Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Giáo dục - Đào tạo Cao đẳng - Đại học Luật Thừa kế theo pháp luật việt nam...

Tài liệu Thừa kế theo pháp luật việt nam

.DOC
10
63
97

Mô tả:

Lời mở đầu Thừa kế là chế định chiếm vị trí quan trọng trọng cổ luật Việt Nam. Nó phản ánh rõ nét nhất tính dân tộc của nước Đại Việt. Trong chế độ phong kiến Việt Nam, việc hưởng di sản thừa kế không chỉ là căn cứ xác lập quyền sở hữu tài sản mà còn là việc kế thừa và giữ vững được địa vị xã hội của người thừa kế và gia đình họ. Trong các văn bản pháp luật còn lưu lại của Việt Nam từ thế kỉ XV đến thế kỉ XVIII mà điển hình là bộ Quốc triều hình luật (thường gọi là Luật Hồng Đức), thừa kế chính là điểm nổi bật nhất của pháp luật thời kì này. Xét về mặt lịch sử pháp luật thời nhà Lê thì những quy định về quan hệ tài sản và thừa kế trong gia đình Việt Nam được ban hành từ rất sớm. Chẳng hạn, các quy định về điền sản để áp dụng cho tư điền sản là do vua Lê Nhân Tông ban hành vào niên hiệu Thái Hoà thứ 7(1949). Hoặc các điều quy định về hương hỏa cũng vậy. Trong bộ Quốc triều hình luật, các điều 388, 389, 391 được ghi rất rõ, năm thứ 3 niên hiệu Quang Thuận(1462)…Và xét về mặt nội dung, các quy định về thừa kế trong pháp luật thời Lê tương đối ổn định, rất ít thay đổi theo thời gian. Với những quy định cụ thể về thừa kế, các thức tạo lập và chứng nhận chúc thư, về những điều kiện liên quan đến hương hoả, pháp luật thời Lê từ thế kỉ XV- thế kỉ XVIII, bên cạnh những tư tưởng truyền thống của xã hội phong kiến phương Đông, cũng phản ánh cả những tư tưởng tiến bộ, những nét độc đáo rất riêng của xã hội Việt Nam. Chế định thừa kế trong cổ luật đã được kế thừa và phát triển và ngày càng được hoàn thiện cho tới nay. Có thể nói, thừa kế là một quan hệ pháp luật có nội dung kinh tế - xã hội sâu sắc, xuất hiện đồng thời có mối quan hệ hữu cơ với quan hệ sở hữu và phát triển cùng với sự phát triển của xã hội loài người. Ngoài ra, quyền thừa kế còn là một trong những quyền cơ bản của công dân được quy định tại Điều 58 Hiến pháp năm 1992 và được quy định trong phần thứ 4 của Bộ luật Dân sự. Theo quan điểm của Ăng-ghen, thừa kế là “sự chuyển dịch tài sản của người chết cho người còn sống”; quyền thừa kế là quyền hưởng tài sản của người chết để lại theo một trình tự do pháp luật quy định. Còn theo cổ luật Việt Nam định nghĩa rằng thừa kế là từ rút gọn của “kế tự thừa siêu” nghĩa là kế thừa dòng dõi, nối tiếp truyền thống làm cho tài sản ngày càng giàu lên. Mục đích sâu xa của thừa kế là để củng cố sự trường tồn của dòng họ, giữ gìn sự hoà thuận, thương yêu, đùm bọc nhau giữa anh chị em trong gia đình. Vì vậy, thừa kế đã trở thành một chế định quan trọng các bộ luật phong kiến Việt Nam. Trong tất cả các thời đại, tài sản có giá trị nhất vẫn là đất đai. Đây là tư liệu sản xuất quan trọng nhất không chỉ đối với cá nhân mà còn đối với các hình thái Nhà nước khác nhau. Vì vậy, đối tượng chủ yếu trong quan hệ thừa kế là ruộng đất. Cho nên pháp luật của các Nhà nước nói chung và pháp luật nhà Lê nói riêng điều chỉnh tương đối chặt chẽ về vấn đề đất đai. Đối với cá nhân, quyền sở hữu về ruộng đất được xác lập thông qua nhiều căn cứ khác nhau, trong đó có căn cứ là thừa kế. Trong Quốc triều hình luật, các quy định về thừa kế không nhiều, gồm các Điều 374, 375, 376,và 390. Các điều luật này được quy định trong chương Điền sản. Vì thừa kế là căn cứ xác làm phát sinh quyền sở hữu về ruộng đất cho nên các quy định về thừa kế được xây dựng trong chương Điền sản. Trong cổ luật Việt Nam quy định hai trình tự chia di sản là chia theo luật và chia theo di chúc. Ở nước ta, pháp luật của các nhà nước phong kiến nói chung đều điều chỉnh quan hệ gia đình dựa trên nền tảng Nho giáo. Pháp luật đề cao vai trò của người gia trưởng trong gia đình, có quyền quản lí và định đoạt toàn bộ tài sản của gia đình. Trong Quốc triều hình luật quy định người phụ nữ có quyền quản lí và thừa kế tài sản trong gia đình sau khi người chồng mất đã cho thấy điểm tiến bộ nhất trong Quốc triều hình luật so với các bộ luật khác cùng thời như Hoàng Việt luật lệ, Quốc triều khám tụng luật lệ…Mặc dù có nhiều quy định khác nhau trong các bộ luật về lĩnh vực thừa kế nhưng pháp luật phong kiến Việt Nam quy định hai hình thức thừa kế: thừa kế theo di chúc và thừa kế theo pháp luật và vấn đề thừa kế tài sản thờ cúng có ý nghĩa quan trọng hơn thừa kế tài sản thông thường. I. Thừa kế theo di chúc. Cổ luật Việt Nam tôn trọng quyền tự do định đoạt tài sản bằng chúc thư. Tài sản của ông bà, cha mẹ thì họ có quyền định đoạt khi còn sống như cho, tặng hoặc lập chúc thư để chia tài sản của mình cho người khác. Khi đã có di chúc thì phải thực hiện theo di chúc không được phép làm sai hay chống đối. Nếu ông bà, cha mẹ không lập chúc thư thì có thể xảy ra tranh chấp giữa các con cháu về di sản của ông bà, cha mẹ. Vì vậy, nếu ông bà, cha mẹ lập chúc thư định đoạt tài sản của mình sau khi chết sẽ tránh được tranh chấp trong gia đình. Cho nên, pháp luật khuyến khích việc định đoạt tài sản bằng chúc thư. Trong Quốc triều hình luật, Điều 390 quy định: “người làm cha mẹ phải liệu tuổi già mà lập di chúc”. Rõ ràng pháp luật không bắt buộc cha mẹ phải lập chúc thư nhưng khuyến cáo những người tuổi già nên lập chúc thư để phân chia di sản cho con cháu. Có hai hình thức di chúc là di chúc viết và di chúc miệng. Theo tinh thần và nội dung của Điều 366, người làm chúc thư (cha,mẹ) phải tự viết lấy(nếu không biết chữ thì nhờ quan viên nào đó trong làng xã viết giùm và phải có người làm chứng xác nhận nội dung di chúc đó đúng với ý chí của người lập chúc thư). Hình thức di chúc miệng là “lệnh” của ông bà, cha mẹ. Điều 388 quy định “Nếu có lệnh của ông bà và chúc thư thì phải theo đúng, trái thì mất phần mình”. Còn trong Hoàng Việt luật lệ quy định: “Nếu ông bà, cha mẹ đã di chúc thì tôn trưởng cũng không được thưa kiện” và thời điểm phát sinh thừa kế phải sau khi để tang cha mẹ 3 năm và sau 5 năm mới giải quyết thưa kiện. Nguyên tắc tự do lập di chúc của người gia trưởng cũng được tôn trọng. Trong gia đình, cha mẹ là chủ tài sản nên chỉ có cha mẹ mới được quyền lập di chúc. Ở di chúc, ngoài phần ruộng đất dành ra làm hương hoả, phần còn lại được chia cho các con. Những người con nào được hưởng thừa kế và được hưởng bao nhiêu đều do người lập di chúc quy định. Cha mẹ có thể truất quyền thừa kế của người con nào đó, thường là người con bất hiếu và đó cũng là một dạng từ con. Theo quy định của pháp luật, con cháu có quyền thừa kế di sản của ông bà, cha mẹ theo chúc thư. Nếu không có chúc thư hoặc chúc thư vô hiệu thì các con được thừa kế theo pháp luật. Trường hợp con, cháu vi phạm lệnh hay chúc thư của ông bà, cha mẹ thì mất quyền thừa kế theo di chúc hay mất quyền thừa kế theo pháp luật. Điều này pháp luật không quy định cụ thể. Như vậy, pháp luật phong kiến Việt Nam đã tôn trọng và đề cao ý nguyện của ông bà, cha mẹ khi còn sống để bảo đảm tôn ti trật tự trong gia đình, con cháu không được trái lời dạy bảo của ông bà, cha mẹ và phải phụng dưỡng bề trên. Nếu vi phạm nghĩa vụ đạo lí này mà bị ông bà, cha mẹ trình lên quan thì bị xử tội đồ làm khao đinh(Điều 506). Xuất phát từ nghĩa vụ, bổn phận làm con cháu, nên pháp luật truất quyền thừa kế theo di chúc của những người có hành vi vi phạm mệnh lệnh hoặc chúc thư của ông bà, cha mẹ. II. Thừa kế theo pháp luật 1. Đối với tài sản thông thường Pháp luật phong kiến Việt Nam quy định: Nếu cha mẹ không lập di chúc hoặc không kịp lập chúc thư mà chết thì các con có thể thoả thuận tự chia nhau điền sản của cha mẹ để lại. Nếu có tranh chấp thì phải theo pháp luật quy định mà chia cho đúng. Các điều 374, 375, 376, 380, 388 và một số điều khoản khác trong Luật Hồng Đức cho biết có hai hàng thừa kế: hàng thừa kế thứ nhất là các con, hàng thừa kế thứ 2 là cha mẹ hoặc người thừa tự (chỉ được quy định cụ thể trong Luật Hồng Đức nhưng cũng chỉ phát sinh khi hôn nhân không có con mà một người chết quy định trong 3 điều khoản Điều 374, 375, 376) a. Quan hệ thừa kế trong hàng thừa kế thứ nhất: Chỉ phát sinh khi cả cha và mẹ đều đã chết. Theo Luật Hồng Đức, diện thừa kế trong hàng này bao gồm: con trai, con gái, con vợ cả, con vợ lẽ, con nàng hầu(Điều 388) và con nuôi cũng được thừa kế tài sản khi trong văn tự nhận nuôi con có ghi rõ cho thừa kế điền sản(Điều 380) và không thất hiếu với cha nuôi(Điều 506). Nhưng mức thừa kế không như nhau. Qua phân tích những quy định của pháp luật phong kiến thời Lê (nhất là các điều 388, 389, 390, 391, 392, 393, 394, 394…400 của bộ Quốc triều hình luật cũng như các đoạn trong Hồng Đức thiện chính thư) chúng ta thấy việc phân chia tài sản thừa kế dựa theo các nguyên tắc sau: - Trước hết phải trích 1/20 số ruộng đất làm phần hương hoả. Về nguyên tắc, phần ruộng hương hoả giao cho con trai trưởng giữ. Nếu con trai cả chết trước thì giao đất hương hoả cho người cháu trưởng, nếu không có cháu trưởng, thì giao đất hương hoả cho con trai thứ. Trường hợp vợ cả không có con trai khác thì giao đất hương hoả cho người con trai nào tốt của vợ lẽ. Người giữ đất hương hoả có con trai trưởng thì dùng con trai trưởng, không có con trai trưởng thì dùng con gái trưởng, cho phép được thừa hưởng một đời rồi sau đó theo lệ trả lại cho người trong tôn(họ nội) quản lý…Quy định như vậy nhằm bảo đảm đất hương hỏa bao giờ cũng nằm trong nội tộc, dòng chảy về mặt huyết thống không bao giờ ngừng, không bao giờ vắng người hương khói tổ tiên. - Sau đó, số điền sản còn lại được đem chia cho các con không phân biệt trai gái: con đẻ của vợ cả, vợ lẽ, con nuôi. Nhưng không phải chia đều mà chia như sau: + Các con của vợ cả được chia phần hơn và đều nhau không phân biệt trai gái. + Các con của vợ lẽ và của nàng hầu được chia phần kém hơn các con của vợ cả, các phần đều bằng nhau không phân biệt gái trai. Phần kém hơn là bao nhiêu thì không được pháp luật quy định rõ ở đâu cả. + Con nuôi cũng được chia phần thừa kế bằng 1/3 phần của con đẻ. Trường hợp không có con đẻ thì con nuôi được hưởng toàn bộ tài sản thừa kế. Để được công nhận là con nuôi và được hưởng điền sản thừa kế, người đó phải ở với bố mẹ nuôi từ nhỏ(từ trên 3 tuổi và dưới 7 tuổi) với giấy tờ công nhận rõ ràng, đã được biên vào hộ tịch của bố mẹ nuôi và đã thực hiện tốt việc phụng dưỡng bố mẹ nuôi như đối với bố mẹ đẻ (Điều 380 bộ Quốc triều hình luật cũng như các Đoạn 270 và 271 Hồng Đức thiện chính thư). - Mặc dù là con đẻ, nhưng nếu phạm vào tội bất hiếu đối với cha mẹ thì sẽ bị tước quyền thừa kế tài sản. Về mặt hình sự, bất hiếu là một trong mười tội ác(Điều 2 bộ Quốc triều hình luật). Đó là “tố cáo, quở mắng ông bà, cha mẹ, trái lời cha mẹ dạy bảo, nuôi nấng thiếu thốn, có tang cha mẹ mà lấy vợ lấy chồng, vui chơi ăn mặc như thường, nghe thấy tang ông bà cha mẹ mà giấu, không cử ai, nói dối là ông bà cha mẹ chết”. Tội này bị trừng trị rất nặng. Về mặt thừa kế, luật pháp buộc bố mẹ, họ hàng phải truất quyền thừa kế của người con bất hiếu (Đoạn 295 Hồng Đức thiện chính thư) Và cả khi nghe tin bố mẹ chết, người con bất hiếu có về chịu tang sửa phần mộ và làm cỗ, làm tế lễ(báo hiếu), thì cũng không được chia tài sản thừa kế cho đứa con đó (Đoạn 272 Hồng Đức thiện chính thư). - Chia thừa kế phải bảo đảm sự đoàn kết và thương yêu nhau giữa anh em trong gia đình. Tư tưởng của pháp luật thời Lê trong việc chia tài sản thừa kế rất nhân đạo, đặt ra sự đoàn kết gia đình lên trên hết. Điều đó thể hiện ở chỗ, một mặt lấy sự thuận hoà giữa những người con làm chính trong việc chia tài sản thừa kế. Qua đó chúng ta thấy rằng, pháp luật thời nhà Lê rất mềm dẻo, linh hoạt, đồng thời cũng rất cứng rắn và nghiêm khắc không ngoài mục đích nào khác là bảo đảm đoàn kết gia phong - một truyền thống quý báu của dân tộc ta. b. Quan hệ thừa kế trong hàng thừa kế thứ hai: (Chế định về thừa kế giữa vợ và chồng) Như chúng ta đã biết, khi gia đình còn tồn tại, tất cả các tài sản được coi là của chung của gia đình. Và điều dễ thấy là tư tưởng gia trưởng được thể hiện khá rõ nét trong việc chi phối tài sản đó. Trong gia đình, người gia trưởng có quyền hành nhiều hơn đối với tài sản chung. Điều đó thể hiện ở chỗ, các thân thuộc trong gia đình có nghĩa vụ phục tùng sự phán quyết của người gia trưởng. Tuy nhiên, ở một mức độ nhất định nào đó, pháp luật phong kiến thời Lê cũng bênh vực quyền lợi của người vợ- họ không hoàn toàn mất quyền đối với tài sản trong gia đình. Quan hệ thừa kế này chỉ được quy định cụ thể trong Luật Hồng Đức nhưng cũng chỉ phát sinh khi hôn nhân không có con mà một người chết. Diện thừa kế là cha mẹ hoặc người thừa tự. Quan hệ thừa kế trong hàng này được quy định trong 3 trường hợp cụ thể sau: *) Trường hợp vợ chồng không có con mà một người chết trước thì nảy sinh quan hệ thừa kế như sau (Điều 375) - Nếu chồng chết trước: + Ruộng đất do nhà chồng đã cho (nhà làm luật gọi là phu gia điền sản) được chia làm 2 phần bằng nhau. Một nửa thuộc về người ăn thừa tự (bên họ chồng) để giữ việc tế tự, nửa kia người vợ được hưởng suốt đời nhưng không được làm của riêng (nghĩa là không được bán), đến khi cha mẹ hãy còn sống thì thuộc về cha mẹ cả. + Ruộng đất do hai vợ chồng cùng tần tảo làm lụng mua được (tần tảo điền sản) được chia làm 2 phần bằng nhau. Vợ được nhận một nửa làm của riêng (vì thực chất đây là phần công sức của người vợ), nửa của người chồng chết được chia làm 3 phần: cho vợ 2 phần để hưởng suốt cuộc đời nhưng không được làm của riêng và khi vợ chết hay tái giá thì 2 phần này để lại cho người tế tự của chồng; cho người thừa tự của chồng một phần để giữ việc tế tự. Phần về tế tự nếu cha mẹ chồng còn sống thì cha mẹ giữ, nếu cha mẹ chồng không còn sống thì mới giao cho người thừa tự giữ. - Nếu vợ chết trước: Việc phân chia tài sản cũng tương tự như trên, chỉ có khác là chồng đi lấy vợ khác vẫn được chiếm dụng một đời. Như vậy, trong quan niệm của nhà làm luật, ruộng đất của vợ chồng gồm có các loại tần tảo điền sản, phu gia điền sản, thê gia điền sản và có hai người được hưởng thừa kế là vợ(chồng) còn đang sống, cha mẹ chồng(vợ) hoặc người thừa tự bên nhà chồng(vợ) (nếu cha mẹ chồng(vợ) chết). Từ sự phân tích trên, chúng ta có thể sơ bộ đi đến các kết luận sau: - Vợ chồng không được thừa kế tài sản của nhau. Trong trường hợp vợ chồng không có con, gia đình hoặc họ hàng của người chết trước có ưu thế hơn về mặt tài sản. Ở đây nói lên một điều, người phụ nữ Việt Nam khi đi lấy chồng mặc dù đã mang nặng tư tưởng xuất giá tòng phu nhưng vẫn rất gắn bó với gia đình nơi họ sinh ra. Gia đình họ có quyền được hưởng gia sản của con gái mình và có nghĩa vụ thừo cúng khi họ chết đi mà chưa có con. - Pháp luật thời Lê đã ghi nhận một cách bình đẳng sự đóng góp của người vợ trong tài sản chung của vợ chồng. Của cải do hai vợ chồng làm ra trong quá trình hôn nhân được chia đôi mỗi người một nửa để làm của riêng, nếu một trong hai người chưa có con. Điều đó nói lên pháp luật ghi nhận và bảo vệ quyền sở hữu hợp pháp đối với tài sản do hai vợ chồng làm ra. - Sự bất bình đẳng duy nhất trong quan hệ tài sản giữa vợ và chồng được thể hiện ở chỗ, nếu vợ chết trước, đối với tài sản do bố mẹ hai bên dành cho, chồng được hưởng một nửa để nuôi dưỡng một đời và khi đi lấy vợ khác vẫn tiếp tục được giữ tài sản đó, trong khi đó, nếu chồng chết trước, người vợ đi lấy chồng khác phải trả phần tài sản này cho gia đình bên chồng. Sự bất bình đẳng này có nguồn gốc từ tư tưởng Khổng giáo trọng nam khinh nữ, chứ không bắt nguồn từ một lý do nào khác. *) Trường hợp vợ chồng có con, một người chết, con lại chết theo thì nảy sinh quan hệ thừa kế như sau (Điều 376) - Nếu vợ chết trước: + Nếu cha mẹ vợ còn sống thì thê gia điền sản được chia làm hai phần: Cha mẹ vợ được hưởng một nửa và chồng được một nửa, nhưng chồng chỉ được sử dụng mà không được bán. Khi chồng chết, phần này phải hoàn về cha mẹ vợ hoặc người thừa tự. + Nếu cha mẹ vợ đã chết thì thê gia điền sản được chia làm 3 phần bằng nhau, để cho chồng hai phần, người thừa tự một phần. Trong luật không nói người chồng trong trường hợp này chỉ được sử dụng trong đời mình. Như vậy phải hiểu là người chồng được toàn quyền sở hữu đối với 2/3 thể gia điền sản đó. Nếu so sánh Điều 376 và Điều 375 ta thấy gần giống nhau ở điểm một trường hợp không có con và một trường hợp con chết. Song việc chia thê gia điền sản có sự khác nhau. Điều 376 dành cho người chồng quyền lợi hơn Điều 375. Vì cuộc hôn nhân đã có con (mặc dù sau đó con đã chết), mối liên hệ giữa người chồng với gia đình vợ mật thiết hơn. Tuy nhiên, Điều 376 không nêu ra việc giải quyết phu gia điền sản và tần tảo điền sản. Phải chăng, nhà làm luật cho rằng có thể áp dụng tương tự Điều 375 mà không cần phải quy định lại ở Điều 376. “Nếu chồng chết trước thì vợ cũng thế, cải giá thì phải trả lại” (Điều 376) Như vậy, ở trường hợp chồng chết trước, người được hưởng thừa kế gồm vợ, cha mẹ chồng hoặc người thừa tự nhưng ngay cả khi không còn cha mẹ chồng, người vợ cũng chỉ được chiếm dụng 2/3 phu điền sản một đời; nếu chết hoặc cải giá thì phải trả lại cho người thừa tự. *) Trường hợp vợ chồng có con, một người chết trước, người kia đi lấy kẻ khác, không có con ở lần hôn nhân này thì sau khi chết nảy sinh quan hệ thừa kế như sau (Điều 374): - Nếu vợ chết, người chồng lấy vợ khác nhưng không có con với người vợ sau, khi người chồng chết thì tài sản sẽ được phân chia giữa các con(của vợ trước) với ngưuơì vợ sau như sau: + Phu gia điền sản: Người vợ sau được sử dụng 1/3(nếu người vợ trước chỉ có một con) hoặc bằng phần của một người con(nếu người vợ trước cớ từ hai con trở lên); còn bao nhiêu đều thuộc về con chồng. Nếu người vợ sau đi tái giá hoặc chết thì phần điền sản thuộc về con vợ trước. + Tần tảo điền sản của chồng và vợ trước được chia hai phần đều nhau. Một nửa thuộc về các con vì thực chất đấy là phần của vợ trước, nửa còn lại (thực chất là phần của chồng) được chia cho vợ sau và con chồng theo tỉ lệ như trên. + Tần tảo điền sản của chồng và vợ sau cũng được chia đôi. Một nửa thuộc quyền sở hữu của người vợ sau, nửa còn lại cũng được chia cho người vợ sau và con chồng theo tỉ lệ như trên nhưng phần này của người vợ chỉ có quyền sử dụng, còn nếu tái giá hoặc chết đi thì thuộc về con chồng. - Nếu chồng chết trước, vợ đi lấy chồng khác nhưng không có con ở cuộc hôn nhân thứ hai thì về vấn đề tài sản cũng được giải quyết tương tự như trường hợp vợ chết trước. Như vậy, ở trường hợp Điều 374, người được hưởng thừa kế gồm con riêng của chồng(con riêng của vợ), người vợ sau (người chồng sau). Để bảo tồn tài sản cho con cái sau này thừa kế, nhà làm luật đã cấm người vợ khi đi tái giá hoặc người chồng sau khi vợ chết và đi lấy vợ khác bán ruộng đất trong gia đình của lần hôn nhân trước(theo Điều 377 và theo tinh thần của một số điều khoản khác) 2. Đối với tài sản thờ cúng Thờ cúng là một truyền thống tốt đẹp của nhân dân ta, thông qua việc thờ cúng sẽ nhắc nhở con cháu phải nhớ ông bà, cha mẹ, phải sống có đạo lí theo tôn ti trật tự trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Truyền thống tốt đẹp này cần phải kế thừa và phát triển. Để tạo điều kiện cho việc thờ cúng, pháp luật quy định về việc lập và giữ hương hỏa. Trong tất cả các bộ luật phong kiến Việt Nam thì Quốc triều hình luật là bộ luật nổi bật nhất, có những quy đinh rất tiến bộ về việc thừa kế tài sản thờ cúng. Vấn đê ruộng đất hương hỏa đã được Bộ luật quy định trong 13 điều luật. Luật hương hoả triều Lê thể hiện sâu sắc phong tục tập quán của người Việt, có nhiều điểm khác với pháp luật Trung Hoa. Thừa tự hương hỏa là loại thừa kế đặc biệt. Hương hỏa là một phần điền sản của người chết dành cho người con trai trưởng, không có con trai trưởng thì giao cho con trai thứ, không có con trai thứ thì giao cho con gái để khai khẩn ruộng đất thu hoa lợi. Một phần hoa lợi đó để lo phần mộ của người chết và họ hàng. Phần còn lại, người giữ hương hỏa được sử dụng cho bản thân. Bất kể người nào cũng đều có quyền thiết lập hương hỏa (là quyền mà một người được để lại tài sản hợp pháp của mình để thờ cúng người đó sau khi chết và chỉ định người thừa kế). Nếu hương hỏa được truyền đời thì việc tiếp nhận hương hỏa là một nghĩa vụ. Con cháu có nghĩa vụ thờ cúng tổ tiên, quản lý và giữ gìn tài sản thờ cúng và thiết lập tài sản thờ cúng trước khi mất. Về số lượng tài sản hương hỏa, Điều 390 Luật Hồng Đức quy định là 1/20 di sản. Sở dĩ có giới hạn như trên là để tránâtsự tích luỹ hương hỏa từ đời này snag đời khác tới diện tích quá lớn. Ruộng đất hương hỏa chỉ được sử dụng vào việc trồng cây lấy hoa lợi để thờ cúng tổ tiên và không được bán ruộng đất hương hỏa(Điều 400). Theo Điều 399, ruộng đất hương hỏa không truyền quá 5 đời, vì con cháu chỉ phải thờ cúng những người trong vòng 5 đời. Luật quy định không được chia nhau ruộng đất vốn là hương hỏa nhưng để cho ai thì không nói tới. Nếu theo phong tục tập quán, phần ruộng đất này cho người thừa tự cuối cùng hoặc nhập vào ruộng đất của dòng họ. Về trật tự truyền ruộng đất hương hỏa, luật hương hỏa đã dành phần lớn các điều khoản quy định về trình tự những người được hưởng hương hỏa. Thông thường, việc truyền ruộng đất hương hỏa phải triệt để thể hiện nguyên tắc trọng nam và trọng trưởng. Nhưng nhà làm luật triều Lê đã “mềm hoá” nguyên tắc này bằng cách quy định như sau: Ruộng đất hương hỏa được truyền cho con trai trưởng. Khi con trưởng chết được giao cho cháu trai trưởng và tiếp tục được truyền lại cho các đời sau. Hương hỏa bao giờ cũng giao cho con cháu người vợ cả. Trường hợp con trai của người vợ cả không có con trai nhưng sinh được con gái mà trong khi đó người vợ lẽ hoặc nàng hầu sinh con trai thì của hương hỏa sẽ giao cho con trai vợ lẽ hoặc nàng hầu giữ, để chứng tỏ dòng họ không bị tuyệt tự. Trường hợp cha mẹ sinh được hai con trai, người con trai trưởng không có con trai nhưng con trai thứ sinh được con trai thì hương hỏa được giao cho con của người con thứ đó. Nếu con của người con thứ không có con trai thì của hương hỏa lại được giao cho con gái của người con trai trưởng. Quốc triều hình luật đã trù liệu, trường hợp con trai trưởng, cháu trai trưởng không có điều kiện thờ cúng ông bà, cha mẹ thì cho phép dòng họ sẽ thoả thuận lập người thừa tự. Khi người con trai trưởng, cháu trai trưởng có điều kiện thờ cúng thì người thừa tự đó phải giao lại hương hỏa cho người con, cháu đó(Điều 394). Bộ luật không quy định trường hợp một người hoàn toàn không có con trai, cháu trai…thì của hương hỏa sẽ giao cho ai quản lý. Tuy nhiên, luật đã dự liệu các trường hợp xảy ra khi không có cháu trai trưởng thì hương hỏa giao cho con trai của người con trai thứ. Nếu không có con trai thì giao cho con gái hoặc cháu gái trưởng (Người tàn phế hoặc bất hiếu không được nhận ruộng đất hương hỏa). Như vậy, pháp luật đã trù liệu hầu như các khả năng sẽ xảy ra trong thực tế. Nhìn chung, mục đích luật thừa kế triều Lê vừa nhằm củng cố sự trường tồn của dòng họ vừa nhằm giữ gìn sự hoà thuận, thương yêu nhau giữa anh chị em trong gia đình. Với việc cho người vợ có quyền quản lí tài sản trong gia đình sau khi người chồng mất, cho người phụ nữ có quyền thừa kế và phần của con gái bằng phần của con trai(điều không thể tìm thấy trong các bộ luật phong kiến khác), luật thừa kế đã trở thành một chế định nổi bật nhất thể hiện những nét tiến bộ của luật pháp triều Lê. III. Giá trị pháp lý và nhân văn của chế định thừa kế Trong chế độ phong kiến, việc hưởng di sản thừa kế không chỉ là căn cứ xác lập quyền sở hữu tài sản mà còn là việc kế thừa và giữ vững được địa vị xã hội của người thừa kế và gia đình họ. Bởi vì trong xã hội phong kiến, tài sản chủ yếu là ruộng đất tập trung trong tay giai cấp địa chủ, phú nông. Đây là giai cấp chiếm số ít trong xã hội nhưng lại chiếm giữ phần lớn tư liệu sản xuất trong tay. Cho nên, sau khi chết giai cấp này để lại cho con cháu thừa kế tài sản và địa vị của mình và tiếp tục bóc lột sức lao động giai cấp nông dân. Ngược lại, người nông dân có ít ruộng đât nhưng đây là nguồn sôngs chủ yếu của gia đình họ. Sau khi chết, người nông dân để lại thừa kế ruộng đất của mình cho con cháu sinh sống. Trong xã hội thời bấy giờ, đạo đức xã hội chịu ảnh hưởng nặng nề bởi quan niệm Nho giáo. Trong khi hầu hết các bộ luật phong kiến Việt Nam đều bị chi phối bởi hệ tư tưởng đã trở thành chính thống này thì pháp luật nhà Lê lại thể hiện tư tưởng tiến bộ của xã hội phong kiến Việt Nam, đó là sự bình đẳng giữa vợ và chồng trong quan hệ tài sản. Vợ chồng có quyền có tài sản riêng hoặc vợ chồng có quyền sở hữu chung những tài sản do vợ chồng làm ra, con trai con gái đều được hưởng một kỷ phần như nahu, con gái được giữ hương hoả để thờ cúng ông bà, cha mẹ. Ngoài ra, pháp luật còn đề cao vị trí của người mẹ trong gia đình sau khi người cha chết. Một số trường hợp tách hộ ở riêng thì con được phép chia di sản thừa kế. Cổ luật Việt Nam quy định những người không nghe lệnh của ông bà, cha mẹ thì mất quyền thừa kế. Đây là quy định không những có tính pháp lý mà còn mang tính đạo lý, giáo dục con cháu phải biết vâng lời ông bà, cha mẹ, không được tranh giành của cải mà dẫn tới mất đoàn kết trong gia đình. Truyền thống đoàn kết này cũng cần phải được quy định rõ trong chế định thừa kế của Bộ luật Dân sự. Xuất phát từ tinh thần đoàn kết đó, pháp luật sẽ điều chỉnh việc nhường quyền thừa kế giữa những người thừa kế với nhau. Thờ cúng là việc thể hiện tấm lòng tôn kính ông bà, cha mẹ, của cháu con. Đây là truyền thống tốt đẹp, là bản sắc văn hoá của người Việt Nam. Việc thờ cúng này được Luật Hồng Đức điều chỉnh là nghĩa vụ pháp lý của con cháu. Ngày nay, pháp luật dân sự của Nhà nước ta kế thừa tại Điều 670 Bộ luật Dân sự năm 2005. Hiện nay, di sản dùng vào việc thờ cúng chủ yếu là quyền sử dụng đất và các bất động sản khác. Di sản thờ cúng được giao cho người được chỉ định trong di chúc hoặc do những người thừa kế thỏa thuận cử ra người quản lý di sản. Việc thờ cúng sẽ được thực hiện qua nhiều đời con, cháu. Chế định thừa kế là một chế định quan trọng trong hệ thống các quy phạm pháp luật dân sự Việt Nam. Hơn nữa trong những năm gần đây, số vụ việc tranh chấp về thừa kế luôn chiếm tỷ trọng lớn trong các tranh chấp dân sự và có tính phức tạp cao. Do đó, trong luật dân sự Việt Nam hiện đại, chế định thừa kế là một nhu cầu cấp thiết luôn được đặt ra và ngày càng được sửa đổi hoàn thiện hơn. Với ý nghĩa trên, việc nghiên cứu vấn đề thừa kế trong luật dân sự hiện đại đặt trong mối quan hệ so sánh mật thiêt với các bộ cổ luật của nước ta tiêu biểu là “Quốc triều hình luật - bộ luật đỉnh cao so với những thành tựu pháp luật của các triều đại phong kiến” và “Hoàng Việt luật lệ - bộ luật chính thống của triều Nguyễn”, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu là một điều vô cùng đúng đắn. Điều này không những mang giá trị về mặt lý luận mà còn mang giá trị sâu sắc trong đời sống thực tiễn. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Giáo trình lịch sử Nhà nước và Pháp luật Việt Nam - Trường Đại học Luật Hà Nội- Nhà xuất bản chính trị Quốc Gia. 2. Bộ Quốc Triều Hình Luật. 3. Bộ Hoàng Việt Luật Lệ - Tập 3 4. Nghiên cứu hệ thống pháp luật Việt Nam thế kỉ X- thế kỉ XVIII NXB Khoa học xã hội - Hà nội 1994. 5. Quốc Triều Hình Luật - Lịch sử hình thành, nội dung và giá trị - NXB Khoa học xã hội - Hà nội 2004
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan