Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Giáo dục - Đào tạo Cao đẳng - Đại học Luật Pháp luật kinh doanh bảo hiểm việt nam trong điều kiện kinh tế thị trường...

Tài liệu Pháp luật kinh doanh bảo hiểm việt nam trong điều kiện kinh tế thị trường

.DOC
13
69
97

Mô tả:

Pháp luật kinh doanh bảo hiểm Việt Nam trong điều kiện kinh tế thị trường LỜI MỞ ĐẦU: Qua hơn 10 năm đưa vào thực tế, Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2010) đã tạo cho thị trường bảo hiểm Việt Nam tang trưởng cao và hội nhập quốc tế. Đồng thời cũng tạo khung pháp lý để duy trì trật tự, kỷ cương, ngăn ngừa những hành vi trái pháp luật trong lĩnh vực bảo hiểm; duy trì môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm; giúp xây dựng nên những doanh nghiệp bảo hiểm có quy mô lớn, tài chính lành mạnh và kinh doanh hiệu quả; cung cấp nhiều sản phẩm bảo hiểm với chất lượng dịch vụ tốt, đáp ứng nhu cầu xã hội, thu hút đầu tư trực tiếp cũng như các luồng đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn còn đó những bất cập nảy sinh như chưa có sự phù hợp giữa thực tiễn với quy định của Luật trong một số vấn đề, sự thiếu thống nhất giữa các văn bản quy phạm pháp luật trong các quy định về kinh doanh bảo hiểm. Đặc biệt, trong giai đoạn mới – khi Việt Nam bắt đầu tiến trình hội nhập vào nền kinh tế thế giới – nhiều vấn đề mới được đặt ra mà Luật kinh doanh bảo hiểm chưa thể dự liệu trước. Chính vì vậy, vấn đề cấp bách được đặt ra là phải có sự điều chỉnh các quy định của pháp luật kinh doanh bảo hiểm cho phù hợp, đáp ứng tình hình mới, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển và ổn định thị trường kinh doanh bảo hiểm. Bài tiểu luận “Pháp luật kinh doanh bảo hiểm Việt Nam trong điều kiện kinh tế thị trường” sẽ đi vào trình bày một số vấn đề về các cam kết mở cửa thị trường bảo hiểm Việt Nam trong quá trình hội nhập, quy định của pháp luật kinh doanh bảo hiểm hiện hành và yêu cầu thay đổi để phù hợp với thực tế. I. Thị trường kinh doanh bảo hiểm ở Việt Nam hiện nay: 1. Vài nét sơ lược về kinh doanh bảo hiểm tại Việt Nam: Nền kinh tế Việt Nam đang có những bước vươn mình mạnh mẽ với những sự phát triển nhanh chóng của các hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại, xây dựng, dịch vụ…, mức sống của người dân ngày càng được nâng cao, trong bối cảnh đó, hoạt động của ngành bảo hiểm tại nước ta không ngừng mở rộng để đáp ứng với nhu cầu ngày càng tăng cao của xã hội. Với vai trò và tầm ảnh hưởng lớn đối với hoạt động của các doanh nghiệp, đời sống người tham gia bảo hiểm mà lĩnh vực bảo hiểm luôn được quan tâm và giám sát đặc biệt, các quan hệ phát sinh trong lĩnh vực này cần thiết phải được điều chỉnh bởi các quy định của pháp luật để đảm bảo sự ổn định của nền kinh tế xã hội. Sự ra đời của Luật kinh doanh bảo hiểm đã tạo ra bước đột phá lớn trong hoạt động của ngành bảo hiểm tại Việt Nam, cụ thể, số lượng doanh nghiệp bảo hiểm đã tăng từ 14 lên 50 1 Pháp luật kinh doanh bảo hiểm Việt Nam trong điều kiện kinh tế thị trường doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế; tổng doanh thu phí bảo hiểm tăng từ 3.056 tỷ đồng (năm 2000) lên 25.510 tỷ đồng (năm 2009), với tốc độ tăng bình quân trên 27%/năm; tổng số tiền các doanh nghiệp bảo hiểm đã huy động đầu tư trở lại nền kinh tế tăng từ 5000 tỷ đồng (năm 2000) lên 69.000 tỷ đồng (năm 2009). Đến cuối năm 2009, tổng doanh thu bảo hiểm cả nhân thọ và phi nhân thọ đạt 25.510 tỷ đồng, đạt 2% GDP. Đây là một kết quả đáng ghi nhận và khích lệ. Thực tế cho thấy thị trường kinh doanh bảo hiểm hiện nay vẫn còn nhiều tiềm năng với nhu cầu bảo hiểm ngày càng lớn. Cùng với sự lớn mạnh của các doanh nghiệp trong nước, các doanh nghiệp nước ngoài với ưu thế về quy mô hoạt động, nguồn vốn, kinh nghiệm quản lý cũng xuất hiện ngày càng nhiều, góp phần làm cho thị trường bảo hiểm Việt Nam càng thêm sôi động. Tính đến tháng 03/2010, tổng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong lĩnh vực bảo hiểm nói riêng lên đến hơn 01 tỷ USD, chưa kể các hoạt động đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực khác do sự có mặt của các doanh nghiệp bảo hiểm hàng đầu thế giới tại Việt Nam. Tuy nhiên, hoạt động của thị trường bảo hiểm trong thời gian qua vẫn cho thấy còn nhiều tồn tại và hạn chế, làm ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp, cũng như công tác quản lý, giải quyết các vấn đề phát sinh trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm mà theo đó, có thể điểm qua một vài nguyên nhân sau: ♦ Về khách quan, thị trường kinh doanh bảo hiểm ở Việt Nam còn rất mới so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, đang trong giai đoạn phát triển, tự hoàn thiện đối với cả phía doanh nghiệp bảo hiểm, cơ quan quản lý và bên mua bảo hiểm. Nhân lực của ngành còn thiếu rất nhiều, đặc biệt là đội ngũ chuyên gia, có kinh nghiệm cao trong lĩnh vực bảo hiểm, chẳng hạn như chuyên gia tính phí bảo hiểm, chuyên gia tái bảo hiểm, chuyên gia phân tích tài chính… ♦ Về chủ quan, thực tiễn cho thấy khuôn khổ pháp luật về kinh doanh bảo hiểm tại Việt Nam hiện nay vẫn chưa thực sự hoàn chỉnh: Có sự thiếu thống nhất trong các quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm giữa Luật kinh doanh bảo hiểm và Bộ luật Dân sự năm 2005. Còn nhiều quy định trong Luật còn mang tính chung chung, thiếu rõ ràng, dẫn đến khó khăn nhất định trong việc áp dụng Luật và giải quyết các tranh chấp trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Kể từ năm 2000 đến nay, hệ thống pháp luật liên quan đến các vấn đề quy định tại Luật kinh doanh bảo hiểm đã thay đổi, ví dụ: Luật Doanh nghiệp năm 2005 thay thế Luật Doanh nghiệp năm 1999, Luật Đầu tư thay thế Luật Đầu tư nước ngoài 2 Pháp luật kinh doanh bảo hiểm Việt Nam trong điều kiện kinh tế thị trường tại Việt Nam, theo đó, các quy định về hình thức doanh nghiệp, về đầu tư cần được quy định rõ trong Luật kinh doanh bảo hiểm. Kể từ khi Việt Nam đã ký các thỏa thuận hợp tác song phương (BTA với Hoa Kỳ), và là thành viên chính thức của WTO với các cam kết mở cửa thị trường bảo hiểm; Bộ Tài chính đã là thành viên của Hiệp hội các nhà quản lý bảo hiểm quốc tế (IAIS) cho nên công tác quản lý, giám sát bảo hiểm dần từng bước theo các nguyên tắc, chuẩn mực quốc tế và phải được thể hiện trong các quy định của pháp luật quốc gia. Xuất phát từ những nguyên nhân trên, một vấn đề quan trọng và cấp bách được đặt ra và cần thực hiện ngay đó là phải sửa đổi, bổ sung một số quy định trong Luật kinh doanh bảo hiểm nhằm đảm bảo cho sự phát triển ổn định của thị trường kinh doanh bảo hiểm tại Việt Nam, cũng như đáp ứng được các yêu cầu, các cam kết mở cửa thị trường. 2. Việt Nam với việc mở cửa thị trường kinh doanh bảo hiểm: Hội nhập kinh tế quốc tế là xu hướng tất yếu của mọi nền kinh tế mà Việt Nam cũng không thể đứng ngoài. Tham gia vào sân chơi lớn bên cạnh những quy định của hệ thống pháp luật quốc gia, chúng ta bắt buộc phải tuân theo những quy định chung được đặt ra cho tất cả các nước và quan trọng là phải bảo đảm cho chúng phù hợp với nhau. Trước sự hội nhập sâu rộng của nền kinh tế, ngành kinh doanh bảo hiểm cũng phải mở cửa thị trường của mình với thế giới, cụ thể là thực hiện được những gì mà Việt Nam đã cam kết với các nước khác và đặc biệt là khi gia nhập WTO. Việc mở cửa thị trường theo cam kết chắc chắn sẽ làm cho việc kinh doanh bảo hiểm trong nước chịu tác động mạnh mẽ về quy mô, chất lượng và sự ổn định trong thị trường tài chính nói chung. Các tác động sẽ bao gồm cả mặt tích cực lẫn tiêu cực cho thị trường kinh doanh bảo hiểm của Việt Nam. 2.1 Cơ hội: Theo đánh giá sơ bộ việc mở cửa thị trường kinh doanh bảo hiểm theo các cam kết WTO về cơ bản sẽ có tác động tích cực đối với cạnh tranh, thúc đẩy sự phát triển của ngành bảo hiểm Việt Nam nói chung, các doanh nghiệp bảo hiểm trong nước:  Việc tham gia thị trường của những công ty bảo hiểm mới, đặc biệt là các công ty bảo hiểm nước ngoài sẽ đa dạng hóa và khiến cho thị trường sôi động hơn. Quá trình hội nhập sẽ làm giảm chi phí dịch vụ, chất lượng dịch vụ được nâng cao, năng lực thị trường được mở rộng, thúc đẩy sự phát triển của thị trường. 3 Pháp luật kinh doanh bảo hiểm Việt Nam trong điều kiện kinh tế thị trường  Mở cửa thị trường tạo điều kiện tăng cường trao đổi kiến thức và kỹ năng chuyên ngành: công nghệ quản lý tiên tiến được chuyển giao, trình độ đội ngũ cán bộ được nâng cao… góp phần thúc đẩy năng lực cạnh tranh của các công ty bảo hiểm trong nước. Tạo cơ hội cho các doanh nghiệp bảo hiểm Nhà nước chuyển đổi cơ cấu để tăng khả năng cạnh tranh. 2.2 Thách thức đặt ra: Bên cạnh những cơ hội cho ngành bảo hiểm Việt Nam vươn lên thì việc mở cửa thị trường, cho các doanh nghiệp nước ngoài tham gia vào thị trường bảo hiểm cũng đặt ra những thách thức nhất định đối với ngành bảo hiểm trong nước. Đó là: Một là, việc thực hiện các cam kết cũng dẫn đến khả năng gây bất ổn định nói chung của thị trường tài chính, mất vai trò chủ đạo của thành phần kinh tế Nhà nước, hệ thống quy định quản lý chưa theo kịp được với mức độ mở cửa thị trường… Hai là, cạnh tranh sẽ diễn ra trên quy mô rộng hơn và gay gắt hơn. Trước hết là cạnh tranh giữa các doanh nghiệp bảo hiểm đang kinh doanh tại Việt Nam cả về sản phẩm bảo hiểm, chất lượng phục vụ, nguồn nhân lực và phát triển kênh phân phối sản phẩm. Cạnh tranh giữa các doanh nghiệp bảo hiểm đang hoạt động tại Việt Nam với các doanh nghiệp bảo hiểm tại nước ngoài về cung cấp sản phẩm bảo hiểm trong khuôn khổ cam kết tại WTO cũng gay gắt không kém. Ba là, thị trường phát triển nhanh về quy mô, đa dạng về sản phẩm là sức ép đối với các nhà quản lý trong lĩnh vực này, bao gồm yêu cầu phải bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng; khả năng giải quyết các tranh chấp, thị trường bị chia cắt và vấn đề quan trọng là ngăn ngừa rủi ro mang tính hệ thống. II. Sự cần thiết phải điều chỉnh bằng pháp luật đối với hoạt động kinh doanh bảo hiểm: 1. Những ảnh hưởng của hoạt động kinh doanh bảo hiểm đối với Nhà nước, nền kinh tế - xã hội: Trong điều kiện kinh tế nước ta hiện nay, bảo hiểm được coi là giải pháp bồi thường vật chất cho những thiệt hại rủi ro cho con người, đồng thời là phương pháp tích tụ vốn để phân phối lại cho các nhu cầu đầu tư vào nền kinh tế đang cần vốn. Ở các nước phát triển, ngành kinh doanh bảo hiểm đóng góp từ 5% đến 10% GDP của các nước đó, đồng thời là một công cụ điều hoà và phân phối vốn khá hiệu quả của nền kinh tế. 4 Pháp luật kinh doanh bảo hiểm Việt Nam trong điều kiện kinh tế thị trường Từ khi nền kinh tế Việt Nam chuyển đổi sang cơ chế thị trường thì hoạt động kinh doanh bảo hiểm cũng có bước phát triển vượt bậc. Mức tăng trưởng của ngành kinh doanh bảo hiểm đã đạt bình quân 40%/ năm trong những năm 1990 – 1995 và từ 1996 – 1999 đạt mức độ tăng trưởng 25%/ năm. Bảo hiểm là một hoạt động kinh tế quan trọng trên cơ sở xây dựng quỹ bảo hiểm để bồi thường và trả tiền bảo hiểm cho những tổn thất vì tai nạn, rủi ro về tài sản hoặc con người. Bảo hiểm có nhiều chức năng như đề phòng, hạn chế tổn thất, bồi thường thiệt hại, hỗ trợ cho sản xuất xã hội, ổn định đời sống nhân dân, tập trung vốn để xây dựng kinh tế. Bảo hiểm là sản phẩm của sự phát triển kinh tế hàng hoá, đồng thời cũng là biện pháp thúc đẩy và đảm bảo cho nền kinh tế hàng hoá phát triển. Tất cả những nước và khu vực có nền kinh tế phát triển đều coi trọng hoạt động kinh doanh bảo hiểm và coi hoạt động kinh doanh bảo hiểm như “một cỗ máy ổn định xã hội tinh xảo”. Trong giai đoạn này, đi đôi với việc phát triển kinh tế thị trường theo định hướng Xã Hội Chủ Nghĩa, Nhà nước cũng cần đẩy mạnh hoạt động kinh doanh bảo hiểm để xây dựng quỹ dự trữ bồi thường tổn thất bất ngờ nhằm đảm bảo cho việc thực hiện kế hoạch xây dựng kinh tế đất nước và ổn định cuộc sống nhân dân. Hoạt động kinh doanh bảo hiểm là một loại hình kinh doanh không thể thiếu trong một nền kinh tế đang phát triển và đang rất cần rất nhiều vốn cũng như cần có sự an toàn cao, rủi ro ít như nước ta. 1.1 Bảo hiểm có tác dụng đảm bảo sự an toàn và ổn định cho đời sống kinh tế - xã hội của nước ta trong giai đoạn chuyển đổi: Ở nước ta, hàng năm có một số vùng thường xuyên bị thiên tai đe doạ nhưng nhờ có bảo hiểm mà các Doanh nghiệp , các tổ chức kinh tế xã hội và dân cư đã được bồi thường kịp thời, tránh được tình trạng gián đoạn trong sản xuất, kinh doanh, bảo đảm việc xây dựng kinh tế nước nhà. Trong năm 1996 Tổng Công ty bảo hiểm Việt nam ( BAOVIET) đã giải quyết bồi thường hơn 400 vụ tổn thất trong đó có một số vụ tổn thất lớn đã được BAOVIET bồi thường như: 5 Pháp luật kinh doanh bảo hiểm Việt Nam trong điều kiện kinh tế thị trường Vụ việc Số tiền bồi thường: Vụ tổn thất về khống chế giếng dầu của hãng AEDC. 9.000.000 USD Vụ tổn thất toàn bộ về một máy bay lên thẳng 1.600.000 USD Vụ tổn thất hàng xuất khẩu bột mì do chở trên tàu mất tích 1.500.000 USD Vụ tổn thất cháy nhà máy Giầy An Đỉnh – Hải Phòng 1.000.000 USD Bồi thường về trách nhiệm dân sự chủ tàu Trường Sa đối với 16,5 tỷ VNĐ. hư hỏng đường ống dẫn khí. (nguồn: Tổng Công ty Bảo hiểm Việt Nam – BAOVIET). 1.2 Hoạt động kinh doanh bảo hiểm là giải pháp đảm bảo an toàn cho các nhà kinh doanh trong nền kinh tế thị trường: Trong quá trình đổi mới cơ chế kinh tế, các doanh nghiệp trở thành nhân tố chủ yếu thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Sự an toàn trong kinh doanh của các doanh nghiệp phải do chính doanh nghiệp phải lo liệu và Nhà nước không thể bao cấp cho những tổn thất và rủi ro xảy ra cho doanh nghiệp. Vì vậy, chỉ có thể tham gia bảo hiểm thì doanh nghiệp mới đảm bảo cho những hoạt động sản xuất và kinh doanh của mình được thực hiện thuận lợi. 1.3 Bảo hiểm có lợi cho việc thực hiện bảo toàn vốn vay của các ngân hàng thương mại một cách thuận lợi, bảo toàn cho việc luân chuyển vốn vay: Trong thời kỳ đổi mới cơ chế kinh tế ở nước ta, một phần vốn cần dùng cho doanh nghiệp được cung cấp từ khoản tiền vay của ngân hàng. Nhưng khi doanh nghiệp bị tai nạn rủi ro, việc đó chẳng những ảnh hưởng tới khả năng hoàn trả khoản tiền vay đã hết hạn mà còn yêu cầu ngân hàng tiếp tục cho vay, nhằm đáp ứng đầy đủ số vốn cần dùng ngay để doanh nghiệp khôi phục sản xuất. Nếu doanh nghiệp bị tai nạn rủi ro đã kịp thời nhận được tiền bồi thường bảo hiểm, đã nhanh chóng khôi phục sản xuất và kinh doanh và cũng có thể hoàn trả vốn vay ngân hàng. 2. Sự cần thiết phải điều chỉnh bằng pháp luật đối với hoạt động kinh doanh bảo hiểm: 6 Pháp luật kinh doanh bảo hiểm Việt Nam trong điều kiện kinh tế thị trường Hiện nay do hoạt động kinh doanh bảo hiểm ngày càng đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống, và xu hướng hội nhập thế giới, trước những yêu cầu thực hiện cam kết của Việt Nam với WTO về mở cửa thị trường bảo hiểm nên sự can thiệp của Nhà nước bằng pháp luật đối với hoạt động kinh doanh này là cần thiết. Để đáp ứng yêu cầu khách quan của việc phát triển thị trường bảo hiểm, Nhà nước đã ban hành Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2010). III. Pháp luật kinh doanh bảo hiểm trước cam kết hội nhập: Các quy định điều chỉnh hoạt động kinh doanh bảo hiểm hiện hành về cơ bản đã đảm bảo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện hầu hết các cam kết trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, vẫn còn đó những điểm chưa phù hợp với các cam kết gia nhập WTO của Việt Nam. 1. Luật kinh doanh bảo hiểm hiện hành và một số vấn đề liên quan: Bảo hiểm và dịch vụ liên quan đến bảo hiểm là một phân ngành của dịch vụ tài chính. Gia nhập vào WTO, Việt Nam đã cam kết đối với bảo hiểm gốc, gồm bảo hiểm nhân thọ (trừ bảo hiểm y tế) và bảo hiểm phi nhân thọ; tái bảo hiểm và nhượng tái bảo hiểm; trung gian bảo hiểm (như môi giới bảo hiểm và đại lý bảo hiểm); dịch vụ hỗ trợ bảo hiểm (như tư vấn, đánh giá rủi ro và giải quyết bồi thường). Cam kết này bao gồm hầu hết những hoạt động được xem là kinh doanh bảo hiểm và những hoạt động liên quan thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật kinh doanh bảo hiểm. Như vậy, các loại bảo hiểm có tính chất kinh doanh đều thuộc đối tượng mở cửa thị trường, mặc dù ở các mức độ khác nhau. Tuy nhiên, Luật kinh doanh bảo hiểm đã không thể dự liệu những tình huống mới phát sinh theo như các cam kết khi gia nhập vào thị trường thế giới và như vậy đã không có đầy đủ các công cụ pháp lý, cũng như một số công cụ pháp lý đã không còn phù hợp để thực hiện các cam kết này. Thứ nhất, Việt Nam cam kết không hạn chế tiếp cận thị trường và đối xử quốc gia với phương thức tiêu dùng ở nước ngoài (hay “tiêu dùng ngoài lãnh thổ”). Điều này được hiểu là việc người tiêu dùng của một thành viên WTO di chuyển sang lãnh thổ Việt Nam để sử dụng dịch vụ bảo hiểm thì được quyền tham gia thị trường và không có sự phân biệt đối xử so với người tiêu dùng trong nước khi sử dụng dịch vụ bảo hiểm tương tự. Nội dung cam kết này đặt ra vấn đề liên quan đến cơ chế thiết lập quan hệ bảo hiểm thương mại một cách bình đẳng cho các giao dịch bảo hiểm liên quan đến người tiêu dùng nước ngoài. Tuy nhiên 7 Pháp luật kinh doanh bảo hiểm Việt Nam trong điều kiện kinh tế thị trường hiên nay, vấn đề này dường như còn khá mới mẻ đối với thị trường bảo hiểm Việt Nam. Pháp luật kinh doanh bảo hiểm cũng không đề cập việc tham gia bảo hiểm theo phương thức tiêu dùng ngoài lãnh thổ có điều gì đặc biệt không? Nói cách khác, chưa có cơ chế điều chỉnh việc cung cấp dịch vụ bảo hiểm đối với thực thể di chuyển trong trường hợp phát sinh quan hệ hoặc có tranh chấp xảy ra. Trong khi đó, đặc tính “di chuyển” không ổn định của thực thể tiêu dùng ngoài lãnh thổ sẽ làm phát sinh các vấn đề khác biệt cần được xác định như: đối tượng bảo hiểm (tài sản, trách nhiệm, con người), phạm vi bảo hiểm, điều kiện bảo hiểm, thời hạn bảo hiểm… Các nội dung này sẽ thay đổi một khi thực thể này di chuyển từ nơi này đến nơi khác. Việt Nam cam kết đối xử quốc gia và không hạn chế tiếp cận thị trường đối với phương thức cung cấp qua biên giới đối với dịch vụ bảo hiểm cung cấp cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, người nước ngoài làm việc tại Việt Nam; dịch vụ bảo hiểm vận tải bảo hiểm quốc tế; dịch vụ môi giới bảo hiểm và dịch vụ môi giới tái bảo hiểm… Theo cam kết này, các doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài được phép cung cấp các dịch vụ bảo hiểm cho các dự án, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, người nước ngoài làm việc tại Việt Nam mà không cần thành lập pháp nhân tại Việt Nam. Như vậy, cam kết này mở ra nhiều cơ hội cho các dự án hoặc các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam lựa chọn doanh nghiệp để thiết lập quan hệ bảo hiểm duy trì thay vì chỉ được phép giao dịch với doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam. Điều này đặc biệt ảnh hưởng trực tiếp đến loại hình bảo hiểm phi nhân thọ mà hiện nay các doanh nghiệp bảo hiểm trong nước đang nắm giữ thị phần lớn. Tuy nhiên, cam kết này làm phát sinh mâu thuẫn với nguyên tắc cơ bản trong hoạt động bảo hiểm được ghi nhận tại khoản 1, Điều 6 Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2000, theo đó “tổ chức, cá nhân có nhu cầu bảo hiểm chỉ được tham gia bảo hiểm tại doanh nghiệp bảo hiểm hoạt động ở Việt Nam”. Thậm chí, nguyên tắc này còn được tái khẳng định bởi văn bản dưới luật ngay cả khi cam kết của Việt Nam với WTO đã có hiệu lực, cụ thể là Điều 3 Nghị định số 45/2007/NĐ – CP ngày 27/03/2007 quy định “tổ chức, cá nhân có nhu cầu tham gia bảo hiểm có quyền lựa chọn doanh nghiệp bảo hiểm và chỉ được tham gia bảo hiểm tại doanh nghiệp bảo hiểm được phép hoạt động tại Việt Nam”. Nhận thấy sự thiếu sót của quy định của pháp luật kinh doanh bảo hiểm, đến Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kinh doanh bảo hiểm thì vấn đề trên được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp hơn, theo đó thì “tổ chức, cá nhân có nhu cầu bảo hiểm chỉ được tham gia bảo hiểm tại doanh nghiệp bảo hiểm hoạt động tại Việt Nam; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, người nước ngoài làm việc tại Việt Nam có nhu cầu bảo hiểm được lựa chọn tham gia bảo hiểm tại doanh nghiệp bảo hiểm hoạt động tại Việt Nam hoặc sử dụng dịch vụ bảo hiểm qua biên giới”. 8 Pháp luật kinh doanh bảo hiểm Việt Nam trong điều kiện kinh tế thị trường Mặc dù mâu thuẫn này được giải quyết bởi nguyên tắc “ưu tiên áp dụng luật quốc tế trước luật quốc gia” và được ghi nhận ngay tại khoản 2, Điều 2 Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2000 cũng như Nghị quyết số 71/2006/QH11, tuy nhiên phần lớn các quy phạm luật quốc tế cần được nội luật hóa, vì chỉ một số ít các cam kết quốc tế là quy định “đủ rõ, đủ chi tiết” mới có thể áp dụng trực tiếp. Đối với lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, Nghị quyết số 71/2006/QH11 chỉ mới nhận thấy các cam kết gia nhập WTO “đủ rõ, chi tiết” để không áp dụng quy định của Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2000, theo đó “Trong trường hợp tái bảo hiểm cho các doanh nghiệp bảo hiểm ở nước ngoài, doanh nghiệp bảo hiểm phải tái bảo hiểm một phần trách nhiệm đã nhận bảo hiểm cho doanh nghiệp kinh doanh tái bảo hiểm trong nước theo quy định của Chính phủ”. Nhưng mặt khác, Quốc hội cũng đã không loại trừ rằng còn có các cam kết khác “đủ rõ, chi tiết”, nên cũng còn giao cho Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trách nhiệm rà soát các cam kết được quy định đủ rõ, chi tiết, nhưng chưa được ghi trong Phụ lục đính kèm Nghị quyết này để áp dụng trực tiếp và báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội. Các cam kết không được quy định “đủ rõ, chi tiết” cần phải được nội luật hóa thông qua việc các cơ quan này “rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới; sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền phù hợp với cam kết của Việt Nam với Tổ chức Thương mại thế giới”. Thứ hai, đối với phương thức hiện diện thương mại, Việt Nam cam kết đối xử quốc gia và không hạn chế tiếp cận thị trường, kể từ ngày 01/01/2008 thị trường bảo hiểm bắt buộc hoàn toàn được mở cửa đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài và sau 05 năm, kể từ khi gia nhập WTO, doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài mới được thành lập chi nhánh bảo hiểm phi nhân thọ. Việc quản lý những chi nhánh này sẽ được thực hiện phù hợp với các tiêu chuẩn và nguyên tắc trong ngành bảo hiểm được quốc tế thừa nhận của Hiệp hội Các nhà quản lý bảo hiểm Quốc tế (IAIS). Chi nhánh được cấp phép thành lập, với tư cách là đơn vị phụ thuộc có chức năng kinh doanh của doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài, đương nhiên được phép kinh doanh bảo hiểm trong phạm vi cam kết đối với phương thức hiện diện thương mại. Cam kết này làm cho các hạn chế về nội dung, phạm vi và địa bàn hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm có vốn đầu tư nước ngoài không còn phù hợp, bởi vì các doanh nghiệp loại này được hưởng quy chế đối xử quốc gia. Thứ ba, Việt Nam chưa cam kết hiện diện thể nhân trừ các cam kết chung được áp dụng cả đối với dịch vụ bảo hiểm. Theo cam kết chung, Việt Nam cho phép nhập cảnh và lưu trú 9 Pháp luật kinh doanh bảo hiểm Việt Nam trong điều kiện kinh tế thị trường tạm thời đối với các thể nhân là người di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp, nhân sự khác, người chào bán dịch vụ, người chịu trách nhiệm về thành lập hiện diện thương mại, cũng như nhà cung cấp dịch vụ theo hợp đồng. Như vậy, với sự cho phép có sự hiện diện thương mại của các tổ chức bảo hiểm nước ngoài tại Việt Nam, hoặc thông qua việc thực hiện cung cấp dịch vụ theo hợp đồng (có thể theo phương thức cung cấp qua biên giới), hoặc đơn giản là chào bán dịch vụ (có thể xem là một hình thức xúc tiến thương mại) thì thể nhân có thể hiện diện tại Việt Nam để thực hiện những hoạt động có liên quan đến việc cung ứng dịch vụ bảo hiểm. Việc không cam kết hiện diện thể nhân trong phân ngành dịch vụ bảo hiểm giúp bảo vệ thị trường lao động trong lĩnh vực này. Trong khi đó, các cam kết chung về hiện diện thể nhân tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bảo hiểm và môi giới bảo hiểm nước ngoài có thể thực hiện được phương thức cung cấp dịch vụ qua biên giới cũng như hiện diện thương mại trong phạm vi mở cửa thị trường bảo hiểm của Việt Nam. 2. Pháp luật kinh doanh bảo hiểm Việt Nam và yêu cầu phải phù hợp với thực tiễn: Trước những vấn đề được đặt ra đối với pháp luật kinh doanh bảo hiểm của Việt Nam trong giai đoạn bắt đầu thực hiện các cam kết khi gia nhập WTO, Quốc hội cơ bản tán thành với đề nghị của Chính phủ là cần phải sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2000 để phù hợp với các cam kết của Việt Nam với WTO trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, phù hợp với các luật có liên quan và sửa đổi, tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động kinh doanh bảo hiểm, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm, thúc đẩy thị trường bảo hiểm phát triển ổn định và bền vững. Việc sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2000 nhằm làm cho Luật phù hợp hơn với tình hình thực tiễn của nước ta, tạo điều kiện cho thị trường bảo hiểm vận động phát triển ổn định, hội nhập khu vực và quốc tế. IV. Kiến nghị: Hiện nay, để thu hút vốn đầu tư nước ngoài, nhà nước ta thực hiên nguyên tắc “Một cửa một dấu” với thủ tục thành lập của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Điều này thể hiện ở qui định Giấy phép đầu tư của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có giá trị là Giấy chứng nhận đầu tư (Điều 46 Luật Đầu tư năm 2005). Ngoài ra, trong quá trình xét duyệt dự án đầu tư, bên Luật Đầu tư chỉ tiến hành các thủ tục đối với một cơ quan cấp giấy phép đầu tư là Sở Kế hoạch – Đầu tư (Điều 46 Luật Đầu tư năm 2005). Tuy nhiên, do đặc thù của 10 Pháp luật kinh doanh bảo hiểm Việt Nam trong điều kiện kinh tế thị trường hoạt động kinh doanh bảo hiểm nên điều kiện tiên quyết cho việc thành lập mọi doanh nghiệp bảo hiểm trong đó có doanh nghiệp bảo hiểm có vốn đầu tư nước ngoài là Giấy chứng nhận do Bộ Tài Chính cấp (Điều 108 Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2010)). Như vậy quy định trên đã phá vỡ nguyên tắc “Một cửa, một dấu” đối với việc thành lập doanh nghiệp bảo hiểm có vốn đầu tư nước ngoài. Do đó, để đảm bảo được tính thống nhất trong hệ thống pháp luật nước ta, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hút đầu tư của các doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài cần phải có những quy định để khắc phục tình trạng trên. Trên thực tiễn cho thấy Luật kinh doanh bảo hiểm có thể phát huy hiệu lực thì phụ thuộc rất lớn vào các điều kiện vật chất phục vụ cho việc thực thi văn bản Luật kinh doanh bảo hiểm mới sửa đổi, bổ sung. Nhiệm vụ trước mắt hiên nay là phải củng cố và tăng cường cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh bảo hiểm, đảm bảo có đủ cán bộ với trình độ chuyên môn đủ khả năng chỉ đạo và giám sát hoạt động kinh doanh bảo hiểm trên thị trường. Trong tương lại có thể chuyển cơ quan quản lý trực tiếp hoạt kinh doanh bảo hiểm từ cấp phòng quản lý bảo hiểm thuộc Vụ Tài chính ngân hàng và các tổ chức tài chính lên cấp Vụ quản lý bảo hiểm thuộc Bộ Tài chính. Có như vậy mới đáp ứng được nhu cầu phát triển phong phú và đa dạng của thị trường bảo hiểm Việt Nam trong thời gian tới. Ngoài ra, để các doanh nghiệp bảo hiểm không bỡ ngỡ trước các quy định mới được sửa đổi, bổ sung của Luật kinh doanh bảo hiểm thì nhà nước cần phải thực hiện các biện pháp thông tin tuyên truyền về nội dung của văn bản luật. Đồng thời tiếp thu những kiến nghị từ phía các doanh nghiệp bảo hiểm để có được những quy định phù hợp với thực tế. KẾT LUẬN: Thực hiện các cam kết theo lộ trình về mở cửa thị trường bảo hiểm là điều mà Việt Nam phải làm khi hội nhập vào nền kinh tế thế giới. Cùng với mặt tích cực mà việc này mang lại, thị trường bảo hiểm nước ta cũng đối mặt với nhiều thử thách bắt buộc phải vượt qua nếu muốn tiếp tục phát triển ổn định và bền vững thị trường. 11 Pháp luật kinh doanh bảo hiểm Việt Nam trong điều kiện kinh tế thị trường Với nhiệm vụ đặt ra là đảm bảo cho thị trường bảo hiểm trong nước hoạt động ổn định, góp phần vào sự phát triển chung của nền kinh tế, chúng ta cần phải nhanh chóng hoàn thiện khung pháp lý điều chỉnh các hoạt động của ngành bảo hiểm. Tuy nhiên, các quy định của Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2000 lại chưa “theo kịp” những thay đổi của thị trường hội nhập, cũng như còn tồn tại một số vấn đề gây trở ngại cho việc giải quyết các vấn đề liên quan. Hy vọng với những đổi mới của mình, Luật kinh doanh bảo hiểm sẽ khắc phục được những thiếu sót trong luật cũ, phù hợp với tình hình mới, phù hợp với xu thế chung của thế giới, tạo điều kiện cho ngành bảo hiểm nói riêng và nền kinh tế nước ta nói chung phát triển ổn định và bền vững. 12 Pháp luật kinh doanh bảo hiểm Việt Nam trong điều kiện kinh tế thị trường DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO: 1. Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2010). 2. Luật Đầu tư năm 2005. 3. Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Giáo trình Quản trị kinh doanh bảo hiểm, Nxb. Giáo dục, năm 1998. 4. Trương Mộc Lâm – Lưu Nguyên Khánh, Một số điều cần biết về pháp lý trong kinh doanh bảo hiểm, Nxb. Thống kê, năm 2000. 5. Phạm Văn Tuyết, Bảo hiểm và pháp luật kinh doanh bảo hiểm tại Việt Nam, Nxb. Tư pháp, năm 2007. 6. http://avi.org.vn/AllArticle/241/vi-VN/Default.aspx 13
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan