Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Giáo dục - Đào tạo Cao đẳng - Đại học Luật Bài tập nhóm tháng 2 môn luật tố tụng hình sự đề 4...

Tài liệu Bài tập nhóm tháng 2 môn luật tố tụng hình sự đề 4

.DOC
16
81
80

Mô tả:

BÀI LÀM Nhận xét quyết định khởi tố vụ án hình sự và khởi tố bị can của cơ quan điều tra huyện K. Theo tình huống, có thể thấy quyết định khởi tố vụ án hình sự và khởi tố bị can của cơ quan điều tra huyện K là không đúng về thẩm quyền, cụ thể trong tình huống này thì việc khởi tố phải do cơ quan điều tra hình sự trong quân đội tiến hành - Khẳng định được như vậy là từ những căn cứ sau: Thứ nhất, hành vi của A và B “lẻn vào kho quân nhu của quân đội trộm cắp quần áo bộ đội trị giá 30 triệu đồng” được coi là đã gây thiệt hại đến tài sản của quân đội, theo quy định tại điểm b, 2, I, Thông tư liên tịch số 01/2005 hướng dẫn về thẩm quyền xét xử của tòa án quân sự và sẽ do tòa án quân sự xét xử. “Gây thiệt hại cho Quân đội là gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tự do, danh dự, nhân phẩm của những người quy định tại khoản 1 Điều 3 của Pháp lệnh hoặc tài sản của những người này được Quân đội cấp phát để thực hiện nhiệm vụ quân sự; gây thiệt hại đến tài sản, danh dự, uy tín của Quân đội. Tài sản của Quân đội là tài sản do Quân đội quản lý, sử dụng, kể cả trường hợp Quân đội giao tài sản đó cho dân quân, tự vệ hoặc bất kỳ người nào khác quản lý, sử dụng để chiến đấu, phục vụ chiến đấu hoặc thực hiện nhiệm vụ quân sự”. Thứ hai, theo Điều 15 Pháp lệnh của Ủy ban thường vụ Quốc hội số 23/2004 về Tổ chức điều tra hình sự thì cơ quan điều tra hình sự trong quân đội nhân dân có thẩm quyền điều tra các vụ án hình sự từ chương XII đến chương XXIII của BLHS khi các tội phạm đó thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự... Mà hành vi phạm tội của A và B đủ cơ sở cấu thành của tội trộm cắp tài sản theo Điều 138 BLHS (thuộc chương XIV của BLHS). Nên trong trường hợp trên thẩm quyền điều tra thuộc về CQĐT hình sự trong quân đội chứ không phải thuộc về CQĐT công an huyện K, tỉnh T nơi A và B cư trú, hay tức là thẩm quyền ra quyết định khởi tố vụ án và khởi tố bị can phải thuộc về CQĐT hình sự trong quân đội. Từ hai căn cứ trên, có thể khẳng định: Quyết định khởi tố vụ án hình sự và khởi tố bị can của CQĐT công an huyện K là sai về thẩm quyền. Theo điểm c, 1, II Thông tư liên tịch số 01/2008 Về quan hệ phối hợp trong một số hoạt động điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong quân đội và ngoài quân đội thì Khi xác minh tố giác, tin báo về tội phạm, nếu Cơ quan điều tra phát hiện sự việc đang xác minh không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình thì phải nhanh chóng làm rõ và trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ khi có đủ căn cứ kết luận sự việc không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình thì phải chuyển hồ sơ, tài liệu cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền để giải quyết tiếp. Như vậy, theo tình huống đề bài nêu thì CQĐT huyện K sau khi nhận được và xác minh thông tin tố giác, tin báo về tội phạm trong vòng 5 ngày phải chuyển hồ sơ, tài liệu cho CQĐT hình sự trong quân đội có thẩm quyền để giải quyết tiếp (ra quyết định khởi tố hoặc không khởi tố). Nhưng do cơ quan điều tra huyện K đã ra quyết định khởi tố sai về thẩm quyền nên quyết định đó sẽ bị hủy bỏ theo quy định tại khoản 2 Điều 109 BLTTHS. Khi kiểm sát điều tra, Viện kiểm sát thấy rằng việc điều tra của cơ quan điều tra không đúng thẩm quyền, Viện kiểm sát yêu cầu Cơ quan điều tra công an huyện K ra quyết định chuyển vụ án cho cơ quan điều tra trong quân đội nhân dân. Quyết định đó của Viện kiểm sát đúng hay sai? Tại sao? Quyết định của VKS là sai. Vì: Theo Điều 116 BLTTHS quy định về chuyển vụ án để điều tra theo thẩm quyền thì: “Trong trường hợp vụ án không thuộc thẩm quyền điều tra của mình, cơ quan điều tra phải đề nghị Viện kiểm sát cùng cấp ra quyết định chuyển vụ án cho cơ quan điều tra có thẩm quyền để tiếp tục điều tra; trong trong thời hạn ba ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị của cơ quan điều tra, viện kiểm sát cùng cấp có trách nhiệm ra quyết định chuyển vụ án”. Khi thực hiện công tác kiểm sát điều tra, VKS sẽ kiểm sát việc khởi tố của cơ quan điều tra (khoản 1 Điều 113 BLTTHS). Căn cứ vào quy định trên ta thấy, nếu phát hiện có sự vi phạm về thẩm quyền điều tra thì VKS sẽ có trách nhiệm ra quyết định chuyển vụ án. Trong tình huống của bài, VKS phát hiện có sự vi phạm về thẩm quyền điều tra nhưng VKS lại yêu cầu CQĐT huyện K ra quyết đinh chuyển vụ án cho CQĐT trong quân đội nhân dân. Như vậy, quyết định này hoàn toàn trái với quy định của BLTTHS 2003. Trong quá trình điều tra vụ án hình sự, cơ quan điều tra có thẩm quyền phát hiện dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác do A và bạn của A là D đã thực hiện trước đó. Cơ quan điều tra giải quyết như thế nào? Tại sao? Theo quy định tại khoản 1 và Điều 117 BLTTHS thì: “1. Cơ quan điều tra có thể nhập để tiến hành điều tra trong cùng một vụ án những trường hợp bị can phạm nhiều tội, nhiều bị can cùng tham gia một tội, hoặc cùng với bị can còn có những người khác che dấu tội phạm hoặc không tố giác tội phạm quy định tại Điều 313 và Điều 314 của Bộ luật hình sự. 2. Cơ quan điều tra chỉ được tách vụ án trong những trường hợp thật cần thiết khi không thể hoàn thành sớm việc điều tra đối với tất cả các tội phạm và nếu việc tách đó không ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan và toàn diện của vụ án” Tuy nhiên, theo điểm đ, 2, II Thông tư liên tịch số 01/2008 Về quan hệ phối hợp trong một số hoạt động điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong quân đội và ngoài quân đội: “Đối với vụ án vừa có bị can hoặc tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra trong Quân đội, vừa có bị can hoặc tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra ngoài Quân đội thì Cơ quan điều tra đang điều tra vụ án chủ trì họp với Viện kiểm sát cùng cấp và Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát có liên quan để thống nhất về việc Cơ quan điều tra trong Quân đội điều tra toàn bộ vụ án hay tách vụ án để điều tra riêng. Việc chuyển toàn bộ hay tách, chuyển vụ án hình sự để giải quyết theo thẩm quyền được thực hiện theo quy định tại Điều 117 Bộ luật Tố tụng hình sự và điểm 4, Mục I, Thông tư liên tịch số 01/2005/TTLT-TANDTCVKSNDTC-BQP-BCA ngày 18/4/2005 của Tòa án nhân dân tối cao - Viện kiểm sát nhân dân tối cao - Bộ Quốc phòng - Bộ Công an “Hướng dẫn về thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự”. Thời hạn điều tra trong trường hợp tách, chuyển vụ án được tính từ khi nhận được quyết định tách, chuyển và hồ sơ vụ án. Sau khi kết thúc điều tra, trong thời hạn 5 ngày làm việc, Cơ quan điều tra thông báo cho Cơ quan điều tra đã chuyển vụ án biết kết quả;” Như vậy, trong vụ án này, A là người phạm nhiều tội (tội trộm cắp tài sản theo quy định tại Điều 138 BLHS thuộc thẩm quyền điều tra của CQĐT trong quân đội và tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 139 BLHS thuộc thẩm quyền điều tra của CQĐT ngoài quân đội) vì thế về mặt nguyên tắc thì CQĐT đang điều tra có thể nhập hai vụ án này để điều tra toàn bộ hoặc tách vụ án thứ hai ra để điều tra độc lập. Theo quan điểm của nhóm, thì nên tách vụ án mà A cùng với D thực hiện trước đó ra để CQĐT ngoài quân đội điều tra độc lập, bởi những tình tiết của vụ án này không hề liên quan đến vụ án trộm cắp quần áo bộ đội mà A và B cùng thực hiện. Nếu nhập vào thì sẽ khiến cho vụ án bị kéo dài, CQĐT trong quân đội sẽ phải tiến hành điều tra bổ sung thêm vụ án thứ hai. Do đó sẽ không đảm bảo được việc giải quyết vụ án một cách nhanh chóng, kịp thời. Trong giai đoạn truy tố, Viện kiểm sát thấy rằng cơ quan điều tra chưa đầy đủ, Viện kiểm sát giải quyết như thế nào? Để đảm bào việc điều tra, truy tố, xét xử thật sự khách quan, toàn diện, đầy đủ, trong quá trình nghiên cứu hồ sơ vụ án, Kiểm sát viên phải kiểm tra tính hợp pháp và tính có căn cứ của quá trình điều tra được thể hiện trong hồ sơ và kết luận điều tra. Nếu thấy hồ sơ chưa đầy đủ thì VKS có thể ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Tuy nhiên, để tránh tình trạng kéo dài việc giải quyết vụ án, VKS chỉ được trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung nếu xét thấy hồ sơ “còn thiếu những chứng cứ quan trọng đối với vụ án mà Viện kiểm sát không thể tự mình bổ sung được” (Điều 168 BLTTHS). Theo đó, khi thấy rằng việc điều tra của CQĐT chưa đầy đủ, VKS chỉ được trả hồ sơ để điều tra bổ sung khi có đủ hai điều kiện là: thiếu những chứng cứ quan trọng đối với vụ án và VKS không thể tự mình bổ sung được. Thứ nhất, vấn đề cần được làm rõ ở đây là thế nào là những chứng cứ quan trọng đối với vụ án. Theo quy định tại Điều 1 Thông tư liên tịch số 01/2010/TTLT-VKSNDTC-BCA-TANDTC, “chứng cứ quan trọng đối với vụ án” được hiểu là “chứng cứ quy định tại Điều 64 của BLTTHS dùng để chứng minh một hoặc nhiều vấn đề quy định tại Điều 63 của BLTTHS và nếu thiếu chứng cứ này thì không thể giải quyết vụ án được khách quan, toàn diện, đúng pháp luật”. Đồng thời khoản 2 Điều 1 Thông tư liên tịch cũng đã quy định cụ thể về những trường hợp thiếu chứng cứ quan trọng đối với vụ án. Theo đó, nếu khi nghiên cứu hồ sơ, VKS phát hiện thấy thiếu chứng cứ thuộc một trong các trường hợp qui định tại khoản 2 Điều 1 Thông tư liên tịch 01/2010/TTLTVKSNDTC-BCA-TANDTC thì được coi là thiếu chứng cứ quan trọng liên quan đến vụ án, và là một trong hai cơ sở (cùng với điều kiện “viện kiểm sát không thể tự mình bổ sung được”) để có thể ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Tuy nhiên, kể cả khi thiếu những chứng cứ quan trọng VKS vẫn có thể không trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 1 TTLT 01/2010: “Không trả hồ sơ nếu là chứng cứ quan trọng nhưng nếu thiếu cũng truy tố, xét xử được hoặc không thể thu thập được. Ví dụ 1: Có 3 người làm chứng nhưng chỉ xác định được 2 người. Ví dụ 2: Hiện trường đã bị thay đổi không thể xem xét lại được hay vật chứng đã mất không thể tìm được.” Thứ hai, “thiếu những chứng cứ quan trọng đối với vụ án” chỉ là điều kiện cần để VKS ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung, còn điều kiện đủ để VKS ra quyết định này là “Viện kiểm sát không thể tự mình bổ sung được”. Theo đó, mặc dù thiếu những chứng cứ quan trọng thuộc quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 1 Thông tư liên tịch 01/2010 nhưng VKS có thể tự mình bổ sung được thì không được ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung. VKS chỉ được trả hồ sơ không quá 2 lần. Tóm lại, trong giai đoạn truy tố, VKS phát hiện thấy việc điều tra của CQĐT chưa đầy đủ, VKS giải quyết như sau: Nếu thiếu chứng cứ quan trọng liên quan đến vụ án mà VKS không thể tự mình bổ sung được thì VKS trả hồ sơ cho CQĐT để điều tra bổ sung; nếu thiếu chứng cứ không quan trọng hay thiếu chứng cứ quan trọng mà VKS có thể bổ sung được thì VKS bổ sung mà không trả lại hồ sơ. Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, A và B bỏ trốn khỏi nơi cư trú, Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa giải quyết như thế nào? Theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 34 BLTTHS thì Thủ trưởng, Phó thủ trưởng CQĐT có quyền ra “quyết định truy nã bị can, khám xét, thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, xử lý vật chứng” và Điều 161 BLTTHS: “Khi bị can trốn hoặc không biết bị can đang ở đâu Cơ quan điều tra phải ra quyết định truy nã bị can”. Do đó, trong giai đoạn chuẩn bị xét xử mà A và B bỏ trốn thì Tòa án yêu cầu CQĐT truy nã bị can và nếu đã hết thời hạn chuẩn bị xét xử được quy định tại Điều 176 BLTTHS mà cụ thể là: ba mươi ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng, bốn mươi ngày đối với tội phạm nghiêm trọng, hai tháng đối với tội rất nghiêm trọng, ba tháng đối với tội đặc biệt nghiêm trọng mà vẫn chưa bắt được bị can thì Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa ra quyết định tạm đình chỉ vụ án theo quy định tại Điều 180 BLTTHS: “Thẩm phán ra quyết định tạm đình chỉ vụ án khi có căn cứ quy định tại Điều 160 của Bộ luật này,…”. Dẫn chiếu đến Điều 160 BLTTHS thì những căn cứ đó bao gồm: Bị can bị bệnh tâm thần hoặc bệnh hiểm nghèo khác có chứng nhận của Hội đồng giám định pháp y. Không biết rõ bị can ở đâu. Như vậy, trường hợp hết thời hạn chuẩn bị xét xử mà vẫn chưa bắt được A và B thì cũng đồng nghĩa với việc là “không xác định được rõ bị can đang ở đâu”. Vì thế, Thẩm phán phải ra quyết định tạm đình chỉ vụ án. Tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo B yêu cầu thay đổi Thẩm phán chủ tọa phiên tòa vì cho rằng Thẩm phán có mối quan hệ thân thiết với C là nguyên đơn dân sự trong vụ án. Hội đồng xét xử phải giải quyết như thế nào? Trước hết thấy rằng B hoàn toàn có quyền yêu cầu thay đổi Thẩm phán, theo khoản 2 Điều 43 BLTTHS: “Những người sau đây có quyền đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng:…2. Bị can, bị cáo, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự và người đại diện hợp pháp của họ…” Khi có yêu cầu thay đổi Thẩm phán ngay tại phiên tòa thì HĐXX phải xem xét liệu yêu cầu đó có hợp lí hay không. Theo khoản 1 điều 46 BLTTHS về việc thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm: “1. Thẩm phán, Hội thẩm phải từ chối tham gia xét xử hoặc bị thay đổi, nếu: Thuộc một trong những trường hợp quy định tại Điều 42 của Bộ luật này…” Ngoài ra, tại Điểm c – Mục 4 – Phần I – Nghị quyết số 03/2004/NQ-HĐTP hướng dẫn về Điều 42 – Bộ luật tố tụng hình sự như sau: “Có căn cứ rõ ràng khác để cho rằng họ có thể không vô tư trong khi làm nhiệm vụ là ngoài các trường hợp được quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 42 của Bộ luật Tố tụng hình sự thì trong các trường hợp khác (như trong quan hệ tình cảm, quan hệ thông gia, quan hệ công tác, quan hệ kinh tế...) có căn cứ rõ ràng để có thể khẳng định là Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký Tòa án không thể vô tư trong khi làm nhiệm vụ. Ví dụ: Hội thẩm là anh em kết nghĩa của bị can, bị cáo; Thẩm phán là con rể của bị cáo; người bị hại là Thủ trưởng cơ quan, nơi vợ của Thẩm phán làm việc... mà có căn cứ rõ ràng chứng minh là trong cuộc sống giữa họ có mối quan hệ tình cảm thân thiết với nhau, có mối quan hệ về kinh tế.....” Như vậy, trong tình huống này sẽ có hai trường hợp xảy ra: Nếu B không đưa ra được bằng chứng Thẩm phán và C có quan hệ thân thiết, đồng thời HĐXX đã xem xét tài liệu và thấy rằng yêu cầu mà B đưa ra là không hợp lý và không có căn cứ thì HĐXX vẫn tiếp tục phiên tòa như bình thường. Trường hợp nếu B đưa ra được đầy đủ bằng chứng chứng minh Thẩm phán có mối quan hệ thân thiết với C và sau khi xem xét HĐXX thấy yêu cầu của B là hợp lý và có căn cứ thì đây là trường hợp phải thay đổi người tiến hành tố tụng theo quy định tại Điều 42 BLTTHS. Ở tình huống này, HĐXX sẽ xử lý theo khoản 2 điều 46 BLTTHS: “…Việc thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm tại phiên toà do Hội đồng xét xử quyết định trước khi bắt đầu xét hỏi bằng cách biểu quyết tại phòng nghị án. Khi xem xét thành viên nào thì thành viên đó được trình bày ý kiến của mình, Hội đồng quyết định theo đa số. Trong trường hợp phải thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm tại phiên toà, thì Hội đồng xét xử ra quyết định hoãn phiên toà. Việc cử thành viên mới của Hội đồng xét xử do Chánh án Toà án quyết định”. Vậy, trong tình huống này HĐXX sẽ biểu quyết tại phòng nghị án và quyết định theo đa số. Trường hợp đa số cho rằng đúng là Thẩm phán có quan hệ thân thiết với C là nguyên đơn trong vụ án, thì HĐXX ra quyết định hoãn phiên tòa để thay đổi một Thẩm phán mới theo đúng điều kiện pháp luật quy định, nhưng không được quá ba mươi ngày, kể từ ngày ra quyết định hoãn phiên tòa – theo Điều 194 BLTTHS. Tòa sơ thẩm đã xử phạt A 2 năm tù, B 18 tháng tù, A còn phải bồi thường cho C số tiền là 3 triệu đồng. Anh C không đồng ý và đã tới Tòa cấp phúc thẩm để trực tiếp kháng cáo yêu cầu tăng mức bồi thường thiệt hại và tăng mức hình phạt áp dụng với B. Tòa cấp phúc thẩm phải giải quyết như thế nào? Theo quy định tại điểm g khoản 2 Điều 52 BLTTHS và Điều 231 BLTTHS quy định về những người có quyền kháng cáo thì: “nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự và người đại diện hợp pháp của họ có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định có liên quan đến việc bồi thường thiệt hại”. Như vậy, trong trường hợp này, C hoàn toàn có quyền gửi đơn kháng cáo bản án sơ thẩm tới tòa phúc thẩm. Nhưng do nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự và người đại diện hợp pháp của họ chỉ tham gia vụ án hình sự để giải quyết vấn đề dân sự phát sinh trong vụ án hình sự, vì vậy, quyền kháng cáo của họ chỉ hạn chế trong phạm vi những phần bản án, quyết định liên quan đến việc bồi thường thiệt hại. Trong vụ án trên, C là người có quyền kháng cáo tuy nhiên một phần nội dung kháng cáo của C không thuộc giới hạn của kháng cáo (yêu cầu tăng mức hình phạt đối với A), Vì vậy, Tòa án cấp phúc thẩm chỉ xét xử phần án dân sự trong vụ án hình sự này đồng nghĩa với việc Tòa án cấp phúc thẩm sẽ chỉ chấp nhận một phần yêu cầu của C, nghĩa là Tòa án sẽ chấp nhận việc kháng cáo của C về vấn đề tăng mức bồi thường thiệt hại. Sau đó, Toà án cấp phúc thẩm phải chuyển cho Toà án cấp sơ thẩm để tiến hành các công việc quy định ở tiểu mục 3.1 mục 3 chương I Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao số 05/2005 hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ tư “Xét xử phúc thẩm”: 3.1. Việc nhận kháng cáo và xử lý kháng cáo tại Toà án cấp sơ thẩm. a) Sau khi nhận được đơn kháng cáo, Toà án cấp sơ thẩm phải vào sổ nhận đơn và kiểm tra người làm đơn kháng cáo có thuộc chủ thể có quyền kháng cáo và nội dung kháng cáo có thuộc giới hạn của việc kháng cáo được quy định tại Điều 231 của BLTTHS và được hướng dẫn tại mục 1 Phần I của Nghị quyết này hay không, đồng thời kiểm tra kháng cáo có được làm trong thời hạn quy định tại Điều 234 của BLTTHS và được hướng dẫn tại mục 4 Phần I của Nghị quyết này hay không để tiến hành tiếp các công việc theo quy định của BLTTHS và hướng dẫn của Nghị quyết này… c) Trong trường hợp đơn kháng cáo bảo đảm đầy đủ các điều kiện theo quy định của BLTTHS và hướng dẫn của Nghị quyết này thì tiến hành thông báo về việc kháng cáo theo quy định tại Điều 236 của BLTTHS và hướng dẫn tại mục 6 Phần I của Nghị quyết này.” Như vậy, sau khi tiếp nhận đơn kháng cáo của C và xem xét đây đủ các yếu tố luật quy định về thủ tục kháng cáo. Toà án cấp phúc thẩm phải chuyển cho Toà án cấp sơ thẩm và Tòa sơ thẩm sẽ tiến hành công việc theo như quy định tại BLTTHS và Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao số 05/2005 hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ tư “Xét xử phúc thẩm”. Giả sử trong thời hạn luật định B không kháng cáo, tại phiên tòa phúc thẩm B lại xin giảm nhẹ hình phạt, nếu yêu cầu của B có căn cứ Hội đồng phúc thẩm giải quyết như thế nào? Tại sao? Theo quy định tại Điều 241 BLTTHS quy định về phạm vi xét xử phúc thẩm: “ Tòa án cấp phúc thẩm xem xét nội dung kháng cáo, kháng nghị. Nếu xét thấy cần thiết thì tòa cấp phúc thẩm có thể xem xét các phần khác không bị kháng cáo, kháng nghị của bản án”. Trên thực tế, không có một văn bản pháp luật về tố tụng nào giải thích rõ về điều luật này, trường hợp nào được cho là “cần thiết” để Tòa cấp phúc thẩm xem xét cả phần không bị kháng cáo kháng nghị. Thực tiễn xét xử thừa nhận trong trường hợp “có căn cứ để giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo” thì Tòa án cấp phúc thẩm có thể xem xét cả phần không bị kháng cáo, kháng nghị. Hơn nữa, theo quy định tại khoản 2 Điều 249 BLTTHS: “Nếu có căn cứ, Tòa cấp phúc thẩm có thể giảm hình phạt hoặc áp dụng điều khoản Bộ luật hình sự về tội nhẹ hơn, chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn; giữ nguyên mức hình phạt tù và cho hưởng án treo cho cả những bị cáo không kháng cáo hoặc không bị kháng cáo kháng nghị” Như vậy, nếu trong thời hạn luật định B không kháng cáo, tại phiên tòa phúc thẩm B lại xin giảm nhẹ hình phạt và yêu cầu này của B là có căn cứ thì HĐXX phúc thẩm phải tiến hành xem xét lại phần bản án sơ thẩm có liên quan đến B và tiến hành sửa bản án sơ thẩm theo quy định tại Điều 249 BLTTHS. Khi bản án đã có hiệu lực pháp luật, có căn cứ cho rằng việc giải quyết vụ án ở cấp sơ thẩm có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, cần kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm. Ai có thẩm quyền kháng nghị, thủ tục và thời hạn như thế nào? 9.1. Thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm Điều 275 BLTTHS quy định về những người có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm gồm: “1. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án các cấp, trừ quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. 2. Chánh án Tòa án quân sự trung ương và Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án quân sự cấp dưới. 3. Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Chánh án Tòa án quân sự cấp quân khu và Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án cấp dưới.” Như vậy, thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm trong vụ án này sẽ là: Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Chánh án Tòa án quân sự trung ương và Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương. Chánh án Tòa án quân sự cấp quân khu và Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu. Vì vụ án này cấp xét xử sơ thẩm là tòa án quân sự khu vực (theo như phân tích ở ý 1) Thủ tục và thời hạn kháng nghị Thủ tục Trước khi kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, những người có quyền kháng nghị phải nghiên cứu kĩ các đơn từ khiếu nại, hồ sơ vụ án và phải giải quyết vấn đề có hay không có căn cứ để kháng nghị. Khi đã có căn cứ và đã kháng nghị thì trong bản kháng nghị phải nêu rõ căn cứ, lí do kháng nghị. Bản kháng nghị, nhũng tài liệu bổ sung (nếu có) được gửi cho: Tòa án đã ra bản án hoặc quyết định kháng nghị; Tòa án sẽ xét xử giám đốc thẩm; Người bị kết án và những người có quyền và lợi ích liên quan đến việc kháng nghị. Nếu không có căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm thì trước khi hết thời hạn kháng nghị theo quy đinh tại Điều 278 BLTTHS, người có quyền kháng nghị phải trả lời cho người hoặc cơ quan, tổ chức đã phát hiện biết rõ lí do của việc không kháng nghị. Trước khi bắt đầu phiên tòa giám đốc thẩm, người đã kháng nghị có quyền bổ sung kháng nghị nếu chưa hết thời hạn kháng nghị theo quy định của pháp luật hoặc rút kháng nghị. Thời hạn kháng nghị: Được quy định tại Điều 278 BLTTHS: “1. Việc kháng nghị theo hướng không có lợi cho người bị kết án chỉ được tiến hành trong thời hạn một năm, kể từ ngày bản án hoặc quyết định có hiệu lực pháp luật. 2. Việc kháng nghị theo hướng có lợi cho người bị kết án có thể được tiến hành bất cứ lúc nào, kể cả trường hợp người bị kết án đã chết mà cần minh oan cho họ. 3. Việc kháng nghị về dân sự trong vụ án hình sự đối với nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án được tiến hành theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.” Vì trong đề bài không nêu rõ việc kháng nghị bản án ở cấp sơ thẩm là theo hướng có lợi hay có hại cho bị cáo nên ở đây có hai trường hợp: Trường hợp một, nếu như việc giải quyết vụ án ở cấp sơ thẩm có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng dẫn đến hướng không có lợi cho người bị kết án thì thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm là một năm, kể từ ngày bản án hoặc quyết định có hiệu lực pháp luật. Trường hợp hai, nếu như việc giải quyết vụ án ở cấp sơ thẩm có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng dẫn đến hướng có lợi cho người bị kết án thì thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm có thể được tiến hành bất cứ lúc nào. Trong thời gian đang chấp hành hình phạt tại trại giam, A đã trốn khỏi trại giam. Giám thị trại giam ra quyết định khởi tố vụ án trốn khỏi nơi giam giữ (Điều 311 BLHS) và quyết định khởi tố bị can và ra lệnh truy nã đối với A. Hãy nhận xét quyết định của giám thị trại giam. Như vậy ,trong tình huống nêu trên giám thị trại giam đã thực hiện 3 hoạt động thuộc các giai đoạn của tố tụng hình sự đó là: Giám thị trại giam ra quyết định khởi tố vụ án trốn khỏi nơi giam giữ (Điều 311 BLHS); ra quyết định khởi tố bị can; ra lệnh truy nã đối với A. Thứ nhất, về quyết định khởi tố vụ án, ta có thể thấy Giám thị tại trại giam đã làm đúng thẩm quyền và đúng quy định của pháp luật. Cụ thể là khoản 2 điều 111 BLTTHS “Trong Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, ngoài các Cơ quan điều tra quy định tại Điều 110 của Bộ luật này, các cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trong khi làm nhiệm vụ của mình, nếu phát hiện sự việc có dấu hiệu tội phạm, thì có quyền khởi tố vụ án, tiến hành những hoạt động điều tra ban đầu và chuyển hồ sơ cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án.” Và khoản 1 Điều 23 Pháp lệnh ngày 20 tháng 8 năm 2004 về tổ chức điều tra hình sự “... Giám thị trại tạm giam ,Giám thị trại giam ra quyết định khởi tố vụ án, lấy lời khai, khám nghiệm hiện trường, khám xét, thu giữ, tạm giữ và bảo quản vật chứng, tài liệu liên quan trực tiếp đến vụ án, chuyển hồ sơ vụ án cho Cơ quan Cảnh sát điều tra có thẩm quyền trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án.” Thứ hai, về quyết định khởi tố bị can đây là quyết định sai bởi Điều 126 BLTTHS thì thẩm quyền ra quyết định khởi tố bị can thuộc về CQĐT (khoản 1) và VKS (khoản 5): “1. Khi có đủ căn cứ xác định một người đã thực hiện hành vi phạm tội thì cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố bị can… 5. Trong trường hợp phát hiện có người đã thực hiện hành vi phạm tội chưa bị khởi tố thì Viện kiểm sát yêu cầu cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố bị can. Sau khi nhận hồ sơ và kết luận điều tra mà Viện kiểm sát phát hiện có người khác đã thực hiện hành vi phạm tội trong vụ án chưa bị khởi tố thì Viện Kiểm sát ra quyết định khởi tố bị can…” Thứ ba, về việc ra lệnh truy nã, thì đây là một quyết định đúng thẩm quyền và đúng pháp luật. Căn cứ vào điểm đ khoản 2 Điều 16 Luật thi hành án hình sự năm 2010 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của giám thị trại giam: “Ra quyết định truy nã và phối hợp tổ chức lực lượng truy bắt kịp thời phạm nhân trốn trại giam”. Và Điều 37 về giải quyết trường hợp phạm nhân bỏ trốn:“1. Khi phạm nhân bỏ trốn, trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu phải tổ chức truy bắt ngay. Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi phát hiện phạm nhân bỏ trốn mà việc truy bắt không có kết quả thì Giám thị trại giam, Giám thị trại tạm giam thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu phải ra quyết định truy nã và phối hợp tổ chức truy bắt”. Như vậy việc Giám thị trại giam ra quyết định khởi tố vụ án trốn khỏi nơi giam giữ (Điều 311 BLHS) và lệnh truy nã đối với A là đúng thẩm quyền và đúng pháp luật. Còn đối với quyết định khởi tố bị can thì đây là một quyết định trái với thẩm quyền của Giám thị trại giam. DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình luật tố tụng hình sự Việt Nam, Nxb. CAND, Hà Nội, 2008. Mai Thanh Hiếu và Nguyễn Chí Công, Trình tự, thủ tục giải quyết vụ án hình sự, Nxb. Lao động – Xã hội. Luật gia Hoàng Châu Giang và Đặng Thiệu Minh, Bộ luật tố tụng hình sự và 170 câu hỏi – đáp, Nxb. Lao động – Xã hội. Bộ luật tố tụng hình sự của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2003. Luật thi hành án hình sự năm 2010. Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2008). Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao số 03/2004/NQHĐTP ngày 02/10/2004 hướng dẫn thi hành một số quy định trong phần thứ nhất “Những quy định chung” của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003. Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao số 05/2005/NQHĐTP ngày 08/12/2005 hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ tư “Xét xử phúc thẩm” của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003. Thông tư liên tịch 01/2010/TTLT-VKSNDTC-BCA-TANDTC ban hành ngày 27/08/2010 hướng dẫn thi hành các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Thông tư liên tịch số 01/2008/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BQP-BCA ban hành ngày 20/10/2008 về quan hệ phối hợp trong một số hoạt động điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong quân đội và ngoài quân đội.
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan