Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Giáo dục - Đào tạo Cao đẳng - Đại học Luật Bài tập nhóm hình sự 2 đề 4 8 điểm...

Tài liệu Bài tập nhóm hình sự 2 đề 4 8 điểm

.DOC
8
33
125

Mô tả:

A. TÌNH HUỐNG H có bố dượng rất hay uống rượu và đánh vợ, con. Mẹ H và bản thân H đã nhiều lần bị bố dượng say rượu đánh đập. H cảm thấy rất hận bố dượng. Một lần H về nhà sau một tuần đi làm thuê ngoài phố huyện thì nghe bà con hàng xóm nói cho biết mẹ H đang phải nằm tại tram xá do bị chồng đánh. H đến thăm mẹ, thấy mẹ bị thương băng bó và vẻ mặt đau đớn thì cảm thấy rất xót xa. H về nhà nhìn thấy bố dượng đang điềm nhiên ăn cơm, h tức giận chạy vào bếp cầm dao chém nhiều nhát làm bố dượng gục trên vũng máu và tử vong. Hỏi: 1. Có hai quan điểm về tội danh của H như sau: a. H phạm tội giết người theo Điều 93 với tình tiết giảm nhẹ THNS theo điểm đ, khoản 1 Điều 46 BLHS b. H phạm tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh – Điều 95 BLHS Anh (chị) hãy bình luận và nêu ý kiến cá nhân về tình huống trên. 2. Giả sử khi H xách dao từ bếp ra định chém bố dượng thì có người nhìn thấy cản lại. Bố dượng H đã bỏ chốn khỏi nhà một tuần rồi lại trở về. Khi bố dượng về đến nhà H nhìn thấy lại cầm dao chém chết ông ta thì tội danh của H có thay đổi không? Tại sao? 3. Giả sử khi bố dượng h trở về sau một tuần trốn khỏi nhà đã đấm mạnh H vào sau gáy làm H bị va chán xuống sân, sau đó ông ta lại xâm vào định đấm tiếp thì bị H với con dao đang trẻ lạt ở sân đâm chết. Tội danh của H có thay đổi không? Tại sao? B. GIẢI QUYẾT TÌNH HUỐNG -Vấn đề 1: Định tội danh cho hành vi của H. Đối với mỗi vụ việc cụ thể xảy ra trong thực tế, trên cơ sở những nền tảng lí luận chung nhưng sẽ có những quan điểm trái ngược nhau khi nhìn nhận, đánh giá. Trong vụ việc này có hai quan điểm đánh giá về hành vi của H như sau: - Quan điểm thứ nhất: H phạm Tội giết người theo Điều 93 với tình tiết giảm nhẹ TNHS theo điểm đ – khoản 1 Điều 46 BLHS - Quan điểm thứ hai: H phạm Tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh - Điều 95 BLHS Tuy nhiên không thể truy tố một hành vi phạm tội với hai tội danh, như vậy là trái với nguyên tắc chung của pháp luật hình sự Việt Nam. +) Bình luận Định tội danh có thể hiểu là hoạt động thực tiễn áp dụng pháp luật của các cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền, trên cơ sở pháp luật và xem xét vụ việc thực tế để xác định một người có tội hay không, nếu có là tội gì và theo điều luật nào. Để định tội danh cho một hành vi cần phải dựa vào những tình tiết trong vụ án đối chiếu với quy định của pháp luật nhằm xác định tính chất nguy hiểm của hành vi và xác định TNHS đối với người phạm tội. Trong trường hợp này để xác định được hành vi của H là phạm Tội giết người theo quy định tại Điều 93 với tình tiết giảm nhẹ TNHS điểm đ khoản 1 Điều 46 hay là Tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh theo quy định tại Điều 95 BLHS cần hiểu rõ sự khác biệt cơ bản giữa hai điều luật này. Thứ nhất về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi: Giết người theo quy định tại Điều 93 BLHS là hành vi tước đoạt trái pháp luật tính mạng của người khác, xâm phạm đến quyền được bảo vệ về tính mạng của con người được pháp luật bảo vệ. Điều 93 quy định giết người là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng (khoản 1) và tội rất nghiêm trọng (khoản 2) cho nên hành vi giết người được quy định trong điều luật này là hành vi có tính chất gây nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn hoặc rất lớn. Người thực hiện hành vi giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động do hành vi trái pháp luật của người khác gây ra, thì đây được coi là một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 46. Người thực hiện hành vi giết người trong trường hợp này thì tính chất nguy hiểm cho xã hội giảm đi một phần do có tác động từ bên ngoài vào tâm lí trạng thái người phạm tội. Còn giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh theo quy định tại Điều 95 BLHS là trường hợp đặc biệt của tội giết người. Theo quy định tại BLHS năm 1985, giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh được quy định là trường hợp giảm nhẹ TNHS đặc biệt của tội giết người mà không được quy định thành một tội phạm riêng như pháp luật hiện hành. Theo quy định tại khoản 1 Điều 95 thì giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh là tội phạm ít nghiêm trọng nên hành vi có mức độ gây nguy hại cho xã hội không lớn. Sự khác biệt cơ bản của hai trường hợp này là mức độ trạng thái tinh thần bị kích động khi thực hiện hành vi. Ở trường hợp giết người có tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 46 thì người phạm tội tuy tinh thần có bị kích động nhưng chưa mạnh, nghĩa là người phạm tội chưa đến mức mất kiểm soát đối với hành vi của mình vẫn còn khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi. Còn trường hợp phạm tội quy định tại Điều 95 thì người phạm tội trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh. Tình trạng trạng thái tinh thần bị kích động mạnh là tình trạng người phạm tội không hoàn toàn tự chủ, tự kiềm chế được hành vi của mình. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trạng thái bị kích động trong hai trường hợp này cũng khác nhau. Người phạm tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 46 là do hành vi trái pháp luật của nạn nhân hoặc của người khác, còn giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh theo quy định tại Điều 95 thì do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân. Hành vi trái pháp luật ở trường hợp quy định tại Điều 95 nhất định là của nạn nhân, còn trường hợp quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 46 có thể của nạn nhân nhưng cũng có thể của người khác. Thứ hai về hậu quả pháp lí người phạm tội phải chịu: xuất phát từ tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi mà nhà làm luật quy định khung hình phạt tương ứng áp dụng đối với hành vi đó. Theo quy định tại Điều 93 BLHS thì tội giết người có thể là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng theo quy định tại khoản 1 vì khung hình phạt cao nhất phạt tù đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình, cũng có thể là tội phạm rất nghiêm trọng theo quy định tại khoản 2 với khung hình phạt cao nhất là đến mười lăm năm. Trong trường hợp này người phạm tội dù có tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 46 thì vẫn phải chịu mức hình phạt rất nghiêm khắc của nhà nước. Đối với người phạm tội theo quy định tại Điều 95 BLHS do có tình tiết giảm nhẹ TNHS đặc biệt nên chỉ phải chịu mức hình phạt cao nhất là đến ba năm (khoản 1) hoặc đến bảy năm (khoản 2). So sánh với khung hình phạt quy định tại Điều 93 thì mức hình phạt quy định tại Điều 95 thấp hơn rất nhiều Trong vụ việc này, nếu cho rằng H phạm tội giết người theo quy định tại Điều 93 với tình tiết giảm nhẹ TNHS quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 46 thì có phần không hợp lí. Bởi lẽ, căn cứ vào các tình tiết nêu lên trong vụ việc này có thể nhận thấy rằng H thực hiện hành vi giết bố dượng trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của Bố dượng. Hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của Bố dượng H thể hiện ở tình tiết bố dượng H rất hay uống rượu và say xỉn, hay đánh đập mẹ H và H. Khi nghe và chứng kiến cảnh mẹ mình phải chịu đau đớn trong trạm xá và Bố dượng điềm nhiên ăn cơm đã khiến H không làm chủ được suy nghĩ cũng như hành vi của mình dẫn đến việc cầm dao giết Bố dượng. H thực hiện hành vi ngay sau khi nghe thấy mẹ mình bị đánh, thấy mẹ chịu đau đớn, và thấy bố dượng điềm nhiên ăn cơm… các sự việc xảy ra liên tiếp khiến H lâm vào tình trạng tinh thần bị kích động mạnh. +) Quan điểm cá nhân của nhóm Từ những căn cứ, phân tích nêu trên có thể thấy hành vi của H đã thỏa mãn các yếu tố cấu thành tội Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh theo quy định tại Điều 95 BLHS, cụ thể: Về khách thể: hành vi của H đã xâm phạm đến quyền nhân thân, xâm phạm đến tính mạng của con người được pháp luật bảo vệ qua sự tác động trực tiếp vào nạn nhân là Bố dượng H. Mặt khách quan: Hành vi H dùng dao chém nhiều nhát vào bố dượng làm ông ta gục trên vũng máu và tử vong đã thỏa mãn các dấu hiệu hành vi khách quan quy định tại khoản 1 Điều 95, là hành vi tước đoạt trái pháp luật tính mạng của con người, tác động trực tiếp vào con người đang sống. Hành vi của H được thực hiện trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân (bố dượng). Hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của bố dượng H ở đây là xâm phạm đến quyền nhân thân, quyền được bảo vệ về tính mạng, sức khỏe của mẹ H, đã gây thương tích cho mẹ H. Hành vi của H đã gây ra hậu quả là cái chết của bố dượng, giữa hành vi của H với hậu quả bố dượng chết có mối quan hệ nhân quả với nhau. Như vậy hành vi của H đã thỏa mãn yếu tố mặt khách quan của cấu thành tội phạm. Về mặt chủ quan: khi thực hiện hành vi giết bố dượng H có lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội có lỗi cố ý trực tiếp là người đó “nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi và mong muốn hậu quả đó xảy ra” (khoản 1 Điều 9). Ở đây, đối với trạng thái tâm lí khi thực hiện tội phạm của mình H vẫn biết hành vi của mình là nguy hiểm, có thể gây ra cái chết đối với bố dượng, nhưng do đang bị kích động và mong muốn trả thù cho mẹ nên H thực hiện hành vi mong muốn hậu quả xảy ra. Hậu quả bố dượng chết phù hợp với mong muốn của H lúc thực hiện hành vi. Chủ thể: trong vụ án này do tình huống không đề cập đến năng lực chủ thể nên mặc định H là người đạt độ tuổi và có đầy đủ năng lực chịu TNHS theo quy định của pháp luật. Như vậy, có thể khẳng định rằng hành vi của H đã cấu thành Tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh theo quy định tại khoản 1 Điều 95 BLHS. Trong trường hợp này H có thể phải chịu mức hình phạt cao nhất là đến ba năm tù giam. +) Ý nghĩa của việc định tội danh Khi xem xét đánh giá một hành vi phạm tội của một tội phạm cụ thể cần phải xem xét toàn diện, khách quan đầy đủ các dấu hiệu, yếu tố để định tội danh đúng cho người phạm tội tránh tình trạng làm oan người không có tội hay để lọt tội phạm. Định tội danh đúng là một trong những cơ sở chính xác để xác định các quy phạm áp dụng đối với người phạm tội, góp phần bảo vệ quyền lợi ích chính đáng của công dân. Định tội danh đúng chính là sự thể hiện hoạt động có hiệu quả cũng như ý thức tuân thủ triệt để pháp luật của người, cơ quan có thẩm quyền. Nếu định tội danh sai thì hậu quả tất yếu là vấn đề quyết định hình phạt cũng sai, như vậy hình phạt đã tuyên không tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội (có thể là quá nhẹ hoặc quá nặng). Việc định tội danh sai sẽ không thuyết phục được bị cáo cũng như nhân dân của bản án, không đảm bảo được tính có căn cứ pháp lí của bản án. Có thể thấy ngay trong vụ án này, giả sử định tội danh cho hành vi của H là phạm tội giết người theo quy định tại Điều 93 với tình tiết giảm nhẹ TNHS quy định tai điểm đ khoản 1 Điều 46 thì mức hình phạt mà H có thể phải chịu thấp nhất cũng là trên bảy năm tù đến mười lăm năm tug giam (nếu truy tố theo khoản 1 Điều 93). Tuy nhiên, nếu định tội danh cho hành vi của H là phạm tội giết người theo quy định tại Điều 95 BLHS thì mức hình phạt cao nhất mà H phải chịu cũng chỉ đến ba năm tù giam. Giữa hai mức hình phạt này có độ chênh nhau khá lớn cho thấy tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi khác nhau. Ở đây hành vi của H cấu thành tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh theo Điều 95 nhưng giả sử tòa án lại tuyên H phạm tội giết người theo quy định tại Điều 93 với tình tiết giảm nhẹ TNHS quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 46 thì bản án này sẽ không thuyết phục đối với H, khiến cho H cảm thấy không phục, không thấy được sự sai trái trong hành vi của mình từ đó không tự giác tuân thủ pháp luật. - Vấn đề 2: Giả sử khi H xách dao từ bếp ra định chém bố dượng thì có người nhìn thấy cản lại. Bố dượng H đã bỏ chốn khỏi nhà một tuần rồi lại trở về. Khi bố dượng về đến nhà H nhìn thấy lại cầm dao chém chết ông ta thì tội danh của H có thay đổi không? Tại sao? Điều 95 BLHS quy định: “Người nào giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân..”. Có thể thấy điều luật đã quy định dấu hiệu (điều kiện) bắt buộc đối với tội phạm giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh là hành vi giết người phải được thực hiện trong khi tinh thần bị kích động mạnh. Trạng thái tinh thần bị kích động mạnh của con người chỉ diễn ra trong một khoảng thời gian ngắn nhất định chứ không kéo dài mãi, khi kết thúc khoảng thời gian đó trạng thái con người sẽ cân bằng trở lại sẽ nhận thức và điều khiển được hành vi của mình như bình thường. Như vậy, trong trường hợp này khi mà bố dượng H đã bỏ nhà đi một tuần và trở về mà H vẫn cầm dao chém chết ông ta thì tội danh đã thay đổi. Trong trường hợp này hành vi của H đã thỏa mãn các yêu tố cấu thành tội giết người theo quy định tại Điều 93 BLHS. Tội giết người là hành vi cố ý tước đoạt tính mạng người khác một cách trái pháp luật, được các nhà làm luật quy định tại Điều 93 BLHS. Mặc dù không được quy định một cách cụ thể, nhưng từ thực tiễn xét xử có thể rút ra những dấu hiệu pháp lí của tội phạm này như sau: Về khách thể, đó là hành vi giết người đã xâm phạm quyền nhân thân, quyền được bảo vệ về tính mạng con người. Do đó đối tượng tác động của tội giết người phải là con người đang sống, những người đang tồn tại trong thế giới khách quan với tư cách là con người – thực thể tự nhiên và xã hội. Xét trong vụ án, đối tượng tác động cụ thể ở đây là bố dượng của H. Về chủ thể, chủ thể của tội giết người là chủ thể thường, tức là những người có năng lực TNHS và đạt đủ độ tuổi luật định. Trong vụ án này, vì không đề cập đến đặc điểm về độ tuổi và năng lực TNHS của H nên ta mặc nhiên khẳng định, khi thực hiện hành vi phạm tội H đủ 14 tuổi trở lên và có đầy đủ khả năng nhận thức cũng như khả năng điều khiển hành vi. Về mặt khách quan, hành vi khách quan của tội giết người là hành vi tước đoạt trái pháp luật tính mạng của người khác. Nó được hiểu là hành vi có khả năng gây ra cái chết cho con người, chấm dứt sự sống của họ; được biểu hiện dưới dạng hành động hoặc không hành động. Những hành vi không có khả năng này không thể là hành vi khách quan của tội giết người. Ở đây, khi bố dượng H trở về nhà sau một tuần bỏ trốn, H nhìn thấy đã cầm dao chém chết ông ta. Như vậy hành vi của H là hành vi tước đoạt tính mạng của người bố dượng trái pháp luật. Tội giết người là tội có cấu thành vật chất nên hậu quả được quy định là dấu hiệu bắt buộc, tội phạm chỉ được coi là hoàn thành khi có hậu quả chết người xảy ra. Trường hợp hậu quả chết người không xảy ra vì nguyên nhân khách quan thì hành vi phạm tội bị coi là tội giết người chưa đạt hoặc tội cố ý gây thương tích tuỳ thuộc vào lỗi của người phạm tội. Theo như tình huống đã nêu, H đã chém chết bố dượng, tức là đã có hậu quả chết người xảy ra. Quan hệ nhân quả giữa hành vi khách quan và hậu quả chết người, về nguyên tắc, người phạm tội chỉ phải chịu trách nhiệm về hậu quả nguy hiểm cho xã hội do chính hành vi của mình gây ra. Nguyên tắc này đòi hỏi phải xác định hậu quả chết người có quan hệ nhân quả với hành vi khách quan hay không. Việc xác định mối quan hệ nhân quả là điều kiện cần thiết để buộc người có hành vi tước đoạt trái pháp luật tính mạng người khác và chịu trách nhiệm về hậu quả chết người đã xảy ra. Người có hành vi tước đoạt trái pháp luật tính mạng người khác chỉ phải chịu TNHS về hậu quả chết người đã xảy ra nếu hành vi họ đã thực hiện là nguyên nhân của hậu quả chết người đã xảy ra đó. Trong trường hợp này có thể thấy rõ ràng giữa hành vi cầm dao chém của H với cái chết của người bố dượng có mối quan hệ nhân quả, chính hành vi cầm dao chém của H là nguyên nhân dẫn đến hậu quả chết người của bố dượng H. Về mặt chủ quan, lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý trực tiếp, người phạm tội nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả chết người có thể xảy ra (hoặc tất nhiên xảy ra) nhưng vẫn thực hiện hành vi mong muốn hậu quả xảy ra. Về lí trí, H nhâ ̣n thấy rõ tính chất nguy hiểm cho xã hội trong hành vi của mình, đó là hành vi xâm hại đến tính mạng của người bố dượng, là hành vi mà pháp luật ngăn cấm và thấy trước hành vi này có thể gây ra hâ ̣u quả cướp đi tính mạng của người bố dượng nên H đã lựa chọn dao là hung khí nguy hiểm có khả năng gây chết người. Về ý chí, H mong muốn hậu quả chết người xảy ra, mong nuốn bố dượng chết. Như vậy, từ những lập luận trên kết luận, trong trường hợp này hành vi phạm tội của H không thỏa mãn cấu thành tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh theo điều 95 BLHS, mà đã cấu thành Tội giết người theo khoản 1Điều 93 BLHS. - Vấn đề 3: Giả sử khi bố dượng H trở về sau một tuần trốn khỏi nhà đã đấm mạnh H vào sau gáy làm H bị va chán xuống sân, sau đó ông ta lại xâm vào định đấm tiếp thì bị H với con dao đang trẻ lạt ở sân đâm chết. Tội danh của H có thay đổi không? Tại sao? Xét trong trường hợp này tội danh của H sẽ thay đổi, bởi lẽ: Trong trường hợp này Bố dượng H là người đang có hành vi xâm phạm trái pháp luật đến quyền được bảo vệ về tính mạng, sức khỏe của H. Hành vi với con dao trẻ lạt ở sân đâm chết bố dượng của H là hành vi phòng vệ chính đáng, tuy nhiên do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng nên hành vi của H đã cấu thành tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng theo quy định tại Điều 96 BLHS. Điều 96 BLHS quy định: “Người nào giết người trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm”. Cụ thể: Giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi cố ý tước đoạt tính mạng người đang có hành vi xâm phạm đến lợi ích của nhà nước, của tổ chức, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác một cách không cần thiết. Để xác định được một hành vi có phải là vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hay không cần phải xem xét hành vi đó có phải là phòng vệ chính đáng không. Điều 15 BLHS quy định: “Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác, mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên. Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm”. Ngoài thỏa mãn dấu hiệu phòng vệ chính đáng, người phạm tội còn phải thỏa mãn các dấu hiệu riêng cấu thành tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng: - Nạn nhân là người có hành vi trái pháp luật xâm phạm đến lợi ích của nhà nước, của tập thể, lợi ích của người phạm tội hoặc của công dân khác, hành vi trái pháp luật của nạn nhân đòi hỏi có mức độ nguy hiểm đáng kể cho xã hội. - Người phạm tội đã có hành vi tước đoạt tính mạng nạn nhân trong khi hành vi xâm phạm của nạn nhân đang xảy ra, chưa kết thúc hoặc đe dọa sẽ xảy ra ngay tức khắc. - Sự phòng vệ của người phạm tội rõ ràng là quá mức cần thiết, gây hậu quả nghiêm trọng, không tương xứng với mức độ nguy hiểm của hành vi xâm pham của nạn nhân. Trong trường hợp này, bố dượng H đang có hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của H, hành vi này đang xảy ra và chưa kết thúc, thể hiện ở tình tiết: “bố dượng H đấm mạnh vào sau gáy H làm H bị va chán xuống sân, sau đó ông ta định xông lên đấm tiếp…”. Như vậy hành vi trái pháp luật này của bố dượng H đã là căn cứ phát sinh quyền phòng vệ chính đáng của mình nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe của mình. Hành vi với con dao trẻ lạt ở sân đâm bố dượng của H là hành vi được thực hiện trong khi hành vi xâm phạm của bố dượng H đang diễn ra, giả sử nếu H không cầm dao đâm bố dượng thì có thể sẽ bị ông ta đánh chết hoặc bị thương tích. Tuy nhiên hành vi này của H đã thể hiện sự vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, cho thấy sự quá mức cần thiết và không phù hợp với mức độ nguy hiểm của hành vi xâm phạm của nạn nhân. Điều này thể hiện ở phương tiện, công cụ phòng vệ của người phạm tội. Khi mà bố dượng H dùng tay để đấm H thì H lại dùng dao đâm lại, trong trường hợp này lẽ ra H chỉ nên bỏ chạy hoặc tự mình ngăn cản hành vi xâm hại của bố dượng mà không dùng hung khí. So sánh mức độ nguy hiểm của hành vi xâm phạm của nạn nhân với hậu quả mà người phạm tội gây ra cho nạn nhân có thể thấy rằng không phù hợp. Hành vi xâm phạm của bố dượng H có khả năng gây chết người thấp hơn nhiều so với hành vi dùng dao đâm của H. Chính vì vậy, có thể khẳng định trong trường hợp này, tội danh của H sẽ thay đổi. H phạm tội Giết người do vượt qua giới hạn phòng vệ chính đáng theo quy định tại khoản 1 Điều 96 BLHS, H có thể phải chịu mức hình phạt cao nhất là đến hai năm tù giam. Có thể nói rằng để xác định một trường hợp cụ thể có phải là vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hay không là điều không hề đơn giản, bởi vì cái giới hạn cụ thể, chính xác của phòng vệ chính đáng hiện nay pháp luật chưa có quy định rõ ràng trong bất kì một văn bản nào. Để xác định được hành vi chống trả phòng vệ có là cần thiết hay quá mức cần thiết hay không cần dựa vào nhiều dấu hiệu, nhiều yếu tố như: khách thể bảo vệ, mức độ thiệt hại do hành vi xâm hại có thể gây ra hoặc đã gây ra, vũ khí, phương tiện, phương pháp mà hai bên đã sử dụng, cường độ của sự tấn công và phòng vệ, hoàn cảnh nơi xảy ra sự việc,…Đồng thời cũng phải chú ý đến yếu tố tâm lí của người phải phòng vệ có khi không có đủ điều kiện để bình tĩnh lựa chọn được chính xác phương pháp, phương tiện chống trả thích hợp nhất là trong trường hợp họ bị tấn công bất ngờ. Trên cơ sở xem xét toàn diện các yếu tố này thấy rằng người phòng vệ đã sử dụng những phương tiện, phương pháp rõ ràng quá đáng và đã gây thiệt hại quá mức đối với hành vi xâm hại thì coi là vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Tuy nhiên trong thực tế do không có quy định cụ thể chi tiết nên các nhà áp dụng pháp luật thường đưa ra những quan điểm áp dụng khác nhau. Để tránh tình trạng áp dụng pháp luật không đồng nhất gây mất công bằng đối với người phạm tội, pháp luật cần có những quy định cụ thể, chi tiết về các dấu hiệu quy định trong điều luật. Đối với tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng nhà làm luật cần quy định rõ ràng như thế nào là “cần thiết”, như thế nào là “giới hạn phòng vệ chính đáng”,…Cần phải ban hành văn bản hướng dẫn đến những cơ quan có thẩm quyền áp dụng pháp luật. C. KẾT THÚC VẤN ĐỀ Tình yêu nào văn thơ lai láng chém hộ cái…:X
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan