Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Giáo dục - Đào tạo Cao đẳng - Đại học Luật Tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự trong tố tụng dân sự...

Tài liệu Tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự trong tố tụng dân sự

.DOC
10
166
74

Mô tả:

Đề bài số 10: Tạm đình chỉ vụ án dân sự trong tố tụng dân sự LỜI MỞ ĐẦU Trong thực tiễn xây dựng các quy định pháp luật về tố tụng dân sự của nước ta, vấn đề tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự đã được đề cập. BLTTDS 2004 ra đời tiếp tục kế thừa và phát triển các quy định này một cách cụ thể, rõ ràng hơn. Trong bài tiểu luận này, qua việc tìm hiểu các quy định của pháp luật tố tụng dân sự về tạm đình chỉ vụ án dân sự và thực tiễn áp dụng, nhóm mong rằng từ đó sẽ đưa ra được một số kiến nghị nhằm hoàn thiện các quy định của pháp luật về vấn đề này. NỘI DUNG I/ Lý luận chung về tạm đình chỉ vụ án dân sự trong tố tụng dân sự. 1. Khái niệm, đặc điểm và ý nghĩa của tạm đình chỉ vụ án dân sự  Khái niệm Có nhiều cách định nghĩa về tạm đình chỉ vụ án dân sự: Theo Từ điển giải thích thuật ngữ luật học thì: “ Tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự là Tòa án tạm thời ngừng giải quyết vụ án dân sự đã thụ lý đó”. Theo tác giả Tống Công Cường trong Luật Tố tụng dân sự Việt Nam : “Tạm đình chỉ là một biện pháp tạm ngừng tố tụng do Tòa án áp dụng khi có những căn cứ nhất định”.[…] Tiến sĩ Hoàng Ngọc Thỉnh cho rằng: “ Tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự là việc Tòa án quyết định tạm ngừng việc giải quyết vụ án dân sự khi có những căn cứ do pháp luật quy định”.[…] Những định nghĩa trên đều xuất phát từ cách nhìn nhận tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự là quyết định của tòa án, có tính tạm thời dựa trên căn cứ do luật định. Tuy nhiên, những khái niệm nêu trên chưa làm rõ đặc trưng của tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, giúp phân biệt với việc đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, là việc tiếp tục giải quyết vụ án khi lí do tạm đình chỉ không còn nữa. Bởi vậy, nhóm chúng em đồng ý với khái niệm cho rằng: “Tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự là việc tạm ngừng giải quyết vụ án trong một thời gian khi có những căn cứ do pháp luật quy định và khi những căn cứ của việc tạm đình chỉ không còn tòa án sẽ tiếp tục giải quyết vụ án dân sự đó”.  Đặc điểm - Việc tạm đình chỉ phải dựa trên những căn cứ pháp luật có quy định trước. Những quy định này được xác định dựa trên cơ sở đảm bảo quyền tố tụng của đương sự như quyền tham gia tố tụng; đảm bảo sự chính xác và đúng đắn trong việc giải quyết vụ việc khi việc giải quyết vụ án này liên quan tới vụ án khác, hoặc đảm bảo sự phối hợp giữa các cơ quan tổ chức trong việc giải quyết vụ việc bởi có những vụ việc mà pháp luật quy định phải do cơ quan, tổ chức khác giải quyết mới được giải quyết. - Việc tạm đình chỉ giải quyết vụ việc dân sự là việc tòa án chỉ tạm thời cho ngừng giải quyết vụ án dân sự đó chứ không phải cho ngừng hẳn việc giải quyết. 1 Đây là đặc điểm cơ bản phân biệt tạm đình chỉ với đình chỉ giải quyết vụ án dân sự. Nếu tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự chỉ là việc ngừng giải quyết tạm thời, sau khi căn cứ ngừng giải quyết đã hết thì vụ việc tiếp tục được giải quyết; thì đối với đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, vụ việc dân sự sẽ bị ngừng giải quyết, đương sự không có quyền khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết vụ án đó, trừ một số trường hợp pháp luật có quy định khác. - Tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự được tiến hành trong suốt thời gian tố tụng, từ lúc tòa án thụ lí và ngay cả trong phiên tòa xét xử. Trong khi đó, tạm ngừng phiên tòa được tiến hành trong phiên tòa, phiên họp khi có những lý do nhất định. Ý nghĩa của tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự là bảo vệ quyền lợi tố tụng của người tham gia tố tụng cũng như bảo đảm cho việc xét xử của Tòa án khi xuất hiện những tình tiêt làm cho việc giải quyết vụ án dân sự chưa thể tiếp. Bởi quy định này được xác lập dựa trên việc bảo đảm các nguyên tắc trong tố tụng. 2. Cơ sở khoa học của việc quy định về tạm đình chỉ VADS. - Bảo đảm quyền bảo vệ, quyền tham gia tố tụng của đương sự và người đại diện của họ. Trách nhiệm của Tòa án là phải đảm bảo giải quyết nhanh chóng, chính xác các vụ án dân sự nhằm bảo vệ kịp thời quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức. Trong quá trình giải quyết các vụ án dân sự, Tòa án có trách nhiệm tạo điều kiện cho đương sự, người đại diện của đương sự thực hiện các quyền mà pháp luật tố tụng dân sự đã quy định cho họ, thông qua các quyền đó, đương sự, người đại diện của họ có thể bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự. Trên thực tế, khi Tòa án giải quyết vụ án dân sự, có thể xuất hiện nhiều tính huống làm cho việc tiến hành giải quyết vụ án của Tòa án không đảm bảo quyền tham gia tố tụng và các quyền, lợi ích hợp pháp khác của đương sự. Ví dụ như, đương sự là cá nhân đã chết, mất tích; là cơ quan tổ chức đã sáp nhập, chia, tách, giải thể, phá sản mà chưa có người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng hoặc đương sự là cá nhân mất năng lực hành vi dân sự mà chưa xác định được người đại diện theo pháp luật;…Trong các trường hợp này, để đảm bảo quyền tham gia tố tụng, quyền bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các đương sự và người đại diện cho họ pháp luật cần phải quy định việc Tòa án đã thụ lý vụ án phải tạm ngừng giải quyết vụ án dân sự. - Đảm bảo sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong việc giải quyết vụ án dân sự. Để giảm bớt áp lực về công việc của ngành Tòa án, đề cao việc giải quyết vụ án dân sự thông qua hòa giải cơ sở trong một số trường hợp pháp luật quy định Tòa án chỉ tiến hành thụ lý giải quyết sau khi vụ án đã được các cơ quan, tổ chức hòa giải nhưng không thành hoặc đương sự đã yêu cầu nhưng không được các cơ quan, tổ chức tiến hành hòa giải trong thời hạn luật định. Mối liên hệ này thể hiện quan điểm của nhà lập pháp về sự phối hợp mềm dẻo giữa các cơ quan, tổ chức trong việc giải 2 quyết vụ án. Do đó, khi cần kết quả giải quyết của cơ quan, tổ chức đối với vụ án đã được Tòa án thụ lý thì Tòa án cần phải tạm ngừng việc giải quyết vụ án dân sự. - Đảm bảo tính chính xác và đúng đắn trong việc giải quyết vụ án dân sự. Có những vụ án dân sự để giải quyết nó Tòa án cần phải đợi kết quả giải quyết của một vụ án dân sự khác hoặc phải có những tài liệu, chứng cứ do cơ quan, tổ chức cung cấp. Trong những trường hợp đó, nếu Tòa án vẫn tiếp tục việc giải quyết vụ án thì sẽ không đảm bảo sự khách quan, toàn diện, đúng pháp luật, do đó, Tòa án cần phải ngừng việc giải quyết vụ án. Ví dụ: Yêu cầu chia di sản thừa kế của người mất tích chỉ có thể thực hiện nếu có quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án tuyên bố người đó đã chết 3. Sơ lược sự phát triển các quy định của pháp luật về tạm đình chỉ VADS Năm 1945, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời ban hành hàng loạt các văn bản pháp luật, trong đó chú trọng tới việc xây dựng thủ tục tố tụng và hệ thống tư pháp mới đặt nền móng cho việc xây dựng hệ thống pháp luật tố tụng dân sự xã hội chủ nghĩa của Việt Nam về sau. Tuy nhiên không có văn bản nào quy định về vấn đề tạm đình chỉ vụ án dân sự. Văn bản pháp lý đầu tiên quy định về tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự chính là Thông tư số 39/NCPL ngày 21/1/1972 của TANDTC hướng dẫn việc thụ lý, di xếp lý và tạm xếp vụ kiện về hôn nhân và gia đình và những tranh chấp về dân sự. Thông tư này đã quy định rất cụ thể căn cứ, thẩm quyền, hậu quả pháp lý của việc tạm xếp vụ kiện dân sự( mà hiện này gọi là tạm đình chỉ vụ án dân sự). Trong suốt giai đoạn từ 1954 đến 1989 đã quy định tương đối đầy đủ các vấn đề về tố tụng dân sự, song vấn đề về tạm đình chỉ vụ án dân sự chưa được chú trọng nhiều, thông tư 39/NCPL vẫn là văn bản duy nhất trực tiếp điều chỉnh vấn đề này. Từ năm 1989 đến năm 2004, do yêu cầu của thực tiễn xã hội nên đã có ba pháp lệnh được ra đời: PLTTGQCVADS 1989, PLTTGQCVAKT 1994 và PLTTGQCTCLD 1996. Có nhiều văn bản hướng dẫn góp phần làm sáng tỏ việc tạm đình chỉ giải quyết VADS như: Nghị quyết số 03/HĐTP ngày 19/10/1990 của HĐTPTANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định của PLTTGQCVADS, Công văn số 124/NCPL ngày 13/12/1991 của TANDTC. Các quy định về căn cứ, thẩm quyền tạm đình chỉ giải quyết vụ án kinh tế, lao động, dân sự được quy định trong ba pháp lệnh tương tự nhau. Tuy nhiên, việc quy định tại cả ba pháp lệnh dẫn đến thủ tục tạm đình chỉ giải quyết VADS bị xé lẻ, chống chéo, thiếu tập trung, đồng bộ. Điều này đặt ra yêu cầu phải xây dựng một bộ luật tố tụng chung cho dân sự, kinh tế, lao động, hôn nhân và gia đình. Bộ luật tố tụng dân sự 2004 được Quốc hội thông qua ngày 27/5/2004, nghị quyết số 02/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 và Nghị quyết số 05/2006/NQ-HĐTP ngày 4/8/2006 của HĐTPTANDTC là các văn bản đang có hiệu lực điều chỉnh vấn đề tạm đình chỉ vụ án dân sự. Các quy định này có sự thay đổi theo hướng rõ ràng, cụ thể, chi tiết hơn so với ba Pháp lệnh trước đây, góp phần hoàn thiện quy định về tạm đình chỉ vụ án dân sự. 3 II/ Quy định của Bộ luật tố tụng dân sự 2004 về Tạm đình chỉ vụ án dân sự 1. Căn cứ tạm đình chỉ vụ án dân sự. Theo Điều 189 BLTTDS, các căn cứ tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án dân sự gồm có: Thứ nhất, đương sự là cá nhân đã chết, cơ quan, tổ chức đã sáp nhập, chia, tách, giải thể mà chưa có cá nhân, cơ quan, tổ chức kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của cá nhân, cơ quan, tổ chức đó. Đối với trường hợp đương sự là cá nhân chết: Theo Điều 56 BLTTDS quy định đương sự trong VADS bao gồm nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Nếu một trong các đương sự trên chết sẽ dẫn tới hậu quả làm gián đoạn việc giải quyết vụ án. Theo quy định tại khoản 1 Điều 62, khi đương sự là cá nhân chết mà quyền, nghĩa vụ về tài sản của họ được thừa kế thì người thừa kế tham gia tố tụng. Chỉ trong trường hợp chưa xác định được người thừa kế hoặc người thừa kế vì một lý do nào đó chưa thể tham gia tố tụng thì mới đặt ra vấn đề phải tạm đình chỉ vụ án dân sự Đối với trường hợp đương sự là cơ quan, tổ chức đang tham gia tố tụng phải chấm dứt hoạt động, bị giải thể, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, chuyển đổi hình thức tổ chức mà chưa xác định được người thừa kế quyền, nghĩa vụ tố tụng mà chưa xác định được người thừa kế thì cũng phải tạm đình chỉ giải quyết VADS. Theo hướng dẫn tại Nghị quyết 02/2006/ NQ-HĐTP: Trường hợp “cơ quan, tổ chức đã sáp nhập, chia, tách mà chưa có cơ quan, tổ chức kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của cơ quan, tổ chức đó” là trường hợp đã có quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền về việc sáp nhập, chia, tách cơ quan, tổ chức đó, nhưng cơ quan, tổ chức mới chưa được thành lập hoặc đã được thành lập nhưng chưa có đầy đủ điều kiện để hoạt động theo quy định của pháp luật đối với loại hình cơ quan, tổ chức đó. Tòa án sẽ ra quyết định tạm đình chỉ để chờ cơ quan, tổ chức mới thành lập hoặc đáp ứng đủ điều kiện đi vào hoạt động. Trường hợp cơ quan, tổ chức đã giải thể mà chưa có cơ quan, tổ chức kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của cơ quan, tổ chức đó là trường hợp chưa xác định được cơ quan, tổ chức, cá nhân kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng theo quy định tại các điểm a và b khoản 2, khoản 3 Điều 62 của BLTTDS. Như vậy ở trường hợp này thì vụ án sẽ tạm đình chỉ giải quyết nếu không xác định được một trong số những người sau: + Cá nhân, tổ chức là thành viên của tổ chức đó hoặc đại diện của họ tham gia tố tụng trong trường hợp tổ chức phải chấm dứt hoạt động, bị giải thể là công ty cổ phần, công ty TNHH,công ty hợp danh. + Đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức cấp trên của cơ quan, tổ chức đó hoặc đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức được giao tiếp nhận quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức đó trong trường hợp cơ quan, tổ chức phải chấm dứt hoạt động, bị giải thể là cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị- xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, doanh nghiệp nhà nước. 4 + Người được tổ chức đó cử làm đại diện trong trường hợp nếu đương sự là tổ chức nhưng không phải là pháp nhân mà người đại diện hoặc người quản lý đang tham gia tố tụng chết. + Cá nhân là thành viên của tổ chức đó nếu tổ chức đó phải chấm dứt hoạt động, bị giải thể. Thứ hai, một bên đương sự là cá nhân mất năng lực hành vi dân sự mà chưa xác định được người đại diện theo pháp luật. Điều 21 BLDS quy định: “Người mất năng lực hành vi dân sự là người mắc bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không nhận thức, làm chủ được hành vi của mình”. Trường hợp này họ không thể trực tiếp tham gia tố tụng để thực hiện các quyền, nghĩa vụ tố tụng. Khi đó phải cần có người đại diện theo pháp luật để tham gia tố tụng. Như vậy, nếu đương sự là cá nhân mất NLHVDS mà chưa có người đại diện tham gia tố tụng thì việc giải quyết vụ án sẽ bị gián đoạn. Để đảm bảo quyền tiếp cận công lý của công dân, để việc giải quyết VADS chính xác và đúng đắn thì Tòa án phải quyết định tạm đình chỉ vụ án dân sự khi chưa xác định được người đại diện của người bị mất NLHVDS. Thứ ba, chấm dứt đại diện hợp pháp của đương sự mà chưa có người thay thế. Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, các đương sự có thể tự mình hoặc nhờ người khác làm đại diện cho mình tham gia tố tụng. Theo Nghị quyết số 02/2006/NQ-HĐTP thì đại diện hợp pháp của đương sự bao gồm đại diện theo pháp luật và đại diện theo ủy quyền. Ngoài ra, cơ quan, tổ chức khởi kiện để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người khác cũng là đại diện theo pháp luật trong TTDS của người được bảo vệ( Điều 73 BLTTDS). Quan hệ đại diện chấm dứt theo quy định tại Điều 147 BLDS (đối với đương sự là cá nhân) và chấm dứt theo Điều 148 BLDS( đối với đương sự là pháp nhân). Nếu quan hệ này chấm dứt mà chưa có người thay thế thì tòa án sẽ tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự. Thứ tư, cần đợi kết quả giải quyết vụ án khác có liên quan hoặc sự việc được pháp luật quy định là phải do cơ quan, tổ chức khác giải quyết trước mới giải quyết được vụ án. Vì kết quả giải quyết của vụ án trước hoặc kết quả do cơ quan quản lý nhà nước giải quyết ở giai đoạn tiền tố tụng có mối liên hệ trực tiếp tới nội dung của vụ án được thụ lý sau này, đồng thời xuất phát từ tính chất tôn trọng sự tự thỏa thuận giữa các bên trong quan hệ dân sự nhằm khuyến khích các bên tự giải quyết tranh chấp nên tòa án sẽ tạm đình chỉ giải quyết VADS trong trường hợp sau: - Cần đợi kết quả giải quyết vụ án khác có liên quan: đây là trường hợp tòa án phảidựa vào kết quả giải quyết các vụ án có liên quan để có thể có đủ căn cứ để giải quyết vụ án dân sự. - Sự việc được quy định phải do cơ quan, tổ chức khác giải quyết trước mới giải quyết được vụ án. Tòa án sẽ ra quyết định tạm đình chỉ vụ án dân sự và hướng dẫn đương sự gửi đơn yêu cầu đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết khi phát hiện được 5 sự việc mà đương sự yêu cầu phải do cơ quan, tổ chức khác có thẩm quyền giải quyết. Thứ năm, Các trường hợp khác mà pháp luật có quy định Theo hướng dẫn tại Nghị quyết 02, “các trường hợp khác mà pháp luật có quy định” là các trường hợp làm căn cứ cho Toà án ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự mà trong BLTTDS này chưa quy định nhưng đã được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật khác hoặc sau khi BLTTDS có hiệu lực thi hành mới được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành sau đó hoặc trong các điều ước quốc tế mà CHXH chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Ngoài ra tại BLTTDS sửa đổi, bổ sung năm 2011 thì còn quy định thêm một căn cứ tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự đó là: Tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự khi cần đợi kết quả thực hiện ủy thác tư pháp hoặc đợi cơ quan, tổ chức cung cấp tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của Tòa án mới giải quyết được vụ án mà thời hạn giải quyết đã hết. Việc quy định này là phù hợp bởi vì, theo quy định tại Điều 93 BLTTDS, trong quá trình giải quyết VADS hoặc trong trường hợp việc thu thập chứng cứ phải tiến hành ở ngoài lãnh thổ Việt Nam …thì Tòa án có thể ra quyết định ủy thác để Tòa án khác hoặc cơ quan có thẩm quyền làm thủ tục ủy thác để lấy lời khai của đương sự, của người làm chứng, thẩm định tại chỗ, định giá tài sản hoặc các biện pháp khác để thu thập chứng cứ, xác minh các tình tiết của vụ việc dân sự. Tòa án nhận được quyết định ủy thác có trách nhiệm thực hiện công việc cụ thể được ủy thác trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày nhận được quyết định ủy thác và thông báo kết quả bằng văn bản cho Tòa án đã ra quyết định ủy thác; trường hợp không thực hiện được việc ủy thác thì phải thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do của việc không thực hiện được việc ủy thác cho Tòa án đã ra quyết định ủy thác. Nhưng qua thực tiễn giải quyết các VADS cho thấy việc thực hiện ủy thác tư pháp thường không hiệu quả, thời gian thông báo kết quả ủy thác thường bị kéo dài, nhiều trường hợp không có kết quả ủy thác tư pháp Tòa án không thể giải quyết được VADS, nhưng Điều 189 BLTTDS lại không quy định đây là căn cứ để tạm đình chỉ giải quyết VADS. 2. Thẩm quyền, thủ tục và hậu quả pháp lý Theo quy định tại Điều 194 BLTTDS thì Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án dân sự có thẩm quyền ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự khi có một trong các căn cứ được quy định tại Điều 189 BLTTDS. Sau đó, Tòa án phải gửi quyết định tạm đình chỉ đó đến cho đương sự và Viện kiểm sát cùng cấp trong thời hạn năm ngày làm việc từ ngày ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự. Về hậu quả của việc tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự được quy định tại Điều 190 BLTTDS, khi vụ án dân sự bị tạm đình chỉ giải quyết “ Tòa án sẽ không xóa tên vụ án đó trong sổ thụ lý mà chỉ ghi chú vào sổ thụ lý số và ngày, tháng, năm của quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự đó”. Bên cạnh đó “ Tiền tạm ứng án phí, lệ phí mà đương sự đã nộp được gửi tại kho bạc Nhà nước và được xử lý 6 khi Tòa án tiếp tục giải quyết vụ việc dân sự”; “ Quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm”. Sở dĩ có những hậu quả pháp lý trên bởi quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án không phải là chấm dứt việc giải quyết vụ án và đình chỉ tố tụng mà chỉ là bản thân quá trình giải quyết vụ án tạm thời bị gián đoạn trong một thời gian nhất định. Thời hạn tạm đình chỉ này không được BLTTDS quy định cụ thể. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 191 BLTTDS thì sau khi tòa án quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án, nếu thấy lý do hay căn cứ tạm đình chỉ không còn thì tòa án lại tiếp tục giải quyết vụ án. Cũng như quyết định tạm đình chỉ xét xử vụ án ở cấp sơ thẩm; các quy định về căn cứ tạm đình chỉ, hậu quả của việc tạm đình chỉ và tiếp tục giải quyết vụ án sau khi có quyết định tạm đình chỉ xét xử phúc thẩm được thực hiện theo các quy định tương ứng được quy định tại các điều 189, 190 và 191 BLTTDS. 3. Quy định đảm bảo quyền của công dân khi tạm đình chỉ vụ án dân sự. Khi tòa án ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, kéo theo đó là việc quyền và lợi ích của các đương sự trong vụ án bị ảnh hưởng một cách trực tiếp. Vì vậy, pháp luật cần có những quy định nhằm đảm bảo quyền của công dân khi tạm đình chỉ vụ án dân sự. Ngay trong Điều 189 quy định các căn cứ tạm đình chỉ vụ án dân sự, đã thể hiện quyền tham gia tố tụng của các đương sự nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. Khi đương sự là cá nhân chết chưa có người kế thừa, mất năng lực hành vi dân sự hay đại diện hợp pháp chấm dứt mà chưa có người thay thế, đương sự là cơ quan đã sáp nhập, chia tách, giải thể chưa có người kế thừa tức là đương sự khi đó không có khả năng trực tiếp hoặc gián tiếp bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. Khi đó việc Tòa án ra quyết định tạm đình chỉ vụ án là nhằm giúp cho đương sự trong những trường hợp trên có thêm thời gian nhằm khắc phục những khó khăn, đảm bảo quyền tham gia tố tụng của mình (tìm được người thừa kế hoặc đại diện mình tham gia tố tụng). Hoặc trong trường hợp cần đợi kết quả giải quyết vụ án khác có liên quan hoặc sự việc được pháp luật quy định là phải do cơ quan, tổ chức khác giải quyết trước mới được giải quyết vụ án thì mới đảm bảo quyền lợi của các bên đương sự trong vụ án được bảo vệ một cách tối đa. BLTDS quy định hậu quả pháp lý của tạm đình chỉ vụ án dân sự là tòa án không xóa tên vụ án mà chỉ ghi chú vào sổ thụ lý đảm bảo quyền lợi của các đương sự khi có quyền lợi chính đáng bị xâm hại thì sẽ tiếp tục được tòa án bảo vệ khi lý do tạm đình chỉ không còn (Điều 191). Ngoài ra, quyết định tạm đình chỉ vụ án có thể bị kháng cáo, kháng nghị cũng đảm bảo quyền lợi của các đương sự khi việc tạm đình chỉ vụ án gây tổn hại trái luật đến quyền lợi hợp pháp của đương sự thì đương sự có quyền khiếu nại để tòa án hủy quyết định tạm đình chỉ đó. III/ Thực tiễn áp dụng quy định của pháp luật tố tụng dân sự về tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự và một số kiến nghị. 1. Thực tiễn áp dụng quy định của pháp luật tố tụng dân sự về tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự. 7 Số liệu thống kê của Tòa án dân sự - Tòa án nhân dân tối cao năm 2008 về tình hình giải quyết các vụ việc dân sự cho thấy trong số các vụ án dân sự mà Tòa án thụ lý thì số các vụ án bị tạm đình chỉ cũng chiếm một tỷ lệ không nhỏ. Đối với các vụ án phát sinh từ quan hệ pháp luật dân sự do Tòa án cấp huyện giải quyết theo thủ tục sơ thẩm thì số vụ bị tạm đình chỉ chiếm tỷ lệ 7,03%, tại Tòa án cấp tỉnh chiếm 21,13% tổng số vụ việc đã được giải quyết. Số vụ án bị tạm đình chỉ ở 3 Tòa phúc thẩm TANDTC chiếm tỷ lệ 1,8%. Số vụ án sơ thẩm về hôn nhân gia đình bị tạm đình chỉ ở Tòa án cấp huyện chiếm tỷ lệ 1,04%, Tòa án cấp tỉnh chiếm là 8,26%. Số vụ án phúc thẩm bị tạm đình chỉ ở 3 Tòa phúc thẩm TANDTC chiếm tỷ lệ 0,5%. Bên cạnh đó các vụ việc về lao động có tỷ lệ án tạm đình chỉ ở cấp sơ thẩm 4,16% trên tổng số vụ giải quyết; số vụ việc về kinh doanh thương mại và tuyên bố phá sản chiếm 6,2% trên tổng số vụ được giải quyết. Khi xem xét các nguyên nhân dẫn đến việc Tòa án ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ việc dân sự có thể thấy một số nguyên nhân chính như nguyên đơn có yêu cầu ( do bận việc cá nhân, do ốm cần điều trị dài ngày…), cần đợi kết quả giải quyết trước của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật ( chưa hòa giải tại cơ sở đối với các vụ việc về tranh chấp lao động và tranh chấp đất đai), chờ kết quả của việc ủy thác điều tra đối với vụ việc có yếu tố nước ngoài…Việc nghiên cứu thực tiễn áp dụng các quy định về tạm đình chỉ giải quyết các vụ án dân sự cho thấy thực tiễn áp dụng đã nảy sinh một số vấn đề vướng mắc đòi hỏi phải có sự điều chỉnh pháp luật cho phù hợp. - Đối với trường hợp bị đơn là cá nhân chết tuy có người thừa kế nhưng không để lại tài sản thừa kế thì Tòa án sẽ tạm đình chỉ hay đình chỉ vụ án? Nếu tạm đình chỉ vụ án theo khoản 1 điều 189 BLTTDS thì khi tiếp tục giải quyết vụ án, tòa án sẽ xử lý như thế nào? - Theo quy định tại điểm d khoản 1 điều 59 BLTTDS: “Nguyên đơn có quyền đề nghị Tòa án tạm đình chỉ giải quyết vụ án”. Việc áp dụng quy định này trong thực tế gặp nhiều vướng mắc, do cách hiểu không thống nhất. Có tòa áp dụng điểm d khoản 1 điều 59 làm căn cứ dẫn chiếu đến khoản 5 điều 189 BLTTDS để ra quyết định tạm đình chỉ vụ án dân sự, có Tòa không ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự hoặc chỉ ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án khi xét thấy việc đương sự xin tạm đình chỉ giải quyết vụ án có nêu được lý do chính đáng trong đơn đề nghị. 2. Kiến nghị hoàn thiện pháp luật quy định về tạm đình chỉ vụ án dân sự Sau những gì đã phân tích ở trên, dưới đây nhóm xin đưa ra một số kiến nghị nhắm hoàn thiện pháp luật về tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự. - Sửa đổi căn cứ tạm đình chỉ giải quyết vụ án khi đương sự chết mà chưa có cá nhân, cơ quan, tổ chức kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của cá nhân đó. Cụ thể: Nếu bị đơn là cá nhân chết chưa có cá nhân, cơ quan, tổ chức nào kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng mà không có tài sản để lại nếu sau đó dù xác định được người này 8 thì Tòa án vẫn có thể ra luôn quyết định đình chỉ, xóa tên vụ án trong sổ thụ lý để tránh lãng phí thời gian, công sức. - Sửa đổi quy định về quyền đề nghị tạm đình chỉ vụ án dân sự của nguyên đơn. Điều 59 BLTTDS quy định nguyên đơn có quyền đề nghị tòa án tạm đình chỉ giải quyết vụ án, chứ không phải là căn cứ để ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án.Tuy nhiên quy định này đã dẫn tới những cách hiểu và vận dụng khác nhau trong thực tiễn. Do vậy để có sự áp dụng thống nhất giữa các Tòa án và để quyền này có thể thực hiện được trong thực tiễn thì về lâu dài cần sửa đổi quy định này của BLTTDS theo hướng: khi nguyên đơn có yêu cầu Tòa án tạm ngừng việc giải quyết vụ án và đề nghị đó là hợp lý như bị ốm đau nặng, hay để có thời gian thu thập thêm chứng cứ và chứng cứ đó là cần thiết để Tòa có cơ sở giải quyết đúng đắn vụ án thì Tòa chấp nhận đề nghị của nguyên đơn và áp dụng khoản 1 Điều 59 BLTTDS để ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án. Hơn nữa, khi xem xét đề nghị tạm đình chỉ vụ án dân sự của nguyên đơn, cũng cần lấy ý kiến của bị đơn. Nếu như việc tạm đình chỉ vụ án gây bất lợi không chính đáng cho bị đơn thì cũng không nên đáp ứng đề nghị đó. Có như vậy mới tạo sự bình đẳng giữa các đương sự khi giải quyết vụ án. - Bổ sung quy định về căn cứ tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự theo hướng tôn trọng quyền tự định đoạt của đương sự. BLTTDS hiện nay quy định sau khi Tòa án thụ lý vụ án nếu đương sự đã tự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án trong quá trình tố tụng mà không cần đến sự tác động của Tòa án nữa thì Tòa án sẽ đình chỉ giải quyết vụ án. Nhưng căn cứ này không được quy định đối với vấn đề tạm đình chỉ giải quyết vụ án. Thiết nghĩ, để bảo vệ quyền tự định đoạt của đương sự, khi các đương sự thỏa thuận được với nhau và cùng đề nghị Tòa án tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án hoặc một bên đương sự yêu cầu và các bên đương sự còn lại đều đồng ý cho tạm đình chỉ thì nên quy định Tòa án có quyền quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án để các bên có thêm thời gian tự hòa giải, thu thập chứng cứ… Do đó, kiến nghị nên bổ sung căn cứ này vào quy định tại Điều 189 BLTTDS. Theo đó, Tòa án sẽ có cơ sở pháp lý để ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án trong trường hợp này. - Bổ sung quy định về tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự ở Tòa án cấp giám đốc thẩm, tái thẩm trong một số trường hợp đặc biệt. BLTTDS hiện nay không có điều luật nào quy định về vấn đề tạm đình chỉ giải quyết VADS tại Tòa án cấp giám đốc thẩm, tái thẩm. Tuy nhiên, dưới góc nhìn đảm bảo quyền tiếp cận công lý của công dân, đảm bảo tính chính xác trong việc giải quyết vụ việc, chúng tôi cho rằng trong trường hợp cần thiết phải có mặt đương sự, người đại diện của họ ở Tòa án cấp giám đốc thẩm, tái thẩm để họ làm rõ thêm những vấn đề của vụ việc mà chưa có chủ thể kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng hoặc người đại diện của họ thì Tòa án cấp giám đốc thẩm, tái thẩm cũng có thể tạm ngừng việc giải quyết vụ án dân sự. Ngoài ra, nếu cần thiết phải chờ kết quả giải quyết của vụ việc khác có liên quan thì Tòa án cấp giám đốc thẩm, tái thẩm cũng có 9 thể phải tạm ngừng việc tiến hành giải quyết vụ việc dân sự. Vì vậy, để có cơ sở pháp lý cho Tòa án cấp giám đốc thẩm, Tái thẩm ra quyết định tạm đình chỉ, cần bổ sung quy định về tạm đình chỉ giải quyết VADS ở Tòa án cấp giám đốc thẩm, Tái thẩm trong một số trường hợp đặc biệt. - Cần quy định cụ thể về thời hạn tạm đình chỉ vụ án dân sự. Điều 191 BLTTDS không quy định cụ thể thời hạn tạm đình chỉ vụ án dân sự, mà mới chỉ dừng lại ở quy định “ Tòa án tiếp tục giải quyết vụ án dân sự bị tạm đình chỉ khi lý do tạm đình chỉ không còn”. Như vậy có thể hiểu là thời hạn tạm đình chỉ vụ án dân sự là vô thời hạn cho đến khi “lý do tạm đình chỉ không còn”. Thiết nghĩ điều này sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Trong nhiều trường hợp bị đơn có thể sử dụng căn cứ “chấm dứt đại diện hợp pháp mà chưa có người thay thế” để trì hoãn nghĩa vụ của mình. Việc không quy định thời hạn cũng khiến cho sự phối hợp giữa Tòa án và các cơ quan khác trở nên không thống nhất, làm cho việc giải quyết vụ án kéo dài khi cần đợi kết quả từ các cơ quan, tổ chức khác. Do vậy, cần quy định thời hạn tạm đình chỉ vụ án dân sự mới thúc đẩy các đương sự, cơ quan, tổ chức có trách nhiệm thực hiện nhanh nghĩa vụ của mình, đảm bảo giải quyết vụ án được kịp thời, nhanh chóng, đảm bảo quyền lợi ích hợp pháp của các đương sự khác. KẾT LUẬN Qua việc nghiên cứu các quy định về tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự và thực tiễn áp dụng, chúng ta thấy được tầm quan trọng của quy định này đối với cả hai phía đương sự và Tòa án. Việc ra quyết định tạm đình chỉ đúng đắn góp phần đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự, giúp cho việc giải quyết vụ án được chính xác, hiệu quả. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng đã bộc lộ những điều hạn chế trong các quy định của pháp luật. Thông qua các kiến nghị nêu trên mong rằng có thể góp một phần nào đó vào việc hoàn thiện chế định tạm đình chỉ vụ án dân sự nói riêng, hoàn thiện pháp luật tố tụng dân sự nói chung. 10
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan