Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Luuthiphuonganh 1656000266...

Tài liệu Luuthiphuonganh 1656000266

.DOCX
9
534
91

Mô tả:

PHÁT HUY HIỆU QUẢ CỦA TÍNH TƯƠNG TÁC TRÊN BÁO MẠNG ĐIỆN TỬ HIỆN NAY
PHÁT HUY HIỆU QUẢ CỦA TÍNH TƯƠNG TÁC TRÊN BÁO MẠNG ĐIỆN TỬ HIỆN NAY Lưu Thị Phương Anh Lớp Báo chí 6 Khóa 36 Điện thoại: 0963681998 E-mail: [email protected] Tóm tắt: Một trong những ưu thế nổi trội của báo mạng điện tử đó là tính tương tác cao. Thông qua các hình thức tương tác khác nhau mà tòa soạn có thể tiếp nhận ý kiến phản hồi của độc giả, trên cơ sở đó phân tích thị hiếu thông tin của công chúng nói chung. Để hoạt động tương tác có hiệu quả các cơ quan báo chí rất chú trọng trong việc nâng cao trình độ nghiệp vụ của đội ngũ phóng viên, nhà báo cũng như không ngừng ứng dụng khoa học công nghệ vào quá trình sản xuất tác phẩm báo chí. Từ khóa: báo mạng điện tử, tính tương tác, hình thức tương tác, phản hồi, kiểm duyệt, mối quan hệ giữa công chúng và nhà báo. Đặt vấn đề: Báo mạng điện tử không chỉ làm nhiệm vụ cung cấp thông tin mà còn tạo điều kiện giúp độc giả chủ động trong việc tận hưởng thông tin thông qua các hình thức tương tác. Mặt khác, hoạt động tương tác mang đến cho cơ quan báo chí một lượng thông tin rộng lớn, có giá trị đặc biệt từ phía bạn đọc. Có thể thấy, các hình thức tương tác có vai trò rất quan trọng trong việc kết nối cơ quan báo chí và nhà báo với công chúng. I. Vai trò của các hình thức tương tác phổ biến hiện nay 1. Tương tác qua box phản hồi Đây là hình thức tương tác phổ biến nhất trên báo mạng điện tử bởi nó thể hiện được tính tương tác tức thời đối với công chúng. Sau khi đọc nội dung của bài báo độc giả có thể viết những ý kiến đóng góp, cảm nhận của mình về bài báo ở các ô phản hồi. Xu hướng của các trang báo mạng điện tử hiện nay là thiết kế các box phản hồi thật đơn giản và dễ sử dụng cho độc giả. Ví dụ: Tại báo VnExpress, các ý kiến phản hồi của độc giả được gửi về địa chỉ email của môt ban gọi là ban Độc giả. Ban này có nhiệm vụ tổng hợp, xử lý các ý kiến phản hồi gửi về toàn soạn thông qua box phản hồi. Việc làm này giúp cho độc giả cảm thấy ý kiến của mình được tôn trọng, đồng thời với các bình luận sử dụng tiếng nước ngoài, dùng lời lẽ thô tục… cũng sẽ được biên tập và kiểm duyệt nghiêm ngặt. Các ý kiến phản hồi của độc giả được tập hợp trong chuyên mục “Ý kiến của tôi” theo tiêu chí mới nhất, được quan tâm nhất, được trả lời nhiều nhất cùng với đường link xem bài báo. Những ý kiến, bình luận này cũng được gắn thêm chức năng để dễ dàng chia sẻ trên các mạng xã hội. Có thể thấy “Ý kiến của tôi” là bước đi quan trọng của VnExpress trong nỗ lực cá nhân hoá tương tác giữa bạn đọc và tờ báo, xác định sở thích của mỗi độc giả để cung cấp những nội dung phù hợp và tiện ích nhất. 2. Tương tác qua đường dây nóng Hình thức này được sử dụng ở nhiều loại hình báo chí. Trên báo mạng điện tử địa chỉ của đường dây nóng được đặt ngay tại đầu trang chủ của tờ báo để độc giả dễ nhìn thấy. Đa số các cuộc gọi đến của độc giả mang tính chất thông báo những sự kiện thời sự đang diễn ra. Đối với những cuộc gọi này, người trực điện thoại sẽ thông báo cho các phóng viên để kịp thời triển khai tin bài. Chính nhờ sự tương tác hiệu quả giữa nhà báo và công chúng đã giúp nhà báo có thể thu thập thông tin được kịp thời, chính xác, tránh trường hợp thu thập thông tin qua đường vòng, lãng phí thời gian và không đảm bảo tính thời sự của báo chí. Ví dụ: Trên trang chủ của báo VnExpress có hai số điện thoại đường dây nóng của hai trụ sở báo tại Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Với mỗi đường dây, tòa soạn sẽ bố trí một bộ phận cụ thể trực 24/24 giờ để có thể kịp thời tiếp nhận và xử lý các thông tin của độc giả. Anh Tiến Dũng – trưởng bộ phận phụ trách đường dây nóng cho biết vào những đợt cao điểm diễn ra nhiều sự kiện như tuyển sinh, bão lũ, nghỉ tết... đường dây nóng của VnExpress luôn rất bận rộn, có ngày nhận đến hơn 50 cuộc điện thoại. Anh cũng cho biết thêm trong tương lai VnExpress sẽ tiếp tục mở rộng mạng lưới đường dây nóng ở các tỉnh thành để phục vụ nhiều hơ n nhu cầu của công chúng. 3. Tương tác qua các hình thức thăm dò dư luận (vote) Hình thức tương tác này được sử dụng khi các tòa soạn báo mạng muốn nhanh chóng biết được ý kiến, quan điểm của độc giả về một vấn đề thời sự nào đó. Cuộc thăm dò được triển khai theo hướng tòa soạn đặt một câu hỏi và đưa ra các phương án trả lời ở phía dưới, độc giả sẽ đánh dấu vào phương án mình lựa chọn và gửi về tòa soạn. Trên thực tế, hình thức thăm dò điều tra cũng xuất hiện ở nhiều loại hình báo chí truyền thống song để thu được kết quả với tần suất cao và mức độ hiệu quả thì không loại hình nào có thể sánh với mạng. Đồng thời sự tương tác cũng là một hình thức tăng cường mối quan hệ giữa độc giả và tòa soạn. Ví dụ: Ngày 13/9/2017 trên báo Tuổi trẻ Online đã đưa một cuộc thăm dò bạn đọc: Phản đối hay ủng hộ “phố đèn đỏ” ở Việt Nam (đây là nơi tập trung các hoạt động mại dâm và các doanh nghiệp quan hệ tình dục theo định hướng). Sau 2 ngày thăm dò báo đã thu được kết quả ý kiến dư luận như sau: 28580 người phản đối, 30110 người ủng hộ và 321 người chọn ý kiến khác. Cùng với đó là rất nhiều bình luận của độc giả với những quan điểm khác nhau. Có thể thấy, những con số nói trên tuy không phản ánh hết được toàn bộ ý kiến của công chúng song đã cho ta cái nhìn tổng quát về các chiều hướng của dư luận xã hội. 4. Tương tác qua giao lưu trực tuyến Bản chất của hình thức này là một cuộc trao đổi, trò chuyện với sự tham gia của ba bên: tòa soạn, độc giả và nhân vật được mời đến giao lưu. Trong đó tòa soạn đóng vai trò là cấu nối giữa độc giả và nhân vật. Hình thức giao lưu trên báo mạng điện tử cũng giống như các chương trình tọa đàm trên báo truyền hình và phát thanh song hình thức này có một số ưu thế hơn. Thứ nhất, cả công chúng và nhân vật đều không phải chịu áp lực trong việc hỏi cũng như trả lời vì cuộc giao lưu tuyến được thực hiện qua mạng Internet nên cả người hỏi và người trả lời đều cảm thấy thoải mái, cởi mở hơn. Thứ hai, cũng vì được thực hiện qua mạng Internet nên số lượng các câu hỏi cũng nhiều và phong phú khiến giúp cho buổi giao lưu càng thêm hấp dẫn. Ví dụ: Một trong những trang báo mạng đi đầu về hình thức tương tác này phải kể đến VnExpress. Có những tháng VnExpress tổ chức được 5 buổi giao lưu trực tuyến song cũng có tháng tòa soạn chỉ tổ chức được 1 buổi, thậm chí không tổ chức buổi giao lưu trực tuyến nào tùy thuộc vào mức độ nổi bật của sự kiện tháng đó và các yếu tố khác như kinh phí của tòa soạn, điệu kiện cơ sở vật chất... Đồng thời để tăng số lượng công chúng tham gia vào giao lưu trực tuyến thường trước buổi giao lưu vài ngày trang báo sẽ đưa tin về nội dung cũng như khách mười được phỏng vấn. 5. Tương tác trên diễn đàn bạn đọc Diễn đàn bạn đọc trên báo mạng điện tử là không gian giao lưu, chia sẻ của các độc giả báo mạng. Tại diễn đàn này hầu hết các tin bài là do độc giả viết còn phóng viên và biên tập viên của tòa soạn chỉ đóng vai trò là người kiểm duyệt, đăng bài và định hướng nội dung cho công chúng. Điểm khác biệt của các diễn đàn bạn đọc trên báo mạng điện tử khác các loại hình báo chí khác ở chỗ nó cho phép sự tương tác giữa hàng trăm độc giả bất kể là ở đâu, lúc nào nhờ có sự hỗ trợ của mạng Internet. Đồng thời khâu kiểm duyệt và đăng bài trên báo mạng cũng nhanh chóng, thuận tiện hơn. Ví dụ: Mục diễn đàn bạn đọc trên báo Tuổi trẻ Online được đặt tên là “Bạn đọc làm báo”. Các bài đăng của bạn đọc sau khi được đăng tải sẽ xuất hiện ở chính giữa giao diện trang báo theo trình tự thời gian, với các bài viết có nhiều lượt xem sẽ được hiển thị ở bên sườn phải màn hình. Bên cạnh đó để ghi nhận những đóng góp quý báu của bạn đọc, bắt đầu từ năm 2011, hàng tháng báo Tuổi Trẻ sẽ tiến hành trao giải thưởng “Làm báo cùng Tuổi Trẻ” dành cho những bạn đọc đã cung cấp thông tin hoặc viết các bài cộng tác nhanh nhạy, thiết thực và mang hiệu quả xã hội cao. Ngoài các hình thức tương tác trên còn có các hình thức tương tác khác như tương tác qua thư tín, tương tác qua thư điện tử (email)... II. Những hạn chế làm ảnh hưởng đến tính tương tác trên báo mạng điện tử Thứ nhất, để tiếp nhận được thông tin trên báo mạng điện tử thì yêu cầu đầu tiên và tiên quyết nhất là độc giả phải có máy tính hoặc điện thoại truy cập được mạng. Tuy nhiên, không phải ai cũng có máy tính cá nhân và điện thoại để truy cập mạng đọc báo hàng giờ, hàng ngày. Chính điều đó đã làm hạn chế đối tượng công chúng tiếp nhận và tương tác trên báo mạng điện tử. Thứ hai, vì hiện nay vẫn chưa có chính sách thắt chặt an toàn thông tin với báo mạng nên thông tin trôi nổi và không được xác thực là rất nhiều. Những tin giật gân, câu khách, không chính xác là hạn chế lớn nhất của báo mạng điện tử. Những thông tin như vậy sẽ gây hoang mang cho dư luận, làm giảm tính tương tác trên báo mạng điện tử. Đồng thời sẽ nhận lại những phản hồi phản ánh không tốt về nội dung bài báo khiến cho công chúng mất sự tin tưởng vào độ chính xác của trang báo. Thứ ba, do lượng thông tin phản hồi lớn và liên tục trong ngày trên nhiều kênh đã dẫn đến sự quá tải trong xử lý, tiếp nhận thông tin và hồi đáp với bạn đọc. Điều đó khiến cho nhiều bạn đọc không còn thiết tha với việc phản hồi bởi không biết ý kiến của mình có được tòa soạn chấp nhận hay không. Hiện nay, việc “bỏ rơi” ý kiến của bạn đọc còn phổ biến ở một số trang báo. Thứ tư, ở một số trang báo vẫn chưa thực sự nhận thức được rõ vai trò của hoạt động tương tác dẫn đến chưa thực hiện tốt vai trò định hướng trên các diễn đàn Bạn đọc. Chính vì thế làm nảy sinh việc nhiều thành phần xấu đã lợi diễn đàn để tuyên truyền các nội dung, tư tưởng sai lệch so với quan điểm đường lối của Đảng và Nhà nước, đi ngược lại với thuần phong mĩ tục của dân tộc. III. Một số giải pháp nâng cao tính tương tác trên báo mạng điện tử Để phát huy được tối đa hiệu quả của các chương trình tương tác trên báo mạng điện tử, các cơ quan báo chí nói chung và những nhà báo, phóng viên nói riêng cần phải đảm bảo những yêu cầu sau: Thứ nhất, mỗi tòa soạn báo mạng điện tử cần xây dựng một bộ phận tiếp nhận phản hồi chuyên nghiệp. Nhân lực của bộ phận này phải là những người am hiểu về hoạt động báo chí, có thể đồng thời là phóng viên, biên tập viên, có kỹ năng sử dụng công nghệ thành thạo. Bởi bộ phận này không chỉ làm nhiệm vụ nghiên cứu, nắm bắt nhu cầu, tâm lý của công chúng; xây dựng kế hoạch mở rộng đối tượng công chúng mà đồng thời còn phải khéo léo, cẩn trọng trong khâu kiểm duyệt phản hồi nhất là với những phản hồi tiêu cực, mang mục đích xấu. Thứ hai, cần chú trọng trong việc thiết kế giao diện của trang báo đặc biệt là việc bố trí các yếu tố liên quan đến hoạt động tương tác trên trang chủ của tờ báo như: địa chỉ liên lạc, số điện thoại đường dây nóng, vị trí mục bình chọn, mục thăm dò ý kiến, mục bạn đọc, các chương trình giao lưu trực tuyến… Vị trí của các mục này cần phải dễ nhìn, diện tích không quá bé so với trang chủ của báo. Những hình ảnh trên trang báo mạng không chỉ nhiều màu sắc, kích cỡ khác nhau mà còn phải có cả ảnh động và các video clip trong từng chuyên mục cụ thể. Bên cạnh đó cũng cần phải chú ý những yếu tố nhỏ như phông chữ, đường link, cỡ chữ, màu nền… vì nó góp phần quan trọng trong việc lôi cuốn bạn đọc tiếp nhận thông tin và tham gia phản hồi. Thứ ba, đội ngũ cán bộ lãnh đạo của các cơ quan báo chí cần phải nhận thức rõ vai trò của hoạt động tương tác trên báo mạng điện tử từ đó có những phương hướng mở rộng các hình thức tương tác. Đặc biệt là phải liên tục cập nhật và ứng dụng các thành quả của khoa học công nghệ và o trong quá trình tương tác để tạo sự thuận lợi, thu hút nhiều hơn nữa số lượng công chúng tiếp nhận và phản hồi thông tin. Thứ tư, không ngừng nâng cao trình độ của đội ngũ phóng viên và biên tập viên. Họ không chỉ là những người có kiến thức chuyên môn sâu rộng mà còn phải có phẩm chất và đạo đức nghề nghiệp tốt. Vì họ là những người trực tiếp làm nên các sản phẩm báo chí, đồng thời cũng là người định hướng tư tưởng, tiếp thu, phân tích ý kiến bạn đọc để liên tục hoàn thiện thông tin, phục vụ nhu cầu ngày càng cao của công chúng. Thứ năm, các cơ quan báo chí cần phải có chế độ đãi ngộ xứng đáng để kích thích nhu cầu tương tác của độc giả và để độc giả cảm thấy ý kiến của mình được tòa soạn tôn trọng. Cụ thể là có những giải thưởng dành cho các bài viết hay, mang ý nghĩa xã hội do độc giả viết, thường xuyên tổ chức các cuộc thi viết theo chủ đề dành cho đông đảo đối tượng công chúng… Kết luận: Bài viết đã phân tích và làm rõ vai trò của các hình thức tương tác trên báo mạng điện tử bằng những dẫn chứng và khảo sát cụ thể tại các trang báo mạng điện tử lớn. Đồng thời chỉ ra những hạn chế và đề xuất một số yêu cầu cụ thể đối với cơ quan báo chí và đội ngũ phóng viên, nhà báo nhằm phát huy ưu thế về tính tương tác trên báo mạng điện tử. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Nguyễn Văn Dững, Cơ sở lý luận báo chí, Nhà xuất bản lao động, Hà Nội 2. Nguyễn Thị Trường Giang (2010), Báo mạng điện tử - những vấn đề cơ bản, Nhà xuất bản Chính trị - hành chính, Hà Nội. 3. Nguyễn Thị Trường Giang (2016), Lý thuyết và kỹ năng báo mạng điện tử, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội. 4. Hà Huy Phượng, Các loại hình báo chí hiện đại, Hà Nội, 5. Lưu Thị Vân (2006), Tương tác đa chiều của bạn đọc trên báo mạng điện tử, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn.
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan