Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Giáo dục - Đào tạo Cao đẳng - Đại học Luật Khoá luận bảo hộ sáng chế đối với thuốc cổ truyền theo pháp luật của một số quốc...

Tài liệu Khoá luận bảo hộ sáng chế đối với thuốc cổ truyền theo pháp luật của một số quốc gia bài học cho việt nam

.PDF
70
1
78

Mô tả:

TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT TP.HCM KHOA LUẬT QUỐC TẾ -----------***------------ LÊ BẢO KHANH MSSV: 1753801013081 BẢO HỘ SÁNG CHẾ ĐỐI VỚI THUỐC CỔ TRUYỀN THEO PHÁP LUẬT CỦA MỘT SỐ QUỐC GIA – BÀI HỌC CHO VIỆT NAM Luận văn tốt nghiệp cử nhân luật Niên khóa: 2017 - 2021 Người hướng dẫn: TS. Nguyễn Thị Bích Ngọc TP.HCM – Năm 2021 DANH MỤC TỪ VIẾT TẮT CBD : Công ước về Đa dạng sinh học CPTPP : Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CSIR : Hội đồng Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Ấn Độ EPC : Công ước Sáng chế châu Âu EPO : Văn phòng Bằng sáng chế châu Âu IGC : Ủy ban liên chính phủ về Sở hữu trí tuệ và Nguồn gen, Tri thức truyền thống và Văn hóa dân gian của WIPO IPC : Phân loại Sáng chế Quốc tế Patent : Bằng độc quyền sáng chế PCT : Hiệp ước Hợp tác về sáng chế SHCN : Sở hữu công nghiệp SHTT : Sở hữu trí tuệ SIPO : Cơ quan sáng chế Trung Quốc TRIPS : Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ UKPTO : Cơ quan sáng chế Vương quốc Anh USPTO : Cơ quan sáng chế và nhãn hiệu Hoa Kỳ VBBH : Văn bằng bảo hộ WHO : Tổ chức Y tế Thế giới WTO : Tổ chức Thương mại Thế giới WIPO : Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới MỤC LỤC LỜI MỞ ĐẦU ................................................................................................................. 1 CHƯƠNG I. LÝ LUẬN CƠ BẢN VỀ BẢO HỘ SÁNG CHẾ ĐỐI VỚI THUỐC CỔ TRUYỀN .................................................................................................................. 8 1.1. Khái niệm và sự cần thiết bảo hộ thuốc cổ truyền .................................................... 8 1.1.1. Khái niệm thuốc cổ truyền ..................................................................................... 8 1.1.2. Sự cần thiết bảo hộ thuốc cổ truyền ..................................................................... 12 1.2. Khái niệm sáng chế đối với thuốc cổ truyền ........................................................... 20 1.2.1. Khái niệm sáng chế .............................................................................................. 20 1.2.2. Khái niệm sáng chế đối với thuốc cổ truyền ........................................................ 22 1.3. Điều kiện bảo hộ sáng chế đối với thuốc cổ truyền ................................................ 24 1.3.1. Tính mới ............................................................................................................... 24 1.3.2. Trình độ sáng tạo.................................................................................................. 26 1.3.3. Khả năng áp dụng công nghiệp ............................................................................ 28 1.4. Quy trình xác lập quyền đối với sáng chế đối với thuốc cổ truyền......................... 30 KẾT LUẬN CHƯƠNG 1............................................................................................. 35 CHƯƠNG II. THỰC TRẠNG BẢO HỘ SÁNG CHẾ ĐỐI VỚI THUỐC CỔ TRUYỀN VÀ GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT ....................................... 36 2.1. Thực trạng bảo hộ sáng chế đối với thuốc cổ truyền .............................................. 36 2.1.1. Khái quát về thực trạng bảo hộ sáng chế đối với thuốc cổ truyền ....................... 36 2.1.2. Bất cập về bảo hộ sáng chế đối với thuốc cổ truyền từ thực tiễn áp dụng ........... 38 2.2. Một số giải pháp hoàn thiện pháp luật bảo hộ sáng chế đối với thuốc cổ truyền ... 45 2.2.1. Kinh nghiệm của các quốc gia ............................................................................. 45 2.2.2. Bài học cho Việt Nam .......................................................................................... 52 KẾT LUẬN CHƯƠNG 2............................................................................................. 58 KẾT LUẬN CHUNG ................................................................................................... 59 1 LỜI MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của đề tài Hiện nay, các tập đoàn dược phẩm có xu hướng khai thác sáng chế đối với thuốc cổ truyền, đáp ứng nhu cầu sử dụng các loại thuốc có nguồn gốc tự nhiên, thân thiện với môi trường và con người. Đây là một nguồn tài nguyên có giá trị về mặt y học và thương mại. Tuy nhiên, không phải lúc nào chủ sở hữu bằng sáng chế cũng chia sẻ lợi ích kinh tế một cách công bằng cho cộng đồng. Trên thực tế, đã xảy ra nhiều trường hợp người dân địa phương không hề hay biết về việc những hiểu biết y học của mình bị đánh cắp, đăng ký sáng chế và thu lợi nhuận ở một địa phương, một quốc gia khác. Một ví dụ là trường hợp tập đoàn dược phẩm Phytopharm đăng ký sáng chế đối với thuốc giảm cân chiết xuất từ hoodia, loại cây được người San ở sa mạc Kalahari sử dụng hàng trăm năm nay nhằm cắt cơn đói cho những buổi săn dài ngày.1 Khi có nhiều ý kiến cho rằng Phytopharm đã ăn cắp những kiến thức y học của người San, họ giải thích rằng: Họ tưởng tộc người San không còn tồn tại nữa. Người dân Ấn Độ cũng có những trải nghiệm tương tự, khi một ngày họ phát hiện những hiểu biết của mình về đặc tính chữa lành vết thương của nghệ, đặc tính chống nấm của cây neem, và đặc tính chữa bệnh tiểu đường của cây jamun được đăng ký sáng chế cho hàng loạt thuốc và thu lợi nhuận khổng lồ, mặc dù chỉ thực hiện chiết xuất và cải tiến đơn giản.2 Trong quá khứ, những tri thức này được xem là miễn phí và thuộc sở hữu chung của nhân loại. Nhưng những quan điểm pháp lý hiện đại đã khẳng định kiến thức về thuốc cổ truyền không phải có sẵn trong tự nhiên, mà được phát triển và đúc rút từ thực nghiệm trên chính sức khỏe con người. Do vậy, về bản chất, cộng đồng phát triển bài thuốc cổ truyền chính là chủ sở hữu của những kiến thức này; họ có quyền được biết, được hưởng lợi khi có người thứ ba sử dụng kiến thức của họ cho mục đích thương mại. Mặc dù 1 Nhị Bình (2007), “Bài 2: Tranh chấp quanh cây xương rồng chữa bệnh béo phì”, https://www.sggp.org.vn/bai-2-tranh-chap-quanh-cay-xuong-rong-chua-benh-beo-phi-151073.html, truy cập ngày 16/4/2021. 2 WIPO (2015), Intellectual Property and Traditional Medical Knowledge: Background Brief - No. 6, Switzerland, tr. 2. 2 sau này các bằng sáng chế trên đã bị hủy bỏ hiệu lực, vụ việc đã thu hút dư luận quốc tế về việc liệu còn có bao nhiêu trường hợp tương tự như trên. Dù vậy, cho đến thời điểm hiện tại, sáng chế vẫn là công cụ mạnh mẽ nhất để khuyến khích sáng tạo trong lĩnh vực dược phẩm, bao gồm cả thuốc cổ truyền. Tại Việt Nam, Chương trình phát triển y dược cổ truyền, kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiện đại đến năm 2030 (ban hành theo Quyết định số: 1893/QĐ-TTg ngày 25/12/2019) đã xác định nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn sắp tới là nghiên cứu tuyển chọn, tạo ra các chế phẩm thuốc cổ truyền có hiệu quả tốt, an toàn, có ưu thế hơn thuốc hóa dược và có giá trị kinh tế cao. Như vậy, là một quốc gia sở hữu nhiều bài thuốc cổ truyền có giá trị, Việt Nam cần triển khai hiệu quả pháp luật bảo hộ sáng chế để khuyến khích các chủ thể trong xã hội đầu tư vào nghiên cứu phát triển. Công cụ pháp lý này ngày càng được sử dụng phổ biến ở các nước trên thế giới, đặc biệt là tại châu Á như Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan... Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Tổ chức SHTT Thế giới (WIPO) đã có nhiều thương nghị xem xét các khía cạnh của thuốc cổ truyền trong mối quan hệ với việc bảo hộ mang tính pháp lý. Bảo hộ dưới dạng sáng chế được quan tâm nhiều hơn cả, vì đây chính là phương thức gây tranh cãi nhiều nhất: Một mặt, sáng chế mang lại nguồn kinh tế và thúc đẩy nghiên cứu, sản xuất các loại thuốc hiệu quả; mặt khác, việc cấp bằng sáng chế có thể mang lại những sự bất công, không chỉ cho các cộng đồng địa phương mà cả một quốc gia có nền y học cổ truyền. Những tranh cãi xoay quanh vấn đề làm sao để hài hòa hóa những xung đột pháp luật đang tồn tại giữa các quốc gia, và làm thế nào để các cộng đồng, các nước bảo vệ được những bài thuốc cổ truyền của mình trước sự xung đột này. Trong bối cảnh đó, việc nghiên cứu, tìm hiểu vấn đề “Bảo hộ sáng chế đối với thuốc cổ truyền theo pháp luật của một số quốc gia – Bài học cho Việt Nam” là có ý nghĩa quan trọng. Thông qua nghiên cứu, đề tài sẽ phân tích các vấn đề lý luận cơ bản về bảo hộ sáng chế đối với thuốc cổ truyền, quy định pháp luật quốc tế, pháp luật của một số quốc gia và Việt Nam. Trên cơ sở làm rõ một số vướng mắc, rủi ro trong thực tiễn và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của các quốc gia, đề tài đưa ra một số kiến nghị nhằm giúp hoàn thiện pháp luật Việt Nam về bảo hộ sáng chế đối với thuốc cổ truyền. 3 2. Tình hình nghiên cứu đề tài * Trong nước Liên quan đến tình hình nghiên cứu về vấn đề đã có một số công trình nghiên cứu của một số tác giả được tiếp cận ở nhiều góc độ khác nhau như: - Nhóm tài liệu giáo trình, sách chuyên khảo: + Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh (2015), Giáo trình Luật SHTT, Nhà xuất bản Hồng Đức. Tại Chương III, bài 1 (Sáng chế) của giáo trình đã trình bày các vấn đề lý luận về khái niệm, chủ thể quyền SHCN đối với sáng chế, điều kiện bảo hộ và quy trình cấp patent, nội dung quyền SHCN và hạn chế quyền đối với sáng chế. Các vấn đề lý luận được phân tích trên cơ sở tổng hợp, so sánh và đánh giá pháp luật bảo hộ sáng chế của các quốc gia và Việt Nam. + Trần Kiên (chủ biên) (2020), Sự xung đột giữa quyền con người và quyền SHTT, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội. Tài liệu tập trung nghiên cứu và phân tích sự xung đột giữa quyền con người và quyền SHTT cả từ góc độ triết lý pháp luật lẫn thực tiễn pháp lý trong nước và quốc tế; làm rõ bản chất và địa hạt của các chế định; chỉ ra nguồn gốc và phân tích các hình thái của sự xung đột, trong đó có xung đột giữa pháp luật bảo hộ sáng chế với quyền được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe và bảo vệ tri thức truyền thống. - Nhóm tài liệu khóa luận, luận văn, luận án: + Lê Viết Sĩ (2018), Bảo hộ sáng chế trong lĩnh vực dược phẩm, Luận văn thạc sĩ, Trường Đại học Luật, Đại học Huế. Luận văn làm rõ một số khái niệm cơ bản, phân tích các quy định về bảo hộ sáng chế trong lĩnh vực dược phẩm của một số quốc gia trên thế giới, so sánh với pháp luật Việt Nam; đánh giá thực trạng bảo hộ sáng chế trong lĩnh vực dược phẩm ở Việt Nam; phân tích nhu cầu và đưa ra một số giải pháp hoàn thiện pháp luật nhằm đảm bảo người dân được tiếp cận dược phẩm với mức giá hợp lí. - Nhóm các bài viết trên tạp chí, kỷ yếu hội thảo: + Trần Văn Hải (2013), “Tính mới trong việc bảo hộ sáng chế đối với các thuốc cổ truyền của Việt Nam”, Tạp chí Khoa học ĐHQGHN, Luật học, tập 29, số 2/2013. Bài viết phân tích các quy định của pháp luật quốc tế, pháp luật một số quốc gia, pháp luật Việt 4 Nam về SHTT, kinh nghiệm của một số quốc gia về bảo hộ quyền SHTT đối với thuốc cổ truyền. Trên cơ sở quy định của pháp luật, bài viết phân tích các đơn đăng ký sáng chế liên quan đến các thuốc cổ truyền được cấp patent hoặc bị từ chối cấp patent tại Việt Nam, nguyên nhân và các giải pháp để các thuốc cổ truyền không bị “độc quyền hóa”. + Trần Văn Hải (2014), “Bàn về trình độ sáng tạo trong việc bảo hộ sáng chế đối với các thuốc cổ truyền của Việt Nam”, Tạp chí Khoa học ĐHQGHN, Luật học, tập 30, số 1/2014. Bài viết nghiên cứu và phân tích yếu tố “trình độ sáng tạo” theo quy định của pháp luật, một trong ba điều kiện để thuốc cổ truyền được cấp bằng sáng chế. Từ đó, bài viết chỉ ra những căn cứ pháp lý cho việc các đơn đăng ký bảo hộ bị từ chối, các giải pháp khả thi nhằm giúp cho thuốc cổ truyền Việt Nam được bảo hộ tốt hơn. + Châu Quốc An (2017), “Nhận diện tri thức truyền thống và vai trò của thương mại hóa công bằng tri thức truyền thống trong tiến trình hội nhập và phát triển”, Tạp chí phát triển KH&CN, tập 20, số Q3/2017. Bài viết phân tích các vấn đề lý luận về tri thức truyền thống trong tiến trình hội nhập kinh tế toàn cầu, và chứng minh thương mại hóa công bằng tri thức truyền thống là nhu cầu tất yếu của thực tiễn bảo tồn và phát triển bền vững. Ở mức độ nhất định, các công trình nghiên cứu trên đã nhận diện và phân tích một cách căn bản cơ chế pháp lý hiện hành cũng như thực tiễn áp dụng pháp luật, từ đó kiến giải các giải pháp gỡ vướng tương thích. Giá trị khoa học và thực tiễn mà các công trình, bài viết mang lại là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, đa phần các công trình chỉ mới tiếp cận vấn đề bảo hộ sáng chế đối với thuốc cổ truyền nằm trong nội hàm sáng chế đối với dược phẩm, bảo hộ quyền SHTT đối với tri thức truyền thống hoặc các điều kiện để cấp patent thuốc cổ truyền. Do đó, việc tìm hiểu pháp luật về bảo hộ sáng chế đối với thuốc cổ truyền trong mối tương quan với tri thức truyền thống, dược phẩm, chia sẻ lợi ích công bằng và sự xung đột với pháp luật của các quốc gia khác là cần thiết - khi mà hiện nay vẫn chưa có công trình nào nghiên cứu toàn diện, chuyên sâu về vấn đề này. * Nước ngoài Trên thế giới đã có một số công trình nghiên cứu liên quan đến vấn đề bảo hộ sáng chế đối với thuốc cổ truyền. 5 + Jerry I. - H. Hsiao (2007), “Patent Protection for Chinese Herbal Medicine Product Invention in Taiwan”, The Journal of World Intellectual Property, Vol. 10, No. 1. Bài viết tập trung nghiên cứu tính khả thi của đạo luật bảo hộ sáng chế đối với thuốc cổ truyền tại Đài Loan, một trong những nơi tiên phong về việc ứng dụng khoa học pháp lý hiện đại nhằm bảo vệ tri thức truyền thống. Bài viết cũng chỉ ra những điểm khác biệt giữa thuốc tây y và đông y, và đề xuất về một hệ thống pháp lý riêng biệt để bảo hộ những sáng kiến trong lĩnh vực y học cổ truyền. + Eiland, M. (2009), Patenting Traditional Medicine, Baden-Baden: Nomos Verlagsgesellschaft mbH. Công trình đã phân tích những vụ việc nổi bật trong thực tiễn bảo hộ sáng chế đối với thuốc cổ truyền ở nhiều quốc gia trên thế giới, từ đó chỉ ra một số xung đột cụ thể giữa pháp luật của các quốc gia. Tác giả cũng đánh giá tính tương thích của pháp luật SHTT quốc tế đối với thuốc cổ truyền, và so sánh mức độ hiệu quả khi sử dụng các công cụ khác nhau như sáng chế, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý để bảo vệ tri thức về thuốc cổ truyền ở một số quốc gia tiêu biểu. + Haider, A. (2016), “Reconciling Patent Law and Traditional Knowledge: Strategies for Countries with Traditional Knowledge to Successfully Protect Their Knowledge From Abuse”, Case Western Reserve Journal of International Law, Vol. 48, No. 1. Bài viết tiếp cận lý luận cơ bản về tri thức truyền thống (trong đó có tri thức về y học cổ truyền) ở góc độ pháp luật quyền SHTT. Từ đó, tác giả bàn luận về việc mã hóa cơ sở dữ liệu, đồng thời đưa ra một số đánh giá về cơ sở dữ liệu của Ấn Độ, Hàn Quốc và Trung Quốc. Từ những bài viết, công trình nghiên cứu trên, có thể nhận thấy các nhà lập pháp ở nhiều nước trên thế giới đang xem xét những khả năng thiết lập cơ chế bảo hộ quyền SHTT liên quan đến tri thức truyền thống nói chung và thuốc cổ truyền nói riêng. Các nguyên tắc về sự công bằng và phân chia lợi ích, nguyên tắc tôn trọng và hợp chỉnh với các văn kiện, thủ tục mang tính quốc tế, nguyên tắc nhận thức đặc thù của sở hữu tri thức truyền thống… được đặc biệt chú trọng. Việc nghiên cứu các công trình, bài viết này giúp tác giả nhận diện được những điểm giao thoa, chọn lọc những điểm son phù hợp (với điều kiện hoàn cảnh tại Việt Nam) để làm căn cứ vững chắc cho kiến nghị hoàn thiện pháp luật quốc nội về bảo hộ sáng chế đối với thuốc cổ truyền. 6 3. Mục tiêu, nhiệm vụ nghiên cứu - Mục tiêu nghiên cứu: Đề xuất các giải pháp là cơ sở tham khảo cho các nhà lập pháp xây dựng pháp luật về bảo hộ sáng chế đối với thuốc cổ truyền. Qua đó góp phần bảo tồn và phát triển nguồn tài nguyên tri thức quốc gia, giúp các chủ thể trong xã hội có cơ sở xây dựng chiến lược khai thác sáng chế trên cơ sở chia sẻ lợi ích công bằng, cũng như giúp cơ quan thực thi pháp luật có thể nâng cao hiệu quả quản lý việc cấp bằng sáng chế đối với thuốc cổ truyền tại Việt Nam. - Nhiệm vụ nghiên cứu: + Phân tích các vấn đề lý luận cơ bản về bảo hộ sáng chế đối với thuốc cổ truyền. + Phân tích, so sánh pháp luật quốc tế, pháp luật của một số quốc gia và của Việt Nam về bảo hộ sáng chế đối với thuốc cổ truyền; + Phân tích thực tiễn bảo hộ sáng chế đối với thuốc cổ truyền, những nguyên nhân pháp lý dẫn đến một số vướng mắc, rủi ro trong pháp luật điều chỉnh vấn đề này; + Qua việc nghiên cứu kinh nghiệm ở một số quốc gia tiêu biểu (Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan), đề tài kiến nghị một số giải pháp nhằm hoàn thiện quy định về bảo hộ sáng chế đối với thuốc cổ truyền ở Việt Nam. 4. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu - Đối tượng nghiên cứu: Các vấn đề lý luận cơ bản, quy định pháp luật về bảo hộ sáng chế đối với thuốc cổ truyền. - Phạm vi nghiên cứu: + Về không gian: Đề tài tập trung nghiên cứu vấn đề bảo hộ sáng chế đối với thuốc cổ truyền theo quy định pháp luật Việt Nam trên cơ sở kết hợp nghiên cứu, trích dẫn, so sánh, đối chiếu với các quy định có liên quan của một số quốc gia trên thế giới. + Về thời gian: Đề tài tập trung nghiên cứu các quy định hiện hành về bảo hộ sáng chế đối với thuốc cổ truyền trên cơ sở kết hợp so sánh, đối chiếu với một số văn bản quy phạm pháp luật trước đây. + Về nội dung: Đề tài nghiên cứu các khía cạnh về mặt lý luận, quy định pháp luật hiện hành và thực tiễn bảo hộ sáng chế đối với thuốc cổ truyền theo quy định của pháp luật. 7 5. Phương pháp nghiên cứu Để đạt được mục đích nghiên cứu, tác giả sử dụng kết hợp nhiều phương pháp nghiên cứu khác nhau. Cụ thể: - Phương pháp phân tích: Được sử dụng để phân tích các khái niệm, dữ liệu, đặc điểm, quan điểm khoa học, các quy định pháp luật về bảo hộ sáng chế đối với thuốc cổ truyền. Phương pháp này được dùng chủ yếu và phổ biến ở các chương. - Phương pháp so sánh: Dùng để so sánh giữa các quy định pháp luật có liên quan, so sánh giữa các quy định pháp luật hiện hành với các quy định pháp luật trước đây, giữa pháp luật Việt Nam với pháp luật thế giới về bảo hộ sáng chế đối với thuốc cổ truyền. Phương pháp này được dùng chủ yếu ở chương 2. - Phương pháp thống kê: Được sử dụng để cung cấp các thông tin, số liệu và dữ liệu liên quan đến bảo hộ sáng chế đối với thuốc cổ truyền để phục vụ cho việc thực hiện đề tài. Phương pháp này được dùng chủ yếu ở chương 3. - Phương pháp chứng minh: Được dùng để chứng minh cho những nhận định và kiến nghị của tác giả về thực trạng pháp luật, chứng minh tính cần thiết, tính khả thi của các kiến nghị. Phương pháp này được dùng chủ yếu và phổ biến ở chương 1 và chương 3. - Phương pháp tổng hợp: Dùng để tổng hợp các kết quả phân tích, đánh giá từ đó đưa ra kết luận. Phương pháp này được dùng chủ yếu và phổ biến ở các chương. 6. Kết cấu của đề tài Ngoài danh mục tài liệu tham khảo, đề tài được chia thành 2 chương: Chương I. Lý luận cơ bản về bảo hộ sáng chế đối với thuốc cổ truyền Chương II. Thực trạng bảo hộ sáng chế đối với thuốc cổ truyền và giải pháp hoàn thiện pháp luật 8 CHƯƠNG I. LÝ LUẬN CƠ BẢN VỀ BẢO HỘ SÁNG CHẾ ĐỐI VỚI THUỐC CỔ TRUYỀN 1.1. Khái niệm và sự cần thiết bảo hộ thuốc cổ truyền 1.1.1. Khái niệm thuốc cổ truyền Thời gian gần đây, câu chuyện về các bài thuốc cổ truyền “nhà tôi chữa ba đời” xuất hiện với mật độ dày đặc trên các trang mạng. Nhiều người bức xúc vì cứ mỗi lần bật kênh Youtube lại gặp ngay những quảng cáo lặp đi lặp lại “bà con ai có vấn đề gì… cứ liên hệ với tôi, tôi cam kết khỏi bệnh” gây ám ảnh. GS.TS Trương Việt Bình - nguyên Giám đốc Học viện Y Dược học Cổ truyền Việt Nam cho biết ông đã yêu cầu gỡ hình ảnh của mình bị cắt ghép, sử dụng trái phép trên hơn 40 trang mạng nhằm quảng cáo thuốc cổ truyền.3 Tuy nhiên, mặc cho những lời cảnh báo, nhiều người vẫn tin theo lời quảng cáo và chịu hậu quả “tiền mất tật mang”. Không ít trường hợp phải nhập viện do bị nhiễm độc, men gan tăng, và thậm chí có bệnh nhân suýt ngừng tim.4 Các quảng cáo này đánh vào tâm lý khán giả là mong muốn cải thiện sức khỏe bằng các dược liệu tự nhiên. Về bản chất, thuốc cổ truyền thật sự mang lại lợi ích từ những tinh chất quý hiếm từ thảo mộc, được loại bỏ các độc chất và có quy trình kiểm định gắt gao.5 Thuốc cổ truyền chỉ gây ra những biến chứng khi không được bào chế, chỉ định đúng cách, hoặc không thật sự sử dụng dược liệu y học cổ truyền. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thì thuốc từ dược liệu là bao gồm các loại thảo mộc, nguyên liệu thảo mộc, chế phẩm thảo dược và thành phẩm thảo dược, có chứa các thành phần hoạt tính của cây, hoặc các nguyên liệu thực vật khác, hoặc những sự kết hợp 3 H.Nguyên (2021), “Nhà tôi 3 đời chữa khỏi bệnh…” dưới góc nhìn bác sĩ”, https://suckhoedoisong.vn/nha-toi-3-doi-chua-khoi-benh-duoi-goc-nhin-bac-si-n189073.html, truy cập ngày 16/4/2021. 4 Dương Hải (2021), Tin theo quảng cáo "Nhà tôi 3 đời bán thuốc nam", nhiều người suy gan, thận, https://suckhoedoisong.vn/nha-toi-3-doi-ban-thuoc-nam-nhieu-nguoi-suy-gan--n189024.html, truy cập ngày 16/4/2021. 5 Dương Hải (2021), “Không chỉ ‘thuốc nhà tôi 3 đời’, các loại thuốc nam ở chợ quê cũng là nỗi ám ảnh của bác sĩ”, https://suckhoedoisong.vn/khong-chi-thuoc-nha-toi-3-doi-cac-loai-thuoc-nam-o-cho-quecung-la-noi-am-anh-cua-bac-si-n189247.html, truy cập ngày 16/4/2021. 9 của chúng.6 Thuốc từ dược liệu ở nhiều quốc gia là bộ phận chính của y học cổ truyền, trong đó có Trung Quốc7, Hàn Quốc8... Y học cổ truyền (Traditional Medicine) là tổng hợp của các kiến thức, kỹ năng và thực hành dựa trên lý thuyết, niềm tin và kinh nghiệm bản địa của các nền văn hóa khác nhau, dù có thể giải thích hay không, được sử dụng trong việc duy trì sức khỏe như trong phòng ngừa, chẩn đoán, cải thiện hoặc điều trị bệnh thể chất và tinh thần.9 Giống như nhiều quốc gia châu Á khác, Việt Nam cũng có một nền y học cổ truyền phong phú với hơn 1.300 bài thuốc cổ truyền được sưu tầm.10 Thuốc cổ truyền ở Việt Nam còn có tên gọi dân gian là thuốc đông y, thuốc bắc (thuốc khai thác và bào chế theo sách của Trung Quốc truyền sang), thuốc nam (do các thầy thuốc khám phá trên lãnh thổ Việt Nam)11. Khoản 8 Điều 2 Luật Dược năm 2016 của Việt Nam quy định: “Thuốc cổ truyền (bao gồm cả vị thuốc cổ truyền) là thuốc có thành phần dược liệu được chế biến, bào chế hoặc phối ngũ theo lý luận và phương pháp của y học cổ truyền hoặc theo kinh nghiệm dân gian thành chế phẩm có dạng bào chế truyền thống hoặc hiện đại.” Tại Đức và Nhật Bản – nơi có nền công nghiệp y dược phát triển, thuốc từ dược liệu (Herbal Medicine) được xem là các chế phẩm hoàn toàn có nguồn gốc từ nguyên liệu thực vật hoặc từ chiết xuất của nó cho mục đích chữa bệnh mà không có lý thuyết nào liên quan đến việc điều chế chúng.12 Thuốc này có thể được hiểu là “thuốc hóa dược” hoặc “thuốc 6 WHO (2018), “Traditional, Complementary and Integrative Medicine”, https://www.who.int/healthtopics/traditional-complementary-and-integrative-medicine#tab=tab_1, truy cập ngày 16/4/2021. 7 李曼玲,刘盈 (2007), “中药技术秘密的保护白岩”, 中国中药杂志, 中国中医科学院中药研究所,北 京, 32, tr.2082-2084. 8 장선경, 조건철 (2019), “이원적 의료체계 내에서 한약제제 발명의 보호 방안에 대한 특허법적 논의”, https://www.kiip.re.kr/journal/view.do?bd_gb=jor&bd_cd=1&bd_item=0&po_d_gb=&po_no=J00052&p o_j_no=J00052&po_a_no=355, truy cập ngày 16/4/2021. 9 WHO (2018), tlđd (6). 10 Lam Dương (2019), “Nhu cầu sử dụng dược liệu trong dự phòng và điều trị bệnh là rất lớn”, https://soyte.hanoi.gov.vn/y-hoc-co-truyen/-/asset_publisher/4IVkx5Jltnbg/content/nhu-cau-su-dungduoc-lieu-trong-du-phong-va-ieu-tri-benh-la-rat-lon, truy cập ngày 16/4/2021. 11 12 Wikipedia, “Đông y”, https://vi.wikipedia.org/wiki/Đông_y, truy cập ngày 16/4/2021. Jerry I.-H. Hsiao (2007), “Patent Protection for Chinese Herbal Medicine Product Invention in Taiwan”, The Journal of World Intellectual Property, Vol. 10, No. 1, tr.6. 10 dược liệu” tại Việt Nam và Trung Quốc.13 Mục tiêu cuối cùng của y học hiện đại (hay còn gọi theo dân gian là Tây y) chính là phân lập các hoạt chất dược lý từ thiên nhiên, bào chế thành thuốc, thử nghiệm lâm sàng và đăng ký công nhận thuốc. Không khó hiểu khi 60% thuốc chống ung thư và 75% thuốc chống nhiễm trùng được phê duyệt từ năm 1981 đến năm 2002 có nguồn gốc tự nhiên và 61% tất cả các thực thể hóa học mới được phát hiện trong thời kỳ đó được lấy cảm hứng từ các sản phẩm tự nhiên.14 Trong khi đó, thuốc cổ truyền chú trọng đến công thức, lý thuyết và phương pháp y học cổ truyền, đặc trưng bởi yếu tố khôi phục sự cân bằng âm dương - ngũ hành trong cơ thể con người, thay vì tập trung vào ổ bệnh như Tây y. Y học cổ truyền không chỉ là thuốc hay liệu pháp, nó còn đại diện cho lý luận triết học về sự thống nhất của một bản thể con người và sự hòa hợp với thế giới tự nhiên.15 Ngày nay, thuốc cổ truyền được sử dụng rộng rãi trên thế giới theo ba xu hướng chính: Thứ nhất, sử dụng như một nguồn dược phẩm chính (ví dụ ở các nước kém phát triển ở châu Phi); thứ hai, sử dụng xen kẽ và phối hợp dược phẩm hiện đại (ví dụ các nước có truyền thống như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đông Nam Á); thứ ba, sử dụng như một nguồn phụ trợ (các nước phát triển như Hoa Kỳ, Châu Âu).16 Riêng tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1893/QĐ-TTg ngày 25/12/2019 về Chương trình phát triển y dược cổ truyền, kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiện đại đến năm 2030. Bệnh viện Y học cổ truyền đang xây dựng phần mềm kiểm tra tương tác thuốc giữa hóa dược và vị thuốc cổ truyền, nhằm phục vụ công tác sử dụng bài thuốc cổ truyền xen kẽ với 13 Định nghĩa thuốc hóa dược là “thuốc có chứa dược chất đã được xác định thành phần, công thức, độ tinh khiết và đạt tiêu chuẩn làm thuốc bao gồm cả thuốc tiêm được chiết xuất từ dược liệu, thuốc có kết hợp dược chất với các dược liệu đã được chứng minh về tính an toàn và hiệu quả.”; thuốc dược liệu là “thuốc có thành phần từ dược liệu và có tác dụng dựa trên bằng chứng khoa học, trừ thuốc cổ truyền…” (Khoản 6, Khoản 7 Điều 2 Luật Dược năm 2016 của Việt Nam). 14 Jerry I.-H. Hsiao (2007), tlđd (12), tr.5. 15 Jerry I.-H. Hsiao (2007), tlđd (12), tr.4. 16 WHO (2013), WHO Traditional Medicine Strategy 2014-2023, Geneva, Switzerland, tr.27. 11 thuốc hiện đại trong thời gian tới.17 Vì những lợi ích lớn về y tế, y học cổ truyền và thuốc cổ truyền ngày càng được công nhận sử dụng tại nhiều quốc gia, đặc biệt là khi y học hiện đại bộc lộ những hạn chế nhất định. Bảng phân loại Quốc tế về bệnh tật và các vấn đề sức khỏe có liên quan phiên bản lần thứ 11 (ICD-11) của WHO đã dành toàn bộ một chương cho y học cổ truyền, trong đó có thuốc cổ truyền. Theo báo cáo của WHO, 87% tất cả các Quốc gia Thành viên chính thức thừa nhận việc sử dụng y học cổ truyền và bổ sung (Traditional and Complementary Medicine); 100 Quốc gia Thành viên có chính sách quốc gia về y học cổ truyền và bổ sung; và 124 Quốc gia Thành viên có quy định quốc gia về thuốc cổ truyền.18 Không chỉ được ứng dụng đặc biệt trong điều trị bệnh mạn tính, thuốc cổ truyền cũng mở ra nhiều hướng giải quyết trong những trường hợp khẩn cấp phức tạp. Năm 2002, có 58,3% tổng số bệnh nhân hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) được điều trị bằng thuốc cổ truyền Trung Quốc; hay trong trận động đất lớn ở phía đông Nhật Bản vào năm 2011, phương pháp điều trị bằng thuốc cổ truyền đã chứng minh hiệu quả điều trị, nơi các cơ sở y tế hiện đại đã bị phá hủy.19 Gần đây nhất, thuốc cổ truyền đã được đẩy mạnh áp dụng trong công tác phòng chống virus SAR-CoV-2 tại Trung Quốc20, Thái Lan21, là nhân tố quan trọng đóng góp vào hiệu quả kiểm soát dịch tại đây. Học tập kinh nghiệm này, Bộ Y tế Việt Nam đã nhanh chóng ban hành công văn số 106/BYT-YDCT ngày 17/3/2020 về tăng cường phòng, chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do SARS-Cov-2 bằng thuốc và các phương pháp y học cổ truyền, và tài liệu hướng dẫn về “Một số dược liệu, vị thuốc cổ 17 Thanh Thanh (2020), “Minh chứng giá trị đích thực của y học cổ truyền trong chăm sóc sức khỏe nhân dân”, https://nhandan.com.vn/tin-tuc-y-te/minh-chung-gia-tri-dich-thuc-cua-y-hoc-co-truyen-trong-chamsoc-suc-khoe-nhan-dan-623212/, truy cập ngày 16/4/2021. 18 Theo Dữ liệu tạm thời của Báo cáo toàn cầu của WHO. WHO (2018), Traditional and complementary medicine in primary health care, Geneva, Switzerland, tr.3. 19 WHO (2018), tlđd (6), tr.4. 20 Zi Zhou Zheng, Ning Ning Ma, Lily Li, Dan Jiang (2021), “Efficacy of Traditional Chinese Medicine on COVID-19: Two Case Reports”, Medical Acupuncture, Vol. 33, No. 1, https://www.liebertpub.com/doi/10.1089/ACU.2020.1432, truy cập ngày 16/4/2021. 21 Tuấn Anh (2021), “Thái Lan sử dụng y học cổ truyền điều trị Covid-19”, https://nhandan.vn/tin-tuc-yte/thai-lan-su-dung-y-hoc-co-truyen-dieu-tri-covid-19-643105/, truy cập ngày 24/4/2021. 12 truyền và cây thuốc được sử dụng trong phòng và hỗ trợ điều trị viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2”. Thuốc cổ truyền đã cũng được phân phối đến vùng dịch tại Bắc Ninh, Bắc Giang.22 Tóm lại, thuốc cổ truyền về bản chất là những bài thuốc dân gian có nguồn gốc từ thảo dược, bào chế bởi các phương pháp và lý luận y học cổ truyền. Nhưng không dừng lại ở vai trò là nguồn dược phẩm chính của các cộng đồng bản địa, ngày nay, thuốc cổ truyền còn được ứng dụng rộng rãi trong nhiều giai đoạn chăm sóc sức khỏe. Đó là vì tinh chất từ dược liệu có trong thuốc cổ truyền được đánh giá là thân thiện với môi trường và con người, phù hợp với xu hướng quay lại sử dụng sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên. Có lẽ đó cũng là lý do vì sao những sản phẩm được quảng cáo là “bài thuốc cổ truyền” có sức hấp dẫn lớn đối với đông đảo người dân Việt Nam. 1.1.2. Sự cần thiết bảo hộ thuốc cổ truyền Với sự phát triển về kỹ thuật – khoa học, từ lâu các nước phương Tây đã tìm đến những nguồn tài nguyên sinh học có giá trị khai thác ở các quốc gia kém phát triển hơn. Những giống cây cà phê, ca cao, khoai tây, bắp… là những ví dụ điển hình. Cách sử dụng những nguyên liệu này trong đời sống của người dân bản địa cũng là cơ sở giúp cho các nhà khoa học phương Tây phân tách các hoạt chất để sản xuất thuốc. Ví dụ như Aspirin, loại thuốc giảm đau phổ biến nhất trên thế giới, cũng bắt nguồn từ bài thuốc giúp giảm đau và chống viêm từ cây liễu của người Ai Cập cổ đại, được ghi thành y văn trong các tập giấy papyrus. Tuy nhiên, chỉ đến những năm 1820 – 1830 các nhà khoa học mới phân lập được hoạt chất axit salixylic từ vỏ cây liễu. Năm 1899, Bayer – tập đoàn dược phẩm của Đức - đăng ký hợp chất này dưới tên Aspirin và thuốc được sản xuất hàng loạt ngay sau đó.23 Tri thức từ bài thuốc cổ truyền này khi đó được xem là tài sản chung của nhân loại, giống như nhiều bài thuốc khác được nghiên cứu trong thời kỳ nở rộ các chuyến viễn du 22 Đức Duy (2021), “Bộ Y tế huy động thuốc, sản phẩm YHCT dùng cho bệnh nhân COVID-19”, https://suckhoedoisong.vn/bo-y-te-huy-dong-thuoc-va-san-pham-y-hoc-co-truyen-nang-cao-suc-khoecho-benh-nhan-covid-19-n194358.html, truy cập ngày 05/6/2021. 23 Vũ Trung (2007), “Lịch sử của thuốc Aspirin”, http://www.vinachem.com.vn/xuat-ban-pham/167-sovnc/c2165.html, truy cập ngày 16/4/2021. 13 vào thế kỷ 18 – 19. Nhưng riêng trường hợp sản xuất thuốc Aspirin của Bayer chính là manh mún của việc thương mại hóa thông qua độc quyền dựa trên thuốc cổ truyền. Nếu Aspirin được sản xuất vào thời đại ngày nay, chắc chắn sẽ xảy ra tranh cãi về việc liệu có công bằng không khi Bayer sử dụng những tính chất dược lý đã được biết từ lâu đời để thu lợi nhuận, và những tranh chấp về việc ai có quyền đối với tri thức này. Ngày nay, đã có nhiều thỏa thuận chia sẻ lợi ích giữa công ty dược – mỹ phẩm và cộng đồng bản địa nắm giữ tri thức về thuốc cổ truyền được khai thác lợi nhuận. Ví dụ, người San ở sa mạc Kalahari ký một thỏa thuận lên đến hàng triệu euro mỗi năm với Ủy ban Khoa học và công nghiệp Nam Phi cho phép các công ty phát triển thuốc giảm cân dựa trên những hiểu biết lâu đời về loại cây hoodia, một cây xương rồng có tác dụng ức chế cơn đói.24 Để đi đến thỏa thuận này, cộng đồng bản địa đã phải đấu tranh trong thời gian dài bởi vì nếu không biết được nguồn gốc của sản phẩm thì sẽ không đặt ra vấn đề về chia sẻ lợi ích, mà kiến thức của họ vốn được truyền miệng, không có sự ghi chép. Thậm chí công ty dược phẩm Phytopharm của châu Âu khi đăng ký bằng độc quyền với thuốc này còn lập luận rằng họ tưởng tộc người San không còn tồn tại nữa. Hiện nay, khoản thu nhập trên 6% doanh số bán sản phẩm thuốc giúp cho người San cải thiện đời sống, giáo dục. Nhưng không phải cộng đồng bản địa nào cũng thành công như trường hợp của người San. Ví dụ, trong trường hợp với captopril, một loại thuốc được sử dụng để điều trị tăng huyết áp và suy tim, không có lợi ích nào đã quay trở lại bộ lạc bản địa Brazil, những người đầu tiên sử dụng nọc độc pit viper làm chất độc đầu mũi tên từ lâu đời.25 Một số ý kiến cho rằng: Pháp luật về quyền SHTT đối với thuốc cổ truyền, đặc biệt là pháp luật về bảo hộ sáng chế, là không phù hợp.26 Mặt khác, trong trường hợp này, pháp luật về SHTT khó có thể bị thay thế, và thuốc cổ truyền cũng không phải là đối tượng bị loại trừ bảo hộ trong pháp luật của nhiều quốc gia. Do vậy, vấn đề cần quan tâm hơn đó là 24 Nhị Bình (2007), “Bài 2: Tranh chấp quanh cây xương rồng chữa bệnh béo phì”, https://www.sggp.org.vn/bai-2-tranh-chap-quanh-cay-xuong-rong-chua-benh-beo-phi-151073.html, truy cập ngày 16/4/2021. 25 26 WIPO (2015), tlđd (2), tr. 2. Trần Kiên (chủ biên) (2020), Sự xung đột giữa quyền con người và quyền SHTT, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội, tr. 260-261. 14 pháp luật bảo hộ sáng chế có thể được xây dựng như thế nào để bảo hộ thuốc cổ truyền một cách hữu hiệu, và làm sao để ngăn chặn tình trạng thương mại hóa thuốc cổ truyền mà không có sự đồng ý của cộng đồng nắm giữ tri thức. Đây cũng chính là mục tiêu mà các diễn đàn quốc tế như Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và Tổ chức SHTT Thế giới (WIPO) hướng đến. Công ước về Đa dạng sinh học27 và Ủy ban liên chính phủ về SHTT và Nguồn gen, Tri thức truyền thống và Văn hóa dân gian của WIPO28 ra đời nhằm đảm bảo những quyền của người dân bản xứ trong câu chuyện thương mại hóa bài thuốc cổ truyền. Năm 2006, hệ thống bảng Phân loại Sáng chế Quốc tế (IPC) đã được bổ sung một danh mục có liên quan đến tri thức truyền thống, bao gồm các loại thuốc cổ truyền. Bảo hộ đối với thuốc cổ truyền là một xu hướng không thể đảo ngược. Một số quốc gia, vùng lãnh thổ như Hàn Quốc, Đài Loan… đang nghiên cứu xây dựng những công cụ pháp lý nhằm bảo hộ thuốc cổ truyền trong khu vực của họ, trao cho người dân những quyền chủ động để khai thác tri thức y học cổ truyền nhằm mục đích như tạo ra sản phẩm hoặc thành lập doanh nghiệp dựa trên tri thức đó. Các nghiên cứu tập trung xây dựng các quy định riêng cho thuốc cổ truyền khác với quy định về quyền SHTT dành cho y học hiện đại.29 Những phương thức ngày càng phổ biến để bảo hộ đối tượng có chứa tri thức truyền thống nói chung và trong y học cổ truyền nói riêng bao gồm bảo hộ thông qua quyền tác 27 Convention on Biological Diversity (CBD) được đưa ra ký kết tại Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Môi trường và Phát triển tại Rio de Janeiro vào ngày 05/6/1992 và có hiệu lực từ ngày 29/12/1993. Tính đến tháng 5/2009 đã có 191 quốc gia tham gia Công ước này. Việt Nam chính thức gia nhập vào ngày 16/11/1994. Tại cuộc họp lần thứ 10 ở Nagoya, vấn đề “tài sản trí tuệ của dân bản xứ” được đưa ra nghị bàn, trong đó thảo luận những quyền lưu giữ mang tính tập thể, cộng đồng của người dân bản xứ và những hành vi xâm phạm quyền điển hình. Nguồn: Wikipedia, “Công ước về Đa dạng sinh học” https://vi.wikipedia.org/wiki/Công_ước_về_Đa_dạng_sinh_h%E1%BB%8Dc, truy cập ngày 18/5/2021. 28 WIPO Intergovernmental Committee on Intellectual Property and Genetic Resources, Traditional Knowledge and Folklore (IGC). Phiên họp lần thứ 19 của IGC được tổ chức tại Geneva, Thụy Sỹ, từ ngày 18 đến 22/7/2011 đã xem xét từng điều khoản của Dự thảo văn kiện bảo hộ tri thức truyền thống được đưa ra tại Phiên họp lần thứ 18 của IGC gồm: định nghĩa về tri thức truyền thống, điều kiện bảo hộ, đối tượng hưởng lợi từ việc bảo hộ, phạm vi bảo hộ, chế tài đối với hành vi xâm phạm quyền về tri thức truyền thống, quản lý quyền được cấp, một số hạn chế và ngoại lệ đối với việc bảo hộ tri thức truyền thống, thời hạn bảo hộ và mối quan hệ giữa văn kiện bảo hộ tri thức truyền thống với các điều ước quốc tế liên quan khác. Nguồn: Ban Biên Tập Sở KHCN (2017), “Cuộc họp của Ủy ban liên CP về SHTT và nguồn gen, tri thức truyền thống và văn hóa dân gian”, https://sokhcn.langson.gov.vn/cuoc-hop-cua-uyban-lien-cp-ve-shtt-va-nguon-gen-tri-thuc-truyen-thong-va-van-hoa-dan-gian, truy cập ngày 18/5/2021. 29 Jerry I.-H. Hsiao (2007), tlđd (12), tr.2. 15 giả, nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý.30 Tuy nhiên những công cụ này cũng có hạn chế nhất định. Ví dụ như trường hợp bảo hộ nhãn hiệu đối với dầu gió Trường Sơn, loại cây thuốc nam truyền thống của Việt Nam. Nhãn hiệu có thể giúp phân biệt hàng hóa, nhưng không cấm các bên thứ ba sử dụng bài thuốc cổ truyền mà không có nhãn hiệu hoặc dưới một nhãn hiệu khác. Nhãn hiệu không thể được sử dụng để bảo vệ bản thân thuốc cổ truyền.31 Trên cơ sở so sánh nhiều loại quyền SHTT khác nhau, M.L.Eiland kết luận bằng sáng chế là công cụ hữu hiệu nhất để bảo hộ thuốc cổ truyền, và đây cũng là công cụ chính được sử dụng ở Trung Quốc.32 Điều này có thể lý giải được từ cơ sở triết học pháp lý về bản chất quyền của nhà sáng chế. Có bốn quan điểm nổi bật được Fritz Machlup tập hợp và trình bày33: (i) Quan điểm “Luật tự nhiên” (natural law) cho rằng con người có quyền “bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm của mình cũng giống như họ có quyền bảo vệ tính cách riêng của họ” theo G.W.F.Hegel, tức có quyền tài sản tự nhiên đối với các sáng tạo của họ, và ngăn chặn người khác chiếm đoạt ý tưởng; (ii) Quan điểm khen thưởng (reward) theo John Locke lập luận nhà sáng chế có quyền cố hữu để “gặt hái những thành quả sáng tạo của họ”, tức con người cần nhận được phần thưởng tương xứng với sự phục vụ hữu ích cho xã hội, và phần thưởng này chính là độc quyền tạm thời dưới hình thức pháp lý; (iii) Quan điểm khuyến khích (incentive) cho rằng độc quyền tạm thời tăng khả năng lợi nhuận để khuyến khích đầu tư thời gian, công sức, kỹ năng và các nguồn lực vào sáng chế; (iv) Quan điểm công bố (disclosure) nêu việc trao cho các nhà sáng chế các độc quyền là để trao đổi với việc bộc lộ thông tin, giúp cho các thế hệ sau này sẽ tiếp cận được với sáng tạo khi những người này chết hay bằng độc quyền hết hạn. Các nhà lập pháp từ những quốc gia bảo hộ sáng chế đối với thuốc cổ truyền hầu hết dựa vào nhiều hơn một quan điểm nêu trên. Quyền sáng chế nói chung sẽ khuyến khích sáng tạo dựa trên nguồn tài nguyên có sẵn là những 30 Zografos, Daphne (2010), Intellectual Property and Traditional Cultural Expressions, Edward Elgar Publishing, http://www.elgaronline.com/view/9781848444065.xml., truy cập ngày 18/5/2021. 31 WIPO (2015), tlđd (2), tr.3. 32 Eiland L. (2009), Patenting Traditional Medicine, Nomos, http://www.nomoselibrary.de/index.php?doi=10.5771/9783845214993., truy cập ngày 18/5/2021. 33 Fritz Machlup, An economics review of patent system, Washington, DC: US Government Printing Office, tr. 24-25. 16 hiểu biết về thuốc cổ truyền. Như đã trình bày, thuốc cổ truyền dựa trên những lý luận và phương pháp y học cổ truyền với nhiều điểm khác biệt so với y học hiện đại, hay Tây y. Việc bào chế thuốc cổ truyền chú trọng cân bằng các tác dụng khác nhau của thảo dược, loại bỏ độc tính. Sự kết hợp của các loại thảo mộc để đạt được tác dụng dược lý là thông qua việc áp dụng đúng lý thuyết y học cổ truyền, không phải vì các sản phẩm tự nhiên thực sự an toàn và không độc hại.34 Như vậy, để tạo ra được một bài thuốc cổ truyền đòi hỏi nhiều nỗ lực trí tuệ và sự đầu tư nghiên cứu với nhiều rủi ro không kém so với y học hiện đại. Đặc biệt, với các tiêu chuẩn bảo hộ sáng chế ngày càng cao, nỗ lực sáng tạo vượt trên những kiến thức đã có sẵn để bài thuốc cổ truyền được bảo hộ sáng chế là rất đáng hoan nghênh. SHCN trong trường hợp này sẽ giúp ghi nhận công lao của nhà sáng chế, cũng như đem lại phần thưởng kinh tế tương xứng với sự đầu tư về chi phí (thậm chí Richard Posner còn nêu quan điểm rằng thời hạn 20 năm độc quyền sáng chế đối với sản phẩm thuốc đôi lúc không đủ để thu hồi chi phí vốn).35 Ở phía ngược lại, Hoa Kỳ vẫn bảo lưu quan điểm cho rằng tri thức truyền thống không thể được sáng tạo thêm hay bảo hộ bằng quyền SHTT. Họ cho rằng: “Tài sản trí tuệ, cho dù bản chất của nó được hiểu theo nghĩa hiện tại hay theo sui generis, đóng vai trò là động lực cho những nỗ lực sáng tạo trong tương lai; theo định nghĩa, tri thức truyền thống không cần động lực để phát triển.”36 Lời khẳng định này đặt ra câu hỏi về nội hàm của thuật ngữ tri thức truyền thống mà Hoa Kỳ xác định. Trong khi đó, WIPO cho rằng: “Tri thức truyền thống thường được xem là di sản tập thể của một cộng đồng dân cư bản địa cụ thể hoặc cộng đồng địa phương. Trong khi các cá nhân, chẳng hạn như một shaman ở Bolivia hoặc một sangoma ở Nam Phi37 có thể có những sáng kiến riêng, những sáng kiến của họ được 34 Jerry I.-H. Hsiao (2007), tlđd (12), tr.6. 35 Richard A. Posner (2012), “Why There Are Too Many Patents in America”, https://www.theatlantic.com/business/archive/2012/07/why-there-are-too-many-patents-inamerica/259725/, truy cập ngày 18/5/2021. (Richard Posner là một tác giả và Thẩm phán Tòa Phúc thẩm liên bang Hoa Kỳ. Ông đã viết hơn 2500 bài viết về tư pháp được công bố và giảng dạy tại Trường Luật của Đại học Chicago.) 36 37 Eiland L. (2009), tlđd (32), tr.12. Shaman, Sangoma đều là những cái tên chỉ thầy cúng trị bệnh dựa trên các phương pháp cổ truyền và tâm linh. 17 xem là ‘truyền thống’ là vì chúng dựa trên di sản tập thể và những sáng kiến đó được xem là bắt nguồn từ cộng đồng.”38 Jerry I., H. Hsiao trong nghiên cứu của mình cũng nêu “…y học cổ truyền không phải là tĩnh. Với sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại, y học cổ truyền đã được chứng minh là tài sản vô giá trong việc khám phá thuốc hiện đại.”39 Mặc dù tuyên bố như trên và vẫn chưa quyết định phê chuẩn Công ước về Đa dạng Sinh học, Hoa Kỳ vẫn cấp hàng loạt sáng chế đối với thuốc cổ truyền. Các yếu tố như sự sử dụng trước ở nước ngoài không ngăn cản Hoa Kỳ cấp VBBH. Điều này rõ ràng là nhằm có lợi cho kinh tế Hoa Kỳ, nhưng theo các nhà nghiên cứu, điều này gây tổn hại cho nền y học cổ truyền của quốc gia khác.40 Trên tinh thần tri thức truyền thống có thể được tiếp nối và sáng tạo, việc bảo hộ đối với thuốc cổ truyền giúp đẩy nhanh quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của các nước, đặc biệt là nơi có sẵn một nền y học cổ truyền phong phú. Thực tiễn đã chứng minh thuốc cổ truyền và dược liệu có tiềm năng kinh tế lớn. Ví dụ, Công ty dược phẩm toàn cầu Lilly & Company của Hoa Kỳ đã chiết xuất từ cây dừa cạn hồng ở Madagascar để thu chất vinblastine và chất vincristin độc lập với nhau, tổ hợp của các chất độc lập này lại có tác dụng ức chế phân bào và được sử dụng trong hóa trị liệu ung thư, dùng điều trị bệnh bạch cầu ở trẻ em, bệnh Hodgkin (một loại ung thư hệ bạch huyết). Công ty đã thu lợi nhuận khổng lồ từ thuốc này khoảng 20 tỷ USD mỗi năm.41 Quy mô thị trường thuốc từ thảo dược toàn cầu dự kiến đạt 550 tỷ USD vào năm 2030.42 Doanh thu toàn cầu của thuốc từ thảo dược Trung Quốc ước tính lên đến 83,1 tỷ USD trong năm 2012, tăng hơn 20% so với năm trước.43 Theo thống kê tại Việt Nam, riêng năm 2003 đã tập hợp được 39.381 bài thuốc cổ 38 WIPO (2015), tlđd (2), tr.1. 39 Jerry I.-H. Hsiao (2007), tlđd (12), tr.3. 40 Eiland L. (2009), tlđd (32), tr.10. 41 Jiang F. (2008), The Problem with Patents. Traditional Knowledge and International IP Law, Harvard International Review, tr. 30. 42 insightSLICE (2021), “Herbal Medicine Market Global Sales Are Expected To Reach US$ 550 Billion by 2030, as stated by insightSLICE”, https://www.globenewswire.com/newsrelease/2021/02/16/2176036/0/en/Herbal-Medicine-Market-Global-Sales-Are-Expected-To-Reach-US550-Billion-by-2030-as-stated-by-insightSLICE.html, truy cập ngày 16/4/2021. 43 WHO (2013), tlđd (16), tr.26.
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan