Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Nghệ thuật tiểu thuyết từ dụ thái hậu của trần thùy mai...

Tài liệu Nghệ thuật tiểu thuyết từ dụ thái hậu của trần thùy mai

.PDF
107
1
58

Mô tả:

ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM LÊ ĐÌNH CHÍNH NGHỆ THUẬT TIỂU THUYẾT TỪ DỤ THÁI HẬU CỦA TRẦN THÙY MAI LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC VIỆT NAM Đà Nẵng - Năm 2022 ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM LÊ ĐÌNH CHÍNH NGHỆ THUẬT TIỂU THUYẾT TỪ DỤ THÁI HẬU CỦA TRẦN THÙY MAI Chuyên ngành Mã số : VĂN HỌC VIỆT NAM : 8220121 LUẬN VĂN THẠC SĨ Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS. NGÔ MINH HIỀN Đà Nẵng - Năm 2022 v MỤC LỤC LỜI CAM ĐOAN ........................................................................................................... i LỜI CẢM ƠN ................................................................................................................ii MỞ ĐẦU ......................................................................................................................... 1 1. Lí do chọn đề tài ...................................................................................................... 1 2. Lịch sử vấn đề nghiên cứu ...................................................................................... 1 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu ........................................................................... 5 4. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu .......................................................................... 6 5. Phương pháp nghiên cứu......................................................................................... 6 6. Bố cục luận văn ....................................................................................................... 6 NỘI DUNG ..................................................................................................................... 7 CHƯƠNG 1. TỪ DỤ THÁI HẬU CỦA TRẦN THÙY MAI TRONG DÒNG CHẢY TIỂU THUYẾT LỊCH SỬ VIỆT NAM ĐƯƠNG ĐẠI......................................................... 7 1.1. Một số điểm nổi bật của tiểu thuyết lịch sử Việt Nam đương đại ................. 7 1.1.1. Đa dạng nội dung phản ánh .......................................................................... 7 1.1.2. Đa dạng về phương thức thể hiện ................................................................. 9 1.2. Trần Thuỳ Mai - Những con đường văn xuôi không ngừng sáng tạo......... 12 1.2.1. Từ truyện ngắn… ........................................................................................ 12 1.2.2. ...đến tiểu thuyết .......................................................................................... 16 1.2.3. Quan niệm nghệ thuật ................................................................................. 17 CHƯƠNG 2. KHUÔN MẶT CUỘC SỐNG VÀ CON NGƯỜI VƯƠNG TRIỀU NGUYỄN TRONG TỪ DỤ THÁI HẬU CỦA TRẦN THÙY MAI ........................ 24 2.1. Sắc diện cuộc sống vương triều Nguyễn ......................................................... 24 2.1.1. Cung đình triều Nguyễn – phía khuất lấp của lịch sử................................. 24 2.1.2. Cung đình triều Nguyễn – những sắc màu văn hóa Huế ............................ 31 2.2. Chân dung con người chốn vương triều Nguyễn .......................................... 39 2.2.1.Con người của hào quang cung cấm ............................................................ 39 2.2.2. Con người thân phận trong bí ẩn hậu cung ................................................. 46 CHƯƠNG 3. MỘT SỐ THỦ PHÁP NGHỆ THUẬT TRONG TỪ DỤ THÁI HẬU CỦA TRẦN THÙY MAI .......................................................................................................... 54 3.1. Nghệ thuật kết cấu ........................................................................................... 54 3.1.1. Linh hoạt điểm nhìn trần thuật.................................................................... 54 3.1.2. Đa chiều hoá cốt truyện .............................................................................. 56 3.1.3. Lồng ghép, đan xen các kiểu văn bản ......................................................... 58 3.2. Nghệ thuật xây dựng nhân vật ........................................................................ 60 3.2.1. Khắc họa chân dung nhân vật bằng kí ức dân gian .................................... 60 3.2.2. Tiểu thuyết hóa nhân vật lịch sử ................................................................. 62 vi 3.3. Kiến tạo không – thời gian nghệ thuật ........................................................... 67 3.3.1. Dồn nén sự kiện lịch sử .............................................................................. 67 3.3.2. Gia tăng chất đời tư..................................................................................... 69 3.3.3. Tô đậm sắc màu văn hóa Huế ..................................................................... 71 3.4. Sử dụng ngôn ngữ nghệ thuật ........................................................................ 74 3.4.1. Ngôn ngữ đời thường hiện đại, giàu cảm xúc ............................................ 74 3.4.2. Thuần Việt hóa các lớp ngôn từ cổ trang.................................................... 75 3.5. Giọng điệu nghệ thuật ...................................................................................... 77 3.5.1. Giọng yêu đương tình tứ ............................................................................. 77 3.5.2. Bày tỏ sự xót xa, thương cảm ..................................................................... 78 3.5.3. Tăng cường biện giải, đối thoại .................................................................. 80 3.5.4. Thể hiện sự triết lý, suy nghiệm ................................................................. 81 KẾT LUẬN .................................................................................................................. 84 TÀI LIỆU THAM KHẢO........................................................................................... 86 1 MỞ ĐẦU 1. Lí do chọn đề tài Văn học Việt Nam sau 1986 đến những năm đầu của thế kỉ XXI, đặc biệt trong bối cảnh xu hướng toàn cầu hóa văn học đã không ngừng vận động và phát triển, điều đó mở ra nhiều cơ hội cũng như những thách thức đối với người cầm bút. Vì vậy, việc đổi mới quan niệm về loại hình văn học là vấn đề cấp thiết – trong đó có tiểu thuyết lịch sử. Tiểu thuyết là thể loại linh hoạt, độ thích ứng cao, có khả năng tái hiện hoặc phán ánh hiện thực ở tầm bao quát lớn, vĩ mô; khai thác mảng đề tài rộng lớn, đặc biệt, tiểu thuyết về đề tài lịch sử. Nhà văn bằng tài năng của mình không chỉ tái hiện, phản ánh về một giai đoạn lịch sử, những sự kiện lịch sử, những con người lịch sử mà trách nhiệm của họ là thức tỉnh, khơi dậy lòng yêu nước, niềm tự hào về truyền thống lịch sử, văn hóa dân tộc, sự tự cường, tự tôn dân tộc và đồng thời gửi gắm tình cảm, tâm tư của mình trong tác phẩm ấy. Trần Thùy Mai là cây bút văn xuôi xuất sắc và có những đóng nhất định cho nền văn học nghệ thuật Huế nói riêng và văn học nghệ thuật Việt Nam nói chung. Với một lối viết riêng, một phong cách khó trộn lẫn, nhẹ nhàng, tinh tế, sâu lắng, đậm chất Huế và với niềm đam mê cùng khát khao mãnh liệt nhưng cũng không ngừng tìm tòi, đổi mới trên con đường sáng tạo nghệ thuật của mình, Trần Thùy Mai không chỉ thành công ở thể loại truyện ngắn mà còn đã khẳng định được chỗ đứng của mình trên văn đàn hiện đại Việt Nam. Không dừng lại ở sự thành công của truyện ngắn, Trần Thùy Mai còn thử thách mình ở thể loại tiểu thuyết. Chính vì thế, sự dịch chuyển từ truyện ngắn, thể loại vốn đã khẳng định được tài năng và bản lĩnh của Trần Thùy Mai sang tiểu thuyết lịch sử là quyết định táo bạo nhưng không bất ngờ của nữ văn sĩ. Bởi lẽ, nhà văn đã từng ấp ủ, từng muốn thử sức ở một thể loại mới có sức hấp dẫn và đòi hỏi sự đầu tư công phu, tỉ mỉ nhiều hơn. Từ Dụ thái hậu là tiểu thuyết đầu tay đầy tâm huyết của Trần Thùy Mai, đánh dấu một chặng đường và thử thách ở thể loại mới của nữ nhà văn. Tác phẩm viết về chốn cung đình nhà Nguyễn qua bốn đời vua, về Từ Dụ thái hậu…với những chuyện hậu cung đầy rối ren và phức tạp. Viết về chính trường, chốn hậu cung nhà Nguyễn nhưng dưới con mắt của nhà văn nữ xứ Huế đậm chất nữ tính, Từ Dụ thái hậu có một sức hút kì lạ. Tuy mới ra mắt đầu năm 2019, nhưng tác phẩm đã chiếm được sự quan tâm lớn của giới nghiên cứu và bạn đọc. Chính vì lí do đó, chúng tôi chọn Nghệ thuật tiểu thuyết Từ Dụ thái hậu của Trần Thùy Mai làm đề tài cho luận văn của mình. 2. Lịch sử vấn đề nghiên cứu Từ Dụ thái hậu là tiểu thuyết đầu tay của Trần Thùy Mai ra đời năm 2019 đã được các nhà nghiên cứu quan tâm. Tuy nhiên, các nghiên cứu chuyên sâu về tác phẩm 2 còn hạn chế. Qua thu thập và khảo sát, chúng tôi thấy một số các bài viết đáng chú ý sau: Nguyễn Hương Tâm trong bài Tiểu thuyết Từ Dụ thái hậu: Thuận trong chốn nghịch, đã bày tỏ niềm yêu mến và đánh giá cao sức hấp dẫn của cuốn tiểu thuyết cũng như tài năng của nhà văn Trần Thùy Mai. Tác giả “đã đọc hơn 900 trang Từ Dụ thái hậu cái vèo, với bao hứng thú…Không biết ấy là do yêu mến Trần Thùy Mai hay yêu mến Từ Dụ thái hậu…Không lẽ có vậy tôi yêu văn bản nghệ thuật này. Cũng có nghĩa tôi yêu chút ánh sáng từ ái trong lịch sử nước tôi. Cũng như tôi sung sướng nhận ra kí ức công bằng của nhân dân tôi luôn đồng điệu với những nhân vật khoan hòa” [49], người viết cũng nhấn mạnh sự thành công của tác phẩm chính là chỗ xây dựng nhân vật trong trường thuận - nghịch và tâm điểm là nhân vật Phạm Thị Hằng – Từ Dụ Thái hậu. “Trần Thùy Mai đã trung thành với kí ức cộng đồng, với những đường nét nghệ thuật về người phụ nữ mà lâu nay chị yêu mến. Vì vậy, chị viết tự nhiên, dễ dàng dù nhân vật đã kinh qua những tình huống khác nhau: trữ tình, gay cấn, kịch tính, bi thảm” và “Trần Thùy Mai đã miêu tả thật kỳ tài, đây có lẽ là cái mới, khá bất ngờ” [49]. Trong bài Ra mắt Tiểu thuyết lịch sử Từ Dụ thái hậu của nhà văn Trần Thùy Mai, Phương Anh đánh giá: “Qua 69 chương người đọc như được sống lại không gian văn hóa triều Nguyễn, có thể nói đây chính là những thước phim sống động và chi tiết sinh động về hình ảnh của từng nhân vật lịch sử”. Đồng thời, tác giả khẳng định: “Ngoài trục xoay quanh nhân vật Phạm Thị Hằng – Từ Dụ Thái hậu, tiểu thuyết còn mở ra biên độ của mình với các nhân vật tương ứng mối quan hệ quân thần, huynh đệ, với những âm mưu thủ đoạn mang tính chính trị đương thời. Với những yêu ghét hận thù với những toan tính âm mưu, thủ đoạn. Tất cả cùng tồn tại trong một bối cảnh hậu cung, nhưng một lần nữa chúng ta thấy tình yêu và lòng từ bi đã hóa giải tất cả” [2]. Mặt khác, người viết nhấn mạnh thành công của Từ Dụ thái hậu ở chỗ, mặc dù viết về đề tài lịch sử nhưng là “tiểu thuyết lịch sử đậm chất lãng mạn”, nổi bật lên hình tượng trung tâm là Từ Dụ “một hoàng thái hậu hiền đức”, một người phụ nữ vô cùng quyền uy song lại thừa nhân ái, một cách sống bình dị với tấm lòng vị tha, hết lòng vì những người dân nghèo thời xưa phong kiến, một người mẹ biết dạy con theo lẽ phải cần có trong đời” [2]. Cũng trong bài Ra mắt Tiểu thuyết lịch sử Từ Dụ thái hậu của nhà văn Trần Thùy Mai, Phương Anh trích dẫn nhận định, đánh giá của những nhà nghiên cứu, học giả, trong đó, nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc cho rằng, với cuốn tiểu thuyết lịch sử Từ Dụ thái hậu, Trần Thùy Mai đã khẳng định được “bản lĩnh thực thụ của người cầm bút” thể hiện “qua từng trang viết, với số lượng quốc mộ nhân vật đông đảo, đa dạng về tâm lí, với những chi tiết sự kiện gắn với tiến trình lịch sử”. Theo tác giả, nhà văn Trần Thùy Mai đã “tinh tế trong việc khai thác tâm lí nhân vật, sắp xếp các sự kiện, 3 đặt nhân vật của mình vào trong những không gian tương thích với tính cách cá nhân của mỗi nhân vật trên một phông nền văn hóa vững vàng” [dẫn theo 2]. Nhìn nhận tiểu thuyết lịch sử Từ Dụ thái hậu của Trần Thùy Mai, nhà sử học Dương Trung Quốc rất tâm đắc với cách khai thác tác phẩm của nhà văn: “Tôi rất thích thú cách lựa chọn của tác giả. Chị không chọn thời kì biến động, mà chọn nơi yên tĩnh nhất: hậu cung. Nhưng hậu cung cũng đầy biến động, nó cho thấy vai trò, tác động của người phụ nữ với chính trường” [dẫn theo 2]. Tác giả Tần Tần trong bài Hậu cung rối ren, các hoạn quan cực kì nguy hại, đã đánh giá khá cụ thể về giá trị của cuốn tiểu thuyết lịch sử Từ Dụ thái hậu của Trần Thùy Mai. Theo tác giả, với cuốn tiểu thuyết này, nhà văn Trần Thùy Mai đã khẳng định vị trí và vai trò của người phụ nữ trong lịch sử - “Lịch sử mang gương mặt phụ nữ” – Từ Dụ Thái hậu”. Tần Tần cũng nhấn mạnh sự thành công của tác phẩm là “xây dựng được những nhân vật trên bối cảnh lịch sử chân thực” mà nhà văn “có sự dày công tìm tòi, nghiên cứu tư liệu”, cẩn trọng trong từng chi tiết, từ ngữ” bởi “viết sách giống như xây nhà, nền móng chính là tư liệu” [51]. Nhà văn Hoàng Quốc Hải cho rằng, sự thành công của cuốn Từ Dụ Thái hậu và tài năng của Trần Thùy Mai chính là ở việc “nói về hậu cung, bà Từ Dụ đứng được qua nhiều đời vua như thế là cực kì giỏi. Đứng ở hậu cung mà điều khiển được cả vương triều” [51]. Cùng chung quan điểm với nhà văn Hoàng Quốc Hải, Đinh Thanh Hiếu nhấn mạnh, việc tác phẩm đã xây dựng thành công hình ảnh Bà Hoàng quyền lực nhất triều Nguyễn – Từ Dụ Thái hậu như một “chân dung một bà thái hậu rất đời thường”. Ông cũng khẳng định “cái tài của nhà văn là xây dựng nên tình tiết, nội dung câu chuyện để làm toát lên một nhân vật, một bức tranh lịch sử, văn hóa”. Ở đó không chỉ có con người lưu danh sử sách mà là bối cảnh cung đình, sinh hoạt văn hóa, tập tục” [dẫn theo 51]. Nhà sử học Lê Văn Lan khi bàn về tiểu thuyết Từ Dụ thái hậu của nhà văn Trần Thùy Mai đã cho rằng: “Ở tác phẩm này có sự thực, có khách quan lịch sử đích thực. Nhưng ở đây cũng có quan niệm, tài năng, bút pháp của người viết tiểu thuyết lịch sử. Đọc tác phẩm của Trần Thùy Mai, chúng ta vỡ ra được nhiều điều của lịch sử thông qua những quan niệm chủ quan của nhà văn” [50]. Ông còn đánh giá tác phẩm có nhiều điều thú vị tràn ngập hơn 900 trang sách, 69 chương chính là “giữ được sự hấp dẫn cho đến trang thứ 500 thôi mà không mâu thuẫn, không cãi nhau với những trang trước, thì quả thật đó là tài năng. Huống chi ta thấy ở đây hơn 900 trang hấp dẫn, nhất quán, nữ tính” và “tác phẩm không chỉ có bi kịch, mà còn nhiều thứ khác thú vị, như tình sử, điều đó khiến lịch sử uyển chuyển, phong phú, hấp dẫn, giàu giá trị thông tin” [dẫn theo 50]. Nhà nghiên cứu Đặng Anh Đào cho rằng việc nhà văn Trần Thùy Mai chọn viết tiểu thuyết lịch sử là cách mạo hiểm, “bởi nhà văn đứng giữa hai vách núi, một bên là 4 sự thật lịch sử, một bên là hư cấu. Cách viết ấy lại phải để trí tượng tượng nhà văn tung hoành” và chính cuốn Từ Dụ thái hậu đã cho bà “một lịch sử rất khác, rất hấp dẫn, rất phức tạp, rất bí hiểm, rất nhiều âm mưu”. Đặng Anh Đào cũng chú ý đến tiết tấu của tác phẩm và khẳng định âm hưởng cuốn sách như một bản giao hưởng: “Lúc khoan như gió thoảng ngoài, lúc mau sầm sầm như trời đổ mưa. Ở những đoạn cao trào nào cũng có bè trầm, đó là tình yêu. Dư âm ấy vừa lắng sâu, vừa buồn hơn cả tiếng sắt tiếng vàng chen nhau” [dẫn theo 50]. Đồng quan điểm với Đặng Anh Đào, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cũng khẳng định, dù “chọn con đường chênh vênh, một bên là “núi cao” của lịch sử, một bên là “vực thẳm” của hư cấu, nhưng Trần Thùy Mai đã khéo léo tinh tế đi bằng trí tưởng tượng của mình. Lịch sử có nhiều mất mát và tồn tại, nhà văn bằng sự nhiệt tâm với quá khứ và vượt qua những ngáng trở của hiện tại để khẳng định vai trò của văn chương với lịch sử. Hư cấu dựa trên lịch sử luôn là cách để nhiều nhà văn lựa chọn viết tiểu thuyết lịch sử, nhưng thành công của hư cấu thì phụ thuộc vào cảm quan của nhà văn khi phán đoán lịch sử [dẫn theo 50]. Hằng Hương trong bài viết Từ Dụ thái hậu, tiểu thuyết “cung đấu” hấp dẫn của văn học đương đại cho rằng, Từ Dụ thái hậu là tiểu thuyết lịch sử dạng “cung đấu” hiếm hoi của văn học đương đại, viết về thời nhà Nguyễn”. Mặt khác, tác giả còn khẳng định sức hấp dẫn và thành công của tác phẩm chính là được viết bằng lối văn phong “tinh tế thuần Việt và cốt truyện đậm chất điện ảnh, sinh động cuốn hút”, đã “tái hiện chân thực sinh động với các nhân vật lịch sử được khắc họa rõ nét và các sự kiện lịch sử hiện ra chân thực dù vẫn nằm trong dụng ý sáng tạo của nhà văn” [24]. Hồng Hà trong Bung trổ tưởng tượng với lịch sử, cùng với cuốn Thiên địa phong trần của Hà Thủy Nguyên, tác giả đã đánh giá cao giá trị nghệ thuật của tiểu thuyết lịch sử Từ Dụ Thái hậu chính là việc kết hợp “ba nguồn tư liệu chính sử, dã sử và dân gian” cùng với khả năng hư cấu Trần Thùy Mai đã cho ra đời những áng văn chương sinh động, hấp dẫn viết về lịch sử” [13]. Trong bài Từ Dụ thái hậu: Câu chuyện về cuộc đời những bà hoàng lừng danh trong sử Việt, Lê Đăng đánh giá Từ Dụ thái hậu là “cuốn tiểu thuyết tâm huyết của nữ nhà văn nổi tiếng xứ Huế Trần Thùy Mai với văn phong thuần Việt và đậm chất điện ảnh, sinh động cuốn hút từ đầu đến cuối” [9]. Ở đó, tác phẩm “nhẹ nhàng, tinh tế không lên gân, tác giả lồng ghép mọi ý tưởng, suy nghĩ, lí giải của mình về chính trường nhà Nguyễn từ thời Gia Long khởi lập đến lúc vua Tự Đức lên ngôi, bằng cách kể chuyện mạch lạc và cuốn hút, đầy thuyết phục” [9]. Theo người viết, sự thành công của Từ Dụ thái hậu chính là việc Trần Thùy Mai đã “đưa ra những lý giải thuyết phục về các sự kiện lịch sử, thể hiện sự am hiểu sâu rộng cổ sử và tầm nhìn hợp tình hợp lí. Đồng thời, Trần Thùy Mai trổ hết tài khéo léo của một người viết nữ, tinh tế và miêu tả tâm lí nhân vật cực tài tình” [9]. Phạm Xuân Thạch nhận xét tiểu thuyết Từ Dụ thái hậu là cuốn “Tiểu thuyết quốc dân”. Ông đánh giá cao “cách chọn điểm nhìn, nhìn triều đại từ hậu cung, là lựa chọn 5 “hay” của Trần Thùy Mai khi viết về tiểu thuyết lịch sử. “Lịch sử không chỉ có chính trường mà còn là ẩn ức, tham vọng, động cơ cá nhân. Chỉ hết ra được những động cơ ấy đã là hay rồi, không nhất thiết phải nói về giá trị kì vĩ, những dữ kiện lớn” [dẫn theo 51]. Phạm Xuân Thạch cũng khẳng định Từ Dụ thái hậu chính là một “tác phẩm đa chiều, cung cấp cho chúng ta cái nhìn đa dạng về lịch sử. Tác phẩm khôi phục giá trị, vai trò của người phụ nữ trong cung đình nói riêng, đời sống nói chung” [dẫn theo 51]. Trong bài Từ Dụ thái hậu: Lịch sử được viết lại bằng từ tưởng của nhà văn, Hoài Phương đã đưa ra những lời bình giá, nhận định về thành công của tiểu thuyết Từ Dụ thái hậu cũng như tài năng của Trần Thùy Mai. Đọc Từ Dụ thái hậu chúng ta nhận thấy “những âm mưu, quyền lực, tranh đấu, thủ đoạn…tất cả đều hiện diện ở chốn cung đình. Nhưng trong Từ Dụ thái hậu, nhà văn Trần Thùy Mai cũng khẳng định sức mạnh lớn lao của tình yêu, tình bạn, sự tri kỉ và lương thiện. Từ Dụ đã vượt qua mọi cám dỗ quyền lực để trở thành bông hoa thánh khiết thực sự và hiếm hoi của chốn hậu cung” [41]. Bởi thành công của tác phẩm chính là xây dựng nhân vật Phạm Thị Hằng – Từ Dụ Thái hậu, Từ Dụ “đã dùng nhân cách trí tuệ của mình để có được địa vị trong hoàng cung cũng như trong lòng bậc đế vương và dân chúng”. Tác giả bài viết cũng đề cập đến sự thành công của hư cấu lịch sử trong Từ Dụ thái hậu: “Trần Thùy Mai đã trung thành với những điều lớn lao như nhân vật, sự kiện tính cách. Nhưng chính sự tương tác giữa những tính cách nhân vật qua các sự kiện đã tạo nên những tình tiết hư cấu hấp dẫn cho tiểu thuyết lịch sử này. Là tiểu thuyết lịch sử hư cấu nhưng Trần Thùy Mai đã khắc họa được cái hồn của thời đại nhà Nguyễn. Đó là sự thành công của chị” [41]. Mặt khác, tác giả khẳng định “lịch sử là phương tiện để chị sáng tạo và gửi gắm thông điệp của chính mình. Lịch sử đã được viết lại bằng tư tưởng của nhà văn” [41]. Ngoài ra, Hoài Phương cũng đề cập đến sự thành công về mặt ngôn ngữ trong tiểu thuyết Từ Dụ thái hậu: “Trần Thùy Mai đã ý thức viết tiểu thuyết lịch sử của người Việt bằng những ngôn ngữ, văn phong thuần Việt. Với mong muốn tiểu thuyết lịch sử sẽ làm cho giới trẻ yêu thích lịch sử hơn, Trần Thùy Mai đồng thời mang đến một bài học về ngôn ngữ tiếng Việt qua tác phẩm này” [41]. Như vậy, có thể thấy rằng Trần Thùy Mai với thể loại tiểu thuyết lịch sử là một vấn đề khá hấp dẫn và còn rất mới mẻ. Vì vậy, chúng tôi chọn đề tài Nghệ thuật tiểu thuyết Từ Dụ thái hậu của Trần Thùy Mai để nghiên cứu. Thông qua đề tài, chúng tôi muốn làm rõ những yếu tố làm nên sức hấp dẫn, nét mới lạ của bộ tiểu thuyết này; thấy được nét đặc sắc trong ngòi bút và cá tính sáng tạo của tác giả cũng như vị trí và đóng góp của Trần Thùy Mai đối với tiểu thuyết lịch sử Việt Nam. 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 3.1. Đối tượng nghiên cứu Tiểu thuyết Từ Dụ thái hậu của Trần Thùy Mai (Quyển Thượng và Quyển Hạ), Nhà xuất bản Phụ nữ xuất bản năm 2019. 6 3.2. Phạm vi nghiên cứu Các phương diện nội dung và nghệ thuật làm nên đặc điểm nghệ thuật tiểu thuyết Từ Dụ thái hậu của Trần Thùy Mai. 4. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu 4.1. Mục đích nghiên cứu Làm nổi bật những giá trị đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của tiểu thuyết lịch sử Từ Dụ thái hậu, đồng thời thấy được thành công và đóng góp của Trần Thùy Mai trong dòng chảy tiểu thuyết lịch sử Việt Nam đương đại. 4.2. Nhiệm vụ của đề tài Chỉ ra những đặc điểm nghệ thuật trong tiểu thuyết lịch sử Từ Dụ thái hậu và những dấu ấn riêng cùng với cá tính sáng tạo của nhà văn Trần Thùy Mai ở thể loại này. 5. Phương pháp nghiên cứu Để nghiên cứu Nghệ thuật tiểu thuyết Từ Dụ thái hậu, chúng tôi sử dụng các phương pháp sau: 5.1. Phương pháp hệ thống – cấu trúc Cấu trúc lại tiểu thuyết Từ Dụ thái hậu của Trần Thùy Mai thành một hệ thống phù hợp với yêu cầu của vấn đề nghiên cứu để triển khai các bình diện nghiên cứu một cách chặt chẽ và logic. Đặt Từ Dụ thái hậu trong tương quan chung với tiểu thuyết lịch sử Việt Nam đương đại để có cái nhìn hệ thống, khách quan và toàn diện về tiểu thuyết Từ Dụ thái hậu của Trần Thùy Mai. 5.2. Phương pháp tổng hợp – phân tích Xem xét các yếu tố nội dung và nghệ thuật trong tiểu thuyết Từ Dụ thái hậu của Trần Thùy Mai, đánh giá các yếu tố đó rồi khái quát để làm nổi bật những đặc sắc của tác phẩm. Đồng thời, khẳng định giá trị của tiểu thuyết lịch sử Từ Dụ thái hậu của Trần Thùy Mai, tài năng và những đóng góp của nhà văn đối với tiểu thuyết lịch sử Việt Nam đương đại. 5.3. Phương pháp so sánh – đối chiếu Đặt Từ Dụ thái hậu trong dòng chảy trong của tiểu thuyết lịch sử Việt Nam đương đại để thấy được những đặc điểm nổi bật của tác phẩm cũng như những dấu ấn riêng của Trần Thùy Mai so với các tác phẩm của các tác giả cùng viết tiểu thuyết lịch sử như Giàn Thiêu của Võ Thị Hảo, Hồ Quý Ly của Nguyễn Xuân Khánh… 6. Bố cục luận văn Ngoài phần Mở đầu, Kết luận và Tài liệu tham khảo, phần Nội dung của luận văn gồm 3 chương: Chương 1: Từ Dụ thái hậu của Trần Thùy Mai trong dòng chảy tiểu thuyết lịch sử Việt Nam đương đại Chương 2: Khuôn mặt cuộc sống và con người vương triều Nguyễn trong Từ Dụ thái hậu của Trần Thùy Mai Chương 3: Một số thủ pháp nghệ thuật trong Từ Dụ thái hậu của Trần Thùy Mai 7 NỘI DUNG CHƯƠNG 1 TỪ DỤ THÁI HẬU CỦA TRẦN THÙY MAI TRONG DÒNG CHẢY TIỂU THUYẾT LỊCH SỬ VIỆT NAM ĐƯƠNG ĐẠI 1.1. Một số điểm nổi bật của tiểu thuyết lịch sử Việt Nam đương đại Trong bối cảnh giao lưu và hội nhập với văn học thế giới, từ sau 1986 đến nay, tiểu thuyết lịch sử Việt Nam với những đổi mới về tư duy thẩm mĩ, cảm hứng sáng tác, chủ đề, phương thức thể hiện...đã gặt hái được nhiều thành tựu. Sự phát triển mạnh mẽ của tiểu thuyết lịch sử giai đoạn này không chỉ khẳng định chỗ đứng vững chắc của thể loại mà còn đem đến một diện mạo mới, sức sống mới cho thể loại. Trên cơ sở kế thừa những thành tựu của tiểu thuyết Việt Nam từ nửa đầu thế kỉ XX, tiểu thuyết lịch sử Việt Nam đương đại thực sự đã tạo ra những đột phá cả nội dung phản ánh lẫn hình thức biểu hiện. Điều này được thể hiện qua một số đặc điểm cơ bản như đa dạng nội dung phản ánh, đa dạng về phương thức thể hiện… 1.1.1. Đa dạng nội dung phản ánh Sau 1986, tiểu thuyết lịch sử Việt Nam hòa cùng cơ chế vận hành và đổi mới của văn xuôi đương đại. Nó thực sự bước vào lộ trình mới, với hướng khám phá mới, tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ và có những bước đột phá quan trọng. Các nhà tiểu thuyết lịch sử Việt Nam hiện đại đã “lấy lịch sử làm đề tài, làm cảm hứng sáng tạo nghệ thuật nhằm giải mã lịch sử, đem lại cho người đọc cái nhìn mới, những cảm xúc thẩm mĩ mới về lịch sử; từ đó giúp độc giả biết thêm nhiều mặt khác nhau của đời sống con người, của những mặt sinh hoạt mang tính chất đời tư của con người trong quá khứ nhằm soi sáng những vấn đề của hiện tại” [60, tr. 458]. Điều này đã đem đến cho tiểu thuyết lịch sử Việt Nam sự mới mẻ trong cảm hứng, đề tài, chủ đề và sự đa dạng trong nội dung phản ánh. Chủ đề, đề tài của tiểu thuyết lịch sử có sự phức hợp, mở rộng. Xu hướng đời tư – thế sự ngày càng trở nên nổi bật và chiếm lĩnh các sáng tác. Các nhà tiểu thuyết lịch sử tập trung đi sâu vào khía cạnh đời tư – thế sự, nhìn nhân vật lịch sử dưới góc độ đời thường trong mối quan hệ phức tạp, đan xen của đời sống, để khám phá các đặc điểm tính cách, phẩm chất, các góc khuất ẩn sâu trong thế giới nội tâm con người. Hướng chủ yếu của các nhà văn là miêu tả con người trong dòng chảy lịch sử, đặt con người từ các góc nhìn khác nhau “để lột tả cho được những góc khuất chưa được lịch sử hé mở và chiều sâu của mọi thắng bại trong lịch sử dân tộc với ý thức đi tới cùng bằng sự thật và bằng cảm hứng nhân văn” [49]. Việc đi sâu vào tính chất đời tư – thế sự giúp tiểu thuyết lịch sử đương đại có thể khám phá sâu sắc số phận con người trong guồng quay nghiệt ngã của bánh xe lịch sử. Các nhà văn không chỉ tập trung hình tượng những vị quân vương, anh hùng trong lịch sử mà còn khám phá số phận của những 8 kiếp người nhỏ bé trong bước chuyển mình của lịch sử, với cái nhìn đầy suy tư, trăn trở mà chứa chan tấm lòng yêu thương, thấu cảm. Những điểm nhìn đa chiều trong phản ánh hiện thực lịch sử của Mẫu Thượng Ngàn (Nguyễn Xuân Khánh), Giàn thiêu (Võ Thị Hảo), Đàn đáy (Trần Thu Hằng)…đã đem đến cho tiểu thuyết lịch sử Việt Nam đương đại những giá trị mới mẻ đầy tính nhân văn, nhân bản. Các chủ đề về tình yêu, thân phận người trí thức, sự chi phối ảnh hưởng của thời cuộc đến sự thành bại của con người đều được tiểu thuyết lịch sử đề cập trong sự soi chiếu mối tương quan với tín ngưỡng, tôn giáo, lễ hội,…làm sống dậy bức tranh văn hóa dân tộc đa sắc màu. Đàn Đáy của Trần Thu Hằng, Hội thề của Nguyễn Quang Thân, Mẫu Thượng Ngàn và Đội gaọ lên chùa của Nguyễn Xuân Khánh, Lê Lợi của Hàn Thế Dũng…có thể được coi là những thành công tiêu biểu. Có thể khẳng định, “nhiều chủ đề đan xen khiến các tác phẩm này thực là những khám phá, kiến giải mới về lịch sử, tạo được ấn tượng, dư ba trong lòng người đọc” [60, tr. 461] cho loại tiểu thuyết này. Tiểu thuyết lịch sử có khả năng phản ánh hiện thực một cách bao quát và tiếp cận đối tượng phản ánh lẫn bề rộng và chiều sâu, mang đậm những đặc trưng của thể loại tiểu thuyết như yếu tố con người cá nhân, yếu tố hư cấu, yếu tố phản ánh trọn vẹn hiện thực, yếu tố thẩm mỹ…nhưng lấy lịch sử làm đề tài, cảm hứng sáng tác. Việc mở rộng đối tượng phản ánh của tiểu thuyết lịch sử đã góp phần mở ra nhiều hướng phát triển khác nhau. Lịch sử như một đối tượng nhận thức lại hoặc nhận thức sâu hơn các giá trị, trong đó, các nhân vật lịch sử được soi chiếu với nhiều góc khuất của đời sống riêng tư. Một điểm đáng chú ý của tiểu thuyết lịch sử Việt Nam đương đại là nó đã vượt qua mô hình cũ và tạo ra nhiều hướng phát triển hứa hẹn. Nhìn bao quát, có thể thấy tiểu thuyết lịch sử Việt Nam đương đại đã xuất hiện các hướng “văn chương hóa lịch sử” với hai bộ trường thiên của Hoàng Quốc Hải; hướng nghiêng về phương diện văn hóa, đối thoại văn hóa với các tiểu thuyết Hồ Quý Ly, Mẫu Thượng Ngàn của Nguyễn Xuân Khánh; hướng diễn giải lịch sử với Nguyễn Thị Lộ của Hà Văn Thùy; hướng phi trung tâm hóa với Sông Côn mùa lũ của Nguyễn Mộng Giác và hướng phi huyền thoại hóa lịch sử như Hội thề của Nguyễn Quang Thân… Tiểu thuyết lịch sử Việt Nam đương đại vẫn tiếp mạch cảm hứng sử thi, cảm hứng lịch sử - dân tộc nhưng trong sáng tác của các nhà văn đã có nhiều sự thay đổi. Bên cạnh cảm hứng ngợi ca tự hào, với giọng văn hứng khởi, say mê, tôn vinh những hào quang chiến thắng, đấng vĩ nhân kiệt xuất, những sự kiện lịch sử vẻ vang thì ở giai đoạn này, luận giải, đối thoại với lịch sử trở thành cảm hứng chủ đạo, xuất hiện bàng bạc trên trang văn của các tác phẩm tiểu thuyết lịch sử Việt Nam đương đại. “Nhà văn khám phá những sự thật lịch sử khơi mở từ những bí ẩn, xung đột lịch sử, phân tích, lý giải lịch sử trong mối quan hệ với số phận con người và chúng trở thành cảm hứng chủ đạo trong tác thẩm của họ” [60, tr. 461]. Có thể thấy rõ điều này trong các tác phẩm Giàn thiêu của Võ Thị Hảo, Hồ Quý Ly của Nguyễn Xuân Khánh, Đàn Đáy của Trần 9 Thu Hằng…Sự chuyển biến của cảm hứng sáng tác đã giúp các nhà văn thể hiện cái nhìn đa diện, nhiều chiều về sự kiện lịch sử, con người lịch sử, phơi bày một cách trực diện những mảng sáng – tối, tốt – xấu, cao thượng – thấp hèn, vị tha – ích kỉ của đời sống con người, hướng đến sự tranh biện, luận giải, đặt ra và giải đáp được những ẩn số của lịch sử còn tồn tại hàng trăm năm. Xuất phát từ sự vận động không ngừng của đời sống văn học với thị hiếu thẩm mĩ, tầm đón đọc ngày càng trở nên cao hơn của độc giả và từ sự tiếp thu có chọn lọc những thành tựu của văn học thế giới, tiểu thuyết lịch sử Việt Nam đương đại đã đa dạng hóa nội dung phản ánh. Các nhà văn luôn tìm tòi, đổi mới, sáng tạo để khơi nguồn cảm hứng mới cho người đọc, đồng thời, qua tác phẩm của mình, thể hiện cảm quan, tư duy lịch sử cũng như thái độ, tư tưởng về lịch sử, “làm sống lại lịch sử, khám phá những bí ẩn khuất lấp, lý giải lịch sử từ số phận cá nhân và tìm ra sợi dây liên kết giữa quá khứ với đời sống hiện tại” [60, tr. 458]. Việc đa dạng hóa nội dung phản ánh của tiểu thuyết lịch sử đã đem đến cho người đọc cái nhìn đa chiều, đa diện, giúp họ hiểu biết hơn về đời sống con người trong quá khứ, có khả năng đánh giá, nhìn nhận một cách thấu đáo những vấn đề đặt ra ở hiện tại, đồng thời, góp phần thay đổi về quan niệm con người lịch sử, theo đó, con người lịch sử không chỉ là con người sử thi mà là con người đời thường, con người bản năng, con người cô đơn mặc cảm thân phận. Mặt khác, sự đa dạng nội dung phản ánh cũng góp phần làm tăng thêm giá trị to lớn và sức hấp dẫn của thể loại tiểu thuyết lịch sử, không chỉ ở tầm vóc lịch sử mà còn ở giá trị văn chương. 1.1.2. Đa dạng về phương thức thể hiện Sự hội nhập với văn hoá, văn học thế giới đã giúp văn học Việt Nam có được những bước tiến quan trọng. Các nhà văn, đặc biệt là các nhà văn viết tiểu thuyết có nhiều cơ hội và điều kiện để tiếp cận những phương thức nghệ thuật mới. Nếu trước Đổi mới, tiểu thuyết lịch sử thường lấy yếu tố lịch sử làm nhân tố trung tâm để phản ánh sự kiện lịch sử, thì sau 1986, đặc biệt là những năm đầu thế kỉ XXI, yếu tố lịch sử chỉ còn được coi là “phương tiện”, là cái cớ để nhà văn trao gửi và kí thác những thông điệp với người cùng thời. Quan niệm về văn chương thay đổi, dẫn tới quan niệm hiện đại về tiểu thuyết lịch sử cũng thay đổi theo. Sự thay đổi này ở tiểu thuyết lịch sử không chỉ ở phương diện nội dung thể hiện mà còn ở phương thức thể hiện về mặt thể loại. Chính sự đa dạng điểm nhìn trần thuật, ngôi trần thuật, kết cấu văn bản, kĩ thuật xử lí ngôn ngữ, bút pháp mà tiểu thuyết lịch sử Việt Nam đương đại đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Ở phương thức tự sự, tiểu thuyết lịch sử có sự đa dạng hóa điểm nhìn trần thuật và ngôi kể. Số lượng người kể chuyện gia tăng, điểm nhìn trần thuật được trao cho nhiều nhân vật. Cái nhìn toàn tri bị phá vỡ hình thành nên những điểm nhìn mang dấu ấn cá nhân. Việc các nhà văn sử dụng đa điểm nhìn trần thuật, luân phiên thay đổi điểm nhìn trần thuật, đan xen linh hoạt ngôi kể (ngôi thứ nhất và ngôi thứ ba) đã tạo 10 được hiệu ứng đa chiều trong việc phản ánh và giải mã những vấn đề lịch sử, đồng thời, giúp câu chuyện lịch sử được đề cập trong tác phẩm trở nên sinh động, hấp dẫn, mặt khác, tạo nên hiệu quả biểu đạt cao, tạo nên tính đa thanh phức điệu cho tác phẩm. Có thể thấy rõ điều này qua các tiểu thuyết lịch sử của Nguyễn Xuân Khánh (Hồ Quý Ly), Nguyễn Mộng Giác (Sông Côn mùa lũ), Nguyễn Thế Quang (Nguyễn Du)… Sau năm 1986, nhân vật lịch sử hiện lên trong tiểu thuyết lịch sử đa diện, phức tạp. Bên cạnh việc khai thác nhân vật về lai lịch, ngoại hình, ngôn ngữ, hành động để làm nổi bật đặc điểm tính cách và số phận của nhân vật thì việc sử dụng các thủ pháp dòng ý thức, thủ pháp đồng hiện…đã góp phần đi sâu, khám phá thế giới nội tâm, đời sống tinh thần làm cho chân dung nhân vật hiện lên trong tiểu thuyết lịch sử một cách tự nhiên, chân thực và sinh động. Các nhà văn không còn tập trung xây dựng nhân vật theo tuyến tính mà thay vào đó là kiểu nhân vật mang “tính phức hợp, đa bình diện”. Nhân vật lịch sử không còn được đặt trong bầu “không khí vô trùng”, trong ánh hào quang, danh vọng, trong vinh quang chiến thắng mà được đặt dưới góc nhìn đời tư, được soi chiếu qua lăng kính của cuộc sống thường nhật. Sự nỗ lực đổi mới cách thức xây dựng nhân vật lịch sử theo hướng hiện đại hóa tiểu thuyết này đã khiến con người lịch sử hiện lên với tất cả sự chân thực và tự nhiên nhất. Sự đan kết linh hoạt, sáng tạo và tài hoa của nhà văn ở cách vận dụng các thủ pháp, kĩ thuật dòng ý thức, độc thoại nội tâm, dịch chuyển hay phối kết hợp điểm nhìn trần thuật…sự thật lịch sử và hư cấu được phối kết nhuần nhị đã làm nên giá trị và sức hút cho tác phẩm. Tiểu thuyết Hồ Quý Ly của Nguyễn Xuân Khánh, Giàn Thiêu của Võ Thị Hảo, Hội thề của Nguyễn Quang Thân, Tám triều vua Lý của Hoàng Quốc Hải, Đàn Đáy của Trần Thu Hằng…là sự kết hợp hài hòa khả năng xây dựng nhân vật trong tiểu thuyết lịch sử truyền thống và hiện đại, sự cách tân tư duy thể loại để tác phẩm trở nên năng động, linh hoạt và phù hợp với thị hiếu thẩm mỹ của độc giả. Lịch sử vốn còn nhiều ẩn giấu, khuất lấp sau lớp bụi mờ thời gian, trong quá trình sáng tạo tiểu thuyết lịch sử, nhà văn không chỉ cần tố chất người nghệ sĩ mà còn phải là nhà nghiên cứu có quan điểm lịch sử đúng đắn và tiến bộ. Bằng tác phẩm tiểu thuyết lịch sử của mình, nhà văn sẽ kiến giải về lịch sử bằng cái nhìn chân xác cùng sự chiêm nghiệm, suy tư, để giúp người đọc tiếp nhận tác phẩm dưới nhiều khía cạnh luận bàn, đánh giá…phù hợp với quan điểm của mình và xu hướng phát triển của thời đại. Chính vì thế, tư duy giải thiêng trong tiểu thuyết lịch sử ngày càng được chú trọng. “Giải thiêng trong tư duy hậu hiện đại là cái phi thần tượng hóa, vì vậy, nó cũng đồng thời gắn với tư duy phi sử thi” [53, tr. 273]. Việc giải thiêng lịch sử có thể dẫn tới hai khả năng là: hạ bệ thần tượng và đời thường hóa thần tượng, tức là nhìn con người dưới góc độ bản năng, con người đời thường. Tư duy giải thiêng lịch sử trong Hồ Quý Ly của Nguyễn Xuân Khánh, Sông Côn mùa lũ của Nguyễn Mộng Giác, Hội thề của Nguyễn Quang Thân, Giàn Thiêu của Võ Thị Hảo…mang đậm âm hưởng nhân bản và chất nhân văn, góp phần làm nên giá trị của tiểu thuyết lịch sử Việt Nam đương đại. 11 Không, thời gian nghệ thuật có sự chuyển biến, thích ứng với đặc trưng thể loại. Sự đổi mới về phương thức tự sự và kết cấu trần thuật đã góp phần khiến không, thời gian nghệ thuật trong tiểu thuyết lịch sử trở nên đa dạng, có chiều sâu hơn. Nếu ở tiểu thuyết nói chung, không gian tâm lý và không gian sự kiện thường gắn liền với kiểu thời gian nhân vật, thời gian tâm lí, thời gian đối thoại chiếm ưu thế thì ở tiểu thuyết lịch sử loại không gian sự kiện gắn liền với thời gian lịch sử là nét đặc trưng nổi bật, góp phần liên kết các chuỗi sự kiện một cách logic và phản ánh một cách chân thực lịch sử. Ngoài việc đảm bảo tính chân thật ở mức độ phản ánh so với hiện thực cuộc sống, không gian sự kiện trong tiểu thuyết lịch sử còn đảm bảo độ chân thật trong sự tương thích giữa chuỗi các sự kiện lịch sử với bối cảnh xã hội mà sự kiện lịch sử ấy đã từng diễn ra trong chính sử. Trong một “lát cắt lịch sử” với không gian hẹp là thành Đông Quan và vùng Kinh Bắc, trong một thời gian ngắn khoảng dăm bảy ngày trước sau trận Xương Giang lịch sử của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, Nguyễn Quang Thân đã tái hiện được cuộc đấu tranh giành ngôi vua và quyền bính đã âm ỉ ngay cả trong những ngày khói lửa, của nội bộ tướng lĩnh quân của Lê Lợi và Nguyễn Trãi làm nổi rõ thân phận của người tri thức giữa những mưu đồ chính trị khắc nghiệt trong Hội thề. Tương tự, chúng ta cũng có thể thấy trong các tiểu thuyết lịch sử như Tám triều vua Lí (Hoàng Quốc Hải), Nguyễn Du (Nguyễn Thế Quang), Hồ Quý Ly (Nguyễn Xuân Khánh)… Nếu trong tiểu thuyết lịch sử trước 1986 các nhà văn thường có cái nhìn tĩnh tại về quá khứ, coi trọng việc tái hiện chính xác sự kiện lịch sử mà ít chú ý đến tính hư cấu, khiến tiểu thuyết lịch sử thường thiên về chất truyện kể mà ít chất tiểu thuyết thì sau 1986, với quan niệm mới, tiểu thuyết lịch sử không còn coi lịch sử là cái đã hoàn thành, đóng khép, tĩnh tại mà nó là thứ đang chuyển động. Không còn là thứ chất liệu nhằm tô điểm thêm sự sinh động cho các sự kiện và nhân vật lịch sử. Những cứ liệu của lịch sử đã mà được chuyển hóa thành sản phẩm của sự hư cấu và mang đậm dấu ấn, cá tính sáng tạo của người nghệ sĩ. Nhà văn chú trọng “gia tăng chất tiểu thuyết với sự ưu tiên dành chỗ cho đời tư của con người, tăng cường tối đa tính hư cấu, tưởng tượng; gia tăng yếu tố ảo; tăng cường tính đối thoại, tranh biện, chú trọng cái nhìn đơn biệt, nhiều chiều và hướng đến sự đa dạng, đa diện” [53, tr. 276] như Mẫu Thượng Ngàn, Hồ Quý Ly của Nguyễn Xuân Khánh, Hội thề của Nguyễn Quang Thân, Nguyễn Du của Nguyễn Thế Quang, Nguyễn Thị Lộ của Hà Văn Thùy…Vì vậy, giúp cho tiểu thuyết lịch sử thoát khỏi lối mòn, công thức trong việc phản ánh hiện thực lịch sử, đem đến cái nhìn chân thực, sinh động và trọn vẹn hơn. Ngôn ngữ, giọng điệu trong tiểu thuyết lịch sử trở nên đa dạng, linh hoạt hơn. Việc sử dụng phong phú, hiệu quả các lớp ngôn ngữ trong tiểu thuyết lịch sử được nhà văn chú trọng hơn. “Tiểu thuyết lịch sử đương đại đã thoát khỏi lớp vỏ ngôn ngữ cũ kĩ, khuôn sáo như trước mà chú ý đến việc xử lý ngôn ngữ, do đó có sự đan cài, tương tác linh hoạt giữa các lớp ngôn ngữ: lớp ngôn ngữ quan phương, cổ kính, lớp ngôn ngữ 12 đời sống giản dị, nhiều màu sắc, lớp ngôn ngữ mang màu sắc triết luận đã tạo nên sự đa dạng hóa trong diễn ngôn lịch sử của tác phẩm” [60, tr. 463]. Các lớp ngôn ngữ này vừa là cách để nhà văn tái tạo, phục dựng gương mặt của thời đại, giúp người đọc khám phá lịch sử ở bề sâu của nó vừa là phương tiện khám phá bên trong đời sống các vương triều và tâm hồn con người, đồng thời bộc lộ kín đáo những suy ngẫm, quan điểm của nhà văn về quá khứ và hiện tại, tạo khoảng trống cho độc giả cùng chiêm nghiệm và lí giải về vấn đề đặt ra trong tác phẩm. Có thể thấy trong các tiểu thuyết lịch sử Việt Nam đương đại như Hồ Quý Ly, Mẫu Thượng Ngàn (Nguyễn Xuân Khánh), Bão táp triều Trần (Hoàng Quốc Hải), Sông Côn mùa lũ (Nguyễn Mộng Giác)… Sự đan xen, kết hợp các lớp ngôn từ cùng sự linh hoạt, uyển chuyển trong việc sử dụng câu văn, giọng điệu đã góp phần tái hiện sinh động không khí thời đại, dấu ấn của đời sống xã hội, văn hóa cũng như diện mạo, chân dung, tính cách con người của một thời đại lịch sử. Trong Hội thề của Nguyễn Quang Thân, Đàn đáy của Trần Thu Hằng, Giàn thiêu của Võ Thị Hảo…giữa ngôn ngữ cổ kính, quan phương cùng với ngôn ngữ đời thường, hiện đại kết hợp với giọng điệu đa thanh đã tạo ra sự hô ứng, tính hiệu năng, sự uyển chuyển cho tác phẩm, phù hợp với độc giả hiện đại. Có thể khẳng định, từ sau 1986 đến nay, bằng ý thức tìm tòi, sáng tạo và đổi mới của các nhà văn trong xu thế vận động không ngừng nghỉ của đời sống văn học nước ta và sự tiếp thu những phương thức kĩ thuật viết tiểu thuyết lịch sử của phương Tây, các nhà văn đã tạo nên sự đa dạng trong phương thức thể hiện cho tiểu thuyết lịch sử Việt Nam đương đại. Với những mới mẻ về nội dung phản ánh và phương thức thể hiện, tiểu thuyết lịch sử Việt Nam đương đại không chỉ mở ra những bí ẩn, góc khuất của lịch sử một cách thấu đáo và thuyết phục mà còn trở nên năng động và phong phú hơn trong phản ánh đa dạng đời sống lịch sử, xã hội, văn hóa. Tiểu thuyết lịch sử Việt Nam đương đại đã tạo được sự đột phá mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy sự phát triển thể loại tiểu thuyết lịch sử nói riêng, đời sống văn học nghệ thuật Việt Nam nói chung. 1.2. Trần Thuỳ Mai - Những con đường văn xuôi không ngừng sáng tạo 1.2.1. Từ truyện ngắn… Trưởng thành cùng thế hệ với Lý Lan, Nguyễn Thị Minh Ngọc, những người cầm bút đầu tiên sau chiến tranh, tính đến nay, đã gần bốn mươi năm cầm bút, Trần Thùy Mai đã có cho mình một “gia tài” với hàng trăm tác phẩm truyện ngắn được nhiều thế hệ bạn đọc yêu mến. Một số truyện ngắn nổi tiếng của Trần Thùy Mai như: Gió thiên đường, Thương nhớ Hoàng Lan, Mưa đời sau, Lửa hoàng cung, Thị trấn hoa quỳ vàng, Trăng nơi đáy giếng… đã được dịch sang tiếng Anh, tiếng Nhật, tiếng Pháp... Nhiều tác phẩm của nhà văn đã được chuyển thể thành kịch bản sân khấu hoặc dựng thành phim như Hãy khóc đi em (2005), Gió thiên đường, Thập tự hoa (2005), Trăng nơi đáy giếng (2009). Sáng tác của Trần Thùy Mai gồm nhiều tập truyện ngắn khác nhau. Có thể kể đến như Cỏ hát, Tập truyện ngắn đầu tay in chung với Lí Lan (Nhà xuất bản Tác
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan

Tài liệu vừa đăng

Tài liệu xem nhiều nhất