Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Truyện ngắn nguyễn quang lập nhìn từ thi pháp thể loại...

Tài liệu Truyện ngắn nguyễn quang lập nhìn từ thi pháp thể loại

.PDF
106
48
131

Mô tả:

1 LỜI CẢM ƠN Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới thầy Nguyễn Đăng Điệp, người đã tận tình hướng dẫn tôi trong suốt quá trình thực hiện đề tài này, người đã cho tôi nhiều kinh nghiệm, phương pháp nghiên cứu khoa học và tác phong làm việc. Tôi cũng xin chân thành cảm ơn các thầy, cô giáo đã trực tiếp giảng dạy, trường Đại học sư phạm Hà Nội 2, nhà văn Nguyễn Quang Lập đã tạo điều kiện giúp đỡ tôi trong suốt quá trình học tập và nghiên cứu. Xin cảm ơn bạn bè, đồng nghiệp và người thân đã động viên, khuyến khích tôi hoàn thành khóa học và luận văn này. Hà Nội, ngày 01 tháng 10 năm 2010 Tác giả 2 LỜI CAM ĐOAN Luận văn này được hoàn thành dưới sự hướng dẫn khoa học của thầy giáo: PGS.TS. Nguyễn Đăng Điệp cùng với sự cố gắng, nỗ lực của bản thân. Tôi xin cam đoan các kết quả đạt được của luận văn là hoàn toàn trung thực. Hà Nội, tháng 10 năm 2010 Tác giả 3 MỤC LỤC MỞ ĐẦU ................................................................................................................ 5 1.Lý do chọn đề tài ......................................................................................... 5 2.Mục đích nghiên cứu ................................................................................... 9 3. Nhiệm vụ nghiên cứu ................................................................................. 9 4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu.............................................................. 9 5. Phương pháp nghiên cứu.......................................................................... 10 6. Đóng góp của luận văn............................................................................. 10 7. Cấu trúc luận văn ..................................................................................... 11 NỘI DUNG .......................................................................................................... 12 CHƯƠNG 1: TRUYỆN NGẮN NGUYỄN QUANG LẬP TRONG SỰ VẬN ĐỘNG CỦA TRUYỆN NGẮN VIỆT NAM SAU NĂM 1975 ...................... 12 1.1. Văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới – một cái nhìn tổng quát............... 12 1.1.1 Chuyển mình theo hướng đa dạng hóa ........................................... 12 1.1.2 Quan niệm mới về hiện thực ........................................................... 15 1.1.3 Quan niệm nghệ thuật mới về con người ........................................ 18 1.1.4 Đổi mới về thi pháp......................................................................... 23 1.2. Sự xuất hiện của truyện ngắn Nguyễn Quang Lập ............................... 26 1.3. Quan niệm của Nguyễn Quang Lập về truyện ngắn ............................. 33 CHƯƠNG 2: CỐT TRUYỆN VÀ NHÂN VẬT TRONG TRUYỆN NGẮN NGUYỄN QUANG LẬP ................................................................................. 39 2.1 Cốt truyện ............................................................................................... 39 2.1.1 Vài nét về cốt truyện ....................................................................... 39 2.1.2 Các loại cốt truyện .......................................................................... 40 4 2.1.2.1 Cốt truyện giàu tính kịch.......................................................... 40 2.1.2.2 Cốt truyện tâm lý đồng hiện quá khứ - hiện tại ....................... 47 2.2 Thế giới nhân vật.................................................................................... 50 2.2.1 Khái lược về nhân vật văn học ........................................................ 50 2.2.2 Các loại nhân vật ............................................................................. 53 2.2.2.1 Nhân vật bi kịch ....................................................................... 53 2.2.2.2 Nhân vật cô đơn ....................................................................... 60 2.2.3 Nghệ thuật miêu tả nhân vật ........................................................... 66 2.2.3.1 Xây dựng nhân vật qua miêu tả ngoại hình, diện mạo và tên gọi nhân vật ................................................................................................ 66 2.2.3.2 Nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật .......................................... 69 CHƯƠNG 3: TỔ CHỨC TRẦN THUẬT ...................................................... 73 3.1 Điểm nhìn trần thuật............................................................................... 75 3.1.1 Lối trần thuật chủ quan ................................................................... 76 3.1.2 Lối trần thuật khách quan................................................................ 81 3.2 Ngôn ngữ trần thuật ............................................................................... 84 3.3 Giọng điệu trần thuật trong truyện ngắn Nguyễn Quang Lập ............... 89 3.3.1 Vài nét về giọng điệu nghệ thuật .................................................... 90 3.3.2 Các sắc thái giọng điệu trong truyện ngắn Nguyễn Quang Lập ..... 92 3.3.2.1 Giọng trầm buồn ...................................................................... 92 3.3.2.2 Giọng mỉa mai chua xót ........................................................... 94 3.3.2.3 Giọng triết lý ............................................................................ 96 KẾT LUẬN .......................................................................................................... 99 TÀI LIỆU THAM KHẢO .................................................................................. 101 5 MỞ ĐẦU 1.Lý do chọn đề tài Nguyễn Quang Lập thuộc vào số các nhà văn tiêu biểu của thế hệ hậu chiến ở Việt Nam. Từng làm công tác văn hoá, xuất bản, biên kịch, làm thơ, viết văn. Nhưng sáng tác văn học chính là niềm đam mê lớn nhất của ông. Chính niềm đam mê ấy đã đem lại cho Nguyễn Quang Lập nhiều thành công trong sự nghiệp sáng tác, đặc biệt thành công trong thể loại kịch và truyện ngắn. Về truyện ngắn, đến nay Nguyễn Quang Lập được bạn đọc nhớ đến với: Một giờ trước lúc rạng sáng, Tiếng gọi phía mặt trời lặn, Mười tám truyện ngắn Nguyễn Quang Lập (tập truyện ngắn, 1989). Đây là những tác phẩm thu hút được sự quan tâm của giới nghiên cứu phê bình và đông đảo bạn đọc. Trước hết, khi nhìn nhận, đánh giá khái quát về những sáng tác của Nguyễn Quang Lập, hầu hết các ý kiến đều cho rằng phía sau những số phận bi kịch, những nỗi đau tinh thần của con người là ánh sáng của lương tri, là lòng nhân ái và chất nhân văn cao đẹp. Tháng 10 năm 1988, trong lời tựa cho cuốn tiểu thuyết Những mảnh đời đen trắng Hoàng Phủ Ngọc Tường đã đưa ra những nhận xét tương đối khái quát và có tính khoa học về sáng tác của Nguyễn Quang Lập, gọi Nguyễn Quang Lập, người thuốc thang cho vết thương chiến tranh, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã nêu ra được những nét riêng, đặc sắc trong những sáng tác của Nguyễn Quang Lập: “Năm truyện ngắn…tiểu thuyết Những mảnh đời đen trắng, tất cả đều nhất quán trong một thế giới hình tượng và tư tưởng, khiến cho Nguyễn Quang Lập nổi lên như một cây bút viết về chiến tranh sâu sắc và mới lạ, được công chúng tìm đọc 6 với lòng yêu mến”[69], “Nguyễn Quang Lập viết về chiến tranh, nhưng không để ca ngợi chiến công, mà để bày tỏ nỗi lo lắng về vết thương. Dưới con mắt của nhà văn trẻ này, mỗi nhân vật đều mang theo trong bản thân nỗi bất hạnh mà chiến tranh để lại cho con người: sự mất mát về hạnh phúc, nỗi cô đơn khi trở lại cuộc sống bằng hào quang của lửa bom, và nhiều trạng thái méo mó về nhân cách”[69]. Đúng vậy, khi viết về chiến tranh Nguyễn Quang Lập đã không né tránh những mặt trái của cuộc chiến mà thể hiện khá sâu sắc hiện thực chiến tranh, bởi chiến tranh không phải chỉ là những cái đẹp đẽ, hào hùng mà chiến tranh là đau thương, mất mát, chiến tranh với sức mạnh ghê gớm của sự tàn khốc và huỷ diệt đã nhào nặn, chi phối đến tận cùng số phận của con người. Tuy nhiên, dưới cái nhìn của mỗi nhà văn hiện thực chiến tranh lại được cảm nhận, khám phá và phản ánh dưới nhiều góc độ và phương thức khác nhau, Nguyễn Quang Lập đã tạo ra một góc nhìn mới về hiện thực chiến tranh, viết về “nỗi đau tinh thần” nhưng “Nguyễn Quang Lập đã không dừng lại trong thái độ của một người tố cáo chiến tranh, qua cách giãi bày của một người muốn nhìn thẳng sự thật, người ta vẫn cảm nhận được cái tâm của tác giả: đó là nỗi căm ghét cái ác, sự đòi hỏi về nhân phẩm và lòng khát khao hoà bình và hạnh phúc cuộc sống”[69]. Cách viết của Nguyễn Quang Lập là như vậy, “làm tổn thương lương tâm trong ý đồ làm cho lương tâm trở nên hoàn thiện hơn”[69]. Điều đáng ghi nhận trong bài viết này là nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã chỉ ra cái “cách” mà nhà văn Nguyễn Quang Lập xây dựng lên thế giới nhân vật của mình “để phát hiện ra những nhân vật của mình, Lập đã không nhìn lên bầu trời, mà cúi xuống lòng mình, đào bới ở đó những điều thấy cần nói với mọi người và quả nhiên, công chúng đều chăm chú nghe Lập nói”. Và “bằng cái nhìn phân tích khá sắc bén và mang giọng hài hước dân giã để chế ngự bớt nỗi đau đớn, tác giả 7 đã soi mói tận gan của từng nhân vật của mình để chỉ ra những thương tật chiến tranh để lại trong tâm hồn, những thương tật mà dù ngoài đời hay trong truyện người ta vẫn muốn giấu kín”[69]. Đến năm 1990, trong bài Cảm nghĩ về truyện ngắn của Nguyễn Quang Lập tác giả Phan Thị Diễm Phương đã có một cái nhìn khá bao quát về những sáng tác của Nguyễn Quang Lập, tác giả nhận thấy khác với một số cây bút cùng thời khác. Nguyễn Quang Lập không đi vào đề tài sinh hoạt xã hội hiện nay, với những tệ nạn, những thiếu thốn, những nhu cầu dường như không biết đến sự thoả mãn, từ đó luôn luôn diễn ra cuộc vật lộn giữa con người và cuộc sống, truyện của anh cũng không gợi người đọc nghĩ đến nhu cầu chiêm nghiệm đời sống của người viết, một hướng đi mới có sức hấp dẫn của văn học nước ta trong những năm gần đây… “Nguyễn Quang Lập có xu hướng muốn thể hiện những khía cạnh bi kịch trong số phận các nhân vật, muốn đi vào cảm nhận những nỗi đau tinh thần rất cụ thể và đáng được chia sẻ của con người. Chính từ trên hướng suy nghĩ và thể hiện này mà anh đã có tiếng nói riêng”[50]. Cũng theo tác giả, viết về đề tài chiến tranh nhưng nhà văn “không muốn dừng lại với chiến tranh dưới màu sắc rực rỡ và âm hưởng hào hùng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng mà quên đi số phận, tâm trạng của những con người cụ thể đã đi qua cuộc chiến tranh ấy”[50]. Tác giả Nguyễn Thanh Sơn trong cuốn Phê bình văn học của tôi (2001) cũng khẳng định: “Nguyễn Quang Lập là nhà văn có duyên viết về chiến tranh và những khắc khoải về vẻ đẹp cũng như nỗi đau của chiến tranh là yếu tố tạo nên sức hút cho truyện ngắn Nguyễn Quang Lập”[52]. 8 Tuy nhiên, truyện của Nguyễn Quang Lập không chỉ bó hẹp trong phạm vi và ý nghĩa đó mà tác giả còn quan tâm đến những khía cạnh khác của đời sống, đó là “những nỗi khổ đau vì hạnh phúc khó khăn, những thất vọng trong tình yêu, niềm khát khao đôi lứa… tưởng đã là những truyện xưa cũ, đều được ngòi bút đầy cảm thông của tác giả thể hiện ra theo những cảnh ngộ riêng đầy xúc động”[50]. Truyện của Nguyễn Quang Lập, nhờ vậy vừa có khả năng khơi gợi những nỗi đau nhân tình ở người đọc, lại vừa giúp họ có thêm cơ hội cảm nhận cái đẹp, cái cao quý ở con người. Khi đánh giá về những truyện ngắn của Nguyễn Quang Lập, các ý kiến đều thống nhất, đó là nhận ra Nguyễn Quang Lập “là một trong những nhà văn đầu tiên đưa cách nhìn mới về chiến tranh với tất cả những bi thương đau đớn vốn như nó đã xảy ra vào chuyện”[43]. Nhờ thế mà bức tranh hiện thực chiến tranh trở nên chân thật, sinh động. Truyện ngắn của ông chủ yếu đi vào những vấn đề của đời sống tinh thần, vì vậy nhân vật của Nguyễn Quang Lập thường là những số phận éo le, bi kịch, thậm chí là kì dị, ai cũng mang đầy mình những mất mát đau khổ nhưng đằng sau nó là sự bao dung nhân ái, là chất nhân văn cao đẹp. Hơn thế, đọc văn Nguyễn Quang Lập người ta dễ bị thu hút bởi hai bờ ranh giới của những chuyện bịa như thật và chuyện thật như bịa, là hai ranh giới của cái hiện thực và mong ước, của cái thiện và cái ác… bởi cái kiểu kể chuyện thông minh, giọng tưng tửng… tất cả đã tạo nên Nguyễn Quang Lập - một cây bút viết truyện ngắn có bản sắc. Truyện ngắn của Nguyễn Quang Lập mặc dù chưa được đưa vào giảng dạy ở trường phổ thông nhưng từ khi ra đời đến nay luôn được đông đảo bạn đọc chú ý. Tuy nhiên, sự chú ý của dư luận cho đến nay cũng chỉ mới dừng lại dưới 9 dạng giới thiệu, nhận xét sơ bộ hay bộc bạch ấn tượng về những truyện ngắn, tập truyện ngắn của Nguyễn Quang Lập, chưa có công trình nghiên cứu chuyên sâu cả về phương diện nội dung lẫn hình thức. Vì thế, đây chính là lý do thôi thúc chúng tôi chọn truyện ngắn Nguyễn Quang Lập làm đề tài nghiên cứu. 2.Mục đích nghiên cứu 2.1. Dưới góc nhìn thi pháp học, chúng tôi muốn tìm hiểu sâu hơn, có hệ thống hơn những nét đặc sắc trong truyện ngắn Nguyễn Quang Lập và từ đó có cái nhìn sâu sắc, cụ thể hơn về thể tài truyện ngắn, một thể tài đã chiếm lĩnh được vị trí quan trọng trong đời sống văn học Việt Nam hiện nay. 2.2. Qua việc phân tích, đánh giá những đóng góp của Nguyễn Quang Lập, chúng tôi muốn đưa ra những nhận xét ban đầu về sự vận động của ngòi bút Nguyễn Quang Lập và sự vận động thể loại truyện ngắn Việt Nam trong mấy chục năm qua. 3. Nhiệm vụ nghiên cứu Luận văn hướng tới nhiệm vụ là đưa ra được những nhận định, kết luận mang tính khái quát về những nét đặc sắc trong truyện ngắn Nguyễn Quang Lập. 4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 4.1 Đối tượng nghiên cứu Tìm hiểu truyện ngắn của Nguyễn Quang Lập từ góc nhìn thi pháp thể loại 4.2 Phạm vi nghiên cứu Chúng tôi chủ yếu khảo sát dựa vào Mười tám truyện ngắn và kịch bản Đời cát. Tuy nhiên, để làm nổi bật hơn đặc điểm của truyện ngắn Nguyễn Quang 10 Lập chúng tôi sẽ tiến hành so sánh với các nhà văn khác cùng thời, trước và sau Nguyễn Quang Lập. 5. Phương pháp nghiên cứu Để thực hiện đề tài này, chúng tôi sử dụng các phương pháp nghiên cứu sau: 5.1 Phương pháp hệ thống Phương pháp hệ thống giúp cho việc nghiên cứu truyện ngắn Nguyễn Quang Lập hiện lên trong tính chỉnh thể chứ không phải là những tác phẩm đơn lẻ. Việc sử dụng phương pháp hệ thống còn giúp ta nhìn thấy sự vận động của truyện ngắn Nguyễn Quang Lập và sự vận động của truyện ngắn Việt Nam trong những năm qua. 5.2 Phương pháp so sánh đối chiếu Phương pháp này nhằm làm rõ những nét đặc trưng khác biệt của truyện ngắn Nguyễn Quang Lập so với các tác giả truyện ngắn khác, giữa văn học thời kỳ đổi mới và văn học trước đó. 5.3 Phương pháp phân tích, tổng hợp Để cho vấn đề được sáng rõ, có tính thuyết phục và thấy được một cách cụ thể, sâu sắc, toàn diện những sáng tạo nghệ thuật của nhà văn qua thế giới của họ chúng tôi sử dụng phương pháp phân tích, tổng hợp. 6. Đóng góp của luận văn Luận văn là công trình đầu tiên nghiên cứu sáng tác của nhà văn Nguyễn Quang Lập từ góc nhìn thi pháp thể loại. Thông qua quá trình nghiên cứu chúng 11 tôi muốn ghi nhận sự đóng góp của nhà văn đối với sự phát triển của văn học Việt Nam đương đại. 7. Cấu trúc luận văn Mở đầu 1. Lý do chọn đề tài 2. Mục đích nghiên cứu 3. Nhiệm vụ nghiên cứu 4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 5. Phương pháp nghiên cứu 6. Đóng góp của luận văn 7. Cấu trúc luận văn Nội dung Chương 1: Truyện ngắn Nguyễn Quang Lập trong sự vận động của truyện ngắn Việt Nam sau năm 1975 Chương 2: Cốt truyện và nhân vật Chương 3: Tổ chức trần thuật Kết luận Tài liệu tham khảo 12 NỘI DUNG CHƯƠNG 1: TRUYỆN NGẮN NGUYỄN QUANG LẬP TRONG SỰ VẬN ĐỘNG CỦA TRUYỆN NGẮN VIỆT NAM SAU NĂM 1975 1.1. Văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới – một cái nhìn tổng quát 1.1.1 Chuyển mình theo hướng đa dạng hóa Lịch sử nước ta sang trang từ năm 1975 nhưng văn học không sang trang trùng khít cùng lịch sử. Nhiều nhà nghiên cứu văn học đều thống nhất với ý kiến: Văn học Việt Nam những năm 1975- 1980 vẫn tiếp tục vận động, phát triển theo quán tính cũ. Nghĩa là các nhà văn vẫn sáng tác theo khuynh hướng thẩm mỹ, tư duy, thi pháp cũ… Nhưng cuộc sống hôm nay đã có nhiều thay đổi, nhu cầu, thị hiếu thẩm mỹ của độc giả cũng không còn như trước mà văn học lại không hề thay đổi. Chính vì vậy nó trở nên xa lạ với cuộc sống, người đọc thờ ơ quay lưng lại với các sáng tác đương đại, họ tìm về với văn học quá khứ hoặc tìm đến với các tác phẩm văn học nước ngoài. Tình trạng văn học nước ta thời kỳ này rất đáng buồn. Nói như nhà văn Nguyên Ngọc: “Tình trạng văn học nước ta những năm 1970 - 1980 đúng là tình trạng khôi hài…” [44]. Tuy nhiên tình hình văn học cũng không đến nỗi quá bi quan. Bởi trong thực tế đã xuất hiện một số tác phẩm với những dấu hiệu đổi mới đầu tiên mở màn cho công cuộc đổi mới về sau: Hai người trở lại trung đoàn (Thái Bá Lợi), Bức tranh (Nguyễn Minh Châu), Cha và con và…(Nguyễn Khải)… Những tác phẩm này đã có những đổi mới quan trọng trong quan niệm 13 về con người, không còn kiểu nhân vật phân tuyến rạch ròi tốt xấu mà đã xuất hiện những nhân vật, những con người lưỡng diện, con người của sự phức hợp, lẫn lộn giữa cái tốt và xấu, giữa cái cao cả và cái thấp hèn. Ở truyện ngắn Bức tranh đã có một kiểu nhân vật mới, có thể nói chưa từng có mặt hoặc rất hiếm hoi trong văn xuôi giai đoạn trước, đó là nhân vật tự nhận thức, nhân vật ý thức (họa sĩ). Cách tiếp cận, thể hiện nhân vật cũng có nhiều thay đổi. Thay cho cái nhìn sử thi, các nhà văn hôm nay nhìn nhận, thể hiện nhân vật qua cái nhìn thế sự, đời tư, cá nhân, cá thể. Ngoài ra còn phải kể đến một số phương diện đổi mới khác về nghệ thuật như: cốt truyện, ngôn ngữ, giọng điệu… Nói tóm lại, đây là những dấu hiệu đầu tiên đầy ý nghĩa đối với sự đổi mới và phát triển văn học. Vào khoảng đầu những năm 80, đổi mới văn xuôi diễn ra sôi nổi hơn với sự xuất hiện và thành công trở lại của thể loại phóng sự, một thể loại đặc biệt có khả năng bám sát đời sống, tức thì phanh phui những sự thực ngổn ngang của đời sống xã hội. Sự phục hồi và phát triển nở rộ của thể loại này chứng tỏ văn học nước ta đã khám phá ra một miền hiện thực mới, hiện thực bề bộn, đa đoan, đa sự của cuộc sống hôm nay. Nhưng điều quan trọng hơn là nhờ sự nở rộ của thể loại phóng sự mà tiểu thuyết phóng sự cũng được phục hồi và phát triển. Tiêu biểu như: Đứng trước biển, Cù lao chàm (Nguyễn Mạnh Tuấn), Hạt mùa sau (Nguyễn Thị Ngọc Tú)… Những tác phẩm này giống như những thiên phóng sự dài, đầy ắp sự kiện và được viết một cách hối hả, hăm hở, kể tả là chính nên chưa thực sự có được những kết tinh văn học. Tuy nhiên, chúng vẫn hấp dẫn người đọc bởi khối lượng thông tin, chất lượng và giá trị hiện thực của những thông tin ấy. Ở đây cũng có nhiều dấu hiệu đổi mới về tư duy nghệ thuật, về thi pháp sáng tác. Trước hết là những thay đổi trong chất liệu sáng tác. Không còn kiểu chất liệu cũ, những sự kiện, biến cố quan trọng trong đời sống sản xuất và chiến đấu, 14 mà là cuộc sống đời thường, cuộc sống mưu sinh hôm nay với bộn bề những khó khăn, thử thách. Cũng không còn cái nhìn đơn giản, dễ dãi về hiện thực và con người. Hiện thực đã có sự mở rộng về dung lượng, có sự bổ sung của những miền hiện thực mới, những mảng tối, những mặt tiêu cực, phản diện. Nhân vật cũng được nhìn từ nhiều chiều, mỗi nhân vật là một nhân cách với những cá tính sinh động, không còn cái nhìn cực đoan, phân tuyến như trong thời kỳ kháng chiến. Cùng thời gian này còn có sự xuất hiện của một loạt các tiểu thuyết, truyện ngắn với những dấu hiệu đổi mới khá rõ rệt: Những bông bần ly (Tập truyện ngắn – Dương Thu Hương, 1981), Thời xa vắng (Tiểu thuyết – Lê Lựu, 1984), Mùa lá rụng trong vườn (Tiểu thuyết – Ma Văn Kháng, 1985)… Tuy nhiên phải đến năm 1986 khi có sự gặp gỡ giữa nhu cầu đổi mới của tự thân văn học và khả năng khơi đúng mạch đổi mới của Đảng thì sự đổi mới của văn xuôi mới có những bước đi mạnh mẽ, táo bạo và gặt hái được nhiều thành công, từ đó tạo nên một gương mặt mới cho giai đoạn văn học mới. Cũng phải nói rằng trong công cuộc đổi mới văn học, truyện ngắn là thể loại đi tiên phong và đạt được nhiều thành tựu hơn cả. Do dung lượng ngắn gọn, truyện ngắn đặc biệt thích hợp với loại hình báo chí. Trong thời đại bùng nổ của báo chí, phụ san, tạp san như hiện nay nó càng có điều kiện phát triển. Cũng nhờ đặc điểm này nên truyện ngắn luôn có mặt kịp thời trước mọi biến chuyển của cuộc sống. Mà trong gần 80 mươi năm qua, đời sống đất nước ta đã trải qua nhiều biến đổi mạnh mẽ sâu sắc. Truyện ngắn là thể loại rất thích hợp để nhà văn nhanh chóng tìm hiểu, khám phá và phát biểu ý kiến trước những vấn đề nóng bỏng đang dặt ra trong xã hội. Truyện ngắn đã vượt qua sự kể lể dài dòng “nhanh chóng dồn nén lại, đúc đến đặc sệt và nhọn hoắt ngay hiện thực”. Nhờ những lý do trên mà có thể nói truyện ngắn thời kỳ này tỏ ra hiệu quả trong việc biểu đạt 15 những trạng thái chuyển đổi đời sống. Nó sớm đạt đến tính xã hội cao, đi thẳng vào những vấn đề số phận con người, những vấn đề có ý nghĩa sâu sắc trong đời sống nhân sinh thế sự. Nói chung, truyện ngắn sau 1975 đã đạt được những thành tựu xuất sắc cả về số lượng và chất lượng tác phẩm. Dưới đây chúng ta sẽ tìm hiểu một số phương diện đổi mới cơ bản của thể loại truyện ngắn trong sự thay đổi của văn xuôi sau 1975. 1.1.2 Quan niệm mới về hiện thực Hiện thực đa dạng và phức tạp của cuộc sống luôn là đối tượng phản ánh của văn học. Nhưng mỗi nền văn học lại có một quan niệm riêng về hiện thực. Bởi văn học bao giờ cũng thể hiện mối quan hệ giữa hiện thực khách quan và ý thức chủ quan, bao giờ cũng là kết quả của sự nhào nặn những chất liệu cuộc sống qua cái nhìn riêng biệt của nhà văn. Nền văn học chân chính nào cũng gắn liền với thời đại của mình, với đông đảo công chúng của thời đại ấy. Văn học 1945 - 1975 cũng vậy, nó nhận rõ sứ mệnh lịch sử của bản thân trong sự nghiệp xây dựng giải phóng đất nước, nên tự nguyện trở thành vũ khí đấu tranh đắc lực cho công nông binh, phục vụ cho các nhiệm vụ cách mạng. Chính vì vậy “Thước đo giá trị của một nền văn học là nó phục vụ được bao nhiêu cho sự nghiệp cách mạng”[32]. Từ định hướng giá trị như trên, truyện ngắn trong những năm chiến tranh đề cao nhiệm vụ cổ vũ chiến đấu, ngợi ca chủ nghĩa anh hùng, thể hiện niềm tin vào thắng lợi, đề cao ý thức cộng đồng, lí tưởng vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Cũng bởi vậy hiện thực được phản ánh thường là những biến cố lớn lao, những sự kiện quan trọng trong sản xuất hoặc trong chiến đấu. Ít đề cập đến những vấn đề đời tư, cá nhân và nếu có cũng sơ lược hoặc chỉ để làm nổi bật ý nghĩa của cuộc cách mạng, 16 kháng chiến: Vợ chồng A Phủ - Tô Hoài, Mùa lạc – Nguyễn Khải, Những đứa con trong gia đình – Nguyễn Thi,... Vì mục đích động viên, cổ vũ cho các nhiệm vụ cách mạng, thể hiện tinh thần lạc quan, niềm tin vào chiến thắng, truyện thời kì 1945 – 1975 nhiều khi đã không tránh khỏi cái nhìn đơn giản, một chiều, cái nhìn lí tưởng hóa, lãng mạn hóa về hiện thực. Hiện thực chiến tranh khốc liệt nhiều khi được miêu tả rất đẹp, rất nên thơ (Mảnh trăng cuối rừng - Nguyễn Minh Châu), sự đông đúc, vui vẻ, náo nhiệt như ngày hội (Ráng đỏ - Đỗ Chu, Bên đường chiến tranh - Cao Duy Thỉnh). Sau 1975, hưởng ứng chủ trương của Đảng “Đổi mới tư duy, nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật”, văn xuôi nói chung, truyện ngắn nói riêng đã có những chuyển biến rõ rệt về quan niệm hiện thực. Truyện ngắn hôm nay đã có sự mở rộng dung lượng hiện thực, có sự bổ sung của những miền hiện thực mới mà trước đây chưa có hoặc rất ít, rất sơ lược. Đó là mặt trái của cuộc sống sản xuất và chiến đấu, những khó khăn, những thất bại, những sai lầm thiếu sót và cả những sự tha hóa, những sự phản bội hèn nhát, những mâu thuẫn trong đội ngũ cán bộ cách mạng: Hồn trinh nữ - Võ Thị Hảo, Cỏ lau, Mùa trái cóc ở miền Nam – Nguyễn Minh Châu... Đó là sự chuyển đổi từ một hiện thực giới hạn trong các biến cố, các sự kiện chính trị, lịch sử đến một miền hiện thực rộng lớn hơn của đời sống nhân sinh thế sự. Với rất nhiều những khổ đau, mất mát, bất hạnh bi kịch, những nhức nhối trong đạo đức xã hội, thế thái nhân tình, những vấn đề không dễ gì tìm thấy trong văn học sử thi ba mươi năm chiến tranh: Tướng về hưu – Nguyễn Huy Thiệp, Thiếu phụ chưa chồng Nguyễn Thị Thu Huệ... 17 Từ những chủ trương đúng đắn của Đảng, đặc biệt là sự dân chủ hóa trong đời sống sáng tác mà hiện thực trong văn xuôi hôm nay được nhìn từ nhiều chiều, được phản ánh toàn diện không chỉ bằng kinh nghiệm của cả cộng đồng mà còn bằng kinh nghiệm của mỗi cá nhân. Trước kia, hiện thực được phản ánh duy nhất trên lập trường tư tưởng của Đảng nên chúng thường giống nhau, cách xử lý cũng giống nhau. Và như vậy nhà văn đã đánh mất cá tính và phong cách sáng tác. Bước vào thời kì đổi mới mỗi nhà văn có quyền trình bày những ý kiến riêng và bằng những cách thể hiện, phản ánh khác nhau về hiện thực. Văn học một thời kháng chiến đã có quan niệm cứng nhắc về hiện thực, nhiều lúc người ta đã cực đoan đến mức đối chiếu hiện thực trong tác phẩm với hiện thực đời sống và đòi hỏi hiện thực văn học phải chính xác, phải giống như sự sao chụp đời sống. Văn xuôi sau 1975 nói chung và truyện ngắn nói riêng đã có một quan niệm khác hẳn về hiện thực. Hiện thực trong tác phẩm không nhất thiết phải có thật. Có khi đó là những điều hoàn toàn bịa đặt, những chuyện hoang đường ma quái, những truyện đầy màu sắc huyền thoại: Thiên sứ - Phạm Thị Hoài, Bến trần gian – Lưu Sơn Minh, Tim vỡ - Võ Thị Hảo, Con gái thủy thần, Vàng lửa, Kiếm sắc, Phẩm tiết – Nguyễn Huy Thiệp,... Ở những tác phẩm này, mục đích của nhà văn không phải là tái hiện hay mô tả hiện thực mà là suy ngẫm về hiện thực. Hơn nữa những tác phẩm ấy xét đến cùng vẫn phản ánh cuộc sống hôm nay thậm chí còn có khả năng phản ánh hiện thực sâu sắc hơn những tác phẩm trực tiếp mô tả đời sống. Như vậy, hiện thực đã không phải là tiêu chí đánh giá một tác phẩm văn học mà nhiều khi chỉ là phương tiện để nhà văn trình bày những tư tưởng, những chiêm nghiệm về đời sống. Từ quan điểm như vậy về hiện thực, từ mối quan hệ khá tự do của nhà văn với hiện thực được lựa chọn, từ điểm nhìn mang kinh nghiệm cá nhân, truyện 18 ngắn hôm nay có thể dung nạp nhiều thủ pháp biểu hiện hiện thực khác nhau. Đó có thể là những yếu tố kì ảo, huyền thoại thậm chí cả những cái phi lý (Bến trần gian – Lưu Sơn Minh, Phiên chợ Giát – Nguyễn Minh Châu, Hồn trinh nữ - Võ Thị Hảo,…). Các yếu tố huyền thoại góp phần làm cho hiện thực đa dạng và chân thực hơn. Cùng với việc mở rộng phạm vi phản ánh, truyện ngắn ngày càng đi tới một quan niệm biện chứng và toàn vẹn về hiện thực. Hiện thực không còn giản đơn, xuôi chiều và có thể biết trước mà chứa đầy những yếu tố ngẫu nhiên, yếu tố phi lý, tốt đẹp và xấu xa. Chúng tác động sâu sắc đến cuộc sống con người. Không phải lúc nào con người cũng chiến thắng cũng vượt lên hoàn cảnh mà ngược lại. 1.1.3 Quan niệm nghệ thuật mới về con người Quan niệm nghệ thuật về con người là “Sự lý giải, cắt nghĩa, sự cảm thấy con người đã được hóa thân thành những nguyên tắc, phương tiện biện pháp thể hiện con người trong văn học, tạo nên giá trị nghệ thuật và thẩm mĩ cho các hình tượng nghệ thuật trong đó”[59]. Nhiều nhà nghiên cứu văn học cũng khẳng định rằng “Một nền nghệ thuật mới bao giờ cũng ra đời cùng với con người mới”. Phát hiện lớn nhất trong văn xuôi 1945 – 1975 có thể nói chính là quan niệm con người quần chúng, con người tập thể. Sau năm 1975, với sự thức tỉnh và trỗi dậy của con người cá nhân, quan niệm con người cá nhân, cá thể trở lại trong văn học nhưng phát triển trên một tầm cao mới so với văn học giai đoạn 1930 – 1945. Truyện ngắn thời kỳ kháng chiến chủ yếu quan tâm đến con người công dân, con người chính trị, rất ít để ý đến đời sống riêng tư của mỗi cá nhân mà nếu có chỉ là phương diện thái độ của cá nhân đối với sự nghiệp chung, đối với 19 đồng bào, đồng chí (Mùa lạc – Nguyễn Khải, Anh Keng – Nguyễn Kiên, Mảnh trăng cuối rừng – Nguyễn Minh Châu,…). Sau năm 1975, đã có sự đổi mới rõ rệt về quan niệm con người. Con người trong truyện ngắn hôm nay chủ yếu là con người cá nhân, cá thể, con người hiện thực đời thường đầy bí ẩn phức tạp. Không còn những quan niệm giản đơn, phân tuyến về con người, không còn kiểu con người hoàn toàn tốt đẹp hay hoàn toàn xấu xa. Con người trong truyện ngắn hôm nay là con người hiện thực nên có thể chứa đựng trong mình tất cả sự cao thượng lẫn sự thấp hèn, ánh sáng lẫn bóng tối, thần thánh lẫn ma quỷ… Nhân vật trong truyện ngắn Bức tranh của Nguyễn Minh Châu cũng đã tự nhận xét về mình như vậy: “Trong tôi đang sống lẫn lộn người tốt, kẻ xấu, rồng phượng lẫn rắn rít, thiên thần và ác quỷ”[4]. Thanh Thảo trong Khối vuông rubíc cho rằng: “Người ta đã nhìn trái đất từ nhiều hướng và trái đất chưa bao giờ được khám phá hết. Người ta đã thăm dò con người bằn nhiều cách mà con người vẫn là một bí mật” [56]. Truyện ngắn 1945 – 1975 đã xây dựng được nhiều nhân vật điển hình khá sâu sắc và sinh động tuy nhiên đó mới chỉ là những điển hình xã hội, điển hình giai cấp, nhân vật còn thiếu những nét cá tính riêng độc đáo. Sự vận động của số phận, tính cách nhân vật cũng khá đơn giản, xuôi chiều và thường theo hướng có hậu. Mà thực tế thì sự biến đổi của tư tưởng, tính cách, số phận nhân vật là hết sức phức tạp, đa dạng, muôn hình muôn vẻ, rất khó giải thích và nhiều khi còn không thể lí giải. Con người trong truyện ngắn thời kỳ đổi mới được phản ánh trung thực hơn, sống động hơn nên nó không chỉ phức tạp, lưỡng diện mà còn đầy bí ẩn. Lắm khi người đọc hay chính nhà văn – người sáng tạo ra nhân vật cũng không thể tưởng tượng hay dự kiến trước được hành động của nó. Người lính trong truyện ngắn Một quãng đời và cả cuộc đời (Phạm Duy Tương) cũng 20 không hiểu tại sao đang căm giận, thù ghét người vợ phản bội, tại sao đã li hôn mà bỗng nhiên anh lại tha thứ, lại bỏ qua tất cả “Sau này nhiều người hỏi lúc ấy lòng tôi xảy ra điều gì? Sự mềm yếu hay dằn vặt, luyến tiếc hay run sợ, anh hùng hay hèn nhát, nghĩ đến mẹ hay nghĩ đến con, thương cô ta hay thương mình? Không có điều gì xảy ra nhưng cũng có thể xảy ra tất cả những điều đó. Tâm linh hay cái gì đó na ná như thế đã thôi thúc tôi quay xe trở lại” [70]. Truyện ngắn 1945 – 1975 do quán xuyến bởi quan niệm con người tập thể, con người quần chúng nên nhân vật thường được thể hiện trong các sự kiện, biến cố lịch sử hơn là những quan hệ, biến cố đời tư. Truyện ngắn sau 1975 lại hoàn toàn ngược lại, do quan niệm con người cá nhân, con người cá thể nên nhân vật thường được thể hiện qua các quan hệ đời thường, qua thế giới nội tâm, qua miền ý thức, vô thức đầy bí ẩn phức tạp. Cùng với hướng khám phá, thể hiện mới mẻ về con người như vậy, truyện ngắn hôm nay đã hình thành một số kiểu con người mới: con người tự nhiên, con người tâm linh, con người tự nhận thức. Xuất phát từ con người cá nhân, con người hiện thực đời thường, các cây bút truyện ngắn đã thể hiện khá sâu sắc và thành công con người tự nhiên, con người sinh học. Điều đó thể hiện nhu cầu về một hạnh phúc đời thường, một tình yêu tự nhiên trần thế với những cảm xúc nhục thể. Quan niệm con người tự nhiên chính là một biểu hiện của con người cá thể là nét mới của truyện ngắn sau 1975. Trước đây việc nhận thức và phản ánh con người tự nhiên rất hạn chế thậm chí bị cấm kị. Nhìn lại quá trình phát triển của văn học dân tộc chúng ta có thể dễ dàng nhận ra điều đó. Con người tự nhiên mới chỉ xuất hiện ở hình tượng thị Mầu, vài nét ở Hồ Xuân Hương, Nguyễn
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan

Tài liệu vừa đăng

Tài liệu xem nhiều nhất