Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Giáo dục - Đào tạo Cao đẳng - Đại học Luật Phân tích điều 774 bộ luật dân sự 2005 về bảo hộ quyền tác giả của người nước ng...

Tài liệu Phân tích điều 774 bộ luật dân sự 2005 về bảo hộ quyền tác giả của người nước ngoài, pháp nhân nước ngoài tại việt nam

.DOC
10
103
60

Mô tả:

LỜI MỞ ĐẦU Trong xu thế hội nhập quốc tế hiện nay, bảo hộ quyền tác giả vẫn còn là một lĩnh vực mới mẻ và phức tạp đối với Việt Nam trong đó có vấn đề bảo hộ quyền tác giả của người nước ngoài, pháp nhân nước ngoài tại Việt Nam. Làm sao để đáp ứng được mong muốn được bảo hộ một cách hữu hiệu và đồng bộ đến mức tối đa các quyền lợi của tác giả đối với tác phẩm mà họ sáng tạo ra, đó mới chính là mục đích mà các nhà làm luật Việt Nam hướng tới nhằm xây dựng một hành lang pháp lý hiệu quả nhất điều chỉnh vấn đề này. Với mục đích đi sâu vào tìm hiểu, phân tích và đánh giá về vấn đề đã nêu trên, nhóm đã chọn đề tài: “Phân tích Điều 774 Bộ luật dân sự 2005 về bảo hộ quyền tác giả của người nước ngoài, pháp nhân nước ngoài tại Việt Nam”. NỘI DUNG 1. Khái quát chung  Quyền tác giả: cuối thế kỉ XV, khi con người sáng tạo ra máy in đồng thời cũng đặt ra vấn đề QTG. Cùng với sự phát triển của pháp luật về QTG, thuật ngữ “quyền tác giả” ngày càng được hiểu rộng hơn về nội dung và phạm vi bảo hộ. Khái niệm QTG đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học được xem xét dưới các góc độ khác nhau. Dưới góc nhìn của nhà lập pháp thì theo Khoản 2 Điều 4 Luật SHTT năm 2005 quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu.  Các hình thức bảo hộ quyền tác giả: Có ba hình thức chủ yếu để bảo hộ QTG trong quan hệ quốc tế, cụ thể là: - Ký kết hoặc tham gia các điều ước đa phương: Ví dụ Công ước Becnơ, Công ước Giơnevơ năm 1952; - Ký kết điều ước song phương; - Bảo hộ QTG theo nguyên tắc có đi có lại. 2. Bảo hộ quyền tác giả của người nước ngoài, pháp nhân nước ngoài tại Việt Nam theo Điều 774 Bộ luật Dân sự 2005. Điều 774 BLDS 2005 quy định: “Quyền tác giả của người nước ngoài, pháp nhân nước ngoài đối với tác phẩm lần đầu tiên được công bố, phổ biến tại Việt Nam hoặc được sáng tạo và thể hiện dưới hình thức nhất định tại Việt Nam được bảo hộ theo quy định của pháp luật Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.” Như vậy theo quy định tại Điều 774 bộ luật dân sự 2005 thì Đối với tác giả, chủ sở hữu QTG là người nước ngoài, pháp nhân nước ngoài được bảo hộ tại Việt Nam phải thuộc một trong các trường hợp sau: + Tác giả là cá nhân nước ngoài, pháp nhân nước ngoài có tác phẩm được công bố, phổ biến lần đầu tiên tại VN + Tác giả là cá nhân nước ngoài, pháp nhân nước ngoài có tác phẩm được sáng tạo và thể hiện dưới hình thức nhất định tại Việt Nam + Cá nhân nước ngoài, pháp nhân nước ngoài có tác phẩm được bảo hộ tại Việt Nam theo ĐƯQT về quyền tác giả mà Việt Nam là thành viên. 2.1. Bảo hộ quyền tác giả của cá nhân, pháp nhân nước ngoài đối với tác phẩm được công bố lần đầu tiên hoặc được sáng tạo và thể hiện dưới hình thức nhất định tại Việt Nam Theo quy định tại Khoản 2 và Khoản 5 Điều 3 Nghị định 138/2006/NĐ – CP hướng dẫn Bộ luật dân sự về quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài thì: - Người nước ngoài là người không có quốc tịch Việt Nam, bao gồm người có quốc tịch nước ngoài và người không quốc tịch. - Pháp nhân nước ngoài là pháp nhân được thành lập theo pháp luật nước ngoài. Ngoài ra, theo quy định tại Khoản 2 Điều 13 Luật SHTT 2005 thì tác phẩm lần đầu tiên được công bố tại Việt Nam là tác phẩm tại thời điểm được công bố tại Việt Nam nhưng chưa được giới thiệu ở bất kì đâu trước khi được giới thiệu ở Việt Nam. Tác phẩm được sáng tạo và thể hiện dưới hình thức nhất định tại Việt Nam: được hiểu là một tác phẩm được “làm ra” và được “kết tinh” ở một dạng nào đó như tranh, thơ, bài hát…trên lãnh thổ Việt Nam. Ví dụ như một công dân Mỹ sang tham quan Việt Nam, trước cảnh vật nên thơ của các khu phố cổ Hà Nội, ngay lúc đó ông đã vẽ các bức tranh sơn dầu về phố cổ với những bức tường cổ kính, như vậy từ thời điểm các bức tranh ấy được định hình thì được pháp luật Việt Nam bảo hộ về QTG. 2.1.1. Bảo hộ theo quy định của pháp luật Việt Nam Theo Điều 13 Luật SHTT 2005 (sửa đổi bổ sung 2009) có quy định: “Tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả gồm tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài có tác phẩm được công bố lần đầu tiên tại Việt Nam mà chưa được công bố ở bất kỳ nước nào hoặc được công bố đồng thời tại Việt Nam trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày tác phẩm đó được công bố lần đầu tiên ở nước khác; tổ chức, cá nhân nước ngoài có tác phẩm được bảo hộ tại Việt Nam theo điều ước quốc tế về quyền tác giả mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên” Theo đó, nội dung, giới hạn quyền và thời hạn bảo hộ QTG được quy định: Theo quy định tại Điều 18 Luật SHTT thì: “Quyền tác giả đối với tác phẩm quy định tại Luật này bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản”. Trong đó: - Quyền nhân thân (Theo quy định tại Điều 19 Luật SHTT) bao gồm các quyền: + Đặt tên cho tác phẩm: + Đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố,sử dụng + Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm: + Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm,không cho người khác sửa chữa,cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả: đây là việc không cho người khác sửa chữa, cắt xén tác phẩm trừ trường hợp có thoả thuận của tác giả. - Quyền tài sản (theo quy định tại Điều 20 Luật SHTT) bao gồm các quyền: + Làm tác phẩm phái sinh; + Biểu diễn tác phẩm trước công chúng; + Sao chép tác phẩm + Phân phối,nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm + Truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến,vô tuyến,mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác + Cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh,chương trình máy tính * Thời hạn bảo hộ quyền tác giả (theo Điều 27 Luật SHTT) quy định: - Các QTG được bảo hộ vô thời hạn: + Đặt tên cho tác phẩm + Đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố,sử dụng + Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm,không cho người khác sửa chữa,cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả - Các QTG còn lại được bảo hộ trong thời hạn như sau: + Tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, sân khấu, mỹ thuật ứng dụng, tác phẩm khuyết danh có thời hạn bảo hộ là năm mươi năm, kể từ khi tác phẩm được công bố lần đầu tiên. Trong thời hạn năm mươi năm, kể từ khi tác phẩm điện ảnh, tác phẩm sân khấu được định hình, nếu tác phẩm chưa được công bố thì thời hạn được tính từ khi tác phẩm được định hình; đối với tác phẩm khuyết danh, khi các thông tin về tác giả được xuất hiện thì thời hạn bảo hộ được tính theo có thời hạn bảo hộ là suốt cuộc đời tác giả và năm mươi năm tiếp theo năm tác giả chết; trong trường hợp tác phẩm có đồng tác giả thì thời hạn bảo hộ chấm dứt vào năm thứ năm mươi sau năm đồng tác giả cuối cùng chết; + Thời hạn bảo hộ trên sẽ chấm dứt vào thời điểm 24 giờ ngày 31 tháng 12 của năm chấm dứt thời hạn bảo hộ QTG. Qua những phân tích trên cho thấy vấn đề bảo hộ QTG cho người nước ngoài, pháp nhân nước ngoài trong trường hợp tác phẩm được công bố lần đầu tiên tại Việt Nam được pháp luật quy định cụ thể, rõ ràng và khá chi tiết; nhằm mục đích không chỉ bảo vệ các tác phẩm có giá trị mà còn thể hiện được rõ sự tôn trọng và thiện chí của Việt Nam. 2.1.2. Bảo hộ theo Điều ước quốc tế * Bảo hộ theo Công ước Berne Công ước Berne được thành lập bao gồm các nước thành viên trong đó có Việt Nam cũng xuất phát từ lòng mong muốn bảo hộ một cách hữu hiệu và đồng bộ đến mức tối đa các quyền lợi của các tác giả đối với các tác phẩm văn học và nghệ thuật của họ. Tại Điều 3 Công ước có quy định: “Các tác giả không là công dân của một trong những nước là thành viên của Liên hiệp cho những tác phẩm họ công bố lần đầu tiên ở một trong những nước là thành viên Liên hiệp hay đồng thời công bố ở một nước trong và một nước ngoài Liên Hiệp. Được xem là công bố đồng thời ở nhiều nước: những tác phầm được công bố ở hai hay nhiều nước trong thời gian 30 ngày kể từ lần công bố đầu tiên”. Như vậy, việc Việt Nam gia nhập công ước cũng chính là sự chấp thuận các điều khoản được quy định ở trong đó. Về vấn đề này, các tác phẩm đó đương nhiên được bảo hộ tại Việt Nam khi được công bố lần đầu tiên ở Việt Nam hoặc công bố đồng thời ở nhiều nước trong đó có Việt Nam trong thời gian 30 ngày kể từ ngày công bố đầu tiên. Có thể thấy, quy định trên có sự tương đồng với quy định tại Luật SHTT Việt Nam đã phân tích trên. Về thời hạn bảo hộ: Theo Điều 7 Công ước Berne thì: “thời hạn bảo hộ theo công ước này sẽ là suốt cuộc đời của tác giả và năm mươi năm sau khi tác giả chết ”. Tuy nhiên, Công ước cũng cho phép luật quốc gia của nước thành viên có thể rút ngắn thời hạn bảo hộ này. Điều này cho thấy quy định trong Công ước có sự tôn trọng các quyết định của quốc gia thành viên trong vấn đề quy định thời hạn bảo hộ QTG. * Công ước Giơnevơ năm 1952: Theo công ước này, thì “tác phẩm của công dân bất kì nước nào lần đầu tiên được công bố ở bất kì nước thành viên nào thì sẽ được bảo hộ ở các nước thành viên khác theo chế độ mà nước đó đã dành cho công dân nước mình”. Việt Nam gia nhập công ước Giơnevơ cũng đồng nghĩa với việc một tác phẩm của cá nhân, pháp nhân nước ngoài ở bất kì nước nào được công bố lần đầu tiên ở nước Việt Nam thì sẽ được nhà nước Việt Nam bảo hộ theo chế độ mà Việt Nam đã dành cho công dân nước mình. Thời hạn bảo hộ quyền tác giả theo Công ước này được tính từ khi tác giả còn sống cộng thêm 25 năm sau khi tác giả chết. Đây là thời hạn tối thiểu. Tuy nhiên, các nước thành viên bằng pháp luật của mình có quyền quy định thời hạn bảo hộ ngắn hơn cũng như phương pháp để tính ngày bắt đầu bảo hộ. Ngoài ra, Việt Nam còn tham gia kí kết Hiệp định song phương về quyền tác giả như: - Hiệp định về thiết lập quan hệ QTG giữa Việt Nam và Hoa Kì năm 1997 - Hiệp định thương mại Việt Nam Hoa Kỳ năm 2000 - Hiệp định hợp tác về sở hữu trí tuệ giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Liên bang Thụy Sỹ năm 2000 Nhận xét chung: Giữa pháp luật Việt Nam và các ĐƯQT mà Việt Nam tham gia ký kết thì sự điều chỉnh của pháp luật về việc bảo hộ QTG của cá nhân, pháp nhân nước ngoài trong trường hợp tác phẩm lần đầu tiên được công bố, phổ biến hoặc được sáng tạo và thể hiện dưới hình thức nhất định tại Việt Nam có sự tương đồng, nhất quán. Điều này thể hiện rõ qua các quy định đã phân tích trên. 2.2. Bảo hộ theo điều ước quốc tế đối với tác phẩm không được công bố lần đầu tiên tại Việt Nam hoặc được sáng tạo thể hiện tại Việt Nam. Theo quy định tại Điều 774, Bộ luật dân sự 2005 ngoài trường hợp đã nên trên còn có trường hợp người nước ngoài, pháp nhân nước ngoài có tác phẩm được công bố, phổ biến xuất hiện lần đầu ở nước ngoài thì chỉ được bảo hộ tại Việt Nam nếu điều ước quốc tế Việt Nam tham gia ký kết hoặc gia nhập có quy định. Như đã phân tích ở phần trước đó, Việt Nam đã là thành viên của Công ước Berne và Hiệp định TRIPs trong lĩnh vực QTG; hai ĐƯQT song phương gồm: Hiệp định Việt Nam – Hoa Kỳ về thiết lập quan hệ quyền tác giả và Hiệp định hợp tác về sở hữu trí tuệ giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Liên bang Thụy Sỹ. Như vậy, trong trường hợp này, Việt Nam sẽ phải tuân theo các quy định đã được nêu trong các ĐƯQT đó. 3. Một số đánh giá của nhóm về bảo hộ quyền tác giả có yếu tố nước ngoài 3.1. Đối với quy định của pháp luật Việt Nam. BLDS 2005 bao gồm các điều khoản điều chỉnh các vấn đề liên quan QTG nói chung và QTG có yêu tố nước ngoài nói riêng, làm cơ sở cho các quy định tại Luật SHTT 2005 (sửa đổi, bổ sung 2009). Ngoài ra còn có một số văn bản điều chỉnh vể vấn đề này như: NĐ 100/NĐ-CP/2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của BLDS, Luật SHTT về QTG và quyền liên quan; Nghị định 138/2006/NĐ CP hướng dẫn Bộ luật dân sự về quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài và NĐ 47/2009/NĐ-CP quy định xử phát hành chính về QTG, …. Chúng ta có thể thấy rằng, hệ thống pháp luật Việt Nam đã tạo hành lang pháp lý an toàn, khuyến khích các hoạt động sáng tạo và bảo hộ thành quả lao động của các chủ thể là cá nhân, pháp nhân nước ngoài; đã tiếp thu được các giá trị của các văn bản pháp luật ban hành và thực thi trong những năm qua, điều chỉnh lợi ích của các bên, về cơ bản đã tương thích với pháp luật quốc tế, minh bạch và khả thi;là phương tiện để các chủ thể trên sử dụng nhằm bảo vệ quyền lợi của mình đồng thời là công cụ pháp lý và điều khiển trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. - So với quy đinh trước đây, thời hạn bảo hộ QTG cho quyền tài sản và quyền công bố tác phẩm được quy định dài hơn trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật SHTT - kể từ khi tác phẩm được công bố lần đầu tiên. Đây là một trong những thay đổi quan trọng của pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam. Thay đổi này nhằm tuân thủ nguyên tắc tối huệ quốc dược quy định tại Điều 4 – Hiệp định TRIPs, đồng thời cũng phù hợp với xu hướng chung của thế giới nhằm tạo ra sự bình đẳng giữa công dân, pháp nhân Việt Nam với công dân, pháp nhân nước ngoài. Ngoài ra, tại Luật SHTT sửa đổi, bổ sung 2009, Điều 26 cũng được quy định phù hợp hơn với quy định tại Điều 11bis của Công ước Berne. Theo đó, tổ chức phát sóng khi sử dụng tác phẩm để làm chương trình phát sóng, dù chương trình có tài trợ, quảng cáo hay không đều có nghĩa vụ trả tiền nhuận bút hay thù lao cho chủ sở hữu quyền tác giả. Tuy nhiên, liên quan đến quyền sao chép: theo quy định tại Điều 20 Luật SHTT thì sao chép tác phẩm thuộc độc quyền của tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả. Điều 25 Luật SHTT dành ra một số ngoại lệ đối với quyền sao chép tác phẩm đó là trường hợp sao chép tác phẩm với số lượng lớn hơn một bản với mục đích sử dụng cả nhân, phi thương mại vẫn phải xin phép, vẫn phải trả tiền cho tác giả, chủ sở hữu tác phẩm. Tuy nhiên, điều này khó có thể thực hiện trên thực tế, một mặt do sự phát triển của công nghệ sản xuất, kinh doanh các thiết bị và phương tiện để sao chép mỗi cá nhân đều dễ dàng có cơ hội sử dụng dẫn đến việc sao chép cá nhân không thể kiểm soát và quản lý được. Bên cạnh đó, có một số môi trường thường xuyên sao chép với số lượng lớn nhưng không vì mục đích thương mại như các cơ sở nghiên cứu, đào tạo. Đồng thời, tại Khoản 2 Điều 9 Công ước Berne quy định việc sao chép tác phẩm không đưa ra các trường hợp cụ thể mà chỉ đưa ra nguyên tắc chung là các nước thành viên có thể quy định việc tự sao chép trong một số trường hợp cụ thể nếu sao chép đó không làm phương hại đến lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu quyền tác giả chứ không giới hạn số lượng mà một bản như Luật SHTT Việt Nam. 3.2. Thực tiễn bảo hộ quyền tác giả có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam  Những điểm tích cực. Trong công tác hoàn thiện pháp luật: trong khoảng thời gian từ 2001 – 2010 đã có tổng số 55 văn bản quy phạm pháp luật về bản quyền hoặc liên quan đến bản quyền được cấp có thẩm quền ban hành, như: BLDS 2005, Luật SHTT 2005 (sửa đổi, bổ sung 2009), …. Bên cạnh đó, chúng ta còn tham gia nhiều ĐƯQT đa phương và song phương về bảo hộ QTG . Nhìn chung, Việt Nam đã có hệ thống văn bản pháp luật đồng bộ, tương thích với luật pháp quốc tế. Trong công tác kiểm tra xử lý vi phạm: các hoạt động kiểm tra xử lý vi phạm được tăng cường. Nhiều vụ việc được xử lý, từ việc phạt cảnh cáo, phạt tiền đến thu hồi giấy phép kinh doanh, tịch thu phương tiện… được tạo ra từ hành vi sao chép lậu các tác phẩm dó cá nhân nước ngoài sáng tạo. Nổi bật là vụ UBND thành phố Hồ Chí Minh đã ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính tới 500 triệu đồng đối với Công ty TNHH phát hành Sách Sài Gòn đã sử dụng, sao chép bất hợp pháp tác phẩm của người khác. Trong hoạt động hội nhập quốc tế: Việt Nam tiếp tục thực hiện các ĐƯQT song phương và đa phương về QTG như: Hiệp định Thương mại (BTA) Việt Nam – Hoa Kỳ. Hiệp định Khung về Thương mại (FIFA) Việt Nam – Hoa Kỳ…. đều có các cam kết về SHTT nói chung và bản quyền nói riêng. Hoạt động hội nhập quốc tế có bước tiến vượt bậc, điển hình là việc chúng ta tham gia hai ĐƯQT đa phương gồm: Công ước Berne và Hiệp định TRIPs trong lĩnh vực QTG; hai ĐƯQT song phương gồm: Hiệp định Việt Nam – Hoa Kỳ về thiết lập quan hệ quyền tác giả và Hiệp định hợp tác về sở hữu trí tuệ giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Liên bang Thụy Sỹ.  Những điểm hạn chế: -Tình trạng vi phạm QTG của cá nhân, pháp nhân nước ngoài diễn ra phức tạp, hiệu quả thực thi QTG chưa cao. + Trong lĩnh vực xuất bản: in lậu vẫn phổ biến, vi phạm tác quyền xảy ra ở hầu khắp các lĩnh vực của đời sống, đặc biệt là trong khâu xuất bản tác phẩm văn học và sử dụng các tác phẩm âm nhạc trong môi trường kỹ thuật số. Ví dụ: “một nhóm bạn trẻ dịch cuốn Harry Potter 7 sau đó tung lên mạng mà chưa được sự đồng ý của tác giả, bà J.K Rowling và của người được quyền dịch sang tiếng Việt – Nhà xuất bản Trẻ diễn ra vào tháng 7/2008 là điển hình về vấn đề này trong lĩnh vực bảo hộ QTG.” Theo công ước Berne, QTG của tác phẩm được dịch ra Tiếng Việt và phổ biến tại Việt Nam sẽ được luật về quyền tác giả tại Việt Nam bảo hộ. nhưng luật Việt Nam còn nhiều bất cập, thiếu các quy định điều chỉnh những hành vi phổ biến tác phẩm trên intetnet. + Xâm phạm bản quyền tác giả trong lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh: vấn đề này vẫn tồn tại một cách nhức nhối. Chính nó đã và đang làm méo mó diện mạo của nền mỹ thuật Việt Nam trên thị trường thế giới. Nạn làm tranh giả ở VN đã trở nên phổ biến, công khai. Nhất là việc làm giả tranh của những họa sỹ nổi tiếng của nước ngoài được bày bán rất nhiều trên các con phố, các cửa hàng một cách công khai.. Hiện nay, ở nước ta vẫn chưa có một trung tâm bảo về QTG tác phẩm nhiếp ảnh, trong khi đó cấp độ vi phạm trong lĩnh vực này ngày càng đáng báo động, diễn ra ở khắp mọi chỗ, hầu khắp các lĩnh vực: báo chí, xuất bản, quảng cáo, dịch vụ, truyền thông. -Việc xử lý các hành vi xâm phạm QTG còn gặp nhiều khó khăn bất cập: vấn đề xử lý còn chưa quyết liệt, chủ yếu mang tính hành chính, dân sự. Số vụ vi phạm được đưa ra xét xử tại Tòa án là rất ít. Mức xử phạt vi phạm hành chính tuy đã tăng nhưng hiệu quả thực thi và tính chất răn đe còn chưa cao. 3.3. Nguyên nhân của thực trạng xâm phạm quyền tác giả có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam 3.3.1. Hệ thống pháp luật Từng lĩnh vực bảo hộ chúng ta chưa có các quy định của pháp luật cụ thể để điều chỉnh cũng như xử lý các hành vi xâm phạm. Đặc biệt là vấn đề vi phạm QTG của các cá nhân, pháp nhân nước ngoài trong môi trường internet. Đây là lý do chủ yếu dẫn đến việc áp dụng xử lý hành vi vi phạm quyền tác giả trên môi trường internet gặp nhiều khó khăn. Hầu hết các hành vi này được xử lý bằng hình thức ra thông báo về hành vi vi phạm và yêu cầu chủ thể vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm. 3.3.2. Các cơ quan thực thi Trên thực tế, tổ chức và hoạt động của các cơ quan có trách nhiệm đấu tranh với các hành vi xâm phạm quyền tác giả có yếu tố nước ngoài còn thiếu đồng bộ và chồng chéo, nhiều tầng nấc xử lý khiến hiệu lực thực thi bị phân tán, phức tạp, cùng một lúc có rất nhiều cơ quan như Cục Quản lý cạnh tranh, Công an kinh tế, cơ quan thanh tra chuyên ngành về sở hữu trí tuệ, quản lý thị trường, hải quan đều có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Bên cạnh đó, trong việc thực thi pháp luật về sở hữu trí tuệ nói chung và quyền tác giả có yếu tố nước ngoài nói riêng còn thiếu sự phối hợp xử lý giữa các cơ quan: toàn án; quản lý thị trường, thanh tra, công an, hải quan và UBND các cấp. Mặc dù thẩm quyền của mỗi cơ quan đã được quy định nhưng vẫn còn hiện tượng chồng chéo. Điều này khiến cho việc thực thi QTG kém hiệu quả. Theo thông lệ của các nước trên thế giới thì Toàn án là cơ quan có vai trò rất quan trọng trong việc xử lý các vi phạm về QTG, nhưng ở Việt Nam thì ngược lại, vai trò của Tòa án rất mờ nhạt so với cơ quan hành chính. Việc xử lý vi phạm chủ yếu dừng ở mức xử phạt hành chính. Đồng thời, căn cứ để xác định mức phạt này vẫn còn chưa rõ ràng. Đây là trở ngại cho các cơ quan thực thi. 3.3.3. Các nguyên nhân khác Một là, hành vi sản xuất, buôn bán hàng lậu, hàng giả, xâm phạm quyền tác giả luôn tạo ra “siêu lợi nhuận” nên rất có sức hút, lôi kéo được nhiều đối tượng tham gia, kể cả những người lao động thuần túy trên nhiều địa bàn và lĩnh vực khác nhau. Hai là, trong điều kiện thu nhập bình quân của người dân còn thấp, trình độ dân trí chưa cao, nhiều người tiêu dùng ưa lựa chọn những sản phẩm “giả như thật” với giá thấp. Vì vậy, việc sao chụp, mô phỏng các sản phẩm trí tuệ của người nước ngoài, pháp nhân nước ngoài trở nên phổ biến. Nói chung, nhận thức chung của cộng đồng vẫn còn nhiều hạn chế. Nhiều tác giả, chủ sở hữu tác phẩm chưa thực sự hiểu rõ nhữg quyền và lợi ích hợp pháp của mình trong khi nhiều người sử dụng tác phẩm không biết hoặc biết nhưng cố tình không thực hiện hoặc thực hiện thiếu nghiêm túc các nghĩa vụ về QTG. 4. Phương hướng hoàn thiện pháp luật về bảo hộ quyền tác giả có yếu tố nước ngoài Nhằm hướng tới mục tiêu hoàn thiện hệ thống pháp luật bảo hộ quyền tác giả đối với cá nhân, pháp nhân nước ngoài tại Việt Nam, một số phương hướng như sau: - Các cơ quan Nhà nước cần tiếp tục tăng cường hoàn thiện, nâng cao năng lực của hệ thống pháp lý, thực thi quyền sở hữu trí tuệ và đảm bảo các cam kết quốc tế là việc cần tiếp tục đẩy mạnh để bảo vệ nguồn tài sản tri thức của quốc gia. - Trong quá trình áp dụng pháp luật để giải quyết các vụ vi phạm cần phải có các chế tài phù hợp, đủ sức răn đe và ngăn chặn các sai phạm. - Thực thi nghiêm chỉnh các Công ước, Hiệp ước về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, quyền tác giả đã ký kết, đảm bảo sự thống nhất giữa pháp luật quốc tế và quốc gia trong lĩnh vực này. - Xây dựng và áp dụng những chính sách khen thưởng cho cơ quan, tổ chức cá nhân có công trong việc xử phạt các hành vi vi phạm, xâm hại đến QTG, đồng thời cần kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm. - Nghiên cứu, xây dựng và ban hành những thiết chế phù hợp cho quá trình thực thi quyền tác giả nói chung và quyền tác giả có yếu tố nước ngoài nói riêng. Đồng thời, các cơ quan chức năng trong việc thực thi quyền tác giả cần có sự phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng, tránh chồng chéo. KẾT LUẬN Trên đây là bài phân tích của nhóm chúng tôi về Điều 774 Bộ luật dân sự năm 2005 về bảo hộ quyền tác giả có yếu tố nước ngoài. Có thể nói nó thể hiện tư tưởng tiến bộ, nhân văn về quyền con người của Nhà nước Việt Nam. Pháp luật đã tạo lập môi trường khuyến khích tự do sáng tạo các giá trị văn học, nghệ thuật và khoa học, thúc đẩy phong trào nghiên cứu, sáng tạo. Với việc phân tích và đưa ra những đánh giá của mình, hi vọng sẽ góp phần giúp người đọc có cái nhìn cụ thể hơn, sâu sắc về vấn đề này. DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Trường đại học luật Hà Nội, giáo trình tư pháp quốc tế, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2009. 2. Bùi Thị Thu, giáo trình luật tư pháp quốc tế, Nxb.giáo dục Việt Nam,Hà Nội, 2010. 3. Bộ luật dân sự 2005 4. Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung 2009) 5. Nghị định 138/2006/NĐ – CP hướng dẫn Bộ luật dân sự về quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài 6. Nghị định 100/NĐ-CP/2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của BLDS, Luật SHTT về QTG và quyền liên quan 7. Bảo hộ quyền tác giả theo quy định của công ước Berne và vấn đề thực thi công ước tại Việt Nam, Khóa luận tốt nghiệp, Nguyễn Thị Bình, 2010; 8. Bảo hộ quyền tác giả theo quy định của công ước Berne và vấn đề thực thi công ước tại Việt Nam, khóa luận tốt nghiệp, Lê Thị Thu, 2011 9. Nguyễn Thị Tuyết, Chia sẻ dữ liệu trong môi trường internet và vấn đề liên quan đến quyền tác giả, Tạp chí luật học số 1/2010 10. Các văn bản pháp luật: - công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học nghệ thuật - Công ước Giơnevơ năm 1952 - Hiệp định Việt Nam – Hoa Kỳ về thiết lập quan hệ quyền tác giả - Hiệp định hợp tác về sở hữu trí tuệ giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Liên bang Thụy Sỹ. - luật sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi bổ sung năm 2009) - nghị định 100/2006/NĐ-CP 11. Một số trang web: - http://luatsuadoi.vibonline.com.vn - http://thongtinphapluatdansu.wordpress.com - http://tailieu.vn BẢNG TỪ VIẾT TẮT QTG SHTT BLDS ĐƯQT Quyền tác giả Sở hữu trí tuệ Bộ luật dân sự Điều ước quốc tế
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan