Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Nội dung của yếu tố kì ảo trong ba tiểu thuyết- nỗi buồn chiến tranh của bảo nin...

Tài liệu Nội dung của yếu tố kì ảo trong ba tiểu thuyết- nỗi buồn chiến tranh của bảo ninh; mảnh đất lắm ngườ

.PDF
104
551
107

Mô tả:

Nội dung của yếu tố kì ảo trong ba tiểu thuyết: Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh; Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc PHẦN MỞ ĐẦU 1. Lí do chọn đề tài Ngay từ thuở nguyên sơ của loài người, văn học đã trở thành một điểm tựa để con người có thể thả hồn trong sức tưởng tượng vô cùng phong phú. Đứng trước những sự vật hiện tượng trong thế giới khách quan, con người luôn muốn được tìm tòi, khám phá song do nhận thức của người xưa còn bị hạn chế nên khi lí giải về thế giới, họ lại khoác lên đó một tấm màn huyền bí, thần thánh. Như vậy, yếu tố kì ảo tự bao giờ đã là những bông hoa được đan cài vào trong nhiều sáng tác văn học của nhân loại từ ở buổi bình minh của lịch sử. Khi trình độ nhận thức ngày càng được nâng lên, con người không còn tuyệt đối hoá tin vào những lực lượng siêu nhiên nữa. Hình tượng trung tâm trong văn học là những con người với những mối quan hệ ngày càng phức tạp thay vì những ông Thần, bà Thánh như trước đây. Yếu tố huyền ảo, kì ảo mặc dù dần lui vào một chỗ đứng khiêm nhường nhưng cũng không vì thế mà mất đi vai trò thú vị của mình. Sức mạnh của yếu tố kì ảo đã được minh chứng bằng sự hồi sinh của nó trên văn đàn đương đại khi mà loài người không còn phải mượn đến các yếu tố thần kì để lí giải, để chiếm lĩnh thế giới. Làn gió đổi mới của Đảng ta vào năm 1986 đã như một chiếc đòn bẩy làm văn học Việt Nam chuyển mình một cách khá toàn diện. Nghị quyết 05 của Bộ chính trị khóa VI (1987) đã đem lại một cách nhìn mới về vị trí, chức năng của văn nghệ. Mối quan hệ giữa văn học nghệ thuật và chính trị được 1 đem ra thảo luận công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng nhờ vậy mà người cầm bút có thêm bản lĩnh. Nhà văn giờ đây được viết nhiều hơn, đặc biệt với những mảng đề tài trước đây bị coi là "nhạy cảm", bị coi là "vùng cấm". Vũ Quần Phương trong Hội nghị Những người viết văn trẻ Hà Nội lần thứ I diễn ra vào 4/1994 đã phát biểu: "Có thể so với thiên hạ cái mới trong hình thức của chúng ta chưa thật sự là tiên phong nhưng ta so với chính ta thì sự cách tân lần này là bước tiến dài nhằm đưa văn học ta kịp hoà nhập bình đẳng với thế giới. Văn chương ta vốn thiên về tình cảm giờ đây đã bổ sung nhiều về tư tưởng triết lí. Phẩm chất, trí tuệ được nâng cao, người viết và người đọc đã dám từ bỏ mọi giãy bày, kể lể và chấp nhận cả yếu tố phi thực như một biểu tượng để bộc lộ hiện thực". Sự ngự trị của Chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, đề cao cái "chân thực, lịch sử cụ thể" một thời đã làm sự phản ánh trong văn học trở nên có phần sơ lược, minh hoạ, cái kì ảo vì thế đã mất đi chỗ đứng. Văn học Việt Nam sau 1975 đã thay da, đổi sắc, quan niệm về hiện thực không còn thô sơ, giản đơn như trước nữa. Văn học hôm nay đã cho thấy hiện thực đâu chỉ là những cái nhìn thấy được mà hiện thực còn là lĩnh vực của cái khả nhiên, là ước mơ huyễn ảo, là đời sống tâm linh nữa: "Kì quặc và lẩn thẩn, hoàn toàn khó tin, tuy vậy giờ đây kì quặc nhất hay bình thường nhất cũng thế cả thôi" (Bảo Ninh); Hồ Anh Thái đã từng nói: "Thật quá mà đâu phải đã đến gần hiện thực". Và cũng chính vì vậy mà ta lại một lần nữa chiêm nghiệm câu nói của Virekanada - một triết gia người Ấn Độ: "Thế giới này nhỏ bé lắm, cho nên người ta phải thêm vào đó một chút tưởng tưởng". Vậy nên chưa bao giờ văn học nước nhà lại đón nhận nhiều những cây bút mà trong sáng tác của họ khá đậm yếu tố kì ảo như: Nguyễn Minh Châu, Thu Bồn, Nguyễn Huy Thiệp, Tạ Duy Anh, Bảo Ninh, Nguyễn Bình Phương, Hồ Anh Thái, Thái Bá Tân, Châu Diên và danh sách này còn kéo dài đến Đoàn Minh Phượng.....Đây là dấu hiệu của sự đổi mới rất đáng trân trọng. Trong số rất nhiều tiểu thuyết được xuất bản trong 2 thời kì Đổi mới thì ba cuốn tiểu thuyết: Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh); Mảnh đất lắm người nhiều ma (Nguyễn Khắc Trường) và Thiên thần sám hối (Tạ Duy Anh) đã thực sự hấp dẫn người viết bởi một bầu không khí hư ảo, liêu trai, siêu thực. Với việc lựa chọn đề tài: "Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại - Khảo sát qua ba tiểu thuyết: Nỗi buồn chiến tranh - Bảo Ninh; Mảnh đất lắm người nhiều ma - Nguyễn Khắc Trường và Thiên thần sám hối - Tạ Duy Anh làm Luận văn tốt nghiệp Cao học Chuyên ngành Lí luận văn học tại Khoa Ngữ Văn - Đại học Sư phạm Hà Nội. Chúng tôi mong muốn được góp phần vào việc tìm hiểu vai trò của yếu tố kì ảo nhìn nhận nó như một phương thức nghệ thuật được thể hiện khá nổi bật, giầu ý nghĩa trong văn học cũng như tiểu thuyết Việt Nam đương đại. 2. Lịch sử vấn đề 2.1. Tình hình nghiên cứu về yếu tố kì ảo trong Văn học Cho đến nay, các công trình nghiên cứu về yếu tố kì ảo trong văn học khá nhiều, song phần lớn chỉ tập trung ở các bài báo, tạp chí: GS Phùng Văn Tửu trong bài viết: "Những hướng đổi mới của văn học kì ảo thế kỉ XX" cho rằng: "Kì ảo trong tiếng Việt là một từ Hán Việt; kì là lạ lùng; ảo là không có thật, không thể bắt gặp trên thế gian này, nói chung là cái siêu nhiên, nếu ta hiểu cái siêu nhiên là những gì không tồn tại ở trên đời" [II. 32]. PGS. TS Vũ Thanh khi xem xét: "Những biến đổi của yếu tố kì và thực trong truyện ngắn truyền kì Việt Nam" đã đưa ra ý kiến: "Trong truyện truyền kì các tác giả sử dụng yếu tố kì không phải chỉ với chức năng là vỏ bọc, che đậy dụng ý sâu xa của nhà văn mà còn với tư cách là một bút pháp nghệ thuật mang tính đặc trưng của thể loại. Các tác giả phản ánh hiện thực qua cái kì lạ" [II. 17]. Như vậy tác giả đã nhìn nhận yếu tố kì ảo với tư cách là một phương thức nghệ thuật. PGS.TS Nguyễn Văn Dân cho rằng: "Văn học huyễn tưởng là những truyện hay tiểu thuyết viết về cái lạ lùng, cái li kì, gây hồi hộp và có sức hấp 3 dẫn cao...Ở huyễn tưởng thì cái hư bao giờ cũng xen lẫn cái thực. Hai cái đó ràng buộc nhau, kết hợp vời nhau và có khi chuyển hóa lẫn nhau" [I. 7]. Từ đây, nhà nghiên cứu đã đi đến nhận định huyễn tưởng là một hình thái nhận thức thẩm mĩ dùng thủ pháp kết hợp hư thực để thể hiện tư tưởng tác giả. Cùng tiếp cận cái kì ảo ở phương diện thủ pháp nghệ thuật như tác giả Nguyễn Văn Dân, nhà nghiên cứu Nguyễn Trường Lịch có nhận xét như sau: "Cái kì ảo là một trong những yếu tố góp phần làm phong phú thêm cách tiếp cận hiện thực....Đối với nhà văn, huyền thoại không tồn tại tự nó, họ dùng chúng như những hình tượng hoang đường để khắc họa quan niệm của con người về cái thế giời mà nhà văn mô tả chứ không phải để giải thích những hiện tượng nào đó cũng như diễn biến của chúng" [II. 16]. Khi bàn về cái kì ảo, có lẽ không thể không nhắc đến chuyên luận: "Cái kì ảo trong tác phẩm Balzac", của PGS.TS Lê Nguyên Cẩn. Trong bài viết của mình, giáo sư đã xem "Cái kì ảo là một phạm trù tư duy nghệ thuật, nó được tạo ra nhờ trí tưởng tượng và được biểu hiện bằng các yếu tố siêu nhiên, khác biệt, phi thường, độc đáo...Nó có mặt trong văn học dân gian, văn học viết qua các thời đại. Nó tồn tại trên trục thực - ảo, và tồn tại độc lập, không hòa tan vào các dạng thức của trí tưởng tượng" [II. 6]. Nhận định này đã cho thấy tính chất độc đáo và tính chất tồn tại phổ biến của yếu tố kì ảo trong tiến trình văn học nhân loại. Một đề xuất khá táo bạo của PGS.TS Lê Huy Bắc là nhà nghiên cứu đã xác lập khái niệm văn học huyễn ảo thay cho văn học kì ảo. Nếu tồn tại văn học kì ảo thì nó chỉ là một trong ba giai đoạn của văn học huyễn ảo. Theo đó, giai đoạn một - cái huyễn tưởng (Thời cổ - Trung đại). Giai đoạn thứ hai - cái kì ảo (Thời cận - Hiện đại). Giai đoạn thứ ba - cái huyễn ảo (Thời hiện đại - Hậu hiện đại). Đặc biệt nhà nghiên cứu Lã Nguyên đã có bài tổng thuật sâu sắc về văn học kỳ ảo trên thế giới với những đặc trưng thi pháp quan trọng của loại 4 hình tác phẩm. Trong bài viết của mình, tác giả đã đặt các vấn đề như: Tuổi thọ của văn học kì ảo là tuổi thọ của văn học; Cơ sở nghiên cứu loại hình văn học kì ảo là hệ hình thế giới quan; Kiểu tư duy hiện thực và các dạng cấu trúc của văn học kì ảo. Trên đây là những ý kiến đánh giá của các nhà nghiên cứu về yếu tố kì ảo trong văn học Việt Nam, đặc biệt là giai đoạn văn học bước vào thời kì Đổi mới. Mặc dù chưa thật hoàn toàn thống nhất song tưu trung các ý kiến đều khẳng định vị trí, vai trò của cái kì ảo. Phải nói rằng sự xuất hiện trở lại của yếu tố kì ảo không phải là sự "cổ hóa" nền văn học hôm nay mà trên hết điều đó thể hiện yếu tố kì ảo đã trở thành một trong những chất men cho sự vận động, phát triển của văn học trên nhiều bình diện đặc biệt là về mặt Thi pháp. 2.2. Tình hình nghiên cứu về yếu tố kì ảo trong Văn học Việt Nam sau 1975 Từ khoảng cuối những năm 40 đến giữa những năm 80 của thế kỉ trước, nền văn học Việt Nam hầu như vắng bóng yếu tố kì ảo, có lẽ chính phương pháp sáng tác Hiện thực chủ nghĩa đã ngăn cản sự có mặt của những yếu tố này. Nhưng nhờ làn gió dân chủ, đổi mới mà Đại hội Đảng 1986 đề ra đã mở đường cho sự hồi sinh của yếu tố kì ảo trong sáng tác văn học. Quả vậy, không mấy khó khăn khi tìm ra những tác phẩm được bao phủ một bầu không gian huyền ảo, siêu thực, thậm chí có những nhà văn mà tên tuổi của họ gắn liền với kiểu sáng tác này như: Thu Bồn, Phạm Thị Hoài, Hồ Anh Thái, Ngô Tự Lập, Nguyễn Bình Phương,...Chính vì sự hấp dẫn của cái kì ảo, đặc biệt với sự trở lại của nó trên văn đàn nên đã có nhiều công trình nghiên cứu về cái kì ảo trong văn học Việt Nam 1975 như: Luận án TS của Bùi Thanh Truyền: "Yếu tố kì ảo trong văn xuôi đương đại Việt Nam"- 2006; Luận văn Thạc sĩ: "Yếu tố kì ảo trong truyện ngắn hiện đại sau 1975"- 2007 của Phùng Hữu Hải đã khẳng định sự hồi sinh mạnh mẽ của yếu tố kì ảo trong văn học đương đại do "được hậu thuẫn bởi những nguyên nhân khách quan và chủ quan nhất định"; Trên Tạp chí Nghiên cứu văn học, số 5 - 2008 5 có bài viết: "Yếu tố kì ảo trong truyện ngắn Việt Nam sau 1975" của TS Phạm Thị Thanh Nga (Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An). Cũng phải kể thêm bài viết: "Thực và ảo trong truyện ngắn Haruki Murakami" trong Tuyển tập báo cáo Hội nghị Sinh viên nghiên cứu khoa học lần thứ 6 - Đại học Sư phạm Đà Nẵng năm 2008. Ngoài ra còn có: "Đỗ Hoàng Diệu trong không gian cổ tích huyền ảo" là bài viết của Thụy Khuê trên http://www.thuykhue.free.fr (Báo Hợp lưu - số 91 ra tháng 10 - 2006). 2.3. Tình hình nghiên cứu về yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết Việt Nam sau 1975 Trong sự vận động chung của nền văn học Việt Nam sau 1986, tiểu thuyết đã nỗ lực chuyển mình, đổi mới nhằm đáp ứng yêu cầu của thời đại. Chưa bao giờ những quan niệm mới về nhà văn, về hiện thực và về con người lại cởi mở, lại dân chủ như lúc này. Nhiều cây bút tiểu thuyết đã có ý thức đổi mới trong cách nhìn cũng như trong lối viết, họ sẵn sàng mạo hiểm. Một trong những dấu hiệu của sự đổi mới của tiểu thuyết hôm nay là sự gia tăng của các yếu tố li kì, huyền ảo, Liêu trai, siêu thực. Người đọc trước đó chưa từng có trên tay những cuốn tiểu thuyết như: Thiên sứ (Phạm Thị Hoài); Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh); Người đàn bà trên đảo, Cõi người rung chuông tận thế (Hồ Anh Thái); Giàn thiêu (Võ Thị Hảo); Cơ hội của chúa (Nguyễn Việt Hà); Đi tìm nhân vật, Thiên thần sám hối (Tạ Duy Anh); Những đứa trẻ chết già, Người đi vắng, Ngồi (Nguyễn Bình Phương); Và khi tro bụi, Mưa ở kiếp sau (Đoàn Minh Phượng)… Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết Việt Nam sau 1975 đã bắt đầu được chú ý: Nhà nghiên cứu Đặng Anh Đào trên Tạp chí Nghiên cứu văn học số 8/2006 với bài viết: "Vai trò của cái kì ảo trong truyện và tiểu thuyết Việt Nam"; Phạm Ngọc Hiền xem xét "Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết Dưới đám mây màu cánh hạc của Thu Bồn" (Văn Nghệ Bình Dương, số 7/2004); Hoàng Vũ Thuật "Cái ảo trong tiểu thuyết Những mái đầu xanh của Hoàng Thái Sơn" (Tạp chí Sông Hương, số 230, tháng 4/2008). Thuỵ Khuê với: 6 "Khuynh hướng hiện thực huyền ảo trong tiểu thuyết Những đứa trẻ chết già" của Nguyễn Bình Phương (Trong tập Sóng từ trường II - Văn nghệ California, 2002). Như vậy, qua việc khảo sát tình hình nghiên cứu về Yếu tố kì ảo trên đây, chúng tôi xin rút ra một vài kết luận bước đầu là: - Sự gia tăng ngày càng nhiều của yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại như là một dấu hiệu cách tân nghệ thuật không thể phủ nhận. - Mặc dù có không ít những bài viết, những ý kiến bàn luận về yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại song hầu như mới chỉ dừng lại ở những nhận định chung. Cho đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có một công trình nghiện cứu một cách có hệ thống về "Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại, nhất là ở ba tiểu thuyết: Nỗi buồn chiến tranh - Bảo Ninh; Mảnh đất lắm người nhiều ma - Nguyễn Khắc Trường và Thiên thần sám hối - Tạ Duy Anh. Song, tất cả những ý kiến, những nhận định trên sẽ là những gợi ý hết sức quan trọng giúp chúng tôi thực hiện đề tài của mình. 3. Đối tượng - Phạm vi nghiên cứu 3.1. Đối tượng nghiên cứu Xem xét yếu tố kì ảo như là một phương thức nghệ thuật quan trọng thông qua những biểu hiện phong phú, đa dạng cũng như giá trị thẩm mĩ của chúng trong ba tiểu thuyết: Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh); Mảnh đất lắm người nhiều ma (Nguyễn Khắc Trường) và Thiên thần sám hối (Tạ Duy Anh). 3.2. Phạm vi nghiên cứu Chúng tôi chủ yếu tập trung khảo sát phân tích Yếu tố kì ảo trong ba tiểu thuyết Thân phân tình yêu - Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh); Mảnh đất lắm người nhiều ma (Nguyễn Khắc Trường) và Thiên thần sám hối (Tạ Duy Anh). 7 Năm 1991 là năm được mùa của tiểu thuyết Việt Nam, với ba cuốn tiểu thuyết cùng đoạt giải Nhất của Hội nhà văn là Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh; Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường và Bến không chồng của Dương Hướng. So với hai cuốn tiểu thuyết cùng đoạt giải năm đó, số phận của Nỗi buồn chiến tranh không mấy gì bằng phẳng. Ngay cái tên của cuốn sách, để tạo ra "một vỏ bọc an toàn hơn" (chữ của Nguyễn Phan Hách) thì nó buộc phải đổi thành: "Thân phận tình yêu"- một cái tên nghe rất "sến"! Cuốn tiểu thuyết này đã trở thành một "hiện tượng" trên văn đàn lúc đó, nó ngay lập tức nhận được vô vàn những ý kiến phản hồi từ công chúng cũng như trong giới nghiên cứu. Nỗi buồn chiến tranh là một trong những sự ưu tiên hàng đầu trên các tờ báo, tạp chí như: Báo Thanh niên, Hà Nội mới, Giáo dục và Thời đại; Quân đội nhân dân; Tạp chí Cộng sản, Văn nghệ quân đội, Văn học, Nha Trang; Tạp chí Văn học và Dư luận...Đối với giới nghiên cứu thì cuốn tiểu thuyết của Bảo Ninh vẫn là một mảnh đất không ngớt người "đến thăm". Các khoá luận, luận văn Thạc sĩ, luận án Tiến sĩ đã tiến hành khảo sát cuốn tiểu thuyết này trên nhiều phương diện như: Cách xử lí đề tài chiến tranh; Ngôn ngữ nghệ thuật; Dòng hồi ức; Hình tượng người phụ nữ; Nghệ thuật trùng điệp; Các giá trị biểu tượng; Nghệ thuật xây dựng nhân vật; Điểm nhìn nghệ thuật...Có thể nói thế này, Nỗi buồn chiến tranh đã đem lại một cái nhìn đa chiều, sâu sắc về chiến tranh vốn là chất liệu hiện thực quá quen thuộc một thời. Với tiểu thuyết này, Bảo Ninh góp phần tạo nên một tư duy văn học năng động hơn. Như chúng ta đã biết, Mảnh đất lắm người nhiều ma là một trong ba cuốn tiểu thuyết đoạt giải Nhất của Hội nhà văn Việt Nam năm 1991. Với tiểu thuyết này, nhà văn đã từng bước "gỡ bỏ" được những ràng buộc của thể chế chính trị để có một cái nhìn thẳng vào thực trạng của đời sống nông thôn nước ta. Nói một cách khác, Nguyễn Khắc Trường đã dần từ bỏ lối viết của sử thi, 8 truyền thuyết để chiếu rọi vào đời sống cá nhân của mỗi con người. Thật vậy, ngay khi vừa ra mắt công chúng tiểu thuyết này cũng đã tạo ra cho mình một "làn sóng bút" diễn ra trên rất nhiều tờ báo, tạp chí (đặc biệt là Cuộc thảo luận về tiểu thuyết này trên báo Văn nghệ, tổ chức ngày 25/1/1991) cũng như nhận được sự quan tâm đặc biệt của các nhà nghiên cứu như: GS Hà Minh Đức, GS Trần Đình Sử, Nguyễn Đăng Mạnh, Hoàng Ngọc Hiến, Nguyễn Phan Hách, Phong Lê...Cuốn sách của Nguyễn Khắc Trường đã thực sự lôi cuốn độc giả trong từng trang viết. Nhà văn đã đặt vấn đề nhận thức lại thực tại đó là vấn đề về ý thức dòng họ, gia tộc đang gây trở ngại cho công cuộc xây dựng xã hội mới. Không chỉ dừng lại ở đó cuốn tiểu thuyết này còn cho sự độc đáo trong việc sử dụng khẩu ngữ, thành ngữ và ẩn sâu dưới đó là một giọng điệu vừa bi lại vừa hài. Nói như vậy không có nghĩa là Mảnh đất lắm người nhiều ma không có một "tì vết" gì song đặt trong hoàn cảnh ra đời của nó thì đây vẫn là một tác phẩm có nhiều đóng góp quan trọng cho nền văn học Việt Nam trong đó có tiểu thuyết thời kì Đổi mới. Tiểu thuyết Thiên thần sám hối ra mắt công chúng vào năm 2004 và với 5 lần tái bản quả là một phần thưởng rất có giá trị đối với số phận của một cuốn tiểu thuyết. Trong lời giới thiệu cuốn Thiên thần sám hối của NXB Đà Nẵng có đoạn: "Thiên thần sám hối là một thử nghiệm mới trong sáng tạo, một thử nghiệm đầy day dứt (...) mượn đến hiện tượng phi lí về một bào thai biết suy nghĩ, điều này tạo ra một trường cảm nhận không bình thường, tạo cho người đọc cái cảm giác đối diện với một bức tranh siêu thực về cuộc sống và con người hiện đại". Với quan niệm về hiện thực đa chiều, có cái thiện, cái ác; có thiên thần, có quỉ dữ của Tạ Duy Anh, cuốn tiểu thuyết hơn một trăm trang này đã tập trung khai thác những mảng tối, những phần chưa hoàn thiện về hiện thực, một hiện thực đầy ngột ngạt của quyền lực, của cái chết, của sự đồi bại và do đó nhân vật bị đẩy vào bi kịch. Thiên thần sám hối 9 đã khơi ngòi cho sự bùng nổ nhiều bài báo, bài phỏng vấn. Đồng thời, sau khi xuất hiện trên văn đàn nó cũng đã trở thành một trong những miền đất hứa của các sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh. Thiên thần sám hối đã được khảo sát trên nhiều bình diện như về vấn đề: Người kể chuyện; Nghệ thuật xây dựng nhân vật; Tư tưởng nhân đạo; Ý thức tự vấn; Điểm nhìn nghệ thuật...Và rằng, với một dung lương không lớn song hiệu ứng mà cuốn tiểu thuyết trên đã, đang tạo ra cho công chúng là đa thanh, đa chiều. Ngoài ra, người viết cũng có đề cập đến các tác phẩm văn xuôi có yếu tố kì ảo trong nền văn học thế giới cũng như văn học dân tộc, đặc biệt là những tác tác sau 1975. 4. Phương pháp nghiên cứu Trong quá trình thực hiện đề tài, chúng tôi tiến hành sử dụng phối hợp các phương pháp nghiên cứu sau: - Phương pháp cấu trúc hệ thống: Đây là phương pháp rất cần thiết bởi đề tài này quan niệm yếu tố kì ảo là một đặc trưng thẩm mĩ quan trọng, là đối tượng phản ánh của nhà văn. - Phương pháp thống kê - phân loại: Để nhận diện những biểu hiện đa dạng của yếu tố kì ảo trong ba tiểu thuyết trên đồng thời tiến hành phân loại chúng. - Phương pháp so sánh: Vì luận văn tiến hành khảo sát yếu tố kì ảo trong ba tiểu thuyết nên việc đối sánh không thể bỏ qua. Đặt cái kì ảo theo chiều đồng đại và lịch đại sẽ giúp ta có một cái nhìn tổng quát về yếu tố kì ảo trong sự vận động của nó cũng như những đặc thù riêng của từng cây bút. 5. Mục đích - Nhiệm vụ 5.1. Mục đích Tìm hiểu, nhận diện yếu tố kì ảo trong ba tiểu thuyết: Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh; Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc 10 Trường và Thiên thần sám hối của Tạ Duy Anh để thấy rõ những đổi mới về nội dung cũng như hình thức của tiểu thuyết Việt Nam đương đại. 5.2. Nhiệm vụ - Luận văn làm rõ quan niệm về yếu tố kì ảo trong văn học; yếu tố kì ảo trong văn học Việt Nam, đặc biệt là giai đoạn văn học sau 1975. - Phân tích nội dung yếu tố kì ảo trong ba tiểu thuyết: Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh; Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường và Thiên thần sám hối của Tạ Duy Anh - Phân tích sự biểu hiện của yếu tố kì ảo trong ba tiểu thuyết trên 6. Đóng góp của đề tài 6.1. Về phương diện khoa học - Luận văn muốn làm sáng tỏ những vấn đề lí luận cơ bản về văn học kì ảo cũng như yếu tố kì ảo trong văn học. - Trên cơ sở khẳng định sự hồi sinh của yếu tố kì ảo trong văn học hôm nay, luận văn chỉ ra những biểu hiện đa dạng cùng giá trị thẩm mĩ của yếu tố kì ảo trong ba tiểu thuyết đương đại: Thân phân tình yêu - Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh); Mảnh đất lắm người nhiều ma (Nguyễn Khắc Trường) và Thiên thần sám hối (Tạ Duy Anh) về các phương diện: + Sự đổi mới của phương thức tư duy nghệ thuật + Sự đổi mới và khả năng mở rộng về hiện thực phản ánh + Đổi mới trong quan niệm nghệ thuật về con người của các tác giả Từ việc xác định yếu tố kì ảo là một phương thức, hình thức nghệ thuật đặc sắc của ba tiểu thuyết trên, luận văn sẽ góp phần vào việc xác lập diện mạo của văn học và tiểu thuyết Việt Nam đương đại. 6.2. Về phương diện thực tiễn 11 Việc đi sâu tìm hiểu về yếu tố kì ảo trong ba tiểu thuyết trên để đi đến một số kết luận thỏa đáng nào đó là một dịp rèn luyện của người viết trong thao tác nghiên cứu khoa học. Và đây cũng là cơ hội để người viết mở rộng thêm kiến thức, cũng như khả năng thẩm văn của bản thân. 7. Cấu trúc luận văn Ngoài phần Mở đầu, Kết luận và Tài liệu tham khảo, phần Nội dung của luận văn bao gồm 3 chương: Chương 1: Về yếu tố kì ảo trong Văn học Chương 2: Nội dung của yếu tố kì ảo trong ba tiểu thuyết: Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh; Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường và Thiên thần sám hối của Tạ Duy Anh Chương 3: Nghệ thuật biểu hiện của yếu tố kì ảo trong ba tiểu thuyết: Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh; Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường và Thiên thần sám hối của Tạ Duy Anh 12 PHẦN NỘI DUNG CHƯƠNG 1: VỀ YẾU TỐ KÌ ẢO TRONG VĂN HỌC 1.1. Quan niệm về yếu tố kì ảo trong Văn học 1.1.1. Định nghĩa trong các Từ điển Theo các cuốn từ điển như: Từ điển giải nghĩa của Pháp; Từ điển Thuật ngữ văn học của Rumani hay Từ điển Pháp - Việt thì nội hàm thuật ngữ Cái kì ảo được xác định như sau: "Cái kì ảo là sản phẩm của trí tưởng tượng, được tạo ra nhờ khả năng suy tưởng; ở đó cái siêu nhiên chiếm ưu thế. Đó là những cái không mang tính chân thực, chỉ tuân theo qui luật của tưởng tượng. Đó là cái kì quặc, dị thường, hư ảo, quái dị, siêu nhiên, kinh khủng, huyễn hoặc" [II. 6]. Cái kì ảo được định nghĩa trong cuốn Từ điển Petit Pobert của Pháp là: "Cái kì ảo được sinh ra bởi sự tưởng tưởng, cái không tồn tại trong thực tế, cái có tính tưởng tưởng siêu nhiên". Theo Từ điển Ngôn ngữ Pháp, "Kì ảo" là tính từ, bắt nguồn từ tiếng Hi Lạp, để chỉ những gì được tạo nên bởi trí tưởng tưởng, chứ không tồn tại trong thực tế" [II. 32]. Từ điển Các Thể loại và Khái niệm Văn học (Pháp) đã định nghĩa: "Văn học kì ảo ...gồm những tác phẩm đề cập đến các nhân vật hoặc các hiện tượng siêu nhiên" [II. 31]. Trong Từ điển các ý kiến về Văn học (Pháp), Adrian Marino quan niệm cái kì ảo là chỉ những cái không tồn tại trong hiện thực, những cái không có thực và được tạo ra do tưởng tượng. Ở Việt Nam, trong cuốn Từ điển Tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên cho rằng: "Kì lạ, tựa như không có thật mà chỉ có trong tưởng tượng" [II. 24]; Từ điển Hán - Việt từ nguyên đã giải thích khá chi tiết: Kì, có nghĩa là lạ lùng, khác thường, bất ngờ. Ảo, là không có thực. Kì ảo mang ý nghĩa "có 13 một vẻ lạ lùng, không có thực, bí ẩn [II. 14]. Từ điển từ và ngữ Việt Nam (NXB Thành phố Hồ Chí Minh, 2000) cũng giải thích Kì là lạ lùng; Ảo là huyền bí, lạ lùng. Như vậy, khái niệm kì ảo được hiểu là sản phẩm của trí tưởng tưởng sáng tạo, mang màu sắc huyền bí, hoang đường; Kì ảo là một thủ pháp, là phương tiên, là hình thức nghệ thuật. 1.1.2. Quan niệm của các nhà nghiên cứu trong nước và ngoài nước Hiện nay, ở Việt Nam, bên cạnh thuật ngữ Truyện kì ảo (được chuyển ngữ từ chữ fantasy) còn có khá nhiều các thuật ngữ khác với ý nghĩa tương đồng như: Truyện huyễn tưởng; Truyện huyền ảo; Truyện kinh dị; Truyện truyền kì; Truyện quái dị; Truyện ma quái; Dị truyện...Trên thế giới, khi đề cập đến mảng văn học có những yếu tố mà nếu dùng tư duy logic khó có thể giải thích được, người ta sử dụng các khái niệm như: fantastic (Cái kì ảo); unnature (Cái phi thường); magical (Cái huyền ảo); supernature (Cái siêu nhiên); horror (Kinh dị) hay ghost (Cái ma quái)....Có thể thấy, xung quanh khái niệm Kì ảo và Văn học kì ảo cho đến nay vẫn là một vấn đề chưa có hồi kết, sự phức tạp này thiết nghĩ lại nằm trong chính bản thân khái niệm. Theo M. Renard, kì ảo là tính từ gợi lên những chuyện ma quỉ, cái siêu nhiên, những giấc mơ quái dị, hay những ác mộng. H. Benac chú ý đến sự xung đột , tính chất nửa tin nửa ngờ khi quan niệm về cái kì ảo. Theo ông kì ảo là một thuật ngữ dùng để chỉ một tác phẩm mà ở đó tính chất tự nhiên và sự lạ lùng đan xen lẫn nhau gây ra sự lo lắng, hồi hộp đến nỗi người đọc do dự giữa một sự giải thích hợp lí. Còn M. Jarrety cho rằng: Cái kì ảo nghĩa là đưa những sự kiện huyền bí vào trong cuộc đời hoàn toàn hiện thực và gây ra một cảm giác mãnh liệt nào đó. Geogre Munteanu xác định thuật ngữ kì ảo: "Cái kì ảo bao hàm mọi cái ngẫu nhiên không quen thuộc, nhưng giải thích được bằng hàng loạt nguyên nhân có thực" - Dẫn theo Lê Nguyên Cẩn trong tài liệu [I. 6]. 14 Nghiên cứu về cái kì ảo trên thế giới thì không thể bỏ qua tên tuổi của Tzvetan Todorv. Trong "Dẫn luận về văn học kì ảo" ông đã quan niệm "Cái kì ảo là sự do dự của người nào đó vốn chỉ quen thuộc với những luật lệ tự nhiên đã bị đặt vào hoàn cảnh đối mặt với một hiện tượng mà bề ngoài có vẻ siêu nhiên" [I. 6]. Chuyên luận: "Cái kì ảo trong tác phẩm Balzac" của PGS. TS Lê Nguyên Cẩn là một công trình rất có ý nghĩa cho những ai hứng thú tìm hiểu về cái kì ảo trong văn học. Công trình này đã cho thấy, Balzac vốn là một hiện tượng phức tạp trong lịch sử văn học thế giới nay lại càng phức tạp hơn vì sự hiện diện của yếu tố kì ảo trong không ít sáng tác của mình. Từ chuyên luận, Lê Nguyên Cẩn đã nhìn nhận cái kì ảo là một phạm trù của tư duy nghệ thuật. Nó hiện diện dưới hình thức thần linh, quái dị, ma quỉ, khác lạ, phi thường, siêu nhiên. Theo GS Nguyễn Huệ Chi, ban đầu (Thế kỉ XVI) thuật ngữ kì ảo có nghĩa là "sự mơ mộng, hão huyền được nuôi dưỡng bằng những hoang tưởng". Nhưng về sau thuật ngữ này được hiểu là một phương thức sáng tạo thích hợp với các loại ma hiện hồn, thần, quỉ. Vào thời hiện đại, nội hàm khái niệm được mở rộng hơn, đó là "tất cả những gì có ý nghĩa phản kháng lại kinh nghiệm và lí tính, những gì dẫn đến một trật tự khác thường, một kích thước khác thường. Như vậy cái kì ảo hiện đại liên quan mật thiết với nỗi khó khăn của hiện hữu, sự kinh hoàng, nỗi lo sợ trước những gì không thể nhận biết" [II. 23]. Lê Nguyên Long trên Tạp chí Nghiên cứu văn học, số 9 - 2008 đã khẳng định: "Cái kì ảo phải diễn ra trong một môi trường có tính hiện thực ở đó sự tưởng tượng được phép phát triển ồ ạt, và đi cùng với điều đó thì tính chất mơ hồ, lưỡng trị là đặc trưng cơ bản của thể loại. Cái kì ảo chỉ tồn tại khi đối diện với chính nó, người ta luôn có ý thức về một sự đối lập giữa những cái siêu nhiên hư huyền với thế giới thực tại....Cái kì ảo là cái không 15 thể cắt nghĩa được bằng lí tính từ điểm nhìn của chúng ta với tầm nhận thức hiện tại" [II. 19]. Trong bài viết của mình, Lê Nguyên Long cũng cho rằng không thể đồng nhất truyện cổ tích với các sáng tác kì ảo. Đến đây ta thấy sự gặp gỡ trong quan niệm về cái kì ảo giữa Lê Nguyên Long và PGS.TS Nguyễn Văn Dân: Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Dân trong cuốn "Vì một nền Lí luận Phê bình văn học chất lượng cao" đã phân biệt truyện cổ tích và truyện truyền kì: Truyện cổ tích thuộc phạm trù cái thần tiên, truyện truyền kì là những câu chuyện kể về cái kì lạ, có sự kết hợp giữa hư và thực (nguồn gốc của truyện huyễn tưởng hay truyện kì ảo). Ở truyện huyễn tưởng, cái hư ảo thường xuất hiện bất ngờ, bị chi phối bởi qui luật của cái hiện thực đó là cách ngụy trang thay cho Tiên, Bụt trong thế giới thần tiên. Vậy nên, những truyện loại này làm cho người đọc không thể phân biệt được đâu là thực, đâu là hư nữa. Ngược lại trong truyện cổ tích - thế giới được điều hành bởi ông Bụt, bà Tiên cho nên đưa độc giả tiến vào một thế giới siêu nhiên, phi thường với công thức bất biến: "Ngày xửa ngày xưa..." song tất cả lại hoàn toàn hợp lí. Và người đọc đều biết đó là những chuyện không có thật, những chuyện hoàn toàn hư cấu. PGS. TS Lê Huy Bắc trong bài: "Cái kì ảo và văn học huyễn ảo" (Tạp chí nghiên cứu văn học số 8 - 2006) nhìn nhận thuật ngữ văn học kì ảo chỉ là một bộ phận, một giai đoạn của văn học huyễn ảo. Văn học huyễn ảo không phải là một thể loại mà ở đây nó được hiểu như một trào lưu, một khuynh hướng, một chủ nghĩa hay một phương pháp sáng tác. Văn học kì ảo thuộc giai đoạn thứ hai (Từ thế kỉ XIV đến hết thế kỉ XIX tức là Thời cận - hiện đại) của văn học huyễn ảo, với đặc trưng là "Cái kì ảo luôn tồn tại với mục đích gây nỗi hoang mang, sợ hãi cho người đọc" [I. 3]. Thế nhưng tác giả Nguyễn Văn Dân lại có một cách kiến giải hoàn toàn khác khi cho rằng: Huyễn tưởng là một hình thái văn học kết hợp giữa hư và thực. Tỉ lệ của hai 16 yếu tố trên không phải lúc nào cũng cân bằng. Theo ông thì các nhà văn hiện thực có khi cũng sử dụng nghệ thuật huyễn tưởng song sáng tác của họ, cái thực vẫn là chủ đạo, khi ấy sẽ có Chủ nghĩa hiện thực huyễn tưởng. Còn khi cái ảo chiếm ưu thế hơn cái thực thí đó là trường hợp của các nhà văn lãng mạn huyễn tưởng. Thời hiện đại, có khá nhiều cây bút thành công trong nghệ thuật kết hợp giữa cái hư và cái ảo và đẩy nó lên đến mức điển hình, đó là loại văn học hiện thực huyền ảo. Hơn nữa, khi cái hư và ảo mà kết hợp với yếu tố khoa học thì tác giả cho đó là loại truyện viễn tưởng khoa học. Loại truyện khai thác yếu tố hư, kì lạ được khuếch trương đến mức quái đản, gây ra cảm giác rùng rợn thì khi đó là là loại truyện kinh dị. Nhà nghiên cứu Đặng Anh Đào đã đưa ra một cách nhìn nhận định riêng về yếu tố kì ảo trong truyện và tiểu thuyết Việt Nam như sau: "Cái kì ảo ở truyện Việt Nam hướng về cái thần diệu, siêu nhiên của truyện dân gian, hướng về thế giới bên ngoài hơn là chuyển vào nội tâm…Cái kì ảo chỉ xuất hiện như một yếu tố và cũng chỉ xuất hiện trong truyện ngắn mà không có mặt ở truyện dài. Phải chăng về bản chất, kì ảo là một sự thể nghiệm tới hạn, ở ranh giới của cái hoang tưởng huyễn hoặc với cái thực nên cũng khó nuôi nó trong tiểu thuyết?.." [II. 9]. Quan niệm của Bùi Thanh Truyền trong Luận án Tiến sĩ của mình về yếu tố kì ảo được nhìn từ góc độ văn học là: "những điều lạ lùng, huyền bí, vừa chân thực vừa hư huyền mà đặc trưng của nó là sự tưởng tượng, hư cấu có sức lay động hứng thú thẩm mĩ của người đọc" [II. 31]. PGS. TS Trần Lê Bảo có một cách tư duy khác về yếu tố kì ảo trong bài viết: Thể nghiệm mộng ảo của các tác giả cổ đại Trung Quốc: "Cho dù nội dung của mộng có kì ảo, phi lôgic tới đâu thì xét tới cùng cũng vẫn là sự phản ánh có nguồn gốc từ hiện thực cuộc sống. Bởi vì trong khi mộng, đại não của con người ở trạng thái vô thức, thiếu sự khống chế và điều tiết của 17 hệ thống tín hiệu thứ hai, cho nên cảnh mộng thường xa rời hiện thực, thậm chí hoang đường, quái đản, vừa thực vừa ảo" [I. 2]. Trở lên là những quan niệm của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước về yếu tố kì ảo. Mặc dù có không ít những ý kiến trái chiều song tựu trung các quan điểm trên về cơ bản đều thống nhất xem yếu tố kì ảo là một kiểu tư duy; Cái kì ảo là sản phẩm của trí tưởng tượng, nó xuất phát từ hiện thực, tồn tại trên hai trục hư - ảo; Cái kì ảo thường gắn liền với nỗi sợ hãi, lo âu của con người trong cuộc sống. Trong quá trình tìm hiểu về thuật ngữ kì ảo và văn học kì ảo chúng tôi nhận thấy khái niệm kì ảo thường gắn với khái niệm huyền thoại vậy nên, chúng tôi thiết nghĩ cần phải phân biệt rõ hai khái niệm trên: Trước hết, cả hai khái niệm đều có điểm chung là hướng đến việc sáng tạo những hình tượng nghệ thuật gián tiếp, mang tính ẩn dụ sâu sắc, khái quát cao. Song nét khác biệt nằm ở chỗ, khái niệm huyền ảo có nội hàm rộng hơn kì ảo và theo đó thì nếu huyền thoại là một kiểu tư duy nghệ thuật đặc thù thì kì ảo thiên về thủ pháp, phương tiện tổ chức nên huyền thoại. Ở điểm này chúng tôi nhất chí với PGS. TS Lê Nguyên Cẩn khi cho rằng: "Chỉ những tác phẩm nào mà ý nghĩa hàm ẩn cao, gợi mở nhiều thì cái kì ảo mới thực hiện chức năng huyền thoại" [II. 18]. Theo chúng tôi, những tác phẩm có yếu tố kì ảo thì bao giờ cũng có hai yếu tố hư - thực (ảo - chân): "Ảo trung hữu chân" (Trong ảo có chân), phàm những tác phẩm thuộc loại hình văn học kì ảo nếu không có cái chân, tác phẩm sẽ không có gốc rễ hiện thực, không đứng vững được. Không có cái kì tác phẩm sẽ thiếu hụt đi sức hấp dẫn, sức liên tưởng, tưởng tượng ở người đọc. Thực - ảo; Chân - kì đan quyện vào nhau tạo cho câu chuyện vừa như một ảo ảnh, lãng mạn lại vừa rất hiện thực. Tần tần suất xuất hiện của hai yếu tố hư - thực không phải bao giờ cũng tương đương nhau. Khi cái ảo chiếm vị trí chủ đạo ta thường tìm thấy 18 trong sáng tác của Chủ nghĩa lãng mạn huyễn tưởng. Cái kì ảo, huyễn tưởng trở thành thủ pháp đặc trưng của trào lưu sáng tác này. Ngược lại, khi cái thực chiếm thế áp đảo, khi ấy có thể gọi là Chủ nghĩa hiện thực huyễn tưởng mà ở thời hiện đại khuynh hướng sáng tác này đạt đến đỉnh cao là Chủ nghĩa hiện thực huyền ảo - Dẫn theo ý của Nguyễn Văn Dân - Xin xem [II. 8]! Một điểm rất đáng chú ý là yếu tố kì ảo là một phạm trù của tư duy nghệ thuật, nó gắn liền với tưởng tượng. Nhờ có trí tưởng tượng mà người nghệ sĩ đã đưa ra được những hình ảnh hư ảo, kì ảo, hão huyền. Theo Gaston Bachelard thì "Trí tưởng tượng bóp méo hình ảnh, nó giúp chúng ta thoát khỏi hình ảnh đầu tiên tiếp nhận được, để đi đến những hình ảnh vắng mặt. Nếu một hình ảnh trước mắt không dẫn đến một hình ảnh vắng mặt, hoặc một hình ảnh thoáng qua không dẫn đến một chuỗi hình ảnh khác, lang thang đâu đó, thì không có tưởng tượng. Như vậy cái cơ bản trong tưởng tượng không phải hình ảnh mà là hư ảo" [II. 15]. Tác giả luận văn cho rằng yếu tố kì ảo là những điều huyền bí, lạ lùng, có sự kết hợp giữa hư và thực, nhiều khi khó có thể lí giải đồng thời nó cũng đem lại những hứng thú thẩm mĩ cho người đọc. Yếu tố kì ảo không chỉ có mặt trong truyện ngắn mà còn có mặt khá phổ biến trong tiểu thuyết đặc biệt là tiểu thuyết Việt Nam đương đại (Trong khi theo PGS. TS Đặng Anh Đào thì Cái kì ảo chỉ xuất hiện như một yếu tố và cũng chỉ xuất hiện trong truyện ngắn mà không có mặt ở truyện dài [II. 9]. Từ đây, chúng tôi cũng quan niệm rằng, tiểu thuyết Việt Nam đương đại có yếu tố kì ảo như một mạch riêng trong dòng chảy của văn học thời kì Đổi mới. Yếu tố kì ảo thực hiện sứ mệnh cách tân quan niệm nghệ thuật về con người và thế giới của nhà văn; Yếu tố kì ảo trở thành một phương tiện hữu hiệu để hữu hình hóa, để thâm nhập vào thế giới tâm linh, vô thức của con người nơi mà tư duy lí tính không thể vươn tới. 19 1.2. Yếu tố kì ảo trong văn học Thế giới 1.2.1. Yếu tố kì ảo trong văn học phương Tây Bất kì một dân tộc nào trên thế giới cũng có một kho tàng phong phú những câu chuyện thần thoại, truyền thuyết, cổ tích. Đây chính là mảnh đất mầu mỡ cho sự sinh tồn của những yếu tố kì ảo, hoang đường. Bên cạnh những tập truyện dân gian của các dân tộc như: Truyện cổ Na-uy; Truyện cổ Grim thì không thể bỏ qua Thần thoại Hi Lạp - một trong những kho thần thoại hay vào bậc nhất của văn học nhân loại. Gorki từng gọi đó là "kho tàng gấm vóc dệt bằng từ ngữ xuất hiện từ thời tối cổ. Những sợi tơ muôn màu của nó lan tỏa bốn phương, phủ lên trái đất một tấm thảm đẹp lạ lùng". Cũng giống như thần thoại của mọi dân tộc, Thần thoại Hi Lạp cũng dùng tưởng tượng và mượn tưởng tượng để giải thích và chinh phục tự nhiên. Đến với Thần thoại Hi Lạp là chúng ta bước vào một thế giới cực kì diễm lệ, huyền ảo, siêu nhiên. Đó là thế giới của các vị thần trên đỉnh Olanhpơ, đứng đầu là thần Zơt - tài hoa, quyền uy nhất thế gian. Một thế giới mà đường ranh giới giữ cõi âm, dương đã bị xóa nhòa và điều đó có sự tham gia tích cực của yếu tố kì ảo. Vào thời kì văn học Cổ điển thế giới: Từ kho nguyên liệu trong Thần thoại Hi Lạp, Hôme đã sáng tạo ra hai bản anh hùng ca Iliat và Ôđixê. Thế giới nhân vật huyền thoại như Hêliôx, Hecto, Asin cùng không gian huyễn hoặc, thời gian huyền ảo hiện lên thật phong phú, rất đậm chất thơ. Thời kì Phục hưng, yếu tố huyền ảo được biểu hiện rõ nhất trong các sáng tác của Đantê, Sêchxpia, Môlie, Xetvantex...Đến đây yếu tố kì ảo với tư cách là một thủ pháp nghệ thuật đã được sử dụng khá phổ biến. Nhà văn người Pháp là F. Rabelais (1494 - 1553) nổi tiếng với những sáng tác phiêu lưu hoang tưởng như Cuộc phiêu lưu của Gulliver mà sau này ta cũng đón nhận những câu chuyện kì ảo như vậy ở Alice đến xứ kì ảo của Lewis Carroll, người Anh. 20
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan