Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Phân tích mối quan hệ giữa chuẩn mực pháp luật và chuẩn mực đạo đức...

Tài liệu Phân tích mối quan hệ giữa chuẩn mực pháp luật và chuẩn mực đạo đức

.DOCX
14
6556
117

Mô tả:

MỞ ĐẦU Pháp luật được coi là một trong những công cụ hiệu quả nhất để nhà nước quản lí và điều tiết trật tự xã hội ,là chuẩn mực để mọi người làm theo.Trong quá trình . Các chuẩn mực xã hội là yếu tố không thể thiếu hình thành và phát triển pháp luật luôn chịu ảnh hưởng của các yếu tố , chuẩn mực xã hội khác ,trong có chuẩn mực đạo đức. Dùng pháp luật và đạo đức để cai trị để trở thành thuật trị quốc an dân của nhà nước. Tùy thuộc vào từng hoàn cảnh xã hội , điều kiện kinh tế mà nhà nước sử dụng đức trị ( quản lí xã hội bằng đạo đức) hay pháp trị (quản trị xã hội bằng pháp luật) hoặc kết hợp cả hai trong hoạt động quản lí các mặt, các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội. Nhận thức được vai trò tối quan trọng của các chuẩn mực xã hội, em đã lựa chọn đề tài “ Phân tích mối quan hệ giữa chuẩn mực pháp luật và chuẩn mực đạo đức?” NỘI DUNG I. Chuẩn mực pháp luật. Về vấn đề pháp luật, có nhiều ý kiến quan điểm khác nhau trong việc định nghĩa pháp luật nhưng nhìn chung có hai luồng quan điểm trái ngược nhau trong việc xác định khái niệm pháp luật. Quan điểm thứ nhất gắn liền pháp luật với ý chí nhà nước, do nhà nước ban hành, áp dụng và bảo vệ (pháp luật thực định). Quan điểm thứ hai cho rằng pháp luật như một trong các loại chuẩn mực xã hội, gắn với lợi ích xã hội, xuất phát từ nhu cầu tự nhiên của con người (pháp luật tự nhiên). Cả luật thực định và luật tự nhiên đều phản ánh lợi ích xã hội ở những mức độ khác nhau. Nhưng dù theo quan điểm nào thì pháp luật vẫn mang những tính chất và chức năng nhất định. Pháp luật luôn mang tính chuẩn mực. Chuẩn mực pháp luật nói lên những giới hạn cần thiết mà nhà nước quy định để mọi chủ thể có thể xử sự tự do trong khuôn khổ cho phép, thường được thể hiện dưới dạng “có thể làm”, “được phép làm”, “không được phép làm”, “bắt buộc phải làm”. Chuẩn mực pháp luật không thể trừu tượng mà phải luôn được cụ thể hóa thành quy tắc, yêu cầu, mệnh lệnh dưới dạng quy phạm pháp luật để mọi người cùng thực hiện. Vì là căn cứ để điều chỉnh hành vi trong xã hội nên quy phạm pháp luật cần phải rõ ràng, dễ hiểu để tất cả mọi người có thể chấp hành một cách nghiêm chỉnh và thống nhất. Chuẩn mực pháp luật khác với những chuẩn mực xã hội khác ở chỗ nó mang tính cưỡng chế, được nhà nước bảo đảm thực hiện bằng các biện pháp nhà nước cụ thể. Các chuẩn mực xã hội, khi phù hợp với ý chí và lợi ích của nhà nước, sẽ được nâng lên thành pháp luật và được áp dụng trong xã hội. Nếu nhà nước và các cơ quan của nó không còn thừa nhận và thực hiện, áp dụng các chuẩn mực đó nữa thì khi đó sẽ mất đi tính chất của một chuẩn mực pháp luật. Và nếu chuẩn mực đó vẫn tồn tại được trong lòng người dân thì khi đó nó mang tính chất của phong tục tập quán, đạo đức. Và pháp luật chỉ có thể phát huy tối đa khi có sự tác động, hỗ trợ của các chuẩn mực xã hội khác. II. Chuẩn mực đạo đức Đạo đức là lĩnh vự thuộc đời sống tinh thần của xã hội, nảy sinh từ thực tiễn các quan hệ xã hội giữa con người với con người; nó bao gồm toàn bộ các quan niệm về thiện, ác, tốt, xấu, lương tâm, trách nhiệm, hạnh phúc, công bằng…cùng với các quy tắc đánh giá, điều chỉnh hành vi ứng xử giữa cá nhân với cá nhân, cá nhân với xã hội trong xã hội. Ngày nay, khái niệm đạo đức còn được các nhà nghiên cứu mở rộng hơn, không chỉ trong phạm vi các quan hệ xã hội, mà còn cả trong hành vi ứng xử của con người với tự nhiên, như vấn đề đạo đức sinh thái – cách ứng xử của con người với môi trường sống tự nhiên xuát phát từ vấn nạn ô nhiễm môi trường hiện nay. Mỗi xã hội, mỗi cộng đồng người hay mỗi cá nhân có thể giải thích về cái thiện, cái ác theo những cách khác nahu tùy theo quan niệm sổng của mình; nhưng lịch sử tồn tại và phát triển của xã hội loài người đã tạo nên những giá trị đạo đức có tính phổ biến, chung cho tất cả mọi người, như công bằng, dũng cảm, vị tha, nhân từ…Đạo đức là cơ sở tồn tại và phát triển của xã hội và là kết tinh của đời sống tinh thần của con người. Chuẩn mực đạo đức là hệ thống các quy tắc, yêu cầu, đòi hỏi đối với hành vi xã hội của con người, trong đó xác lập những quan điểm, quan niệm chung về công bằng và bất công, về cái thiện và cái ác, về lương tâm, danh dự, trách nhiệm và những phạm trù khác thuộc đời sống đạo đức tinh thần của xã hội III. Mối quan hệ giữa chuẩn mực đạo đức và pháp luật 1. Điểm giống nhau và khác nhau giữa đạo đức và pháp luật Pháp luật và đạo đức đều là bộ phận của hình thái ý thức xã hội. Khi nói về mối quan hệ giữa pháp luật với đạo đức thì giữa chúng luôn có những điểm chung và riêng nhất định nhưng vẫn thống nhất trong một chỉnh thể. Trước tiên, đạo đức và pháp luật có sự thống nhất ở ba điểm sau:  Thứ nhất, pháp luật và đạo đức đều có chung mục tiêu. Chúng đều là phương tiện điều chỉnh quan trọng bậc nhất đối với quan hệ xã hội và các hành vi của con người. Pháp luật và đạo đức đều đảm bảo cho xã hội phát triển một cách ổn định và trật tự, qua đó bảo vệ và định hướng những quan hệ xã hội phù hợp với ý chí và lợi ích chung của cộng đồng xã hội và giai cấp thống trị. Chúng hỗ trợ đan xen, ảnh hưởng lẫn nhau trong việc bảo đảm trật tự xã hội, điều chỉnh hành vi của con người cho phù hợp với pháp luật và lợi ích của cộng đồng. Nếu hành vi nào trái đạo đức thì sẽ bị pháp luật trừng trị hoặc bị lên án bởi dư luận xã hội. Mặt khác, hành vi trái pháp luật, bên cạnh chế tài của pháp luật, cũng sẽ bị xã hội trừng trị bằng dư luận xã hội, bài xích xã hội… Pháp luật và đạo đức là hai công cụ chính và mạnh mẽ nhất để đảm bảo trật tự xã hội.  Thứ hai, pháp luật và đạo đức đều mang tính quy phạm phổ biến, là những khuôn mẫu chuẩn mực trong hành vi con người. Chúng tác động đến tất cả các cá nhân, tổ chức trong xã hội, tác động đến hầu hết các lĩnh vực trong đời sống với phạm vi khác nhau (từng vùng miền hoặc trên toàn lãnh thổ quốc gia). Ví dụ cho điểm này là tập tục tảo hôn. Về vấn đề này, có nhiều luồng quan điểm khác nhau. Ở những vùng cao nơi tập trung dân tộc thiểu số thì đây là một điều bình thường, thậm chí còn được ủng hộ và phổ biến, coi đây là “truyền thống văn hóa”. Nhưng ở những vùng đồng bằng, điều kiện phát triển hơn thì đây là một sự xâm hại đạo đức nghiêm trọng. Còn xét về khía cạnh pháp luật thì đây là sự vi phạm pháp luật, xâm phạm đến quyền trẻ em. Nhưng dù thế nào thì mọi người, trong từng vùng miều nhất định, vẫn coi đây là chuẩn mực để làm theo hoặc không làm theo, ủng hộ hoặc phản đối.  Thứ ba, pháp luật và đạo đức đều phản ánh sự tồn tại của xã hội trong từng giai đoạn phát triển nhất định của lịch sử. Chúng là kết quả của quá trình nhận thức đời sống của chính mình. Pháp luật và đạo đức đều chịu sự chi phối, đồng thời tác động lại đời sống kinh tế xã hội. Tùy từng giai đoạn phát triển của xã hội mà chuẩn mực đạo đức thay đổi và điều này cũng kéo theo sự thay đổi của pháp luật bởi pháp luật phản ánh đời sống xã hội, qua đó điều chỉnh các hành vi của xã hội thông qua việc xem xét các yếu tố xã hội khác để có thể điều chỉnh một cách hiệu quả. Tuy vậy, pháp luật và đạo đức là hai hiện tượng độc lập tương đối, do đó chúng có sự khác nhau nhất định trong sự tồn tại và phát huy giá trị:  Thứ nhất, về con đường hình thành, pháp luật được hình thành từ nhà nước thông qua hoạt động xây dựng pháp lý của nhà nước còn đạo đức được hình thành từ xã hội một cách tự phát do nhận thức của cá nhân và cộng đồng. Trong quá trình hình thành thì pháp luật cần phải cân nhắc đến những yếu tố xã hội khác, bao gồm cả đạo đức và đạo đức cũng phải dựa vào một phần pháp luật.  Điểm khác nhau thứ hai là hình thức thể hiện. Pháp luật được thể hiện chủ yếu dưới dạng các văn bản còn đạo đức lại chủ yếu được truyền miệng từ đời này sang đời khác. Hoạt động xây dựng pháp luật cần sự rõ ràng minh bạch nên cần được thể hiện dưới dạng văn bản cụ thể, tiện cho việc chỉnh sửa sau này. Còn đạo đức được hình thành từ cộng đồng nên đối và chủ yếu tồn tại bằng truyền miệng và mang tính chính xác tương đối bởi trong quá trình truyền đạt ít nhiều nội dung bị thay đổi.  Thứ ba, về tính xác định của hình thức văn bản thì đạo đức mang tính chung, định hướng còn pháp luật thì cụ thể, rõ ràng. Đạo đức chỉ nhằm định hướng cho con người nên con người cần tự tìm tòi khám phá và qua dư luận xã hội để điều chỉnh hành vi của mình cho phù hợp. còn pháp luật mang tính bắt buộc chung nên tất cả mọi người đều phải tuân theo những quy định đã được định sẵn.  Đạo đức có nguồn gốc, giá trị lâu dài. Khi con người ý thức được hành vi, tự họ sẽ điều chỉnh hành vi đó. Do sự điều chỉnh này xuất phát từ bản thân chủ thể nên hành vi đạo đức tồn tại bền vững. Ngược lại, pháp luật là sự cưỡng bức, ép buộc nên dù con người có không muốn thay đổi cũng vẫn phải thay đổi hành vi của mình cho phù hợp với pháp luật. Tuy nhiên sự thay đổi này diễn ra không bền vững bởi hành vi cũ vẫn có thể lặp lại ở những nơi vắng bóng pháp luật, hoặc bởi những cá nhân ngoài vòng pháp luật.  Cuối cùng là về biện pháp đảm bảo thực hiện. Pháp luật được đảm bảo thực hiện bằng các biện pháp nhà nước như nhà tù, cảnh sát… còn đạo đức được bảo đảm thực hiện bằng các biện pháp như dư luận xã hội, bài xích xã hội, lương tâm con người… Đây đều là những biện pháp hiệu quả và toàn diện, đưa con người đi theo những chuẩn mực trong xã hội. 2. Pháp luật và đạo đức có mối liên hệ mật thiết, tác động qua lại, ảnh hưởng lẫn nhau. 2.1. Tác động của đạo đức tới pháp luật. a. Đầu tiên, đạo đức tác động đến việc hình thành các quy định pháp luật. Các quy phạm đạo đức tồn tại trong xã hội cũng có nhiều loại và chúng có sự tác động qua lại với nhau. Giai cấp thống trị, vì nắm quyền lực trong tay, nên có điều kiện và ưu thế đển nâng các quan niệm đạo đức của mình thành pháp luật. Do đó, pháp luật luôn phản ánh đạo đức của giai cấp cầm quyền. Tuy nhiên do có sự tác động qua lại của nhiều loại đạo đức của các giai cấp khác nhau trong xã hội, nên pháp luật không thể không phản ánh quan điểm , lợi ích của các giai cấp khác nhau đó. Trong khi xây dựng và thực hiện pháp luật, dù muốn hay không, giai cấp cầm quyền buộc phải tính đến yếu tố đạo đức nhằm tạo cho pháp luật một khả năng thích ứng, khiến cho nó dường như thể hiện ý chí chung của mọi tầng lớp xã hội Bất kì quy định pháp luật nào ra đời đều tồn tại trên nền tảng đạo đức nhất định. Đạo đức là môi trường phát sinh, tồn tại và phát triển của pháp luật, là một trong những chất liệu làm nên các quy định trong hệ thống pháp luật. Những quan điểm, quan niệm, chuẩn mực đạo đức đóng vai trò là tiền đề tư tưởng, chỉ đạo việc xây dựng pháp luật. Pháp luật hình thành, trước tiên là phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức trước khi xem xét đến các chuẩn mực khác vì chuẩn mực đạo đức luôn là chuẩn mực có tác động sâu sắc nhất đến các lĩnh vực của đời sống xã hội, luôn là căn cứ, cơ sở cho mọi hoạt động trong xã hội. Sự tác động của đạo đức tới việc hình thành pháp luật diễn ra ở nhiều cấp độ. Ở cấp độ thấp nhất thì các quy định pháp luật được xây dựng không trái với đạo đức xã hội như việc con cái phải có nghĩa vụ chăm sóc cha mẹ, vừa là pháp luật và không trái đạo đức . Ở cấp độ cao hơn thì các quy định được ban hành có sự thống nhất, phù hợp với những quan niệm đạo đức. Ở cấp độ này thì đạo đức đã ảnh hưởng tới việc hình thành quy định trong hệ thống pháp luật như thừa nhận một tập tục, tập quán đạo đức thành tập quán pháp hay giải quyết một vấn đề, một vụ việc cụ thể dựa trên quan niệm đạo đức trở thành tiền lệ pháp. Trong đạo đức xã hội, đạo đức của giai cấp thống trị có ảnh hưởng đến pháp luật mạnh mẽ nhất vì bộ máy nhà nước được cấu thành trước hết và chủ yếu từ các thành viên của giai cấp thống trị. Bất kì chuẩn mực đạo đức nào, nếu không được giai cấp thống trị chấp nhận sẽ không thể tồn tại và ngược lại, những chuẩn mực đạo đức được giai cấp thống trị thừa nhận sẽ được nâng lên thành pháp luật và được bảo đảm thực hiện bằng những công cụ mạnh mẽ. Hơn nữa, giai cấp này còn có tiềm lực kinh tế, các công cụ tuyên truyền… Những chuẩn mực đạo đức truyền thống cũng ảnh hưởng mạnh mẽ đến pháp luật vì truyền thống làm nên bản sắc dân tộc, là cơ sở, động lực của phát triển. Nó đã ăn sâu vào đời sống của người dân nên việc thay đổi hoặc xóa bỏ nó là một việc khó khăn. b. Thứ hai, đạo đức tác động đến việc thực hiện pháp luật của các chủ thể. Sự tác động này phụ thuộc vào hai yếu tố: sự phù hợp của đạo đức với pháp luật và ý thức đạo đức của mỗi chủ thể cá nhân trong xã hội. Sự phù hợp của đạo đức và pháp luật ảnh hưởng mạnh mẽ tới việc thực hiện pháp luật. Nếu như pháp luật được xây dựng phù hợp với đạo đức thì nó sẽ được công dân chấp hành nghiêm chỉnh. Nhưng nếu như có những điều lệ pháp luật đưa ra mà trái với đạo đức thì nó khó có thể đi vào cuộc sống của mọi người và từ đó gây khó khăn cho việc thực hiện. Trên thực tế, cho tới nay, nhìn chung ở Việt Nam các quy phạm pháp luật vẫn đang hòa hợp với chuẩn mực đạo đức, mặc dù có một số quy định hơi cứng nhắc mà những vụ việc liên quan tới nó thường không được giải quyết thỏa đáng. Tiêu biểu là quy định về xét xử tội phạm hình sự dưới 18 tuổi. Bộ Luật Hình sự quy định người dưới 18 tuổi phạm tội hình sự thì phải chịu mức án tối đa là 18 năm. Và thực tế đã có một số vụ việc đặc biệt nghiêm trọng, gây bất bình gay gắt trong dư luận mà thủ phạm chỉ phải chịu mức án quá nhẹ chỉ vì dưới 18 tuổi. Đây cũng là một bất cập trong hệ thống pháp luật Việt Nam, phần nào ảnh hưởng đến chuẩn mực đạo đức. Bên cạnh đó, chính ý thức đạo đức của mỗi cá nhân cũng ảnh hưởng tới việc thực hiện pháp luật. Đạo đức là môi trường thuận lợi để tiếp thu, cảm nhận và thực hiện pháp luật. Những người có ý thức đạo đức cao thì trong mọi trường hợp đều thực hiện nghiêm chỉnh pháp luật. Trái lại, những người có ý thức đạo đức thấp, sống trong môi trường đạo đức thấp thì thường hay vi phạm pháp luật. Vì lý do này mà giáo dục ý thức pháp luật ngay từ khi còn nhỏ là một điều cần thiết và quan trọng, giúp sớm hình thành trong mỗi con người ý thức đạo đức tốt, hạn chế những trường hợp vi phạm pháp luật. 2.2. Tác động của pháp luật tới đạo đức. a. Thứ nhất, pháp luật dựa trên một cơ sở đạo đức nhất định và ghi nhận, củng cố, bảo vệ những quan điểm, quan niệm, tư tưởng, chuẩn mực đạo đức của giai cấp thống trị, những giá trị đạo đức truyền thống. Có những quy phạm pháp luật, khi đã trở nên phổ biến trong xã hội, thành yếu tố thường trực trong hành vi xã hôi của con người, sẽ trở thành quy phạm đạo đức. Bằng cách này, pháp luật góp phần cũng cố, giữ gìn, phát huy các giá trị đạo đức xã hội, bảo đảm cho đạo đức phổ biến hơn trên toàn xã hội, đồng thời góp phần hỗ trợ, bổ sung cho đạo đức, đảm bảo cho chúng được thực hiện nghiêm chỉnh trên thực tế thông qua những biện pháp tác động nhà nước cụ thể. Điều 131 Luật Dân sự đã quy định: “Những giao dịch dân sự trái với pháp luật, đạo đức thì bị coi là vô hiệu. Điều đó có nghĩa là chủ thể khi xác lập giao dịch dân sự phải cân nhắc xem hành vi của mình có hợp pháp và hợp đạo đức hay không”. b. Thứ hai, pháp luật giữ vai trò loại bỏ những quan điểm, tư tưởng đạo đức lạc hậu, phản tiến bộ trong đời sống xã hội, đồng thời ngăn chặn sự thoái hóa, xuống cấp của đạo đức, ngăn chặn việc hình thành những quan niệm đạo đức trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc và của xã hội tiến bộ. Mặc dù đạo đức là chuẩn mực có tác động mạnh mẽ nhất đến con người những không phải lúc nào chuẩn mực này cũng là đúng nhất. Quá trình phát triển của xã hội kéo theo sự thay đổi trong lối sống, lối nghĩ của người dân. Và cùng với nó, đạo đức không còn hoàn toàn là phù hợp. Và pháp luật đã giúp đạo đức tồn tại trong xã hội bằng cách loại bỏ những quan niệm đạo đức cổ hủ lạc hậu và duy trì, phát huy những quan niệm đúng đắn, đẹp đẽ trong cuộc sống, phát huy giá trị của chuẩn mực đạo đức. Thông qua những quy định cụ thể, pháp luật không cho phép hoặc cấm những hành vi thực hiện theo những quan niệm, tư tưởng đạo đức xưa cũ, lạc hậu, không phù hợp với cuộc sống hiện đại. Thêm vào đó, xã hội ngày nay ngày càng phát triển, hội nhập sâu rộng, mang theo ảnh hưởng của kinh tế, chính trị, văn hóa… khác nhau, hoặc khi giá trị đạo đức truyền thống không còn được nhận thức đúng đắn, việc giáo dục đạo đức trong gia đình và nhà trường bị coi nhẹ. Trong những trường hợp ấy, pháp luật là phương tiện, công cụ hữu hiệu nhất để diệt trừ cái ác, ngăn chặn sự băng hoại đạo đức trong xã hội. Nhận xét: Chuẩn mực đạo đức và pháp luật tuy khác nhau về phạm vi tác động, cơ chế tác động tới các quan hệ xã hội, nhưng chúng có chung mục đích điều tiết, điều chỉnh hành vi của con người trong xã hội. Mối quan hệ giữa chuẩn mực đạo đức và pháp luật là mối quan hệ tác động qua lại, hỗ trợ lẫn nhau và bỏ sung cho nhau trong quá trình điều chỉnh hành vi của con người. Trong mối quan hệ này, chuẩn mực đạo đức có phạm vi điều chỉnh các quan hệ xã hội rộng hơn, còn pháp luật có phạm vi điều chỉnh sâu hơn. Trong một số trường hợp, định hướng đạo đức muốn được thực hiện một cách phổ biến trong xã hội thì phải thông qua các quy phạm pháp luật để thể hiện. Điều đó cho thấy, ở một số khía cạnh nhất định pháp luật có ưu thế nổi trội hơn so với chuẩn mực đạo đức. Pháp luật không chỉ là sự ghi nhận các chuẩn mực đạo đức, mà còn là công cụ, phương tiện bảo vệ chuẩn mực đạo đức một cách hữu hiệu bằng các biện pháp, chế tài cụ thể. Pháp luật có vai trò to lớn trong việc duy trì, bảo vệ và phát triển các quy tắc đạo đức phù hợp, tiến bộ trong xã hội. Ngược lại, chuẩn mực đạo đức là nền tảng tinh thần để thực hiện các quy định của pháp luật. Trong nhiều trường hợp, các cá nhân trong xã hội thực hiện một hành vi pháp luật hợp pháp không phải vì ho hiểu các quy định của pháp luật, mà hoàn toàn xuất phát từ các quy tắc đạo đức. Nhiều quy tắc, yêu cầu, đòi hỏi của chuẩn mực đạo đức được nhà nước sử dụng và nâng lên thành quy phạm pháp luật. Khi xây dựng và ban hành pháp luật, nhà nước không thể không tính tới các quy tắc của chuẩn mực đạo đức. Chẳng hạn đối với “ Tội không tố giác tội phạm” (Điều 314 BLHS năm 1999), nếu tội phạmđó không phải là tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tôi đặc biệt nghiêm trọng thì nhà nước không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội; vì về mặt đạo đức và tâm lý, không ai muốn người thân của mình dính líu vào vòng tù tội. Khủng hoảng xã hội thường biểu hiện ở các quan hệ đạo đức trong xã hội, nhất là giới lãnh đạo, cầm quyền. Đến lượt mình, khủng hoảng đạo đức có thể tác động tiêu cực đến các mặt khác nhau của đời sống xã hội, kể cả lĩnh vực kinh tế. Chẳng hạn, nạn tham nhũng có thể tàn phá các quan hệ kinh tế, từ chỗ là một vấn đề đạo đức (biểu hiện của thói tham lam vô độ, ích kỷ tột cùng, là hành vi vô đạo đức), nó trở thành một vấn đề xã hội( ảnh hưởng đến trật tự xã hội, gây nhức nhối, bức xúc trong dư luận xã hội)- kinh tế ( làm cạn kiệt công quỹ, phương hại đến ngân sách, cản trở quá trình phát triển kinh tế)- pháp luật (gồm những tội phạm rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng quy định trong Bộ luật Hình sự, như tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ…). Một xã hội được coi là phát triển ổn định, bền vững bao giờ cũng phải tới chỗ các giá trị, chuẩn mực đạo đức, pháp luật được tôn trọng và thực hiện một cách rộng rãi, phổ biến IV. Liên hệ với Việt Nam. Ở nước ta hiện nay, vị trí, vai trò cũng như mối quan hệ của đạo đức và pháp luật ngày càng được nhìn nhận đúng đắn, tích cực. Pháp luật được xây dựng để trở thành công cụ quan trọng nhất của nhà nước để quản lý các quan hệ xã hội. Tuy vậy, với đời sống xã hội rộng lớn thì còn cần nhiều công cụ khác nữa, trong đó có đạo đức. Tại Đại Hội Đại Biểu Toàn Quốc lần VIII, Đảng ta đã khẳng định quan điểm: “Quản lý xã hội bằng pháp luật, đồng thời coi trọng giáo dục, nâng cao đạo đức”. Do được xây dựng trên cơ sở các quan niệm đạo đức của nhân dân, pháp luật không những thể hiện được tư tưởng đạo đức cách mạng, đạo đức tiến bộ mà còn thể hiện được ý chí, nguyện vọng và hướng tới lợi ích của nhân dân lao động. Tại Hiến Pháp 1992, Điều 2 quy định: “Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân.”. Pháp luật còn phản ánh rõ nét tinh thần nhân đạo – tư tưởng đạo đức cơ bản của nhân dân ta. Tính nhân đạo trong hệ thống pháp luật Việt Nam được thể hiện rất rõ trong các quy định về chính sách xã hội của nhà nước. Nhà nước Việt Nam có nhiều chính sách ưu đãi, quan tâm đặc biệt đến thương binh liệt sĩ, người có công với cách mạng, người già, trẻ em, người tàn tật… Đạo đức trong xã hội đã bổ sung và hoàn thiện cho pháp luật, tạo điều kiện cho pháp luật được thực hiện nghiêm chỉnh trong cuộc sống. Nhà nước ta thừa nhận tập quán có thể thay thế pháp luật trong một số trường hợp nhất định và nội dung tập quán không trái với pháp luật. Ngược lại, pháp luật đã góp phần quan trọng trọng việc gìn giữ và phát huy những quan niệm đạo đức tốt đẹp, hình thành những tư tưởng tiến bộ, ngăn chặn sự thoái hóa xuống cấp của đạo đức. Trong chừng mực nhât định, nhà nước pháp luật hóa các quy phạm, nguyên tắc đạo đức thành các quy phạm pháp luật – những quy tắc xử sự tương đối cụ thể cho các chủ thể trong xã hội, xác định rõ hành vi nào được thực hiện, không được thực hiện… Bên cạnh đó, trong một số trường hợp thì ranh giới điều chỉnh giữa pháp luật và đạo đức chưa rõ ràng. Chẳng hạn, Bộ Luật Dân sự quy định các giao dịch dân sự không được trái với đạo đức xã hội. Trên thực tế, đánh giá một hành vi nào đó là trái hay không trái với đạo đức xã hội không phải là vấn đề đơn giản. Đạo đức xã hội xuống cấp là nguyên nhân chính làm gia tăng các vi phạm pháp luật cả về số lượng và mức độ nghiêm trọng ở mọi cáp độ: người dân, công chức, cán bộ… Văn kiện Đại hội lần 9 đã nêu: “Tình trạng tham nhũng (…) ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên là rất nghiêm trọng”. Nguyên nhân cơ bản là sự nhận thức không đúng đắn về vai trò của đạo đức, nhất là đạo đức truyền thống. KẾT THÚC Pháp luật và đạo đức luôn nằm trong một mối quan hệ tác động qua lại lẫn nhau trong việc điều chỉnh hành vi con người, hướng tới sự hoàn thiện, góp phần vào sự ổn định xã hội. Hiều được mối quan hệ này giúp xã hội cân bằng, phát triển ổn định và tốt đẹp.Trong quá trình làm bài, dù đã rất cố gắng nhưng không thể tránh khỏi thiếu sót. Em mong thầy cô chỉ bảo và giúp đỡ. Em xin cảm ơn. DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Ngọ Văn Nhân. Xã hội học pháp luật.nxb.Tư pháp, Hà Nội, 2010 2. Ngọ Văn Nhân. Nxb. Thông tin và truyền thông, Hà Nội, 2012 3. Kulcar Kalaman, Cơ sở Xã hội học pháp luật,Nxb thống kê, Hà Nội 2004
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan