Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Nghệ thuật trần thuật trong tiểu thuyết lịch sử của lan khai...

Tài liệu Nghệ thuật trần thuật trong tiểu thuyết lịch sử của lan khai

.PDF
112
1
112

Mô tả:

ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM VÕ TẤN TIẾN NGHỆ THUẬT TRẦN THUẬT TRONG TIỂU THUYẾT LỊCH SỬ CỦA LAN KHAI LUẬN VĂN THẠC SĨ KHOA HỌC NGỮ VĂN Đà Nẵng, 2021 ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM VÕ TẤN TIẾN NGHỆ THUẬT TRẦN THUẬT TRONG TIỂU THUYẾT LỊCH SỬ CỦA LAN KHAI Chuyên ngành: Văn học Việt Nam Mã số: 822.01.21 Người hướng dẫn khoa học: TS. NGUYỄN THANH TRƯỜNG Đà Nẵng, 2021 MỤC LỤC LỜI CAM ĐOAN LỜI CẢM ƠN PHẦN MỞ ĐẦU ............................................................................................................1 1. Lí do chọn đề tài ......................................................................................................1 2. Lịch sử vấn đề .........................................................................................................1 3. Mục đích nghiên cứu của đề tài ..............................................................................6 4. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu ..............................................................................6 5. Phương pháp nghiên cứu.........................................................................................6 6. Bố cục của luận văn.................................................................................................7 PHẦN NỘI DUNG ........................................................................................................8 CHƯƠNG 1. TIỂU THUYẾT LỊCH SỬ CỦA LAI KHAI TRONG TIẾN TRÌNH PHÁT TRIỂN CỦA TIỂU THUYẾT LỊCH SỬ VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 1900 – 1945 ................ 8 1.1. Tiểu thuyết lịch sử và sự phát triển của tiểu thuyết lịch sử Việt Nam giai đoạn 1900 - 1945 ........................................................................................................8 1.1.1. Khái niệm về tiểu thuyết lịch sử ...................................................................8 1.1.2. Lịch sử trong khoa học lịch sử và lịch sử trong tiểu thuyết lịch sử ............12 1.1.3. Sự phát triển của tiểu thuyết lịch sử Việt Nam giai đoạn 1900 – 1945 ......15 1.2. Hành trình sáng tạo nghệ thuật của nhà văn Lan Khai ...............................19 1.2.1. Lan Khai và sự thành công trên đường biên các thể tài văn học ................19 1.2.2. Quan điểm nghệ thuật trong tiểu thuyết lịch sử của Lan Khai ...................22 1.2.3. Tiểu thuyết lịch sử của Lan khai, những cách tân trong kĩ thuật viết.........24 Tiểu kết chương 1 ........................................................................................................28 CHƯƠNG 2. HÌNH TƯỢNG NHÂN VẬT VÀ ĐIỂM NHÌN TRẦN THUẬT TRONG TIỂU THUYẾT LỊCH SỬ CỦA LAI KHAI .............................................29 2.1. Điểm nhìn trần thuật .......................................................................................29 2.1.1. Điểm nhìn bên ngoài, khách quan hóa cho mạch trần thuật sự kiện ..........29 2.1.2. Điểm nhìn bên trong, lí giải cho chiều sâu nội tâm nhân vật .....................35 2.1.3. Phối điểm nhìn, sự gấp bội trong các tiêu cự nhìn .....................................39 2.2. Xây dựng hình tượng nhân vật .......................................................................46 2.2.1. Hình tượng nhân vật vua chúa và khanh tướng ..........................................46 2.2.2. Hình tượng nhân vật người anh hùng .........................................................51 2.2.3. Hình tượng nhân vật người phụ nữ .............................................................56 Tiểu kết chương 2 ........................................................................................................63 CHƯƠNG 3. NGÔN NGỮ, GIỌNG ĐIỆU VÀ KẾT CẤU TRẦN THUẬT TRONG TIỂU THUYẾT LỊCH SỬ CỦA LAN KHAI ...........................................64 3.1. Ngôn ngữ và giọng điệu trần thuật .................................................................64 3.1.1. Ngôn ngữ linh hoạt trong nhiều khu vực tiếp xúc của văn bản ..................64 3.1.2. Giọng điệu đa tầng bậc, kiến tạo quyền lực phát ngôn cho mạch trần thuật...... 69 3.2. Kết cấu trần thuật ............................................................................................74 3.2.1. Kết cấu truyền thống, sự kế thừa và sáng tạo trong tư duy viết .................75 3.2.2. Kết cấu hiện đại, những thể nghiệm cho một lối viết mới .........................78 3.2.3. Kết cấu tương phản, tăng cấp kịch tính cho mạch trần thuật .....................82 Tiểu kết chương 3 ........................................................................................................87 KẾT LUẬN ..................................................................................................................88 TÀI LIỆU THAM KHẢO...........................................................................................90 1 PHẦN MỞ ĐẦU 1. Lí do chọn đề tài 1.1. Từ khi tự sự học ra đời, việc nghiên cứu về nghệ thuật trần thuật của một văn bản ngày càng được giới học thuật quan tâm. Theo đó, nghệ thuật trần thuật là một vấn đề thời sự không chỉ trong nghiên cứu, phê bình văn học mà còn cả trong nghiên cứu nghệ thuật nói chung. Việc tìm hiểu văn bản văn học dưới góc độ nghệ thuật trần thuật giúp chúng ta hiểu được phương diện cấu trúc của tác phẩm tự sự, tri nhận được những tầng lớp sâu xa của nội dung, tư tưởng và hiểu rõ hơn mối quan hệ giữa chủ thể khách thể. Qua đó thấy được tài năng, sự sáng tạo, phong cách của nhà văn. 1.2. Đương thời Lan Khai được nhà nghiên cứu, phê bình Vũ Ngọc Phan đánh giá là “người mở đường” cho nhiều thể tài văn học. Với cuộc đời chưa tròn 40 tuổi, ông đã để lại hàng trăm tác phẩm văn chương và học thuật, trong đó có trên 50 cuốn tiểu thuyết. Nhưng những thăng trầm của lịch sử, một thời gian dài di sản của nhà văn bị khuất lấp, nay có đủ thời gian để nhìn lại, chúng ta càng tự hào hơn về sự cống hiến lớn lao của người nghệ sĩ cho sự phát triển văn học. Lan Khai viết trên nhiều thể loại, thuộc nhiều phạm vi hiện thực khác nhau, trong đó tiểu thuyết lịch sử là thể loại thành công nhất. Thông qua tìm hiểu thể loại này, chúng ta sẽ hiểu hơn về sự đa dạng, phong phú của tiểu thuyết lịch sử Việt Nam giai đoạn 1930-1945. 1.3. Tiểu thuyết lịch sử của Lan Khai là bức tranh dài rộng nối tiếp nhau về những biến cố trong tiến trình lịch sử dân tộc. Tuy nhiên, trong các sáng tác, “Lan Khai không chỉ tái hiện các sự kiện xảy ra trong quá khứ như các nhà làm sử, mà tác giả còn gửi gắm trong đó những vấn đề thế sự, về cái thiện cái ác, về tình yêu và hạnh phúc” [76, tr.45]. Bởi vậy, với các tiểu thuyết Ai lên phố Cát, Đỉnh Non thần, Cái hột mận, Thành bại với anh hùng, Rỡn sóng Bạch Đằng, Cánh buồm thoát tục, Theo lớp mây đưa, Ái tình và sự nghiệp, Giấc mơ bạo chúa, Cưỡi đầu voi dữ, Chàng kỵ sỹ, Sầu lên ngọn ải, Chàng áo xanh, Chế Bồng Nga, Bóng cờ trắng trong sương mù,… đã thực sự hấp dẫn bạn đọc bằng cái nhìn mới mẻ của tinh thần tiểu thuyết hóa. 1.4. Chọn đề tài Nghệ thuật trần thuật trong tiểu thuyết lịch sử của Lan Khai làm đối tượng nghiên cứu, chúng tôi hướng đến tìm hiểu quan niệm nghệ thuật của nhà tiểu thuyết về thể tài lịch sử, trên cơ sở đó đi sâu khám phá kĩ thuật tổ chức văn bản, với cái nhìn khách quan về sự thành công nhất định của nhà văn qua các phương diện: xây dựng hình tượng, tổ chức điểm nhìn, ngôn ngữ, giọng điệu và kết cấu trần thuật. Hơn nữa, với những kết quả đạt được trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi mong muốn sẽ góp phần khẳng định tư duy đổi mới của người nghệ sĩ trong hành trình sáng tạo nghệ thuật. 2. Lịch sử vấn đề Lan Khai đã xuất hiện và để lại dấu ấn trên diễn đàn văn học từ đầu những năm ơ1930 của thế kỷ XX. Ông là nhà văn thành công hơn cả ở thể loại tiểu thuyết lịch sử. 2 Trong sự nghiệp sáng tác của mình, Lan Khai đã có những tác phẩm thu hút được sự quan tâm của nhiều bạn đọc và các nhà nghiên cứu, phê bình văn học. Trong khuôn khổ giới hạn đề tài, chúng tôi tập trung giới thiệu những công trình, bài viết tiêu biểu liên quan đến phạm vi khảo sát, nghiên cứu: Trương Tửu trong bài viết Lan Khai và tiểu thuyết lịch sử đăng trên Loa số 82, Thứ năm, tháng 12/1935 đã có những nhận định về Lan Khai “có thể trở thành một nhà tiểu thuyết lịch sử có tài” nhưng đồng thời ông cũng không đồng tình với Lan Khai vì cho rằng Lan Khai “chỉ thích tả tình và cảnh nên dễ sa vào tính cách chung, không theo sự thực lịch sử. Vì thế tiểu thuyết của ông thiếu phong vị và màu sắc thời đại. Ông cho những người ở thế kỉ trước sống những tư tưởng và tình cảm chỉ riêng có ở thế kỉ XX” [87]. Đa số tiểu thuyết lịch sử của Lan Khai “đều hình dung một trạng thái buồn của nhân sinh” [87]. Theo học giả, sở trường của Lan Khai khi viết tiểu thuyết lịch sử là “ưa tả những cảnh tàn ác, thương tâm”, cảnh oanh liệt và những cảnh say sưa tình ái”, “ham tả những hiện trạng sâu thẳm của lòng người” [87]. Như vậy, đương thời, Trương Tửu đã có những phát hiện và đánh giá cao những giá trị của tiểu thuyết lịch sử Lan Khai; ông cho rằng Lan Khai đã giúp chúng ta hiểu thêm năng lực khám phá đời sống thể hiện trong tiểu thuyết của Lan Khai đầu những năm 30 của thế kỉ trước. Đồng thời, nhà nghiên cứu cũng thẳng thắn góp ý những điểm chưa phù hợp với thời đại trong sáng tác của nhà văn. Đến cuốn Nhà văn hiện đại, mục Lan Khai (tập IV quyển thượng, 1942), Vũ Ngọc Phan có nhận xét: “Trong một cuốn lịch sử tiểu thuyết, việc không cần toàn đúng sự thật, nhưng ngôn ngữ cử chỉ các nhân vật cũng cần phải hợp với thời đại. Vào thời Mạc Đăng Dung mà một vị tiểu thư lại thốt ra lời này trước mặt một viên gia tướng: “Thế mà ta đã yêu Vũ Mật! Chính tấm lòng ta đã lừa dối ta, còn để làm gì. Lời trên này thật là lời một gái tân thời Việt Nam ở thế kỷ XX đã chịu Âu hoá. Chữ “yêu” theo cái nghĩa về tình ái, cổ nhân chưa biết dùng…” [64, tr. 275]. Theo đó, đồng tình với Trương Tửu, Vũ Ngọc Phan cho rằng ngôn ngữ và cử chỉ của các nhân vật trong tiểu thuyết của Lan Khai chưa hợp với thời đại. Mặc dù vậy, Vũ Ngọc Phan vẫn đánh giá cao tài năng của Lan Khai khi cho rằng đương thời chỉ có Lan Khai mới thực sự là nhà lịch sử tiểu thuyết trong khi các nhà văn khác như Nguyễn Triệu Luật, Phan Trần Chúc, Trúc Khê, Ngô Văn Triện,…chỉ là những nhà lịch sử kí sự. Trong công trình Việt Nam văn học sử giản ước tân biên (1964), Phạm Thế Ngũ đã đưa ra nhận xét: "các tiểu thuyết loại này (tiểu thuyết lịch sử) của Lan Khai bao giờ cũng có một cốt cách chung, đó là một chuyện tình lãng mạn đặt trong một khung cảnh lịch sử" [60, tr. 283]. Và không hẳn đồng tình với nhận xét của Trương Tửu trên báo Loa năm 1937, cho rằng tác giả có một triết lí bi quan về lịch sử, về con người, Phạm Thế Ngũ đã đi đến nhận định: "đọc kĩ tất cả những tiểu thuyết lịch sử của Lan Khai ta thấy chưa hẳn tác giả đã gửi vào đó một chủ nghĩa triết lí gì. Có lẽ ông chỉ đi tìm những cơ hội dễ dàng rung cảm người đọc với những cảnh tượng bi đát, những mối 3 tình éo le"[60, tr. 284]. Như vậy, đối với Phạm Thế Ngũ, những tiểu thuyết lịch sử của Lan Khai lại chỉ nặng về miêu tả những mối tình nam nữ éo le để dễ dàng chiếm được tình cảm của độc giả đương thời. Điều này cũng thật dễ hiểu, bởi hầu hết tiểu thuyết lịch sử của Lan Khai bên cạnh sự kiện lịch sử, con người lịch sử, tác giả đều khoác cho nó một câu chuyện tình, mềm hóa những sự kiện lịch sử theo hướng đời tư, thế sự. Năm 1992, trong cuốn Chân dung và giai thoại, tác giả Ngọc Giao đã đánh giá cao vị thế của Lan Khai: “Thời chiến sự Đông Dương văn đàn bắc hà nổi danh ba cây bút lịch sử tiểu thuyết: Lan Khai, Nguyễn Triệu Luật, Phan Trần Chúc” [21, tr.37]. ý kiến của Ngọc Giao đã góp phần khẳng định tài năng và ý thức sáng tác của nhà văn Lan Khai ở thể loại tiểu thuyết lịch sử. Tác giả Nguyễn Văn Xung, trong cuốn Văn học đại cương (Nhà xuất bản Sống mới. Sài Gòn, 1972) nêu quan niệm về nhà tiểu thuyết lịch sử. Ông khẳng định vị trí của nhà văn Lan Khai và coi ông là một trong số nhà viết tiểu thuyết lịch sử thời tiền chiến bên cạnh Nguyễn Triệu Luật, Phan Trần Chúc và mỗi người có một sở trường riêng. Nguyễn Văn Xung ca ngợi kĩ thuật viết văn của Lan Khai có “lối hành văn trong sáng và tươi thắm” nhưng lại có hạn chế “chưa tôn trọng đúng mức màu sắc lịch sử”. Theo ông, lối hư cấu là chấp nhận được trong tiểu thuyết lịch sử, miễn làm sao nhân vật phải được sống trong thời đại ấy. Tác giả Văn học đại cương có quan điểm tương đồng với nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Phan khi đánh giá về Ai lên phố Cát, ông cho rằng: “Các cô gái thời Lý, khi yêu, không có những cử chỉ, ngôn ngữ thời nay như Lan Khai đã nhầm lẫn trong Chiếc Ngai vàng … nhân vật Lý Chiêu Hoàng đã lãng mạn một cách tân thời” [95, tr.189]. Khác với cách nhìn của một số nhà nghiên cứu đương thời, Nguyễn Văn Xung đã đánh giá cao những sáng tạo, những cách tân trong tiểu thuyết lịch sử của Lan Khai. Năm 1997, trên báo Giáo dục và thời đại số 38, tác giả Hoàng Dạ Vũ có bài viết “Vũ Trọng Phụng gặp Lan Khai” đã giới thiệu về tình bạn thân thiết, gắn bó của hai nhà văn. Năm 1938, Nhà xuất bản Khoa học xã hội cho xuất bản cuốn Văn xuôi lãng mạn Việt Nam 1930-1945 (tập 2), đã giới thiệu vắn tắt về nhà văn Lan Khai. Tác giả cuốn sách đã nhận định về tiểu thuyết của nhà văn Lan Khai gồm hai loại chính là “tiểu thuyết lịch sử và tiểu thuyết đường rừng”[93]. Nói chung ý kiến trên vẫn còn chưa bao quát được toàn bộ sáng tác cũng như năng lực sáng tạo và tài năng nghệ thuật của nhà văn Lan Khai, nhưng cũng góp phần khẳng định tên tuổi Lan Khai ở một vài khía cạnh hình thức của thể loại. Tiếp đó, năm 1998, Phan Cự Đệ trong cuốn Tuyển tập văn học Việt Nam (tập 29A), đã đưa ra những nhận xét về Lan Khai qua bài viết Khải Luận. Tác giả cho rằng: “Lan Khai là một nhà văn viết “Truyện đường rừng” và “Tiểu thuyết lịch sử” theo khuynh hướng lãng mạn, thoát li…” [15, tr.41]. Năm 2000, trong Giáo trình lịch sử văn học, Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh có nhắc đến Lan Khai qua lời nhận xét ngắn gọn “Lan Khai cùng dòng tiểu thuyết lịch sử 4 với Phan Trần Chúc, Nguyễn Triệu Luật, Nguyễn Huy Tưởng... ở đây cảm hứng lãng mạn có dịp thêu dệt những mối tình lâm ly giữa những người tráng sĩ và gia nhân thời phong kiến xa xưa”[54, tr.9]. Ý kiến trên đã khẳng định sự đóng góp của Lan Khai với tiểu thuyết lịch sử đầu thế kỉ XX bằng cảm hứng sáng tác tiểu thuyết lịch sử theo khuynh hướng lãng mạn, trong đó có nội dung viết về đề tài tình yêu. Hoài Anh, trong cuốn Chân dung văn học (2001) với bài viết Lan Khai từ khuynh hướng lãng mạn thoát li đi đến hiện thực xã hội cũng đã bàn về tiểu thuyết lịch sử: "yếu tố cốt truyện là quan trọng nhất, phải có kết cấu chặt chẽ, diễn biến hợp lí, mang tính chân thực lịch sử và màu sắc thời đại nhất định. Thế nhưng cốt truyện trong tiểu thuyết lịch sử của Lan Khai lại rất tầm thường, nhiều khi sắp xếp giả tạo, thậm chí mượn cái tên lịch sử để lồng vào một chuyện tình lãng mạn và tiểu tư sản mang tính chất thời thượng đương thời" [1, tr. 296]. Không những thế, Hoài Anh còn phát hiện ra tiểu thuyết lịch sử của Lan Khai còn mang dấu ấn của văn chương Pháp: "Viết về những thời kì xa xưa của dân tộc nhưng Lan Khai đã chịu ảnh hưởng của văn chương Pháp, cốt truyện của ông mang tính chất éo le như những vở kịch của Corneille, Racine…”[1, tr. 296]. Thế nhưng, nhận định của Hoài Anh chỉ đúng một phần. Nếu viết tiểu thuyết lịch sử mà tuyệt đối trung thành với không khí thời đại, dựng nguyên mẫu lại sự kiện lịch sử thì không đề cao được cá tính sáng tạo của nhà văn Lan Khai. Việc đi ngược dòng như vậy, khẳng định Lan Khai đang làm mới cho thể loại tiểu thuyết lịch sử. Đỗ Ngọc Thúy với bài viết Hình tượng vua chúa trong tiểu thuyết lịch sử của Lan Khai (10/2004) in trong cuốn Lan Khai - nhà văn hiện thực xuất sắc đã nghiên cứu về tiểu thuyết lịch sử của Lan Khai ở khía cạnh nhân vật, đặc biệt là nhóm nhân vật thuộc tầng lớp vua chúa. Theo Đỗ Ngọc Thúy: "vua chúa trong tiểu thuyết lịch sử của Lan Khai là hệ thống nhân vật trong tầng lớp thống trị hoàng tộc, nơi chứa đựng nhiều mâu thuẫn, gắn liền với nhiều sự biến động của lịch sử..." [78, tr. 112]. Khi đi sâu vào nghiên cứu nhóm nhân vật này trong tác phẩm của Lan Khai, Đỗ Ngọc Thúy còn phát hiện ra Lan Khai đã rất khéo léo kết hợp giữa lịch sử và hư cấu tưởng tượng khi xây dựng các nhân vật: "Nếu soi bóng các nhân vật đó vào lịch sử ta thấy, mỗi người mang tên một nhân vật trong lịch sử nhưng được nhà văn bồi đắp thêm nhiều bằng hư cấu, tưởng tượng" [78, tr. 123]. Theo đó, với việc đi sâu vào một nhóm nhân vật trong tiểu thuyết lịch sử, Đỗ Ngọc Thúy đã chỉ ra được một nét nghệ thuật trong xây dựng nhân vật của Lan Khai, đó là sự kết hợp giữa sự thật lịch sử với hư cấu tưởng tượng. Tác giả Trần Mạnh Tiến trong bài viết Lan Khai nhà văn đi tiên phong (2006) in trong cuốn Lan Khai - nhà văn hiện thực xuất sắc đã nhận xét: “Đương thời các tiểu thuyết lịch sử đã tạo nên chỗ đứng riêng cho Lan Khai trong nền tiểu thuyết Việt Nam hiện đại […] không tái hiện quá khứ như các nhà làm sử mà thông qua nhân vật và sự kiện nhà văn nhằm gửi gắm những vấn đề mới về quan niệm nghệ thuật với nhân sinh. 5 Các tiểu thuyết lịch sử của Lan Khai là bức tranh dài rộng nối tiếp nhau về những biến cố trong tiến trình lịch sử dân tộc. Song tác giả không chỉ nhằm tái hiện các sự kiện xảy ra trong quá khứ như các nhà làm sử, mà tác giả còn gửi gắm trong đó những vấn đề thế sự, về cái thiện cái ác, về tình yêu và hạnh phúc. Lan Khai viết tiểu thuyết lịch sử như bản thân nó có. Ông lấy những mẫu người là nhân vật thực trong cuộc đời thực, tên tuổi hình dáng, cá tính rồi soi chiếu nhân vật ấy ở những góc nhìn khác nhau, gây phản ứng "sốc". Có lẽ vì thế mà tiểu thuyết lịch sử của Lan Khai thời ấy bị nhiều ý kiến chỉ trích, phản đối" [78, tr. 45]. Trong bài báo Tiểu thuyết lịch sử và người đầu tiên mở hướng cách tân, đăng trên Tạp chí Văn hóa Nghệ An, ngày 24/02/2011, Trần Mạnh Tiến tiếp tục khẳng định: “Tiểu thuyết lịch sử của Lan Khai ra đời trong trào lưu cách tân tiểu thuyết đáp ứng nhu cầu tiếp nhận đa chiều của bạn đọc. Con người trong tiểu thuyết của ông không‘‘trùng khít’’ với nhân vật lịch sử. Nhà văn đã tước đi những yếu tố ước lệ, các điển tích, điển cố, những ‘‘khuôn mẫu’’ trong văn chương trung đại và những trang viết của các nhà Nho đầu đầu thế kỉ XX, thay vào đó là con người mang trong mình ‘‘cái hay cái dở’’ của cuộc đời. Việc thoát ra kiểu kết cấu chương hồi, tạo tiếng nói đa thanh phức điệu, kết hợp hoà trộn linh hoạt các yêú tố sử thi, thế sự, đời tư, kỳ ảo, tâm lí, lạ hóa, khéo sử dụng cái hài cùng các chất liệu dân gian là những cách làm mới tiểu thuyết của Lan Khai.” [81]. Có thể thấy, nhà nghiên cứu Trần Mạnh Tiến đã chỉ ra những cách tân đáng kể của Lan Khai đối với thể loại tiểu thuyết nói chung và tiểu thuyết lịch sử nói riêng, và theo ông, Lan Khai xứng đáng là “cây bút tiên phong trên hành trình cách tân tiểu thuyết”. Vũ Đức Hoan với đề tài Nhóm Tân Dân trong đời sống văn học Việt Nam trước 1945 (2011) đã cho rằng: “khi viết tiểu thuyết lịch sử Lan Khai chủ yếu quan tâm đến khía cạnh nghệ thuật, tức ở sự hư cấu, sáng tạo thêm chi tiết. Lan Khai cho rằng nếu nhà lịch sử đi tìm cái “nguyên sự thực” gác bỏ lại những điều huyền hoặc, mơ hồ thì nhà tiểu thuyết lịch sử lại được quyền “biên chép tất cả để thêm hứng thú cho câu chuyện mình kể” [28, tr. 60]. Cũng đồng tình với Trần Mạnh Tiến, Vũ Đức Hoan đánh giá cao những cách tân của Lan Khai khi viết tiểu thuyết lịch sử. Trong Chuyên luận Tiểu thuyết lịch sử Việt Nam sau 1945, Nguyễn Thị Tuyết Minh khi nhận diện về quá trình phát triển của tiểu thuyết lịch sử Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX đã cho rằng: “Xu hướng khai thác những câu chuyện thế sự, đời tư trong đề tài lịch sử, cách viết in đậm màu sắc lãng mạn, đã li khai hoàn toàn với tiểu thuyết chương hồi. Tiêu biểu cho xu hướng này là lối viết của Lan Khai, Phan Trần Chúc, Nguyễn Triệu Luật...” [55; tr. 45]. Theo đấy, căn cứ vào thuộc tính của thể tài tiểu thuyết lịch sử và sự cách tân trong tư duy nghệ thuật, tác giả đã khu biệt hóa cho lối viết đầy cá tính sáng tạo của Lan Khai và một số cây bút cùng thời. Với sự điểm xuyết những bài viết, nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy, các tiểu thuyết viết theo thể tài lịch sử của Lan Khai có sự chú ý không ít các nhà nghiên cứu, 6 phê bình. Đặc biệt đối với một thể loại “kén chọn” người đọc - tiểu thuyết lịch sử lại thu hút được sự quan tâm của “đa tầng” người tiếp nhận là thành công không nhỏ của cây bút Lan Khai. Tuy nhiên, đến nay, chưa có công trình nghiên cứu chuyên sâu ở bình diện cấu trúc của tác phẩm tự sự, nhưng với những nội dung thể hiện của các bài viết, nghiên cứu nêu trên là cơ sở quan trọng giúp chúng tôi tiếp tục đi sâu khám phá tiểu thuyết lịch sử của Lan Khai. Theo đó, luận văn của chúng tôi hướng đến một cái nhìn cụ thể và hệ thống về tiểu thuyết lịch sử Lan Khai ở phương diện nghệ thuật trần thuật. 3. Mục đích nghiên cứu của đề tài Từ tình hình nghiên cứu đã nêu trên, trong điều kiện tư liệu và khả năng cho phép, chúng tôi xác định mục đích nghiên cứu của đề tài là: - Tái hiện lại các giá trị tiểu thuyết lịch sử của Lan Khai, qua đó thấy được vị trí của nhà văn với những đóng góp nhất định ở thể loại văn học này. - Tìm hiểu một số đặc điểm về nghệ thuật trần thuật tiểu thuyết lịch sử của nhà văn Lan Khai, từ đó đánh giá những mặt thành công, hạn chế của Lan Khai ở phương diện này. - Khẳng định vai trò của nhà văn Lan Khai trong tiến trình hiện đại hóa văn học Việt Nam 1930 – 1945. 4. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu 4.1. Đối tượng nghiên cứu: Đối tượng nghiên cứu của luận văn là các tiểu thuyết lịch sử của Lan Khai, (khảo sát qua các tiểu thuyết: Ai lên phố Cát, Chế Bồng Nga, Bóng cờ trắng trong sương mù, Gái thời loạn, Chiếc ngai vàng, Cái hột mận, Cánh buồm thoát tục, Đỉnh non Thần, Người thù của mặt trời, Gửi cái xuân tàn, Treo bức chiến bào, Chàng áo xanh, Tình ngoài muôn dặm, Trăng nước Hồ Tây, Trong cơn binh lửa, Thành bại với anh hùng, Rỡn sóng Bạch Đằng, Ái tình và sự nghiệp, Chàng đi theo nước, Chàng kỵ sỹ). Theo đó, trên cơ sở nghiên cứu từ phương diện nghệ thuật trần thuật, luận văn hướng tới đánh giá các thành tựu đạt được trong tiểu thuyết lịch sử của Lan Khai. 4.2. Phạm vi nghiên cứu: Phạm vi nghiên cứu của chúng tôi là nghệ thuật trần thuật trong tiểu thuyết lịch sử của Lan Khai, thể hiện qua các phương diện: Tiểu thuyết lịch sử của Lan Khai trong tiến trình phát triển của tiểu thuyết lịch sử Việt Nam; hình tượng nhân vật và điểm nhìn trần thuật; ngôn ngữ, giọng điệu và kết cấu trần thuật trong tiểu thuyết lịch sử của Lan Khai. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng so sánh với một số sáng tác và các tác giả tiêu biểu khác có liên quan đến phạm vi nghiên cứu của đề tài. 5. Phương pháp nghiên cứu Để thực hiện đề tài này, chúng tôi đã sử dụng phối hợp đồng thời các phương pháp nghiên cứu sau: 7 5.1. Phương pháp loại hình: Đây là đề tài nghiên cứu về loại hình tiểu thuyết lịch sử, thuộc thể loại văn xuôi tự sự. Vì vậy, luận văn đặt các sáng tác trong cùng một hệ thống thể tài nhằm làm rõ bản chất của đối tượng nghiên cứu trên cơ sở các mối liên hệ của nhiều yếu tố thuộc về phương diện hình thức phản ánh. Qua đó, xác định các đặc trưng và ý nghĩa của các tác phẩm trên cùng trục dẫn thể tài. 5.2. Phương pháp cấu trúc - hệ thống: Chúng tôi sẽ khảo sát các tiểu thuyết lịch sử của Lan Khai trên cơ sở mối quan hệ mang tính chỉnh thể, để thấy được các tổ chức hình thức trần thuật trong tác phẩm có sự gặp gỡ với quan niệm nghệ thuật của nhà văn. 5.3. Phương pháp so sánh: Trong quá trình khảo sát, khi cần thiết chúng tôi có liên hệ, đối chiếu tiểu thuyết lịch sử của Lan Khai với một số tiểu thuyết lịch sử tiêu biểu thời kì trung đại và của các nhà văn cùng thời để thấy rõ những điểm mới, những sáng tạo độc đáo của nhà văn ở thể tài này. 5.4. Phương pháp phân tích, tổng hợp: Phân tích bút pháp trần thuật thể hiện ở qua các yếu tố hình thức, từ đó tổng hợp, đánh giá khái quát những giá trị thẩm mĩ của tác phẩm và phong cách của tác giả về thể tài tiểu thuyết lịch sử. 5.5. Phương pháp liên ngành: Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi còn vận dụng kiến thức văn hóa, lịch sử, nhân học, tâm lý học để làm sáng rõ thêm những thành tựu tiêu biểu trong tiểu thuyết lịch sử của Lan Khai. 6. Bố cục của luận văn Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo, nội dung chính của luận văn được chia thành 3 chương: Chương 1. Tiểu thuyết lịch sử của Lan Khai trong tiến trình phát triển của tiểu thuyết lịch sử Việt Nam giai đoạn 1900-1945. Chương 2. Hình tượng nhân vật và điểm nhìn trần thuật trong tiểu thuyết lịch sử của Lan Khai. Chương 3. Ngôn ngữ, giọng điệu và kết cấu trần thuật trong tiểu thuyết lịch sử của Lan Khai. 8 PHẦN NỘI DUNG CHƯƠNG 1 TIỂU THUYẾT LỊCH SỬ CỦA LAI KHAI TRONG TIẾN TRÌNH PHÁT TRIỂN CỦA TIỂU THUYẾT LỊCH SỬ VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 1900 – 1945 1.1. Tiểu thuyết lịch sử và sự phát triển của tiểu thuyết lịch sử Việt Nam giai đoạn 1900 - 1945 1.1.1. Khái niệm về tiểu thuyết lịch sử Tiểu thuyết lịch sử, theo quan niệm phổ biến trên thế giới, là một thể loại viết về đề tài lịch sử (nhân vật, sự kiện thời kỳ hoặc tiến trình lịch sử). Bởi thế, tiểu thuyết lịch sử có địa hạt khu biệt với loạị tiểu thuyết phong tục, tiểu thuyết hiện thực, tiểu thuyết kiếm hiệp... phân biệt với truyện lịch sử, truyện dã sử... Chẳng hạn như: tiểu thuyết phong tục cũng chú ý tới yếu tố mang tính lịch sử của cộng đồng là phong tục nhưng yếu tố lịch sử trong tiểu thuyết phong tục không thuộc bình diện trực tiếp của sự miêu tả, chỉ là phương diện gián tiếp của lịch sử. Ngay cả khi tiểu thuyết phong tục hướng về quá khứ thì phong tục vẫn chỉ là một trong rất nhiều phương điện của lịch sử. Tiểu thuyết kiếm hiệp cũng có yếu tố lịch sử, nhà văn dựa vào những truyện lịch sử nhưng không nhằm tái hiện lịch sử. Yếu tố lịch sử không được coi là mục đích phản ánh mà thường chú ý để làm tăng sức hấp dẫn của cốt truyện, tăng trí tò mò, tưởng tượng cho người đọc. Như thế viết tiểu thuyết lịch sử không thể giống viết tiểu thuyết thông thường khác bởi đối tượng của tiểu thuyết lịch sử là lịch sử, có thể là quá khứ xa xôi của một thời kỳ lịch sử đặc biệt. Môi trường thuộc về qụá khứ đòi hỏi người viết tiểu thuyết lịch sử có hai yếu tố quan trọng không thể thiếu là: Nghệ thuật tiểu thuyết cùng với kiến thức tỉ mỉ của nhà sử học. Tiểu thuyết lịch sử trước hết là tiểu thuyết và viết về lịch sử. Có nghĩa là, dựa trên chất liệu là lịch sử để sáng tạo nên tiểu thuyết, nhà văn có thể hư cấu, sáng tạo trong chừng mực, không làm sai gương mặt lịch sử. Kể cả việc hư cấu những nhân vật không có thật trong lịch sử cũng được coi là khu vực tự do của nhà tiểu thuyết lịch sử. Nơi mà nhà văn kết hợp sự gắn kết nhân vật hư cấu với nhân vật lịch sử càng khẳng định tài năng của họ. Có khi viết về lịch sử nhưng người viết tiểu thuyết không coi phản ánh lịch sử là mục đích tự tại mà muốn qua đó nêu lên những vấn đề thực sự có ý nghĩa với cuộc sống con người, với hiện thực đương thời. Điều này đã được nhà nghiên cứu văn học Biêlinxki khẳng định: “Chúng ta hỏi và chất vấn những cái đã qua để chúng ta giải thích cho hiện tại và chỉ ra tương lai của ta” hoặc những ý kiến của Borothy Brevoster và John Angus Burrell giải thích: “Tiểu thuyết lịch sử có thể soi sáng những thời kỳ quá khứ con người đã trải qua, với những mục đích rõ ràng là gạn lọc những tình trạng tiến thoái lưỡng nan của hiện tại...” [22, tr. 58]. Mục đích của nhà văn viết tiểu thuyết 9 lịch sử và nhà viết sử không giống nhau. Mặc dù tác phẩm sử học hay tiểu thuyết lịch sử đều là “hiện thực thứ hai” do con người phản ánh. Các nhà sử học và tiểu thuyết gia đều quan tâm, cố gắng phản ánh lịch sử. Họ đều gặp trở ngại lớn là đề cập tới thời đại rất xa với hiện thực đương thời, dựng lại những nhân vật có trí tuệ khác rất nhiều với con người hiện tại. Nhưng nhà sử học phản ánh gương mặt khách quan của lịch sử còn nhà tiểu thuyết thông qua tái hiện lịch sử rút ra những quan niệm, suy ngẫm về cuộc sống, con người cả trong hiện tại. Vấn đề đặt ra là cùng quan tâm tới tính chất thực của lịch sử nhưng nhà sử học thì qụan tâm tới chính thể lịch sử. Đối vớỉ họ, lịch sử là cả một sự chính xác tới mức tuyệt đối. Còn tiểu thuyết lịch sử lại “rộng rãi” hơn, ít bị ràng buộc bởi các số liệu chính xác của lịch sử hơn. Nhà tiểu thuyết lịch sử có quyền chỉ quan tâm đến một chi tiết, một khoảnh khắc nào đó trong lịch sử, thậm chí một khoảnh khắc nào đó trong đời sống nhân vật lịch sử rồi hư cấu, tưởng tượng thành tiểu thuyết. Có thể thấy, trong quá trình sáng tác, người viết tiểu thuyết lịch sử vừa phải tôn trọng các sự kiện lịch sử vừa phải phát huy cao độ vai trò của hư cấu sáng tạo, Xác định rõ ràng nhiệm vụ của tiểu thuyết lịch sử, George Lukacs viết: “Nhiệm vụ của tiểu thuyết lịch sử là chứng minh sự tồn tại của hoàn cảnh và nhân vật lịch sử bằng công cụ nghệ thuật” [13, tr.7]. Theo Lukacs tài năng của tác giả tiểu thuyết lịch sử bộc lộ qua việc “phản ánh những nguyên nhân dẫn đến sự thật trong trái tim con người. Sự thật mà các biến động của nó đã bị giới sử học bỏ qua” [13, tr. 49]. Cách miêu tả nhân vật lịch sử của nhà văn cũng khác với nhà sử học. Sử gia, khi giới thiệu nhân vật như những danh nhân anh hùng trong các sự kiện, biến cố lịch sử thì nhà văn miêu tả nhân vật lịch sử như con người trong tính nhất quán, trong mối quan hệ phức tạp của nó với các mặt của đời sống. Về điều này ngay từ lâu Aritstote đã nhắc tới trong cuốn "Nghệ thuật thơ ca" khi viết “Nhà sử học nói về những điều xảy ra thực sự còn nhà thơ thì về những gì đã xảy ra”. Sự khác biệt trong cách xử lý lịch sử đó cũng nhận thấy ở ý kiến của Kundera khi thừa nhận: “Khoa chép sử viết lại lịch sử xã hội chứ không phải con người vì vậy những sự kiện lịch sử được nói đến trong các tiểu thuyết của tôi thường bị khoa chép sử bỏ quên” [27, tr.47]. Có thể hiểu là, với Kundera, tiểu thuyết lịch sử viết về điều thầm kín trong con người, điều mà sử học không làm được. Quan niệm này có sự gặp gỡ khi ta nhắc tới quan điểm của G. Lukacs về nhân vật trong tiểu thuyết lịch sử “Nhân vật của tiểu thuyết lịch sử phải sinh động hơn cả nhân vật lịch sử vì nhân vật của tiểu thuyết lịch sử được trao cho sự sống còn của các nhân vật lịch sử thì đã sống” [50, tr. 52]. Tác giả tiểu thuyết lịch sử bộc lộ phần tài năng ngay chính ở nhân vật trong tác phẩm của mình khi trao cho nó sự sống và còn cả ở việc “phản ánh nguyên nhân dẫn đến sự thật trong trái tim con người” [50, tr. 30]. Sự thật trong trái tim con người cũng chính là một phẩn nhiệm vụ quan trọng mà theo tác giả Nguyễn Đình Thi mỗi người viết tiểu thuyết lịch sử khi “trình bày nhân vật lịch sử” nên làm. Ông viết “...nhằm vào một nhân vật lịch sử thì trước hết 10 nhìn vào con người của nhân vật ấy và phải miêu tả con người trong toàn bộ đời sống của nó, cả trong đời công lẫn đời riêng;trong việc làm, lời nói, trong tâm tư tình cảm..." [75, tr. 150]. Như thế thiên về góc độ đời tư nhân vật, tiểu thuyết lịch sử không bị bao phủ bởi cái kỳ ảo của quá khứ tuyệt đối và không còn “khoảng cách sử thi”. Tiểu thuyết lịch sử mang cái nhìn đời tư để phản ánh số phận nhân vật, qua đó đưa ra sự đánh giá về các vấn đề thời đại. Cũng như loại hình nghệ thuật khác, tiểu thuyết lịch sử không cho phép nhà tiểu thuyết sao chép một cách giản đơn lịch sử. Nó không hề tìm đến sự “chân thực tuyệt đối” của lịch sử dù nhà văn có sự tự do lựa chọn chi tiết, sự kiện, nhân vật lịch sử, song ngược lại bị chính những yếu tố đó quy định. Có nghĩa là với tiểu thuyết lịch sử phải có chất tiểu thuyết vì yếu tố lịch sử kết hợp nên, đòi hỏi khả năng làm nghệ thuật và kiến thức lịch sử được kết hợp nhuần nhuyễn ở nhà viết tiểu thuyết lịch sử. Có không ít cách hiểu về khái niệm tiểu thuyết lịch sử song tiểu thuyết lịch sử phải “ưu tiên khẳng định tính chất hư cấu của cốt truyện nhưng cho nó vẻ giống như thật bởi kết cấu (không gian và thời gian) và bởi những động lực sâu xa của hành động bảo đảm cho độc giả rằng mọi sự đều có thể diễn ra như vậy...” (Pierse Lowis Rey) [74, tr. 14], đồng thời phải chú ý kết hợp yếu tố hư cẩu với yếu tố lịch sử. Thiên về hư cấu, tưởng tượng, tiểu thuyết lịch sử theo khuynh hướng của nhà viết tiểu thuyết lớn người Pháp A. Đuyma với quan niệm lịch sử chỉ là một cái đinh để tôi treo các bức họa của tôi thôi. Còn nếu thiên về yếu tố lịch sử, tiểu thuyết lịch sử sẽ dược viết theo khuynh hướng của nhà tiểu thuyết lớn người Nga A. Tônxtôi với quan niệm về tiểu thuyết lịch sử “chính xác như một tác phẩm nghiên cứu lịch sử”. Vấn đề đặt ra là hư cấu của tiểu thuyết lịch sử và tính chính xác của lịch sử được thâu nạp như thế nào? Giữa sự kiện lịch sử, nhân vật lịch sử và hư cấu nghệ thuật có quan hệ ra sao vẫn đang là vấn đề có tính chất mở đối với những ai quan tâm đến tiểu thuyết lịch sử. Chỉ biết rằng trong tiểu thuyết lịch sử, sự kiện lịch sử và sự kiện hư cấu, nhân vật lịch sử và nhân vật sáng tạo trộn lẫn vào nhau. Vì thế việc đảm bảo sự chính xác lịch sử đến tuyệt đối là rất khó. Chẳng thế mà nhà văn Anh, Naomi Mitchison, tác giả cuốn tiểu thuyết “Cora king and Sping Queen” (1935) đã phát biểu: “không nên hy vọng vào một sự chính xác lịch sử tuyệt đối”. Hay như nhà tiểu thuyết lịch sử người Hà Lan, Bà Hella Haasse cũng đã nói: “Sự chính xác lịch sử tuyệt đối là không có được vì sự kiện và nhân vật lịch sử đã được soi sáng bằng hệ quy chiếu của thế kỷ 20 và cuốn tiểu thuyết lịch sử nào cũng ít nhiều phản chiếu cái thế giới tâm hồn của tác giả ở một thời điểm nhất định trong quá trình sáng tác của họ” (Tạp chí Nhà văn số 1, 2003 trang 61). Như thế, trong văn học đề tài lịch sử giống như một phương tiện chứ không phải một “cứu cánh”. Trong cuốn sách Nhà văn hiện đại nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Phan đã có phân biệt khá rõ: “Viết tiểu thuyết lịch sử, nhà văn chỉ phải căn cứ vào vài việc cỏn con đã qua rồi vẽ vời cho ra một chuyện lớn, cốt giữ cho mọi việc đừng trái với thời đại, còn 11 không phải hoàn toàn sự thật” [64, tr.350]. Đây cũng là quan điểm về tiểu thuyết lịch sử vượt qua cái “chân thật của sự kiện”. Tuy nhiên, quan niệm của Vũ Ngọc Phan mới đặt ra vấn đề, chưa thể hiện rõ về bản chất của thể loại. Trong lời nói đầu của cuốn Quận He khởi nghĩa tác giả Nguyễn Lương Bích có quan niệm về tiểu thuyết lịch sử một cách cụ thể hơn: “Tiểu thuyết lịch sử là một loại hình văn học có tác dụng mạnh trong việc giáo dục tư tưởng cho quần chúng, nó đem kiến thức lịch sử đến cho người đọc, không bằng sử liệu, số liệu, không bằng lý luận, phân tích mà bằng con đường tình cảm. Nó dùng nghệ thuật sáng tạo, dùng hình ảnh văn học để làm rung động người đọc, làm cho người đọc hiểu lịch sử thông qua sự thưởng thức cái hay, cái đẹp của văn học nghệ thuật" [3]. Song nhìn chung các nhà tiểu thuyết lịch sử của ta lấy không khí lịch sử, tái hiện sự kiện lịch sử làm mục đích chính trong phần lớn sáng tác của họ. Điều đó cho thấy việc coi trọng nội dung phản ánh ở số lớn tác giả. Nguyễn Tử Siêu, nhà tiểu thuyết lịch sử nổi tiếng của Việt Nam thế kỷ XX đã xác định tiểu thuyết lịch sử “bổi đắp chút đỉnh về quan niệm đối với Tổ quốc, nhắc nhở cái nghĩa vụ đối với dân, nước”. Nguyễn Triệu Luật thì phát biểu: “Tôi chỉ là người thợ vụng có thế nào làm nên thế, gốc tre già cứ để là gốc tre già, chứ không thể hun khói lấy màu, vẽ vân cho thành gốc trúc hoá long” [63]. Thái Vũ lại bày tỏ “Khi tôi nói, tôi viết tiểu thuyết lịch sử sự thật là tôi không viết tiểu thuyết mà tôi viết lịch sử, trước hết phải trung thực với mọi chi tiết lịch sử (...); Tôi viết tiểu thuyết về lịch sử nhưng tôi không viết tiểu thuyết mà qua cách hư cấu của tôi: tôn trọng tính chân xác của lịch sử” [92]''. Việc sử dụng chất liệu lịch sử trong tác phẩm, mỗi nhà văn có một cách riêng, mục đích riêng, thể hiện quan niệm riêng về thể loại, như Nguyễn Tử Siêu, Phan Trần Chúc, Nguyễn Triệu Luậtt, Thái Vũ,... đều chung quan điểm tái hiện chính xác sự kiện lịch sử làm mục đích chính. Song bên cạnh xu hướng đó, có sự gặp gỡ với quan niệm của A.Đuyma, các nhà văn lãng mạn nửa đầu thế kỷ XX, hướng viết tiểu thuyết lịch sử không chú trọng tới tính "chân thực” của lịch sử một cách tuyệt đối. Lan Khai “chú ý đối với việc làm người đọc say đắm mơ màng bởi những cái có thể có được”. Tuy nhiên, xu hướng này không tiêu biểu, không xuất hiện ở thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Phải đến những năm sau 1980 mới có sự đa dạng hơn trong quan niệm tiểu thuyết lịch sử. Đáng chú ý là tác giả cuốn tiểu thuyết lịch sử “Hổ Quý Ly”, cuốn tiểu thuyết này khép lại tiểu thuyết lịch sử ở thế kỷ XX, người đó là nhà văn Nguyễn Xuân Khánh. Ở quan niệm của ông phần nào có sự trở về với quan niệm của Lan Khai, nhưng có bổ sung đáng kể. Nhà văn viết: “Lịch sử chỉ là cái “cớ” để tôi bám vào. Điều quan trọng là người viết tiểu thuyết phải biết vận dụng tổng thể đời sống của mình vào cuốn tiểu thuyết ấy. Người viết không hẳn đã dựng lại được lịch sử ngày xưa, điều cốt yếu là thuyết phục người đọc...”[56-30]. Theo nhà văn thì yếu tố lịch sử không kém phần quan trọng so với yếu tố tiểu thuyết nhưng “tiểu thuyết lịch sử trước hết vẫn phải 12 là tiếu thuyết”. Cộng thêm sự kết hợp cảm hứng lịch sử với cảm hứng thế sự và các tri thức về đời sống... Quan niệm như thế về tiểu thuyết lịch sử, tác giả Nguyễn Xuân Khánh đã “mở rộng” hơn so với nhiều nhà văn, nhà nghiên cứu văn học khác. Khái niệm tiểu thuyết lịch sử có khá nhiều cách hiểu khác nhau và chưa hoàn toàn thống nhất. Tuy nhiên, trên cơ sở tư duy lí thuyết văn học hiên đại, chúng tôi đi đến cách hiểu: Tiểu thuyết lịch sử là những tác phẩm mang đặc trưng của thể loại tiểu thuyết nhưng lấy phạm vi lịch sử làm đề tài, cảm hứng tư tưởng trong sáng tạo nghệ thuật. Trên cơ sở những yếu tố lịch sử, chủ thể thẩm mĩ tái cấu trúc thành cuộc sống thứ hai, vừa gây hứng thú cho người đoc, vừa đưa ra những kiến giải mang tính đối thoại về lịch sử, về hiện thực đời sống, qua đó bù lấp vào những khoảng trống của sử học. Như vậy, tiểu thuyết lịch sử là tác phẩm tự sự lấy con người, sự kiên lịch sử làm điểm tựa cho sự phản ánh nghệ thuật theo quan niệm thẩm mỹ của mỗi nhà văn. 1.1.2. Lịch sử trong khoa học lịch sử và lịch sử trong tiểu thuyết lịch sử Lịch sử trong khoa học lịch sử là bao gồm các yếu tố, sự kiện, con người lịch sử được ghi chép đúng với những gì đã diễn ra trong tinh thần thời đại của nó. Theo đó, những văn bản lịch sử thuộc khoa học lịch sử còn được hiểu là cách tổ chức ngôn từ, là những quy tắc phát ngôn về lịch sử (chính sử). Nội dung này bao gồm một số đặc trưng sau: Một là, những nội dung phản ánh trong khoa học lịch sử phải đảm bảo tính khách quan, chính xác của một bộ môn khoa học. Nghĩa là người ghi chép sử phải trung thành với những sự kiện lịch sử, không được phép thêm hoặc bớt theo chủ quan cá nhân và đặc biệt là không có quyền hư cấu lịch sử. Tính chính xác của bộ môn này ở việc nhà chép sử tường thuật lại những sự kiện như nó vốn có. Vì vậy, trong truyền thống, người ta thường gọi công việc của các sử quan là công việc “ghi chép” lịch sử, chứ không phải là viết sử hoặc sáng tác theo dòng chảy lịch sử. Hai là, mục đích cuối cùng của việc chép sử là để người đời sau biết người thời trước đã sống như thế nào, có những sự kiện nào đã diễn ra…. Do đó, để tiện cho việc ghi nhớ, các sự kiện lịch sử phải được diễn đạt một cách vô cùng ngắn gọn, minh bạch. Và để đảm bảo cho tính ngắn gọn thì người chép sử chỉ tập trung vào sự kiện và bản chất sự kiện, loại bỏ chi tiết và các tình tiết. Chẳng hạn, sự kiện về Hội thề Đông Quan, sử gia Ngô Sĩ Liên chép như sau: “Đinh Mùi 1427, mùa đông tháng 10, ngày 22, vua cùng với tổng binh quan nước Minh là Thái sư Thái bảo Thánh Sơn hầu Vương Thông, Tham tướng hữu đô đốc Mã Anh, Thái giám Sơn Thọ và Mã Kỳ (…) họp thể ở phía Nam thành, hẹn đến 12 tháng 12 thì đem quân về nước. Bọn ấy lại sai người đem tờ đem trả lại đất đai của ta” [76, tr.519] Như vậy, tường thuật sự kiện này, người chép sử chỉ quan tâm đến thời gian, địa điểm, thành phần tham dự hội thể và nội dung hội thề; những yếu tố khác hoàn toàn không được đề cập. Ba là, nhân vật lịch sử trước hết phải là con người có thật trong sử, như: Hồ Quý Ly, Trần Huệ Tông, Lý Chiêu Hoàng, Trần Cảnh, Nguyễn Trãi, Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Lê Chiêu Thống,... Họ là những con người của sự kiện, con
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan

Tài liệu vừa đăng

Tài liệu xem nhiều nhất