Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ HỘI ĐỒNG NIÊN VÀ NHỮNG BIẾN ĐỔI KHUÔN MẪU VĂN HÓA Ở NÔNG THÔN...

Tài liệu HỘI ĐỒNG NIÊN VÀ NHỮNG BIẾN ĐỔI KHUÔN MẪU VĂN HÓA Ở NÔNG THÔN

.PDF
10
256
62

Mô tả:

HỘI ĐỒNG NIÊN VÀ NHỮNG BIẾN ĐỔI KHUÔN MẪU VĂN HÓA Ở NÔNG THÔN
HỘI ĐỒNG NIÊN VÀ NHỮNG BIẾN ĐỔI KHUÔN MẪU VĂN HÓA Ở NÔNG THÔN Trong lịch sử, các tổ chức phi quan phương như giáp, phường, hội... là một phần cấu thành của cơ cấu tổ chức làng xã. Các tổ chức này không chỉ thể hiện các chiều cạnh quan hệ xã hội khác nhau của người nông dân mà còn là những cầu nối giữa các cá nhân với cộng đồng, là nơi truyền tải các giá trị và chuẩn mực, điều chỉnh những hành vi ứng xử của con người. Chính vì vậy, cho đến nay, việc nghiên cứu về các loại hình tổ chức này đã thu hút được sự quan tâm của các học giả trong và ngoài nước. So với các loại hình tổ chức xã hội khác như giáp, hội tư văn, phường… Hội đồng niên (HĐN) ít được nhắc đến trong các nghiên cứu về cơ cấu tổ chức truyền thống của các làng xã Bắc Bộ. Việc mô tả HĐN chỉ dừng lại ở khía cạnh cơ cấu tổ chức và nguyên tắc hoạt động của nó. Việc thiếu hụt các nghiên cứu, phân tích sâu về HĐN xuất phát từ vai trò và ý nghĩa mờ nhạt của tổ chức này trong đời sống xã hội của các làng xã truyền thống cũng như sự vắng bóng của nó trong suốt một thời gian dài ở các làng xã Bắc Bộ kể từ sau Cách mạng tháng Tám. Một vài thập niên trở lại đây, làng xã Bắc Bộ chứng kiến quá trình phục hồi các truyền thống văn hóa và tái lập cơ cấu xã hội phi quan phương. Trong số các tổ chức phi quan phương được phục hồi hiện nay, HĐN, tổ chức của những người nam giới có cùng năm sinh trong một làng, được coi là một nhân tố nổi bật. Tổ chức này có mặt tại nhiều làng xã nông thôn vùng châu thổ Bắc Bộ và thu hút một bộ phận đông đảo người dân tham gia. Sự hồi quang của các HĐN đã thu hút sự chú ý của một bộ phận các nhà nghiên cứu quan tâm đến sự biến đổi của làng xã đương đại. Thông qua việc nghiên cứu các HĐN (1), chúng tôi muốn tìm hiểu sâu về quá trình vận dụng các yếu tố truyền thống vào đời sống đương đại của người dân làng xã hiện nay với các câu hỏi chính như: trong bối cảnh đương đại, vai trò và các khuôn mẫu của các tổ chức này thay đổi như thế nào so với quá khứ; đâu là những yếu tố của truyền thống được bảo lưu và những yếu tố mới được bổ sung, mối quan hệ giữa các yếu tố cũ và mới đó thể hiện những xu hướng biến đổi gì ở nông thôn hiện nay? 1. Hội đồng niên, quy ước và vai trò 1 You created this PDF from an application that is not licensed to print to novaPDF printer (http://www.novapdf.com) HĐN là tổ chức dựa trên hai tiêu chí chính là giới tính và lứa tuổi, là hình thức tập hợp các nam giới có cùng năm sinh. HĐN đã từng hiện diện từ rất lâu trong quá khứ tại Quan Đình. Sau một thời gian dài bị đứt đoạn, các HĐN ở Quan Đình bắt đầu nhóm họp trở lại vào khoảng năm 1991. Sự phục hồi của các HĐN gắn liền với việc phục dựng lại lễ hội và ngôi đình làng (2). Trên cơ sở tự nguyện, mỗi thành viên nam của làng sẽ chọn cho mình một HĐN để tham gia. Theo nguyên tắc lớp tuổi, những nam giới sinh cùng một năm trong cả làng sẽ cùng tham gia vào một HĐN (2). Tuy vậy, nguyên tắc cơ bản trên mới chỉ là điểm khởi đầu để xác định tư cách thành viên của một nhóm. Để vận hành nó, người ta còn cần đến những quy định cụ thể để ràng buộc các thành viên với nhau. Quy ước của các HĐN ra đời là sự thể chế hóa các quy định đó. Các HĐN đều xây dựng cho mình những quy ước chung được gọi là quy chế hoạt động. Ban đầu, khi mới thành lập, hầu hết các HĐN đều có quy chế được ghi chép lại thành văn bản và được chuyển giao cho các trưởng hội của từng năm nắm giữ. Tuy nhiên, do các sinh hoạt của HĐN thường mang tính chất linh hoạt nên các quy định dù được viết thành văn bản nhưng rất ít khi có tác dụng trên thực tế và những văn bản đó thường bị quên lãng rất nhanh chóng. Tuy vậy, mỗi HĐN với tư cách là một tổ chức độc lập đều có những quy ước để ràng buộc các thành viên, để vận hành và điều chỉnh các quan hệ, tương tác giữa các thành viên, cũng như để phân biệt nhóm của mình với các nhóm khác. Các hoạt động của các HĐN tuy không được ghi chép trên giấy nhưng nó lại được định hướng bởi các khuôn mẫu, thành lệ đồng niên đã được định hình từ nhiều năm nay. Việc vận hành của các HĐN trong xã hội đương đại được thực hiện theo cách thức mà nó đã từng có trong các xã hội truyền thống trước đây. Nhìn chung, về mặt tổ chức, các quy ước chủ yếu của các HĐN đề cập đến các khía cạnh: cơ cấu tổ chức, cách thức đóng góp và duy trì quỹ, việc họp và các sinh hoạt chung của HĐN hàng năm, những trách nhiệm và nghĩa vụ của các thành viên trong hội. Qua việc tìm hiểu các quy định của HĐN, chúng tôi nhận thấy trong số những quy ước được thống nhất chung trong hội, nổi bật hơn cả là những ứng xử liên quan đến việc tương trợ lẫn nhau giữa các cá nhân. Các quy định này là sự cam kết nhằm đảm bảo tính bền vững và lâu dài giữa các thành viên. Các hoạt động tương trợ trong các HĐN xuất phát từ những đặc điểm lịch sử nhất định trong lối sống của người dân làng xã, đồng thời thể hiện những giá trị và chuẩn mực trong ứng xử của con người đương đại. 2 You created this PDF from an application that is not licensed to print to novaPDF printer (http://www.novapdf.com) Về cơ bản, các dịp trợ giúp của đồng niên có thể chia thành 2 trường hợp: Trợ giúp hàng ngày khi ốm đau, học hành, làm ăn...; trợ giúp trong các nghi lễ, trong đám cưới, đám tang, mừng thọ... Không chỉ dừng lại ở việc tương trợ giữa các cá nhân trong nhóm, HĐN còn thể hiện vai trò nhất định trong việc mở rộng trao đổi lễ nghi, mạng lưới xã hội... thông qua việc đề ra các quy định về tương trợ dành cho các thành viên khác trong gia đình của hội viên... Như vậy, bất kể đối tượng nào, khi đã gia nhập vào HĐN, với việc chấp thuận thể chế của nhóm, đương nhiên sẽ phải đảm nhiệm chức năng tương trợ, giúp đỡ những người còn lại khi gia đình họ có việc. Ngược lại, anh ta cũng mong đợi được nhận sự trợ giúp từ phía những các thành viên khác khi anh ta hay gia đình có việc. Các hoạt động giúp đỡ lẫn nhau cứ diễn ra thường xuyên thông qua những tương tác giữa các cá nhân trong HĐN trên cơ sở những khuôn mẫu ứng xử đã thống nhất của hội. Tuy vậy, những quy ước ấy không đơn giản chỉ là sự thể chế hóa của các mối quan hệ xã hội mà ẩn chứa đằng sau đó còn là những giá trị và chuẩn mực thể hiện những sự mong đợi mà mỗi thành viên hy vọng ở những hành vi của nhau và của chính mình. Các giá trị đó đã tạo định hướng cho các hành vi của các thành viên HĐN, tạo cho họ một tinh thần trách nhiệm đối với các thành viên còn lại. Các chuẩn mực được đề cao trong ứng xử vẫn mang nặng tính cộng đồng. Theo đó các cá nhân phải tuân thủ theo những nguyên tắc đã đề ra của nhóm. So sánh với các HĐN đã từng tồn tại như một thành phần phụ trong lòng các giáp, HĐN của xã hội đương đại thể hiện những vai trò quan trọng hơn rất nhiều trong đời sống của người dân nông thôn. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, sự phục hồi của các HĐN hiện nay là kết quả của quá trình vận dụng những tổ chức xã hội truyền thống để phục vụ cho những nhu cầu của con người đương đại, trong đó, các HĐN là sự thay thế cho vai trò của các giáp trước đây. Nhận định này cũng có những cơ sở thích đáng của nó, đặc biệt khi xem xét vai trò của các HĐN đối với đời sống cộng đồng hiện nay. Ngoài các mối quan hệ nội bộ giữa các hội viên, giữa các hội viên và gia đình của họ, HĐN với tư cách là một nhóm xã hội còn thể hiện mối quan hệ, sự liên kết của mình với cộng đồng làng xã. HĐN không còn là một tổ chức hữu danh vô thực trong đời sống làng xã như trong quá khứ, mà giờ đây trở thành một cánh tay đắc lực theo sự phân công của lớp người cao tuổi để đảm nhiệm các trong trách nhất định trong tổ chức đời sống làng xã, đặc biệt là việc tổ chức lễ hội làng (4). Tại Quan Đình, việc phục hồi lại quá khứ diễn ra có phần khó khăn hơn so với các làng xã khác bởi đình làng, thiết chế gắn liền với lễ hội, không còn nữa. 3 You created this PDF from an application that is not licensed to print to novaPDF printer (http://www.novapdf.com) Lễ hội Quan Đình cũng chỉ được tổ chức với quy mô nhỏ gọn trong phạm vi 2 ngày. Dẫu vậy, đối với dân làng Quan Đình, lễ hội làng vẫn có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tâm linh và tinh thần của họ. Ở đây, vai trò của các HĐN lại có các hình thức biểu hiện riêng. Sự phát triển và vị trí của các HĐN trong cộng đồng được thể hiện trước hết ở việc làng đã dành riêng cho các HĐN một ngày trong tiến trình của lễ hội làng, Thay vì vào đám từ ngày 11 tháng giêng như trước đây, ngày nay, các cụ cao niên và toàn thể dân làng nhất trí mở cửa đình từ ngày mùng 10 và ngày đó được dành cho tất cả các HĐN trong làng ra đình làm lễ thánh. Lễ thánh tại đình là một sự kiện quan trọng đối với các HĐN. Trên danh nghĩa, các HĐN có thể hoạt động từ bao nhiêu tuổi là tùy thuộc vào sở thích của các thành viên trong nhóm đó. Nhưng đối với làng, một HĐN chỉ chính thức được thừa nhận khi cả hội đã cùng nhau làm lễ thánh tại đình, 18 tuổi được coi là dấu mốc đánh dấu sự gia nhập chính thức của một nam thanh niên vào công việc làng xã. Ngoài ý nghĩa về mặt tinh thần và tâm linh, hội làng còn là dịp để một số HĐN tham gia đóng góp vào những công việc của cộng đồng... Được tham gia vào việc làng, từ xưa đến nay vẫn là một dịp để các cá nhân khẳng định vị trí của mình trong cộng đồng. Rõ ràng, các HĐN đã đem lại cho họ cơ hội đó. Họ tham gia vào công việc của cộng đồng không với tư cách cá nhân mà với tư cách là thành viên của một nhóm nhất định. Ở đình làng, họ không nói tiếng nói của cá nhân mình mà là người đại diện nói lên tiếng nói của cả nhóm. Thông qua nhóm, các cá nhân có dịp thể hiện mình trước cộng đồng. Sự hồi quang của lễ hội và vai trò của các HĐN trong việc tổ chức hội làng cho thấy sự thiêng liêng của thiết chế đình làng và tín ngưỡng thành hoàng vẫn là một giá trị tinh thần chung của cộng đồng. Ngoài hội làng, hệ thống nghi lễ khác cũng được tăng cường trong phạm vi các gia đình, dòng họ. Những trao đổi lễ nghi diễn ra thường xuyên là một cách để thắt chặt thêm các quan hệ cộng đồng. Như vậy, quá trình phục hồi văn hóa truyền thống, nhìn từ góc độ khôi phục các tổ chức phi quan phương với ý nghĩa là phương tiện để truyền tải các giá trị và chuẩn mực của cộng đồng, đi liền với quá trình tăng cường nghi lễ trong thời kỳ đổi mới. Thực chất đây là hai biểu hiện, hai quá trình có mối quan hệ khăng khít qua lại với nhau. Các tổ chức xã hội là những đơn vị tham gia trực tiếp vào các trao đổi nghi lễ, dù đó là nghi lễ trong phạm vi gia đình, dòng họ, và đặc biệt, cộng đồng. Việc phục hồi và tăng cường các nghi lễ kéo theo sự hồi sinh của các tổ chức phi quan phương. Nhưng cũng có những trường hợp 4 You created this PDF from an application that is not licensed to print to novaPDF printer (http://www.novapdf.com) ngược lại, chính các tổ chức này đóng vai trò là những thành tố quan trọng trong việc gìn giữ và phát huy các nghi lễ tại các địa phương. 2. Những biến đổi khuôn mẫu văn hóa ở nông thôn Phục hồi và biến đổi văn hóa truyền thống Nhận xét về đặc trưng của triết lý phát triển nông thôn Việt Nam, các nhà xã hội học đã cho rằng, xã hội Việt Nam ưa chuộng triết thuyết dung - hóa. Đó thực chất là kiểu ưa chuộng tái cấu trúc, khi cần thiết chấp nhận cả sự đảo ngược cấu trúc, song không ưa chuộng giải thể, thay đổi cấu trúc, và nếu cần thiết buộc phải giải thể, đổi thay thì ưa chuộng kiểu phát triển dần dần chứ không ưa chuộng kiểu phát triển nhảy vọt, đột biến, cách mạng triệt để (5). Chính vì lựa chọn con đường phát triển như trên nên xã hội nông thôn Việt Nam hiện nay đang diễn ra sự chồng xếp của nhiều yếu tố văn hóa truyền thống và đương đại. Trong đó, các giá trị truyền thống thường được bảo lưu, vận dụng và biến đổi cho phù hợp với điều kiện mới thay vì xóa bỏ hoàn toàn những giá trị đó. Những vai trò và ứng xử của các HĐN cho thấy, nhiều giá trị truyền thống của văn hóa làng vẫn được coi trọng và có xu hướng được phục hồi ngày càng mạnh mẽ trong thời gian gần đây. Các thiết chế văn hóa truyền thống như đình làng và lễ hội làng vẫn chứng tỏ những giá trị của nó trong việc gắn kết cộng đồng. Tại Quan Đình và nhiều làng xã khác có tỷ trọng phi nông nghiệp chiếm đa số trong thu nhập của người dân và lối sống đô thị đã trở thành một nét văn hóa được chấp nhận thì sự phục hồi của hội làng và sự tham gia đông đảo của các HĐN trong việc tổ chức sự kiện này cho thấy tâm thức văn hóa truyền thống vẫn còn đậm nét ở các cộng đồng này (6). Điều này cho thấy, đối với người dân nông thôn, tinh thần cộng đồng vẫn được đề cao như là những giá trị và chuẩn mực của đời sống nông thôn, về cơ bản, người dân vẫn coi trọng lợi ích của cộng đồng hơn lợi ích của cá nhân. Tuy vậy, điều đáng lưu ý là các quá trình trên không thể hiện sự phục sinh hoàn toàn những truyền thống ở địa phương trước năm 1945. Bởi lẽ, các nghi lễ cũng như những sinh hoạt trong các tổ chức xã hội ở nông thôn đã trải qua một sự cải biến và đoạn tuyệt với quá khứ trong suốt một thời gian dài. Hơn thế nữa, tác động của kinh tế thị trường cũng làm cho việc thực hành các nghi lễ có phần được thay đổi. Giản lược hóa các thủ tục trong nghi lễ và xu hướng giải thiêng đang là một thực tế... Không chỉ biểu hiện thông qua hệ thống các nghi lễ, hệ giá trị và chuẩn mực đặc trưng cho văn hóa làng cũng đang có sự biến đổi ngay trong cuộc sống hàng ngày. Về cơ bản, hệ giá trị truyền thống của các làng xã, như trọng tình 5 You created this PDF from an application that is not licensed to print to novaPDF printer (http://www.novapdf.com) cảm, trọng tuổi tác, trọng học vấn, trọng đạo lý..., vẫn giữ vai trò chủ đạo trong việc định hướng đời sống của các cá nhân trong cộng đồng. Chuẩn mực đạo đức, đề cao trách nhiệm trong các mối quan hệ vẫn là những quy tắc chính trong các ứng xử của người dân. Tuy nhiên, trong bối cảnh của những chuyển biến đang diễn ra hết sức mạnh mẽ hiện nay, hệ giá trị và chuẩn mực của người dân chắc chắn phải có những thay đổi cho phù hợp với điều kiện của xã hội mới. Thông qua vai trò của các HĐN, ta có thể thấy rõ những biến đổi đó. So với truyền thống, vai trò của các HĐN đã có những thay đổi to lớn. Bên cạnh việc chức năng cộng cảm, trao đổi nghi lễ giữa các thành viên như vốn có trước đây, các HĐN trong xã hội đương đại còn tham gia vào việc hỗ trợ phát triển kinh tế (7). Điều này cho thấy, trên bình diện cộng đồng, ngoài các giá trị xã hội truyền thống vẫn được cộng đồng đề cao, giá trị kinh tế, giá trị vật chất cũng đã bắt đầu được chú trọng hơn so với quá khứ. Bên cạnh đó, các chuẩn mực đạo đức, ứng xử của người đương đại đôi khi còn chịu sự chi phối của các quy tắc trong làm ăn kinh tế. Đa dạng hóa cấu trúc xã hội và vai trò của cá nhân Trong bối cảnh của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngày nay, Quan Đình không nằm ngoài xu thế phát triển chung của vùng và cả nước. Tác động của chính sách đổi mới về kinh tế đã tạo ra những thay đổi lớn lao về mặt xã hội, văn hóa. Trên cơ sở nền tảng nông nghiệp - nông dân là chủ đạo, xã hội Quan Đình hiện nay đang từng bước hướng tới một sự hỗn hợp về nghề nghiệp, một sự mở rộng về không gian sinh sống và làm việc, và những khác biệt đa dạng khác trong đời sống của người dân. Theo chúng tôi, quá trình đa dạng hóa mà hệ quả của nó tạo ra một cấu trúc xã hội mở hơn so với truyền thống sẽ đi liền với việc phân hóa cái cấu trúc đó thành nhiều nhóm xã hội nhỏ hơn, trong đó các thành viên của nó sẽ cùng nhau chia sẻ những tiểu văn hóa của riêng mình. Cùng với việc hình thành văn hóa nhóm, vai trò của các cá nhân cũng ngày càng được khẳng định hơn so với trong truyền thống. Sự phân hóa của xã hội nông thôn cũng được phản ánh trong cấu trúc, trong ứng xử của các HĐN. Bởi lẽ đó, ngay bên trong những tập hợp xã hội mang tính hình thức cũng sẽ diễn ra sự phân hóa nhất định giữa những người thuộc các nhóm xã hội khác nhau về bản chất. Trong cùng một HĐN, điểm chung nhất của mọi thành viên là giới tính và năm sinh (đôi khi cũng có những thành viên không có cùng năm sinh với những người khác), còn lại là những khác biệt về nghề nghiệp, mức sống, trình độ học vấn... Và trên thực tế, dù cho những ứng xử theo kiểu bình quân được quy ước giữa các thành viên có thể giữ cho tổ chức này vận hành một cách trơn tru thì một sự phân hóa vẫn diễn ra 6 You created this PDF from an application that is not licensed to print to novaPDF printer (http://www.novapdf.com) giữa các thành viên thuộc về các tiểu xã hội khác nhau. Các thành viên bên trong các HĐN, một cách tự nhiên hay cố ý, sẽ tìm đến các nhóm của mình mà ở đó họ có sự chia sẻ về văn hóa, về sở thích phù hợp với điều kiện sống, nghề nghiệp, trình độ... của mình. Khi đó, ngoài những giá trị văn hóa mà họ cùng chia sẻ với các thành viên khác của HĐN, với cộng đồng làng xã, còn có những yếu tố văn hóa nhất định mà họ không tìm thấy ở các nhóm khác... Song song với quá trình phân hóa xã hội, việc chấp nhận ở mức độ nào đó những sự khác biệt cũng đã tạo cơ hội cho các cá nhân được khẳng định mình. Đây cũng được coi là một đặc trưng cơ bản trong thời kỳ quá độ từ xã hội truyền thống sang xã hội hiện đại. Từ thực tế của mẫu nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy rằng, trong bất cứ HĐN nào cũng xuất hiện những nhân tố mang tính vượt trội này. Có thể đó là một vài người làm ăn thành đạt, có điều kiện kinh tế khá giả thường đóng vai trò Mạnh Thường Quân cho cả nhóm trong các buổi liên hoan, các chuyến tham quan, hay sẵn sàng giúp đỡ anh em khi gặp khó khăn. Đó cũng có thể là những cán bộ làm việc trong các cơ quan ở thành phố với những vốn sống có được từ sự tiếp xúc thường xuyên với một môi trường xã hội khác với người còn lại trong hội... Những cá nhân này thường có tiếng nói và tầm ảnh hưởng nhất định đến hoạt động của các HĐN. Khẳng định giá trị và ảnh hưởng cá nhân bằng năng lực vượt trội được coi là một tác động tích cực cho xã hội. Nó tạo ra một động lực ngầm ẩn để thúc đẩy các cá nhân khác phấn đấu khi so sánh họ với những con người đó. Bởi lẽ, cố gắng khẳng định cái tôi của mình để bằng bạn bằng bè là một tâm lý chung của mọi người. Với những người còn lại, dù không thật sự nổi bật trong cộng đồng nhưng họ cũng có những cách thức riêng của mình để từng bước khẳng định và nâng cao vai trò của mình. Việc tham gia vào các tổ chức xã hội, các nhóm phi chính thức cũng là một phương cách để đạt được mục đích đó. Các tổ chức xã hội như là một diễn đàn để các cá nhân thể hiện tiếng nói của mình trước cộng đồng. Điều này vừa có điểm giống nhưng cũng có những khác biệt so với trước đây. Con người trong truyền thống là con người của cộng đồng, họ tham gia vào các mối quan hệ xã hội bởi sự ràng buộc của những chế định khắt khe. Mỗi cá nhân nếu nằm ngoài các tổ chức đó sẽ bị đánh giá là lạc lõng. Và khi đã gia nhập các tổ chức đó, họ lại phải tuân thủ đầy đủ những quy ước của nhóm, những ứng xử và hành vi của họ bị chi phối bởi những chuẩn mực khắt khe làm cho họ không dám, không thể khẳng định cái tôi của mình. Trong khi đó, con người của thời kỳ chuyển đổi cũng tìm đến các tổ chức xã hội vì ý thức cộng đồng đã ăn sâu trong tiềm thức của họ. Tuy nhiên, cái cộng đồng mà họ tìm đến còn nhằm mục đích được thể hiện cái cá nhân của mình. Có lẽ không có môi trường nào tốt hơn 7 You created this PDF from an application that is not licensed to print to novaPDF printer (http://www.novapdf.com) là thông qua các nhóm, các tổ chức này để ngày càng có nhiều người biết đến mình. Kết luận Từ những mô tả và phân tích trên đây, có thể thấy một số vấn đề sau. Sự khôn ngoan trong thế ứng xử của người Việt trước các biến động của đời sống đương đại, thông qua sự phục hồi của một tổ chức truyền thống, được thể hiện trên hai nền tảng lấy lại các khuôn mẫu truyền thống, không chỉ vỏ bọc và tên gọi, mà cả tinh thần cơ bản của tổ chức đó trong truyền thống cũng như đưa thêm những nền tảng mới, yêu cầu mới của đời sống hiện tại. Đây là phương thức không tạo ra các xung đột nhưng cũng ít đưa lại những phát triển mang tính nhảy vọt, thể hiện tinh thần tiếp biến văn hóa mang đặc trưng truyền thống của người Việt vùng châu thổ Bắc Bộ. Các ứng xử của HĐN cho thấy các vai trò và khuôn mẫu văn hóa. Về cơ bản, các quan hệ xã hội ở nông thôn hiện nay chưa có nhiều thay đổi mang tính bản chất. Do đó, các tổ chức xã hội ở nông thôn vẫn chưa thể biến đổi theo nguyên lý tổ chức và vận hành mới. Những khuôn mẫu văn hóa truyền thống vẫn là cách thức vận hành chủ yếu của các tổ chức này. Với môi trường văn hóa này, các quan hệ xã hội của người dân vẫn được định hướng bởi hệ giá trị và chuẩn mực truyền thống, có loại bỏ những yếu tố không phù hợp với đặc điểm kinh tế xã hội của xã hội hiện tại, hoặc bổ sung những yếu tố mới mà hệ giá trị cũ còn khiếm khuyết. Sự thêm bớt trên chỉ là nhỏ lẻ, chưa đủ độ làm thay đổi hoàn toàn hệ giá trị cũ (8). Ảnh hưởng của phát triển kinh tế xã hội và quá trình đô thị hóa đã khiến cho cộng đồng nông thôn ngày càng có tính mở hơn trước. Trong bối cảnh của sự chuyển sang nền kinh tế thị trường hiện nay, sự tăng cường trao đổi kinh tế xã hội với bên ngoài các nhóm truyền thống có thể mạnh mẽ hơn nhiều cũng như sức ép của các giá trị kinh tế và cá nhân cũng ngày càng mạnh. Tuy vậy, sự cố kết cộng đồng vẫn sẽ được duy trì. Do vậy, một mặt những chuẩn mực của cộng đồng vẫn còn vị trí quan trọng, nhưng mặt khác, mối quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng cũng đã có những thay đổi rõ rệt theo chiều hướng tạo điều kiện cho các cá nhân khẳng định cá tính và nhân cách của mình. Các thể chế của nhóm và cộng đồng cũng được nới lỏng phần nào cho sở thích của các thành viên. _______________ 1. Nghiên cứu về các HĐN được thực hiện tại làng Quan Đình, xã Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, một làng nằm trong vùng kinh tế trọng 8 You created this PDF from an application that is not licensed to print to novaPDF printer (http://www.novapdf.com) điểm phía Bắc, tiếp giáp với Hà Nội. Với vị trí này, làng Quan Đình nằm trong khu vực chịu sự tác động mạnh mẽ của xu thế công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa. Trong bối cảnh như vậy, các HĐN đã được phục hồi và nở rộ với số lượng lớn ở Quan Đình trong những năm vừa qua, đảm nhận nhiều chức năng xã hội được cộng đồng công nhận. Thông qua HĐN, chúng ta có thể hiểu được các ứng xử của người nông dân đương đại với truyền thống và khả năng thích ứng của họ đối với đời sống đương đại. 2. Theo thống kê của Ban Khánh tiết làng Quan Đình, cho đến lễ hội làng năm 2007, cả làng có 32 HĐN, nhỏ tuổi nhất là hội sinh năm 1989, lớn tuổi nhất là hội sinh năm 1955, ít thành viên nhất là HĐN 1967 với 3 thành viên, nhiều thành viên nhất là hội 1982 với 22 thành viên. Trên thực tế, số lượng các HĐN nhiều hơn như vậy rất nhiều, bởi lẽ từ khoảng 15-16 tuổi, các nam giới ở làng đã nhóm họp thành các hội, nhưng lúc đó chỉ là hội cùng tuổi, chủ yếu mang tính chất vui chơi của những người bạn cùng trường, cùng lớp, cùng làng, đôi khi có cả các bạn nữ cùng tham gia, những hội đó được gọi là hội đồng sinh với hàm nghĩa có cùng một năm sinh. Đến năm 18 tuổi, HĐN bắt đầu làm lễ ra đình và được Ban Khánh tiết ghi tên vào sổ, được làng chính thức công nhận. Khi các HĐN đã ra trình thánh thì hầu như không còn sự tham gia của nữ giới, lúc đó có sự phân biệt rõ ràng giữa hai tổ chức HĐN và hội đồng sinh. Cột mốc quan trọng thứ hai đối với các HĐN là năm 50 tuổi. Vào năm 50 tuổi, các thành viên của HĐN sẽ sửa lễ ra đình, gọi là lễ nhập tịch. Thực chất đây là lễ lên lão của các nam giới trong làng. Khi đã lên lão, các HĐN sẽ giải tán, bởi khi đó họ sẽ tham gia vào tổ chức khác, đó là hội các cụ. Tuy nhiên, đây chỉ là quy ước mới được đưa ra, đúng hơn là một quan niệm của dân làng về sự thay thế vai trò của các tổ chức xã hội, nó hoàn toàn có thể linh hoạt và không bó buộc các HĐN. Trên thực tế, HĐN ở Quan Đình mới được phục hồi hơn 10 năm qua, những hội đã trải qua nấc thang 50 tuổi chưa nhiều và cho đến nay, những HĐN ở Quan Đình chưa có hội nào ngừng hoạt động sau khi các thành viên của nó lên lão. 3. Tuy nhiên, việc tồn tại song song hai cách tính tuổi theo âm lịch và dương lịch đã làm cho việc xác định thành viên của các HĐN trở nên linh hoạt hơn nhiều. Có rất nhiều trường hợp nếu tính theo năm âm lịch thì thuộc HĐN này nhưng theo năm dương lịch thì lại thuộc HĐN khác. Trong những trường hợp như thế, thường thì người ta sẽ lấy tuổi theo âm lịch để làm cơ sở. Tuy nhiên, có trường hợp một người tham gia vào hai HĐN khác nhau với lý lẽ rằng anh ta có thể tham gia hội nào cũng được vì đều đúng với năm sinh của mình. Phần lớn trong những trường hợp như vậy, việc tham gia vào HĐN này hay 9 You created this PDF from an application that is not licensed to print to novaPDF printer (http://www.novapdf.com) khác sẽ tùy thuộc vào các mối quan hệ cá nhân, vào sở thích và thiện cảm của một người với các thành viên khác trong nhóm. So với quá khứ, thể chế của nhóm dường như đã có phần được nới lỏng để dành chỗ cho sự tự do lựa chọn của các nhân. 4. Trong cơ cấu tổ chức làng xã truyền thống, đình làng và lễ hội làng gắn liền với vai trò và hoạt động của tổ chức giáp. Mỗi giáp một vài sào ruộng công giao cho người cai đám lo chuẩn bị lễ vật, mỗi giáp bằng việc quản lý sát sao các giai đinh của mình sẽ chọn ra những hàng đô, chức việc mà mỗi vị trí sẽ tương ứng với những tiêu chuẩn nhất định về tuổi tác và điều kiện gia đình. Ngày nay, đình không còn là nơi sinh hoạt gắn liền với giáp. Thay vào đó, xung quanh lễ hội và đình làng là sự hoạt động của nhiều tổ chức xã hội khác nhau, trong đó phần đông vẫn là các tổ chức đã từng có mặt trong truyền thống. Ở nhiều nơi, các vai trò trước đây từng thuộc về giáp nay được chuyển giao một phần nào đó cho các HĐN. Một vài nghiên cứu của chúng tôi tại Giang Xá (Hoài Đức, Hà Nội), Đồng Kỵ (Từ Sơn, Bắc Ninh), Quan Độ (Yên Phong, Bắc Ninh)... đều cho thấy các lễ hội làng truyền thống ở các nơi này được tổ chức và vận hành dựa trên sự tham gia của các HĐN, thậm chí ở nhiều nơi, những tổ chức đóng vai trò chủ đạo trong việc thực hiện lễ nghi của làng đều được lấy từ các HĐN. 5, 8. Tô Duy Hợp và cộng sự, Luận cứ khoa học cho việc điều chỉnh chính sách xã hội nhằm phát triển nông nghiệp, nông thôn Việt Nam ngày nay, đề tài cấo Bộ do Trung tâm KHXH & NV (nay là Viện KHXH Việt Nam) tài trợ, 2002, tr.30-31, 163. 6. Theo số liệu thống kê kinh tế xã hội của UBND xã Văn Môn, cho đến năm 2006, thu nhập từ nông nghiệp chiếm 44,3% tổng thu của toàn thôn Quan Đình, thu nhập từ tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ chiếm 55,7%. 7. Sự phát triển nghề phụ trong những năm qua cũng đã làm hình thành ở Quan Đình một bộ phận thương nhân giàu có với số vốn tích lũy lên tới hàng chục tỷ đồng. Những người này, với tư cách là những thành viên của các HĐN luôn sẵn sàng giúp đỡ các thành viên khác trong việc cùng làm giàu. Quan hệ thân sơ, sự thiện cảm cá nhân giữa các thành viên là những yếu tố ảnh hưởng đến những ứng xử trong cách tương trợ này. Nguồn: Tạp chí VHNT số 312, tháng 6-2010 Tác giả: Nguyễn Thị Thanh Hoa 10 You created this PDF from an application that is not licensed to print to novaPDF printer (http://www.novapdf.com)
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan