Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Giáo dục - Đào tạo Cao đẳng - Đại học Luật Chứng minh rằng quá trình xây dựng, hoàn thiện các quy định về cách xác định và ...

Tài liệu Chứng minh rằng quá trình xây dựng, hoàn thiện các quy định về cách xác định và quy chế pháp lý của thềm lục địa trong luật biển quốc tế thể hiện rõ s

.DOC
9
12
78

Mô tả:

Lời mở đầu Trong giai đoạn hiện nay, tài nguyên thiên nhiên ngày càng trở nên quan trọng với mọi quốc gia. Thềm lục địa là nới chứa nhiều tài nguyên quý giá, vì vậy đang là đối tượng tranh chấp của nhiều quốc gia. Để giải quyết vấn đề này, em xin nghiên cứu đề tài “chứng minh rằng quá trình xây dựng, hoàn thiện các quy định về cách xác định và quy chế pháp lý của thềm lục địa trong luật biển quốc tế thể hiện rõ sự bình đẳng giữa các quốc gia trong khai thác và sử dụng biển”. Nội dung 1. Khái quát một số vấn đề về thềm lục địa a. Khái niệm thềm lục địa - Khái niệm thềm lục địa theo nghĩa địa chất: thềm lục địa là một bộ phận của rìa lục địa. Rìa lục địa chiếm 22% bề mặt đại dương, là phần kéo dài ngập dưới nước của lục địa của quốc gia ven biển và được cấu thành từ 3 thành phần gồm thềm lục địa, dốc lục địa và bờ lục địa. Thềm lục địa là phần ngập dưới nước với độ dốc thoai thoải (độ dốc trung bình 0,07 – 1%) thường kéo dài đến độ sâu 200m. - Khái niệm thềm lục địa theo nghĩa pháp lý + Theo Công ước Giơnevơ 1958 về thềm lục địa, thềm lục địa pháp lý được hiểu là đáy và lòng đất dưới đáy của các khu vực ngầm dưới biển, tiếp giáp với bờ biển nhưng nằm ngoài lãnh hải và ra đến độ sâu 200m nước hoặc vượt ra ngoài giới hạn đó ra đến độ sâu cho phép khai thác được tài nguyên thiên nhiên của khu vực ngầm dưới biển đó. + Theo Công ước Luật biển 1982 của Liên hợp quốc, thềm lục địa của một quốc gia ven biển bao gồm đáy biển và lòng đất dưới đáy biển bên ngoài lãnh hải của quốc gia ven biển, trên toàn bộ phần kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền của quốc gia đócho đến bờ ngoài của rìa lục địa hoặc đến cách đường cơ sở dung để tính chiều rộng lãnh hải 200 hải lý, khi bờ ngoài của rìa lục địa của quốc gia này ở khoảng cách gần hơn. b. Lịch sử hình thành khái niệm pháp lý thềm lục địa - Thuật ngữ thềm lục đai được vay mượn từ từ vựng địa chất trước khi được các nhà pháp lý sử dụng. Nó được Hugh Robert Mill sử dụng lần đầu tiên vào năm 1887. Sau đó xuất hiện trong các đề nghị của nhà hải dương học Tây Ban Nha Odon de Buen năm 1916, các chuyên gia Arhentina Storny và Suarez, người Bồ Đào Nha Almeida d’Eca năm 1921, tuyên bố của chính phủ Nga Hoàng năm 1916. 1 - Hiệp ước giữa Anh và Vênêzuela năm 1942 về phân định vùng biển trong vịnh Paria đã nêu ra khái niệm vùng phân định là “ vùng đáy biển và lòng đất dưới đáy biển nằm ngoài vùng nước lãnh thổ”. - Sắc lệnh của Tổng thống Arhentina năm 1944 Điều 2 “ vùng biển gần lục địa của Arhentina sẽ là vùng tạm thời bảo tồn khoáng sản”. - Tuyên bố của Tổng thống Mỹ Truman năm 1945: “ coi các nguồn tài nguyên thiên nhiên của lòng đất dưới đáy biển và của đáy biển của thềm lục địa nằm dưới biển cả và vùng tiếp giáp với bờ biển cả của Hợp chủng quốc Hoa kì là thuộc Hoa Kỳ”. - Các quy định trong Công ước Giơnevơ về thềm lục địa và Công ước 1982 của Liên hợp quốc về Luật biển. 2. Quá trình xây dựng và hoàn thiện các quy định về cách xác định thềm lục địa thể hiện rõ sự bình đẳng giữa các quốc gia trong khai thác và sử dụng biển. Các quy định về cách xác định thềm lục địa được quy định trong Công ước Giơnevơ 1958 về thềm lục địa và Công ước Luật biển 1982 của Liên hợp quốc. Vấn đề thềm lục địa trong Công ước Giơnevơ 1958 về thềm lục địa và Công ước luật Biển 1982 của Liên hợp quốc được xây dựng và hoàn thiện trên hai tiêu chí chính là: - Thềm lục địa là phần kéo dài tự nhiên của lục địa quốc gia ven biển - Giới hạn thềm lục địa của quốc gia ven biển. a. Thềm lục địa là phần kéo dài tự nhiên của lục địa quốc gia ven biển Ngay từ đầu, khi khái niệm thềm lục địa được đặt ra trong thực tiễn pháp lý, thuyết thềm lục địa là phần kéo dài tự nhiên của đất liền đã được sử dụng. Tại Hội nghị lần thứ nhất I của Liên hiệp quốc về Luật biển 1958, trong quá trình thảo luận, quan điểm thềm lục địa là phần kéo dài tự nhiên của lục địa quốc gia ven biển đã được thừa nhận rộng rãi, tuy nhiên quan điểm này lại không được thể hiện trong Công ước 1958 về thềm lục địa. - Công ước Giơnevơ 1958 về thềm lục địa đã đưa ra cách xác định thềm lục địa: “ là đáy và lòng đất dưới đáy của các khu vực ngầm dưới biển, tiếp giáp với bờ biển nhưng nằm ngoài lãnh hải và ra đến độ sâu 200m nước hoặc vượt ra ngoài giới hạn đó ra đến độ sâu cho phép khai thác được tài nguyên thiên nhiên của khu vực ngầm dưới biển đó” (Điều 1). 2 Cách xác định của Công ước Giơnevơ 1958 đã thừa nhận quyền chủ quyền của quốc gia ven biển đối với việc thăm dò và khai thác tài nguyên thiên nhiên của đáy biển và lòng đất dưới đáy biển. Tuy nhiên cách xác định thềm lục địa của Công ước 1958 đã lấy những yếu tố địa lý chứ không lấy những yếu tố địa chất làm cơ sở. Cách xác định này không được xây dựng trên cơ sở của một sự thật rằng thềm lục địa là sự kéo dài tự nhiên của lục địa quốc gia ven biển. Điều đó dẫn đến là cách xác định này không có những tiêu chuẩn làm cơ sở để xây dựng chế độ của thềm. Mặc dù vùng thềm lục địa đã được quy định trong Công ước nhưng không một ai có thể xác định được rằng dốc và khối nhô lục địa có thuộc thành phần thềm lục địa hay không, thềm lục địa bắt đầu từ đâu, biển cả bắt đầu từ đâu. Chính vì vậy mà không chỉ riêng các luật gia mà cả các quốc gia ven biển đã đưa ra những lời giải thích khác nhau về thành phần thềm lục địa tuỳ theo lợi ích riêng. - Tại Hội nghị quốc tế lần thứ III của Liên hợp quốc về luật biển, xu hướng chung mang tính khẳng định là phải lấy thuyết kéo dài tự nhiên làm cơ sở và phải bao hàm những tiêu chuẩn khách quan – tiêu chuẩn khoảng cách và tiêu chuẩn độ sâu làm chỗ dựa để quy định ranh giới thềm lục địa và vùng đáy biển quốc tế. Do đa số các đoàn đại biểu chấp thuận thuyết kéo dài tự nhiên nên nó đã được nêu trong Văn bản duy nhất – 1976. - Đến Công ước luật Biển 1982 của Liên hợp quốc đã đưa ra cách xác định hoàn toàn mới so với Công ước Giơnevơ 1958, trước hết đó là quy định nói rằng thềm lục địa là phần kéo dài tự nhiên của lục địa quốc gia ven biển. Khoản 1 Điều 76 Công ước 1982 quy định: “ thềm lục địa của một quốc gia ven biển bao gồm đáy biển và lòng đất dưới đáy biển bên ngoài lãnh hải của quốc gia đó, trên toàn bộ phần kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền của quốc gia đó cho đến bờ ngoài của rìa lục địa, hoặc đến cách đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải 200 hải lí, khi bờ ngoài của rìa lục địa của quốc gia đó ở khoảng cách gần hơn”. Tiếp theo Công ước quy định: “rìa lục địa là phần kéo dài ngập dưới nước của lục địa của quốc gia ven biển, cấu thành bởi đáy biển tương ứng với thềm, dốc và bờ, cũng như lòng đất dưới đáy của chúng. Rìa lục địa không bao gồm các đáy của đại dương ở độ sâu lớn, với các dải núi đại dương của chúng, cũng không bao gồm lòng đất dưới đáy của chúng” (Khoản 3 Điều 76). Công ước còn nhấn mạnh ranh giới phía ngoài của thềm lục địa “ không được nằm cách 3 đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải quá 350 hải lý hoặc không được quá 100 hải lý từ đường đẳng sâu 2.500 mét…”(Khoản 5 Điều 76), và trong mọi trường hợp ranh giới phía ngoài của thềm lục địa không được vượt quá 350 hải lý kể từ đường cơ sở (Khoản 6 Điều 76). Như vậy, Công ước 1982 quy định thềm lục địa bao gồm toàn bộ vành đai lục địa, tức là bao gồm bề mặt và lòng đất của thềm, dốc và khối nhô lục địa. Để đảm bảo công bằng giữa các quốc gia có thềm rộng và quốc gia có thềm hẹp, và để phù hợp với tương quan lợi ích giữa các quốc gia ven biển và tất cả các quốc gia khác, trong mọi trường hợp, thềm lục địa không được phép mở rộng quá 350 hải lý kể từ đường cơ sở mặc dù vành đai lục địa ở đó vượt quá giới hạn này. Những quy định rõ ràng của Công ước đảm bảo cho các quốc gia bình đẳng trong xác định thềm lục địa. b. Giới hạn thềm lục địa của quốc gia ven biển - Ranh giới phía trong của thềm lục địa + Công ước Giơnevơ 1958 về thềm lục địa quy định, thềm lục địa là một phần của đáy biển, tiếp giáp với bờ biển nhưng nằm ngoài lãnh hải. Như vậy, ranh giới phía trong thềm lục địa trùng với ranh giới phía ngoài lãnh hải. Tuy vậy, trong Công ước Giơnevơ về lãnh hải và vùng tiếp giáp lãnh hải – 1958 lại không có những điều khoản về chiều rộng tối đa của lãnh hải. Hậu quả là ranh giới phía trong của thềm lục địa được quy định tuỳ thuộc vào lợi ích của mỗi quốc gia. Do vậy, ranh giới phía trong của thềm lục địa là chưa được xác định. Điều này gây bất bình đẳng giữa các quốc gia. + Theo quy định của Công ước Giơnevơ 1958 và Công ước 1982, ranh giới phía trong của thềm lục địa trùng với ranh giới phía ngoài của lãnh hải. Tuy nhiên, trong Công ước 1982 quy định chiều rộng tối đa của lãnh hải là 12 hải lý kể từ đường cơ sở, do đó sẽ có giá trị bắt buộc đối với các quốc gia khi xác định chiều rộng lãnh hải. Quy định này sẽ khắc phục được sự không rõ ràng của Công ước Giơnevơ. - Ranh giới phía ngoài của thềm lục địa + Công ước Giơnevơ 1958 đưa ra hai tiêu chuẩn để xác định ranh giới phía ngoài của thềm lục địa, thứ nhất là tiêu chuẩn “độ sâu” 200m và tiêu chuẩn thứ hai là “ khả năng khai thác” hoặc “lợi thế kỹ thuật”. Tiêu chuẩn “độ sâu” 200 mét được coi là tiêu chuẩn cụ thể, xác định rõ ràng chiều rộng của thềm. Nhưng chính tiêu chuẩn này lại không hợp lý bởi vì đối với quốc 4 gia có thềm lục địa rộng và nông mà áp dụng tiêu chuẩn này thì có được vùng thềm lục địa rộng, quốc gia có thềm lục địa sâu thì việc áp dụng tiêu chuẩn độ sâu gây thiệt hại cho quốc gia ven biển này. Vậy những quy định của Công ước về tiêu chuẩn “độ sâu” có thể đưa đến tình trạng không công bằng giữa các quốc gia ven biển trong việc quy định chiều rộng của thềm lục địa. Tiêu chuẩn lợi thế kỹ thuật càng bất hợp lý, tiêu chuẩn này mang tính chất tương đối và không ổn định vì nó không được xây dựng trên cơ sở khách quan, tức là không dựa vào bản chất và đặc điểm chính của thềm lục địa mà trên cơ sở phụ thuộc vào lợi thế của quốc gia ven biển trong việc khai thác tài nguyên thiên nhiên. Do vậy tiêu chuẩn này là không chuẩn xác và tuỳ tiện. Chính tiêu chuẩn lợi thế kỹ thuật đã triệt tiêu giá trị của tiêu chuẩn độ sâu nước 200 mét và tạo ra tình trạng không ổn định đối với vấn đề ranh giới phía ngoài của thềm lục địa. Tiêu chuẩn này là bất hợp lý, bất bình đẳng bởi nó chỉ có lợi cho các quốc gia phát triển có nền khoa học công nghệ tiên tiến. + Đến Công ước luật Biển 1982 của Liên hợp quốc, Công ước đưa ra hai tiêu chuẩn để xác định ranh giới phía ngoài của thềm lục địa: tiêu chuẩn khoảng cách và tiêu chuẩn độ sâu. Theo tiêu chuẩn khoảng cách kể từ đường cơ sở, ranh giới phía ngoài của thềm lục địa có thể xác định bằng 3 cách: √ Lấy bờ ngoài của rìa lục địa khi bờ ngoài này cách đường cơ sở 200 hải lý; √ Lấy khoảng cách 200 hải lý kể từ đường cơ sở khi vành đai lục địa chưa mở rộng đến 200 hải lý; √ Lấy khoảng cách tối đa không quá 350 hải lý kể từ đường cơ sở ở những nơi thềm lục địa mở rộng ra quá 200 hải lý. Như vậy, chiều rộng tối thiểu của thềm lục địa là 200 hải lý kể từ đường cơ sở khi bề ngoài của rìa lục địa cách đường cơ sở không đến 200 hải lý, ranh giới này trùng hợp với ranh giới phía ngoài của vùng đặc quyền kinh tế. Chiều rộng tối đa của thềm lục địa không quá 350 hải lý kể từ đường cơ sở hoặc không quá 100 hải lý từ đường đẳng sâu 2.500 mét (Khoản 5 Điều 76 ). Theo tiêu chuẩn độ sâu, ranh giới phía ngoài của thềm lục địa có thể được thiết lập bằng cách lấy khoảng cách không quá 100 hải lý kể từ đường đẳng sâu 2.500 mét là đường nối liền các điểm có cùng chiều sâu 2.500 mét nước. 5 Các quốc gia ven biển có quyền hoạch định ranh giới phía ngoài của thềm lục địa theo quy định tại khoản 7 Điều 76 Công ước mới. Rõ ràng có thể thấy đến Công ước 1982 việc xác định giới hạn thềm lục địa đã trở nên rất rõ ràng, tạo ra sự bình đẳng cho các quốc gia ven biển. 3. Quá trình xây dựng và hoàn thiện các quy định về quy chế pháp lý của thềm lục địa trong luật quốc tế thể hiện rõ sự bình đẳng giữa các quốc gia trong khai thác và sử dụng biển. a.Quy định về quyền và nghĩa vụ của quốc gia có thềm lục địa - Công ước Giơ-ne-vơ 1958 về thềm lục địa quy định quyền của quốc gia ven biển đối với thềm lục địa tại Khoản 1 Điều 2 “ quốc gia ven biển thực hiện các quyền chủ quyền của mình đối với thềm lục địa nhằm thăm dò và khai thác tài nguyên thiên nhiên của vùng này”. Các quyền của quốc gia được quy định là “quyền chủ quyền” chứ không phải là chủ quyền. Tính chất chủ quyền của quốc gia ven biển đối với thềm lục địa được quy định dứt khoát ở Khoản 2 Điều 2 “các quyền nói ở khoản 1 là “riêng biệt””, có nghĩa là nếu quốc gia ven biển không thăm dò thềm lục địa hoặc không khai thác tài nguyên thiên nhiên của thềm lục địa thì đó là việc riêng của quốc gia ven biển và không ai có quyền tiến hành các hoạt động như vậy hoặc đòi hỏi bất kỳ một quyền gì đối với thềm lục địa ấy, nếu không có sự thoả thuận rõ ràng của quốc gia đó. Có thể nói các quyền ghi ở Điều 2 Công ước là những đặc quyền đối với thềm lục địa mà Công ước thừa nhận đối với quốc gia ven biển. Các quyền chủ quyền của quốc gia ven biển đối với thềm lục địa là các quyền có định hướng, cụ thể các quyền ấy được hướng vào mục đích kinh tế là sử dụng tài nguyên thiên nhiên của thềm lục địa. Quy định này tránh việc các quốc gia giải thích sai lệch theo lợi ích riêng của họ. Các quốc gia ven biển có quyền ban hành luật lệ và bảo vệ lợi ích ở thềm lục địa. Khoản 4 Điều 2 Công ước quy định: các tài nguyên thiên nhiên của thềm lục địa bao gồm các tài nguyên khoáng sản và các tài nguyên không sinh vật khác của đáy biển và lòng đất dưới đáy biển cũng như các sinh vật thuộc loại định cư, nghĩa là những sinh vật vào thời kỳ đánh bắt đặc thù hoặc là nằm bất động ở đáy và lòng đất dưới đáy biển, hoặc có thể di chuyển cùng với sự di chuyển của đáy biển hay lòng đất dưới đáy biển. 6 Quốc gia ven biển có quyền xây dựng, duy trì, khai thác và sử dụng ở thềm lục địa các công trình thiết bị và các công trình khác cần thiết cho việc thăm dò, khai thác tài nguyên thiên nhiên (Khoản 2 Điều 5), các quốc gia có quyền thiết lập vùng an toàn xung quanh thiết bị, công trình với chiều rộng không quá 500 mét (Khoản 2 và 3 Điều 5). Quốc gia có quyền khai thác lòng đất của thềm lục địa, được quyền đào đường hầm không kể độ sâu của vùng nước nằm trên thềm lục địa (Điều 7). Trong khi thực hiện các quyền của mình trên thềm lục địa, quốc gia ven biển không được gây thiệt hại đến hàng hải quốc tế hay các quyền tự do khác ở biển cả đã được luật pháp quốc tế thừa nhân như tự do bơi lội, tự do bay, tự do đánh cá… Khi xây dựng các công trình thiết bị trên thềm, quốc gia ven biển phải thông báo cho các quốc gia khác về sự tồn tại của chúng, phải tháo bỏ khi không còn sử dụng, vị trí không được gây phương hại đến hàng hải quốc tế. Không được cản trở quốc gia khác lắp đặt dây cáp và ống ngầm trên thềm. Không được gây cản trở cho việc nghiên cứu khoa học (Khoản 1 Điều 5). - Công ước 1982 về luật biển quy định quyền của quốc gia ven biển trong Điều 77. Trong đó các Khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 77 quy định về khối lượng các quyền, quyền chủ quyền của quốc gia ven biển đối với thềm lục địa, tính chất của các quyền này - quyền thuộc về chủ quyền là riêng biệt, và mục đích thực hiện các quyền đó nhằm thăm dò và khai thác tài nguyên thiên nhiên, định nghĩa tài nguyên thiên nhiên. Các quy định này giống với các quy định tại Khoản 1, 2, 3 và 4 Công ước Giơnevơ 1958 về thềm lục địa. Vấn đề đào đường hầm để khai thác lòng đất không thay đổi so với Công ước 1958. Công ước 1982 quy định thêm vùng đặc quyền kinh tế, như vậy đã trả lại quyền đối với tài nguyên sinh vật ở vùng nước cho quốc gia ven biển. Các quy định về các đảo nhân tạo, công trình thiết bị ở thềm lục địa so với Công ước 1958 có nhiều điểm mới hơn, đó là việc quy định về các đảo nhân tạo, mục đích của việc xây dựng các công trình thiết bị, các đảo nhân tạo được Công ước quy định cụ thể hơn, đó là vào các mục đích thăm dò thềm, khai thác tài nguyên thiên nhiên và các mục đích khác (Điều 80). Công ước 1982 quy định rõ hơn về vùng an toàn của các công trình, thiết bị và đảo nhân tạo, tất cả tầu thuyền phải tôn trọng các vùng an toàn này. Quốc gia ven biển có đặc quyền cho phép và quy định việc khoan ở thềm lục địa vào bất cứ việc gì (Điều 81). Quốc gia ven biển có quyền không đồng ý cho quốc gia khác lắp đặt dây cáp ngầm theo Điều 79, có quyền quy định cho phép hay 7 không cho phép tiến hành nghiên cứu khoa học ở thềm lục địa của mình (Khoản 1 Điểu 246). Có quyền tài phán trong bảo vệ môi trường biển (Điều 208). Ngoài các nghĩa vụ theo quy định tại Công ước 1958, Công ước 1982 quy định trong mọi trường hợp quốc gia ven biển không được thực hiện quyền chủ quyền của mình đối với phần thềm lục địa nằm ngoài giới hạn 350 hải lý kể từ đường cơ sở cho dù thềm lục địa ở đó có thể vượt quá giới hạn này. Quốc gia ven biển phải nộp cho cơ quan quốc tế về đáy biển một phần lợi nhuận bằng tiền hoặc hiện vật trích từ lợi nhuận khai thác tài nguyên không sinh vật của phần thềm lục địa nằm ngoài 200 hải lý (Điều 82). Khoản đóng góp này sẽ được chia đều cho các quốc gia. Trong điều kiện bình thường cần cho phép nghiên cứu khoa học tại thềm lục địa. b. Quyền và nghĩa vụ của các quốc gia khác - Công ước Giơ-ne-vơ 1958 về thềm lục địa quy định các quốc gia khác có quyền đặt ống dẫn và dây cáp ngầm trên thềm lục địa của quốc gia ven biển (Điều 4). Các quốc gia có quyền tiến hành nghiên cứu khoa học trên thềm lục địa của quốc gia khác ( khoản 1 Điều 5). Đồng thời với quyền này, các quốc gia có nghĩa vụ xin phép quốc gia ven biển về việc nghiên cứu, công bố kết quả nghiên cứu cho quốc gia có thềm lục địa biết. Các quốc gia khác có nghĩa vụ tôn trọng quyền chủ quyền đối với thềm lục địa của quốc gia ven biển. - Trong Công ước 1982 của Liên hợp quốc về luật biển quy định các quốc gia khác có quyền đặt ống dẫn và dây cáp ngầm (Điều 79), tuy nhiên việc lắp đặt không được cản trở việc quốc gia ven biển thực hiện quyền của mình tiến hành khai thác, thăm dò thềm lục địa, ngăn ngừa ô nhiễm do dây cáp và ống dẫn ngầm. Việc lắp đặt phải được sự đồng ý của quốc gia ven biển. Khi lắp đặt dây cáp và ống dẫn ngầm các quốc gia phải tiến hành những biện pháp phòng ngừa cần thiết đối với các dây cáp và ống dẫn ngầm đã được lắp đặt từ trước. Quyền nghiên cứu khoa học được quy định tại Điều 246 của Công ước mới, các quốc gia khi tiến hành nghiên cứu khoa học cần xin phép và phải được sự cho phép của quốc gia ven biển mới được tiến hành nghiên cứu. 8 Các quốc gia khác được chia một phần lợi nhuận bằng tiền hoặc hiện vật trích từ lợi nhuận khai thác tài nguyên không sinh vật của phần thềm lục địa nằm ngoài 200 hải lý (Khoản 4 Điều 82). Các quốc gia có nghĩa vụ tôn trọng quyền chủ quyền đối với thềm lục địa của quốc gia ven biển. Lời kết Qua quá trình phát triển, chúng ta có thể thấy Luật biển quốc tế ngày càng hoàn thiện hơn. Công ước 1982 đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết các tranh chấp quốc tế. DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Giáo trình Luật quốc tế _ Trường Đại học Luật Hà Nội _ Nxb Công an nhân dân; 2. Công ước Giơnevơ 1958 về thềm lục địa; 3. Công ước 1982 của Liên hợp quốc về Luật biển; 4. Thềm lục địa - Những vấn đề pháp lý quốc tế,Phạm Ngọc Chi; 5. Luật biển,Nguyễn Ngọc Minh; 6. Luật biển quốc tế hiện đại,Lê Mai Anh chủ biên,Nxb Lao động; 7. Luật quốc tế - Lí luận và thực tiễn _ Lê Mai Anh và Trần Văn Thắng _ Nxb Giáo dục. 9
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan