Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Nét văn hóa trong hát quan họ và tục kết bạn, kết chạ trong lễ hội xứ Kinh Bắc -...

Tài liệu Nét văn hóa trong hát quan họ và tục kết bạn, kết chạ trong lễ hội xứ Kinh Bắc - Bắc Ninh

.DOC
89
990
80

Mô tả:

LỜI CẢM ƠN Em xin chân thành cảm ơn Ban Giám hiệu trường Đại học Sư Phạm Hà Nội, Ban Chủ nhiệm khoa Giáo dục chính trị, tổ bộ môn Triết học đã tạo điều kiện cho em được làm khóa luận. Em xin gửi lời cảm ơn sâu sắc đến cô giáo, TS. Nguyễn Thị Thường đã trực tiếp hướng dẫn em một cách tận tình và chu đáo và có chỉ dẫn quý báu cho em trong suốt quá trình làm khóa luận. Em cũng gửi lời cảm ơn đến các cán bộ trong Trung tâm thông tin - thư viện trường Đại học Sư phạm Hà Nội, thư viện tỉnh Bắc Ninh, các chú, các bác ở Sở VHTT tỉnh Bắc Ninh và ở Trung tâm Văn hóa tỉnh Bắc Ninh đã tạo điều kiện cho em có được nguồn tài liệu quý báu để thực hiện khóa luận. Hà Nội, tháng 5 năm 2011 Sinh viên Trần Thị Thắm MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài Ai về kinh Bắc quê em Mà nghe quan họ mà xem làng nghề Quê em có nếp có nề Có câu quan họ có nghề cửi canh Đó là câu thơ nói về quê hương Kinh Bắc -Bắc Ninh, nơi mà ở đâu trong khắp các làng quê của vùng đất này cũng đầy ắp những kỉ niệm lịch sử được kết tinh trong những di sản văn hoá tiêu biểu. Trong đó phải kể đến những sáng tạo văn hóa quan họ với những phong tục, lề lối in đậm tinh thần nhân văn cao đẹp. Thông qua, những làn điệu và lời ca tài hoa, mượt mà, duyên dáng, tinh tế đã cho thấy một đời sống tinh thần vô cùng phong phú, rộng mở, một khả năng sáng tạo thưởng thức văn hóa nghệ thuật ở trình độ cao từ thời xa xưa của dân tộc Việt Nam. Vì thế, quan họ đã trở thành một di sản văn hóa đầy tự hào của người dân Kinh Bắc, là một biểu hiện rực rỡ của truyền thống văn hóa văn minh và nghệ thuật Việt Nam. Cùng với nghệ thuật Ca trù, Dân ca quan họ là một trong hai bộ môn âm nhạc truyền thống của vùng Đồng bằng Bắc Bộ đã được UNESCO công nhận là “kiệt tác văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại”. Quan họ là một hình thức sinh hoạt văn hóa, diễn xướng dân gian độc đáo hấp dẫn có giá trị nhân văn, giá trị nghệ thuật to lớn và có sức sống lâu bền trong lịch sử văn hóa Việt Nam. Quan họ đã ra đời và phát triển đến đỉnh cao tại các làng quê xứ Kinh Bắc xưa và nay thuộc hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang. Quan họ là hoạt động không thể thiếu trong các dịp lễ hội. Lễ hội được coi là môi trường hoạt động của các sinh hoạt văn hóa Quan họ. Trong các lễ hội đó, những hoạt động sống động và tiêu biểu nhất chính là ca hát quan họ và tục kết bạn, kết chạ giữa các làng quan họ. Tuy nhiên, hiện nay, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, việc hội nhập khu vực và quốc tế, phát triển kinh tế thị trường đã tạo nhiều cơ hội cũng như thách thức đối với việc bảo tồn và phát huy các giá trị và không gian Văn hóa Quan họ. Nhận thức được tầm quan trọng của văn hóa quan họ, cũng như việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa Quan họ, em đã chọn đề tài “Nét văn hóa trong hát quan họ và tục kết bạn, kết chạ trong lễ hội xứ Kinh Bắc Bắc Ninh” làm luận văn tốt nghiệp của mình. 2. Tình hình nghiên cứu của đề tài Trước cách mạng tháng Tám, dân ca quan họ chưa nhận được sự quan tâm đúng mực của các nhà khoa học. Những công trình sưu tầm, nghiên cứu thời kỳ này chủ yếu là các bài báo, bút ký xuất hiện rải rác. Đáng chú ý hơn là luận án tiến sĩ “Hát đối đáp nam nữ thanh niên”của Nguyễn Văn Huyên tại Đai học Sorbone, năm 1934 đã miêu tả những cuộc hội hè, những bài hát có kèm theo âm nhạc, phân tích nhịp điệu và các nhóm từ ngữ nêu lên quy luật phối hợp các yếu tố của lời hát và phân tích cơ chế ứng tác thơ ca. Bên cạnh việc miêu tả lễ hội các tác giả còn rút ra những nhận định về mối quan hệ giữa các tổ chức xã hội và ngày hội đối đáp. Năm 1962, nhóm tác giả Lưu Hữu Phước, Nguyễn Văn Phú, Nguyễn Viêm , Tú Ngọc cho ra mắt cuốn sách “Dân ca quan họ Bắc Ninh” . Đây là cuốn sách có quy mô lớn, mở ra chiều hướng cho các khám phá, nghiên cứu tiếp theo về dân ca Quan họ; tìm hiểu quê hương lề lối sinh hoạt quan họ và giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật. Năm 1972, Ty văn hóa Hà Bắc xuất bản cuốn “Một số vấn đề về dân ca Quan họ” tài liệu này có thể giúp người đọc có cái nhìn tổng quát về dân ca quan họ với nhiều phương diện khác nhau. Tìm hiểu sâu hơn về nguồn gốc và quá trình phát triển của dân ca Quan họ, nhóm tác giả Đặng Văn Lung, Hồng Thao, Trần Linh Quý cho ra mắt công chúng cuốn sách “Quan họ - nguồn gốc và quá trình phát triển” xuất bản năm 1978. Cùng lấy tên đề tài này, tác giả Đặng Văn Lung đã hoàn thành luận án phó tiến sĩ văn học. Năm 2005, Viện âm nhạc cho xuất bản cuốn “300 bài dân ca Quan họ Bắc Ninh” của cố nhạc sĩ Hồng Thao. Đây là công trình gồm 174 làn điệu Quan họ khác nhau và hơn 100 dị bản chọn lọc, tổng cộng là 300 bài dân ca Quan họ, trong đó có đủ giọng cổ (lề lối), giọng vặt và giọng giã bạn, được nhạc sĩ Hồng Thao sưu tầm, kí âm, sắp xếp hệ thống, chú giải một cách hết sức kỹ lưỡng trong hơn 20 năm. Năm 2006 vừa qua là năm được đánh giá là năm của Quan họ với nhiều hoạt động lớn nhằm tôn vinh và bảo tồn, phát huy dân ca Quan họ. Viện văn hóa thông tin kết hợp với Sở văn hóa thông tin Bắc Ninh tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Bảo tồn và phát huy dân ca trong xã hội đương đại (qua trường hợp Quan họ Bắc Ninh ở Việt Nam). Sau cuộc hội thảo lớn là tập kỷ yếu “Không gian văn hóa Quan họ Bắc Ninh - Bảo tồn và phát huy” ra đời, tập hợp hơn 50 tham luận của nhiều tác giả trong và ngoài nước. Hội thảo đã nêu bật được nội dung, lề lối sinh hoạt dân ca Quan họ, nghệ thuật âm nhạc Quan họ, đặc biệt nhấn mạnh sự tồn tại của Quan họ trong xã hội hiện đại và phương hướng bảo tồn, phát huy các giá trị của dân ca Quan họ trong trong xã hội ngày nay Cùng thời gian này, cuốn sách “Vùng văn hóa quan họ Bắc Ninh” đã ra mắt công chúng. Đây là kết quả của chương trình hợp tác giữa bộ văn hóa thông tin và Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bắc Ninh xây dựng bộ hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận Quan họ Bắc Ninh là kiệt tác di sản truyền miệng và phi vật thể của nhân loại. Cùng với những công trình nghiên cứu về dân ca Quan họ trên nhiều lĩnh vực như Âm nhạc, Văn học, Văn hóa…các nhà khoa học đã quan tâm nghiên cứu và công bố kết quả trong nhiều công trình khảo cứu như: “Địa chí Hà Bắc”, “Lễ hội xứ Bắc”, “Lễ hội Bắc Ninh”. Đáng chú ý là hội thảo khoa học: Hội Lim truyền thống và hiện đại ngay trên quê hương Bắc Ninh với 29 báo cáo của các nhà nghiên cứu, quản lý ở các cơ quan trung ương và địa phương. Tuy nhiên trong những tài liệu kể trên, chưa có đề tài nào nghiên cứu cụ thể, chuyên biệt về nét văn hóa trong hát quan họ và tục kết bạn, kết chạ ở lễ hội Bắc Ninh, cũng như chưa có cách tiếp cận và đánh giá dưới góc độ triết học về giá trị của văn hóa quan họ và ý nghĩa của nó trong đời sống tinh thần của người Việt hiện nay. Dựa trên những công trình trên, nhất là dựa theo các tài liệu của trung tâm Văn hóa – Thông tin tỉnh Bắc Ninh, em đã nghiên cứu và tổng hợp để hoàn thành khóa luận này. 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 3.1. Đối tượng nghiên cứu Các lễ hội Quan họ và sinh hoạt văn hóa Quan họ 3.2. Phạm vi nghiên cứu - Thời gian: Từ nguồn gốc, quá trình hình thành và phát triển quan họ Bắc Ninh - Không gian: Xứ Kinh Bắc xưa, chủ yếu là tỉnh Bắc Ninh ngày nay. 4. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu 4.1.Mục đích Đề tài này nhằm tìm hiểu nét văn hóa trong hát Quan họ và tục kết bạn, kết chạ ở lễ hội xứ Kinh Bắc - Bắc Ninh. Qua đó thấy được ý nghĩa của những giá trị văn hóa quan họ đối với đời sống tinh thần của người Việt hiện nay. 4.2. Nhiệm vụ Đề tài nghiên cứu nhằm giải quyết các nhiệm vụ sau: - Làm rõ nguồn gốc, quá trình hình thành và phát triển quan họ Bắc Ninh. - Làm rõ nét văn hóa trong hát Quan họ và tục kết bạn, kết chạ. - Tổng kết, đánh giá ý nghĩa của giá trị văn hóa Quan họ trong đời sống tinh thần của người Việt hiện nay. 5. Phương pháp nghiên cứu - Phương pháp phân tích - tổng hợp - Phương pháp Logic - Lịch sử - Phương pháp xã hội học - Phương pháp nghiên cứu liên ngành 6. Đóng góp về khoa học của đề tài Quan họ Bắc Ninh năm 2009 đã được công nhân là Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại nên thực hiện đề tài này tác giả có nguyện vọng góp một tiếng nói mang tính khoa học hòa chung với các công trình nghiên cứu trước đây về văn hóa Bắc Ninh - Kinh Bắc, nhằm làm sâu sắc hơn và góp phần quảng bá rộng rãi hơn các giá trị văn hóa Quan họ, làm phong phú thêm cho loại văn hóa phi vật thể này. 7. Kết cấu của đề tài: Ngoài phần mở đầu, phần kết luận, danh mục tài liệu tham khảo và phần nội dung với 2 chương 6 tiết. Chương 1: Nguồn gốc, quá trình hình thành, phát triển của hát quan họ và tục kết bạn, kết chạ trong lễ hội xứ Kinh Bắc, Bắc Ninh. Chương 2: Sinh hoạt văn hóa Quan họ và ý nghĩa của nó đối với đời sống tinh thần của người Việt hiện nay. NỘI DUNG Chương 1 NGUỒN GỐC, QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH, PHÁT TRIỂN CỦA HÁT QUAN HỌ VÀ TỤC KẾT BẠN, KẾT CHẠ TRONG LỄ HỘI XỨ KINH BẮC - BẮC NINH 1.1 . Vài nét về quê hương quan họ 1.1.1. Kinh Bắc - quê hương Quan họ Qua các thời kỳ lịch sử, quê hương quan họ có nhiều tên gọi và địa bàn rộng hẹp khác nhau nhưng quê hương ấy vẫn là một vùng đất rộng nằm ở phía Bắc sông Hồng và trong vùng văn hóa, văn minh châu thổ sông Hồng, sông Thái Bình. Bắc Ninh một tỉnh ở miền trung du Bắc Bộ, xưa là nơi phát tích của dân tộc Việt Nam. Khoảng từ thế kỷ X đến thế kỷ III trước thiên chúa, vào thời kỳ Hùng Vương, Bắc Ninh thuộc bộ Vũ ninh xứ Văn Lang. Theo sách Đại nam nhất thống chí thì đời Hán (202 trước Thiên chúa đến 220 sau thiên chúa) ở Trung Quốc, Bắc Ninh thuộc huyện Giao chỉ với hai huyện Luy Lâu và Long uyên (Gia Lâm); đời Trần (1225-1400) Bắc Ninh gọi là Bắc Giang lộ sau đổi thành Kinh bắc lộ. Mãi đến nhà Minh (1368 - 1644) ở Trung Quốc, sách sử mới ghi rõ địa dư của Bắc Ninh: năm thứ 5, niên hiệu Vĩnh –lạc (1407)Bắc Ninh gồm phủ Bắc Giang; châu Gia Lâm, Vũ Ninh, Bắc Giang; châu Gia Lâm có 3 huyện An Định, Tế Giang, Thiện Tài; châu Vũ Ninh gồm năm huyện Tiên Du, Vũ Ninh, Đông Ngàn, Từ Sơn, Yên Phong; châu Bắc Giang gồm 3 huyện: Tân Phúc, Thiện Thệ và Yên Việt. Theo Đại việt sử ký toàn thư, từ năm 1428 đến năm 1433, vua Lê Thái Tổ chia nước thành năm đạo và Bắc Ninh thuộc Bắc đạo; năm Quang thuận thứ 7 (1466) Lê Thánh Tông chia nước thành 13 đạo, gọi Bắc Ninh là đạo Bắc Giang; đến năm Quang Thuận thứ 10, đạo Bắc Giang lại đổi thành đạo Kinh Bắc ; đến đời Hồng Đức năm thứ 21 (1490) Lê Thánh Tông lại đổi thành xứ và gọi là xứ Kinh Bắc. Cũng theo Đại việt sử ký toàn thư, Gia Long (1802- 1819) sau khi lên ngôi chia nước làm 24 trấn, 4 doanh, 2 thành, gọi xứ Kinh Bắc là trấn Kinh Bắc và đến năm 1831 thì Minh Mạng đổi là tỉnh Bắc Ninh. Cái tên Bắc Ninh ngày nay chính thức là kết hợp giữa mấy tên: Vũ Ninh, Bắc Giang, Kinh Bắc. Một điều đáng chú ý là phong tục hát quan họ nằm ở mấy huyện Tiên Du, Võ Giang, Yên Phong, thuộc bắc phần Bắc Ninh, xưa gọi là bộ Vũ Ninh nước Văn Lang và châu Vũ Ninh dưới đời nhà Hồ , thời kỳ thuộc Minh. Quê hương quan họ còn là một vùng đất đặc biệt, một vùng đất nổi tiếng, một trong tứ trấn của Thăng Long ngàn năm văn vật xưa. Tính từ điểm cực Bắc đến điểm cực Nam đường thẳng chừng 72km; từ điểm cực Đông sang điểm cực Tây đường thẳng chừng 120km, chia làm 3 vùng rõ rệt: miền núi, trung du và đồng bằng, có các dòng sông Hồng, sông Đuống, sông Cầu, sông Thương chảy qua. Trên đất Bắc Ninh, Bắc Giang có 8 dân tộc chính sinh sống, đó là Việt (chiếm hơn 90%), Nùng, Tày, Cao Lan, Sán Chỉ, Sán Dìu, Dao, Hoa. Kinh Bắc được coi là cái nôi sinh thành của người Việt. Do nằm ở vị trí trung tâm đồng bằng Bắc Bộ, có hệ thống giao thông đường thủy bộ thuận lợi nên Kinh Bắc có mối quan hệ trao đổi giao thương với nhiều vùng của đất nước, kể cả nước ngoài như Trung Quốc, Ấn Độ, các nước Trung Á, Nam Á và một vài nước phương Tây. Luy Lâu là một trung tâm giao thương từ rất sớm ở Kinh Bắc, là trung tâm giao thương đầu tiên của nước ta với các nước láng giềng cả về kinh tế, văn hóa, tôn giáo. Kinh Bắc sớm trở thành một vùng kinh tế có thế mạnh toàn diện đồng bằng, trung du,miền núi. Trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, vùng đất kinh Bắc có vai trò vô cùng quan trọng, là “đất phên dậu phía Bắc của Thăng Long”. 1.1.2. Những đặc sắc văn hóa của quê hương quan họ * Một vùng văn hóa cội nguồn Mảnh đất Kinh Bắc nổi tiếng “Đất thiêng, người hiền”, “Trai tài gái sắc” là nơi có mật độ hết sức dày các di tích lịch sử, văn hóa và truyền thuyết kỳ diệu về các công tích dựng nước và giữ nước của nhiều thế hệ. Sông Cầu tức con sông Nguyệt Đức chảy qua Thị Cầu, là một nơi chứng kiến biết bao cuộc đọ tài quan họ; sông Tiêu Tương theo truyện cổ tích kể lại; là nơi xưa đã đã vang lên tiếng sáo yêu đương của chàng Trương Chi; ngòi Tào khê nay không còn nữa nhưng vẫn giữ mãi dấu vết trong lòng người với mấy câu ca dao quen thuộc: Đá mòn nhưng dạ chẳng mòn Tào Khê nước chảy vẫn còn trơ trơ Chùa Lim, đền Lý bát đế, chùa Bạch môn, đền Thánh Gióng, núi Phả Lại, núi Lạng Sơn, núi Thiên Thai … là những phong cảnh tuyệt vời, có nhiều di tích lịch sử, là đất “thanh lịch hữu tình” như các cụ ta thường nói . Bắc Ninh là một vùng đất trù mật có một nền kinh tế nông nghiệp và thủ công nghiệp phát triển từ lâu, nổi tiếng về gốm Bát Tràng, chum vại Thổ Hà, the lụa Phù lưu, nồi đồng Quế Dương …là nơi đã từng sản sinh ra các ông trùm phường họ về các nghề thủ công như Khổng Lộ đúc đồng, Trương trung ái đúc đồ gốm… Bắc Ninh là nơi giao lưu về mọi mặt, trao đổi hàng hóa giữa phương Nam, phương Bắc do đó có nhiều khách bốn phương tứ xứ đến tụ tập buôn bán. Bắc Ninh, quê hương của các vị vua Lý, nơi du ngoạn của của các vua chúa và là một trong những trung tâm văn hóa lâu đời của nước ta. Chỉ riêng đời nhà Lý đã có đến 160 người đỗ tiến sĩ (theo sách Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú). Hàn Thuyên, người làm thơ nôm đầu tiên của nước ta, cùng với nhiều nhà văn thơ khác như Hoàng Sĩ Khải, Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Gia Thiều, Cao Bá Quát đều là người của vùng quê hương quan họ. Bắc Ninh là quê hương của bà mẹ đại thi hào Nguyễn Du, là nơi nổi tiếng có những cô gái xinh đẹp, tình tứ. Với áo tứ thân màu nâu non, yếm thắm hoa đào, váy lưỡi trai bảy bức, răng đen hạt huyền, con mắt lá dong, những cô gái Bắc Ninh đã từng làm cho biết bao nhiêu chàng trai say đắm. Ỷ Lan phu nhân, nguyên phi của vua Thánh Tông nhà Lý chính là một cô gái hái dâu ở Siêu Loại (Bắc Ninh) tiêu biểu cho những cô gái đẹp đa cảm, tình tứ của vùng quê hương Quan họ. Tục truyền cô gái hái dâu mải mê theo đuổi những ý nghĩ thầm kín trong lòng đến nỗi xe vua đi qua mà cô vẫn dựa vào gốc cây lan không biết, không hay. Vua thấy thế lấy làm lạ và truyền vào cung và phong làm Ỷ Lan phu nhân. Nhưng cũng chính vì cái đẹp diễm tình như nàng Ỷ Lan mà biết bao cô gái xứ Kinh Bắc thủa xưa đã bị tuyển vào làm cung nữ trong cung điện của bọn vua chúa. Bắc Ninh, nơi sản sinh ra những câu chuyện thần thoại, vị anh hùng cứu nước Phù Đổng Thiên Vương, có một truyền thống anh dũng chống ngoại xâm trải qua bao nhiêu thế kỷ. Trong cuộc trường kỳ kháng chiến vừa qua, Bắc Ninh có những làng du kích kiểu mẫu như: Lang Tài, Đình Bảng… Đã từng làm cho giặc Pháp mất vía kinh hồn. Kinh Bắc cũng là một trong những cái nôi của các thể loại âm nhạc và sân khấu cổ truyền như hát ví , hát trống quân, cò lả, hát xẩm, hát ca trù, múa rối nước, chèo và tuồng…được coi là cội nguồn sinh sôi và nuôi dưỡng các loại hình âm nhạc nói chung và dân ca quan họ nói riêng. * Vương quốc của lễ hội Như ở trên đã nói, Bắc Ninh là đất nông nghiệp thịnh vượng, là một vựa thóc của miền Bắc, năm này qua năm khác “hòa cốc phong đăng” nên hội hè được nhân dân lao động mở ra khắp nơi sau ngày mùa, vào dịp những ngày thu và nhất là về mùa xuân, sau dịp tết Nguyên Đán, vào khoảng tháng Giêng là những ngày tương đối nhàn hạ nhất sau một năm canh tác. Hết hội đình, đến hội chùa được mở liên tiếp. Trong mỗi làng, hội đình và hội chùa thường được mở gần nhau. Vì thế những cuộc vui kéo dài (ở Xuân Ổ mùng 6 tháng Giêng Âm lịch hội chùa, mùng 8 tháng Giêng Âm lịch hội đình còn gọi là hội đám; ở Viên Xá hai hội làm cùng ngày ). Ở những nơi hội chùa và hội đình không sát ngày nhau thì thường để hội đình vào tháng 8 Âm lịch và hội chùa vào tháng Giêng Âm lịch. Ba tháng mùa xuân là thời điểm diễn ra nhiều lễ hội nhất: hơn 400 lễ hội diễn ra trong các tháng mùa xuân này, trung bình một ngày có đến 3, 4 lễ hội. Trong những ngày hội, có tổ chức các cuộc vui như kéo cờ ở Chã, hội chợ bán gà ở Dương Ổ, tục chém lợn ở Khả Lễ,… và đều có tổ chức sinh hoạt ca hát như: hát ví, hát trống quân, hát nhạc nhà tơ, kể hạnh, tuồng chèo, hát chầu văn, và đặc biết là hát quan họ. Ngoài sinh hoạt ca hát như trên còn có phường bát âm, phường tuồng ở Đình Bảng (Từ Sơn) với những cô gái duyên dáng, mặc áo “cào cào” nhiều màu, đội mũ kim tuyến, thắt lưng ra ngoài, mỗi bên vai có một cái đèn lồng vừa múa vừa hát trước cửa đình. Hội mùa ở Bắc Ninh thực sự là một sinh hoạt cộng đồng của nhân dân, có tác dụng rất lớn bồi dưỡng sức lực và tinh thần của nhân dân lao động sau một năm làm việc vất vả trên đồng ruộng. Đó cũng là một dịp mà tình cảm của người lao động được trao đổi với nhau trong một bầu không khí thoải mái và thân mật. Đứng về mặt dân ca mà nói, đó cũng là một dịp tạo điều kiện cho nghệ thuật ca hát, của nhân dân lao động được phát triển, đề cao và khuyến khích. Theo thống kê của Sở VHTT tỉnh Bắc Ninh thì ca hát quan họ có mặt ở gần một nửa trong tổng số hơn 500 lễ hội của Bắc Ninh. Đặc biệt là ca hát quan họ là hoạt động trung tâm của phần hội tại các lễ hội của 49 làng quan họ truyền thống trong đó nổi tiếng và thu hút nhất là các hội Lim, hội Diềm, hội Ó, hội Bồ Sơn, hội Đống Cao, hội Y Na, hội Bùi…. Đó là các lễ hội được coi là dành riêng tôn vinh sinh hoạt và ca hát quan họ. Sinh hoạt văn hóa quan họ và nghệ thuật dân ca quan họ là nghệ thuật diễn xướng của các lễ hội Bắc Ninh. Các lễ hội làng Bắc Ninh, nhất là các hội làng ở 49 làng quan họ, là động lực mạnh mẽ, bệ phóng lý tưởng để nghệ thuật ca hát quan họ nảy nở, thăng hoa. Mấy nét địa lý và lịch sử kể trên của Bắc Ninh cho ta thấy trên cơ sở một nền kinh tế nông nghiệp phồn thịnh, trù mật, một cội nguồn của văn minh Đại Việt - Thăng Long, một cửa ngõ giao lưu với nhiều nền văn hóa, một vương quốc của lễ hội… Quan họ, một sinh hoạt văn hóa dân gian đặc biệt đã nảy sinh, tồn tại, phát triển trên một vùng đất đặc biệt của đất nước và trong một không gian văn hóa tuyệt vời. 1.2. Nguồn gốc sinh hoạt văn hóa Quan họ 1.2.1. Một vài truyền thuyết về nguồn gốc và thời điểm ra đời của Quan họ Cho đến nay, tuy có nhiều công trình nghiên cứu kỹ lưỡng về Quan họ nhưng chúng ta vẫn chưa xác định được nguồn gốc và thời điểm ra đời của Quan họ. Dân ca quan họ có rất nhiều truyền thuyết về nguồn gốc và thời điểm ra đời. Theo sự tổng hợp của nhà nghiên cứu Đặng Văn Lung thì có tới 15 truyền thuyết và 2 câu ca lưu truyền trong dân gian Kinh Bắc về nguồn gốc và thời điểm ra đời của dân ca quan họ. Trong phạm vi của khóa luận xin nêu ra một vài truyền thuyết tiêu biểu. Truyền thuyết thứ nhất: theo các nghệ nhân quan họ kể lại đại ý như sau: Vua Hùng thứ 6 có người con gái xinh đẹp nết na khi đến tuổi cập kê nhưng không đoái hoài gì đến chuyện kén phò mã mà chí thích ngao du sơn thủy. Nàng xin vua cha 1 con thuyền và và tuyển chọn 49 cặp trai gái không cùng một dòng họ, hằng ngày xuôi ngược dòng sông Cầu để trồng lúa, trồng dâu. Một lần thuyền đang dong duổi trên sông thì dông bão bất ngờ kéo đến. Giông bão kéo con thuyền vào vùng hoang sơ. Công chúa cùng đoàn tùy tùng ở lại khai khẩn vùng đất hoang sơ này thành một vùng trù phú. Những lúc cùng đám tùy tùng trồng cây, hái quả hay khi thưởng nguyệt ngắm trăng công chúa đều dạy cho 49 cặp trai gái vui chơi, ca hát. Lúc đất đai được mở rộng cũng là lúc 49 cặp trai gái thuộc nhiều bài hát. Công chúa xe duyên cho họ rồi phân đất cho mỗi cặp ở một vùng riêng sau này thành 49 làng quan họ. Khi công chúa mất đi để tưởng nhớ công lao của bà, con cháu 49 cặp trai gái ở 49 làng quan họ đã đặt đền thờ ở làng Diềm, nơi bà ở và tôn vinh bà là vua Bà Thủy Tổ Quan Họ. Hàng năm cứ đến ngày 6/2 âm lịch, dân làng Diềm mở hội hát tại đền vua Bà, trước là xin Bà phù giúp cho dân làng an khang, thịnh vượng, sau là trai gái ca hát mừng xuân. Lối chơi này được đặt tên là hát Quan họ. Truyền thuyết thứ hai: Trong bài viết “Vài ý kiến sơ bộ về dân ca quan họ Bắc Ninh” đăng trên tạp chí Văn học số 5/1971, khi bàn đến nguồn gốc dân ca quan họ, nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Phan cho rằng có rất nhiều truyền thuyết về nguồn gốc dân ca quan họ, đáng chú ý nhất là truyền thuyết cho rằng dân ca quan họ nảy sinh từ tục kết nghĩa, giao hiếu giữa các làng Lũng Giang - Tam Sơn hay Diềm - Bịu. Theo ông, rất có thể từ những câu dân ca hát xướng đối đáp kết nghĩa, giao duyên thâu đêm suốt sáng của các làng kết chạ này mà theo họ Lý tức các “Quan viên họ Lý” theo cách gọi đương thời chuyển thành câu hát mừng nhà vua khi mỗi khi Người ngự thuyền về thăm quê hương Đình Bảng, Cổ Pháp. Khi nhà Trần tiếm ngôi nhà Lý, Vương triều mới muốn xóa những ảnh hưởng của Vương triều cũ trong lòng dân, kể cả việc bắt cả người trong tôn thất của họ Lý phải đổi sang họ Nguyễn. Song dân làng Đình Bảng và vùng Kinh Bắc đã từng tự hào về nhà Lý, nên đã tỏ lòng tưởng nhớ ngưỡng mộ. Cho nên họ khôn khéo lấy cụm từ “Quan họ Lý” (vua họ Lý) đặt tên cho lối hát dân ca của chính quê hương mình - một dòng dân ca đã từng hát trong những dịp mừng đón và tiễn đưa các “Quan họ Lý ” đầu xuân hàng năm, từ Thăng Long ngự thuyền rồng theo dòng sông Tiêu Tương về quê dâng hương tổ tiên. Nhưng điều đáng nói ở đây là cách dùng tên gọi theo lối chiết tự. Chữ “Lý” biểu tượng chính đặt tên cho làn điệu “Lý cây đa”, với ý nhà Lý như cây đa, còn chữ “Quan họ ” được gọi chung là lối sinh hoạt dân ca của vùng đó. Song ở phần láy phụ trong lời ca của một số làn điệu như “Giã bạn” thì cụm từ Quan họ Lý vẫn được nhắc tới đầy đủ …Hát về “Quan họ Lý” ư ôi ự Nhà nghiên cứu văn học dân gian Vũ Ngọc Phan trong bài viết “Mấy ý kiến sơ bộ về dân ca Quan họ” cho rằng:“ Cứ mỗi khi vua về thăm quê (châu Cổ Pháp ) thì những người trong họ Lý, mà người đương thời gọi là “Quan viên họ Lý ” đều đến ly cung và hát nhưng câu dân ca mà nhân dân trong cùng thường hát để mừng nhà vua. Từ đó nhân dân trong vùng thường hát để mừng nhà vua. Từ đó, nhân dân gọi là những câu hát dân gian ấy là “hát Quan họ”. Theo tác giả Quan họ là tiếng hát của quan viên họ Lý hát để mừng vua khi vua về thăm quê hương. Truyền thuyết thứ ba: Người làng Quả Cảm và Thị Cầu lại có truyền thuyết về quan họ là do một người con gái vừa cắt cỏ vừa hát những câu có khẩu khí trị bình thiên hạ: “Tay cầm bán nguyệt xêng xang Bao nhiêu cỏ cây lai hàng tay ta” Tiếng hát hay khiến Chúa Trịnh Sâm và quan quân đi du xuân phải họ lại (dừng xe) để nghe. Chúa Trịnh Sâm cảm tài sắc của cô gái cắt cỏ nên cho vời cô về làm vợ. Dân làng cho rằng tiếng hát tạo may mắn cho cô gái nên đua nhau ca hát gọi là quan họ. Cũng gần giống với truyền thuyết trên nhưng lại gắn với cuộc du xuân cầu duyên, cầu tự của Lý Thánh Tông qua vùng Cầu Lự, Siêu Loại (Thuận Thành ) và cô gái ấy là Ỷ Lan, sau này thành nguyên phi Ỷ Lan, rồi hoàng hậu, rồi hoàng thái hậu nhà Lý. Các truyền thuyết dân gian trên đều mang tính chất thần thoại, huyền thoại có không ít suy đoán hoang đường, phi lý nhưng tất nhiên cũng chứa đựng trong đó nhiều cơ sở hiện thực, duy lý quý giá. Bởi cho đến giờ vẫn chưa tìm thấy tài liệu lịch sử chính thức nào ghi về nguồn gốc quan họ nên khi nghiên cứu đều bắt đầu từ truyền thuyết. Xưa kia, mỗi làng tin theo truyền thuyết của vùng mình. Qua các truyền thuyết trên có thể tóm tắt về nguồn gốc của quan họ như sau: - Do vua bà con gái Hùng Vương truyền dạy - Là lối hát Đúm của họ nhà quan - Là tiếng hát hay làm quan viên hai họ lại (dừng lại) - Là tiếng hát hay tạo nên may mắn, hạnh phúc Về tên gọi “Quan họ” cũng có nhiều cách lý giải khác nhau. Cuốn Dân ca quan họ Bắc Ninh, nhiều tác giả, cho rằng:…Quan họ là danh từ kép. Trong ngôn ngữ dưới chế độ phong kiến dưới chữ họ với chữ phường là hai danh từ gần đồng nghĩa với nhau, chỉ một tập thể người hát nhất định. -… chữ phường thường dùng với nghĩa khinh miệt, chỉ những người cùng làm một nghề …không được coi trọng… - chữ họ thường dùng với ý nghĩa coi trọng, chỉ những người thuộc lớp trên của xã hội: Sĩ, nông, cùng sinh hoạt kết bạn với nhau,ví dụ: họ tư văn, họ võ phá, họ lợn, họ gạo, họ chọi gà…Các người trong họ Tư văn, họ võ phả gọi là quan viên họ tư văn, quan viên họ võ phả gọi tắt là Quan họ tư văn, Quan họ võ phả. Các quan cụ, quan trùm, quan đám, quan trong, quan anh, chính là các quan viên, lớp người có người quyền ăn nói… chữ quan trước kia dùng để chỉ các quan viên thực sự, nhưng đến sau này, bất cứ nam hay nữ hễ ai được tôn trọng đều được gọi là quan cả. Do đó, danh từ quan anh, quan chị, quan bác bắt đầu xuất hiện… Như vậy, các tác giả Dân ca quan họ Bắc Ninh cho Quan họ là danh từ kép chỉ nhóm người ca hát với ý nghĩa coi trọng, và lối hát, tiếng hát gắn liền với tập thể gọi là Quan họ nên cũng gọi là hát Quan họ. Tác giả Lê Thị Nhâm Tuyết trong cuốn “Mấy ý kiến về vấn đề tìm hiểu nguồn gốc dân ca Quan họ” thì không đồng ý với cách giải thích Quan họ là họ nhà quan, hoặc Quan họ dừng lại, hoặc là quan viên họ, tức là hội của lớp người nông dân có quyền ăn nói và cho cách giải thích ấy là “duy danh”, “thông tục”. Tác giả cho rằng từ quan không phải là một từ Hán - Việt vay mượn mà đã có từ thời Hùng Vương trong từ ghép “quan lang” là một từ Việt cổ trước khi nhập vào từ quan Hán Việt và có nghĩa là người đàn ông. Còn họ chỉ cộng đồng gắn theo máu mủ, huyết thống và đã có nhiều thời kỳ cộng đồng này mang ý nghĩa vai trò của những đơn vị xã hội (những công xã thị tộc), sau này thành những làng. Những người đàn ông trong họ (Quan họ) tách ra, dân mình (họ mình) về làng gốc chơi và hát theo tục lệ nên lối chơi và hát đấy cũng được gọi tên là hát Quan họ như trường hợp hát quan làng trong đám cưới của người Tày, Nùng. Quan họ như vậy chỉ một loại dân ca hát trong đám cưới. Có ý kiến cho rằng: Quan họ có chung nguồn gốc lâu đời với hát Lượn của người Tày, hát Đang của người Mường, hát Ghẹo ở Phú Thọ, hát Xoan ở Hạc Trì (Phú Thọ). Quan họ cùng có nguồn gốc như hát Thường Rang, Bọ Mẹng (Mường), hát Lượn (Tày), hát Hạn Khuống (Thái). Những ý kiến này muốn khẳng định nguồn gốc lâu đời của tiếng hát Quan họ. Nhưng các tác giả đều cho rằng lối chơi và tiếng hát Quan họ không ngừng biến đổi theo thời gian. Vì vậy hệ thống bài ca và lề lối hát Quan họ mà ta nhận biết được ngày hôm nay, về căn bản là những sản phẩm sáng tạo của những thế kỷ sau, nhất là những thế kỷ của thời kỳ phong kiến độc lập sau này: Thời Lý Trần (1010 – 1400 ); thời Lê, nhất là thời kỳ Lê Thánh Tông (thế kỷ XVI trở đi) và những năm đầu của thế kỷ 20 nghệ thuật chèo, nhà tơ, Cải Lương Nam Bộ, ca Huế…phát triển gia nhập vào Quan họ, khiến nhiều bài được quan họ cải biên từ hát chèo, từ hát nhả tơ, ca trù… Tuy nhiên, qua những bài Quan họ đã được sưu tầm có nhiều bài lời ca là những thơ lục bát. Theo Trần Việt Ngữ thì: hầu hết những câu trong những giọng lề lối đều có lời hát viết theo thể sáu, tám. Vậy Quan họ khó có thể ra đời trước khi nước ta có loại thơ này. Tới nay chúng ta cũng mới tìm thấy một số tài liệu văn học khoảng thế kỷ XVI có dùng thể thơ có dùng thơ sáu, tám. Trong khi đó lời ca của những bài ca được thừa nhận là giọng cổ nhất như Hừ La, La Rằng,Tình Tang, Cái hời cái ả đều ở thể thơ lục bát. Như thế lối hát giao duyên có tên là quan họ được hình thành sớm nhất ở thế kỷ XVI, trước thế kỷ XVI nó có thể gọi không phải là Quan họ. Còn theo nhà nghiên cứu Văn hóa Quan họ Lê Danh Khiêm cho rằng và “Sinh hoạt Văn hóa Quan họ bắt nguồn từ tục kết chạ giữa các làng xã” và “Sinh hoạt Văn hóa Quan họ ra đời từ thời kỳ phát triển kinh tế hàng hóa tiêu thủ công nghiệp, tiểu thương nghiệp”. Ông phân tích “ Khi nói Quan họ khởi nguồn từ tục kết chạ giữa các làng xã, cũng đồng nghĩa với việc nói rằng Quan họ ra đời khi con người trong các cộng đồng làng xã có nhu cầu mở rộng giao lưu và gắn bó mật thiết với nhau…Nói cách khác, Quan họ ra đời, tồn tại và phát triển chính là trên cơ sở nhu cầu tất yếu phải mở rộng giao lưu. Điều này chỉ thực sự xảy ra khi nền sản xuất không đơn thuần là tiểu nông, tự cung tự cấp và khép kín trong công xã mà trình độ sản xuất được nâng cao bằng việc phát triển kinh tế hàng hóa tiểu thủ công nghiệp ” [ 7; 39,40] Ông còn cho rằng “Tục thờ thần Thành hoàng - nguyên nhân chính dẫn tới tục kết chạ cũng ra đời từ thế kỷ XVII”. Như vậy, theo ông thì sinh hoạt văn hóa Quan họ ra đời sớm nhất là thế kỷ XVII. Như vậy, về nguồn gốc và thời điểm ra đời của Quan họ có nhiều ý kiến khác nhau và chưa thống nhất. Nhưng có thể khẳng định Quan họ là sinh hoạt văn hóa có từ lâu đời, có những bước phát triển, biến đổi không ngừng và xâm nhập vào đời sống tinh thần của người dân. 1.2.2. Tục kết bạn, kết chạ Quan họ Tục kết bạn quan họ là một nét nổi bật của sinh hoạt văn hóa quan họ. Từ gốc là các yếu tố của tục kết chạ giữa các làng, tục kết bạn đã trở thành tục lệ quan trọng hàng đầu với tất cả liền anh, liền chị, tất cả các bọn quan họ. Theo truyền thống của các làng quan họ, muốn hát quan họ thì trước hết phải thực hiện việc kết bạn. GS. Lê Văn Hảo cho biết: “Việc trai gái quan họ kết bạn với nhau bề ngoài giống như chuyện cưới xin, chỉ có khác là không lấy nhau thôi”. Trong lối chơi quan họ có câu: “Trai đi tìm gái, gái hát trước” và cũng theo phong tục, tập quán của người Việt Nam, tức là bọn trai phải chủ động đi tìm bọn nữ để kết bạn. Vì thế, một bọn trai làng nào muốn kết bạn với nữ làng kia thì phải tập hợp một số anh em biết hát và tìm một người lớn tuổi, hay hát cầm đầu, cứ mỗi bọn chừng 10 người. Việc kết bạn này thường diễn ra vào dịp các lễ hội, không khí đang vui tươi, bọn kia mang trầu cau và đồ lễ đến đình lễ thần và ra mắt quan viên trong làng, xin kết bạn quan họ với chị em bên đó, buổi lễ thần đó đốt pháo ăn khao như ngày cưới, như thế là cha anh làng đó công nhận cho con em làng mình kết bạn với làng kia. Sau khi kết bạn, hai bọn quan họ coi nhau như một gia đình. Một hình thức gia đình độc đáo “Gia đình quan họ” đã hình thành qua các cuộc kết bạn quan họ. Phần lớn các liền anh, liền chị đã kết bạn với nhau thì trở thành bạn của nhau suốt đời, không bao giờ chuyển tình bạn thành tình yêu để tiến tới hôn nhân để giữ mãi mối quan hệ thơ mộng như lý tưởng mà không sa vào cuộc sống gia đình bíu ríu với những lo toan vặt vãnh thức tế hằng ngày. Tục kết bạn quan họ có những chi tiết khác nhau giữa các làng: Có nơi, cùng một thời gian, nhóm quan họ này kết bạn với 2,3 nhóm Quan họ khác và sự kết bạn ấy đôi khi chỉ kéo dài vài, ba năm: Thị Cầu, làng Yên, Ngang Nội …rồi lại kết với nhóm khác. Có nơi hai nhóm nam nữ Quan họ đã kết bạn với nhau rồi thì không kết bạn với nhóm thứ 3 và có tục lệ không bao giờ lấy nhau, giữ đường đi lối lại trọn đời: Bồ Sơn - Y Na Có nơi như Diềm - Bịu, 2 nhóm đã kết bạn thì không kết bạn với nhóm thứ 3, không những thế, cả bên nam nữ mỗi bên còn gây dựng một nhóm em bé quan họ để dẫn dắt họ kết bạn với nhau, cứ thế hết thế hệ này đến thế hệ khác, hàng trăm năm, tạo dựng lên một tình bạn trọn đời. Những nhóm quan họ này thường có tục không lấy nhau thành vợ chồng. Có nơi chỉ có quan họ nam như Thị Cầu, Ngang Nội, Sen Hồ… nên chỉ mời kết bạn với quan họ nữ làng khác. Trong vùng Quan họ có thể kể một số cặp kết chạ như sau: Hòa Đình – Độ Xá Hòa Đình – Niềm Xá Hòa Đình – Trà Xuyên Hòa Đình – Đông Yên Bịu Trung – Phúc Đức Tam Tảo – Xuân Dục Tam Tảo – Tế Tam Tảo – Hồi Quan Trang Liệt – Đồng Kỵ Trang Liệt – Phù Khê Đình Bảng – Cẩm Giàng Phù Lưu – Hạ Giang Phù Lưu – Trùng Quán Ném Thượng – Ném Sơn Ném Thượng – Xuân Ổ Khả Lễ - Bái Uyên Khả Lễ - Bồ Sơn Ném Đông – Ném Đoài Ném Đông – Ném Tiền Ném Đoài – Ném Tiền Bồ Sơn – Y Na Lũng Giang – Tam Sơn Viêm Xá – Hoài Bão Thị Cầu – Cổ Mễ …. Việc kết bạn giữa các bọn Quan họ có nguồn gốc từ tục kết chạ giữa các làng. Tục kết chạ ra đời khi có công xã nông thôn với quan niệm xác định văn hóa của công xã nông thôn, chứ không phải sự san đôi thị tộc như nhiều người tưởng. Tuy nhiên, nguyên nhân dẫn đến kết chạ như nhiều người đã nói, thì chính lại dẫn từ tình nghĩa thị tộc xưa kia, muốn cho cuộc sống công xã nông thôn luôn thắm đượm tình thương yêu đùm bọc bình đẳng như hồi trước. Tình nghĩa đó một mặt được duy trì qua luật tục, một mặt được duy trì do thực tế cuộc sống trên đất Hà Bắc, với nền nông nghiệp ruộng nước của cư dân này. Tình nghĩa này ngày càng phát triển cho đến nay có một số tên gọi phù hợp với chặng đường phát triển này. - Kết chạ: Kết nghĩa giữa hai làng có tính chất truyền đời, các làng coi nhau như anh em, đặc biệt giúp đỡ nhau trong sản xuất. Tục kết chạ này hết sức bền vững, vì ngoài chức năng xã hội còn có chức năng thực hiện nghi lễ. - Kế ước” Là một sự phát triển về nội dung xã hội, nhằm mở rộng tinh thần ruột thịt ăn hèm trong công việc chống giặc, chống trộm cướp.
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan