Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Giáo dục - Đào tạo Cao đẳng - Đại học Luật Bài tập nhóm tài chính tìm hiểu chế độ tài chính của các đơn vị sự nghiệp c...

Tài liệu Bài tập nhóm tài chính tìm hiểu chế độ tài chính của các đơn vị sự nghiệp có thu và những nhận xét đánh giá của nhóm nghiên cứu về chế độ thu chi

.DOCX
14
28
52

Mô tả:

A. PHẦN MỞ ĐẦU Chế độ tài chính của đơn vị sự nghiệp có thu đang là một vấn đề được cả xã hội quan tâm, đặc biệt là nguồn thu và nội dung chi của các đơn vị này, tiền lương, tiền công và thu nhập của người lao động, việc lập và chấp hành dự toán thu chi. Ngoài ra, từ những quy định chung đó, thì tìm hiểu việc áp dụng chế độ tài chính vào một đơn vị sự nghiệp cụ thể - trường Đại học Luật Hà Nội – sẽ như thế nào cũng rất cần thiết. Để làm sáng tỏ những vấn đề trên, chúng em đã chọn đề tài nghiên cứu: “Tìm hiểu chế độ tài chính của các đơn vị sự nghiệp có thu và những nhận xét đánh giá của nhóm nghiên cứu về chế độ thu chi của trường Đại học luật Hà Nội”. B. PHẦN NỘI DUNG I. Chế độ tài chính của đơn vị sự nghiệp 1. Khái niệm đơn vị sự nghiệp “Đơn vị sự nghiệp có thu” là thuật ngữ được sử dụng trong Nghị định số 10/2002/NĐ-CP ngày 16/1/2002 của Chính phủ về chế độ tài chính áp dụng đối với đơn vị sự nghiệp có thu. Nhưng khi Nghị định số 43/2006/NĐ-CP có hiệu lực, các đơn vị sự nghiệp đã được giao quyền tự chủ theo Nghị định số 10/2002/NĐ-CP chuyển sang thực hiện theo quy định tại Nghị định mới này. Theo đó, thuật ngữ “đơn vị sự nghiệp công lập” được sử dụng để chỉ tất cả đối tượng điều chỉnh của Nghị định. Hiện nay không có định nghĩa cụ thể về đơn vị sự nghiệp công lập. Tuy nhiên, dựa vào các quy định tại Nghị định số 43/2006/NĐ-CP thì có thể hiểu: Đơn vị sự nghiệp công lập (gọi tắt là đơn vị sự nghiệp) là đơn vị có nguồn thu sự nghiệp, do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định thành lập, dự toán độc lập, có con dấu và tài khoản riêng, tổ chức bộ máy kế toán theo quy định của Luật Kế toán. Căn cứ vào Điều 9 Nghị định số 43/2006/NĐ-CP thì đơn vị sự nghiệp được phân loại thành: - Đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm chi phí hoạt động - Đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm một phần chi phí hoạt động - Đơn vị sự nghiệp do ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động Việc phân loại đơn vị sự nghiệp theo quy định trên được ổn định trong thời gian 3 năm. Sau thời hạn 3 năm sẽ xem xét phân loại lại cho phù hợp. Theo Điều 10, Điều 11, Điều 12 và Điều 13 Nghị định số 43/2006/NĐ-CP thì: Đơn vị sự nghiệp phải thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước, được huy động vốn và vay vốn tín dụng, thực hiện quản lý và sử dụng tài sản theo quy định của pháp luật về quản lý tài sản nhà nước tại đơn vị sự nghiệp và có tài khoản giao dịch tại Kho bạc Nhà nước. 2. Chế độ tài chính của đơn vị sự nghiệp a. Cơ sở pháp lý Chế độ tài chính của đơn vị sự nghiệp có thu được quy định tại Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập và Thông tư số 71/2006/NĐ-CP ngày 9/8/2006 của Bộ Tài chính. b. Nguồn tài chính và nội dung chi * nguồn thu của các đơn vị sự nghiệp. Nguồn thu của các đơn vị sự nghiệp có thu được quy định tại Điều 14, Điều 21 Nghị định số 43/2006/NĐ-CP. Theo đó, nguồn thu của các đơn vị sự nghiệp này bao gồm các nguồn chính sau: Một là, kinh phí do ngân sách nhà nước cấp. Tùy theo mỗi đơn vị mà nguồn kinh phí này cũng khác nhau. Trong đó, ngân sách nhà nước cung cấp kinh phí để đảm bảo hoạt động thường xuyên thực hiện chức năng, nhiệm vụ của đơn vị và để thực hiện các hoạt động như: nhiệm vụ khoa học và công nghệ (đối với đơn vị không phải là tổ chức khoa học và công nghệ); đào tạo bồi dưỡng cán bộ, viên chức; thực hiện chính sách tinh giản biên chế theo chế độ do nhà nước quy định (nếu có);…Ngoài ra, nguồn kinh phí này cũng được dùng để đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm trang thiết bị, sửa chữa lớn tài sản cố định phục vụ hoạt động sự nghiệp và một số hoạt động khác. Hai là, nguồn thu từ hoạt động sự nghiệp. Chiếm tỷ trọng lớn trong nguồn thu này là từ phần được để lại từ số thu phí, lệ phí thuộc ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, còn một số kinh phí thu từ hoạt động dịch vụ; thu từ hoạt động sự nghiệp khác (nếu có). Tùy từng dạng đơn vị sự nghiệp mà số thu từ hoạt động sự nghiệp có thể bao gồm hoặc không bao gồm khoản thu từ lãi được chia từ các hoạt động liên doanh, liên kết, lãi tiền gửi ngân hàng Ba là, nguồn viện trợ, tài trợ, quà biếu, tặng, cho (nếu có) theo quy định của pháp luật. Bốn là nguồn khác theo quy định của pháp luật (nếu có), bao gồm: nguồn vốn vay của các tổ chức tín dụng, vốn huy động của cán bộ, viên chức trong đơn vị; nguồn vốn liên doanh, liên kết của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật. Qua việc nhìn nhận tổng quan các nguồn thu của các đơn vị sự nghiệp có thu, có thể thấy các đơn vị sự nghiệp này dù thuộc loại nào thì nguồn kinh phí do nhà nước hỗ trợ đều là một phần không thể thiếu và có vai trò vô cùng quan trọng. Điều này cũng đặt ra bài toán cho các đơn vị là làm thế nào để sử dụng hiệu quả nguồn hỗ trợ đó? Đồng thời, các đơn vị này cũng phải tích cực hoạt động để tự bổ sung kinh phí cho mình. Ngoài ra, tuy các đơn vị sự nghiệp này đều được công nhận quyền tự chủ về khoản thu và mức thu nhưng đối với nguồn thu từ phí, lệ phí thì các đơn vị phải thực hiện thu đúng, đủ và thu đúng đối tượng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định. Từng loại đơn vị sự nghiệp thì quyền tự chủ được thể hiện khác nhau, được quy định tại Điều 16 và Điều 23 Nghị định số 43/2006/NĐ–CP * các khoản chi của các đơn vị sự nghiệp. Nội dung của các đơn vị sự nghiệp có thu được quy định tại Điều 15 và Điều 22 Nghị định số 43/2006/NĐ–CP. Nội dung chi của các đơn vị sự nghiệp này gồm: Một là, chi thường xuyên; gồm: +Chi hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao; +Chi phục vụ cho việc thực hiện công việc, dịch vụ thu phí, lệ phí; +Chi cho các hoạt động dịch vụ (kể cả chi thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước, trích khấu hao tài sản cố định theo quy định, chi trả vốn, trả lãi tiền vay theo quy định của pháp luật). Hai là, chi không thường xuyên bao gồm: + Chi thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ; +Chi thực hiện chương trình đào tạo bồi dưỡng cán bộ, viên chức; +Chi thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia; + Chi thực hiện các nhiệm vụ do nhà nước đặt hàng (điều tra, quy hoạch, khảo sát, nhiệm vụ khác) theo giá hoặc khung giá do nhà nước quy định (nếu có) + Chi vốn đối ứng thực hiện các dự án có nguồn vốn nước ngoài theo quy định; + Chi thực hiện các nhiệm vụ đột xuất được cấp có thẩm quyền giao; + Chi thực hiện tinh giản biên chế theo chế độ do nhà nước quy định (nếu có); + Chi đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm trang thiết bị, sửa chữa lớn tài sản cố định thực hiện các dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt; + Chi thực hiện các dự án từ nguồn vốn viện trợ nước ngoài; + Chi cho các hoạt động liên doanh, liên kết (nếu có); + Các khoản chi khác theo quy định (nếu có). Nhìn chung những khoản chi của các đơn vị sự nghiệp này tương đối giống nhau vì cùng phục vụ cho mục đích tồn tại, duy trì hoạt động và phát triển hiệu quả của các đơn vị sự nghiệp. Những khoản chi cố định phần lớn là để thực hiện các hoạt động cơ bản của đơn vị, chiếm tỉ lệ lớn nhất trong cơ cấu chi của đơn vị sự nghiệp. Thêm vào đó là một số nét khác biệt về một số khoản chi không thường xuyên, điều này xuất phát từ đặc điểm khác nhau của đơn vị sự nghiệp đó là nhà nước cấp kinh phí hoạt động toàn bộ, một phần hay đơn vi sự nghiệp tự đảm bảo kinh phí hoạt động. Những đơn vị sự nghiệp do nhà nước đảm bảo kinh phí hoạt động toàn bộ có thêm một số khoản chi thực hiện những nhiệm vụ của mình được cơ quan nhà nước phê duyệt (ví dụ: chi cho các hoạt động dịch vụ) còn các đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo và đảm bảo một phần chi phí thì ngoài những khoản chi theo nhiệm vụ được cơ quan quản lí có thẩm quyền giao còn có những khoản chi khác tùy thuộc vào chức năng đặc trưng của đơn vị sự nghiệp (ví dụ: chi thực hiện các nhiệm vụ do nhà nước đặt hàng). Những đặc điểm khác biệt của các đơn vị sự nghiệp này còn được cụ thể hóa và phân loại rõ ràng hơn trong mục 2, phần VIII và mục 2 phần IX Thông tư số 71/2006/TT-BTC. Ngoài ra, đối với các khoản chi thường xuyên, Thủ trưởng đơn vị được quyết định một số mức chi theo quy định tại Điều 17 và Điều 24 Nghị định số 43/2006/NĐ-CP. Đây chính là sự tự chủ nguồn tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập. c. Tiền lương, tiền công và thu nhập Trước đây các đơn vị sự nghiệp có thu cũng đã được cho tự chủ vấn đề tiền lương và thu nhập tăng thêm cho người lao động trong các đơn vị sự nghiệp có thu nhưng vẫn bị hạn chế (Điều 11, 12 Nghị định 10/2002/NĐ-CP ) Nghị định số 43/2006/ NĐ-CP ra đời đã khắc phục hạn chế này, mục tiêu chính khi xây dựng nghị định này là nâng cao chất lượng dịch vụ, từng bước nâng cao thu nhập cho người lao động, gia tăng hiệu quả làm việc, quađó khuyến khích đa dạng dịch vụ trong các đơn vị sự nghiệp. Theo đó, đối với những hoạt động thực hiện chức năng, nhiệm vụ nhà nước giao, chi phí tiền lương, tiền công cho cán bộ, viên chức và người lao động (gọi tắt là người lao động), đơn vị tính theo lương cấp bậc, chức vụ do nhà nước quy định. Đối với những hoạt động dịch vụ có hạch toán chi phí riêng, thì chi phí tiền lương, tiền công cho người lao động được áp dụng theo chế độ tiền lương trong doanh nghiệp nhà nước. Trường hợp không hạch toán riêng chi phí, đơn vị tính theo lương cấp bậc, chức vụ do nhà nước quy định (Điều 18 Nghị định số 43/2006/NĐCP) Nhà nước khuyến khích đơn vị sự nghiệp tăng thu, tiết kiệm chi, thực hiện tinh giản biên chế, tăng thêm thu nhập cho người lao động trên cơ sở hoàn thành nhiệm vụ được giao, sau khi thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với ngân sách nhà nước. Việc chi trả thu nhập cho người lao động trong đơn vị được thực hiện theo nguyên tắc: người nào có hiệu suất công tác cao, đóng góp nhiều cho việc tăng thu, tiết kiệm chi được trả nhiều hơn.Tuy nhiên mức tăng thu nhập cho nguời lao động còn tùy thuộc nguồn thu của từng đơn vị. Ví dụ: trường Đại học Ngoại thương là đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên, theo tinh thần chỉ đạo “3 công khai” của Bộ thì mức thu nhập bình quân của một giảng viên trường ĐH Ngoại thương năm 2009 là 9 triệu đồng/tháng. Mức lương này do trường tự quyết định. Trong khi đó, các trường chỉ đảm bảo một phần chi phí hoạt động thường xuyên thì có mức thu nhập bình quân thấp hơn, như ở Đại học Kinh tế quốc dân năm 2009,thu nhập bình quân của một giảng viên là 3,15triệu đồng/tháng. Trong vấn đề chi trả thu nhập tăng thêm cho người lao động, sau khi đã thực hiện việc bổ sung vào quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp tối thiểu 25% phần chênh lệch thu chi,các đơn vị có quyền chủđộng trả thu nhập tăng thêm cho các thành viên trong đơn vị (theo Điều 19 Nghị định số 43/2006/NĐ-CP). 2.4. Lập, chấp hành dự toán thu chi Việc lập, chấp hành dự toán thu chi được quy định tại Mục 4 Nghị định số 43/2006/NĐ-CP. Theo quy định, việc lập dự toán thu chi của đơn vị sự nghiệp có thu phải dựa vào các căn cứ chủ yếu sau: Một là, đơn vị sự nghiệp có thu căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao, nhiệm vụ của năm kế hoạch, chế độ chi tiêu tài chính hiện hành. Hai là, căn cứ vào kết quả hoạt động tài chính của năm trước liền kề lập dự toán thu, chi năm kế hoạch gửi cơ quan quản lý cấp trên. Ba là, thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp có thu phối hợp với cơ quan tài chính cùng cấp căn cứ vào dự toán thu, chi của năm đầu thời kì ổn định, tình hình thực hiện dự toán thu, chi của năm trước liền kề (sau khi loại trừ các yếu tố đột xuất, không thường xuyên) được cấp có thẩm quyền phê duyệt, để xác định loại đơn vị sự nghiệp có thu. Ví dụ: Việc lập dự toán thu, chi của trường Đại học Luật Hà Nội năm 2013 căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ đã được Bộ Tư pháp giao là giáo dục, đào tạo cử nhân luật, căn cứ vào nhiệm vụ của năm 2013, chế độ chi tiêu tài chính hiện hành; hiệu trưởng trường Đại học Luật Hà Nội phối hợp với Sở Tài Chính căn cứ vào dự toán thu, chi của năm 2012, tình hình thực hiện dự toán thu, chi của năm 2012; căn cứ vào kết quả hoạt động tài chính của năm 2012 để lập dự toán thu, chi năm 2013 gửi cơ quan quản lý cấp trên. Việc chấp hành dự toán thu, chi của đơn vị sự nghiệp có thu được tiến hành như sau: Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân các cấp thẩm tra dự toán thu, chi của đơn vị sự nghiệp có thu trực thuộc và phê duyệt mức ngân sách Nhà nước bảo đảm hoạt động thường xuyên cho đơn vị sự nghiệp có thu tự bảo đảm một phần chi phí sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Tài chính (đối với đơn vị sự nghiệp thuộc Trung ương), cơ quan tài chính các cấp của địa phương (đối với đơn vị sự nghiệp thuộc địa phương). Trong thời gian được ngân sách Nhà nước bảo đảm kinh phí hoạt động ổn định, hàng năm đơn vị lập dự toán thu, chi gửi Bộ chủ quản (đối với các đơn vị sự nghiệp thuộc Trung ương), cơ quan chủ quản của địa phương (đối với đơn vị sự nghiệp thuộc địa phương), Kho bạc Nhà nước nơi đơn vị mở tài khoản để kiểm soát chi theo quy định hiện hành và quy định tại Nghị định này. Trong quá trình thực hiện, đơn vị được điều chỉnh dự toán thu, chi trong phạm vi nguồn tài chính được sử dụng cho phù hợp với tình hình thực tế và gửi cơ quan chủ quản, Kho bạc Nhà nước để theo dõi, quản lý. Kinh phí ngân sách Nhà nước bảo đảm hoạt động thường xuyên và các khoản thu sự nghiệp, cuối năm chưa chi hết đơn vị được chuyển sang năm sau để tiếp tục sử dụng. Cuối quý, cuối năm, đơn vị sự nghiệp lập báo cáo kế toán, báo cáo quyết toán thu, chi ngân sách nhà nước gửi cơ quan quản lý cấp trên xét duyệt theo quy định hiện hành. II. Một số nhận xét đánh giá về chế độ thu chi của trường Đại học Luật Hà Nội 1. Khái quát về chế độ thu chi của trường đại học Luật Hà Nội 1.1. Cơ sở pháp lý Căn cứ vào điểm b khoản 1 Điều 9 Nghị định số 43/2006/NĐ-CP thì Đại học Luật Hà Nội là đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm một phần chi phí hoạt động. Theo đó, đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm một phần chi phí hoạt động là đơn vị có nguồn thu sự nghiệp tự bảo đảm một phần chi phí hoạt động thường xuyên, phần còn lại được ngân sách nhà nước cấp. Cũng như các đơn vị sự nghiệp công lập có thu khác, Đại học Luật Hà Nội được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước để “…phản ánh các khoản kinh phí thuộc ngân sách nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước; được mở tài khoản tiền gửi tại Ngân hàng hoặc Kho bạc Nhà nước để phản ánh các khoản thu, chi của hoạt động dịch vụ.”(Điều 13 Nghị định số 43/2006/NĐ-CP) Nguồn tài chính và nội dung chi của trường cũng được thực hiện theo Điều 14 và Điều 15 Nghị định số 43/2006/NĐ-CP. Nhà trường quản lý chế độ thu chi tài chính dựa trên nguyên tắc công khai, dân chủ theo quy định của pháp luật hiện hành, thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Mọi hoạt động thu, chi tài chính của trường đều được ghi chép trong hồ sơ tài liệu kế toán, được tổ chức bảo quản, lưu trữ theo quy định. 1.2. Nguồn tài chính Nguồn tài chính hay chế độ thu của trường được thực hiện theo quy định tại Điều 14 Nghị định số 43/2006/NĐ-CP và khoản 1 mục VIII Thông tư số 71/2006/TT-BTC. Các khoản thu, chi của trường đều được đặt dưới sự quản lý của Ban Giám hiệu nhà trường.Tuy nhiên, chủ thể trực tiếp thu, lập dự toán ngân sách của trường là phòng Tài chính – Kế toán theo tiêu chí các khoản thu đều được xác định một cách hợp lý. - Thu và quản lý các nguồn thu: Phòng Tài chính – Kế toán trực tiếp tiến hành các hoạt động thu các khoản thu sự nghiệp, thực hiện rút dự toán theo kế hoạch tại Kho bạc nhà nước nơi Trường mở tài khoản giao dịch để chi hoạt động của Nhà trường.Đồng thời, phòng cũng có trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát tình hình chấp hành dự toán thu-chi, tình hình thực hiện các chỉ tiêu kinh tế-tài chính và các tiêu chuẩn định mức của Nhà nước cũng như của Trường đảm bảo việc quản lý, sử dụng các nguồn kinh phí của Trường theo đúng quy định, đúng mục đích và có hiệu quả. - Lập dự toán thu ngân sách hàng quý, hàng năm:Căn cứ vào chương trình công tác của Trường, chỉ tiêu kế hoạch và dự toán Ngân sách Nhà nước được giao hàng năm, các nguồn thu từ học phí, lệ phí và các nguồn thu khác, phòng Tài chính – kế toán lập dự toán thu ngân sách hàng quý, hàng năm vàchủ động cân đối giữa các nguồn thu và nhu cầu chi để đảm bảo kinh phí duy trì ổn định toàn bộ các hoạt động của Trường. Năm 2010, dự toán ngân sách được giao của trường Đại học Luật Hà Nội là 27 tỷ 950 triệu đồng. Nguồn thu sự nghiệp là 46 tỷ 794 triệu đồng. Như vậy, tổng số thu của trườngtrong năm 2010 là 74 tỷ 744 triệu đồng, trong đó ngân sách nhà nước cấp chiếm 37,39%, nguồn thu sự nghiệp chiếm 62,61%. Trong nguồn thu sự nghiệp, có thể nói số thu từ học phí chiếm tỷ lệ lớn nhất(chiếm 92,01%). Ngoài ra, còn có các khoản thu khác như: thu từ hoạt động dịch vụ phù hợp với lĩnh vực chuyên môn và khả năng của đơn vị; lãi được chia từ các hoạt động liên doanh, liên kết, lãi tiền gửi ngân hàng từ các hoạt động dịch vụ; nguồn vốn viện trợ, quà biếu, tặng, cho theo quy định của pháp luật…(chỉ chiếm khoảng 7,99% tổng số thu sự nghiệp). 1.3. Nội dung chi. Nội dung chicủa trường được thực hiện theo quy định tại Điều 15 Nghị định số 43/2006/NĐ-CP và khoản 2 mục VIII Thông tư số 71/2006/TT-BTC. Hàng quý, hàng năm, phòng Tài chính – Kế toán lập dự toán chi và trình Hiệu trưởng nhà trường phê duyệt. Đối với dự toán chi thường xuyên được cấp có thẩm quyền giao, trường Đại học Luật Hà Nội được điều chỉnh nội dung chi cho phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị, đồng thời gửi cơ quan cấp trên và Kho bạc nhà nước nơi nhà trường mở tài khoản giao dịch để theo dõi quản lý, thanh toán và quyết toán. Đối với các khoản chi không thường xuyên, việc điều chỉnh nội dung chi, nhóm mục chi; kinh phí cuối năm chưa sử dụng, hoặc sử dụng không hết thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính. Năm 2010, trường Đại học Luật Hà Nội đã chi 59 tỷ 64 triệu đồng. Trong đó: - Chi từ ngân sách nhà nước cấp: 27 tỷ 183 triệu đồng (chiếm 46,02 % tổng số chi). Nguồn kinh phí ngân sách nhà nước cấp chủ yếu sử dụng để đảm bảo các khoản chi sau: chi lương, phụ cấp lương và các khoản đóng góp theo quy định của nhà nước 19 tỷ 306 triệu đồng (chiếm 77.2% nguồn kinh phí được giao tự chủ tương đương với 71,02 % tổng chi từ NSNN), các khoản chi điện, nước, xăng dầu, điện thoại; - Chi từ nguồn thu sự nghiệp: 31 tỷ 881 triệu đồng (chiếm 53,98% tổng số chi). Nguồn thu sự nghiệp chủ yếu dùng để chi hỗ trợ cho các bộ viên chức trong các hoạt động của trường trong đó chi tiền lương tăng thêm chiếm 34,81% trong tổng chi từ nguồn thu sự nghiệp số còn lại chủ yếu để chi cho các khoản hỗ trợ khác như giảng dạy, ra đề, chấm bài, quản lý giảng, quản lý thi, quản lý sinh viên… Trong những năm gần đây, số chi ngày càng tăng lên chủ yếu do tiền lương và các khoản chi hỗ trợ công việc có liên quan đến cá nhân tăng lên. 2. Nhận xét về chế độ thu chi tài chính của trường Đại học Luật Hà Nội 2.1. Chế độ thu Ưu điểm: Về cơ bản, dự toán thu ngân sách của trường Đại học Luật Hà Nội được xây dựng đúng như các quy định của pháp luật. Quá trình thu và quản lý thu đều được tổ chức chặt chẽ, khoa học, dưới sự quản lý thống nhất của Ban Giám hiệu nhà trường và sự giám sát trực tiếp của phòng Tài chính – Kế toán. Hầu hết các khoản thu đều được tiến hành một cách nhanh chóng, khoa học. Hàng năm, phòng tài chính kế toán đều được lập và nộp đúng hạn, báo cáo tài chính của trường đều được công khai, minh bạch. Đã xác định rõ cơ cấu nguồn thu và khả năng tự bảo đảm chi thường xuyên, từ đó làm cơ sở xác định chính xác mức hỗ trợ của Ngân sách nhà nước. Khi lập dự toán thu đã phản ánh chi tiết các nguồn thu, nội dung chi. Hạn chế:Hiện nay, nhà trường vẫn còn một số khoản thu được tiến hành chậm chạp. Tình trạng sinh viên nợ học phí vẫn còn. Tuy rằng các báo cáo tài chính của nhà trường đều được công khai nhưng mức độ công khai này tới đâu còn là vấn đề cần lưu ý. Trường ta đã có trang mạng riêng từ lâu, tuy nhiên các văn bản, số liệu về thu chi nội bộ, quy chế quản lý tài chính của trường còn chưa được đăng tải lên. Điều này ít nhiều gây khó khăn cho sinh viên khi muốn tìm hiểu về chế độ thu chi tài chính, hoạt độngquản lý quỹ ngân sách của trường. 2.2. Chế độ chi Ưu điểm: Qua các số liệu trên, có thể thấy trường Đại học Luật Hà Nội đã tuân thủ triệt để các quy định của pháp luật về nội dung chi của các đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm một phần kinh phí hoạt động. Thực hiện cơ chế tự chủ tài chính, đồng thời cũng đề cao tinh thần tự chịu trách nhiệm,nhà trường đã đổi mới phương thức hoạt động, tiết kiệm chi, nâng caothu nhập. Theo Báo cáo: “Năm 2010, trường đã tiến hành kiểm soát chắt chẽ các khoản chi, hạn chế các khoản chi chưa thực sự cần thiết, tập trung cải thiện mức phí phúc lợi cho cán bộ giáo viên: ngày giỗ tổ: 500.000 đồng/người; nghỉ hè: 1.000.000.000 đồng/ người (trước đây là 600.000 đồng/người);tháng lương thứ 13 mức lương tối thiếu là 730.000 đồng (trước đây là 450.000 đồng); tết Âm lịch: 2.500.000 đồng (trước đây là 1.000.000 đồng);…”. Song song với việc nâng cao thu nhập cho cán bộ, viên chức, nhà trường cũng đã tiến hành tiết kiệm chi, cắt giảm các khoản chi chưa hợp lý, chống lãng phí. Điển hình là việc giảm chi phí in ấn, photo đề cương môn học, thay vì phát cho mỗi sinh viên một cuốn đề cương như trước đây, hiện nay đã giảm xuống hai sinh viên một cuốn và chỉ đưa đề cương lên mạng ở một số môn học. Hạn chế: - Một số khoản chi còn chưa hợp lý, chưa hiệu quả, có tình trạng một số đơn vị còn đề nghị thanh toán các khoản chi ngoài quy chế chỉ tiêu nội bộ nhưng chưa căn cứ vào khối lượng công việc thực tế và mức chi cho các công việc tương tự của trường. - Vấn đề quản lý chi của Trường vẫn còn một số tồn tại, đặc biệt là các khoản chi chưa có hiệu quả ví dụ như mặc dù đã có khoản chi cho hoạt động xây dựng sửa chữa các tài sản cố định, cụ thể là sửa chữa nhà cửa. Song trên thực tế, tình trạng một số phòng học có tường nấm mốc vẫn tồn tại; các máy chiếu thường gặp sự cố kĩ thuật gây nhiều khó khăn cho việc dạy và học của giáo viên cũng như sinh viên... Tuy còn tồn tại những hạn chế như trên, nhưng nhìn chung, Trường Đại học Luật Hà Nội khi được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm tài chính đã chủ động sử dụng kinh phí Ngân sách nhà nước giao một cách hiệu quả để thực hiện nhiệm vụ; đồng thời đã chủ động sử dụng tài sản, nguồn nhân lực để phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo điều kiện tăng nguồn thu, từ đó đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, đổi mới trang thiết bị, tạo điều kiện mở rộng các hoạt động sự nghiệp và các hoạt động dịch vụ trong trường. III. Phương hướng hoàn thiện chế độ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập Thứ nhất, đổi mới chính sách về đầu tư ngân sách nhà nước. Thực tế hiện nay, các đơn vị sự nghiệp công lập chủ yếu do ngân sách nhà nước đảm bảo một phần hoặc toàn bộ kinh phí hoạt động. Vì thế, không tránh khỏi sự ỷ lại vào ngân sách nhà nước, không tích cực phát huy tính năng động, sáng tạo. Do đó, rất cần những đổi mới trong chính sách đầu tư của ngân sách nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp công lập. Thứ hai, tăng cường khả năng tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập. Nhà nước nên ban hành những quy định đổi mới cơ chế tài chính đối với nhóm các đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp các dịch vụ sự nghiệp công có khả năng xã hội hoá cao, tự đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động (các trường đại học, dạy nghề, bệnh viện…) theo hướng: Giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đồng bộ cả về tổ chức thực hiện nhiệm vụ, nhân lực, tài chính, tài sản khi cung cấp dịch vụ gắn với nhu cầu của xã hội, được quyết định thu giá dịch vụ trên cơ sở khung giá tính đủ các chi phí hợp lý, đúng pháp luật do cấp có thẩm quyền ban hành; được Nhà nước giao vốn, xác định giá trị tài sản để giao cho đơn vị quản lý; được quyền quyết định việc huy động vốn, sử dụng vốn, tài sản gắn với nhiệm vụ được giao theo quy định để mở rộng việc cung cấp dịch vụ sự nghiệp công, tự quyết định số người làm việc và trả lương trên cơ sở thang bảng lương của Nhà nước và hiệu quả, chất lượng công việc. Thứ ba, nâng cao trình độ quản lý. Hiện nay, tại nhiều đơn vị, do trình độ còn yếu kém nên dẫn đến tình trạng quản lý chưa chặt chẽ, sử dụng chưa hiệu quả nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước, việc tăng thu, tiết kiệm chi chưa được chú trọng đúng mức, đặc biệt việc tinh giản biên chế còn chưa minh bạch, hợp lý. Nhiều trường hợp cán bộ quản lý nhận hối lộ, tiến hành cắt giảm những viên chức có kinh nghiệm, đóng góp lâu năm gây nhiều bức xúc trong xã hội. Thứ tư, tăng cường năng lực, tăng cường bồi dưỡng, đào tạo nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ làm công tác kế hoạch, nghiệp vụ tài chính, kế toán trong các đơn vị sự nghiệp đào tạo. Đây là vấn đề rất cần được chú trọng bởi công tác lập kế hoạch tài chính và ngân sách hàng năm, trung hạn của đơn vị sự nghiệp đào tạo công lập là công cụ quản lý hữu ích, đóng vai to lớn trong việc cân đối, sử dụng hiệu quả nguồn tài chính. C. PHẦN KẾT LUẬN Những nghiên cứu trên đây giúp ta có một cái nhìn toàn diện hơn về chế độ tài chính của các đơn vị sự nghiệp có thu nói chung và trường Đại học Luật Hà Nội nói riêng. Thấy được những ưu điểm và hạn chế còn tồn tại trong thực tế, từ đó tìm ra những phương hướng để hoàn thiện hơn chế độ tài chính của các đơn vị sự nghiệp, đặc biệt là sử dụng hiệu quả nguồn tài chính, nguồn vốn mà nhà nước đầu tư, hỗ trợ các đơn vị này nói riêng.
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan