Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Đảng bộ Tỉnh Phú Thọ lãnh đạo thực hiện chính sách dân tộc từ năm 2001 đến năm 2...

Tài liệu Đảng bộ Tỉnh Phú Thọ lãnh đạo thực hiện chính sách dân tộc từ năm 2001 đến năm 2010

.PDF
125
152
82

Mô tả:

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN PHẠM THỊ VIỆT HÀ ĐẢNG BỘ TỈNH PHÚ THỌ LÃNH ĐẠO THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH DÂN TỘC TỪ NĂM 2001 ĐẾN NĂM 2010 LUẬN VĂN THẠC SĨ LỊCH SỬ Hà Nội, 2015 ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN PHẠM THỊ VIỆT HÀ ĐẢNG BỘ TỈNH PHÚ THỌ LÃNH ĐẠO THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH DÂN TỘC TỪ NĂM 2001 ĐẾN NĂM 2010 LUẬN VĂN THẠC SĨ LỊCH SỬ Chuyên ngành: Lịch sử Đảng Cộng Sản Việt Nam Mã số : 60 22 03 15 Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà Hà Nội, 2015 MỤC LỤC MỞ ĐẦU ................................................................................................................ 1 Chương 1 ĐẢNG BỘ TỈNH PHÚ THỌ LÃNH ĐẠO THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH DÂN TỘC TỪ NĂM 2001 ĐẾN NĂM 2005 ............................................. 7 1.1. CÁC NHÂN TỐ TÁC ĐỘNG ĐẾN SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG BỘ TỈNH TRONG VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH DÂN TỘC ..................................................................... 7 1.1.1. Khái quát điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội ............................................ 7 1.1.2. Đặc điểm dân cư và dân tộc thiểu số ..................................................... 11 1.1.3. Tình hình thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh trước năm 2001 ... 16 1.2. CHỦ TRƯƠNG CỦA ĐẢNG VÀ SỰ QUÁN TRIỆT, VẬN DỤNG CỦA ĐẢNG BỘ TỈNH PHÚ THỌ TRONG LÃNH ĐẠO THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH DÂN TỘC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TỪ NĂM 2001 ĐẾN NĂM 2005 ................................................................ 19 1.2.1. Quan điểm, chủ trương của Đảng Cộng sản Việt Nam về vấn đề dân tộc...... 19 1.2.2. Đảng bộ tỉnh Phú Thọ quán triệt, vận dụng chủ trương của Đảng trong lãnh đạo thực hiện chính sách dân tộc................................................................ 32 Tiểu kết chương 1 ................................................................................................ 40 Chương 2 CHÍNH SÁCH DÂN TỘC Ở PHÚ THỌ DƯỚI SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG BỘ TỈNH TỪ NĂM 2006 ĐẾN NĂM 2010 .................................. 41 2.1. NHỮNG NHÂN TỐ MỚI TÁC ĐỘNG ĐẾN VIỆC LÃNH ĐẠO THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH DÂN TỘC ...................................................................................................... 41 2.1.1. Bối cảnh trong nước và trên địa bàn tỉnh ................................................. 41 2.1.2. Chủ trương mới của Đảng về chính sách dân tộc .................................... 47 2.2. QUÁ TRÌNH LÃNH ĐẠO ĐẨY MẠNH THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH DÂN TỘC CỦA ĐẢNG BỘ TỈNH PHÚ THỌ TỪ NĂM 2006 ĐẾN NĂM 2010 .........................................................50 2.2.1. Chủ trương của Đảng bộ tỉnh về chính sách dân tộc ............................... 50 2.2.2. Quá trình chỉ đạo thực hiện chính sách dân tộc ....................................... 53 Tiểu kết chương 2 ................................................................................................ 67 Chương 3 NHẬN XÉT VÀ MỘT SỐ KINH NGHIỆM..................................... 68 3.1. NHẬN XÉT ....................................................................................................................... 68 3.1.1. Ưu điểm ...................................................................................................... 68 3.1.2. Hạn chế....................................................................................................... 82 3.2. MỘT SỐ KINH NGHIỆM .............................................................................................. 88 KẾT LUẬN .......................................................................................................... 96 DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO ............................................................ 98 PHỤ LỤC DANH MỤC CHỮ CÁI VIẾT TẮT ATK: An toàn khu CNXH: Chủ nghĩa xã hội DTTS: Dân tộc thiểu số ĐBKK: Đặc biệt khó khăn HĐ Hội đồng HĐBT: Hội đồng Bộ trưởng LĐTBXH - XĐGNVL: Lao động thương binh xã hội - Xóa đói giảm nghèo việc làm NQ/TW: Nghị quyết Trung ương TƯ: Trung ương UB: Uỷ ban UBMTTQ: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc UBND: Ủy ban nhân dân XĐGN: Xóa đói giảm nghèo MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài Việt Nam là một quốc gia thống nhất có nhiều dân tộc cùng sinh sống. Trong tiến trình phát triển hàng ngàn năm, các tộc người luôn sát cánh bên nhau xây dựng và bảo vệ Tổ quốc với truyền thống “Bầu ơi thương lấy bí cùng; tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”. Các dân tộc thiểu số nước ta cư trú xen kẽ trên những địa bàn rộng lớn, có vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, an ninh, quốc phòng và môi trường sinh thái. Trong quá trình đảm đương vai trò lãnh đạo, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn xác định vấn đề dân tộc có vai trò và vị trí đặc biệt quan trọng đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Giải quyết vấn đề dân tộc là một trong những nhiệm vụ xuyên suốt toàn bộ tiến trình lịch sử đất nước. Dựa trên những quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề dân tộc, Đảng đề ra các chủ trương, chính sách dân tộc với nội dung cơ bản: “Bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giúp đỡ nhau cùng phát triển”. Trải qua các thời kỳ cách mạng, công tác dân tộc đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, góp phần quan trọng vào sự ổn định kinh tế - chính trị của đất nước. Phú Thọ là một tỉnh thuộc vùng trung du miền núi Bắc Bộ. Đây là vùng đất chuyển tiếp, nối kết giữa miền núi cao, thượng du với đồng bằng châu thổ sông Hồng, điều này tạo cho Phú Thọ vị thế “Địa - chính trị” quan trọng và “bản sắc văn hóa” đa dạng, phong phú, đậm chất cội nguồn. Phú Thọ có 20 dân tộc anh em chung sống, gồm các dân tộc: Kinh, Mường, Dao, Sán Chay, H’mông, Sán Dìu, Tày, Thái, Nùng, Thổ, Hoa, Sê Đăng, Pa Cô, Giáy, La Chí, Ê Đê, Vân Kiều, Kháng, Khơ Me, Lô Lô. Các dân tộc thiểu số chiếm 21% dân số trong tỉnh. Trong tiến trình lịch sử, các dân tộc thiểu số đã gắn bó, đoàn kết cùng dân tộc Kinh, tạo thành một khối cộng đồng thống nhất. Với đặc điểm kết cấu dân cư nêu trên, việc lãnh đạo thực hiện chính sách dân tộc luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp tỉnh Phú Thọ quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Tuy nhiên, việc lãnh đạo cũng như quá trình chỉ đạo thực hiện chính sách dân tộc của Đảng bộ tỉnh Phú Thọ còn bộc lộ một số hạn chế nhất định. Kết quả thực hiện chính sách dân tộc của Đảng có mặt chưa đáp ứng yêu 1 cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; nhận thức của một số cán bộ, đảng viên về công tác dân tộc chưa đầy đủ nên hiệu quả thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh còn hạn chế. Bởi vậy, tiếp tục nghiên cứu, tổng kết những quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng nói chung, của Đảng bộ tỉnh về chính sách dân tộc, nhằm tạo ra một sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động, là một yêu cầu cần thiết, có ý nghĩa về lý luận cũng như về thực tiễn hiện nay. Với lý do đó, tác giả chọn đề tài: “Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lãnh đạo thực hiện chính sách dân tộc từ năm 2001 đến năm 2010” làm đề tài nghiên cứu cho luận văn cao học chuyên ngành Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam. 2. Tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài Vấn đề dân tộc, quá trình hoạch định và thực hiện chính sách dân tộc của Đảng luôn là một vấn đề bức thiết, thu hút sự quan tâm của giới nghiên cứu. Trong những năm qua, đã có nhiều công trình đề cập đến các lĩnh vực của đời sống xã hội các dân tộc thiểu số như: vấn đề thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, về lịch sử văn hóa, thực trạng kinh tế xã hội… Tiêu biểu có các công trình sau: Phan Xuân Sơn, Lưu Văn Quảng (Đồng chủ biên), Những vấn đề cơ bản về chính sách dân tộc ở nước ta hiện nay, Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội, 2006. Đỗ Tư, Mấy suy nghĩ về vấn đề dân tộc ở nước ta và chính sách dân tộc của Đảng, Chính sách dân tộc - những vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1990. Trần Nam Sơn, Lê Thái Anh, Những quy định về chính sách dân tộc, Nxb Lao động, Hà Nội, 2001. Trần Quang Nhiếp, Phát triển quan hệ dân tộc ở Việt Nam hiện nay, Nxb Văn hóa dân tộc, 1997. Nguyễn Quốc Phẩm, Trịnh Quốc Tuấn, Mấy vấn đề lý luận và thực tiễn về dân tộc và quan hệ dân tộc ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1999. Phan Hữu Dật (Chủ biên), Mấy vấn đề lý luận và thực tiễn cấp bách liên quan đến mối quan hệ dân tộc hiện nay, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001. 2 Đặng Nghiêm Vạn, Cần đề ra một chính sách dân tộc thích hợp, một tổ chức nghiên cứu và lãnh đạo có hiệu lực, Chính sách dân tộc - những vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1990. Nông Quốc Chấn (cùng nhiều tác giả), “Văn hóa và sự phát triển các dân tộc ở Việt Nam”, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 1997. Bế Viết Đẳng, Các dân tộc thiểu số trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội miền núi, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996. Lê Du Phong, Hoàng Văn Hoa, Phát triển kinh tế - xã hội các vùng dân tộc và miền núi theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998. Các công trình trên đây đã phân tích, làm rõ khía cạnh của vấn đề dân tộc, chính sách dân tộc trên quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm, chủ trương đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta. Đề cập đến vấn đề này còn có các bài đăng trên các báo, tạp chí như: “Đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số - Thực trạng và một số vấn đề đặt ra” của Lê Duy Đại (2001), đăng trên Tạp chí Dân tộc học, số 3; “Mấy vấn đề bức thiết đối với vùng dân tộc thiểu số hiện nay” của Nông Đức Mạnh (1992), đăng trên Tạp chí Cộng sản, số 8; “Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức dân tộc thiểu số trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa” của Nguyễn Hữu Ngà (2005), đăng trên Tạp chí Dân tộc học, số 3… Những bài viết này đề cập những vấn đề cụ thể trong chính sách dân tộc của Đảng, nêu thực trạng và đề xuất giải pháp nhằm khắc phục những hạn chế. Riêng ở Phú Thọ, có một số công trình nghiên cứu về vấn đề dân tộc, nhưng chủ yếu được khai thác ở góc độ lịch sử, văn hóa. Tiêu biểu có các công trình nghiên cứu: Nguyễn Hữu Nhàn (2007), Tổng tập văn nghệ dân gian Đất Tổ, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội. Nguyễn Hữu Nhàn (2008), Vài nét lịch sử người Dao ở Phú Thọ, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội. 3 Sở Văn hóa thông tin thể thao (2000), Văn hóa Ẩm thực vùng Đất Tổ, Phú Thọ. Đặng Đình Thuận (2011), Văn hóa dân gian của dân tộc Cao Lan: Làng Ngọc Tân - xã Ngọc Quan - huyện Đoan Hùng, Nxb Thanh Niên, Hà Nội. Cho đến nay vẫn chưa có công trình nghiên cứu nào đề cập một cách toàn diện, có hệ thống dưới góc độ khoa học lịch sử Đảng về quá trình Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lãnh đạo thực hiện chính sách dân tộc từ năm 2001 đến năm 2010. Vì thế, tác giả chọn vấn đề trên làm đề tài nghiên cứu cho luận văn của mình. 3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu 3.1. Mục đích nghiên cứu Luận văn hệ thống, làm rõ những chủ trương, đường lối, chính sách dân tộc của Đảng trên cơ sở quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề dân tộc. Nghiên cứu quá trình Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lãnh đạo thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh từ năm 2001 đến năm 2010. Rút ra những nhận xét và kinh nghiệm trong việc thực hiện chính sách dân tộc những năm tiếp theo trên địa bàn tỉnh. 3.2. Nhiệm vụ Tập hợp các nguồn tài liệu tại Thư viện Quốc gia Hà Nội, Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ, Tỉnh ủy Phú Thọ… để làm rõ vai trò, tầm quan trọng của vấn đề dân tộc. Hệ thống hóa và làm rõ các chủ trương, chính sách của Đảng bộ tỉnh Phú Thọ về lãnh đạo thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh từ năm 2001 đến năm 2010… Nêu lên những nhận xét và đúc rút một số kinh nghiệm từ quá trình Đảng bộ Phú Thọ lãnh đạo thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh từ năm 2001 đến năm 2010. 4 4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 4.1. Đối tượng nghiên cứu Luận văn tập trung nghiên cứu hệ thống chủ trương, chính sách của Đảng về vấn đề dân tộc và quá trình chỉ đạo thực hiện chính sách dân tộc của Đảng bộ tỉnh Phú Thọ từ năm 2001 đến năm 2010. 4.2. Phạm vi nghiên cứu Về nội dung: - Sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Phú Thọ, bao gồm việc vận dụng đường lối của Đảng, đề ra những chủ trương, đường lối cụ thể nhằm thực hiện chính sách dân tộc từ năm 2001 đến năm 2005 và từ năm 2006 đến năm 2010. - Sự chỉ đạo, quá trình thực hiện chủ trương của Đảng bộ tỉnh và kết quả thực hiện chính sách dân tộc. - Phân tích ưu điểm, hạn chế và rút ra những kinh nghiệm về sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh trong quá trình thực hiện chính sách dân tộc. Về không gian: Trên địa bàn tỉnh Phú Thọ hiện nay (gồm 01 thành phố, 01 thị xã, 11 huyện). Về thời gian: Giới hạn nghiên cứu của luận văn từ năm 2001 đến năm 2010. 5. Cơ sở lý luận, phương pháp nghiên cứu và nguồn tư liệu 5.1. Cơ sở lý luận Luận văn được triển khai thực hiện trên cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về vấn đề dân tộc và chính sách dân tộc. 5.2. Phương pháp nghiên cứu Luận văn sử dụng phương pháp lịch sử và phương pháp logic là chủ yếu. Ngoài ra, luận văn sử dụng kết hợp với các phương pháp khác như phân tích, tổng hợp, thống kê, so sánh… 5.3. Nguồn tư liệu - Các Văn kiện của Đảng, đặc biệt là các Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc, những Nghị quyết, Chỉ thị, Thông tư của Trung ương Đảng và Chính phủ; các Nghị 5 quyết của Tỉnh ủy, Quyết định, Chỉ thị của Ủy ban nhân dân tỉnh cũng như các tài liệu của Sở, Ban, Ngành Phú Thọ liên quan đến vấn đề dân tộc và phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số. - Các công trình nghiên cứu (báo, tạp chí, đề tài khoa học, chuyên khảo luận văn, luận án) liên quan đến vấn đề dân tộc và chính sách dân tộc. 6. Đóng góp khoa học của luận văn Khẳng định sự đúng đắn trong các quan điểm, chủ trương, chính sách của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và của Đảng Cộng sản Việt Nam về vấn đề và chính sách dân tộc. Bước đầu hệ thống hóa một cách khách quan, toàn diện quan điểm, chủ trương, chính sách và tình hình thực hiện chính sách dân tộc ở tỉnh Phú Thọ, qua đó làm rõ vai trò lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh trong việc thực hiện chính sách dân tộc. Rút ra những nhận xét và kinh nghiệm trong quá trình Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lãnh đạo thực hiện chính sách dân tộc ở vùng dân tộc thiểu số từ năm 2001 đến năm 2010. Luận văn cung cấp thêm những tư liệu về thực hiện chính sách dân tộc của Đảng ở vùng dân tộc thiểu số, từ đó giúp các cơ quan của tỉnh tham khảo, nghiên cứu, chỉ đạo, hoạch định các chủ trương, chính sách cho phù hợp, hiệu quả. 7. Bố cục của luận văn Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo, phụ lục, luận văn được chia thành 3 chương: Chương 1: Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lãnh đạo thực hiện chính sách dân tộc từ năm 2001 đến năm 2005 Chương 2: Chính sách dân tộc ở Phú Thọ dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh từ năm 2006 đến năm 2010 Chương 3: Nhận xét và một số kinh nghiệm 6 Chương 1 ĐẢNG BỘ TỈNH PHÚ THỌ LÃNH ĐẠO THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH DÂN TỘC TỪ NĂM 2001 ĐẾN NĂM 2005 1.1. CÁC NHÂN TỐ TÁC ĐỘNG ĐẾN SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG BỘ TỈNH TRONG VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH DÂN TỘC 1.1.1. Khái quát điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội 1.1.1.1. Khái quát điều kiện tự nhiên Phú Thọ được coi là vùng Đất tổ của Việt Nam. Trong quá trình lịch sử, địa danh và địa giới Phú Thọ có nhiều sự thay đổi. Thời Hùng Vương, nhà nước Văn Lang được chia thành 16 bộ, trong đó Phú Thọ thuộc bộ Văn Lang, trung tâm của nước Văn Lang. Dưới thời Bắc thuộc và chống Bắc thuộc (từ năm 111 trước Công nguyên đến thế kỷ X), Phú Thọ thuộc quận Mê Linh, Tân Xương, Phong Châu. Đến thời kỳ phong kiến độc lập, dưới triều Nguyễn, triều đại phong kiến cuối cùng ở Việt Nam, vùng đất Phú Thọ nằm trong tỉnh Sơn Tây và Hưng Hóa. Ngày 5 tháng 5 năm 1903, Toàn quyền Đông Dương ký nghị định chuyển tỉnh lỵ của tỉnh Hưng Hóa lên làng Phú Thọ thuộc tổng Yên Phú, huyện Sơn Vi. Từ đây, tỉnh Hưng Hóa đổi tên thành tỉnh Phú Thọ. Từ năm 1903 đến Cách mạng Tháng Tám năm 1945, về cơ bản đơn vị hành chính trong tỉnh không có những thay đổi lớn, chỉ có thay đổi tên gọi một số huyện và thành lập một số làng xã mới. Đến tháng 1 năm 1968, theo Nghị quyết số 504-NQ/TVQH của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tỉnh Phú Thọ được hợp nhất với tỉnh Vĩnh Phúc thành tỉnh Vĩnh Phú, thành phố Việt Trì là tỉnh lỵ của tỉnh Vĩnh Phú. Để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tháng 11 năm 1996, Quốc hội khóa IX ra Nghị quyết về việc chia và điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh, trong đó có việc tái lập tỉnh Vĩnh Phúc và tỉnh Phú Thọ. Tỉnh Phú Thọ 7 chính thức được tái lập và đi vào hoạt động từ ngày 1 tháng 1 năm 1997. Sau đó, Phú Thọ được công nhận là tỉnh miền núi. Phú Thọ được tái lập với diện tích đất tự nhiên là 3.528 km2, nằm trong khu vực giao lưu giữa vùng Đông Bắc, đồng bằng sông Hồng và Tây Bắc. Đây là vị trí địa lý mang ý nghĩa trung tâm của tiểu vùng Tây - Đông - Bắc. Phú Thọ cách trung tâm Hà Nội 80 km, cách sân bay quốc tế Nội Bài 60 km về phía Bắc, cách cửa khẩu Lào Cai, cửa khẩu Thanh Thủy hơn 200 km, cách Hải Phòng 170 km và cảng Cái Lân 200 km. Việt Trì là thành phố duy nhất trên cả nước có 3 con sông lớn chảy qua: sông Hồng, sông Lô và sông Đà nên đây thường được gọi là thành phố “ngã ba sông”. Với vị trí “ngã ba sông”, cửa ngõ phía Tây nối với thủ đô Hà Nội, Phú Thọ là cầu nối giao lưu kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật… giữa các tỉnh đồng bằng Bắc bộ với các tỉnh miền núi phía Tây Bắc và Đông Bắc như Tuyên Quang, Hà Giang, Yên Bái, Lào Cai… Phú Thọ vừa có thể đáp ứng được nhu cầu vừa thu hút nguyên liệu, nông lâm khoáng sản từ các tỉnh trên. Tất cả các hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, đường sông từ các tỉnh phía Tây Đông Bắc đều quy tụ về Phú Thọ rồi mới về Hà Nội, Hải Phòng và các nơi khác. Đặc điểm địa hình nổi bật của Phú Thọ là chia cắt tương đối mạnh vì nằm ở cuối dãy Hoàng Liên Sơn, nơi chuyển tiếp giữa miền núi cao và miền núi thấp, gò đồi, độ cao giảm dần từ Tây Bắc xuống Đông Nam. Căn cứ vào địa hình, có thể chia Phú Thọ thành 2 tiểu vùng chủ yếu: Tiểu vùng miền núi gồm các huyện Thanh Sơn, Tân Sơn, Yên Lập, Hạ Hòa và một phần của huyện Cẩm Khê có diện tích tự nhiên 182.475,82 ha; dân số 418.266 người, mật độ dân số 228 người/km2 [6, tr. 3]; có độ cao trung bình so với mặt nước biển từ 200 - 500m. Đây là tiểu vùng đang gặp khó khăn về giao thông, trình độ dân trí thấp, nhiều dân tộc sinh nhưng có nhiều tiềm năng phát triển lâm nghiệp, khai khoáng và kinh tế trang trại. Tiểu vùng trung du đồng bằng gồm thành phố Việt Trì, thị xã Phú Thọ và các huyện Lâm Thao, Phù Ninh, Thanh Thủy, Tam Nông, Đoan Hùng và phần còn lại của huyện Cẩm Khê, Hạ Hòa; diện tích tự nhiên 169.489,50 ha; dân số 884.734 8 người, mật độ 519 người/km2 [6, tr. 4]; có độ cao trung bình so với mặt nước biển từ 50 - 200m. Đây là tiểu vùng có kinh tế - xã hội phát triển, tiềm năng nông, lâm, khoáng sản được khai thác tương đối triệt để; là nơi sản xuất nhiều nông sản hàng hóa xuất khẩu như: chè, đậu tương, lạc…; nơi có nhiều khu, cụm, điểm công nghiệp… nhưng đã xuất hiện hiện tượng đất bị thoái hóa ở một vài nơi. Còn dải đất ven sông màu mỡ thuận lợi cho phát triển chè, đậu tương, lạc, vừng, cây ăn quả, sản xuất lương thực, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản… Đây là tiểu vùng thuận lợi về điều kiện giao thông vận tải, có đất đai phù hợp cho phát triển khu công nghiệp và đô thị. Có thể thấy, Phú Thọ có địa hình đa dạng, vừa có miền núi, vừa có trung du và đồng bằng ven sông, đã tạo ra nguồn đất đai đa dạng, phong phú để phát triển nông, lâm nghiệp hàng hóa toàn diện với những cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, do địa hình chia cắt, mức độ cao thấp khác nhau nên việc đầu tư khai thác tiềm năng, phát triển sản xuất, phát triển hạ tầng để phát triển kinh tế - xã hội phải đầu tư tốn kém, nhất là giao thông, thủy lợi, cấp điện, cấp nước… ở vùng miền núi, dân tộc. Những đặc điểm về vị trí địa lý, địa hình cũng như điều kiện tự nhiên trên đây thể hiện Phú Thọ là một tỉnh có vị trí địa - chính trị quan trọng, có tiềm năng phát triển năng động về kinh tế, và có ảnh hưởng nhất định đến chính sách dân tộc của Đảng bộ tỉnh. 1.1.1.2. Khái quát về kinh tế - xã hội Kinh tế Phú Thọ thời gian qua phát triển đúng hướng, phù hợp với đường lối phát triển kinh tế nhiều thành phần. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn do thời tiết và thị trường có nhiều biến động phức tạp, tuy nhiên, với sự cố gắng nỗ lực của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh, cộng với sự giúp đỡ của Chính phủ, các bộ, ngành, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh luôn được giữ vững ở mức cao so với các địa phương khác thuộc vùng miền núi trung du Bắc Bộ cũng như so với mặt bằng chung của cả nước; chất lượng tăng trưởng từng bước được nâng lên. Những năm gần đây (2005 - 2010), tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 9 10,6%/năm. GDP bình quân đầu người năm 2010 đạt 11,8 triệu đồng, tương đương 637 USD. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tiến bộ, phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh. Năm 2010, tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 38,6%, dịch vụ 35,8%, nông lâm nghiệp 25,6%. Cơ cấu nội bộ ngành có sự chuyển dịch khá tích cực, theo hướng sản xuất hàng hóa. Tỷ trọng ngành nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế giảm từ 27,6% năm 2005 xuống còn 25,6% năm 2010. Trong sản xuất nông nghiệp, nhờ việc chú trọng các giống cây trồng vật nuôi có giá trị kinh tế cao đi đôi với đa dạng hoá cây trồng nên tỷ trọng chăn nuôi, thủy sản liên tục tăng, cơ cấu cây trồng có sự thay đổi: chuyển từ thế độc canh cây lương thực sang tập trung đầu tư, hình thành một số vùng chuyên canh cây trồng như: cây ăn quả ở Phú Lộc - thị xã Phú Thọ, rau ở Lâm Thao, Tân Đức... Cơ cấu mùa vụ có sự chuyển đổi cơ bản. Phú Thọ là một trong những tỉnh dẫn đầu miền Bắc về sản xuất ba vụ trong năm. Sản lượng hạt lương thực tăng 3,7%. Tuy nhiên, tốc độ chuyển dịch cơ cấu còn chậm, giá trị sản xuất nông nghiệp vẫn chiếm tỷ lệ tương đối lớn so với công nghiệp và dịch vụ trong cơ cấu kinh tế. Sản xuất công nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng khá. Giá trị sản xuất tăng bình quân 12,5%/ năm và tăng 1,8 lần so với năm 2005. Năng lực sản xuất các ngành có lợi thế tăng nhanh, như: Xi măng tăng 7,9 lần, phân bón tăng 1,2 lần, giấy tăng 1,2 lần…; một số sản phẩm mới, công nghệ cao đang hình thành; sản xuất công nghiệp đa dạng. Cơ cấu theo ngành và theo thành phần kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng công nghiệp chế biến, công nghiệp ngoài quốc doanh tăng nhanh. Đã hình thành một số khu, cụm công nghiệp đóng vai trò quan trọng trong thu hút đầu tư vào tỉnh. Các ngành dịch vụ có mức tăng trưởng khá, đạt 9,8%/ năm. Hoạt động tín dụng, ngân hàng, tài chính có nhiều đổi mới, chất lượng được nâng lên. Mạng lưới bưu chính - viễn thông đã được đầu tư xây dựng rộng khắp trong cả tỉnh. Xã nào cũng có những điểm bưu điện văn hoá xã, đảm bảo sự thông suốt của thông tin giữa 10 các vùng miền trong tỉnh với các miền trong cả nước và quốc tế, phục vụ công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế của tỉnh. Tình hình chính trị - xã hội ổn định, an ninh quốc phòng được giữ vững, các lĩnh vực giáo dục, y tế, khoa học công nghệ, văn hóa, văn nghệ, báo chí, thể dục, thể thao tiếp tục có bước phát triển. Những kết quả đó có đóng góp không nhỏ của các dân tộc thiểu số tỉnh Phú Thọ. 1.1.2. Đặc điểm dân cư và dân tộc thiểu số Là vùng đất “sơn chầu, thủy tụ”, từ xa xưa vùng đất Phú Thọ đã có người Việt cổ sinh sống. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, nơi đây đã quy tụ được nhiều tộc người với bản sắc văn hóa khác nhau, hòa vào cuộc đấu tranh chung để sinh tồn, gìn giữ, phấn đấu đưa Phú Thọ phát triển xứng đáng là vùng đất cội nguồn của Việt Nam. Phú Thọ có dân số là 1.350.565 triệu người (năm 2007); mật độ dân số trung bình 383 người/km2; trong đó dân tộc thiểu số là 202.800 người, chiếm 15,1% dân số toàn tỉnh. Đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Phú Thọ chủ yếu sinh sống ở các xã, thôn, bản miền núi đặc biệt khó khăn, vùng cao, vùng sâu, vùng xa của tỉnh; dân cư thưa thớt, mật độ trung bình khoảng 100 người/km2 với điều kiện tự nhiên không thuận lợi, địa hình chia cắt, giao thông đi lại khó khăn, khí hậu thất thường, tố lốc thường xuyên xảy ra. Phú Thọ gồm 01 thành phố, 01 thị xã và 11 huyện với 274 xã, phường, thị trấn; trong đó có 216 xã miền núi, được phân định thành 3 khu vực: Khu vực I: 48 xã, thị trấn, số dân là 307.182 người; Khu vực II: 126 xã (trong đó có 10 xã ATK), số dân là 490.413 người; Khu vực III: 40 xã, 32 thôn, bản, động vùng cao, vùng sâu, số dân là 136.944 người. Trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có 20 dân tộc thiểu số. Các dân tộc thiểu số có số dân đông, sinh sống tập trung thành làng, bản, có bản sắc văn hóa, phong tục tập quán đậm nét như: Dân tộc Mường, dân tộc Dao, dân tộc Cao Lan, dân tộc H’mông; 11 sinh sống chủ yếu ở các xã khu vực III, các thôn bản đặc biệt khó khăn, vùng sâu và xen kẽ ở một số xã miền núi khu vực II và khu vực I. Còn các dân tộc khác do di cư hoặc do kết hôn mà đến sinh sống tại tỉnh Phú Thọ, có số dân ít, sống xen kẽ với người Kinh và các dân tộc khác, không duy trì được bản sắc văn hóa cộng đồng riêng của dân tộc mình. Dân tộc Mường được coi là người bản địa tại vùng miền núi tỉnh Phú Thọ có số dân là 183.414 người chiếm 13,5% dân số toàn tỉnh, chiếm 90,44% số dân là dân tộc thiểu số của tỉnh; chiếm 18,3% số người dân tộc Mường cả nước. Người Mường sinh sống chủ yếu ở 2 huyện miền núi Thanh Sơn, Yên Lập và một số xã miền núi thuộc huyện Thanh Thuỷ. Dân tộc Mường có lịch sử hình thành, tồn tại và phát triển gắn với lịch sử dân tộc Việt Nam từ thời đại Hùng Vương thuộc nền văn hoá Đông Sơn. Người Mường Phú Thọ di cư từ lưu vực sông Mã (Thanh Hoá, Hoà Bình) đến, sống định cư ở các triền núi thấp. Trước đây, sản xuất chủ yếu là độc canh cây lúa, khai thác rừng. Nghề thủ công truyền thống của người Mường là dệt vải, đan lát phát triển khá tinh xảo. Người Mường có vốn văn nghệ dân gian phong phú với nhiều truyện cổ tích, dân ca, hát ru em, hát đối, hò du, múa sạp, múa mỡi. Cồng là nhạc cụ đặc sắc của người Mường, ngoài ra còn có nhị, sáo, trống, khèn lá, đâm đuống... Trong quá trình đấu tranh dựng nước, giữ nước, người Mường đã có nhiều đóng góp quan trọng cùng các dân tộc khác trên tỉnh Phú Thọ làm rạng rỡ truyền thống quê hương Đất Tổ. Trong thời kỳ Cách mạng Tháng Tám năm 1945, dưới sự chỉ đạo của Ban Cán sự liên tỉnh của Mặt trận Việt Minh, đồng bào Mường của hai huyện Thanh Sơn, Yên Lập đã cùng các đồng bào dân tộc khác trong huyện vùng dậy khởi nghĩa giành chính quyền sớm trong tỉnh Phú Thọ. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đồng bào Mường đã không tiếc sức người, sức của, đẩy mạnh tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế, xây dựng hậu phương vững chắc, sẵn sàng chiến đấu, động viên con em lên đường nhập ngũ đánh giặc với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến”. Với đóng góp to lớn của mình, người Mường đã được Đảng, Nhà 12 nước tặng thưởng nhiều huân, huy chương các loại cho tập thể và cá nhân. Trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, người Mường phát huy tính cần cù, sáng tạo, năng động; đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình cho gương người tốt, việc tốt. Đặc biệt, huyện Thanh Sơn có anh hùng lao động là Hà Minh Khang (xã Võ Miếu), Đinh Văn Xếp (xã Yên Lãng). Sau dân tộc Mường, dân tộc Dao có số dân đông thứ hai ở Phú Thọ với trên 12.212 người chiếm 6,02% dân tộc thiểu số toàn tỉnh và 2,6% số dân là người Dao cả nước. Họ sinh sống chủ yếu ở các xóm, bản, các xã vùng cao, xa xôi hẻo lánh của các huyện miền núi Thanh Sơn, Yên Lập, Hạ Hoà. Dân tộc Dao có 2 nhóm chính: Nhóm Đại bản (Dao Quần Chẹt) và nhóm Tiểu bản (Dao tiền). Người Dao ở Phú Thọ chủ yếu là nhóm Tiểu bản gồm 6 dòng họ là họ Triệu, Dương, Phùng, Trịnh, Lý, Bàn. Mỗi dòng họ có các nhánh khác nhau như: Họ Triệu có các nhánh Triệu Bế, Triệu Xanh, Triệu Mốc, Triệu Lớn... Những người cùng dòng họ (cùng thờ 1 ông tổ) không được kết hôn cho dù hàng ngàn đời. Trước năm 1945, người Dao sống du canh, du cư trên các triền núi cao, sống bằng nghề nương rẫy và sơn tràng. Ngày nay, với chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, đại bộ phận người Dao đã hạ sơn, định canh định cư ở vùng núi thấp hơn, sống bằng nghề trồng lúa nước, nương rẫy; một số nghề thủ công phát triển như dệt vải, rèn, mộc, làm giấy, ép dầu. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận du canh, xâm canh ở vùng giáp danh với tỉnh Yên Bái, Sơn La, Hoà Bình. Do đặc điểm về địa bàn cư trú, lịch sử xã hội nên người Dao có tâm lý tự ti, nhưng tri thức dân gian rất phong phú, đặc biệt là y học dân tộc cổ truyền; có đặc tính thảo ăn và mến khách, có tính cộng đồng dân tộc cao. Tiếng nói, chữ viết người Dao có nguồn gốc từ tiếng Quan Hoả được Nôm hoá thành tiếng Dao. Hiện nay, người Dao không sử dụng chữ viết riêng, chỉ có một số ít người già sử dụng chữ Nôm - Dao trong việc lập bùa, thờ cúng. Người Dao hiện còn duy trì một số ngày lễ tết truyền thống như tết Nhảy, đám chay, lễ Lập tĩnh (đặt tên), các điệu hát ví, hát đối, múa chiêng, múa trống. 13 Thực hiện chủ trương bình đẳng, đoàn kết giữa các dân tộc của Đảng và Nhà nước, trong những năm qua, cấp uỷ, chính quyền các cấp ở Phú Thọ luôn quan tâm tới việc phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương miền núi có đồng bào dân tộc Dao. Đến nay, người Dao đã tham gia công tác Đảng và chính quyền ở cấp xã, nhiều người là Trưởng khu hành chính, Bí thư chi bộ, Đảng uỷ viên, Uỷ viên Uỷ ban, thậm chí làm lãnh đạo chủ chốt xã (Vinh Tiền, Xuân Sơn - Thanh Sơn). Con em đồng bào Dao có nhiều người học lên bậc phổ thông trung học, có nhiều người học lên bậc đại học và tham gia lãnh đạo chủ chốt mặt trận và các đoàn thể quần chúng ở cấp huyện. Người H’mông trên địa bàn toàn tỉnh có gần 700 người, chiếm khoảng 0,05% dân số toàn tỉnh, 0,34% số dân là dân tộc thiểu số và 0,1% số dân là người H’mông trong cả nước. Người H’mông ở Phú Thọ chủ yếu là Mông Hoa, sống tập trung chủ yếu ở bản Mỹ Á - xã Thu Cúc, huyện Thanh Sơn và ở Khe Nhồi - Khu Sáu Khe, xã Trung Sơn, huyện Yên Lập. Tiếng H’mông thuộc ngôn ngữ Mông - Dao. Đồng bào H’mông sống bằng nghề nương rẫy (đã định cư nhưng còn du canh), trồng ngô, lúa nương, đời sống không ổn định do chưa thoát khỏi tập quán du canh. Các dòng họ H’mông sống quây quần thành từng cụm. Trưởng họ lo đảm nhiệm công việc chung. Người cùng họ có thể đẻ hoặc chết trong nhà nhau vì cho rằng cùng một tổ tiên thì phải giúp đỡ, cưu mang nhau trong cuộc sống. Tuy người H’mông mới đến cư trú ở tỉnh Phú Thọ, song đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền và đoàn thể quan tâm giúp đỡ tạo mọi điều kiện để người H’mông nhanh chóng định canh, định cư, ổn định cuộc sống, hòa đồng, đoàn kết với các anh em dân tộc khác trên quê hương đất Tổ. Ngày nay, do điều kiện môi trường sống và yếu tố lịch sử xã hội chi phối, người H’mông vẫn còn gặp khó khăn trong phát triển sản xuất và ổn định cuộc sống. Dân tộc Sán Chay ở Phú Thọ có khoảng 4.000 người, chiếm 0,22% dân số của tỉnh, 1,94% số dân là dân tộc thiểu số và 4,7% số dân là người Sán Chay của cả 14 nước. Địa bàn sinh sống chủ yếu ở huyện Đoan Hùng và Phù Ninh. Ngôn ngữ dân tộc Sán Chay thuộc nhóm Tày - Thái. Người Sán Chay di cư đến Phú Thọ cách đây khoảng 300 năm. Thời gian đầu cư trú chủ yếu ở phố Vàng - huyện Thanh Sơn, sau di cư sang huyện Đoan Hùng. Người Sán Chay có nền sản xuất nông nghiệp đa dạng và phát triển. Người Sán Chay có truyền thống yêu nước, cố kết cộng đồng dân tộc; tôn vinh những người có công với nước, với làng, được thể hiện rõ nét ở những tiệc làng được tổ chức tại đình làng (nơi thờ Thành hoàng làng); tôn vinh Già làng - người có uy tín cao nhất đối với đồng bào dân tộc Sán Chay. Sinh hoạt văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc Sán Chay phong phú, có những nét văn hóa mang đậm sắc thái lâu đời như: Truyện cổ tích, thơ ca, hò vè … trong đó “Sình ca” là một hình thức văn hóa hấp dẫn. Ngày nay, người Sán Chay sống xen kẽ với các dân tộc khác, nhưng nhìn chung người Sán Chay thường quần tụ thành từng làng. Với những xã có đông đồng bào Sán Chay cư trú, tỷ lệ cao nhất chiếm từ 20 - 25% dân số trong xã. Người dân tộc Sán Chay sống gần gũi với dân tộc Kinh và dân tộc Tày nên đời sống văn hoá dân tộc Sán Chay được “tiếp biến” hoà đồng trong khu vực; đời sống kinh tế - xã hội ổn định và phát triển. Nhìn chung, các dân tộc thiểu số ở tỉnh Phú Thọ đều có nguồn gốc, bản sắc văn hoá truyền thống đặc sắc, có phong tục tập quán riêng trong sản xuất và đời sống xã hội, có quá trình theo Đảng tham gia làm cách mạng rất đáng tự hào và đã xây dựng được cơ sở chính trị khá vững chắc. Điểm chung cần quan tâm là đời sống kinh tế, văn hoá, dân trí các dân tộc còn thấp, tỷ lệ đói nghèo trong vùng đồng bào các dân tộc còn cao, thông tin tuyên truyền về đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước ở vùng này còn hạn chế, là miếng đất “màu mỡ” cho việc truyền đạo trái phép của các tôn giáo và là điểm nhạy cảm mà các thế lực thù địch phản động lợi dụng để kích động đồng bào, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, chống lại Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. 15
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan