Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Nguyên tắc bảo vệ quyền lợi chính đáng của vợ và các con khi vợ chồng ly hôn the...

Tài liệu Nguyên tắc bảo vệ quyền lợi chính đáng của vợ và các con khi vợ chồng ly hôn theo luật hôn nhân và gia đình việt nam năm 2000

.PDF
68
42
64

Mô tả:

Nguyên tắc bảo vệ quyền lợi chính đáng của vợ và các con khi vợ chồng ly hôn theo luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 2000 Lê Thu Trang Khoa Luật Luận văn Thạc sĩ ngành: Luật Dân Sự; Mã số: 60 38 30 Người hướng dẫn: TS. Nguyễn Văn Cừ Năm bảo vệ: 2012 Abstract: Làm sáng tỏ những vấn đề lý luận liên quan đến việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của vợ và con theo luật hôn nhân và gia đình (Luật HN&GĐ) Việt Nam năm 2000. Chỉ ra được vai trò của Luật HN&GĐ Việt Nam năm 2000 đối với việc bảo vệ quyền lợi chính đáng về tài sản của vợ, con khi vợ chồng ly hôn, qua đó tìm hiểu thực tiễn áp dụng các quy định của Luật HN&GĐ Việt Nam năm 2000. Đề xuất một số kiến nghị và giải pháp nhằm khắc phục những vướng mắc trên thực tiễn áp dụng các quy phạm Luật HN&GĐ Việt Nam năm 2000 vào việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của vợ, con khi vợ chồng ly hôn. Keywords: Pháp luật Việt Nam; Luật hôn nhân; Ly hôn; Quyền lợi Content MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của đề tài Gia đình là tập hợp những người gắn bó với nhau do hôn nhân, quan hệ huyết thống hoặc do quan hệ nuôi dưỡng. Gia đình còn là nơi những thành viên cùng chia sẻ tình thương, kinh nghiệm, những giá trị truyền thống đạo đức, trách nhiệm, sự gắn bó và niềm tự hào về gia đình. Từ xưa đến nay, gia đình luôn là tổ ấm mang lại giá trị hạnh phúc, sự bình yên trong đời sống cá nhân của mỗi thành viên trong xã hội. Sự an bình của mỗi gia đình là tiền đề quan trọng cho sự hình thành và phát triển nhân cách, là nền tảng để mỗi cá nhân vươn tới hoàn thiện, góp sức mình vào việc xây dựng xã hội phồn vinh, tiến bộ. Quan hệ gia đình là tổng hòa các quan hệ nhân thân và các quan hệ tài sản, các quan hệ này có sự ràng buộc lệ thuộc lẫn nhau và tác động qua lại một cách hài hòa. Trong một gia đình thực sự bền vững và hạnh phúc thì mỗi thành viên trong gia đình đều tìm thấy sự thỏa mãn nhu cầu về vật chất, tình cảm của mình. Quan hệ tài sản giữa vợ chồng lại bắt nguồn từ quan hệ nhân thân giữa hai con người với đặc trưng là sự phát sinh quyền, nghĩa vụ khi họ kết hôn. Trong những năm gần đây, cùng với những thay đổi về kinh tế - xã hội, quan hệ giữa con người với con người trong đó có quan hệ hôn nhân và gia đình (HN&GĐ) cũng bị tác động mạnh mẽ. Theo số liệu thống kê của Tòa án các cấp, trong cả nước hàng năm số lượng các vụ án về HN&GĐ mà Tòa án đã thụ lý giải quyết khoảng trên 50.000 vụ việc, chủ yếu là ly hôn và tranh chấp tài sản. Trong tác phẩm "Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của Nhà nước" (1884) Ph.Ănghen đã chỉ ra rằng: Trong ba hình thức bất bình đẳng lớn nhất của lịch sử nhân loại (bất bình đẳng chủng tộc, giai cấp, giới), thì quan hệ bất bình đẳng giữa nam và nữ là nguồn gốc đích thực về mặt lịch sử, xã hội của những mâu thuẫn cơ bản, chủ yếu trong quan hệ vợ chồng. Từ đó, Ông đã xây dựng lên quan điểm về giải phóng phụ nữ. Thấm nhuần quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề giải phóng phụ nữ, Đảng và Nhà nước ta luôn dành cho phụ nữ một sự quan tâm đặc biệt. Ngay từ bản Hiến pháp đầu tiên (Hiến pháp năm 1946), Nhà nước đã ghi nhận quyền bình đẳng của phụ nữ và nam giới. Quyền bình đẳng đó còn được thể hiện và được bảo vệ cả trong trường hợp đặc biệt đó là khi vợ chồng ly hôn. Bên cạnh đó không chỉ có phụ nữ mà cả trẻ em trong trường hợp đặc biệt trên cũng được bảo vệ, trở thành một vấn đề đáng lưu ý và được quan tâm. Công ước quốc tế về quyền trẻ em đã khẳng định: "Để phát triển đầy đủ và hài hòa nhân cách của mình, trẻ em cần được trưởng thành trong bầu không khí hạnh phúc, yêu thương và thông cảm. Cũng như cần có sự bảo vệ và giúp đỡ cần thiết để đảm đương được đầy đủ trách nhiệm của mình trong cộng đồng". Khi cha, mẹ ly hôn, trẻ em khó có thể được chăm sóc, bảo vệ quyền lợi một cách tốt nhất. Tới nay Việt Nam đã có những chính sách khá đầy đủ và một hệ thống pháp luật tương đối hoàn thiện để bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và trẻ em trong các vụ án ly hôn. Điều này được thể hiện ở các quy định pháp luật HN&GĐ, các công ước quốc tế về bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập. Tuy nhiên, trên thực tế cho thấy, việc bảo vệ quyền lợi của người vợ và con trong các vụ án ly hôn liên quan đến vấn đề tài sản còn nhiều vướng mắc và bất cập. Vì vậy, việc nghiên cứu một số vấn đề lý luận và thực tiễn áp dụng các quy định của pháp luật nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của phụ nữ và trẻ em, trong đó bao gồm bảo vệ quyền lợi chính đáng của phụ nữ và trẻ em về tài sản là hết sức quan trọng, có ý nghĩa cả về lý luận và thực tiễn. Nhận thức được điều đó và mong muốn đưa ra những giải pháp, đề xuất thực tế nhằm hoàn thiện các quy định của pháp luật, tôi đã mạnh dạn chọn đề tài "Nguyên tắc bảo vệ quyền lợi chính đáng của vợ và các con khi vợ chồng ly hôn theo luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 2000" làm công trình nghiên cứu cho luận văn thạc sĩ của mình. 2. Tình hình nghiên cứu đề tài Nghiên cứu pháp luật về bảo vệ phụ nữ và trẻ em là một mảng đề tài lớn được khá nhiều nhà khoa học, thuộc nhiều lĩnh vực quan tâm. Trong khoa học luật nói chung và Luật HN&GĐ nói riêng, bảo vệ quyền lợi phụ nữ và trẻ em được nghiên cứu như một cơ sở pháp lý quan trọng tạo khung sườn cho việc ban hành các quy phạm pháp luật nhằm thực hiện tốt mọi chính sách về phụ nữ và trẻ em. Đã có một số công trình khoa học nghiên cứu ở nhiều cấp độ khác nhau đề cập trực tiếp hoặc có liên quan tới vấn đề bảo vệ quyền lợi chính đáng của vợ, con như sau: Nhóm luận văn, luận án: Ở nhóm này có thể liệt kê đến một số công trình nghiên cứu khoa học tiêu biểu như: "Chế độ tài sản của vợ, chồng theo Luật Hôn nhân và gia đình Việt 2 Nam năm 2000", Luận án Tiến sĩ luật học, của Nguyễn Văn Cừ, Trường Đại học Luật Hà Nội, 2004; "Bảo vệ quyền lợi phụ nữ theo Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 2000, Luận văn Thạc sĩ luật học, của Bùi Thị Mừng, Trường Đại học Luật Hà Nội; "Giải quyết tranh chấp tài sản của vợ chồng khi ly hôn theo Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 2000", Luận văn Thạc sĩ luật học, của Phạm Thị Ngọc Lan, Khoa Luật - Đại học Quốc gia, 2008... Những luận án, luận văn trên các tác giả đã đi vào nghiên cứu về tài sản của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân và ly hôn, đề cập tới vấn đề bảo vệ quyền lợi phụ nữ song chưa đề cập tới bảo vệ quyền lợi tài sản của con. "Nguyên tắc bảo vệ quyền lợi của cha, mẹ và con trong Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 2000", Khóa luận tốt nghiệp, của Lê Thu Lý, Trường Đại học Luật Hà Nội, 2008; "Nguyên tắc bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và trẻ em khi ly hôn theo Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 2000", Khóa luận tốt nghiệp, của Nguyễn Thị Phương Thảo, Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội, 2007; "Bảo vệ quyền lợi của con khi cha mẹ ly hôn", Khóa luận tốt nghiệp, của Hồ Thị Nga, Trường Đại học Luật Hà Nội, 2007… Các tác giả đã đi vào nghiên cứu những quyền lợi chính đáng của phụ nữ và trẻ em nói chung hoặc quyền lợi của trẻ em khi vợ chồng ly hôn mà chưa đề cập tới quyền lợi chính đáng về tài sản của cả phụ nữ và trẻ em khi vợ chồng ly hôn. Nhóm giáo trình, sách bình luận chuyên sâu: Nguyễn Ngọc Điện, Bình luật khoa học Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam, tập I, Nxb Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, 2002; Nguyễn Ngọc Điện, Nghiên cứu về tài sản trong Luật Dân sự Việt Nam, Nxb Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, 2002; Tưởng Duy Lượng, Bình luận một số án dân sự và Hôn nhân và gia đình, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001; Đinh Thị Mai Phương, Bình luận khoa học Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật Hôn nhân và Gia đình Việt Nam, NXB Công an nhân dân, Hà Nội, 2009. Ngoài ra còn một số giáo trình và bình luận khoa học Luật HN&GĐ. Hầu hết các công trình này mới chỉ dừng lại ở việc phân tích, bình luận các quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình về quan hệ tài sản nói chung giữa vợ, chồng, chưa đề cập hoặc ít đề cập đến thực tiễn thi hành các quy định của pháp luật về vấn đề trên. Nhóm các bài báo, tạp chí chuyên ngành Luật: Các bài nghiên cứu thuộc nhóm này chủ yếu được đề cập trên các tạp chí như Tạp chí Tòa án nhân dân (TAND), tạp chí Kiểm sát, tạp chí Dân chủ và Pháp luật, tạp chí Luật học... Trong đó phải kể đến bài viết của tác giả Nguyễn Văn Cừ đăng trên tạp chí Luật học (6) năm 2002 với nhan đề "Quyền sở hữu của vợ chồng theo Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 2000"; "Quyền bình đẳng của vợ chồng đối với tài sản thuộc sở hữu chung hợp nhất theo Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 2000", Tạp chí Nhà nước và pháp luật, số 5; "Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 với việc bảo vệ quyền lợi của phụ nữ", bài viết của TS. Trần Thị Huệ, Đặc san Luật học, số 03/2004… Phần lớn các bài viết này chỉ đề cập tới một số vấn đề cụ thể của quan hệ tài sản vợ chồng mà chưa đề cập được sâu sắc vấn đề bảo vệ quyền lợi chính đáng về tài sản của vợ, con khi vợ chồng ly hôn. Tóm lại, cho đến nay dù đã có nhiều công trình khoa học nghiên cứu về mối quan hệ HN&GĐ nhưng các công trình đó hoặc chủ yếu tập trung vào một mảng cụ thể của quan hệ này hoặc nghiên cứu dưới góc độ tranh chấp về tài sản vợ chồng với ý nghĩa lý luận và thực tiễn. Chưa có một công trình nào đề cập tới vấn đề bảo vệ quyền lợi chính đáng của vợ và các con khi vợ chồng ly hôn theo Luật HN&GĐ Việt Nam năm 2000 một cách đầy đủ và toàn 3 diện. Chính vì những lý do đã nêu, tôi đã chọn đề tài trên để làm công trình nghiên cứu cho luận văn thạc sĩ của mình. 3. Mục đích, phạm vi nghiên cứu đề tài Mục đích: - Nghiên cứu vấn đề bảo vệ quyền lợi chính đáng của vợ và các con khi vợ chồng ly hôn là một vấn đề rất cần thiết đặc biệt là về tài sản. Đây không chỉ đơn thuần là sự tổng hợp các quy định của pháp luật về quyền phụ nữ và trẻ em mà còn nhằm để xem xét diễn biến của quá trình giải phóng phụ nữ và chăm sóc, bảo vệ trẻ em qua từng giai đoạn lịch sử nước ta, qua đó cũng thấy được sự phát triển của xã hội về vấn đề này. - Làm sáng tỏ những vấn đề lý luận liên quan đến việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của vợ và con theo Luật HN&GĐ Việt Nam năm 2000. - Chỉ ra được vai trò của Luật HN&GĐ Việt Nam năm 2000 đối với việc bảo vệ quyền lợi chính đáng về tài sản của vợ, con khi vợ chồng ly hôn, qua đó tìm hiểu thực tiễn áp dụng các quy định của Luật HN&GĐ Việt Nam năm 2000. - Đề xuất một số kiến nghị và giải pháp nhằm khắc phục những vướng mắc trên thực tiễn áp dụng các quy phạm Luật HN&GĐ Việt Nam năm 2000 vào việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của vợ, con khi vợ chồng ly hôn. Phạm vi: - Đề tài tương đối phức tạp, nội dung phong phú và có liên quan đến nhiều ngành luật trong hệ thống pháp luật nước ta nhưng trong phạm vi luận văn tôi xin đề cập tới những vấn đề sau: Những vấn đề lý luận liên quan đến việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của vợ và các con khi vợ chồng ly hôn theo quy định của pháp luật HN&GĐ Việt Nam năm 2000 đặc biệt là vấn đề bảo vệ quyền lợi chính đáng của vợ, con về tài sản khi vợ chồng ly hôn. - Thực tiễn áp dụng các quy định của Luật HN&GĐ Việt Nam năm 2000 về bảo vệ quyền lợi chính đáng về tài sản của vợ và các con khi vợ chồng ly hôn. - Kiến nghị nhằm hoàn thiện Luật HN&GĐ Việt Nam năm 2000 về bảo vệ quyền lợi chính đáng về tài sản của vợ và con, nâng cao hiệu quả áp dụng của Luật HN&GĐ vào việc bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và trẻ em. 4. Phương pháp nghiên cứu Về phương pháp luận: Luận văn sử dụng lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam làm phương pháp luận trong quá trình nghiên cứu đề tài. Về phương pháp nghiên cứu: Luận văn sử dụng các phương pháp nghiên cứu cụ thể như: phương pháp lịch sử, phương pháp so sánh, phương pháp thống kê, phương pháp phân tích, tổng hợp… Từ đó tìm ra mối liên hệ giữa các quy định của pháp luật với thực tiễn đã phù hợp hay chưa, xem xét nội dung quy định của pháp luật về nguyên tắc bảo vệ quyền lợi chính đáng của vợ và con khi vợ chồng ly hôn đặc biệt là vấn đề tài sản trong các vụ án ly hôn với thực tiễn đời sống xã hội. 5. Kết cấu của luận văn Ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, nội dung của luận văn gồm ba chương: 4 Chương 1: Lý luận chung về nguyên tắc bảo vệ quyền lợi chính đáng của vợ và các con khi vợ chồng ly hôn. Chương 2: Những nội dung cơ bản về nguyên tắc bảo vệ quyền lợi chính đáng của vợ và các con khi vợ chồng ly hôn theo Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 2000. Chương 3: Thực tiễn áp dụng Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 2000 về bảo vệ quyền lợi chính đáng của vợ và các con khi vợ chồng ly hôn. Chương 1 LÝ LUẬN CHUNG VỀ NGYÊN TẮC BẢO VỆ QUYỀN LỢI CHÍNH ĐÁNG CỦA VỢ VÀ CÁC CON KHI VỢ CHỒNG LY HÔN 1.1. Khái quát chung về bảo vệ quyền lợi chính đáng của phụ nữ và trẻ em bằng pháp luật 1.1.1. Khái niệm về bảo vệ quyền lợi chính đáng của phụ nữ và trẻ em bằng pháp luật Trên cơ sở tìm hiểu những ý kiến của các nhà khoa học. "Quyền con người là những đặc quyền (quyền tự nhiên) của con người được pháp luật công nhận, điều chỉnh, do cá nhân con người nắm giữ trong mối liên hệ với Nhà nước và với những cá nhân con người khác". Nội dung quyền con người bao gồm: các quyền tự do dân chủ về chính trị, các quyền dân sự (quyền tự do con người), các quyền kinh tế- xã hội. Trên cơ sở khái niệm quyền con người, khái niệm quyền phụ nữ cần phải được nghiên cứu trong mối liên hệ khăng khít với quyền con người. Bởi vì, phụ nữ cũng như nam giới họ phải được hưởng tất cả những quyền con người mà pháp luật ghi nhận và bảo vệ. Quyền phụ nữ và trẻ em là một khái niệm dùng để chỉ các quyền con người của phụ nữ và trẻ em. Vì vậy, bảo vệ quyền phụ nữ và trẻ em bằng pháp luật là việc Nhà nước ghi nhận quyền phụ nữ và trẻ em đồng thời ban hành những quy phạm pháp luật nhằm bảo đảm việc thực hiện các quyền phụ nữ và trẻ em trên thực tế.Trẻ em có vai trò quan trọng đối với gia đình, với xã hội, với quốc gia và thế giới. Vì vậy, việc bảo vệ quyền lợi của trẻ em khi cha mẹ ly hôn phải được đặc biệt quan tâm. 1.1.2. Sự cần thiết phải bảo vệ quyền lợi chính đáng của phụ nữ và trẻ em khi vợ chồng ly hôn Trong xã hội xưa và nay, người phụ nữ góp một vai trò vô cùng quan trọng, vai trò đó thể hiện ngay trong gia đình, họ vừa là người vợ, người mẹ, người con dâu trong gia đình. Họ còn có vai trò to lớn với xã hội đó là người lao động trong một xã hội vì vậy người phụ nữ không chỉ có vai trò rất quan trọng trong gia đình mà còn đối với cả xã hội. Trẻ em là hạnh phúc của gia đình, là tương lai của đất nước, là lớp người kế tục sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nếu không được sự quan tâm của xã hội, sự bảo vệ của pháp luật thì những mầm non của hôm nay không thể trở thành những công dân có ích cho xã hội mai sau. Những đứa trẻ có cha mẹ ly hôn phải chịu thiệt thòi so với các bạn bè đồng lứa, hơn nữa chúng còn chưa thể tự lo cho mình được, vì vậy cần có sự quan tâm đặc biệt tới đối tượng này. Thế nhưng trong khi nhân loại đã bước sang thế kỷ XXI thì khắp mọi nơi trên trái đất phụ nữ vẫn phải chịu những bất công, bị ngược đãi, bị đánh đập vẫn tồn tại và phổ biến. Sự thiên lệch về 5 giới tính không còn đơn thuần là vấn đề thái độ, nó được thể hiện trong hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội. Khi vợ chồng ly hôn, ngoài việc tình nghĩa mặn nồng vợ chồng bao năm vun đắp không còn thì ngay cả vấn đề tài sản, sự thiệt thòi vẫn nghiêng về người phụ nữ. Có rất nhiều lý do dẫn đến sự thiệt thòi đó như quá tin tưởng chồng, hạn chế về hiểu biết pháp luật, trình độ văn hóa thấp… Bên cạnh đó, theo các báo cáo hàng năm "Tình trạng trẻ em trên thế giới", trẻ em thường phải mang những gánh nặng và chịu sự đối xử không bình đẳng. Hầu hết ở các quốc gia trên thế giới đều đã có những văn bản pháp luật nhằm bảo vệ quyền trẻ em thì hàng ngày hàng giờ những quyền ấy vẫn tiếp tục bị xâm phạm. 1.1.3. Ý nghĩa của việc ghi nhận vấn đề bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và trẻ em bằng pháp luật Bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và trẻ em không chỉ là việc ghi nhận các quyền con người của phụ nữ, trẻ em mà còn bảo đảm cho các quyền đó được thực hiện. "Đảm bảo bằng pháp luật, một trong những điều kiện quan trọng nhất để quyền con người được thực hiện".Bên cạnh đó ý nghĩa của việc ghi nhận vấn đề bảo vệ quyền lợi của trẻ em bằng pháp luật khi cha mẹ ly hôn còn là cơ sở pháp lý để nâng cao tinh thần trách nhiệm của cha mẹ. Bảo vệ trẻ em luôn là một điều được cả xã hội quan tâm, nhất là trong giai đoạn hiện nay.Thể hiện tính chất công bằng, dân chủ, nhân đạo của pháp luật xã hội chủ nghĩa. 1.1.4. Pháp luật quốc tế với vấn đề bảo vệ quyền lợi phụ nữ và trẻ em Quyền phụ nữ và trẻ em là nội dung cơ bản của quyền con người. Vấn đề bảo vệ quyền con người nói chung và quyền của phụ nữ, trẻ em nói riêng đã được quy định trong nhiều văn bản pháp lý quốc tế như: Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền (1948), Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (1966), Công ước về loại trừ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ năm 1979 (CEDAW), Công ước ngày 29/01/1957 do Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua quốc tịch của người phụ nữ lấy chồng nước ngoài… 1.2. Bảo vệ quyền lợi chính đáng của vợ và con khi vợ chồng ly hôn dưới góc độ xã hội và góc độ pháp lý 1.2.1. Về góc độ xã hội Ngày nay ly hôn đã được nhìn nhận đúng với bản chất tích cực và tiến bộ của nó. Dưới góc độ pháp lý, ly hôn được ghi nhận là một chế định của Luật HN&GĐ Việt Nam, nó là cơ sở cho Tòa án và các bên đương sự giải quyết vấn đề ly hôn một cách thấu tình đạt lý, góp phần giúp con người thoát ra khỏi sự ràng buộc không cần thiết khi tình cảm vợ chồng không còn. Sự bùng nổ bất hòa trong gia đình là một đề tài của sự lo âu đối với đứa trẻ: không biết người ta còn lo cho mình nữa không? Ai sẽ là người đảm trách việc này? Đứa trẻ tự cảm thấy bị đẩy đưa trong một không khí bất an nơi mà người ta coi chúng như là một vật bung xung để tranh giành tình cảm và quyền lợi tài chính để có được một số quyền hạn thăm viếng hay trợ cấp để nuôi chúng Về khía cạnh xã hội hẳn những đứa trẻ trong hoàn cảnh bố mẹ ly hôn không có được những điều kiện đầy đủ. Số liệu thống kê của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao cho thấy 71% trẻ vị thành niên phạm pháp là do không được quan tâm chăm sóc đến nơi đến chốn. Một nghiên cứu mới đây của Bộ Công an cũng chỉ ra nguyên nhân phạm tội của trẻ vị thành niên 6 xuất phát từ gia đình: 8% trẻ phạm tội có bố mẹ ly hôn; 28% phàn nàn bố mẹ không quan tâm đáp ứng nhu cầu cơ bản của các em. 1.2.2. Về góc độ pháp lý Hôn nhân không chỉ xét ở góc độ xã hội, chính việc xuất phát từ góc độ xã hội sẽ là tiền đề cho góc độ pháp lý. Nếu như quyết định ly hôn của hai vợ chồng được pháp luật thừa nhận là một quyền tự do thì trách nhiệm chăm sóc, nuôi dạy con cái không chỉ là quyền mà còn là nghĩa vụ Luật định. Không chỉ dừng lại ở đó, việc ghi nhận của pháp luật đối với vấn đề bảo vệ quyền lợi chính đáng về tài sản của phụ nữ và trẻ em khi vợ chồng ly hôn còn là sự tiếp nối truyền thống đạo đức của dân tộc. Nhà nước đã ban hành một hệ thống các văn bản pháp luật nhằm là hành lang pháp lý hữu hiệu để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của phụ nữ và trẻ em như Luật HN&GĐ Việt Nam năm 2000 kế thừa Luật HN&GĐ năm 1959 và Luật HN&GĐ năm 1986 kèm theo các văn bản pháp luật hướng dẫn thi hành. Chương 2 NHỮNG NỘI DUNG CƠ BẢN VỀ NGUYÊN TẮC BẢO VỆ QUYỀN LỢI CHÍNH ĐÁNG CỦA CỦA VỢ VÀ CÁC CON KHI VỢ CHỒNG LY HÔN THEO LUẬT HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH VIỆT NAM NĂM 2000 2.1. Bảo vệ quyền lợi chính đáng về quyền nhân thân của vợ và các con khi vợ chồng ly hôn Khi vợ chồng ly hôn, theo nguyên tắc chung, khi bản án quyết định ly hôn của Tòa án có hiệu lực pháp luật, quan hệ vợ chồng được chấm dứt. Người vợ, chồng đã ly hôn có quyền kết hôn với người khác. Sau khi ly hôn, các quyền và nghĩa vụ nhân thân giữa vợ chồng sẽ chấm dứt hoàn toàn, dù vợ chồng có thỏa thuận hay không thỏa thuận được thì Tòa án cũng sẽ quyết định. Nghĩa là những quyền và nghĩa vụ nhân thân giữa vợ chồng phát sinh từ khi kết hôn, gắn bó tương ứng giữa vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân (như nghĩa vụ thương yêu, quý trọng, chăm sóc, giúp đỡ nhau tiến bộ, nghĩa vụ chung thủy giữa vợ chồng, quyền đại diện cho nhau….) sẽ đương nhiên chấm dứt. Một số quyền nhân thân khác mà vợ, chồng với tư cách là công dân thì không ảnh hưởng, không thay đổi dù vợ chồng ly hôn (như quyền về họ, tên, tôn giáo, dân tộc, quốc tịch, nghề nghiệp…). Khi cha, mẹ ly hôn thì quyền nhân thân của con cái không thay đổi. Theo Khoản 1 Điều 92 Luật HN&GĐ năm 2000 cũng quy định: "Sau khi ly hôn, vợ chồng vẫn có nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con chưa thành niên hoặc con đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình". 2.2. Bảo vệ quyền lợi chính đáng của vợ theo nguyên tắc chia tài sản của vợ chồng khi vợ chồng ly hôn 2.2.1. Đối với tài sản riêng của mỗi bên vợ, chồng 7 2.2.1.1. Nguyên tắc xác định tài sản riêng của vợ, chồng theo Luật hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 2000. Khoản 1 Điều 32 Luật HN&GĐ Việt Nam năm 2000 quy định: "Vợ, chồng có quyền có tài sản riêng. Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại khoản 1 Điều 29 và Điều 30 của Luật này; đồ dùng tư trang cá nhân.Như vậy, tài sản riêng của vợ, chồng được xác lập dựa vào thời điểm tài sản đó phát sinh trước khi kết hôn; dựa vào sự định đoạt của người để lại di sản hoặc tặng cho di sản; dựa vào sự kiện chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân. 2.2.1.2. Giải quyết tài sản riêng của vợ, chồng khi ly hôn. Trước hết, theo các nguyên tắc quy định tại Điều 95 Luật HN&GĐ Việt Nam năm 2000 thì việc chia tài sản khi ly hôn do các bên thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết. Trường hợp đối với nhà thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng: Nhà ở là tài sản riêng của vợ hoặc của chồng có thể được tặng cho riêng, được thừa kế riêng hoặc mua trước khi kết hôn. Bên vợ hoặc chồng là chủ sở hữu nhà có nghĩa vụ hỗ trợ bên kia đi tìm chỗ ở mới. Nghĩa vụ hỗ trợ đó có thể là bên sở hữu nhà đồng ý để cho bên kia cùng con cái đến ở ngôi nhà khác cũng là tài sản riêng của mình hoặc đi thuê một căn hộ để cho bên kia ở hoặc đưa cho bên kia một khoản tiền để họ tìm chỗ ở mới… 2.2.2. Đối với tài sản chung của vợ chồng. 2.2.2.1. Nguyên tắc xác định tài sản chung của vợ chồng. Một trong những nguyên tắc cơ bản và quan trọng nhất của chế độ HN&GĐ được Nhà nước ta bảo hộ đó là nguyên tắc vợ chồng bình đẳng. Nguyên tắc này chi phối toàn bộ quyền và nghĩa vụ nhân thân và tài sản giữa vợ và chồng trong suốt thời kỳ hôn nhân. Điều 27 Luật HN&GĐ Việt Nam năm 2000 quy định: "Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh và những thu nhập hợp pháp khác của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và những tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung".Như vậy, căn cứ xác định tài sản chung của vợ chồng là dựa vào thời điểm phát sinh tài sản chung và nguồn gốc của các loại tài sản thuộc khối tài sản chung. Về nguyên tắc, thời điểm phát sinh quan hệ hôn nhân được tính kể từ thời điểm đăng ký kết hôn. Tất cả các loại tài sản mà vợ chồng có được trong thời kỳ này (trừ tài sản riêng của vợ, chồng) đều là tài sản chung của vợ chồng Tài sản là quyền sử dụng đất: Quyền sử dụng đất có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng. Đây là loại tài sản đặc biệt, có giá trị lớn và nhiều giấy tờ pháp lý liên quan nên việc giải quyết tranh chấp cũng rất phức tạp. 2.2.2.2. Chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn. Khoản 2 Điều 95 quy định việc chia tài sản chung được giải quyết công bằng và hợp lý "tài sản chung của vợ chồng về nguyên tắc được chia đôi, nhưng có xem xét hoàn cảnh của mỗi bên, tình trạng tài sản, công sức đóng góp của mỗi bên vào việc tạo lập, duy trì, phát triển tài sản này. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi là lao động có nhu nhập". Trong quá trình chia cần lưu ý "bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên 8 hoặc đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình" và "bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập". Trong trường hợp vợ chồng sống chung với gia đình bên nhà chồng (hoặc bên nhà vợ) mà ly hôn: Tài sản của vợ chồng trong khối tài sản chung của gia đình không xác định được thì vợ hoặc chồng được chia một phần trong khối tài sản chung của gia đình căn cứ vào công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì, phát triển khối tài sản chung cũng như vào đời sống chung của gia đình. Việc chia một phần trong khối tài sản chung do vợ chồng thỏa thuận với gia đình; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết. Trường hợp tài sản chung là nhà ở: Vợ chồng có thể tự thỏa thuận với nhau về chia nhà ở để đảm bảo được tốt nhất giá trị sử dụng của ngôi nhà cũng như điều kiện sinh hoạt chung của mỗi bên sau khi ly hôn.Nếu vợ chồng không thỏa thuận được việc chia nhà ở thì Tòa án cần xem xét để giải quyết. 2.2.3. Đối với vấn đề cấp dưỡng của một bên khi vợ, chồng ly hôn Điều 60 Luật HN&GĐ năm 2000 quy định: "Khi ly hôn, nếu bên khó khăn, túng thiếu có yêu cầu cấp dưỡng mà có lý do chính đáng thì bên kia có nghĩa vụ cấp dưỡng theo khả năng của mình". Trong trường hợp này cả vợ và chồng đều có quyền yêu cầu được người kia cấp dưỡng nếu như có lý do chính đáng. Tuy nhiên, những người phụ nữ mới là những người cần cấp dưỡng hơn. 2.2.4. Đối với quyền thừa kế của vợ chồng khi vợ chồng ly hôn Về nguyên tắc khi vợ chồng ly hôn không được hưởng thừa kế của nhau theo luật. Nhưng vợ, chồng có thể được hưởng thừa kế của nhau theo di chúc nếu người để lại di chúc đồng ý để lại di sản cho người vợ, chồng còn sống. Trường hợp vợ chồng đã xin ly hôn nhưng Tòa án chưa xét xử hoặc tuy Tòa án đã mở phiên tòa xét xử cho họ ly hôn nhưng bản án hoặc quyết định của Tòa án chưa có hiệu lực pháp luật (do có kháng cáo hoặc đang trong thời hạn kháng cáo, kháng nghị) "nếu một người chết thì người sống vẫn được thừa kế di sản". 2.3. Bảo vệ quyền lợi chính đáng của các con khi cha mẹ ly hôn 2.3.1. Bảo vệ quyền lợi chính đáng của các con chưa thành niên khi cha mẹ ly hôn Trẻ chưa thành niên chưa đủ sức khỏe và trình độ tham gia vào các quan hệ lao động phức tạp để tự nuôi sống bản thân. Hơn nữa pháp luật cũng quy định chúng chưa có đủ quyền và nghĩa vụ của một công dân độc lập. Rất nhiều trường hợp chúng cần có người đại diện để thực hiện các giao dịch dân sự hoặc tham gia vào các quan hệ pháp luật khác. Vì vậy, chúng chưa thể sống một cuộc sống độc lập và rất cần sự nuôi dưỡng và dìu dắt của cha mẹ, người thân. Dù chưa thành niên nhưng con cái vẫn có thể có tài sản riêng theo Điều 44 Luật HN&GĐ năm 2000: "Con có quyền có tài sản riêng. Tài sản riêng của con bao gồm tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng, thu nhập do lao động của con, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của con và các thu nhập hợp pháp khác". Tài sản riêng của con là để phục vụ cuộc sống hiện tại và tương lai của con, vì vậy, người trực tiếp nuôi con thường là người có trách nhiệm quản lý tài sản đó. Luật HN&GĐ năm 1986 không chỉ ra mốc thời gian cụ thể mà quy định trong khoảng thời gian đó nghĩa vụ nuôi dưỡng của cha mẹ là bắt buộc: "Cha, mẹ có nghĩa vụ thương yêu, nuôi dưỡng, giáo dục con". Nuôi con, dạy dỗ con là nghĩa vụ, trách nhiệm của cha, mẹ xuất 9 phát từ tình yêu thương của cha mẹ đối với con nhưng không phải nghĩa vụ suốt cả cuộc đời của cha mẹ. Cần thấy rằng, vấn đề cấp dưỡng giữa cha mẹ-con được đặt ra là quyền và nghĩa vụ có đi có lại nhưng không mang tính đồng thời, tuyệt đối, không mang tính chất đền bù ngang giá và không thể chuyển giao cho người khác được. Trường hợp con chưa thành niên có tài sản riêng: Tài sản này có thể được tặng cho, thừa kế…từ người khác hoặc do chính cha hoặc mẹ hoặc cả cha mẹ tặng cho khi cha mẹ ly hôn. Nếu vợ chồng ly hôn thì tài sản riêng của con chưa thành niên sẽ được giám hộ bởi người trực tiếp nuôi con, người không trực tiếp nuôi con có quyền và nghĩa vụ giám sát việc giám hộ. 2.3.2. Bảo vệ quyền lợi chính đáng về tài sản của con đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình khi cha mẹ ly hôn Theo Điều 56 Luật HN&GĐ năm 2000: "Khi ly hôn, cha hoặc mẹ không trực tiếp nuôi con chưa thành niên hoặc con đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con. Mức cấp dưỡng cho con do cha, mẹ thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết". Các quy định của pháp luật trong vấn đề này đã cố gắng bù đắp cho người con những thiệt thòi về tinh thần và vật chất khi phải sống trong cảnh cha mẹ ly hôn, là cơ sở pháp lý để quyền lợi của con đã thành niên nhưng tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự được bảo đảm. - Trường hợp con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động mà có tài sản riêng: Người giám hộ ở đây có thể là cha hoặc mẹ, nghĩa vụ của người giám hộ là "quản lý tài sản của người được giám hộ" nhằm "bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được giám hộ". Trường hợp con đã thành niên mà bị tàn tật tức là con "bị khiếm khuyết một hay nhiều bộ phận cơ thể hoặc chức năng biểu hiện dưới những dạng tật khác nhau, làm suy giảm khả năng hoạt động, khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp nhiều khó khăn". Điều này không đồng nghĩa con đã thành niên mà tàn tật bị hạn chế về nhận thức. Vì vậy, trường hợp này con có tài sản riêng hoàn toàn có thể độc lập quyết định việc quản lý tài sản của mình. Việc quản lý tài sản của cha, mẹ đối với con đã thành niên bị tàn tật được đặt ra khi con có yêu cầu, hoặc nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng về tài sản của con. 2.3.3. Bảo vệ quyền lợi chính đáng của các con khi cha mẹ ly hôn thông qua quyết định về cấp dưỡng. Khi ly hôn, cha mẹ không trực tiếp nuôi con chưa thành niên hoặc con đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con. Luật quy định cấp dưỡng là một nghĩa vụ của người không trực tiếp nuôi con. Nghĩa vụ cấp dưỡng nói chung là nghĩa vụ theo khả năng của người có nghĩa vụ. Mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết". 10 2.4. Bảo vệ quyền lợi chính đáng về tài sản của phụ nữ và trẻ em khi nam nữ chung sống như vợ chồng không đăng ký kết hôn mà ly hôn 2.4.1. Quy định của pháp luật về vấn đề nam nữ chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn "Nam nữ chung sống như vợ chồng" là trường hợp nam nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của pháp luật nhưng không đăng ký kết hôn. Về nguyên tắc, pháp luật không công nhận trường hợp này là vợ chồng. 2.4.2. Bảo vệ quyền lợi chính đáng về tài sản của phụ nữ và trẻ em trong trường hợp nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng không đăng kí kết hôn mà yêu cầu giải quyết về tài sản và con 2.4.2.1. Đối với phụ nữ  Nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng không đăng ký kết hôn mà được pháp luật công nhận là vợ chồng. Đây là trường hợp nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng được pháp luật thừa nhận, vấn đề bảo vệ quyền lợi chính đáng về tài sản của phụ nữ đã được tác giả phân tích ở phần trên.  Trường hợp nam nữ sống chung với nhau không đăng ký kết hôn mà pháp luật không thừa nhận là vợ chồng Theo hướng dẫn tại Nghị quyết số 35/2000/QH10, trong trường hợp các bên chung sống như vợ chồng không có đăng kí kết hôn và không được pháp luật công nhận là vợ chồng mà có tranh chấp về tài sản, trong trường hợp các bên xảy ra mâu thuẫn, "có yêu cầu ly hôn thì Tòa án thụ lý và tuyên bố không công nhận quan hệ vợ chồng; nếu có yêu cầu về con và tài sản thì Tòa án áp dụng khoản 2 và khoản 3 Điều 17 của Luật HN&GĐ năm 2000 để giải quyết" (mục 3 khoản c Nghị quyết số 35 của Quốc hội). 2.4.2.2. Đối với trẻ em.  Trường hợp nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng không đăng ký kết hôn mà được pháp luật công nhận là vợ chồng. Trong trường hợp nam nữ chung sống như vợ chồng mà Tòa án quyết định không công nhận các bên là vợ chồng thì "Quyền lợi của con được giải quyết như trường hợp cha mẹ ly hôn" (khoản 2 Điều 17 Luật HN&GĐ Việt Nam năm 2000). Quy định trên của pháp luật thể hiện tính nhân văn sâu sắc, quyền lợi chính đáng của con được pháp luật bảo vệ không căn cứ cha mẹ chúng có xác lập quan hệ hôn nhân hay không. Người không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con.  Trường hợp nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng không đăng ký kết hôn mà không được pháp luật công nhận là vợ chồng. Trong trường hợp nam nữ chung sống như vợ chồng mà không được công nhận là vợ chồng thì con chưa thành niên có thể giao cho một trong hai bên nuôi dưỡng, giáo dục căn cứ vào điều kiện thực tế của mỗi bên và phải bảo đảm lợi ích về mọi mặt của con. Khi quyết định mức cấp dưỡng nuôi con, Tòa án phải dựa trên những điều kiện cụ thể của các bên để có quyết định phù hợp. Trong trường hợp các bên tự thỏa thuận với nhau về mức cấp dưỡng thì xét thấy phù hợp Tòa án công nhận sự thỏa thuận của họ. 11 Chương 3 THỰC TIỄN ÁP DỤNG LUẬT HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH NĂM 2000 VỀ BẢO VỆ QUYỀN LỢI CHÍNH ĐÁNG VỀ TÀI SẢN CỦA VỢ VÀ CON KHI VỢ CHỒNG LY HÔN 3.1. Bảo vệ quyền lợi chính đáng của vợ và các con khi vợ chồng ly hôn trong thực tiễn thi hành Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 2000 3.1.1. Những thành tựu trong việc áp dụng nguyên tắc bảo vệ quyền lợi chính đáng của vợ và các con khi vợ chồng ly hôn Việc quy định nguyên tắc bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và trẻ em trong Luật HN&GĐ năm 2000 hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với pháp luật quốc tế và pháp luật quốc gia về bảo vệ quyền lợi của hai đối tượng đặc biệt trên. Việc áp dụng nguyên tắc bảo vệ quyền lợi chính đáng về tài sản của vợ và con khi vợ chồng ly hôn đã thu được nhiều kết quả quan trọng trong quá trình giải quyết các vụ án ly hôn trong những năm gần đây: Việc giải thích và áp dụng các quy định của Luật HN&GĐ năm 2000 tại các Tòa án đã chính xác và có tính đồng bộ hơn, án đọng lại ít hơn các năm trước… 3.1.2. Một số hạn chế trong việc áp dụng nguyên tắc bảo vệ quyền lợi chính đáng của vợ và các con khi vợ chồng ly hôn 3.1.2.1. Hạn chế trong việc giải quyết về tài sản của vợ chồng Bên cạnh những thành tựu đã được kể trên thì còn rất nhiều những hạn chế vướng mắc nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của vợ và con khi vợ chồng ly hôn. Hàng năm theo báo cáo tổng kết của ngành Tòa án, những tồn tại này thường được nêu ra để các Tòa án địa phương khi giải quyết án kiện ly hôn có thể tìm được những giải pháp tốt nhất nếu gặp những vướng mắc đó. Tồn tại trong việc giải quyết về tài sản, việc xác định tài sản chung, tài sản riêng còn nhiều bất cập. Chia tài sản của vợ chồng là vấn đề phức tạp khó khăn đòi hỏi công tác điều tra phải chính xác. Những sai sót về vấn đề này còn là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới kháng cáo, kháng nghị theo trình tự phúc thẩm. Hồ sơ ly hôn tại Tòa án cấp huyện có nhiều vụ điều tra quá sơ sài. Trong nhiều vụ kiện, việc định giá của Tòa án thường không sát theo giá thị trường dẫn tới chia không hợp lý, nhất là khi chia lại không chú ý chia bằng hiện vật làm cho bên nhận tiền rất thiệt thòi. 3.1.2.2. Hạn chế trong việc bảo vệ quyền lợi chính đáng về tài sản của con khi vợ chồng ly hôn. Việc chia tài sản vẫn chưa chú ý tới vấn đề ai nuôi con để ưu tiên cho người đó hơn. Có trường hợp vợ nuôi hai con nhỏ, người chồng không phải đóng góp phí tổn nuôi con vậy mà khi chia tài sản Tòa lại chia cho người chồng nhiều hơn và không phải thanh toán chênh lệch tài sản cho vợ. Rất nhiều trường hợp người vợ có khó khăn về kinh tế, cộng với việc nuôi tất cả con chung vậy mà Tòa án vẫn chia tài sản một cách rất bình quân theo tỉ lệ 1:1 như vậy là chưa bảo vệ được quyền lợi của con và người nuôi con. Việc cấp dưỡng: Trên thực tế có những trường hợp do người nuôi con không yêu cầu nên Tòa án không đặt ra vấn đề cấp dưỡng. Nhận định trên của Tòa án có thể là một sai lầm ảnh 12 hưởng không nhỏ tới quyền lợi của con. Việc yêu cầu cấp dưỡng, quy định cấp dưỡng nhằm đảm bảo cho con mức tối thiểu về sự ổn định đó là điều vô cùng cần thiết. Về mức cấp dưỡng: mức cấp dưỡng căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng. Nếu có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi. Việc thay đổi mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu tòa án giải quyết". 3.2. Một số kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả áp dụng Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 2000 về việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của vợ và các con khi vợ chồng ly hôn 3.2.1. Về vấn đề hoàn thiện pháp luật Thứ nhất, hoàn thiện các quy định của Luật HN&GĐ năm 2000 để các quy định của Luật này phù hợp với điều kiện của nền kinh tế- xã hội của nước ta. Thứ hai, những quy định của pháp luật phải mang tính khả thi cao, không quá chung chung, dễ hiểu và dễ áp dụng nhưng đồng thời cũng phải minh bạch. Đối với tài sản khó xác định là tài sản của vợ chồng hay tài sản của cha mẹ, thì tài sản mà cha mẹ đã để con sử dụng trong một khoảng thời gian và không có biểu hiện đòi lại phải được coi là của con. Thứ ba, cần dự liệu những vấn đề sau: Xác định tài sản thuộc sở hữu chung hợp nhất của vợ chồng, nguyên tắc chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn bằng hiện vật, định giá quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất, khối tài sản chung của vợ chồng có nhiều quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất. 3.2.2. Về công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật Cần phải tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền phổ biến và giáo dục pháp luật cho mọi đối tượng đặc biệt là phụ nữa và trẻ em, nhất là phụ nữ và trẻ em ở các vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa để họ có thêm khả năng bảo vệ mình trước pháp luật. Để đảm bảo pháp luật được thực hiện một cách khả thi trên thực tế đòi hỏi sự đóng góp đồng bộ từ các nhà làm luật, từ đội ngũ thẩm phán và sự phát huy hơn nữa về tuyên truyền phổ biến pháp luật trong cộng đồng, xã hội. KẾT LUẬN Nói tóm lại bảo vệ quyền lợi nói chung, quyền lợi chính đáng về tài sản của phụ nữ và trẻ em nói riêng là một phần của chương trình Quốc gia vì sự tiến bộ của người phụ nữ. Dẫu biết, cho tới ngày nay sự nhận thức và khả năng tự bảo vệ quyền lợi của mình trước pháp luật của phụ nữ được nâng lên rất nhiều. Phụ nữ ngày nay đã khẳng định được ngày càng rõ nét sự giỏi giang, đảm đang và tri thức của mình nhưng phụ nữ ở những miền vùng sâu xa, nông thôn 13 vẫn còn rất nhiều hạn chế về nhận thức đặc biệt về pháp luật. Vì vậy, việc thực hiện nguyên tắc bảo vệ quyền lợi chính đáng về tài sản của vợ và con khi vợ chồng ly hôn là sự thể hiện sinh động và sâu sắc sự quan tâm của Nhà nước, của xã hội với phụ nữ và trẻ em, góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh, công bằng, dân chủ và văn minh. Trong nội dung của luận văn tác giả đã đưa ra một hướng tiếp cận vấn đề khá mới, đó là tiếp cận vấn đề bảo vệ quyền lợi chính đáng của vợ và con ở phương diện tài sản, từ đó chỉ ra rằng muốn bảo vệ quyền lợi chính đáng về tài sản của phụ nữ và trẻ em pháp luật cần quy định rõ ràng, đồng nhất hơn nữa về tài sản chung, riêng của vợ và chồng. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử các án kiện ly hôn trong thời gian qua cho thấy vấn đề bảo vệ quyền lợi chính đáng về tài sản của vợ và con đặc biệt là con chưa thành niên còn tồn tại nhiều bất cập. Ví dụ như: hậu quả pháp lý sau khi chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân. Theo quy định tại Điều 30 Luật HN&GĐ năm 2000 và Điều 8 Nghị định số 70/2001/NĐ-CP thì thực chất đã có "xung đột" với khoản 1 Điều 27 Luật HN&GĐ năm 2000 về nguyên tắc xác lập tài sản chung của vợ chồng. Vì, nếu như khoản 1 Điều 27 Luật HN&GĐ năm 2000 quy định về nguyên tắc tài sản chung của vợ chồng được xác lập gồm những tài sản do vợ hoặc chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất kinh doanh và những thu nhập hợp pháp khác của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân; những tài sản mà vợ chồng được tặng cho chung, được thừa kế chung... Nhưng theo quy định chung, sau khi chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân thì những tài sản mà vợ chồng được chia, kể cả hoa lợi, lợi tức thu được từ tài sản được chia, những tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất kinh doanh lại được coi là tài sản riêng của vợ chồng. Một vấn đề nữa, luật chỉ quy định là "sau khi chia" tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân mà không dự liệu rõ, có thể có hai trường hợp là vợ chồng tự thỏa thuận hoặc có yêu cầu tòa án giải quyết chia một phần hoặc chia toàn bộ chung trong thời kỳ hôn nhân. Vậy, hiểu "sau khi chia" mà hậu quả pháp lý của "sau khi chia" tài sản trong thời kỳ hôn nhân có phụ thuộc vào việc chia một phần hay toàn bộ tài sản chung của vợ chồng? Điều này cần thiết phải được dự liệu trong luật. Trong trường hợp một bên nuôi con và bên kia không phải đóng góp phí tổn nuôi con, việc chia tài sản đặc biệt phải quan tâm tới quyền lợi của con và người nuôi con. Vì vậy, trong những vụ kiện ly hôn mà con cái chỉ do một bên trực tiếp nuôi dưỡng, tài sản phải được chia nhiều hơn cho người đó. Bảo vệ quyền lợi chính đáng nói chung và về tài sản của vợ và con khi vợ chồng ly hôn trong giải quyết các án kiện ly hôn là biện pháp hữu hiệu để đảm bảo được nguyên tắc đó trên thực tế. Việc thực hiện nguyên tắc trên thực tế là sự thể hiện sinh động và sâu sắc sự quan tâm của Nhà nước, của xã hội đối với phụ nữ và trẻ em, góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh, công bằng, dân chủ và văn minh. References 14 1. Nguyễn Hồng Bắc (2004), "Bảo vệ quyền phụ nữ và trẻ em trong pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam", Luật học, (3). 2. Nguyễn Công Bình (2009), "Bảo vệ quyền nhân thân theo quy định của Bộ luật Dân sự 2005", ledinhnghi.net, ngày 15/6. 3. Bộ Tư pháp (2000), Hiệp định hợp tác về nuôi con nuôi giữa nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước cộng hòa Pháp ngày 01/02/2000, (Tài liệu lưu trữ), Hà Nội 4. Chính phủ (1950), Sắc lệnh số 97-SL ngày 22/5 của Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa sửa đổi một số quy lệ và chế định trong dân luật. 5. Chính phủ (1950), Sắc lệnh số 159-SL ngày 17/11 của Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa quy định về vấn đề ly hôn, Hà Nội. 6. Chính phủ (2001), Nghị định số 70/2001/NĐ-CP ngày 03/10 quy định chi tiết thi hành Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 2000, Hà Nội. 7. Chính phủ (2001), Nghị định số 87/2001/NĐ-CP ngày 21/11 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình, Hà Nội. 8. Trần Chung (1973), Bộ dân luật, Nhà in Trần Chung, Sài Gòn. 9. Chủ nghĩa Mác - Lênin với vấn đề hôn nhân và gia đình (1987), Nxb Phụ nữ, Hà Nội. 10. Nguyễn Văn Cừ (2000), "Vấn đề hôn nhân thực tế theo Luật hôn nhân và gia đình Việt Nam", Luật học, (5). 11. Nguyễn Văn Cừ (2003), "Quyền bình đẳng vợ chồng đối với tài sản thuộc sở hữu chung hợp nhất theo Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000", Nhà nước và pháp luật, (5). 12. Nguyễn Văn Cừ (2003), Giải quyết hôn nhân thực tế theo Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường, Trường Đại học Luật Hà Nội. 13. Nguyễn Văn Cừ (Chủ nhiệm đề tài) (2011), Nghiên cứu phát hiện những bất cập của Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 2000, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường, Trường Đại học Luật Hà Nội. 14. Học viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (2002), Các văn kiện quốc tế về quyền con người, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 15. Trần Thị Huệ (2004), "Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 với việc bảo vệ quyền lợi của phụ nữ", Đặc san Luật học, (3), Trường Đại học Luật Hà Nội. 15 16. Nguyễn Thị Lan (1999), "Cần hiểu thêm hôn nhân thực tế như thế nào", Luật học, (3). 17. Liên hợp quốc, Công ước về cấm và hành động ngay lập tức để xóa bỏ những hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất. 18. Liên hợp quốc (1989), Công ước về quyền trẻ em. 19. C.Mác - Ph.Ăngghen (1978), Tuyển tập, Tập 1, Nxb Sự thật, Hà Nội. 20. Bùi Thị Mừng (2004), "Về việc xem xét nguyện vọng của con khi giải quyết vấn đề giao con cho ai nuôi trong các vụ án ly hôn", Luật học, (5). 21. Bùi Thị Mừng (2004), Bảo vệ quyền phụ nữ theo Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, Luận văn thạc sĩ Luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội. 22. Quốc hội (1946), Hiến pháp, Hà Nội. 23. Quốc hội (1959), Hiến pháp, Hà Nội. 24. Quốc hội (1959), Luật Hôn nhân và gia đình, Hà Nội. 25. Quốc hội (1986), Luật Hôn nhân và gia đình, Hà Nội. 26. Quốc hội (1992), Hiến pháp, Hà Nội. 27. Quốc hội (1999), Bộ luật Hình sự, Hà Nội. 28. Quốc hội (2000), Luật Hôn nhân và gia đình, Hà Nội. 29. Quốc hội (2000), Nghị quyết số 35/2000/QH10 ngày 9/6.2000 về việc thi hành Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, Hà Nội. 30. Quốc hội (2004), Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Hà Nội. 31. Quốc hội (2005), Bộ luật Dân sự, Hà Nội. 32. Quốc hội (2009), Bộ luật Hình sự (sửa đổi, bổ sung), Hà Nội. 33. Trần thanh Thảo, "vai trò của phụ nữ trong gia đình và cuộc sống", http://www.tiengiang.gov.vn/xemtin.asp?idcha=999&cap=3&id=9015. 34. Tòa án nhân dân tối cao (1972), Thông tư số 112/NCPL ngày 19/8 hướng dẫn xử lý về dân sự những hôn nhân vi phạm điều kiện kết hôn, Hà Nội. 16 35. Tòa án nhân dân tối cao (1988), Nghị quyết số 01/NQ-TANDTC ngày 20/01của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986, Hà Nội. 36. Tòa án nhân dân tối cao (2000), Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP ngày 23/12 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 2000, Hà Nội. 37. Tòa án nhân dân tối cao (2001), Công văn số 109/2001/KHXX ngày 4/9 về việc xác định giá quyền sử dụng đất và định giá nhà, Hà Nội. 38. Tòa án nhân dân tối cao (2002), Công văn số 81/2002/TANDTC ngày 10/6 về việc giải đáp các vấn đề nghiệp vụ, Hà Nội. 39. Tòa án nhân dân tối cao (2006), Báo cáo tổng kết ngành tòa án năm 2006, Hà Nội. 40. Tòa án nhân dân tối cao (2007), Báo cáo tổng kết ngành tòa án năm 2007, Hà Nội. 41. Tòa án nhân dân tối cao (2008), Báo cáo tổng kết ngành tòa án năm 2008, Hà Nội. 42. Tòa án nhân dân tối cao (2009), Báo cáo tổng kết ngành tòa án năm 2009, Hà Nội. 43. Tòa án nhân dân tối cao (2010), Báo cáo tổng kết ngành tòa án năm 2010, Hà Nội. 44. Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp (2001), Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP ngày 03/01 hướng dẫn thi hành nghị quyết 35/2000/QH10 về việc thi hành Luật Hôn nhân và gia đình, Hà Nội. 45. Tòa Dân sự - Tòa án nhân dân tối cao (2011), Quyết định Giám đốc thẩm số 227/2011/DS-GĐT ngày 23/3, Hà Nội. 46. Tòa Dân sự - Tòa án nhân dân tối cao (2011), Quyết định Giám đốc thẩm số 406/2011/DS-GĐT ngày 26/5, Hà Nội. 47. Trung tâm từ điển học (2007), Từ điển tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng, Đà Nẵng. 48. Trường Đại học Luật Hà Nội (2009), Giáo trình Luật hôn nhân và gia đình Việt Nam, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội. 49. Trường Đại học Luật Hà Nội (2009), Giáo trình Luật Dân sự Việt Nam, tập I, tập II, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội. 50. Ủy ban Thường vụ Quốc hội (1998), Pháp lệnh Người tàn tật, Hà Nội. 17 51. Nguyễn Thị Thu Vân (2005), "Căn cứ ly hôn trong cổ luật Việt Nam", Nhà nước và pháp luật, (8). 52. Viện thông tin khoa học xã hội, Trung tâm nghiên cứu quyền con người (1995), Quyền con người trong thế giới hiện đại, Nhà in Viện Thông tin khoa học xã hội, Hà Nội. 53. Viện Sử học Việt Nam (1991), Quốc triều Hình luật, Nxb Pháp lý, Thành phố Hồ Chí Minh. 54. Viện Sử học Việt Nam (1994), Hoàng Việt luật lệ, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội. 18 VUI LÒNG TẢI VỀ ĐỂ XEM BẢN FULL ĐẦY ĐỦ ! VUI LÒNG TẢI VỀ ĐỂ XEM BẢN FULL ĐẦY ĐỦ !
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan