Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Giáo án - Bài giảng Giáo án điện tử Một số vấn đề về xét xử các tội phạm về ma túy...

Tài liệu Một số vấn đề về xét xử các tội phạm về ma túy

.DOCX
47
215
140

Mô tả:

MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ XÉT XỬ CÁC TỘI PHẠM VỀ MA TÚY
MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ XÉT XỬ CÁC TỘI PHẠM VỀ MA TÚY I. KHÁI NIỆM VỀ CHẤT MA TÚY VÀ CÁC TỘI PHẠM VỀ MA TÚY 1.1. Khái niệm về chất ma túy 1.1.1. Các quan điểm khác nhau về chất ma túy Ma túy là gì và có từ bao giờ cho đến nay vẫn chưa có câu trả lời chính xác nhất mà chỉ có thể khẳng định rằng - Từ xa xưa, do trình độ nhận thức của con người còn thấp, nền y học chưa phát triển, việc chữa bệnh của con người phần lớn là sử dụng các loại cây cỏ, trong đó có những loại cây cỏ có tính đặc trị một số bệnh và được lưu truyền cho tới nay, trong những loại cây chữa bệnh có cả cây thuốc phiện, cây cần sa và cây côca. Trong quá trình sử dụng, bên cạnh tác dụng của những loại cây này trong việc chữa một số bệnh, thì người ta cũng phát hiện ra tác hại của nó. Tuy được coi là dược phẩm, song vấn đề là phải sản xuất, quản lý hợp lý và sử dụng chính đáng, nếu sử dụng không chính đáng hoặc lạm dụng, thì các chất được gọi là "dược phẩm" đó sẽ mất đi hàm ý và tác dụng về mặt y học, dần dần bị người ta coi là "chất độc", nó làm cho con người mê mẩn, ngây ngất, túy lúy, không làm chủ được hành vi, có nhiều hành xử lệch chuẩn với đạo đức, bị xã hội lên án. Đứng trên quan điểm pháp luật mà xét thì ma túy được lý giải là một chất đặc biệt có hại nghiêm trọng đến con người và xã hội, thuộc chất bị cấm, là loại hàng hóa bị pháp luật quản lý nghiêm ngặt và khống chế sử dụng. Cho đến nay, trên thế giới cũng không có một khái niệm thống nhất về "ma túy" hay "chất ma túy". Công ước thống nhất về các chất ma túy năm 1961 (gọi tắt là Công ước 1961), không đưa ra khái niệm "chất ma túy" mà sử dụng phương pháp liệt kê để xác định danh mục các chất ma túy bị kiểm soát, mang tính kế thừa kinh nghiệm của các Điều ước quốc tế về kiểm soát ma túy trước đó, đặc biệt là Công ước về hạn chế việc sản xuất, phân phối chất ma túy năm 1931 (gọi tắt là Công ước 1931). Mặc dù trong quá trình soạn thảo Công ước 1931, một nhóm các chuyên gia quốc tế được yêu cầu đề xuất khái niệm "chất ma túy" để sử dụng trong Công ước. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu, thì các chuyên gia này đã kết luận rằng không thể đưa ra một khái niệm chung về "chất ma túy", mà chỉ có thể đưa ra nhiều khái niệm khác nhau để mô tả các chất được Công ước 1931 kiểm soát. Kết luận của các chuyên gia cũng có cơ sở bởi lẽ : Ngoài các sản phẩm của cây thuốc phiện, cây cần sa, cây côca… thì còn các chất khác được tổng hợp trong phòng thí nghiệm cũng có tính chất gây nghiện. Một số chuyên gia đưa ra định nghĩa về ma túy như: "Ma túy là chất tự nhiên hoặc chất hóa học hợp thành, khi hấp thụ vào con người thì gây nguy hại cho con người". Cũng có chuyên gia dứt khoát gọi ma túy là chất độc và dược phẩm tinh thần có thể làm cho con người trở lên nghiện v.v. Từ những quan điểm trên có thể thấy: Ma túy là một khái niệm khó định nghĩa. Song bất cứ nhận thức từ góc độ y học hay nhìn nhận từ góc độ pháp luật hoặc góc độ xã hội, ma túy đều là một khái niệm tương đối và ma túy trước hết là một loại "dược phẩm" nhưng có tác dụng phụ độc rất mạnh. Bên cạnh đó cũng có định nghĩa khác như : "Ma túy là chỉ thuốc phiện, Hêroin, Morphine, Marijuana (đại ma), Cocaine và những dược phẩm ma túy và dược phẩm tinh thần có thể gây nghiện cho con người" (1). Nhiều quan điểm cho rằng: Định nghĩa này đơn giản dể hiểu, đã phản ánh được bản chất của chất độc mà mọi người trong xã hội ngày nay có thể hiểu được. Tuy quan niệm và định nghĩa về chất ma túy ở các quốc gia có sự khác nhau, song có một điểm chung đó là về việc ban hành luật kiểm soát ma túy của các nước đều đề cập và khẳng định: Ma túy bao gồm các chất gây nghiện và các chất hướng thần. 1.1.2. Khái niệm chất ma túy theo pháp luật Việt nam Trong luật pháp Việt Nam cụm từ "chất ma túy" xuất hiện khá muộn, mãi sau khi thống nhất đất nước thì cũng chỉ thuốc phiên là được đặt dưới sự kiểm soát, các chất ma túy khác như cần sa, côca vẫn chưa được pháp luật điều chỉnh. Cụm từ "chất ma túy" chính thức được quy định lần đầu tiên tại Điều 203 Bộ luật hình sự năm 1995 "Tội tổ chức dùng chất ma túy", Điều luật này được thay bằng Điều 185i "Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy" trong luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 10 tháng 5 năm 1997. Những năm tiếp theo, cụm từ "chất ma túy" tiếp tục được sử dụng rộng rãi trong các văn bản pháp luật khác như Luật bảo vệ sức khỏe nhân dân năm 1999, Nghị định số 141/HĐBT năm 1991 về xử phạt vi phạm hành chính. Tuy nhiên các văn bản pháp luật này cụm từ "chất ma túy" được sử dụng song không được định nghĩa cụ thể. Theo tác giả Đặng Ngọc Hùng : "Các chất ma túy là những chất độc có tính chất gây nghiện, có khả năng bị lạm dụng, sự nghiện ngập chính là biểu hiện của trạng thái bị ngộ độc mãn tính do các chất ma túy gây nên cho người sử dụng chúng"( 1) Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự được Quốc hội thông qua ngày 10/5/1997, tiếp theo là Bộ luật hình sự năm 1999 đã quy định chất ma túy, tội phạm về ma túy. Theo đó ma túy bao gồm nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa, cao côca; lá, hoa, quả cây cần sa, lá cây côca; quả thuốc phiện khô; quả thuốc phiện tươi; hêroin, côcain; các chất ma túy khác ở thể lỏng; các chất ma túy khác ở thể rắn. Để việc áp dụng pháp luật một cách thống nhất, tại Thông tư liên tịch số 01/1998/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BNV ngày 2 tháng 1 năm 1998 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự đã nêu rõ: Chất ma túy là những chất đã được xác định và có tên gọi riêng trong khoa học. Danh mục các chất ma túy, tiền chất và các chất hóa học dùng để điều chế các chất ma túy (bao gồm danh mục của công ước quốc tế 1969, 1971,1988) gồm 225 chất ma túy và 22 tiền chất. Để xác định có phải là chất ma túy hay tiền chất ma túy hay không cần phải trưng cầu giám định. Tại khoản 1 Điều 2 Luật phòng, chống ma túy được Quốc hội khóa X kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 9/12/2000 cũng đã có quy định: "1. Chất ma túy là các chất gây nghiện, chất hướng thần được quy định trong các danh mục do Chính phủ ban hành. 2. Chất gây nghiện là chất kích thích hoặc ức chế thần kinh, để gây tình trạng nghiện đối với người sử dụng. 3. Chất hướng thần là chất kích thích, ức chế thần kinh hoặc gaay ảo giác, nếu sử dụng nhiều lần có thể dẫn tới tình trạng nghiện đối với người sử dụng". Theo Nghị định số 67/2001/NĐ-CP của Chính phủ ngày 01/10/2001, ban hành các danh mục chất ma túy và tiền chất, thì hiện nay các chất ma túy gồm 227 chất chia làm ba danh mục và 22 hóa chất không thể thiếu được trong quá trình điều chế chất ma túy cần kiểm soát. Như vậy, trong pháp luật Việt Nam, cụm từ chất ma túy được định nghĩa và giải thích gián tiếp qua các khái niệm "chất gây nghiện" và "chất hướng thần" . Tại Thông tư số 17/2007/TTLT-BCA-VKSTC-TANDTC-BTP ngày 24/12/2007, Thông tư liên tịch hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XVIII "Các tội phạm về ma túy" của Bộ luật hình sự năm 1999 cũng đã nêu một số khái niệm như: "Chất ma túy" là các chất gây nghiện, chất hướng thần được quy định trong các danh mục chất ma túy do Chính phủ ban hành. "Tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy" là các hóa chất không thể thiếu được trong quá trình điều chế, sản xuất chất ma túy được quy định trong các danh mục tiền chất do Chính phủ ban hành. Từ những phân tích trên cho thấy: Các nhà làm luật ở Việt Nam có cách tiếp cận khác với các nhà làm luật quốc tế và cũng đã nêu được khái niệm về chất ma túy cũng như liệt kê chúng tại các danh mục. Tuy còn nhiều ý kiến khác nhau về khái niệm ma túy, song qua nghiên cứu chúng tôi đồng tình với quan niệm cho rằng: Ma túy là các chất có nguồn gốc tự nhiên hoặc tổng hợp, khi được đưa vào cơ thể con người, nó có tác dụng làm thay đổi trạng thái ý thức và sinh lý của người đó. Nếu lạm dụng ma túy, con người sẽ lệ thuộc vào nó, khi đó gây tổn thương nguy hại cho người sử dụng và cộng đồng (1). Chúng tôi cho rằng khái niệm ma túy nêu trên là tương đối hợp lý và đầy đủ cần được chấp nhận vì nội hàm của nó đã thể hiện rõ ma túy có tác dụng lên thần kinh trung ương gây cảm giác như giảm đau, hưng phấn hay cảm giác dễ chịu… mà khi dùng nhiều lần thì sẽ phải sử dụng lại nó nếu không sẽ rất khó chịu (tức là nghiện). 1.2. Khái niệm các tội phạm về ma túy So với các loại tội phạm khác được quy định trong Bộ luật hình sự năm 1999, thì tội phạm về ma túy là loại tội phạm phát sinh muộn hơn so với một số tội phạm khác. Nhưng tội phạm về ma túy, lại phát triển nhanh cả về số lượng cũng như tính chất và mức độ nguy hiểm. Có thể khẳng định, Tội phạm về ma túy là một loại tội phạm có tính chất nguy hiểm cao cho xã hội, không những gây ra những thiệt hại to lớn cho lợi ích của Nhà nước và xã hội, của công dân mà còn làm băng hoại đạo đức, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của con người cũng như ảnh hưởng tới việc phát triển giống nòi, gây mất trật tự an toàn xã hội. Các tội phạm ma túy được hiểu như sau: Các tội phạm về ma túy là những hành vi nguy hiểm cho xã hội, do người có năng lực trách nhiệm hình sự, đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự, thực hiện, có lỗi, xâm phạm đến chế độ quản lý, sử dụng các chất ma túy của Nhà nước, từ đó gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của xã hội và của công dân, gây mất trật tự an toàn xã hội. 1.3. Các dấu hiệu pháp lý đặc trưng của các tội phạm ma túy Căn cứ vào các nhóm quan hệ xã hội khác nhau được luật hình sự bảo vệ mà BLHS đã phân tội phạm thành các nhóm, quy định tại các chương của BLHS với các cấu thành tội phạm cụ thể. Trong đó cấu thành tội phạm của các tội phạm về ma túy được quy định như sau: Khách thể của các tội phạm về ma tuý: Ma túy là loại độc dược gây nghiện cho người sử dụng các chất ma túy. Con người chỉ cần sử dụng một vài lần chất ma túy hoặc chất hướng thần sẽ bị mắc nghiện, có nhu cầu đòi hỏi thường xuyên với liều lượng ngày một nhiều hơn. Nếu không có ma túy đáp ứng kịp thời thì họ sẽ lên cơn vật vã, đau đớn về thể xác dẫn đến tình trạng mất ý chí và lý chí, có thể làm bất cứ thứ gì kể cả gây tội ác miễn là thoả mãn được cơn nghiện của họ. Chính vì vậy, Nhà nước cần phải độc quyền quản lý, nghiêm cấm việc trồng cây thuốc phiện hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy. Nghiêm cấm các hoạt động sản xuất, tàng trữ, mua bán, vận chuyển, chiếm đoạt các chất ma túy, cũng như các tiền chất ma túy dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy. Do xác định được tác hại nguy hiểm của ma túy nên tại Điều 61 Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã quy định "... Nghiêm cấm sản xuất, vận chuyển, buôn bán, tàng trữ, sử dụng trái phép thuốc phiện và các chất ma túy khác. Nhà nước quy định chế độ bắt buộc cai nghiện và chữa các bệnh xã hội nguy hiểm". Quyết định số 113/CT của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về việc quản lý thống nhất xuất, nhập khẩu thuốc và nguyên liệu làm thuốc chữa cho người bệnh, tại Điều 2 đã quy định: "... Việc xuất, nhập khẩu thuốc và nguyên liệu làm thuốc có chất độc, có chất gây nghiện, thuốc gây mê và thuốc tâm thần do Bộ Y tế chọn đơn vị, tổ chức để giao nhiệm vụ". Nghị quyết số 06/CP ngày 26/1/1993 của Chính phủ cũng quy định: Bộ Y tế có trách nhiệm xác định các loại thuốc và phương pháp cai nghiện, quản lý việc sử dụng thuốc phiện và các chất ma túy khác vào sản xuất dược phẩm và nghiên cứu khoa học theo quy định của Nhà nước. Do vậy, khách thể mà các tội phạm về ma túy đã xâm phạm tới chính là chế độ độc quyền quản lý của Nhà nước ở tất cả các khâu của quá trình quản lý các chất ma túy và trật tự an toàn xã hội. Các tội phạm về ma túy có đối tượng là các chất ma túy và các vật dụng phục vụ sản xuất và sử dụng trái phép chất ma túy. Các chất ma túy là đối tượng của các tội phạm về ma túy là bao gồm các chất ma túy; các tiền chất ma túy; các cây trồng hoặc nguyên liệu thực vật có chứa chất ma túy. Hiện chúng ta xác định các chất ma túy, các chất hướng thần và các tiền chất ma túy dựa trên cơ sở tham khảo các bảng quy định về các chất ma túy và các chất hướng thần của ba Công ước của Liên hợp quốc về kiểm soát ma túy. Mặt khách quan của các tội phạm về ma tuý: Hành vi khách quan của các tội phạm về ma túy tuy cũng có khác nhau về các hình thức thể hiện cụ thể như về tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội. Song các hành vi này giống nhau ở chỗ đều là những hành vi vi phạm các quy định của Nhà nước về chế độ độc quyền quản lý các chất ma túy. Đó có thể là những hành vi thực hiện những điều mà Nhà nước cấm các cá nhân làm hoặc có thể là những hành vi của những người có trách nhiệm được Nhà nước giao đã không thực hiện, thực hiện không đầy đủ hoặc làm những việc ngoài phạm vi những quy định về quản lý, sử dụng chất ma túy. Căn cứ vào hành vi thực hiện của các tội phạm về ma túy thì mặt khách quan của tội phạm thể hiện ở sáu nhóm hành vi sau: - Hành vi trồng cây thuốc phiện hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy (Điều 192). - Các hành vi sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy (Điều 193, 194). - Các hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy, cưỡng bức, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy hoặc sử dụng trái phép chất ma túy bao gồm các Điều (197, 198, 199, 200). - Các hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy (Điều 195). - Các hành vi sản xuất, tàng trữ, vận chuyển mua bán các phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 196). - Các hành vi vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng thuốc gây nghiện hoặc các chất ma túy khác (Điều 201). Đối tượng tác động của tội phạm là các chất ma túy như thuốc phiện, Hêrôin, côcain... và các tiền chất để sản xuất ra chất ma tuý (Bảng quy định về chất ma túy). Theo quy định của BLHS năm 1999 thì thấy hầu hết các tội phạm về ma túy đều được quy định là những tội có cấu thành hình thức. Hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm. Tội phạm được coi là hoàn thành từ thời điểm người phạm tội đã thực hiện hành vi khách quan. Chủ thể của các tội phạm về ma túy: Trong 09 điều luật quy định các tội phạm về ma túy thì chỉ có tội trồng cây thuốc phiện hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy (Điều 192), thuộc loại tội phạm nghiêm trọng, do vậy theo quy định tại Điều 12 BLHS về tuổi chịu trách nhiệm hình sự, thì chủ thể của hai tội phạm này có thể là người từ đủ 16 tuổi trở lên. Còn tám điều luật quy định các tội phạm về ma túy còn lại đều là các tội phạm rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, do vậy nếu người phạm tội bị truy tố theo khoản 2 của các tội này thì chủ thể của tội phạm có thể là những người có từ đủ 14 tuổi trở lên. Riêng Điều 201 "Tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng thuốc gây nghiện hoặc các chất ma túy khác" thì chủ thể của tội phạm còn có dấu hiệu quy định là người có trách nhiệm trong công tác này (chủ thể đặc biệt). Mặt chủ quan của tội phạm: Các tội phạm về ma túy tất cả đều phạm tội theo lỗi cố ý trực tiếp. Trong đó lỗi của người phạm vào các tội quy định tại Điều 198, 201 có thể là lỗi cố ý trực tiếp hoặc cố ý gián tiếp. Về hình phạt: Các tội phạm về ma túy là nhóm tội phạm có tính nguy hiểm cao, là những tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, do vậy hình phạt quy định với loại tội này là rất nghiêm khắc, điều đó thể hiện trong 09 điều luật quy định các tội về ma túy thì có hai điều luật có quy định mức hành phạt cao nhất là chung thân hoặc tử hình, bốn điều luật quy định mức hình phạt cao nhất là từ hai mươi năm hoặc tù chung thân, một điều luật có mức hình phạt quy định cao nhất là đến mười lăm năm, hai điều luật còn lại có mức hình phạt quy định nhẹ hơn là từ ba tháng đến 15 năm. Bên cạnh những hình phạt chính rất nghiêm khắc, đối với các tội phạm về ma túy, Luật hình sự còn quy định hình phạt bổ sung như phạt tiền với mức thấp nhất là một triệu đồng và cao nhất là tới 500 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm những chức vụ, cấm hành nghề hoặc công việc nhất định từ một năm đến năm năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm. So với BLHS năm 1985 thì hình phạt bổ sung đối với các tội phạm về ma túy là bắt buộc song theo quy định của BLHS năm 1999 thì hình phạt bổ sung được quy định không phải là bắt buộc, mà có thể áp dụng hoặc không áp dụng tuỳ theo từng trường hợp cụ thể. 1.4. Về một số tình tiết là yếu tố định tội hoặc định khung hình phạt Theo hướng dẫn tại Thông tư số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24/12/2007 hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XVIII “Các tội phạm về ma túy” của Bộ luật hình sự năm 1999. Thì khi xét xử các vụ án về ma túy, cần chú ý khi xác định một số tình tiết là yếu tố định tội hoặc định khung hình phạt như sau: a. Tình tiết “lợi dụng chức vụ, quyền hạn” quy định tại khoản 2 các điều 193, 194, 195, 196 và 198 của BLHS, được hiểu là người phạm tội đã dựa vào chức vụ, quyền hạn mà mình được đảm nhiệm để thực hiện hành vi phạm tội. b. Tình tiết “lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức” quy định tại khoản 2 các điều 193, 194, 195 và 196 của BLHS được hiểu là người phạm tội đã lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức nơi họ làm việc hoặc công tác để thực hiện hành vi phạm tội. c. Tình tiết “phạm tội nhiều lần” quy định tại khoản 2 các điều 193, 194, 195, 196, 197, 198, 200 và 201 của BLHS được hiểu là đã có từ hai lần phạm tội trở lên (hai lần sản xuất trái phép chất ma túy trở lên, hai lần tàng trữ trái phép chất ma túy trở lên, hai lần bán trái phép chất ma túy trở lên…) mà mỗi lần phạm tội có đủ yếu tố cấu thành tội phạm quy định tại khoản 1 điều luật tương ứng, đồng thời trong số các lần phạm tội đó chưa có lần nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong trường hợp này người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự về tổng số lượng chất ma túy của các lần cộng lại, nếu điều luật có quy định về số lượng chất ma túy để định khung hình phạt. Người nào tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy; chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy; cưỡng bức, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy đối với một người từ hai lần trở lên cũng bị coi là phạm tội nhiều lần. d. Tình tiết “phạm tội đối với nhiều người” quy định tại khoản 2 các điều 197,198 và 200 của BLHS được hiểu là trong một lần phạm tội, người phạm tội đã thực hiện tội phạm đối với từ hai người trở lên (ví dụ: Trong một lần phạm tội tổ chức cho từ hai người trở lên sử dụng trái phép chất ma túy; trong một lần phạm tội chứa chấp từ hai người trở lên sử dụng trái phép chất ma túy; trong một lần phạm tội cưỡng bức, lôi kéo từ hai người trở lên sử dụng trái phép chất ma túy). đ. Tình tiết “có từ hai chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng của chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ…” quy định tại điểm i khoản 2, điểm e khoản 3, điểm đ khoản 4 Điều 193 hoặc điểm o khoản 2, điểm h khoản 3, điểm h khoản 4 Điều 194 của BLHS được xác định như sau: - Trường hợp các chất ma túy đó đều có trọng lượng dưới mức tối thiểu quy định tại khoản 2 (tức thuộc khoản 1) Điều 193 hoặc khoản 2 Điều 194 của BLHS, thì tổng trọng lượng của các chất ma túy đó được xác định theo các bước sau đây: Bước 1: Xác định tỷ lệ phần trăm về trọng lượng của từng chất ma túy so với mức tối thiểu đối với từng chất ma túy đó tại điểm tương ứng quy định tại khoản 2 Điều 193 hoặc khoản 2 Điều 194 của BLHS. Bước 2: Cộng tỷ lệ phần trăm về trọng lượng của từng chất ma túy lại với nhau. Bước 3: Xác định điểm, khoản, điều luật. Nếu tổng các tỷ lệ phần trăm về trọng lượng của các chất ma túy dưới 100%, thì người phạm tội chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 193 hoặc khoản 1 Điều 194 của BLHS, nếu tổng tỷ lệ phần trăm về trọng lượng của các chất ma túy từ 100% trở lên, thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo tình tiết định khung: “Có từ hai chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương ứng với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ…” quy định tại điểm i khoản 2 Điều 193 hoặc điểm o khoản 2 Điều 194 của BLHS. Ví dụ 1: Một người sản xuất hai trăm gam nhựa thuốc phiện và hai gam hêrôin (đều thuộc khoản 1 Điều 193 của BLHS). Tổng trọng lượng của các chất ma túy được xác định như sau: - Tỷ lệ phần trăm về trọng lượng của nhựa thuốc phiện so với mức tối thiểu đối với nhựa thuốc phiện quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 193 của BLHS là 40% (hai trăm gam so với năm trăm gam). - Tỷ lệ phần trăm về trọng lượng của hêrôin so với mức tối thiểu đối với hêrôin quy định tại điểm e khoản 2 Điều 193 của BLHS là 40% (hai gam so với năm gam). - Tổng tỷ lệ phần trăm về trọng lượng của cả hai chất nhựa thuốc phiện và hêrôin là 40% + 40% = 80% (dưới 100%), cho nên người phạm tội chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 193 của BLHS. Ví dụ 2: Một người mua bán bốn trăm gam nhựa thuốc phiện và ba gam hêrôin (đều thuộc khoản 1 Điều 194 của BLHS). Tổng trọng lượng của các chất ma túy được xác định như sau: - Tỷ lệ phần trăm về trọng lượng của nhựa thuốc phiện so với mức tối thiểu đối với nhựa thuốc phiện quy định tại điểm g khoản 2 Điều 194 của BLHS là 80% (bốn trăm gam so với năm trăm gam). - Tỷ lệ phần trăm về trọng lượng của hêrôin so với mức tối thiểu đối với hêrôin quy định tại điểm h khoản 2 Điều 194 của BLHS là 60% (ba gam so với năm gam). - Tổng tỷ lệ phần trăm về trọng lượng của cả hai chất nhựa thuốc phiện và hêrôin là 80% + 60% = 140% (thuộc trường hợp từ 100% trở lên), cho nên người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm o khoản 2 Điều 194 của BLHS. - Trường hợp các chất ma túy đó đều được quy định trong cùng một điểm của khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 193 hoặc trong cùng một điểm của khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 194 của BLHS thì cộng trọng lượng của các chất ma túy đó lại với nhau và so sánh với quy định về trọng lượng trong điều luật tương ứng để truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội theo khoản nào phù hợp của điều luật đó. Ví dụ: một người sản xuất 300 gam nhựa thuốc phiện và 300 gam nhựa cần sa. Do nhựa thuốc phiện và nhựa cần sa được quy định trong cùng điểm đ khoản 2, điểm b khoản 3, điểm a khoản 4 Điều 193 của BLHS, cho nên chỉ cần cộng trọng lượng nhựa thuốc phiện và nhựa cần sa là 300g + 300g = 600g. Đối chiếu với quy định về trọng lượng trong Điều 193 của BLHS, thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm đ khoản 2 Điều 193 của BLHS. - Trường hợp các chất ma túy đó có trọng lượng tại các điểm khác nhau của cùng khoản 2 (khoản 3) Điều 193 hoặc khoản 2 (khoản 3) Điều 194 của BLHS, thì tổng trọng lượng của các chất ma túy đó được xác định theo các bước sau đây: Bước 1: Xác định tỷ lệ phần trăm về trọng lượng của từng chất ma túy so với mức tối thiểu đối với từng chất ma túy đó tại điểm tương ứng quy định tại khoản 3 (khoản 4) Điều 193 hoặc khoản 3 (khoản 4) Điều 194 của BLHS. Bước 2: Cộng tỷ lệ phần trăm về trọng lượng của từng chất ma túy lại với nhau. Bước 3: Xác định điểm, khoản, điều luật. Nếu tổng các tỷ lệ phần trăm về trọng lượng của các chất ma túy dưới 100%, thì người phạm tội chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 (khoản 3) Điều 193 hoặc khoản 2 (khoản 3) Điều 194 của BLHS; nếu tổng tỷ lệ phần trăm về trọng lượng của các chất ma túy từ 100% trở lên, thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo tình tiết định khung: “Có từ hai chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương ứng với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ…” quy định tại điểm e khoản 3 (điểm đ khoản 4) Điều 193 hoặc điểm h khoản 3 (điểm h khoản 4) Điều 194 của BLHS. Ví dụ 1: Một người sản xuất sáu trăm gam nhựa thuốc phiện và chín gam hêrôin (đều thuộc khoản 2 Điều 193 của BLHS). Tổng trọng lượng của các chất ma túy được xác định như sau: - Tỷ lệ phần trăm về trọng lượng của nhựa thuốc phiện so với mức tối thiểu đối với nhựa thuốc phiện quy định tại điểm b khoản 3 Điều 193 của BLHS là 60% (sáu trăm gam so với một kilôgam). - Tỷ lệ phần trăm về trọng lượng của hêrôin so với mức tối thiểu đối với hêrôin quy định tại điểm c khoản 3 Điều 193 của BLHS là 30% (chín gam so với ba mươi gam). - Tổng tỷ lệ phần trăm về trọng lượng của cả hai chất nhựa thuốc phiện và hêrôin là 60% + 30% = 90% (dưới 100%), cho nên người phạm tội chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm i khoản 2 Điều 193 của BLHS. Ví dụ 2: Một người mua bán bốn kilôgam nhựa thuốc phiện và ba mươi gam côcain (đều thuộc khoản 3 Điều 194 của BLHS). Tổng trọng lượng của các chất ma túy được xác định như sau: - Tỷ lệ phần trăm về trọng lượng của nhựa thuốc phiện so với mức tối thiểu đối với nhựa thuốc phiện quy định tại điểm a khoản 4 Điều 194 của BLHS là 80% (bốn kilôgam so với năm kilôgam). - Tỷ lệ phần trăm về trọng lượng của côcain so với mức tối thiểu đối với côcain quy định tại điểm b khoản 4 Điều 194 của BLHS là 30% (ba mươi gam so với một trăm gam). - Tổng tỷ lệ phần trăm về trọng lượng của cả hai chất nhựa thuốc phiện và côcain là 80% + 30% = 110% (thuộc trường hợp từ 100% trở lên), cho nên người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm h khoản 4 Điều 194 của BLHS. - Trường hợp trong các chất ma túy đó, có chất ma túy có trọng lượng quy định tại khoản 1, có chất ma túy có trọng lượng quy định tại khoản 2 (hoặc khoản 3), hoặc có chất ma túy có trọng lượng quy định tại khoản 2, có chất ma túy có trọng lượng quy định tại khoản 3 Điều 193 hoặc Điều 194 của BLHS, thì tổng trọng lượng của các chất ma túy đó được xác định theo các bước sau đây: Bước 1: Xác định tỷ lệ phần trăm về trọng lượng của chất ma túy có trọng lượng nhiều nhất so với mức tối thiểu đối với chất ma túy đó quy định tại khoản 3 (khoản 4) Điều 193 hoặc khoản 3 (khoản 4) Điều 194 của BLHS theo nguyên tắc chất ma túy có trọng lượng nhiều nhất thuộc khoản 2 thì so với mức tối thiểu đối với chất ma túy đó quy định tại khoản 3; chất ma túy có trọng lượng nhiều nhất thuộc khoản 3 thì so với mức tối thiểu đối với chất ma túy đó quy định tại khoản 4. Bước 2: Xác định tỷ lệ phần trăm về trọng lượng của chất ma túy khác so với mức tối thiểu đối với chất ma túy đó quy định tại khoản 3 (khoản 4) Điều 193 hoặc khoản 3 (khoản 4) Điều 194 của BLHS theo nguyên tắc mức tối thiểu đối với chất ma túy có trọng lượng nhiều nhất ở khoản nào thì mức tối thiểu của các chất ma túy khác lấy ở khoản đó. Bước 3: Cộng các tỷ lệ phần trăm về trọng lượng của từng chất ma túy lại với nhau và xác định điểm, khoản, điều luật. Nếu tổng tỷ lệ phần trăm về trọng lượng của các chất ma túy là từ 100% trở lên thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo tình tiết định khung: “Có từ 2 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng của chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ…” quy định tại điểm e khoản 3 (điểm đ khoản 4) Điều 193; tại điểm h khoản 3 (điểm h khoản 4) Điều 194 của BLHS (khoản tương ứng của điều luật có quy định mức tối thiểu đối với chất ma túy có trọng lượng nhiều nhất). Ví dụ 1: Một người sản xuất bốn trăm gam nhựa thuốc phiện và hai mươi bốn gam hêrôin. Trong trường hợp này hêrôin có trọng lượng thuộc điểm e khoản 2 Điều 193 của BLHS, còn nhựa thuốc phiện có trọng lượng thuộc khoản 1 Điều 193 của BLHS; do đó, hêrôin có trọng lượng nhiều nhất. Tổng trọng lượng của các chất ma túy được xác định như sau: - Tỷ lệ phần trăm về trọng lượng của hêrôin so với mức tối thiểu đối với hêrôin quy định tại điểm e khoản 3 Điều 193 của BLHS là 80% (hai mươi bốn gam so với ba mươi gam). - Tỷ lệ phần trăm về trọng lượng của nhựa thuốc phiện so với mức tối thiểu đối với nhựa thuốc phiện quy định tại điểm b khoản 3 Điều 193 của BLHS là 40% (bốn trăm gam so với một kilôgam). - Tổng tỷ lệ phần trăm về trọng lượng của cả hai chất nhựa thuốc phiện và hêrôin là 80% + 40% = 120% (thuộc trường hợp từ 100% trở lên), cho nên người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm e khoản 3 Điều 193 của BLHS. Ví dụ 2: Một người mua bán bốn phẩy năm kilôgam nhựa thuốc phiện và bốn gam hêrôin. Trong trường hợp này nhựa thuốc phiện có trọng lượng thuộc điểm a khoản 3 Điều 194 của BLHS, còn hêrôin có trọng lượng thuộc khoản 1 Điều 194 của BLHS; do đó, nhựa thuốc phiện có trọng lượng nhiều nhất. Tổng trọng lượng của các chất ma túy được xác định như sau: - Tỷ lệ phần trăm về trọng lượng của nhựa thuốc phiện so với mức tối thiểu đối với nhựa thuốc phiện quy định tại điểm a khoản 4 Điều 194 của BLHS là 90% (bốn phẩy năm kilôgam so với năm kilôgam). - Tỷ lệ phần trăm về trọng lượng của hêrôin so với mức tối thiểu đối với hêrôin quy định tại điểm b khoản 4 Điều 194 của BLHS là 4% (bốn gam so với một trăm gam). - Tổng tỷ lệ phần trăm về trọng lượng của cả hai chất nhựa thuốc phiện và hêrôin là 90% + 4% = 94% (dưới 100%), cho nên người phạm tội vẫn chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 3 Điều 194 của BLHS. Ví dụ 3: Một người sản xuất bốn kilôgam nhựa thuốc phiện và hai mươi gam hêrôin. Trong trường hợp này nhựa thuốc phiện có trọng lượng thuộc điểm b khoản 3 Điều 193 của BLHS, còn hêrôin có trọng lượng thuộc điểm e khoản 2 Điều 193 của BLHS; do đó, nhựa thuốc phiện có trọng lượng nhiều nhất. Tổng trọng lượng của các chất ma túy được xác định như sau: - Tỷ lệ phần trăm về trọng lượng của nhựa thuốc phiện so với mức tối thiểu đối với nhựa thuốc phiện quy định tại điểm a khoản 4 Điều 193 của BLHS là 80% (bốn kilôgam so với năm kilôgam). - Tỷ lệ phần trăm về trọng lượng của hêrôin so với mức tối thiểu đối với hêrôin quy định tại điểm b khoản 4 Điều 193 của BLHS là 20% (hai mươi gam so với một trăm gam). - Tổng tỷ lệ phần trăm về trọng lượng của cả hai chất nhựa thuốc phiện và hêrôin là 80% + 20% = 100% (thuộc trường hợp từ 100% trở lên), cho nên người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm đ khoản 4 Điều 193 của BLHS. 1.5. Truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp có nhiều hành vi phạm tội a. Trường hợp một người thực hiện nhiều hành vi phạm tội quy định tại các điều luật khác nhau, từ Điều 192 đến Điều 194 của BLHS mà các hành vi đó có liên quan chặt chẽ với nhau (hành vi phạm tội này là điều kiện để thực hiện hoặc là hệ quả tất yếu của hành vi phạm tội kia) nếu các tội phạm đó không bằng nhau thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội theo điều luật có quy định tội nặng hơn. Ví dụ: một người trồng cây thuốc phiện (đã được giáo dục nhiều lần, đã được tạo điều kiện để ổn định cuộc sống và đã bị xử phạt hành chính về hành vi này), sau đó lại tiến hành sản xuất trái phép chất ma túy. Trong trường hợp này người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội sản xuất trái phép chất ma túy theo Điều 193 của BLHS (tội sản xuất trái phép chất ma túy nặng hơn tội trồng cây thuốc phiện hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy). b. Trường hợp một người thực hiện nhiều hành vi phạm tội quy định tại các điều luật khác nhau, từ Điều 192 đến Điều 194 của BLHS mà các hành vi đó có liên quan chặt chẽ với nhau (hành vi phạm tội này là điều kiện để thực hiện hoặc là hệ quả tất yếu của hành vi phạm tội kia) nếu các tội phạm đó bằng nhau thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội được thực hiện đầu tiên theo tội danh tương ứng. Đối với người thực hiện hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy để sản xuất trái phép chất ma túy thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội sản xuất trái phép chất ma túy quy định tại Điều 193 BLHS. c. Trường hợp một người thực hiện nhiều hành vi phạm tội quy định tại các điều từ Điều 192 đến Điều 194 của BLHS mà các hành vi đó độc lập với nhau, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về những tội độc lập theo điều luật tương ứng. Ví dụ một người mua bán trái phép hêrôin bị bắt, khi khám nhà phát hiện người đó còn có hành vi sản xuất thuốc phiện. Trong trường hợp này người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán trái phép chất ma túy theo Điều 194 của BLHS và tội sản xuất trái phép chất ma túy theo Điều 193 của BLHS. d. Việc xác định các tội bằng nhau, nặng hơn hoặc nhẹ hơn được thực hiện theo hướng dẫn tại tiểu mục 2.2, mục 2, phần II Nghị quyết số 04/2004/NQ-HĐTP ngày 05/11/2004 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ ba “Xét xử sơ thẩm” của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003. đ. Trường hợp một người thực hiện một hoặc nhiều hành vi phạm tội quy định trong một điều luật (Điều 194, Điều 195 và Điều 196 của BLHS) thì cần phân biệt như sau: - Trường hợp một người chỉ thực hiện một trong các hành vi phạm tội theo quy định tại Điều 194 (hoặc Điều 195 hoặc Điều 196) của BLHS thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tên tội danh về hành vi phạm tội đã thực hiện theo điều luật tương ứng. Ví dụ: một người chỉ mua bán tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy theo Điều 195 của BLHS. - Trường hợp một người thực hiện nhiều hành vi phạm tội theo quy định tại Điều 194 (hoặc Điều 195 hoặc Điều 196) của BLHS mà các hành vi đó có liên quan chặt chẽ với nhau (hành vi phạm tội này là điều kiện để thực hiện hoặc là hệ quả tất yếu của hành vi phạm tội kia), thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội danh đầy đủ đối với tất cả các hành vi đã được thực hiện theo điều luật tương ứng và chỉ phải chịu một hình phạt. Ví dụ: một người mua bán tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy rồi vận chuyển đến một địa điểm mới và tàng trữ tiền chất đó, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tên tội danh là mua bán, vận chuyển tàng trữ tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy theo Điều 195 của BLHS và chỉ phải chịu một hình phạt. - Trường hợp một người thực hiện nhiều hành vi phạm tội theo quy định tại Điều 194 (hoặc Điều 195 hoặc Điều 196) của BLHS mà các hành vi đó độc lập với nhau, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về những tội độc lập mà người ấy đã thực hiện. Khi xét xử, Tòa án áp dụng Điều 50 của BLHS để quyết định hình phạt chung.
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan

thumb
Văn hóa anh mỹ...
200
20326
146