Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Giáo dục - Đào tạo Cao đẳng - Đại học Luật Quyền lợi của người khuyết tật trong vấn đề chăm sóc sức khỏe theo quy định của ...

Tài liệu Quyền lợi của người khuyết tật trong vấn đề chăm sóc sức khỏe theo quy định của pháp luật hiện hành. tìm 01 tình huống thực tế về việc tìm kiếm và đảm

.DOC
15
17
135

Mô tả:

I. Khái quát chung về chăm sóc sức khỏe người khuyết tật 1. Sức khỏe và chăm sóc sức khỏe người khuyết tật. Cuộc đời của bất kì con người nào cũng đều phải trải qua các giai đoạn sinh, lão, bệnh tử. Trong các giai đoạn đó, thì dường như vấn đề làm thế nào để có sức khỏe tốt, tránh được các bệnh tật, bảo đảm sống lâu, sống khỏe, sống có ích cho bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội … là mong muốn của tất cả mọi người. Vì thế, nhu cầu về sức khỏe và được chăm sóc, bảo vệ sức khỏe là nhu cầu quan trọng mang tính tất yếu của con người. Với những người khi sinh ra hoặc trong quá trình sống, vì lí do nào đó mà bị khuyết về thể chất, tinh thần thì nhu cầu này càng quan trọng và cấp thiết. Bởi người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng nào đó khiến họ khó khăn hơn so với những người bình thường trong các hoạt động sinh hoạt, học tập, lao động. Có vượt qua những khó khăn về tật, bệnh trước mặt mới có thể tạo điều kiện giúp họ hướng tới các cơ hội khác một cách lâu dài. Nhận thức rõ vấn đề đó nên từ thời xa xưa đến nay trên thế giới cũng như ở Việt Nam, vấn đề sức khỏe và chăm sóc sức khỏe người khuyết tật đều được mọi người quan tâm.Tuy nhiên, trước đây, việc chăm sóc sức khỏe người khuyết tật chủ yếu dựa vào người thân trong gia đình hoặc long hảo tâm của các cá nhân, tổ chức, nhà thờ, nhà chùa. Sau đó, trải qua nhiều thế kỉ, việc chăm sóc sức khỏe người khuyết tậ chuyển dần từ mục đích từ thiện của các cá nhân, tổ chức sang trách nhiệm xã hội của nhà nước và cộng đồng. Song, cho đến nay, chưa có văn bản nào đưa ra định nghĩa về sức khỏe và chăm sóc sức khỏe người khuyết tật. Tổ chức y tế thế giới đã đưa ra định nghĩa về sức khỏe của con người: “Sức khỏe là trạng thái thoải mái toàn diện về thể chất, tâm thần và xã hội chứ không chỉ bao gồm tình trạng không có bệnh hay thương tật”. Đối với người khuyết tật, do các đặc trưng về tình trạng bệnh, tật, nên với họ, khó có thể đạt được trạng thái thoải mái toàn diện về sức khỏe như những người bình thường. Mong muốn lớn nhất của họ là được khôi phục hoặc hỗ trợ khôi phục các bộ phận hoặc chức năng bị khiếm khuyết, ổn định sức khỏe để nuôi sống bản thân, từ đó có những đóng góp cho đất nước và xã hội. Vì thế có thể hiểu sức khỏe người khuyết tật là tình trạng ổn định toàn diện về thể chất, tâm thần, xã hội. Để người khuyết tật đạt được sự ổn định toàn diện về sức khỏe, việc chăm sóc sức khỏe phải quan tâm hợp lí đến cả ba mặt của sức khỏe là: Sức khỏe thể chất, sức khỏe tâm thần và sức khỏe xã hội. Các công ước của Tổ quốc y tế thế giới cũng như pháp luật các nước trong đó có Việt Nam đã đặt ra 5 quan điểm cơ bản, chủ yếu chỉ đạo công tác chăm sóc sức khỏe con người chung, trong đó có người khuyết tật. Đó là 1) Sức khỏe là vốn quý nhất của mỗi con người và của toàn xã hội; 2) Đổi mới và hoàn thiện hệ thống y tế theo hướng công bằng, hiệu qua và phát triển; 3) Thực hiện chăm sóc sức khỏe toàn diện; 4) Xã hội hóa các hoạt động chăm sóc sức khỏe; 5) Phát triển nhân lực y tế thực hiện chăm sóc sức khỏe; Từ quan điểm chỉ đạo này và nhằm để đạt được sự chăm sóc toàn diện ba mặt của sức khỏe người khuyết tật một cách hợp lí như đã nêu trên, có thể hiểu chăm sóc sức khỏe người khuyết tật bao gồm chăm sóc y tế (chăm sóc do ngành y tế đảm nhiệm như chăm sóc về phòng bệnh; khám bệnh, chữa bệnh; điều dưỡng, phục hồi chức năng …) và chăm sóc ngoài y tế (do các ngành khác đảm nhiệm chính như: tập luyện thể dục thể thao; chăm sóc về dinh dưỡng; nước uống, về sinh môi trường; nhà ở; giao thông vận tải v.v.. ). Như vậy, chăm sóc sức khỏe đối với người khuyết tật đươc hiểu trong mối liên hệ chặt chẽ và tác động qua giữa các yếu tố môi trường bên ngoài như thức ăn, nước uống, điều kiện vệ sinh … với các yếu tố môi ường bên trong như di truyền, gen, tế bào … giữa các hoạt động đề phòng sự phát sinh ra bệnh tật, phát hiện sớm bệnh tật … đến việc điều trị kịp thời và phục hồi sức khỏe cho người khuyết tật. Đây được coi là mô hình chăm sóc sức khỏe người khuyệt tật theo quan điểm hiện đại, đã khắc phục được những bất cập của quan điểm chăm sóc sức khỏe trước đây là chỉ chú trọng các hoạt động và biện pháp mang tính tổ chức của cơ quan y tế với mục đích chủ yếu là chữa trị bệnh, tật. Ngoài ra, chăm sóc sức khỏe theo quan điểm hiện đại đã mang lại nhiều lợi ích về y học, lợi ích về kinh tế-xã hội cho người khuyết tật cũng như sự phát triển của các quốc gia, đó là phòng ngừa, giảm tỉ lệ người khuyết tật, tăng cường sức khỏe cho người đã bị khuyết tật, giảm chi phí cho công tác chữa trị bệnh, tật. Đặc biệt, trong quá trình đó luôn có sự tham gia của nhiều cơ quan, ban ngành, các tổ chức đoàn thể và cộng đồng xã hội vào hoạt động chăm sóc sức khỏe người khuyết tật. 2. Chế độ chăm sóc sức khỏe người khuyết tật. Theo quy định của pháp luật hiện hành về người khuyết tật, có thể hiểu chế độ chăm sóc sức khỏe người khuyết tật bao gồm tổng hợp các quy định về quyền của người khuyết tật được nhà nước, cộng đồng xã hội thực hiện các hoạt động phòng bệnh, khám chữa bệnh, chỉnh hình, phục hồi chức năng nhằm giúp người khuyết tật ổn định sức khỏe, vượt qua những khó khăn của bệnh tật, vươn lên hòa nhập với cộng đồng. Trong hệ thống các chế độ đối với người khuyết tật, chế độ chăm sóc sức khỏe là chế độ quan trọng. Do vấn đề người khuyết tật được pháp luật quốc tế mới đề cập vào cuối thế kỉ XX, do đó chế độ về chăm sóc sức khỏe người khuyết tật cũng được điều chỉnh. Lần đầu tiên, năm 1989, trong Công ước về quyền trẻ em, Tổ chức Liên hợp quốc quy định vấn đề bảo vệ quyền của trẻ em khuyết tật, trong đó có quyền được chăm sóc sức khỏe (Điều 23). Sau đó năm 1991, Liên hợp quốc thông qua văn kiện về Các nguyên tắc bảo vệ người bị bệnh tâm thần và tăng cường chăm sóc sức khỏe tâm thần. Đến năm 2006, Đại hội đồng Liên hợp quốc đánh dấu bước ngoặt quan trọng của việc khẳng định quyền người khuyết tật nói chung, quyền được bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nói riêng bằng việc thông qua Công ước quốc tế về quyền người khuyết tật. Tại Công ước này, ngoài việc đưa ra các định nghĩa quan trọng làm cơ sở cho việc thống nhất nhận thức về người khuyết tật, quy định các nguyên tắc chỉ đạo chung, công đã liệt kê các quyền con người có ý nghĩa quan trọng với người khuyết tật, trong đó có quyền được chăm sóc sức khỏe, quy định tại các Điều 23 (Y tế), Điều 26 (Hộ trợ chức năng và phục hồi chức năng). Các quốc gia trên thế giới, tùy vào điều kiện kinh tế chính trị, xã hội của nước mình mà có cách nhìn nhận khác nhau về chế độ này. Braxin, Canada, Đức … đề cập trong văn bản pháp luật có hiệu lực cao nhất là Hiến pháp; Pháp, Phần Lan, Tây Ban Nha … đề cập nội dung này trong các quy định của những bộ luật lớn ở các lĩnh vực dân sự, lao động, hình sự. Nhiều quốc gia quy định thành chương riêng trong đạo luật về người khuyết tật như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Thụy Điển … Dù được quy định trong các hình thức văn bản pháp luật khác nhau nhưng có thể thấy rằng, các quốc gia trên thế giới đều nhận thức được vai trò quan trọng của vấn đề chăm sóc sức khỏe người khuyết tật, đồng thời xác định người khuyết tật có quyền bình đẳng trong việc khám, chữa bệnh, trong việc hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe như mọi công dân khác, không bị phân biệt đối xử. Ở Việt Nam, Đảng, Nhà nước và toàn dân luôn tôn trọng và chăm lo, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người khuyết tật. Trước Luật người khuyết tật được Quốc hội thông qua, chế độ chăm sóc sức khỏe người khuyết tật cụ thể hóa trong Pháp lệnh về người tàn tật năm 1998 và các luật chuyên ngành khác. Chế độ chăm sóc sức khỏe người khuyết tật được quy định trong Luật người khuyết tật tại Chương III, từ Điều 21 đến Điều 26. Ngoài ra, trong các luật chuyên ngành khác cũng có các điều khoản quy định về việc chăm sóc sức khỏe người khuyết tật, đó là: Luật người cao tuổi (Điều 21), Luật khám chữa bệnh (Điều 13), Luật hoạt động chữ thập đỏ (Điều 7) … Tùy từng đối tượng, dạng tật hoặc nhu cầu của người khuyết tật mà pháp luật quy định chế độ chăm sóc sức khỏe người khuyết tậ được thực hiện khác nhau, theo đó người khuyết tật được hưởng một hoặc nhiều chế độ trong quá trình chăm sóc sức khỏe. Có thể thấy rằng, chế độ chăm sóc sức khỏe người khuyết tật được quy định khá đầy đủ và cụ thể trong hệ thống pháp luật Việt Nam và cơ bản phù hợp với quy định của Công ước quốc tế cũng như pháp luật các nước trên thế giới. II. Nội dung quyền lợi chăm sóc sức khỏe của người khuyết tật. 1. Chăm sóc sức khỏe ban đầu. Chăm sóc sức khỏe ban đầu là môt trong các lĩnh vực trong hoạt động của hệ thống y té của mỗi quốc gia và được coi là chìa khóa để đạt được những mục tiêu sức khỏe cho các thành viên trong xã hôi, đặc biệt là những người có nhu cầu chăm sóc cao, trong đó có người khuyết tật. Chăm sóc sức khỏe ban đầu nhấn mạnh đến những biện pháp tăng cường sức khỏe, phòng bệnh, chữa bệnh và phục hồi sức khỏe. Dựa vào các nội dung chăm sóc sức khỏe ban đầu mà Hội nghị Alma Ata năm 1978 đưa ra, Việt Nam bổ sung thêm một số nội dung nữa cho phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của đất nước. Theo quy định của Luật ngưởi khuyết tật, chăm sóc sức khỏe ban đầu đối với người khuyết tật bao gồm các nội dung sau đây: _Giáo dục sức khỏe: Giáo dục sức khỏe thông qua các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức về chăm sóc sức khỏe, nhằm mục đích tăng cường kiến thức và hiểu biết của người khuyết tật về việc tự bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Từ những kiến thức và hiểu biết đó sẽ giúp người khuyết tật loại bỏ dần những lối sống, thói quen và phong tục tập quán có hại cho sức khỏe. Việc thực hiện các hoạt động này được thông qua các hình thức, biện pháp phong phú như: Tổ hức lớp học, thông tin qua hệ thống truyền thông ở địa phương hoặc lồng ghép vào các hoạt động văn hóa xã hội khác ở địa phương. _Thực hiện các biện pháp phòng ngừa như: Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến khuyết tật, mà có bao nhiêu nguyên nhân thì có thể đưa ra bấy nhiêu cách phòng ngừa. Vì thế, có thể thấy hoạt động phòng ngừa được thực hiện rất đa dạng, phong phú: Phòng ngừa dựa vào dạng tật, phòng ngừa dựa vào khả năng thực tế của địa phương, hoàn cảnh gia đình, phòng ngừa dựa vào nhu cầu của người khuyết tật v.v.. Tuy nhiên, có thể khái quát hoạt động phòng ngừa khuyết tật bao gồm: Phòng ngừa không để xảy ra khuyết tật; phòng ngừa để ngăn ngừa tình trạng ốm đau, tai nạn, rủi ro trở thành khuyết tật và phòng ngừa để ngăn ngừa khuyết tật gây nên hậu quả nặng hơn. _Quản lí sức khỏe: Mục tiêu lâu dài mà ngành y tế đặt ra là quản lí sức khỏe cho toàn dân, trước mắt là thực hiện quản lí sức khỏe cho các đối tượng ưu tiên như trẻ em dưới 1 tuổi, trẻ em dưới 5 tuổi, phụ nữ có thai, phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ, các đối tượng có công với cách mạng và người khuyết tật. Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 21 Luật người khuyết tật, trạm y tế cấp xã có trách nhiệm lập hồ sơ theo dõi, quản lí sức khỏe người khuyết tật. Mục đích của chế độ này nhằm quản lí theo dõi tình trạng khuyết tật ở địa phương, từ đó giúp cơ quan chức năng đưa ra các giải pháp hợp lí để chăm sóc sức khỏe hiệu quả hơn. Quản lí sức khỏe người khuyết tật cũng được coi là nội dung quan trọng trong chăm sóc sức khỏe ban đầu đối với người khuyết tật. 2. Khám bệnh, chữa bệnh Người khuyết tật khi ốm đau, bệnh tật được khám chữa bệnh tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ở nơi họ cư trú, lao động hoặc học tập. Nội dung của chế độ khám bệnh, chữa bệnh bao gồm: _ Quyền được khám bệnh, chữa bệnh. Trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh, người khuyết tật được đảm bảo các quyền như mọi công dân khác, như: Quyền được khám bệnh, chữa bệnh có chất lượng phù hợp với điều kiện thực tế; quyền được giữ bí mật thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong hồ sơ bệnh án; quyền được tôn trọng danh dự, không bị kì thị, phân biệt đối xử trong khám, chữa bệnh; quyền được lựa chọn phương pháp chẩn đoán và điều trị … _Được ưu tiên khám bệnh, chữa bệnh: Trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, pháp luật quy định cơ sở y tế phải ưu tiên khám bệnh, chữa bệnh cho người khuyết tật đặc biệt nặng và người khuyết tật nặng, trẻ em khuyết tật, người cao tuổi khuyết tật, phụ nữ khuyết tật có thai, người khuyết tật có công với cách mạng. Việc ưu tiên thông qua các hình thức như: miễn, giảm viện phí, hỗ trợ sinh hoạt phí, chi phí đi lại, chi phí điều trị. Quy định này thể hiện sự thống nhất, phù hợp với Luật người cao tuổi, Luật khám bệnh, chữa bệnh, Luật bảo vệ sức khỏe nhân dân và luật khác về ưu tiên, ưu đãi đối với những đối tượng có hoàn cảnh sức khỏe đặc biệt. 3. Phục hồi chức năng. Phục hồi chức năng được coi là nội dung quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe người khuyết tật. Năm 2006, Tổ chức Liên hợp quốc, trong Công ước về quyền của người khuyết tật, đã đặc biệt coi trọng vấn đề phục hồi chức năng, không chỉ áp dụng với người lao động khuyết tật mà áp dụng đối với mọi người khuyết tật nói chung, quy định tại Điều 26 trong Công ước. Pháp luật về chăm sóc sức khỏe người khuyết tật của các nước trên thế giới rất coi trọng nội dung này. Trên cơ sở quy định của các tổ chức quốc tế và các nước, pháp luật Việt Nam đã quy định cụ thể về nội dung chỉnh hình, phục hồi chức năng đối với người khuyết tật. Theo quy định của pháp luật về người khuyết tật, nội dung phục hồi chức năng của người khuyết tật bao gồm: Phục hồi chức năng thông qua các cơ sở chỉnh hình, phục hồi chức năng và phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng. _Phục hồi chức năng thông qua các cơ sở chỉnh hình, phục hồi chức năng. Hiện nay, với quy định đa dạng các loại hình, phong phú các hình thức, mở rộng phạm vi hoạt động của các cơ sở chỉnh hình, phục hồi chức năng, pháp luật không chỉ đảm bảo quyền hiến định mà còn thể hiện trách nhiệm sâu sắc của Nhà nước, cộng đồng xã hội trong việc chăm sóc sức khỏe cho người khuyết tật, đảm bảo mục đích an sinh xã hội. _Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng là biện pháp thực hiện tại nơi, với những người khuyết tật cùng sinh sống, nhằm chuyển giao kiến thức về vấn đề khuyết tật, kĩ năng phục hồi và thái độ tích cực đến người khuyết tật, gia đình của họ và cộng đồng, tạo sự bình đẳng về cơ hội và hòa nhập cộng đồng cho người khuyết tật. Pháp luật quy định rất cụ thể vấn đề này. Theo đó người khuyết tật được tạo điều kiện hỗ trợ phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng, các chủ thể khác như gia đình người khuyết tật, cơ sở chỉnh hình, phục hồi chức năng, ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi, tham gia hướng dẫn, tổ chức thực hiện phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng. 4. Các chính sách hỗ trợ thực hiện chế độ chăm sóc sức khỏe cho người khuyết tật. 4.1 Nghiên cứu khoa học về người khuyết tật. Hoạt động nghiên cứu khoa học về người khuyết tật sinh ra nhằm mục đích tìm hiểu các nguyên nhân gây ra khuyết tật, từ đó có những hình thức, biện pháp để chăm sóc sức khỏe người khuyết tật hợp lí, hiệu quả cao hơn. Theo quy định tại khoản 1 Điều 26 Luật người khuyết tật: “Nhà nước hỗ trợ kinh phí theo dự án cho cơ quan, tổ chức nghiên cứu khoa học về người khuyết tật. 4.2 Đào tạo nguồn nhân lực y tế. Nguồn nhân lực y tế có vai trò đặc biệt quan trọng trong chăm sóc sức khỏe người khuyết tật. Vì thế Nhà nước luôn có chính sách phù hợp để phát triển, đào tạo đội ngũ cán bộ y tế thực hiện hoạt động chăm sóc sức khỏe con người nói chung, người khuyết tật nói riêng. Hiện nay, với quan điểm y tế hiện đại, Việt Nam đã, đang tiến hành việc đào tạo nguồn nhân lực y tế cộng đồng để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người khuyết tật. Nhà nước có chính sách hỗ trợ kinh phí theo dự án cho các cơ quan, tổ chức đào tạo chuyên gia, kĩ thuật viên trong lĩnh vực chỉnh hình, phục hồi chức năng, đặc biệt phúc hồi chức năng dựa vào cộng đồng. 4.3 Tài chính. Nhà nước thực hiện ưu tiên vay vốn và lãi suất vốn vay, giảm thuế cho các cơ sở sản xuất dụng cụ chỉnh hình, phương tiện, thiết bị phục hồi chức năng, trợ giúp sinh hoạt, học tập và lao động cho người khuyết tật; miễn, giảm thuế theo quy định đối với các dụng cụ chỉnh hình, phương tiện, thiết bị phục hồi chức năng, trợ giúp sinh hoạt, học tập và lao động cho người khuyết tật từ chương trình, dự án viện trợ không hoàn lại hoặc do tổ chức, cá nhân nước ngoài tặng, hỗ trợ. 4.4 Hợp tác quốc tế. Đây là con đường ngắn nhất để tiếp thu kiến thức y học tiên tiến của các nước trên thế giới trong hoạt động chăm sóc sức khỏe người khuyết tật. Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này thông qua các hoạt động: Tham gia tổ chức quốc tế; ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế liên quan đến chăm sóc sức khỏe người khuyết tật. Sự hợp tác quốc tế còn được thông qua sự hợp tác giữa Việt Nam với các tổ chức quốc tế, các cơ quan, các tổ chức phi chính phủ … trong việc xây dựng và thực hiện chương trình, dự án liên quan đến chăm sóc sức khỏe người khuyết tật như: tài trợ, hỗ trợ, trao đổi về tài chính, kinh nghiệm, máy móc trang thiết bị, đội ngũ y tế … nhằm giúp hoạt động chăm sóc sức khỏe người khuyết tật ngày càng đạt được hiệu quả cao hơn. Đề 3: 2) Tìm 01 tình huống thực tế về việc tìm kiếm và đảm bảo việc làm của người khuyết tật. Qua đó phân tích những khó khăn, bất lợi của họ và nhận xét theo quy định pháp luật hiện hành về chế độ việc làm đối với người khuyết tật. Tình huống thực tế Ở phường Hồng Hà, TP Hạ Long rất nhiều người biết và cảm phục tấm gương của cô giáo tật nguyền Trương Thị Diệu Thuý. Từ hồi còn nhỏ, một cơn bạo bệnh đã cướp đi của cô đôi chân. Thế nhưng, với nghị lực của mình, Thuý vẫn tiếp tục theo đuổi học hành. Trong suốt 12 năm học phổ thông, Thuý luôn là một học sinh xuất sắc. Dẫu thiệt thòi hơn các bạn cùng trang lứa, nhưng ước mơ được học, được khẳng định mình vẫn luôn cháy bỏng trong cô. Tốt nghiệp lớp 12, cô đã nộp đơn thi vào trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội. Sau bốn năm trải qua khó khăn, vất vả, cô tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại ưu. Thế nhưng, tấm bằng đại học cũng không giúp cô có một việc làm ổn định. Đến đơn vị nào xin việc cô cũng nhận được sự khâm phục và những ánh mắt kính nể xen lẫn ái ngại... Thế nhưng cuối cùng vẫn là những cái lắc đầu. Không muốn con mình bỏ phí kiến thức, bỏ phí những nỗ lực trong hai chục năm trời, bố mẹ cô đã động viên con mở lớp dạy tiếng Anh ở nhà. Ban đầu cũng chỉ là dạy các em quanh xóm. Sau “tiếng lành đồn xa”, nhiều em học sinh đã tìm đến Thuý để học. Hiện nay, với thu nhập từ việc dạy học, Thuý có thể tự đảm bảo cho cuộc sống của mình. Và hạnh phúc đã mỉm cười với Thuý khi cô tìm được “một nửa”, cũng là một người cùng cảnh ngộ và sinh được một cậu con trai kháu khỉnh. Không riêng Thuý mà nhiều người khuyết tật trên địa bàn tỉnh không xin được việc làm ở các đơn vị, các doanh nghiệp dù vẫn còn đủ sức khoẻ để lao động. Phần đông trong số họ vẫn phải sống dựa vào gia đình, người thân hoặc tự tạo việc làm cho bản thân. Trong danh sách những người khuyết tật tiêu biểu do Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi cung cấp, chúng tôi thấy điểm chung ở họ chính là những tấm gương tự lập, vượt lên tật nguyền. Ông Hoàng Thanh, Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi cho biết: “Trên địa bàn tỉnh cũng có một số doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề cho người khuyết tật nhưng cũng chỉ đào tạo để tự sử dụng là chính. Mà số người khuyết tật còn sức lao động có việc làm cũng rất ít. Phần đông họ là lao động tự do. Đặc biệt ở các vùng nông thôn, người khuyết tật chủ yếu tham gia vào công việc nhà nông là chính. I. Nhận xét Không phải đến bây giờ vấn đề việc làm cho người khuyết tật mới được đặt ra. Pháp lệnh về người tàn tật năm 1998; Luật Người khuyết tật năm 2010 quy định rất rõ về vấn đề dạy nghề và việc làm của người khuyết tật với những ưu đãi đặc biệt cho các đối tượng này. Tuy nhiên, có việc làm vẫn là vấn đề khó đối với người khuyết tật trong cả nước nói chung và Quảng Ninh nói riêng. Hiện nay, trên toàn tỉnh chỉ có 14 cơ sở sản xuất kinh doanh dành riêng cho người khuyết tật. Để được công nhận là cơ sở sản xuất, kinh doanh dành cho người khuyết tật, các cơ sở này phải có trên 51% số lao động là người khuyết tật. Tuy nhiên, do quy mô của các cơ sở này còn nhỏ nên thu hút được rất ít lao động. Tính tổng số lao động khuyết tật của các cơ sở này cũng chỉ vào khoảng 4-5 trăm người. Người khuyết tật là một bộ phận cấu thành của xã hội không thể tách rời mà họ cũng có trách nhiệm trong việc tham gia vào các hoạt động của cộng đồng và đóng góp công sức của mình vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của các quốc gia. Người khuyết tật là những người bị suy giảm về thể chất, trí tuệ, tâm thần hoặc giác quan được biểu hiện dưới dạng khuyết tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp nhiều khó khăn và cản trở sự tham gia bình đẳng vào hoạt động xã hội. Nhưng nếu họ được tạo điều kiện cần thiết và tự mình vươn lên thì người khuyết tật có thể sống, hoạt động và đóng góp cho xã hội theo sức khỏe và năng lực như những người không khuyết tật. Thực tế cho thấy, người khuyết tật có những đóng góp không nhỏ cho nền kinh tế đất nước. Hiện tại, có tới 75% người khuyết tật có khả năng lao động, tham gia các hoạt động kinh tế, trong đó có tới 42,22% tự tạo việc làm. Người khuyết tật nói chung hay Thúy trong tình huống thực tiễn, thường bị phân biệt đối xử với người không khuyết tật. Trong trường hợp này, người sử dụng lao động không muốn nhận Thúy là người khuyết tật đôi chân, bởi họ cho rằng năng suất lao động của người khuyết tật thấp hơn so với người không khuyết tật. Ông Suporntum cho rằng tước đi quyền tiếp cận việc làm của người khuyết tật là phi nhân đạo. Khuyết tật không chỉ là sự khiếm khuyết về thể chất và tâm sinh lí mà còn do thái độ của xã hội, sự phân biệt đối xử và gạt bỏ tạo ra một môi trường làm xói mòn them những khuyết tật này. Người ta thường nói việc làm là cánh cửa vào đời với mỗi con người. Tuy nhiên, với những khó khăn đang tồn tại, “cánh cửa” của người khuyết tật vẫn còn rất hẹp. II. Chế độ việc làm dành cho người khuyết tật. 1. Trách nhiệm của một số chủ thể trong lĩnh vực việc làm đối với người khuyết tật. 1.1 Trách nhiệm của Nhà nước. _Điều 13 BLLĐ quy định: “Giải quyết việc làm, đảm bảo cho mọi người có khả năng lao động đều có cơ hội có việc làm là trách nhiệm của Nhà nước, của các doanh nghiệp và toàn xã hội”. Người khuyết tật cũng là công dân, là lực lượng lao động xã hội nên Nhà nước phải có trách nhiệm giải quyết việc làm cho họ. Bên cạnh trách nhiệm giải quyết việc làm cho người khuyết tật, Nhà nước phải có trách nhiệm phục hồi chức năng lao động cho họ cùng với những hỗ trợ khác để người khuyết tật có việc làm cũng như ổn định việc làm và duy trì việc làm lâu bền. _Đối với trường hợp của chị Thúy trong tình huống, theo Điều 33 thì Nhà nước tạo điều kiejn để người khuyết tật phục hồi chức năng lao động, được tư vấn việc làm miễn phí, có việc làm và làm việc phù hợp với sức khỏe và đặc điểm của người khuyết tật. Điều 125 BLLĐ quy định: “Nhà nước bảo hộ quyền làm việc của người tàn tật và khuyến khích việc thu nhận, tạo việc làm cho người tàn tật. Hàng năm, Nhà nước dành một khoản ngân sách để giúp người tàn tật phục hồi sức khỏe, phục hồi chức năng lao động, học nghề và có chính sách cho vay với lãi suất thấp để người tàn tật tự tạo việc làm và tự ổn định đời sống. 1.2 Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân. _Giải quyết việc làm cho người lao động nói chung, người khuyết tật nói riêng không chỉ là trách nhiệm của Nhà nước mà còn là trách nhiệm của toàn xã hội. Các cơ quan, doanh nghiệp cá nhân vì vậy cũng có trách nhiệm giải quyết việc làm cho người lao động trong dó có người khuyết tật. Luật người khuyết tật quy định các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cá nhân không được từ chối tuyển dụng người khuyết tật có đủ tiêu chuẩn tuyển dụng vào làm việc hoặc đặt ra tiêu chuẩn tuyển dụng trái quy định của pháp luật nhằm hạn chế cơ hội làm việc của người khuyết tật. _Việc chị Thúy nộp đơn xin việc ở các công ty, doanh nghiệp, cá nhân là hoàn toàn phù hợp với tâm tư nguyện vọng được có việc làm đóng góp cho xã hội, phù hợp với quy định của pháp luật lẽ ra phải nhận được sự ủng hộ từ phía người sử dụng lao động. Trái lại, họ không nhận hoặc không tạo điều kiện cho chị ổn định công việc lâu dài. Trường hợp nếu doanh nghiệp không nhận hoặc nhận ít hơn tỉ lệ người khuyết tật quy định thì phải góp một khoản tiền theo quy định của Chính phủ vào quỹ việc làm để góp phần giải quyết việc làm cho người tàn tật (cụ thể theo Nghị định số 16/NĐ-CP). 2. Chế độ hỗ trợ đối với người khuyết tật trong lĩnh vực việc làm. Người khuyết tật là những người bị khiếm khuyết về thể chất hay tinh thần nên thường bị suy giảm khả năng lao động. Các đơn vị sử dụng lao động thường không muốn nhận người khuyết tật vì sợ rằng năng suất lao động không cao. Do đó, để khuyến khích các cơ sở sản xuất kinh doanh nhận người khuyết tật vào làm việc, Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với các cơ sở này. Cụ thể các cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật được hỗ trợ cải tạo điều kiện, môi trường làm việc phù hợp cho người khuyết tật; dược miễn thuế thu nhập doanh nghiệp; được vay vốn với lãi suất ưu dãi theo dự án phát triển sản xuất kinh doanh; được ưu tiên cho thuê đất, mặt bằng, mặt nước và miễn giảm tiền thuê đất, mặt bằng, mặt nước phục vụ sản xuất kinh doanh (Điều 30 Luật người khuyết tật) Theo quy định của pháp luật, các tỉnh thành phố trực thuộc trung ương lập quỹ việc làm cho người khuyết tật để giúp người khuyết tật phục hồi chức năng lao động và tạo việc làm. Trong tình huống của chị Thúy,Mặc dù Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trong cả nước thành lập được Quỹ Việc làm cho người tàn tật vào năm 2006 với tổng quỹ hiện nay là hơn 10 tỷ đồng nhưng đến nay Quỹ vẫn chưa phát huy được hiệu quả như mong muốn. Theo quy định, Quỹ Việc làm cho người tàn tật dùng để hỗ trợ cho cơ sở dạy nghề, cơ sở SXKD dành riêng cho người khuyết tật để xây dựng nhà xưởng, mua máy móc, thiết bị, duy trì dạy nghề và phát triển sản xuất. Các cơ quan quản lý để đào tạo nâng cao năng lực đối với người làm công tác dạy nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm cho người khuyết tật cũng được hưởng từ nguồn quỹ này... Đáng chú ý là trong quy định của Quỹ thì các khoản chi cho việc đào tạo nghề là khá rộng, như là chi khai giảng, tuyển sinh, bế giảng, cấp chứng chỉ, chi chỉnh sửa, biên soạn giáo trình... Quy định là thế nhưng cơ chế chi trả quỹ, hỗ trợ các dự án của các cơ sở có người khuyết tật chưa đồng bộ, thống nhất, nhiều điểm còn chồng chéo. Bởi vậy không ít các dự án dạy nghề hoặc việc làm rất có lợi cho người khuyết tật, phù hợp với đối tượng hỗ trợ của Quỹ nhưng lại vướng ở khâu hồ sơ, thủ tục. Chính vì vậy, hiện nay Quỹ Việc làm cho người tàn tật vẫn còn tồn đọng hơn 9 tỷ đồng. 3. Quyền và nghĩa vụ của người khuyết tật trong lĩnh vực việc làm. Người khuyết tật nếu tham gia vào quan hệ lao động thì cũng trở thành chủ thể của quan hệ lao động. Vì vậy, cũng như những người lao động khác khi đã trở thành chủ thể của quan hệ lao động, người khuyết tật cũng sức có các quyền đồng thời cũng phải thực hiện các nghĩa vụ của người lao động trong quan hệ lao động ở các lĩnh vực như tuyển dụng lao động, giao kết hợp đồng … Tuy nhiên vì người khuyết tật là đối tượng lao động đặc thù nên pháp luật cũng có một số quy định riêng cho phù hợp với yếu tố đặc thù của họ. Cụ thể khi tham gia quan hệ lao động, người khuyết tật chỉ phải làm 7h trong một ngày và 42h trong một tuần. Đặc biệt, để bảo vệ sức khỏe cho người khuyết tật không phải làm những công việc nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với các chất độc hại theo danh mục do Bộ Lao động, thương binh và xã hội và Bộ Y tế ban hành và người khuyết tật bị suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên không phải làm them giờ, làm việc ban đêm. Tuy nhiên, ngày này có quan điểm cho rằng chính sự quy định mang tính chất ưu đãi người khuyết tật đó lại chính là rào cản đối với người khuyết tật trong lĩnh vực việc làm. Do vậy cần phải hướng tới việc đảm bảo điều kiện lao động để không xảy ra những rủi ro sức khỏe cho cả người khuyết tật và người không khuyết tật thay vì giảm thời gian làm việc hay cấm người khuyết tật không được làm một số công việc nào đó. DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO. 1. Giáo trình luật người khuyết tật Việt Nam,2011 – Trường Đại học Luật Hà Nội. 2. Luật người khuyết tật Việt Nam 2010. 3. Liên hợp quốc, Công ước về quyền của người khuyết tật năm 2006. 4. Luật người cao tuổi năm 2009. 5. Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2009. 6. Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004. 7.http://www.baoquangninh.com.vn/xa-hoi/201204/Viec-lam-cho-nguoikhuyet-tat-Van-la-thuc-trang-buon-2165523/ MỤC LỤC I. Khái quát chung về chăm sóc sức khỏe người khuyết tật.......................................................................1 1. Sức khỏe và chăm sóc sức khỏe người khuyết tật.................................................................................1 2. Chế độ chăm sóc sức khỏe người khuyết tật.........................................................................................3 II. Nội dung quyền lợi chăm sóc sức khỏe của người khuyết tật...............................................................4 1. Chăm sóc sức khỏe ban đầu....................................................................................................................4 2. Khám bệnh, chữa bệnh...........................................................................................................................5 3. Phục hồi chức năng.................................................................................................................................6 4. Các chính sách hỗ trợ thực hiện chế độ chăm sóc sức khỏe cho người khuyết tật...............................7 4.1 Nghiên cứu khoa học về người khuyết tật...........................................................................................7 4.2 Đào tạo nguồn nhân lực y tế.................................................................................................................7 4.3 Tài chính................................................................................................................................................8 4.4 Hợp tác quốc tế.....................................................................................................................................8 Đề 3: 2) Tìm 01 tìn nuốìg tnực tế về việc tm kiếm và đảm bảo việc làm của ìgười knuyết tật. Qua đó pnâì tícn ìnữìg knó knăì, bất lợi của nọ và ìnậì xét tneo quy địìn pnáp luật niệì nàìn về cnế độ việc làm đối với ìgười knuyết tật.......................................................................................................9 Tình huống thực tế.....................................................................................................................................9 I. Nhận xét.................................................................................................................................................10 II. Chế độ việc làm dành cho người khuyết tật.........................................................................................11 1. Trách nhiệm của một số chủ thể trong lĩnh vực việc làm đối với người khuyết tật............................11 1.1 Trách nhiệm của Nhà nước.................................................................................................................11 1.2 Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân...............................................................11 2. Chế độ hỗ trợ đối với người khuyết tật trong lĩnh vực việc làm.........................................................12 3. Quyền và nghĩa vụ của người khuyết tật trong lĩnh vực việc làm........................................................13 DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO...........................................................................................................14
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan