Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Giáo dục - Đào tạo Cao đẳng - Đại học Luật Thực trạng việc kết hôn có yếu tố nước ngoài ở việt nam...

Tài liệu Thực trạng việc kết hôn có yếu tố nước ngoài ở việt nam

.DOC
11
143
118

Mô tả:

A. Lời mở đầu: Ở Việt Nam trong những năm vừa qua, cùng với sự phát triển kinh tế, văn hóa xã hội của đất nước và xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế, thì các quan hệ hôn nhân – gia đình có yếu tố nước ngoài ở nước ta có những bước phát triển đáng kể. Công dân Việt Nam, đặc biệt là công dân nữ, kết hôn với người nước ngoài ngày càng gia tăng về số lượng. Việc kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài đã phản ánh một phần thực tế của xu thế hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, việc kết hôn có yếu tố nước ngoài ở Việt Nam trong thời gian qua đã có một số biểu hiện tiêu cực, chẳng hạn như việc số trường hợp kết hôn với người nước ngoài ở một địa phương gia tăng một cách bất thường trong một thời gian ngắn, hay nhiều trường hợp theo điều đã phát hiện được ra một số phụ nữ Việt Nam kết hôn với người nước ngoài không dựa trên cơ sở tình yêu mà vì mục đích vụ lợi cá nhân,v.v…Tất cả những biểu hiện nêu trên thật sự là vấn đề bất cập, đáng báo động vì nó sẽ ảnh hưởng đến đời sống xã hội cũng như thuần phong mỹ tục của Việt Nam. Vì thế, quy định và xác định chặt chẽ sự tự nguyện trong việc kết hôn của công dân Việt Nam với người nước ngoài thật sự là vấn đề cần thiết đối với pháp luật nước ta. B. Nội dung chính: I. Cơ sở lý thuyết : 1. Kết hôn có yếu tố nước ngoài : 1.1. Tìm hiểu khái niệm hôn nhân có yếu tố nước ngoài: Hôn nhân có yếu tố nước ngoài được hiểu là việc kết hôn trong đó có ít nhất một bên chủ thể là người nước ngoài. Người nước ngoài là người không có quốc tịch của nước nơi mà họ đang cư trú. Ở Việt Nam, người nước ngoài được hiểu là người không có quốc tịch Việt Nam, bao gồm người có quốc tịch nước ngoài hoặc người không có quốc tịch. Người có quốc tịch nước ngoài có thể là người có một hoặc nhiều quốc tịch nước ngoài. Như vậy, việc kết hôn có yếu tố nước ngoài có thể xảy ra trong các trường hợp sau: Giữa người Việt Nam với người nước ngoài, giữa người Việt Nam với người không có quốc tịch, giữa người nước ngoài với nhau thường trú tại Việt Nam, giữa người không có quốc tịch với nhau thường trú tại Việt Nam. 1.2. Việc kết hôn có yếu tố nước ngoài theo pháp luật Việt Nam: Theo điều 103 Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định trong việc kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, mỗi bên phải tuân theo pháp luật của nước mình về điều kiện kết hôn. Theo quy định này, công dân Việt Nam kết hôn với người nước ngoài, dù việc kết hôn được tiến hành ở Việt Nam hoặc ở nước ngoài cũng luôn phải tuân theo pháp luật Việt Nam về điều kiện kết hôn và cấm kết hôn (các điều 9, 10 Luật hôn nhân gia đình năm 2000). Nếu việc kết hôn được tiến hành tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam thì người nước ngoài, ngoài việc họ phải tuân theo pháp luật của nước mà người nước ngoài là công dân, họ còn phải tuân theo các quy định về điều kiện kết hôn theo Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 của Việt Nam Điều kiện kết hôn, thủ tục và trình tự đăng ký kết hôn , việc công nhận việc kết hôn giữa công dân Việt Nam và người nước ngoài cũng như các trường hợp có thể bị từ chối công nhận kết hôn được quy định cụ thể tại các điều 13, 14, 15, 16, 17, 18 và 19 Nghị định số 68/2002/NĐ-CP ngày 10/7/2002 của Chính phủ. 2. Tự nguyện kết hôn: Tự nguyện kết hôn nghĩa là hai bên nam nữ tự mình muốn quyết định việc kết hôn và thể hiện ý chí là mong muốn trở thành vợ chồng của nhau. Mỗi bên nam nữ không bị tác động bởi bên kia hay của bất kì người nào khác khiến họ phải kết hôn trái với nguyện vọng của họ. Sự thể hiện ý chí phải thống nhất với ý chí. Hai bên nam nữ mong muốn trở thành vợ chồng xuất phát từ tình yêu thương giữa họ và nhằm mục đích là cùng nhau xây dựng gia đình. Sự tự nguyện của hai bên nam nữ trong việc kết hôn phải thể hiện rõ là họ mong muốn được gắn bó với nhau, cùng nhau chung sống suốt đời nhằm thỏa mãn nhu cầu tình cảm giữa hai người. Sự tự nguyện của các bên trong việc kết hôn là yếu tố quan trọng đảm bảo cho hôn nhân có thể tồn tại lâu dài và bền vững. Sự tự nguyện của hai bên nam, nữ khi kết hôn là một trong những điều kiện kết hôn bắt buộc được pháp luật quy định. Khoản 2 Điều 9 Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định: “Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định, không bên nào được ép buộc, lừa dối bên nào; không ai được cưỡng ép hoặc cản trở”. Như vậy, những hành vi cưỡng ép kết hôn, lừa dối để kết hôn, không có sự tự nguyện của cả hai bên đều được coi là kết hôn trái pháp luật. II. Tình trạng kết hôn với người nước ngoài không tuân thủ sự tự nguyện ở Việt Nam và hậu quả: 1. Thực trạng: Trong những năm qua, ở nước ta, vấn đề kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài tăng nhanh về số lượng, nhiều nhất tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Việc thực hiện pháp luật hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài bảo đảm quan hệ giao lưu quốc tế, quyền tự quyết định việc hôn nhân của công dân, đặc biệt là đối với người phụ nữ trên nguyên tắc hôn nhân tự nguyện. Tuy nhiên, bên cạnh đó đã xảy ra nhiều trường hợp kết hôn có yếu tố nước ngoài không tuân thủ quy định của pháp luật, đặc biệt là mục đích của quan hệ hôn nhân không nhằm xác lập quan hệ vợ chồng, mà việc kết hôn nhằm đạt mục đích khác (giả tạo) hay xúc phạm nhân phẩm người phụ nữ,… Pháp luật Việt Nam quy định khá cởi mở về điều kiện kết hôn, những điều kiện kết hôn về tuổi tác, về sức khỏe,…mà pháp luật quy định khi kết hôn đều thể hiện sự tôn trọng quyền tự quyết trong hôn nhân đối với công dân. Ví dụ như điều kiện về tuổi tác khi kết hôn, pháp luật của các nước nói chung và pháp luật của Việt Nam nói riêng chỉ quy định độ tuổi tối thiểu, mà không quy định độ tuổi tối đa, đồng thời pháp luật cũng không quy định giới hạn về sự chênh lệch tuổi tác giữa nam và nữ trong việc kết hôn; điều này phù hợp với quan điểm cho rằng, hôn nhân được bắt nguồn từ tình yêu, do đó, không có giới hạn về tuổi tác giữa các bên muốn kết hôn. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay thì vấn đề kết hôn với người nước ngoài “không tính đến tuổi tác” cần phải được các cơ quan hữu quan xem xét một cách nghiêm túc. Trong những năm vừa qua, tại một số tỉnh và thành phố của Việt Nam đã có rất nhiều trường hợp nữ công dân Việt Nam kết hôn với người nước ngoài hơn mình nhiều tuổi một cách bất thường. Ví dụ, có những trường hợp nữ công dân Việt Nam kết hôn với công dân Đài Loan lớn hơn mình đến 50 tuổi, thậm chí có trường hợp chênh nhau đến 60 tuổi (theo Báo cáo tổng kết số 150BCTP của Sơ tư pháp An Giang về việc thực hiện nghị định số 184/CP của Chính phủ). Không những thế, còn có những trường hợp không bình thường liên quan đến vấn đề sức khỏe của các bên liên quan; theo Báo cáo tổng kết số 150BCTP của Sơ tư pháp An Giang về sơ kết 5 năm thực hiện nghị định số 184/CP của Chính phủ, thì có nhiều trường hợp công dân nữ Việt Nam lấy người Đài Loan có thể trạng dị tật, bại liệt chân tay. Về mặt pháp lý thì những trường hợp kể trên không vi phạm các quy định về điều kiện sức khỏe, bởi những người dị tật hay bại liệt chân tay nhưng không mất hành vi dân sự thì vẫn được phép kết hôn. Tuy nhiên, trường hợp những người phụ nữ Việt Nam trẻ, khỏe và xinh đẹp sẵn sàng kết hôn với một người Đài Loan nhiều tuổi, dị tật hoặc bại liệt là hiện tượng bất bình thường nên được điều tra, xác minh, xem xét thật kỹ lưỡng, vì đằng sau những trường hợp bất bình thường này rất có thể là những toan tính, vụ lợi, không đúng với bản chất tốt đẹp của hôn nhân đó là tình yêu. Hiện tượng phụ nữ Việt Nam lấy chồng ngoại quốc trong những năm gần đây đang thực sự là một vấn đề nóng bỏng và cấp bách được dư luận xã hội quan tâm chú ý. Theo thống kê năm 2005, từ 2003-2005 có khoảng 32.000 phụ nữ Việt Nam lấy chồng nước ngoài, phần lớn là Hàn Quốc, Đài Loan và Trung Quốc. Hiện tại ở Hàn Quốc ước tính có 15.000 - 17.000 cô dâu Việt. Theo báo cáo mà Sở Tư pháp TP Cần Thơ đưa ra trong Hội thảo “Tình hình phụ nữ Cần Thơ kết hôn với người Hàn Quốc” 10/3 tại Cần Thơ, Từ năm 2005 đến nay, trung bình mỗi năm có từ 1.900 - 2.000 phụ nữ Cần Thơ lấy chồng có yếu tố nước ngoài, trong đó có đến 3/4 lấy chồng Hàn Quốc. Các cuộc hôn nhân này không xây dựng trên tình yêu chân chính và mục đích các cô gái lấy chồng nước ngoài là vì lý do kinh tế. Bởi đa số họ là con nhà nghèo, cuộc sống thiếu thốn, lấy chồng ngoại để hy vọng đổi đời và giúp đỡ về kinh tế cho gia đình; còn tình yêu với chồng hoặc sự hòa nhập cuộc sống bên chồng thế nào đều không được họ quan tâm. Như vậy có thể thấy, hiện tượng công dân Việt Nam, đặc biệt là phụ nữ, kết hôn với người nước ngoài với mục đích không đúng đắn đang diễn ra một cách phổ biến và trở thành một hiện tượng đáng báo động trong xã hội, bởi những hậu quả mà nó gây ra là không nhỏ. 2. Hậu quả: Các quan hệ kết hôn có yếu tố nước ngoài trong thời gian qua ở nước ta đã diễn ra tương đối phức tạp cả về quy mô và tính chất. Việc nữ công dân Việt Nam lấy chồng là người nước ngoài thông qua các tổ chức môi giới kết hôn đã có lúc, có nơi trở thành trào lưu, đặc biệt là tại TP.HCM và một số tỉnh phía Nam. Có trường hợp công dân nam người nước ngoài chỉ cần gửi hình cho bà mối đem sang cho cô gái Việt xem mặt với nhiều lời đường mật để cố sao cho cô gái bằng lòng chấp nhận hôn nhân; có trường hợp kết hôn là giả tạo mà người nam lợi dụng việc kết hôn nhằm thực hiện những việc làm bất chính xâm phạm danh dự nhân phẩm cô dâu Việt Nam (theo báo cáo đưa ra trong Hội thảo “Tình hình phụ nữ Cần Thơ kết hôn với người Hàn Quốc”). Như vậy các cuộc hôn nhân như trên hoàn toàn không dựa trên cơ sở tình yêu chân chính, mà các cô gái kết hôn với những người nước ngoài hoàn toàn xa lạ vì mục đích cải thiện kinh tế, với hi vọng được đổi đời,… Hậu quả đầu tiên có thể thấy rõ từ các cuộc hôn nhân kể trên chính là việc khó có thể xây dựng nên một gia đình hạnh phúc. Một cuộc hôn nhân xuất phát từ tình cảm yêu thương và sự tự nguyện của cả hai bên mới có thể bền vững và lâu dài, nhưng đối với những trường hợp kể trên, người phụ nữ Việt Nam lấy chồng thông qua những dịch vụ môi giới, họ kết hôn với những người đàn ông hoàn toàn xa lạ, họ dự định kết hôn mà không có bất kỳ một thông tin gì về người mà mình sắp chung sống; thêm vào đó là sau khi kết hôn, những cô dâu Việt Nam thường gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống gia đình vì sự bất đồng ngôn ngữ, cũng như lạ lẫm với lối sống, tập quán nơi đất khách quê người,…một cuộc hôn nhân không tình yêu, không giao tiếp, không hiểu biết về văn hóa và lối sống của nhau...chắc chắn không thể hạnh phúc và bền vững. Chưa kể thực tế hiện nay, có rất nhiều trường hợp phụ nữ Việt Nam sau khi về làm dâu trong các gia đình nước ngoài như Đài Loan, Hàn Quốc đã phải chịu sự ngược đãi, kì thị của gia đình nhà chồng, bị bóc lột sức lao động, bị lạm dụng tình dục, hành hạ, đánh đập…thậm chí dẫn đến nhiều cái chết thương tâm ở nơi đất khách quê người. Năm 2010, dư luận xôn xao vì vụ án cô dâu Việt Nam 20 tuổi Thạch Thị Hoàng Ngọc đã bị người chồng Hàn Quốc mắc bệnh tâm thần giết chết chỉ 8 ngày sau khi đến Hàn Quốc. Hai người quen nhau qua một công ty mai mối vào ngày 7-2-2010, ngay hôm sau, người phụ nữ này quyết định lấy chồng bất chấp khoảng cách tuổi tác. Cô ở lại Việt Nam để chuẩn bị lễ cưới và đã đến Hàn Quốc hôm 1-7. Ngoài người chồng, cô không được tiếp xúc với bất kỳ ai ở Hàn Quốc. Cô này cũng không biết tiền sử tâm thần của chồng. Hậu quá tiếp theo phải kể đến, đó là hiện nay đã xảy ra nhiều trường hợp những người phụ nữ kết hôn với người nước ngoài thông qua môi giới đã trở thành nạn nhân của nạn buôn bán phụ nữ, do hoạt động môi giới hôn nhân trái pháp luật ngày càng tinh vi. Các trung tâm môi giới này đã lợi dụng việc ngày càng có nhiều cô gái muốn lấy chồng nước ngoài với hi vọng đổi đời và giúp đỡ gia đình, tạo nên những cuộc mai mối hôn nhân giả hòng lừa gạt, bán những người phụ nữ đó cho những người đàn ông lớn tuổi hoặc làm gái mại dâm. Theo con số thống kê mà đại diện lực lượng cảnh sát điều tra tội phạm về TTXH - CATP đã báo cáo tại Hội nghị sơ kết về một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ và trẻ em gái do Hội LHPN TP.HCM tổ chức ngày 30/10/2009, Từ năm 2005 đến nay, trên địa bàn TP.HCM, đã phát hiện ghi nhận 11 vụ buôn bán phụ nữ - trẻ em. Đã điều tra bắt truy tố 2 vụ buôn bán phụ nữ gồm 5 đối tượng và 3 vụ buôn bán trẻ em, với 10 đối tượng. Phát hiện và ngăn chặn 32 vụ môi giới hôn nhân cho người nước ngoài trái phép với 1331 cô gái đang chờ để người nước ngoài "xem mặt, chọn vợ". Những con số trên đã nói lên thực trạng đáng báo động về nạn môi giới hôn nhân trái phép, mà xuất phát trước hết, là từ sự thiếu tự nguyện và mục đích chân chính khi kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài. Mặt trái của thực trạng trên chưa dừng lại ở đó. Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) tại Đông Nam Á phát hiện ra rằng những dòng chảy lớn phụ nữ trẻ ra nước ngoài kết hôn sẽ tạo ra tình trạng tương tự như Trung Quốc hiện nay. Một số nước như Việt Nam sẽ thiếu phụ nữ ở độ tuổi kết hôn. Tình trạng đó sẽ dẫn tới hiện tượng buôn bán phụ nữ. Một số người tìm kiếm và buôn bán phụ nữ từ những vùng khác tới để bù lấp số phụ nữ trong độ tuổi kết hôn thiếu hụt. Đối với những nước xảy ra tình trạng này, vấn đề đáng lo ngại không chỉ là việc tỉ lệ mất cân bằng giới tính trầm trọng, mà nó có thể phá vỡ cơ cấu xã hội. Trước những thực trạng và hậu quả có thể thấy rõ như trên, chúng ta thấy rằng sự can thiệp của pháp luật đối với hiện tượng kết hôn không theo sự tự nguyện của cả 2 bên cũng như không vì mục đích đúng đắn là vô cùng cấp bách và cần thiết. III. Những quy định của pháp luật Việt Nam về sự tự nguyện trong kết hôn có yếu tố nước ngoài: 1. Quy định về sự tự nguyện kết hôn trong pháp luật Việt Nam: Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 có những quy định rất rõ ràng, cụ thể liên quan đến vấn đề tự nguyện khi kết hôn. Và theo Điều 103 Luật HNGĐ năm 2000 quy định thì công dân Việt Nam kết hôn với người nước ngoài, dù việc kết hôn được tiến hành ở Việt Nam hoặc ở nước ngoài cũng luôn phải tuân theo pháp luật Việt Nam về điều kiện kết hôn và cấm kết hôn. Khoản 2 Điều 9 Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định: “Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định, không bên nào được ép buộc, lừa dối bên nào; không ai được cưỡng ép hoặc cản trở”. Điều 9 quy định về những điều kiện kết hôn, như vậy có thể thấy, sự tự nguyện giữa hai bên nam nữ là một quy định bắt buộc khi kết hôn đã được pháp luật quy định một cách cụ thể. Đồng thời các hành vi kết hôn không theo sự tự nguyện, kết hôn giả tạo, lừa dối kết hôn,…đều được coi là hành vi trái pháp luật, vi phạm điều cấm. Khoản 1 Điều 15 Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định: “Bên bị cưỡng ép, bị lừa dối kết hôn theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự có quyền tự mình yêu cầu Toà án hoặc đề nghị Viện kiểm sát yêu cầu Toà án hủy việc kết hôn trái pháp luật do việc kết hôn vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 9 của Luật này”. Đồng thời ngay từ khoản 2 Điều 4 cũng ghi rõ: “Cấm tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ; cấm kết hôn giả tạo, lừa dối để kết hôn, ly hôn; cấm cưỡng ép ly hôn, ly hôn giả tạo; cấm yêu sách của cải trong việc cưới hỏi…”. Và để ngăn chặn, hạn chế tới mức thấp nhất hiện tượng kết hôn nhằm mục đích không chân chính, giả tạo hay xúc phạm nhân phẩm người phụ nữ, Khoản 2 điều 103 Luật HNGĐ 2000 đã quy định: “Nghiêm cấm lợi dụng việc kết hôn có yếu tố nước ngoài để buôn bán phụ nữ, xâm phạm tình dục đối với phụ nữ hoặc vì mục đích trục lợi khác”. 2. Việc thẩm định sự tự nguyện kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài theo quy định của pháp luật: Điều kiện kết hôn, thủ tục và trình tự đăng ký kết hôn , việc công nhận việc kết hôn giữa công dân Việt Nam và người nước ngoài cũng như các trường hợp có thể bị từ chối công nhận kết hôn được quy định cụ thể tại các điều 13, 14, 15, 16, 17, 18 và 19 Nghị định số 68/2002/NĐ-CP ngày 10/7/2002 của Chính phủ. Về trình tự giải quyết việc đăng kí kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài tại Việt Nam, theo Điều 16 Nghị định số 68/2002/NĐ-CP của Chính phủ (được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 69/2006/NĐ-CP của Chính phủ) quy định: “1. Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ và lệ phí, Sở Tư pháp có trách nhiệm: a) Thực hiện phỏng vấn trực tiếp tại trụ sở Sở Tư pháp đối với hai bên nam, nữ để kiểm tra, làm rõ về sự tự nguyện kết hôn của họ, về khả năng giao tiếp bằng ngôn ngữ chung và mức độ hiểu biết về hoàn cảnh của nhau. Việc phỏng vấn phải được lập thành văn bản. Cán bộ phỏng vấn phải nêu rõ ý kiến đề xuất của mình và ký tên vào văn bản phỏng vấn; b) Niêm yết việc kết hôn trong 07 ngày liên tục tại trụ sở Sở Tư pháp, đồng thời có công văn đề nghị Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi thường trú hoặc tạm trú có thời hạn của bên đương sự là công dân Việt Nam, nơi thường trú của người nước ngoài tại Việt Nam, thực hiện việc niêm yết. Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm niêm yết việc kết hôn trong 07 ngày liên tục tại trụ sở Ủy ban, kể từ ngày nhận được công văn của Sở Tư pháp. Trong thời hạn này, nếu có khiếu nại, tố cáo hoặc phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về việc kết hôn thì Ủy ban nhân dân cấp xã phải gửi văn bản báo cáo cho Sở Tư pháp; c) Nghiên cứu, thẩm tra hồ sơ đăng ký kết hôn. Trong trường hợp nghi vấn hoặc có khiếu nại, tố cáo đương sự kết hôn thông qua môi giới bất hợp pháp, kết hôn giả tạo, lợi dụng việc kết hôn để mua bán phụ nữ, kết hôn vì mục đích trục lợi khác hoặc xét thấy có vấn đề cần làm rõ về nhân thân của đương sự hoặc giấy tờ trong hồ sơ đăng ký kết hôn, Sở Tư pháp tiến hành xác minh làm rõ; d) Báo cáo kết quả phỏng vấn các bên đương sự, thẩm tra hồ sơ kết hôn và đề xuất ý kiến giải quyết việc đăng ký kết hôn, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định, kèm theo 01 bộ hồ sơ đăng ký kết hôn." Ta có thể thấy, thẩm định kết hôn là một quy định bắt buộc trong trình tự giải quyết việc đăng kí kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài. Theo quy định trên, công dân Việt Nam khi đăng ký kết hôn với người nước ngoài sẽ bắt buộc phải qua phỏng vấn. Sở Tư pháp sẽ phỏng vấn cả hai bên đương sự nên bắt buộc các đương sự phải có mặt tại Việt Nam để tham gia cuộc phỏng vấn này. Qua phỏng vấn, cơ quan tư pháp có thể kiểm tra, làm rõ việc kết hôn của hai bên là tự nguyện hay do bị ép buộc, bị lừa dối hoặc vì lợi ích vụ lợi khác. Phỏng vấn cũng giúp Sở Tư pháp kiểm tra mức độ hiểu biết giữa hai bên, khả năng giao tiếp ngôn ngữ chung ra sao. Như vậy, qua phỏng vấn sẽ tránh được trường hợp đi đến kết hôn chóng vánh của hai bên chỉ qua môi giới, thậm chí hai bên không thể giao tiếp bằng ngôn ngữ chung với nhau, không hiểu biết gì về hoàn cảnh gia đình của nhau. Đồng thời, theo nghị định, những trường hợp bị phát hiện là đăng ký kết hôn mà không có sự tự nguyện của cả hai bên, kết hôn giả tạo, không nhằm mục đích đúng đắn trong hôn nhân, thì việc đăng ký kết hôn sẽ bị từ chối. Khoản 2 Điều 18 Nghị định số 68/2002/NĐ-CP của chính phủ, được sửa đồi, bổ sung theo Nghị định số 69/2006/NĐ-CP của chính phủ:“Việc đăng ký kết hôn cũng bị từ chối, nếu kết quả phỏng vấn, thẩm tra, xác minh cho thấy việc kết hôn thông qua môi giới bất hợp pháp; kết hôn giả tạo không nhằm mục đích xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, bền vững; kết hôn không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc; lợi dụng việc kết hôn để mua bán phụ nữ, xâm phạm tình dục đối với phụ nữ hoặc vì mục đích trục lợi khác". Ngoài ra, theo quy định, nếu qua phỏng vấn thấy hai bên kết hôn mà không thể giao tiếp ngôn ngữ, không hiểu tiếng của nhau, thời gian tìm hiểu nhau quá ngắn (ví dụ người nước ngoài đến Việt Nam chỉ một lần, trong vòng hơn một tuần đã nộp hồ sơ kết hôn, kết hôn qua môi giới), hai bên không hiểu gì về gia cảnh của nhau... thì cơ quan tư pháp cũng có thể từ chối cho kết hôn. Như vậy, các quy định trong Luật Hôn nhân gia đình 2000 và Nghị định số 68/2002/NĐ-CP của chính phủ (được sửa đồi, bổ sung theo Nghị định số 69/2006/NĐ-CP của chính phủ) đã quy định rất cụ thể và rõ ràng về sự tự nguyện kết hôn của công dân Việt Nam với người nước ngoài, cũng như quá trình thẩm định tự nguyện khi đăng kí kết hôn. Qua đó có thể thấy đối với pháp luật nước ta, thì sự tự nguyện giữa hai bên là điều kiện bắt buộc khi tiến tới hôn nhân, hôn nhân luôn phải dựa trên cơ sở tình yêu. Những trường hợp đăng ký kết hôn với người nước ngoài không nhằm mục đích xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, bền vững,...sẽ đều bị từ chối. IV. Một số giải pháp khác nhằm hạn chế tình trạng kết hôn với người nước ngoài thiếu sự tự nguyện của công dân Việt Nam: Ngoài các quy định chặt chẽ của pháp luật và quá trình thẩm định tự nguyện kết hôn, chúng ta cũng cần một số biện pháp để hạn chế tình trạng kết hôn với người nước ngoài thiếu sự tự nguyện của công dân Việt Nam đang là một vấn đề nóng bỏng trong xã hội. Đã đến lúc rất cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành, các cơ quan, các tổ chức, đoàn thể chung tay giải quyết vấn đề này. Đối với ngành Công an cần tăng cường kiểm tra, phát hiện các tổ chức, cá nhân môi giới bất hợp pháp và xử lý nghiêm minh trước pháp luật. Kiên quyết xử lý những cán bộ, công chức có biểu hiện tiêu cực hoặc tiếp tay cho bọn tội phạm trong việc làm thủ tục kết hôn giữa phụ nữ Việt Nam với người nước ngoài. Với các nhà hàng, khách sạn cho thuê địa điểm, tổ chức xem mặt cô dâu, nhẹ thì xử phạt hành chính, còn nặng thì cần rút giấy phép hành nghề… Một giải pháp mang tính cấp bách và cũng là lâu dài là cần phải quy định rõ trình độ ngôn ngữ nhất định của người chuẩn bị kết hôn và nhất thiết phải qua một lớp học ngắn hạn về luật pháp, văn hoá, phong tục của đất nước mà người phụ nữ đến làm dâu. Chỉ khi nào cô gái có đủ các điều kiện cần thiết theo quy định thì Sở Tư pháp mới chứng nhận kết hôn. Tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người phụ nữ là một nhiệm vụ hết sức quan trọng không chỉ riêng với Hội LHPN mà cần thiết, đề nghị Bộ Chính trị ra nghị quyết về vấn đề này để cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc. Quan tâm đến việc phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm, đảm bảo cuộc sống của chị em, đặc biệt là đối với chị em vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số và số phụ nữ bị buôn bán hoặc do hôn nhân bất hạnh trở về quê hương làm ăn, sinh sống cũng là trách nhiệm chung của các Bộ, ngành, các cấp uỷ, chính quyền địa phương. Việc tuyên truyền, giáo dục, nhân rộng các gương điển hình, tiên tiến, những người biết vượt lên số phận hay tổ chức những cuộc toạ đàm, trao đổi trực tiếp với những người đã từng là nạn nhân của buôn bán, bất hạnh để răn đe cũng là việc nên làm. Và cũng cần phải cảnh tỉnh với người phụ nữ rằng, tất cả các biện pháp nêu trên có thành công hay không thì điều quan trọng không kém còn phụ thuộc vào quyền quyết định của họ. Trong thời đại ngày nay, khi xã hội không còn chuyện “cha mẹ đặt đâu, con ngồi đấy”, và luật pháp không lên án, nghiêm cấm hôn nhân có yếu tố nước ngoài, người phụ nữ cần tỉnh táo trước những lời đường mật, hứa hẹn suông, không được “mắt thấy tai nghe” và cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đi đến quyết định cho cả cuộc đời của bản thân mình.
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan