Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Giáo dục - Đào tạo Cao đẳng - Đại học Luật Hk nhân thân đề 31 chị a đề nghị ly hôn anh b (chồng chị) với lý do anh b ngoại ...

Tài liệu Hk nhân thân đề 31 chị a đề nghị ly hôn anh b (chồng chị) với lý do anh b ngoại tình nhưng anh b phủ nhận điều này và dứt khoát không đồng ý ly hôn.

.DOC
12
68
135

Mô tả:

ĐỀ BÀI: Chị A đề nghị ly hôn anh B (chồng chị) với lý do anh B ngoại tình nhưng anh B phủ nhận điều này và dứt khoát không đồng ý ly hôn. Để chứng minh anh B ngoại tình và Tòa án chấp nhận đề nghị đơn phương ly hôn của mình, chị A đã: (i) Thuê thám tử theo dõi anh B; (ii) thuê người đặt trộm camera trong xe ô tô của anh B; (iii) ghi âm lén các cuộc nói chuyện điện thoại của anh B; (iv) xin danh mục tất cả các cuộc điện thoại và nhắn tin (có nội dung) từ nhà cung cấp dịch vụ điện thoại di động; (v) thuê người áp dụng biện pháp kĩ thuật để tiếp cận được các thư điện tử của anh B. Theo anh (chị) hành vi của chị A và các tổ chức, cá nhân liên quan có xâm phạm quyền nhân thân của anh B hay không? LỜI MỞ ĐẦU Quyền bí mật đời tư là một quyền dân sự có lịch sử lâu đời, là một nội dung quan trọng thuộc phạm vi các quyền con người trong lĩnh vực dân sự chính trị. Trong đời sống pháp lý hiện nay, khi mà ý thức cá nhân cũng như ý thức pháp luật của mỗi thành viên trong xã hội ngày càng được nâng cao, vấn đề bảo vệ các quyền nhân thân mà đặc biệt quyền bí mật đời tư ngày càng mang tính thời sự, đòi hỏi nhiều sự đầu tư và nghiên cứu. Bài viết nhỏ sau đây xin được phân tích một vụ việc giả định về quyền bí mật đời tư, qua đó góp phần làm rõ một số nội dung của quyền này. NỘI DUNG I. Một số vấn đề lý luận về quyền bí mật đời tư: 1. Khái niệm quyền bí mật đời tư: Quyền, trong Khoa học Lý luận Nhà nước và Pháp luật, được định nghĩa là « khả năng xử sự của chủ thể gắn với những điều kiện cụ thể được pháp luật quy định và bảo vệ ». Một trong những đặc điểm của quyền pháp lý là khả năng yêu cầu chủ thể khác cùng tham gia quan hệ pháp luật thực hiện nghĩa vụ pháp lý của họ nhằm đáp ứng quyền của mình, đồng thời yêu cầu các bên có liên quan tôn trọng việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ mới phát sinh cũng như chấm dứt các hành vi cản trở việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình trên thực tế. Được ghi nhận tại Điều 17 Công ước Quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị năm 1966, quyền được pháp luật bảo vệ chống lại những « can thiệp một cách tuỳ tiện hoặc bất hợp pháp vào đời sống riêng tư, gia đình, nhà ở, thư tín, hoặc bị xâm phạm bất hợp pháp đến danh dự và uy tín” là một nội dung của quyền con người thuộc lĩnh vực dân sự. Cùng với những quyền con người khác, những nội dung quyền này đã được pháp luật Việt Nam ghi nhận tại nhiều văn bản pháp luật khác nhau trong suốt lịch sử lập pháp, trong đó có cả 04 bản hiến pháp. BLDS 2005, với quy định tại Điều 38 – Quyền bí mật đời tư là sự ghi nhận rõ ràng nhất : Ðiều 38. Quyền bí mật đời tư 1. Quyền bí mật đời tư của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ. 2. Việc thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư của cá nhân phải được người đó đồng ý; trong trường hợp người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, chưa đủ mười lăm tuổi thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý, trừ trường hợp thu thập, công bố thông tin, tư liệu theo quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. 3. Thư tín, điện thoại, điện tín, các hình thức thông tin điện tử khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật. Việc kiểm soát thư tín, điện thoại, điện tín, các hình thức thông tin điện tử khác của cá nhân được thực hiện trong trường hợp pháp luật có quy định và phải có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Hiện trong hệ thống pháp luật Việt Nam chưa có một định nghĩa nào về quyền bí mật đời tư. Với tư cách là một quyền nhân thân, theo nghĩa khách quan quyền bí mật đời tư có thể được hiểu là một phạm trù pháp lý bao gồm tổng hợp các quy phạm pháp luật do Nhà nước ban hành, quy định quyền của các cá nhân đối với bí mật đời tư của mình và nghĩa vụ tôn trọng quyền đó của các chủ thể khác trong xã hội. Theo nghĩa chủ quan, quyền bí mật đời tư có thể được hiểu là một quyền dân sự chủ quan gắn liền với cá nhân, có đối tượng là các bí mật đời tư của cá nhân đó và nội dung là sự bảo vệ và sự đòi hỏi tôn trọng, ngăn cấm các hành vi xâm phạm của các chủ thể khác trong xã hội đối với bí mật đời tư của cá nhân đó. 2. Các yếu tố của quyền bí mật đời tư: 2.1. Chủ thể quyền : Với tư cách là một quyền nhân thân, chủ thể quyền của quyền bí mật đời tư chỉ có thể là cá nhân. Chủ thể mang nghĩa vụ trong quan hệ pháp luật liên quan đến quyền bí mật đời tư chính là tất cả các chủ thể còn lại trong xã hội, trong đó có Nhà nước. 2.2. Đối tượng quyền : Hiện nay trong hệ thống pháp luật Việt Nam chưa có quy phạm nào nêu rõ khái niệm « bí mật đời tư » và phạm vi của nó, dẫn tới nhiều quan điểm khác nhau đã nảy sinh trong luật học. « Bí mật đời tư » của một cá nhân chỉ là một khái niệm có ý nghĩa tương đối, trong thực tiễn giải quyết tranh chấp, để xác định một thông tin có phải là bí mật đời tư hay không tòa án phải căn cứ vào các tình tiết thực tế tùy theo các vụ việc. Khái niệm “bí mật đời tư” bao hàm trong nó hai khái niệm là « đời tư » và « bí mật ». Về khái niệm “đời tư”, chúng ta cũng đã đặt khái niệm này trong mối liên quan, xuất phát từ các thông tin. Có ý kiến cho rằng “tư - có nghĩa là riêng, việc riêng, của riêng”, một cách giải thích khác của cuốn Đại từ điển tiếng Việt: tư là riêng, của cá nhân, trái với công (chung)... đời tư, riêng tư...Như vậy, có thể hiểu rằng những thông tin liên quan đến đời tư là những thông tin liên quan đến một cá nhân cụ thể, đó là những gì thầm kín của cá nhân mà họ giữ bí mật. Đó có thể là các thông tin liên quan đến các yếu tố tinh thần, vật chất, các quan hệ xã hội. Những thông tin liên quan đến bí mật đời tư được bảo hộ phải là những thông tin mang tính bí mật. Tính bí mật được xác định theo : - Bản chất thông tin: nếu cảm xúc, suy nghĩ của cá nhân bày tỏ ra trước một số chủ thể nhất định thì không còn coi là bí mật, nhưng nếu một người đã thể hiện thông tin qua một hình thức khác, như ghi vào nhật kí, thì đó được coi là bí mật đời tư. - Bí mật được xác định theo quy định của pháp luật: Gồm có thư tín, điện thoại, điện tín, các hình thức thông tin điện tử khác, và một số thông tin đặc biệt, như quy định tại khoản 5 Điều 8 Luật phòng chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) cấm việc « công khai tên, địa chỉ, hình ảnh của người nhiễm HIV hoặc tiết lộ cho người khác biết việc một người nhiễm HIV khi chưa được sự đồng ý của người đó…” - Tính bảo mật của thông tin : Khi chủ sở hữu áp dụng các biện pháp bảo mật, khi có tranh chấp phải chứng minh được chủ thể xâm phạm đã thực hiện những hành vi như thu thập, công bố các thông tin, tư liệu,… mà không có sự đồng ý của mình. Các biện pháp như khóa, cài mã số,… có thể được coi là một bằng chứng hữu hiệu chứng minh tính bảo mật của thông tin. - Thông qua quan hệ nghĩa vụ giữa các bên, theo đó giữa chủ sở hữu thông tin và người biết được thông tin đó tồn tại một thỏa thuận với nghĩa vụ bảo mật. - Căn cứ theo Điều 10 BLDS , những thông tin được coi là “bí mật đời tư” không được trái pháp luật và đạo đức xã hội, tức những thông tin đó không được gây ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. Trong những trường hợp này, việc bộc lộ thông tin khong bị coi là xâm phạm bí mật đời tư. Ví dụ một người sau khi thực hiện hành vi cướp tài sản đã kể cho người bạn của mình. Việc người bạn này công bố thông tin đó cho cơ quan công an không thể được coi là xâm phạm bí mật đời tư. Những thông tin, tư liệu thuộc bí mật đời tư của cá nhân luôn luôn có ý nghĩa đối với cá nhân dù những thông tin đó có được công bố hay không. Việc công bố những thông tin thuộc về bí mật đời tư sẽ tạo ra sự bất lợi đối với chủ sở hữu. Tuy nhiên, mức độ quan trọng của những thông tin, tư liệu được coi là bí mật đời tư đối với bản thân chủ sở hữu là một giá trị tương đối, phụ thuộc vào quan điểm, môi trường sống và làm việc,… của mỗi người. Khi xem xét đặc điểm này cần phải đặt trong mối tương quan với tính bí mật của thông tin. Như vậy có thể khái quát : Bí mật đời tư bao gồm các thông tin, tư liệu về đời sống tình cảm, tinh thần, vật chất, nghề nghiệp, các mối quan hệ, etc. của cá nhân trong quá khứ cũng như hiện tại, đc pháp luật bảo vệ và đc cá nhân đó bảo mật bằng những biện pháp mà pháp luật thừa nhận 2.2.3. Nội dung quyền : Cá nhân có quyền đối với những thông tin, tư liệu của mình, có quyền bí mật đối với thư tín, điện tín và các hình thức thông tin điện tử khác. Cá nhân có quyền công bố hoặc không công bố những thông tin, tư liệu thuộc về đời tư của mình, khi cá nhân không công bố đồng nghĩa với việc thông tin được coi là bí mật. Bất cứ hành vi nào tiết lộ các thông tin mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đều bị coi là xâm phạm quyền của cá nhân đối với bí mật đời tư. Thông thường, các hành vi xâm phạm bao gồm : + Hành vi thu thập, công bố các thông tin, tư liệu liên quan đến cá nhân nhưng không được sự đồng ý của cá nhân hoặc của thân nhân cá nhân đó trong trường hợp cá nhân đã chết, mất năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật. + Hành vi xâm phạm chỗ ở bất hợp pháp của cá nhân + Hành vi xâm phạm bí mật đời tư liên quan đến thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức thông tin điện tử khác của cá nhân. Cá nhân có quyền áp dụng các biện pháp bảo mật thông tin, có quyền tiến hành các biện pháp bảo vệ quyền bí mật chống lại các hành vi xâm phạm theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, quyền đối với bí mật đời tư của cá nhân cũng phải chịu hạn chế, đó là khi thông tin, tư liệu về đời tư của cá nhân được thu thập, công bố, thư tín, điện tín, … của cá nhân bị khám xét trong các trường hợp : 1- Nếu được người có bí mật đời tư đồng ý hoặc khi người đó đã chết hoặc mất năng lực hành vi dân sự mà được sự đồng ý của người thân của người đó. 2- Theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Ví dụ: Để phục vụ công tác điều tra vụ án hình sự theo quy định tại Điều 140 BLTTHS. 3- Để bảo vệ lợi ích công cộng (an ninh quốc gia,...); khi khai thác quyền tự do thông tin của báo chí – Luật báo chí ( các chính khách, những người nổi tiếng đôi khi phải chịu những hạn chế đối với quyền bí mật đời tư). Sự xung đột giữa quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, quyền được thông với quyền bí mật đời tư là một vấn đề rất cần được nghiên cứu làm rõ, nhất là trong bối cảnh Luật Tiếp cận thông tin đang trong quá trình được xây dựng. II. Phân tích vụ việc : Văn bản pháp luật áp dụng + Hiến pháp 1992 + BLDS 2005 + BLTTDS 2004, sửa đổi, bổ sung năm 2011 + BLHS + Luật Viễn thông + Luật Công nghệ thông tin Vấn đề cần làm rõ 1. Về tính chất các thông tin của anh B mà chị A tìm cách tiếp xúc: + Những thông tin đó có phải là “thông tin, tư liệu về đời tư của cá nhân” hay không? + Chúng có được anh B giữ bí mật không? Có tồn tại một số lượng hạn chế tổ chức, cá nhân được biết và phải có nghĩa vụ giữ bí mật không? 2. Về hành vi của chị A và các tổ chức, cá nhân liên quan: + Mục đích của chị A tiếp cận thông tin của anh A là để làm gì? + Pháp luật có qui định về việc thu thập thông tin trong các trường hợp tương tự như trường hợp này như thế nào? Chị A có tuân thủ hay không?  Hành vi của chị A và các tổ chức liên quan có phải là hành vi xâm phạm quyền nhân thân của anh B hay không? 3. Anh A có thể làm gì để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình? 1. Về tính chất các thông tin, tư liệu của anh B mà chị A tìm cách tiếp xúc Những thông tin, tư liệu của anh B mà chị A tìm cách tiếp xúc gồm có: Thông tin mà thám tử được thuê thu thập Hình ảnh mà camera ghi được Các cuộc điện thoại bị ghi âm Danh mục các cuộc điện thoại và nhắn tin (có nội dung) có phải là bí mật đời tư hay không? Thư điện tử + Căn cứ theo khoản 3 Điều 38 BLDS, có thể nhận thấy ngay thư điện tử và các cuộc điện thoại bị ghi âm chính là đối tượng của quyền bí mật đời tư. Về các thông tin còn lại: + Thông tin mà thám tử được thuê để thu thập: Trong những thông tin này, sẽ có những thông tin thuộc phạm vi bí mật đời tư, cũng có những thông tin lại không thuộc phạm vi đó. Giả sử anh A làm việc tại cơ quan Nhà nước và thám tử báo cáo cho chị B biết về giờ giấc anh đi là và nghỉ ngơi thì đây không phải là bí mật đời tư, do nhiều cơ quan nhà nước có chung quy định về giờ giấc làm việc và thông tin này dễ dàng được tra cứu qua các phương tiện thông tin đại chúng. Hay như trong khi nghỉ giữa giờ anh B đi ăn trưa ở đâu, gặp gỡ ai, thì đó tuy là những việc thuộc về tự do cá nhân không ai được ngăn cản, thuộc về đời tư của anh, nhưng cũng không phải là bí mật đời tư do không đảm bảo yếu tố “bí mật”, rõ ràng những việc như vậy diễn ra công khai trước sự chứng kiến của rất nhiều người. Nhưng nếu thám tử lại theo dõi và điều tra được mật mã địa chỉ hòm thư điện tử, hay mật mã thẻ ATM của anh B thì chắc chắn đã có hành vi xâm phạm bí mật đời tư do những thông tin này thuộc phạm vi đời tư của anh, cả nhà cung cấp dịch vụ cũng như ngân hàng đều có trách nhiệm bảo mật chúng và anh A có lẽ sẽ không bao giờ công khai. + Hình ảnh mà camera ghi được trong ô tô của anh A: Quyền bí mật đời tư thường có mối quan hệ chặt chẽ, tác động qua lại với nhiều quyền nhân thân khác, như quyền của cá nhân đối với hình ảnh, quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở, … Hành vi xâm phạm quyền của cá nhân đối với hình ảnh thường cũng đồng thời xâm phạm đến quyền bí mật đời tư của cá nhân đó. Những thông tin mà camera ghi lại được gồm có những hành động mà anh B tiến hành trong xe ô tô riêng của mình. Những hành vi đó, trừ các hoạt động mà tất cả những người lái xe đều làm khi tham gia giao thông, thì việc anh vào xe trong giờ nghỉ trưa, nghe bài hát nào, xem bộ phim nào để giải trí, gặp gỡ riêng ai trong đó là những hành vi thuộc về đời tư của anh. Nếu anh B khẳng định những việc đời tư này được anh giữ bí mật, ví dụ anh luôn thực hiện chúng khi đã lái xe ra chỗ vắng, hay lúc đêm khuya, … thì chúng đã đủ điều kiện trở thành bí mật đời tư. + Danh mục các cuộc điện thoại và tin nhắn có nội dung do nhà cung cấp dịch vụ điện thoại di động cung cấp. Việc anh B sử dụng điện thoại di động của mình để thực hiện liên lạc, bất kể là với ai, lúc nào, ở đâu đều là vấn đề thuộc về sự riêng tư của anh, anh được quyền tự do thực hiện và không ai được ngăn cản. Thêm vào đó, căn cứ vào Khoản 4 Điều 6 Luật Viễn thông: “ Doanh nghiệp viễn thông không được tiết lộ thông tin riêng liên quan đến người sử dụng dịch vụ viễn thông, bao gồm tên, địa chỉ, số máy gọi, số máy được gọi, vị trí máy gọi, vị trí máy được gọi, thời gian gọi và thông tin riêng khác mà người sử dụng đã cung cấp khi giao kết hợp đồng với doanh nghiệp, trừ các trường hợp sau đây: a) Người sử dụng dịch vụ viễn thông đồng ý cung cấp thông tin; b) Các doanh nghiệp viễn thông có thoả thuận bằng văn bản với nhau về việc trao đổi cung cấp thông tin liên quan đến người sử dụng dịch vụ viễn thông để phục vụ cho việc tính giá cước, lập hoá đơn và ngăn chặn hành vi trốn tránh thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng; c) Khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.” Nghĩa vụ bảo mật đã hình thành giữa anh A với nhà cung cấp trên cơ sở của cả quy định pháp luật và hợp đồng dịch vụ giữa hai bên. Ở đây, do không tồn tại yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, anh B không biểu hiện sự đồng ý cung cấp thông tin, vì thế các thông tin đời tư này đã thỏa mãn điều kiện thứ hai của một bí mật đời tư, đó là chúng được giữ bí mật. 2. Về hành vi của chị A và các tổ chức, cá nhân liên quan Từ những tính chất của thông tin, tư liệu của anh B mà chị A và các tổ chức, cá nhân tìm cách tiếp cận, có thể xác định chị A và những tổ chức, cá nhân liên quan, bao gồm tổ chức, cá nhân hành nghề thám tử, doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ điện thoại di động, hacker được thuê để tiếp cận các thư điện tử của anh B, người lắp camera (nếu người này biết được mục đích của chị B tại hoặc trước thời điểm giao kết hợp đồng lắp camera) đã có hành vi xâm phạm quyền đối với bí mật đời tư của anh B, thể hiện qua các việc: + Thu thập, công bố các thông tin, tư liệu liên quan đến cá nhân nhưng không được sự đồng ý của cá nhân đó. + Hành vi xâm phạm bí mật đời tư liên quan đến thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức thông tin điện tử khác của cá nhân. Không có trường hợp nào rơi vào phạm vi của giới hạn quyền. Ngoài ra, hành vi của một số tổ chức, cá nhân có liên quan như hacker, thám tử, nhà cung cấp dịch vụ điện thoại di động, không chỉ dừng lại ở hành vi xâm phạm quyền nhân thân của cá nhân trong lĩnh vực dân sự, mà còn vi phạm quy định của pháp luật hành chính, căn cứ theo khoản 4 Điều 6 Luật Viễn thông, điểm c khoản 2 Điều 12 Luật Công nghệ thông tin,. Hành vi của họ cũng như của chị A, cũng có thể bị coi là tội phạm nếu có đủ các điều kiện cấu thành tội phạm quy định tại Điều 125 BLHS. Quyền bí mật đời tư thì có thể bị hạn chế trong trường hợp có quyết định đúng pháp luật của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Tuy nhiên căn cứ theo các tình tiêt sự việc và các Điều 85 và 94 của BLTTDS, thì thấy rằng ở đây chị B đã tự mình thu thập chứng cứ và việc thu thập chứng cứ đó đã xâm phạm quyền bí mật đời tư của anh A. Hành vi của chị A là nhằm thu thập chứng cứ nhằm chứng minh anh B ngoại tình và để Tòa án chấp nhận đề nghị đơn phương ly hôn của mình. Theo quy định tại Điều 81 BLTTDS, thì những tài liệu mà chị A giao nộp cho Tòa án vẫn có thể được coi là chứng cứ, do chúng đúng là “những sự việc có thật…” Pháp luật TTDS hiện nay chưa có quy định rõ ràng về cách thức thu thập chứng cứ , vì thế những thông tin mà chị B đưa ra vẫn có thể được coi là chứng cứ nhưng hành vi của chị xâm phạm quyền bí mật đời tư của anh B thì vẫn tồn tại. 3. Anh A có thể làm gì để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình? Theo quy định tại Điều 25 BLDS: ” Khi quyền nhân thân của cá nhân bị xâm phạm thì người đó có quyền: 1. Tự mình cải chính; 2. Yêu cầu người vi phạm hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền buộc người vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai; 3. Yêu cầu người vi phạm hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền buộc người vi phạm bồi thường thiệt hại.” Căn cứ vào các tình tiết của vụ việc, khi xảy ra hành vi xâm phạm quyền bí mật đời tư của chị A và các chủ thể có liên quan, anh B có thể tiến hành: + Biện pháp tự bảo vệ: Tăng cường việc bảo mật các thông tin, dữ liệu đời tư, sử dụng các biện pháp kĩ thuật bảo vệ hòm thư điện tử của mình. + Tự mình cải chính. + Khởi kiện chị A và các chủ thể liên quan ra tòa án, yêu cầu chị và những người này chấm dứt hành vi vi phạm, vô hiệu hóa và dỡ bỏ các thiết bị ghi âm, ghi hình mà họ đã sử dụng. Yêu cầu họ xin lỗi và bồi thường thiệt hại nếu có. + Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của chị A, của hacker, của thám tử, người cài đặt camera và của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông với cơ quan công an hoặc cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật TTHS và pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin. KẾT LUẬN: Vụ việc trên đây là một ví dụ khả tổng hợp về các hành vi xâm phạm bí mật đời tư. Vốn là một quyền nhân thân quan trọng, trong tương lai pháp luật cần có thêm những nghiên cứu, hoàn thiện đối với nội dung này. Các biện pháp đồng bộ cần được tiến hành, từ khâu hoàn thiện pháp luật, qua đó nêu rõ nội dung và phạm vi quyền bí mật đời tư và ngăn ngừa sự xung đột giữa các văn bản pháp luật liên quan đến quyền tiếp cận thông tin với quyền này, đến khâu tăng cường giáo dục ý thức pháp luật của người dân cũng như nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ những người hành nghề luật, trong đó đa dạng hóa nguồn của pháp luật dân sự trong lĩnh vực này là một vấn đề rất đáng nghiên cứu. DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình luật dân sự Việt Nam, Tập I và II, Nxb. CAND, Hà Nội, 2009. 2. Bùi Đăng Hiếu, “Phân loại quyền nhân thân”, Tạp chí luật học, số 7/2009. 3. Lê Đình Nghị, “Bàn về khái niệm bí mật đời tư”, Tạp chí nghề luật, số 4/2007. 4. Phùng Trung Tập, “Bí mật đời tư bất khả xâm phạm”, Tạp chí luật học, số 6/1996. MỤC LỤC LỜI MỞ ĐẦU............................................................................................................................2 NỘI DUNG................................................................................................................................2 I. Một số vấn đề lý luận về quyền bí mật đời tư:...............................................................2 1. Khái niệm quyền bí mật đời tư:..........................................................................................2 2. Các yếu tố của quyền bí mật đời tư:...................................................................................3 2.1. Chủ thể quyền :....................................................................................................................3 2.2. Đối tượng quyền :................................................................................................................3 2.2.3. Nội dung quyền :...............................................................................................................5 II. Phân tích vụ việc :.............................................................................................................5 1. Về tính chất các thông tin, tư liệu của anh B mà chị A tìm cách tiếp xúc...............6 2. Về hành vi của chị A và các tổ chức, cá nhân liên quan....................................................8 3. Anh A có thể làm gì để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình?.............................9 KẾT LUẬN:..............................................................................................................................10 DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO....................................................................................11
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan