Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Giáo dục - Đào tạo Cao đẳng - Đại học Khoa học xã hội Báo cáo chuyên đề khám phá khoa học trường mn liên bảo...

Tài liệu Báo cáo chuyên đề khám phá khoa học trường mn liên bảo

.DOC
10
4
71

Mô tả:

PHÒNG GD&ĐT VĨNH YÊN TRƯỜNG MẦM NON LIÊN BẢO CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Số: ...... / BC-TMN Độc lập - Tự do - Hạnh phúc Liên Bảo, ngày tháng năm 2019 (Dự thảo) BÁO CÁO KẾT QUẢ THỰC HIỆN Chuyên đề giáo dục phát triển nhận thức cho trẻ mẫu giáo 3-4 tuổi Tại trường mầm non Liên Bảo, năm học 2018-2019 Thực hiện Văn bản số 537/HC-GD ngày 19/9/2018 của Phòng GD &ĐT thành phố Vĩnh Yên về kế hoạch thực hiện nhiệm vụ giáo dục mầm non năm học 2018-2019; Căn cứ vào kết quả đạt được trong việc thực hiện nhiệm vụ; Trường Mầm non Liên Bảo báo cáo kết quả thực hiện chuyên đề giáo dục phát triển nhận thức cho trẻ mẫu giáo 3-4 tuổi năm học 2018-2019 của trường như sau: I. ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH 1. Lý do thực hiện chuyên đề Như chúng ta đã biết, mục tiêu của chương trình giáo dục mầm non là giúp trẻ phát triển toàn diện các lĩnh vực như: Phát triển nhận thức, phát triển thể chất, phát triển ngôn ngữ, phát triển thẩm mỹ và phát triển tình cảm- kỹ năng xã hội. Nhưng theo kết quả điều tra giáo dục mầm non của Việt Nam thì 50,7% trẻ mẫu giáo 5- 6 tuổi bị thiếu hụt ở ít nhất một lĩnh vực (như vậy trẻ độ tuổi nhỏ hơn khả năng thiếu hụt sẽ còn cao hơn rất nhiều). Đây là một vấn đề đáng báo động của giáo dục mầm non Việt Nam. Để thực sự nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, đã đến lúc cần phải có sự thay đổi, phải có sự nhất quán trong nhận thức và trong hành động, cụ thể là thực hiện chương trình giáo dục mầm non. Trong nhiều năm qua, trường Mầm non Liên Bảo đã chỉ đạo thực hiện chương trình giáo dục mầm non theo hướng dẫn, riêng về lĩnh vực giáo dục phát triển nhận thức nội dung làm quen với biểu tượng toán sơ đẳng đã thực hiện tương đối tốt vì có nội dung bài học, phương pháp tổ chức cụ thể, còn với nội dung khám phá khoa học vẫn còn rất nhiều vấn đề cần chú ý quan tâm. Đây không phải là một chuyên đề mới, tuy nhiên để thực hiện tốt lại là vấn đề không dễ, bởi phương pháp tổ chức, cách tiếp cận, cách xây dựng kế hoạch theo truyền thống đã in sâu vào mỗi giáo viên, và trong quá trình thực hiện chuyên đề này nhà trường có một số thuận lợi và khó khăn sau: 2. Thuận lợi: - Được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao về chuyên môn nghiệp vụ, sự đầu tư hỗ trợ kinh phí, trang thiết bị phục vụ hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ của Phòng GD&ĐT Thành phố Vĩnh Yên, Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc. - Địa phương đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho nhà trường kiên cố, diện tích lớp học rộng, thoáng mát, có nhiều yếu tố tích cực cho hoạt động khám phá, trải nghiệm của trẻ. - Đội ngũ giáo viên trẻ, nhiệt tình, yêu nghề, mến trẻ, có khả năng học hỏi, có trình độ chuyên môn vững vàng, bước đầu có sự sáng tạo trong việc lựa chọn nội dung, cách tổ chức hoạt động phát triển nhận thức cho trẻ. - Phụ huynh quan tâm đến các hoạt động của trẻ ở trường, có sự phối hợp thường xuyên với giáo viên chủ nhiệm lớp trong các hoạt động nói chung và hoạt động giáo dục phát triển nhận thức nói riêng. 3. Khó khăn: - Diện tích của nhà trường hẹp, sân chơi quá chật chội, do đó không có không gian cho trẻ hoạt động, cũng như không có bồn hoa, cây cảnh cho trẻ khám phá, quan sát, tìm hiểu và học tập. - Do tác động của yếu tố ngoại cảnh, trong quá trình xây dựng trường một vài năm trước, nên việc bảo quản cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng đồ chơi của nhóm lớp chưa đảm bảo, đến thời điểm hiện tại đồ dùng đồ chơi còn thiếu nhiều, chưa đạt yêu cầu tối thiểu theo quy định. Trang thiết bị, đồ dùng hiện đại không có. - Về trẻ: Ở độ tuổi này trẻ vừa mới chuyển từ nhà trẻ lên, nên đa số trẻ còn nhút nhát, rụt dè, chưa tích cực tham gia hoạt động. - Về giáo viên: Tuy đã có những hiểu biết đúng đắn về tầm quan trọng của chuyên đề nhưng chưa thực sự đổi mới, đầu tư thời gian, trí lực, công sức để thực hiện một cách hiệu quả, vì dạy học với lĩnh vực này cần phải dạy theo hướng giáo dục lấy trẻ làm trung tâm, cần có sự đầu tư, chuẩn bị đồ dùng, nội dung và đặc biệt phải dạy theo khả năng, nhu cầu của trẻ, trẻ phải được trải nghiệm, được sử dụng các giác quan khác nhau... II. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU CỦA CHUYÊN ĐỀ: - Giáo viên có nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của chuyên đề, biết vận dụng quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm vào việc thực hiện giúp trẻ khám phá khoa học một cách hiệu quả, đảm bảo chất lượng và sự phát triển toàn diện phù hợp với từng cá nhân trẻ; - Giáo viên hiểu được đặc điểm phát triển nhận thức của trẻ các độ tuổi; vai trò của cô giáo đối với sự phát triển nhận thức của trẻ và xây dựng được môi trường giáo dục phù hợp. - Giáo viên xây dựng được kế hoạch giáo dục phù hợp độ tuổi, đặc điểm của trẻ và thực hiện kế hoạch ở nhóm lớp mình phụ trách một cách linh hoạt, sáng tạo. - Trẻ hứng thú, tích cực, chủ động tham gia hoạt động phù hợp độ tuổi. III. NỘI DUNG, BIỆN PHÁP THỰC HIỆN 1. Nội dung thực hiện: Ban giám hiệu nhà trường chỉ đạo giáo viên các nhóm lớp thực hiện các nội dung chính như sau: 1.1. Hiểu được đặc điểm phát triển nhận thức của trẻ 3-4 tuổi: - Thích các hoạt động chân tay và khám phá bằng các giác quan; - Có thể nắm các thông tin qua giao tiếp và qua những cuốn sách đơn giản, dễ hiểu; - Hay đặt câu hỏi nhưng không phải lúc nào cũng hiểu câu trả lời; - Bắt đầu nhận ra các mối quan hệ nhân quả dưới dạng các câu hỏi đơn giản: Tại sao? Để làm gì? Như thế nào?... - Có thể móc nối các sự kiện khi thảo luận nhưng có thể gặp khó khăn trong phát âm, diễn đạt bằng lời nói. Trẻ cần được người lớn chú ý nghe và nói lại cho rõ ràng hơn những gì trẻ nói; - Học tốt nhất trong những tình huống cụ thể có ý nghĩa với bản thân chúng và khi có sự tin tưởng, khích lệ của người lớn. 1.2. Giáo viên cần trau dồi các kỹ năng sau: - Kỹ năng quan sát: Trẻ cần thời gian để quan sát, người lớn có thể sử dụng câu hỏi để định hướng sự quan sát của trẻ, giúp trẻ chú ý, tập trung vào những chi tiết nhỏ nói về những gì chúng đang nhìn thấy. - Kỹ năng phân loại: Phân loại là quá trình sắp xếp các đối tượng vào các nhóm hoặc các loại, dựa vào sự giống nhau của chúng. Trẻ có thể tìm ra những dấu hiệu phân loại trên cơ sở những kiến thức của trẻ về sự vật, hiện tượng. - Kỹ năng so sánh: Khi đã trở nên quen thuộc với các thuộc tính của đối tượng, trẻ bắt đầu so sánh giữa các đối tượng với nhau. - Kỹ năng dự đoán: Trẻ có những dự đoán khi khám phá, thử nghiệm. Điều này khuyến khích trẻ suy nghĩ về những gì có thể xảy ra. Tính xác thực của dự đoán tùy thuộc vào những kinh nghiệm và hiểu biết của trẻ. - Kỹ năng giao tiếp: Trẻ thường muốn trao đổi với cô giáo và các bạn những gì chúng tìm thấy. Để bày tỏ ý kiến của mình trẻ cần một vốn từ vựng thích hợp, trẻ cần được khuyến khích đặt câu hỏi, sử dụng từ để diễn đạt những gì trẻ đang trông thấy. Cô cần quan sát để kịp thời đưa ra những ủng hộ hoặc gợi ý cho trẻ về những gì trẻ đang cố gắng bày tỏ. - Kỹ năng suy luận: Cô có thể giúp trẻ suy luận bằng cách khuyến khích trẻ xem xét kỹ các đặc điểm của đối tượng hay tình huống, dành cho trẻ đủ thời gian cũng như các nguyên vật liệu để khám phá. 1.3. Thiết kế môi trường học tập: - Môi trường gần gũi với cuộc sống thực của trẻ, đồ dùng đồ chơi trưng bày đẹp mắt, trẻ được tự lựa chọn để chơi, chứ đồ dùng, đồ chơi của nhóm lớp không phải để trưng bày; quan niệm này cần thay đổi ngay trong mỗi giáo viên chúng ta ngồi đây, biết chắc chắn khi thực hiện giáo dục lấy trẻ làm trung tâm giáo viên sẽ vất vả hơn rất nhiều. - Cung cấp cho trẻ địa điểm, thời gian hoạt động và đầy đủ phương tiện hoạt động. Cần tận dụng nguồn vật liệu có sẵn ở địa phương. 2. Các biện pháp tổ chức thực hiện Biện pháp 1: Bồi dưỡng đội ngũ CBQL, GV - Trước hết phải bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên về tầm quan trọng của chuyên đề, tác dụng khi thực hiện và đặc biệt kết quả của quá trình thực hiện là đạt được kết quả trên trẻ như thế nào... - Để thay đổi quan niệm, cách làm từ lâu đã ăn sâu vào việc làm hàng ngày của giáo viên là không dễ, nhưng BGH nhà trường ý thức vẫn phải thay đổi, nhưng với sự thay đổi dần dần, từ từ, không vội vàng thúc ép như vậy sẽ không đạt hiệu quả giáo dục như mong muốn. Tuy nhiên không áp dụng hình thức bồi dưỡng này với những giáo viên có kinh nghiệm, các tổ trưởng, tổ phó tổ chuyên môn, các đối tượng này phải thực hiện vì đó là nơi để thực hiện nhân diện tốt nhất trong đội ngũ giáo viên nhà trường. - Trong các buổi sinh hoạt chuyên môn cùng nhau thảo luận thống nhất phương pháp, nội dung, hình thức tổ chức, cách thức lồng ghép nội dung giáo dục, khuyến khích các giáo viên tự học, tự bồi dưỡng là chính. Chú ý mọi hoạt động giáo dục đều phải lấy trẻ làm trung tâm, vì nếu tổ chức được hoạt động như vậy thì trẻ rất hứng thú tham gia, tuy nhiên vai trò của giáo viên cũng cao hơn rất nhiều. Biện pháp 2: Xây dựng kế hoạch giáo dục phát triển nhận thức cho trẻ Trước đây chủ yếu là Ban giám hiệu nhà trường xây dựng kế hoạch như thế nào thì giáo viên chỉ thực hiện đúng theo kế hoạch đó, hằng năm các nội dung cung cấp cho trẻ cố định giống nhau, không có sự đổi mới, điều chỉnh cho phù hợp với nhận thức của trẻ, do đó thiếu đi sự sáng tạo, nội dung, hình thức tổ chức thường dập khuôn, kết quả trên trẻ cũng chưa phân biệt rõ khả năng của trẻ mà thường đạt được kết quả đồng loạt như nhau. Việc lập kế hoạch và thực hiện kế hoạch cần hết sức linh hoạt và việc lập kế hoạch phải đảm bảo rằng từng trẻ trong lớp được hỗ trợ để phát triển, việc lập kế hoạch cần chú trọng đến các hoạt động sao cho trẻ được “học bằng chơi, chơi mà học”. Lập kế hoạch cho các hoạt động và trải nghiệm để phát triển nhận thức của trẻ trong tất cả các thời điểm của chế độ sinh hoạt một ngày, theo nhóm nhỏ, nhóm lớn hoặc cả lớp. Biện pháp 3. Xây dựng môi trường giáo dục giúp trẻ tích cực khám phá Đây là biện pháp hữu hiệu nhất giúp trẻ khám phá tốt nhất, bởi vì cách thức mà môi trường giáo dục trong trường mầm non được thiết kế, sắp đặt sẽ ảnh hưởng đến: Việc học của trẻ, cách học của trẻ, cách mà giáo viên dạy trẻ. Môi trường vật chất được thiết kế tốt sẽ cho phép trẻ tham gia khám phá một cách tích cực, chủ động và càng độc lập hơn. Để có được nhiều đồ dùng, đồ chơi phong phú thì hàng năm, ngay từ đầu năm học, nhà trường đã chỉ đạo 100% các nhóm, lớp làm các đồ dùng đồ chơi phục vụ cho các hoạt động, trong đó có nhiều đồ dùng đồ chơi phong phú đa dạng về chủng loại, đảm bảo an toàn cho trẻ... vào đợt phát động phong trào thi đua 20/11 năm nào nhà trường cũng tổ chức thi làm đồ dùng đồ chơi, do vậy số lượng đồ dùng đồ chơi là các nguyên vật liệu tái sử dụng, nguyên vật liệu gần gũi ở địa phương được làm với số lượng lớn, do đó góp phần không nhỏ cho việc thực hiện xây dựng môi trường giáo dục ở các nhóm lớp. Biện pháp 4: Tổ chức thực hiện Khi thực hiện giáo viên cần vận dụng linh hoạt các phương pháp, hình thức tổ chức đặc biệt là chú ý quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm. Thực hiện nghiêm túc kế hoạch đã xây dựng, chú ý những nội dung chưa thực hiện tốt để có điều chỉnh phù hợp ở chủ đề tiếp theo. Trẻ học bằng chơi tốt nhất khi có người lớn hỗ trợ và mở rộng những gì trẻ đang hứng thú và đang thực hiện, bằng cách: đặt những câu hỏi mang tính tư duy, lắng nghe trẻ, trò chuyện và giao tiếp với trẻ, chỉ dẫn, đưa ra gợi ý, khuyến khích, động viên trẻ, chơi cùng trẻ, củng cố kiến thức và các kĩ năng khác… Làm tốt công tác đánh giá trẻ cuối ngày, nhất là phần kiến thức, kỹ năng. IV. KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC VÀ BÀI HỌC KINH NGHIỆM 1. Kết quả đạt được. Trong quá trình thực hiện, với rất nhiều khó khăn đã nêu ở trên nhưng tập thể cán bộ, giáo viên trường mầm non Liên Bảo đã cố gắng để có những thay đổi tích cực ban đầu về việc giáo dục phát triển nhận thức cho trẻ mẫu giáo nói chung và trẻ mẫu giáo 3-4 tuổi nói riêng. Sự thay đổi lớn nhất đó là giáo viên đã mạnh dạn đổi mới trong việc xây dựng kế hoạch, dám lựa chọn những nội dung mới, những đề tài khác với trước đây để đưa vào dạy trẻ: Ví dụ như bài dạy ngày hôm nay Trẻ hứng thú, tích cực tham gia hoạt động, đã biết đặt nhiều câu hỏi, biết cách chú ý quan sát và nêu vấn đề để giải quyết. Môi trường lớp học cũng đã có những thay đổi nhất định so với nhà trường trước đây, tuy nhiên vẫn chưa đạt như mong muốn. Vấn đề này chúng tôi xin khắc phục dần dần và phải hoàn thiện trong năm học 2019-2020. 2. Bài học kinh nghiệm Để tạo được nhiều cơ hội cho trẻ khám phá khoa học, giáo viên cần: - Lập kế hoạch cho các hoạt động và trải nghiệm để phát triển nhận thức của trẻ trong tất cả các thời điểm của chế độ sinh hoạt một ngày, theo nhóm nhỏ, nhóm lớn hoặc cả lớp. - Tạo cho trẻ môi trường hoạt động khoa học, phong phú, hấp dẫn với các đồ dùng, đồ chơi, các nguyên vật liệu khác nhau. - Cho trẻ khám phá và nhận ra những nét đặc trưng của vật sống, đồ vật và những sự việc quan sát được bằng cách sử dụng tất cả các giác quan một cách thích hợp. - Cho trẻ xem xét một cách tỷ mỉ những nét giống nhau và khác nhau của các sự vật, hiện tượng. - Cho trẻ quan sát, xem xét, thao tác, phỏng đoán, suy luận... để phát triển tư duy khoa học. - Sử dụng câu hỏi gợi mở để giúp trẻ phát triển suy nghĩa của mình. - Dành thời gian cho trẻ tự khám phá, trải nghiệm và chia sẻ, bày tỏ ý kiến của mình. - Khích lệ trẻ suy nghĩ về những điều chúng đang nhìn thấy, đang làm, phát triển những suy nghĩ, ý tưởng của mình và quan tâm đến môi trường xung quanh. Trên đây là báo cáo kết quả quá trình thực hiện chuyên đề giáo dục phát triển nhận thức cho trẻ mẫu giáo 3-4 tuổi của trường mầm non Liên Bảo năm học 2018- 2019; chúng tôi đã áp dụng việc lựa chọn nội dung theo lý thuyết đã hướng dẫn ở trên để áp dụng vào dạy trẻ hàng ngày cho trẻ mẫu giáo 3-4 tuổi ở trường mình và rất hiệu quả, tuy nhiên cơ sở vật chất nhà trường còn hạn chế, thời gian mới áp dụng nên kết quả chưa thực sự toàn diện, xin ý kiến đóng góp của các đồng chí dự hội nghị hôm nay. Nơi nhận: TM. BAN GIÁM HIỆU - Phòng GD&ĐT; PHÓ HIỆU TRƯỞNG - Lưu: VT. Nguyễn Thị Kim Oanh
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan