Đăng ký Đăng nhập

Tài liệu Phóng sự ma tuý

.DOC
3
412
117

Mô tả:

Ma túy, nỗi đau không của riêng nhà ai Nếu ai ở Hải Phòng, hẳn còn nhớ mười mấy năm về trước có một vụ cha giết con, xẻ con ra làm nhiều mảnh đem bỏ ở nhiều nơi. Đó chính là vụ xảy ra ở xóm nhà tôi - bờ mương Vạn Mỹ. Đứa con ấy là Cường, nghiện ngập, về nhà cầm dao dọa mẹ để vòi tiền. Người cha vốn hiền lành luôn chiều chuộng đứa con trai duy nhất, nhìn thấy cảnh thằng con bất hiếu tra khảo bà mẹ để lấy tiền, trong một lúc tức giận mất suy nghĩ đã đập chết thằng con. Cả xóm chả ai lên án hành động mất nhân tính của người cha, lại còn chung tay ký đơn xin giảm án cho ông, dù biết rằng ông ta sau khi giết con còn bình tĩnh mà phân thân thằng con thành từng mảnh. Và rồi ông ta cũng chỉ bị giam có hơn một năm tù. Đứa con đó chết như một điều tất yếu nó phải chết. Chỉ có bà mẹ là đau khổ nhất trong vụ án này. Lại có nỗi đau của người mẹ khác ở một gia đình khác, bà không đau lúc còn trẻ như bà mẹ ở trên mà vào lúc tuổi già, con cháu nội ngoại đề huề mới biết đến nỗi đau có con nghiện ngập. Huân – con trai út trong nhà, vợ đẹp, con khôn, có việc làm ổn định – vào một buổi tối nói đi mua phở cho vợ đang mang bầu đứa thứ 2 ăn, rồi đi luôn không thấy về. Cho đến khi công an báo tin về gia đình mới biết rằng anh ta đã chết trên bờ đê Niệm Nghĩa, xe dựng bên cạnh, khóa cổ xe đàng hoàng. Công an đòi mổ tử thi để khám nghiệm, nhưng bà mẹ và gia đình phải đút tiền xin thôi. Họ cũng có thể đã biết thừa con cháu mình chết vì cái gì. Họ không muốn bị đàm tiếu thêm nữa vì trong nhà còn có một đứa con nữa – Hùng – con trai trưởng cũng nghiện ma túy và đã có dương tính với HIV. Hùng cũng đã có vợ con đàng hoàng, vượt biên sang Hồng Kông rồi nghiện từ bên đó. Trở về chẳng chịu làm ăn gì, chỉ để người vợ, vốn là một người tháo vát giỏi buôn bán nuôi. Tất nhiên chả có người phụ nữ khôn ngoan nào chịu mãi cảnh nuôi một thằng chồng nghiện, không chịu làm lại còn thỉnh thoảng "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay" với vợ. Rồi chị ta cũng tìm được cách thoát được khỏi anh chồng nghiện. Chị ta ly dị, làm hôn thê với người nước ngoài rồi bảo lãnh thằng con trai duy nhất, cháu đích tôn của dòng họ theo. Chị ta đời nào để thằng con lại rồi mà học thói nghiện của bố nó cho hỏng đời. Chỉ có bà cụ già 70 tuổi, mất con, mất cháu, hàng ngày vẫn phải ra ngồi chợ từ sáng sớm đến tối mịt kiếm từng đồng nuôi thằng con đang già, đang bệnh mà cứ sống dai sống dẳng. Bà không muốn con bị đau đớn vì bệnh, không dám để con vì thèm khát ma túy mà phải đi ăn trộm của người ta nên cứ phải cung phụng cho con tiền để mua thuốc hút chích mỗi ngày. Bà không muốn con bà đau, nhưng chính bà cứ phải âm thầm chịu nỗi đau ấy và không biết sẽ còn chịu đến khi nào… Nỗi đau khác, hai đứa em của bạn tôi, Dương và Bống. Vốn sống ở một xóm nhiều tệ nạn ở phố Chợ Con nên Dương đua đòi theo bạn xấu bỏ học, tập tành hút chích từ hồi học cấp 2. Rồi Dương lại rủ rê thằng Bống là em Dương cùng hút chích. Chả biết Dương dính HIV từ bao giờ, chỉ khi bị công an bắt vì tội ăn trộm và được đưa đi xét nghiệm, gia đình mới hay biết. Lúc ấy thằng Bống cũng khai ra là đã từng chích chung kim tiêm với anh. Nhà có hai thằng con trai thì bản án tử hình đã treo lơ lửng trên đầu chúng, còn gì đau hơn nữa. Thằng Bống phát bệnh trước và ra đi nhanh chóng. Còn Dương, vật vã đau đớn rất lâu. Nửa năm trời, nằm bẹp trên giường với những vết lở loét, bệnh đau dạ dày, bệnh gan hành hạ, không ăn được. Gia đình không ai dám chăm sóc đành phải thuê một ông trung niên cũng là dân nghiện hàng ngày ở với Dương, cho Dương ăn uống vệ sinh và tiếp tục chích ma túy để giảm cơn đau cho đến ngày Dương ra đi. Cả hai anh em, khi chết đều đem đi hỏa thiêu rồi đào sâu chôn chặt, bởi không ai có đủ can đảm mà đợi 3 năm sau cải táng bốc cốt lên một lần nữa cả. Đó là nỗi đau của những gia đình có con trai nghiện hút. Nhưng có gia đình khác, chỉ có con gái mà cũng không tránh khỏi nỗi đau này. Chú Ly ở xóm nhà tôi, bí thư chi bộ của khu phố, trưởng ban văn nghệ ở Phường, tưởng yên tâm với hai đứa con gái xinh đẹp học giỏi, nào ngờ một ngày kia phát hiện con bé út cặp kè quen biết với một thằng bạn trai nghiện ngập. Ngăn cản thì đã muộn, nó cũng dính vào nghiện. Cái giống ma túy đã dính vào là như bị thôi miên không thể bỏ. Thậm chí nó còn chủ mưu cho thằng kia đi chặn đường cướp xe của người ta. Vào tù ra tội, bảo lãnh chán, cai đi cai lại nhưng chúng vẫn chứng nào tật ấy. Chú Ly đành mặc kệ cho chúng muốn làm gì thì làm, sống vất vưởng ở đâu thì sống. Bản thân chú cũng thấy mình chả bảo ban được con thì cũng chả bảo được ai nên xin từ hết các chức vụ ở khu xóm, sống lặng lẽ khép mình, không quan hệ với ai… Trong gia đình dòng tộc tôi, cũng có một nỗi đau như thế. Tuấn – con trai thứ của dì tôi – đẹp trai cao to nhất dòng họ nhưng lại đua đòi ăn chơi và hư hỏng nhất. Từ cái phố Cầu Đất, nơi buôn bán sầm uất nhất Hải Phòng, Tuấn kết bạn với những đám bạn nhà giàu học thì ít chơi thì nhiều, suốt ngày tụ tập học đòi làm anh chị, gây sự đánh nhau. Chú tôi, sợ con chơi với đám bạn ấy chả mấy mà thành côn đồ cát đảng nên tìm cách cách ly con với đám bạn, bằng cách là nộp tiền vàng cho con đi vượt biên. Nghĩ rằng sang được miền đất nào đó giàu có văn minh, con mình sẽ quên chơi bời mà biết làm lụng kiếm tiền gửi về. Ngờ đâu đó lại là quyết định sai lầm nhất của của chú dì tôi để sau đó hai người phải gánh chịu hậu quả. Tuấn không đi được nước thứ ba mà chỉ dừng chân tại trại tị nạn Hồng Kông. Rồi từ đấy em vẫn gặp bạn cũ và nghiện ma túy như một điều dĩ nhiên. Đến khi bị Hồng Kông trả về, quốc tế trợ cấp cho em ít tiền để em đi học nghề và kiếm việc làm, em đem đốt hết ở xới thuốc phiện. Em vẫn nể sợ cha mẹ và anh trai một chút nên không dám lấy trộm gì trong gia đình, nhưng lại luôn bỏ nhà đi với đám bạn cũ, chúng bảo gì làm nấy để có thuốc hút. Em còn ăn ngủ luôn trong xới nhiều ngày không thèm về nhà, chỉ khi gia đình tìm hỏi thăm khắp nơi mới moi móc được em về, giam xích cho cai. Nhưng em chỉ lừa mọi người cho tạm yên ắng một thời gian rồi em lại trốn đi. Cái miệng của thằng nghiện thường dẻo quẹo, Tuấn cũng thuộc loại dẻo mồm, nó đi xin tiền khắp nơi và lừa tiền cũng khắp nơi. Từ họ hàng nội ngoại đến người yêu. Có một cô bé rất yêu nó từ bên Hồng Kông về, nhưng sau nhiều lần bị nó lừa tiền và xe, cộng với lời khuyên của dì tôi là: "Cháu đừng thương nó nữa, nó là đồ bỏ đi rồi. Con gái có thì, cháu nên đi lấy chồng đi", cô bé cũng tỉnh ra và bỏ thằng Tuấn. Từ lúc đó thằng Tuấn chán đời hẳn, nó không coi ai ra gì nữa. Chửi cả bố mẹ anh em rồi bỏ đi biệt tích. Một vài lần bị công an bắt, chú dì tôi lên bảo lãnh nộp tiền bồi thường xong ra khỏi cửa là nó chạy biến. Chán rồi chú tôi cũng mặc kệ, dì tôi đau khổ nhưng cũng bất lực không làm gì được. Kể cả khi có người báo tin nó bị kết án 5 năm ở Phi Liệt, gần nhà đấy nhưng chú tôi cũng không cho dì tôi đi thăm nuôi. Cho đến tháng 3 vừa rồi, người ta báo tin nó chết trong tù, gia đình mới xất bất xang bang đi đưa nó về làm đám tang cho nó. Dì tôi ngất lên ngất xuống, ốm liệt giường nhiều ngày. Ai cũng bảo, thằng Tuấn làm dì tôi đau khổ quá nhiều, nhưng thôi, lần này coi như lần đau cuối cùng của dì tôi. Còn nhiều nỗi đau khác, trong những gia đình khác, ở những thành phố khác chứ không chỉ ở Hải Phòng mà tôi biết. Nhưng thôi, kể thêm nữa chỉ thấy đau lòng thêm… Mỗi lần về Hải Phòng, ra thắp hương mộ ông bà ngoại tôi ở chùa Đồng Thiện, đi ngang qua nhiều ngôi mộ mà trên bia đá khắc những dòng chữ: hưởng dương mười mấy hay hai mấy tuổi, hẳn trong số đó là những nấm mồ của các em chết vì nghiện ma túy, vì căn bệnh mà người ta cho là của thế kỷ. Lứa tuổi mười mấy, hai mấy, lứa tuổi đáng lý phải đẹp nhất, tươi nhất, khỏe nhất, cống hiến được nhiều nhất sức lao động cho gia đình và cả xã hội, thì các em ra đi.
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan