Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Giọng điệu thơ văn nguyễn đình chiểu...

Tài liệu Giọng điệu thơ văn nguyễn đình chiểu

.PDF
55
1125
145

Mô tả:

TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẦN THƠ KHOA SƯ PHẠM BỘ MÔN NGỮ VĂN TRẦN BÍCH NGỌC GIỌNG ĐIỆU THƠ VĂN NGUYỄN ĐÌNH CHIỂU Luận văn tốt nghiệp Đại học Ngành Sư phạm Ngữ Văn Cán bộ hướng dẫn: Ths. PHAN THỊ MỸ HẰNG Đề cương tổng quát: Cần Thơ, 05 /2009 GIỌNG ĐIỆU THƠ VĂN NGUYỄN ĐÌNH CHIỂU PHẦN MỞ ĐẦU 1. Lí do chọn đề tài 2. Lịch sử vấn đề 3. Mục đích nghiên cứu 4. Phạm vi nghiên cứu 5. Phương pháp nghiên cứu PHẦN NỘI DUNG Chương 1: NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG 1.1. Một số quan niệm về giọng điệu văn chương 1.1.1. Ở góc độ lí luận văn học 1.1.2. Ở góc độ nghiên cứu văn học 1.1.3.Ở góc độ thi pháp học 1.2. Một vài nhận xét chung về giọng điệu 1.3. Khái niệm 1.3.1. Giọng điệu văn chương 1.3.2. Giọng điệu văn chương trung đại 1.4. Thơ Nguyễn Đình Chiểu – Sự kết hợp truyền thống và đổi mới trên một số lĩnh vực hình thức thơ 1.4.1. Lời thơ 1.4.2. Nhạc điệu 1.4.3. Nhịp thơ Chương 2: TÍNH CHẤT TRỮ TÌNH, ĐA THANH, NHIỀU CUNG BẬC TRONG GIỌNG ĐIỆU THƠ VĂN NGUYỄN ĐÌNH CHIỂU 2.1. Giọng trữ tình đạo đức 2.1.1. Giọng triết lí, trải đời 2.1.2. Giọng nhẹ nhàng, gián tiếp 2.1.3. Giọng lạc quan, tự tin 2.2. Giọng trữ tình sử thi 2.2.1. Giọng sôi nổi, hào hùng 2.2.2. Giọng cổ điển, trang trọng 2.2.3. Giọng bi hùng Chương 3: YẾU TỐ HÌNH THỨC TRONG MỐI TƯƠNG QUAN VỚI GIỌNG ĐIỆU THƠ VĂN NGUYỄN ĐÌNH CHIỂU 3.1. Nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ 3.1.1. Phương ngữ Nam bộ 3.1.2. Thành ngữ, tục ngữ, ca dao 3.1.3. Từ Hán Việt 3.1.4. Điển tích, điển cố 3.2. Nghệ thuật xây dựng hình ảnh 3.2.1. Hình ảnh so sánh dân gian 3.2.2. Hình ảnh so sánh ẩn dụ, tượng trưng 3.3. Các biện pháp nghệ thuật khác 3.3.1. Liệt kê 3.3.2. Tương phản 3.3.3. Phép láy PHẦN KẾT LUẬN TÀI LIỆU THAM KHẢO NHẬN XÉT CỦA GIÁO VIÊN HƯỚNG DẪN NHẬN XÉT CỦA GIÁO VIÊN PHẢN BIỆN 1. Lí do chọn đề tài Nguyễn Đình Chiểu là một nhà văn yêu nước, một chiến sĩ của lý tưởng nhân nghĩa. Ông có một lòng thương yêu sâu sắc đối với nước, với dân, ông có một thái độ dứt khoát đối với kẻ thù, luôn luôn nêu cao khí phách của một nhà nho chân chính trước uy vũ của quân địch. Suốt đời ông đã mượn giấy bút chiến đấu không biết mệt mỏi để bảo vệ cho chính nghĩa được toàn thắng, cho đạo lý được bảo toàn, cho nhân dân được yên ổn. Thơ văn của ông giúp ta thấy rõ thêm quá trình đấu tranh anh dũng của dân tộc trong những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp. Nó nung nấu chí căm thù giặc và tay sai lên cao độ. Nó kích thích và động viên tinh thần chiến đấu tiêu diệt quân thù. Một trong yếu tố nghệ thuật góp phần truyền tải tất cả nội dung đó đến người đọc, làm nên giá trị tác phẩm cũng như tạo nên phong cách riêng của Nguyễn Đình Chiểu phải kể đến giọng điệu trong thơ văn của ông. Như chúng ta biết, ngôn ngữ thơ diệu kỳ và phức tạp. Trong cái diệu kỳ ấy, có một nguồn hết sức quan trọng làm nên thi ca, đó là giọng điệu. Chính giọng điệu là một trong những yếu tố nghệ thuật có ý nghĩa nhất trong thi pháp cũng như phong cách nhà văn. Tạo ra một giọng điệu trong sáng tác là thể hiện tài năng nghệ sĩ, phong cách riêng của một nhà thơ. Đối với người thưởng thức có khám phá ra thế giới riêng biệt của nhà thơ mới hiểu được chân giá trị thẩm mỹ trong sáng tác của họ. Cùng với niềm yêu thích thơ văn Nguyễn Đình Chiểu, cũng như thấy được tầm quan trọng của đề tài, chúng tôi đã chọn “Giọng điệu thơ văn Nguyễn Đình Chiểu” làm đề tài cho luận văn tốt nghiệp. 2. Lịch sử vấn đề Nguyễn Đình Chiểu không chỉ là tác giả tiêu biểu của vùng đất Nam Bộ mà còn là nhà thơ nổi tiếng cả trong và ngoài nước. Dù cuộc đời riêng gặp nhiều bất hạnh nhưng không vì thế mà ông buông xuôi. Nguyễn Đình Chiểu đã khiến cho mọi người khâm phục cả về tài năng và ý chí vươn lên của bản thân ông. Cố thủ tướng Phạm Văn Đồng nhận xét: “Trên trời có những vì sao có ánh sáng khác thường, nhưng con mắt của chúng ta phải chăm chú nhìn thì mới thấy, và càng nhìn thì càng sáng. Văn thơ Nguyễn Đình Chiểu cũng vậy”.[4;36] Có thể điểm qua một số nhà nghiên cứu, phê bình: Nguyễn Phong Nam, Trần Thanh Mại, Đặng Thai Mai,…, nhận xét về Nguyễn Đình Chiểu ở nhiều lĩnh vực khác nhau qua một số công trình tiêu biểu: Nguyễn Đình Chiểu tấm gương yêu nước và lao động nghệ thuật, kỷ niệm lần thứ 150 ngày sinh của nhà thơ; Nguyễn Đình Chiểu tác phẩm và lời bình; Nguyễn Đình Chiểu từ quan điểm thi pháp học; Từ ngữ - thơ văn Nguyễn Đình Chiểu; Nguyễn Đình Chiểu thân thế, sự nghiệp và tác phẩm,…Cụ thể: Công trình đầu tiên có thể kể đến đó là quyển “Nguyễn Đình Chiểu tấm gương yêu nước và lao động nghệ thuật, kỷ niệm lần thứ 150 ngày sinh của nhà thơ (18221972)” [29] có: Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc kỷ niệm ngày sinh Nguyễn Đình Chiểu; Tiểu sử Nguyễn Đình Chiểu; Diễn văn của Hà Huy Giáp “Bài học sống, chiến đấu và sáng tạo nghệ thuật của nhà thơ lớn Nguyễn Đình Chiểu” đọc trong lễ kỷ niệm lần thứ 150 ngày sinh Nguyễn Đình Chiểu; Bài viết của cố thủ thướng Phạm Văn Đồng, và những các bài nghiên cứu, phê bình về thơ văn Nguyễn Đình Chiểu xoay quanh vấn đề Nguyễn Đình Chiểu tấm gương yêu nước và lao động nghệ thuật. Trần Thanh Mại có nhận định: “Thơ văn yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu khi thì hùng hồn, cảm khái, khi thì tha thiết lâm li, nhiều đoạn uyển chuyển du dương, nhiều đoạn lại sôi nổi, mạnh mẽ. So với giai đoạn trước xâm lăng, rõ ràng Nguyễn Đình Chiểu có một bước tiến mới về nghệ thuật, điều này thể hiện bước tiến mới của nhà thơ về tư tưởng” [29;289]. Như vậy, tác giả đã đề cập đến hơi thơ trong thơ văn của Cụ Đồ Chiểu có sự thay đổi tùy theo từng hoàn cảnh phản ánh cụ thể. Trong quyển “Lịch sử văn học Việt Nam tâp 4A. Giai đoạn I:1858 – Đầu thế kỉ XX [22], Phan Côn và Lê Trí Viễn có viết: “Về mặt ngôn ngữ, ông dùng nhiều từ địa phương, nhiều điển tích, nhất là ở những đoạn thuyết minh về đạo lý” [22;67]. Công trình “Nguyễn Đình Chiểu ngôi sao sáng của người tri thức Việt Nam [10], Vũ Khiêu – Nguyễn Đức Sự đã nghiên cứu về những truyền thống của người tri thức Việt Nam, sự ảnh hưởng của Nho giáo, việc vận dụng Nho giáo trong thơ văn Nguyễn Đình Chiểu và thái độ của Nguyễn Đình Chiểu đứng trước nạn ngoại xâm, khái quát tư tưởng của Nguyễn Đình Chiểu trong cuộc sống và trong thơ văn của ông. Các tác giả đã viết: “…Trong thơ văn của Nguyễn Đình Chiểu đã luôn tỏa sáng một tinh thần lạc quan, lòng yêu quý nhân dân, niềm tin sâu sắc ở thắng lợi của chính nghĩa, ở tài năng và đạo đức của con người”[10;35]. Bài viết của Nguyễn Phong Nam - “Nguyễn Đình Chiểu từ quan điểm thi pháp học” [13], đã nghiên cứu thơ văn Nguyễn Đình Chiểu về góc độ thi pháp ở phương diện đề tài, kết cấu, ngôn ngữ trong các truyện Nôm, một trong những cống hiến quan trọng của Nguyễn Đình Chiểu cho nền văn học dân tộc. Tác giả bài viết có đề cập đến giọng điệu thơ văn Nguyễn Đình Chiểu: “Tác phẩm của ông không phải để tiêu nhàn, mà nhằm răn đời, để hướng đạo cho mọi người. Cái mục đích này đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc tổ chức lời văn trong tác phẩm của ông. Truyện Nôm Nguyễn Đình Chiểu là những bài giảng giải, trình bày, luận bàn về đạo lí, đạo đức cho một đối tượng giả định, một công chúng đang hướng về, đang quan tâm tới những vấn đề thiết cốt đối với tất cả mọi người. Bởi thế, ngay từ câu mở đầu ở các tác phẩm, giọng điệu giáo huấn đã được cất lên một cách công khai [13;112-113] . Như vậy, công trình đã có phần nào đề cập đến giọng điệu thơ văn Nguyễn Đình Chiểu, nhưng bài viết chỉ mới đề cập ở truyện Nôm, còn giọng điệu trong các tác phẩm khác chưa được nhắc đến. Cuốn “Nguyễn Đình Chiểu tác phẩm và lời bình” [20], tác giả Tuấn Thành và Anh Vũ đã giới thiệu một số tác phẩm tiêu biểu, và trích dẫn một số bài nghiên cứu phê bình về thơ văn Nguyễn Đình Chiểu ở các khía cạnh khác nhau. Bài viết của Đặng Thai Mai có nhận định: “Thơ văn Nguyễn Đình Chiểu là “khúc ca hùng tráng của phong trào yêu nước chống bọn xâm lược Pháp” ngay từ những ngày đầu chúng mới đặt chân lên xâm lược đất nước Việt Nam [20;177]. Cũng trong cuốn sách này, Hoài Thanh đã nhận xét về thơ văn Nguyễn Đình Chiểu: “Từ ngày đất nước bị xâm lăng, toàn bộ văn thơ Nguyễn Đình Chiểu chỉ xoay quanh một vấn đề là vấn đề mất nước. Từ tiếng chửi, lời ca, tiếng khóc đến lời ước mơ đều hướng về một mục tiêu duy nhất. Nội sự chuyển hướng về đề tài ấy cũng đã là một bài học.. Tiếng chửi giờ đây không còn là chửi vào những chuyện bội bạc, phản phúc hay hưởng lạc dâm ô, chửi vào các loại Võ Thể Loan, Trịnh Hâm, Bùi Kiệm. Chỉ còn một tiếng chửi Tây và những đứa theo Tây” [20;196]. Chính sự thay đổi về nội dung sẽ có sự thay đổi về nghệ thuật trong thơ văn Nguyễn Đình Chiểu, và điều đó làm cho thơ văn ông mang nhiều giọng điệu khác nhau. Quyển “Tác giả trong nhà trường Nguyễn Đình Chiểu”[23], có bài viết của Hồng Dân – “Nguyễn Đình Chiểu cái mốc lớn trên tiến trình của Tiếng việt văn học” đã nghiên cứu về một khía cạnh nghệ thuật thơ văn Nguyễn Đình Chiểu “Ta có thể bắt gặp ở đây những từ ngữ cửa miệng, những từ phương ngôn, những thành ngữ, tục ngữ, những cách nói chung, của nhân dân Nam Bộ nói riêng … Chính những từ ngữ này, đến lượt nó lại góp phần làm cho văn thơ Nguyễn Đình Chiểu, nhất là những áng văn thơ yêu nước chống Pháp chứa chan hơi thở của đời sống hiện thực … Chính đặc điểm trên đây đã tạo nên nét độc đáo trong phong cách ngôn ngữ của Nguyễn Đình Chiểu”[23;207]. Nghiên cứu về Nguyễn Đình Chiểu nhìn chung đã có rất nhiều công trình, bài viết với đầy đủ các quy mô khác nhau, phản ánh nhiều góc độ khác nhau về cuộc đời và sự nghiệp, tư tưởng, nội dung, nghệ thuật,... Nhưng giọng điệu thơ văn Nguyễn Đình Chiểu chưa được khảo sát như một chuyên luận. Tuy nhiên, những công trình trên là những cứ liệu phong phú trong quá trình nghiên cứu đề tài, và với kiến thức còn hạn hẹp chúng tôi sẽ cố gắng tìm hiểu sâu hơn về giọng điệu cũng như các yếu tố hình thức trong mối tương quan với giọng điệu thơ văn Nguyễn Đình Chiểu. 3. Mục đích nghiên cứu Đề tài sẽ giúp chúng tôi hiểu rõ hơn các giọng điệu đặc trưng trong thơ văn Nguyễn Đình Chiểu, các hình thức nghệ thuật tương quan với giọng điệu. Bên cạnh đó, việc tìm hiểu đề tài sẽ góp một phần nhỏ vào việc nghiên cứu giá trị thơ văn Nguyễn Đình Chiểu. Đồng thời, việc nghiên cứu đề tài giúp chúng tôi tích lũy thêm kiến thức sâu hơn, toàn diện hơn về tác giả mà mình yêu thích, và tạo điều kiện thuận lợi cho công tác giảng dạy thơ văn Nguyễn Đình Chiểu sau này. 4. Phạm vi nghiên cứu Trong phạm vi đề tài, chúng tôi sẽ khảo sát “giọng điệu thơ văn Nguyễn Đình Chiểu” ở phương diện nội dung và phương thức thể hiện trong các tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu qua hai giai đoạn sáng tác của ông. Để làm nổi bật “giọng điệu thơ văn Nguyễn Đình Chiểu”, chúng tôi nghiên cứu thêm giọng điệu của một số nhà thơ trung đại cùng thời: Nguyễn Khuyến, Tú Xương, …, để làm nổi bật vấn đề. Chúng tôi sử dụng nhiều tư liệu tham khảo trong việc nghiên cứu đề tài:  Các dẫn chứng thơ được trích trong các quyển: 1. Nguyễn Đình Chiểu tác phẩm và lời bình [20] 2. Bài giảng văn học Việt Nam trung đại 3 [7] 3. Nguyễn Đình Chiểu tác phẩm và dư luận [24]  Các tư liệu liên quan khác”: 1. Từ điển thuật ngữ văn học [6] 2. Từ ngữ - Thơ văn Nguyễn Đình Chiểu [5] 3. Nguyễn Đình Chiểu từ quan điểm thi pháp học [13] 4. 99 phương tiện và biện pháp tu từ [11] 5. Nguyễn Đình Chiểu thân thế, sự nghiệp và tác phẩm [1] 6. Nguyễn Đình Chiểu ngôi sao sáng của người tri thức Việt Nam [10] 7. Mấy vấn đề về cuộc đời và thơ văn Nguyễn Đình Chiểu nhân dịp kỷ niệm 75 năm ngày mất của Nguyễn Đình Chiểu [28] 8. Nguyễn Đình Chiểu tấm gương yêu nước và lao động nghệ thuật - Kỷ niệm lần thứ 150 ngày sinh của nhà thơ [29] 9. Nguyễn Đình Chiểu toàn tập (Tập 1 & 2) [26] 5. Phương pháp nghiên cứu Để thực hiện đề tài, chúng tôi tập hợp những ý kiến của các nhà nghiên cứu, phê bình về những vấn đề có liên quan đến giọng điệu thơ văn Nguyễn Đình Chiểu và các yếu tố hình thức nghệ thuật trong mối tương quan. Phương pháp chủ yếu sử dụng trong việc nghiên cứu đề tài là phương pháp phân tích tổng hợp kết hợp với chứng minh. Bên cạnh đó, chúng tôi sử dụng thao tác so sánh, đối chiếu để làm nổi bật các giọng điệu thơ văn Nguyễn Đình Chiểu. Chương 1 NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG 1.1.Một số quan niệm về giọng điệu văn chương Khái niệm giọng điệu đã được nhắc đến trong mỹ học phương Đông qua các khái niệm gần gũi như “hơi văn”, “văn khí”. Có thể nói giọng điệu là một trong những yếu tố nghệ thuật có ý nghĩa nhất trong thi pháp cũng như trong phong cách nhà văn, nhưng lại khó xác định về mặt lý thuyết. Ở mỗi góc độ, giọng điệu được định nghĩa nghiên cứu theo từng khía cạnh khác nhau. 1.1.1. Ở góc độ lí luận văn học Lê Ngọc Trà quan niệm: “Giọng văn hay giọng thơ là phạm trù của thi pháp học nghiên cứu một trong những hình thức bộc lộ chủ quan của nhà văn trong tác phẩm nghệ thuật. Văn học là tiếng nói của con người về cuộc đời, tác phẩm văn học chứa đựng tiếng nói ấy nên nhất định phải có giọng. Giọng của tác phẩm cũng giống như giọng nói của con người. Trong giọng thể hiện cả nhận thức thái độ, lối sống và cả nội lực của nhà văn (vì vậy giọng nhiều khi có nghĩa là hơi văn, văn khí). Đồng thời, giọng cũng là cái không lẫn được”.[21;152] Như vậy, trong lí luận văn học, giọng điệu được thể hiện là thái độ tình cảm đạo đức của nhà văn đối với các đối tượng được mô tả, thể hiện trong lời văn và khả năng huy động các biện pháp nghệ thuật làm nổi bật giọng điệu. 1.1.2. Ở góc độ nghiên cứu văn học Lê Bá Hán định nghĩa: “Giọng điệu là thái độ, tình cảm, lập trường tư tưởng, đạo đức của nhà văn đối với hiện tượng được miêu tả thể hiện trong lời văn quy định cách xưng hô, gọi tên, dùng từ, sắc điệu tình cảm, cách cảm thụ xa gần, thân sơ, thành kính hay suồng sã, ngợi ca hay châm biếm, … Giọng điệu phản ánh lập trường xã hội, thái độ tình cảm và thị hiếu thẫm mĩ của tác giả có vai trò rất lớn trong việc tạo nên phong cách nhà văn và tác dụng truyền cảm cho người đọc. Thiếu một giọng điệu nhất định, nhà văn chưa thể viết ra được tác phẩm, mặc dù đã có đủ tài liệu và sắp xếp trong hệ thống nhân vật” [6;134135]. Nguyễn Thị Khánh Dư quan niệm: “Trong văn học, khái niệm giọng điệu vừa được biểu hiện ở phương diện ngữ âm: trầm bổng, trong đục, nhanh chậm, ngắn dài,… vừa được biểu hiện ở phương diện phong cách: nóng, lạnh, nhu, cương; khoan thai hay dồn dập, sôi nổi; trân trọng hay mỉa mai khinh bỉ, phê phán hay ca ngợi, yêu thương hay căm giận, mềm mại dịu dàng hay cứng cỏi kiên quyết, tha thiết gắn bó hay thờ ơ lãnh đạm [2;52]. Và đứng ở bình diện thi pháp, chủ yếu chúng ta tìm hiểu các giọng điệu gắn liền với tình điệu, với văn khí, hơi văn, mạch văn, cái giai điệu, cái “hồn” chi phối toàn bộ tác phẩm. Tác giả còn nhấn mạnh: “Giọng điệu chính là yếu tố quan trọng nhất để phân biệt cái “cổ họng” – nét bút của nhà văn này so với nhà văn khác để tạo thành phong cách nhà văn”. [2;53] Hoàng Ngọc Hiến đã nói về vai trò của giọng điệu trong văn chương: “Câu văn có hồn là câu văn có giọng,… bài văn không có giọng đọc lên vẫn nhạt nhẽo vô vị. Sự phong phú, tính đa nghĩa, ý vị đậm đà của bài văn trước hết là ở giọng. Năng khiếu văn ở phần tinh tế nhất là năng lực bắt được trúng cái giọng của văn bản mình đọc và tạo ra được giọng đích đáng cho tác phẩm mình viết”. “Người Pháp có câu “Cest le ton commande la musique” (Chính cái giọng chi phối bài nhạc). Ở những áng văn hay, cái giọng của câu văn mở đầu có ý nghĩa quyết định cho sự cảm hứng chủ đạo và nội dung của toàn bộ tác phẩm”. “Cảm hứng nào, giọng điệu ấy nhưng cũng có thể ngược lại giọng điệu định hướng sự hình thành cảm hứng”.[8;154-155] Cũng đứng từ góc độ nghiên cứu văn học, Lê Lưu Oanh quan niệm về giọng điệu: “Vốn là một trong những hình thức bộc lộ chủ quan rõ rệt nhất. Giọng điệu là âm hưởng chung trong cách cảm, cách nhìn, màu sắc, cảm xúc, kiểu tiếp xúc của thế giới, là thái độ, tình cảm, lập trường, đạo đức của tác giả thể hiện trong lời văn, tạo nên một giọng điệu nói riêng mang tính phong cách”. Giọng điệu rõ nhất ở lập trường chủ thể lời nói (khoảng cách xa hay gần với khách thể), tư thế chủ thể (trên dưới, ngang hàng, phục tùng, răn dạy,…), quan niệm về khách thể (kính trọng hay coi thường, tôn trọng hay sàm sỡ,…), cảm xúc (dằn vặt, xót xa, mạnh mẽ, yếu ớt…). Có nhiều cách phân loại giọng: theo sắc thái tình cảm (trang trọng hay thân mật, chậm rãi hay vội vàng), theo nội dung tình cảm (bi hài, anh hùng ca, lãng mạn, hiện thực), theo sự kết hợp các loại tình cảm (bi tráng, bi hài), theo khuynh hướng cảm hứng (thông cảm, phê phán, khẳng định, yêu thương, căm thù), theo cấu trúc giọng (đơn âm, giọng chính, giọng phụ, hướng nội, hướng ngoại), theo cấu trúc thể loại (văn xuôi, trữ tình, chủ quan, khách quan). [14;156-157] 1.1.3. Ở góc độ thi pháp học Trần Đình Sử quan niệm: “Giọng điệu là biểu hiện của thái độ, cảm xúc của chủ thể đối với đời sống” [17;248]. Và đối với sự việc, hiện tượng thấp kém bình thường, người ta thường có giọng điệu mỉa mai, cười cợt; đối với các sự việc đáng tiếc, mất mát, thương tổn, người ta có giọng điệu buồn thương, ngậm ngùi”. Ông còn nhận định: “giọng điệu tác phẩm phụ thuộc vào cảm hứng chủ đạo của tác giả”.[17;248] Ở một công trình nghiên cứu khác, Trần Đình Sử xem “Giọng điệu là một đơn vị nghệ thuật của văn học hiện đại đối với văn học hiện đại, để phù hợp với một sự diễn tả mới mẻ, sống động, đầy ắp, ngôn ngữ phải là tiếng nói. Từ đó xuất hiện một đơn vị nghệ thuật mới: giọng điệu. Như vậy chất liệu của văn học không chỉ là từ còn là giọng, là lời của văn bản [18;137]. Và ông đã đưa ra lời nhận xét chung nhất về giọng điệu thực chất: “giọng điệu của nhà thơ không phải đơn giản là chất giọng trời phú tự nhiên của một danh ca, cũng không phải chỉ là giọng quê hương mang theo từ nơi “chôn nhau cắt rốn” mà chính là khái quát xã hội nhất định”. [18;229] Nguyễn Đăng Điệp nói về giọng điệu văn chương là “một phạm trù quan trọng của thi pháp học có nhiệm vụ tìm hiểu trong những hình thức bộc lộ cái chủ quan của nhà văn trong tác phẩm văn học; và nó có chức năng thể hiện thái độ, lập trường cái nhìn chủ thể phát ngôn về đối tượng được nói đến và đối tượng mà lời văn ấy hướng tới. Giọng điệu trong văn xuôi thường mang tính khách quan lạnh lùng, còn giọng điệu thơ ca thấm đẫm tính chủ quan”. [3;341] 1.2. Một vài nhận xét chung về giọng điệu Điểm qua một số ý kiến về giọng điệu, các nhà nghiên cứu đã đề cập đến những nét cơ bản về giọng điệu: Thứ nhất, giọng điệu thể hiện sắc thái tình cảm, lập trường, thái độ của nhà thơ đối với cuộc sống, cho nên sẽ có sự đa dạng phong phú về giọng điệu. Nó không chỉ là vấn đề thuộc phong cách nghệ thuật mà còn là yếu tố quan trọng tạo thành tư tưởng, nội dung tác phẩm. Thứ hai, giọng điệu là một yếu tố thuộc bình diện nghệ thuật, nó chi phối đến các bình diện hình thức, được bộc lộ qua các dấu hiệu hình thức, cho nên nó có vai trò rất quan trọng trong việc bộc lộ thái độ, tình cảm, nội dung tác phẩm. Thứ ba, giọng điệu là một trong nhiều yếu tố nghệ thuật có ý nghĩa trong việc thể hiện phong cách nhà thơ, điều đó giải thích được vì sao cùng sáng tác về một mảng đề tài nhưng mỗi nhà văn, nhà thơ lại có cách thể hiện khác nhau và thông qua giọng điệu độc giả có thể dự đoán và khẳng định chính xác một câu thơ hay một đoạn văn bản là sản phẩm của nhà văn, nhà thơ nào. Thứ tư, các giọng điệu là một yếu tố không thể thiếu được trong sáng tạo nghệ thuật. Trên bình diện thi pháp, giọng điệu gắn liền với tình điệu, với hơi văn, với văn khí. Mạch văn, giọng văn, cái giọng điệu, cái “hồn” chi phối toàn bộ tác phẩm và đây chính là yếu tố quan trọng nhất để phân biệt nét bút của nhà văn này so với nhà văn khác, để tạo nên phong cách nhà văn. Ngoài ra, chúng ta cần phân biệt giọng điệu với ngữ điệu. Ngữ điệu là phương tiện biểu hiện của lời nói thể hiện qua cách lên giọng, xuống giọng, nhấn mạnh nhịp điệu, chỗ ngừng. Từ điển tiếng việt định nghĩa: “Ngữ điệu là những biến đổi về độ cao của giọng khi nói, khi đọc, có liên quan đến cả một ngữ đoạn và có thể dùng để biểu thị một số ý nghĩa bổ sung. Thí dụ: Ngữ điệu hỏi. Bằng ngữ điệu anh ấy tỏ thái độ không bằng lòng”. [15;673] Giọng văn (thơ) có quan hệ với giọng điệu, ngữ điệu của lời nói, nhưng hai khái niệm này không phải là một. Giọng văn (thơ) là phạm trù của thi pháp học, còn ngữ điệu thuộc về ngôn ngữ học. Đồng thời, cũng cần hiểu rằng, yếu tố giọng điệu không tách rời mà liên quan chặt chẽ với các yếu tố khác để tạo nên giá trị tác phẩm. Từ những nét cơ bản về giọng điệu, chúng tôi khảo sát “giọng điệu thơ văn Nguyễn Đình Chiểu” dựa vào quan điểm của các nhà nghiên cứu trong Từ điển thuật ngữ văn học và trên bình diện thi pháp học. Nghĩa là, tìm hiểu “giọng điệu thơ văn Nguyễn Đình Chiểu” từ thái độ, tình cảm, lập trường tư tưởng đạo đức, …, cũng như các nguyên tắc tổ chức hình thức thơ (lời thơ, nhịp thơ, hơi văn, nhạc điệu, …) của Cụ Đồ Chiểu. 1.3. Khái niệm 1.3.1. Giọng điệu văn chương Giọng điệu là một trong những yếu tố nghệ thuật có ý nghĩa nhất trong thi pháp cũng như phong cách nhà văn. Giọng điệu văn chương vừa cho phép người đọc nhận ra vẻ riêng nghệ sĩ, vừa có ý nghĩa như một tiêu chí xác định tài năng nhà văn. Người nghệ sĩ có tài năng phải tạo ra được một giọng điệu đặc trưng trong sáng tạo nghệ thuật của họ. 1.3.2. Giọng điệu văn chương trung đại Nhìn một cách tổng quát, tính quy phạm của văn học trung đại thể hiện ở các phương diện cơ bản. Về quan niệm, văn học trung đại đề cao mục đích giáo huấn, tôn thờ tư tưởng “trung quân ái quốc”. Về tư duy nghệ thuật: văn học trung đại ưa tìm đến những khuôn mẫu nghệ thuật được coi là “vàng ngọc”. Về mặt thể loại, văn học trung đại chủ trương niêm luật chặt chẽ, đúng quy cách. Về mặt ngôn ngữ, văn học trung đại ưa tìm đến cách nói trang nhã, hay sử dụng điển tích, điển cố… Các nhà thơ trung đại hướng về lời dạy của Thánh hiền, chí của họ, đức của họ là chí, đức của bậc quân tử. Trong quan hệ với thiên nhiên, các nhà thơ cổ điển nhìn thấy các biểu tượng đạo đức trong đó: tùng, bách biểu thị bản lĩnh của bậc quân tử, hoa mai biểu hiện khí tiết, hoa sen biểu thị thanh tao, vầng trăng biểu thị sự trong sáng. Từ trên các phương diện cơ bản đó, các thi nhân trung đại chủ yếu tập trung “làm thơ” hơn là sáng tác thơ. Trên nền chất liệu và công thức có sẵn, họ như những người thơ trong xưởng thợ, khéo léo đánh cờ đúng theo “luật chơi”. Không có ý thức bộc lộ , giải phóng cá tính, không coi cá nhân như một giá trị tự thân, chủ yếu chú ý đến cộng đồng, văn học trung đại là văn học của chữ “ta”. Yếu tố giọng điệu của chủ thể sáng tạo dù đã xuất hiện trong thơ trữ tình trung đại thể hiện ý thức quẫy đạp của các nhà thơ khỏi những ràng buộc quy phạm đã có từ ngàn năm, song nhìn chung chưa thật rõ nét. Nhà thơ trung đại đã thực hiện những cuộc giao tiếp “gián cách”, vì thế giọng điệu chủ thể thường ẩn kín sự “kín đáo” ấy còn xuất phát từ nguyên tắc xây dựng hình tượng con người trong thơ trung đại. Nhìn lại chặng đường văn học trung đại đến thế kỉ XIX, với Nguyễn Công Trứ, Bà Huyện Thanh Quan, Cao Bá Quát, những người cùng thời với Nguyễn Đình Chiểu như: nhà thơ yêu nước Phan Văn Trị, Bùi Hữu Nghĩa, … các sáng tác của họ tuân theo tính quy phạm của văn học trung đại, giọng điệu thể hiện một cách kín đáo, thâm trầm. Nguyễn Đình Chiểu xuất thân từ “Cửa Khổng sân Trình” nên có sự ảnh hưởng ít nhiều, nhưng giọng điệu thơ văn của Cụ Đồ Chiểu đa dạng, khi thì thâm trầm kín đáo, gián cách, khi thì trực tiếp sôi nổi, hùng hồn. 1.4. Thơ Nguyễn Đình Chiểu- sự kết hợp truyền thống và đổi mới trên một số lĩnh vực hình thức thơ 1.4.1. Lời thơ Các nhà thơ, nhà văn trung đại thường kí thác tâm sự của mình qua lời thơ, lời văn. Chính vì thế, khi đọc cảm thụ một tác phẩm văn học cũng có nghĩa là cảm nhận tư tưởng, tình cảm của người viết. Ai trong mỗi chúng ta đều phải rơi lệ cho cuộc đời lưu lạc Thúy Kiều. Chúng ta vui buồn cùng với nỗi vui buồn của nàng, ta đau đớn khi thấy cô Kiều bị hành hạ, đánh đập tàn nhẫn bởi bọn “mua thịt buôn người”: Tú Bà, Sở Khanh; bọn “mặt sắt đen sì” Hồ Tôn Hiến, sai nha… Để rồi trước bao bất hạnh đoạn trường của nàng Kiều, chúng ta cũng gật đầu đồng tình với Nguyễn Du khi ông đưa ra lời nhận định đậm chất nhân đạo về thân phận của người phụ nữ tài sắc trong xã hội cũ: “Đau đớn thay phận đàn bà, Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung” (Truyện Kiều) Không chỉ thế, người đọc cũng phải rơi nước mắt khi đọc những bài thơ, bài văn tế của Phạm Thái, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm … với bao nỗi niềm chất chứa trong đó. Nối tiếp truyền thống đó, Nguyễn Đình Chiểu đã dùng văn thơ để bày tỏ nỗi lòng, làm vũ khí chiến đấu mà “đâm mấy thằng gian”. Mỗi câu thơ, mỗi lời văn đều là mỗi giọt máu nhỏ ra từ trái tim đỏ thắm tình yêu nước. Trước cảnh quê hương lầm than, triều đình bạc nhược, Cụ Đồ Chiểu chỉ còn biết hy vọng vào những “trang dẹp loạn”. Và cái chết của Trương Định, Phan Tòng là sự hụt hẫng, tuyệt vọng về niềm tin một ngày kia “trời âu ca hiệp một nhà” của Cụ. Nhưng trên cả sự tuyệt vọng ấy là niềm thương cảm xót xa trước sự hy sinh của những vị anh hùng dân tộc. Nguyễn Đình Chiểu khóc cho cái chết của những trang anh hùng hy sinh cũng là khóc cho tương lai đất nước. Nỗi niềm của nhà thơ còn thể hiện ở chỗ mong có một vị minh quân xây dựng lại trật tự xã hội công bằng, mơ ước cuộc sống ấm no hạnh phúc, nên kết thúc tác phẩm bao giờ cũng có hậu. Ở hầu hết các truyện Nôm đều có kết cấu: gặp gỡ - tai biến – đoàn viên. Số phận các nhân vật được định đoạt theo triết lí: “thiện giả thiện báo, ác giả ác báo”. Nguyễn Đình Chiểu đã kế thừa những thành tựu của văn học trung đại trước đó, đồng thời ông cũng góp phần vào kho tàng văn học nước nhà những sáng tác hoàn toàn độc đáo mới mẻ. Ta thấy có sự đổi mới trong các truyện thơ của ông. Đối với Nguyễn Đình Chiểu truyện Nôm là hình thức gần gũi, quen thuộc để gởi gắm tất cả tình cảm, cảm xúc, quan niệm cuộc đời. Các truyện thơ của Nguyễn Đình Chiểu là những truyện kể - những câu chuyện mà người nghệ sĩ trình diễn, sẽ trực tiếp nói, ngâm, kể trước đám đông lao khổ. Khi được trình bày ở những nơi tụ hội đông người, không khí cộng đồng sẽ giúp cho tác phẩm thoát lộ hết mọi ưu điểm, tính chất, đặc trưng của thể loại. Những câu chuyện về trung hiếu tiết hạnh, nỗi khát khao về lẽ công bằng, lòng nhân ái… rất cần đến sự thông cảm của nhiều người. Trong truyện của Nguyễn Đình Chiểu, lời văn thường được tổ chức theo lối gián tiếp. Nghĩa là ở đây, tất cả, từ việc miêu tả các sự kiện, cảnh vật, suy tư của nhân vật, cho đến lời đối thoại đều được trình bày thông qua lời kể của tác giả - người kể chuyện. Nhân vật của ông đối thoại rất nhiều, tỉ lệ rất cao, song lời thoại ấy không phải là một hình tượng được mô tả mà chỉ là một thông báo. Lời đối thoại giữa các nhân vật ở đây đã bị bỏ mất phần lớn giá trị biểu cảm, chỉ còn lại các thông tin về sự việc và nó thể hiện lên trong tác phẩm thông qua lời kể lại. Tác giả lên tiếng “nói hộ”, phát ngôn thay cho tất cả bằng giọng điệu của mình. Chính vì điều đó, thơ văn Nguyễn Đình Chiểu đã mang tính chất tự truyện chất chứa nhiều hoài bão, ước mơ thầm kín. Lục Vân Tiên và Kỳ Nhân Sư là hình bóng, mơ ước của Cụ. Lục Vân Tiên khóc mẹ mù mắt, những cảnh lang thang, phiêu dạt, gặp thầy thuốc, thầy cúng, thầy bói lừa đảo… được xây dựng, sắp xếp diễn biến tự nhiên. Người mù được thuốc tiên chữa khỏi lại ra phò vua giúp nước là lí tưởng lúc trẻ của Nguyễn Đình Chiểu. Kỳ Nhân Sư tự xông mù mắt, giỏi nghề thuốc, vui thú thiên nhiên, sống hòa quyện trong sự quý mến của mọi người xung quanh. Nhân vật hài lòng với cuộc sống và giữ trọn đạo đức cũng là ước ao theo lý tưởng lúc già của Cụ Đồ Chiểu. Lời thơ trong tác phẩm Nguyễn Đình Chiểu mang âm hưởng văn hóa dân gian, ông đã đưa nhiều ca dao, tục ngữ, thành ngữ, hình ảnh gần gũi với đời sống nhân dân, đã làm cho lời thơ không cứng nhắc, gò bó. Nguyễn Đình Chiểu đã đưa lời ăn tiếng nói hàng ngày của nhân trong thơ văn của mình. Chính những từ ngữ mang tính địa phương đã tạo nên một không khí đặc biệt nhưng nôm na đến mức thật thà, chân chất, đồng thời đó là nhân tố quan trọng góp phần đưa thơ văn Nguyễn Đình Chiểu đi vào một cách tự nhiên, trở nên phổ biến rộng rãi trong đời sống quần chúng nhân dân. 1.4.2. Nhạc điệu Cụ Đồ Chiểu vốn xuất thân từ “cửa Khổng sân Trình” nên tư tưởng của Cụ thấm nhuần tư tưởng Nho giáo, trong các sáng tác của mình Cụ Đồ Chiểu đã đề cao quan niệm về trung, hiếu, tiết, hạnh giống như Nho giáo đã đề ra. Và cũng vì thế, trong sáng tác Nguyễn Đình Chiểu đã tuân thủ nghiêm ngặt các yếu tố của hình thức thơ trung đại như các luật của thơ Đường. Như chúng ta biết, văn chương trung đại không chỉ giàu chất trữ tình mà còn rất phong phú về nhạc điệu. Nhạc điệu là phương tiện nghệ thuật để nhà thơ thể hiện cảm xúc của mình. Nó được thể hiện qua việc hài thanh, tức là cách bố trí các thanh bằng, trắc để tạo nên âm điệu du dương réo rắt hay khoan thai dìu dặt theo mức độ cảm xúc đang diễn ra trong tâm hồn thi sĩ. Kế thừa truyền thống đó, Nguyễn Đình Chiểu cũng rất chú ý đến nhạc điệu trong những bài thơ của mình. Trong các bài thơ Đường luật, hầu hết Nguyễn Đình Chiểu gieo vần bằng. Bởi vần bằng thường biểu hiện những tình cảm êm đềm, tha thiết. Điều này rất phù hợp với Nguyễn Đình Chiểu trong việc thể hiện tình yêu quê hương đất nước tha thiết, nồng nàn. Vì hình thức truyền đạt nói và kể, nên thơ Đường luật của Cụ Đồ Chiểu rất gần gũi với nhân dân, không có sự cứng nhắc về cách dùng từ, vần, luật, niêm, đối,…, và có sự phá cách để thể hiện tối đa nội dung cần diễn đạt. Bài thơ số VI trong liên hoàn thập thủ có cùng tựa đề “Thơ điếu Phan Tòng” là một ví dụ tiêu biểu: “Ba Tri từ vắng tiếng hơi chàng Gió thảm mưa sầu khá xiết than Vườn luống trông xuân hoa ủ dột Ruộng riêng sầu chủ lúa khô khan Bầy ma bất chính duồng làm nghiệt Lũ chó vô cố cung mắc nạn Người ấy vì ai ra cớ ấy Chạnh lòng trăm họ khóc quan Phan”. Theo quy tắc của thơ Đường luật: “Nhất, tam, ngũ bất luận; nhị, tứ, lục phân minh”. Nhưng trong bài thơ trên, chữ thứ tư của câu thứ sau cùng thanh với chữ thứ hai và thứ sáu (cùng thanh trắc). Mặt khác, bài thơ được viết theo luật bằng, thì chữ thứ bảy của câu thứ sáu lẽ ra phải là vần bằng nhưng ở đây Nguyễn Đình Chiểu lại gieo vần trắc “nạn”. Dụng ý phá cách và đưa một loạt những tiếng có thanh trắc: lũ, chó, cố, mắc, nạn vào một câu thơ làm cho số âm tiết mang thanh trắc chiếm gần toàn bộ câu thơ đễ diễn tả nỗi uất ức, phẫn nộ về sự vô lý đang xảy ra trước mắt Cụ Đồ Chiểu. 1.4.3. Nhịp thơ Bên cạnh đó, trong thơ còn có sự chuyển đổi nhịp thơ tùy theo hoàn cảnh. Nhịp thơ của Nguyễn Đình Chiểu phần nhiều là khoan thai, chầm chậm, nhất là khi diễn tả những nỗi chờ mong khắc khoải: “Hoa cỏ ngùi ngùi ngóng gió đông”, nhưng cũng có khi nhà thơ tạo những câu thơ với nhịp điệu dồn dập, gấp rút trong những trường hợp cần thiết như cảnh chạy giặc hỗn lộn, nhốn nháo – nhịp điệu thơ gấp rút hòa theo nhịp bước chân của dân chúng chạy loạn: “Bỏ nhà lũ trẻ lơ xơ chạy/ Mất ổ bầy chim dáo dác bay”. Hoặc trong trường hợp thể hiện khí thế chiến đấu của nghĩa quân, khi xông trận mạc, “chí dốc đoạn kình ra tay bộ hổ”, đem thân bách chiến, sẵn sàng “da ngựa bộc thây”: “… Kẻ đâm ngang, người chém dọc, làm cho mã tà ma ní hồn kinh; Bọn hè trước, lũ ó sau, trối kệ tàu sắt tàu đồng pháo nổ”. Nhịp thơ còn góp phần thể hiện thái độ quyết không đội trời chung với giặc của Nguyễn Đình Chiểu, của chiến sĩ yêu nước: “Bờ cõi xưa/ đà chia đất khác/ Nắng sương nay há đội trời chung”. Cách ngắt nhịp 3-4 tạo thành một biến tấu đầy rung động thể hiện sự căm thù uất hận, vang lên như một lời thề nung nấu bất hợp tác với kẻ thù. Một trong yếu tố góp phần làm cho thơ văn Nguyễn Đình Chiểu đổi mới theo hướng hiện đại và đạt giá trị nghệ thuật cao phải kể đến giọng điệu. Trong thơ văn Cụ Đồ Chiểu, ta thấy có sự chuyển giọng linh hoạt. Giọng như khuyên như răn khi giáo huấn đạo đức làm người, khi phê phán hay chế giễu lũ người bán nước và cướp nước được thể hiện một cách kín đáo, giọng điệu thâm trầm nhưng không kém phần rắn rỏi, cương quyết. Chất giọng hùng hồn, cảm khái khi kêu gọi nhân dân đánh giặc cứu nước. Dù sống trong hoàn cảnh tăm tối nhưng giọng thơ của Cụ Đồ tràn đầy lạc quan, tin tưởng vào vận mệnh tốt đẹp của đất nước, của dân tộc. Qua đó, ta thấy sự kế thừa những thành tựu truyền thống quý báu của văn học trong giai đoạn trước, và sự đổi mới theo hướng hiện đại đã làm cho thơ văn Nguyễn Đình Chiểu gần gũi với quần chúng nhân dân, Nguyễn Đình Chiểu đã thay nhân dân bộc lộ tâm tư, tình cảm của họ, đồng thời đã tạo cho thơ văn Nguyễn Đình Chiểu một nét riêng đặc biệt mà không thể lẫn lộn với bất kỳ nhà văn, nhà thơ nào khác. Chương 2 TÍNH CHẤT TRỮ TÌNH, ĐA THANH, NHIỀU CUNG BẬC TRONG GIỌNG ĐIỆU THƠ VĂN NGUYỄN ĐÌNH CHIỂU 2.1. Giọng trữ tình đạo đức 2.1.1. Giọng triết lí, trải đời Nguyễn Đình Chiểu xuất thân từ một gia đình nhà Nho và được đào tạo dưới môi trường Nho học. Ông lại sống dưới chế độ phong kiến triều Nguyễn, một triều đại tôn sùng đạo Nho đến tột mức. Trong tình hình ấy, Nguyễn Đình Chiểu không thể tránh khỏi sự ràng buộc của hệ tư tưởng nho giáo, càng không thể không vận dụng các khái niệm của Nho giáo để diễn đạt tư tưởng của mình. Nhưng điều lưu ý là ông đã đưa một nội dung đầy tính nhân dân và dân tộc vào trong các khái niệm Nho giáo. Nguyễn Đình Chiểu đã cầm bút viết văn chương đạo đức theo hướng lấy việc tuyên truyền đạo đức làm mục đích trực tiếp của văn chương. Quan niệm “văn dĩ tải đạo” được Cụ Đồ không chỉ thể hiện rõ trong quan niệm cầm bút của mình: “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm, Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”. (Dương Từ - Hà Mậu) Mà còn thể hiện rõ trong việc đề cao đạo làm người: “Đạo trời nào phải đâu xa, Gẫm ở lòng người mới thấy ra”. (Dương Từ - Hà Mậu) Trên cương vị của một nhà thơ, cái sâu sắc, thâm thúy trong thơ ông chính là chỗ chê khen, biểu dương và phê phán, thương ghét rõ ràng, chánh tà minh bạch, hợp đạo lý, thuận tình người, theo đúng chuẩn mực văn hóa Việt Nam. Nên trong sáng tác, Nguyễn Đình Chiểu đã đặt ra cho mình và cho người nghe một mục tiêu rõ ràng, đó là giáo huấn. Tác phẩm của ông viết ra không phải để tiêu nhàn, mà nhằm răn đời, để hướng đạo cho mọi người. Bởi thế, ngay từ câu mở đầu ở các tác phẩm, giọng điệu giáo huấn đã được cất lên một cách công khai: “Hỡi ai lẳng lặng mà nghe, Dữ răn việc trước lành dè thân sau”. (Lục Vân Tiên) Hoặc là: “Coi rồi chuyện cũ chư gia, Lòng vì đạo học chép ra để đời” (Dương Từ - Hà Mậu) Ngay từ những dòng đầu tiên, người kể chuyện đã xuất hiện với một giọng điệu xác định. “Hỡi ai lẳng lặng mà nghe” - lời giáo huấn ấy được thể hiện từ giọng điệu của người từng trải, đã nghiền ngẫm nhiều về lẽ đời, được thể hiện một cách nghiêm nghị, trang trọng nhưng cũng rất tha thiết, rất chân thành. Nhân dân không chỉ nghe, mà phải nghiền ngẫm, suy nghĩ, vận dụng ứng xử trong cuộc sống của mình. Sự sâu sắc, trí tuệ trong những lời giáo huấn đạo đức còn được thể hiện xuyên suốt nội dung tác phẩm, trong việc thể hiện quan niệm Nho giáo của mình. Nên khi đọc Nguyễn Đình Chiểu, dù là Lục Vân Tiên, Ngư Tiều y thuật vấn đáp, Dương Từ - Hà Mậu hay thơ văn yêu nước chống Pháp, ta thấy tuy quan niệm về trung, hiếu, tiết hạnh, nhân nghĩa giống như quan niệm đạo đức Nho giáo, nhưng các quan niệm đó rất bình dị, nó mang một nội dung đời sống, nội dung đạo đức có tính nhân dân rõ rệt: “Mến nghĩa bao đành làm phản nước, Có nhân nào nỡ phụ tình nhà”. (Dương Từ - Hà Mậu) Lời giáo huấn đó rất gần gũi với nhân dân, gắn liền với những yêu cầu của nhân dân và thời đại, và được Cụ Đồ nhấn mạnh trên hai ý nghĩa cơ bản: một là nhân nghĩa phải biểu hiện thành việc làm điều thiện nhằm cứu giúp người khác ra khỏi khó khăn, hoặc bảo vệ hạnh phúc của người khác trong cơn nguy biến. Hai là nhân nghĩa phải góp phần duy trì sự hòa thuận êm đẹp trong gia đình và bảo vệ cuộc sống yên vui trong độc lập và tự do của đất nước, trước hết là bảo vệ Tổ quốc khi có giặc ngoại xâm. Nên khi thực hiện đạo đức nhân nghĩa, Nguyễn Đình Chiểu đã Việt hóa, nhào nặn lại tư tưởng của đạo Nho, đã tiếp thu một cách sáng tạo phù hợp với nguyện vọng của nhân dân. Trong tác phẩm có đặt ra vấn đề trung, hiếu, tiết nghĩa nhưng không còn theo lý thuyết Nho giáo gò bó, áp đặt cứng nhắc, cực đoan theo kiểu phong kiến mà được khúc xạ đến mức khó nhận ra, nhân dân dễ hiểu, dễ vận dụng trong cuộc sống đời thường. Ông quan niệm rằng đạo “trung quân” là cần thiết cho mọi người: “Trai thời trung hiếu làm đầu, Gái thời tiết hạnh là câu trau mình”. (Lục Vân Tiên) Xuất thân từ Nho học, sống dưới vòm trời đen nghịt của chế độ phong kiến, Nguyễn Đình Chiểu không thể đi ra ngoài cái quan niệm cố hữu cho rằng một xã hội phải có vua, và bất cứ một người thần dân nào cũng phải coi việc trung với vua là một nghĩa vụ, một nguyên tắc chính trị và đạo đức tối cao của mình. Nhưng ông đòi hỏi một ông vua được mọi người tôn thờ phải là ông vua hiền tài thương dân yêu nước. Ông vua ấy phải tượng trưng cho hạnh phúc của nhân dân và nền độc lập tự chủ của đất nước, và phải biết nghiêng mình xuống cứu vớt những con người sống trong đau khổ và hoạn nạn, và nhất là phải biết cùng toàn dân bảo vệ Tổ quốc khi có giặc xâm lăng. Trong suốt đời mình, nhất là khi đất nước bị giày xéo, ông tha thiết mong đợi một ông vua như thế. Ông phê phán những ông vua xấu, vua ác làm hại dân tình: “Quán rằng: ghét việc tầm phào Ghét cay ghét đắng, ghét vào tận tâm Ghét đời Kiệt, Trụ mê dâm Để dân đến nỗi sa hầm sẩy hang Ghét đời U, Lệ đa đoan, Khiến dân luống chịu lầm than muôn phần Ghét đời Ngũ bá phân vân, Chuộng bề dối trá làm dân nhọc nhằn Ghét đời Thúc quý phân băng, Sớm dầu tối đánh lằng nhằng hại dân…” (Lục Vân Tiên) Ở Nguyễn Đình Chiểu, khái niệm “trung” thường gắn với khái niệm “hiếu”. Nhưng qua sự vận dụng của ông, khái niệm hiếu của Nho giáo cũng do ông nhắc nhở và trở nên gần gũi với nhân dân hơn: “Làm trai ơn nước nợ nhà, Thảo cha, ngay chúa mới là tài danh”. (Lục Vân Tiên) Chữ “hiếu” của Nguyễn Đình Chiểu không cứng nhắc, ít nhấn mạnh vào sự phục tùng mù quáng của con cái đối với cha mẹ như trong giáo điều của đạo Nho. “Hiếu” ở ông là lòng biết ơn, tôn kính cha mẹ, là trách nhiệm trông nom săn sóc cha mẹ với tất cả tình cảm sâu nặng của người con. Đạo lý ấy được xem như mẫu mực xử thế của mọi người trong xã hội. Sự vận dụng mấy khái niệm Nho giáo trên ở Nguyễn Đình Chiểu cũng đủ chứng minh rằng, ngay khi Nho giáo đã lỗi thời, một người trí thức đứng trên quan điểm và lập trường nhân dân vẫn có khả năng đưa vào những khái niệm của Nho giáo những giá trị cao đẹp vốn nảy sinh trong cuộc sống của đông đảo quần chúng lao động. Điều quan trọng là khi giáo huấn, giọng điệu của Cụ Đồ không hề cao đạo hay lên lớp, thể hiện ngay cả những lời động viên hay phê phán. Nguyễn Đình Chiểu giảng giải, khuyên răn mọi người theo chính đạo, không nên lầm đường lạc lối theo tà đạo: “Nhớ câu thiện ác đáo đầu, Làm lành gặp phước sách đâu có lầm”. (Dương Từ - Hà Mậu) Khi phê phán những người lầm đường lạc lối, Cụ Đồ giải thích là họ chưa tìm thấy chính đạo, họ chỉ mê muội nhất thời có thể khuyên răn sửa đổi họ, bởi bản chất con người là “nhân chi sơ tính bổn thiện”, Nguyễn Đình Chiểu đã nêu gương, đưa ra những quan niệm gần gũi với đời sống hàng ngày để họ dễ dàng nhận thức được, lời lẽ không có gì cao xa hoa mỹ: “Ai từng mặc áo không bâu, Ăn cơm không đũa, ăn trầu không cau”. (Lục Vân Tiên) Đối với những người lầm đường theo giặc, Nguyễn Đình Chiểu vừa giận lại vừa thương, Cụ Đồ đã khuyên răn nhiều hơn là chửi bới. Cụ giải thích cho mọi người thấy rõ sống với Tây, sống theo Tây là một cuộc sống cực kỳ thảm hại: “Sống làm chi theo quân tả đạo, quăng vùa hương, xô bàn độc, thấy lại thêm buồn; Sống làm chi ở lính mã tà, chia rượu lại, gặm bánh mì, nghe càng thêm hổ”. (Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc) Nguyễn Đình Chiểu vạch rõ cái tương lai đen tối của những kẻ làm chó săn, chim mồi cho giặc, và phân tích rõ lẽ thiệt hơn cho chúng: “Thà thác mà đặng câu địch khái, về theo tổ phụ cũng vinh. Hơn còn đầu Tây, ở với man di rất khổ”. (Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc) Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, Nguyễn Đình Chiểu bước vào cuộc kháng chiến cứu nước, cũng với cách nhìn nhận sự việc lành mạnh và dứt khoát như ông đã thể hiện trong truyện thơ Lục Vân Tiên. Nguyễn Đình Chiểu đã nhìn nhận về cuộc kháng chiến cứu nước thấm đượm một chủ nghĩa yêu nước thiết tha sôi nổi. Đó là chủ nghĩa yêu nước được xây dựng trên nền tảng của lòng thương dân vô hạn, một lòng thương dân đã hình thành trong suốt cuộc đời gần gũi và gắn bó của ông với nhân dân. Đây không phải là lòng thương dân của những người trí thức quý tộc có thiện ý nghiêng mình xuống thông cảm với quần chúng nghèo khổ ở phía dưới, mà thực sự là lòng thương dân của một người trí thức cùng cảnh ngộ, cùng lập trường và quan điểm với nhân dân. Quan điểm yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu đã thể hiện rõ là lấy dân làm gốc, nên đáng lẽ phải theo hòa ước của triều đình đã ký mới gọi là người trung. Nhưng trung với vua, không thể bằng trung với dân được. Triều đình cắt đất nhượng cho Pháp, nhưng nhân dân nhất định chiến đấu giành lại. Vì thế, Nguyễn Đình Chiểu phải theo quan niệm chân chính của Thánh hiền là “dĩ dân vi bản” khi nhận được lời mời ra giúp anh hùng Trương Công Định: “Bởi lòng chúng chẳng nghe thiên tử chiếu, đón ngang mấy dặm mã tiền; Thương bụng dân phải chịu Tướng quân phò, gánh vác một vai khổn ngoại”. (Văn tế Trương Định) Nguyễn Đình Chiểu tin tưởng vào sức chiến đấu của nhân dân, động viên đến triệt để tinh thần chiến đấu của nhân dân: “Sống đánh giặc, thác cũng đánh giặc, linh hồn theo giúp cơ binh, muôn kiếp nguyện được trả thù kia; Sống thờ vua, thác cũng thờ vua, lời dụ dạy đã rành rành, một chữ ấm đủ đền công nọ”. (Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc) Những lời kêu gọi chiến đấu bảo vệ Tổ quốc trên của Nguyễn Đình Chiểu rất thấu lí, đạt tình. Không chỉ kêu gọi suông, lý thuyết rập khuôn mà Cụ Đồ còn chỉ rõ những triết lý hành động. Trong các bài thơ Đường luật, các bài văn tế, Nguyễn Đình Chiểu đã cố gắng công phu để tuyên truyền cho đồng bào phải cùng nhau đứng lên cứu nước giết giặc, phải thấy sự ra đầu hàng hay hợp tác với thực dân là cả một điều bôi lọ cho phẩm giá con người. Nhân dân tuy xưa nay chỉ biết có cấy cày, chưa bao giờ đi tới chỗ trường nhung, song cứ tiến, dao phay cũng chém được đầu giặc, nùi rơm cũng được đốt được trại giặc, “bọn hò trước, lũ ó sau” cũng không sợ gì tàu thiết tàu đồng, kẻ đâm ngang người chém dọc, cũng không lo gì bọn “mã tà ma ní”. Cái oán cừu này, Nguyễn Đình Chiểu nghĩ rất đúng vì nguyên do của nó là ở bọn cướp nước. Theo Cụ, nhân dân phải đứng lên, tiến hành chiến tranh cứu nước, bảo vệ độc lập của dân tộc vì đó là một việc làm “chi nhân đại nghĩa”. Bất cứ một con người có lương tâm, biết lẽ phải đều phải làm như vậy. Đứng trước tình cảnh ấy, các sĩ phu phải làm cho: “Tiếng đồn trung nghĩa đến xa, Thôi giữ cương thường làm chắc”. (Văn tế trận vong Lục tỉnh) Sự sâu sắc của Nguyễn Đình Chiểu ở chỗ ông đã thấy và chỉ cho mọi người dân sự bất hạnh của nước nhà cũng chính là bất hạnh của mỗi người. Và đã là con dân của nước không thể khoanh tay đứng nhìn, đã sinh ra làm người tất phải: “Cơm áo đền bồi ơn đất nước, Râu mày giữ vẹn đạo tôi con”. (Thơ điếu Phan Tòng) Nếu có thác đi chăng nữa, cũng còn danh thơm để đời, chớ không mang tiếng là loạn thần, tặc tử: “Biết đạo khác bầy con mắt tục Dạy dân nắm giữ tấm lòng công Đặng danh vừa rạng bề nhà cửa Vì nghĩa riêng đền nợ núi sông” (Thơ điếu Phan Tòng – I) Lời văn truyền cảm của Cụ Đồ, đã có sức động viên thuyết phục, tuyên truyền đối với mọi người, kích thích lòng yêu nước, yêu đồng bào, chí căm thù giặc sâu sắc và gây được lòng tin vững chắc cho mọi người dân. Dù là một người nông dân bình thường nhưng trọng nghĩa cả vẫn giết được giặc, dù chúng có súng to, súng nhỏ, tàu đồng, tàu thiết. 2.1.2. Giọng nhẹ nhàng, gián tiếp Trong xã hội giao thời, trước thực trạng phong hóa suy đồi, thời thế đảo điên, nảy ra biết bao cảnh tượng đáng chỉ trích. Giai cấp phong kiến tan rã, phơi bày tất cả bộ mặt xấu xa thuộc về bản chất của chúng. Trong hàng ngũ quan lại, ngoài một số bắt được rễ dân tộc, đứng lên anh dũng chống Pháp, một số không chịu hợp tác với Pháp, phần nhiều là những kẻ buôn dân bán nước, hám danh trục lợi, đua nhau nhảy toát lên địa vị cao sang, nghiễm nhiên trở thành tầng lớp quý tộc mới trông thật vênh váo, hóm hĩnh. Nguyễn Khuyến đã sớm nhận ra thực tại xã hội “Vua chèo còn chẳng ra gì/ Quan chèo vai nhọ khác chi thằng hề”, bộ mặt của bọn chúng chẳng khác nào những món đồ chơi trẻ con. Bằng bút pháp hiện thực với một giọng điệu trào phúng sâu sắc, Nguyễn Khuyến đã phơi bày những tội ác của thực dân Pháp và bọn quan lại xấu xa, đã đẩy hàng vạn người dân vô tội đến chốn “ma thiêng nước độc”: “Bà quan tênh nghếch xem bơi trải Thằng bé lom khom nghe hát chèo Cậy sức cây đu nhiều chị nhún Tham tiền cột mỡ lắm anh leo Khen ai khéo vẽ trò vui thế Vui thế bao nhiêu nhục bấy nhiêu” (Hội Tây) Tú Xương sắc sảo và quyết liệt hơn, xem bọn quan lại là một “phường nhơ” bởi bộ dạng bọn chúng quá bẩn thỉu: “Bấy lâu chơi rặt với phường nhơ/Quen mặt ưa nhìn chả biết dơ”. Tú Xương đã bày tỏ thái độ của mình đối với xã hội đương thời bằng giọng điệu trào phúng, bông phèng nhưng không kém phần xót xa: “Lôi thôi sĩ tử vai đeo lọ, Ậm ọe quan trường miệng thét loa. Cờ kéo rợp trời quan sứ đến, Váy lê quét đất mụ đầm ra”. (Vịnh khoa thi năm Mậu Tý) Với ngòi bút châm biếm sâu sắc ấy, Tú Xương đả kích bọn thực dân Pháp không khoan nhượng, vạch trần thói gian ác, bần tiện, những tên thực dân xuất hiện với dáng vẻ rất buồn cười: “Trên ghế bà đầm ngoi đít vịt Dưới sân ông cử ngẩng đầu rồng” (Vịnh khoa thi Hương năm Đinh Dậu) Khác với Nguyễn Khuyến, Tú Xương …, giọng điệu phê phán, chế giễu của Nguyễn Đình Chiểu mang vẻ thâm trầm, nhẹ nhàng, độ lượng nhưng không kém phần sâu sắc. Bằng tấm lòng nhân đạo sâu sắc và sự xem trọng đề cao tinh thần trách nhiệm của người lương y “thấy người đau như thấy mình đau”. Nguyễn Đình Chiểu đã chế giễu sự khoác lác, bịp bợm của bọn lang băm, thầy bói, thầy pháp… và chỉ rõ mục đích thực dụng của chúng. Với bộ mặt “giả nhân giả nghĩa”, bọn chúng lừa dối hay lợi dụng người bệnh để “Lấy tiền ăn trước cuốn đường chạy sau”, đối với chúng đồng tiền cao hơn mạng sống con người, đồng tiền phải đi trước: “Có ba lạng bạc trao sang Thì thầy sắm sửa lập đàn chạy cho”. (Lục Vân Tiên) Tình cảnh khốn khó của nhân dân và đất nước dưới ách đô hộ của giặc ngoại xâm đều được lịch sử và văn học ghi nhận qua mỗi giai đoạn biến cố của dân tộc. Nguyễn Trãi với giọng văn hùng hồn, mạnh mẽ đã từng khắc họa một bức tranh khái quát về tội ác chồng chất, hủy diệt tột cùng của giặc Minh, đến nỗi “trúc Nam Sơn cũng không ghi hết tội”, “nước Đông Hải không rửa hết mùi”: “Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ” (Bình Ngô đại cáo) Đến khi thực dân Pháp đặt gót giày xâm lược lên đất nước ta, Nguyễn Đình Chiểu đã ghi tiếp tội ác của chúng vào trang sử của dân tộc. Cụ Đồ đã tố cáo tội ác ngất trời của kẻ thù qua cảnh chạy giặc của nhân dân, cảnh tang thương của đất nước: “Bỏ nhà lũ trẻ lơ xơ chạy, Mất ổ đàn chim dáo dác bay. Bến Nghé của tiền tan bọt nước, Đồng Nai tranh ngói nhuốm màu mây”. (Chạy giặc) Giọng thơ nhẹ nhàng nhưng không kém phần cứng cỏi, một mặt đã tố cáo mạnh mẽ tội ác của bọn man di mọi rợ, mặt khác làm giảm đi phần nào sự bi thương mất mác của nhân dân. “Một bàn cờ thế phút sa tay” khi tiếng súng Tây bất ngờ nổ ra trong phút chốc mà nhịp sống yên bình của nhân dân thay đổi hoàn toàn. Dân tình hoảng loạn và kinh hoàng đến cực độ. Bến Nghé, Đồng Nai trong thế kỉ 19 vốn đã là vựa lúa và nơi buôn bán sầm uất trên bến dưới thuyền, thế mà chỉ trong khoảnh khắc đã bị giặc Pháp tàn phá tan hoang. Tiền của, tài sản của nhân dân ta bị giặc cướp phá sạch “tan bọt nước”. Nhà cửa xóm làng quê hương bị đốt cháy, lửa khói nghi ngút “nhuốm màu mây”, tiếng kêu rên xiết khắp nơi. Trước cảnh tình ấy, nhân dân khắp nơi đã đứng lên đấu tranh chống kẻ thù với ngọn tầm vông trong tay, họ chiến đấu hoàn toàn tự nguyện “nào đợi ai đòi, ai bắt”, “chẳng thèm trốn ngược trốn xuôi”, họ xem cái chết vì chính nghĩa như: “Một chắc sa trường rằng chữ hạnh, nào hay da ngựa bọc thây”. (Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc) Giọng điệu tuy bộc lộ một cách kín đáo, nhẹ nhàng nhưng hết sức rắn rỏi, cương quyết. Mượn sự hy sinh của nghĩa quân, Nguyễn Đình Chiểu phê phán sự vô trách nhiệm của bọn vua quan bán nước và triều đình: “Vì ai khiến dưa chia khăn xé, nhìn giang sơn ba tỉnh luống thêm buồn. Biết thưở nào cờ phất, trống rung, hỡi nhật nguyệt hai vầng sao chẳng đoái”. (Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc) Là một nhà Nho sống có đạo lý, lại mang nặng tư tưởng Nho giáo, Nguyễn Đình Chiểu không cao giọng lên án, gay gắt với nhà vua, nhưng không phải không buộc tội kẻ đứng đầu trăm họ không làm tròn phận sự của mình. Hai từ “vì ai” đã thể hiện giọng điệu đặc trưng, vừa thể hiện sự đau xót, vừa là sự trách móc kín đáo của Cụ Đồ Chiểu đối với nhà vua và quan lại triều đình. “Vì ai” là một câu hỏi đặt ra mà tất cả nhân dân Nam kỳ lúc bấy giờ đều có câu trả lời, nhưng bọn quan lại và triều đình làm sao có thể lên tiếng trả lời trước tình cảnh khốn khổ của nhân dân. Bởi “vì ai”, có phải chăng chính là vì sự bạc nhược của triều đình, vì những “kẻ mang đai đội mũ ngất ngưỡng ngồi trên”, những “kẻ áo rộng khăn đen lúc nhúc lạy dưới” luôn tìm cách vơ vét, rút tỉa của dân. Vì bọn vua chúa quan lại đầu hàng, bán nước cầu vinh, để cho đất nước chia cắt, dân tình lầm than, khởi nghĩa thất bại, biết bao người dân phải bỏ oan mạng. Nhà thơ uất ức căm giận khi nhìn lũ vua quan mũ cao áo dài đều gần như một duộc, chỉ chống cự qua quít rồi quỳ lạy quân giặc xin hàng, xin cắt đất, chia dân, ngăn cản, đàn áp nhân dân khi nhân dân đứng lên chống giặc. Nguyễn Đình Chiểu mong mỏi “Chừng nào thánh đế ân soi thấu”, ra ơn hiểu thấu được lòng đất nước và con người để xuống một trận mưa thật to, thật thấm, rửa sạch hết tanh hôi cho núi sông, cây cỏ, con người. Nhưng đó là sự kì vọng vô vọng, Cụ Đồ đã phải đau xót phải thốt lên: “Hỡi trang dẹp loạn rày đâu vắng, Nỡ để dân đen mắc nạn này” (Chạy Tây) “Trang dẹp loạn” cũng là trang anh hùng hào kiệt. “Rày đâu vắng”: bữa nay đi đâu mà không thấy xuất hiện? Nhà thơ đặt ra câu hỏi “Hỡi trang dẹp loạn rày đâu vắng” vừa kêu gọi một cách nhẹ nhàng đầy sức thuyết phục, mong đợi người anh hùng tài giỏi ra tay đánh giặc cứu nước, cứu dân thoát khỏi cảnh lầm than, vừa trách móc quan quân triều đình “sao nở” hèn nhát, thất trận để giặc chiếm đóng quê hương, “để dân đen mắc nạn” gót giày ngoại xâm. Cụ đã mượn nhiều điển tích để thể hiện thái độ của mình một cách gián tiếp. Nguyễn Đình Chiểu đã gởi lời một cách khéo léo đến triều đình phong kiến bằng tích Chiêu Quân cống Hồ, tác giả đã mượn tiếng đàn ai oán của nàng Chiêu Quân khi lìa quê hương sang đất khách ngàn dặm xa xôi, để nhắc nhở nhà vua và quần thần hãy nghĩ đến dân đến nước đang lâm nguy: “Xin vua sang sửa an nhà nước, Hai chữ tri ân gởi gác vàng”. (Chiêu Quân Xuất Tái) Hay trong bài Ngựa Tiêu Sương, Nguyễn Đình Chiểu đã mượn tích con ngựa Tiêu Sương để nói lên tâm sự yêu nước cũng như nhắc nhở mọi người về tinh thần yêu nuớc, một lời cảnh tỉnh rất cần thiết khi hoàn cảnh đất nước đang có chiến tranh, thực dân Pháp đang dùng mọi thủ đoạn để mua chuộc sự ương hèn của kẻ bán nước: “Tiếng đồn ngàn dặm ngựa Tiêu Sương, Lầm đứa gian mưu nghĩ khá thương! Giậm vó chẳng màng ăn cỏ Tống Quày đầu lại hý nhớ tàu Lương Chẳng cho chủ khác ngồi mình cổ Thà chịu vua ta nắm khớp cương Ngựa nghĩa còn cưu nhà nước cũ Làm người sao nỡ phụ quê hương” (Ngựa Tiêu Sương) Ngựa Tiêu Sương là tên loài ngựa quí, rất khôn ngoan của nhà Lương bị bắt đem về nước Tống. Khi về Tống, ngựa nhớ chủ cũ, chẳng bao giờ chịu ăn cỏ Tống mà luôn quay hướng nhà Lương mà hí, sau đó nhịn ăn rồi chết. Bằng giọng nhẹ nhàng, kín
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan