Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Giáo dục - Đào tạo Cao đẳng - Đại học Luật Nghị quyết của các tổ chức quốc tế liên chính phủ có vai trò quan trọng trong vi...

Tài liệu Nghị quyết của các tổ chức quốc tế liên chính phủ có vai trò quan trọng trong việc hình thành và viện dẫn quy phạm điều ước và quy phạm tập quán.

.DOCX
7
230
120

Mô tả:

MỞ ĐẦU Nguồn của Luật quốc tế là những hình thức biểu hiện sự tồn tại của những quy phạm luật quốc tế do các quốc gia thỏa thuận xây dựng lên. Có hai hình thức cơ bản biểu hiện sự tồn tại của quy phạm luật quốc tế, đó là điều ước quốc tế và tập quán quốc tế. Bên cạnh đó còn có các loại nguồn hỗ trợ như: nghị quyết của các tổ chức quốc tế liên chính phủ, phán quyết của tòa án quốc tế… Khác với những nguồn chủ yếu, nguồn bổ trợ của Luật quốc tế không phải là hình thức biểu hiện trực tiếp sự thỏa thuận giữa các quốc gia về các quy phạm pháp lí quốc tế, nhưng nó là nhân tố quan trọng trong quá trình hình thành hoặc xác định sự tồn tại và hiệu lực hiện hành của một quy phạm pháp lí nào đó của luật quốc tế. Trong đó nghị quyết của các tổ chức quốc tế liên chính phủ đóng một vai trò rất quan trọng đúng với nhận định “Nghị quyết của các tổ chức quốc tế liên chính phủ có vai trò quan trọng trong việc hình thành và viện dẫn quy phạm điều ước và quy phạm tập quán”. Bài viết dưới đây xin được chứng minh nhận định trên. NỘI DUNG I. Lí luận chung. 1. Nguồn của luật quốc tế. Theo giáo trình Luật quốc tế mới nhất của Trường đại học Quan hệ Quốc tế Matxcơva, thuật ngữ “nguồn của luật quốc tế” được hiểu theo nghĩa vật chất và nghĩa hình thức. Theo nghĩa vật chất, nguồn của luật quốc tế được hiểu là những điều kiện cuộc sống của cộng đồng quốc tế, tức là các quan hệ quốc tế; theo nghĩa hình thức, nguồn của luật quốc tế nghĩa là các hình thức biểu hiện, trong đó có các quy phạm pháp lí. Như vậy nguồn của luật quốc tế là hình thức biểu hiện của các quy phạm pháp lí quốc tế, là kết quả của quá trình thỏa thuận ý chí các chủ thể luật quốc tế. Cơ sở pháp lí về nguồn của luật quốc tế được quy định tại điều 38 Quy chế pháp lí Tòa án quốc tế Liên Hợp Quốc. “Tòa án có nhiệm vụ giải quyết các tranh chấp đưa ra trước tòa trên cơ sở Luật quốc tế áp dụng: 1. Công ước quốc tế chung hoặc riêng, trong đó có các quy tắc được quốc gia tranh chấp thừa nhận rõ ràng. 1 2. Tập quán quốc tế như một chứng cứ thực tiễn chung được thừa nhận là quy phạm pháp luật. 3. Những nguyên tắc pháp luật chung được các dân tộc văn minh thừa nhận. 4. Với bảo lưu tại điều 59, phán quyết của tòa án và học thuyết về công pháp quốc tế của các dân tộc khác nhau được coi là phương tiện bổ trợ để xác định quy phạm pháp luật quốc tế.” 2. Quy phạm luật quốc tế. Là những quy tắc xử sự do các quốc gia và các chủ thể khác của luật quốc tế thỏa thuận xây dựng lên hoặc cùng nhau thừa nhận pháp lí ràng buộc của mình. Nội dung của quy phạm luật quốc tế bao gồm quyền và nghĩa vụ của các chủ thể. Từ nội dung này chủ thể luật quốc tế có thể đánh giá về hành vi có thể và cần phải của các chủ thể khác. Chỉ có thông qua quy phạm luật quốc tế mà các chủ thể mới thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình khi tham gia vào quan hệ pháp lí quốc tế. Quy phạm pháp luật quốc tế được phân thành nhiều loại khác nhau, các loại hình quy phạm này ngày càng phong phú, phá tính đa dạng của quan hệ quốc tế trong thời đại ngày nay. Một trong những cách phân chia quy phạm luật quốc tế là dựa theo phương thức hình thành và hình thức tồn tại có các quy phạm điều ước và quy phạm tập quán. a, Quy phạm điều ước quốc tế (quy phạm thành văn): Quy phạm điều ước là quy phạm được xác định bởi sự thể hiện ý chí, thỏa thuận giữa các chủ thể luật quốc tế, thể hiện dưới hình thức văn bản pháp lý nhằm xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ giữa các chủ thể đó với nhau. Quy phạm điều ước được ghi nhận trong các văn bản điều ước quốc tế như Công ước Viên năm 1961 về quan hệ ngoại giao và năm 1963 về quan hệ lãnh sự, Hiệp định thương mại Việt Nam–Hoa Kỳ ký ngày 13/7/2000…Ví dụ như quy định tại điều 4, hiệp định hợp tác nghề cá ở Vịnh Bắc Bộ giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Trung Quốc: “Hai bên ký kết tiến hành hợp tác nghề cá lâu dài trong vùng đánh cá chung trên tinh thần cùng có lợi” 2 b. Quy phạm tập quán quốc tế (quy phạm bất thành văn): Quy phạm tập quán là những quy tắc xử sự chung, hình thành trong thực tiễn quan hệ quốc tế và được các chủ thể quốc tế thừa nhận. Các quy phạm tập quán có thể được hình thành từ thực tiễn quan hệ quốc tế, từ thực tiễn thực hiện các nghị quyết khuyến nghị của tổ chức quốc tế hay từ việc thực hiện các phán quyết của cơ quan tài phán quốc tế. Ví dụ: Đại sứ đặc mệnh toàn quyền lần hai trở lại thực hiện chức năng sẽ được Bộ trưởng hoặc Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nước nhận đại diện đón tiếp. Trong thực tiễn quan hệ quốc tế, đây chỉ là quy tắc xử sự mà chưa phải là quy phạm pháp lý, nhưng lại được các quốc gia tuân thủ và áp dụng một cách tự nguyện. 3. Tổ chức quốc tế liên chính phủ và nghị quyết của chúng. Tổ chức quốc tế liên chính phủ là liên minh của các quốc gia trên cơ sở điều ước quốc tế, có quyền năng chủ thể luật quốc tế, có hệ thống các cơ quan để duy trì các hoạt động hợp tác phù hợp với mục tiêu của tổ chức. Tổ chức liên chính phủ của một tổ chức quốc tế được xác định căn cứ vào những đặc điểm như: được thành lập trên cơ sở điều ước quốc tế, thành viên là các quốc gia độc lập, có chủ quyền, có quyền năng chủ thể của luật quốc tế…Dựa vào các tiêu chí như thành viên, mục đích hoạt động…tổ chức quốc tế liên chính phủ có thể phân chia thành các loại: tổ chức quốc tế toàn cầu (Liên Hợp Quốc, Tổ chức thương mại thế giới WTO…), và tổ chức quốc tế khu vực (ASEAN, Tổ chức thống nhất châu Mỹ…), tổ chức quốc tế chung (Liên Hợp Quốc, ASEAN…) và tổ chức quốc tế chuyên môn (Tổ chức y tế thế giới WHO, Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế ICAO…). Một trong những loại nguồn để hình thành nên các quy phạm pháp luật quốc tế là các nghị quyết của các tổ chức quốc tế liên chính phủ. Thông thường các tổ chức quốc tế liên chính phủ ban hành hai loại nghị quyết: các nghị quyết có tính quy phạm và các nghị quyết có tính khuyến nghị: - Nghị quyết có tính quy phạm là các nghị quyết quy định về mức độ đóng góp của các quốc gia thành viên, về tổ chức và hoạt động của bộ máy, về thủ tục quan trọng trong hoạt động của từng tổ chức, những quy định có tính bắt buộc trong chính điều lệ (quy chế) của mỗi tổ chức quốc tế. 3 - Nghị quyết mang tính khuyến nghị của Đại Hội Đồng Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế liên chính phủ khác là văn kiện quốc tế, trong đó các định hướng, chủ trương, biện pháp giải quyết từng vấn đề nhất định mang tính thời sự của đời sống quốc tế hoặc tuyên bố về nguyên tắc giải quyết những vấn đề nào đó trong quan hệ quốc tế. II. Chứng minh ý nghĩa quan trọng của nghị quyết của các tổ chức quốc tế liên chính phủ trong quá trình hình thành cũng như viện dẫn áp dụng quy phạm điều ước và quy phạm tập quán. Trong pháp luật quốc tế, vấn đề nguồn của luật quốc tế là một vấn đề hết sức quan trọng, bởi đó là cơ sở quan trọng cho việc xác định sự hình thành của các quan hệ pháp luật quốc tế cũng như quá trình thực thi pháp luật quốc tế. Nguồn của luật quốc tế được hiểu là hình thức chứa đựng các quy phạm của luật quốc tế. Một trong những phương tiện bổ trợ nguồn của luật quốc tế có ý nghĩa rất quan trọng trong việc hình thành cũng như viện dẫn áp dụng các quy phạm điều ước và quy phạm tập quán đó là nghị quyết của các tổ chức quốc tế liên chính phủ. 1. Với việc hình thành và viện dẫn quy phạm điều ước. Các văn kiện của các tổ chức quốc tế liên chính phủ có giá trị hiệu lực không đồng nhất, bao gồm các nghị quyết có hiệu lực và các nghị quyết không có hiệu lực bắt buộc đối với thành viên. Như đã phân tích ở trên, nghị quyết của các tổ chức quốc tế liên chính phủ bao gồm nghị quyết có tính quy phạm bắt buộc và nghị quyết có tính khuyến nghị không có hiệu lực pháp lí bắt buộc. Các nghị quyết này đều là kết quả của sự thỏa thuận giữa các thành viên. Qúa trình thỏa thuận này diễn ra trên cơ sở quy chế tương ứng của tổ chức và đưa đến kết quả là hình thành các nghị quyết có tính chất khuyến nghị (loại trừ những nghị quyết có bắt buộc của tổ chức đó). Các nghị quyết trên đóng một vai trò quan trọng trong việc kí kết và thực hiện điều ước quốc tế. Trong quá trình hình thành Luật nhân đạo quốc tế Liên Hợp Quốc đã chấp nhận một số nghị quyết có liên quan đến luật nhân đạo quốc tế. Nghị quyết số 43/131 do Đại Hội Đồng thông qua năm 1988 thừa nhận “quyền của công dân đối với sự giúp đỡ quốc tế về vai trò của các tổ chức quốc tế phi chính phủ trong các tình trạng nhân đạo khẩn cấp”. Nghị quyết số 45/100 được thông qua năm 1990 ủng hộ việc giúp đỡ nhân đạo. 4 Trong thực tiễn quốc tế, khi xác định hoặc giải thích quy phạm luật quốc tế, các quốc gia thường viện dẫn đến Nghị quyết của Đại Hội Đồng Liên Hợp Quốc. Các nghị quyết được viện dẫn nhiều hơn cả và có vai trò to lớn trong đời sống quốc tế là: - Tuyên bố của Đại Hội Đồng Liên Hợp Quốc 1960 về trao trả độc lập cho các nước và các dân tộc thuộc địa. Bằng nghị quyết số 1514 (XV) ngày 14/12/1960, Đại Hội Đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua tuyên bố về “trao trả độc lập cho các nước và các dân tộc thuộc địa”. Điều này được ghi nhận ở điều 2 Hiến chương Liên Hợp Quốc: “tất cả các dân tộc đều có quyền tự quyết; trong đó có quyền thiết lập chế độ chính trị và thực hiện sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của mình”. - Tuyên bố của Đại Hội Đồng Liên Hợp Quốc 1970 về những nguyên tắc cơ bản của Luật Quốc tế. Bằng nghị quyết số 2625 (XXV) Đại Hội Đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua tuyên bố về “Những nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế điều chỉnh quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia, phù hợp với Hiến chương Liên Hợp Quốc”. Trong tuyên bố năm 1970, ngoài 5 nguyên tắc đã nêu trong Hiến chương Liên Hợp Quốc còn bổ sung thêm hai nguyên tắc: các quốc gia có nghĩa vụ hợp tác với nhau và dân tộc tự quyết. Tất cả các nguyên tắc trên đều được ghi nhận trong Hiến chương Liên Hợp Quốc, được các chủ thể của luật quốc tế công nhận và áp dụng. 2. Với việc hình thành và viện dẫn quy phạm tập quán. Một trong những loại nguồn để hình thành quy phạm tập quán là các nghị quyết của các tổ chức quốc tế liên chính phủ, đặc biệt là của Liên Hợp Quốc. Loại nguồn này được hình thành từ nửa sau thế kỉ XX. Thông thường nếu như các nghị quyết của Liên Hợp Quốc trong nhiều năm đều tập trung thống nhất quyết định về một vấn đề và tất cả các quốc gia đều phải thực hiện theo quy tắc này, khi ấy có thể nói đến sự hình thành quy phạm mới của tập quán quốc tế. Loại quy phạm này thường được hình thành trong lĩnh vực duy trì hòa bình và an ninh quốc tế cũng như trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia. Trong thực tiễn có rất nhiều quy phạm tập quán được hình thành từ con đường nghị quyết của Liên Hợp Quốc. Ví dụ sau đây là môt minh chứng. 5 Câu hỏi đặt ra là những hành vi nào của một quốc gia được coi là tấn công vũ trang kể từ đó quốc gia khác thực hiện quyền tự vệ chính đáng đã được làm sáng tỏ trong nghị quyết của Đại Hội Đồng Liên Hợp Quốc số 3314 (XXIX) ngày 14/12/1974. Nghị quyết đã chỉ rõ hành vi xâm lược là các hành vi của quốc gia này sử dụng bất hợp pháp lực lưỡng vũ trang tấn công vào lãnh thổ của các quốc gia khác cũng như bất kì sự bao vây, phong tỏa nào bằng lực lượng vũ trang chống lại quốc gia ấy. Như vậy việc các quốc gia đồng tình với Nghị quyết trên đây của Đại Hội Đồng Liên Hợp Quốc về định nghĩa xâm lược đã thể hiện sự thừa nhận hiệu lực thực tế của Nghị quyết để từ đó các quốc gia hoạt động theo những chuẩn mực đã được quy định trong nghị quyết. Chừng nào nghị quyết này chưa phải là điều ước quốc tế thì việc các quốc gia hoạt động theo những chuẩn mực của nó chính là việc thừa nhận quy phạm tập quán quốc tế mới hình thành. Ngoài ra từ thực tiễn xét xử của Tòa án quốc tế Liên Hợp Quốc đôi khi Nghị quyết của Tòa án cũng được coi là bằng chứng của luật tập quán. Vụ án Nicaragoa kiện Mĩ là một ví dụ quan trọng. Năm 1984 Mỹ tiến hành hoạt động quân sự chống lại Nicaragoa, Nicaragoa cho rằng hành vi của Mĩ đã vi phạm điều 2 của Hiến chương Liên Hợp Quốc nên Nicaragoa đã kiện Mĩ nên ICJ. Trong trường hợp này, nếu Nicaragoa đơn phương kiện Mỹ thì ICJ sẽ không xử lí nhưng ở đây Nicaragoa và cả Mỹ đã đưa ra những tuyên bố đơn phương của mình chấp nhận nội dung thẩm quyền của ICJ. Đây là hai tuyên bố đơn phương. Bản thân Mĩ không muốn đưa ra ICJ mà chỉ muốn hai bên cùng nhau đàm phán. Mỹ cho rằng Mỹ đã chấp nhận thẩm quyền của ICJ nhưng trong tuyên bố có một bảo lưu (không tán thành một nội dung nào đó) là chấp nhận thẩm quyền giải quyết của ICJ ngoại trừ tranh chấp phát sinh từ điều ước quốc tế đa phương (điều này Mỹ đưa ra là muốn nhằm đến Hiến chương Liên Hợp Quốc). Bởi vậy mà ICJ trên pháp lí không có thẩm quyền giải quyết những vụ việc trên. Tuy nhiên, ICJ đã đưa ra một căn cứ xác đáng để giải quyết vụ việc, đó là dựa vào tập quán cấm dùng vũ lực, tập quán này cũng đã được quy định tại điều 2 của Hiến chương – một quy phạm mệnh lệnh mang tính bắt buộc, buộc các chủ thể phải tuân theo. Nicaragoa đã thắng kiện. Trong vụ kiện này, Tòa đã quyết định rằng việc các bên đồng tình với Nghị quyết 2625 (XXV) của Liên Hợp Quốc: “Tuyên bố các nguyên tắc của Liên Hợp Quốc” là thể hiện sự công nhận hiệu lực pháp lí (opinio juris) đối với các nguyên tắc này, trong đó nguyên tắc cấm sử dụng vũ lực với tư cách cấm sử dụng của luật quốc tế. Đây 6 chính là một ví dụ chứng minh cho việc viện dẫn Nghị quyết để hình thành quy phạm tập quán. Với việc sử dụng các Nghị quyết của tổ chức quốc tế liên chính phủ, đặc biệt là của Liên Hợp Quốc đã khẳng định được chức năng lập pháp của các tổ chức đó. Điều này được thể hiện: - Trong nội bộ tổ chức quốc tế, một số cơ quan có quyền thông qua các quy tắc thủ tục do điều ước thành lập tổ chức quốc tế quy định. Các quy tắc được thông qua đúng thẩm quyền và thủ tục quy định, có giá trị bắt buộc như luật đối với quốc gia thành viên. Như vậy, có thể nói các tổ chức quốc tế cũng có quyền lập pháp chủ yếu trong các vấn đề có tính thủ tục, tổ chức, tài chính trong sinh hoạt nội bộ của mình. - Ngày nay, nhiều tổ chức quốc tế đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành và viện dẫn các quy phạm điều ước và các quy phạm tập quán. Thực tế, rất nhiều quy phạm pháp luật quốc tế được hình thành từ Nghị quyết của các tổ chức quốc tế liên chính phủ KẾT LUẬN Trong bối cảnh quốc tế ngày nay số lượng các quy phạm điều ước và quy phạm tập quán được ra đời từ Nghị quyết của các tổ chức quốc tế liên chính phủ ngày càng chiếm tỉ lệ lớn. Điều này đã chứng minh được vai trò quan trọng của các Nghị quyết của các tổ chức quốc tế liên chính phủ. Qua quá trình tìm hiểu nguồn của luật quốc tế, những bài viết và những ví dụ thực tiễn, bài viết đã cố gắng đi sâu tìm hiểu những Nghị quyết của các tổ chức quốc tế liên chính phủ được cho là nguồn của quy phạm điều ước và quy phạm tập quán. Tuy nhiên, không thể hiểu một cách chính xác tầm quan trọng cũng như ý nghĩa của loại nguồn này nếu không quan sát trong một thời gian dài cách thức áp dụng nó trên thực tế. Hơn nữa, Luật quốc tế là một nội dung rất khó tiếp cận cũng như để hiểu rõ về nó cần một trình độ hiểu biết và khả năng học hỏi rất cao bởi vậy những nội dung mà bài viết đề cập đến chỉ là những vấn đề rất nhỏ, đặc biệt là phần viện dẫn các Nghị quyết của các tổ chức quốc tế liên chính phủ. Chính vì vậy, em rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến của quý thầy cô để nâng cao trình độ hiểu biết của bản thân. 7
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan