Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Giáo dục - Đào tạo Cao đẳng - Đại học Luật Bình luận câu nói của bill gates bill gates là một tỷ phú trong lĩnh vực công ng...

Tài liệu Bình luận câu nói của bill gates bill gates là một tỷ phú trong lĩnh vực công nghệ thông tin đã từng nói một người biết học tập, tư duy và nỗ lực ý ch

.DOC
12
215
59

Mô tả:

A. ĐẶT VẤN ĐỀ: Con người chúng ta từ khi sinh ra không một ai có thể tồn tại độc lập, mà luôn được đặt trong mối liên hệ với tự nhiên và xã hội. Phải chăng vì thế mà trong cuộc sống, ai cũng có thể gặp được những điều tốt đẹp, ai cũng có thể phải trải qua những khó khăn, thăng trầm. Nhưng không phải tất cả chúng ta đều là những con người dũng cảm, đều có khả năng vượt qua mọi trở ngại của cá nhân để đạt được những thành quả nhất định. Bill Gates, một tỷ phú người Mỹ nổi tiếng thế giới trong lĩnh vực công nghệ thông tin đã từng nói rằng: “Một người biết học tập, tư duy và nỗ lực ý chí, tương lai của anh ta vô cùng sáng sủa”. Do hạn chế về thời gian và kiến thức nên bài viết của em còn nhiều thiếu sót. Rất mong nhận được sự đánh giá, phê bình và góp ý của quý thầy cô để bài làm của em được hoàn thiện hơn. Em xin chân thành cảm ơn ! B. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ: William Henry Gates (sinh ngày 28/10/1955), thường được biết dưới tên Bill Gates, là một doanh nhân người Mỹ, người đi tiên phong trong lĩnh vực phần mềm máy vi tính. Cùng Paul Allen, ông lập lên tập đoàn Microsoft, một công ty phần mềm được coi là lớn nhất thế giới. Trong suốt sự nghiệp tại Microsoft, Bill Gates giữ chức chủ tịch đồng thời đóng vai trò kiến trúc sư trưởng phần mềm của hãng. Ông còn là người sở hữu cổ phần lớn nhất của Microsoft. Nếu ai đó đã từng nghe, đọc và tìm hiểu về con người này, chắc chắn họ sẽ không khỏi ngạc nhiên khi biết về cuộc đời của ông. Sinh ra trong một gia đình giàu có, bố mẹ đều là những người có vai vế trong xã hội, được học hành đến nơi đến chốn, tuy nhiên Bill Gates không chọn cho mình con đường trải hoa hồng để đi đến thành công. Vào được ngôi trường đại học Harvard lừng danh nhưng sau đó ông đã bỏ dở giữa chừng để cùng người bạn Allen của mình vượt qua bao khó khăn, nỗ lực thực hiện ước mơ xây dựng lên công ty Microsoft. Không chỉ góp phần tạo ra những bước tiến quan trọng của nền công nghệ thông tin, vị chủ tịch tập đoàn Microsoft, Bill Gates đã, đang và sẽ mãi tác động tích cực đến lối sống, suy nghĩ của thế hệ thanh niên. Ông là một tấm gương sáng chói về tinh thần tự học, tự mày mò, đam mê và sáng tạo để tiến tới thành công, một con người “biết học tập, tư duy và nỗ lực ý chí”. Quả thật là như vậy, học tập, tư duy và ý chí đều là những thứ không thể thiếu ở mỗi người, giúp họ gặt hái được những thành quả nhất định trong cuộc sống. 1. Vai trò của học tập, tư duy a) Tư duy: Như thế nào là một người “biết học tập, tư duy và nỗ lực ý chí” ? Trước tiên, con người muốn nhận thức và cải tạo thế giới khách quan có hiệu quả thì cần có tư duy. Định nghĩa theo cách khoa học tư duy là một quá trình nhận thức phản ánh những thuộc tính bản chất, những mối liên hệ và quan hệ bên trong có tính quy luật của sự vật và hiện tượng trong hiện thực khách quan mà trước đó ta chưa biết. Tư duy phản ánh thuộc tính bên trong, cái bản chất, những mối liên hệ và quan hệ bên trong có tính chất quy luật của sự vật và hiện tượng trong hiện thực khách quan. Tư duy tức là phải suy nghĩ phải vận động đầu óc để nhận thức được, để giải quyết được vấn đề. Chính vì vậy mà tư duy có vai trò đặc biệt quan trọng đối với hoạt động thực tiễn cũng như đối với hoạt động nhận thức của con người. Nó giúp cho con người nhận thức được quy luật khách quan, trên cơ sở đó có thể chủ động dự kiến một cách khoa học xu hướng phát triển của sự vật hiện tượng và có kế hoạch, biện pháp cải tạo hiện thực khách quan. Trong cuộc sống hằng ngày, mọi hoạt động của con người đều thông qua tư duy của họ. Khác với hành động của con vật mang tính bản năng, hành động của con người luôn mang tính tự giác. Con người, trước khi bắt tay vào hoạt động thực tiễn cải tạo thế giới, đều đã có sẵn dự án trong đầu. Sự khác biệt ấy là vì con người có tư duy và biết vận dụng sức mạnh của tư duy vào việc thực hiện các mục đích của mình. Trong quá trình hoạt động đó, con người dần dần phát hiện ra các thao tác của tư duy. Con người không chỉ tư duy nhằm giải quyết các vấn đề do thực tiễn cuộc sống đặt ra mà con người còn tiến hành tư duy nhằm lĩnh hội nên văn hóa xã hội để hình thành và phát triển nhân cách của mình, trên cơ sở đó đóng góp những kết quả hoạt động của mình vào kho tàng văn hóa xã hội của loài người. Bởi vậy mà khi một cá nhân đứng trước một tình huống trong cuộc sống, dù là tình huống mang tính khó khăn, thử thách hay chỉ là một tình huống đơn giản hàng ngày thì bản thân anh ta không thể chỉ chôn chân tại chỗ, mà cần phải biết tư duy, biết vận động đầu óc của bản thân để nhận thức và giải quyết được vấn đề trước mắt. Chúng ta không thể làm một việc khi chưa có suy nghĩ chín chắn. Vậy thế nào là suy nghĩ chín chắn? Muốn suy nghĩ chín chắn, ta phải biết suy nghĩ chính xác về mọi việc. Đây là yếu tố rất quan trọng. Muốn suy nghĩ chính xác trước hết cần hiểu rõ về tình hình thực tiễn. Nếu chưa rõ về thực tiễn thì cho dù có suy nghĩ sáng tạo đến thế nào đi chăng nữa thì bạn vẫn tất yếu đi đến thất bại. Có một người thành đạt đã nói: Chỉ có những người nhìn ra những điều người khác không nhìn thấy mới có thể làm được những việc mà người khác không thể làm được. Và sự suy nghĩ một cách chính xác, độc đáo sẽ mang đến ưu thế này, giúp phát triển sự nghiệp. Tất nhiên để có thể có được những suy nghĩ mà người khác không có được, cần học hỏi đồng thời phải năng tìm hiểu thực tế và luôn động não. Nhiều ý nghĩ hay sẽ đến với chúng ta nếu như tập cho mình có thói quen thường xuyên suy nghĩ. Đứng trước bất cứ tình huống nào, cũng cần tư duy xem nếu là mình, mình sẽ giải quyết công việc đó ra sao, rồi sau đó theo dõi xem cách giải quyết của người khác để rút ra cho mình một cách suy nghĩ đúng đắn và khoa học, hiệu quả nhất. Sự cân nhắc, suy tính trong chuyện học hành, làm việc, kinh doanh đó chính là biểu hiện cao độ của sự suy nghĩ. Không ai đánh thuế sự tư duy nên chẳng cần tiết kiệm gì khi đào sâu suy nghĩ những vấn đề mà mình coi là hữu ích. Có như vậy thì mới đem lại hiệu quả cao trong công việc. b) Học tập: Tư duy thì phải kết hợp với học tập. Nếu kiến thức là đại dương mênh mông thì những thứ ta biết được chỉ là những giọt nước nhỏ trong đại dương đó mà thôi. Học tập là một việc không thể thiếu đối với bất kì ai, nó cũng là một hình thức để con người có thể tồn tại. Con người không nên đón nhận thế giới khách quan một cách thụ động, không chịu tìm tòi, nghiên cứu. Chúng ta có thể học ở khắp nơi, học từ mọi người xung quanh, từ những điều xảy ra quanh ta hằng ngày. Học không đồng nghĩa với việc ngồi một chỗ và chỉ chăm chăm vào sách vở toàn lí thuyết khô khan. Cần phải tích cực học ở những thứ thực tế đời sống, từ đó rút ra được bài học kinh nghiệm cho bản thân. Thành công không đến với những người không có kiến thức. Mà kiến thức chỉ có ở những người biết học tập, tư duy. Tuy nhiên, để đi đến được “tương lai sáng sủa” như trong câu nói của Bill Gates, học tập và tư duy là chưa đủ. Nếu chỉ biết học tập, tư duy mà không có sự nỗ lực bền bỉ ý chí thì cũng chẳng thể nào thành công được. 2. Vai trò của ý chí: Ý chí là mặt năng động của ý thức, biểu hiện ở năng lực thực hiện những hành động có mục đích, đòi hỏi phải có sự nỗ lực khắc phục khó khăn. Ý chí xuất hiện trong hành động nhưng không phải trong mọi hành động mà chỉ trong những hành động có khó khăn trở ngại, nghĩa là nếu chủ thể hành động không cố gắng thì sẽ không đạt được mục đích, không hoàn thành nhiệm vụ, do đó họ phải nỗ lực, phải huy động sức mạnh của mình để vượt qua khó khăn. Những khó khăn này có thể là khó khăn bên noài, như thiếu phương tiện làm việc, thời tiết không thuận lợi, dư luận không đồng tình; có thể là khó khăn bên trong như xúc cảm, tình cảm trái ngược với nhận thức, những mâu thuẫn nội tâm ... Khi những khó khăn này xuất hiện và chủ thể hành động ý thức được chúng, nghĩa là biết được sự tồn tại của những khó khăn đó và hiểu rằng, nếu không cố gắng, không nỗ lực thì sẽ không hoàn thành nhiệm vụ, không đạt được mục tiêu đề ra, lúc đó họ mới huy động sức mạnh của mình để khắc phục. Chính vì vậy, ý chí là một biểu hiện của ý thức và biểu hiện này mang tính cơ động, năng động. Ý chí là một thuộc tính tâm lý cá nhân. Nó không được sinh ra mà được hình thành, tôi luyện trong quá trình con người đấu tranh với khó khăn, thiếu thốn trong cuộc sống. Do vậy mà không phải ai cũng là người “có ý chí”. Trong cuộc sống, có những người không sợ nguy hiểm, không chùn bước trước khó khăn, kiên trì theo đuổi mục đích, dồn mọi nỗ lực để khắc phục khó khăn và cuối cùng đạt được mục đích đề ra – đó là những người có ý chí; ngược lại, cũng có những người sợ nguy hiểm, ngại khó, gặp nguy hiểm thì run sợ, gặp khó khăn thì chùn bước – đó là những người thiếu ý chí. Ý chí được biểu hiện trong hành động, thông qua những phẩm chất cơ bản là tính mục đích, tính độc lập, tính quyết đoán, tính kiên trì, tính dũng cảm và tính tự chủ. Không phải ai, trong tình huống nào cũng hội tụ đầy đủ những phẩm chất này, nhưng những ai biết rèn luyện bản thân theo những yếu tố đó thì chắc chắn họ sẽ làm tốt mọi công việc, “có một tương lai vô cùng sáng sủa”. Bởi hành động của cá nhân phụ thuộc khá nhiểu vào phẩm chất ý chí. Người nghiêm khắc, đòi hỏi cao, cầu tiến, trung thực, dũng cảm thì thường khiêm tốn khi nhìn nhận thành tích, dám nhìn thẳng vào sự thật, dám nhận trách nhiệm, nhận khuyết điểm về mình và trong trường hợp nào họ cũng rút ra được bài học cho bản thân, vì vậy họ thường tiến bộ nhanh chóng. Ngược lại, người thiếu tự chủ, hãnh tiến, cả thèm chóng chán, thiếu trung thực thì dễ thổi phồng thành tích, che dấu khuyết điểm, không dám nhận sai, thường tìm cách đổ lỗi cho người khác hoặc cho hoàn cảnh, và luôn cảm thấy đầu hàng trước bất kì thử thách to lớn nào. 3. Tầm quan trọng và mối liên hệ giữa học tập, tư duy, ý chí Trong thành công của mỗi cá nhân, ý chí đóng vai trò quyết định hơn cả. Bởi ý chí giúp con người huy động sức mạnh khắc phục những khó khăn, thử thách để đạt được điều mình mong muốn, kết quả như mong đợi. Những cái biết rồi thôi thì chưa đủ mà luôn luôn phải có ý chí đi kèm.Nhưng không vì thế mà học tập, tư duy không có ý nghĩa. Có nhiều người biết vẫn làm sai vẫn đi sai vì không có ý chí kềm giữ sự cám dỗ nên bị khuất phục dễ dàng. Người biết tư duy thì như người cầm bản đồ trong tay, biết con đường nào xa, con đường nào gần, con đường nào chông gai, nguy hiểm. Chính ý chí lấy quyết định để họ dứt khoát bước vào con đường đưa đến ánh sáng, tuy phải qua nhiều gian lao khổ cực. Khi đạt được sự hiểu biết ta chỉ mới đi xong một đoạn đường, có ý chí sẽ khiến chúng ta có động lực để vững bước đi được hết con đường. Tuy nhiên, trong cuộc sống, có những người có nhận thức đúng, có quyết định sáng suốt nhưng lại không đủ ý chí để thực hiện và ngược lại, cũng có những người có ý chí cao nhưng lại hướng ý chí đó vào những mục đích thầm thường, nhỏ mọn và không đạt được những thành công lớn. Hơn thế nữa, người thành công phải là người biết điều kiển tình cảm-xúc cảm của mình, hướng tình cảm-xúc cảm đi cùng chiều với ý chí, có như vậy mới hạn chế được ảnh hưởng tiêu cực của nó đối với hành động. Giữa tư duy và phẩm chất ý chí có mối liên hệ. Một người không thể có tư duy nhưng thiếu ý chí hoặc ngược lại. Nếu cá nhân vội vàng chùn bước trước khó khăn thì đó là biểu hiện của ý chí thấp; nếu nhận ra mục đích, kế hoạch, phương pháp đề ra không phù hợp mà không chịu thay đổi thì đó là biểu hiện của tính cứng nhắc, kém linh hoạt, kém sáng tạo, bảo thủ. Nếu biết tư duy, phân tích và đánh giá điều kiện khách quan, chủ quan, kịp thời điều chỉnh mục đích, kế hoạch, phương pháp hành động cho phù hợp thì đó là biểu hiện của ý chí cao, tính quyết đoán và sáng tạo, tính dũng cảm, tính mục đích. Cho nên tư duy để thay đổi quyết định, lựa chọn đúng đắn cũng là một vấn đề quan trọng trong hành động ý chí. 4. Bài học Đối với Bill Gates, ông đã từng học tập, nghiên cứu rất chăm chỉ, say mê vào công việc tìm hiểu máy tính. Ông đã từng được gọi là cậu bé thiên tài vì khả năng học tập của mình. Tuy nhiên, Bill Gates lại cho rằng, khả năng thiên phú của ông không phải là yếu tố quyết định cho sự thành công của mình mà là do ông đã biết nỗ lực ý chí trong mọi công việc. Không phải đó là một suy nghĩ mang tính chủ quan của Bill Gates, mà là một sự thừa nhận, một sự đúng đắn. Cuộc đời ông đã phải trải qua rất nhiều khó khăn thử thách, đã có những lúc tưởng chừng như sụp đổ tất cả, nhưng bằng sự kiên trì và dũng cảm, ông đã không hề nao núng đương đầu với khó khăn đó. Và cũng không phải ngẫu nhiên mà Bill Gates lại cho rằng : “Một người biết học tập, tư duy và nỗ lực ý chí, tương lai của anh ta vô cùng sáng sủa”. Vì trên thế giới, ông không phải là tấm gương duy nhất cho việc biết học tập, tư duy và ý chí để đi đến thành công. Có thể kể ra rất nhiều người khác, ví dụ như Michael Dell – người sáng lập đồng thời là chủ tịch hội đồng quản trị tập đoàn sản xuất máy tính nổi tiếng thế giới Dell từng là người phục vụ, chuyên rửa chén đĩa trong một nhà hàng Trung Quốc với mức lương 2,3 USD/giờ. Hay như William Watkins – CEO của Seagate Technology từng làm đêm tại một nhà thương điên, Tommy Hilfiger – một ông chủ của hãng quần bò cao cấp nổi tiếng đã từng bán rong quần jeans của mình sau thùng xe ... Rất nhiều người nổi tiếng cũng bắt đầu với một tinh thần “kinh doanh” hào hứng như vậy. Hầu hết họ đều có một điểm chung: làm bất kỳ công việc lương thiện nào để sống tự lập và cố gắng theo đuổi đam mê của mình. Họ ý thức được bản thân, biết suy nghĩ cho tương lai của mình. Chủ yếu, những người này có quãng thời gian dành cho sách vở, nhà trường là rất ít. Họ học hỏi ở xã hội, ở cuộc sống là nhiều hơn, biết tư duy sáng tạo để lao động, thực hiện ước mơ của mình. Những thất bại trong công việc có lúc khiến chúng ta cực kì chán nản và tuyệt vọng, thấy tương lai chỉ toàn một màu xám. Nhưng hãy nhìn xem, rất nhiều tỉ phú trên thế giới hiện này cũng từng có sự khởi đầu gian nan như thế, thậm chí công việc mà họ làm để đệm bước cho thành công đều là những công việc tầm thường trong mắt nhiều người. Thế nhưng, sự có ý chí của họ thể hiện ngay cả ở trong việc, khi thành công rồi, đạt được đỉnh cao sự nghiệp, họ vẫn không bao giờ tỏ ra rũ bỏ quá khứ, luôn biết ơn những công việc đầu tiên đó. Ngay ở Việt Nam, rất gần chúng ta thôi, cũng có rất nhiều những tấm gương sáng trong việc biết học tập, tư duy và nỗ lực ý chí, gặt gái được thành công to lớn. Đặng Lê Nguyên Vũ – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Trung Nguyên cũng là một người như thế. Có thể nói không sợ quá lời rằng sự xuất hiện của Trung Nguyên đã mang lại một không khí thưởng thức cà phê mới tại Việt Nam, và ở nhiều nơi trên thế giới giờ đây nói đến cà phê Việt Nam là người ta đều biết tới thương hiệu Trung Nguyên. Tuổi thơ thời đi học của ông là cảnh lội bộ trên con đường đất đỏ dài 15km trong suốt chín năm, ngày nắng cũng như mưa. Niềm vui trên con đường dài đến trường và về nhà là khi đi ngang qua trạm thuế vụ, thỉnh thoảng có được quả chuối chín hoặc vài củ khoai lang ăn sống của những người buôn bán tốt bụng cho. Vui nhất là khi có thể quá giang phía sau chiếc xe chở gạch về nhà khi đôi chân đã muốn quị vì lội bộ. Năm ông vào lớp 10, gia đình mua cho chiếc xe đạp cũ để lên Buôn Ma Thuột đi học. Mẹ ông nghĩ cuộc sống nghèo khổ của gia đình họ là số mệnh ở trời. Mỗi lần ông về thăm nhà thì mẹ ông vừa vui vừa lo. Vui vì có con trai về thăm nhà và lo vì khi ông rời nhà, bà cụ phải chạy vạy một hai trăm ngàn cho ông làm lộ phí đến trường. Ông nói rằng không bao giờ quên được cái ngày tăm tối đó, khi bố ông đổ bệnh nặng mà chạy vạy khắp trong dòng tộc không làm sao kiếm đủ 2 triệu đồng chữa bệnh. Ông ở trọ tại Buôn Ma Thuột và làm công luôn cho nhà trọ này: làm cỏ, hái cà phê, đem cơm nước cho nhân công ở rẫy... Ông luôn nghĩ về những người trồng cà phê, làm vườn lam lũ như bố mẹ. Ông biết cà phê rất có giá nhưng không biết vì sao người trồng cà phê lại rất nghèo. Nhưng người trồng cà phê vẫn nhẫn nại mỗi ngày cháy da trên nương rẫy, như mẹ ông, không lời thở than. Ông không chịu được vậy. Miếng ăn lúc đó đối với ông không quan trọng bằng suy nghĩ phải sống như thế nào. Hứa với người chú là học cho xong xuôi, đúng sau đó ông vào Sài Gòn khởi nghiệp, cùng với 3 người bạn của mình, ông đã hùn vốn mua một lò rang cà phê. Qua mấy lần chuyển lò và bị dẹp vì nhiều sự không đồng tình của người dân, mãi rồi lò rang cà phê của bốn người họ mới được ổn định. Dù gặp nhiều gian nan, thất bại với đối tác ở Long Xuyên, sản phẩm chưa được chấp nhận vì tên tuổi chưa vững, Sài Gòn lại là một thị trường lớn khó khăn ...nhưng ông vẫn quyết tâm không bỏ cuộc, suy nghĩ mọi cách làm tích cực, sáng tạo để gây dựng nên thương hiệu. Đã có lúc vốn liếng kiệt quệ, công việc kinh doanh ở Buôn Mê Thuột thì gặp nhiều bế tắc, nhưng chính từ những khó khăn đó, sự ý chí vượt khó trong ông mới phát huy cao độ. Thậm chí, ông đã phải hỏi mượn chiếc xe Dream cũ – tài sản có giá duy nhất còn lại của một người bạn để đem bán làm vốn kinh doanh. Qua bao nhiêu thời gian cố gắng nghiên cứu để tìm cách kinh doanh tốt nhất một cách không ngừng nghỉ, cuối cùng thì thương hiệu cà phê Trung Nguyên của ông đã có một chỗ đứng vững chắc như ngày hôm nay, giúp Nguyên Vũ gặt hái được thành công trên bước đường của mình. Tấm gương về sự thành công của những con người nêu trên đã giúp chúng ta nhận ra vai trò vô cùng quan trọng của việc học tập, tư duy và nỗ lực ý chí đối với cuộc sống mỗi con người. Điều quan trọng nhất rút ra được từ những điều trên là con người muốn đi tới thành công thì phải biết tự thân học tập, tư duy và nỗ lực ý chí. Trước khi có thể làm được những việc lớn lao mang ý nghĩa lịch sử hay những công việc đổi đời, có một tương lai sáng lạn, thì trước hết chúng ta hãy bắt đầu bằng việc tự học hỏi, tìm tòi, chịu khó đào sâu suy nghĩ và nỗ lực hết mình, làm những công việc nhỏ nhất trước. Dù là công việc gì, hoàn cảnh nào, nó cũng đều mang lại cho ta những kiến thức thực tế và những kinh nghiệm vô cùng quý báu. Nếu chỉ biết ỷ lại, dựa dẫm, không chịu khó nghiên cứu, học hỏi và dám vượt qua thử thách thì sẽ chẳng có một kết quả tốt đẹp. Vì chỉ khi xác định được mục tiêu, lí tưởng thì mới có ý chí, quyết tâm để thực hiện. Hãy nhìn cuộc sống bằng ánh mắt lạc quan, hãy biết tập trung đào sâu suy nghĩ, hành động bằng tất cả sức mạnh ý chí, đó chính là thông điệp gửi tới những người đang nỗ lực vươn tới thành công! C. KẾT LUẬN : Trong thời kì hội nhận của nước ta hiện nay, mỗi sinh viên phải biết nắm bắt cơ hội để thực hiện ước mơ của mình. Phải biết nhìn vào tấm gương của những người đi trước để có thể hướng bản thân theo những gì tốt đẹp. Phải biết trau dồi kiến thức, không ngừng tư duy để hoàn thiện bản thân. Phải có sự táo bạo dám đương đầu với thử thách để đón nhận kinh nghiệm, không sợ thất bại, không nản lòng. Chỉ có như vậy, sinh viên mới có thể trở thành những người thành đạt trong cuộc sống sau này, và sẽ có một “tương lai sáng sủa” đúng như lời của nhà tỷ phú nổi tiếng Bill Gates. DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Giáo trình Tâm lý học đại cương - Trường Đại học Luật Hà Nội – NXB Công An nhân dân 2007 2. Tạp chí tâm lý học 3. Bài tập thực hành tâm lý học – NXB Đại học Quốc gia Hà Nội - Trần Trọng Thủy ( Chủ biên ) 4. Website : www.tamlyhoc.net/diendan www.tamly.com.vn Mục lục: A. ĐẶT VẤN ĐỀ:.......................................................................1 B. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ:...........................................................1 1. Vai trò của học tập, tư duy......................................................................2 a) Tư duy:...................................................................................................2 b) Học tập:..................................................................................................4 2. Vai trò của ý chí:......................................................................................4 3. Tầm quan trọng và mối liên hệ giữa học tập, tư duy, ý chí.................6 4. Bài học.......................................................................................................7 C. KẾT LUẬN :.......................................................................10 DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO........................................11
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan