Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Giáo dục - Đào tạo Cao đẳng - Đại học Y dược Quan hệ giữa luật tục và pháp luật từ thực tiễn các tỉnh khu vực tây bắc bộ...

Tài liệu Quan hệ giữa luật tục và pháp luật từ thực tiễn các tỉnh khu vực tây bắc bộ

.DOCX
181
1
103

Mô tả:

MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của đề tài nghiên cứu Pháp luật đóng vai trò quan trọng là công cụ duy trì trật tự trong xã hội phân hóa thành các giai cấp với những mâu thuẫn lợi ích khác nhau. Chức năng của pháp luật là điều hòa, giữ những mâu thuẫn đó trong một giới hạn chấp nhận được nhằm giữ cho xã hội ổn định, phát triển. Tuy nhiên, bởi tính giai cấp của nhà nước và pháp luật nên tất yếu, pháp luật bảo bảo vệ quyền, lợi ích của giai cấp cầm quyền mà không thể hài hòa mọi lợi ích giai cấp trong xã hội. Cùng với tiến trình phát triển của xã hội loài người, pháp luật ngày càng hoàn thiện nhưng do bản chất giai cấp, tính lạc hậu của pháp luật với tồn tại xã hội mà không phải lúc nào, trong lĩnh vực nào pháp luật cũng kịp thời điều chỉnh các quan hệ xã hội. Nhất là mỗi quốc gia, mỗi dân tộc lại có trình độ phát triển không đồng đều về nhiều mặt, vấn đề này tạo nên những khiếm khuyết trong hệ thống pháp luật. Trong điều kiện đó, các quy phạm xã hội khác đã được nhiều cộng đồng áp dụng để giải quyết những quan hệ xã hội mà pháp luật chưa vươn tới được, hoặc chưa đủ sức để điều chỉnh, trong đó có luật tục. Trong giai đoạn hiện nay, việc tồn tại luật tục bên cạnh pháp luật của nhà nước mang tính khách quan, nó cho thấy rằng có những điều kiện kinh tế - xã hội và các quan hệ xã hội phù hợp với sự điều chỉnh của luật tục. Bởi vậy, vai trò hiện thực của luật tục trong quan hệ với pháp luật và đời sống xã hội đòi hỏi luật tục cần một chỗ đứng xứng đáng như là một bộ phận của hệ thống các quy phạm xã hội, một nguồn để hình thành Nhưng cần phải nhìn nhận mối quan hệ giữa luật tục và pháp luật như thế nào cho đúng đắn, vừa giữ gìn kho tàng vốn sống văn hóa hết sức phong phú, nhân văn của các dân tộc thiểu số biểu hiện trong luật tục, mà phải phát huy các giá trị đó góp phần chuyển tải pháp luật của nhà nước vào trong đời sống người dân phục vụ mục tiêu phát triển chung của đất nước. 1 Khu vực Tây Bắc Bộ là là địa bàn rộng lớn, là nơi sinh sống lâu đời của nhiều dân tộc thiểu số. Sự phát triển của từng dân tộc ở các tỉnh Tây Bắc luôn gắn chặt với sự phát triển chung của đất nước, tạo nên sức mạnh của toàn dân tộc trong sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội của cả nước. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương kế thừa và phát huy những luật tục, phong tục trong việc quản lý cộng đồng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số Tây Bắc. Bên cạnh những kết quả đạt được của kinh tế - xã hội trên địa bàn khu vực Tây Bắc Bộ, thực tiễn pháp luật đi vào đời sống rất khó khăn, thậm chí còn phải nương theo những quy định của luật tục để đi vào cuộc sống. Điều này cho thấy việc kết hợp luật tục và pháp luật trong quản lý xã hội, điều chỉnh các quan hệ cộng đồng là một đòi hỏi hết sức khách quan nhất là trong điều kiện các dân tộc thiểu số khu vực Tây Bắc Bộ vốn phát triển không đồng đều, mang tính đặc thù và đa dạng cao. Tuy nhiên, hiện nay chưa có cơ chế nào đảm bảo tỉnh khả thi cho việc thừa nhận luật tục và quan hệ giữa luật tục và pháp luật tại các tỉnh khu vực Tây Bắc Bộ. Những quy định rải rác về thừa nhận tập quán lại thiếu hướng dẫn, chưa thực sự phù hợp để tạo không gian pháp lý cho luật tục tiến bộ có thể được thừa nhận rộng rãi và áp dụng trong thực tiễn, loại bỏ những hủ tục. Ngoài ra, còn thiếu các công trình nghiên cứu một cách toàn diện, sâu sắc, làm sáng tỏ các vấn đề lý luận về quan hệ giữa luật tục và pháp luật nói chung, quan hệ giữa luật tục và pháp luật từ thực tiễn các tỉnh khu vực Tây Bắc Bộ nói riêng. Điều này khiến cơ sở cho việc đề xuất thừa nhận và giải quyết quan hệ giữa luật tục và pháp luật gặp nhiều khó khăn. Xuất phát từ những nhận thức trên, học viên đã chọn đề tài “Quan hệ giữa luật tục và pháp luật từ thực tiễn các tỉnh khu vực Tây Bắc Bộ” để triển khai nghiên cứu trong quy mô luận án với mong muốn góp phần nghiên cứu một cách toàn diện và có hệ thống nội dung liên quan đến đề tài được lựa chọn. 2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu của luận án 2.1. Mục đích nghiên cứu Mục đích tổng quát của luận án là luận chứng khoa học cho một giải pháp giải quyết hài hòa quan hệ giữa luật tục các dân tộc thiểu số khu vực Tây Bắc và pháp luật của nhà nước trong giai đoạn xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân, tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc. 2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu - Hệ thống hóa cơ sở lý luận chung về luật tục và pháp luật, trên cơ sở đó làm sáng tỏ những vấn đề lý luận cơ bản về quan hệ giữa luật tục và pháp luật gồm: khái niệm, đặc điểm, nội dung, lĩnh vực thể hiện và những yếu tố ảnh hưởng đến quan hệ giữa luật tục và pháp luật; - Nghiên cứu, đánh giá thực trạng quan hệ giữa luật tục và pháp luật tại các tỉnh khu vực Tây Bắc Bộ theo các lĩnh vực thể hiện quan hệ giữa luật tục và pháp luật, làm rõ ưu điểm, hạn chế và nguyên nhân của những ưu điểm, hạn chế đó từ thực tiễn quan hệ giữa luật tục và pháp luật các tỉnh khu vực Tây Bắc Bộ; - Hệ thống các quan điểm và đề xuất được các giải pháp mang tính khả thi, toàn diện, giải quyết hài hòa quan hệ giữa luật tục và pháp luật từ thực tiễn các tỉnh khu vực Tây Bắc Bộ, gợi mở những đề xuất pháp lý cho việc xử lý hiệu quả quan hệ giữa luật tục và pháp luật ở nước ta thời gian tới. 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận án 3.1. Đối tượng nghiên cứu Đối tượng nghiên cứu của luận án là các vấn đề lý luận và thực tiễn quan hệ giữa luật tục và pháp luật tại khu vực Tây Bắc Bộ, cụ thể là khái niệm, đặc điểm và nội dung quan hệ giữa luật tục và pháp luật; đặc trưng, hình thức biểu hiện quan hệ giữa luật tục và pháp luật từ thực tiễn các tỉnh khu vực Tây Bắc Bộ hiện nay, đánh giá và đưa ra những giải pháp hoàn thiện. 3.2. Phạm vi nghiên cứu - Về nội dung: luận án tập trung nghiên cứu đặc điểm, nội dung và lĩnh vực biểu hiện quan hệ giữa luật tục và pháp luật tại khu vực Tây Bắc Bộ. - Về không gian: luận án tiến hành nghiên cứu tại khu vực Tây Bắc Bộ, cụ thể trên địa bàn 6 tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái. - Về thời gian: luận án nghiên cứu thực trạng quan hệ giữa luật tục và pháp luật từ khi đất nước đổi mới (từ năm 1986) đến nay. 4. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu 4.1. Phương pháp luận Luận án được nghiên cứu dựa trên cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam về nhà nước và pháp luật; chính sách dân tộc; đặc biệt là tư tưởng nhà nước pháp quyền, về tập quán pháp và về cơ chế tự quản của cộng đồng... 4.2. Phương pháp nghiên cứu a. Cách tiếp cận Với phạm vi và nội dung nghiên cứu của đề tài, đòi hỏi cách tiếp cận liên ngành và đa ngành khoa học xã hội. Đó là: Tiếp cận toàn diện và hệ thống Nghiên cứu mối quan hệ giữa luật tục và pháp luật cũng như biểu hiện của mối quan hệ đó trong thực tiễn từ giai đoạn đổi mới (1986) đến nay đòi hỏi cách tiếp cận toàn diện và hệ thống. Đó là các yếu tố pháp luật, chính sách của Nhà nước tác động đến đời sống người DTTS tại đây, ý thức pháp luật cũng như thói quen ứng xử của người dân trong các quan hệ xã hội cũng như những mâu thuẫn, bất cập trong quá trình tác động lẫn nhau khi điều chỉnh bằng pháp luật và điều chỉnh bằng luật tục trong cùng một lĩnh vực, một quan hệ xã hội. Tiếp cận toàn diện và hệ thống cho phép đề tài có thể đánh giá được mối tương quan, tác động qua lại giữa luật tục và pháp luật trong đời sống cộng đồng các DTTS ở Tây Bắc. Tiếp cận luật học: Nếu cách tiếp cận toàn diện và hệ thống cho phép đề tài có cái nhìn bao quát về vấn đề nghiên cứu thì với cách tiếp cận luật học là cách tiếp tận trọng tâm của đề tài để nhìn nhận quan hệ giữa luật tục và pháp luật dưới giác độ pháp lý. Dựa trên những giá trị của luật tục với cơ chế tự quản cộng đồng, chi phối mọi mặt đời sống của người DTTS trong mối quan hệ với các quy định về quản lý nhà nước, về điều chỉnh các quan hệ xã hội của pháp luật. Ngoài ra, đề tài cũng tiếp cận vấn đề nghiên cứu ở nhiều khía cạnh khác nhau như: Tiếp cận ở khía cạnh dân tộc học để nghiên cứu sự vận động, sức sống của luật tục trong cộng đồng người DTTS Tây Bắc trong sự ảnh hưởng của kinh tế, chính trị, xã hội, phong tục, tập quán, điều kiện tự nhiên … Tiếp cận ở khía cạnh lịch sử để thấy mức độ tác động, ảnh hưởng qua lại lẫn nhau giữa luật tục và pháp luật qua các thời kỳ phát triển của nhà nước ta. b. Phương pháp nghiên cứu cụ thể Để làm sáng tỏ các vấn đề nghiên cứu, luận án kết hợp sử dụng một số phương pháp nghiên cứu chính sau đây: - Phương pháp nghiên cứu tài liệu: được sử dụng chủ yếu trong Chương 1 và Chương 2 của luận án để nghiên cứu, phân tích các tài liệu liên quan đến đề tài luận án, bao gồm các công trình nghiên cứu trong và ngoài nước về luật tục, các nghiên cứu đánh giá mối quan hệ giữa luật tục và pháp luật dưới nhiều giác độ nghiên cứu khác nhau. Phương pháp này cũng được sử dụng trong phần lý luận và luận giải mối quan hệ giữa luật tục và pháp luật; phân tích các yếu tố tác động đến mối quan hệ giữa luật tục thông qua việc sử dụng một loạt các tài liệu sẵn có liên quan đến đề tài. - Phương pháp luật học so sánh: được sử dụng trong Chương 3, Chương 4 của luận án. Với nội dung trong Chương 3, phương pháp so sánh được áp dụng để chỉ ra những điểm tương đồng, khác biệt trong nội hàm của luật tục và pháp luật, cũng như biểu hiện ra bên ngoài thông qua quan hệ giữa luật tục và pháp luật trong thực tiễn các tỉnh khu vực Tây Bắc Bộ. Với nội dung Chương 4, phương pháp so sánh được áp dụng để rút ra kinh nghiệm giải quyết quan hệ giữa luật tục và pháp luật tại một số quốc gia đã và đang thừa nhận luật tục như một hệ thống quy phạm chính thức bên cạnh pháp luật (Malaysia và Indonesia), từ đó đề xuất xây dựng mô hình quan hệ giữa luật tục và pháp luật tại Việt Nam nói chung và tại khu vực Tây Bắc Bộ nói riêng. - Phương pháp nghiên cứu khoa học lịch sử: được sử dụng để xem xét mối quan hệ giữa luật tục và pháp luật trong các giai đoạn, điều kiện lịch sử cụ thể, chỉ ra những yếu tố tác động đến quan hệ giữa luật tục và pháp luật. - Phương pháp tổng hợp: được sử dụng chủ yếu trong Chương 4 của luận án, kết hợp với kết quả nghiên cứu có được từ việc áp dụng các phương pháp nghiên cứu trên đây nhằm mục đích đưa ra những luận giải, nhận xét và đề xuất của tác giả trong việc tạo ra cơ chế giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa luật tục và pháp luật tại các tỉnh Tây Bắc. 5. Những kết quả nghiên cứu mới của Luận án Những kết quả nghiên cứu mới mà đề tài luận án đạt được đó là: Thứ nhất, luận án hệ thống hóa các quan điểm khoa học về pháp luật, luật tục, trên cơ sở đó, luận án xác định khái niệm, đặc điểm và nội dung quan hệ giữa luật tục và pháp luật. Chỉ rõ những yếu tố tác động đến quan hệ giữa luật tục và pháp luật trong điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam hiện nay. Thứ hai, luận án mô tả những đặc trưng trong quan hệ giữa luật tục và pháp luật tại khu vực Tây Bắc Bộ; phân tích thực trạng quan hệ giữa luật tục và pháp luật tại khu vực Tây Bắc Bộ qua các phương thức biểu hiện, lĩnh vực tác động của quan hệ. Từ đó, luận án đánh giá những giá trị mà quan hệ giữa luật tục và pháp luật mang lại, cũng như những hạn chế còn tồn tại, nguyên nhân của những hạn chế cần giải quyết. Thứ ba, luận án xác định các quan điểm định hướng và đề xuất các giải pháp có tính toàn diện và khả thi nhằm giải quyết hài hòa quan hệ giữa luật tục và pháp luật tại khu vực Tây Bắc Bộ trong thời gian tới, đặc biệt là việc xác định mô hình hợp lý làm tiền đề cho việc thực hiện các giải pháp này. 6. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của Luận án - Về nhận thức lý luận: Luận án hình thành tư duy đầy đủ về quan hệ giữa luật tục và pháp luật, từ khái niệm, đặc điểm tới nội dung quan hệ giữa luật tục và pháp luật, những yếu tố tác động đến quan hệ giữa luật tục và pháp luật. - Về thực tiễn: luận án cung cấp những khuyến nghị và giải pháp cụ thể nhằm giải quyết, hoàn thiện quan hệ giữa luật tục và pháp luật tại khu vực Tây Bắc Bộ hiện nay, cũng như có thể mở rộng để giải quyết hài hòa quan hệ giữa luật tục và pháp luật trong cộng đồng các DTTS nước ta. - Về hoàn thiện thể chế, chính sách: đề tài xác lập cơ sở khoa học cho việc thiết kế mô hình hợp lý của quan hệ giữa luật tục và pháp luật, đề xuất xây dựng Luật Tập quán và tiếp tục phát huy những kết quả đạt được từ quy định về tự quản cộng đồng, chính sách dân tộc của Nhà nước. Trên cơ sở những đóng góp nêu trên, thành công của đề tài có ý nghĩa thiết thực với nhiệm vụ phát huy khối đoàn kết dân tộc, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, hoàn thiện hệ thống pháp luật, xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế hiện nay. Luận án cũng có ý nghĩa là tài liệu tham khảo hữu ích cho các nhà nghiên cứu và giảng dạy khoa học pháp lý cũng như các nhà hoạch định chính sách, các nhà lập pháp. Luận án cũng có thể được sử dụng tham khảo cho hoạt động nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học xã hội và khoa học pháp lý. 7. Kết cấu của luận án Ngoài phần mở đầu, Kết luận, Danh mục tài liệu tham khảo, luận án được kết cấu với 4 chương. Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu và những vấn đề đặt ra cần nghiên cứu Chương 2: Những vấn đề lý luận về quan hệ giữa luật tục và pháp luật Chương 3: Thực trạng quan hệ giữa luật tục và pháp luật tại khu vực Tây Bắc Bộ Chương 4: Quan điểm và giải pháp hoàn thiện quan hệ giữa luật tục và pháp luật tại khu vực Tây Bắc Bộ. CHƯƠNG 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA CẦN NGHIÊN CỨU 1.1. Khái lược tình hình nghiên cứu 1.1.1 Nhóm các công trình nghiên cứu về pháp luật Pháp luật là thiết chế song hành cùng với sự ra đời, phát triển của nhà nước, chính vì vậy, những công trình nghiên cứu về pháp luật có thể đánh giá là vô cùng đồ sộ. Dù vậy, không có nghĩa là nội dung nghiên cứu về pháp luật đã cũ, đã lỗi thời, theo khảo cứu của tác giả luận án, các công trình nghiên cứu về pháp luật từ cổ điển tới hiện đại đã ngày càng dày thêm, đa dạng hơn. Khi khảo cứu sơ bộ các công trình nghiên cứu về pháp luật, có thể thấy số lượng công trình nghiên cứu là rất lớn, nhiều phương thức tiếp cận, đánh giá về chủ đề này. Có thể kể đến một số nghiên cứu tiêu biểu sau: Tác giả Frederic Bastiat, nhà kinh tế học, chính khách và tác giả nổi tiếng người Pháp trong cuốn “The Law” (tiếng Pháp: La Loi) quan niệm pháp luật “là tổ chức mang tính tập thể quyền bảo vệ một cách hợp pháp các quyền của cá nhân”. Theo ông, pháp luật chính là các quyền tự nhiên hay nói cách khác là “tổ chức để bảo vệ hợp pháp các quyền tự nhiên” mà Chúa ban cho con người từ khi sinh ra: quyền được bảo vệ, quyền tự do và quyền với tài sản, với mục đích cuối cùng là để công lý ngự trị [113]. Một trong những tác phẩm kinh điển của nhà lý thuyết pháp lý quan trọng nhất của thế kỷ XX, Hans Kelsen là cuốn “General Theory of Law and State” với những luận điểm khá tương đồng với Frederic Bastiat . Cuốn sách được chia thành hai phần: phần thứ nhất dành cho luật pháp, phần thứ hai dành cho nhà nước. Các chủ đề này kết hợp với nhau tạo thành sự trình bày có hệ thống và toàn diện nhất về luật học của Kelsen, đó là chứa đựng những lập luận về lý thuyết pháp luật tự nhiên, ông cho rằng pháp luật là một trật tự cưỡng chế, trong đó Nhà nước được độc quyền sử dụng vũ lực là pháp luật chính là công cụ của lực lượng đó [128]. Đặc biệt ông có nhắc đến luật tục, với quan điểm cho rằng đây là sự lấp đầy vào khoảng trống của pháp luật [130]. Tác phẩm “Law, Order and Freedom: A Historical Introduction to Legal Philosophy” của hai tác giả Cees Maris và Frans Jacobs, xuất bản năm 2011 mở rộng quan điểm về pháp luật tự nhiên thành cơ sở lý luận về quyền con người. Hai tác giả đã khẳng định rằng pháp luật là hiện thân của công lý và sự công bằng, chính vì vậy khi pháp luật bất công, con người không cần có nghĩa vụ tuân thủ[137]. Dưới giác độ nhân học pháp lý, tác giả James M. Donovan (2008) trong cuốn sách “Legal Anthropology: An Introduction” đã khẳng định “Pháp luật là một hình thức kiểm soát xã hội đặc biệt trong một xã hội đã có hình thức tổ chức chính trị ở bậc cao”. Đó là hình thức kiểm sát xã hội thông qua việc áp dụng một cách có trật tự và hệ thống trấn áp trong xã hội ấy [121]. Gần đây nhất, trong cuốn sách “Legal Traditions of the World: Sustainable Diversity in Law” của tác giả H. Patrick Glenn (2014), Oxford University Press. Cuốn sách đã được tái bản tới 5 lần và mới đây nhất là năm 2021. Cuốn sách cung cấp một cái nhìn mới về khái niệm luật và quan hệ pháp luật trong bối cảnh phân tích các hệ thống pháp luật truyền thống trên thế giới gồm: Luật tôn giáo, Luật dân sự, Luật Hồi giáo, Thông luật (Luật Án lệ), Luật Hindu, Luật Talmudic và Luật Nho giáo (dưới những ảnh hưởng hiện hành của lý luận Các Mác). Thông qua 10 chương, mỗi hệ thống được xem xét trên phương diện thể chế, luật nội dung, khái niệm và phương thức mà các nhà sáng lập nên nó, thái độ của nó với sự thay đổi của truyền thống văn hóa và cách thức ứng xử với các dân tộc khác. Quan điểm của tác giả được giải thích theo tư tưởng đa dạng pháp luật và không xung đột, tức làm thế nào để dung hợp truyền thống pháp lý trong thời kỳ hiện đại ngày nay nhằm tạo sự đa dạng bền vững trong pháp luật các nước [116]. Nghiên cứu của tác giả Trandafirescu Bogdan Cristian (2017) về “The Nature of the General Theory of Law”, “Ovidius” University Annals, Economic Sciences Series Volume XVII, Issue 2 /2017. Bài báo này nhằm xác định rõ vấn đề về bản chất của lý thuyết chung về luật, liệu nó có phải là sự xuất phát của triết học luật hay nó chỉ là một trong những ngành khoa học pháp lý với sự khác biệt duy nhất là nó có nghiên cứu thiên về pháp luật? Tác giả cho rằng lý luận về pháp luật là một khoa học thực chứng có quy luật khách quan là đối tượng nghiên cứu độc quyền và nó là một phần của phạm trù khoa học pháp lý (đối lập với các khoa học bổ trợ được nghiên cứu trong trường luật - xã hội học pháp lý, pháp lý triết học, tội phạm học, hình sự học, pháp y, v.v.). Pháp luật cũng là ngành khoa học sử dụng những kiến thức từ các ngành khoa học khác như xã hội học, chính trị học, kinh tế học, triết học, v.v.), nhất là với triết học trong việc giải thích những vấn đề lý luận về pháp luật [120]. Hay nghiên cứu về pháp luật theo hướng so sánh của tác giả Denis J. Galligan (2012) “Legal Theory and Empirical Research” trong cuốn “The Oxford Handbooks of Empirical Legal Research”. Tác giả cho rằng từ trước đến nay, khái niệm “luật học” được tiếp cận dưới góc độ lý thuyết (triết học) với tư cách là một thuật ngữ pháp lý, nếu được xem xét so sánh với nghiên cứu thực nghiệm thì chỉ khác nhau ở chủ thể, mục đích và phương pháp nghiên cứu nhằm làm rõ “thế nào là pháp luật và hệ thống pháp luật”. Chính vì vậy, tác giả đã so sánh phương pháp nghiên cứu pháp luật dưới góc độ lý luận với nghiên cứu dưới góc độ thực nghiệm để chỉ ra rằng các nghiên cứu thực nghiệm có thể coi như là một phương tiện hiệu quả nhằm thu thập thông tin về thực hành luật, làm cơ sở cho việc hoàn thiện pháp luật [115]. Tại Việt Nam, những công trình nghiên cứu về pháp luật cũng rất lớn, với một khối lượng lớn các công trình nghiên cứu các vấn đề lý luận chung về pháp luật như vậy, tác giả luận án không thể khái quát hết các nghiên cứu mà chỉ tập trung vào các nghiên cứu trong những năm gần đây. Có thể kể đến các công trình tiêu biểu đó là: GS.TS Nguyễn Đăng Dung và các cộng sự với cuốn “Đại cương về pháp luật” với hai nội dung lớn: (i) Những vấn đề cơ bản về pháp luật: đã hệ thống những vấn đề lý luận cơ bản về pháp luật như khái niệm, bản chất, nguồn gốc, mối liên hệ giữa pháp luật và các hiện tượng khác, các hình thức tổn tại của pháp luật; (ii) Hệ thống pháp luật Việt Nam và các ngành luật: giới thiệu lịch sử phát triển của nền pháp luật Việt Nam và hệ thống ngành luật Việt Nam hiện nay [17]. GS.TS. Nguyễn Minh Đoan với sách chuyên khảo “Vai trò của pháp luật trong đời sống xã hội” đã phân tích sâu sắc vai trò của pháp luật trong đời sống xã hội và mối quan hệ với Nhà nước. Tác giả khẳng định, pháp luật và công cụ quản lý xã hội quan trọng không thể thiếu nhưng cũng không phải là công cụ duy nhất, quản lý vạn năng [23]. Hay PGS.TS Lê Minh Tâm lại luận giải trong cuốn “Xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam, những vấn đề lý luận và thực tiễn” rằng, pháp luật là biểu hiện của văn minh và văn hóa, là cơ sở để bảo đảm quyền con người, công bằng, bình đẳng trong xã hội cũng như bảo đảm sự phát triển bền vững của xã hội [74]. GS.TS Võ Khánh Vinh lại nghiên cứu về “Chính sách pháp luật – Những vấn đề lý luận và thực tiễn” với tư cách xem xét định hướng, nền tảng để xây dựng pháp luật – đó là chính sách, vai trò của chính sách với pháp luật để đưa ra những quy phạm pháp luật mang tính khả thi trong thực tiễn[107]. Cuốn sách gồm 16 chương, chia thành 4 phần, làm rõ những vấn đề lý luận chung về chính sách pháp luật; các hình thức thực hiện chính sách pháp luật; các loại và các cấp độ chính sách pháp luật. 1.1.2 Nhóm các công trình nghiên cứu về luật tục dưới giác độ pháp lý Trên thế giới cũng như ở Việt Nam, luật tục được quan tâm trước nhất từ các nhà luật học và các nhà cai trị địa phương từ đầu thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, trong đó tập trung vào luật tục ở các nước Châu Á, Châu Phi, những khu vực chịu sự cai trị của chủ nghĩa thực dân. Vì vậy, các nhà luật học, các nhà quản lý của các nước có nhiều thuộc địa như Anh, Pháp, Tây Ban Nha … rất quan tâm nghiên cứu về luật tục. Trong những năm gần đây, trên thế giới luật tục được coi như một dạng tri thức bản địa càng được các nhà khoa học quan tâm nghiên cứu nhiều hơn[70, tr.9]. Các nhà khoa học đều coi luật tục là một kho tàng tri thức bản địa của cộng đồng tộc người, không chỉ là một di sản văn hóa đáng trân trọng mà còn có giá trị với nhiều ngành khoa học xã hội như văn hóa học, xã hội học, dân tộc học, luật học[71]. Tại Việt Nam, tuy luật tục đã ra đời cách đây hàng trăm năm nhưng việc nghiên cứu luật tục ở nước ta mới chỉ trong khoảng cuối thế kỷ XIX trở lại đây. Trong phạm vi nghiên cứu của đề tài, tác giả luận án cũng chỉ tập trung vào những nghiên cứu về luật tục dưới giác độ pháp lý chứ không đi sâu vào các nghiên cứu luật tục dưới các giác độ nghiên cứu khác như dân tộc học, văn hóa học …., mặc dù phải khẳng định rằng số lượng những nghiên cứu như vậy về luật tục là rất lớn. Tác giả Peter G. Staubach (2018) với cuốn “The Rule of Unwritten International Law: Customary Law, General Principles, and World Order”, Routledge Publisher. Cuốn sách được nghiên cứu dưới giác độ so sánh trong đó, đưa ra quan điểm luật tục chính là các tập quán, là một hình thức tự tổ chức xã hội tự phát, và phát triển các kết quả phương pháp luận xuất phát từ quan niệm này đối với việc áp dụng luật tục trong thời kỳ hiện đại để tạo thành các quy tắc tập quán quốc tế. Cuốn sách gồm các nội dung chính: Thứ nhất, các lý thuyết luật học chung về luật tục; thứ hai, các lý thuyết về luật tập quán quốc tế; thứ ba, phương pháp luật để giải thích luật quốc tế dựa trên các tập quán, luật tục [131]. Một trong những nghiên cứu khá toàn diện về luật tục các nước trên thế giới có thể kể đến tác giả Martyn Rady (2015) với cuốn sách “Customary Law in Hungary: Courts, Texts, and the Tripartitum”, Oxford University Press. Tác giả phân tích luật tục với tư cách là tập quán pháp ở Hungary trong giai đoạn từ thế kỷ 13 đến thế kỷ 20. Được phát triển từ nghiên cứu một cách sâu sắc sự hình thành hệ thống pháp luật Hungary của một tác giả là Werbőczy từ thế kỷ 16, luật tục được mô tả có vai trò như một trong ba yếu tố hình thành nên pháp luật (quan hệ ba bên). Như tác giả giải thích, luật Hungary bắt nguồn từ sự pha trộn của luật La Mã, các tiền lệ pháp, quy phạm pháp luật và tập quán (mà luật tục được liệt kê trong nhóm này). Ngay cả sau khi hình thức Chính phủ Nghị viện được thành lập vào thế kỷ 19, một yếu tố tập quán mạnh mẽ gắn liền với luật pháp Hungary, được khuếch đại bởi sự liên kết của luật tục với truyền thống dân tộc. Kết quả là Hungary đã duy trì việc áp dụng những quy định của luật tục cho đến thời kỳ sau này, luật tục đã được pháp điển hóa khá nhiều nhưng cách thức sử dụng luật tục trong giải thích pháp luật vẫn được nhiều chính trị gia, luật gia sử dụng để biện minh cho các chương trình lập pháp [140]. Tác giả Tariq Ahmad (2013) với báo cáo “Research Guide: Customary Law in India”. Báo cáo này cho biết luật tục là một dạng luật tập quán được công nhận là một nguồn luật chính trong hệ thống pháp luật Ấn Độ và được Hiến pháp thừa nhận với các điều kiện cụ thể (i) có nguồn gốc xa xưa; (ii) hợp lý về bản chất và liên tục dược sử dụng khiến nó có được hiệu lực như của pháp luật; (iii) được Tòa án thừa nhận; (iv) hiện tại vẫn đang được sử dụng; (v) không thay đổi (bất biến). Báo cáo cũng thừa nhận rằng luật tục chỉ được áp dụng trong một số cộng đồng người Ấn Độ và trong một số lĩnh vực hôn nhân, đất đai, sở hữu[111]. Tại khu vực Đông Nam Á, hai quốc gia chính thức coi luật tục (Adat) là một dạng quy phạm điều chỉnh xã hội trong các cộng đồng nhỏ người địa phương bên cạnh pháp luật là Indonesia và Malaysia. Nếu so sánh với Việt Nam, những nghiên cứu về luật tục dưới giác độ pháp lý của hai nước này là nhiều nhất. Có thể kể đến là: Theo quan điểm lý luận, tác giả Christa Rautenbach (2019) với bài “Case Law as an Authoritative Source of Customary Law: Piecemeal Recording of (Living) Customary Law?”, Potchefstroom Electronic Law Journal (PELJ). Tác giả đặt vấn đề rằng một phán quyết từ Tòa án luật tục có thể được coi là có giá trị như một bản án thông thường đồng thời chính là một bản ghi chép lại sự tồn tại của luật tục được thừa nhận chính thức. Tác giả cho rằng luật tục cần được coi là một loại án lệ, được ràng buộc và có giá trị bắt buộc cho đến khi nó được chuyển hóa vào luật hoặc được sửa đổi bởi một quyết định nghiêm túc, rõ ràng sau đó [130]. Dưới góc độ thực tiễn, sách “Decentralization and Adat Revivalism in Indonesia The Politics of Becoming Indigenous” của tác giả Adam D. Tyson (2010) đã phân tích xu hướng lập pháp mang tính chính trị gay gắt tại Indonesia liên quan đến thừa nhận vị trí của pháp luật với Adat- luật tục bản địa của Indonesia. Thông qua việc phân tích các giai đoạn liên quan trong lịch sử của Indonesia, tác giả xem xét các cuộc đấu tranh để yêu cầu công nhận Adat của các cộng đồng dân tộc bản địa Indonesia, chủ yếu liên quan đến tranh chấp đất đai, quản lý tự trị và xung đột trong khai thác tài nguyên, tái tạo bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số nước này[143]. Cùng hướng nghiên cứu trên nhưng chỉ triển khai trên phạm vi hẹp, tác giả Roberth Kurniawan Ruslak Hammar (2018) với bài “The Existence of Customary Rights of Customary Law Community and Its Regulation in the Era of Special Autonomy of Papua” đăng trên Journal of Social Studies Education Research [124]. Nghiên cứu này được thực hiện ở Manokwari, Indonesia với 52 người DTTS cho thấy, luật tục đã được bảo vệ và công nhận trong cộng đồng DTTS thông qua Hiến pháp Indonesia năm 1945, một văn bản luật riêng năm 2001 và 2008 dành cho những đặc khu DTTS tại đây. Các cộng đồng được quyền sở hữu và sử dụng các luật tục của mình trong giải quyết các vấn đề nội bộ địa phương. Nhiều bài báo khác liên quan đến chủ đề này có thể kể đến như David Henley và Jamie S. Davidson (2008) với nghiên cứu “In the Name of Adat: Regional Perspectives on Reform, Tradition, and Democracy in Indonesia”, Modern Asian Studies , Volume 42 , Issue 4 , July 2008 , pp. 815 – 852; hai tác giả Kamarusdiana Kamarusdiana, Mustapa Khamal Rokan (2018) với bài “Configuration of Customary Law Related to Economy (Economic Adat Law Study in North Sumatera, Indonesia)”, Vol 18, No 2 (2018) Kamarusdiana; tác giả Najmu L. Sopian (2015) với bài “Informal Dispute Resolution Based On Adat Law: A case Study of Land Dispute in Florest, East Nusa Tenggara, Indonesia”, Volume 5 Number 2, May - August 2015, Indonesia Law Review. Các nghiên cứu này nghiên cứu về luật tục chủ yếu liên quan đến vấn đề văn hóa, hôn nhân và đất đai trong cộng đồng các DTTS tại Indonesia. Với luật tục (Adat) ở Malaysia, có thể kể đến luận án “Native title in Sarawak, Malaysia: Kelabit land rights in transition” Ramy Bulan (2005), The Australian National University và được chuyển hóa thành sách “Legal perspectives on native Customary land rights in Sarawak” năm 2008. Luận án chỉ ra rằng luật tục liên quan đến vấn đề đất đai của cộng đồng DTTS đã được thừa nhận trên nguyên tắc luật tục là một phần của pháp luật Malaysia theo Hiến pháp liên bang. Hiệu quả của luật tục phụ thuộc vào sự chấp nhận phổ biến của nó trong cộng đồng, áp lực của dư luận và thái độ chung đối với một người vi phạm các chuẩn mực đã được chấp nhận và tính dễ bị tổn thương của cá nhân đối với cảm giác được tôn trọng của con người. Để luật tục được công nhận là luật thì phải đáp ứng 4 điều kiện đó là: (i) phải có lịch sử hình thành lâu đời; (ii) nó phải được áp dụng liên tục và không bị phá vỡ hoặc gián đoạn từ đời này sang đời khác; (iii) phải được tôn trọng và tuân thủ; (iv) được áp dụng để xét xử cho cá nhân nào vi phạm quy định của luật tục. Tác giả cũng đề xuất việc thu hồi đất đang được sở hữu theo luật tục cũng cần được đền bù thỏa đáng theo luật tục. Cùng hướng nghiên cứu này có tác giả Richard Nyaru Anak Jawa (2015) với luận án “The study of Customary rights in Malaysian land Administration system and Domain model”. Tác giả so sánh luật tục về đất đai giữa hai khu vực của người dân tộc bản địa, từ đó đề xuất việc xây dựng một mô hình quản lý hành chính phù hợp để quản lý đất đai trên cơ sở nguyên tắc áp dụng, phân định ranh giới đất theo luật tục. Cùng quan tâm đến lĩnh vực Luật Hiến pháp, Katrina Cuskelly (2011) trong báo cáo “Customs and Constitutions: State recognition of customary law around the world” đã đánh giá tầm quan trọng của luật tục tại nhiều quốc gia ngày càng tăng nhất là trong vấn đề bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, nhưng việc nhà nước công nhận luật tục thì còn rất hạn chế, thậm chí ngay cả những nơi được công nhận thì thường có mâu thuẫn giữa các chế định pháp luật với luật tục. Tác giả đã phân tích việc thừa nhận luật tục trong Hiến pháp các nước như Fiji, Slovenia, Belarrus, Armenia, Kazakhstan, Ukraina, Liên bang Nga …. Từ đó đánh giá, bằng cách xây dựng nguyên tắc trong Hiến pháp sau đó là một văn bản luật riêng cho việc thừa nhận và áp dụng luật tục là phương thức khá hợp lý mà nhiều quốc gia đang áp dụng. Hay tác giả Andrew Harding (2022) trong bài “Malaysia: Religious Pluralism and the Constitution in a Contested Polity”, Middle East Law and Governance 4 (2012) 356–385. Tác giả đã phân tích mối quan hệ giữa luật tục và pháp luật của Malaysia, từ đó chỉ ra nguyên nhân mà Hồi giáo đã tác động được vào hệ thống pháp luật của Malaysia thông qua các luật tục mang màu sắc tôn giáo. Không chỉ ở Châu Á, Châu Phi cũng là một trong những khu vực mà các dân tộc thiểu số (thổ dân) ở đây có hệ thống luật tục đa dạng, phong phú. Thậm chí, luật tục đã được giảng dạy như một môn học tại Khoa Luật, Đại học Addis Ababa và Đại học Mekelle. Một số công trình nghiên cứu tiêu biểu có thể kể đến là: Cuốn giáo trình “Customary Law” của hai giảng viên Muradu Abdo và Gebreyesus Abegaz (2009), System Research Institute. Giáo trình gồm 4 phần lớn: các khái niệm cơ bản; Luật tục ở Châu Phi; Tổng quan về các thể chế pháp lý truyền thống ở Ethiopia và Đa nguyên pháp lý. Đây là cuốn giáo trình hệ thống khá đầy đủ các luật tục Châu Phi cũng như cơ chế giải quyết quan hệ giữa pháp luật và luật tục theo thuyết “đa nguyên pháp lý”[90]. Tác giả Jan Arno Hessbruegge với nghiên cứu “Customary Law and Authority in a State under Construction: The Case of South Sudan”, African Journal of Legal Studies 5 (2012) 295–311, tác giả khẳng định người dân tại Nam Sudan dựa nhiều hơn vào luật tục và chính quyền địa phương để điều chỉnh các xung đột của họ hơn là dựa vào các thể chế nhà nước dân sự và luật định, nhiều quan điểm cũng đề xuất pháp điển hóa luật tục thành luật chung cho Nam Sudan. Tác giả cũng đánh giá việc thừa nhận luật tục là một phần thiết yếu của cấu trúc quản trị, cùng với sự tham gia và cải cách có mục tiêu, là những yếu tố không thể thiếu trong xây dựng nhà nước và hòa bình ở Nam Sudan. Những bài nghiên cứu khác về luật tục Châu Phi khá đa dạng, có thể kể đến là: tác giả Muna Ndulo (2011) với bài “African Customary Law, Customs, and Women's Rights”, Indiana Journal of Global Legal Studies,Vol. 18, No. 1 (Winter 2011), pp. 87-120 nhìn nhận luật tục với quyền của phụ nữ, trẻ em gái Châu Phi; tác giả Harald Sippel (2022) với nghiên cứu “Customary Law in Colonial East Africa”, Oxford University Press; tác giả JeanMarie Fenrich và cộng sự với nghiên cứu “The Future of African Customary Law”, Cambridge University Press, các nghiên cứu này khái quát, đánh giá luật tục của một số nước Châu Phi cũng như triển vọng của luật tục trong xã hội hiện đại. Tại Việt Nam, nhiều cuộc Hội thảo khoa học đã được tổ chức hướng tới mục đích nghiên cứu luật tục trong nhiều lĩnh vực khác nhau và các Kỷ yếu, tập san của Hội thảo trở thành nhưng tư liệu quý giá ban đầu cho việc nghiên cứu luật tục các dân tộc thiểu số một cách hệ thống, chuyên sâu. Trong năm 1997, Bộ Tư pháp phối hợp với UBND tỉnh Đắc Lắc tổ chức hội thảo khoa học về “Mối quan hệ giữa luật tục, hương ước và pháp luật hiện hành” và được tác giả Nguyễn Văn Thảo, Viện Khoa học pháp lý tập hợp, biên soạn một số bài tham luận của các Sở Tư pháp khu vực Tây Nguyên thành Đặc san Luật tục [43]. Hội thảo tập trung đánh giá thực trạng luật tục, hương ước đang tồn tại ở các tỉnh Tây Nguyên và miền Trung, so sánh đối chiếu các quy định của luật tục, hương ước với quy định của pháp luật hiện hành trong một số lĩnh vực như dân sự, hôn nhân gia đình, hình sự, hành chính, kiến nghị các giải pháp thích hợp để định hướng được nội dung của luật tục, hương ước theo hướng khơi trong gạn đục, phát huy thuần phong mỹ tục và các hình thức tự quản truyền thống ở cơ sở theo đường lối mà Đảng ta đã đề ra. Năm 1999, Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia đã kết hợp với UBND tỉnh Đắc Lắc tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế: Luật tục và phát triển nông thôn hiện nay ở Việt Nam với sự tài trợ của quỹ Ford. Kỷ yếu của Hội thảo này đã được biên soạn thành sách “Luật tục và phát triển nông thôn hiện nay ở Việt Nam” ấn hành năm 2000[70]. Cuốn sách là tập hợp các bài tham luận của các nhà khoa học Việt Nam và quốc tế, các nhà quản lý địa phương trong Hội thảo khoa học quốc tế nêu trên. Cuốn sách là một công trình tập trung vào luật tục của một số dân tộc, một số vùng đặc biệt là khu vực Tây Nguyên với bốn phần chính: Phần I nêu lên các vấn đề chung về luật tục như khái niệm, các hình thức tồn tại đa dạng của luật tục ở Việt Nam, các quan niệm lý thuyết và phương pháp nghiên cứu về luật tục; Phần II có nội dung về Luật tục và vấn đề bảo tồn, khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên, tập trung vào việc bảo vệ, khai thác, quản lý tài nguyên thiên nhiên, đất đai, môi trường trong luật tục các dân tộc miền núi; Phần III là nội dung Luật tục với cần đề quản lý xã hội và văn hóa, nghiên cứu trong nội dung của luật tục các dân tộc thiểu số và Hương ước của người Việt. Phần IV Luật tục và Luật pháp dưới góc độ lý luận, góc độ lịch sử và đặt ra vấn đề kết hợp luật tục và luật pháp trong phát triển kinh tế - xã hội ở Việt nam. Đây cũng là một trong các nội dung thu hút sự quan tâm của nhiều người bởi tính cấp thiết và thời sự của nó và là một trong những công trình khoa học đầu tiên đề cập đến quan hệ giữa luật tục và luật pháp tại Việt Nam. Sách “Tìm hiểu luật tục các tộc người ở Việt Nam” (2003) của GS.TS Ngô Đức Thịnh[71]. Cuốn sách đã dành hai chương tổng quan nội dung cơ bản trong luật tục của các dân tộc thiểu số, lấy minh chứng là luật tục Ê đê, luật tục M’nông, luật tục người Thái và so sánh với hương ước của người Kinh. Đặc biệt, tuy không phải là một chuyên gia pháp lý nhưng tác giả cũng dành một phần nội dung để so sánh những điểm khác nhau cơ bản giữa luật tục với pháp luật của nhà nước. Kế thừa công trình nêu trên, tác giả cũng đi sâu hơn vào phần lý luận và xuất bản cuốn “Luật tục trong đời sống các tộc người ở Việt Nam” trong đó đã đề cập đến việc thừa nhận luật tục bên cạnh luật pháp như một hướng “đa dạng hóa pháp luật”. Luận án tiến sỹ Luật học “Recongnising customary law in VietNam: legal pluralism and human rights” của tác giả Phan Nhật Thanh bảo vệ tại Khoa Luật Đại học Wollongong, Australia. Luận án cung cấp một cái nhìn tổng quan, khảo sát vị trí của luật tục trong các mô hình pháp luật (bao gồm cả các quy phạm pháp luật và đa nguyên pháp lý), tác giả liên hệ tới vấn đề luật tục cũng có thể có tác động tích cực hay tiêu cực về nhân quyền. Thông qua việc xem xét hệ thống pháp luật Việt Nam và hoàn cảnh xã hội của đất nước, luận án này xem xét vận dụng luật tục sao cho hiệu quả để có lợi cho sự phát triển của đất nước[65]. Các bài viết về luật tục liên quan đến lĩnh vực sử dụng, khai thác tài nguyên thiên nhiên, môi trường như bài “Luật tục bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường ở Việt Nam (Qua luật tục của một số dân tộc thiểu số ở Tây Bắc và Tây Nguyên)” của tác giả Hoàng Văn Quynh, Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội tập 31, số 3 (2015); Các bài viết về giải pháp áp dụng luật tục như: Bài “Một số suy nghĩ về việc xây dựng Luật Dân tộc qua luật tục và luật pháp thành văn của người Thái” của tác giả Cầm Trọng, Tạp chí Dân tộc học số 3-1993; Bài “Kế thừa luật tục của đồng bào dân tộc thiểu số” của tác giả Lê Hồng Sơn, Tạp chí Dân chủ và pháp luật số 1, 2000; Bài “Tòa án phong tục: một kiểu vận dụng luật tục có hiệu quả” của tác giả Phan Đăng Nhật, tạp chí Nhà nước và pháp luật số 3 (227)/2007; Bài “Hướng biến đổi luật tục và những bất cập trong việc bảo tồn, phát huy giá trị của luật tục trong đời sống đương đại miền núi Quảng Nam” của hai tác giả Bùi Quang Thanh, Phạm Nam Thanh, Tạp chí văn hóa dân gian số 1/2008; Bài “Pháp luật hóa những giá trị luật tục của dân tộc Chăm – một giải pháp vận dụng luật tục dân tộc Chăm trong quản lý nhà nước của chính quyền địa phương tỉnh Ninh Thuận hiện nay” của tác giả Trương Tiến Hưng, Tạp chí Nhà nước và pháp luật số 3(239)/2008. Dưới giác độ xã hội học, tác giả Bùi Quang Thanh chủ biên cuốn “Nghiên cứu luật tục, phong tục các dân tộc thiểu số ở Quảng Nam”. Cuốn sách đã điều tra, khảo sát thực trạng khai thác, sử dụng luật tục của bốn nhóm dân tộc thiểu số Ko, Cơ tu, Giẻ Triêng, Xơ Đăng, tìm hiểu nhận thức, thái độ và hoạt động thực hành luật tục; làm rõ vai trò tác động của luật tục trong các cộng đồng dân tộc này. Từ đó, nhóm tác giả đưa những bất cập trong quá trình thực hiện luật tục, đồng thời đề xuất một số giải pháp mang tính ứng dụng vào thực tiễn phát triển kinh tế, xã hội trong cộng đồng các dân tộc thiểu số vùng Quảng Nam. Qua đó có thể thấy, các công trình nghiên cứu chung về luật tục của các nhà khoa học thế giới và Việt Nam là khá phong phú, đa dạng. Đây là những nguồn tư liệu quý, cung cấp cơ sở lý luận và có giá trị thực tiễn nhất định cho đề tài nghiên cứu. 1.1.3 Nhóm các công trình nghiên cứu về vai trò của luật tục đối với cộng đồng các dân tộc thiểu số ở nước ta hiện nay Bên cạnh các công trình nghiên cứu các vấn đề lý luận chung về luật tục, đã có một số công trình đã đi sâu nghiên cứu vai trò của luật tục trong các lĩnh
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan

Tài liệu vừa đăng