Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Giáo dục - Đào tạo Cao đẳng - Đại học Luật Luận văn chế tài phạt vi phạm theo pháp luật thương mại việt nam...

Tài liệu Luận văn chế tài phạt vi phạm theo pháp luật thương mại việt nam

.PDF
83
1
139

Mô tả:

TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT TP. HỒ CHÍ MINH KHOA LUẬT THƯƠNG MẠI NGÔ MINH NHÀN CHẾ TÀI PHẠT VI PHẠM HỢP ĐỒNG THEO PHÁP LUẬT THƯƠNG MẠI VIỆT NAM CHUYÊN NGÀNH LUẬT THƯƠNG MẠI TP. HỒ CHÍ MINH – NĂM 2021 TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT TP. HỒ CHÍ MINH KHOA LUẬT THƯƠNG MẠI -------- KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP CỬ NHÂN LUẬT CHẾ TÀI PHẠT VI PHẠM HỢP ĐỒNG THEO PHÁP LUẬT THƯƠNG MẠI VIỆT NAM SINH VIÊN THỰC HIỆN: NGÔ MINH NHÀN KHÓA: 42 MSSV: 1753801011134 GIẢNG VIÊN HƯỚNG DẪN: ThS. LÊ VĂN TRANH TP. HỒ CHÍ MINH – NĂM 2021 LỜI CAM ĐOAN Tôi cam đoan: Khóa luận tốt nghiệp này là kết quả nghiên cứu của riêng tôi, được thực hiện dưới sự hướng dẫn khoa học của ThS. Lê Văn Tranh, đảm bảo tính trung thực và tuân thủ các quy định về trích dẫn, chú thích về tài liệu tham khảo. Tôi xin chịu hoàn toàn trách nhiệm về lời cam đoan này. Tác giả Ngô Minh Nhàn i DANH MỤC CHỮ VIẾT TẮT CHỮ VIẾT TẮT NỘI DUNG ĐƯỢC VIẾT TẮT BLDS Bộ luật Dân sự CISG Công ước Viên về mua bán hàng hóa quốc tế năm 1980 LTM Luật Thương mại Nxb. Nhà xuất bản ii MỤC LỤC PHẦN MỞ ĐẦU 1 CHƯƠNG 1. KHÁI LUẬN CHUNG VỀ PHẠT VI PHẠM TRONG PHÁP LUẬT THƯƠNG MẠI VIỆT NAM 7 1.1. Khái niệm, đặc điểm và ý nghĩa của chế tài phạt vi phạm trong pháp luật thương mại Việt Nam 7 1.1.1. Khái niệm chế tài phạt vi phạm trong thương mại 7 1.1.2. Đặc điểm của chế tài phạt vi phạm trong thương mại 9 1.1.3. Ý nghĩa của chế tài phạt vi phạm trong thương mại 12 1.2. Quy định về chế tài phạt vi phạm trong Luật Thương mại năm 2005 14 1.2.1. Căn cứ áp dụng chế tài phạt vi phạm 14 1.2.2. Mức phạt vi phạm 17 1.2.3. Các trường hợp miễn trách nhiệm 19 1.2.4. Mối quan hệ giữa chế tài phạt vi phạm với các chế tài thương mại khác 22 1.3. Quy định của pháp luật nước ngoài về chế tài phạt vi phạm trong thương mại 24 1.3.1. Hệ thống pháp luật Thông luật (Common Law) 24 1.3.2. Hệ thống pháp luật Châu Âu lục địa (Civil Law) 27 1.3.3. Các điều ước quốc tế 29 CHƯƠNG 2. THỰC TRẠNG ÁP DỤNG PHÁP LUẬT, MỘT SỐ VƯỚNG MẮC VÀ KIẾN NGHỊ HOÀN THIỆN 32 2.1. Thực trạng áp dụng pháp luật và một số vướng mắc về chế tài phạt vi phạm 32 2.1.1. Thực trạng và vướng mắc trong việc áp dụng quy định về mức phạt vi phạm và căn cứ để xác định giá trị phần phạt vi phạm 32 2.1.2. Thực trạng và vướng mắc trong vấn đề can thiệp, điều tiết của cơ quan tài phán đối với thỏa thuận phạt vi phạm 40 2.1.3. Một số vướng mắc khác trong quy định của pháp luật thương mại về chế tài phạt vi phạm 44 iii 2.2. Một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật về chế tài phạt vi phạm 48 2.2.1. Kiến nghị hoàn thiện quy định về mức phạt vi phạm và căn cứ để xác định giá trị phần phạt vi phạm 48 2.2.2. Kiến nghị hoàn thiện quy định về quyền can thiệp, điều tiết của cơ quan tài phán đối với thỏa thuận phạt vi phạm 52 2.2.3. Một số kiến nghị khác 54 KẾT LUẬN 57 DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO PHỤ LỤC iv PHẦN MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài Sau 35 năm đổi mới, kinh tế Việt Nam đã và đang phát triển mạnh mẽ với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Hòa cùng với xu thế toàn cầu hóa diễn ra nhanh và mạnh mẽ trên thế giới hiện nay, tại nước ta các hoạt động thương mại ngày càng nở rộ với nhiều hình thức khác nhau với phương thức chủ yếu là thông qua việc xác lập các hợp đồng trong thương mại. Cùng với đó xuất hiện ngày càng nhiều những trường hợp vi phạm từ các bên trong quan hệ hợp đồng đã trực tiếp hoặc gián tiếp làm ảnh hưởng đến quyền lợi của bên bị vi phạm. Trên cơ sở đó, nhằm đảm bảo thực hiện những cam kết, thỏa thuận đã đặt ra giữa các bên cũng như có thể khắc phục được những thiệt hại tổn thất có thể xảy ra khi có hành vi vi phạm hợp đồng thương mại thì các chế tài đối với hành vi vi phạm hợp đồng cũng ngày càng được hoàn thiện trong pháp luật thương mại của Việt Nam. Có thể nói, Luật Thương mại (LTM) năm 2005 là văn bản pháp luật chuyên ngành quy định những vấn đề trong việc điều chỉnh quan hệ phát sinh trong các hoạt động thương mại giữa các chủ thể. Trong số những vấn đề được quy định, LTM năm 2005 đã xây dựng một hệ thống các quy định về các chế tài thương mại tương đối hoàn chỉnh. Đó là sự giao thoa, dựa vào đặc điểm riêng của kinh tế - xã hội Việt Nam và tiếp thu kinh nghiệm từ các hệ thống pháp luật nổi bật trên thế giới xoay quanh vấn đề về chế tài. Trong số các loại chế tài thương mại được quy định, chế tài phạt vi phạm được xem như là một sự chủ động của các bên đối với quan hệ hợp đồng trong thương mại. Chế tài này đã và đang thật sự phổ biến, xuất hiện ngày càng nhiều trong các hợp đồng trong thương mại, góp phần làm cho hợp đồng được thực hiện một cách nghiêm chỉnh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp giữa các bên trước các hành vi vi phạm nghĩa vụ đã cam kết thực hiện trong hợp đồng. Tuy nhiên, qua quá trình hơn 15 năm áp dụng LTM năm 2005 và đặc biệt là quy định về chế tài phạt vi phạm trong luật này đã cho thấy những hạn chế, vướng mắc trong quy định. Thực tiễn áp dụng các quy định về chế tài phạt vi phạm vẫn còn tồn tại nhiều quan điểm khác nhau. Điều này cho thấy quy định về chế tài phạt vi phạm là một vấn đề khá phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến quyền và lợi ích giữa các bên trong quan hệ hợp đồng và việc giải quyết các tranh chấp thương mại tại các cơ quan tài phán. Việc pháp luật tồn tại những bất cập, vướng mắc về chế tài phạt vi phạm có thể làm quyền và lợi ích của các bên trong hợp đồng bị xâm phạm nếu không được bảo vệ một cách hiệu quả thông qua các quy định của pháp luật 1 Chính thực trạng trên đã đặt ra yêu cầu nghiên cứu một cách toàn diện và sâu sát đối với vấn đề về chế tài phạt vi phạm trong pháp luật về thương mại Việt Nam, cần có cách hiểu đúng đắn về quy định của pháp luật cũng như nhìn nhận một cách khách quan thực tiễn áp dụng pháp luật về chế tài phạt vi phạm hiện nay. Qua việc thực hiện khóa luận tốt nghiệp, tác giả mong muốn góp một phần nhỏ nhằm làm sáng tỏ một số vấn đề lý luận và thực tiễn, cũng như đưa ra một số giải pháp khắc phục hạn chế đang tồn tại về vấn đề phạt vi phạm theo quy định của pháp luật thương mại Việt Nam. Với tinh thần đó, tác giả mạnh dạn chọn đề tài “Chế tài phạt vi phạm theo pháp luật thương mại Việt Nam” để thực hiện khóa luận tốt nghiệp của mình. 2. Tình hình nghiên cứu đề tài Trước khi thực hiện nghiên cứu đề tài này, tác giả đã tiến hành tổng hợp các công trình nghiên cứu có liên quan từ nhiều nguồn khác nhau. Trong số đó có thể kể đến một số bài viết, công trình nghiên cứu, ấn phẩm nổi bật có liên quan đến chế tài phạt vi phạm như sau: - Nguyễn Thị Thùy Mỵ (2009), Phạt vi phạm theo pháp luật Việt Nam, Khóa luận tốt nghiệp, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh; Võ Thị Ngọc Hạnh (2014), Chế tài phạt vi phạm theo pháp luật thương mại Việt Nam, Khóa luận tốt nghiệp, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh; Nguyễn Thế Đức Tâm (2015), Chế tài phạt vi phạm thương mại từ góc nhìn quản trị và Luật So sánh, Khóa luận tốt nghiệp, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh; Mai Thị Thảo (2019), Chế tài phạt vi phạm theo quy định của Luật Thương mại 2005, Khóa luận tốt nghiệp, Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh: Khóa luận tốt nghiệp của các tác giả trên đã phân tích và diễn giải chế tài phạt vi phạm ở nhiều góc độ khác nhau, có nhiều cái nhìn đa dạng trong việc đi sâu làm rõ những vướng mắc của quy định này. Bên cạnh đó, đối với riêng đề tài khóa luận tốt nghiệp của tác giả Nguyễn Thế Đức Tâm là một bước nghiên cứu mới mẻ, mở ra những hướng đi tích cực trong việc tìm hiểu và vận dụng các quy định của pháp luật nước ngoài trong việc hoàn thiện quy định về chế tài phạt vi phạm trong pháp luật thương mại Việt Nam. - Đỗ Văn Đại (2018), Luật hợp đồng Việt Nam – Bản án và bình luận án (tập 2), Nhà xuất bản (Nxb.) Hồng Đức – Hội Luật gia Việt Nam: Tác giả tập trung nghiên cứu, phân tích và bình các vấn đề quy định về hợp đồng trong pháp luật Việt Nam thông qua việc tìm hiểu các bản án thực tế. Trong ấn phẩm này, tác giả dành một dung lượng tương đối để phân tích về các chế tài trong thương mại trong đó có chế tài phạt vi phạm. 2 - Lê Văn Tranh (2018), Luận giải về phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại theo Luật Thương mại Việt Nam, Nxb. Tư pháp: Tác giả đã tập trung phân tích một cách chuyên sâu hai chế tài phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại, đồng thời tác giả cũng đã nêu ra những quan điểm của mình trong việc nhận xét, kiến nghị hoàn thiện những bất cập, vướng mắc của pháp luật đặc biệt là đối với chế tài phạt vi phạm. - Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh (2012), Giáo trình pháp luật về thương mại hàng hóa và dịch vụ, Nxb. Hồng Đức – Hội Luật gia Việt Nam: Giáo trình cung cấp những kiến thức cơ bản về pháp luật thương mại Việt Nam, trong đó có đề cập đến việc phân tích các vấn đề liên quan đến chế tài phạt vi phạm. - Một số công trình nghiên cứu khác của các học giả nước ngoài như: Lucinda Miller (2004), “Penalty Clause in England and France: A Comparative Study”, International and Comparative Quarterly, số 53; Tadas Klimas (2008), “A comparative analysis of Lake River: The true attitude of the Continental Law towards penalties, Annual Journal of the Faculty of Law of the University Estacio de Sa, Rio de Janeiro, Brazil, số 11: Trong các công trình nghiên cứu này, các tác giả chủ yếu phân tích chế tài phạt vi phạm thông qua việc chỉ ra những sự khác biệt trong quy định giữa pháp luật của các quốc gia Thông luật và Dân luật. - Ngoài ra còn có một số bài viết liên quan đến chế tài phạt vi phạm được đăng tải trên các ấn phẩm tạp chí về pháp luật nổi tiếng như: Dương Anh Sơn, Lê Thị Bích Thọ (2005), “Một số ý kiến về phạt vi phạm do vi phạm hợp đồng theo quy định của pháp luật Việt Nam”, Tạp chí khoa học pháp lý, số 1/2005; Nguyễn Việt Khoa (2011), “Chế tài phạt vi phạm theo Luật Thương mại năm 2005”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 14/2011; Đồng Thái Quang (2014), “Chế tài phạt vi phạm theo Luật Thương mại 2005 – một số vướng mắc về lý luận và thực tiễn”, Tạp chí Tòa án nhân dân, số 20/2014; Thanh Huyền (2017), “Phạt vi phạm trong kinh doanh thương mại”, Tạp chí Kiểm sát, số 04/2017; Nguyễn Thị Thanh Huyền (2017), “Bản chất pháp lý của thỏa thuận trước về việc trả một khoản tiền xác định khi có hành vi vi phạm hợp đồng”, Tạp chí Khoa học pháp lý, số 4 (107)/2017; Nguyễn Thế Đức Tâm (2017), “Chế tài phạt vi phạm dưới góc độ kinh tế học pháp luật”, Tạp chí Tòa án nhân dân, số 23/2017; Đinh Văn Cường (2020), “Thực trạng pháp luật và một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật về chế tài phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng và mối quan hệ giữa hai chế tài”, Tạp chí Khoa học Kiểm sát, số 03/2020,… và nhiều bài viết trên các trang thông tin điện tử, tạp chí điện tử khác. Như vậy, cho đến nay đã có khá nhiều đề tài, bài viết tạp chí chuyên ngành đã nghiên cứu về chế tài phạt vi phạm. Các tài liệu này cung cấp nhiều vấn đề lý luận và 3 thực tiễn cũng như nhiều góc nhìn và quan điểm pháp lý khác nhau về vấn đề này. Đây là những tài liệu rất hữu ích để tác giả tham khảo và hoàn thiện khóa luận tốt nghiệp. 3. Mục đích nghiên cứu của đề tài Thông qua việc nghiên cứu đề tài, tác giả muốn làm sáng tỏ những vấn đề sau đây: Thứ nhất, khóa luận phân tích dựa trên cơ sở lý luận kết hợp với quy định của pháp luật thương mại Việt Nam để làm rõ các vấn đề liên quan đến khái niệm, đặc điểm, ý nghĩa các quy định của LTM Việt Nam hiện hành về chế tài phạt vi phạm. Thứ hai, khóa luận liên hệ với pháp luật của một số quốc gia trên thế giới quy định về chế tài phạt vi phạm. Từ đó có cái nhìn khái quát nhất về pháp luật của các quốc gia cũng như kinh nghiệm làm luật, làm tiền đề cho những kết luận tiếp theo về việc đề xuất các vấn đề hoàn thiện hơn quy định này. Thứ ba, khóa luận tổng hợp, phân tích, đánh giá thực trạng áp dụng chế tài phạt vi phạm trong thương mại từ đó nên ra được những vướng mắc, khó khăn hiện nay trong việc áp dụng chế tài này theo quy định của pháp luật. Thứ tư, khoá luận đưa ra một số kiến nghị về áp dụng và hoàn thiện pháp luật, nhằm tạo cơ sở để áp dụng chế tài phạt vi phạm cũng như giải quyết những tranh chấp thương mại có liên quan một cách linh hoạt và hiệu quả nhưng vẫn bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể. 4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu đề tài Chế tài phạt vi phạm là một vấn đề pháp lý khá rộng, đây là chế tài về trách nhiệm chung đối với các hợp đồng về dân sự nên BLDS năm 2015 đã có những quy định đề cập về vấn đề này. Ngoài ra không chỉ giới hạn trong khuôn khổ BLDS, chế tài phạt vi phạm còn được quy định ở các văn bản luật chuyên ngành khác nhau như LTM năm 2005; Luật Xây dựng năm 2014 sửa đổi, bổ sung năm 2020,… Trong những văn bản luật khác nhau, chế tài phạt vi phạm được quy định một cách cụ thể cơ bản vẫn theo tinh thần chung của BLDS từ năm 2005 đến nay. Tuy vậy các quy định vẫn có những khác biệt nhất định. Đề tài với một phạm trù rộng, vì thế trong giới hạn phạm vi khóa luận tác giả chỉ tập trung nghiên cứu một số vấn đề pháp lý nổi bật về chế tài phạt vi phạm trong LTM năm 2005 của Việt Nam. Bên cạnh đó để làm sáng tỏ vấn đề thì đề tài đã có những liên hệ với quy định tại BLDS 2015 để làm rõ hơn về những quy định chung và có cái nhìn so sánh giữa quy định chung và riêng liên quan đến vấn đề phạt vi phạm. Song song với mục đích đó, đề tài cũng dành một 4 phần dung lượng để nghiên cứu phân tích các quy định của pháp luật nước ngoài về chế tài phạt vi phạm. Do giới hạn phạm vi khóa luận, tác giả chỉ tập trung phân tích những quy định về phạt vi phạm trong LTM, nội dung chính liên quan đến hợp đồng mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ (không bao gồm hợp đồng dịch vụ giám định và hợp đồng xây dựng). 5. Phương pháp tiến hành nghiên cứu Đề tài sử dụng và phối hợp một cách linh hoạt nhiều phương pháp nghiên cứu khác nhau trên cơ sở vận dụng phương pháp duy vật biện chứng và phương pháp duy vật lịch sử của chủ nghĩa Mác – Lênin. Qua đó, tác giả có thể đưa ra được cách nhìn nhận khách quan, toàn diện, tránh phiến diện, chủ quan, thể hiện tư duy nhận thức pháp luật và thực tiễn, cụ thể như sau: − Phương pháp phân tích – tổng hợp: được sử dụng linh hoạt trong việc nghiên cứu các các vấn đề lý luận chung ở Chương 1 và thực trạng, vướng mắc của pháp luật ở Chương 2. Phương pháp này nhằm làm rõ các quan điểm pháp lý, quy định pháp luật; qua đó hình thành các khái niệm, đặc điểm, ý nghĩa của chế tài phạt vi phạm một cách rõ ràng, chính xác; làm rõ bản chất từng quy định pháp luật, điều kiện áp dụng. − Phương pháp so sánh – đối chiếu: được sử dụng để so sánh giữa pháp luật thương mại Việt Nam qua từng thời kỳ lịch sử nhằm làm rõ sự tương quan, có cái nhìn so sánh giữa luật chung và luật chuyên ngành, so sánh giữa pháp luật Việt Nam và pháp luật các nước trên thế giới như: Pháp, Hoa Kỳ,… về quy định của chế tài phạt vi phạm được thực hiện ở Chương 1; so sánh làm rõ những điểm khác nhau và giống nhau trong thực tiễn áp dụng của Toà án thông qua các bản án cũng như các quan điểm của các nhà nghiên cứu với quy định của pháp luật hiện hành về chế tài phạt vi phạm, từ đó rút ra giải pháp để khắc phục những vướng mắc, bất cập của quy định hiện hành trong Chương 2. − Phương pháp suy luận – logic: được sử dụng trong toàn bộ khóa luận, giúp tiếp cận các quan điểm, thông tin liên quan có được trong quá trình đánh giá các ý kiến của các tác giả, chuyên gia, các quyết định của Tòa án trong quá trình giải quyết các vụ việc liên quan. Ngoài ra, phương pháp này còn giúp liên kết, xâu chuỗi các lập luận, thông tin trong các tài liệu tham khảo và thực tiễn. Qua đó, tác giả có thể đưa ra những nhận định đúng đắn cho các đề xuất của mình. 5 6. Bố cục tổng quát của khóa luận Ngoài phần mở đầu, danh mục tài liệu tham khảo và phụ lục, khóa luận được kết cấu thành hai chương, bao gồm: Chương 1: Khái luận chung về phạt vi phạm trong pháp luật thương mại Việt Nam; Chương 2: Thực trạng áp dụng pháp luật, một số vướng mắc và kiến nghị hoàn thiện. 6 CHƯƠNG 1 KHÁI LUẬN CHUNG VỀ PHẠT VI PHẠM TRONG PHÁP LUẬT THƯƠNG MẠI VIỆT NAM 1.1. Khái niệm, đặc điểm và ý nghĩa của chế tài phạt vi phạm trong pháp luật thương mại Việt Nam 1.1.1. Khái niệm chế tài phạt vi phạm trong thương mại Điều 300 LTM năm 2005 quy định: “Phạt vi phạm là việc bên bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm trả một khoản tiền phạt do vi phạm hợp đồng nếu trong hợp đồng có thoả thuận, trừ các trường hợp miễn trách nhiệm…”. Về nguyên tắc, phạt vi phạm là một biện pháp chế tài trong LTM 2005 của Việt Nam. Về lý luận, chế tài được hiểu là một trong những biện pháp quan trọng để đảm bảo cho các quy định của pháp luật được thực hiện nghiêm minh. Chế tài là một biện pháp trừng phạt mà các chủ thể có thẩm quyền áp dụng đối với các chủ thể vi phạm pháp luật1. Chế tài theo định nghĩa được nêu trong Từ điển Tiếng Việt đó là “Biện pháp cưỡng chế nhà nước có thể được áp dụng nhằm đảm bảo việc thực hiện các quy định của pháp luật”2. Phạt vi phạm là chế tài tiền tệ nhằm trừng phạt, phòng ngừa vi phạm hợp đồng giữa các bên, đảm bảo sự lành mạnh trong quan hệ hợp đồng3. Chế tài phạt vi phạm mang tính chất dân sự nhiều hơn và không mang tính chất cưỡng chế can thiệp của nhà nước cho đến khi phát sinh tranh chấp. Chế tài phạt vi phạm là một dạng trách nhiệm vật chất bất lợi được đặt ra để đảm bảo việc thực hiện hợp đồng theo thỏa thuận giữa các bên được thực hiện một cách nghiêm túc. Bất kỳ hành vi vi phạm hợp đồng nào nếu có thỏa thuận đều bị áp dụng chế tài này bởi bên bị vi phạm. Thỏa thuận về chế tài phạt vi phạm là một thỏa thuận dân sự, vì thế thỏa thuận phạt vi phạm phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện có hiệu lực của một thỏa thuận dân sự theo quy định của BLDS hiện hành4. Việc có thỏa thuận phạt vi phạm trong hợp đồng là một điều kiện tiên quyết để các chủ bên có thể áp dụng chế tài phạt vi phạm. Trong trường hợp các bên không thỏa thuận về vấn đề phạt vi phạm trong hợp đồng, nếu có hành vi vi phạm hợp đồng xảy ra thì sẽ không được quyền yêu cầu phạt vi phạm5. Trường Đại học Luật Hà Nội (2009), Giáo trình Lý luận nhà nước và pháp luật, Nxb. CAND Hà Nội, tr. 391. Viện Ngôn ngữ học (2003), Từ điển Tiếng Việt, Nxb. Đà Nẵng, tr.50. 3 Thanh Huyền (2017), “Phạt vi phạm trong kinh doanh thương mại”, Tạp chí Kiểm sát, số 04/2017, tr.44. 4 Điều 117 BLDS năm 2015 5 Vấn đề này sẽ được giải thích cụ thể tại Mục 1.2 của khóa luận. 1 2 7 Nếu như thỏa thuận về vấn đề phạt vi phạm là một điều kiện cần tiên quyết của việc áp dụng chế tài này thì việc có hành vi vi phạm hợp đồng của các bên được xem là điều kiện đủ để phát sinh yêu cầu phạt vi phạm. Theo Đại từ điển Tiếng Việt, “Hành vi là cách cư xử trong một hoàn cảnh nhất định được biểu thị bằng lời nói, cử chỉ, hành động nhất định”6, “Vi phạm là làm trái các quy định”7. Khoản 12 Điều 3 LTM năm 2005 cũng đưa ra định nghĩa một cách đầy đủ về vi phạm hợp đồng là việc một bên không thực hiện, thực hiện không đầy đủ hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ theo thoả thuận giữa các bên hoặc theo quy định của Luật Thương mại năm 2005. Như vậy dấu hiệu của vi phạm hợp đồng là không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc thực hiện không đầy đủ các nghĩa vụ hợp đồng. Tuy nhiên không phải bất cứ hành vi vi phạm hợp đồng nào cũng đều là điều kiện để phát sinh quyền yêu cầu áp dụng chế tài phạt vi phạm. Điều 294 LTM năm 2005 quy định về các trường hợp miễn trách nhiệm đối với hành vi vi phạm. Quy định về miễn trách nhiệm này được xem là một cứu cánh đối với bên vi phạm trong trường hợp họ vi phạm hợp đồng với nguyên nhân rơi vào các trường hợp miễn trách nhiệm được quy định. Bất kỳ hành vi vi phạm hợp đồng nào nếu chứng minh được thuộc trường hợp miễn trách nhiệm thì chế tài phạt vi phạm xem như được miễn. Với quy định trong LTM năm 2005, chế tài phạt vi phạm là một loại chế tài mang tính chất bổ sung và hoàn toàn độc lập với các loại chế tài khác. Chế tài phạt vi phạm có chức năng quan trọng trong việc đảm bảo hợp đồng được thực hiện một cách nghiêm chỉnh, có tính chất răn đe hạn chế những hành vi vi phạm hợp đồng xảy ra. Khi một hành vi vi phạm hợp đồng phát sinh, chế tài phạt vi phạm được xem một một hình thức trừng phạt đối với bên vi phạm. Điều này rõ ràng phân biệt được giữa tình chất của chế tài phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại. Đều là những chế tài về tiền tệ, đều phát sinh do có hành vi vi phạm hợp đồng xảy ra, tuy nhiên đối với chế tài bồi thường thiệt hại lại mang tính chất bồi thường, khắc phục những tổn thất xảy ra trên thực tế do hành vi vi phạm gây ra hơn là răn đe, trừng phạt. Một điểm quan trọng nữa đó là theo quy định của LTM năm 2005, chế tài phạt vi phạm chỉ phát sinh khi có thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng. Còn chế tài bồi thường thiệt hại là một loại chế tài được áp dụng một cách đương nhiên nếu chứng minh được thiệt hại trên thực tế. Từ những phân tích trên, có thể thấy rằng chế tài phạt vi phạm trong thương mại là một loại chế tài được các chủ thể thỏa thuận với nhau trong hợp đồng nhằm mục đích chủ yếu là đảm bảo cho việc thực hiện hợp đồng được diễn ra đúng thỏa 6 7 Trung tâm Ngôn ngữ và Văn hóa Việt Nam (1999), Đại từ điển Tiếng Việt, Nxb. Văn hóa – Thông tin, tr.781. Trung tâm Ngôn ngữ và Văn hóa Việt Nam, tlđd (6), tr.1811. 8 thuận, ngăn ngừa, răn đe và trừng phạt đối với những hành vi vi phạm hợp đồng. Theo đó, bên vi phạm nghĩa vụ hợp đồng sẽ phải phải trả một khoản tiền cho bên bị vi phạm8. 1.1.2. Đặc điểm của chế tài phạt vi phạm trong thương mại Chế tài phạt vi phạm trong thương mại có những đặc trưng pháp lý mang bản chất của một chế tài dân sự. Tác giả đưa ra năm đặc điểm cơ bản của chế tài phạt vi phạm trong thương mại cụ thể như sau: Thứ nhất, chế tài phạt vi phạm là một loại chế tài trong thương mại, được quy định trong LTM. Đây là một loại chế tài mang tính thỏa thuận, tùy nghi. LTM năm 2005 quy định chỉ phát sinh chế tài phạt vi phạm nếu như trong hợp đồng có thỏa thuận về loại chế tài này9. “Điều này có ý nghĩa để phân biệt với những trách nhiệm vật chất ngoài hợp đồng khác”10. Chế tài phạt vi phạm được hình thành trên cơ sở thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng nhằm đảm bảo cho việc thực hiện hợp đồng. Thỏa thuận về chế tài phạt vi phạm trong hợp đồng giữa các bên là một loại thỏa thuận dân sự, được hình thành trên nguyên tắc tự nguyện và bình đẳng giữa các bên trong khuôn khổ của pháp luật. Ý chí của các bên trong quan hệ thỏa thuận này hoàn toàn độc lập. Điều 385 BLDS năm 2015 quy định: “Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên trong việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự”. Có thể thấy chế tài phạt vi phạm được thỏa thuận trong hợp đồng là một loại nghĩa vụ dân sự. Tuy nhiên đây là một dạng nghĩa vụ dân sự “có điều kiện”, nghĩa vụ này chỉ phát sinh khi có một bên có hành vi vi phạm hợp đồng là hành vi áp dụng chế tài phạt vi phạm do các bên thỏa thuận trong hợp đồng trước đó. Pháp luật thương mại Việt Nam hiện nay coi phạt vi phạm là một trong những điều khoản của hợp đồng nhưng không phải là điều khoản bắt buộc11. Thứ hai, chế tài phạt vi phạm được áp dụng khi có hành vi vi phạm hợp đồng theo thỏa thuận. Trong điều khoản phạt vi phạm được các bên thỏa thuận sẽ có quy định về hành vi vi phạm nào mà một khi nó xảy ra, bên vi phạm phải chịu phạt vi phạm. Điều này có nghĩa rằng không phải bất cứ hành vi vi phạm hợp đồng nào cũng sẽ bị phạt vi phạm. Ví dụ trong hợp đồng mua bán hàng hóa giữa hai thương nhân A và B có thỏa thuận phạt vi phạm như sau: “Bên A có nghĩa vụ giao hàng với số lượng Quy định này sẽ bị loại trừ trong “các trường hợp miễn trừ trách nhiệm”, bên cạnh đó về mức phạt, căn cứ phạt… sẽ được trình bày ở các nội dung sau của khoá luận. 9 Điều 300 LTM năm 2005. 10 Mai Thị Thảo (2019), Chế tài phạt vi phạm theo quy định của Luật Thương mại năm 2005, Khóa luận tốt nghiệp, Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 9. 11 Thanh Huyền, tlđd(3), tr. 44. 8 9 đúng như đã thỏa thuận. Trong trường hợp giao thiếu hàng, trong vòng năm ngày kể từ ngày kết thúc đợt giao hàng mà bên A không bổ sung kịp sẽ phải chịu phạt vi phạm tương đương 8% giá trị phần hàng giao thiếu”. Như ví dụ trên, giả sử A là bên giao hàng đã giao đầy đủ số lượng hàng như thỏa thuận, tuy nhiên lại chậm trễ hai ngày so với thỏa thuận về thời gian giao hàng, lúc này mặc dù có thỏa thuận phạt vi phạm nhưng B không có quyền yêu cầu phạt vi phạm với A. Bởi lý do thỏa thuận phạt vi phạm chỉ đề cập đến hành vi giao thiếu hàng mới phải chịu phạt chứ không có bất cứ thỏa thuận phạt nào đối với việc giao hàng chậm trễ. Pháp luật Việt Nam quy định về hành vi vi phạm hợp đồng cụ thể tại khoản 12 Điều 3 LTM năm 2005 như sau: “Vi phạm hợp đồng là việc một bên không thực hiện, thực hiện không đầy đủ hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ theo thỏa thuận giữa các bên hoặc theo quy định của luật này”. Quy định này cũng như những vấn đề khác liên quan đến quy định về hành vi vi phạm là căn cứ để phạt vi phạm sẽ được phân tích và làm rõ trong Mục 1.2.1 của khóa luận này. Thứ ba, chế tài phạt vi phạm là một dạng trách nhiệm vật chất – mang tính tài sản. “Phạt vi phạm ngoài việc mang những đặc điểm riêng của trách nhiệm hợp đồng còn có những đặc điểm chung của trách nhiệm dân sự”12. Theo đó, một trong những đặc điểm nổi bật của trách nhiệm dân sự đó là trách nhiệm dân sự bao giờ cũng là trách nhiệm tài sản13. Điều 300 LTM năm 2005 quy định bên vi phạm nghĩa vụ hợp đồng phải trả một khoản tiền phạt vi phạm do hành vi vi phạm hợp đồng nếu trong hợp đồng có thỏa thuận. Có thể thấy rằng trách nhiệm vật chất về tài sản trong chế tài phạt vi phạm là một khoản tiền. Hiện nay có một số quan điểm cho rằng phạt vi phạm không nhất thiết phải thực hiện bằng tiền. Phạt vi phạm có thể được thay thế bởi một hình thức khác của tài sản như: vật, giấy tờ có giá hoặc quyền tài sản14. Đây cũng là một quan điểm phù hợp với quy định của pháp luật về các loại tài sản. Tuy nhiên, theo quan điểm của tác giả, quy định của pháp luật hiện nay đối với hình thức của khoản phạt vi phạm là hợp lý. Xét từ góc độ triết học, kinh tế học chính trị Mác Lenin đã nêu rõ rằng “tiền tệ là … vật ngang giá chung cho tất cả hàng hóa…”15. Tiền là vật ngang giá chung, tất cả các dạng hàng hóa đều có thể được quy ra thành tiền trong trao đổi. Như vậy suy cho cùng dù phạt vi phạm với bất kỳ hình thức nào cũng có thể quy ra thành tiền. Do đó việc các nhà lập pháp Việt Nam quy định trách nhiệm vật chất của phạt vi phạm là tiền là hoàn toàn hợp lý, quy tất cả hình thức trách Nguyễn Thị Thùy Mỵ (2009), Phạt vi phạm theo pháp luật Việt Nam, Khóa luận tốt nghiệp, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 20. 13 Nguyễn Ngọc Khánh (2007), Chế định hợp đồng trong Bộ luật Dân sự Việt Nam, Nxb. Tư pháp, tr. 348. 14 Theo Điều 105 BLDS năm 2015, tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. 15 Hội đồng trung ương (2004), Giáo trình kinh tế chính trị Mác – Lenin, Nxb. Chính trị Quốc gia, tr. 131. 12 10 nhiệm làm một tránh được sự rườm rà trong quy định và khó khăn trong thực tiễn áp dụng. Thứ tư, chủ thể có quyền áp dụng chế tài phạt vi phạm là bên bị vi phạm. “Chế tài phạt vi phạm là một dạng trách nhiệm dân sự mà bên vi phạm phải gánh chịu trách nhiệm trực tiếp với bên có quyền, lợi ích hợp pháp bị xâm phạm”16 (bên bị vi phạm). Việc áp dụng chế tài này hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí của bên bị vi phạm với điều kiện cần là đáp ứng được các quy định về thỏa thuận phạt vi phạm và có hành vi vi phạm nghĩa vụ hợp đồng. Việc áp dụng này là quyền chứ không phải là nghĩa vụ của bên bị vi phạm. Chế tài phạt vi phạm là một loại chế tài thương mại khác với các loại chế tài pháp luật khác mang tính quyền lực công của Nhà nước. Việc áp dụng chế tài này có thể cho phép chúng ta phân biệt được chế tài phạt vi phạm với các chế tài hành chính, hình sự17. Những loại chế tài công, chủ thể có quyền áp dụng chỉ là các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, việc áp dụng này không những là quyền mà còn là nghĩa vụ của các cơ quan Nhà nước trong việc xử lý các hành vi vi phạm các quy định của pháp luật. Chế tài phạt vi phạm một mặt khác với các chế tài công bởi chủ thể có quyền yêu cầu và áp dụng chế tài là chính các bên trong quan hệ hợp đồng. Điều này thể hiện sự trách nhiệm trong việc tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi có hành vi vi phạm hợp đồng. Bên vi phạm hợp đồng chịu trách nhiệm dân sự với chính bên bị vi phạm trong quan hệ hợp đồng chứ không phải với Nhà nước. Tuy nhiên trong một số trường hợp sự can thiệp của quyền lực Nhà nước vẫn là một yếu tố quan trọng để đảm bảo quyền lợi của bên bị vi phạm. Việc yêu cầu áp dụng chế tài phạt vi phạm của bên bị vi phạm mang tính chất dân sự bình thường, thiếu tính nghiêm khắc quyền lực. Do đó rất hay gặp phải những cản trở, không thi hành điều khoản phạt của bên vi phạm. “Trong trường hợp bên bị vi phạm không tự nguyện thực hiện nghĩa phạt vi phạm, yêu cầu của bên bị vi phạm được bảo đảm thi hành bằng sức mạnh cưỡng chế của Nhà nước”18. Điều này thông thường thể hiện thông qua việc chủ thể bị xâm phạm quyền lợi khởi kiện tranh chấp thương mại ra cơ quan tài phán để giải quyết. Thứ năm, phạt vi phạm là chế tài thương mại được thỏa thuận nhằm mục đích đảm bảo tính nghiêm minh trong việc thực hiện hợp đồng, răn đe, trừng phạt đối với những hành vi vi phạm hợp đồng. Chế tài phạt vi phạm là một loại chế tài hoàn toàn độc lập, không thể thay thế với các loại chế tài thương mại khác. Hợp đồng được ký Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh (2017), Giáo trình pháp luật về hợp đồng và bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, Nxb. Hồng Đức – Hội Luật gia Việt Nam, tr. 328. 17 Lê Văn Tranh (2018), Luận giải về phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại theo luật thương mại Việt Nam, Nxb. Tư pháp, tr. 15. 18 Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, tlđd(16), tr. 328 - 329. 16 11 kết dựa trên cơ sở thuận theo ý chí tự nguyện và bình đẳng giữa các bên. Vấn đề thiện chí trong việc thực hiện hợp đồng được đặt ra như một nguyên tắc nhằm đảm bảo quyền lợi của các bên luôn được đảm bảo trong quá trình thực hiện hợp đồng. Phạt vi phạm nhằm đảm bảo tính nghiêm minh trong thực hiện hợp đồng, răn đe đối với các hành vi vi phạm hợp đồng. Các bên trong hợp đồng phải hết sức cân nhắc những hành vi của mình, phải hoàn toàn hướng đến mục đích chung trong việc thực hiện hợp đồng để không vi phạm và bị áp dụng chế tài bất lợi cho bản thân mình. Một khi có vi phạm hợp đồng xảy ra, chế tài phạt vi phạm áp dụng như một hình phạt bằng một khoản tiền đối với hành vi vi phạm đó. Đây là một chế tài mang tính chất răn đe, trừng phạt kịp thời, bảo vệ nhanh chóng quyền lợi của bên bị vi phạm. So với chế tài bồi thường thiệt hại thì đây cùng là những loại chế tài mang tính vật chất. Tuy vậy, xét về mục đích thì hai loại chế tài này là hoàn toàn khác nhau. Phạt vi phạm không mang mục đích khắc phục những thiệt hại tổn thất thực tế mà hành vi vi phạm gây ra cho bên bị vi phạm. 1.1.3. Ý nghĩa của chế tài phạt vi phạm trong thương mại Chế tài phạt vi phạm trong thương mại có ý nghĩa trước hết đối với các bên trong quan hệ hợp đồng. Đồng thời quy định này cũng có ý nghĩa nhất định đối với các cơ quan tài phán như Tòa án, Trọng tài và đối quan hệ thương mại nói chung. Đối với các bên trong quan hệ hợp đồng: Hợp đồng trong thương mại ghi nhận về các quyền và nghĩa vụ đã thỏa thuận giữa các bên trên cơ sở bình đẳng, tự nguyện, tôn trọng lợi ích của nhau và cùng hướng đến lợi ích chung. BLDS năm 2015 nêu rõ nguyên tắc thiện chí trong việc xác lập, thực hiện và chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự19. Chế tài phạt vi phạm được đặt ra như một biện pháp nhằm răn đe, ngăn chặn những hành vi vi phạm hợp đồng có thể xảy ra trên thực tế. Từ đó các bên sẽ phải luôn cân nhắc thật kỹ những hành vi của mình làm sao để tránh những vi phạm và bị phạt không đáng có. Một khi có hành vi vi phạm xảy ra, chế tài phạt vi phạm như một biện pháp trừng phạt đối với bên vi phạm đồng thời với đó có thể bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bên bị vi phạm, bù đắp một phần tổn thất, thiệt hại do hành vi vi phạm gây ra. Việc thỏa thuận về phạt vi phạm như một sự dự liệu trước, tạo một sự an tâm nào đó cho các bên trong hợp đồng, họ sẽ có tâm thế chủ động trong trường hợp xảy ra vi phạm không hay về sau. Bên cạnh đó, phạt vi phạm được xem như một chế tài mang tính thủ tục nhanh, cơ chế thoáng để giải quyết đối với các hành vi vi phạm hợp đồng. Đối với việc áp dụng chế tài có mối liên quan như bồi thường thiệt Khoản 3 Điều 3 BLDS năm 2015 quy định nguyên tắc trên như sau: “Cá nhân, pháp nhân phải xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình một cách thiện chí, trung thực”. 19 12 hại, việc áp dụng chế tài này cần phải trải qua nhiều bước chứng minh khó khăn về thiệt hại thực tế xảy ra, việc làm này tương đối mất thời gian, thậm chí nếu việc chứng minh thiệt hại không thành công thì bên vi phạm hoàn toàn không phải chịu chế tài bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên đối với phạt vi phạm, chỉ cần có thỏa thuận trong hợp đồng và có hành vi vi phạm xảy ra thì hoàn toàn có thể áp dụng ngay chế tài này mà không cần phải chứng minh. Phạt vi phạm góp phần bảo vệ nhanh chóng, kịp thời đối với quyền lợi của bên bị vi phạm. Tuy thể hiện được những ưu điểm về những vai trò trên, nhưng theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện nay, vấn đề giới hạn mức phạt của các bên lại phần nào ảnh hướng đến quyền tự do hợp đồng, ảnh hưởng đến tính răn đe, trừng phạt của chế tài phạt vi phạm. Đây được xem là sự kìm hãm đi phần nào vai trò của chế tài phạt vi phạm. Vấn đề này sẽ được trình bày rõ hơn ở phần sau của khóa luận. Đối với cơ quan tài phán: Ngày nay những tranh chấp thương mại đang diễn ra khá phổ biến với những hình thức khác nhau. Tranh chấp về việc thực hiện hợp đồng và nghĩa vụ của các bên chiếm phần lớn trong số những tranh chấp thương mại nói chung. Chính vì thế vai trò của các cơ quan tài phán hiện nay là Tòa án nhân dân và Trọng tài là vô cùng quan trọng trong việc giải quyết các tranh chấp trên. Việc pháp luật thương mại Việt Nam quy định về chế tài phạt vi phạm đã tạo ra một cơ sở cho các cơ quan tài phán để giải quyết các tranh chấp liên quan đến vấn đề này. Dựa vào những quy định của pháp luật, các cơ quan tài phán sẽ xem xét một cách toàn diện, có căn cứ để có những phán quyết đúng đắn, bảo vệ được thỏa đáng quyền và lợi ích hợp pháp của các bên trong tranh chấp. Các cơ quan tài phán cũng dễ dàng hơn trong việc giải quyết các yêu cầu của đương sự liên quan đến vấn đề phạt vi phạm, tránh được phần nào tình trạng thiếu thống nhất trong việc xét xử. Đối với quan hệ thương mại nói chung: Trong môi trường mà các giao dịch thương mại đang phát triển một cách năng động thì việc duy trì những mối quan hệ tốt đẹp giữa các đối tác thương mại với nhau là một vấn đề quan trọng đối với các chủ thể tham gia vào các hoạt động thương mại. Vấn đề đó thể hiện ở sự uy tín, thiện chí, tận tâm trong quá trình hợp tác giữa các bên. Chế tài phạt vi phạm được quy định như một biện pháp để đảm bảo các bên luôn giữ vững tinh thần tận tâm hết mực với những thỏa thuận của mình. Bằng việc thỏa thuận phạt vi phạm, các bên có thể nhận biết được “tâm ý” của nhau trong việc thực hiện hợp đồng. Nếu một bên cố tình né tránh việc thỏa thuận phạt vi phạm, điều này phần nào cho thấy mức độ thiện chí của đối tác. Nếu không có quy định về thỏa thuận phạt vi phạm, trong một số trường hợp một bên sẽ sẵn sàng vi phạm hợp đồng để hướng đến một lợi nhuận cao hơn. Đây là vấn đề hết sức quan trọng giúp duy trì được một môi trường thương mại lành mạnh, 13 tránh được những tranh chấp không đáng có đặc biệt là xung quanh các vấn đề về vi phạm hợp đồng. Một môi trường kinh doanh ổn định và lành mạnh sẽ góp phần giúp ích rất nhiều cho nền kinh tế, để ngày càng có nhiều giao dịch thương mại được xác lập theo đúng những nguyên tắc của pháp luật và phù hợp với thị trường. 1.2. Quy định về chế tài phạt vi phạm trong Luật Thương mại năm 2005 Quy định về chế tài phạt vi phạm tại Việt Nam đã được hình thành ngay từ những năm đầu của thế kỷ trước khi Thực dân Pháp đưa Bộ Dân luật Trung Kỳ (1936)20 vào áp dụng trong quá trình độ hộ nước ta. Trải qua gần một thế kỷ với những sự thay đổi qua từng giai đoạn lịch sử, ngày nay LTM năm 2005 đã xây dựng được quy định tương đối hoàn chỉnh về chế tài phạt vi phạm trong thương mại. Những điểm nổi bật, quan trọng trong quy định của chế tài phạt vi phạm sẽ được phân tích một cách cụ thể trong phần này của khóa luận. 1.2.1. Căn cứ áp dụng chế tài phạt vi phạm Điều 300 LTM năm 2005 quy định về các căn cứ áp dụng chế tài này như sau: “Phạt vi phạm là việc bên bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm trả một khoản tiền phạt do vi phạm hợp đồng nếu trong hợp đồng có thoả thuận, trừ các trường hợp miễn trách nhiệm…”. Trong một quan hệ hợp đồng, theo quy định của LTM năm 2005, chế tài phạt vi phạm được áp dụng khi và chỉ khi thỏa mãn ba căn cứ: (i) Có thỏa thuận trong hợp đồng về việc áp dụng chế tài phạt vi phạm, (ii) Có hành vi vi phạm nghĩa vụ hợp đồng là điều kiện phát sinh chế tài phạt vi phạm như đã thỏa thuận, và (iii) Không thuộc các trường hợp miễn trách nhiệm. Thứ nhất, vấn đề phạt vi phạm phải được các bên thỏa thuận trong hợp đồng. “Chế tài phạt vi phạm hiện nay không phải là một chế tài đương nhiên được áp dụng đối với hành vi vi phạm hợp đồng theo quy định của pháp luật nữa mà nó phụ thuộc vào sự thỏa thuận của các bên trong quan hệ hợp đồng”21. Pháp luật thương mại Việt Nam quy định căn cứ về thỏa thuận đã thể hiện được bản chất của chế tài phạt vi phạm đó như là một biện pháp ngăn ngừa hành vi vi phạm, nhằm mục đích răn đe để buộc các chủ thể phải triệt để tuân thủ nghĩa vụ hợp đồng22. Chế tài phạt vi phạm được xem là một loại chế tài dân sự, điều này rất khác với các loại chế tài Nhà nước khác. Giai đoạn trước 1986, Việt Nam trong thời kỳ nền kinh tế tập trung, quan liêu, Điều 842: “Khoản phạt là một khoản do một người cam đoan rằng nếu không thi hành nghĩa vụ thì phải chịu một sự gì; khoản ấy là để đảm bảo cho sự thi hành nghĩa vụ” Điều 845: “Khoản phạt cốt để đền vào sự tổn hại mà người chủ nợ phải chịu vì sự người mắc nợ không y ước thi hành nghĩa vụ”. 21 Thanh Huyền (2017), ltđd (3), tr.44. 22 Đồng Thái Quang (2014), “Chế tài phạt vi phạm theo Luật Thương mại 2005 – một số vướng mắc về lý luận và thực tiễn”, Tạp chí Tòa án nhân dân, số 20/2014, tr. 19. 20 14
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan