Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Luật hiến pháp...

Tài liệu Luật hiến pháp

.DOCX
10
262
88

Mô tả:

CÁC NHÓM QUYỀN VỀ CHÍNH TRỊ CỦA CÔNG DÂN
A. LỜI NÓI ĐẦU Cách mạng tư sản đã đứng ra với nhiệm vụ thay đổi xã hội phong kiến và nhà nước phong kiến, chấm dứt hiện tượng quyền lực vô hạn của nhà nước mà nhà vua lúc đấy là đại diện. Cùng với đòi hỏi lớn lao này là đòi hỏi chấm dứt một xã hội mà đại bộ phần dân cư tạo nên xã hội không có quyền hạn mà chỉ gánh vác nghĩa vụ. Với việc đòi hỏi đó đã xuất hiện một văn bản nhằm hạn chế quyền lực của nhà vua. Đó là hiến pháp. Hiến pháp bên cạnh việc hạn chế quyền lực của nhà nước đồng thời cũng khẳng định quyền lực của nhà nước xuất phát từ nhân dân. Sự hạn chế quyền lực của nhà vua cũng chính là nhằm mục đích khẳng định quyền con người trong lĩnh vực chính trị. Để tìm hiểu sâu hơn về quyền chính trị của con người trong hiến pháp Việt Nam, em đã chọn đề tài: “Phân tích các nhóm quyền về chính trị của công dân theo Hiến pháp năm 2013”. Bài làm của em không tránh khỏi sai sót, em kính mong các thầy cô giáo đóng góp ý kiến để bài làm của mình được hoàn thiện hơn. Em xin chân thành cảm ơn! B. NỘI DUNG I. LÍ LUẬN VỀ CÁC NHÓM QUYỀN CHÍNH TRỊ CỦA CÔNG DÂN 1. Khái quát về quyền con người Quyền con người là khả năng mà nhà nước phải thừa nhận cho mỗi cá nhân trong xã hội bao gồm: quyền được sống, quyền tự do, quyền được mưu cầu hạnh phúc, quyền được tham gia vào mọi sinh hoạt của xã hội với tư cách là một thành viên của cộng đồng xã hội; và được nhà nước đảm bảo thực hiện theo hiến pháp, pháp luật. Quyền con người được thế giới thừa nhận, bảo vệ và được tuyên bố trong nhiều văn kiện pháp lí quốc tế. Dựa vào đó, quyền con người được phân chia thành các nhóm: Các nhóm quyền dân sự, chính trị; các nhóm quyền kinh tế, văn hóa, xã hội. Hiến pháp 2013 khẳng định quyền con người là quyền tự nhiên, Nhà nước phải thừa nhận, tôn trọng và cam kết bảo đảm, bảo vệ quyền con người đúng như những công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. 1 2. Khái quát về quyền chính trị của công dân Cho đến nay có nhiều quan niệm và cách hiểu khác nhau về quyền chính trị. Ta có thể hiểu một cách đơn giản, các quyền chính trị là các quyền của cá nhân được tham gia một cách trực tiếp và gián tiếp vào công việc của Nhà nước và xã hội, bao gồm cả việc thành lập và quản lý nhà nước. Mức độ thực hiện các quyền chính trị bao giờ cũng kèm theo những giới hạn nhất định, như: vì lý do an ninh quốc gia, quyền và tự do của người khác,...Với cách hiểu này, nội hàm khái niệm quyền chính trị của công dân chỉ chủ yếu đề cập tới quyền về bầu cử để lựa chọn ra người thay mặt mình nắm giữ và thực thi quyền lực nhà nước và chọn vào bộ máy thực thi quyền lực nhà nước. Hiện nay, do sự phát triển của dân chủ, nội hàm khái niệm quyền chính trị ngày càng được mở rộng, bao gồm cả việc tham gia với Nhà nước quyết định các vấn đề chính trị, trọng đại của đất nước. Ngoài ra, quyền chính trị còn có thể được mở rộng và có liên quan tới một loạt các quyền về tự do dân chủ của cá nhân, công dân. Đó là quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do lập hội, hội họp, tự do biểu tình, tự do khiếu nại, tố cáo; tự do tín ngưỡng và tôn giáo,... II. CÁC NHÓM QUYỀN CHÍNH TRỊ CỦA CÔNG DÂN TRONG HIẾN PHÁP 2013 Quyền con người của công dân trong đó có quyền chính trị đã được đưa lên đứng thứ hai ngay sau chương chế độ chính trị trong Hiến pháp năm 2013 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Điều đó cho thấy Nhà nước ta đã quan tâm, nhìn nhận đúng đắn về quyền con người, quyền chính trị của công dân Việt Nam; từ đó ghi nhận trong hiến pháp và đảm bảo thực hiện các quyền đó bằng hệ thống pháp luật. Quyền chính trị của công dân trong hiến pháp 2013 bao gồm: 1. Quyền tham gia công việc quản lý nhà nước và xã hội: Quyền này được quy định tại khoản 1 điều 28 Hiến pháp 2013. Công dân có quyền tham gia quản lí nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với các 2 cơ quan nhà nước các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước. Theo khoản 2 điều 28, Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lí nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân. Quyền tham gia quản lí nhà nước và xã hội là một trong những quyền chính trị quan trọng nhất của công dân, đảm bảo cho công dân thực hiện quyền làm chủ Nhà nước, làm chủ xã hội, thực hiện phương châm mọi công việc của Nhà nước, của xã hội “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Quyền tham gia vào quản lí nhà nước và xã hội của công dân được thể hiện bằng nhiều hình thức khác nhau: Quyền bầu cử, ứng cử vào các cơ quan quyền lực nhà nước; đóng góp ý kiến xây dựng phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục v.v. của đất nước; tham gia đóng góp ý kiến xây dựng Hiến pháp và pháp luật; tham gia kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội. 2. Quyền bầu cử, ứng cử vào các cơ quan quyền lực nhà nước: Các quyền này được quy định tại Điều 27, 29 Hiến pháp năm 2013. Theo đó, công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp. Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội. Công dân đủ 18 tuổi trở lên có quyền biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân. Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện. Theo quy định của pháp luật, quyền bầu cử được hiểu là công dân có quyền được lựa chọn để bầu người xứng đáng, đại diện cho mình ở các cơ quan quyền lực Nhà nước mà không bị bất kỳ sự cản trở nào. Quyền bầu cử bao gồm: quyền giới thiệu người ứng cử (đề cử), quyền tham gia các hoạt động bầu cử và quyền bỏ phiếu bầu. Quyền ứng cử là quyền của công dân tự thấy mình có đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật, có điều kiện và nguyện vọng đóng góp trí tuệ cho đất nước thì nộp hồ sơ cho tổ chức phụ trách bầu cử để được xem xét đưa vào danh sách hiệp thương. 3 Quyền bầu cử và ứng cử vào các cơ quan quyền lực của nhà nước là một quyền chính trị cực kì quan trọng của công dân. Nhờ quyền bầu cử mà các công dân có thể lựa chọn những người ưu tú nhất, đại diện chi ý chí, nguyện vọng, và quyền lợi của mình vào các cơ quan quyền lực nhà nước, giải quyết những vấn đề quan trọng nhất của đất nước. Chính ở quyền này nhân dân lao động thực hiện quyền lực của mình, thực hiện quyền làm chủ đất nước, làm chủ xã hội của mình. Theo điều 27 Hiến pháp 2013, công dân đủ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử, đủ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp. Việc thực hiện các quyền này do luật định. Quyền bầu cử của công dân được thực hiện với nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín, thể hiện chế độ dân chủ rộng rãi của Nhà nước xã hội chủ nghĩa, tạo điều kiện cho nhân dân lao động thực hiện quyền làm chủ Nhà nước và xã hội. Quyền bầu cử và ứng cử là những quyền cơ bản của công dân đã được Hiến pháp quy định, do đó về nguyên tắc phải được tuyệt đối tôn trọng. 3. Quyền khiếu nại, tố cáo: Theo điều 30 Hiến pháp 2013 công dân Việt Nam có quyền khiếu nại, tố cáo. Khoản 1 điều 30 quy định: “Mọi người có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân”. Còn ở khoản 2 điều 30 “Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Người bị thiệt hại có quyền được bồi thường về vật chất và phục hồi danh dự theo quy định của pháp luật”; khoản 3 điều 30 “Nghiêm cấm việc trả thù người khiếu nại, tố cáo hoặc lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để vu khống, vu cáo làm hại người khác”. Về cơ bản điều 30 Hiến pháp 2013 là sự ghi nhận lại điều 74 Hiến pháp 1992 bằng quy phạm pháp uật có hiệu lực pháp lí cao nhất đảm cho các công dân được thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo và buộc các cơ quan nhà nước, các nhà chức trách phải xem xét và giải quyết kịp thời. Đồng thời Hiến pháp 2013 đã có bước 4 phát triển mới khi coi quyền này không những là quyền của công dân mà là quyền của con người khi thay thế thuật ngữ “công dân có quyền” bằng thuật ngữ “mọi người có quyền. Hiến pháp không những nghiêm cấm việc trả thù người khiếu nại, tố cáo mà đồng thời còn nghiêm cấm việc lợi dụng quyền khiếu nại tố cáo để vu khống, vu cáo làm hại người khác. Đây là sự kế thừa quy định của Hiến pháp 1992. Thực tế cho thấy rằng việc vu khống, vu cáo người khác là một hành vi nguy hiểm cho xã hội, làm tổn thất danh dự, nhân phẩm và cuộc sống bình thường của con người và công dân. 4. Quyền tự do ngôn luận, báo chí; quyền tiếp cận thông tin, quyền hội họp, lập hội, biểu tình Theo Điều 25 Hiến pháp năm 2013, công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin. Nếu như Hiến pháp 1992 chỉ quy định “Công dân có quyền được thông tin” (Điều 69), thì Hiến pháp năm 2013 tại Điều 25 đã thay chữ “được thông tin” bằng cụm từ “tiếp cận thông tin”. Quyền tiếp cận thông tin được hiểu là quyền được nhận tin và truyền tin theo quy định của pháp luật. Nhờ quyền tiếp cận thông tin, mọi công dân có thể tiếp cận thông tin, cả về các quyền thực định cũng như về hoạt động tư pháp, để thụ hưởng đầy đủ và bảo vệ các quyền của mình theo Hiến pháp và pháp luật. “Tự do ngôn luận” và “tự do báo chí” là sự phát biểu, tiếp nhận thông tin, tuyên truyền thông tin, bày tỏ chính kiến, giữ quan điểm của bản thân mà không bị hạn chế, cấm đoán. Tự do ngôn luận, tự do báo chí là những quyền tự do dân chủ, người dân được tự do về lời nói, thông tin, có quyền đưa ra những ý kiến của mình mà không chịu bất kỳ sự ràng buộc nào, có thể là những nhận xét, phán xét về các cơ quan nhà nước, có thể là những câu nói, những bài báo viết về các lĩnh vực … Tự do ngôn luận, tự do báo chí là quyền chính trị bởi việc phát ngôn không chỉ là giữa những cá nhân với cá nhân mà còn là việc đưa ra quan điểm về các hoạt động của bộ máy nhà nước, góp ý kiến vào chính sách của nhà nước...Biểu hiện ở chỗ 5 người dân có thể thông qua những người đại diện để chất vấn những đại biểu trong quốc hội, người dân có quyền nhận xét, đưa ra ý kiến của mình về việc thực thi các văn bản pháp luật,… Tuy nhiên, xét trên khía cạnh áp dụng vào thực tế thì không phải tự do ngôn luận, tự do báo chí là muốn nói gì thì nói, muốn viết gì thì viết mà tự do ngôn luận, tự do báo chí bị hạn chế khi nó trái với các quyền và gí trị khác. Cụ thẻ như các hành vi trái với thuần phong mỹ tục, hạ thấp danh dự người khác, … 5. Quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo: Điều 24, Hiến pháp năm 2013 quy định: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”. Ở đây dùng khái niệm “Mọi người” chứ không phải là “công dân” như các bản Hiến pháp trước. Bản chất của vấn đề đã có sự thay đổi căn bản, điều đó thể hiện chính xác quyền con người đối với vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo. Khái niệm “Công dân” là thể hiện mối quan hệ giữa người dân với Nhà nước, với thể chế Chính trị. Nhà nước ta là Nhà nước thế tục, nghĩa là Nhà nước phi tôn giáo, khẳng định quyền tự do tôn giáo và nguyên tắc tách biệt giữa Nhà nước và Giáo hội, không can thiệp vào công việc nội bộ của các tôn giáo. Vì thế, khi ghi nhận “Mọi người” sẽ bao trùm rộng hơn so với “công dân” vì trong thực tế không phải ai cũng có quyền công dân. Ví dụ, một người tù, mặc dù đã mất quyền công dân nhưng vẫn có quyền tự do thờ phụng, thực hành tôn giáo của mình… Việc ghi nhận “Mọi người” có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo có ý nghĩa to lớn trong sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc và trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tự do tín ngưỡng, tôn giáo là một nguyên tắc ủng hộ quyền tự do của cá nhân, cộng đồng trong việc bí mật hay công khai thờ phụng một tôn giáo hay tín ngưỡng. 6 Mọi người đều có quyền lựa chọn theo một tôn giáo nào đó, có quyền thay đổi tôn giáo hoặc không theo bất kỳ một tôn giáo nào cả. Mọi người có quyền tự do hoạt động tín ngưỡng như thờ cúng tổ tiên, thần thánh, hoạt động tín ngưỡng dân gian, các tổ chức tôn giáo. Mọi người thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo nhưng không cản trở việc thực hiện nghĩa vụ công dân với tổ quốc, hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo phải theo đúng quy định của pháp luật, không được lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để tuyên truyền tà đạo, hoạt động mê tín dị đoan. Đây là một trong những quyền cơ bản của con người cần được bảo vệ không chỉ trong hiến pháp, pháp luật mà cả trong thực tiễn cuộc sống. Người có tín ngưỡng, tôn giáo và người không có tín ngưỡng, tôn giáo phải tôn trọng lẫn nhau, không ai được xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhau. Không ai có quyền bắt người khác từ bỏ tín ngưỡng, tôn giáo họ đang theo hoặc bắt người khác theo tín ngưỡng, tôn giáo nào đó. Tín đồ và chức sắc các tôn giáo không lôi kéo, công kích, chống đối lẫn nhau. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật, Nhà nước không phân biệt, đối xử đối với một tôn giáo nào. Người có tín ngưỡng và người không có tín ngưỡng đều bình đẳng như nhau trước pháp luật, đều có nghĩa vụ và trách nhiệm xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân được nhà nước đảm bảo bằng pháp luật. III. NGUYÊN TẮC XÁC LẬP VÀ ĐẶC ĐIỂM CÁC NHÓM QUYỀN CHÍNH TRỊ CỦA CÔNG DÂN VIỆT NAM THEO HIẾN PHÁP 2013 Qua Hiến pháp 2013, chúng ta có thể thấy việc xác lập những quyền của công dân luôn luôn thực hiện trên những nguyên tắc nhất định, phù hợp với bản chất và mục tiêu của chế độ chính trị - xã hội XHCN, trong đó nhân dân lao động đã trở thành những người làm chủ Nhà nước, làm chủ xã hội, làm chủ bản thân dưới sự lãnh đạo của Đảng và được sự quản lí của nhà nước bằng pháp luật. Quyền con người trong đó có quyền chính trị của công dân trong Hiến pháp 2013 đã được đưa 7 lên thứ hai ngay sau chương chế độ chính trị. Có năm nguyên tắc xác lập quyền chính trị của công dân: Nguyên tắc tôn trọng quyền con người về chính trị; nguyên tắc nhân dân là chủ thể của quyền lực nhà nước và tham gia quản lí nhà nước; nguyên tắc quyền của công dân không tách rời nghĩa vụ của công dân về chính trị; nguyên tắc mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật khi thực hiện các quyền chính trị của mình; nguyên tắc đảm bảo tính hiện thực của các quyền về chính trị của công dân. Các quyền của công dân được ghi nhận trong Hiến pháp 2013 đều có đặc điểm chung là được xác lập, thực hiện và phát triển phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tế về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Do đó, chúng luôn phản ánh được bản chất của chế độ chính trị - xã hội và trình độ phát triển của xã hội, chế độ nhân dân lao động làm chủ nhà nước, làm chủ xã hội, làm chủ bản thân mình và của xã hội nói chung trong xu thế đổi mới và hội nhập quốc tế hiện nay ở nước ta. Một số đặc điểm cơ bản của các nhóm quyền của công dân về chính trị như sau: Quyền chính trị của công dân được xác lập trên cơ sở các quyền dân tộc cơ bản là độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, tự do, dân chủ, bình đẳng và đặc biệt là quyền làm chủ nhà nước của công dân. Quyền chính trị của công dân xuất phát từ nhiệm vụ chính trị cụ thể trong giai đoạn hội nhập. Quyền chính trị của công dân được xác lập đồng thời với quyền dân sự, văn hóa, xã hội tạo thành thể thống nhất. C. KẾT LUẬN Hiến pháp 2013 cho thấy thái độ cũng như chính sách dân chủ của Nhà nước ta đối với nhóm quyền chính trị của công dân trong thời kỳ đất nước đổi mới và hội nhập sâu với thế giới; coi đó là một nhu cầu và là một quyền tất yếu của người dân cần phải được tôn trọng, bảo vệ và tạo điều kiện để họ thực hiện tốt nhất quyền đó. Thực hiện tốt quyền chính trị của công dân có ý nghĩa rất lớn trong việc thực hiện sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc vì mục tiêu chung là phát triển và bảo vệ Tổ 8 quốc. Nhóm quyền về chính trị của công dân trong Hiến pháp 2013 đã thể hiện được tính dân chủ, công bằng, tiến bộ, đảm bảo quyền lợi lâu dài cho nhân dân. DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Giáo trình Luật Hiến pháp Việt Nam, Trường Đại học Luật Hà Nội, Nxb. CAND 2014 2. Hiến Pháp năm 2013 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nxb Lao động 3. Những quyền hiến định của công dân Việt Nam, Nguyễn Văn Động, Nxb. Tư pháp 4. Giáo trình Lí luận Nhà nước và pháp luật, Trường Đại học Luật Hà Nội, Nxb. Tư pháp 2014 5. http://tapchiqptd.vn/vi/van-de-su-kien/quyen-dan-su-va-chinh-tri-trong-hienphap-nuoc-cong-hoa-xa-hoi-chu-nghia-viet-nam-nam-2013/4677.html 6. http://dbndnghean.vn/hdnd/default/explorer/news/1163?folder_id=66 7. http://m.baodaknong.org.vn/hien-phap-2013/quyen-bau-cu-va-ung-cu-lanhung-quyen-chinh-tri-co-ban-cua-cong-dan-40960.html 8. http://btgcp.gov.vn/Plus.aspx/vi/News/38/0/240/0/4881/Quyen_tu_do_tin_n guong_ton_giao_trong_Hien_phap_Viet_Nam 9. http://tapchiqptd.vn/zh/an-pham-tap-chi-in/ve-quyen-tu-do-ngon-luan-tu-dobao-chi-trong-thoi-ky-doi-moi-o-nuoc-ta/2121.html 9 10
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan