Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Giáo dục - Đào tạo Cao đẳng - Đại học Luật Luận văn biện pháp lấy lời khai của đương sự trong tố tụng dân sự...

Tài liệu Luận văn biện pháp lấy lời khai của đương sự trong tố tụng dân sự

.PDF
93
1
125

Mô tả:

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT TP HỒ CHÍ MINH NGUYỄN PHỤC HƯNG BIỆN PHÁP LẤY LỜI KHAI CỦA ĐƯƠNG SỰ TRONG TỐ TỤNG DÂN SỰ LUẬN VĂN THẠC SĨ CHUYÊN NGÀNH LUẬT DÂN SỰ VÀ TỐ TỤNG DÂN SỰ TP. HỒ CHÍ MINH, NĂM 2022 BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT TP HỒ CHÍ MINH BIỆN PHÁP LẤY LỜI KHAI CỦA ĐƯƠNG SỰ TRONG TỐ TỤNG DÂN SỰ Chuyên ngành: Luật Dân sự và Tố tụng dân sự Định hướng ứng dụng Mã số: 60380103 Người hướng dẫn khoa học Học viên Lớp : Ts. Nguyễn Văn Tiến : Nguyễn Phục Hưng : Cao học Luật, Cần Thơ khóa 2 TP. HỒ CHÍ MINH, NĂM 2022 LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan Luận văn Thạc sĩ Luật học đề tài “Biện pháp lấy lời khai của đương sự trong tố tụng dân sự” là công trình nghiên cứu khoa học độc lập của riêng tôi. Các kết quả nêu trong luận văn chưa được công bố trong bất kỳ công trình nào khác. Tôi xin chịu trách nhiệm về các thông tin, ví dụ, trích dẫn, tính chính xác và trung thực của luận văn này. Tác giả Nguyễn Phục Hưng DANH MỤC CÁC TỪ VIẾT TẮT STT TỪ VIẾT TẮT TỪ ĐƯỢC VIẾT TẮT 1 BLDS Bộ luật Dân sự năm 2015 2 BLTTDS Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 3 HĐTP Hội đồng thẩm phán 4 HĐXX Hội đồng xét xử 5 TAND Tòa án nhân dân 6 TANDTC Tòa án nhân dân tối cao 7 UBND Ủy ban nhân dân 8 VKSND Viện kiểm sát nhân dân MỤC LỤC PHẦN MỞ ĐẦU .................................................................................................. 1 CHƯƠNG 1. CÁC PHƯƠNG THỨC LẤY LỜI KHAI CỦA ĐƯƠNG SỰ TRONG TỐ TỤNG DÂN SỰ............................................................................. 8 1.1. Lấy lời khai trực tiếp của đương sự ....................................................... 8 1.2. Lấy lời khai của đương sự bằng phương thức trực tuyến .................. 18 1.3. Lấy lời khai của đương sự thông qua hoạt động ủy thác thu thập chứng cứ ........................................................................................................ 23 KẾT LUẬN CHƯƠNG 1.................................................................................. 27 CHƯƠNG 2. THỦ TỤC LẤY LỜI KHAI ĐƯƠNG SỰ TRONG TỐ TỤNG DÂN SỰ ............................................................................................................. 28 2.1. Thẩm quyền lấy lời khai của đương sự ................................................ 28 2.2. Nội dung hoạt động lấy lời khai của đương sự .................................... 31 KẾT LUẬN CHƯƠNG 2.................................................................................. 40 KẾT LUẬN DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO PHỤ LỤC 1 PHẦN MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của đề tài. Trong pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam, biện pháp lấy lời khai của đương sự là hoạt động thu thập chứng cứ, tìm ra sự thật khách quan của vụ việc dân sự. Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, biện pháp lấy lời khai của đương sự rất cần thiết quan trọng. Biện pháp lấy lời khai được thực hiện đúng, đầy đủ sẽ giúp việc giải quyết vụ án dân sự được khách quan, đảm bảo được quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, tránh trường hợp bản án bị hủy, sửa. Tại Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 và khoản 5 Điều 103 của Hiến pháp năm 2013 quy định nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm và Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 được ban hành, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự bằng việc đương sự cung cấp lời khai hoặc yêu cầu Tòa án tiến hành lấy lời khai. Tuy nhiên, cho đến này, biện pháp lấy lời khai của đương sự trong tố tụng dân sự vẫn còn hạn chế, bất cập: Thứ nhất, pháp luật tố tụng dân sự chưa có quy định thống nhất về cách thức, nội dung, phạm vi về biện pháp lấy lời khai của đương sự trong tố tụng dân sự, dẫn đến hệ quả là các Tòa án áp dụng không đồng bộ về biện pháp lấy lời khai. Thứ hai, pháp luật tố tụng dân sự chưa quy định về biện pháp lấy lời khai của đương sự bằng phương thức trực tuyến, đặc biệt là việc áp dụng biện pháp này với quy định tại Điều 15 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 về Tòa án xét xử kịp thời, công bằng, công khai. Thứ ba, pháp luật tố tụng dân sự chưa quy định chi tiết về biện pháp lấy lời khai của đương sự áp dụng đối với một số đương sự là người yếu thế hoặc có khó khăn trong việc cung cấp về lời khai. Thứ tư, mối quan hệ giữa Tòa án với các cơ quan liên quan, quy chế phối hợp liên ngành về việc áp dụng biện pháp lấy lời khai của đương sự chưa được thực hiện. 2 Từ những lý do trên, tác giả chọn đề tài “Biện pháp lấy lời khai của đương sự trong tố tụng dân sự” làm đề tài luận văn của mình. Với mong muốn làm sáng tỏ về biện pháp lấy lời khai của đương sự trong tố tụng dân sự, bằng việc làm rõ về thực trạng pháp luật, thực tiễn thi hành, tác giả đề xuất các giải pháp đề hoàn thiện quy định của pháp luật về biện pháp lấy lời khai của đương sự trong tố tụng dân sự. 2. Tình hình nghiên cứu đề tài Qua quá trình tìm hiểu cho thấy đến nay, có nhiều công trình ở các cấp độ khác nhau nghiên cứu liên quan về biện pháp lấy lời khai của đương sự trong tố tụng dân sự, như sau: - Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh (2017), “Giáo trình Luật tố tụng dân sự Việt Nam”, Nhà xuất bản Hồng Đức. Trong giáo trình này, các tác giả giới thiệu những kiến thức cơ bản của Luật tố tụng dân sự như: Khái niệm, các nguyên tắc cơ bản; chủ thể quan hệ pháp luật tố tụng dân sự, thẩm quyển giải quyết vụ việc dân sự của Tòa án; chứng cứ và chứng minh; án phí, lệ phí, các chi phí tố tụng; biện pháp khẩn cấp tạm thời, tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, đình chỉ giải quyết vụ án dân sự; về thủ tục tố tụng giải quyết vụ án dân và giải quyết việc dân sự trong tố tụng dân sự. Qua đó, nhóm tác giả nghiên cứu, đánh giá các quy định của pháp luật hiện hành; so sánh, nhận xét về những đặc thù trong những kiến thức chung đó với các thủ tục tố tụng khác và so sánh với pháp luật tố tụng dân sự của một số mô hình tố tụng trên thế giới. Trong giáo trình này, các tác giả có trình bày về biện pháp lấy lời khai của đương sự trong tố tụng dân sự nhưng về lý luận. - Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh (2021), “Sách tình huống Luật Tố tụng dân sự (Bình luận bản án)”, Nhà xuất bản Hồng Đức. Trong công trình này, các tác giả đã phân tích quy định của pháp luật về tố tụng dân sự với các bản án, quyết định cụ thể của Tòa án nhân dân. Liên quan đến biện pháp lấy lời khai của đương sự, tác giả nhận thấy các bình luận tại các chủ đề: Chủ đề 20, Chủ đề 23 và một số chủ đề khác. Với công trình nghiên cứu này, các tác giả đã nghiên cứu những vấn đề cụ thể trong từng bản án, quyết định để so sánh giữa quy định của pháp luật, thực tiễn thực hiện, pháp luật 3 nước ngoài và đề xuất kiến nghị. Tác giả dựa vào các bình luận này để lấy ý tưởng triển khai đề tài của mình; - Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh (2016), “Bình luận những điểm mới trong Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015” (Nguyễn Thị Hoài Phương chủ biên), Nhà xuất bản Hồng Đức - Hội Luật gia Việt Nam xuất bản năm 2016. Với công trình nghiên cứu này, các tác giả đã nêu, phân tích những điểm mới của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 so với Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004, trong đó có liên quan đến biện pháp lấy lời khai của đương sự. Đây là nguồn nhận thức để tác giả triển khai đề tài; - Đặng Thanh Hoa (Chủ biên), Lưu Tiến Dũng (2020), “Lý giải một số vấn đề của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 từ thực tiễn xét xử”, Nxb. Hồng Đức. Trong công trình này, các nội dung nghiên cứu liên quan đến đề tài tác giả ở Vấn đề 1, Vấn đề 4. Với việc đặt và lý giải vấn đề trong công trình, tác giả được định hướng triển khai đề tài trong luận văn của mình; - Trương Việt Hồng (2011), “Hoạt động thu thập chứng cứ của Tòa án sơ thẩm trong quá trình giải quyết vụ án dân sự”, Luận văn Thạc sĩ Luật học, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh. Trong công trình này, tác giả nghiên cứu những quy định cụ thể về hoạt động thu thập chứng cứ của chủ thể là Tòa án và ở cấp giải quyết vụ án dân sự sơ thẩm nhưng không phân tích sâu về biện pháp lấy lời khai của đương sự; - Trần Anh Tuấn (Chủ biên) (2017), “Bình luận khoa học Bộ luật tố tụng dân sự của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2015” NXB Tư pháp. Đây là công trình nghiên cứu mang tính chất bình luận những quy định của pháp luật tố tụng dân sự, cơ sở lý luận cũng như mối liên hệ với thực tiễn, là nguồn nhận thức quan trọng để tác giả định hướng cho việc nghiên cứu đề tài của mình. - Nguyễn Thị Thu Sương (2021), “Nguyên tắc cung cấp chứng cứ và chứng minh trong tố tụng dân sự”, Luận văn Luận văn Thạc sĩ Luật học, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh. Trong công trình này, tác giả nghiên cứu về khái niệm, đặc điểm, ý nghĩa và cơ sở của việc quy định chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án dân sự, nội dung các quy định của pháp luật về chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án dân 4 sự. Tác giả đánh giá các hạn chế trong quy định pháp luật cũng như việc áp dụng các quy định về chuẩn bị xét xử vụ án dân sự, kiến nghị hoàn thiện pháp luật. - Nguyễn Đức Mai (2012), “Bình luận khoa học Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam sửa đổi, bổ sung năm 2011”, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội. Đề tài nghiên cứu này, tác giả tập trung bình luận, diễn giải các quy định trong Bộ luật Tố tụng dân sự 2004 sửa đổi, bổ sung năm 2011 một cách đầy đủ và toàn diện, trong đó có thủ tục về việc nhận và xử lý đơn khởi kiện. Tuy nhiên, tác giả chỉ mới dừng lại ở việc phân tích và bình luận quy định của pháp luật thủ tục về việc thu thập chứng cứ chứ chưa đi sâu vào biện pháp lấy lời khai của đương sự. Nhìn chung, mỗi công trình có một cách nhìn khác nhau về hoạt động thu thập chứng cứ trong đó có biện pháp lấy lời khai của đương sự trong tố tụng dân sự. Các công trình này là nguồn tư liệu quan trọng, cần thiết để tác giả triển khai đề tài. Trên cơ sở kế thừa nguồn nhận thức nói trên, tác giả tiếp tục nghiên cứu quy định của pháp luật, thực tiễn áp dụng pháp luật về biện pháp lấy lời khai của đương sự trong tố tụng dân sự, từ đó chỉ ra những nguyên nhân dẫn đến những hạn chế, bất cập để đề xuất một số kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật về biện pháp lấy lời khai của đương sự trong tố tụng dân sự. 3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu 3.1. Mục đích nghiên cứu Trên cơ sở quy định của pháp luật, thực tiễn thực hiện biện pháp lấy lời khai của đương sự trong tố tụng dân sự, vướng mắc, bất cập, đề tài đề xuất một số kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật về biện pháp lấy lời khai của đương sự trong tố tụng dân sự. 3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu Để đạt được những mục đích trên nhiệm vụ nghiên cứu của đề tài là: - Làm rõ thực trạng pháp luật về biện pháp lấy lời khai của đương sự trong tố tụng dân sự; - Chỉ ra hạn chế, vướng mắc khi thực hiện biện pháp lấy lời khai của đương sự trong tố tụng dân sự; 5 - Đánh giá nguyên nhân của thực tiễn thi hành biện pháp lấy lời khai của đương sự trong tố tụng dân sự; - Đề xuất một số kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật về biện pháp lấy lời khai của đương sự trong tố tụng dân sự. 4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 4.1. Đối tượng nghiên cứu: Đối tượng nghiên cứu trong luận văn là quy định của pháp luật về biện pháp lấy lời khai của đương sự trong tố tụng dân sự. Các quy định này được điều chỉnh trong Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, cụ thể là Điều 98 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, thực tiễn thi hành, vướng mắc, bất cập khi thực hiện biện pháp lấy lời khai của đương sự trong tố tụng dân sự. 4.2. Phạm vi nghiên cứu: Phạm vi nội dung: Luận văn nghiên cứu các quy định của pháp luật về biện pháp lấy lời khai của đương sự trong tố tụng dân sự theo Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Phạm vi không gian: Luận văn nghiên cứu các quy định về biện pháp lấy lời khai của đương sự trong tố tụng dân sự và thực tiễn thi hành tại Việt Nam theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Phạm vi thời gian: Luận văn chủ yếu tập trung nghiên cứu các quy định của pháp luật về biện pháp lấy lời khai của đương sự trong tố tụng dân sự kể từ ngày Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 có hiệu lực cho đến nay. 5. Phương pháp nghiên cứu Để thực hiện đề tài, tác giả sử dụng các phương pháp sau: - Phương pháp phân tích: Phương pháp này được sử dụng trong hai chương của luận văn để phân tích về quy định của pháp luật, thực tiễn áp dụng, kiến nghị về biện pháp lấy lời khai của đương sự trong tố tụng dân sự. 6 - Phương pháp phân tích luật viết: Phương pháp này được sử dụng chủ yếu trong hai chương nhằm đánh giá những quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 về biện pháp lấy lời khai của đương sự trong tố tụng dân sự. Trên cơ sở các quy phạm pháp luật, công trình chỉ ra những bất cập của luật và hạn chế trong thực tiễn thực hiện. - Phương pháp tổng hợp: Phương pháp được sử dụng chủ yếu trong hai chương nhằm đánh giá tình hình thực tiễn thi hành các quy định của pháp luật về biện pháp lấy lời khai của đương sự trong tố tụng dân sự, trên cơ sở đó đưa ra các nhận xét, bình luận. Phương pháp này còn được sử dụng trong các kết luận. - Phương pháp so sánh: Phương pháp này được sử dụng khi so sánh các quy định của pháp luật về biện pháp lấy lời khai của đương sự trong tố tụng dân sự trong Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 với các quy định trước đó để chỉ ra những điểm tiến bộ và hạn chế, bất cập. 6. Ý nghĩa khoa học và giá trị ứng dụng của đề tài Kết quả nghiên cứu của luận văn góp phần làm rõ quy định của pháp luật về biện pháp lấy lời khai của đương sự trong tố tụng dân sự, những bất cập và hướng hoàn thiện. Luận văn làm tài liệu tham khảo trong công tác nghiên cứu, học tập về biện pháp lấy lời khai của đương sự trong tố tụng dân sự. Kết quả nghiên cứu nâng cao nghiệp vụ chuyên môn của tác giả khi thực hiện nhiệm vụ tại cơ quan, đơn vị trong đó có hoạt động lấy lời khai của đương sự. 7. Cơ cấu của luận văn Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo, nội dung của luận văn gồm 02 chương: Chương 1. Các phương thức lấy lời khai của đương sự trong tố tụng dân sự Chương 2. Thủ tục lấy lời khai của đương sự trong tố tụng dân sự. 7 Đề tài nghiên cứu dựa vào các vụ, việc dân sự đã và đang xảy ra khi được Tòa án nhân dân tiến hành đưa ra xét xử khi không tiến hành lấy lời khai của đương sự trong tố tụng dân sự theo quy định. Vì vậy, đây là một công trình có thể giải quyết được các vướng mắc, kiến nghị về Biện pháp lấy lời khai của đương sự trong tố tụng dân sự. Đề tài có thể làm tài liệu tham khảo trong công tác nghiên cứu, học tập về biện pháp lấy lời khai của đương sự trong tố tụng dân sự tại Tòa án nhân dân, qua đó hoàn thiện, bổ sung các quy định của pháp luật hiện hành. 8 CHƯƠNG 1 CÁC PHƯƠNG THỨC LẤY LỜI KHAI CỦA ĐƯƠNG SỰ TRONG TỐ TỤNG DÂN SỰ 1.1. Lấy lời khai trực tiếp của đương sự Theo khoản 1 Điều 98 BLTTDS, Thẩm phán chỉ tiến hành lấy lời khai của đương sự khi đương sự chưa có bản khai hoặc nội dung bản khai chưa đầy đủ, rõ ràng. Đương sự phải tự viết bản khai và ký tên của mình. Trường hợp đương sự không thể tự viết được thì Thẩm phán lấy lời khai của đương sự. Việc lấy lời khai của đương sự chỉ tập trung vào những tình tiết mà đương sự khai chưa đầy đủ, rõ ràng. Thẩm phán tự mình hoặc Thư ký Tòa án ghi lại lời khai của đương sự vào biên bản. Thẩm phán lấy lời khai của đương sự tại trụ sở Tòa án; trường hợp cần thiết có thể lấy lời khai của đương sự ngoài trụ sở Tòa án. Trước đây, theo Điều 6 Nghị quyết số 04/2012/NQ-HĐTP ngày 03 tháng 12 năm 2012 của Hội đồng thẩm phán TANDTC hướng dẫn thi hành một số quy định của BLTTDS về “Chứng minh và chứng cứ” nhằm đảm bảo thi hành đúng và thống nhất các quy định của BLTTDS trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự tại Tòa án, khi đương sự chưa có bản khai hoặc nội dung của bản khai chưa đầy đủ, thì Thẩm phán yêu cầu đương sự phải tự viết bản khai hoặc bản khai bổ sung và ký tên của mình. Chỉ trong trường hợp đương sự không thể tự viết được, thì Thẩm phán tự mình hoặc Thư ký Tòa án ghi lại lời khai của đương sự vào biên bản. Biên bản ghi lời khai của đương sự phải làm đúng quy định của pháp luật. Việc lấy lời khai của đương sự ngoài trụ sở Toà án phải bảo đảm đúng quy định của pháp luật, quy định đối với cán bộ, công chức của ngành Tòa án nhân dân và bảo đảm khách quan (ví dụ: lấy lời khai của đương sự đang bị tạm giam phải được thực hiện tại Trại tạm giam theo bố trí của Ban Giám thị Trại tạm giam; lấy lời khai của đương sự bị ốm đau nhưng không đi điều trị tại cơ sở y tế phải được thực hiện tại nơi họ đang điều trị và nếu xét thấy cần thiết thì mời người chứng kiến…). Qua thực tiễn về biện pháp lấy lời khai của đương sự, tác giả nhận thấy có một số bất cập như sau: 9 Thứ nhất, về căn cứ lấy lời khai đương sự: Theo Điều 6 BLTTDS, đương sự có quyền và nghĩa vụ chủ động thu thập, giao nộp chứng cứ cho Tòa án và chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp. Theo quy định này, việc cung cấp lời khai của đương sự về nội dung vụ việc, các tình tiết mà dựa vào đó đương sự đề xuất yêu cầu hoặc phản đối, phản tố yêu cầu của đương sự khác là quyền, nghĩa vụ của đương sự. Theo khoản 5 Điều 70 BLTTDS, đương sự có nghĩa vụ cung cấp tài liệu, chứng cứ; chứng minh để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Theo khoản 1 Điều 91 BLTTDS, đương sự có yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình phải thu thập, cung cấp, giao nộp cho Tòa án tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu đó là có căn cứ và hợp pháp. Theo khoản 1 Điều 96 BLTTDS, trong quá trình Tòa án giải quyết vụ việc dân sự, đương sự có quyền và nghĩa vụ giao nộp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án. Trường hợp tài liệu, chứng cứ đã được giao nộp chưa bảo đảm đủ cơ sở để giải quyết vụ việc thì Thẩm phán yêu cầu đương sự giao nộp bổ sung tài liệu, chứng cứ. Nếu đương sự không giao nộp hoặc giao nộp không đầy đủ tài liệu, chứng cứ do Tòa án yêu cầu mà không có lý do chính đáng thì Tòa án căn cứ vào tài liệu, chứng cứ mà đương sự đã giao nộp và Tòa án đã thu thập để giải quyết vụ việc dân sự. Theo khoản 2 Điều 97 BLTTDS, Tòa án có thể tiến hành biện pháp lấy lời khai của đương sự, người làm chứng để thu thập tài liệu, chứng cứ. Với các quy định nêu trên, việc cung cấp thông tin, tài liệu chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của minh là có căn cứ và hợp pháp là nghĩa vụ của đương sự. Nói cách khác, chứng minh là nghĩa vụ của đương sự, trong đó, có hoạt động cung cấp lời khai. Tuy nhiên, khoản 1 Điều 98 BLTTDS lại quy định Thẩm phán tiến hành lấy lời khai của đương sự khi đương sự chưa có bản khai hoặc nội dung bản khai chưa đầy đủ, rõ ràng. Với cách lập pháp này có hai cách hiểu: Cách hiểu thứ nhất, việc lấy lời khai của đương sự là nghĩa vụ của Tòa án. Bởi: sau khi thụ lý, muốn nắm được thông tin thì Thẩm phán phải tiến hành lấy lời khai của đương sự vì trong hồ sơ vụ án không có biên bản lấy lời khai của 10 đương sự. Tương tự, Tòa án cấp trên sẽ hủy bản án nếu Tòa án cấp dưới không lấy lời khai của đương sự. Cách hiểu thứ hai, việc lấy lời khai của đương sự không phải là nghĩa vụ của Tòa án. Đương sự muốn được Tòa án bảo vệ quyền lợi thì họ phải cung cấp bản khai về nội dung vụ án, tình tiết các sự việc. Khi cần thiết, Tòa án có thể tiến hành lấy lời khai của đương sự theo quy định tại khoản 2 Điều 97 BLTTDS. Theo quy định này, việc lấy lời khai là quyền của Tòa án và không phải là căn cứ để Tòa án cấp trên hủy bản án của Tòa án cấp dưới. Ví dụ: Bản án 1148/2018/DS-PT ngày 30 tháng 11 năm 2018 về tranh chấp quyền sử dụng đất của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh1. Trong bản án, HĐXX nhận định: “Theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 243/QSDĐ/Hưng Long ngày 09 tháng 10 năm 2001 do Ủy ban nhân dân huyện C cấp cho hộ bà Trần Thị X trong đó thửa 251 tờ bản đồ số 13 có diện tích 858 m2. Giấy chứng nhận nêu trên được cấp cho Hộ gia đình bà Trần Thị X theo Quyết định số 113/QĐ-UB của uy ban nhân dân huyện ngày 19 tháng 4 năm 1995. Tại đơn xin đăng ký quyền sử dụng ruộng đất của bà Trần Thị X ngày 17 tháng 8 năm 1994 thể hiện tại thời điểm xin cấp Giấy chứng nhận số nhân khẩu trong hộ bà Xê là 03 người. Tại công văn cung cấp thông tin ngày 01 tháng 12 năm 2017 của Uỷ ban nhân dân xã L và Công văn số 4187/TNMTPC của Phòng Tài nguyên và Môi trường - Ủy ban nhân dân huyện C thể hiện nguồn gốc đất là cấp cho hộ bà Trần Thị X. Tuy nhiên hồ sơ cấp Giấy chứng nhận không thể hiện cụ thể hộ gia đình bà Trần Thị X bao gồm những nhân khẩu nào. Theo quy định tại Mục 1 Chương IV Bộ luật dân sự 1995 về hộ gia đình và theo hướng dẫn tại khoản 4 phần 3 Văn bản số 01/2017/GĐ-TANDTC ngày 07 tháng 4 năm 2017 của Hội đồng thẩm phán TANDTC giải đáp một số vấn đề nghiệp vụ thì trong trường hợp này, Tòa án cấp sơ thẩm cần tiến hành xác minh tại thời điểm được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì hộ bà X có bao nhiêu nhân khẩu để đưa những người đó tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan mới đảm bảo quyền lợi chính đáng của họ”. 1 https://thuvienphapluat.vn/banan/ban-an/ban-an-11482018dspt-ngay-30112018-ve-tranh-chap-quyen-su-dungdat-98525, truy cập lúc 6h ngày 10.3.2022. 11 Với nhận định trên, trách nhiệm xác định thành viên của hộ gia đình là của Tòa án chứ không phải của đương sự. Thực chất, Tòa án khó mà xác định được thành viên hộ gia đình sử dụng đất trong vụ án này. HĐXX phúc thẩm cho rằng Tòa án cấp sơ thẩm vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, chưa thu thập đầy đủ chứng cứ mà cấp phúc thẩm không thể thực hiện bổ sung được, cần hủy bản án sơ thẩm và quyết định: “Hủy Bản án dân sự sơ thẩm số: số 124/2018/DSST ngày 19 tháng 7 năm 2018 của Tòa án nhân dân huyện Bình Chánh, chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm”. Theo tác giả, quy định về nghĩa vụ của đương sự trong việc cung cấp chứng cứ, lời khai chưa nhất quán, rõ ràng và cụ thể. Một mặt, khẳng định nghĩa vụ chứng minh thuộc về đương sự, mặt khác, trách nhiệm thu thập thông tin vụ việc dân sự thuộc về Tòa án. Quy định này buộc Tòa án sau khi thụ lý phải lấy lời khai của đương sự thành nghĩa vụ của cơ quan xét xử. Quy định tại khoản 1 Điều 98 BLTTDS còn lập lờ, không phân định rõ nghĩa vụ của đương sự, Tòa án trong việc cung cấp, thu thập thông tin về vụ án dân sự. Dưới góc độ nghiên cứu, việc thu thập chứng cứ của Tòa án trong việc lấy lời khai của đương sự, có hai quan điểm. Quan điểm thứ nhất cho rằng, Thẩm phán có quyền chủ động sử dụng các biện pháp thu thập chứng cứ quy định tại Điều 98, Điều 99 BLTTDS mà không phải chờ đương sự yêu cầu. Quan điểm thứ hai cho rằng, căn cứ vào quy định của BLTTDS về việc lấy lời khai của đương sự, người làm chứng, Thẩm phán phải xác định được trường hợp nào cần phải có yêu cầu của đương sự. Theo tác giả, Tưởng Duy Lượng2, Nguyễn Đức Mai “chỉ khi đương sự có yêu cầu, thì Tòa án mới tiến hành một hoặc một số biện pháp thu thập chứng cứ sau đây:…” 3 và “Tòa án chỉ có thể tự mình tiến hành một hoặc một số biện pháp chứng cứ sau đây…”4. Về cơ bản, tác giả đồng ý với quan điểm thứ hai nhưng không hoàn toàn. Tùy từng trường hợp vụ, việc cụ thể, Thẩm phán mới thực hiện hoạt động này. Tưởng Duy Lượng (2014), Pháp luật Tố tụng dân sự và trong thực tiễn xét xử, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, tr. 194 và 195. 3 Nguyễn Đức Mai (2004), “Bình luận khoa học BLTTDS năm 2004, sửa đổi, bổ sung năm 2011”, NXB Chính trị quốc gia, tr. 176. 4 Nguyễn Đức Mai (2004), tlđd (3), tr.176. 2 12 Nhiệm vụ chính của Thẩm phán là áp dụng pháp luật, nên nếu giao cho Thẩm phán thực hiện nhiều hoạt động thu thập chứng cứ, ảnh hưởng đến kết quả xét xử của Tòa án nhân dân. Theo khoản 1 Điều 99 BLTTDS, Thẩm phán tiến hành lấy lời khai của đương sự vừa mang tính chất tùy nghị, vừa mang tính chất bắt buộc và có thể nhận định theo ý chí chủ quan của người áp dụng pháp luật. Tính chất của sự cần thiết chưa được làm rõ. Do không được hướng dẫn, nên trong một số vụ án, tùy từng quan điểm, các cơ quan tư pháp có nhận định khác nhau về vấn đề này. Ví dụ: Kháng nghị phúc thẩm của Viện kiểm sát nhân dân huyện Đak Pơ tỉnh Gia Lai5. Bản án dân sự sơ thẩm số 18/2021/DS-ST ngày 23 tháng 9 năm 2021 của Tòa án nhân dân huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai, quyết định: “Không chấp nhận đơn khởi kiện của chị Huỳnh Thị Đ và anh Trần Đình L về việc yêu cầu anh Nguyễn Phi H và chị Nguyễn Thị Trúc V trả 8,6 m2 đất tại thôn Tân Định, xã Tân An, huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai. Bác yêu cầu của chị Huỳnh Thị Đ và anh Trần Đình L về việc buộc anh Nguyễn Phi H và chị Nguyễn Thị Trúc V tháo dỡ công trình trên phần diện tích đất lấn chiếm. Việc xác định lại ranh giới quyền sử dụng đất giữa chị Đ, anh L với anh H, chị V. Hiện trạng sử dụng đất giữa các bên phần ranh giới đất thực tế không có khoảng trống vì các bên đã xây dựng công trình kiên cố nhưng có sự thay đổi so với trích lục giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đề nghị các bên liên hệ với cơ quan có thẩm quyền để làm thủ tục điều chỉnh hiện trạng sử dụng đất theo đúng thực tế sử dụng đất và đúng quy định của pháp luật”. Bản án này bị VKSND huyện Đak Pơ kháng nghị toàn bộ theo thủ tục phúc thẩm và đề nghị TAND tỉnh Gia Lai xét xử phúc thẩm vụ án theo hướng hủy bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án. Căn cứ để VKSND huyện Đak Pơ kháng nghị: Tòa án cấp sơ thẩm chưa lấy lời khai người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan về các nội dung còn mâu thuẫn; Chưa lấy lời khai các hộ lân cận, liền kề biết rõ nguồn gốc, thực trạng của thửa đất; Chưa lấy lời khai của những người làm chứng biết rõ nguồn gốc, diện 5 https://vksnd.gialai.gov.vn/VKSND-huyen-thi-xa-thanh-pho/vien-ksnd-huyen-dak-po-ban-hanh-quyet-dinhkhang-nghi-phuc-tham-yeu-cau-huy-ban-an-dan-su-so-tham-1575.html, truy cập lúc 21h ngày 22.3.2022. 13 tích sử dụng, ranh giới cụ thể giữa hai thửa đất; Chưa xác định nguyên nhân vì sao có diện tích đất dư trên thực tế so với sơ đồ địa chính do phòng Tài nguyên môi trường huyện quản lý, lưu trữ. Với căn cứ kháng nghị nêu trên, có thể thấy, đối với các tranh chấp về nhà, quyền sử dụng đất mà nguồn gốc, thực trạng quyền sử dụng đất đã lâu, không có giấy chứng nhận, sang nhượng bằng giấy tay qua nhiều người, bản đồ xác định vị trí đất không có, nếu Tòa án lấy lời khai tất cả những người biết về nguồn gốc, diện tích đất thì khó khả thi đối với Tòa án. Lịch sử đất đai tại Việt Nam, dưới khía cạnh quản lý và sử dụng đất chưa được công khai, minh bạch, dù Tòa án có xác định đến tận cùng thì vẫn không đầy đủ. Nguyên nhân của tình trạng này là do nguồn gốc tạo lập không có chứng cứ chứng minh, cơ quan quản lý đất đai không có hồ sơ, người làm chứng không còn tại nơi có mảnh đất đang tranh chấp. Trong khi đó, BLTTDS quy định khi xét xử Tòa án phải tuân thủ về thời hạn do luật định. Do đó, việc xác định Tòa án không lấy lời khai của tất cả những người biết về nguồn gốc đất để có nội dung đầy đủ, khách quan về vụ việc là nằm ngoài khả năng của Tòa án. Thứ hai, về xác định phạm vi, nội dung của việc lấy lời khai đương sự. Theo khoản 1 Điều 98 BLTTDS, Thẩm phán chỉ tiến hành lấy lời khai của đương sự khi nội dung bản khai chưa đầy đủ, rõ ràng và chỉ tập trung vào những tình tiết mà đương sự khai chưa đầy đủ, rõ ràng. Mức độ nào được xác định là bản khai của đương sự chưa đầy đủ, rõ ràng; tình tiết khai chưa đầy đủ, rõ ràng? Về phương diện thực tế, Thẩm phán lấy lời khai của đương sự theo ý chí chủ quan của người lấy lời khai, cho rằng như vậy là đủ và cần thiết vì luật không quy định rõ. Hơn nữa, có những vụ án dân sự mà lời khai của đương sự ở mỗi thời điểm khác nhau (lấy lời khai trước khi xét xử, lấy lời khai tại tòa sơ thẩm và phúc thẩm) đương sự có lời khai khác nhau, thậm chí mâu thuẫn, đương sự cung cấp thông tin không đúng như nguyện vọng của họ, làm sai lệch hướng thu thập thông tin khi lấy lời khai của đương sự. Đó là, việc lấy lời khai của của đương sự, bảo đảm cho việc giải quyết vụ việc dân sự được toàn diện, chính xác, công minh, đúng pháp luật. 14 Ví dụ: Bản án 349/2021/DS-PT ngày 14/04/2021 về tranh chấp hợp đồng vay tài sản6. Nguyên đơn là Lê Thị Đức T, tranh chấp với bị đơn là bà Nguyễn Thị T, cư trú tại Quận B, TP. Hồ Chí Minh về vay tài sản. Bản án sơ thẩm số 117/2020/DSST ngày 20 tháng 5 năm 2020 của Tòa án nhân dân Quận M, Thành phố Hồ Chí Minh, quyết định: Chấp nhận toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn bà Lê Thị Đức T. Buộc bà Nguyễn Thị T có nghĩa vụ thanh toán cho bà Lê Thị Đức T số tiền 3.400.280.000 (ba tỷ bốn trăm triệu hai trăm tám mươi ngàn) đồng. Sau khi xét xử, bị đơn là bà Nguyễn Thị T kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án dân sự sơ thẩm. Bản án phúc thẩm số: 349/2021/DS-PT ngày 14 tháng 4 năm 2021 của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh quyết định: Chấp nhận kháng cáo của bị đơn bà Nguyễn Thị T. Hủy bản án dân sự sơ thẩm số 117/2020/DS-ST ngày 20 tháng 5 năm 2020 của Tòa án nhân dân Quận M, Thành phố Hồ Chí Minh. Một trong các căn cứ để Tòa án cấp phúc thẩm hủy án là do Tòa án cấp sơ thẩm không ghi lời khai, không hướng dẫn đương sự viết bản tự khai hoặc có thể ủy quyền cho cá nhân khác đại diện tham gia tố tụng tại Tòa án. Trong vụ này việc nhận định Tòa án cấp sơ thẩm không hướng dẫn đương sự viết bản tự khai hoặc có thể ủy quyền người khác đại diện tham gia tố tụng có phần khiên cưỡng vì vi phạm quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự theo quy định tại Điều 5 và Điều 6 BLTTDS. Thứ ba, về việc lấy lời khai của con trong vụ án ly hôn khi con từ đủ 7 tuổi tuổi đến dưới 18 tuổi. Theo giải đáp một số vấn đề nghiệp vụ số: 01/GĐ-TANDTC của Tòa án nhân dân tối cao ngày 05 tháng 01 năm 2018, phần II, mục 8 về vụ án ly hôn, vợ, chồng có con từ đủ 07 tuổi trở lên nhưng không biết địa chỉ cư trú của con ở đâu nên Tòa án không lấy lời khai của con, trong khi đó, vợ, chồng có yêu cầu được nuôi con, hướng dẫn: “Theo quy định tại khoản 2 Điều 81 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 thì: “Vợ chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, 6 https://thuvienphapluat.vn/banan/ban-an/ban-an-3492021dspt-ngay-14042021-ve-tranh-chap-hop-dong-vay-tai san-209651, truy cập lúc 20h ngày 22.1.2022. 15 quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con". Theo quy định nêu trên thì nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi trở lên chỉ là một trong những yếu tố Tòa án phải xem xét trong quá trình giải quyết vụ án, việc quyết định giao con cho bên nào trực tiếp nuôi phải căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con. Mặt khác, theo quy định tại Điều 214 và Điều 217 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì việc không lấy được lời khai của các con không phải là căn cứ để đình chỉ hay tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự. Do vậy, Tòa án giải quyết theo thủ tục chung và căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con để xem xét, quyết định người trực tiếp nuôi dưỡng con. Việc lấy lời khai của các con từ đủ 07 tuổi trở lên là căn cứ để Tòa án giải quyết toàn diện vụ án tranh chấp xin ly hôn, có tranh chấp về việc nuôi con sau khi ly hôn. Theo giải đáp một số vấn đề nghiệp vụ số 01/2017/GĐ-TANDTC ngày 07 tháng 4 năm 2017 của Tòa án nhân dân tối cao “… để bảo đảm quyền lợi của người con, Tòa án phải lấy ý kiến của người con, xem xét nguyện vọng của người con từ đủ 07 tuổi trở lên…”. Theo khoản 3 Điều 208 BLTTDS: “Đối với vụ án tranh chấp về nuôi con khi ly hôn hoặc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn, Thẩm phán phải lấy ý kiến của con chưa thành niên từ đủ bảy tuổi trở lên …” . Tuy nhiên, qua thực tiễn áp dụng pháp luật về việc lấy lời khai của con từ đủ 07 tuổi trở lên, tác giả nhận thấy có bất cập là về cách lấy lời khai của con. Ví dụ: Vụ án tranh chấp xin ly hôn và nuôi con chung7. Bản án Hôn nhân gia đình sơ thẩm số 21/2019/HNGĐ-ST ngày 17 tháng 5 năm 2019 của Tòa án nhân dân Quận Thốt Nốt, Thành phố Cần Thơ quyết định: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn chị Nguyên. Về con chung: chị Nguyên được quyền nuôi con chung là cháu Phú, sinh ngày 12/12/2005 và cháu Hào, sinh ngày 26/10/2016 đến trưởng thành, anh Kháng không phải cấp dưỡng nuôi con. 7 https://tapchitoaan.vn/bai-viet/phap-luat/xac-dinh-tu-cach-to-tung-cua-con-chung-chua-thanh-nien-tu-du-7tuoi-tro-len-trong-vu-an-ly-hon, truy cập lúc 19h ngày 22.3.2022. Phụ lục 4
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan