 ha phần lớn phân bố ở bán đảo Cà Mau. Chỉ riêng tỉnh Sóc Trăng diện tích đất mặn chiếm 158.547 ha (thực chất là đất phù sa nhiễm mặn), phân bố ở các huyện Kế Sách, Mỹ Xuyên, Long Phú, Vĩnh Châu, Thạnh Trị, Mỹ Tú và Thị xã Sóc Trăng. Các nhóm đất mặn chủ yếu là: Fluventic Ustropaquept Salic và Typic Tropaquepts Salic (Tôn Thất Chiểu,1991). Do nằm ở vị trí giáp biển nên phần lớn diện tích đất tỉnh Sóc Trăng bị nhiễm mặn. Do đó việc sản xuất nông nghiệp của tỉnh phần lớn dựa vào nước trời là chủ yếu, bên cạnh đó việc thâm canh lúa với kỹ thuật canh tác chưa phù hợp, nông dân chỉ sử dụng phân hóa học không sử dụng phân hữu cơ dẫn đến đất đai bị bạc màu, mất cấu trúc, giảm độ phì, tính bền kém, gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp. Đề tài: “Đánh giá độ phì vật lý, hoá học của vùng đất trồng lúa nước trời điển hình huyện Long Phú - tỉnh Sóc Trăng” được thực hiện nhằm đánh giá những trở ngại có thể có của đất, khắc phục sự suy thoái độ phì vật lý và hoá học của các nhóm đất phù sa nhiễm mặn tạo điều kiện sử dụng đất một cách có hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững. CHƯƠNG 1 LƯỢC KHẢO TÀI LIỆU 1.ĐỊNH NGHĨA VÀ PHÂN LOẠI ĐỘ PHÌ NHIÊU ĐẤT 1.1.Định nghĩa độ phì nhiêu đất (soil fertility) Theo Võ Thị Gương (2004), độ phì nhiêu đất đai là khả năng của đất đáp ứng nhu cầu của cây trồng về các chất dinh dưỡng với số lượng, dạng và tỷ lệ thích hợp để cho cây sinh trưởng, phát triển và tạo ra sinh khối lớn nhất. Theo Wiliams: độ phì nhiêu của đất là khả năng cung cấp cho cây về nước, thức ăn khoáng và các yếu tố cần thiết khác (không khí, nhiệt độ...) để cho cây sinh trưởng và phát triển bình thường (Lê Văn Khoa, 2003). Theo Henry (1997), độ phì nhiêu của đất là khả năng cung cấp những nguyên tố cần thiết cho cây trồng phát triển, không có mặt của các độc chất (Henry et al, 1997). Đánh giá độ phì nhiêu đất là đánh giá những thiếu hụt dinh dưỡng của cây trồng, phân tích trạng thái của cây và phân tích đất (Henry et al, 1990). Theo Đỗ Ánh (2000), thuật ngữ độ phì nhiêu chỉ ra khả năng vốn có của đất cung cấp cho cây trồng đầy đủ có tỷ lệ thích hợp. Độ phì nhiêu đất là cơ sở của tiềm năng sản xuất và chủ yếu được quan tâm nghiên cứu vì độ phì nhiêu đất là yếu tố quyết định năng suất cây trồng. Theo Forestier (1959), độ phì nhiêu của đất là do tổng số sét, thịt và tổng số bazơ trong đất quyết định (Đỗ Ánh, 2002). Bên cạnh đó, theo Vũ Hữu Yên và ctv (1998), độ phì nhiêu của đất là khả năng của đất đảm bảo được những điều kiện thuận lợi thích hợp cho cây trồng đạt năng suất cao, ổn định và những quần xã sống trên đất, trong đất phát triển hài hòa, bền vững. Ngoài ra, theo Trần Thành Lập (1999), đất phì nhiêu là đất có khả năng cho nhiều sản lượng cây trồng trong điều kiện canh tác tương đối thích hợp với mức đầu tư không quá lớn và ngược lại. Như vậy “độ phì nhiêu đất đai” trên thực tế đã có trước khi việc nghiên cứu đất trở thành khoa học thực thụ. Theo Petecbuagsky (1957), độ phì nhiêu đất hiểu một cách vắn tắt là khả năng của đất cung cấp cho cây trồng, trong quá trình sinh trưởng, một số lượng nước và chất dinh dưỡng cần thiết. Đất phì nhiêu không chứa chất có hại cho cây trồng như H2S, CH4... ở đất trũng; sắt, nhôm ở đất phèn; Clo ở đất mặn. Độ phì nhiêu đất đai là khả năng của đất đáp ứng nhu cầu cây trồng về các chất dinh dưỡng, với số lượng, dạng và tỷ lệ thích hợp để cây sinh trưởng, phát triển và tạo ra sinh khối lớn nhất. Đất nào có khả năng thỏa mãn nhu cầu cây trồng cao, cho năng suất cao thì được coi là phì nhiêu và ngược lại. Độ phì nhiêu đất là chỉ tiêu định tính và định lượng của đất là kết quả của sự phát triển đất trong thời gian dài. Vì vậy, mỗi loại đất đều có độ phì tự nhiên (natural fertility) hay còn gọi là độ phì tiềm tàng (potential fertility) khác nhau. 1.2. Các loại độ phì nhiêu đất Theo Nguyễn Văn Điềm (2002), thì độ phì nhiêu đất gồm các loại sau: - Độ phì tự nhiên: xuất hiện trong quá trình hình thành đất dưới tác động của đá mẹ, khí hậu, sinh vật, các chất dinh dưỡng trong đất tác dụng trực tiếp với cây trồng. - Độ phì tiềm tàng: phần độ phì tự nhiên mà cây trồng chưa sử dụng đựơc. - Độ phì nhân tạo: tác động của con người làm thay đổi độ phì tự nhiên của đất (thường là các tính chất xấu của đất) và tạo ra độ phì mới. - Độ phì kinh tế: tính bằng năng suất lao động. - Độ phì hiệu lực: sử dụng khoa học kỹ thuật chuyển từ độ phì tiềm tàng sang độ phì tự nhiên tính bằng năng suất cây trồng. 2. CÁC CHỈ TIÊU ĐÁNH GIÁ ĐỘ PHÌ NHIÊU ĐẤT 2.1.Các chỉ tiêu vật lý  Thành phần cơ giới đất Tỷ lệ các cấp hạt giữa các phần tử cơ giới có kích thước khác nhau trong đất được biểu thị theo phần trăm trọng lượng được gọi là thành phần cơ giới (Nguyễn Thế Đặng và ctv, 1999). Thành phần cơ giới còn được hiểu là tỷ lệ giữa các cấp hạt cát, thịt, sét trong đất (Henry et al, 1990). Thành phần cơ giới của đất là hàm lượng phần trăm của những nguyên tố cơ học có kích thước khác nhau khi đoàn lạp đất ở trong trạng thái bị phá huỷ (Trần Kông Tấu, 2006). Các hạt có kích thước khác nhau trong thể rắn của đất gọi là phần tử cơ giới. Các phần tử cơ giới hình thành chủ yếu do quá trình phong hoá đá mà ra. Tỷ lệ phần trăm các cấp hạt có kích thước khác nhau trong đất gọi là thành phần cơ giới (Dương Minh Viễn, 2004). Theo Nguyễn Đăng Nghĩa và ctv (2005), đất là vật thể bao gồm các kích thước hạt có kích thước khác nhau. Chính các cấp hạt này gọi là thành phần cơ giới. Tuỳ theo tỷ lệ các cấp hạt mà đất có tính chất khác nhau. Ba cấp hạt: cát (Sand), thịt (Silt), sét (Clay) sẽ tạo nên kết cấu của đất. Tỷ lệ các cấp hạt khác nhau dẫn đến sự khác nhau về đặc điểm tính chất như: tỷ trọng, dung trọng, khả năng giữ nước, tính bền của đất... Thành phần cơ giới là chỉ tiêu quan trọng nhất để đánh giá độ phì của đất (Nguyễn Đăng Nghĩa và ctv, 2005). Đất Đồng bằng sông Cửu Long đa số là đất phù sa màu mỡ, có thành phần cơ giới nặng nên khả năng giữ nước và hấp phụ chất dinh dưỡng tốt chính vì thế phục vụ rất tốt cho việc sản xuất nông nghiệp. Thành phần cơ giới đất là một chỉ tiêu quan trọng ảnh hưởng đến đặc tính của đất như sự thấm nước, sự kiềm giữ nước, sự phát triển của rễ cây (Raymond W. Miller et al, 2001) Trong nông nghiệp, thành phần cơ giới có ý nghĩa rất quan trọng trong nghiên cứu phát sinh đất, loại đất và các quá trình thổ nhưỡng của đất. Nhiều tính chất hoá học, vật lý như khả năng giữ ẩm, khả năng giữ nhiệt và động thái nhiệt, chế độ khí và động thái khí, CEC và khả năng điều tiết chất dinh dưỡng...đều liên quan đến thành phần cơ giới (Viện thổ nhưỡng nông hóa, 1998).  Tính bền cấu trúc Độ bền đoàn lạp là tính bền của tập hợp các phần tử đất, là đặc tính cấu trúc quan trọng của đất giúp đo lường mức độ chịu đựng của đất dưới tác động của mưa, các lực cơ giới khi cày hoặc hoạt động tưới nước. Tính bền cấu trúc đất phụ thuộc vào hàm lượng của chất hữu cơ, hàm lượng sét và các oxit sắt (Trần Kim Tính, 2003). Tính bền của đất được xem như là một trong những chỉ tiêu quan trọng để đánh giá chất lượng đất đai. Tính bền của đất có thể tác động mạnh mẽ đến đặc tính đất cả về hoá học và lý học (Lê Văn Khoa, 2003).  Dung trọng Dung trọng đất là một đặc tính quan trọng dùng để đánh giá độ phì vật lý và hoá học đất (Trần Bá Linh và ctv, 2006). Dung trọng phụ thuộc vào thành phần khoáng, thành phần cơ giới, hàm lượng chất hữu cơ, cấu trúc và kỹ thuật làm đất. Độ tơi xốp của đất thường cao nhất ngay sau khi làm đất, sau đó bị nén dẽ dần và dung trọng tăng lên, sau một thời gian dung trọng sẽ đạt cân bằng và không thay đổi. Đất có dung trọng thích hợp nhất cho cây là 1,0 -1,1 g/cm3. Đối với cây lúa, dung trọng thấp đôi khi có hại vì đất không giữ được nước. Dung trọng >1,2 g/cm3 và ở tầng đế cày >1,4 g/cm3 là rất thích hợp cho cây lúa (Võ Thị Gương và ctv, 2004). Để đảm bảo cho cây trồng phát triển tốt đối với đất thịt thì dung trong 1,1- 1,4 g/cm3, đối với đất sét thì dung trọng 1,4 g/cm3 và đất cát dung trọng khoảng 1,6 g/cm3 (Raymond W. Miller et al, 2001). Theo Lê Văn Khoa (2004), giá trị dung trọng bình quân của đất thịt có canh tác biến động trong khoảng 1,1- 1,4 g/cm3. Để cây trồng phát triển tốt dung trọng nên giới hạn trong khoảng 1,4-1,6 g/cm3 với đất cát. Dung trọng cũng được tính toán tổng lượng nước có thể bị giữ bởi đất theo một thể tích nào đó và cũng để đánh giá khả năng phát triển của hệ thống rễ cây trồng và độ thoáng khí của đất (Lê Văn Khoa, 2004).  Tỷ trọng Tỷ trọng thể rắn của đất là tỉ số giữa trọng lượng thể rắn đất (đất không có khoảng trống) của một thể tích nhất định và trọng lượng của nước cùng thể tích (Viện thổ nhưỡng nông hóa, 1998). Tỷ trọng đất là một thông số quan trọng giúp ta có thể ước lượng thành phần khoáng chủ yếu cũng như hàm lượng chất hữu cơ của một loại đất (Trần Bá Linh và ctv, 2006). Theo Trần Kim Tính (2003), tỷ trọng của đất thay đổi từ 2,5 g/cm3 đến 2,8 g/cm3. Ở những loại đất khác nhau tỷ trọng sẽ khác nhau. Thường trong những đất khoáng hay có thạch anh, fenspat, kaolinite, tỷ trọng của chúng thay đổi trong khoảng 2,55 – 2,74 g/cm3. Tỷ trọng thể rắn của những đất nghèo mùn trên các tầng mặt thay đổi trong khoảng 2,50 – 2,74 g/cm3. Ở những tầng tích tụ sâu hơn, do chứa một lượng lớn hợp chất sắt nên tỷ trọng thường tăng, có trường hợp đạt 2,75 – 2,8 g/cm3. Ngược lại ở những đất giàu mùn tỷ trọng của chúng giảm đến 2,40 – 2,30 g/cm3 (Trần Kông Tấu, 2006). Nhìn chung tỷ trọng của đất đa số nhỏ ở các loại đất mùn và thường lớn ở những loại đất khoáng. Do vậy thông thường ở những tầng mặt thì tỷ trọng của đất nhỏ so với các tầng sâu hơn.  Độ xốp Độ xốp của đất là phần trăm thể tích của đất được chiếm bởi không khí và nước (Trần Bá Linh và ctv, 2006). Độ xốp là tổng các tế khổng trong đất biểu thị bằng % thể tích đất. Độ xốp đất phụ thuộc vào cấu trúc đất, thành phần cơ giới, dung trọng và tỷ trọng đất. Khả năng thoáng khí, khả năng giữ nước phụ thuộc lớn vào độ xốp đất. Đối với cây lúa độ xốp là chỉ tiêu không quan trọng, ngoại trừ các mao quản, lượng tế khổng lớn chứa khí trong đất phải không dưới 25% cho đất canh tác cây trồng cạn. Độ xốp thích hợp cho hầu hết sự tăng trưởng của cây trồng là 50%. (Võ Thị Gương và ctv, 2004). Sự trao đổi không khí đặc biệt là sự khuếch tán oxy có ý nghĩa rất quan trọng cho cây trồng. Việc giảm chất hữu cơ trong đất sẽ đưa đến giảm độ xốp đất. Đất kém thông thoáng có thể giới hạn sự phát triển của rễ, đặc biệt ảnh hưởng đến việc hấp thu chất dinh dưỡng (Lipiec and Stepniewski, 1995).  Hệ số thấm (Ksat) Hệ số thấm bảo hoà Ksat là thông số chính để dự đoán dòng chảy bảo hoà trong đất, ngoài các tác nhân khác làm ảnh hưởng đến hệ số thấm, sa cấu và cấu trúc đất cũng làm cho hệ số thấm bị thay đổi một cách đáng kể. Chỉ tiêu này dùng để phân biệt khả năng thấm và thoát nước của đất. Đất có giá trị Ksat cao sẽ có tác dụng thấm nước và thoát nước nhanh không bị ngập úng (Radeliffe and Rasmussen, 2000). Hầu hết đất lúa nước đạt năng suất cao tại Nhật Bản có tốc độ thấm trong khoảng 20 – 30mm/ngày (Takai and Mada, 1997). Riêng ở Trung Quốc để đạt được năng suất cao, tốc độ thấm trong đất từ 9 – 15 mm/ngày (Yang and Chen, 1961). Thực tế thì tốc độ thấm tối hảo cho năng suất lúa tuỳ thuộc vào hàm lượng chất hữu cơ trong đất và điều kiện hoạt động thích hợp của vi sinh vật đất. Khi ruộng lúa bị ngập liên tục (với tốc độ nhỏ hơn 5 mm/ngày) thì tốc độ phân huỷ chất hữu cơ và sự khoáng hoá đạm rất thấp do đất trong tình trạng bị khử cao.  Lượng nước hữu dụng Lượng nước hữu dụng là lượng nước được đất dự trữ lại: cây trồng sử dụng dễ dàng nhất. Nói cách khác độ ẩm hữu dụng là sự chênh lệch giữa độ ẩm đồng ruộng và độ ẩm cây héo. Độ ẩm có sẳn cho cây là tỉ lệ của ẩm độ hữu hiệu mà cây trồng hấp thu dễ dàng nhất, thường chiếm khoảng 75 – 80% ẩm độ hữu dụng (Chu Thị Thơm và ctv, 2006). Lượng nước hữu dụng trong đất được đánh giá thông qua chỉ số pF (lực giữ nước của nền đất) và trị số này thay đổi đối với các loại đất khác nhau (Kisu, 1978). Các nhà khoa học đã xác định độ ẩm trong đất bằng khoảng 60 – 75% độ trữ ẩm tối đa để có một lượng trữ không khí khoảng 15 – 35% thể tích của đất là ẩm độ thích hợp nhất (Nguyễn Đăng Nghĩa và ctv, 2005). 2.2. Các tính chất hóa học  Độ chua hiện tại(pHH20) Theo Ngô Ngọc Hưng và ctv (2004), pH đất là chỉ tiêu đánh giá đất quan trọng, vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của cây trồng, vi sinh vật đất, vận tốc phản ứng hóa học và sinh hóa trong đất. Độ hữu dụng của dưỡng chất trong đất, hiệu quả của phân bón cũng phụ thuộc rất nhiều vào độ chua của đất. pH đất ảnh hưởng đến độ hữu dụng của dinh dưỡng cây trồng, độc chất trong đất, đến hoạt động của vi sinh vật đất (Tất Anh Thư, 2006). Theo Trần Thành Lập (1999), đất Đồng bằng sông Cửu Long thường có pH thấp, đất phù sa không phèn thường có pH = 4,0-5,5. Đất có pH thấp nhất là đất phèn, trên đất phèn nặng pH có thể <3,0, ở trị số pH này cây chịu phèn mới sống nổi. Đất bị nhiễm mặn thường có pH từ 7 trở lên. Một lọai đất rất acid có pH thấp, đất này thiếu Ca và Mg trao đổi, các chất Al, Fe, Mn và Bo hòa tan rất nhiều, chất Mo ít hòa tan, độ hữu dụng của N và P rất thấp. Một loại đất kiềm có pH cao đất này nhiều Ca, Mg và Mo, có ít Al, độ hữu dụng đạm cao (Trần Thành Lập, 1999). Trên đất mặn pH từ 6,0-7,5 và tỷ lệ với độ mặn (Nguyễn Văn Luật, 2003). Nếu đất có pH quá cao, đất sẽ thiếu Fe, Mn, Cu, Zn và nhất là thiếu P và Bo. Ngoài ra vi khuẩn hoạt động tích cực ở các pH trung bình sẽ hoạt động kém. Tổng quát mà nói thì đất có pH = 6 - 7 là tốt nhất vì ở mức pH này có sự hữu dụng tối đa của chất dinh dưỡng (Ngô Ngọc Hưng và ctv, 2004). Theo H.Eswaran (1985), đất lúa nước thường có pH trong khoảng 4,5 và 6. pH tốt nhất cho cây lúa phát triển là pH=5,5 -7,5. Đất có pH thấp hơn 5,2 hay lớn hơn 8,2 đều ảnh hưởng đến sự phát triển của cây lúa.  Độ chua tiềm tàng (pHKCl) Độ chua tiềm tàng được tính bằng ion H+ tự do và hấp thu trên bề mặt keo đất. Thông thường độ chua này lớn hơn độ chua hiện tại và biểu thị khả năng gây chua tiềm tàng của đất (Ngô Ngọc Hưng và ctv, 2004). Theo Nguyễn Đăng Nghĩa và ctv (2005), nếu trong dung dịch đất tồn tại nhiều muối axit mạnh và bazơ mạnh sẽ làm đất có phản ứng trung tính (pH trong khoảng từ 6,0 – 7,0). Nếu trong đất tồn tại nhiều muối axit mạnh và muối bazơ yếu thì đất có phản ứng chua (pH < 6,0). Nếu trong đất nhiều muối bazơ mạnh và muối bazơ yếu thì đất có phản ứng kiềm (pH > 7,5). Độ pH của đất còn phụ thuộc vào mức độ thực hiện các phản ứng trao đổi ion giữa keo đất với dung dịch đất, giữa dung dịch đất và rễ cây.  Chất hữu cơ trong đất Nguồn gốc nguyên thủy của chất hữu cơ trong đất là mô thực vật, chất hữu cơ gồm xác bả hữu cơ chưa phân hủy, đang phân hủy và đã phân hủy trong đó có xác bã hữu cơ động vật, vi sinh vật. Tùy theo thành phần và hàm lượng hữu cơ trong đất mà chúng có vai trò khác nhau (Trần Thành Lập, 1999). Theo Nguyễn Thế Đặng và ctv (1999), chất hữu cơ là thành phần cơ bản kết hợp với các sản phẩm phong hoá từ đá mẹ để tạo thành. Chất hữu cơ góp phần cải thiện các tính chất lý, hoá và sinh học đất và cung cấp nhiều chất dinh dưỡng cho cây trồng (Prihar et al, 1985). Theo Đỗ Ánh (2002) chất mùn trong đất là một nguồn dinh dưỡng có tương quan rất chặt chẽ với độ phì nhiêu của đất, nhất là trong điều kiện nhiệt đới ẩm của chúng ta. Những thành tựu nghiên cứu về chất mùn ở điều kiện nhiệt đới ẩm của Castagnol 1942, Fridland 1958-1964, Duchaufour 1968...đã ghi nhận, về sau Ngô Văn Phụ (1970-1979) đều cho rằng mùn ở đất Việt Nam rất quan trong việc tạo độ phì nhiêu đất (Đỗ Ánh và ctv, 2000). Viện nghiên cứu lúa quốc tế cho rằng hàm lượng chất hữu cơ tối thích cho đất lúa nước là 4%. Nếu giảm 1% chất hữu cơ thì lân bị giữ chặt trong đất tăng 50mg/100g đất (Đỗ Ánh và ctv, 2000). Theo Thái Công Tụng (1971), sự ảnh hưởng của chất hữu cơ đến tính chất đất đai. - Ảnh hưởng của màu sắc đất đai: nâu đến đen - Ảnh hưởng đến tính chất hóa học của đất như: khả năng giữ nước, độ dẻo dính. - Ảnh hưởng đến khả năng trao đổi base như: làm cho đất đai hấp thụ được nhiều chất base hơn, 30 - 90% ngoại hấp là do chất hữu cơ. - Cung cấp và tăng độ hữu dụng của chất dinh dưỡng. Theo Trần Thành Lập (1999), đất ĐBSCL thường có hàm lượng chất hữu cơ vào độ trung bình. Đất xám bạc màu có hàm lượng hữu cơ rất thấp 0,3 - 1,2%. Đất giàu hữu cơ nhất ĐBSCL là đất than bùn, có hàm lượng hữu cơ đến 25%, đất phèn cũng giàu chất hữu cơ ở tầng mặt. Theo Lê Văn Khoa và ctv (2000), chất hữu cơ là chỉ tiêu số một về độ phì, nó ảnh hưởng đến nhiều tính chất đất như khả năng cung cấp dinh dưỡng, khả năng hấp phụ, giữ nhiệt và kích thích sinh trưởng cây trồng. Chất hữu cơ là nguồn cung cấp chất dinh dưỡng chính trong hệ sinh thái đất. Để nông nghiệp phát triển bền vững nhất thiết phải giảm sự mất mát chất hữu cơ đất, nhất là việc sử dụng đất vùng nhiệt đới (Lê Văn Khoa và ctv, 2000). Ở vùng nhiệt đới thường có hàm lượng chất hữu cơ thấp do kết quả của quá trình phong hoá mạnh làm chúng bị phân giải nhanh. (Nguyễn Xuân Cự, 2005). Trong đất hàm lượng chất hữu cơ cao làm tăng ẩm độ đất, cải thiện cấu trúc đất tăng khả năng đệm của đất (Charles A. Black, 1993). Trong quá trình khoáng hoá chất hữu cơ tạo ra nhiều dinh dưỡng cung cấp cho cây trồng, chất hữu cơ làm giảm sự cố định K, P trong đất (Nguyễn Tử Siêm và ctv, 1999). Chất hữu cơ có khả năng tạo phức với kim loại (Jones and Jarvis, 1981). Chất hữu cơ có khả năng tạo phức với Al làm giảm Al trao đổi và Al hoà tan trong dung dịch do đó làm giảm khả năng gây độc của Al cho cây trồng (Hargrove and Thomas, 1981). Trong đất hàm lượng chất hữu cơ cao làm tăng ẩm độ đất, cải thiện cấu trúc đất tăng khả năng đệm của đất (Charles A. Black, 1993).  Dung tích hấp phụ cation (CEC) Dung tích hấp phụ cation hay còn gọi là khả năng trao đổi cation của đất càng cao chứng tỏ đất có khả năng giữ và trao đổi các dưỡng chất tốt. Đất ĐBSCL thường chứa nhiều sét và ít hữu cơ nên dung tích hấp phụ thuộc loại trung bình đến khá (Ngô Ngọc Hưng và ctv, 2004). CEC của đất liên quan đến khả năng chứa đựng và điều hòa dinh dưỡng và có liên quan đến phương pháp bón phân hợp lý. Đất giàu chất hữu cơ, có CEC cao cũng là đất có khả năng bảo quản cao dinh dưỡng cây trồng. Nếu đất chứa Al chiếm 60% CEC thì gây độc cho cây trồng. Đất bạc màu có CEC thấp thì CEC trở thành yếu tố hạn chế (Đỗ Ánh và ctv, 2000). Theo Nguyễn Vy (2003), dung tích hấp phụ trong các loại đất Việt Nam trong khoảng 5 - 30 meq/100g đất. Nhìn chung giá trị dung tích hấp phụ càng cao thì đất càng phì nhiêu. Tuy nhiên độ phì nhiêu của đất còn phụ thuộc vào thành phần và tỷ lệ các cation trong dung tích hấp phụ đó (Nguyễn Vy, 2003).  Độ dẫn điện dung dịch đất (EC) Độ mặn trong đất làm cản trở quá trình hút nước và dinh dưỡng của cây trồng, giảm lượng nước hữu dụng trong đất, phá huỷ cấu trúc của đất (Tất Anh Thư, 2006). EC được tính bằng đơn vị mmhos trên centimet, chính mmhos cũng là trị số nghịch đảo của đơn vị đo sức cản điện (ohms). Trị số mhos/cm là một đơn vị rất lớn, phần lớn EC của dung dịch đất thì nhỏ hơn trị số này rất nhiều (Trần Kim Tính, 2003). EC là độ mặn của đất, biểu thị trực tiếp hoặc gián tiếp nồng độ muối hoà tan trong dung dịch đất. Không chỉ có đất mặn mới có lượng muối hoà tan cao, mà trong đất phèn sự tác động của acid vào khoáng sét, nồng độ muối có thể cao và gây độc cho cây (Đỗ Thị Thanh Ren, 1999). Theo H. Eswaran (1985), cây lúa rất nhạy cảm với độ mặn, cây lúa sẽ không phát triển được nếu trên đất lúa nước có EC > 6 mmhos/cm. EC = 4 – 6 mmhos/cm thì sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của cây lúa, nếu EC < 2 mmhos/cm thì cây lúa phát triển bình thường.  Đạm tổng số Theo Ngô Ngọc Hưng và ctv (2004), đạm tổng số vùng nhiệt đới thường thấp hơn đất vùng ôn đới. Ở ĐBSCL, đất phèn có hàm lượng N cao nhất, thường 0,2%. Đất phù sa hàm lượng đạm từ trung bình đến khá. Đạm là yếu tố giới hạn năng suất chủ yếu trên đa số các loại đất và cây trồng ở Đồng bằng sông Cửu Long. Theo Đỗ Thị Thanh Ren (1999), đạm được xem là nguyên tố quan trọng trong việc gia tăng năng suất. Trên hầu hết các loại đất bón phân đạm giúp gia tăng sự tăng trưởng cây trồng đặc biệt là sự phát triển của thân và lá.  Lân tổng số Lân tổng số trong đất phụ thuộc vào thành phần khoáng đất. Đất ĐBSCL được tạo thành từ các khoáng nghèo lân. Đất phù sa được bồi đắp hàng năm và đất mặn có hàm lượng lân tổng số cao nhất, thấp nhất là các loại đất phèn (Ngô Ngọc Hưng và ctv, 2004). Theo Đỗ Thị Thanh Ren (1999), hàm lượng lân trong cây trồng và đất thấp hơn N và kali. Trong đất lân có khuynh hướng phản ứng với các thành phần trong đất tạo ra các hợp chất không hoà tan, chậm hữu dụng cho cây trồng. Nguyên tố lân trong tự nhiên kết hợp với oxy để cho ra P2O5, kết hợp với nước để cho ra acid orthophosphoric. Đơn vị tính của lân trong đất là % P2O5 hoặc % P. Trong đất lân có thể ở dạng hữu cơ hoặc lân khoáng tuỳ thuộc vào sự hình thành và phát triển của đất. Hàm lượng lân tổng số trong đất biến thiên trung bình từ 0,02 – 0,015 % P2O5. Đất ĐBSCL nhìn chung nghèo lân tổng số, hàm lượng lân trung bình của các nhóm đất chính là 0,006 % P2O5 (Đỗ Thị Thanh Ren, 1999). Trong đất lân tổng số chia làm hai dạng là: lân hữu cơ và lân vô cơ (lân khoáng). Tỷ lệ này phụ thuộc vào sự hình thành và phụ thuộc vào điều kiện đất. Lân hữu cơ thường chiếm khoảng 20 – 80% lân tổng số. Hàm lượng lân khoáng gia tăng theo độ sâu phẫu diện đất, trong khi hàm lượng lân hữu cơ cao nhất ở tầng mặt (Tisdale and Nelson, 1975).  Lân dễ tiêu Các đất nghèo lân dễ tiêu nhất ở đồng bằng là đất phèn, đất xám và đất cát. Đất giàu lân nhất là đất phù sa được bồi đắp hàng năm (Ngô Ngọc Hưng và ctv, 2004). Theo Nguyễn Xuân Cự (1992), sự cố định lân trong đất chua chủ yếu do tạo thành các hợp chất Fe, Al phosphate, đây chính là nguyên nhân cơ bản làm cho lượng lân dễ tiêu trong đất thường thấp. Theo Lê Văn Căn (1978), sự cố định lân thường xảy ra rất nhanh ở nồng độ lân thấp và tuỳ thuộc vào đặc tính của đất. Nhìn chung, đất có khả năng hấp phụ lân rất cao, có khoảng 80% lượng lân đưa vào được đất hấp phụ ở các nồng độ thấp dưới 100ppm. Theo Nguyễn Xuân Cự (2001), khi nồng độ dung dịch là 300ppm thì đất có khả năng hấp phụ khoảng 40% lượng lân đưa vào.  Kali tổng số Kali hiện diện với số lượng lớn trong hầu hết các loại đất. Hàm lượng lân của vỏ Trái Đất chỉ khoảng 0,11%, trái lại hàm lượng kali tổng số trong đất biến động rất lớn từ 4,29% đến nhỏ hơn 0,11%, với khoảng biến động thông thường là 0,3 đến 0,2% (Mutscher, 1951), và hàm lượng kali trung bình là 1,7% (Reitemeier, 1995). Theo Nguyễn Bảo vệ (2003) lượng phù sa bồi đắp hàng năm từ sông Cửu Long không làm gia tăng đáng kể độ phì của đất, kali chỉ tăng thêm 3,2 Kg/ha khi lớp phù sa bồi đắp dầy 1mm. Như vậy, lượng kali bổ sung hàng năm từ nguồn phù sa mang lại là không đáng kể so với lượng mất đi. Kali tổng số trong các loại đất ở ĐBSCL thường cao và quyết định bởi thành phần khóang sét. Đa số các loại đất đều có kali tổng số >1,5% và được đánh giá là khá và giàu. Đất các và đất xám có hàm lượng kali thấp (Ngô Ngọc Hưng và ctv, 2004).  Kali trao đổi Kali trao đổi là nguồn kali chính cho cây trồng trong đất. Các loại đất ĐBSCL có hàm lượng K trao đổi khá và lượng K này luôn được bù đắp bởi lượng K tổng số dồi dào trong đất (Ngô Ngọc Hưng và ctv, 2004). Kali là nguyên tố đa lượng rất quan trọng đối với sự sinh trưởng của cây trồng sau đạm và lân. Kali là chất duy nhất duy trì áp suất thẩm thấu của tế bào. Trong cây, nó giữ nhiều vai trò sinh lý quan trọng là chất hoạt hoá các enzyme, tham gia tổng hợp protein, vận chuyển carbohydrate...(Evans and Wildes, 1971). 3. ĐẤT LÚA NƯỚC 3.1. Đất lúa nước và các tầng phát sinh cơ bản của đất lúa nước Do bị ngập nước liên tục nên trong đất trồng lúa luôn xảy ra quá trình khử Oxy, dẫn đến lượng O2 trong đất giảm và lượng CO2 tăng cùng với các khí khác như CH4, H2S... là những chất có hại cho cây lúa. Đất lúa ngập liên tục nếu không luân canh cây trồng cạn sẽ làm giảm sút một số tính chất vật lý của đất như ảnh hưởng đến kết cấu đất, tính dẻo dính, tính liên kết, chế độ khí, chế độ nhiệt. Khi ngập nước, độ pH sẽ tăng dần do đất sản sinh ra các ion NH 4+, Mn2+, Fe2+, chính những ion này đã trung hoà bớt ion H+. Do thiếu oxy thành phần và tỷ lệ hệ sinh vật đất cũng thay đổi, chủ yếu là tồn tại các vi sinh vật yếm khí. Do vậy tốc độ phân huỷ chất hữu cơ trong đất xảy ra chậm. Khi đất ngập nước quá trình tích luỹ đạm dưới dạng NH4+ có ưu thế hơn, tăng cường hoà tan phosphate. Trong điều kiện yếm khí thường xảy ra quá trình nitrate hoá. Đạm dạng NO3- dễ chuyển thành đạm tự do N2 bay vào không khí làm mất đạm trong đất. Theo Nguyễn Thế Đặng và ctv (1999), trải qua quá trình canh tác trong điều kiện ngập nước đa số đất lúa nước có phân tầng rõ. Phẩu diện đặc trưng của đất lúa nước bao gồm các tầng như sau: Lớp oxy hoá Tầng canh tác -Ap Lớp khử Tầng đế cày- P Tầng tích tụ- B Tầng mẫu chất (có thể) Hình 1: Phẩu diện đất lúa nước 3.1.1. Tầng canh tác-Ap Là tầng trên cùng của phẩu diện, nó chịu sự tác động của con người mạnh mẽ nhất. Ap là tầng mà gần như toàn bộ hoạt động của rễ lúa tập trung thu hút chất dinh dưỡng. Vì vậy sự chuyển hóa vật chất của tầng này cũng như hoạt động của vi sinh vật là mạnh mẽ nhất. Khi đánh giá độ phì đất lúa nước người ta cũng chủ yếu dựa vào tầng canh tác. Tầng canh tác có hai lớp là: - Lớp oxy hóa, còn gọi là lớp bùn lỏng dày vài milimet, bao gồm các hạt co giãn rất nhỏ nên có thể kết thành váng khi cạn nước. Đây là lớp luôn ở trạng thái oxy hóa (Eh: 250-400mV). Vì vậy chất hữu cơ ở đây được phân giải mạnh. - Lớp khử oxy, còn gọi là lớp bùn nhão. Do bị ngập nước và chất hữu cơ phân giải trong điều kiện yếm khí nên Eh thấp (xung quanh 200mV). Sự phân hóa của tầng canh tác ra thành lớp oxy hóa và lớp khử ảnh hưởng đến trạng thái tồn tại của N. Nếu Đạm amôn được đưa vào lớp oxy hóa sẽ bị oxy hóa thành NO3 và sự rửa trôi NO-3 xuống lớp khử thiếu oxy sẽ xuất hiện quá trình phản ứng nitrat hóa làm mất N. Về màu sắc của tầng canh tác: Khi ngập nước thường có màu xám nâu và nâu. Người ta cũng có thể căn cứ vào màu sắc của tầng canh tác để xác định mức độ thuần thục của đất lúa. Tầng Ap có thể dày từ 8-20 cm (Nguyễn Thế Đặng và ctv, 1999). 3.1.2.Tầng đế cày-P Là tầng đất chặt dưới tầng canh tác. Tầng P dày khoảng 8-10 cm, được hình thành do quá trình trồng lúa lâu đời. Khi làm đất trong điều kiện ngập nước các hạt sét sẽ lắn xuống cộng với sức nén của công cụ làm đất và đi lại của gia súc và con người, nên ở độ sâu nhất định đã hình thành nên tầng đế cày. Quá trình trồng lúa nước càng lâu đời thì tầng đế cày càng rõ và mỏng dần đến ổn định khoảng 6-10 cm. Đối với đất lầy thụt, đất mới khai phá trồng lúa nước hoặc đất phù sa được bồi đắp thường xuyên có thể không có tầng đế cày. Sự hình thành tầng đề cày có ý nghĩa quan trọng đối với độ phì đất luá nước. Vì tầng đế cày ngăn cản sự thấm nước qua nhanh giúp đất giữ nước tốt, ngăn cản sự rửa trôi các chất dinh dưỡng ở tầng canh tác. Nhưng nếu tầng đế cày quá chặt thì nước thấm bị trở ngại, một số hợp chất sản sinh trong quá trình thu hút chất dinh dưỡng của rễ lúa bị tích động lại, làm thay đổi môi trường sống của vi sinh vật tầng canh tác, từ đó ảnh hưởng xấu đến sự hoạt động của bộ rễ lúa (Nguyễn Thế Đặng và ctv, 1999). 3.1.3.Tầng tích tụ-B Tầng tích tụ được hình thành do sự tích tụ các vật chất rửa trôi từ tầng trên xuống. Mùa sắc thường loang lổ đỏ, vàng, trắng, đen... do vệt rửa trôi Fe, Mn và sét. Độ dày của tầng tích tụ phụ thuộc vào thời gian canh tác lúa và mực nước ngầm cao hay thấp. Nếu canh tác lúa lâu đời và mực nước ngầm sâu thì tầng này sẽ dày và ngược lại. Tầng tích tụ quan hệ đến độ phì của đất lúa nước thể hiện ở độ dày và khả năng tích lũy vật chất: Càng dày càng dẻo thì mức độ thuần thục của đất lúa nước càng cao (ngoại trừ đất lầy thụt) (Nguyễn Thế Đặng và ctv, 1999). 3.1.5. Tầng mẩu chất Chỉ có với đất biến đổi do trồng lúa nước hoặc đất mới khai phá. Tầng này liên quan không lớn đối với độ phì khi trải qua canh tác lâu dài (Nguyễn Thế Đặng và ctv, 1999). 3.2. Một số đặc tính đất lúa nước 3.2.1. Thành phần cơ giới Trong điều kiện có nước, cây lúa có thể sinh trưởng phát triển trên các loại đất có thành phần cơ giới khác nhau, nhưng thành phần cơ giới thích hợp nhất cho lúa nước là thịt (có thể thịt trung bình, thịt nhẹ, thịt nặng). Vì vậy lúa nước cần đất có tính giữ nước nhưng cũng cần có tính thấm nước nhất định. Một số kết quả nghiên cứu của Trung Quốc cho thấy lớp bùn lỏng (oxy hóa) chủ yếu là sét, còn lớp bùn nhão (khử) thì ít sét hơn. Như vậy bất kỳ nột loại đất lúa nước nào và có thành phần cơ giới thế nào thì lớp bùn lỏng đều có thành phần cơ giới nặng hơn. Các tổng kết về đất lúa nước có năng suất cao thì tỉ lệ cát/bùn là 3/7-4/6. Đất lúa tốt ở Thái Lan có 48% thịt và 27% sét, còn ở Ý thì lại thấy có 90% sét vật lý là cho năng suất lúa cao. Tuy nhiên trong thực tế người ta vẫn có thể đạt năng suất lúa cao trên đất cát, trong điều kiện thâm canh tốt (Nguyễn Thế Đặng và ctv, 1999). 3.2.2. Kết cấu đất Trong quá trình canh tác ở điều kiện ngập nước các hạt kết lớn sẽ bị phá vỡ thành hạt kết bé có kích thước 0,25 -0,005mm. Nếu đất lúa có kết cấu tốt thì dù hạt kết bị phá vỡ mạnh thì phần lớn cũng dừng lại ở kích thước vi hạt kết chứ không thể phá vỡ đến kích thước hạt đơn. Vì thế khi đánh giá kết cấu đất lúa nước người ta thường căn cứ vào tỉ lệ hạt kết. Các tác giả Trung Quốc cho rằng đất lúa tốt thường chứa trung bình 20 - 27% vi hạt kết (Nguyễn Thế Đặng và ctv, 1999). 3.2.3. Tính thấm nước Đất lúa cần có tính thấm nước tốt nhưng cũng cần có tính thấm để đổi mới hoàn cảnh dinh dưỡng cho tầng canh tác. Như vậy độ chặt của tầng đế cày có vị trí rất quan trọng, nếu tầng đế cày quá chặt thì đất bị bí, nếu quá xốp thì thấm nước nhanh mất nước, trôi mất dinh dưỡng. Theo tài liệu nghiên cứu thì tại Nhật Bản tốc độ thấm nước ở ruộng lúa năng suất cao là 2,3-2,5cm/ngày. Còn ở Trung Quốc nghiên cứu tốc độ thấm nước đất lúa là 1,3-1,5cm/ngày. Ở Việt Nam Một số tác giả cho rằng 2-3cm/ngày là tốt nhất (Nguyễn Thế Đặng và ctv, 1999). 3.2.4. Trạng thái pH và các chất dinh dưỡng Cây lúa nước có thể sinh trưởng trong môi trường pH biến động từ 4-9, sinh trưởng bình thường ở pH =5-8, nhưng sinh trưởng thích hợp nhất ở pH =6-7. Ở Việt Nam pH xung quanh 5,9 cho năng suất cao nhất. Đáng lưu ý là khi Eh giảm thì pH, lân dễ tiêu, NH4+, tăng lên ở đất chua. Tuy nhiên quan hệ giữa pH đất và lân dễ tiêu là một vấn đề khá phức tạp, nhiều kết quả nghiên cứu sơ bộ kết luận khi pH từ 5,5-6,5 lân sẽ giải phóng nhiều nhất còn nếu thấp hơn hoặc cao hơn đều bị cố định khá nhiều. Kali trong đất lúa, khi mà việc cung cấp N và P chưa cao thì vai trò của nó bị mờ nhạt. Nhưng khi bón đầy đủ N và P cho lúa nhiều năm thì Kali bị thiếu và trở thành yếu tố hạn chế năng suất lúa (Nguyễn Thế Đặng và ctv, 1999). 4. CÁC NHÓM ĐẤT NGHIÊN CỨU (ĐẤT PHÙ SA NHIỂM MẶN) Đất phù sa diện tích khoảng 3,4 triệu ha, tập trung chủ yếu Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), được hình thành và bồi đắp bởi phù sa của hệ thống sông lớn. Đây là loại đất tương đối màu mỡ, thành phần chất dinh dưỡng đầy đủ, nước chủ động, phản ứng trung tính ít chua. Thích hợp với nhiều loại cây trồng như lúa, rau, màu, cây ăn quả. Đây cũng là vùng đất trọng điểm lúa của cả nước. Sự phân hoá các loại hình khác nhau của đất phù sa nhiễm mặn dựa trên cơ sở mức độ ảnh hưởng mặn. Dựa vào chỉ tiêu hoá học như: EC (độ dẫn điện), SAR (tỉ số natri hấp thụ), ESP (phần trăm Natri trao đổi) và hàm lượng các muối hoà tan trong đất, có thể phân thành các loại đất khác nhau như đất nhiễm mặn thường xuyên, đất nhiễm mặn cục bộ, hoặc các loại đất mặn khác. Riêng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, trị số EC được dùng làm chỉ tiêu để xác định tầng chẩn đoán salic. Nếu trị số EC > 15mmhos.cm- trong tầng 0 -50 cm cho thấy đây là nhóm đất mặn thường xuyên, nếu EC > 15mmhos.cm- ở độ sâu 50-100 cm cho nhóm đất mặn cục bộ. Phần lớn nhóm đất mặn phân bố dọc theo đường vòng cung (Rạch Giá đi Hà Tiên, Bán đảo Cà Mau và vùng ven biển các tỉnh: Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre và Tiền Giang) bao gồm các loại đất: Typic Tropaquepts salic, Typic Humaquepts salic, Aeric Humaquepts salic, Fluventic Ustroquepts salic. Đất chủ yếu hình thành và phát triển trên các đầm mặn cổ, đồng thuỷ triều thuộc hệ ven biển hoặc trầm tích giữa sông. Địa hình thay đổi từ trung bình đến hơi cao biến động từ 1-1,5 m. Nhìn chung đây là nhóm đất đang phát triển đã hình thành các tầng rõ rệt. Độ phì nhiêu trung bình - khá, lân dễ tiêu và kali tổng số khá, đạm trung bình, phản ứng đất trung tính (Trần Kim Tính, 2003). 4.1. Nhóm đất Fluventic salic (đất phù sa nâu phát triển mạnh, nhiễm mặn) Theo Trần Kim Tính (2003), nhóm đất Fluventic salic thuộc bộ phụ Tropepts là những Inceptisols thoát nước tốt của vùng ẩm ướt, chênh lệch nhiệt độ đất ở độ sâu 50 cm giữa tháng lạnh nhất và ẩm nhất, không quá 50C. Một nhóm lớn được tìm thấy là:  Nhóm lớn Ustropepts Ustropepts là tropepts giàu base, thường gặp ở vùng có mùa khô phân biệt. Tiêu chuẩn để phân loại Tropepts là chế độ ẩm của đất là Ustic và có chế độ bảo hòa base bằng hoặc trên 50 % trong tất cả các tầng giữa độ sâu 25cm và 100cm. Có hai nhóm phụ: - Nhóm phụ Typic Ustropepts: là Ustropepts không có đốm, có chroma bằng hoặc nhỏ hơn 2 trong vòng 1 mét . - Nhóm phụ Fluventic Ustropepts: là Ustropepts có chất hữu cơ trên 0,2 % đến độ sâu 1,25 m. Nhóm đất Fluventic salic thuộc nhóm phụ Fluventic Ustropepts nhưng được hình thành trong điều kiện có mặn. 4.2. Nhóm đất Tropaquepts salic (đất phù sa đang phát triển điển hình, nhiễm mặn) Theo Trần Kim Tính (2003), Nhóm đất Tropaquepts salic thuộc bộ phụ Aquepts là những Inceptisols bị bão hòa nước ít nhất một phần trong năm, hoặc hàm lượng Natri cao trong 50 cm lớp đất mặt, hoặc có màu xám và đốm rỉ đỏ ngập nước từng thời kỳ. Tiêu chuẩn để phân loại Aquepts là đất có chế độ ẩm aquic, hoặc được thoát thủy nhân tạo và có một trong những đặc tính: - Có tầng Histic. - Có tầng Sulfuric mà giới hạn trên nằm trong vòng 50 cm lớp mặt. - Có tầng Umbric hoặc Mollic và Chroma của tầng nằm dưới tiếp theo đó hoặc ở độ sâu nhỏ hơn 50cm bằng hoặc nhỏ hơn 1 nếu không có đốm, hoặc là < 2 nếu có đốm rỉ. - Có tầng Uchric, và dưới đó là tầng Cambric ở độ sâu 50 cm có chroma là 1 hoặc nhỏ hơn nếu không có đốm, hoặc là 2 nếu có đốm . Có ba nhóm lớn được tìm thấy  Nhóm lớn Sulfaquepts Đó là đất phèn nó trở nên rất chua ở tầng mặt sau khi bị thoát thủy và oxy hóa. Tiêu chuẩn phân loại Sulfaquepts là tầng sulfuric mà giới hạn trên nằm trong vòng 50 cm. Có hai nhóm phụ: - Nhóm phụ Typic sulfaquepts: là sulfaquepts không tầng Histic trên mặt. - Nhóm phụ Histic sulfaquepts: là Sulfaquepts có tầng Histic trên mặt .  Nhóm lớn Tropaquepts Là Aquepts ở vùng ấm áp liên tục, có màu xám ở tầng mặt và có đốm rỉ ở tầng dưới sâu. Mức thủy cấp dao động theo mùa nhưng thường cao quanh năm. Tiêu chuẩn phân loại là sự khác biệt nhiệt độ bình quân của đất ở độ sâu 50cm giữa mùa hè và mùa đông dưới 5oC có 4 nhóm phụ: - Nhóm phụ typic Tropaquepts: là Tropaquepts có màu nền của tầng đất ở độ sâu 20 đến 50cm có một trong những điểm sau:  Chroma bằng hoặc nhỏ hơn 1, dù có đốm hay không.  Chroma bằng hoặc nhỏ hơn 2, nếu Hue vàng hơn 2,5Y.  Chroma bằng hoặc nhỏ hơn 2, và value trên 5, nếu Hue đỏ hơn 2,5Y. - Nhóm phụ Aeric Tropaquepts: là Tropaquepts không đạt qui định màu sắc như ở typic Tropaquepts. - Nhóm phụ Sulfic Tropaquepts: là trpaquepts có tầng Sulfuric xuất hiện ở độ sâu từ 50-100cm. - Nhóm phụ Pale Sulfic Tropaquepts: là Tropaquepts có tầng sulfic xuất hiện ở độ sâu từ 100-150cm. Nhóm đất Tropaquepts salic thuộc nhóm lớn Tropaquepts nhưng được hình thành trong điều kiện có mặn.  Nhóm lớn Humaquepts Là Aquepts có tầng mặt gần như đen hoặc than bùn, rất ướt, chua. Nếu không được thoát nước, hầu hết đất này đều bị ngập nước một thời gian trong năm chúng hầu hết ở thời kỳ trầm tích Holocen hoặc Pleistocene muộn. Tiêu chuẩn phân loại là những Aquepts có tầng Umbric, Mollic hoặc Histic có 4 nhóm phụ: - Nhóm phụ Typic Humaquepts: là những Humaquepts có màu nền của tầng đất ở độ sâu từ 20 đến 50cm có một trong những đặc tính sau:  Chroma bằng hoặc nhỏ hơn 1, dù có đốm hay không .  Chroma bằng hoặc nhỏ hơn 2, nếu Hue vàng hơn 2,5Y.  Chroma bằng hoặc nhỏ hơn 2 và value trên 5, nếu Hue đỏ hơn 2,5Y. - Nhóm phụ Aeric Humaquepts: là Humaquepts không đạt qui định màu như Typic. - Nhóm phụ Sulfic Humaquepts: là Humaquepts có tầng sulfuric xuất hiện ở độ sâu từ 50-100cm. - Nhóm phụ Pale Sulfic Humaquepts: là Humaquepts có tầng sulfuric xuất hiện ở độ sâu từ 100-150cm. 5. THỰC TRẠNG ĐỘ PHÌ NHIÊU ĐẤT ĐBSCL VÀ ẢNH HƯỞNG CỦA THÂM CANH LÚA ĐẾN GIẢM ĐỘ PHÌ 5.1. Thực trạng Theo Võ Tòng Xuân (1997), hội nghi tư vấn FAO về lương thực lâu bền tại Bangkok vào cuối tháng 10 năm 1996 vừa qua cho thấy tốc độ tổng gộp tăng trưởng về sản lượng và năng suất lúa của Châu Á đã giảm từ 2,6 % trong những năm 1960 xuống 1,5% trong những năm cuối thập kỷ 1990, chậm hơn tỷ lệ tăng dân số Á Châu. Những nguyên nhân liên quan đến tài nguyên đất ảnh hưởng đến sự giảm sản lượng lúa có thể được bao gồm các nguyên nhân như: - Sự thoái hóa đất: ngập úng, mặn hóa, axit hóa, xói mòn.
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan

Tài liệu vừa đăng