Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Cảm thức lịch sử trong ngọa du sào thi tập của nguyễn thông...

Tài liệu Cảm thức lịch sử trong ngọa du sào thi tập của nguyễn thông

.PDF
108
1
57

Mô tả:

ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HỒ QUỲNH NHƯ CẢM THỨC LỊCH SỬ TRONG NGOẠ DU SÀO THI TẬP CỦA NGUYỄN THÔNG LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC VIỆT NAM Đà Nẵng – Năm 2021 ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HỒ QUỲNH NHƯ CẢM THỨC LỊCH SỬ TRONG NGOẠ DU SÀO THI TẬP CỦA NGUYỄN THÔNG Chuyên ngành: Văn học Việt Nam Mã số: 8220121 LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC VIỆT NAM NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC TS. HÀ NGỌC HÒA Đà Nẵng – Năm 2021 MỤC LỤC LỜI CAM ĐOAN LỜI CẢM ƠN MỞ ĐẦU .........................................................................................................................1 1. Lí do chọn đề tài ......................................................................................................1 2. Lịch sử vấn đề .........................................................................................................2 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu ...........................................................................5 4. Phương pháp nghiên cứu .........................................................................................5 5. Đóng góp của luận văn ............................................................................................6 6. Bố cục của luận văn ................................................................................................6 NỘI DUNG .....................................................................................................................7 CHƯƠNG 1: CẢM THỨC LỊCH SỬ VÀ HÀNH TRÌNH DẤN THÂN CỦA NHÀ NHO HÀNH ĐẠO NGUYỄN THÔNG ...................................................... 7 1.1. Nguyễn Thông – một nhà trí thức “đa ưu hoạn” ............................................7 1.1.1. Từ cửa Khổng sân Trình ...............................................................................7 1.1.2. … đến thăng trầm quan lộ ............................................................................8 1.1.3. Và những chuyển biến tư tưởng trong sáng tác ..........................................10 1.2. Cảm thức lịch sử trong địa hạt văn chương của Nguyễn Thông .................13 1.2.1. Cảm thức lịch sử - dòng chảy xuyên suốt trong văn học...........................13 1.2.2. Hành trình tìm đến cảm thức lịch sử trong sáng tác của Nguyễn Thông ...20 Tiểu kết chương 1 ........................................................................................................24 CHƯƠNG 2: CẢM THỨC LỊCH SỬ TRONG NGỌA DU SÀO THI TẬP – NỖI NIỀM “QUỐC PHÁ GIA VONG” ............................................................ 25 2.1. Cảm thức lịch sử nhìn từ cơn chớp bể mưa nguồn của dân tộc ..................25 2.1.1. Từ những biến thiên triều đại .....................................................................25 2.1.2. … đến thân phận con người trong loạn lạc .................................................29 2.1.3. Và niềm ngưỡng vọng trước những tiết tháo vẻ vang ................................33 2.2. Cảm thức lịch sử qua tâm hồn tha hương sầu xứ .........................................36 2.2.1. Thương xót gia hương tiêu điều, phiêu dạt .................................................36 2.2.2. Hoài Nam – đau đáu ngày trở về ................................................................40 2.3. Cảm thức lịch sử nhìn từ bề dày văn hóa – “giòng sinh mệnh” của dân tộc........ 44 2.3.1. Từ truyền thống giữ nước ...........................................................................45 2.3.2. … đến “cái tình” - hương sắc thuần phong mỹ tục ....................................47 2.3.3. Và hệ hình văn hóa ngàn đời của nền văn minh nông nghiệp ....................53 Tiểu kết chương 2 ........................................................................................................57 CHƯƠNG 3: CẢM THỨC LỊCH SỬ TRONG NGỌA DU SÀO THI TẬP – NHÌN TỪ PHƯƠNG DIỆN HÌNH THỨC NGHỆ THUẬT ...................................58 3.1. Ngôn ngữ thơ ....................................................................................................58 3.1.1. Ngôn ngữ thơ hàm súc, giàu hình ảnh ........................................................58 3.1.2. Nghệ thuật sử dụng điển cố và thi liệu Hán học .........................................62 3.2. Giọng điệu .........................................................................................................67 3.2.1. Giọng bi thương, cô phẫn ...........................................................................68 3.2.2. Giọng hoài niệm..........................................................................................73 3.2.3. Giọng mỉa mai, châm biếm .........................................................................76 3.3. Không gian và thời gian nghệ thuật ...............................................................78 3.3.1. Không gian nghệ thuật ................................................................................78 3.3.2. Thời gian nghệ thuật ...................................................................................82 Tiểu kết chương 3 ........................................................................................................85 KẾT LUẬN ..................................................................................................................86 TÀI LIỆU THAM KHẢO...........................................................................................88 1 MỞ ĐẦU 1. Lí do chọn đề tài Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam, dân tộc ta bước sang thời kì tăm tối nhất trong lịch sử. Kế thừa truyền thống oanh liệt ngàn đời của ông cha, nhân dân Nam Kỳ đã đứng mũi chịu sào trước phong ba bão táp suốt hàng chục năm dài. Câu nói bất hủ của Nguyễn Trung Trực để lại cho đời khi đứng trước máy chém của giặc: “Bao giờ hết cỏ đất này thì dân Nam mới hết người chống Tây” đã nói lên khí thế của một thời đại đau thương nhưng rất đỗi anh hùng. Và cũng chính trong phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp, dòng văn thơ yêu nước Nam Bộ đã có được thành tựu đáng kể “chẳng những phản ánh được phong trào đấu tranh anh dũng chống Pháp của dân tộc mà còn là những công trình nghệ thuật có giá trị” [15, tr.11]. Là một trong những “lưỡi gươm và ngọn bút yêu nước” của thời đại ấy, Nguyễn Thông - một tri thức yêu nước tài năng, nhà chính trị - xã hội tiến bộ, một người nghiên cứu lịch sử có tài, một tác giả có những đóng góp cho văn học Việt Nam hiện ra lấp lánh như một tấm gương sáng với những tư tưởng và nhân cách cao đẹp. Bất lực trong hoạt động cứu nước, Nguyễn Thông quay về với văn chương và coi đây là phần cống hiến có giá trị nhất đời mình… “kiếp phù sinh rốt lại còn có gì đâu, chỉ duy có văn chương là sáng sủa rực rỡ, tháng năm vẫn không tiêu mòn” (Lời tựa Ngọa du sào văn tập). Giữa những âm sắc khác nhau trong dòng văn chương yêu nước chống Pháp nửa sau thế kỉ XIX, tiếng thơ của Nguyễn Thông đã cất lên như tiếng lòng tha thiết của một người cầm bút – một nhà thơ chân chính rơi vào nghịch cảnh nhưng vẫn giữ vẹn tấm lòng son sắt với quê hương. Với vai trò là người trong cuộc vừa là nhân chứng lịch sử, ta có thể thấy hầu hết các tác phẩm chữ Hán của Nguyễn Thông mang đậm cảm thức lịch sử với những suy tư, dằn vặt của một nhà nghiên cứu lịch sử, một nhà văn, nhà thơ trước vận mệnh dân tộc. Vì thế ta dễ bắt gặp sự đồng cảm, sự sẻ chia vì những trăn trở của tác giả cũng chính là trăn trở của những người con dân nước Việt luôn chất chứa trong tâm mình tình yêu tổ quốc và nỗi ưu lo trước sự tồn vong, thịnh suy của đất nước. Tìm hiểu tác phẩm của Nguyễn Thông, ta không chỉ hiểu hơn về tư tưởng, tình cảm, nhân cách của một khuôn mặt tiêu biểu cho một thời kì lịch sử, đồng thời cũng là để tìm hiểu lịch sử thông qua một nhân vật mà cuộc đời chính trị có liên quan đáng kể tới nhiều sự kiện lịch sử đương thời. Từ những lý do trên, chúng tôi chọn đề tài: “Cảm thức lịch sử trong Ngọa du sào thi tập của Nguyễn Thông” để nghiên cứu. Việc soi chiếu cảm thức lịch sử vào nghiên cứu một tập thơ chữ Hán của Nguyễn Thông vừa giúp chúng tôi một lần nữa nhìn lại cuộc đời, sự nghiệp thơ văn của một tác giả có nhiều đóng góp cho dòng văn học yêu nước Nam Bộ cuối thế kỉ XIX vừa giúp phát hiện thêm những nét độc đáo, góp phần không nhỏ phát hiện thêm cái hay, cái đẹp, cái tinh tế của ngòi bút đầy tài 2 năng này. Kết quả nghiên cứu của đề tài còn góp thêm một hướng khám phá tác phẩm, trong thời gian tới đây cũng là một hướng tiếp cận tác phẩm văn học ở trường phổ thông cần được chú trọng. 2. Lịch sử vấn đề Trên thực tế, số lượng các công trình nghiên cứu hay bài viết về cuộc đời và sự nghiệp thơ văn của Nguyễn Thông khá nhiều. Đi sâu vào việc nghiên cứu thơ văn ông, chúng tôi nhận thấy đã có các hướng nghiên cứu như sau: 2.1. Những công trình tuyển chọn, dịch và giới thiệu tác phẩm Nguyễn Thông Đầu tiên, có thể kể tới công trình Thơ văn Nguyễn Thông do Lê Thước, Phạm Khắc Khoan trích dịch, Ca Văn Thỉnh, Bảo Định Giang giới thiệu, xuất bản 1962 đã giúp người đọc có được một cái nhìn khái quát nhất về thời đại, thân thế, sự nghiệp văn chương, học thuật, giáo dục và tư tưởng của Nguyễn Thông; những đánh giá, nhận xét về thơ văn yêu nước của ông và những nét biểu hiện của tinh thần yêu nước qua thơ văn Nguyễn Thông cũng như chỉ ra cả những điểm còn hạn chế ở tư tưởng của Nguyễn Thông. Đây là công trình đầu tiên, tập trung nhất giới thiệu tới bạn đọc cả phần chữ Hán, phần phiên âm và dịch nghĩa dịch thơ của 72 bài thơ, 17 bài văn trích trong Ngọa du sào thi văn tập và Kỳ Xuyên văn sao cùng một số bài trong các tác phẩm khác của Nguyễn Thông. Thứ hai, quyển Tác phẩm Nguyễn Thông do Cao Tự Thanh, Đoàn Lê Giang trích dịch và giới thiệu đã ra mắt bạn đọc nhân kỉ niệm lần thứ 100 ngày mất của Nguyễn Thông (1984) do Sở Văn hóa thông tin Long An xuất bản. Tác phẩm Nguyễn Thông là sự kế thừa của các tác giả đi trước và là một bước tiến dài trong tìm hiểu và dịch các văn bản thơ chữ Hán của Nguyễn Thông: 78 bài trong tập Ngọa du sào thi tập, 14 bài trong Ngọa du sào văn tập, 3 bài trong Kỳ Xuyên thi sao, thơ Nôm và 1 số tác phẩm trong Độn Am văn tập... Điều này cũng cho thấy một nỗ lực không ngừng để có thể tập hợp, dịch các tác phẩm của Nguyễn Thông trong điều kiện các văn bản do thời gian và chiến tranh đã thất tán. Thứ ba, cuốn sách Nguyễn Thông – con người và tác phẩm của Ca Văn Thỉnh, Bảo Định Giang đã biên soạn do Thành phố Hồ Chí Minh xuất bản cũng trong dịp kỉ niệm lần thứ 100 ngày mất của Nguyễn Thông. Công trình là sản phẩm của quá trình sưu tầm, nghiên cứu và biên soạn miệt mài của các nhà biên soạn về tác giả - nhà thơ yêu nước Nguyễn Thông. Ngoài việc biên soạn thơ văn Nguyễn Thông, công trình còn cung cấp một số văn bản điều trần, sớ, biểu và những nhận xét khi duyệt Khâm định Việt sử thông giám cương mục của Nguyễn Thông. Cuốn sách cũng đã phác họa một bức chân dung cuộc đời, sự nghiệp của Nguyễn Thông nhằm giúp bạn đọc hiểu thêm về quá trình lao động, cống hiến, dấn thân và những đóng góp của ông cho sự nghiệp xây dựng và phát triển của Nam Bộ. Nhìn chung các công trình đều rất công phu khi biên soạn, dịch và giới thiệu về sự nghiệp thơ văn của Nguyễn Thông. Chính nhờ những văn bản tác phẩm thơ văn 3 Nguyễn Thông và phần dịch của các nhà biên soạn sẽ giúp độc giả trong việc tiếp cận với tác phẩm, tư tưởng tác giả dễ dàng hơn. 2.2. Những công trình nghiên cứu tác giả Nguyễn Thông trong dòng văn học yêu nước Nam Bộ Một số công trình tuyển tập riêng mảng thơ văn yêu nước của Nam Bộ như Thơ văn yêu nước Nam Bộ nửa sau thế kỉ XIX (in lần 1 năm 1962, tái bản năm 1973) do Bảo Định Giang biên soạn... đã giới thiệu “những tác giả có vị trí chiến đấu trong địa hạt văn học yêu nước, những tác giả có thơ văn trực tiếp động viên, cổ vũ phong trào chống Pháp thời kì đó”; “tuyển lựa một số thơ văn tiêu biểu, phản ánh tinh thần yêu nước chống ngoại xâm của nhân dân Nam Bộ nửa sau thế kỉ XIX” [17, tr.8]. Bên cạnh một số tên tuổi tác giả như Nguyễn Đình Chiểu, Phan Văn Trị, Bùi Hữu Nghĩa, Huỳnh Mẫn Đạt,... Nguyễn Thông cũng được nhắc tới với những nét sơ lược về tiểu sử và những tác phẩm tiêu biểu cho văn thơ yêu nước giai đoạn này để giới thiệu. Trong công trình Văn học Việt Nam giữa thế kỉ XVIII hết thế kỉ XIX, Nguyễn Lộc đã khái quát văn học Việt Nam cuối thế kỉ XIX, các khuynh hướng văn học yêu nước chống Pháp của các tác giả tiêu biểu như Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Xuân Ôn, Nguyễn Quang Bích, Nguyễn Thông... Cuộc đời và nội dung thơ văn yêu nước của Nguyễn Thông được giới thiệu khá sơ lược, đồng thời tác giả cũng phân tích những đóng góp của Nguyễn Thông trong lĩnh vực chính trị, xã hội và văn chương. Công trình Những ngôi sao sáng trên bầu trời văn học Nam Bộ nửa sau thế kỉ XIX, Nhà xuất bản Văn nghệ TP Hồ Chí Minh (1990) cũng đã cung cấp những tư liệu quý về các tác giả văn thơ yêu nước của miền Nam trong giai đoạn chống Pháp 18581884. Tác phẩm không chỉ cho người đọc thấy cái nhìn toàn cảnh về văn học những năm cuối thế kỉ XIX mà còn là giúp bạn đọc có được những đánh giá về các tác giả. Nguyễn Thông cũng là một trong “những ngôi sao sáng” trên bầu trời văn học Nam Bộ lúc bấy giờ, những đóng góp của ông đã được đánh giá rất cao: “Tuy Nguyễn Thông không có những “đột phá khẩu” làm kinh hoàng quân cướp nước và bán nước như Nguyễn Đình Chiểu hay những cuộc đánh trả tới tấp vào bọn quên giống quên nòi, làm gãy bút gian của chúng như Phan Văn Trị. Nhưng trên các mặt trận, với nhiều mũi tấn công, đặc biệt là mũi tấn công vào đám tự mạo danh là kẻ chăn dân, phụ mẫu dân ô trọc, dơ dáy, Nguyễn Thông quả là một kiện tướng. Có lòng yêu dân nồng thắm, thanh liêm và cần mẫn, ông thấy rất rõ bộ mặt nửa dơi, nửa chuột của đám triều đình và với dũng khí vốn có, ông lôi tuột chúng ra giữa ánh sáng...”[18, tr.42]. Bên cạnh những công trình nghiên cứu về Nguyễn Thông với tư cách là một trong những tác giả góp tiếng nói, tạo nên màu sắc độc đáo cho dòng văn học yêu nước giai đoạn này thì còn có những công trình, bài viết nghiên cứu riêng về Nguyễn Thông. Trên Tạp chí Văn học số 2 (212) (1985) của Viện văn học - Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam đã tập hợp và giới thiệu 4/20 bản báo cáo trong hội nghị khoa học về 4 Nguyễn Thông được tiến hành tại Long An và Thuận Hải nhân dịp kỉ niệm 100 năm ngày mất của ông. Các bản báo cáo đã đưa ra những đánh giá, nhận xét về con người, về sự nghiệp của Nguyễn Thông và cũng chính tại cuộc hội thảo này Nguyễn Thông được tìm hiểu và đánh giá cụ thể hơn: - Nguyễn Thông – con người ưu tú của đất Gia Định – Phạm Thiều. - Mấy gợi ý về phương pháp trong nghiên cứu Nguyễn Thông – Nguyễn Huệ Chi. - Từ góc độ phát triển không đồng đều của văn hóa dân tộc nghiên cứu Nguyễn Thông – Trần Đình Hượu. - Một số kết quả bước đầu trong cuộc hội thảo khoa học về Nguyễn Thông nhân dịp kỉ niệm 100 năm ngày mất tại Thuận Hải – Mạc Đường. Trong bài viết Nguyễn Thông – người thầy phát huy học phong Nam Bộ của Lê Quang Trường đăng trên Tạp chí Khoa học – Văn hóa và Du lịch số 14 (68) tháng 11 năm 2003, Nguyễn Thông được tìm hiểu, đánh giá ở một phương diện mới “không chỉ là một nhà thơ lớn của Nam Bộ, ông còn là một người thầy đáng kính, một người làm quản lý giáo dục có nhiều đóng góp về giáo dục ở mảnh đất này. Ông là người tiếp tục và phát huy học phong Nam Bộ, chú trọng ở nghĩa lý, chứ không trọng từ chương, đề cao đạo lý, chú trọng thực tiễn và vị đời...” [57]. Trong bài viết “Nguyễn Thông và vẻ đẹp thơ văn nhà nho hành đạo nửa sau thế kỉ XIX” đăng trên tạp chí Nhịp cầu tri thức, NXB Chính trị Quốc gia sự thật, số 3 (96)/2017, khi đánh giá về thơ văn Nguyễn Thông, tác giả Lê Chí Dũng và Nguyễn Kim Hưng có viết: “Thơ văn Nguyễn Thông là tấm lòng ưu ái đối với những người xấu số, sự quan tâm đến nghề làm ruộng và gắn bó với đời sống của nông dân. Ông ca ngợi và xót thương những người hy sinh trong cuộc chiến đấu chống Pháp. Nổi bật và bao trùm là tấm lòng yêu mến quê hương mà ông phải lìa bỏ vì không chịu sống trên đất kẻ thù đã chiếm đóng...” [12, tr.55-58] Công trình Nghiên cứu thơ chữ Hán của Nguyễn Thông (2015) của Nguyễn Thị Ngân cũng đã tập trung khảo sát, nghiên cứu một cách có hệ thống, toàn diện về nội dung và nghệ thuật thơ chữ Hán của Nguyễn Thông trong dòng văn học yêu nước Nam Bộ cuối thế kỉ XIX để thấy được chân dung con người và đặc điểm nghệ thuật của thơ văn Nguyễn Thông. Qua đó, tác giả công trình đã khẳng định sức sống trong các sáng tác của Nguyễn Thông. Ngoài ra, còn có công trình Thơ ngôn chí của tác giả nhà nho hành đạo nửa sau thế kỉ XIX (2016) của Cao Văn Anh. Công trình đã đánh giá khách quan và khoa học về vai trò của ba tác giả Nguyễn Xuân Ôn, Nguyễn Thông và Nguyễn Quang Bích cũng như sáng tác của họ trong tiến trình vận động của loại hình tác giả nhà nho hành đạo trong văn học trung đại Việt Nam. Từ đó, giúp người đọc có hướng tiếp nhận, tìm hiểu ba tác giả này và thơ ngôn chí của họ một cách hệ thống các biểu hiện tư tưởng hành đạo và phương thức thể hiện, góp phần nhận diện rõ bức tranh thơ ca Việt Nam cuối thế kỉ XIX và thơ ngôn chí nói chung. 5 Nhìn chung, các công trình nghiên cứu về tác giả và tác phẩm của Nguyễn Thông đều là những công trình nghiên cứu công phu, thể hiện nhiệt tâm muốn tìm hiểu và đánh giá về một tác giả có đóng góp lớn lao trong dòng văn học dân tộc. Tất cả những đóng góp đó là nền tảng, là tài liệu tham khảo vô cùng quý báu với chúng tôi – những người đi sau muốn tìm hiểu về tác giả này. Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có một công trình nào nghiên cứu một tác phẩm cụ thể của Nguyễn Thông nói chung và tập thơ chữ Hán Ngọa du sào thi tập nói riêng, đặc biệt dưới góc nhìn cảm thức lịch sử. Đó vừa là khó khăn, thử thách cũng vừa là cơ hội để chúng tôi mạnh dạn mở rộng hướng tiếp cận của mình về đề tài này. Trên cơ sở lĩnh hội có chọn lọc những điểm nhìn và khám phá từ những công trình nghiên cứu trên, chúng tôi sẽ đi tìm hiểu sâu hơn về cảm thức lịch sử trong sáng tác thơ của Nguyễn Thông với tập thơ Ngọa du sào thi tập. Qua đó, khẳng định giá trị thực sự mà tác phẩm đem lại cũng như vị trí và sự đóng góp của Nguyễn Thông dòng chảy văn học yêu nước của dân tộc. 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 3.1. Đối tượng nghiên cứu Luận văn này tập trung khảo sát 72 văn bản thơ (Ngọa du sào thi tập) của Nguyễn Thông trong tuyển tập Thơ văn Nguyễn Thông do Lê Thước, Phạm Khắc Khoan biên soạn, NXB Văn hóa, Hà Nội, 1962. 3.2. Phạm vi nghiên cứu Đề tài tập trung nghiên cứu các biểu hiện của cảm thức lịch sử trong Ngoạ du sào thi tập của Nguyễn Thông trên cả hai phương diện nội dung và hình thức nghệ thuật. 4. Phương pháp nghiên cứu Trong quá trình thực hiện đề tài, chúng tôi đã sử dụng các phương pháp nghiên cứu chính như sau: 4.1. Phương pháp thống kê - phân loại Chúng tôi tiến hành khảo sát – thống kê để thu thập, tính toán số liệu các bài thơ cùng một nội dung phản ánh, cũng như tần số xuất hiện của các kí hiệu thẩm mĩ, thể thơ, các biện pháp nghệ thuật trong tập thơ; từ đó phân loại để có cái nhìn cụ thể và giải mã thông điệp của tác giả. 4.2. Phương pháp phân tích – tổng hợp Từ việc chỉ ra, phân tích, khai thác, khám phá những biểu hiện của cảm thức lịch sử trong những bài thơ cụ thể về cả nội dung và nghệ thuật, chúng tôi có thể thấy một cách toàn diện hồn thơ Nguyễn Thông cũng như những giá trị mà ông đã gửi gắm qua tập thơ chữ Hán Ngọa du sào thi tập. 4.3. Phương pháp lịch sử Tập thơ Ngọa du sào thi tập chứa đựng cảm thức lịch sử của Nguyễn Thông về những biến chuyển của đất nước nửa sau thế kỉ XIX, hơn nữa tư tưởng tác phẩm luôn chịu sự chi phối của thời đại nên việc sử dụng phương pháp lịch sử sẽ đảm bảo được 6 tính lôgic trong quá trình khảo sát phục vụ cho việc nghiên cứu luận văn. 4.4. Phương pháp so sánh - đối chiếu So sánh một số chất liệu trong tập thơ Ngọa du sào thi tập với những tác phẩm cùng thời khác để thấy được nét khác biệt của tập thơ dưới góc nhìn cảm thức lịch sử cũng như khẳng định sự thống nhất và đa dạng trong lối viết của Nguyễn Thông. 4.5. Phương pháp liên ngành Trong luận văn, chúng tôi đã vận dụng kiến thức ngành văn hóa học, xã hội học,… để lí giải về sự xuất hiện cảm thức lịch sử trong sáng tác văn học; giải thích ý nghĩa những biểu hiện của cảm thức lịch sử hướng đến giải quyết mục đích nghiên cứu của luận văn. Ngoài các phương pháp trên, tôi còn sử dụng một số phương pháp bổ trợ khác góp phần làm nổi bật và hoàn thiện một cách tốt nhất công trình nghiên cứu của mình. 5. Đóng góp của luận văn - Khai thác một cách có hệ thống tập thơ Ngọa du sào thi tập của Nguyễn Thông dưới góc nhìn cảm thức lịch sử, góp phần khẳng định sự đóng góp của ông ở mảng thơ chữ Hán nói riêng và dòng văn thơ yêu nước Nam Bộ cuối thế kỉ XIX nói chung. - Qua tìm hiểu một tập thơ chữ Hán, luận văn đã khai mở một hướng tiếp cận mới để có thể giải mã những tầng sâu tư tưởng, thẩm mĩ mà nhà văn gửi gắm trong tác phẩm. - Góp phần vào thực tiễn dạy và học trong trường phổ thông, giúp học sinh mở rộng thêm kiến thức về tác giả và tác phẩm của dòng văn học yêu nước Nam Bộ và là một tài liệu tham khảo giúp các em trong học tập môn Ngữ văn hiệu quả. - Tìm hiểu tác giả Nguyễn Thông và thơ văn yêu nước của ông sẽ giúp người viết có thêm những hiểu biết về vốn di sản tinh thần quý báu của ông cha. 6. Bố cục của luận văn Ngoài phần Mở đầu, Kết luận và Tài liệu tham khảo, phần Nội dung chính của luận văn được triển khai gồm 3 chương: Chương 1: Cảm thức lịch sử và hành trình dấn thân của nhà nho hành đạo Nguyễn Thông. Chương 2: Cảm thức lịch sử trong Ngọa du sào thi tập – nỗi niềm “quốc phá gia vong”. Chương 3: Cảm thức lịch sử trong Ngọa du sào thi tập – nhìn từ phương diện hình thức nghệ thuật. 7 NỘI DUNG CHƯƠNG 1: CẢM THỨC LỊCH SỬ VÀ HÀNH TRÌNH DẤN THÂN CỦA NHÀ NHO HÀNH ĐẠO NGUYỄN THÔNG 1.1. Nguyễn Thông – một nhà trí thức “đa ưu hoạn” 1.1.1. Từ cửa Khổng sân Trình Nguyễn Thông (1827-1884), tự là Hy Phần, hiệu Kỳ Xuyên, biệt hiệu Độn Am; là quan lại triều Nguyễn và là một danh sĩ nổi tiếng Việt Nam thế kỷ XIX. Ông sinh tại làng Bình Thạnh, phủ Tân An, tỉnh Gia Định (nay thuộc xã Phú Ngãi Trị, huyện Châu Thành, tỉnh Long An). Xuất phát từ nơi cửa Khổng sân Trình (được hiểu là nơi học tập đạo Nho, hàm chỉ ý chí quyết tâm cầu học của những người có chí tiến thủ theo con đường đèn sách thuở trước), Nguyễn Thông là một trong những tác giả chịu ảnh hưởng từ hệ tư tưởng Nho giáo trong việc lựa chọn con đường khoa cử với khát vọng kinh bang tế thế, mang tài năng và tâm huyết cống hiến, phục vụ triều đại, đất nước. Có thể nói, “nếp nhà” chính là trường dạy đạo Nho đầu tiên đã tác động đến con người, tính cách cũng như tư tưởng của Nguyễn Thông. Cha ông là Nguyễn Hanh một nhà nho nghèo, hiệu Tú Vi cư sĩ, thi cử không đỗ đạt bất đắc chí nên về nhà dạy học. Vì thế, ngay từ nhỏ, Nguyễn Thông đã được cha kèm cặp, rèn rũa, dạy bảo. Theo lời kể trong Những danh sĩ miền Nam, tương truyền mỗi khi nghe cha đọc một bài thơ nào đó, hỏi lại Thông đều nhớ, thuộc vanh vách. Nguyễn Hanh đã tác động sâu sắc vào tuổi thơ của Nguyễn Thông bằng hình ảnh một con người “nếp nhà thi lễ, nòi giống thần minh, có hoài bão một lòng vì nước”. Những đức tính của một nhà nho tiết tháo khẳng khái, chính trực, liêm khiết, thanh bạch đã sớm hình thành trong tư tưởng của ông. Tuy cha mẹ mất sớm nhưng niềm mong mỏi được học hành của ông vẫn luôn thường trực dẫu cuộc sống phải chịu rất nhiều thiệt thòi, khổ cực. Không có thầy dạy nên Thông cùng với người em của mình là Nguyễn Hài tự bảo ban nhau học hành. Sau đó, ông ra kinh, muốn tới học trường lớn nhưng không được, phải quay trở về. Lúc này, ông Nguyễn Nhữ Hiền được bổ làm tri phủ Tân An nên hai anh em vào học với ông này. Chẳng được bao lâu, ông Nguyễn Nhữ Hiền lại về kinh đô nhậm chức, Thông và em thất học một lần nữa. Theo lời tự thuật của Nguyễn Thông, năm Bính Thìn (1847) ông lại tiếp tục ra kinh sư học với Phan Thanh Giản. Lúc đó Phan Thanh Giản đang làm chức hiệp biện đại học sĩ, lãnh Lễ bộ thượng thư, công việc quá bận, chỉ dạy Nguyễn Thông bằng miệng, không có sách vở. Vốn thông minh, trí nhớ tốt, Nguyễn Thông học rất có kết quả, được nhiều người khen ngợi. Nguyễn Thông đã từng bước trở thành một nhà nho thực thụ, nghĩa là một nhà nho mong mỏi có dịp “rồng bay gặp hội” để rồi đem tài năng mà “tế thế kinh bang”. Trong ước nguyện này, Nguyễn Thông đã thất vọng từ khi ông bị đánh hỏng vì quyển thi mắc lỗi thiệp tích trong kỳ đệ tam 8 khoa thi Hội năm 1851 và sau đó vì nhà nghèo nên buộc lòng phải nhận chức học quan ở một huyện miền xa. Chế độ phong kiến Việt Nam đến triều Nguyễn đã đi vào giai đoạn suy thoái cùng cực, triều đình đã tạo ra những mâu thuẫn gay gắt trong đời sống tư tưởng và chính trị - xã hội, đưa nhân dân ta tới tấn bi kịch vong quốc khi chạm trán với chủ nghĩa tư bản – thực dân. Điều này đã tạo ra những mâu thuẫn trong tư tưởng của Nguyễn Thông cũng như nhiều nhà nho thế kỉ XIX. Tuy nhiên vì kế thừa nền giáo dục phong kiến nên tư tưởng của họ vẫn không thoát khỏi các tiêu chuẩn đạo đức Nho gia. Mặc dù có những lúc tỏ ra nghi ngờ khả năng của ý thức hệ Nho giáo, Nguyễn Thông vẫn phải lấy đó làm hệ quy chiếu chuẩn mực giá trị đạo đức trong suy nghĩ và hành động của mình. Chấp nhận sự “nghiêng đổ” của cả một triều đại, Nguyễn Thông vẫn không mong ước gì hơn ngoài một xã hội phong kiến thanh bình thịnh vượng với một vị minh quân lý tưởng cho dù ước vọng ấy đang sụp đổ như lâu đài trên bãi cát. Thế nhưng trong hàng ngũ Nho giáo, vẫn có những người trí thức lỗi lạc, gắn bó chặt chẽ với Tổ quốc và nhân dân, đã vượt qua khỏi khuôn khổ thông thường của Nho giáo để góp phần vào sự nghiệp chung. Nguyễn Thông cũng là một trường hợp như thế. Nếu lương tâm và trách nhiệm của người trí thức đã thôi thúc Nguyễn Thông học tập, tích lũy thì cuộc sống của nhân dân là môi trường và điều kiện để ông suy nghĩ, sáng tạo. Ông hoạt động trên khá nhiều lĩnh vực: giáo dục, biên soạn, nghiên cứu lịch sử, quân sự, tư pháp, hành chính, kinh tế. Ngoài ra, ông còn là một nhà thơ, một nhà văn có tên tuổi đương thời. Trên bất cứ lĩnh vực nào, ông đều có ý kiến độc lập của mình, với nhãn quan chính trị khá sâu sắc và lượng kiến thức tương đối rộng. Đây là một hiện tượng không phải phổ biến trong những trí thức có tham gia hoạt động chính trị và xã hội – những quan lại triều Nguyễn thời bấy giờ, những người phần đông tiến thân bằng con đường khoa cử và sở trường là trích cú tầm chương. Đó chính là điểm nổi bật của Nguyễn Thông khiến ông vượt lên hẳn các nhà nho đương thời, trở thành người trí thức tiêu biểu cho khí phách và tinh hoa dân tộc. Là một trong những môn sinh nơi cửa Khổng sân Trình, Nguyễn Thông luôn kiên định về lí tưởng tu thân, lập chí, học hành khoa cử giúp cho đấng quân vương trị quốc an dân. Ông không hề quản ngại khó khăn, gian khổ, sẵn sàng dấn thân với tinh thần tự nhiệm hết sức cao đẹp của nhà nho. Lý tưởng “trí quân trạch dân”, “tiên ưu hậu lạc” mà ông gửi gắm, kí thác trong thơ văn của mình là những giá trị nhân văn cao đẹp, với ý nghĩa hết sức tích cực, vì con người, vì cuộc sống xã hội. 1.1.2. … đến thăng trầm quan lộ Cuộc đời Nguyễn Thông, đặc biệt là con đường quan lộ đã trải qua nhiều thăng trầm. Chính điều này đã ảnh hưởng không ít tới con người và nhân cách, sự nghiệp của Nguyễn Thông. Có thể lấy thời gian thực dân Pháp xâm lược nước ta để chia cuộc đời Nguyễn Thông làm 2 giai đoạn chính: 9 Trước hết là sự nghiệp học hành và làm quan của Nguyễn Thông trước khi thực dân Pháp xâm lược. Tuổi thơ Nguyễn Thông trôi qua không êm đềm: năm 10 tuổi, ông phải chịu tang mẹ, cha Nguyễn Thông mất khi ông mới 17 tuổi. Để gia đình đủ sinh sống, Nguyễn Thông phải đi giúp việc cho một nhà bà con trong làng, vừa chăn trâu vừa làm việc vặt. Bà lão chủ nhà ông ở, vốn người hiếu học, thấy ông viết chữ tốt, bèn giúp đỡ cho ăn học. Vốn thông minh, trí nhớ bền, Nguyễn Thông học vượt cả bạn bè, được xóm làng khen ngợi và yêu mến. Muốn tiếp tục đà học tập, Nguyễn Thông được cho đi ra nhà họ ngoại ở Thừa Thiên, lúc mười tám tuổi. Ở đấy, ông càng nổi tiếng là học giỏi. Năm 1849, lúc hai ba tuổi, ông thi đỗ cử nhân khoa thi Hương trường Gia Định. Năm 1851 ở khoa thi Hội, bài Chiếu, bài Biểu, bài Luận của ông ở kỳ đệ tam rất xuất sắc nhưng do quyển thi bị lấm mực, không hợp thức nên bị đánh hỏng. Biết văn tài của Nguyễn Thông, nhiều người khuyên nên đợi để thi khoa sau. Nhưng vì nhà nghèo không thể tiếp tục học, Nguyễn Thông nhận chức Huấn đạo tại Phú Phong, tỉnh An Giang. Sáu năm sau (1856), ông được bộ Lại và Nội Các đề cử thăng hàm Hàn Lâm viện Tu soạn, sung vào làm việc ở Nội Các, tham gia biên soạn Khâm định Nhân sự kim giám (Gương vàng soi việc người). Có thể thấy những năm tháng đầu của cuộc đời, con đường học hành, thi cử, làm quan của Nguyễn Thông đã gặp nhiều khó khăn, lận đận. Năm 1859, Nguyễn Thông lại trải qua những “ưu hoạn” của một người trí thức khi thực dân Pháp bắt đầu xâm lược nước ta. Ông bỏ quan tình nguyện tòng quân và được cử làm tham mưu (coi việc cơ mật) cho tướng Tôn Thất Hiệp. Năm 1861, đại đồn Chí Hòa thất thủ, ông được thăng từ Vệ úy lên Chưởng vệ, sung chức Phó đề đốc để hiệp thương cùng Trương Định chống giặc. Năm 1862, triều đình nhượng ba tỉnh miền Đông cho Pháp, hưởng ứng phong trào “tị địa” (không sống chung với giặc), ông về miền Tây giữ chức Đốc học Vĩnh Long, dưới quyền của Phan Thanh Giản. Đến khi ba tỉnh này cũng bị mất vào năm 1867, Nguyễn Thông nhận chỉ ra Khánh Hòa làm Án Sát nhưng lòng vẫn lo nghĩ đến Nam Kỳ đã mất. Vì kính mến Phan Thanh Giản, nhớ đến “di sớ” mong vua sửa đổi việc trị nước, ông liên tiếp gửi sớ đến Tự Đức, một là xin truy tặng Phan Thanh Giản đã tử tiết, hai là điều trần bốn vấn đề (chọn hiền tài; tăng cường võ bị; cải tiến thuế thổ sản; đề cao khoan hậu đối với dân), và mạnh dạn can vua giảm việc đi chơi xa, bớt việc xây dựng lăng tẩm, tốn phí của kho. Lời ông không được triều đình chấp thuận. Nhân bị bệnh, ông xin về nghỉ. Năm 1870, ông làm Biện lý bộ Hình, rồi Bố Chánh tỉnh Quảng Ngãi. Khi làm quan tuy không được giữ chức vụ cao nhưng cũng là một cuộc trải nghiệm thực tế rất phong phú, được sống gần dân, được dân yêu thương. Tha thiết với miền Nam, ông cũng gắn bó vô hạn với những nơi ông đến làm việc, coi địa phương đó như quê hương của mình, cống hiến tài năng và sức lực xây dựng thủy lợi, khai khẩn, chăm lo giáo dục, bồi dưỡng thanh niên… Ông tích cực thi hành những biện pháp để bài trừ nạn tham ô, hà hiếp nhân dân của cường hào, ác bá. 10 Nhận thấy Nguyễn Thông làm được nhiều việc có ích, bọn quan lại địa phương có kẻ gièm pha, vu cáo ông nên ông bị triều đình ra lệnh cách chức, bắt giam và bị xử trượng. Nhân dân địa phương thương mến, đứng ra kêu oan cho ông. Có người ra tận kinh đô nhờ những viên quan có thế lực can thiệp. Về sau, vụ án phân rõ trắng đen, ông mới được thả nhưng phải tiếp tục công việc thủy lợi để chuộc tội. Mãi sau mới xét rõ trắng đen vụ án ấy là do tên cường hào Lê Doãn dựng đứng vu cáo ông. Năm 1873, do nhiều bệnh, Nguyễn Thông xin cáo quan về nghỉ ở Trại Núi (Bình Thuận), lập thị xã, mở trường dạy học. Năm 1876, ông ra Huế làm Tư nghiệp Quốc Tử Giám. Tại đây, ông soạn ra bộ Việt sử cương giám khảo lược. Nhận thấy vua quan ngồi yên, chỉ chú trọng đến mối lợi trước mắt, thừa lúc giảng dạy ở Quốc tử giám, ông soạn bài văn nghĩa dựa vào câu chuyện Mạnh Tử ra mắt vua Huệ Vương nước 13 Lương mà bày tỏ ý kiến của mình đối với việc nước. Năm 1877, ông về về Bình Thuận làm Dinh điền sứ. Từ Huế về đến tỉnh, ông lâm bệnh thổ huyết rất nặng, chết đi sống lại mấy lần. Giữa cơn bệnh, lúc nào đỡ là ông cố sức dự hội đồng để bàn việc khai khẩn ở Cao nguyên. Nhưng quân Pháp ở Nam Kỳ gửi thư ra Huế phản đối, triều đình bèn ra lệnh bãi việc này. Từ ngày bị thổ huyết, sức khỏe ông ngày càng sút kém, bệnh trở đi trở lại, mặc dù gia đình bè bạn hết sức chăm lo điều trị. Đã bệnh, thêm tâm trạng luôn lo âu vì nạn dân, nạn nước... nên vào năm 1878, Nguyễn Thông xin nghỉ dài hạn tại Phan Thiết. Dù vậy, thường ngày ông vẫn cùng quan lại địa phương sốt sắng giải quyết việc cho dân. Nơi đây ông lập một nhà học đặt tên là Ngoạ Du Sào (Tổ nằm chơi), trên vách có vẽ một số cảnh tiêu biểu mà đời ông trải qua. Hiện Ngọa Du Sào nằm trong khuôn viên di tích trường Dục Thanh ở thành phố Phan Thiết. Năm 1881, Nguyễn Thông được lệnh ra Bình Thuận đảm đương trọng trách cũ. Trong mấy năm tuổi già sức yếu của ông, ông lo hai việc mà đời ông thường quan tâm là: khuyến khích phát triển nghề nông và ra sức giáo dục đào tạo lớp trẻ. Và ông đã qua đời tại đấy (ngày 7/7/1984), hưởng dương 57 tuổi. Lựa chọn con đường quan lộ với Nguyễn Thông không phải để cầu danh, không phải vì miếng mồi vinh hoa phú quý mà là phương tiện để ông phấn đấu trên con đường thực hiện hoài bão cứu nước, giúp dân. Nhìn lại suốt hành trình của nhà nho hành đạo Nguyễn Thông, có thể thấy con đường quan lộ của ông không mấy “thênh thang nhẹ bước”. Ông sống và làm quan ở nhiều nơi, làm nhiều chức vụ khác nhau, hoạt động trên nhiều lĩnh vực và dường như những biến cố trong cuộc đời ông đều gắn liền với những thăng trầm của lịch sử dân tộc. Chính sự trải nghiệm trong những năm tháng đó đã giúp Nguyễn Thông phát huy tài năng đa dạng của mình và đồng thời cũng là kho tư liệu quý, vốn sống phong phú để ông tác văn chương sau này. 1.1.3. Và những chuyển biến tư tưởng trong sáng tác Nguyễn Trãi đã từng nói: “Nhân sinh thức tự đa ưu hoạn” (Mạn hứng II), nghĩa là “Con người sinh ra biết chữ nghĩa thường gặp nhiều nạn phải lo lắng, ưu phiền”. Nỗi “đa ưu hoạn” của Nguyễn Thông chính là “ưu hoạn” của một người trí thức gắn 11 bó với nhân dân, suốt đời ưu tư, trăn trở, dằn vặt trước thời thế, xã hội và thân phận con người. Và chính cuộc đời chính trị thất bại đã khiến ông chỉ còn kỳ vọng vào việc qua văn chương để bày tỏ những tư tưởng, tình cảm đó của mình. Với ông, văn chương không phải là một nghề tay trái và như ông đã thừa nhận, bình sinh ông dùng vào đó nhiều sinh lực. Nguyễn Thông là một cây bút xuất sắc của văn học yêu nước Nam Bộ cuối thế kỉ XIX có nhiều đóng góp lớn lao. Ngoài những tác phẩm của Nguyễn Thông về nghiên cứu lịch sử như Việt sử thông giám cương mục khảo lược, sách giáo dục như Dưỡng chính lục, ông còn sáng tác truyện Lãnh binh Trương Định truyện, Hồ Huân Nghiệp truyện, sáng tác ngụ ngôn Đàn anh vũ, Nhương quỷ thuyết… Sự nghiệp thơ văn của ông được đánh dấu bằng số lượng trước tác khá phong phú như: Độn Am thi văn tập, Kỳ Xuyên thi văn sao, Kỳ Xuyên công độc, Ngọa du sào văn tập, Ngọa du sào thi tập. Hơi khác với một số tác giả Việt Nam buổi ấy, Nguyễn Thông ít nói đến “ngôn chí”, “tải đạo” theo quan niệm của Nho giáo. Trước năm 1859, ông không bộc lộ một quan niệm và sự ý thức về văn chương mặc dù cũng sáng tác không ít. Từ hình ảnh “Tay trái cầm đàn Triệu, tay phải nâng sáo Tề” (Tiến tửu ca) đến lời thở than “Quan nhỏ nên thành danh muộn” (Tống nhân chi Gia Định), từ ước vọng “được hết điều kỳ lạ trong thiên hạ” (Sơn thuyết tống Nguyễn Tuấn Tân Định doãn) đến sự ngậm ngùi “thật đáng thương cho ông già khoác áo tơi xanh trên khe Thiều khe Triếp” (Long Châu vãn phiếm), Nguyễn Thông tỏ ra chỉ dùng văn chương để nghệ thuật hóa những cảm xúc riêng tư. Dường như cảm tính hay lối mòn tiềm thức đã đưa ông tới với văn chương khi cần một tiếng hát tự do giữa cuộc đời ngột ngạt, một cõi sống mà ở đó ông có thể kéo lại sự yên bình trong tình cảm bằng cách trút vơi đi những phiền muộn cá nhân. Có thể nói trước 1859, Nguyễn Thông gần như chỉ sáng tác văn chương với cảm xúc của riêng mình, không gởi gắm vào đó một chủ đích chính trị rõ ràng và cũng chẳng suy tư nhiều về bản chất văn chương nghệ thuật. Tuy nhiên, từ 1859 và đặc biệt là từ 1867 trở về sau, Nguyễn Thông đã từng bước đi tới một ý thức và quan niệm tiến bộ về sáng tác văn chương bằng trải nghiệm của bản thân trong quá trình tham gia các hoạt động yêu nước. Bài Phục Trúc Đường Đại Tư nông Phạm công thư (1869) là sự đánh dấu chặng đường mười năm ấy của Nguyễn Thông, với quan niệm “nghệ thuật vị nhân sinh” rất rõ ràng trong nhận thức “Thường nghe những bậc đại đạo ở trên ngày trước thường lưu tâm tới việc đời, nên khi báo một hiệu, hạ một lệnh thị xét đến cả tình người lẽ vật một cách đầy đủ, văn chương nhân đó mà phát lộ... Thế thì văn chương duy bởi việc mà đặt ra...” Bắt đầu từ những bài thơ gởi Hồ Huân Nghiệp, khóc Nguyễn Duy tới những bài văn ngợi ca Trương Định, Phan Văn Đạt..., Nguyễn Thông đã đi một chặng đường dài trên tiến trình ý thức mà cũng là quá trình ông liên tục xây dựng cho mình một quan niệm văn chương. Ở đây, con người yêu nước và tiến bộ cũng gặp gỡ con người hành động và thực tiễn trong ông, thôi thúc ông đem văn chương đến với cuộc đời. Trong bài Phục 12 Trúc Đường Đại Tư nông Phạm công thư cũng như bài Kỳ xuyên thi sao tự tự, ông đã phê phán loại văn chương hoa mỹ mà trống rỗng, thiếu đi cái sinh khí của cuộc sống vì tự giới hạn trong những “khuôn vàng thước ngọc”. Ông lên án loại văn sĩ “chưa từng trải việc mà thích bàn tới việc, dấu chân không ra khỏi cổng làng mà luận bàn xa xôi đến cả phong thổ chín châu, công nghiệp không ra tới dân chúng một vùng mà muốn sánh ngang các bậc hiền nhân quân tử trên đời” (Phục Trúc Đường Đại Tư nông Phạm công thư), những kẻ “Gặp một vật cũng làm một bài thơ, thậm chí có một việc mà diễn ra làm trăm ngàn lời... Đã thế mà dùng từ thì muốn thật đẹp đẽ, chọn chữ thì muốn thật khéo léo, đặt câu thì muốn thật ổn thỏa” (Kỳ Xuyên thi sao tự tự); nghĩa là đòi hỏi ở những người sáng tác một vốn sống phong phú, một nhân cách trọn vẹn, một ý thức về quan niệm nghệ thuật sâu sắc. Ông còn cho rằng “Khi nào những việc mắt thấy tai nghe như cứ luôn luôn hiện ra trên giấy mực thì khi ấy mới viết” (Kỳ Xuyên thi sao tự tự). Với những trải nghiệm quý giá của mình trên các cương vị khác nhau, đặc biệt là những công việc có liên quan đến giáo sự, Nguyễn Thông càng thêm cơ hội và kinh nghiệm thể hiện tư tưởng học tập cũng như sáng tạo nghệ thuật phải gắn với thực tiễn hiện thực của đời sống xã hội. Lẽ đó mà ông phản đối lối học cũ sáo mòn, tầm chương trích cú, hoa mỹ hình thức và không đào sâu vào nội dung tư tưởng. Kẻ sĩ thì không chỉ sách vở ru rú một xó mà phải xông pha, tham gia xâm nhập vào đời sống của nhân dân thì mới có thể có những trang viết sinh động và thuyết phục được người đọc. Có thể thấy, Nguyễn Thông ý thức rất rõ về mối liên hệ thống nhất giữa nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật. Đi xa hơn, Nguyễn Thông còn từng đề cập tới vấn đề thi pháp - phong cách sáng tạo nghệ thuật trong văn chương. Ông từng viết “Thông sinh ở vùng sông chằm lau lách nơi Nam Trung, văn chương cũng giống như quê hương” (Phục Trúc Đường Đại Tư nông Phạm công thư). Đó là một cách nói vắn tắt về truyền thống và phong cách nghệ thuật địa phương của văn học viết ở vùng Nam Bộ. Đem đặt lên cán cân nghệ thuật một bên là phong cách văn chương “lang miếu đài các” và một bên là phong cách văn chương “sông chằm lau lách” Nam Trung, ông cũng vô tình đem cả quê hương vào cuộc đấu tranh để khẳng định chân lý về nghệ thuật. Ông bài bác thứ văn chương bác học cung đình đã đánh mất bản chất sáng tạo của nghệ thuật vì chỉ biết lấy cổ nhân làm mẫu mực, ông công kích loại tác giả thoát ly thực tế đời sống mà trở thành một hạng “thơ văn chương” với những kỹ xảo chọn chữ, gieo vần… Đối với Nguyễn Thông, từ 1867 trở đi, “miền quê cũ Nam Trung đã chi phối ông trong cả suy tư và hành động, đã trở thành lý tưởng, niềm tin, thành ước mơ, hy vọng. Người ta có cảm giác là nơi tâm giới Nguyễn Thông, quê hương từ chỗ là một đối tượng khách quan đã trở thành “cái tôi thứ hai” trong ý niệm, từ chỗ là một định hướng cho hoạt động đã trở thành một nền tảng cho nhận thức, từ chỗ là một mục đích đã trở thành một ý nghĩa, một biểu trưng” [51, tr.58]. Chính vì vậy mà có người đã đưa ra ý kiến nhận định Nguyễn Thông như “một tâm sự hoài Nam bi thiết”. Nhưng không nên cho rằng ông đã tự giới hạn ý niệm quê hương của mình trong kích thước
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan

Tài liệu vừa đăng

Tài liệu xem nhiều nhất