Đăng ký Đăng nhập

Tài liệu De thi tot nghiep 2014 trần hưng đạo

.DOC
5
206
137

Mô tả:

SỞ GIÁO DỤC & ĐÀO TẠO NINH BÌNH TRƯỜNG THPT TRẦN HƯNG ĐẠO ĐỀ THI TỐT NGHIỆP THPT Năm học: 2013- 2014 Môn: Ngữ Văn Thời gian làm bài: 120 phút (Đề thi gồm hai phần trong hai trang) Phần I- Đọc hiểu (4,0 điểm) Đọc bài thơ sau và trả lời các câu hỏi: Từ ấy Tố Hữu Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ Mặt trời chân lí chói qua tim Hồn tôi là một vườn hoa lá Rất đậm hương và rộn tiếng chim... Tôi buộc lòng tôi với mọi người Để tình trang trải với trăm nơi Để hồn tôi với bao hồn khổ Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời. Tôi đã là con của vạn nhà Là em của vạn kiếp phôi pha Là anh của vạn đầu em nhỏ Không áo cơm, cù bất cù bơ... (Ngữ văn 11, Tập hai, NXB Giáo dục, 2008, tr.44) Câu 1: Vị trí và vai trò của bài thơ đối với con đường thơ, con đường cách mạng của Tố Hữu? Nêu nội dung chính của bài thơ? Câu 2: Ở khổ thơ thứ nhất, Tố Hữu đã bộc lộ cảm xúc gì? Nhà thơ đã dùng những hình ảnh ẩn dụ nào để chỉ lí tưởng cộng sản? Ý nghĩa của những hình ảnh ấy? Cảm nhận của anh (chị) về hai câu thơ: Hồn tôi là một vườn hoa lá- Rất đậm hương và rộn tiếng chim... Câu 3: Ở khổ thơ thứ hai, nhà thơ đã có những nhận thức mới về lẽ sống như thế nào khi được ánh sáng của lí tưởng soi rọi? Câu 4: Tình cảm của Tố Hữu đã có sự chuyển biến như thế nào khi nhà thơ tự cho mình là: con của vạn nhà, em của vạn kiếp phôi pha, anh của vạn đầu em nhỏ? Câu 5: Từ bài thơ, anh (chị) có suy nghĩ gì về lí tưởng sống của thanh niên hiện nay? Phần 2- Viết (6,0 điểm): Học sinh chọn một trong hai câu sau để làm bài: Câu 1: Hiện nay nhiều bạn trẻ tự tạo Scandal để được nổi tiếng. Anh (chị) có đồng tình không? Hãy trình bày suy nghĩ của mình về hiện tượng trên. Câu 2: Theo anh (chị), đâu là khám phá riêng của Hoàng Phủ Ngọc Tường về vẻ đẹp của sông Hương qua tác phẩm Ai đã đặt tên cho dòng sông? -----------------------------------HẾT-------------------------------- SỞ GIÁO DỤC & ĐÀO TẠO NINH BÌNH TRƯỜNG THPT TRẦN HƯNG ĐẠO HƯỚNG DẪN CHẤM ĐỀ THI TỐT NGHIỆP THPT Năm học: 2013- 2014 Môn: Ngữ Văn I. Yêu cầu chung: - Nắm vững yêu cầu của hướng dẫn chấm và đáp án để vận dụng linh hoạt, đánh giá chính xác bài làm của thí sinh, tránh đếm ý cho điểm một cách đơn thuần. - Việc chi tiết hoá điểm số (nếu có) so với biểu điểm phải đảm bảo không sai lệch với tinh thần cơ bản của hướng dẫn chấm. - Có thể thưởng điểm cho những bài viết có sáng tạo nếu bài làm chưa đạt điểm tối đa. II.Yêu cầu cụ thể: Phần I- Đọc hiểu: Câu 1: - Vị trí và vai trò của bài thơ đối với con đường thơ, con đường cách mạng của Tố Hữu: bài thơ ra đời vào tháng 7- 1938 khi Tố Hữu mới 18 tuổi đã được đón nhận ánh sáng của lí tưởng. Bài thơ là một dấu mốc, mở đầu cho một chặng đường đời, chặng đường thơ của Tố Hữu. (0.25điểm) - Nội dung chính của bài thơ: là lời tâm nguyện của người thanh niên yêu nước giác ngộ lí tưởng cộng sản với những tình cảm chân thành, sâu sắc. (0.25điểm) Câu 2: - Ở khổ thơ thứ nhất, Tố Hữu đã bộc lộ những cảm xúc: niềm vui sướng, say mê của người thanh niên trẻ khi bắt gặp ánh sáng của lí tưởng. (0.25điểm) - Nhà thơ đã dùng hai hình ảnh ẩn dụ để chỉ lí tưởng cộng sản: nắng hạ, mặt trời chân lí. (0.25điểm) - Ý nghĩa: nắng hạ khẳng định lí tưởng cộng sản như một nguồn ánh sáng mới mạnh mẽ, rực rỡ làm bừng sáng trái tim, khối óc, tuổi trẻ đầy nhiệt huyết của người thanh niên trí thức (0.25điểm); mặt trời chân lí thể hiện chân lí của Đảng sáng rực, chói lọi, cần thiết như mặt trời, ánh sáng ấy bừng lên, toả ra, chiếu sáng nhận thức của người chiến sĩ (0.25điểm). - Cảm nhận về hai câu thơ: nhà thơ sử dụng hình ảnh so sánh: hồn tôi được so sánh với khu vườn hoa lá đậm hương và rộn tiếng chim cho thấy tâm hồn nhà thơ vui tươi, tràn đầy sức sống như vườn cây tươi xanh, rực rỡ, rộn rã âm thanh...(0.5điểm). Câu 3: Ở khổ thơ thứ hai, nhà thơ thể hiện những nhận thức mới về lẽ sống: tự nguyện gắn bó tình cảm, tâm hồn với mọi người; trải rộng lòng mình với cuộc đời tạo ra khả năng đồng cảm sâu sắc với quần chúng lao khổ; hài hòa giữa cái tôi cá nhân và cái ta chung của mọi người để tạo thành khối mạnh đoàn kết trên con đường đấu tranh giành độc lập, tự do (0.5điểm). Câu 4: Tình cảm của Tố Hữu có sự chuyển biến mạnh mẽ trong khổ thơ thứ ba: từ việc đón nhận ánh sáng của lí tưởng, nhà thơ đã cảm nhận sâu sắc bản thân mình là một thành viên của đại gia đình quần chúng lao khổ với cách xưng hô thân thiết, ruột thịt- là con, là em, là anh (0.5điểm). Câu 5: Học sinh bày tỏ những suy nghĩ của bản thân về lí tưởng sống của thanh niên hiện nay: phần lớn là những người sống có ước mơ, có lí tưởng cao đẹp, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, góp phần khẳng định vị trí của đất nước trong khu vực cũng như trên thế giới; bên cạnh đó vẫn còn một bộ phận thanh niên sống không có lí tưởng hoặc mục đích sống thấp hèn, sống hưởng thụ, thiếu trách nhiệm, toan tính, vụ lợi cá nhân...(1.0điểm). Phần II- viết: 1.Yêu cầu về kĩ năng: - Hiểu đúng vấn đề nêu ở đề bài. - Biết cách làm bài văn nghị luận bố cục rõ ràng, kết cấu chặt chẽ, diễn đạt tương đối tốt, không mắc lỗi chính tả, dùng từ và ngữ pháp 2. Yêu cầu về kiến thức: Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng phải đáp ứng được các yêu cầu cơ bản sau: Câu 1: a. Giải thích: Scandal là để chỉ các sự việc tạo ra cho dư luận sự quan tâm nhưng phần lớn là dư luận phẫn nộ về các vụ bê bối trong tất cả các mặt của đời sống như phát ngôn gây sốc, khoe thân phản cảm… b. Bàn luận: - Thực trạng: ngày càng nhiều bạn trẻ tự tạo Scandal để được nổi tiếng: có thể điểm qua một số cái tên trong năm 2013 như bà Tưng, Quân Kun… - Nguyên nhân: do một bộ phận giới trẻ hiện nay muốn tự khẳng định bản thân và khao khát người khác quan tâm, chú ý. Theo tâm lý học, hiện tượng này được gọi là hiện tượng phản vai tức là cố gắng làm trái đi vai trò, hình ảnh, tính cách hiện có của mình để mưu cầu một điều gì đó mà ở đây là sự nổi tiếng. - Hậu quả: + Đi ngược lại với văn hoá, văn minh và truyền thống nhân văn của dân tộc. + Ảnh hưởng xấu đến danh dự, uy tín của bản thân và gia đình. + Để lại tác hại lâu dài về nhân cách, phẩm giá. - Biện pháp khắc phục: + Mỗi bạn trẻ cần ý thức về sự nổi tiếng là thực lực của bản thân chứ không phải sử dụng các chiêu trò. + Phụ huynh cần quan tâm hơn tới đời sống tinh thần, tâm tư, tình cảm của con em mình. + Cần có chế tài nghiêm khắc với các trang mạng xã hội không để cho những vụ việc Scandal làm vấy bẩn. - Liên hệ, rút ra bài học cho bản thân. Câu 2: Trong tác phẩm Ai đã đặt tên cho dòng sông, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã phát hiện ra vẻ đẹp độc đáo của dòng sông Hương: a.Khám phá con sông trong mối quan hệ gắn bó máu thịt với cội nguồn: sông Hương là dòng chảy trải qua hành trình nhiều thăng trầm, gian truân từ dãy núi Trường Sơn về biển cả. Hành trình của dòng sông từ nguồn ra biển khiến ta liên tưởng đến hành trình sinh tồn của một con người, của một miền đất, một dân tộc: bản trường ca của rừng già, cô gái Di- gan phóng khoáng và man dại, người mẹ phù sa của một vùng văn hoá xứ sở... b. Khám phá con sông trong mối quan hệ gắn bó với lịch sử: mang vẻ đẹp sử thi bi tráng: như người dũng sĩ đã chiến đấu oanh liệt bảo vệ biên giới phía nam của Tổ quốc Đại Việt qua những thế kỉ trung đại, vẻ vang soi bóng kinh thành Phú Xuân của người anh hùng Nguyễn Huệ; vừa là chứng nhân vừa là nạn nhân lịch sử bi tráng của thế kỉ XIX với máu của những cuộc khởi nghĩa; là chủ nhân của những chiến công rung chuyển trong Cách mạng tháng Tám, đồng hành cùng dân tộc trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại chống pháp và chống Mỹ... c.Khám phá con sông trong mối quan hệ với nền văn hoá cố đô Huế: là nguồn cảm hứng không bao giờ vơi cạn cho thơ ca, nhạc hoạ... d.Khám phá con sông trong mối quan hệ gắn bó máu thịt với con người Huế: sông Hương trở thành dòng sông- đời người: sống ân nghĩa với xứ sở đã sinh thành, cưu mang mình bằng cách đem đến dòng nước mát lành và bồi đắp những lớp phù sa màu mỡ, như một người tình mong đợi đến đánh thức người gái đẹp nằm ngủ mơ màng giữa cánh đồng Châu Hoá đầy hoa dại... e.Đánh giá chung: hình tượng sông Hương mang đậm dấu ấn phong cách bút kí Hoàng Phủ Ngọc Tường: đó là sự kết hợp giữa chất trí tuệ và chất trữ tình, giữa khả năng nghị luận sắc bén với những suy tư đa chiều được tổng hợp từ kho tri thức phong phú về triết học, lịch sử, văn hoá, địa lí; lối hành văn hướng nội, phóng túng. Từ hình tượng dòng sông, tác giả đã làm nổi bật vẻ đẹp văn hoá, lịch sử, vẻ đẹp tâm hồn của con người vùng đất cố đô cổ kính miền Trung và thể hiện niềm tự hào, tình yêu tha thiết với quê hương, đất nước... THANG ĐIỂM - Điểm 5- 6: đáp ứng tốt các yêu cầu trên, bố cục hợp lí, lập luận chặt chẽ, có thể mắc một vài lỗi nhỏ về diễn đạt. - Điểm 3-4: cơ bản đáp ứng được các yêu cầu trên, diễn đạt tương đối tốt, bố cục rõ ràng, có thể mắc một số sai sót. - Điểm 1-2: cách nhìn nhận và triển khai vấn đề còn lúng túng, diễn đạt hạn chế, mắc nhiều lỗi câu, chính tả. - Điểm 0: sai lạc hoàn toàn về nội dung và phương pháp. -----------------HẾT-----------------
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan

thumb
đề thi 2017...
17
4649
88