Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Kinh doanh - Tiếp thị Kế hoạch kinh doanh Tóm tắt luận án tiến sĩ ngữ văn thơ đi sứ việt nam từ cuối triều lê đến đầu triề...

Tài liệu Tóm tắt luận án tiến sĩ ngữ văn thơ đi sứ việt nam từ cuối triều lê đến đầu triều nguyễn (1740 1820)

.PDF
27
108
50

Mô tả:

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI -------o0o------- ĐỖ THỊ THU THỦY THƠ ĐI SỨ VIỆT NAM TỪ CUỐI TRIỀU LÊ ĐẾN ĐẦU TRIỀU NGUYỄN (1740 -1820) Chuyên ngành: Văn học Việt Nam Mã số: 62.22.01.21 TÓM TẮT LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGỮ VĂN HÀ NỘI - 2015 CÔNG TRÌNH ĐƯỢC HOÀN THÀNH TẠI TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS. Nguyễn Đăng Na Trường Đại học Sư phạm Hà Nội Người phản biện 1: PGS.TS Trần Nho Thìn Trường Đại học KHXH&NV – ĐHQG Hà Nội Người phản biện 2: PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn Viện Văn học Người phản biện 3: PGS.TS Trịnh Khắc Mạnh Viện Nghiên cứu Hán Nôm Luận án sẽ được bảo vệ tại Hội đồng đánh giá luận án cấp Trường, họp tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội Vào hồi…..giờ….., ngày…..tháng…..năm 2015 MỞ ĐẦU 1. Lí do chọn đề tài 1.1. Thơ đi sứ thuộc loại hình thơ văn bang giao, phản ánh đặc trưng bối cảnh chính trị - văn hoá vùng Đông Á trung đại. Tuy nhiên, khác với thơ đón/tiếp sứ ra đời trong “không gian cung đình”, thơ đi sứ thể hiện dấu ấn của thứ thơ mang “cảm hứng trên đường” trong cả nội dung và bút pháp, là hiện tượng thú vị trong vận động thơ ca trung đại. 1.2. Trong khoảng trên dưới 7 thế kỷ hình thành, phát triển (TK XIII –TK XIX), vào những năm cuối thời Lê - đầu thời Nguyễn (1740 - 1820), thơ đi sứ nở rộ về số lượng và kết tinh nghệ thuật, có ý nghĩa tiêu biểu cho đặc điểm, thành tựu thơ đi sứ trung đại, đồng thời góp phần tạo nên dấu ấn sâu đậm, rực rỡ của văn học Việt Nam đương thời. 1.3. Sáng tác thơ sứ thần cuối Lê - đầu Nguyễn là một trong những “kênh” tin cậy phản ánh sự đa dạng của bức tranh bang giao Đại Việt thế kỷ XVIII - XIX trước biến chuyển của tình hình chính trị trong nước cũng như tương quan các nước khu vực Đông Á. Việc sử dụng sức mạnh mềm của thơ ca trong giao lưu chính trị, văn hoá khu vực có một ý nghĩa thực tế nhất định trong bối cảnh toàn cầu hoá hiện nay. 1.4. Đề tài bổ sung thêm một nguồn tư liệu tham khảo cho việc học tập, giảng dạy văn học trung đại trong nhà trường. 2. Mục đích, nhiệm vụ nghiên cứu - Khái quát tình hình sáng tác thơ đi sứ cuối Lê - đầu Nguyễn qua việc xác lập và hệ thống văn bản trong đối tượng, phạm vi nghiên cứu. - Phân tích một số đặc điểm nội dung và nghệ thuật thơ đi sứ cuối Lê - đầu Nguyễn nhìn từ vận động loại hình thơ đi sứ, từ đó thấy được thành tựu cùng đóng góp riêng của thơ đi sứ thời này trong diễn trình thơ đi sứ Việt Nam. - Phân tích những điểm nổi bật của bức tranh bang giao Đại Việt TK XVIII - XIX, đặc biệt là giao lưu văn hóa, văn học giữa Việt Nam với các quốc gia khu vực Đông Á qua hiện tượng thơ sứ thần. 3. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu 3.1. Đối tượng nghiên cứu: những tác phẩm thơ đi sứ chữ Hán từ 1740 - 1820 gồm: thơ sứ thần triều Cảnh Hưng - Chiêu Thống (cuối Lê, 1740 - 1788), Quang Trung - Cảnh Thịnh (Tây Sơn, 1788 - 1802), Gia Long (đầu Nguyễn, 1802 - 1820). 1 3.2. Phạm vi nghiên cứu 3.2.1. Phạm vi nội dung: giới thiệu khái quát tình hình sáng tác; phân tích đặc điểm nổi bật của thơ đi sứ cuối Lê - đầu Nguyễn ở các phương diện chủ yếu: nội dung cảm hứng; sự thể hiện hình tượng cái tôi trữ tình trong thơ; thể thơ, ngôn ngữ, cấu trúc…, từ đó khẳng định thành tựu và đóng góp của thơ đi sứ cuối Lê - đầu Nguyễn với quá trình vận động thơ đi sứ và thơ ca trung đại. 3.2.2. Phạm vi tư liệu: -12 tập thơ tiêu biểu của 12 sứ thần sáng tác từ 1740 - 1820 (sẽ được trình bày cụ thể trong mục 2.3.2) - Ngoài ra chúng tôi tham khảo thêm tư liệu về thơ đi sứ trong các tuyển tập: Việt Nam Hán văn Yên hành văn hiến tập thành (từ Q.2 - Q.10, bản Hv.01931 Hv.01939)và Thơ đi sứ (Phạm Thiều - Đào Phương Bình cb, Nxb. KHXH, 1993) để so sánh hoặc thống kê số lượng thể thơ, thể tài. 4. Phương pháp nghiên cứu Tác giả chủ yếu vận dụng các phương pháp: hệ thống, so sánh, tiếp cận liên ngành, phân tích - tổng hợp…để thực hiện đề tài. 5. Đóng góp của luận án - Luận án đã khảo sát và hệ thống văn bản của 12 trong tổng số 17 tập thơ đi sứ hiện còn cuối Lê - đầu Nguyễn: tình hình văn bản, biên dịch, liệt kê số lượng bài thơ,bổ sung và phiên âm thêm một số tiêu đề bài/mục thơ còn thiếu trong các công trình tuyển dịch trước đây. - Luận án là công trình đầu tiên hệ thống và bổ sung những vấn đề lý luận, thực tiễn về thơ đi sứ. Riêng chặng sáng tác từ 1740 - 1820, luận án có những phân tích, đánh giá cụ thểtừ nội dung tới hình thức, từ đó tái hiện diện mạo và thành tựu thơ đi sứ thời này trong diễn trình vận động thơ đi sứ và thơ ca trung đại, bổ sung thêm một nguồn tư liệu cho việc giảng dạy và học tập văn học trung đại trong nhà trường. - Thông qua “kênh” ngôn ngữ và thơ ca, luận án phân tích một số điểm đáng chú ý của bức tranh bang giao Đại Việt đương thời, trong đó nhấn mạnh giao lưu văn hóa - văn chương giữa Việt Nam với các nước khu vực Đông Á, có ý nghĩa thực tế đối với hoạt động ngoại giao hiện nay. 6. Cấu trúc của luận án Luận án gồm 4 chương chính: Chương 1: Tổng quan Chương 2: Khái quát về thơ đi sứ và tình hình sáng tác thơ đi sứ cuối Lê đầu Nguyễn. Chương 3: Hứng thú từ những chuyến đi và hình tượng cái tôi trữ tình trong thơ đi sứ cuối Lê - đầu Nguyễn. Chương 4: Thơ đi sứ cuối Lê - đầu Nguyễn nhìn từ một số yếu tố hình thức. 2 Chương 1 TỔNG QUAN 1.1. Lịch sử vấn đề thơ đi sứ cuối Lê - đầu Nguyễn 1.1.1. Nhận xét, đánh giá về thơ đi sứ cuối Lê - đầu Nguyễn trong các bài tựa, đề, bình, bạt thời trung đại. Tựa, đề, bình, bạt…phản ánh thói quen thẩm bình tác phẩm của người trung đại. Tuy đây chưa phải là những nghiên cứu độc lập, chuyên nghiệp song nó cho thấy mối quan tâm, sự chú ý của người xưa với sáng tác của sứ thần trong đời sống văn hóa, văn học dân tộc. Bài viết của Hồ Sĩ Đống, Ngô Thì Sĩ, Ninh Tốn, Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Địch Cát, Trần Tuấn Viễn, Bùi Dương Lịch…bàn về các tập thơ Hoa trình của Nguyễn Tông Khuê, Lê Quý Đôn, Nguyễn Đề, Phan Huy Ích, Lê Quang Định, Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tĩnh là những ví dụ tiêu biểu. Nhận xét của tác giả trong bài viết trên thường thiên về khen ngợi, tán dương, phản ánh quan niệm của người xưa về mối tương quan giữa “thi tài” và “thi đức”. Tuy nhiên, khi đặt bài thơ/tập thơ của sứ thần vào tâm thế và không gian sáng tác đặc biệt: tâm thế người đi, không gian trên đường, các thi/văn nhân xưa đã nhận thấy và đề cao vai trò của thế giới khách quan đối với việc nảy sinh hứng thú làm thơ. Những thi tập này, vì thế, được nhìn nhận không chỉ trên phương diện chính trị - bang giao mà còn ở giá trị văn chương - nghệ thuật, có đặc điểm và thành tựu riêng so với thơ viết trong nước. Một số bài tựa, bình của nhân sĩ Trung Quốc và sứ thần Triều Tiên về thơ sứ thần Việt Nam phản ánh giao lưu văn hoá - văn chương rộng mở các nước khu vực Đông Á. 1.1.2. Hoạt động nghiên cứu thơ đi sứ cuối Lê - đầu Nguyễn thời hiện đại Ngoài đóng góp trên lĩnh vực văn bản học, thư mục học, thành tựu lí luận - phê bình về thơ đi sứ thể hiện qua hệ thống bài viết, công trình nghiên cứu; hội thảo khoa học;luận án Tiến sĩ...trong khoảng thời gian từ thập kỷ 70 - TK XX đến nay. Căn cứ nội dung của các bài viết, công trình, chúng tôi thấy có hai xu hướng nghiên cứu chủ yếu về thơ đi sứ, trong đó có thi tập cuối Lê - đầu Nguyễn: Thứ nhất: xu hướng tiếp cận thơ đi sứ từ góc nhìn văn học sử và đặc trưng về loại thể. Tiêu biểu cho hướng nghiên cứu này là các bài viết, công trình của Bùi Duy Tân, Mai Quốc Liên, Nguyễn Đổng Chi, Trương Chính, Trần Thị Băng Thanh, Nguyễn Lộc, Nguyễn Công Lý, Nguyễn Hữu Sơn, Lê Quang Trường…Những nghiên cứu này cho thấy: thơ đi sứ không phải là sáng tác đơn lẻ, nhất thời, tùy 3 hứng mà là hiện tượng/dòng thơ có đặc điểm riêng mang tính loại hình, phản ánh qui luật vận động của thơ ca và văn chương trung đại. Thứ hai: xu hướng tiếp cận thơ đi sứ từ quan hệ chính trị và giao lưu văn hoá, văn học khu vực. Tiêu biểu cho hướng nghiên cứu này là các bài viết, công trình khoa học, luận án tiến sĩ của Bùi Duy Tân, Trần Nghĩa, Trần Nho Thìn, Nguyễn Ngọc Nhuận, Lý Xuân Chung, Trịnh Khắc Mạnh, Nguyễn Thanh Tùng, Nguyễn Minh Tuân…và các nhà nghiên cứu nước ngoài như Wu Zai Zhao, Liu Yu Jun, Le Lang Gong, Liam C.Kelley, Zhan Zhihe, Taro Shimizu... Dành nhiều tâm huyết khảo cứu thơ văn xướng họa giữa sứ thần Việt Nam với văn nhân, quan lại Trung Hoa và sứ thần Triều Tiên, Nhật Bản, bài viết/công trình nghiên cứucủa các tác giả đều khẳng định sứ mệnh “ngoại giao văn hoá” ở những bài thơ này: đề cao văn hiến dân tộc, thể hiện tình cảm hòa hiếu của người Việt trong quan hệ với các nước. Hướng tiếp cận này đang ngày càng trở nên phổ biến bởi ý nghĩa thực tiễn và tính thời sự của nó trong bối cảnh ngoại giao hiện nay. 1.2. Cơ sở lý thuyết của đề tài 1.2.1. Lý thuyết Loại hình học Từ lý thuyết Loại hình học, tác giả luận án khẳng định: thơ đi sứ, trong đó có sáng tác cuối Lê - đầu Nguyễn vừa mang đặc điểm truyền thống của văn học nhà Nho, vừa có vận động mới mẻ về tư tưởng - cảm hứng và bút pháp nghệ thuật, phản ánh mối quan hệ giữa chuyện đi - chuyện viết, sứ thần - nhà thơ, văn chương - chính trị, là hiện tượng thú vị trong vận động của nền thơ ca và văn học trung đại. 1.2.2. Văn hóa học và nghiên cứu thơ đi sứ từ góc nhìn văn hóa Từ lý thuyết nghiên cứu Văn hoá học văn học, tác giả luận án nhận thấy: thơ đi sứ, trong đó có sáng tác cuối Lê - đầu Nguyễn là sự phản ánh, kết tinh giá trị văn hoá dân tộc và thời đại, đặc biệt trong lĩnh vực bang giao. Trên cơ sở vận dụng những lý thuyết trên cùng sự kế thừa kết quả nghiên cứu của người đi trước,luận án xác định nghiên cứu thơ đi sứ cuối Lê - đầu Nguyễn trên các bình diện chủ yếu sau: - Nghiên cứu thơ đi sứ cuối Lê - đầu Nguyễn trong bối cảnh bang giao thế kỷ XVIII - XIX. - Nghiên cứu thơ đi sứ cuối Lê - đầu Nguyễn trong tương quan với vận động thơ đi sứ và văn học Việt Nam TK XVIII - XIX. Liên quan tới đối tượng nghiên cứu của đề tài, thuật ngữ thơ đi sứ có thể được thay thế bằng các tên gọi khác như thơ sứ trình, thơ sứ thần (tiếng Anh: Envoy Poetry). 4 Về phạm vi thời gian, cụm từ “cuối triều Lê đến đầu triều Nguyễn” (viết tắt: cuối Lê - đầu Nguyễn) sử dụng trong luận án nhằm để định vị các hiện tượng thơ sứ thần từ 1740 - 1820, tức là khoảng thời gian nửa sau TK XVIII - đầu TK XIX, thời điểm thơ đi sứ có kết tinh thành tựu rực rỡ trong tương quan với vận động văn học và bối cảnh bang giao nhiều biến chuyển giữa triều Lê, Tây Sơn, Nguyễn (Việt Nam) với nhà Thanh (Trung Hoa). Chương 2 KHÁI QUÁTVỀ THƠ ĐI SỨ VÀ TÌNH HÌNH SÁNG TÁC THƠ ĐI SỨ CUỐI LÊ - ĐẦU NGUYỄN 2.1. Văn hóa đi sứ và sự hình thành dòng thơ đi sứ trung đại 2.1.1. Quan hệ bang giao “triều cống” Việt - Trung trong “trật tự thế giới Đông Á”. Bối cảnh chính trị - văn hóa vùng Đông Á trung đại đã tạo nên mối quan hệ quốc tế mang tính “biệt lệ” giữa Trung Hoa với các nước khu vực: quan hệ nước lớn nước nhỏ theo trật tự, thứ bậc rõ ràng. Biểu hiện rõ nhất của mối quan hệ này là hệ thống triều cống được thể chế hóa, qui định “bổn phận cống nạp” của các nước nhỏ/thuộc quốc với nước lớn/“thiên triều” Trung Hoa. Những chuyến Hoa trình tới Yên Kinh thực hiện “nghĩa vụ” tuế cống theo định lệ hoặc cầu phong, vì thế, đã trở thành hoạt động trọng yếu phản ánh tính “đặc thù” của mối quan hệ bang giao Việt - Trung trong “trật tự thế giới Đông Á”, có liên quan trực tiếp tới sự hình thành, vận động của dòng thơ sứ trình trung đại. 2.1.2. Sứ thần - nhà chính trị, nhà văn hóa, nhà thơ. Đối với các quốc gia trong khu vực “đồng văn” thuộc vùng văn hoá Đông Á/vùng văn hoá chữ Hán như Việt Nam, Triều Tiên, Nhật Bản thì: “văn tự Hán và văn hiến được coi như là một công cụ của chính trị của ngoại giao, nó là công cụ để hiểu rõ người Hán và chống lại mọi mưu đồ của người Hán” (Trần Trọng Dương). Ngoài văn kiện chính thống của nhà nước như thư từ, tấu, sớ, biểu chương…thì thơ ca, với ưu thế của loại hình nghệ thuật bằng ngôn từ cũng là một “kênh” hỗ trợ đắc lực, hiệu quả cho hoạt động đối ngoại của nhà nước. Vì thếsứ thần không chỉ có bản lĩnh, tài trí của một nhà chính trị, nhà ngoại giao, nhà văn hoá mà còn mang phẩm chất của những văn quan giỏi từ chương, thơ phú, thông qua sáng tác thơ ca“xiển dương” văn hoá dân tộc và nâng cao quốc thể trước “thiên triều”. Những “bút đàm” này cũng phản ánh giao lưu văn hoá, văn học rộng mở giữa các quốc gia khu vực Đông Á đương thời. 5 2.1.3. Đường tới Yên Kinh - không gian hải ngoại và hứng thú thi ca Lộ trình sứ đoàn Việt Nam tới Yên Kinh tuy phải trải qua nhiều gian nan, khó nhọc do khoảng cách địa lý xa xôi cùng hạn chế về phương tiện song đó cũng là những trải nghiệm thú vị đối với sứ thần. Hứng thơ nảy sinh một cách tự nhiên từ nhu cầu giãi bày tâm trạng, nỗi niềm xa nước, nhớ quê hay để biểu hiện “hứng thú núi sông”. Đường đi sứ, cũng là đường thơ song hành cùng vận mệnh dân tộc suốt thời trung đại . Nét độc đáo của kiểu tác giả nhà thơ - sứ thần và quan niệm văn chương cho thấy bản chất thẩm mĩ của thơ đi sứ, một loại hình thơ văn bang giao gắn liền với nhiệm vụ chính trị nhà nước, đồng thời cũng là những áng thơ trữ tình phản ánh tâm hồn phong phú, sự tài hoa của các thi nhân. Điều này thể hiện ở tính chất đa dạng, phong phú, nhiều màu vẻ của thơ đi sứ về cả phương diện nội dung lẫn hình thức. 2.2. Quá trình vận động thơ đi sứ nhìn từ bối cảnh bang giao Việt - Trung TK XIII - XIX. Theo nhiều tư liệu lịch sử, mối quan hệ bang giao Việt -Trung khởi đầu năm 976 (thời nhà Đinh) và kết thúc năm 1884 (thời Nguyễn). Tuy nhiên, tư liệu về thơ đi sứ hiện còn chỉ cho phép tái hiện được diện mạo của dòng thơ này tính từ cuối thế kỷ XIII (thời Trần). 2.2.1. Bối cảnh bang giao và thơ đi sứ thời Trần - Hồ (1225 - 1407) Thơ đi sứ thời Trần - Hồ là giai đoạn mở đầu dòng thơ đi sứ trung đại, hình thành trong bối cảnh bang giao “nhạy cảm”, phức tạp giữa triều Trần, Hồ với ba triều Tống, Nguyên, Minh trước sự o ép và âm mưu thôn tính của các đế chế phương Bắc. Thơ đi sứ thời này mang âm hưởng của thời đại “đánh Tống, dẹp Nguyên” với tình điệu cảm xúc mạnh mẽ, hào sảng hướng về dân tộc và triều đại song cũng rất tinh tế, trong trẻo khi viết về thiên nhiên, con người, đời sống, trong đó phải kể tới vai trò của Nguyễn Trung Ngạn và Giới Hiên thi tập với việc hình thành truyền thống nghệ thuật thơ đi sứ. 2.2.2. Bối cảnh bang giao và thơ đi sứ thời Lê - Mạc, Lê trung hưng(1428 - 1788) Thơ đi sứ thời Lê - Mạc, Lê trung hưng vận động trong bối cảnh chính trị - bang giao của các triều Lê sơ (1428 - 1527), Mạc (1527 - 1592), Lê trung hưng (1533 1786) với hai triều Minh, Thanh khi sự phân hoá giữa các phe phái chính trị diễn ra ngày càng phức tạp và nội chiến kéo dài. Đây cũng là giai đoạn “được mùa” của thơ đi sứ với số lượng thi tập phong phú cùng sự mở rộng về khuynh hướng phản ánh và đa dạng về bút pháp. Đặc biệt trong thơ Phùng Khắc Khoan (1528 - 1613), 6 tư tưởng “ngoại giao văn chương/thơ ca” đã được ý thức như một quan niệm sáng tác, phản ánh “sự tự giác văn học”. 2.2.3. Bối cảnh bang giao và thơ đi sứ thời Tây Sơn (1788 - 1802) Thơ đi sứ thời Tây Sơn vận động trong bối cảnh bang giao giữa triều Tây Sơn với nhà Thanh sau chiến thắng quân sự trước thiên triều năm 1789. Dưới sự giúp sức của các nhà ngoại giao tài giỏi là nhân sĩ Bắc Hà, bang giao Việt Nam thời Tây Sơn được coi là giai đoạn thành công, rạng rỡ bậc nhất trong lịch sử bang giao trung đại. Thơ đi sứ thời này một mặt phản ánh khí thế ấy của thời đại, mặt khác giàu chất trữ tình trong suy tư về thời thế, thân thế. 2.2.4. Bối cảnh bang giao và thơ đi sứ thời Nguyễn (1802 - 1884) Thơ đi sứ thời Nguyễn vận động trong bối cảnh bang giao giữa triều Nguyễn với Trung Hoa, Pháp và một số nước Đông Nam Á trước biến chuyển mới của tình hình khu vực và thế giới đương thời. Mối quan hệ “triều cống”Việt - Trung chính thức chấm dứt vào năm 1884 khi Thanh triều ký bản “Hoà ước Thiên Tân” công nhận sự bảo hộ của thực dân Pháp tại Việt Nam. Thơ đi sứ thời này, một mặt thể hiện nỗi lo lắng, trăn trở của các trí thức Nho sĩ trước vận mệnh dân tộc, mặt khác quan tâm tới những vấn đề của cuộc sống hiện thực, phản ánh vận động về khuynh hướng, bút pháp của thơ ca và văn học đương thời. 2.3. Tình hình sáng tác thơ đi sứ cuối Lê - đầu Nguyễn 2.3.1. Bang giao với nhà Thanh qua các chuyến đi Trung Hoa của sứ thần 2.3.1.1. Tiếp tục quan hệ bang giao “triều cống” trong bối cảnh chính trị phức tạp của các vương triều. Trong lịch sử, cuối Lê - đầu Nguyễn là khoảng thời gian sóng gió, biến động nhất 10 thế kỷ trung đại liên quan tới cuộc “thay ngôi đổi chủ” của ba triều: Lê, Tây Sơn, Nguyễn. Tuy nhiên về đối ngoại, Việt Nam vẫn là một “thuộc quốc” trong “trật tự thế giới Đông Á”. Hàng loạt chuyến đi mang tính sự vụ/sự lệ của sứ thần trong thời gian này cho thấy quan hệ “triều cống” với Trung Hoa được các triều đại Việt Nam duy trì đều đặn nhằm bảo vệ quyền lợi của vương triều trước sự chống đối các thế lực chính trị trong nước. Trong những chuyến đi tưởng như đã thành thông lệ thì ở khoảng thời gian này cũng có một số chuyện đáng chú ý phản ánh tình hình chính sự trong nước và vị thế của các triều đại Việt Nam trước “thiên triều” Trung Hoa: chuyến đi sứ Thanh của sứ đoàn Lê Quý Đôn năm 1760 - 1761; sứ đoàn Hồ Sĩ Đống năm 1777 - 1778; sứ đoàn Phan Huy Ích, Vũ Huy Tấn, Đoàn Nguyễn Tuấn năm 1790…. 7 Là chứng nhân của giai đoạn lịch sử tao loạn, sự nghiệp chính trị gắn liền với sinh mệnh triều đại nên trong hành trạng và tiểu sử nhiều sứ thần có những quan hệ riêng - chung khá phức tạp. Đặc biệt, sự góp mặt của đội ngũ trí thức có mối liên quan tới tầng lớp thương nhân Hoa kiều vùng đất Nam Hà như Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tĩnh, Huỳnh Ngọc Uẩn đã tạo nên yếu tố mới mẻ, thú vị của bức tranh bang giao Đại Việt trong những thập kỷ đầu vương triều Nguyễn và để lại ít nhiều dấu ấn ở các tập thơ Hoa trình thời này. 2.3.1.2. Gặp gỡ tại Yên Kinh và giao lưu văn hóa - văn chương các nước khu vực Đông Á. Bên cạnh việc giải quyết chính sự hoặc lễ nghi thì một điểm rất độc đáo trong các chuyến Hoa trình cuối Lê - đầu Nguyễn là những gặp gỡ, tiếp xúc, từ đó dẫn tới giao lưu văn hoá, văn chương mang màu sắc học thuật giữa sứ thần Việt Nam với sứ thần các nước trong khu vực. Thống kê cho thấy: ngoài quan hệ truyền thống với văn nhân Trung Hoa thì trong khoảng 50 năm cuối thời Lê và thời Tây Sơn (1740 1802) đã diễn ra 8 cuộc gặp gỡ giữa sứ thần Việt Nam với sứ thần Triều Tiên, Nhật Bản. Đặc biệt, với 7/8 lần tiếp xúc và giao lưu, xướng họa thơ văn, quan hệ văn hóa Việt - Triều đã được tiếp nối từ nền tảng trong quá khứ và ngày càng sâu sắc, rộng mở do những gần gũi và tương quan chính trị với các triều Nguyên, Minh, Thanh của Trung Hoa. Trong mối quan hệ “triều cống” Việt - Trung, tuy thứ bậc nước nhỏ - nước lớn giữa Việt Nam và Trung Hoa không thay đổi song xét về mức độ, vị thế Việt Nam trước “thiên triều” Trung Hoa đã có những cải thiện đáng kể. Bên cạnh chủ đích chính trị - bang giao, những bài thơ họa - đáp, tặng, tiễn còn thể hiện giao tình văn chương giữa sứ thần hai nước. 2.3.2. Các tập thơ đi sứ tiêu biểu Thống kê số lượng bài thơ ở mục này dựa trên các bản Hán văn có số lượng đầy đủ nhất hiện lưu giữ trong kho sách Hán Nôm thuộc Thư viện Viện NCHN và Thư viện Quốc gia Việt Nam, các công trình tuyển dịch đã được công bố. Trên cơ sở đó, tác giả luận án sắp xếp, lược bớt những bài không phải viết trong thời gian đi sứ hoặc là thơ của người khác chép lẫn vào và tập hợp trong Phụ lục luận án (tr.1 73). Cụ thể: 2.3.2.1. Thơ đi sứ thời Cảnh Hưng - Chiêu Thống (cuối Lê, 1740 - 1788) 8 (1). Sứ hoa tùng vịnh tập, Nguyễn Tông Khuê: 206 bài, trong đó Tiền tập: 106 bài, Hậu tập: 100 bài (phụ lục 1, mục 1.1). (2). Quế Đường thi vựng quyển, Lê Quí Đôn: 351 bài, trong đó quyển I: 128 bài, quyển II: 123 bài (phụ lục 2). (3). Phụng sứ Yên đài tổng ca, Nguyễn Huy Oánh: 470 câu thơ lục bát xen kẽ với 133 bài thơ Đường luật kèm theo lời dẫn bằng văn xuôi (phụ lục 3, mục 3.1). Trong Thạc Đình di cảo có 21 bài thơ xướng hoạ với nhân sĩ Trung Quốc và sứ thần Triều Tiên, Nhật Bản (phụ lục 3, mục 3.2). (4). Hoa trình khiển hứng, Hồ Sĩ Đống: 97 bài (phụ lục 4). Điểm nổi bật của thơ đi sứ thời Lê Trung hưng là ở những bài thơ miêu tả vẻ kỳ thú, mỹ lệ của bức tranh thiên nhiên, tạo vật với tứ thơ mới lạ cùng liên tưởng sáng tạo, bất ngờ so với tư duy nghệ thuật trung đại. Hứng thú ghi chép những điều “sở kiến” trên đường đicũng đã hình thành xu hướng kỷ sự đậm chất du ký, tạo nên sự mở rộng của đường biên thể loại trong sáng tác thơ sứ thần thời này, nhất là các thi tập của Nguyễn Tông Khuê và Nguyễn Huy Oánh. 2.3.2.2. Thơ đi sứ thời Quang Trung - Cảnh Thịnh(Tây Sơn, 1788 - 1802) (1). Hải Ông thi tập, Đoàn Nguyễn Tuấn: 107 bài (phụ lục 5). (2). Tinh sà kỷ hành, Phan Huy Ích: 81 bài (phụ lục 6). (3). Hoàng hoa đồ phả, Ngô Thì Nhậm, 115 bài (phụ lục 7). (4). Hoa trình tiêu khiển tập, Nguyễn Đề: 322 bài (phụ lục 8). Thơ sứ thần thời Tây Sơn mang hơi thở hào hùng của thời đại Tây Sơn chiến thắng, chan chứa niềm tự hào dân tộc với những tứ thơ trong sáng, đầy hào khí của Đoàn Nguyễn Tuấn, Vũ Huy Tấn, Ngô Thì Nhậm. Bên cạnh đó, sáng tác sứ thần thời này cũng thể hiện xu hướng trữ tình - thế sự, bộc lộ tâm sự thời thế cùng cảm xúc riêng tư sâu lắng của nhà thơ trước thời cuộc dâu bể, tao loạn. 2.3.2.3. Thơ đi sứ thời Gia Long (đầu Nguyễn, 1802 - 1820) (1). Hoa nguyên thi thảo, Lê Quang Định: 74 bài (phụ lục 9) (2).Thập Anh đường thi tập, Ngô Nhân Tĩnh: 185 bài (phụ lục 10) (3). Cấn Trai Quan quang tập, Trịnh Hoài Đức: 153 bài (phụ lục 11) (4). Bắc hành tạp lục, Nguyễn Du: 131 bài (phụ lục 12). So với thơ đi sứ cuối thời Lê và thời Tây Sơn, điểm nổi bật của thơ đi sứ đầu thời Nguyễn là sự mở rộng biên độ phản ánh của thơ ca theo xu hướng tiếp cận với những gì phong phú, sinh động, chân thật của đời sống hiện thực. Những sáng tác 9 này cũng ít nhiều có sự phân hoá về đặc điểm, thể hiện dấu ấn giữa văn học Bắc Hà và Nam Hà. Chương 3 HỨNG THÚ TỪ NHỮNG CHUYẾN ĐI VÀ HÌNH TƯỢNG CÁI TÔI TRỮ TÌNH TRONG THƠ ĐI SỨ CUỐI LÊ - ĐẦU NGUYỄN 3.1. Giao lưu văn hóa - văn chương các nước khu vực Đông Á qua thơ xướng họa, tặng, tiễn. 3.1.1. Hoạt động xướng hoạ thơ của sứ thần cuối Lê - đầu Nguyễn Khảo sát và thống kê các thi tập cho thấy: thơ xướng hoạ bang giao cuối Lê - đầu Nguyễn có sự mở rộng về đối tượng. Ngoài thơ văn giao hảo với quan lại, văn nhân Trung Hoa đã trở thành truyền thống còn xuất hiện nhiều bài “bút đàm” giữa sứ thần Việt Nam với sứ thần - nhân sĩ các nước Triều Tiên, Nhật Bản. Trong số này, thơ bang giao Việt - Triều có tới 22/23 bài phản ánh mối quan hệ đặc biệt giữa Việt Nam và Triều Tiên trong bối cảnh chung của vùng chính trị - văn hóa Đông Á. Thơ bang giao Việt - Nhật chỉ có một bài duy nhất của Nguyễn Huy Oánh viết tặng sứ thần nước Lưu Cầu/Ryukyu (nay là một phần lãnh thổ Nhật Bản) nhan đề Tiễn Nhật Bản sứ hồi trình. Cùng với bài Ngộ Lưu Cầu quốc sứ (Gặp sứ thần nước Lưu Cầu, Phùng Khắc Khoan viết năm 1597) và Kiến Lưu Cầu quốc sứ giả (tính dẫn) (Tiếp kiến sứ giả nước Lưu Cầu, kèm lời dẫn, Lý Văn Phức viết năm 1831) là tư liệu quí hiện còn chứng thực giao lưu văn hoá Việt - Nhật thời trung đại qua thơ văn. Dưới thời Nguyễn, cả ba nhà thơ đất Gia Định: Lê Quang Định, Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tĩnh tuy không có bài thơ nào xướng hoạ với sứ Triều Tiên và Nhật Bản như các thời trước song lại có khá nhiều thơ xướng hoạ với quan lại Trung Hoa dưới hình thức “đề phiến” (đề trên quạt), “đề bích” (đề trên vách) có liên quan tới nghệ thuật thư pháp, một nét văn hoá truyền thống của người Trung Hoa. Điều này cho thấy sự quảng giao trong quan hệ, sự đa dạng của hình thức giao lưu văn hoá, văn học ở các sứ thần Nam Hà. 3.1.2. Tư tưởng “đồng văn, đồng chủng”: ý niệm về một “trật tự Đông Á” và tinh thần “giải trung tâm” trong thơ sứ thần cuối Lê - đầu Nguyễn. “Đồng văn” là những yếu tố tương đồngvề văn hóa giữa các nước trong khu vực, nền tảng là tư tưởng Nho gia. Cùng với hệ thống triều cống được thể chế hóa trong quan hệ chính trị thì ở phương diện văn hóa, tư tưởng “đồng văn, đồng chủng” mà các nhà nho - sứ thần Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên thể hiện qua thơ văn là một bằng chứng cho thấy sức mạnh chi phối, lan tỏa của “quyền lực văn 10 hóa” Trung Hoa với vị thế quốc gia trung tâm trong “trật tự thế giới Đông Á” tới các nước khu vực. Trong mối quan hệ quốc tế mang tính “biệt lệ” như vậy, việc nhấn mạnh những điểm tương đồng về văn hoá còn là cách thể hiện chủ ýđối thoại, phản biện của sứ thần Việt Nam trước “thiên triều” Trung Hoa, khẳng định Việt Nam không phải là “di quốc” mà là một nước văn hiến. Mặt khác, khi nhấn mạnh chất “đồng văn” như một yếu tố văn hóa vùng, các trí thức người Việt luôn có ý thức về cái riêng biệt, độc đáo của dân tộc mình trong sự đối sánh với các nước, vừa hàm chứa thiện chí giao hảo, vừa ngầm “nhắc nhở” đối phương về một phân định địa giới, phong thổ rõ ràng. Có thể xem đây như là biểu hiện của ý thức “giải trung tâm” trong nỗ lực phá vỡ thế “độc tôn” Hoa Hạ hướng tới mối quan hệ hữu hảo và bình đẳng giữa các dân tộc. Trong quan hệ với các nước “đồng cảnh” bị xem là “ngoại biên”, “phiên thuộc” của Trung Hoa như Triều Tiên, Nhật Bản, đồng văn là một đối thoại văn hoá mang ý nghĩa tích cực kiến tạo truyền thống bang giao hữu hảo, tốt đẹp đậm chất Đông Á theo tinh thần “tứ hải giai huynh đệ”, “đại hữu tương đồng xứ” mà về bản chất, cũng là một biểu hiện khác của ý thức “giải trung tâm” trong thơ đi sứ thời này. 3.1.3. Giao tình văn chương giữa những “tri kỷ chốn chân trời” Những gặp gỡ, tiếp xúc rộng mở mang chiều sâu học thuật giữa sứ thần - nhà thơ Việt Nam với quan lại, sứ thần các nước là cơ sở tạo nên mối giao tình văn chương thể hiện trong thơ xướng hoạ cuối Lê - đầu Nguyễn. Thơ Hồ Sĩ Đống, Đoàn Nguyễn Tuấn, Phan Huy Ích, Lê Quang Định, Trịnh Hoài Đức đều diễn tả cảm xúc tự nhiên, sâu lắng của các văn nhân thi sĩ may mắn có duyên tri ngộ. Quế Đường thi vựng quyển của Lê QuýĐôn còn có hẳn một đề mục nhan đề Đầu tặng loại gồm 74 bài, trong đó có tới 61 bài thơ xướng hoạ, tặng tiễn với quan lại - văn nhân Trung Hoa, 3 bài với sứ thần Triều Tiên. Bên cạnh sáng tác thơ văn mang tính lễ nghi, giao tế nhằm chủ đích chính trị bang giao, những giao tình văn chương trong thơ sứ thần thời này là hiện tượng thú vị, có ý nghĩa mở rộng và làm phong phú cảm xúc văn hoá - văn chương trong giao lưu khu vực. 3.2. Bức tranh đất nước, con người Trung Hoa “nhìn từ bên ngoài” và tâm trạng tác giả. 3.2.1. Nhân vật, địa danh lịch sử: những cuộc trò chuyện với tiền nhân. 11 Trên hành trình di chuyển qua các vùng không gian địa lý Trung Hoa, sứ thần Việt Nam có điều kiện “sở kiến” và “trải lòng” trước danh thắng kỳ thú với vẻ đẹp hùng vĩ, mỹ lệ, đồng thời cũng là các vùng không gian văn hóa - lịch sử, nơi in dấu tích của các triều đại, bậc đế vương, những anh hùng, nhà ái quốc, nhà văn hóa, nhà thơ nổi tiếng trong chiều dài lịch sử Trung Hoa. Đứng trước không gian này, sứ thần không chỉ “tức cảnh, đề vịnh” để “ôn cố, tri tân” hoặc “treo gương giáo huấn” mà còn gửi gắm bao tâm sự, nỗi niềm riêng - chung về bản thân và cuộc đời. Khảo sát thi tập sứ trình cuối Lê - đầu Nguyễn, chúng tôi thấy sự đa dạng của các kiểu/nhóm nhân vật Bắc sử gắn với địa danh trên lộ trình sứ đoàn Việt Nam: bậc tiên Nho, vua chúa; kỳ tài; trung nghĩa; thi/văn nhân; gian thần, tướng giặc. Tuy nhiên tần suất và mức độ biểu hiện cảm xúc, tư tưởng ở mỗi tác giả, tác phẩm liên quan tới nhân vật đề vịnh có những “độ chênh” nhất định. Nhìn trong sự đối sánh, những bài thơ đề vịnh nhân vật, địa danh lịch sử trong thi tập sứ thần Nam Hà ít hơn hẳn thi tập sứ thần Bắc Hà. Trong cách tiếp cận cũng ít thấy những nội dung triết lý cùng sự ngổn ngang của tâm trạng, cảm xúc. Ngược lại trong thơ sứ thần Bắc Hà, cảm thức Nho giáo thể hiện sâu đậm và mang tính kinh viện hơn: thái độ sùng bái hiền nhân, ngợi ca những gương trung nghĩa và khẳng định văn tài. Nhìn từ sự vận động tư tưởng - cảm hứng, có thể thấy điểm thống nhất ở những bài thơ đề vịnh nhân vật, địa danh lịch sử của sứ thần cuối Lê - đầu Nguyễn: cảm thức văn hoá - lịch sử; tiếng nói cảm thương mang dấu ấn thời đại, tình cảm tri kỷ văn chương. Cảm thức văn hoá - lịch sử thể hiện ở xu hướng thiêng hoá địa danh mang chiều sâu nhân văn và tinh thần khai phóng, tôn vinh những giá trị thuộc về con người trong hành trình lịch sử nhân loại. Sự xuất hiện của kiểu hình tượng nhân vật lịch sử, những người tài hoa - trung nghĩa phản ánh trạng thái tinh thần bi kịch của thời đại: tâm trạng lo lắng, bất an, nỗi đau thân phận con người trước cuộc “tang thương”. Tiếng nói cảm thương trong thơ đi sứ thời này đã hoà chung âm điệubuồn thương, bi ai của văn học đương thời. Đặc biệt trong Bắc hành tạp lục ta thấy một “nỗi cảm thương lạ lùng” của Nguyễn Du đối với các nhân vật lịch sử Bắc quốc, thể hiện cảm quan lịch sử đậm chất thế sự phản ánh quan niệm nghệ thuật về con người, về đời sống của nhà thơ. Thơ đi sứ cuối Lê - đầu Nguyễn cũng đề cập tới những tình nghệ sĩ giữa nhà thơ sứ thần Việt Nam với các nhà thơ Trung Hoa trong quá khứ như Khuất Nguyên, 12 Đào Tiềm, Âu Dương Tu, Bạch Cư Dị, Đỗ Phủ, Lý Bạch…Tình cảm này, một mặt phản ánh mối quan hệ gần gũi giữa văn học Việt Nam và Trung Hoa, tâm lý sùng mộ thơ Hán, thơ Đường, mặt khác là kết quả của cuộc tri ngộ văn chương “lạ lùng” giữa những kẻ “Cùng một lứa bên trời lận đận”. Mối quan hệ giữa “tài”, “tình” với “mệnh”, “nghiệp” của người viết văn, làm thơ đã hình thành quan niệm thi học đậm chất phương Đông mang dấu ấn văn học thời kỳ này. 3.2.2. Bức tranh thiên nhiên: không gian thi ca và không gian tâm tưởng Thiên nhiên trong thơ sứ thần cuối Lê - đầu Nguyễn được miêu tả, khám phá trong cái nhìn đa chiều: thiên nhiên - khách thể thẩm mĩ ; thiên nhiên - bức tranh tâm cảnh; thiên nhiên văn hoá. Là khách thể thẩm mĩ, bức tranh thiên nhiên hiện lên với vẻ kỳ thú, thể hiện dấu ấn tác giả và triều đại. Các nhà thơ thời Lê trung hưng thiên về xu hướng diễm lệ hoá thiên nhiên mang ảnh hưởng Đường thi. Các nhà thơ thời Tây Sơn lại có hứng thú với vẻ đẹp hùng vĩ, khoáng đạt, nhiều khi dữ dội nhưng cũng rất mực sống động, hữu tình của cảnh núi non, sông nước. Thơ sứ thần Bắc Hà từ thời Tây Sơn trở về sau xuất hiện dạng thức thiên nhiên u ám, úa tàn.Thực chất, đó là những bức tranh tâm cảnh mang ý nghĩa ám dụ cho tâm trạng lữ khách với mối “hận du tử” cùng nỗi ưu tư về thân phận con người. Đặc biệt trong thơ Nguyễn Du, thiên nhiên đã trở thành một lựa chọn nghệ thuật ký thác tâm sự về con người và cuộc đời. Bên cạnh không gian sông nước, núi non thì không gian chùa chiền đã tạo nên nét riêng trong thơ các sứ thần Nam Hà. Đối diện với cảnh sắc thanh tĩnh chốn Phật môn, nếu sứ thần Bắc Hà có xu hướng hài hoà giữa “tâm thi” và “tâm Tiên”, “tâm Phật”, từ đó tạo nên những bức tranh thiên nhiên với vẻ đẹp nhẹ nhàng, thoát tục thì các sứ thần Nam Hà lại thiên về khẳng định “tâm Phật”. Bức tranh tâm cảnh mang ý vị tôn giáo, triết học bên cạnh cảm xúc cá nhân, đời tư tạo nên sự phong phú của tư tưởng - cảm hứng thơ sứ thần thời này. Thiên nhiên trong thơ sứ thần cuối Lê - đầu Nguyễn còn là thiên nhiên văn hoá. Điều này lý giải cảm tình đặc biệt của sứ thần - thi sĩ Việt Nam với các danh thắng Giang Nam, mảnh đất văn hoá - văn chương nổi tiếng của Trung Hoa như: Hoàng Hạc lâu, Nhạc Dương lâu, Tỳ Bà đình, Pha Tiên đình, Tương giang, Trường Sa, Thương Ngô, Động Đình hồ…Đây là địa danh gắn với những truyền thuyết đậm ý vị thần tiên cùng bút tích của các danh thi như Khuất Nguyên, Thôi Hiệu, Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị, Tô Đông Pha…Trong các bài thơ viết về danh thắng, vẻ đẹp của thiên nhiên không chỉ được tạo nên bởi cái “của nó”, “ở bên trong nó” mà còn 13 ở những gì mà con người đã “in dấu vào nó” bằng tình yêu và khát vọng bất tử hoá cái đẹp. 3.2.3. Bức tranh cuộc sống con người: những điều sở kiến Thơ sứ thần không chỉ nói về “chất thơ của không gian” mà còn khám phá“chất thơ của đời sống” trong những quan sát, cảm nhận hiện thực. Đó trước hết là hiện thực hàng ngày, cảnh sinh hoạt, lao động đời thường, những nét phong tục, tập quán của người dân Trung Hoa nơi vùng đất sứ đoàn đi qua. “Hứng thú đời sống” cũng tạo nên cảm nhận và cách miêu tả riêng ở mỗi tác giả. Nếu trong thơ Nguyễn Huy Oánh, Hồ Sĩ Đống, hình ảnh người lao động luôn xuất hiện trong sự hài hoà với khung cảnh thiên nhiên thơ mộng, hữu tình thể hiện cái nhìn thi vị hoá đời sống thì ở Lê Quí Đôn và Ngô Thì Nhậm lại cho thấy những quan sát cụ thể, đậm tính chất tập quán, phong tục về cuộc sống lao động, sinh hoạt bình dị của người dân Trung Hoa. Thơ Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định thiên về hình ảnh dung dị, đời thường, tái hiện bức tranh đời sống yên ả, thanh bình, kín đáo ẩn giấu niềm hãnh diện về vị vua và vương triều mà họ rất mực gắn bó. Qua những hình ảnh dung dị, tự nhiên ấy, người đọc luôn cảm nhận được vẻ đẹp, chất thơ của đời sống nhờ những cảm xúc tươi mới, trong trẻo như một đặc điểm nổi trội về thi phong của các nhà thơ đất Gia Định. Thơ Nguyễn Du lại thể hiện cảm thức đời sống đặc trưng của người đã viết những câu thơ “như có máu chảy trên đầu ngọn bút, nước mắt thấm qua trang giấy”. Trong Bắc hành tạp lục luôn hiện lên dáng vẻ của một đời sống lầm lũi, nhọc nhằn, những thân phận bất hạnh thể hiện nhạy cảm hiện thực và trái tim trắc ẩn, giàu lòng thương con người của tác giả. 3.3. Hình tượng cái tôi trữ tình trong thơ đi sứ cuối Lê - đầu Nguyễn Hình tượng tác giả - cái tôi trữ tình trong thơ đi sứ là sự hoà hợp giữa chất sứ giả và chất nhà thơ, giữa cái tôi chính trị và cái tôi nghệ sĩ, luôn hiện lên một cách sinh động trong thơ từ “nhân dạng”, “tư thế” lẫn “tâm thế trữ tình đặc thù” cho thấy đặc trưng thẩm mĩ của loại sáng tác này. 3.3.1. Cái tôi hùng tâm tráng trí, lòng yêu nước, tự hào dân tộc và ý thức trách nhiệm với triều đại. Trong thơ sứ thần cuối Lê - đầu Nguyễn, cái tôi trữ tình hiện lên trong hình ảnh những sứ giả ngạo nghễ giữa vũ trụ muôn dặm, vượt lên gian nan thử thách thực hiện hoàng mệnh, thể hiện ý thức trách nhiệm của kẻ sĩ quân tử với dân tộc và triều đại. Đó cũng là cái tôi với những trạng thái cảm xúc phong phú hướng về dân tộc, xã tắc. Thơ Nguyễn Huy Oánh, Lê Quí Đôn, Nguyễn Tông Khuê, Đoàn Nguyễn 14 Tuấn thể hiện sự sảng khoái, nồng nhiệt, chan chứa niềm tự hào khi đi qua những địa danh gắn với chiến công hiển hách, truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm bất khuất của cha ông; Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích bộc lộ niềm ngợi ca, tự hào về triều đại mới qua những hình ảnh gợi nhắc chiến thắng quân sự trong quá khứ và khung cảnh thanh bình của đất nước trong hiện tại; Nguyễn Du thể hiện tâm thế đĩnh đạc của người có ý thức về chủ quyền dân tộc và quá khứ hào hùng, oanh liệt của cha ông khi dừng chân tại Quỉ Môn quan... Trong những bài thơ xướng hoạ, thù tạc với nhân sĩ Trung Hoa và sứ thần Triều Tiên, Nhật Bản, lòng yêu nước lại thể hiện ở niềm tự hào về nền văn hiến dân tộc, ý thức bảo vệ quốc thể trước “thiên triều”. 3.3.2. Cái tôi nghệ sĩ tràn đầy thi hứng trước vẻ đẹp thiên nhiên, con người, cuộc sống. Tâm thế “đi”, “xem” đã tạo nên trong thế giới nghệ thuật thơ sứ thần cuối Lê - đầu Nguyễn một không gian sông núi và hình tượng cái tôi trữ tình tràn đầy hứng thú thi ca. Hứng thú này hiện hữu ngay từ nhan đề của nhiều thi tập, trong hành động mang chủ ý thưởng lãm của chủ thể trữ tình: đăng, du, tức cảnh, khiển hứng, ngẫu tác..., đặc biệt ở bức tranh thiên nhiên luôn được cảm nhận, miêu tả một cách sống động với cảm xúc bay bổng, phóng khoáng. Tâm hồn đa cảm của người nghệ sĩ không chỉ rung động trước vẻ đẹp của thiên nhiên mà còn luôn say đắm, tha thiết với con người. Đặc biệt ở một số tác giả như Hồ Sĩ Đống, Đoàn Nguyễn Tuấn, Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định, chất lãng mạn phong tình góp phần tạo nên sự phong phú, đa dạng của cái tôi trữ tình trong thơ đi sứ thời này. 3.3.3. Cái tôi lữ khách tha hương, luân lạc Sự xuất hiện kiểu nhân vật người du tử “hồi thủ bạch vân” (người con đi xa ngoái nhìn mây trắng) mang ảnh hưởng thơ ca cổ điển trong thơ sứ thần cuối Lê - đầu Nguyễn một mặt thể hiện nỗi niềm cố quốc, cố hương, mặt khác gợi lên hình ảnh, tâm thế trữ tình của cái tôi tha hương, luân lạc.Cái tôi ấy xuất hiện với tâm trạng đầy lo lắng, bất an, luôn ẩn giấu một nỗi cô đơn bản thể. Giữa cái xa xôi, cách trở, rợn ngợp, hoang vắng của không gian góc bể, chân trời, núi cao, sông rộng, đèn lẻ, đêm dài..., hình ảnh người lữ khách với tuổi già, tóc bạc, tấm thân nhỏ nhoi tựa như bọt nước, cánh bèo gợi nhiều ưu tư về thân phận. Tình cảm gia đình, nỗi nhớ người thân thường được khơi gợi trong những khoảng thời gian, không gian thiêng liêng: lễ tiết, cuối năm, huý kỵ. Đặc biệt trong thơ một số tác giả như Nguyễn Đề, Đoàn Nguyễn Tuấn, Lê Quang Định, “gia húy hữu cảm” (cảm 15 xúc về ngày giỗ) được đề cập trong những sắc thái cảm xúc phong phú và đầy tính nhân bản, ít nhiều mang dấu ấn cá nhân, đời tư tác giả. 3.3.4. Cái tôi tranh biện/phản biện xã hội Trong thơ sứ thần cuối Lê - đầu Nguyễn, cái tôi xuất hiện dưới nhiều dạng thức phong phú, trong đó có một dạng thức “đáng nể” nhất: cái tôi tranh biện/phản biện xã hội. Ở phương diện này có thể khẳng định sự xuất hiện của những cá tính nghệ sĩ trong thơ, một hiện tượng không quá phổ biến trong văn học Việt Nam trung đại. Thơ Đoàn Nguyễn Tuấn thể hiện một cái tôi nổi loạn, nhìn thấu những hiểm nguy của đường đời và luôn ấp ủ khát vọng trở về “vườn cũ, nhà xưa”. Những phản biện cho thấy tinh thần chủ động trong xuất - xử, hành - tàng của người trí thức trước thăng trầm của lịch sử. Ngô Thì Nhậm cũng nổi tiếng là người hay “cãi lý”, nhưng là cái lý đầy tính thực chứng của một nhà Nho uyên bác, làu thông sách sử và luôn tràn đầy tinh thần dân tộc. Đối thoại, phản biện trong thơ Nguyễn Du lại xuất phát từ cảm thức đời sống và tấm lòng trân quí của ông với con người, đặc biệt là thế giới những người tài hoa trung nghĩa, thể hiện tính chất nhất quán của phong cách nghệ thuật. Chương 4 THƠ ĐI SỨ CUỐI LÊ - ĐẦU NGUYỄN NHÌN TỪ MỘT SỐ YẾU TỐ HÌNH THỨC 4.1. Sự đa dạng của thể thơ 4.1.1. Thơ Đường luật/cận thể Thống kê từ các thi tập cho thấy: trong số các thể thơ luật Đường thì phổ biến nhất là thơ thất ngôn, chủ yếu là thất ngôn luật, thể thơ được coi là hoàn chỉnh và mang tính đại diện cho mô hình nghệ thuật của Đường thi. Tỉ lệ thơ thất ngôn luật chiếm 76% (1499/1976 bài) trong khi ở thất ngôn tuyệt cú là 14% (275/1976 bài), ngũ ngôn tuyệt cú: 0,4% (8/1976 bài), ngũ ngôn luật: 6,5% (128/1976 bài). Những thi tập có tỉ lệ thơ thất ngôn luật nhiều nhất là Sứ hoa tùng vịnh, Nguyễn Tông Khuê: 99,5% (205/206 bài); Hoa trình khiển hứng, Hồ Sĩ Đống: 96,9% (94/97 bài); Phụng sứ Yên đài tổng ca, Nguyễn Huy Oánh: 90% (120/133 bài); Tinh sà kỷ hành, Phan Huy Ích: 95% (77/81 bài); Hoàng hoa đồ phả, Ngô Thì Nhậm: 93% (107/115 bài); Hoa trình tiêu khiển tập, Nguyễn Đề: 92,5% (298/322 bài); Hoa nguyên thi thảo, Lê Quang Định: 86,5% (64/74 bài). Ở một số tác giả như Lê Quí Đôn, Ngô Nhân Tĩnh, Trịnh Hoài Đức, Nguyễn Du các thể thơ được sử dụng khá đa dạng. Riêng 16 Cấn Trai Quan quang tập của Trịnh Hoài Đức còn có thêm 8 bài lục ngôn tuyệt cú nhan đề Hồ Nam đạo trung chu hành tạp vịnh. Bên cạnh những đặc trưng thường thấy của Đường luật, thơ sứ thần có sự đa dạng về lối viết, tiêu biểu là lối hoạ vận được dùng phổ biến trong các bài thơ xướng hoạ và lối đề vịnh liên hoàn trong những bài thơ miêu tả thiên nhiên hoặc con người. Các bài thơ xướng hoạ của sứ thần cuối Lê - đầu Nguyễn sử dụng cả ba hình thức hoạ vận là: “dụng vận”, tức lối hoạ thơ dùng chung một vận bộ (bộ vần) với bài xướng, “y vận”, tức lối hoạ thơ dùng đúng các vần mà bài xướng đã dùng nhưng không theo đúng thứ tự và “thứ vận”, tức lối hoạ thơ dùng đúng các vần và thứ tự các vần trong bài xướng. Tuy nhiên hình thức “dụng vận”/vận bộ chỉ xuất hiện trong sáng tác của sứ thần Nam Hà, điển hình là Ngô Nhân Tĩnh và Trịnh Hoài Đức. Việc sử dụng phổ biến lối thơ hoạ “y vận/nguyên vận” hoặc “thứ vận” trong thi tập sứ thần Bắc Hà ít nhiều cho thấy dấu ấn của văn chương khoa cử trong khi ở Nam Hà lối “dụng vận” thuộc vận bộ của Hán ngữ cổ điển (Bội văn vận phủ) đã tạo nên sự linh hoạt và khả năng miêu tả cũng như biểu hiện cảm xúc của tác giả. Ở các thi tập thơ sứ thần thời này cũng xuất hiện lối thơ đề vịnh liên hoàn loại bát cảnh, thập cảnh khá phổ biến của văn học đương thời song có sự phong phú ở nội dung và hình thức đề vịnh. Về nội dung, ngoài những bài đề vịnh cảnh đẹp thiên nhiên truyền thống theo thể thức cứ hai cảnh một đối với nhau (về nghĩa, âm, thanh điệu) còn xuất hiện dạng thức thơ đề vịnh liên hoàn về nhân vật lịch sử hoặc về sự việc, tâm trạng. Về hình thức, các bài thơ loại này thường được viết theo thể thơ thất ngôn luật. Một số sáng tác của Lê Quí Đôn, Ngô Nhân Tĩnh viết theo thể ngũ ngôn luật và thất ngôn tuyệt cú. Cá biệt Cấn Trai Quan quang tập của Trịnh Hoài Đức có bài Tương hành tạp vịnh, tứ thủ viết theo thể lục ngôn tuyệt cú. Một điểm đáng chú ý nữa là ở các bài thơ đậm chất cổ điển Đường thi này đã xuất hiện hình thức thơ kỷ sự trong kết cấu tác phẩm. Đó là sự tham gia một cách linh hoạt các chú giải, nguyên dẫn, tự chú (gọi chung là thi tự) từ qui mô dòng tới các đoạn văn ở nhiều vị trí trong bài thơ. Có thi tự mang dáng dấp của những khảo cứu địa - văn hoá được thể hiện bằng lối viết rất tài hoa. 4.1.2. Các thể thơ có chức năng tự sự: cổ phong/cổ thể trường thiên và thơ lục bát Một điểm đáng lưu ý trong vận động thể loại thơ đi sứ cuối Lê - đầu Nguyễn là sự xuất hiện những bài cổ phong trường thiên, ca, hành, ngâm, từ...có dung lượng dài 17 ở một số thi tập như Phụng sứ Yên đài tổng ca, Nguyễn Huy Oánh: 5/133 bài; Quế Đường thi vựng quyển, Lê Quý Đôn: 22/351 bài; Hoàng hoa đồ phả, Ngô Thì Nhậm: 10/115 bài; Hoa trình tiêu khiển tập, Nguyễn Đề: 2/322 bài, Tinh sà kỷ hành, Phan Huy Ích: 2/81 bài; Hải Ông thi tập, Đoàn Nguyễn Tuấn: 4/107 bài; Bắc hành tạp lục, Nguyễn Du: 20/131 bài. Tuy số lượng không nhiều song ở những sáng tác này ta thấy một kết cấu phổ biến đan xen giữa tự sự và trữ tình, trữ tình và triết lý cho thấy sự rộng mở của nội dung phản ánh và cảm xúc trữ tình trong thơ. Thơ văn bang giao người Việt có hai tác phẩm khá độc đáo là: Sứ trình tân truyện của Nguyễn Tông Khuê và Phụng sứ Yên đài tổng ca của Nguyễn Huy Oánh vì đều được viết bằng thơ lục bát. Tuy nhiên, so với Sứ trình tân truyện thì Phụng sứ Yên đài tổng ca thú vị hơn bởi sự kết hợp Việt - Hán trong hình thức thể thơ. Sự xuất hiện của 470 câu thơ lục bát chữ Hán được sắp xếp xen kẽ với 133 bài thơ Đường luật cùng lời dẫn bằng văn xuôi khiến Phụng sứ Yên đài tổng ca mang dáng dấp một nhật ký thơ tổng thuật toàn bộ hành trình đi sứ Thanh năm 1766 - 1767 từ thời gian, địa điểm, lộ trình tới chuyện gặp gỡ, thù tiếp; các tên đất, tên sông, con người, phong tục những nơi sứ bộ đi qua. Nhờ ưu thế thơ lục bát có hệ thống âm điệu, nhịp điệu gần gũi với người Việt, những nội dung mang tính nhật ký ở đây được thể hiện một cách hệ thống và mang tính chỉnh thể trong kết hợp hài hoà giữa yếu tố tự sự và chất trữ tình. 4.2. Điển cố, thi liệu 4.2.1. Tần số xuất hiện và phạm vi, xuất xứ của điển cố Qua khảo sát cho thấy, các nhà thơ thời Lê trung hưng sử dụng điển cố phổ biến hơn, trung bình khoảng từ 2 - 3 điển cố/1 bài thơ; thời Tây Sơn và đầu Nguyễn là từ 0,5 - 1 điển cố/bài thơ. Điển cố được sử dụng trong thi tập sứ thần thời này có sự phong phú, đa dạng về phạm vi, xuất xứ. Trong số này thì chiếm đa số là điển cố có xuất xứ từ sách, sử, truyện kinh điển của Nho giáo như: Kinh Thi, Kinh Lễ, Kinh Dịch, Trung Dung, Hậu Hán thư, Lã thị xuân thu, Tả truyện, sách Tôn Tử...hoặc trước tác văn chương thơ phú nổi tiếng Trung Hoa như Liệt tiên truyện, Sở từ, Ly tao, thơ Đào Tiềm, Vương Bột, Thôi Hiệu, Đỗ Phủ, Lý Bạch, Bạch Cư Dị... Dùng điển cố làm phương tiện diễn tả nội dung là một đặc điểm phổ quát phản ánh thói quen tư duy và quan niệm thẩm mỹ của người trung đại. Tuy nhiên ở thơ sứ thần ta cũng thấy dấu ấn riêng của mỗi tác giả: Hồ Sĩ Đống thường dùng điển cố để ca ngợi danh tiết những bậc tiên Nho hoặc văn hoá hoá thiên nhiên; Ngô Thì 18
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan