Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Giáo dục - Đào tạo Cao đẳng - Đại học Luật đánh giá về nguyên tắc chiếu cố trong bộ hoàng việt luật lệ (9điểm)...

Tài liệu đánh giá về nguyên tắc chiếu cố trong bộ hoàng việt luật lệ (9điểm)

.DOCX
7
117
84

Mô tả:

MỤC LỤC A. ĐẶT VẤN ĐỀ........................................................................................................................2 B. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ.........................................................................................................2 I. Khái quát chung về nguyên tắc chiếu cố trong Hoàng Việt luật lệ........................................2 1. Sự chiếu cố theo địa vị xã hội................................................................................................2 2. Sự chiếu cố đối với người người già, trẻ em, người tàn tật, phụ nữ......................................3 3. Nguyên tắc chuộc tội bằng tiền..............................................................................................3 II. Bình luận về nguyên tắc chiếu cố trong Hoàng Việt luật lệ...................................................4 1. Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự............................................................................4 2. Tác động của nguyên tắc chiếu cố.........................................................................................5 C. KẾT LUẬN............................................................................................................................6 DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO........................................................................................7 1 A.ĐẶT VẤN ĐỀ Hoàng Việt luật lệ hay còn được biết đến là Bộ Luật Gia Long là bộ luật chính thức của Việt Nam thời đầu nhà Nguyễn do Bắc thành Tổng trấn Nguyễn Văn Thành soạn thảo và được vua Gia Long ban hành năm 1815. Nhà làm luật đã sử dụng nhiều nguyên tắc để xây dựng bộ luật, trong đó có nguyên tắc chiếu cố. Đây là một nguyên tắc khá điển hình được sử dụng trong cả Quốc triều hình luật và Hoàng Việt luật lệ cũng như cổ luật của Trung Quốc. Trong bài làm dưới đây, em xin được đánh giá về nguyên tắc chiếu cố trong bộ Hoàng Việt luật lệ. B. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ I. Khái quát chung về nguyên tắc chiếu cố trong Hoàng Việt luật lệ Cũng như Quốc triều hình luật, nguyên tắc chiếu cố trong Hoàng Việt luật lệ được thể hiện ở những nhóm người được chiếu cố, nội dung chiếu cố và thông qua nguyên tắc chuộc tội bằng tiền. 1. Sự chiếu cố theo địa vị xã hội Trong Hoàng Việt luật lệ có sự ưu đại đặc biệt trong việc giảm nhẹ hình phạt cho tám loại người do địa vị xã hội của họ. Tại Điều 3, Quyển 2 Hoàng Việt luật lệ có quy định về bát nghị - tám loại người được quan xử án xem xét giảm nhẹ hình phạt do địa vị, công lao, tài năng của họ trong khi quyết định hình phạt. Các trường hợp đấy bao gồm:  Nghị thân: là những người thuộc dòng họ của vua, những người thân tộc của Hoàng Thái Hậu.  Nghị cố: là những người cố cựu trong Hoàng Gia, bề tôi được vua ân sủng hoặc những người theo hầu vua lâu dài trong cung điện.  Nghị hiền: là những người hiền triết, người có đức hạnh lớn, chính nhân quân tử - lời nói và việc làm của họ đều đúng phép tắc, làm khuôn mẫu cho mọi người.  Nghị năng: là những người tài năng lớn trong việc điều khiển quân lữ, chính trị quốc gia hoặc là người phụ tá giỏi của vua. Đó là có năng lực trong công việc, người thường không theo kịp.  Nghị công: là những người có công lớn chống giặc hoặc cống hiến đời mình đem lại thanh bình cho đất nước.  Nghị quý: là những người thuộc hàng quí tộc có tước từ nhất phẩm trở lên, hoặc các quan văn võ đương chức từ tam phẩm trở lên, hoặc quan nhị phẩm không giữ chức vị.  Nghị cần: là những người siêng năng, năng nổ, làm tròn trách nhiệm, bổn phận, sớm hôm đem hết sức mình làm việc công.  Nghị tân: là con cháu các triều vua trước, họ là quốc khách nên dù phạm lỗi vẫn được chiếu cố. Ngoài ra, Hoàng Việt Luật lệ còn mở rộng sự chiếu cố đối với ông, bà, cha, mẹ, vợ, con, cháu của diện Bát nghị (Điều 5, Hoàng Việt luật lệ). Theo qui định tại Điều 4, 5 Hoàng Việt luật lệ, những người thuộc diện Bát nghi, sẽ được hưởng các ưu đại như sau: diện bát nghị không được phép bắt giam, 2 trong khi thẩm vấn, những người này không bị tra khảo như thường dân; quan xử án không có quyền tự ý xét xử ngay, phải làm tờ trình tâu lên vua chờ lệnh; nếu vua cho xét xử thì quan xử án phải xem xét giảm nhẹ hình phạt cho họ trong khi luận tội và cũng phải tâu trình lên vua quyết định; từ tội lưu trở xuống, họ được giảm một bậc. Tuy nhiên, trường hợp bát nghị không được áp dụng cho tội thập ác. “Nếu những vị ấy phạm một trong thập ác thì tâu lên vua thỉnh ý xử nghị. Nếu xét theo luật thì không dung luật lệ hiện nay, thỉnh luật quyết định của vua” (Điều 4). 2. Sự chiếu cố đối với người người già, trẻ em, người tàn tật, phụ nữ Điều 21 Hoàng Việt Luật lệ quy định, những người từ 70 tuổi trở lên, từ 15 tuổi trở xuống hoặc người bị tàn phế, phạm tội từ tội lưu trở xuống đều cho chuộc bằng tiền, trừ khi phạm tội thập ác. Từ 80 tuổi trở lên, 10 tuổi trở xuống, hoặc bị ác tật, nếu phạm tội phản nghịch, giết người đáng tội chết thì cũng phải tâu để vua quyết định, nếu ăn trộm và đánh người bị thương thì cho chuộc bằng tiền, còn ngoài ra thì không bắt tội. Từ 90 tuổi trở lên, 7 tuổi trở xuống dầu có bị tội chết cũng không hành hình, nếu có kẻ nào xui xiểm thì bắt tội kẻ đó, nếu ăn trộm có tang vật thì kẻ nào chứa chấp tang vật ấy phải bồi thường. Người già cả, tàn tật, trẻ nhỏ trước đây phạm tội đến khi già cả, tàn tật, lớn lên mới bị phát giác thì được xử theo luật già cả, tàn tật, trẻ nhỏ (Điều 22 Hoàng Việt luật lệ). Trong một số trường hợp, phụ nữ phạm tội được hưởng sự khoan hồng hơn so với nam giới. Khi bị tội đồ và lưu, nam giới phạm tội bao giờ cũng bị phạt thêm tội trượng nhưng nữ giới phạm tội thì bị phạt 50 roi thay thế (xem Điều 1 lệ 1).“Nữ giới phạm tội gian dâm bị phạt trượng sẽ bị xử cởi áo (để lại quần), chịu hình phạt, còn những tội dư khác thì y bị xử buộc phải mặc áo mỏng, miễn xăm chữ. Nếu phạm tội đồ lưu thì bị phạt 100 trượng, tội dư thì nhận giá chuộc” (Điều 19 đoạn cuối). Trường hợp nữ giới phạm tội gian dâm, ăn trộm, bất hiếu mà không có tiền chuộc tội sẽ phải chịu tội y như luật. Những người nữ giới phạm tội khác và phải phạt tội roi, trượng, đồ, lưu, sung quân, tạp phạm phải chết thì xử phạt 100 trượng; xét thấy có tài sản như mệnh phụ, vợ chính quan viên thì đều cho nộp chuộc (Điều 19 lệ 1). Ngoài ra, Hoàng Việt luật lệ còn có một số quy định khác bảo vệ phụ nữ phạm tội khi họ có thai như nếu người phạm tội chưa sinh đẻ mà thi hành tội đánh roi, ngục quan bị phạt tiền 20 quan, ngục lại phải bị phạt 80 trượng, nếu đánh roi khiến nữ phạm tội bị trọng thương hay chết thì phải ghép vào tội quá thất sát thương... 3. Nguyên tắc chuộc tội bằng tiền Đây là nguyên tắc được áp dụng phổ biến, thể hiện nội dung của nguyên tắc chiếu cố trong Hoàng Việt luật lệ. Theo đó, với các tội nhẹ, tạp nham vô ý, lầm lỡ, vu cáo chưa thành được quyền chuộc tội bằng tiền. Tuy nhiên, cũng có những “tội thực phạm” như tội thập ác, các tội dẫu gặp ân xá cũng không nên tha, phạm nghĩa (ví dụ như tội phạm tại Điều 306, con cháu tố cáo ông bà, cha mẹ, thiếp tố cáo thê, nô tỳ tố cáo gia trưởng), hối lộ, dung túng kẻ phạm gian dâm, ăn cắp, làm người bị thương…không thể chuộc được. Trong Hoàng Việt luật lệ, chuộc tội bằng tiền 3 được quy định rất phức tạp. Có thể chuộc tội bằng thóc, gạo, tiền hoặc bạc kim loại, tính theo mức giá trung bình. Trong bộ luật có nhiều bảng liệt kê các giá ngạch chuộc tội cho mỗi hình phạt và cho từng loại người sau: Người có tài sản riêng hoặc có ít tài sản riêng; Người già cả, trẻ em, phế tật, những người xem thiên văn, phụ nữ; Vợ các quan chức và phụ nữ có tài sản riêng; Người phạm tội không cố ý giết người hay đánh người; Người phạm tội trở thành già cả hay tàn tật trong khi thụ hình; Người phạm tội vu cáo. Trong một số trường hợp, người phạm tội phải thi hành một số trượng và chỉ được chuộc phần còn lại mà thôi. II.Bình luận về nguyên tắc chiếu cố trong Hoàng Việt luật lệ 1. Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định trong Hoàng Việt luật lệ khá đa dạng phản ánh chủ yếu đặc điểm về nhân thân người phạm tội (ví dụ: đối tượng bát nghị; người hưởng lệ ấm của ông bà; quan chức hoặc người có quan hệ thân thích với họ; người phạm tội có quan hệ gia đình với người bị hại; quan thiên văn, thợ thủ công, nhạc sĩ; người phạm tội là con cháu chịu thay tội cho ông bà, cha mẹ; tự thú; lập công, chuộc tội; người già, trẻ em, phụ nữ), những biểu hiện của tội phạm được thực hiện như: hậu quả chưa xảy ra; chưa gây thiệt hại lớn; thiệt hại gây ra đã được khắc phục; phạm tội do thực hiện hành vi giùm người khác; phạm tội do lầm lẫn, vô ý; người phạm tội có mức độ lỗi nhẹ..vv... Có thể thấy bộ Hoàng Việt luật lệ chú ý đặc biệt đến nhân thân người phạm tội, đến các dấu hiệu chủ quan và khách quan của tội phạm được thực hiện như là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Tùy vào từng tội phạm mà các tình tiết giảm nhẹ được sử dụng khác nhau. Xét về cơ sở giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, có thể khái quát theo các nhóm tình tiết sau:  Các tình tiết giảm nhẹ tội liên quan đến địa vị xã hội hoặc vị trí trong gia đình hoặc tính chất đặc biệt về nghề nghiệp của người phạm tội. Chịu ảnh hưởng của quan niệm nho giáo về những quan hệ rường cột trong xã hội cần được pháp luật bảo vệ, đó là mối quan hệ vua - tôi, phu - phụ, phụ - tử, các tình tiết giảm nhẹ quy định giảm tội cho những người thuộc bát nghị, cho những người có vị trí trong xã hội và gia đình. Bộ luật quy định tám loại người thuộc bát nghị, những người hưởng “lệ ấm” của ông bà, cha mẹ được giảm tội nếu có hành vi phạm tội. Hoàng Việt luật lệ quy định lệ ấm không chỉ được áp dụng với con cháu của người dự nghị công mà là ông bà nội, cha mẹ, vợ và con, cháu của người thuộc Bát nghị mà phạm tội cũng được nghị như bản thân, như vậy là có phần rộng hơn so với Bộ Quốc triều hình. Những biệt đãi này không áp dụng cho tội thập ác. Qua chế định “bát nghị” cho thấy việc giảm tội được đặt ra cho những người có vị trí cao của xã hội, có quyền lợi gắn bó với nhà vua, với chế độ đương thời thể hiện rất rõ nét tính giai cấp trong quan niệm về các tình tiết giảm nhẹ tội theo pháp luật hình sự phong kiến trên cơ sở quan niệm vua - tôi của nho giáo. Bên cạnh đó, Hoàng Việt luật lệ đã quy định về giảm tội cho những người có vị trí nhất định trong gia đình trên cơ sở quan niệm nho giáo về các mối quan hệ vợ chồng, thê - thiếp, cha - con. Bộ luật Hoàng Việt luật lệ quy định khá chi tiết việc giảm tội khi người phạm tội có địa vị 4 xã hội hoặc vị trí trong gia đình cao hơn (các điều luật tại quyển 15 Hoàng Việt luật lệ). Ngoài ra, quan hệ gia đình giữa người phạm tội với người bị hại cũng được pháp luật hình sự phong kiến xem xét và đánh giá có giá trị giảm nhẹ trong một số trường hợp. Xuất phát từ yêu cầu phát triển đương thời, Hoàng Việt luật lệ còn quy định giảm tội cho người làm một số nghề nghiệp đặc biệt trong xã hội như quan thiên văn, thợ thủ công, nhạc sĩ. Đây là ưu đãi của pháp luật hình sự thời phong kiến đối với người có tay nghề rất cần cho xã hội hoặc lao động có tính chất đặc biệt. Có thể thấy, nhà làm luật nhà Nguyễn cũng lấy một số khía cạnh nhân thân người phạm tội làm tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Theo đó, các tình tiết thuộc nhân thân phản ánh vị trí cao của người phạm tội trong xã hội, gia đình theo trật tự xã hội phong kiến là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Đây là điểm khác biệt với luật hình sự hiện đại. Luật hình sự hiện đại, khi quy định nhân thân người phạm tội với ý nghĩa là căn cứ quyết định hình phạt, có nội dung hoàn toàn khác so với chế định “bát nghị” trong pháp luật nhà Nguyễn. Nếu luật hiện đại xem xét ở khía cạnh nhân thân người phạm tội là nhấn mạnh khả năng cải hóa họ trở thành người lương thiện, có ý thức tuân thủ pháp luật thì pháp luật hình sự nhà Nguyễn nhấn mạnh sự gắn bó của những người có quan hệ mật thiết với quyền lợi của giai cấp thống trị, với tôn ti, trật tự gia đình trong xã hội phong kiến như là cơ sở giảm nhẹ tội.  Các tình tiết liên quan đến tội phạm được thực hiện. Bộ luật ở mức độ nhất định đã thể hiện sự công bằng về trách nhiệm hình sự trên cơ sở thừa nhận sự tương xứng về tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm được thực hiện với mức độ trách nhiệm hình sự. Đây chính là những biểu hiện công bằng về trách nhiệm hình sự trong Hoàng Việt luật lệ. Theo đó, những tình tiết thuộc về những biểu hiện khách quan hoặc chủ quan của tội phạm phản ánh mức độ thực hiện tội phạm còn hạn chế, hậu quả tội phạm chưa xảy ra hoặc thiệt hại không lớn, phạm tội do lầm lỡ, do bị kích động, động cơ phạm tội vì thi hành công vụ... được nhà làm luật cân nhắc và quy định là tình tiết giảm nhẹ tội.  Các tình tiết giảm nhẹ tội do đạo lí và khoan hồng dưới ảnh hưởng tư tưởng nho giáo. Đó là quy định tự thú là tình tiết giảm nhẹ đặc biệt và là cơ sở để miễn tội cho người phạm tội. Đối với những người phạm tội là trẻ em, người già, người bị bệnh tật nặng như phế tật, ác tật bộ luật cũng có một thái độ khoan hồng và coi các tình trạng này như một trong những cơ sở giảm nhẹ tội hoặc miễn tội. Tuy không có quy định về vấn đề con cháu chịu tội roi, trượng thay cho ông bà, cha mẹ là tình tiết giảm nhẹ nhưng Điều 17 quyển 2 Hoàng Việt luật lệ lại có quy định về ân giảm cho người phạm tội còn phải ở nhà nuôi dưỡng cha mẹ. 2. Tác động của nguyên tắc chiếu cố Nguyên tắc chiếu cố trong Hoàng Việt luật lệ thực chất là việc giảm nhẹ hình phạt cho các đối tượng được hưởng ưu đãi đặc biệt (diện bát nghị), những đối tượng hạn chế về điều kiện thể chất (như người già, trẻ em, người tàn tật, phụ nữ) trong những trường hợp nhất định. Có thể thấy, khi thực hiện nguyên tắc này thì sự công bằng, bình đẳng giữa mọi người sẽ không được đảm bảo, đây là một điểm 5 hạn chế của nguyên tắc này. Tuy vậy, đối với xã hội phong kiến khi quyền lực tập trung vào tay vua thì việc thực hiện chính sách bình đẳng là không phù hợp, không cần thiết trong việc bảo vệ lợi ích của giai cấp thống trị, vì vậy việc thực hiện nguyên tắc này có những ý nghĩa nhất định đáng kể trong việc bảo vệ lợi ích của giai cấp thống trị. Việc thực hiện nguyên tắc chiếu cố có những điểm tích cực đáng kể trong việc củng cố và phát huy quyền lực của Hoàng đế, trước hết, có thể thấy, việc quy định diện bát nghị và những ưu đãi đối với các đối tượng thuộc nhóm này, Hoàng đế có thể bảo vệ cho những thành viên trong hoàng tộc và những người tài năng, đức độ, có cống hiến đáng kể cho nhà nước. Việc này tạo thuận lợi cho người đứng đầu đất nước củng cổ quyền lực, bảo vệ quyền lợi của mình, đồng thời, thông qua pháp luật, nhà vua đã thực hiện chính sách trọng dụng người tài, tạo động lực cho những người thân cận, những người tài giỏi toàn tâm, toàn ý phục vụ cho mình, tuyệt đối trung thành với nhà vua vì họ có những ưu đãi về quyền lợi ngay cả khi phạm phải những tội nhất định. Bên cạnh đó, việc chiếu cố, cho phép chuộc tội bằng tiền, cho phép chuộc hình phạt chứ không chuộc tội danh, không giảm tội cũng góp phần giảm gánh nặng cho nhà nước, bổ sung ngân khố nhà nước, giảm số lượng phạm nhân bị giam cầm, hạn chế được phần nào nạn hội lộ quan xét xử, có lợi cho gia đình phạm nhân, họ được tự do thân thể, có thể sống cùng gia đình và tham gia lao động. Ngoài ra, luật còn thể hiện một sự tiến bộ đáng kể trong việc bảo vệ phụ nữ khi xã hội vẫn còn tồn tại tư tưởng trọng nam khinh nữ nặng nề. Những quy định giảm nhẹ hình phạt đối với phụ nữ, không được thi hành án đối với phụ nữ có thai, thậm chí trừng trị nghiêm khắc quan lại thi hành án đối với phụ nữ mang thai đã thể hiện được rõ điều này. Mục đích của những quy định này là nhằm bảo vệ tốt hơn đối với phụ nữ, phù hợp với truyền thống trọng mẫu của dân tộc Việt. Luật cũng thể hiện tinh thần “trọng nghĩa kính lão, thương tuổi nhỏ chưa nên người” qua việc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với người già, trẻ con, người tàn tật. Quy định như vậy thể hiện rõ tính nhân đạo của bộ luật, đây là một điểm tiến bộ đáng kể của Hoàng Việt luật lệ. Như vậy, khi thực hiện nguyên tắc chiếu cố, Hoàng đế không những có thể bảo vệ được địa vị của mình qua việc bảo vệ những người trong hoàng tộc mà còn có thể chiêu mộ lòng dân tuân theo mình, tăng ngân sách quốc gia. C.KẾT LUẬN Dù còn nhiều hạn chế nhưng Hoàng Việt luật lệ cũng có những điểm tiến bộ đáng kể. Việc quy định nguyên tắc chiếu cố góp phần không nhỏ giúp cho Hoàng đế có thể trị vì đất nước một cách tốt hơn, củng cố địa vị và quyền lợi của những thành viên hoàng tộc mà vẫn chiêu mộ được người tài, làm cho lòng dân cảm kích. 6 DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Trường Đại học luật Hà Nội, Giáo trình Lịch sử nhà nước và pháp luật Việt Nam, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2009. 2. Nguyễn Văn Thành, Hoàng Việt luật lệ (tập 1 – 5), Nxb Văn hóa - thông tin, Hà Nội, 1994. 3. Vũ Văn Mẫu “Cổ luật Việt Nam và tư pháp sử”, tr.41, Sài Gòn. 4. TS. Dương Tuyết Miên, Quyết định hình phạt trong Hoàng Việt luật lệ, Tạp chí luật học số 11/2006, 2006. 5. http://tks.edu.vn/portal/detail/3745_66_0_Cac-tinh-tiet-giam-nhe-trachnhiem-hinh-su-trong-phap-luat-phong-kien-Viet-Nam.html?TabId=&pos= 7
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan