Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Rèn kĩ năng nói cho học sinh lớp 2,3 trong phân môn kể chuyện...

Tài liệu Rèn kĩ năng nói cho học sinh lớp 2,3 trong phân môn kể chuyện

.PDF
140
83
97

Mô tả:

LỜI CẢM ƠN Trong quá trình thực hiện đề tài, phải kể đến những khó khăn, trở ngại, song nhờ sự giúp đỡ quý báu của các thầy cô giáo, các bạn đồng nghiệp, tôi đã hoàn thành đúng tiến độ. Xin được bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc nhất tới Phó Giáo sư Tiến sĩ Đỗ Huy Quang - người đã dành rất nhiều thời gian và tâm huyết để hướng tôi hoàn thành luận văn. Tôi xin trân trọng cảm ơn Ban giám hiệu, Phòng Sau Đại học, các thầy cô giáo Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 đã tạo diều kiện thuận lợi, giúp đỡ tôi trong suốt quá trình học tập và thực hiện đề tài Xin gửi lời cảm ơn chân thành tới Ban Giám hiệu và Hội đồng sư phạm Trường Tiểu học Ngọc Thanh B, Tiểu học Ngọc Thanh C và Tiểu học Xuân Hòa thị xã Phúc Yên tỉnh Vĩnh Phúc, các bạn bè đồng nghiệp đã tạo điều kiện giúp đỡ tôi trong thời gian thực hiện đề tài. LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các số liệu, kết quả nêu trong luận văn là trung thực và chưa được công bố ở bất kì công trình khoa học nào khác. Tác giả Tiên Thị Lụa MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài 1.1. Trong xu thế hòa nhập thế giới đòi hỏi nền giáo dục nước ta phải đào tạo những con người lao động tự chủ, năng động sáng tạo, có năng lực thích ứng để giải quyết các vấn đề thực tế trong nền kinh tế thị trường cạnh tranh và hợp tác. 1.2. Ở trường tiểu học, môn Tiếng Việt chiếm một vị trí vô cùng quan trọng, chiếm số tiết nhiều nhất trong các môn học (Tổng số tiết môn Tiếng Việt là 1610 tiết, trong khi đó môn Toán có 864 tiết). Dạy Tiếng Việt ở tiểu học nhằm mục tiêu “Hình thành và phát triển cho học sinh các kĩ năng sử dụng Tiếng Việt như nghe, nói, đọc, viết để học tập và giao tiếp trong môi trường hoạt động lứa tuổi” (Trích tài liệu tập huấn giáo viên cốt cán các tỉnh phía Bắc - 4/2003). Mục tiêu đó coi trọng tính thực hành, thực hành các kĩ năng sử dụng tiếng Việt trong hoạt động giao tiếp và học tập. Đồng thời môn Tiếng Việt còn góp phần bồi dưỡng tình yêu cái đẹp, yêu quê hương đất nước, hình thành và phát triển nhân cách tốt đẹp của con người trong thế kỉ mới. Trong môn Tiếng Việt, phân môn Kể chuyện có một vị trí rất quan trọng. Đây là phân môn rèn cho học sinh các kĩ năng nghe, nói và đọc. Trong đó, nghe và nói là hai kĩ năng quan trọng giúp học sinh tạo lập ngôn bản và giúp HS giao tiếp trong suốt cuộc đời mình. Kĩ năng nói được hình thành nhờ giao tiếp tự nhiên. Trong quá trình sản sinh ngôn bản, hoạt động nói được thực hiện nhiều hơn. Chính vì vậy, chương trình Tiếng Việt mới rất chú trọng rèn kĩ năng nói cho HS. Kĩ năng nói là một trong những kĩ năng giao tiếp quan trọng của con người. Mỗi phân môn của môn Tiếng Việt đều rèn cho HS kĩ năng nói, trong đó ở phân môn Kể chuyện, HS được trực tiếp tham gia vào các hoạt động giao tiếp nhiều hơn. 1.3. Học sinh tiểu học giàu trí tưởng tượng, cảm xúc và sáng tạo. Song phần tư duy sáng tạo vẫn còn phiến diện, nghiêng về nhận thức cảm tính, tư duy trừu tượng mới chỉ phát triển ở bước đầu, hình ảnh tưởng tượng còn đơn giản, chưa bền vững và dễ thay đổi, hơn nữa vốn từ tiếng Việt còn nhiều hạn chế, các em gặp khó khăn trong việc lựa chọn từ ngữ diễn đạt thành lời các ý tưởng và suy nghĩ cũng như khi nghe, đọc hiểu nội dung truyện. Sự thiếu tự tin, thiếu mạnh dạn, tâm lý rụt rè, e ngại trong giao tiếp cũng là một trở ngại lớn đối với các em trong học tập. Do đó, dạy học như thế nào để hiệu quả hơn là vấn đề trọng tâm được ngành giáo dục đặc biệt quan tâm. Vấn đề đặt ra ở đây là làm thế nào để thúc đẩy quá trình dạy học hiệu quả nhằm đáp ứng được nhu cầu nhận thức của HS, khai thác và điều chỉnh vốn sống mà các em đã tích lũy được, phát huy tính tích cực, tự giác của HS, điều này sẽ giúp HS có cơ hội rèn luyện kĩ năng giao tiếp bằng lời, tạo cho các em sự tự tin, mạnh dạn. Có nhiều cách giải quyết vấn đề này nhưng khả thi nhất là việc đổi mới nội dung và phương pháp dạy học. Đến nay, việc triển khai chương trình SGK tiếng Việt 2,3 đã bước sang năm thứ 9 nhưng phần lớn giáo viên tiểu học dạy lớp 2,3 vẫn rất lúng túng khi dạy kể chuyện, chưa vận dụng được việc đổi mới phương pháp dạy kể chuyện sao cho hiệu quả, phù hợp với mục đích, nội dung bài học nên hiệu quả các giờ học kể chuyện chưa cao. Dạy kể chuyện thường nghiêng về việc dựa vào câu hỏi đọc hiểu trong giờ Tập đọc để dạy. Kể chuyện chưa thực sự tạo được nhu cầu nói, nhu cầu và điều kiện giao tiếp cần thiết cho HS. Đặc biệt việc tổ chức dạy - học nhằm rèn kĩ năng nói cho HS trong phân môn KC nói chung và phân môn KC lớp 2,3 nói riêng hiệu quả còn thấp. Do đó, việc giúp GV lựa chọn phương pháp dạy học phù hợp nhằm huy động tối đa thời lượng tiết học tạo điều kiện cho học sinh được rèn kĩ năng nói là vấn đề mang tính thời sự đặt ra cho các nhà quản lí giáo dục để đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học và thực hiện mục tiêu đào tạo con người mới trong xu thế hội nhập toàn cầu. 1.4. Hiện nay có nhiều tài liệu viết về việc dạy KC trong trường Tiểu học như cuốn “Phương pháp dạy học tiếng Việt 2” xuất bản năm 1998 của hai tác giả Lê Phương Nga và Nguyễn Trí, hai tác giả đã đánh giá cao ý nghĩa, mục đích của kể chuyện và quan niệm kể chuyện là một kĩ năng, một hoạt động sáng tạo nghệ thuật, một hoạt động lời nói. Đó là cách nói có nghệ thuật về văn bản mang tính thẩm mĩ. Cuốn “Dạy kể chuyện ở trường tiểu học” xuất bản năm 2001 của tác giả Chu Huy đã nêu khái quát về cơ sở lý luận và thực tiễn của phân môn KC một cách cụ thể, thiết thực. Cũng trong thời gian này, tác giả Nguyễn Trí viết cuốn “Luyện viết văn kể chuyện ở tiểu học”. Tác giả đã đưa ra phương pháp chung của từng kiểu bài KC, sách còn đưa ra nhiều hình thức KC phong phú và đa dạng. Cùng với sự thay đổi chương trình SGK cấp Tiểu học, việc đổi mới PPDH cho phù hợp với nội dung dạy học đã đề ra là một trong những vấn đề cấp thiết. Trong cuốn “Dạy và học môn Tiếng Việt ở bậc Tiểu học theo chương trình mới”, tác giả Nguyễn Trí đã nhấn mạnh việc phối hợp các hình thức tổ chức lớp học và các PPDH nhằm phát huy tính tích cực nhận thức và phát triển công cụ giao tiếp cho HS trong dạy học tiếng Việt. Nhằm phục vụ cho nhu cầu đổi mới phương pháp dạy học môn Tiếng Việt của GV, nhóm tác giả Trần Mạnh Hưởng, Lê Phương Nga, Nguyễn Thị Hạnh đã viết cuốn “Trò chơi học tập Tiếng Việt 2” và “Trò chơi học tập Tiếng Việt 3” với tư tưởng học và chơi không tách rời nhau. Cuốn sách cung cấp nhiều trò chơi thú vị, dữ liệu cho trò chơi đều là những kiến thức trong môn Tiếng Việt mà các em được học. Những tình huống gây cười hoặc tranh luận xuất hiện khi chơi sẽ khuyến khích HS tham gia học tập tích cực. Ngoài ra, còn khá nhiều công trình nghiên cứu khác đề cập một cách trực tiếp hoặc gián tiếp đến các vấn đề này ở mức độ nông sâu khác nhau như: Tạp chí giáo dục số 73 Quý IV/2003 có bài viết: “Về phân môn Kể chuyện trong sách Tiếng Việt 2”; Tạp chí Dạy và học ngày nay số 4/2007 với bài: “Dạy kĩ năng nói Tiếng Việt cho học sinh tiểu học” của Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Trí và bài “Dạy kể chuyện cho học sinh dân tộc” Dự án phát triển giáo dục; Tạp chí Giáo dục số 197 (kì I - 9/2008) có bài “Giúp học sinh tiểu học phát triển ngôn ngữ nói thông qua hình thức kể chuyện theo vai” của tác giả Mai Xuân Minh,… Trên đây là những công trình viết về dạy học Tiếng Việt nói chung và dạy học phân môn KC nói riêng ở Tiểu học. Các công trình đó tuy không viết riêng về vấn đề rèn kĩ năng nói cho HS như đề tài luận văn này quan tâm, nhưng người nghiên cứu vẫn có thể tiếp thu nhiều điều bổ ích. Đó là các vấn đề có tính lý luận về nguyên tắc, hình thức, phương pháp dạy học môn Tiếng Việt nói chung và phân môn KC nói riêng. Bởi vậy, nghiên cứu vấn đề rèn kĩ năng nói cho học sinh lớp 2,3 trong phân môn KC vẫn là một đề tài mới mẻ, thú vị. Chúng tôi sẽ tiếp thu những thành tựu nghiên cứu của các nhà khoa học đi trước để làm sáng tỏ cho các vấn đề mà đề tài chúng tôi quan tâm. Xuất phát từ lý do trên nên chúng tôi đã chọn đề tài: “Rèn kĩ năng nói cho học sinh lớp 2,3 trong phân môn kể chuyện” để một mặt chuẩn bị cơ sở lí luận cho các biện pháp rèn luyện kĩ năng giao tiếp, mặt khác góp phần hoàn thành mục tiêu giáo dục tất cả vì sự phát triển toàn diện của trẻ em lứa tuổi tiểu học. 2. Mục đích nghiên cứu - Xây dựng những biện pháp rèn kĩ năng nói cho HS để góp phần nâng cao chất lượng hiệu quả giờ kể chuyện ở lớp 2,3, trên cơ sở vận dụng lý thuyết giao tiếp, lý thuyết hội thoại và vận dụng các phương pháp dạy học tích cực vào giờ kể chuyện. 3. Nhiệm vụ nghiên cứu - Tìm hiểu cơ sở lý luận và thực tiễn của việc rèn kĩ năng nói cho HS trong phân môn Kể chuyện lớp 2,3. - Đề xuất một số biện pháp rèn kĩ năng nói cho HS để giờ dạy kể chuyện lớp 2,3 đạt hiệu quả cao hơn, từ đó rèn và phát triển khả năng giao tiếp cho HS. - Tổ chức thực nghiệm sư phạm. 4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu - Nội dung và phương pháp dạy học kể chuyện lớp 2,3 theo chương trình hiện hành. - Giới hạn nội dung nghiên cứu trên đối tượng HS Tiểu học lớp 2,3 ở một số trường Tiểu học trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. 5. Phương pháp nghiên cứu 5.1. Phương pháp nghiên cứu lý luận 5.2. Phương pháp quan sát 5.3. Phương pháp điều tra khảo sát nghiên cứu thực tiễn 5.4. Phương pháp thống kê 5.5. Phương pháp thực nghiệm sư phạm 6. Giả thuyết khoa học Nếu giáo viên vận dụng linh hoạt các phương pháp dạy học do luận văn đề xuất khi rèn kĩ năng nói trong giờ dạy kể chuyện lớp 2,3 thì sẽ phát huy được tính tích cực, sáng tạo, chủ động của HS nâng cao hiệu quả giờ dạy kể chuyện, tăng cường năng lực sử ngôn ngữ nói của HS một cách cách rõ rệt. NỘI DUNG CHƯƠNG 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN 1.1. Cơ sở ngôn ngữ 1.1.1. Kĩ năng nói 1.1.1.1. Khái niệm * Kĩ năng: Kĩ năng là một phạm trù cơ bản trong tâm lý học. Cho đến nay đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về kĩ năng và đưa ra nhiều khái niệm khác nhau. Theo từ điển Tâm lí học của tác giả A.V. Petrovxki [2, tr. 96] “Kĩ năng là giai đoạn nắm vững cách hành động dựa trên quy tắc nào đó và hành động phù hợp với quy tắc ấy trong quá trình giải quyết nhiệm vụ đã xác định”. Tác giả A.V. Petrovxki cho rằng: “Kĩ năng là cách thức hành động dựa trên cơ sở tổ hợp những tri thức và kĩ xảo. Kĩ năng được hình thành bằng con đường luyện tập tạo khả năng cho con người thực hiện hành động không chỉ trong điều kiện quen thuộc mà ngay cả trong điều kiện thay đổi”.Theo Nguyễn Quốc Vỹ “Kĩ năng là khả năng của con người thực hiện có hiệu quả một công việc để đạt được mục đích đã xác định bằng cách lựa chọn và áp dụng những cách thức hành động phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh và phương tiện nhất định” - Các nhà Giáo dục học phân tích kĩ năng thành hai loại kĩ năng bậc một và kĩ năng bậc hai: + Kĩ năng bậc một là kĩ năng thực hiện đúng hành động, hoạt động phù hợp với những mục tiêu và điều kiện cụ thể tiến hành hành động ấy, cho dù là hành động cụ thể hay hành động trí tuệ. Loại kĩ năng này thông qua luyện tập đến mức hoàn hảo, các thao tác được diễn ra hoàn toàn tự động hoá không cần có sự hiện diện của ý thức hoặc sự tham gia của ý thức rất ít thì biến thành kĩ xảo. Ví dụ như kĩ năng viết, đan len, đi xe đạp... + Kĩ năng bậc hai là khả năng thực hiện hành động, hoạt động một cách thành thạo, linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với những mục tiêu trong những điều kiện khác nhau. Trong kĩ năng bậc hai, yếu tố linh hoạt sáng tạo là yếu tố cơ bản, đó là cơ sở cho mọi hoạt động đạt hiệu quả cao. Dựa trên những quan niệm nêu trên, chúng tôi đưa ra khái niệm sau: “Kĩ năng là hệ thống các thao tác, những cách thức hành động phù hợp để thực hiện có kết quả một hoạt động dựa trên những tri thức nhất định” * Kĩ năng nói: Kĩ năng nói là một trong những kĩ năng quan trọng cần trang bị, rèn luyện cho mỗi người. Kĩ năng nói được hiểu là khả năng, trình độ biểu đạt ngôn ngữ âm thanh. Theo đó, kĩ năng nói không đơn thuần chỉ là nói mà còn thể hiện giọng nói, cử chỉ, điệu bộ, thái độ, nét mặt, khóe mắt,... để diễn đạt được chính xác nội dung, thể hiện đúng đắn, đầy đủ mọi ý định, bộc lộ được những tình cảm tinh tế nhất. Vì vậy, có thể khẳng định được rằng việc rèn luyện kĩ năng nói là một hoạt động cần thiết trong nhà trường. Theo nhiều nhà nghiên cứu, kĩ năng nói thực chất là sự phối hợp phức tạp giữa những chuẩn mực hành vi xã hội của cá nhân với sự vận động của cơ mắt, ánh mắt, nụ cười (vận động môi, miệng), tư thế đầu, cổ, vai, tay, chân, đồng thời với ngôn ngữ nói của chủ thể giao tiếp. Sự phối hợp hài hòa, hợp lý giữa các vận động mang một nội dung tâm lí nhất định, phù hợp với mục đích, ngôn ngữ và nhiệm vụ giao tiếp cần đạt được của chủ thể giao tiếp Theo chúng tôi “Kĩ năng nói là khả năng, trình độ biểu đạt ngôn ngữ, là cách thức thực hiện hài hòa có kết quả việc sử dụng ngôn ngữ kết hợp với các hành vi cử chỉ, điệu bộ của chủ thể trong hoạt động giao tiếp với những hoàn cảnh, tình huống thực tế khác nhau” 1.1.1.2. Con đường hình thành kĩ năng nói - Con đường tự phát (chủ yếu là bắt chước): Con đường tự phát là sự tiếp nhận một cách tự nhiên các chuẩn mực hành vi xã hội trong giao tiếp. Trên cơ sở nền tảng những thành tựu con người đạt được mà sự bắt chước hành vi ra đời. Ví dụ: Trẻ mẫu giáo đã có thể sử dụng những câu nói đơn giản để giao tiếp với cha mẹ, người xung quanh, có khả năng làm chủ một số hành vi ngôn ngữ, hành vi chân tay, biết tự mình làm một số việc theo sự chỉ dẫn của người lớn. Trên cơ sở đó, trẻ bắt chước các hành vi giống người lớn trong giao tiếp. Bắt chước là sự tập nhiễm (thấm vào, nhiễm vào rồi dần dần trở thành thói quen) đầu tiên về hành vi của con người. Bắt chước có thể là vô thức, hoặc có sự tham gia của ý thức. Qua bắt chước con người lĩnh hội và thực hiện được hành vi xã hội. - Con đường tự giác: Người lớn giáo dục trẻ, là sự tác động có mục đích, có kế hoạch của người lớn đối với trẻ em nhằm hình thành và phát triển những năng lực và phẩm chất nhân cách nói chung và kĩ năng nói nói riêng. Chỉ dưới sự hướng dẫn của người lớn, trẻ em mới có thể tiếp thu được những kho tàng quý báu của nhân loại một cách có hiệu quả và kĩ năng nói của trẻ mới được rèn luyện một cách thường xuyên. 1.1.1.3. Một số kĩ năng cơ bản cần rèn luyện - Kĩ năng lắng nghe: Lắng nghe không đồng nhất với nghe. Nghe chỉ là một hoạt động vô ý thức của con người còn lắng nghe là một khả năng của hệ thần kinh. Khi lắng nghe, nhờ hoạt động của tư duy mà chúng ta hiểu được nội dung thông báo. Lắng nghe không phải là bản năng mà là nghệ thuật, là kĩ năng cần phải rèn luyện lâu dài. Trong hoạt động giao tiếp nghe, nói là những hoạt động cơ bản trong việc giao tiếp bằng ngôn ngữ của con người. Nếu chúng ta chỉ biết nói mà không biết nghe, chỉ biết đọc mà không biết viết thì việc giao tiếp không thể đạt được như mong muốn, khó có thể hiểu hết ý định của người khác. Bởi vậy, bên cạnh việc rèn luyện kĩ năng nói, chúng ta cần phải rèn luyện kĩ năng nghe. Luyện nghe chính là luyện một hoạt động của con người luyện hoạt động giao tiếp. Mặt khác, trong giao tiếp bằng ngôn ngữ của con người thì hai phần ba là giao tiếp miệng. Đối với giáo viên, tỷ lệ này còn cao hơn nữa. Người giáo viên không chỉ biết nói tốt mà còn phải biết nghe tốt, nhất là nghe ý kiến của học sinh. Vì vậy, yêu cầu rèn luyện kĩ năng lắng nghe sẽ giúp chúng ta ý thức đầy đủ hơn về vai trò của hoạt động này trong giao tiếp. + Hình thức nghe: Nghe đối thoại (mang tính chủ động, vừa được nghe, vừa được nói) và nghe độc thoại (mang tính bị động, chỉ được nghe). Việc phân chia này mang tính chất tương đối vì trong thực tế, ở những điều kiện và hoàn cảnh nhất định chúng ta vẫn có thể biến nghe thụ động thành chủ động, và ngược lại. + Điều kiện để nghe có hiệu quả: Cần xác định mục đích trước khi nghe, có hứng thú và sự hiểu biết tối thiểu về nội dung trình bày , cần có trí nhớ tốt - Kĩ năng diễn đạt: Cùng với kĩ năng lắng nghe, kĩ năng diễn đạt là một trong những kĩ năng quan trọng cần trang bị, rèn luyện cho mỗi người. Kĩ năng diễn đạt được hiểu là khả năng, trình độ biểu đạt bằng ngôn ngữ. Trong giao tiếp luôn có sự đổi vai từ người nói sang người nghe hoặc ngược lại nên kĩ năng lắng nghe và kĩ năng diễn đạt có liên quan mật thiết với nhau trong quá trình giao tiếp. Kĩ năng diễn đạt giúp con người nói được những điều muốn nói, làm những việc nên làm,... Công cụ để diễn đạt chính là ngôn ngữ, nội dung lời nói, nhịp điệu lời nói nhanh hay chậm, độ cao hay thấp của giọng nói, sự ngắt đoạn, trọng âm logic, sắc thái tình cảm,…đều ảnh hưởng tới sự diễn đạt. Khi việc sử dụng ngôn ngữ đã thuần thục mới diễn đạt được chính xác nội dung, thể hiện đúng đắn, đầy đủ mọi ý định, bộc lộ được những tình cảm tinh tế nhất và mới lôi cuốn, thu hút được người nghe. Vì vậy, có thể khẳng định được rằng việc rèn luyện kĩ năng diễn đạt là một hoạt động cần thiết trong nhà trường. 1.1.2. Lý thuyết giao tiếp và việc vận dụng lý thuyết giao tiếp để rèn kĩ năng nói cho học sinh lớp 2,3 trong phân môn Kể chuyện Giao tiếp là một hoạt động quan trọng để duy trì và phát triển xã hội loài người. Có nhiều phương tiện GT, trong đó ngôn ngữ là phương tiện GT trọng yếu nhất của con người. Vậy giao tiếp là gì? 1.1.2.1. Khái niệm giao tiếp Theo tác giả Đỗ Hữu Châu, giao tiếp được định nghĩa như sau: “Giao tiếp là một hoạt động xảy ra khi có một chủ thể phát tin, sử dụng một tín hiệu để truyền đến cho chủ thể nhận tin nội dung nào đó. Giao tiếp là hoạt động có đích. Nội dung được truyền đạt nhằm cung cấp những thông tin (hiểu biết) cho người nghe hoặc bày tỏ thái độ, tình cảm của người nói cho người nghe chia sẻ hoặc tạo lập, duy trì quan hệ giữa người nói và người nghe. Giao tiếp còn là hoạt động qua lại. Người nói, người nghe liên tục đổi vai cho nhau trong cuộc giao tiếp bằng lời, mặt đối mặt”.[2.tr32] Cùng quan điểm trên, tác giả Lê A, Đỗ Xuân Thảo cũng cho rằng “Khi có ít nhất hai người gặp nhau và bày tỏ với nhau điều gì đấy như nỗi buồn vui, ý muốn hành động hay nhận xét nào đấy về sự vật xung quanh thì giữa họ diễn ra một hoạt động giao tiếp (gọi tắt là giao tiếp)”.[20.tr27] Như vậy, GT là hoạt động tiếp xúc giữa các thành viên trong xã hội với nhau, có thể GT với nhau bằng nhiều phương tiện: ánh mắt, cử chỉ, điệu bộ, dấu hiệu. Song phổ biến hơn, phong phú hơn vẫn là giao tiếp bằng ngôn ngữ. Họ dùng ngôn ngữ để bày tỏ tư tưởng, tình cảm, trao đổi ý kiến, kiến thức, nhận xét xã hội, con người, thiên nhiên. Mỗi cuộc GT tối thiểu phải có hai người và phải dùng cùng một ngôn ngữ nhất định. Xuất phát từ những nhận định trên, chúng tôi mạnh dạn đưa ra định nghĩa sau: Giao tiếp là quá trình xã hội, trong đó các chủ thể trao đổi thông tin, cảm xúc, nhân thức, đánh giá và điều chỉnh hành vi lẫn nhau, đồng thời tự điều chỉnh hành vi của mình. Phương tiện giao tiếp đặc thù là ngôn ngữ. Giao tiếp chủ yếu tồn tại dưới hai dạng: GT bằng lời (GT miệng) và GT bằng văn tự (GT viết). Trong đó GT bằng lời là cơ sở. Vai trò mà GT đảm nhận trong đời sống cộng đồng chính là chức năng của ngôn ngữ. Giao tiếp có bốn chức năng chính đó là: Chức năng thông tin (chức năng thông báo): Qua các cuộc GT người ta trao đổi những thông tin (tin tức thời sự, chính trị, tri thức khoa học, văn hóa nghệ thuật,…) dưới dạng nhận thức, tức là họ đã thực hiện chức năng thông báo của GT nhằm đáp ứng nhu cầu nhận thức của con người. Đây chính là chức năng mà ta thường gặp trong GT. Chức năng tạo lập quan hệ: Không chỉ dừng lại ở việc trao đổi thông tin, trong quá trình GT con người còn hướng tới việc xây dựng và duy trì các mối quan hệ tốt đẹp giữa những cá nhân tham gia GT. Đôi khi mục đích này lại là mục đính chính của cuộc GT. Tuy nhiên, chức năng này còn bao hàm cả chức năng phá vỡ quan hệ. Chức năng giải trí: Trong cuộc sống có những lúc con người phải làm việc, hoặc học tập vất vả, những lúc như thế con người cần được nghỉ ngơi thư giãn. Nghỉ ngơi thư giãn là một nhu cầu sinh lý. Hoạt động GT với những câu chuyện, những lời đùa dí dỏm là liều thuốc xua tan những mệt mỏi ưu phiền, làm ta cảm thấy thoải mái, cuộc sống có ý nghĩa và hứng thú hơn với công việc của mình. Chức năng tự biểu hiện: Qua GT con người có thể tự bộc lộ mình về tình cảm, sở thích, trạng thái sức khỏe hay nguyện vọng,… tất cả những điều đó được thể hiện trong lời nói của mỗi cá nhân khi tham gia hoạt động GT. Tuy nhiên trong quá trình GT con người có thể tự biểu hiện mình về nhiều mặt một cách có ý thức hoặc không có ý thức. Nắm được những chức năng này giúp giáo viên có cơ sở để đánh giá kết quả những ngôn bản nói và viết mà học sinh tạo lập trong quá trình học tập, GT một cách đầy đủ, chính xác và toàn diện hơn. 1.1.2.2. Các nhân tố trong hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ Một quá trình GT trọn vẹn luôn dựa trên những nhân tố GT. Các nhân tố này vừa tham gia, vừa ảnh hưởng đến các phương diện của GT từ việc lựa chọn nội dung đến cách thức thể hiện, và cả những nghi thức trong GT. Đó là các nhân tố GT sau: - Nhân vật giao tiếp: là những người tham gia vào một cuộc GT. Nhân vật GT có thể được chia làm hai loại nhân vật, theo lý thuyết thông tin gọi là người phát (người nói, người viết) và người nhận (người nghe, người đọc) “ Trong cuộc giao tiếp nói, mặt đối mặt, hai vai nói, nghe thường luân chuyển” [9; tr.15]. Có rất nhiều nhân tố giữa hai loại nhân vật này ảnh hưởng đến kết quả GT như: tuổi tác, nghề nghiệp, giới tính, địa vị xã hội, trình độ hiểu biết tâm sinh lý, vốn sống, trình độ và nghệ thuật nói, mức độ quan hệ giữa người nói và người nghe. Để hoạt động GT luôn được diễn ra từ hai phía thì các nhân vật GT phải thực sự có nhu cầu và ý thức hợp tác với nhau trong suốt quá trình GT. Nếu một trong hai nhân vật không có nhu cầu GT thì cuộc GT sẽ không đạt hiệu quả như mong muốn. Sự hiểu biết về đối tượng GT càng sâu sắc bao nhiêu thì hiệu quả của việc GT càng cao bấy nhiêu. Trong nhà trường, các hoạt động GT diễn ra liên tục, thường xuyên, đó có thể là các hoạt động GT giữa thầy và trò hay các hoạt động giữa trò và trò. Trong quá trình tổ chức các hoạt động học tập, thầy trò (trò với trò) luôn có sự đổi vai cho nhau khi tham gia GT. - Hoàn cảnh giao tiếp: Hoạt động GT bằng ngôn ngữ cũng như các hoạt động khác của con người luôn luôn diễn ra trong hoàn cảnh nhất định. Xét ở phạm vi rộng thì hoàn cảnh GT là tổng thể những đặc điểm về điều kiện tự nhiên, xã hội, đến bối cảnh lịch sử, thời đại, kinh tế, chính trị,…Những yếu tố này có ảnh hưởng và chi phối nội dung GT, nó không tham gia trực tiếp vào GT mà thường được thể hiện trong những hiểu biết, tư duy của nhân vật GT. Xét ở phạm vi hẹp hơn, hoàn cảnh GT còn gọi là tình huống GT, bao gồm các yếu tố thời gian, địa điểm, hình thức giao tiếp, tình trạng sức khỏe,… tồn tại trong quá trình GT. Tình huống GT tạo ra những quy định bất thành văn về cách thức nói năng, ứng xử mà mỗi thành viên tham gia GT trong hoàn cảnh đó đều phải tuân thủ thông qua các yếu tố ngôn ngữ hoặc phi ngôn ngữ sao cho thích hợp. Hoàn cảnh GT hẹp có ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả của cuộc GT. - Mục đích giao tiếp: Hoạt động GT luôn nhằm vào một mục đích nào đó, có thể là nhằm mục đích chính hoặc mục đích phụ. Khi đạt được mục đích thì hoạt động GT cũng đạt được hiệu quả. Nhân tố mục đích luôn chi phối đến hoạt động GT. - Nội dung giao tiếp: Là mảng hiện thực được đề cập tới, đó là những sự kiện, hiện tượng, sự vật trong thực tế khách quan. Cũng có thể thực tế đó là những tâm trạng, sự kiện nội tâm của con người, của người phát, người nhận hay người thứ ba nào đó không tham gia vào hoạt động GT. Nó tạo thành đề tài và nội dung của hoạt động GT ngôn ngữ. Hiện thực được nói tới ở đây vừa là xuất phát điểm của nội dung GT, vừa là điểm quy tụ cuối cùng quyết định sự thành công hay thất bại của một hoạt động GT. - Phương tiện và cách thức giao tiếp: Phương tiện GT được sử dụng là ngôn ngữ và các yếu tố phi ngôn ngữ. Tùy từng phạm vi, từng lĩnh vực hoạt động của con người mà lựa chọn những yếu tố thích hợp. Hơn nữa, GT còn có thể được thực hiện theo những cách thức khác nhau: nói miệng hoặc dùng văn bản viết…Ngôn ngữ đựoc sử dụng chính là chất liệu để tạo thành lời nói trong giao tiếp. Không có ngôn ngữ thì không có lời nói, cuộc GT chỉ thực hiện tốt khi tất cả các nhân vật giao tiếp sử dụng chung một thứ tiếng. Hiệu quả GT có được như mong muốn hay không còn phụ thuộc vào sự thông hiểu ngôn ngữ và năng lực sử dụng ngôn ngữ của các nhân vật GT. Mặc dù ngôn ngữ và các quy tắc sử dụng ngôn ngữ là cái có hạn so với sử dụng lời nói, nhưng vốn ngôn ngữ và năng lực sử dụng ngôn ngữ của mỗi cá nhân trong giao tiếp có ảnh hưởng rất lớn đến quá trình GT. Nếu không có vốn từ phong phú, không nắm vững các quy tắc sử dụng ngôn từ thì người nói sẽ không diễn đạt được một cách đầy đủ, chính xác ý định hoặc nội dung định truyền đi, còn người nhận sẽ không đủ năng lực phân tích, giải mã những thông tin nhận được. Ngược lại, nếu nắm được những biến thể của ngôn ngữ người đọc, người nghe sẽ cảm nhận được cái hay, cái đẹp của ngôn từ, đồng thời hiệu quả GT sẽ đạt được một cách tối đa. Nắm được điều này, trong quá trình giảng dạy GV cần giúp HS nắm chắc các quy tắc sử dụng ngôn từ và mở rộng vốn từ vựng cho HS, đồng thời thường xuyên tiến hành các hoạt động thực hành, có như vậy hiệu quả giờ kể chuyện mới được nâng cao. - Sản phẩm của giao tiếp (Ngôn bản): Ngôn bản là chuỗi kết hợp các yếu tố ngôn ngữ tạo nên lời của nhân vật giao tiếp” [20.tr.31]. Nói cách khác ngôn bản là sản phẩm của lời nói được tạo ra trong một hoạt động GT nhằm đạt đến mục đích GT. Như vậy có thể hiểu một cách đầy đủ thì ngôn bản chính là sản phẩm dạng nói lẫn dạng viết của việc GT bằng ngôn ngữ. Như vậy, dấu hiệu để phân biệt giữa ngôn bản nói và ngôn bản viết chính là ở yếu tố cấu thành lời nói khi GT (âm thanh hay chữ viết), chúng còn có sự khác nhau về đối tượng tiếp nhận ngôn bản. Thường thì ở ngôn bản nói luôn có sự hiện diện của người nghe. Ngôn bản có hai thành phần đó là hình thức và nội dung. + Hình thức của ngôn bản là cách tổ chức bản thân các yếu tố ngôn ngữ kết hợp với việc sử dụng các yếu tố phi ngôn ngữ kèm theo (cử chỉ, điệu bộ, nét mặt) để thể hiện nội dung. + Nội dung của ngôn bản là thành phần phản ánh thực tế, phản ánh thái độ, tình cảm, sự đánh giá hiện thực được nói tới và phản ánh ý muốn tác động tới hành động của người tiếp nhận ngôn bản khi GT. Nội dung của ngôn bản được chia làm hai phần: Nội dung sự vật (nội dung miêu tả) được coi là quan trọng nhất, bao gồm tất cả các yếu tố có liên quan đến hiện thực được nói tới trong ngôn bản và nội dung này thực hiện đích thuyết phục về nhận thức khi GT. Nội dung liên cá nhân (nội dung biểu cảm) bao gồm tất cả những gì thuộc thái độ, tình cảm, sự đánh giá nhận xét của người tạo ra ngôn bản đối với nội dung sự vật cũng như đối với người tiếp nhận. Thành phần nội dung liên cá nhân là thành phần chủ yếu thực hiện đích thuyết phục về tình cảm, hành động khi GT. Nội dung và hình thức của ngôn bản có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Nội dung ngôn bản thường quyết định việc lựa chọn hình thức của ngôn bản, ngược lại hình thức của ngôn bản lại thể hiện rõ nội dung của ngôn bản. 1.1.2.3. Dạy học Tiếng Việt hướng vào hoạt động giao tiếp Ngôn ngữ được thể hiện trong những dạng lời nói khác nhau: nói, viết. Mọi quy luật ngôn ngữ, mọi cấu trúc và hoạt động của hệ thống ngôn ngữ chỉ được rút ra trên cơ sở nghiên cứu lời nói sinh động. Mặt khác, muốn hình thành các kĩ năng, kĩ xảo ngôn ngữ, HS phải trực tiếp tham gia vào hoạt động GT, trong cuốn Phương pháp dạy học Tiếng Việt của tác giả Lê A [2;tr9]) “Việc lĩnh hội lời nói của người khác sản sinh ra các lời nói đúng và hay vừa là phương tiện đồng thời vừa là mục đích của bộ môn Tiếng Việt ở nhà trường phổ thông” Dạy học Tiếng Việt hướng vào hoạt động GT được thực hiện dựa trên sự nhận thức sâu sắc về vai trò, chức năng của Tiếng Việt trong GT xã hội. Chỉ có dạy học hướng vào hoạt động GT mới phát triển được kĩ năng, kĩ xảo GT. Vì thế, ta phải cung cấp cho HS các kiến thức về ngôn ngữ, kiến thức lý thuyết tiếng Việt. Bởi vì ngôn ngữ là phương tiện GT quan trọng nhất và lời nói là bản thân của sự GT bằng ngôn ngữ. Dạy học hướng vào hoạt động GT bao gồm sự phát triển lời nói cho từng cá nhân HS. Muốn đạt được điều đó, trong hoạt động dạy học phải có nội dung GT, bên cạnh nội dung GT cần phải tạo môi trường GT. Thầy cô, bạn bè là đối tượng để các em thực hiện hoạt động GT. Nhưng vẫn chưa đủ nếu thiếu các phương tiện ngôn ngữ và các thao tác GT. Môi trường GT, nội dung GT, phương tiện GT là những yếu tố cần tạo ra khi dạy học Tiếng Việt hướng vào hoạt động GT. Để thực hiện dạy học hướng vào hoạt động GT, sách giáo khoa Tiếng Việt đã được biên soạn theo quan điểm GT. Quan điểm này đã chi phối toàn bộ chương trình, như vậy các kĩ năng sử dụng ngôn ngữ rất được coi trọng (nghe, nói, đọc, viết), đặc biệt kĩ năng nói (kĩ năng độc thoại và hội thoại) được thể hiện rất rõ thông qua nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức dạy học và hệ thống bài tập. Tóm lại, dạy học tiếng Việt hướng vào hoạt động GT là phải tạo điều kiện cho HS được GT, tham gia vào các cuộc GT, được thể hiện khả năng GT của mình với mọi người. Dạy học tiếng Việt hướng vào hoạt động GT giúp các em mạnh dạn, tự tin hơn khi GT trong cộng đồng và giúp cho các em nắm vững kiến thức tiếng Việt và biến những kiến thức đó thành của bản thân. 1.1.2.4. Vận dụng lý thuyết giao tiếp để rèn kĩ năng nói cho học sinh lớp 2,3 trong phân môn Kể chuyện Phân môn Kể chuyện có vị trí đặc biệt trong dạy học tiếng mẹ đẻ, vì hành động kể là một hành động “nói” đặc biệt trong hoạt động giao tiếp. Kể chuyện vận dụng một cách tổng hợp những hiểu biết về đời sống và tạo điều kiện để HS rèn luyện một cách tổng hợp các kĩ năng tiếng Việt như nghe, đọc, nói trong hoạt động GT. Chính vì vậy, đây là phân môn không thể thiếu trong trường tiểu học. Nhu cầu được kể và nghe KC của HS tiểu học rất cao, cho dù các truyện đó các em đã được đọc, được nghe nhiều lần. * Vận dụng lý thuyêt giao tiếp để nhận thức văn bản kể chuyện và hoạt động kể chuyện. - Với văn bản kể chuyện: Mỗi văn bản kể chuyện đều hàm chứa hoạt động giao tiếp ngoài văn bản và hoạt động giao tiếp trong văn bản. + Hoạt động GT ngoài văn bản KC là các nhân tố như hoàn cảnh sáng tác, tiểu sử nhà văn,...Những yếu tố này chưa được quan tâm ở cấp Tiểu học mà được quan tâm xem xét ở cấp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông. + Hoạt động GT trong văn bản KC được quan tâm nhiều ở Tiểu học. gồm các nhân tố như: Người nói trong văn bản (xác định được ai đang nói, các nhân vật nói): là người kể chuyện, người dẫn chuyện và các nhân vật đang đối thoại, độc thoại. Người kể chuyện có thể nói theo lời người dẫn chuyện, nói theo lời một nhân vật trong câu chuyện. Hoàn cảnh GT (Nói khi nào?Nói ở đâu?): là xác định bối cảnh, môi trường diễn ra sự việc. Khi KC, người kể phải nói rõ điều này (Ví dụ: khi KC phân vai, câu chuyện như diễn ra trên sân khấu, người thuyết minh cho câu chuyện phải mô tả cách bài trí sân khấu, từ phong cảnh đến đạo cụ.) Nội dung, cách thức, trình tự cuộc GT: là toàn bộ sự việc diễn ra trong câu chuyện. Người kể phải kể lại theo từng đoạn, từng sự việc, từng chi tiết, từng nhân vật theo diễn biến của câu chuyện Mục đích GT: là chủ đề, là thông điệp nhà văn gửi đến người đọc, là ý nghĩa của câu chuyện, là những bài học, lời khuyên, ... - Với hoạt động kể chuyện: KC là người kể đang GT với người nghe: + Nội dụng GT chính là nội dung câu chuyện. + Mục đích GT là người nghe hình dung được diễn biến câu chuyện, người nghe có cảm giác được chứng kiến, được tham gia các sự việc diễn ra trong truyện và hiểu câu chuyyện. Người kể phải luôn ý thức được rằng mình kể cho ai nghe. Ví dụ: HS khi kể phải xác định rõ kể cho các bạn trong lớp và thầy cô giáo để từ đó xác định được cách xưng hô, giọng kể, tình cảm khi kể. Lời mở đầu khi kể thường là:“Chào các bạn, tôi xin kể với các bạn câu chuyện... Sau đây, câu chuyện xin được bắt đầu.” + Hoàn cảnh GT là lớp học, trong giờ học. Người KC phải căn cứ vào vị trí của mình (đứng tại chỗ kể hay đứng trên bục của thầy cô giáo để kể) để xác định âm lượng khi kể và lựa chọn sử dụng các yếu tố kèm lời và phi lời trong quá trình kể cho phù hợp. * Vận dụng lý thuyết giao tiếp để rèn kĩ năng nói trong giờ kể chuyện Việc dạy kể chuyện thực chất là dạy HS thực hành những ngôn bản nói để phục vụ xã hội và GT. Trước một bài tập KC hay một tình huống GT, HS cần có kĩ năng xác định những nhân tố GT (nhân vật, hoàn cảnh, mục đích, nội dung, phương thức cách thức, ngôn bản giao tiếp). GV phải giúp HS xác định được mình nói cho ai nghe (Xác định nhân vật GT), nói về vấn đề gì (nội dung GT), nói trong hoàn cảnh nào (Hoàn cảnh GT), nói như thế nào? (âm lượng, lời xưng hô). Chính điều này sẽ quyết định việc lưạ chọn từ ngữ, chi tiết, hình ảnh, giọng điệu, phong cách thể hiện ngôn bản nói. Trong quá trình dạy KC, lý thuyết GT giúp GV có sự định hướng về PPDH nhằm đạt được mục tiêu dạy học đã đề ra. Việc vận dụng lý thuyết GT vào quá trình rèn kĩ năng nói trong phân môn KC một cách linh hoạt sẽ tạo cho HS có môi trường GT, có nội dung GT và hướng đến hoạt động GT đúng đắn. Vì vậy, GV cần phải biết chuyển những bài tập KC thành những môi trường GT thông thường, gần gũi với HS và giúp các em vận dụng kinh nghiệm của mình để thực hiện GT và phát triển lời nói một cách tự nhiên 1.1.3. Lý thuyết hội thoại và việc vận dụng lí thuyết hội thoại để rèn kĩ năng nói cho học sinh lớp 2,3 trong phân môn Kể chuyện 1.1.3.1. Khái niệm hội thoại và các kiểu hội thoại “Hội thoại là hoạt động giao tiếp căn bản thường xuyên của hành chức ngôn ngữ” [3; tr.27] Hội thoại là hình thức GT phổ biến nhất, căn bản nhất của con người. Đó là hình thức GT hai chiều, có sự tương tác qua lại của người nói và người nghe với sự luân phiên lượt lời. Có rất nhiều kiểu HT khác nhau, tùy thuộc vào các nhân tố GT được lấy làm cơ sở để phân chia, cụ thể là: - Đơn thoại là kiểu HT chỉ có một người chủ động nói còn những người khác đóng vai trò là người nghe, thậm chí nói cho chính bản thân mình nghe (độc thoại). Lời nói trong đơn thoại là lời nói độc thoại. - Đa thoại là kiểu HT giữa hai hay nhiều người cùng tham gia hoạt động giao tiếp nói với nhau. Tùy thuộc vào số lượng cụ thể của người tham gia GT mà người ta chia thành song thoại (HT giữa hai người), tam thoại, tứ thoại, đa thoai (HT nhiều người). Lời nói trong đa thoại là lời nói đối thoại, nó phải nằm trong một mạch của nhiều lời nói do nhiều người nói lần lượt nối tiếp nhau. Để đảm bảo cho cuộc thoại đạt kết quả tốt mỗi lời nói phải ăn nhập vào mạch chung của nội dung câu chuyện và đòi hỏi giữa những người tham gia phải có sự thỏa thuận ngầm về nội dung HT, cùng nhau thực hiện tốt quy tắc HT (như phải biết trao lời, tiếp lời) và phải tôn trọng thể diện của nhau. Trong phân môn Kể chuyện lớp 2,3. Phần lớn các dạng bài tập gồm cả dạng đơn thoại và đa thoại. Đơn thoại, độc thoại chiếm tỉ lệ nhiều hơn (dạng bài tập kể theo đoạn, kể toàn bộ câu chuyện, kể theo lời tác giả, kể theo lời của mình, kể theo lời nhân vật), còn đa thoại chủ yếu là kiểu đối thoại (dạng bài tậpkể chuyện theo hình thức phân vai). Trên cơ sở nắm vững khái niệm và đặc điểm của các loại HT, khi rèn kĩ năng nói cho HS, GV cần luyện cho HS biết dùng cả lời độc thoại và lời đối thoại. Với lời độc thoại, GV phải giúp HS nói cho đầy đủ, nói có đầu có cuối một cách ngắn gọn, rành mạch, rõ ràng. Với lời đối thoại, GV cần giúp HS biết lắng nghe người khác nói để nắm được diễn biến, nội dung câu chuyện và có những lời nói phù hợp, đồng thời phải giúp HS ý thức được khi nào cần nhường lời, tiếp lời,.. cũng như việc lựa chọn, sử dụng thêm các yếu tố phi ngôn ngữ (cử chỉ, điệu bộ, nét mặt,…) phụ trợ thêm cho lời nói của mình đạt kết quả cao nhất. Trong chương trình KC lớp 2,3 có một số truyện về nghi thức lời nói (Ai có lỗi, Các em nhỏ và cụ già - TV3). Khi dạy dạng bài này, GV phải giúp HS xác định vai trò của mình trong từng tình huống GT cụ thể để các em lựa chọn cách xưng hô, cách thể hiện thái độ cho đúng mực. 1.1.3.2. Các vận động hội thoại - Vận động trao lời: Trong HT, thông thường khi một người nói ra và hướng lời nói của mình tới người nghe thì người đó đã thực hiện một vận động, ta gọi đó là vận động trao lời (trừ trường hợp độc thoại). Khi đóng vai là người trao lời, người nói cần đảm bảo một số yêu cầu nhất định, cụ thể là: + Phải xác định vị thế xã hội của mình khi trao lời, qua đó GT xác định vị thế xã hội cho người nghe trong GT (thể hiện ở việc lựa chọn các đại từ xưng hô hoặc các danh từ thay thế cho đại từ đó).
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan

Tài liệu vừa đăng

Tài liệu xem nhiều nhất