Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Khảo sát một số biểu tượng trong tác phẩm và khi tro bụi của đoàn minh phượng...

Tài liệu Khảo sát một số biểu tượng trong tác phẩm và khi tro bụi của đoàn minh phượng

.PDF
17
181
59

Mô tả:

Khảo sát một số biểu tượng trong tác phẩm “Và khi tro bụi” của Đoàn Minh Phượng. Bài làm Trong sự vận động không ngừng của xã hội, văn học Việt Nam cũng có những bước tiến đáng kể, trong đó phải kể đến sự phát triển vượt bậc của tiểu thuyết đương đại. Hàng loạt cây bút thử sức mình trong lối viết tiểu thuyết mới, nhiều tiểu thuyết ra đời với những bút pháp mới lạ, hấp dẫn, thu hút người đọc đem lại những cách tân cho nền văn học đương đại Việt Nam. Nhiều tác phẩm ra đời được độc giả đón nhận đánh giá cao nhưng cũng không ít tác phẩm phải trải qua thăng trầm của dư luận mới khẳng định được giá trị và vị trí của mình. Có những tác phẩm được viết bởi những cây bút già dặn nhưng cũng không ít tác phẩm là sự thử sức của những tài năng mới nhưng cũng không kém phần thành công. “Và khi tro bụi” là một tác phẩm đầu tay của Đoàn Minh Phượng nhưng đã khẳng định được vị trí của mình. Tác phẩm vừa có tính chất ma lỵ, ly kì như một cuốn truyện trinh thám nhưng cũng mang đầy chất thơ, chất triết luận Đông-Tây. Tác giả đã sử dụng khá nhiều biểu tượng trong tác phẩm của mình tạo nên một sự hấp dẫn đặc biệt cho người đọc. “Và khi tro bụi” là tác phẩm đầu tay của đạo diễn tài ba Đoàn Minh Phượng, đây là tác phẩm văn xuôi duy nhất đoạt giải của Hội nhà văn năm 2007. Đây là tác phẩm có lối viết khá lạ, bên cạnh lối viết gần như theo dòng ý thức triền miên thì trong tác phẩm sử dụng nhiều biểu tượng độc đáo như: sương mù, tro bụi, cái chết, màu trắng, màu đen,...Những biểu tượng này có vẻ tách rời nhau nhưng giữa chúng có mối liên hệ đặc biệt, tuy ba đấy nhưng lại là một, tất cả dù là sương, là tro bụi, là cái chết thì tất cả cũng chỉ là hư vô trong cuộc đời này cái còn lại duy nhất là cảm thức của con người về cuộc sống, về kiếp người. Cái chết là điều con người ta không thể tranh khỏi trong cuộc đời “sinh, lão, bệnh, tử”, khi chết đi con người trở về với tro bụi trở về với bản nguyên hư vô 1 khi con người xuất hiện trên cuộc đời này nhưng có một điều mà mãi mãi là bí ẩn đó là cái chết như thế nào cũng chưa ai cảm nhận được, không ai khám phá ra, tất cả đều mờ mịt như sương vậy. Bao trùm tác phẩm là cảm thức về cái chết, là hành trình con người đi tìm bí ẩn của cái chết nhưng đó lại là hành trình đi tìm lại sự sống, tìm lại chính mình. Chính hệ biểu tượng đặc sắc này đã tạo nên giá trị cho tác phẩm thu hút người đọc. “Và khi tro bụi” thực chất là những dòng suy nghĩ của con người con trong cuộc đấu tranh giữa một bên là cuộc sống bình yên, dễ dàng, quen thuộc một bên là cuộc sống dấn thân đầy khó khăn, nguy hiểm, mệt mỏi, căng thẳng. Điều quan trọng là con người có dám bước qua ranh giới để đi trên hành trình tìm lại bản thể cái tôi của mình hay không. Không phải ngẫu nhiên mà nhà văn đã lấy câu thơ của Henry Vaughan(1622-1695) mình lời đề từ và cũng lấy đó làm cảm hứng cho toàn bộ tác phẩm của mình. And when this dust falls to the urn In that state I came, re turn. (Và khi tro bụi rơi về Trong thinh lặng đó cận kề quê hương.) Nhân vật chính là người phụ nữ có chồng bị chết trong một tai nạn. Chị không muốn sống nữa quyết định tìm đến cái chết- một cái chết chủ động, và người định chết cũng không biết bao giờ mình sẽ chết và chết bằng cách nào. Chị chọn cách sống trên những con tàu lang thang khắp châu Âu. Một lần dừng chân chị quyết định phải mua ngay một quyển sổ để ghi lại hình ảnh của mình, để định nghĩa mình là ai trước khi từ giã cuộc đời. Bởi vì cho đến lúc đó chị mới chỉ là một đứa trẻ mồ côi, đến từ đất nước có chiến tranh. Chị là một khách lạ ở châu Âu, một con người không có quê hương giống như hạt cỏ gió đưa đến vách đá biết thân phận mình rất dễ vỡ. Nhưng cuốn sổ đã mở đầu cho những bất ngờ liên tiếp. Người trực đêm khách sạn đ ã không bán mà tặng chị quyển sổ ấy, trong đó có chứa cả một câu chuyện lạ lùng và bi thương của chính anh ta. Hành trình đi tìm cái chết của chị biến thành một cuộc tìm kiếm để ngăn chặn một cái chết khác, cũng chính là hành trình đi tìm lại chính mình. Toàn bộ câu chuyện 2 ẩn trong một màn sương mờ ảo, hoang mang, đôi lúc rất khó nắm bắt. Một thân phận tha hương phải chịu đựng những xung đột về xã hội văn hoá, phân vân giữa quá khứ và hiện tại, hiện tại và tương lai. Để cuối cùng người đàn bà ấy nhận ra chị cũng chỉ là một trong số những người chị từng gặp và tiếp tục đi tìm. Một người từ bỏ, cội nguồn của mình sẽ không thực sự bám rễ được vào đâu hết. Người ấy cần phải sống những ngày những đêm những tháng của mình chứ không phải bằng thời gian và trí nhớ của người khác. Cũng giống như tro bụi cũng có quê hương và một lúc nào đó rơi về. Phải chăng đây chính là những điều trăn trở của Đoàn Minh Phượng-một Việt kiều luôn ý thức sâu sắc về cuộc sống xa quê hương, xa cội nguồn dân tộc. Có lẽ vì vậy mà tác phẩm thu hút được tình cảm của người đọc, sự cảm thông chia sẻ với một tấm lòng luôn đau đáu hướng về quê hương. Và khi tro bụi”- ngay nhan đề tác phẩm cũng đã gợi lên cho người đọc cảm thức về sự nhỏ bé, hư vô, sự ra đi và sự trở về. Trong Kinh thánh đã nói “ngươi là tro bụi sẽ trở về với tro bụi” có nghĩa khởi nguyên của mọi sự cũng là tro bụi và khi mất đi tất cả lại trở về với tro bụi, đó là quy luật tái sinh và huỷ diệt-quy luật sáng thế. Tro bụi – ý nghĩa biểu trưng ban đầu của nó toát ra từ cái hiện thực của nó: về bản chất tro là cái vết tích còn lại sau khi ngọn lửa thiêu đốt đã tắt, nếu xét từ quan điểm lấy con người làm trung tâm thì đó là cái chết, cái di hài còn lại sau khi lửa sống đã tắt trong cơ thể. Về phương diện tinh thần, giá trị còn lại ấy bằng không và như thế tro tượng trưng cho tính vô giá trị, gắn liền với cuộc sống con người là tính mỏng manh phù du của nó. Bụi là biểu tượng của sức mạnh sáng thế được ví như hạt giống, như phấn hoa nhưng cát bụi cũng là dấu hiệu của sự chết, của sự khóc thương (Theo Từ điển biểu tượng văn hoá thế giới). Như vậy, tro bụi tượng trưng cho thân phận con người, cho cái chết, cho sự sám hối sự ăn năn hối cải và nó thể hiện niềm tin tôn giáo niềm tin tìm lại sự bình yên trong tâm hồn con người. Tác phẩm mở đầu bằng một cái chết, đó là cái chết của chồng Ami “chồng tôi mất vì xe rơi xuống núi, ở một đoạn đèo, trong một đám sương mù, khoảng 5h một buổi chiều tháng 11. Anh ấy đi đâu 3 qua đoạn đèo ấy, giờ ấy, không một ai biết. Anh không có công việc gì cần làm hoặc người quen ở vùng con đường ấy dẫn tới. Tôi hoàn toàn không hiểu cái chết của anh”. Ami không biết vì sao chồng đi đến đấy, vì sao anh lại chết, cái còn lại với cô chỉ là một chiếc bình đựng tro của anh, tất cả còn lại chỉ là tro bụi. Nỗi đau quá lớn và quá bất ngờ bởi chồng là người thân duy nhất cuả cô ở nơi đất khách quê người, anh ra đi cô không hề biết về cái chết của anh, trong nỗi đau tột cùng cô “muốn đem chiếc bình lên một ngọn đồi ở miền trung du, đổ mớ tro bụi của anh xuống một đám cỏ rồi mang chiếc bình không về đặt ở thành cửa sổ nơi tôi đã đứng bảy ngày nhìn xuống con đ ường trước nhà”. Nhưng không ai cho cô làm nư vậy, những người thân muốn lưu giữ lại một chút hình ảnh người thân yêu bên đời. Ami kh ông biết họ sẽ lưu giữ bình tro trong bao lâu, cô cũng không bi ết cần bao lâu để lưu giữ những mớ tro có mang tên họ của một người, để nói rằng người đó đã một thời có mặt trên mặt đất, dưới bầu trời này. Nhưng chỉ biết lòng có chi còn sự chơi vơi trong một nỗi hao hụt không gì bù đắp được. “Tôi không còn gì. Hồn tôi chỉ còn một đám tro”. Biểu tượng “tro bụi” được lặp lại gần mười lần trong tác phẩm, đó là mớ tro của những con người đã chết đi như chồng của Ami hay là những đám tro linh hồn của những người còn sống mà tim như đã chết, mất hết cảm giác về sự sống chỉ còn lại trong lòng cảm thức về cái chết, về sự hư vô, sự mỏng manh của kiếp người. Những đám tro còn lại là sự hư không nhưng sao nó ám ảnh con người với những nỗi đau không thành lời, hình ảnh người chồng luôn luôn trong tâm thức cô từng phút từng giây “tôi chưa bao giờ từ giã với chồng tôi”. Sau cái chết của chồng Ami phải chịu nỗi đau ghê ghớm, nó đang ăn mòn con người, làm cho người sống cũng héo tàn như những mớ tro. Ngôi nhà vẫn còn đó với những kỉ niệm của hai vợ chồng nhưng cuộc đời với Ami chỉ là còn số không. Tro bụi là tượng trưng cho cái chết, cho sự tan biến, nhưng tro bụi còn là biểu tượng cho sự tái sinh. Khi chồng mất đi Ami chỉ còn là một đám tro tàn, cô không muốn sống và cô đã đi tìm cái chết, đó là sự huỷ diệt, nhưng cũng trên hành trình dấn thân đi tìm cái chết cô lại tìm được chính mình, tìm lại cuộc sống cội nguồn mà trước kia cô chạy trốn 4 chối bỏ. Đó phải chăng là sự tái sinh dù nó đau đớn nhưng nó không phải vô nghĩa. Toàn bộ câu chuyện ẩn trong một màn sương mờ ảo, hoang mang đôi lúc khó nắm bắt. Theo “Từ điển biểu tượng văn hoá thế giới” sương là biểu tượng của tính không xác định, là biểu tượng của một hỗn hợp không khí, nước, lửa như là trạng thái hỗn mang sơ khai trước cuộc sáng thế. Theo đạo nhà Phật, thế giới sương là thế giới của các hiện tượng bề ngoài là dấu hiệu của tính phù du của mọi và cuộc đời. Trong tranh hội hoạ Nhật Bản, thường thể hiện những đám sương mù nằm ngang hay thẳng đứng( kasumi), chúng biểu thị một sự rối loạn trong diễn biến câu chuyện, một sự chuyển giai đoạn, một sự chuyển bước quái dị hoặc huyền diệu hơn trước. Như vậy, sương là biểu tượng cho một thê giới huyền diệu, bí ẩn, cho những điều còn mông lung. Không gian sương bao phủ toàn bộ không khí của tác phẩm, nó tạo nên một màu sắc đặc biệt cho câu chuyện tăng thêm tính hấp dẫn thu hút người đọc từ trang đầu tiên cho đến những dòng cuối cùng. Chính vì vậy, tuy “Và khi tro bụi” như một câu chuyện được kể theo dòng ý thức nhưng nó cũng mang dáng dấp của một truyện trinh thám li kì hấp dẫn. Ngay đầu tác phẩm tác giả đã tạo nên một không gian trong sương đầy bí ẩn :“Chồng tôi mất vì xe rơi xuống núi, ở một đoạn đèo, trong một đám sương mù”. Ami luôn tự hỏi anh ấy đi vào đấy để làm gì, gặp ai và tại sao lại chết, tất cả đều là những bí ẩn được bao phủ trong đám sương mù ấy. Không chỉ mở đầu bằng không gian sương mù mà ám ảnh sương mù bao trùm toàn bộ câu chuyện, nó dẫn nhân vật và người đọc vào một mê cung, trong đó con người cứ luẩn quẩn để tìm lối ra, tìm bí ẩn bên trong đám sương mù nhưng tất cả đều vô nghĩa, tất cả vẫn là bí ẩn trong sương. Trong tác phẩm biểu tượng sương mù được nhắc lại mười chín lần, đó là đám sương mù mà chồng Ami đi vào và để rồi mãi mãi không bao giờ quay về với cô “chồng tôi mất vì xe rơi xuống núi, ở một đoạn đèo trong một ngày sương mù”, hay đó là đám sương mù luôn ám ảnh luẩn quẩn trong đầu cô khi cô đi tìm bí ẩn về cái chết của chồng, nhưng càng đi lại càng lạc vào trong mê cung sương mù “Tôi sẽ đi vào đám sương mù của 5 tôi,sẽ tan ra trong đó. Như chồng tôi đã đi vào đám sương mù của anh ấy một buổi chiều tháng mười, trên con đường ngang qua núi”. Nhưng hơn cả đó là đám sương mù luôn bao phủ sự thật, đi mãi nhưng chúng ta không tìm ra sự thật, phải chăng trong cuộc đời này không có sự thật nào cả, sự thật là sự lựa chọn của mỗi người. Mãi mãi cái chết của chồng Ami vẫn bị che lấp bởi một đám sương mù, cô và tất cả chúng ta đều không biết được. Biểu tượng sương mù chính là biểu tượng cho những bí ẩn, chỉ cảm nhận được nhưng rất khó nắm bắt. Nhà văn phủ lên trang văn của mình không gian sương mù không chỉ mụch đích nghệ thuật làm rối, tạo không gian mờ ảo bí ẩn, cảm thức mê cung cuốn hút người đọc mà qua đó gửi gắm những chiêm nghiệm của bản thân về cuộc đời, về con người: “Tất cả mờ đi, lẫn vào trong sương, biên giới mọi thứ tan loãng ra”, trong sương “tôi thấy mình đang mất đi, mình không thực. Không còn một ý thức rõ nét và buồn thảm. Chỉ còn một không gian mông lung, trong đó tôi không còn là tôi, mọi người không còn là mọi người, dòng sông không còn là dòng sông…”. Bên cạnh những biểu tượng như tro bụi, sương mù ta thấy nhà văn còn sử dụng nhiều hệ biểu tượng khác như màu sắc. Trong “V à khi tro bụi” ta thấy hệ biểu tượng màu sắc cũng khá nhiều nhưng không mấy người để ý hoặc không được xem là biểu tượng trung tâm nhưng màu sắc trong tác phẩm này cũng rất đáng chú ý. Màu sắc là một phương tiện của nghệ thuật hội hoạ nhưng trong văn chương không hiếm những trang văn trang văn rực rỡ sắc màu, mang giá trị nghệ thuật cao “thi trung hữu hoạ” . Đoàn Minh Phượng miêu tả màu sắc không phải nhằm mục đích ca ngợi hay vẽ tranh bằng ngôn từ mà nhà văn miêu tả màu sắc của cõi chết “màu sắc của cõi chết là mầu sắc của chiêm bao, chập chờn thăm thẳm. Những màu sắc không còn móc nối nào với cuộc đời hữu hình. Kí ức của người chết không còn ánh sáng, không còn bóng tối, nhập nhoà nhận ra sắc vàng, sắc tím, sắc xanh của những con tàu đi vào thế giới không còn là thế giới”. “Có lẽ cái chết không có màu hồng hay màu tím phôi pha nhạt nhoà của một giấc chiêm bao, mà là màu đen tuyệt đối của sự vùi lấp tuyệt đối. Hoặc nó có màu trắng tuyệt đối của sự mất mát tuyệt đối”. Cảm thức sâu sắc về sự sống 6 cái chết, Đoàn Minh Phượng đã chọn màu chủ đạo trong câu chuyện của mình là màu trắng và màu đen-m àu của cõi chết. Theo Từ điển biểu tượng văn hoá thế giới, màu trắng là màu trái ngược với màu đen, màu trắng có thể đặt ở hai đầu thang màu. Là màu nguyên và không có dạng biến đổi nào khác, ngoài những sắc thái đi từ mờ đục tới bóng láng, màu này có khi có nghĩa là không có màu gì, có khi là tổng hoà các màu. Như vậy, có khi màu trắng là điểm xuất phát, có khi ở điểm chung cục của thế giới ban ngày và thế giới hiển lộ, do đó nó có giá trị lí tưởng và tiệm cận. Một bên là từ dạng bóng láng đi xuống mờ đục, một bên là mờ đục đi lên bóng láng. Trong hai thời điểm này màu trắng đều rỗng không lơ lửng giữa cái có và cái không. Theo quan niệm của phương Đông, màu trắng người ta thường coi là vô sắc, giống như một biểu tượng về thế giới trong đó mọi màu sắc là thuộc tính của những thực thể đều tan biến ra hết. Màu trắng không phải là màu của mặt trời, đó cũng không phải là màu của ánh bình minh mà là màu lúc tang tảng sáng, ở thời điểm hoàn toàn trống rỗng giữa đêm và ngày, khi mà thế giới giấc mơ còn bao phủ hết mọi thực tại, con người bị ức chế trong đó, lơ lửng giữa một màu trắng rỗng không và bị động. Vì vậy, phương Đông vẫn quan niệm màu trắng là màu của cái chết, của tang tóc đau thương. Nhưng theo quan niệm phương Tây, màu đen mới là màu của tang thương chết chóc. Màu đen là màu tương phản với màu trắng, đen ngang bằng với trắng về giá trị tuyệt đối, ở hai đầu của định dạng bảng màu nó sẽ trở thành không màu hay tổng thể các màu, một sự phủ đ nh hoặc tổng hợp màu sắc. Cũng là màu của tang tóc nhưng phương Tây quan niệm màu đen là màu của tang tóc nặng nề hơn, cái tang vô vọng. Màu đen biểu thị trạng thái thụ động tuyệt đối, trạng thái chết hoàn toàn và bất di bất dịch như cái hư không bất khả, cái hư không đã chết sau cái chết của mặt trời, như một sự tĩnh lặng vĩnh viễn, không có tương lai, thậm chí không chút hi vọng về tương lai. Tang tóc màu đen là sự mất mát vĩnh viễn, là sự rơi hẳn vào hư vô. Không phải ngẫu nhiên trong đầu câu chuyện của mình nhà văn lại để cho Ami mặc tang phục chồng là áo tang màu trắng, trong khi bên nước đó người ta mặc đồ tang là đồ đen. Không phải là Ami không biết 7 nét phong tục này mà cô được đưa sang từ năm bảy tuổi nhưng cô mong “đừng bắt tôi làm khác, tôi chỉ có một lần này trong đời để mặc chiếc áo trắng dành cho anh”. Ami chọn cho mình một cái áo tang trắng không hẳn là không có lí do, cô là một kẻ tha hương, đã lâu rồi cô không còn nhắc đến quá khứ xuất thân của mình phải chăng thời gian đã làm cô quên hay trong thâm tâm cô cố ý quên đi quê hương, cội nguồn, nhưng không hẳn cô đã quên trong sâu thẳm hồn cô sau bao năm ở đất khách quê người cô vẫn giữ cho mình dù là trong vô thức một chút hồn quê dù đó là cái màu trắng tang thương: “Ở nơi tôi sinh ra, mầu trắng là màu tang chứ không phải đen. Tôi tưởng tôi đã quên điều này, vậy mà tôi lại nhớ, và khi nhớ rồi điều đó trở nên quan trọng”. Chiếc áo tang màu trắng còn cho thấy tâm trạng và cảm xúc của Ami lúc này, chồng mất người yêu thương duy nhất của cô trên nơi đất khách quê người ra đi cuộc sống xung quanh cô, tâm hồn cô chỉ còn là một khoảng trắng trống rỗng hư vô bị động không một chỗ dựa không biết đi về đâu, lơ lửng giữa cuộc đời này. Nhưng màu trắng còn cho thấy niềm tin và hi vọng cái chết người chồng sẽ được giải thoát, sẽ nhẹ nhàng hơn. Trong tác phẩm, biểu tượng màu trắng được lặp lại một số lần nhưng không phải là quá nhiều nhưng sức ám ảnh của nó thì ghê ghớm: màu tro trắng, màu sương trắng, màu áo trắng nhưng có lẽ ám ảnh người đọc nhất là trang giấy trắng trong quyển sổ của Ami. “ Có người hoạ sĩ nhưng không vẽ núi, không vẽ nhà, chỉ ngày đêm mài mực để một hôm phác lên giấy một vệt cong. Họ nhìn đường đi của bút trong cái khoảnh khắc thật ngắn khi nó được phóng ra, nhìn chỗ bút hết mực, nét khô đi, vỡ thành nhiều đường, rồi tắt đi trên giấy. Họ nhìn thấy cái đẹp, sức mạnh và sự gìa dặn ung dung của mình nơi cái biên giới tuyệt mĩ giữa mực đen và giấy trắng. Tôi cũng muốn làm như họ: kh ông vẽ núi, không vẽ nhà, chỉ có những nét. Nhưng thế giới của tôi không nguyên vẹn để tôi có thể vẽ nên một nên một nét vẽ nguyên vẹn. Họ vẽ sự thanh bình, mầu đen của họ là khoảng không sâu thẳm, còn tôi vẽ cuộc chiến bại, màu đen của tôi là một thứ bóng tối phủ lên trăm nghìn mảnh vỡ. Họ vẽ cuộc đời họ, cuộc đời mà họ hiểu, còn tôi vẽ cuộc đời của tôi, cuộc đời mà tôi không biết. Nhưng tôi chỉ mới 8 nghĩ về bức tranh buồn thảm của mình. Trang giấy vẫn còn trắng.” Màu trắng của trang giấy có sự ám ảnh ghê ghớm, trang giấy trắng hay cuộc đời trắng, một cuộc đời cô đơn, bi kịch tha hương. Bao lần trăn trở dở quyển sổ ra viết nhưng mãi cũng chỉ là hai dòng ngắn gọn: “Tôi là một đứa trẻ mồ côi. Tôi đến từ đất nước có chiến tranh”, hai câu ngắn gọn nhưng đó là nỗi đau của một số phận bất hạnh, một cuộc đời trắng không quá khứ, không hiện tại, không tương lai, không nguồn cội, không quê hương, không dám sống với cái tôi của mình. Lối kể chuyện của Đoàn Minh Phượng có gì đó lạnh lùng, hờ hững nhưng ẩn sâu trong đó là một tình cảm đau đáu về thân phận, về cuộc đời. Và cái thể hiện sâu sắc những tình cảm này, gợi lên cho người đọc những ấn tượng sâu sắc đó chính là những biểu tượng. Chính những biểu tượng đã cuốn hút người đọc từ những trang đầu tiên cho đến những trang cuối cùng. Những biểu tượng: tro bụi, sương mù, màu sắc(màu đen, màu trắng) đã tạo nên những trang văn đầy sức gợi, nhìn bề ngoài có vẻ chúng là những biểu tượng riêng lẻ nhưng thực chất giữa chúng lại có mối quan hệ sâu sắc, tất cả đều hướng đến biểu tượng trung tâm của tác phẩm là cái chết: tro bụi chính là sự huỷ diệt và tái sinh, là cái chết nhưng cũng là sự sống, màu đen và màu trắng chính là màu của cái chết của tang tóc, sương mù chính là lớp màn bí ẩn của cái chết. Như vậy, hệ thống biểu tượng trong tác phẩm đều hướng đến một biểu tượng trung tâm đó là biểu tượng cái chết. Ban đầu nhân vật muốn tìm đến cái chết để chối bỏ quá khứ, chạy chốn hiện tại cô đơn và để tìm ra bí ẩn của cái chết, cắt nghĩa được sự tồn tại của con người trong cuộc sống này nhưng cuối cùng hành trình đi tìm cái chết lại là hành trình con người dấn thân đi tìm lại bản thể của chính mình, tìm lại cuộc sống với ý nghĩa đích thực của nó. Theo Từ điển biểu tượng văn hoá thế giới, chết là mặt có thể mất đi có thể bị huỷ hoại của sự sống, nó là cái sẽ mất đi trong tiến hoá tất yếu của sự sống nhưng nó cũng sẽ là kẻ dẫn đường người ta vào thế giới chưa biết của Thiên Đường hay Địa Ngục, nó là sự Khải Huyền hoặc Nhập Môn, là quá trình huỷ diệt và tái sinh. Cái chết giúp con người giải thoát khỏi những buồn đau, chán nản, bi quan của cuộc đời, thoát khỏi “tham, sân, si”-nguyên 9 nhân gây đau khổ cho con người. Cái chết vẫn được xem là nỗi kinh hoàng khiếp đảm nhưng nó cũng đưa con người ta vào cuộc đời đích thực, biểu tượng cho sự đổi thay sâu sắc mà con người phải trải qua do được khai tâm. Trong tác phẩm, biểu tượng cái chết được lặp đi lặp lại nhiều lần, là biểu tượng trung tâm thể hiện những buồn đau bất hạnh của con người, nhưng cũng là con đường người ta tìm đến để giải thoát. Mở đầu tác phẩm là cái chết của chồng Ami, một cái chết không rõ nguyên nhân, không rõ lí do, đây là cái chết mở đầu cho những biến cố, những bất hạnh sau đó. Trước nỗi đau quá lớn khi người chồng, Ami đã cố quên đi “từng chuyện, từng chuyện một, từng ngày, từng ngày một trong khoảng đời ấy của tôi, từ ngày tôi gặp anh cho đến ngày anh chết”. Nhưng càng cố quên cô lại càng nhớ, tất cả mọi hình ảnh của người chồng cứ hiện về sống mãi trong cô, và trong cô luôn tự hỏi “anh đi đâu qua đọan đường ấy, anh có công việc gì hoặc người quen ở đấy. Tôi không hoàn toàn hiểu về cái chết của anh”. Không quên được nỗi đau, Ami sống trong vô thức trong một màn sương vô hình với những người xung quanh, với cuộc đời và ngay với chính bản thân mình. Ami đã quyết định ra đi sẽ tìm cái chết trên đường, trên những chuyến tàu hỏa bởi cô luôn dằn vặt mình: “Tôi hiểu gì? Cái chết?”, “đáng lẽ tôi nên chết đi trong vòng hai tuần sau khi chồng tôi chết. Chết lúc chưa tin rằng anh ấy không còn, lúc chưa kịp hiểu cái chết có thật. Lúc còn chưa chịu thú nhận mình bất hạnh. Chết vào một trong những đêm ngủ không thấy buồn vì tưởng chồng còn nằm bên, lúc còn hoảng loạn, ngày còn mơ màng nhìn thấy bóng của anh ở mọi góc phố, tối còn nhìn thấy cái đốm sang nhỏ từ điếu thuốc anh đang hút, thấy làn khói mỏng vương lại không muốn tan đi. Chết không hề biết rằng cái chết cần được hiểu”. Với cô bây giờ tìm cái chết là một sự giải thoát, một sự chốn chạy hiện tại đau thương, trốn chạy tất cả cuộc đời nhưng đó cũng là hành trình cô đi tìm bí ẩn của cái chết “cái chết cần được hiểu dù người hiểu nó chỉ là tôi mà thôi”, bí ẩn giấu trong đám sương mù, hành trình đi tìm sự thật. Cô cứ đi mãi trên những chuyến tàu, đi mãi và chỉ chờ cái chết đến với mình “một ngày nào đó sẽ chết trên đường, ở một nơi chốn không tên”. Giờ đây với Ami cuộc 10 đời chỉ còn lại những mảnh vỡ, mảnh vỡ của những tâm hồn và thể xác, một nỗi đau vỡ vụn,cái chết chính là dấu chấm hết, là sự giải thoát cho những nỗi đau ấy. Cô chọn cho mình những chuyến tàu bởi nơi đó sẽ gặp rất nhiều người nhưng đó là những người xa lạ và sẽ không gặp lại lần hai, sẽ không có kỉ niệm, không có gì vương vấn với cuộc đời này “tôi không còn người quen, không còn việc gì trên đời để làm, nơi chốn nào để đến” và cho mình ba tháng để thu dọn tất cả những gì còn lại của cuộc đời này: “Ba tháng nữa tôi sẽ mua chiếc vé cuối cùng và trên đó nơi đến sẽ không còn là một thành phố. Nó là một nơi nào khác.”Một cái chết chủ động, tưởng chừng có mụch đích nhưng cuối cùng người chết cũng không biết mình chết bằng cách nào, khi nào chết, tất cả đều trong vô thức: “Tôi vẫn mơ hồ cảm thấy mình không thể chấm dứt một thứ mà mình không biết nó là gì. Người ta chỉ có thể giết được người chứ không thể giết được ma. Như một loài ma trơi, tôi đã sống bên ngoài cuộc đời, vừa sống vừa xóa đi ngày tháng kí ức. Tôi bập bềnh trong không khí, lo sợ sức hút của trái đất làm cho tôi đau đớn. Đến khi chọn lựa cái chết, tôi vẫn không hiểu nó, không tìm cho nó được một ý nghĩa dù là rất nhỏ”. Những ngày tháng vừa qua Ami sống mà như không sống, cô chạy trốn tất cả, ngay cả bản thân mình cô cũng không còn cảm giác tồn tại, gắn bó với cuộc đời. Và cô muốn mình phải tồn tại trên đời này mới có thể chết được, cô đã tìm cho mình một cuốn sổ để ghi lại cuộc đời mình, để chứng tỏ mình tồn tại, để biết được cái chết là gì. Nhưng cũng chính từ quyển sổ của một nhân viên khách sạn đã làm hành trình của cô thay đổi từ hành trình đi tìm bí ẩn của cái chết cô đã chuyển sang hành trình đi tìm sự thật, đi tìm bí ẩn của một câu chuyện bắt đầu từ một cái chết. Biểu tượng cái chết lặp lại nhiều lần với những ý nghĩa biểu trưng gắn với số phận nhân vật, từ đầu nhân vật đi tìm cái chết để giải thoát nhưng càng đi lại càng rơi vào những tình huống phức tạp bí ẩn hơn, càng vén bức màn sương mù con người lại càng thấy âm u, tăm tối hơn. Nhưng cũng có lúc nhân vật trên hành trình của mình dường như đã chạm tay đến bí mật của cái chết hay ít ra cũng là một chút cảm thức về cái chết, về những gì đã xảy ra với chồng mình trong đám sương mù bí ẩn và mường tượng sẽ sắp xảy ra 11 với mình: “Tôi nhớ lại cảm giác thanh bình ngắn ngủi lúc đi trong đám sương mù bất chợt sa xuống thành phố. Cảm giác đó chỉ có vài phút nhưng khó quên. Hay là chồng tôi cũng đi vào một đám sương mù trên núi, cũng được bao bọc trong một sự thanh bình mênh mông như vậy, và không muốn ra nữa.”… “Trong mấy phút mông lung giữa đám sương mù, tôi thấy đường viền mình đang mất đi, tôi đang tan vào trong mọi người, vào sương, vào dòng sông, vào ánh sáng mờ đục của những ngọn đèn đường mới thắp. Biết đâu sự thanh bình muôn thuở chỉ giản dị vậy thôi. Biết đâu cái chết không phải màu đen của tăm tối, hay màu trắng của chối bỏ, mà một đám sương mù êm ái làm nhạt nhòa những bức tường đá lạnh tuổi thơ”. Phải chăng đây chính là sự giải thoát khi người ta chọn cái chết, cái chết sẽ giúp con người ta thoát khỏi những nỗi buồn những đau đớn, trở về với những khoảnh khắc êm đềm đã qua hay đến một thế giới mà người ta mong muốn khát khao mà trong cuộc sống trần thế người ta không chạm tới được. Nhưng dù có lúc trong một khoảnh khắc nhân vật chạm đến được bí ẩn nhưng tất cả vẫn là bí ẩn khi những khoảnh khắc ấy qua đi. Ami vẫn đau đáu một niềm hoài nghi về bí ẩn của cái chết :“ Cái chết vẫn là sự tắt ngấm tuyệt đối. Cái chết dù của ai cũng có ý nghĩa như nhau, nghĩa là không có ý nghĩa… Cái chết là nốt nhạc cuối cùng của bản nhạc: nó làm cho nhạc toàn vẹn hay dang dở bất thành. Sự thanh thản đó từ đâu?... Không tin cái hồn còn lại sau khi cái xác đã bỏ cuộc”. Day dứt, dằn vặt về cái chết nghĩa là cô chưa thể ra đi thanh thản và khi đọc câu chuyện lạ lùng đau thương của nhân viên khách sạn cô đã bị cuốn hút bởi sự li kì của nó, cô đã quyết tâm tìm ra sự thật nhưng khi tìm ra sự thật thì cũng là lúc cô phát hiện những bí mật ẩn chứa trong sâu thẳm tâm hồn mình. Có lẽ, đó cũng là lúc An My hiểu thêm về cái chết của chồng cô. Câu chuyện mà Ami đọc được trong cuốn sổ nhỏ của nhân viên khách sạn cũng bắt đầu bằng cái chết, đó là cái chết chứa đầy bí ẩn của một người phụ nữ. Hành trình đi tìm bí ẩn của gia đình Mecheal Kemf đã cuốn hút cô trong hai năm, sau những gì trải qua trong hai năm ấy cô tìm ra sự thật của gia đình Mecheal Kemf. Cái chết của Anita cứ ám ảnh Ami thôi thúc cô tìm ra sự thật nhưng phải chăng 12 đó là sự thật cuối cùng? Không ai khẳng định đó đã là sự thật cuối cùng ngay cả những người trong gia đình Mecheal, cô cũng không chắc rằng mình đã đi đến cuối hành trình đi tìm sự thật, vẫn biết rằng cô tin đó là sự thật nhưng không phải hoàn toàn không có chút hoài nghi. Và cô nhận ra rằng trên đời này không có sự thật cuối cùng, sự thật là do lựa chọn của mỗi người. Trên hành trình của mình đi tìm sự thật nhà Kemf, cô đã nhớ lại cái chết của người cha nuôi, đó là cái chết mà người ta bảo cô là nguyên nhân gây ra mãi về sau khi gần cái chết cô mới nhận ra. Cha nuôi cô đã chết khi nhận ra mình yêu con gái nuôi, nhưng ông không dám vượt qua lòng kính Chúa, vượt qua ranh giới cuộc sống ông đang có để sống thật với chính mình, ông đau khổ khi nhận cuộc đời này ông chưa một lần sống cho riêng, ông không dám sống với cái tôi của mình, ông chạy chốn bản thể của mình, sống trên cuộc sống của kẻ khác. Và ông chọn cái chết cũng là sự giải thoát, thoát khỏi những đau khổ của bể đời để ông được một lần sống là chính mình; cái chết là sự huỷ diệt về thể xác nhưng phải chăng đó là sự tái sinh trong tâm hồn, chết để tìm lại mình. Nhưng cũng trên hành trình đi tìm sự thật cô đã tìm lại chính mình, tìm lại khát khao được sống, trả lời câu hỏi “Tôi là ai?”mà bấy lâu nay cô luôn tìm kiếm. Những câu trả lời đó cô đã tìm ra trên hành trình đi tìm cái chết để giải thoát bản thân và cũng là hành trình cô đi tìm bí ẩn cái chết của chồng mình, của cha nuôi, của Anita. Cô đã tìm thấy mình trong cha nuôi, trong Marut, trong Mecheal, trong Anita. Cô nhận ra Mecheal, cha nuôi đang chối bỏ quá khứ, chạy chốn quá khứ để đổi lấy một cuộc sống yên ổn, quen thuộc. Và cô cũng vậy, cô đã chạy chốn quá khứ, xoá bỏ kí ức về gia đình quê hương cội nguồn để đổi lấy cuộc sống hiện tại yên ổn bên xứ người; khi chồng chết, chỗ dựa duy nhất của cô không còn cô bơ vơ lạc lõng, cô chạy chốn hiện tại bằng cái chết để không phải chịu nỗi đau khổ cô đơn. Nhưng khi đã tìm ra sự thật, cận kề bên cái chết cô lại nhận ra rằng bâý lâu nay cô sống bằng cái tôi kẻ khác, sống trên xứ người không quê hương không nguồn cội: “Tôi chợt hiểu ra tất cả. Tại sao trong tất cả những năm của cuộc đời mình tôi đã không tìm được một thứ keo để gắn lại các mảnh 13 đời và gắn mình vào thế giới loài người. Tôi đã cố hết sức nhưng mọi thứ đều rời rạc, tan tác và tôi mãi mãi là một thứ rong rễ không bám được vào một thứ gì để thôi trôi nổi. Bởi vì trong khoảnh khắc kinh hoàng nhất của cuộc đời, vào lúc người ta cần nhau nhất để cứu nhau ra khỏi tai ương, trí óc tôi đã chọn xoá đi cái khoảnh khắc ấy ngay khi nó đang xảy ra”. Chính lúc cái chết đến gần lại là lúc cô khát khao sống nhất, khát khao được trở về quê hương, tìm lại tuổi thơ, tìm lại đứa em gái mà cô đã bỏ rơi để chạy chốn một mình: “Tôi biết tôi phải đi về tìm em mình. Và tôi phải trở lại Weilenthal nơi đó có người đợi tôi. Tôi không thể chết, ngàn lần không muốn chết. Xin cho tôi được sống nhìn thấy em tôi một lần, cho tôi giải mối oan này, quay về với cuộc đời, với sự sống tôi chưa từng biết và khát khao đến nao lòng. Cho tôi sống những ngày và những đêm của mình chứ không sống bằng thời gian và trí nhớ của người khác. Cho tôi gặp em dù chỉ một lần, một lần thôi là ơn trời vô tận”. Cuộc đời Ami như là những mảnh vỡ cuối hành trình đi tìm cái chết cô mới nhận ra cô cần phải sống với tất cả những gì mình có với quá khứ, hiện tại, tương lai của mình. Cũng như tro bụi vậy, dù chỉ còn là tro bụi hư không nhưng cũng xin được rơi về quê hương, bởi nếu chúng ta không có cội nguồn, không có một điểm tựa thì sẽ không thể bám vào đâu được. Và khi tro bụi rơi về Trong thinh lặng đó cận kề quê hương. Nhà văn Đoàn Minh Phượng quan niệm rằng: “Mỗi người có một câu chuyện, mỗi người là một dòng sông, nó chảy từ nguồn ra tới biển. Dòng sông là thứ chúng ta không thể cắt khúc, rồi xóa đi khúc này khúc nọ được, nó cần có sự liên tục. Người đàn bà trong truyện lại làm như vậy với đời mình. Chỗ nào không vui thì xóa đi, bỏ đi. Đến khi cuộc đời quá nhiều lỗ hổng không lấp được, thì cô đơn không chịu nổi. Vì sợ đau đớn, xóa đi những ký ức buồn của mình, vô tình xóa cả tình yêu. An My đã xoá đi nhiều ký ức quan trọng của cuộc đời mình và cô phải trả giá. Cô chỉ nhận ra điều mình đánh mất khi tro bụi rơi về”. Đó có 14 lẽ là những điều nhà văn đã chiêm nghiệm ra, là điều mà nhà văn tâm đắc muốn sẻ chia cùng bạn đọc. “Và khi tro bụi” là một tiểu thuyết có lối viết khá lạnh lùng nhưng lại có sức hấp dẫn đặc biệt với bạn đọc phải nói đến nghệ thuật độc đáo và hệ thống biểu tượng khá phong phú. Chuyện được kể theo dòng tâm tưởng của nhân vật trên hành trình đi tìm bí ẩn của cái chết, nhưng đó cũng là câu chuyện khá hấp dẫn với kết câu chuyện lồng chuyện, có tính chất li kì như một truyện trinh thám, lại có sự đan xen của nghệ thuật điện ảnh làm cho câu chuyện hấp dẫn như một bộ phim. Điều đó cho thấy sự tài năng của Đoàn Minh Phượng, mặc dù đây là tiểu thuyết đầu tay. Nhưng có lẽ điều làm hấp dẫn người đọc, điều làm cho câu chuyện có lối viết lạnh lùng lại đầy sức gợi phải chăng là nhờ hệ thống biểu tượng với những ý nghĩa nhân sinh sâu sắc. Đọc qua từng trang giấy người đọc không khỏi bị ám ảnh bởi những biểu tượng được lặp đi lặp lại: tro bụi, sương mù, màu sắc(trắng- đen), cái chết. Những biểu tượng này có vẻ gợi lên một sự tang thương của cái chết nhưng nó không hề gợi sự bi quan chán nản. Câu chuyện là hành trình con người cô đơn đi tìm cái chết để tìm ra bí ẩn của sự chấm dứt vĩnh viễn của con người trên cõi đời này, tìm mãi nhưng đến khi cận kề cái chết nhân vật không phải tìm ra bí ẩn của cái chết mà tìm ra khát khao sống một cuộc sống đích thực đúng nghĩa, sống bằng niềm tin, cội nguồn, trí nhớ của mình chứ không phải của người khác. Trong truyện xuất hiện rất nhiều cái chết nhưng nó không gây cảm giác bi quan rùng rợn mà chúng ta nhận ra ý nghĩa của cái chết là sự giải thoát, tái sinh. Kết thúc truyện không phải tác giả đưa ra sự thật như là một phát hiện sau một hành trình dài mà đó là những chiêm nghiệm trong cuộc đời. Nhà văn không khẳng định cuối cùng nhân vật của mình đã tìm ra sự thật nhưng điều quan trọng là nhân vật đã tìm lại được một chút bình an trong tâm hồn, tìm lại được mình trong cận kề cái chết khi đã dám thừa nhận quá khứ, hiện tại. Tác phẩm khép lại nhưng vẫn còn đó những ám ảnh trong lòng người đọc cảm thức về cái chết, về sự lạc loài cô đơn, bi kịch tha hương. Con người cứ mải 15 mê đi tìm bí ẩn của cái chết, bí ẩn của nắm tro tàn còn lại của một con người nhưng đó lại là hành trình đi tìm lại mình. Liệu con người có tìm ra được sự thật sau đám sương mù kia, có tìm ra đựơc màu sắc của cái chết là màu gì? Tất cả vẫn là những bí ẩn như những đám sương mù kia vẫn giấu trong mình những điều bí mật mà đi hết hành trình của cuộc đời con người vẫn không nhận ra. Cái còn lại đó là cuộc đời của mỗi người, chúng ta phải sống với những gì ta đang có chứ không phải sống bằng cái tôi kẻ khác. Làm nên giá trị của tác phẩm ngoài những gía trị tư tưởng còn phải kể đến những đặc sắc trong nghệ thuật của tác phẩm đặc biệt là hệ thống những biểu tượng. Trải qua thời gian, “Và khi tro bụi” đã và đang khẳng định được vị trí của mình trên văn đàn cũng như trong lòng bạn đọc hôm nay. Thành công của tiểu thuyết cũng là một sự khẳng định cho những thành công của tiểu thuyết đương đại Việt Nam. 16 Đề bài: Khảo sát một số biểu tượng trong tác phẩm “Và khi tro bụi” của Đoàn Minh Phượng. 17
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan