Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Giáo dục - Đào tạo Cao đẳng - Đại học Luật đề 11. giới thiệu và bình luận bản ave maria và serenade của schubert...

Tài liệu đề 11. giới thiệu và bình luận bản ave maria và serenade của schubert

.DOC
6
127
67

Mô tả:

Đề 11. Giới thiệu và bình luận bản Ave Maria và Serenade của Schubert Những năm cuối thế kỉ XVIII, đầu thế kỉ XIX tại Châu Âu đã có những biến động đáng kể về chính trị, kinh tế và nghệ thuật. Hòa mình vào dòng chảy đó, âm nhạc cổ điển cũng có những chuyển mình phù hợp với tự nhiên. Giai đoạn cổ điển Vienna khép lại với những tên tuổi lừng lẫy như Haydn, Mozart, Beethoven, mở ra một giai đoạn mới – giai đoạn âm nhạc lãng mạn mà sự huy hoàng của nó lan tỏa suốt thế kỉ XIX. Đã có rất nhiều nhà soạn nhạc ưu tú xuất hiện như Mendelssohn, Schumann, Chopin, Liszt hay Tchaikovsky. Nhưng trong số đó, người khai phá và là “nhân vật vĩ đại” đầu tiên chính là Franz Schubert – tác giả của bản Serénade bất hủ, ca khúc Ave Maria để đời, và bản Giao hưởng Dang dở (Symphonie Inachevée) đầy huyền thoại Franzt Schubert sinh ngày 31 tháng 1 năm 1797 tại Himmelpfortgrund – một làng nhỏ ở ngoại ô Vienna trong một gia đình có nguồn gốc Bohemia. Ông sinh ra và lớn lên trong một gia đình mà mọi thành viên trong gia đình đều có niềm đam mê âm nhạc lớn nhưng nền kinh tế lại tỉ lệ nghịch với niềm đam mê đó. Chính người cha và anh trai Ignaz đã dạy cho Schubert những bài học âm nhạc đầu tiên. Năm 1804, khi mới 7 tuổi, Schubert được gửi tới nhà thờ Lichtenthal ở Vienna để học chơi đàn organ. Năm 1808, để gia đình giảm bớt một miệng ăn, Schubert tới học ở trường nội trú Convict nơi có nhà soạn nhạc nổi tiếng Antonio Saliari - người cùng thời với Mozart làm hiệu trưởng. Trong thời gian này, Schubert bắt đầu chơi ở bè violin 2 sau đó chuyển lên bè violin 1 trong dàn nhạc của trường. Những sáng tác đầu tiên của cậu bé cũng bắt đầu xuất hiện trong đó nổi tiếng nhất là bản Fantasia cho 2 Piano (1810). Rời truờng nội trú năm 16 tuổi, Schubert đi đăng lính nhưng vì cận thị quá nặng nên bị từ chối, ông đành nghe theo lời cha đi làm thầy giáo tại Annegasse. Trong thời gian 3 năm dạy học, Schubert đã sáng tác được 2 tứ tấu đàn dây, những bản giao hưởng đầu tiên, một vài Piano sonata, Mass số 1 giọng Fa trưởng. Thời gian này các tác phẩm của Schubert xuất hiện với số lượng thật đáng kinh ngạc. Năm 1814, Schubert hoàn thành vở opera đầu tiên Des Teufels Lustschloss D.84 cũng như 17 lied trong đó có những bài nổi tiếng như “Der Taucher” D.77/111 hay “Gretchen am Spinnrade” D.118 (dựa theo thơ của Goethe). Một năm sau, 145 lied và 4 vở opera khác ra đời. Schubert chuyển đến dạy học tại trường Laibach ở Slovenia vào năm 1816. Hàng loạt các tác phẩm nổi tiếng được ông sáng tác vào thời gian này. Tiêu biểu có các lied “Erlkonig” (Chúa rừng), “Gesange des Harfners”, giao hưởng số 4 “Tragic” giọng Đô thứ D.417, giao hưởng số 5 giọng Si giáng trưởng D.485. Tháng 6 năm 1816, Schubert bắt tay vào viết bản cantata “Prometheus”. Năm 1820, Schubert hoàn thành Piano Sonata giọng La trưởng, D.664, tác phẩm thính phòng xuất sắc Tứ tấu đàn dây giọng Đô thứ Quartettsatz D.703, âm nhạc cho vở kịch Die Zauberharfe D.64 và vở opera Die Zwillingsbrüder D.647. Lúc này Schubert đã trở nên nổi tiếng nhưng sự nghèo khó vẫn không chịu buông tha ông. Năm 1822 sự nghiệp âm nhạc của Schubert có một bước ngoặt vĩ đại. Ông sáng tác bản giao hưởng số 8 giọng Si thứ “Dang dở” D.759 nổi tiếng. Schubert viết xong phần 1 và 2 thì ngưng. Mãi tới sau khi ông qua đời, người ta mới tìm thấy đoạn đầu của phần 3 và bố cục của phần 4. Nếu như những tác phẩm được sáng tác trong thời gian đầu của Schubert còn mang hơi hướng của trường phái cổ điển Vienna thì đến bản giao hưởng này đã cho thấy một ngôn ngữ thể hiện hoàn toàn khác, vượt qua những quy tắc khắt khe, chặt chẽ để đến với những sáng tạo, tìm tòi mới, tạo lập nên một trường phái mới: trường phái lãng mạn mà sau này đã lan rộng ra khắp châu Âu trong suốt thế kỷ XIX trong đó Franz Schubert chính là “người vĩ đại đầu tiên”. Cùng trong năm 1822 này, Schubert hoàn thành bản Mass giọng La giáng trưởng D.678 và tác phẩm nổi tiếng Wanderer fantasy cho Piano D760 (sau này Liszt đã phối khí lại cho Piano và dàn nhạc). Sở dĩ có tên gọi như vậy là vì bản nhạc này dựa trên lied “Der Wanderer” của Schubert. Toàn bộ các sáng tác của Schubert đều mang đậm màu sắc trữ tình, trữ tình đến mức nhiều nhà phê bình sau này không lý giải được và họ phải thốt lên: “chất trữ tình đầy đậm đà như mặt nước của con sông Rhein trôi êm đềm”. Năm 1823, vở opera Rosamude, furstin von Cypern (Rosamude, hoàng tử đảo Cyprus) và tập bài hát đầu tiên Die Schöne Müllerin D. 795 (Con gái ông chủ cối xay xinh đẹp) dựa theo thơ của Wilhelm Müller ra đời. Các tác phẩm của Schubert luôn xuất hiện với số lượng đáng kinh ngạc cho thấy ông quả là một con người thật phi thường. Một năm sau, Schubert sáng tác 2 bản Tứ tấu đàn dây giọng La thứ và Rê thứ “Death and the maiden” (Thần chết và trinh nữ) cũng như Octet giọng Fa trưởng D.803. Trong thời kỳ mà sự ổn định tạm thời về kinh tế xen lẫn với sự suy sụp về sức khoẻ, Schubert vẫn không ngừng sáng tác, âm nhạc đối với ông như một niềm an ủi. Từ năm 1825 đến 1826, hàng loạt các tác phẩm quan trọng ra đời như Piano Sonata giọng La thứ, Op. 42; giọng Rê trưởng, Op. 53 và bản giao hưởng cuối cùng của ông bản giao hưởng số 9 giọng Đô trưởng (the Great) D.944. Tập bài hát thứ 2 Winterreise D. 911 (Hành trình mùa đông) cũng dựa theo thơ của Müller ra đời và cùng với tập thứ nhất là những viên ngọc vô giá trong kho tàng thanh nhạc của nhân loại. Bốn Impromtu cho piano, D.899, Trio giọng Si giáng trưởng và Fantasia cho violin và piano, D934 ra đời trong thời gian này cũng là những tác phẩm ưu tú. Mười bốn lied trong tập liên khúc thứ ba và cũng là tập cuối cùng Schwanengesang D.957 (Bài ca thiên nga) được Schubert viết vào năm 1828. Sáu bài trong số đó là dựa vào thơ của Heinrich Heine. Các tác phẩm cuối cùng của Schubert là 3 Piano Sonata cuối cùng cũng như Ngũ tấu cho dàn dây giọng Đô trưởng D.956 cho 2 violin, viola và 2 cello. Giữa lúc sức sáng tạo đang dồi dào nhất, sức khoẻ của Schubert ngày càng trở nên xấu hơn. Ông bị suy sụp hoàn toàn vào tháng 10 năm 1828 sau khi trở về Vienna. Và ngày 19 tháng 11 năm 1828, Schubert qua đời. thể theo nguyện vọng lúc cuối đời của ông, mộ của Schubert được đặt cạnh mộ của Beethoven tại nghĩa trang Walhring. Nếu hậu thế đã phải tiếc thương cho một Chopin qua đời vào tuổi 39, một Mozart vào tuổi 35, thì lại càng phải xót xa cho một Schubert khi ông qua đời lúc mới chỉ 31 tuổi. Thế nhưng, nếu nói về số lượng, Schubert lại đứng đầu các tác giả nhạc cổ điển với trên 1000 tác phẩm, gồm khoảng 600 ca khúc, 9 bản giao hưởng, 6 lễ nhạc Công giáo, 5 vở opera, 21 bản sonata, 31 bản thính phòng, cùng nhiều sáng tác ngẫu hứng, và các bản độc tấu dành cho dương cầm. Sự ngọt ngào trong đau khổ của Schubert đã thổi vào nền âm nhạc thế kỷ XIX những ngọn gió nhẹ trong lành, tươi mát mãi cho đến tận bây giờ... Bia mộ của ông ghi dòng chữ: “Ở đây, cái chết đã chôn vùi một kho báu và cả những niềm hy vọng còn quý báu hơn”. Tác phẩm Ave Maria “Ave Maria” hay “Ellens dritter Gesang” (Ellens Gesang III, D 839, Op 52 no 6, 1825), với phần lời dựa trên trích đoạn “The lady of the lake” của Sir Walter Scott, là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của nhà soạn nhạc vĩ đại người Áo Franz Schubert. “Ellens dritter Gesang” có nghĩa là ”Bài ca thứ ba của nàng Ellens”. Tuy rằng có rất nhiều tranh cãi và hiểu lầm về nguồn gốc của tác phẩm, nhưng thực sự đây là một tác phẩm cực kì xuất sắc của Franz Schubert, một trong những tác phẩm đưa ông lên vị trí một trong những nhà soạn nhạc hàng đầu thế giới. Vào những năm 1825, Schubert có một chuyến đi về vùng quê cùng Vogl, một người bạn của mình. Cũng trong thời gian này, Schubert đã làm quen với thơ của một nhà thơ người Scotland là Walter Scott thông qua những bản dịch tiếng Đức (của Adam Storck). Schubert nghĩ rằng nếu ông soạn nhạc cho những bài thơ này thì ông có thể sẽ được biết đến nhiều hơn ở những cộng đồng ngoài nước Áo. Trong số những tác phẩm ông sáng tác khoảng thời gian đó có “Ave Maria”. Mặc dù là một tác phẩm được biểu diễn khắp nơi trên thế giới nhưng phần lời ca ngày nay của “Ave Maria” không phải là bản dịch mà nhà soạn nhạc đã dùng lúc ban đầu. “Ave Maria” được trình diễn lần đầu tiên tại lâu đài của nữ hầu tước Sophie Weissenwolff tại ngôi làng nhỏ Steyregg ở Áo như là một món quà dành tặng cô, để rồi sau này, như một hệ quả, cô được biết đến như là “The lady of the lake”. Tác phẩm của Schubert thường được gọi bằng cái tên “Ave Maria” (thay vì “Bài ca thứ ba của nàng Ellens” như trong nguyên bản) là bởi vì nó là một đoạn trong tác phẩm của Walter Scott khi mà Ellen đang lẩn trốn và cầu xin Đức Mẹ và đoạn cầu nguyện này bắt đầu bằng “Ave Maria”. Bản nhạc thể hiện sự thoát tục, trong sáng, đọng lại trong lòng người nghe sự sâu lắng, thánh thiện Tác phẩm Serenade “Sérénade” là tiếng Pháp (tiếng Anh viết là “serenade”), bắt nguồn từ tiếng Ý “serenata”. Theo các nhà ngữ học, “serenata” có nguồn gốc từ chữ “sereno”, trong tiếng Ý có nghĩa là thanh tịnh – peaceful. “Serenata” có từ thời trung cổ, và được định nghĩa là thể loại ca khúc êm dịu, được một anh chàng si tình nào đó, đứng trước nhà người đẹp, hướng lên cửa sổ, hay ban-công của phòng nàng mà hát để tỏ tình – như chàng Romeo đã tỏ tình với nàng Juliet trong kịch cổ điển của Shakespeare. Về sau, tới thời kỳ lãng mạn của nhạc cổ điển, đa số các nhà soạn nhạc đã sử dụng chữ “sérénade” của Pháp thay vì “serenata” của Ý, đồng thời nội dung cũng như hình thức của “sérénade” đã được nới rộng. Về nội dung, “Serenade” có thể để tặng người yêu, bạn thân, hay một người nào đó ngang hàng, hoặc vai vế thấp hơn, mà mình quý mến. Về hình thức, “Serenade” có thể là một ca khúc êm đềm, một nhạc khúc đơn giản – như trường hợp bản Serenade của Schubert, cũng có thể là một bản giao hưởng ngắn – như trường hợp bản Sérénade của Mozart có tựa đề “Eine Kleine Nachtmusik” (Tiểu dạ khúc) mà chúng tôi đã nhắc tới trong bài trước. Với ý nghĩa, nội dung ấy, sérénade thường được trình diễn lúc chiều tối. Có nhiều khi người nghệ sĩ viết nên một tác phẩm vĩ đại chỉ trong một thoáng giây. Bởi vào tích tắc thời gian ấy tâm hồn người nghệ sĩ đã nhập thể vào tiếng gọi rung động và hình dáng của thiên tài. Franz Schubert cũng vậy. Điều thú vị nhất về Serenade của Schubert là bản này chỉ là một sáng tác ngẫu hứng, được Schubert viết trong một quán cà-phê. Theo Von Hellbourn, một người bạn thân và cũng là người viết tiểu sử Schubert, thì bản Serenade đã được nhạc sĩ sáng tác năm 1826, 2 năm trước khi qua đời. Hôm ấy là một buổi chiều Chủ Nhật êm ả trong công viên ZumBiersack của thành Vienne. Sau một cuộc đi dạo, Schubert và các bạn vào quán cà-phê ngoài trời trong công viên. Tại đây, một người bạn của Schubert là Tiezze đang ngủ gục, với cuốn sách đặt trên bàn. Schubert tiến tới cầm cuốn sách lên, đột nhiên, ông dừng lại, chỉ vào một bài thơ, nói như reo lên: "Một giai điệu tuyệt vời vừa vang lên trong đầu tôi, giá mà tôi có giấy chép nhạc bây giờ". Herr Doppler liền vẽ một vài khuông nhạc trên mặt sau tờ hóa đơn, và trong sự huyên náo của quán ăn ngày Chủ nhật, giữa tiếng dao nĩa, giữa những người bồi bàn hối hả chạy qua lại, Schubert đã viết nên bản Serenade bất hủ của mình. Và cho những tâm hồn người đang và mãi rung động, thổn thức trước tình yêu… Khúc nhạc chiều với giai điệu mượt mà, thể hiện những cảm xúc phong phú. Âm hình chủ đạo của giai điệu gồm hai nhân tố - nhân tố “bình ổn”, dịu êm với những chùm ba, và nhân tố “bước nhảy”, như sự phóng khoáng của cảm xúc, làm cho giai điệu thêm nồng nàn, say đắm. Tác phẩm có cấu trúc hai đoạn, đoạn A ở điệu thứ và đoạn B chuyển qua điệu trưởng cùng tên. Sự tương phản giữa hai đoạn không những thể hiện ở điệu tính mà còn thể hiện ở tiết tấu. Có thể nói, với giai điệu lãng mạn, quyến rũ, bản Serenade của Schubert là một thông điệp tình yêu chuyển tải bằng âm nhạc tuyệt vời, một bài lied hoàn hảo cho kẻ tỏ tình trong đêm. Nhưng hơn thế, nhạc phẩm Serenade của Schubert là một bức tranh toàn bích, sâu lắng…mang dáng dấp hơi thở không chỉ riêng thời đại ông mà của muôn thời đại. Nhạc sĩ thiên tài đã nói lên tiếng lòng mình trong thời khắc đêm về, ngoài niềm khắc khoải thường tình về tình yêu đôi lứa, còn như thân phận con người nhỏ nhoi đầy bất trắc trước mênh mông vũ trụ. Bài nhạc có giai điệu rất đẹp, trữ tình, lai láng nhưng không trầm mặc, buồn nhưng vẫn phảng phất đâu đó niềm hy vọng và hoài bão hướng thiện… Những nốt nhạc vút cao lên như tình yêu chắp cánh, thăng hoa theo từng cung bậc trào dâng. Chỉ có tình yêu mãnh liệt và mênh mông như đại dương mới có thể miên man dâng trào như chưa từng mỏi mệt. Chỉ có thể như mùa xuân mới thẳm xanh một tình yêu tận cùng mướt mát, tận cùng đam mê, tận cùng sống, tận cùng niềm hy vọng.
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan