Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Hợp đồng thông minh và trách nhiệm của các bên cung cấp giải pháp hợp đồng thông...

Tài liệu Hợp đồng thông minh và trách nhiệm của các bên cung cấp giải pháp hợp đồng thông minh theo pháp luật hoa kỳ – kinh nghiệm cho việt nam

.PDF
69
1
84

Mô tả:

TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT TP.HCM KHOA LUẬT QUỐC TẾ -----------***----------- CỔ TẤN THẢO NGUYÊN MSSV: 1853801090051 HỢP ĐỒNG THÔNG MINH VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC BÊN CUNG CẤP GIẢI PHÁP HỢP ĐỒNG THÔNG MINH THEO PHÁP LUẬT HOA KỲ – KINH NGHIỆM CHO VIỆT NAM KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP Niên khóa: 2018 – 2022 Người hướng dẫn: Th.S Lê Trần Quốc Công TP. Hồ Chí Minh – Năm 2022 LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan danh dự đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi bằng sự nỗ lực và kinh nghiệm của bản thân dưới sự hướng dẫn của Thạc sỹ Lê Trần Quốc Công. Các nội dung nghiên cứu trong đề tài là hoàn toàn trung thực và chưa được công bố dưới bất kỳ hình thức nào trước đây. Trong đề tài có sử dụng một số phân tích, nhận xét, đánh giá cũng như số liệu của một số tác giả, cơ quan, tổ chức khác đều được trích dẫn rõ ràng và chú thích nguồn gốc với độ chính xác cao nhất trong phạm vi hiểu biết của tôi. Nếu phát hiện có bất kỳ sự gian lận nào tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm về nội dung đề tài của mình. Tác giả khóa luận Cổ Tấn Thảo Nguyên MỤC LỤC Trang phụ bìa Lời cam đoan Mục lục PHẦN MỞ ĐẦU ............................................................................................................. 1 1. Tính cấp thiết của việc nghiên cứu đề tài.......................................................... 1 2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu .................................................................... 2 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu..................................................................... 3 4. Phương pháp nghiên cứu................................................................................... 3 5. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn .......................................................................... 4 6. Kết cấu đề tài..................................................................................................... 5 CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN VỀ BLOCKCHAIN – HỢP ĐỒNG THÔNG MINH VÀ CÁC VẤN ĐỀ PHÁP LÝ PHÁT SINH ................................................................. 6 1.1 Khái quát về blockchain và hợp đồng thông minh ......................................... 6 1.1.1 Blockchain: nền tảng hỗ trợ hợp đồng thông minh .......................... 6 1.1.2 Khái niệm hợp đồng thông minh ...................................................... 8 1.1.3 Điểm khác biệt giữa hợp đồng thông minh và hợp đồng truyền thống .................................................................................................................. 12 1.1.4 Ứng dụng của hợp đồng thông minh trong lĩnh vực tài chính ........ 14 1.2 Một số vấn đề pháp lý và trách nhiệm cung cấp giải pháp hợp đồng thông minh trong lĩnh vực tài chính .............................................................................. 18 1.2.1 Vấn nạn tin tặc tấn công vào hợp đồng thông minh ....................... 18 1.2.2 Sự bất biến của dữ liệu .................................................................... 22 1.2.3 Thiếu minh bạch trong việc sử dụng hợp đồng thông minh ........... 25 Kết luận chương 1 ........................................................................................................ 28 CHƯƠNG 2: TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC BÊN CUNG CẤP GIẢI PHÁP HỢP ĐỒNG THÔNG MINH TRONG LĨNH VỰC TÀI CHÍNH THEO PHÁP LUẬT HOA KỲ – KINH NGHIỆM CHO VIỆT NAM ....................................................... 30 2.1 Trách nhiệm của các bên cung cấp giải pháp hợp đồng thông minh trong lĩnh vực tài chính theo pháp luật Hoa Kỳ................................................................... 30 2.1.1 Dưới góc độ liên bang ..................................................................... 30 2.1.2 Dưới góc độ tiểu bang ..................................................................... 40 2.2 Khuyến nghị hoàn thiện pháp luật Việt Nam................................................ 53 Kết luận chương 2 ........................................................................................................ 56 KẾT LUẬN ................................................................................................................... 58 DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO .................................................................... 61 1 PHẦN MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của việc nghiên cứu đề tài Trong bối cảnh ngành công nghệ Việt Nam đang ngày càng phát triển tiệm cận với quốc tế đặc biệt là ở các lĩnh vực như blockchain, tiền ảo, dữ liệu lớn, Internet vạn vật và cả trí tuệ nhân tạo, việc ban hành những quy định rõ ràng, cụ thể để kịp thời quản lý các lĩnh vực này cũng như bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng và các nhà đầu tư là hết sức cần thiết. Ngày 16/12/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2117/QĐ-TTg khẳng định công nghệ chuỗi khối là công nghệ được ưu tiên nghiên cứu, phát triển và ứng dụng để chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư của Việt Nam. Ngày 15/6/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 942/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó giao cho Ngân hàng nhà nước Việt Nam nghiên cứu, xây dựng và thí điểm sử dụng tiền ảo dựa trên công nghệ chuỗi khối và giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông nghiên cứu công nghệ chuỗi khối để Việt Nam có thể đi tắt đón đầu cũng như tạo bứt phá mạnh mẽ, tạo điều kiện ứng dụng các công nghệ số tiên tiến trong triển khai Chính phủ số. Đầu năm nay, theo Quyết định số 343/QĐ-BNV được phê duyệt ngày 27/4/2022, Hiệp hội Blockchain Việt Nam đã chính thức được thành lập và đi vào hoạt động với các nhiệm vụ trọng tâm như tư vấn xây dựng hành lang pháp lý và tiêu chuẩn phát triển các sản phẩm, dịch vụ trên nền tảng công nghệ blockchain ở Việt Nam, đồng thời phổ biến kiến thức và triển khai các chương trình hợp tác quốc tế để thu hút vốn đầu tư vào lĩnh vực này tại Việt Nam. Tuy Chính phủ đã có những động thái hết sức tích cực nhằm khuyến khích sự phát triển và ứng dụng công nghệ blockchain, hệ thống các quy định của pháp luật Việt Nam vẫn chưa bắt kịp với sự bùng nổ công nghệ mới này, đặt ra nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp, tổ chức cung cấp các giải pháp tiên tiến, sáng tạo, cụ thể như các giải pháp sử dụng hợp đồng thông minh trong lĩnh vực tài chính. Thiếu 2 đi những quy định chuyên biệt, quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư cũng như người tiêu dùng khó có thể được bảo vệ một cách triệt để và hiệu quả, dẫn tới những thiệt hại nghiêm trọng đặc biệt là về tài sản đã và đang diễn ra. Trong tình hình này, việc tìm hiểu và học tập kinh nghiệm từ các nước trên thế giới trong việc quản lý hợp đồng thông minh và các nền tảng cung cấp giải pháp hợp đồng thông minh nhất là trong lĩnh vực tài chính là hết sức cần thiết. Hoa Kỳ với vị thế là một cường quốc về công nghệ và tài chính đã xây dựng một hành lang pháp lý và những quy định cụ thể về vấn đề này mà Việt Nam có thể ghi nhận và tiếp thu, từ đó hoàn thiện hệ thống pháp luật về blockchain ở nước ta. Thông qua việc phân tích một số vấn đề pháp lý liên quan đến hợp đồng thông minh, chỉ ra trách nhiệm của các bên cung cấp giải pháp hợp đồng thông minh trong lĩnh vực tài chính và phân tích, tổng hợp các quy định pháp luật ở Hoa Kỳ, đề tài đem lại cái nhìn toàn cảnh về hệ sinh thái blockchain và đề xuất một số giải pháp để hoàn thiện pháp luật Việt Nam trong tương lai. 2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu Việc nghiên cứu đề tài này nhằm các mục đích: (1) Phân tích một số vấn đề pháp lý và những rủi ro liên quan đến hợp đồng thông minh và các nền tảng công nghệ hỗ trợ cho hợp đồng thông minh, từ đó chỉ ra trách nhiệm của các bên cung cấp giải pháp hợp đồng thông minh đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính; và (2) Phân tích, tổng hợp hướng tiếp cận và các quy định của pháp luật Hoa Kỳ về vấn đề này để rút kinh nghiệm hoàn thiện pháp luật Việt Nam trong tương lai. Để đạt được các mục đích nghiên cứu như đã đề ra, trong quá trình nghiên cứu cần hoàn thành những nhiệm vụ sau: (1) Tìm hiểu những vấn đề lý luận chung về hợp đồng thông minh và những công nghệ hỗ trợ cho hợp đồng thông minh như khái niệm, đặc điểm, cách vận hành, ứng dụng và những bất cập, từ đó chỉ ra trách nhiệm pháp lý của các bên trong việc sử dụng hợp đồng thông minh; (2) Tìm hiểu cách tiếp cận và các quy định của pháp luật Hoa Kỳ trong việc quản lý các nền tảng cung cấp giải pháp 3 hợp đồng thông minh trong lĩnh vực tài chính; và (3) Tổng hợp những kinh nghiệm từ pháp luật Hoa Kỳ và khuyến nghị hoàn thiện pháp luật Việt Nam. 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu Đối tượng nghiên cứu của đề tài là hợp đồng thông minh và trách nhiệm của các bên cung cấp giải pháp hợp đồng thông minh trong lĩnh vực tài chính theo pháp luật Hoa Kỳ. Trên cơ sở nghiên cứu các vấn đề lý luận và thực tiễn, đề tài đưa ra những đề xuất góp phần hoàn thiện pháp luật Việt Nam trong lĩnh vực này. Phạm vi nghiên cứu của đề tài: Trên thực tế, hợp đồng thông minh có thể được ứng dụng trong rất nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội như y tế, phân phối, tài chính, quản lý, bất động sản, v.v.. Tuy nhiên, đề tài này chỉ giới hạn nghiên cứu hợp đồng thông minh và trách nhiệm của các bên cung cấp giải pháp hợp đồng thông minh trong lĩnh vực tài chính trên cơ sở phân tích các quy định của pháp luật Hoa Kỳ và tổng hợp kinh nghiệm cho Việt Nam. 4. Phương pháp nghiên cứu Việc tạo ra một sản phẩm nghiên cứu chất lượng với những nhận định đúng đắn mang tính khoa học đòi hỏi kết hợp nhiều phương pháp nghiên cứu khác nhau chẳng hạn như phương pháp nghiên cứu lý thuyết, phương pháp thu thập số liệu, phương pháp phân tích tổng kết kinh nghiệm, v.v.. Trong đề tài này, một số phương pháp nghiên cứu khoa học đã được vận dụng một cách linh hoạt tương ứng với từng vấn đề cần được giải quyết, cụ thể như sau: Phương pháp phân tích, tổng hợp lý thuyết: Phương pháp này được sử dụng xuyên suốt trong đề tài nhằm phân tích các vấn đề lý luận chung về công nghệ blockchain, hợp đồng thông minh và các quy định của pháp luật Việt Nam và Hoa Kỳ về trách nhiệm của các doanh nghiệp cung cấp giải pháp hợp đồng thông minh trong lĩnh vực tài chính. Từ kết quả phân tích, tác giả sẽ tổng hợp lại để đưa ra kết luận chung cho từng vấn đề được đặt ra. 4 Phương pháp so sánh – đối chiếu: Phương pháp này được sử dụng nhiều nhất ở chương 2 để so sánh hướng tiếp cận của các hệ thống pháp luật liên bang và tiểu bang ở Hoa Kỳ về việc quy định trách nhiệm của các doanh nghiệp cung cấp giải pháp hợp đồng thông minh trong lĩnh vực tài chính, đồng thời so sánh pháp luật Hoa Kỳ với thực tiễn pháp luật và đời sống ở Việt Nam để đưa ra những khuyến nghị, đề xuất cho pháp luật Việt Nam trong tương lai. Phương pháp thực tiễn: Phương pháp này được sử dụng chủ yếu ở chương 1 để phân tích, tổng hợp các vụ việc trong thực tế, chỉ ra những điểm yếu, kẽ hở của công nghệ blockchain và hợp đồng thông minh nhằm xác định trách nhiệm của các nền tảng tài chính phi tập trung trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư và bảo đảm tuân thủ pháp luật. Thông qua các phân tích, tổng hợp kinh nghiệm thực tiễn, đề tài hướng tới những đề xuất, khuyến nghị phù hợp, hiệu quả, mang tính ứng dụng cao. 5. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn Ý nghĩa khoa học: Đề tài góp phần vào công tác hoàn thiện, củng cố vững chắc cơ sở lý luận cho những quy định pháp luật trong việc quản lý những doanh nghiệp, tổ chức tài chính phi tập trung có sử dụng hợp đồng thông minh trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, công trình nghiên cứu có thể giúp ích cho việc giảng dạy, nghiên cứu luật pháp quốc tế trong bối cảnh Việt Nam đang thúc đẩy việc thử nghiệm, phát triển và ứng dụng công nghệ blockchain, tiền ảo và hợp đồng thông minh vào lĩnh vực tài chính và chính phủ số. Ý nghĩa thực tiễn: Đề tài đã chỉ ra và phân tích những điểm yếu, kẽ hở của công nghệ blockchain và hợp đồng thông minh, từ đó xác định trách nhiệm của các nền tảng tài chính phi tập trung trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư và bảo đảm tuân thủ pháp luật. Thông qua các phân tích, tổng hợp kinh nghiệm pháp luật Hoa Kỳ, đề tài đưa ra những đề xuất cho pháp luật Việt Nam trong việc ban hành hoặc áp dụng pháp luật hiện hành để quản lý các nền tảng công nghệ tài chính. Điều này có ý 5 nghĩa thiết thực cho công tác lập pháp cũng như áp dụng pháp luật, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. 6. Kết cấu đề tài Đề tài gồm 2 chương: Chương 1: Tổng quan về blockchain – hợp đồng thông minh và các vấn đề pháp lý phát sinh Chương 2: Trách nhiệm của các bên cung cấp giải pháp hợp đồng thông minh trong lĩnh vực tài chính theo pháp luật Hoa Kỳ – Kinh nghiệm cho Việt Nam 6 CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN VỀ BLOCKCHAIN – HỢP ĐỒNG THÔNG MINH VÀ CÁC VẤN ĐỀ PHÁP LÝ PHÁT SINH 1.1 Khái quát về blockchain và hợp đồng thông minh 1.1.1 Blockchain: nền tảng hỗ trợ hợp đồng thông minh Để theo dõi các giao dịch hàng ngày của một doanh nghiệp theo phương thức kế toán truyền thống, nhân viên kế toán sẽ ghi chép lại từng giao dịch của doanh nghiệp đó vào một cuốn sổ cái (ledger). Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của một số ngành khoa học máy tính, mật mã và công nghệ thông tin, việc ghi chép sổ sách và lưu trữ dữ liệu của một công ty dần dần có thể được tự động hóa bằng cách sử dụng công nghệ blockchain, vẫn còn được gọi là công nghệ sổ cái phân tán (distributed ledger technology). Về bản chất, blockchain là một chuỗi (chain) bao gồm các khối (block) được liên kết với nhau thông qua cơ chế mã hóa, trong đó mỗi khối chứa đựng thông tin về các giao dịch giữa hai hay nhiều bên, tạo thành một cuốn sổ cái được cập nhật và lưu trữ theo phương thức phân tán mà không cần phải thông qua bất kỳ cơ quan quản lý trung tâm nào1. Nếu chỉ có một nhân viên kế toán có nhiệm vụ quản lý tài khoản doanh nghiệp, rủi ro có thể xảy ra nếu nhân viên kế toán đó mắc sai sót trong quá trình ghi chép hoặc đối chiếu thông tin, tuy nhiên, với một mạng lưới lưu trữ phân tán, việc một máy tính thành viên gặp trục trặc trong quá trình hoạt động sẽ không làm ảnh hưởng đến sự toàn vẹn của cả hệ thống. Việc thay thế mô hình quản lý tập trung bằng blockchain góp phần phân tán và hạn chế những rủi ro liên quan đến yếu tố con người, đồng thời tăng cường tính minh bạch cho các bên trong giao dịch. Để có thể vận hành, blockchain cần ba thành tố sau đây: một mạng lưới các máy tính, bằng chứng làm việc (proof-of-work) và cơ chế đồng thuận phi tập trung (decentralized). Đầu tiên, blockchain cần một mạng lưới các máy tính cùng hoạt động 1 Sherman, A. T. et al., “On the origins and Variations of Blockchain Technologies”, IEEE Security & Privacy, 2019, 17 (1), tr. 72. 7 theo một giao thức chung để hướng tới một mục đích nhất định, chẳng hạn như xác minh các giao dịch tiền ảo và cập nhật các giao dịch này vào sổ cái. Thứ hai, điều kiện tiên quyết để một khối được chấp nhận trở thành khối tiếp theo trong blockchain là thợ đào (miner) đã tạo ra khối đó phải giải được một “bài toán” gắn liền với khối đó, nói cách khác là đưa ra bằng chứng làm việc của mình2. Thứ ba, thay vì tạo ra một cơ quan quản lý trung tâm, sự quản lý trong hệ sinh thái blockchain được phân tán ra cho tất cả thành viên trong mạng lưới theo sơ đồ sau đây3: Các giao dịch mới được lan tỏa khắp các nút (node) Mỗi nút tập hợp các giao dịch này vào trong khối của mình Các nút tiến hành "giải bài toán" Nút nào tìm được đáp án sẽ công bố khối của mình lên hệ thống Các nút khác kiểm tra tính hợp lệ của khối Các nút thể hiện sử đồng thuận bằng cách tiếp tục tạo ra khối tiếp theo Sơ đồ 1: Cơ chế quản lý phi tập trung trong hệ sinh thái blockchain Được giới thiệu lần đầu tiên cùng với Bitcoin vào năm 2008, blockchain được biết đến như nền tảng hỗ trợ cho các giao dịch tiền ảo và được ưa chuộng bởi tính chất mật danh (pseudonymity) và phi tập trung của nó, người tham gia không cần cung cấp danh tính thật của mình và không một chủ thể hay máy tính riêng lẻ nào có thể toàn 2 Champagne P., The book of Satoshi, e53 Publishing LLC, United States of America, 2014, tr. 21-22. Nakamoto S., “Bitcoin: A Peer-to-Peer Electronic Cash System”, tr. 3, xem tại: https://bitcoin.org/bitcoin.pdf (truy cập ngày 06/6/2022). 3 8 quyền kiểm soát blockchain4. Kể từ đó, một làn sóng đổ bộ của các sản phẩm công nghệ kéo theo đã được dấy lên, nổi tiếng nhất phải kể đến Ethereum. Vận dụng khả năng lưu trữ dữ liệu phân tán của blockchain với mạng lưới các nút đóng vai trò là người quản lý, vận hành và đào tiền ảo, Ethereum không chỉ đơn thuần là một công cụ để chuyển tiền ảo mà còn cho phép người dùng đặt ra những điều kiện để các giao dịch tiền ảo có thể tiến hành. Sớm nhận được sự hưởng ứng từ các nhà đầu tư, Ethereum vươn lên trở thành nền tảng công nghệ được ưa chuộng và tin tưởng làm cho giá trị của đồng Ether (đồng tiền riêng của Ethereum) hiện nay chỉ đứng thứ hai sau Bitcoin5. 1.1.2 Khái niệm hợp đồng thông minh Thuật ngữ “hợp đồng thông minh” (smart contract) được giới thiệu lần đầu tiên bởi nhà khoa học máy tính người Mĩ Nick Szabo vào năm 1996 với định nghĩa là “một tập hợp những lời hứa, thể hiện dưới dạng điện tử, bao gồm những giao thức mà trong phạm vi đó các bên thực hiện những lời hứa của mình6.” Theo Szabo, hợp đồng thông minh là giải pháp tạo lập và bảo đảm các quan hệ điện tử hữu hiệu hơn so với hợp đồng giấy truyền thống bởi rất nhiều điều khoản của hợp đồng có thể được tích hợp vào phần cứng hoặc phần mềm máy tính khiến việc vi phạm hợp đồng trở nên rất đắt đỏ cho bên vi phạm7. Một ví dụ mà Szabo cho là “tổ tiên của hợp đồng thông minh” chính là máy bán hàng tự động. Vận hành theo một cơ chế đơn giản, máy bán hàng tự động nhận xu vào máy, thối lại tiền thừa theo mức giá niêm yết (nếu có) và thả sản phẩm được chọn xuống hộc lấy hàng. Cơ chế hộp khóa (lockbox) và các biện pháp an ninh khác giúp tiền và những sản phẩm chứa đựng trong máy bán hàng tự động được bảo đảm an toàn vì lợi ích thu được từ việc tấn công máy bán hàng là không đáng kể so với rủi ro bị phát giác và truy cứu trách nhiệm. Mặc dù bản thân máy bán hàng tự động không phải là hợp đồng 4 Champagne P., sđd, tr. 3. Xem tại: https://www.coinbase.com/price (truy cập ngày 06/6/2022). 6 Nash E. J., “Blockchain & Smart Contract Technology: Alternative Incentives for Legal Contract Innovation”, Brigham Young University Law Review, 2019, 2019(3), tr. 817-818. 7 Szabo N., Formalizing and Securing Relationships on the Public Networks, First Monday, ngày 01/9/1997, xem tại: https://firstmonday.org/ojs/index.php/fm/article/download/548/469 (truy cập ngày 17/5/2022). 5 9 mà chỉ là một lời đề nghị giao kết hợp đồng được hướng đến công chúng8, cơ chế vận hành tự động và chống vi phạm của nó đã làm toát lên được những đặc điểm nổi bật của hợp đồng thông minh. Cùng với sự phát triển của công nghệ blockchain và nền tảng Ethereum, thuật ngữ “hợp đồng thông minh” bắt đầu được dùng để chỉ các chương trình máy tính phức tạp sử dụng công nghệ sổ cái phân tán cho việc lưu trữ và vận hành, thường được ứng dụng trong lĩnh vực tài chính phi tập trung (decentralized finance). Ví dụ trong một giao dịch vay tiền ảo, bên A và bên B cùng nhau thiết kế một chương trình máy tính để thực hiện các công việc sau: (1) Chuyển 2 BTC từ tài khoản của A sang tài khoản của B; (2) Nếu B trả đủ nợ gốc và lãi sau 2 tháng, giao dịch hoàn thành, hợp đồng chấm dứt; (3) Nếu B không trả đủ nợ gốc và lãi sau 2 tháng, chuyển mọi đồng Bitcoin chứa đựng trong tài khoản của B cần thiết để trả nợ cho A vào tài khoản của A, nếu tài khoản của B không đủ tiền trả nợ thì bán đấu giá tác phẩm NFT9 mà B sở hữu và lấy tiền thu được để trả nợ cho A. Sau khi hoàn tất thương lượng, các bên sẽ gửi chương trình máy tính này cho các nút thành viên để chạy trên Máy Ảo Ethereum10 (Ethereum Virtual Machine), hợp đồng được thực hiện tự động cho đến khi kết thúc. Trên thực tế, các học giả trên thế giới vẫn chưa thống nhất với nhau về cách định nghĩa hợp đồng thông minh và chủ yếu chia làm 2 trường phái: (1) định nghĩa theo khoa học công nghệ và (2) định nghĩa theo khoa học pháp lý. Theo các kĩ sư công nghệ, hợp đồng thông minh cần được hiểu là những chương trình máy tính (smart contract code) được lưu trữ trên blockchain và được thiết kế để có thể tự thực hiện một số thao tác khi các điều kiện định trước được thỏa mãn. Trong khi đó, các chuyên gia pháp lý cho rằng hợp đồng thông minh là một hợp đồng điện tử (smart legal contract) 8 Bertoli P., “Smart (Legal) Contracts: Forum and Applicable Law Issues”, Blockchain, Law and Governance, Springer, Cham, 2021, tr. 182. 9 NFT viết tắt cho Non-Fungible Token, nghĩa là các đơn vị dữ liệu không thể thay thế cho nhau, thường được thể hiện dưới dạng các tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số, được lưu trữ trên blockchain và có thể được mua bán trên thị trường. 10 Solomon, M. G., Ethereum for Dummies, John Wiley & Sons, Inc., New Jersey, 2019, tr. 67. 10 được tạo ra nhằm hỗ trợ hoặc thay thế hoàn toàn cho hợp đồng truyền thống và có khả năng làm phát sinh các quyền có hiệu lực pháp luật, các quyền này sẽ được thực thi bởi phần mềm cài sẵn trong chương trình máy tính của hợp đồng thông minh11. Nói cách khác, một hợp đồng pháp lý thông minh luôn luôn chứa đựng ít nhất một chương trình máy tính có khả năng thực hiện một số tác vụ nhất định, nhưng không phải bất kỳ chương trình máy tính nào cũng tương đương với một hợp đồng pháp lý thông minh hoàn chỉnh12. Để thống nhất hai trường phái trên, theo một số học giả, có thể sử dụng định nghĩa như sau: “Hợp đồng thông minh là một thỏa thuận được tự động hóa và bảo đảm thi hành. Việc tự động hóa diễn ra bằng máy tính mặc dù một số phần vẫn có thể cần sự can thiệp và kiểm soát của con người. Việc bảo đảm thi hành được thực hiện thông qua sự cưỡng chế của pháp luật hoặc sự vận hành độc lập của chương trình máy tính13.” Với cách định nghĩa này thì hợp đồng thông minh bao gồm cả hợp đồng pháp lý thông minh và chương trình máy tính hợp đồng thông minh. Việc thống nhất hai khái niệm này là hợp lý vì chúng luôn song hành với nhau, một hợp đồng pháp lý thông minh luôn cần ít nhất một chương trình máy tính hợp đồng thông minh để hỗ trợ cho việc thi hành tự động và ngược lại, một (hoặc một vài) chương trình máy tính hợp đồng thông minh cũng có thể tạo thành một hợp đồng pháp lý thông minh hoàn chỉnh. Mặc dù chưa có một bộ luật liên bang để thống nhất điều chỉnh về hợp đồng thông minh, một số bang ở Hoa Kỳ đã tiến hành định nghĩa hợp đồng thông minh, đơn cử như Luật số HB2471 của bang Arizona được thông qua năm 2017 điều chỉnh Bộ luật Arizona Sửa đổi (Arizona Revised Statutes) phần về giao dịch điện tử. Theo đó, Điều 2 của Luật này quy định: “‘Hợp đồng thông minh’ là một chương trình hoạt động dựa theo sự kiện (event-driven), chứa dữ liệu state, vận hành trên một sổ cái phân tán, phi tập trung, được chia sẻ và nhân bản có khả năng tiếp quản và ra lệnh điều chuyển các 11 Nash E. J., tlđd, tr. 818. Nash E. J., tlđd, tr. 818. 13 Nash E. J., tlđd, tr. 819. 12 11 tài sản có trên sổ cái đó.” Luật này cũng quy định các chữ ký, hồ sơ và hợp đồng được lưu trữ bằng công nghệ blockchain được xem là chữ ký, hồ sơ điện tử và cho phép sự tồn tại của hợp đồng thông minh trong lĩnh vực thương mại, một hợp đồng không thể bị từ chối hiệu lực pháp lý hoặc khả năng thi hành chỉ vì nó chứa một điều khoản hợp đồng thông minh. Ngoài ra, Luật số SF0038 của bang Wyoming có hiệu lực ngày 01/7/2021 bổ sung phần về các tổ chức tự trị phi tập trung (decentralized autonomous organization) vào Luật Wyoming về Công ty trách nhiệm hữu hạn cũng quy định: “‘Hợp đồng thông minh’ là một giao dịch tự động, […] hoặc bất kỳ một thứ gì phần lớn là tương tự như vậy, được cấu thành bởi chương trình máy tính, tập lệnh hoặc ngôn ngữ lập trình để thực thi các điều khoản của một thỏa thuận và có thể bao gồm việc quản lý và chuyển giao tài sản, quản lý quyền biểu quyết của các thành viên liên quan đến các tổ chức tự trị phi tập trung hoặc ban hành các hướng dẫn có thể thực thi cho các hành động này, dựa trên sự xảy ra hoặc không xảy ra của các điều kiện cụ thể14.” Theo pháp luật Wyoming, cụm từ “giao dịch tự động” được hiểu là giao dịch được tiến hành hoặc thực hiện, toàn bộ hoặc một phần, bằng phương tiện điện tử hoặc hồ sơ điện tử, trong đó các hành vi hoặc hồ sơ của một hoặc cả hai bên không được xem xét bởi một cá nhân trong các điều kiện bình thường trong quá trình xác lập một hợp đồng, thực hiện một hợp đồng có sẵn hoặc hoàn thành một nghĩa vụ theo yêu cầu của giao dịch. Mặc dù chưa tồn tại một định nghĩa chung thống nhất trên toàn thế giới, hợp đồng thông minh có thể được hiểu là một giao dịch tự động có khả năng tự thực thi theo một số hành động có điều kiện được quy định từ trước. Tuy pháp luật Việt Nam vẫn chưa quy định về vấn đề này, xét đến bản chất của hợp đồng thông minh, có thể nói hợp đồng thông minh là một biến thể của “giao dịch điện tử tự động” theo định nghĩa tại khoản 7 Điều 4 Luật Giao dịch điện tử năm 2005. Theo đó, “giao dịch điện tử tự động” 14 Bản điện tử xem tại: https://www.wyoleg.gov/Legislation/2021/SF0038 (truy cập ngày 27/4/2022). 12 là giao dịch điện tử được thực hiện tự động từng phần hoặc toàn bộ thông qua hệ thống thông tin đã được thiết lập sẵn. Đối với trường hợp của hợp đồng thông minh, hệ thống thông tin ở đây chính là phần mềm (chẳng hạn như Ethereum) được thiết lập giữa các nút thành viên. 1.1.3 Điểm khác biệt giữa hợp đồng thông minh và hợp đồng truyền thống Điểm khác biệt đầu tiên giữa hợp đồng thông minh và hợp đồng truyền thống chính là hình thức thể hiện của chúng. Khác với hợp đồng truyền thống được viết bằng ngôn ngữ tự nhiên, hợp đồng thông minh được thể hiện dưới dạng ngôn ngữ lập trình (chẳng hạn như Solidity của Ethereum) để máy tính có thể đọc được. Một mặt, việc sử dụng ngôn ngữ lập trình giúp cho các điều khoản của hợp đồng trở nên rõ ràng và chắc chắn hơn, nhưng mặt khác cũng khiến cho hợp đồng mất đi tính mềm dẻo và linh hoạt. Ví dụ nếu hợp đồng truyền thống quy định: “A phải dọn vệ sinh tươm tất nhà xưởng cho B” thì trong hợp đồng thông minh, các bên phải cụ thể hóa điều khoản này để máy tính có thể xử lý, chẳng hạn như “nồng độ bụi mịn PM2.5 trong nhà xưởng nhỏ hơn 12 µm/m3” (thể hiện dưới dạng ngôn ngữ lập trình). Điều này dẫn tới điểm khác biệt thứ hai của hợp đồng thông minh là chủ thể tiếp nhận của chúng không chỉ là con người mà còn có các hệ thống máy tính. Sau khi các bên thống nhất với nhau về hợp đồng thông minh, họ sẽ gửi đi yêu cầu kích hoạt hợp đồng và nếu xét thấy yêu cầu kích hoạt là hợp lý, các nút sẽ cho hợp đồng chạy trong Máy Ảo Ethereum và kết quả đầu ra sẽ được cập nhật lên blockchain. Ví dụ điều khoản của hợp đồng quy định: “Nếu nồng độ bụi mịn PM2.5 trong nhà xưởng nhỏ hơn 12 µm/m3, chuyển 2 BTC từ tài khoản của B vào tài khoản của A.” Khi hợp đồng thông minh chạy trong Máy Ảo Ethereum, nếu cảm biến đo chỉ số bụi mịn trả kết quả nhỏ hơn 12 µm/m3, hợp đồng thông minh sẽ xác nhận điều kiện được thỏa mãn và chuyển 2 BTC từ tài khoản của B vào tài khoản của A. Giao dịch này sẽ được ghi nhận trên blockchain và số dư tài khoản của A và B lúc này sẽ được điều chỉnh tương ứng. 13 Thứ ba, trong khi ý nghĩa về nội dung của hợp đồng truyền thống được diễn giải từ hiểu biết chung của các bên về ngôn ngữ được sử dụng, ý nghĩa của hợp đồng thông minh được các bên tích hợp thẳng vào dữ liệu của hợp đồng ngay từ những bước đầu tiên. Ví dụ nếu hợp đồng truyền thống quy định: “A phải dọn vệ sinh tươm tất nhà xưởng cho B,” ý nghĩa của từ “tươm tất” sẽ dựa vào hiểu biết và cảm nhận của mỗi bên đối với ngôn ngữ tiếng Việt. Tuy nhiên, nếu điều khoản này được quy định trong hợp đồng thông minh, các bên sẽ phải thương lượng với nhau và thay thế từ “tươm tất” bằng một điều kiện cụ thể hơn và ý nghĩa thật sự của hợp đồng thông minh sẽ được thể hiện thông qua kết quả thu được từ hợp đồng đó. Thứ tư, vì hợp đồng truyền thống được soạn thảo bằng ngôn ngữ tự nhiên và hướng đến đối tượng tiếp nhận là con người, các điều khoản của hợp đồng truyền thống thường mềm dẻo và không rõ ràng, từ đó dễ dẫn đến vi phạm và phát sinh tranh chấp. Thông thường, nếu có tranh chấp phát sinh từ hợp đồng truyền thống, các bên sẽ yêu cầu Tòa án hoặc trọng tài giải quyết và cơ quan này sẽ tiến hành xác định những gì đã được các bên thỏa thuận và so sánh với những gì các bên đã làm hoặc không làm trên thực tế. Trái lại, khi giao kết hợp đồng thông minh, các bên có thể loại bỏ khả năng vi phạm bằng cách thỏa thuận cụ thể các điều khoản và cung cấp cho hợp đồng thông minh những phương tiện cần thiết để xác định liệu những cam kết đã được thực thi hay chưa. Vì hợp đồng thông minh sẽ được thi hành tự động, các bên không thể vi phạm hợp đồng một khi hợp đồng đã được kích hoạt. Nhằm tận dụng những ưu điểm và loại bỏ khuyết điểm của từng loại hợp đồng, việc xác lập những hợp đồng “lai” trong đó một phần của hợp đồng được viết bằng ngôn ngữ tự nhiên, phần còn lại được thể hiện dưới dạng ngôn ngữ lập trình để chạy trên máy tính là một giải pháp đang được hướng đến. Một ví dụ điển hình của hợp đồng lai là hợp đồng Ricardian, được giới thiệu lần đầu tiên bởi nhà mật mã học Ian Grigg vào năm 1995, theo đó, hợp đồng Ricardian chuyển một thỏa thuận từ dạng văn bản sang chương trình máy tính nhằm bảo đảm việc thực thi mà không làm ảnh hưởng tới tính 14 linh hoạt của các điều khoản trong hợp đồng15. Thay vì thay thế hoàn toàn cho hợp đồng bằng văn bản, các hợp đồng lai đóng vai trò bổ trợ và giúp cho việc thực hiện những hợp đồng truyền thống trở nên thuận tiện và chắc chắn hơn. 1.1.4 Ứng dụng của hợp đồng thông minh trong lĩnh vực tài chính Nhiều chuyên gia dự đoán hợp đồng thông minh sẽ dần thay thế những bên trung gian được tín nhiệm như ngân hàng, người môi giới và cả luật sư khi các bên đã có thể giao dịch trực tiếp với nhau mà không cần lo ngại hợp đồng bị vi phạm, đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính. Vì quyền và nghĩa vụ của mỗi bên được thực hiện một cách tự động nhờ vào chương trình máy tính, vai trò của những bên trung gian hoặc những điều khoản hợp đồng rườm rà nhằm hạn chế rủi ro sẽ dần mờ nhạt và nhường chỗ cho sự phát triển của công nghệ mới. Đối với thị trường tài chính, hợp đồng thông minh đang dần trở thành một công cụ đắc lực đặc biệt là trong các hoạt động cho vay ngang hàng (P2P lending) hoặc các giao dịch tài chính phái sinh. Vì các hoạt động này chủ yếu vận hành dựa trên các chuỗi lý luận có điều kiện, các điều khoản của hợp đồng hoàn toàn có thể được lập trình để trở thành chương trình máy tính, chẳng hạn như: “Vào ngày 05/5/2025, chuyển 5 BTC từ tài khoản của A sang tài khoản của B, đồng thời chuyển 500 ETH từ tài khoản của B sang tài khoản của A.” Trong trường hợp này, các bên đang tham gia vào một giao dịch tài chính phái sinh dựa trên dự đoán của mình về giá trị của đồng ether vào thời điểm ngày 05/5/2025. Ngoài ra, hợp đồng thông minh còn có thể được lập trình để điều chỉnh mối quan hệ giữa các bên trong hợp đồng. Ví dụ, các hợp đồng tương lai (futures) thường có thời hạn lâu dài và tình hình tài chính của một bên trong hợp đồng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến khả năng thanh toán và thực hiện hợp đồng của bên đó, vì vậy, các bên có thể soạn ra điều khoản để nếu tình hình tài chính của một bên trở nên tệ hơn, hợp đồng thông 15 Cvetkovic P., “Liability in the Context of Blockchain-Smart Contract Nexus: Introductory Considerations”, Collection of Papers, Faculty of Law, Nis, 2020, 89(2020), tr. 95. 15 minh sẽ lập tức thông báo cho bên còn lại, chẳng hạn: “Nếu hệ số biên lợi nhuận ròng của Công ty A đạt dưới 20%, gửi thông báo cho B.” Để hợp đồng thông minh có thể xác định được hệ số biên lợi nhuận ròng của Công ty A, các bên cần phải thiết lập một hệ thống cung cấp các số liệu về tổng doanh thu và lợi nhuận ròng từ báo cáo tài chính của Công ty A sang cho hợp đồng thông minh. Nếu hệ số thu được nhỏ hơn 20%, hợp đồng thông minh sẽ gửi thông báo đến B và các bên có thể cùng nhau thương lượng phương hướng xử lý. Một ứng dụng phổ biến khác của hợp đồng thông minh là để quản lý và vận hành các tổ chức tự trị phi tập trung (viết tắt là DAO) được thành lập và hoạt động trên hệ sinh thái blockchain. Về bản chất, các DAO giống như những quỹ đầu tư mạo hiểm ảo trong đó “cổ phiếu” được phát hành dưới dạng những đơn vị dữ liệu (token) cho phép người nắm giữ chúng có quyền biểu quyết đối với các dự án mà DAO dự định tham gia đầu tư. Xuất phát từ học thuyết cho rằng doanh nghiệp là một bản hợp đồng không đầy đủ vì con người không thể dự đoán tất cả các khả năng có thể xảy ra trong kinh doanh và phải dựa vào pháp luật để lấp đầy khoảng trống, các DAO cũng được xem là những “doanh nghiệp” được xây dựng dựa trên một chuỗi các hợp đồng thông minh đóng vai trò như những bản điều lệ của DAO16. Điểm khác biệt giữa những doanh nghiệp truyền thống và DAO là những bản hợp đồng mà DAO được xây dựng dựa trên được cho là đã “đầy đủ” và không cần đến sự can thiệp của pháp luật, biểu trưng cho tư tưởng “chương trình máy tính là pháp luật” (code is law)17. Để xây dựng một DAO, đầu tiên, các nhà sáng lập phải thiết kế một loạt các hợp đồng thông minh đóng vai trò như một bản điều lệ của DAO để thực hiện những nhiệm vụ nhất định trong việc quản lý tổ chức. Trong giai đoạn này, các nhà sáng lập phải dự đoán tất cả các công việc và quy trình cần thiết để vận hành tổ chức và biến chúng thành chương trình máy tính có thể thi hành tự động, ví dụ như hợp đồng thông 16 17 Rodrigues U. R., “Law and the Blockchain”, Iowa Law Review, 2019, 104(679), tr. 686. Rodrigues U. R., tlđd, tr. 697. 16 minh dùng để lưu trữ tiền góp vốn của các nhà đầu tư trong giai đoạn gọi vốn ban đầu sao cho nếu số vốn góp đạt một ngưỡng cho trước, chương trình gọi vốn thành công và tổ chức sẽ đi vào hoạt động, các nhà đầu tư sẽ trở thành cổ đông của DAO. Ngược lại, nếu số vốn góp thấp hơn mức cần đạt, chương trình gọi vốn thất bại, hợp đồng thông minh sẽ tự động chuyển tiền góp vốn về cho các nhà đầu tư. Trong hệ sinh thái blockchain, các chương trình gọi vốn từ công chúng thường được gọi là các đợt “phát hành tiền xu lần đầu” (initial coin offering), trong đó những nhà đầu tư sẽ mua “cổ phiếu” do DAO phát hành, thường bằng các loại tiền ảo như bitcoin hoặc ether. Sau khi giai đoạn gọi vốn kết thúc, DAO sẽ đi vào hoạt động, các cổ đông của DAO có thể đưa ra đề xuất và biểu quyết về những dự án mà DAO sẽ tham gia đầu tư. Chỉ tính riêng trong quý II năm 2021, ước tính một lượng tài sản trị giá hơn 6 tỉ Đô La Mĩ đã được nắm giữ bởi nhóm 20 DAO lớn nhất trên thị trường18. Dù các hoạt động gọi vốn từ công chúng diễn ra rất sôi nổi trên thị trường tiền ảo, pháp luật Việt Nam vẫn chưa có những quy định cụ thể để điều chỉnh các tổ chức tự trị phi tập trung cũng như các đợt phát hành tiền xu lần đầu. Nếu việc phát hành các đồng tiền như vậy được xem là phát hành chứng khoán, các tổ chức phát hành sẽ phải tuân thủ pháp luật hiện hành về chứng khoán và thực hiện các trách nhiệm có liên quan, chẳng hạn như đăng ký chào bán chứng khoán ra thị trường, đăng ký công ty đại chúng và thỏa mãn các điều kiện về vốn điều lệ, hoạt động kinh doanh, phương án phát hành và sử dụng vốn, v.v.. Không có các quy định cụ thể, các hoạt động này diễn ra tràn lan mà không có bất kỳ hạn chế nào, dẫn đến quyền lợi của các nhà đầu tư khó có thể được bảo vệ hiệu quả. Ngoài phục vụ các giao dịch tài chính phi tập trung và các DAO, hợp đồng thông minh cũng được sử dụng để chuyển nhượng các loại tài sản mã hóa (cryptoasset) như NFT. Thường được thể hiện dưới dạng các tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số, các 18 Consensys, “The Q2 2021 DeFi Report”, ngày 01/7/2021, xem tại: https://consensys.net/reports/defi-reportq2-2021 (truy cập ngày 24/5/2022).
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan