Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm theo luật hình sự việt nam...

Tài liệu Tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm theo luật hình sự việt nam

.PDF
585
1
125

Mô tả:

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT TP. HỐ CHÍ MINH PHÍ THỊ PHƯƠNG NHUNG TỊCH THU VẬT, TIỀN TRỰC TIẾP LIÊN QUAN ĐẾN TỘI PHẠM THEO LUẬT HÌNH SỰ VIỆT NAM LUẬN VĂN THẠC SĨ CHUYÊN NGÀNH LUẬT HÌNH SỰ VÀ TỐ TỤNG HÌNH SỰ TP. HỒ CHÍ MINH, NĂM 2022 BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT TP. HỐ CHÍ MINH TỊCH THU VẬT, TIỀN TRỰC TIẾP LIÊN QUAN ĐẾN TỘI PHẠM THEO LUẬT HÌNH SỰ VIỆT NAM Chuyên ngành: Luật hình sự và Tố tụng hình sự Định hướng ứng dụng Mã số: 8380104 Người hướng dẫn khoa học : PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Hoa Học viên : Phí Thị Phương Nhung Lớp : Cao học luật, An Giang, khóa 2 TP. HỒ CHÍ MINH, NĂM 2022 LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan Luận văn là công trình nghiên cứu của riêng tôi và tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm về nội dung khoa học của Luận văn này. Các kết quả nêu trong Luận văn chưa được công bố trong bất kì công trình nào khác. Các số liệu, vụ án và trích dẫn trong Luận văn đảm bảo tính chính xác, tin cậy và trung thực. Tôi đã hoàn thành tất cả các môn học và đã thanh toán tất cả các nghĩa vụ tài chính theo quy định của Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh. Vậy tôi viết Lời cam đoan này đề nghị Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh xem xét để tôi có thể bảo vệ Luận văn. NGƯỜI CAM ĐOAN Phí Thị Phương Nhung DANH MỤC CÁC CHỮ VIẾT TẮT BLDS Bộ luật Dân sự BLHS 2015 Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 BLTTHS Bộ luật Tố tụng hình sự HĐTP Hội đồng Thẩm phán HĐXX Hội đồng xét xử Luật HN&GĐ Luật Hôn nhân và Gia đình TAND Tòa án nhân dân TANDTC Tòa án nhân dân tối cao VKSND Viện kiểm sát nhân dân MỤC LỤC PHẦN MỞ ĐẦU ........................................................................................................1 CHƯƠNG 1. TỊCH THU CÔNG CỤ, PHƯƠNG TIỆN DÙNG VÀO VIỆC PHẠM TỘI ................................................................................................................7 1.1. Lý luận và quy định của pháp luật hình sự về tịch thu công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội .................................................................................7 1.1.1. Lý luận về tịch thu công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội ...........7 1.1.2. Quy định của pháp luật hình sự về tịch thu công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội ..............................................................................................11 1.2. Thực tiễn xét xử về tịch thu vật, tiền là công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội........................................................................................................15 1.2.1. Sử dụng công cụ, phương tiện vào việc thực hiện tội phạm với lỗi vô ý ..........................................................................................................................16 1.2.2. Xác định tài sản có phải là công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội hay không..........................................................................................................17 1.2.3. Công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội là tài sản thuộc sở hữu chung ................................................................................................................20 1.2.4. Xác định công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội có thuộc sở hữu của người phạm tội hay không .........................................................................23 1.3. Nguyên nhân của những hạn chế trong thực tiễn xét xử về tịch thu vật, tiền là công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội và đề xuất, kiến nghị ..25 Kết luận Chương 1 ..................................................................................................27 CHƯƠNG 2. TỊCH THU VẬT HOẶC TIỀN DO PHẠM TỘI HOẶC DO MUA BÁN, ĐỔI CHÁC NHỮNG THỨ ẤY MÀ CÓ; KHOẢN THU LỢI BẤT CHÍNH TỪ VIỆC PHẠM TỘI ..............................................................................28 2.1. Lý luận và quy định của pháp luật hình sự về tịch thu vật hoặc tiền do phạm tội hoặc do mua bán, đổi chác những thứ ấy mà có; khoản thu lợi bất chính từ việc phạm tội ........................................................................................28 2.1.1. Lý luận về tịch thu vật hoặc tiền do phạm tội hoặc do mua bán, đổi chác những thứ ấy mà có; khoản thu lợi bất chính từ việc phạm tội .......................28 2.1.2. Quy định của pháp luật hình sự về tịch thu vật hoặc tiền do phạm tội hoặc do mua bán, đổi chác những thứ ấy mà có; khoản thu lợi bất chính từ việc phạm tội ....................................................................................................30 2.2. Thực tiễn xét xử về tịch thu vật hoặc tiền do phạm tội hoặc do mua bán, đổi chác những thứ ấy mà có; khoản thu lợi bất chính từ việc phạm tội ......32 2.2.1. Không tịch thu tài sản do mua bán, đổi chác tài sản do phạm tội mà có ..........................................................................................................................32 2.2.2. Xác định số tiền bị tịch thu khác nhau trong một số vụ án điển hình ....33 2.2.3. Sử dụng không đúng thuật ngữ “thu lợi bất chính”...............................36 2.2.4. Tình huống về thu lợi bất chính..............................................................39 2.3. Nguyên nhân của những hạn chế trong thực tiễn xét xử về tịch thu vật hoặc tiền do phạm tội hoặc do mua bán, đổi chác những thứ ấy mà có; khoản thu lợi bất chính từ việc phạm tội và đề xuất, kiến nghị .....................40 Kết luận Chương 2 ..................................................................................................43 DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO PHỤ LỤC 1 PHẦN MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài Trong vụ án mà xuất hiện công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội, vật hoặc tiền do phạm tội hoặc do mua bán, đổi chác những thứ ấy mà có; khoản thu lợi bất chính từ việc phạm tội; vật thuộc loại Nhà nước cấm tàng trữ, cấm lưu hành thì biện pháp tư pháp tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm tất nhiên sẽ được các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng quan tâm nghiên cứu một cách kỹ lưỡng khi áp dụng. Thực tiễn xét xử, việc xác định và xử lý đối với công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội, vật hoặc tiền do phạm tội hoặc do mua bán, đổi chác những thứ ấy mà có, khoản thu lợi bất chính từ việc phạm tội có sự nhầm lẫn, không đúng dẫn đến áp dụng không thống nhất; nội dung vụ án là giống nhau nhưng có vụ án xác định đối tượng tịch thu là thu lợi bất chính từ việc phạm tội, có vụ án xác định là vật, tiền do phạm tội mà có; thuật ngữ “thu lợi bất chính” được sử dụng phổ biến khi chưa được quy định trong luật. Sở dĩ, có sự nhầm lẫn, sai sót trên là do luật và các văn bản hướng dẫn không đưa ra khái niệm để làm cơ sở xác định, xử lý các đối tượng này nên phụ thuộc vào chủ quan của người tiến hành tố tụng, tùy nghi áp dụng. Tuy nhiên, nghiên cứu tất cả các biện pháp tư pháp sẽ là một đề tài quá rộng đối với tác giả. Tác giả mong muốn dành phần lớn dung lượng của luận văn để tập trung nghiên cứu chuyên sâu về một biện pháp tư pháp, đó là tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm quy định tại Điều 47 BLHS 2015. Sở dĩ, tác giả chọn tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm để làm đề tài nghiên cứu, bởi vì liên quan đến biện pháp tư pháp này, cả về lý luận, quy định và thực tiễn xét xử còn nhiều bất cập. Về lý luận, việc xác định tịch thu công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội; vật hoặc tiền do phạm tội hoặc do mua bán, đổi chác những thứ ấy mà có; khoản thu lợi bất chính từ việc phạm tội còn nhiều quan điểm chưa thống nhất. Về quy định, BLHS 2015 quy định tịch thu công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội; vật hoặc tiền do phạm tội hoặc do mua bán, đổi chác những thứ ấy mà có; khoản thu lợi bất chính từ việc phạm tội nhưng không đưa ra khái niệm, hướng dẫn để phân biệt giữa các đối tượng. Bên cạnh đó, lời văn quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều 47 BLHS 2015 gây lúng túng trong cách hiểu, chưa có những quy định nhằm xác định chính xác công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội; vật hoặc tiền do phạm tội hoặc do mua bán, đổi chác những thứ ấy mà có, khoản thu lợi bất chính từ việc phạm tội làm căn cứ để tịch 2 thu. Về thực tiễn xét xử, một số bất cập có thể kể ra như: nhiều bản án xác định nhầm lẫn về công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội; vật hoặc tiền do phạm tội hoặc do mua bán, đổi chác những thứ ấy mà có; khoản thu lợi bất chính từ việc phạm tội dẫn đến xử lý tịch thu không thống nhất, không đúng. Vì vậy, với hy vọng qua kết quả nghiên cứu của mình, tác giả đóng góp một phần nhỏ vào kho tàng tri thức khoa học luật hình sự liên quan đến đề tài đã chọn. Bên cạnh, BLHS 2015 có sửa đổi, bổ sung một số quy định về biện pháp tư pháp tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm theo hướng tiến bộ hơn, bảo đảm quyền con người trong xu thế phát triển chung của nhân loại, đảm bảo yêu cầu công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Song điều đó vẫn chưa đủ hoàn thiện nhưng cũng là động lực cho tác giả tiếp tục nghiên cứu để có những đề xuất nhằm cải thiện tốt hơn nữa về những quy định liên quan đến biện pháp tư pháp này và tháo gỡ một số vướng mắc còn tồn tại trong thực tiễn áp dụng. Chính vì những lý do trên, tác giả lựa chọn đề tài Tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm theo luật hình sự Việt Nam làm đề tài tốt nghiệp của mình. 2. Tình hình nghiên cứu đề tài Trong những năm qua, liên quan đến đề tài Tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm theo luật hình sự Việt Nam cũng đã có nhiều tác giả quan tâm nghiên cứu, có thể chia các công trình nghiên cứu thành 03 nhóm lớn như: Sách chuyên khảo, giáo trình: “Bình luận Bộ luật Hình sự 2015, Phần thứ nhất - Những quy định chung” của tác giả Đinh Văn Quế, Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông, năm 2017; “Bình luận khoa học Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 (Phần chung) của tác giả Nguyễn Ngọc Hòa, Nhà xuất bản Tư Pháp, năm 2017”; “Giáo trình Luật Hình sự Việt Nam, Phần chung” của Trường Đại học Luật Tp. HCM, Nhà xuất bản Hồng Đức, năm 2019; “Giáo trình Luật Hình sự Việt Nam, Phần chung” của Trường Đại học Quốc Gia Hà Nội, Nhà xuất bản Đại học Quốc Gia Hà Nội, năm 2021. Các sách chuyên khảo và giáo trình trên đã dành một phần dung lượng để nghiên cứu và trình bày về khái niệm, ý nghĩa, đặc điểm biện pháp tư pháp nói chung, trong đó có biện pháp tư pháp tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm, đưa ra quan điểm, ví dụ về tịch thu công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội; vật hoặc tiền do phạm tội hoặc do mua bán, đổi chác những thứ ấy mà có, khoản thu lợi bất chính từ việc phạm tội nói riêng. Đây là cơ sở lý luận bước đầu giúp tác 3 giả định hướng và nghiên cứu chuyên sâu, phát triển nội dung nghiên cứu trong lĩnh vực thực tiễn xét xử liên quan đến tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm, nhất là, đối với việc tịch thu công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội; vật hoặc tiền do phạm tội hoặc do mua bán, đổi chác những thứ ấy mà có; khoản thu lợi bất chính từ việc phạm tội. Bài viết, tạp chí: Phạm Tuân (2019), Vướng mắc trong việc áp dụng Điều 47 Bộ luật Hình sự 2015 và hướng hoàn thiện1; Trần Đình Thắng (2020), Biện pháp tư pháp - Thực trạng và giải pháp2; Lê Đình Nghĩa (2020), Áp dụng biện pháp tư pháp “Tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm”3; Hà Thái Thơ (2020), Xử lý vật chứng khi xét xử vụ án hình sự - Bất cập và kiến nghị4 . Bài viết của các tác giả trên phân tích lý luận và thực tiễn xét xử một số bản án về tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm, trong đó nêu lên hạn chế, vướng mắc trong việc xác định và xử lý đối với công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội với lỗi vô ý; công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội là tài sản thuộc sở hữu chung, tài sản đã được bảo đảm; nhầm lẫn trong việc xác định các đối tượng vật hoặc tiền do phạm tội hoặc do mua bán, đổi chác những thứ ấy mà có, khoản thu lợi bất chính từ việc phạm tội; từ đó đưa ra đề xuất, kiến nghị. Đây là nguồn tài liệu tham khảo có giá trị để tác giả nghiên cứu góp phần hoàn thiện luận văn. Luận án, luận văn: Luận văn thạc sỹ Luật định hướng ứng dụng “Biện pháp tư pháp Tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm theo Luật hình sự Việt Nam” của tác giả Dương Thị Kiều Thảo, năm 2015. Đây cũng là đề tài trùng tên với đề tài của tác giả. Ở công trình này, ngoài việc đạt được các kết quả chung về biện pháp tư pháp, tác giả Dương Thị Kiều Thảo thể hiện được một số khía cạnh như: khái niệm, đặc điểm, ý nghĩa của biện pháp tư pháp, quy định của pháp luật, thực trạng xét xử của các Tòa án trong việc áp dụng biện pháp tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội Phạm Tuân, “Vướng mắc trong việc áp dụng Điều 47 Bộ luật Hình sự 2015 và hướng hoàn thiện”, https:// stp.bacgiang.gov.vn/hien-thi-noi-dung/-/asset_publisher/wtMnvtGfRUNi/content/vuong-mac-trong-viec-apdung-ieu-47-bo-luat-hinh-su-2015-va-huong-hoan-thien, truy cập ngày 31/10/2020. 2 Trần Đình Thắng, “Biện pháp tư pháp - Thực trạng và giải pháp”, http://lapphap.vn/Pages/tintuc/ tinchitiet.aspx?tintucid=210547, truy cập ngày 31/10/2020. 3 Lê Đình Nghĩa, “Áp dụng biện pháp tư pháp Tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm – Vướng mắc và kiến nghị”, https://tapchitoaan.vn/bai-viet/phap-luat/ap-dung-bien-phap-tu-phap-tich-thu-vat-tien-truc- tieplien-quan-den-toi-pham-vuong-mac-va-kien-nghi, truy cập ngày 31/10/2020. 4 Hà Thái Thơ, “Xử lý vật chứng khi xét xử vụ án hình sự - Bất cập và kiến nghị”, https://tapchitoaan.vn/baiviet/phap-luat/xu-ly-vat-chung-khi-xet-xu-vu-an-hinh-su-bat-cap-va-kien-nghi, truy cập ngày 13/6/2022. 1 4 phạm. Ngoài ra, công trình còn có một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật và giải pháp nâng cao hiệu quả áp dụng. Tuy nhiên, công trình chưa đề cập đến khoản thu lợi bất chính từ việc phạm tội vì đây là quy định mới của BLHS 2015, có hiệu lực từ ngày 01/01/2018. Nhìn chung, các công trình nghiên cứu trên chỉ mới dừng lại ở việc đề cập một cách sơ lược quy định của pháp luật liên quan đến biện pháp tư pháp tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm theo luật hình sự Việt Nam, nêu lên hạn chế, vướng mắc trong việc áp dụng các quy định trên trong thực tiễn xét xử và nêu quan điểm xử lý của tác giả đối với các vướng mắc. Chưa có công trình nào nghiên cứu một cách tổng thể, toàn diện về lý luận, quy định của pháp luật và thực tiễn xét xử đối với biện pháp tư pháp tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm theo Luật hình sự Việt Nam; cụ thể là tịch thu công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội; vật hoặc tiền do phạm tội hoặc do mua bán, đổi chác những thứ ấy mà có; khoản thu lợi bất chính từ việc phạm tội. Tuy nhiên, các công trình trên là nguồn tài liệu tham khảo có giá trị cho tác giả trong quá trình thực hiện luận văn. Như vậy, Tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm theo Luật hình sự Việt Nam không phải là đề tài mới mà vốn đã được nhiều tác giả quan tâm, nghiên cứu ở những góc độ tiếp cận khác nhau, với những đề tài rộng, hẹp khác nhau. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu của những tác phẩm, bài viết đó vẫn chưa thể theo kịp với “thực tiễn” và “lỗ hỏng” tri thức khoa học luật hình sự liên quan đến đề tài và cũng chưa giải quyết hết các bất cập mà pháp luật thực định cũng như thực tiễn vướng phải. Tác giả, trong Luận văn này, vẫn còn tiếp tục phát hiện nhiều vấn đề lý luận liên quan đến đề tài đã chọn và một số đề xuất, kiến nghị mà chưa được bất kỳ tác phẩm, bài viết nào đề cập đến hoặc có đề cập nhưng chưa được nghiên cứu triệt để. Với mục đích nghiên cứu một cách toàn diện, có hệ thống những vấn đề lý luận, quy định của pháp luật hình sự và thực tiễn xét xử về tịch thu công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội; vật hoặc tiền do phạm tội hoặc do mua bán, đổi chác những thứ ấy mà có; khoản thu lợi bất chính từ việc phạm tội. Từ những hạn chế trong thực tiễn áp dụng pháp luật đưa ra kiến nghị để hoàn thiện quy định của pháp luật - đây là tính mới của đề tài tác giả nghiên cứu. 3. Mục đích, nhiệm vụ nghiên cứu của đề tài Mục đích của luận văn là đưa ra đề xuất, kiến nghị để hoàn thiện quy định của pháp luật, góp phần áp dụng thống nhất thực tiễn xét xử đối với biện pháp tư pháp tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm, cụ thể là tịch thu công cụ, 5 phương tiện dùng vào việc phạm tội; vật hoặc tiền do phạm tội hoặc do mua bán, đổi chác những thứ ấy mà có; khoản thu lợi bất chính từ việc phạm tội. Để đạt được mục đích nghiên cứu trên, đòi hỏi đề tài phải giải quyết các vấn đề sau: Nghiên cứu lý luận và quy định của pháp luật hình sự về tịch thu công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội; vật hoặc tiền do phạm tội hoặc do mua bán, đổi chác những thứ ấy mà có, khoản thu lợi bất chính từ việc phạm tội. Đánh giá thực tiễn xét xử về tịch thu công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội; vật hoặc tiền do phạm tội hoặc do mua bán, đổi chác những thứ ấy mà có, khoản thu lợi bất chính từ việc phạm tội và nguyên nhân của những hạn chế. Đề xuất những kiến nghị để hoàn thiện quy định của pháp luật về tịch thu công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội; vật hoặc tiền do phạm tội hoặc do mua bán, đổi chác những thứ ấy mà có; khoản thu lợi bất chính từ việc phạm tội. 4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của đề tài Đối tượng nghiên cứu của đề tài là quan điểm được thể hiện trên các sách, bài viết; quy phạm pháp luật của Bộ luật Hình sự, cụ thể là quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều 47 BLHS 2015; thực tiễn xét xử về tịch thu công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội; vật hoặc tiền do phạm tội hoặc do mua bán, đổi chác những thứ ấy mà có; khoản thu lợi bất chính từ việc phạm tội của các Tòa án. Thời gian nghiên cứu: khi đánh giá thực tiễn áp dụng pháp luật về tịch thu công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội; vật hoặc tiền do phạm tội hoặc do mua bán, đổi chác những thứ ấy mà có; khoản thu lợi bất chính từ việc phạm tội, tác giả chọn thời gian nghiên cứu từ năm 2015 cho đến nay; bởi vì, trước khi BLHS 2015 quy định mới về khoản thu lợi bất chính từ việc phạm tội có hiệu lực thì thuật ngữ thu lợi bất chính đã được sử dụng phổ biến trong thực tiễn xét xử. Không gian nghiên cứu: đề tài nghiên cứu thực tiễn xét xử về tịch thu công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội; vật hoặc tiền do phạm tội hoặc do mua bán, đổi chác những thứ ấy mà có; khoản thu lợi bất chính từ việc phạm tội trên phạm vi cả nước. 5. Phương pháp nghiên cứu Phương pháp luận: tác giả sử dụng phép duy vật biện chứng và duy vật lịch sử Mác - Lênin trong việc nghiên cứu đề tài. Phương pháp nghiên cứu cụ thể: tương ứng với mỗi nhiệm vụ nghiên cứu, tác giả sử dụng các phương pháp khác nhau. Cụ thể, sử dụng phương pháp nghiên cứu 6 lý thuyết luật học để nghiên cứu lý luận và quy định của pháp luật hình sự về tịch thu công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội; vật hoặc tiền do phạm tội hoặc do mua bán, đổi chác những thứ ấy mà có; khoản thu lợi bất chính từ việc phạm tội; sử dụng phương pháp nghiên cứu án điển hình để đánh giá thực tiễn xét xử về tịch thu công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội; vật hoặc tiền do phạm tội hoặc do mua bán, đổi chác những thứ ấy mà có; khoản thu lợi bất chính từ việc phạm tội của các Tòa án. Bên cạnh đó, tác giả sử dụng phương pháp so sánh để làm nổi bật quy định của pháp luật, thực tiễn áp dụng pháp luật liên quan đến thuật ngữ thu lợi bất chính trước và sau khi BLHS 2015 có hiệu lực vì khoản thu lợi bất chính từ việc phạm tội là đối tượng mới được quy định trong BLHS 2015. 6. Dự kiến kết quả và địa chỉ ứng dụng các kết quả nghiên cứu Trên cơ sở nghiên cứu lý luận, quy định của pháp luật hình sự Việt Nam về tịch thu công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội; vật hoặc tiền do phạm tội hoặc do mua bán, đổi chác những thứ ấy mà có; khoản thu lợi bất chính từ việc phạm tội; thực tiễn xét xử và nguyên nhân của hạn chế trong thực tiễn xét xử của các Tòa án. Luận văn đưa ra những đề xuất, kiến nghị cụ thể nhằm tiếp tục hoàn thiện quy định của BLHS 2015 về tịch thu công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội; vật hoặc tiền do phạm tội hoặc do mua bán, đổi chác những thứ ấy mà có; khoản thu lợi bất chính từ việc phạm tội để áp dụng thống nhất trong thực tiễn. Bên cạnh đó, các đề xuất, kiến nghị được tác giả đề cập trong luận văn sẽ trở thành nguồn tài liệu tham khảo cho sinh viên, những người nghiên cứu trong việc nghiên cứu, xây dựng hoàn thiện các quy định của pháp luật có liên quan. Địa chỉ ứng dụng các kết quả nghiên cứu: luận văn sau khi hoàn thiện sẽ được gửi cho các cơ quan, người có thẩm quyền; thư viện của các cơ sở đào tạo luật; bộ phận tham nưu, giúp việc của Tòa án nhân dân tối cao; những người nghiên cứu với mục đích đóng góp, xây dựng và hoàn thiện pháp luật. 7. Kết cấu của luận văn Ngoài phần mở đầu, kết luận, phụ lục và danh mục tài liệu tham khảo, nội dung chính của luận văn được bố cục thành 02 chương, cụ thể như sau: Chương 1. Tịch thu công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội. Chương 2. Tịch thu vật hoặc tiền do phạm tội hoặc do mua bán, đổi chác những thứ ấy mà có; khoản thu lợi bất chính từ việc phạm tội. 7 CHƯƠNG 1 TỊCH THU CÔNG CỤ, PHƯƠNG TIỆN DÙNG VÀO VIỆC PHẠM TỘI 1.1. Lý luận và quy định của pháp luật hình sự về tịch thu công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội 1.1.1. Lý luận về tịch thu công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội Tịch thu công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội là biện pháp tư pháp được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 47 BLHS 2015. Bộ luật Hình sự không nêu định nghĩa pháp lý về biện pháp tư pháp. Trong khoa học pháp lý hình sự, tồn tại nhiều quan điểm khác nhau, như sau: Biện pháp tư pháp là các biện pháp hình sự được quy định trong Bộ luật Hình sự, do các cơ quan tư pháp áp dụng đối với người có hành vi nguy hiểm cho xã hội, có tác dụng hỗ trợ hoặc thay thế cho hình phạt5. Các biện pháp tư pháp là những biện pháp cưỡng chế được quy định trong Luật hình sự do cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự quyết định áp dụng đối với người, pháp nhân thương mại phạm tội hoặc người thực hiện hành vi khách quan nguy hiểm cho xã hội trong khi mất năng lực trách nhiệm hình sự do mắc bệnh ở các giai đoạn khác nhau của trách nhiệm hình sự nhằm lập lại công bằng xã hội và ngăn ngừa tội phạm6. Theo tác giả, có thể khái quát, biện pháp tư pháp là một trong các biện pháp cưỡng chế hình sự của Nhà nước, được quy định trong Bộ luật hình sự, do các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng đối với người phạm tội, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội nhưng không có năng lực trách nhiệm hình sự hay đối với pháp nhân thương mại phạm tội nhằm thay thế, hỗ trợ hình phạt, giáo dục, ngăn ngừa đối tượng tiếp tục gây nguy hiểm cho xã hội hoặc góp phần khắc phục thiệt hại, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người bị hại. Về ý nghĩa, cùng với hình phạt và án tích, biện pháp tư pháp là một hình thức của trách nhiệm hình sự mà người phạm tội có thể phải gánh chịu khi thực hiện hành vi phạm tội. Tuy biện pháp tư pháp và hình phạt có nhiều điểm giống nhau nhưng xét về bản chất pháp lý, biện pháp tư pháp không phải là hình phạt mà là các biện pháp cưỡng chế được Bộ luật Hình sự quy định có thể áp dụng đối với người 5 Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh (2021), Giáo trình Luật hình sự Việt Nam (Phần chung), Nxb. Hồng Đức - Hội Luật gia Việt Nam, tr.293. 6 Lê Văn Cảm (2021) Giáo trình Luật Hình sự Việt Nam - Phần chung, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội, tr. 391. 8 có hành vi nguy hiểm cho xã hội. Việc áp dụng các biện pháp tư pháp không gây án tích cho người bị áp dụng. Việc quy định các biện pháp tư pháp trong Bộ luật Hình sự và việc áp dụng các biện pháp đó trong thực tiễn có khả năng tác động, hỗ trợ hình phạt trong việc giáo dục người phạm tội hoặc trong nhiều trường hợp còn có thể thay thế cho hình phạt, rút ngắn được thủ tục tố tụng, giải quyết nhanh chóng các vụ án. Việc quy định và áp dụng các biện pháp tư pháp trong pháp luật hình sự đã thể hiện phương châm đúng đắn trong việc thực hiện chính sách hình sự là sử dụng tối đa, đồng bộ mọi biện pháp để tác động đến việc giáo dục người phạm tội, hình phạt không phải là phương tiện, công cụ duy nhất trong công tác đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm. Tất cả các biện pháp tư pháp hình sự cũng nhằm mục đích giáo dục người phạm tội và phòng ngừa tội phạm, góp phần nâng cao hiệu quả của sự tác động hình sự đối với tội phạm7. Biện pháp tư pháp có những đặc điểm sau: được quy định trong Bộ luật Hình sự; được áp dụng bởi cơ quan tư pháp tùy thuộc vào từng giai đoạn của quá trình tố tụng cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp tư pháp là khác nhau; được áp dụng đối với người có hành vi nguy hiểm cho xã hội, hành vi đó có thể cấu thành tội phạm hoặc không đủ yếu tố cấu thành tội phạm; được áp dụng nhằm để hỗ trợ hoặc thay thế cho hình phạt8. Theo Từ điển luật học, công cụ phạm tội là đối tượng vật chất được chủ thể sử dụng trợ giúp cho việc thực hiện hành vi phạm tội. Công cụ phạm tội là dạng cụ thể của phương tiện phạm tội được chủ thể sử dụng tác động đến đối tượng tác động của tội phạm như dao để đâm nạn nhân, búa để phá cửa nhà kho vào trộm cắp tài sản…9 và phương tiện phạm tội là đối tượng vật chất được chủ thể của tội phạm sử dụng trợ giúp cho việc thực hiện hành vi phạm tội; phương tiện phạm tội có nhiều dạng khác nhau: trong đó có dạng được gọi là công cụ phạm tội như dao để đâm nạn nhân, búa để phá cửa nhà kho vào trộm cắp…Bên cạnh dạng phương tiện phạm tội được gọi là công cụ phạm tội còn có dạng phương tiện phạm tội khác không được gọi là công cụ phạm tội như xe máy dùng để chuyên chở thuốc phiện, tiền để đưa hối lộ…10. Tuy nhiên, khái niệm này chỉ nêu chung chung, chưa nêu rõ sự khác biệt giữa công cụ với phương tiện làm cơ sở để xác định, xử lý trong thực tiễn. Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh (2021), tlđd (5), tr.293. Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh (2021), tlđd (5), tr.294. 9 Bộ Tư Pháp - Viện Khoa học pháp lý, Từ điển Luật học, Nhà xuất bản Từ điển Bách Khoa - Nhà xuất bản Tư pháp, tr.175. 10 Bộ Tư Pháp - Viện Khoa học pháp lý, tlđd (9), tr.627. 7 8 9 Theo Giáo trình Luật Hình sự Việt Nam - Phần chung của Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh thì “vật được sử dụng vào việc phạm tội gồm công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội. Đây là những vật thuộc sở hữu của người phạm tội và đã được người đó sử dụng vào việc phạm tội sẽ bị tịch thu sung quỹ Nhà nước, đối với những vật không có giá trị hoặc không sử dụng được thì bị tịch thu và tiêu hủy”11. Công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội theo Giáo trình Luật Hình sự Việt Nam - Phần chung của Khoa Luật Trường Đại học Quốc Gia Hà Nội thì “những đối tượng này với tính chất là vật chứng trong vụ án hình sự, thuộc sở hữu của người phạm tội và đã được họ sử dụng làm công cụ hoặc phương tiện để thực hiện tội phạm, đó là vũ khí, hung khí sử dụng để thực hiện các tội xâm hại tính mạng, sức khỏe con người; xe máy, ô tô, tàu thuyền là sở hữu của người phạm tội nhưng họ đã dùng vào việc thực hiện tội phạm như buôn lậu, buôn bán hàng cấm, vận chuyển ma túy, v.v. hoặc tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác dùng làm của hối lộ…Ở đây cũng cần lưu ý nếu vật chứng trong vụ án hình sự là tiền bạc hoặc tài sản do phạm tội mà có thì bị tịch thu sung công quỹ nhà nước; vật chứng là hàng hóa mau hỏng hoặc khó bảo quản thì có thể được bán theo quy định của pháp luật; còn vật chứng không có giá trị hoặc không sử dụng được thì bị tịch thu và tiêu hủy”12. Như vậy, cả 02 giáo trình trên đều không nêu khái niệm về công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội mà chỉ đưa ra định nghĩa để làm rõ nghĩa của từ nhà làm luật sử dụng. Trong sách Bình luận Bộ luật Hình sự năm 2015, Phần thứ nhất - Những quy định chung của tác giả Đinh Văn Quế có nêu: “Khi tịch thu công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội, cần xác định chính xác những công cụ, phương tiện này được dùng vào việc phạm tội thì mới tịch thu sung quỹ Nhà nước. Ví dụ: Võ Viết T chuyên dùng chiếc ghe máy vận chuyển thuốc lá ngoại đem tiêu thụ ở nhiều nơi, nên bị Tòa án tuyên bố tịch thu chiếc ghe máy để sung quỹ Nhà nước. Nếu công cụ, phương tiện không xác định được dùng vào việc phạm tội thì không được tịch thu. Ví dụ: Vũ Thị C bị bắt quả tang vận chuyển 0,5kg thuốc phiện bằng một chiếc xe máy Dream II, nhưng chiếc xe này hàng ngày Vũ Thị C vẫn dùng làm phương tiện đi làm nên không thể cho rằng chiếc xe máy là công cụ, phương tiện dùng vào việc 11 12 Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh (2021), tlđd (5), tr.295. Lê Văn Cảm (2021), tlđd (6), tr. 395. 10 phạm tội để tịch thu được”13. Như vậy, tác giả Đinh Văn Quế cũng không đưa ra khái niệm về công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội. Tuy nhiên, tác giả không đồng ý với quan điểm của ông Đinh Văn Quế cho rằng chiếc xe máy hàng ngày Vũ Thị C vẫn dùng làm phương tiện đi làm nên không thể cho rằng chiếc xe máy là công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội để tịch thu được. Vấn đề này, tác giả sẽ phân tích trong phần sau. Từ những phân tích trên cho thấy, khoa học pháp lý tồn tại nhiều quan điểm, định nghĩa khác nhau về công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội nhưng không có khái niệm về công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội được hầu hết những người nghiên cứu cùng thừa nhận. Điểm a khoản 1 Điều 47 BLHS 2015 quy định tịch thu công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội. Luật và các văn bản hướng dẫn không quy định công cụ, phương tiện được dùng vào việc thực hiện tội phạm gì, tội cố ý hay vô ý sẽ bị tịch thu. Tuy nhiên, khoa học pháp lý tồn tại nhiều quan điểm khác nhau, cụ thể: - Giáo trình Luật Hình sự Việt Nam - Phần chung của Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh không đưa ra quan điểm về vấn đề này. - Theo quan điểm của tác giả Nguyễn Ngọc Hòa được thể hiện tại sách Bình luận khoa học Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 - Phần chung, Nhà xuất bản Tư pháp thì: “điều luật không xác định rõ, công cụ, phương tiện được dùng vào việc thực hiện tội phạm gì? Tội cố ý hay tội vô ý. Tuy nhiên, có thể hiểu việc tịch thu công cụ, phương tiện chỉ đặt ra đối với tội cố ý. Đối với các tội vô ý, như các tội xâm phạm an toàn giao thông thì việc tịch thu phương tiện phạm tội không được đặt ra”14. Theo quan điểm của tác giả Lê Văn Cảm được thể hiện tại Giáo trình Luật Hình sự Việt Nam - Phần chung, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội thì: “tuy điểm a khoản 1 Điều 47 BLHS 2015 không quy định cụ thể là công cụ, phương tiện mà người phạm tội dùng vào việc thực hiện tội phạm dưới hình thức lỗi nào sẽ bị tịch thu. Nhưng theo tinh thần lời văn của quy định trên có thể hiểu là chỉ tịch thu công cụ, phương tiện mà người phạm tội dùng vào việc thực hiện tội phạm do lỗi cố ý, đối với các phương tiện được sử dụng để thực hiện tội phạm do lỗi vô ý thì không bị tịch thu”15. Đinh Văn Quế (2017), Bình luận Bộ luật Hình sự năm 2015, Phần thứ nhất - Những quy định chung, Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông, tr. 208. 14 Nguyễn Ngọc Hòa (2017), Bình luận khoa học Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 - Phần chung, Nhà xuất bản Tư pháp, tr. 237. 15 Lê Văn Cảm (2021), tlđd (6), tr. 395. 13 11 Quan điểm của tác giả Phạm Tuân được thể hiện tại bài viết “Vướng mắc trong việc áp dụng Điều 47 Bộ luật Hình sự 2015 và hướng hoàn thiện” có nội dung: “bị cáo Tuyền đã điều khiển xe mô tô BKS 90B1-72149 thuộc quyền sở hữu hợp pháp của bị cáo gây tai nạn, tuy nhiên không thể coi xe mô tô là phương tiện dùng vào việc phạm tội được, sự việc xảy ra nằm ngoài mong muốn, không có trong ý thức chủ quan của họ, nên không thể áp dụng biện pháp tư pháp quy định tại Điều 47 BLHS được”16. Bản thân tác giả đã khảo sát hơn 30 bản án xét xử về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”17 và thấy rằng, thực tiễn xét xử cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng tùy theo giai đoạn tố tụng đều giao trả lại cho người phạm tội, chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp xe ô tô, mô tô là phương tiện dùng vào việc phạm tội với nhận định người phạm tội thực hiện tội phạm với lỗi vô ý nên không đáp ứng quy định phương tiện “dùng” vào việc phạm tội theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 47 BLHS 2015. Theo tác giả, điểm a khoản 1 Điều 47 BLHS 2015 nhà làm luật quy định tịch thu công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội, có thể hiểu từ “dùng” nhà làm luật quy định với nghĩa là “được sử dụng” vào việc thực hiện tội phạm hoặc “được dùng trong” việc phạm tội và ngoài quy định từ “dùng” thì khó có thể sử dụng từ ngữ nào khác để thay thế, từ “dùng” nhà làm luật sử dụng ở đây được hiểu là từ trung gian để mô tả vai trò, chức năng của công cụ, phương tiện, hoàn toàn không đề cập đến yếu tố lỗi của người phạm tội và luật cũng không quy định việc tịch thu công cụ, phương tiện áp dụng đối với “cố ý dùng vào việc phạm tội” hay “vô ý dùng vào việc phạm tội”. Do đó, đây là vấn đề chưa thống nhất trong nhận thức, quy định của luật và thực tiễn xét xử sẽ được tác giả phân tích ở phần sau. 1.1.2. Quy định của pháp luật hình sự về tịch thu công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội Tịch thu công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội là biện pháp tư pháp được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 47 BLHS 2015. Ngoài quy định duy nhất nêu trên, BLHS 2015 và văn bản hướng dẫn cũng không đưa ra khái niệm, định nghĩa xác định như thế nào là công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội. Chính vì lý do cả khoa học pháp lý và quy định pháp luật đều không tồn tại khái niệm chính thức về “công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội” dẫn đến 16 Phạm Tuân, “Vướng mắc trong việc áp dụng Điều 47 Bộ luật Hình sự 2015 và hướng hoàn thiện”, https:// stp.bacgiang.gov.vn/hien-thi-noi-dung/-/asset_publisher/wtMnvtGfRUNi/content/vuong-mac-trong-viec-apdung-ieu-47-bo-luat-hinh-su-2015-va-huong-hoan-thien, truy cập ngày 31/10/2020. 17 Được đính kèm theo Phụ lục luận văn. 12 thực tiễn xét xử việc tịch thu đối tượng này có sự nhầm lẫn, hạn chế. Theo tác giả, có thể khái quát “công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội là công cụ, phương tiện được người phạm tội sử dụng vào việc thực hiện hành vi phạm tội, nếu không có công cụ, phương tiện này thì không thể thực hiện tội phạm trong tình huống cụ thể đó”. Đồng thời, khi tuyên tịch thu cần xác định rõ tịch thu công cụ hay tịch thu phương tiện dùng vào việc phạm tội để đảm bảo sự chính xác, không thể tuyên chung là tịch thu công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội, như vậy là không rõ trong việc xác định đối tượng bị tịch thu. Khoản 1 Điều 47 BLHS 2015 quy định 03 nhóm đối tượng bị tịch thu: thứ nhất, công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội; thứ hai, vật hoặc tiền do phạm tội hoặc do mua bán, đổi chác những thứ ấy mà có; khoản thu lợi bất chính từ việc phạm tội; thứ ba, vật thuộc loại Nhà nước cấm tàng trữ, cấm lưu hành và 02 mục đích của tịch thu, đó là sung vào ngân sách nhà nước hoặc tiêu hủy. Công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội với tính chất là vật chứng trong vụ án hình sự, có thể thuộc sở hữu của người phạm tội và đã được người đó sử dụng làm công cụ hoặc phương tiện để thực hiện tội phạm, đó có thể là vũ khí, hung khí được sử dụng để thực hiện tội xâm hại tính mạng, sức khỏe của người khác; là xe máy, ô tô, tàu, thuyền được sử dụng để thực hiện tội buôn lậu, buôn bán hàng cấm, vận chuyển ma túy, v.v. hoặc là tiền, tài sản được xác định là của hối lộ…18. Đối với vật hoặc tiền do phạm tội hoặc do mua bán, đổi chác những thứ ấy mà có; khoản thu lợi bất chính sẽ được tác giả trình bày ở Chương 2. Tịch thu vật thuộc loại Nhà nước cấm lưu hành. Hành vi lưu hành những vật này bị coi là phạm tội theo quy định tại các điều luật về tội phạm tương ứng trong Phần các tội phạm của BLHS. Trong từng trường hợp cụ thể, cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng điểm c khoản 1 Điều 47 BLHS 2015 tịch thu sung vào ngân sách nhà nước. Đó là những thứ mà việc tàng trữ, sử dụng, lưu hành bị cấm như các loại hàng cấm, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, vũ khí quân dụng, các chất ma túy, văn hóa phẩm đồi trụy, v.v. Do tính chất đặc biệt của những đối tượng trên nên đối với những thứ này không kể là của người phạm tội hay của người khác bị người phạm tội dùng vào việc phạm tội hay bị người phạm tội chiếm đoạt thì cũng đều bị tịch thu hoặc tiêu hủy nếu việc tàng trữ, sử dụng nó là trái với quy định của Nhà nước. Còn đối với những vật thuộc loại Nhà nước cấm tàng trữ, sử dụng, lưu hành nhưng thuộc sự quản lý của cơ quan nhà nước cụ thể và bị người phạm tội chiếm 18 Nguyễn Ngọc Hòa (2017), tlđd (14), tr. 236. 13 đoạt thì không tịch thu sung quỹ nhà nước mà phải trả lại cho người hoặc cơ quan quản lý hợp pháp19. Đối với vật, tiền bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép, thì không tịch thu mà trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp20. Do đó, khi tịch thu công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội cần phân hóa thành các trường hợp sau: - Trường hợp vật, tiền là công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội thuộc quyền sở hữu, quản lý hợp pháp của người phạm tội thì tịch thu theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 47 BLHS 2015. Tuy nhiên, nếu công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội thuộc sở hữu chung thì xử lý như thế nào. Theo quy định tại Điều 207 Bộ luật Dân sự 2015 thì sở hữu chung là sở hữu của nhiều chủ thể đối với tài sản; sở hữu chung bao gồm sở hữu chung theo phần và sở hữu chung hợp nhất. Mỗi chủ sở hữu chung theo phần có quyền, nghĩa vụ đối với tài sản thuộc sở hữu chung tương ứng với phần quyền sở hữu của mình, trừ trường hợp có thỏa thuận khác21. Các chủ sở hữu chung hợp nhất có quyền, nghĩa vụ ngang nhau đối với tài sản thuộc sở hữu chung22. Mỗi chủ sở hữu chung theo phần có quyền định đoạt phần quyền sở hữu của mình; việc định đoạt tài sản chung hợp nhất được thực hiện theo thỏa thuận của các chủ sở hữu chung hoặc theo quy định của pháp luật23. Thực tiễn xét xử việc tịch thu công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội là tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng; công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội là tài sản chung và đã được bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự là vấn đề còn vướng mắc, chưa thống nhất và sẽ được tác giả phân tích trong phần sau. - Trường hợp vật, tiền là công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép thì không tịch thu mà trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp. Đây là trường hợp vật, tiền của chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép làm công cụ, phương tiện phạm tội. Trong trường hợp này, cơ quan tiến hành tố tụng sau khi xác định được chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp của vật, tiền đó và xác định được họ không có lỗi trong việc để cho người phạm tội sử dụng tài sản của mình vào việc phạm tội thì không được tịch thu mà phải trả lại cho chủ sở Lê Văn Cảm (2021), tlđd (6), tr. 395. Khoản 2 Điều 47 BLHS 2015. 21 Khoản 2 Điều 209 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về sở hữu chung theo phần. 22 Khoản 2 Điều 210 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về sở hữu chung hợp nhất. 23 Khoản 1, khoản 2 Điều 218 Bộ luật Dân sự 2015 về định đoạt tài sản chung. 19 20 14 hữu hoặc người quản lý hợp pháp24. Tuy nhiên, việc xác định quyền sở hữu, quyền quản lý hợp pháp đối với công cụ, phương tiện được người phạm tội sử dụng vào việc thực hiện tội phạm vẫn còn nhầm lẫn, thiếu sót trong thực tiễn. Vấn đề này tác giả sẽ phân tích trong phần sau. Khi trả lại tài sản cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp theo quy định tại khoản 2 Điều 47 BLHS 2015, HĐXX cần xác định rõ tài sản này bị người phạm tội chiếm đoạt hay sử dụng trái phép và phải áp dụng thêm quy định về trả lại tài sản tại khoản 1 Điều 48 BLHS 2015. Theo đó, có thể hiểu chiếm đoạt là việc người phạm tội có được công cụ, phương tiện trái với ý muốn của chủ sở hữu, còn sử dụng trái phép được hiểu có thể người phạm tội được giao quản lý, sử dụng công cụ, phương tiện nhưng đã sử dụng vào việc thực hiện tội phạm trái với ý muốn của chủ sở hữu. Khoản 1 Điều 48 BLHS 2015 quy định: “người phạm tội phải trả lại tài sản đã chiếm đoạt cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp, phải sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại vật chất đã được xác định do hành vi phạm tội gây ra”; tuy nhiên, đối với trường hợp vật, tiền là công cụ, phương tiện phạm tội bị người phạm tội sử dụng trái phép thì có được trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp hay không thì luật không đề cập; do đó, đây cũng là vấn đề còn chưa rõ trong quy định của luật và thực tiễn xét xử. - Vật, tiền là tài sản của người khác, nếu người này có lỗi trong việc để cho người phạm tội sử dụng vào việc thực hiện tội phạm, thì có thể bị tịch thu25. Đây là trường hợp vật, tiền tuy là tài sản của người khác những vẫn có thể bị tịch thu. Ở đây, điều luật không quy định rõ lỗi của người chủ tài sản trong việc để người phạm tội sử dụng tài sản vào việc phạm tội. Do vậy, cần phân biệt hai trường hợp: + Nếu chủ tài sản cố ý để người phạm tội sử dụng vật, tiền của mình thực hiện tội phạm thì vật, tiền đó phải bị tịch thu và bản thân người đó có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với vai trò là người giúp sức. + Nếu chủ tài sản chỉ vô ý để người phạm tội sử dụng vật, tiền của mình cho việc thực hiện tội phạm thì việc có tịch thu hay không thuộc quyền quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng. Một trong những căn cứ cho việc tịch thu là mức độ lỗi của chủ tài sản. Thực tiễn xét xử cho thấy, Tòa án thường chỉ tịch thu tài sản của người khác khi người đó có lỗi cố ý để cho người phạm tội sử dụng tài sản của mình vào việc phạm tội26. Lê Văn Cảm (2021), tlđd (6), tr. 397. Khoản 3 Điều 47 BLHS 2015. 26 Nguyễn Ngọc Hòa (2017), tlđd (14), tr. 238. 24 25
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan