Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Định tội danh tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo luật hình sự việt nam...

Tài liệu Định tội danh tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo luật hình sự việt nam

.PDF
97
1
83

Mô tả:

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT TP. HỒ CHÍ MINH DƯƠNG BÍCH TUYỀN ĐỊNH TỘI DANH TỘI LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN THEO LUẬT HÌNH SỰ VIỆT NAM LUẬN VĂN THẠC SĨ CHUYÊN NGÀNH LUẬT HÌNH SỰ VÀ TỐ TỤNG HÌNH SỰ TP. HỒ CHÍ MINH, NĂM 2022 BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT TP. HỒ CHÍ MINH ĐỊNH TỘI DANH TỘI LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN THEO LUẬT HÌNH SỰ VIỆT NAM Chuyên ngành: Luật Hình sự và Tố tụng hình sự Định hướng ứng dụng Mã số: 60380104 Người hướng dẫn khoa học : TS. Lê Tường Vy Học viên : Dương Bích Tuyền Lớp : Cao học Luật An Giang – Khóa 2 TP. HỒ CHÍ MINH, NĂM 2022 LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan Luận văn “Định tội danh Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Luật hình sự Việt Nam” là công trình nghiên cứu khoa học do chính tôi thực hiện dưới sự hướng dẫn khoa học của TS. Lê Tường Vy. Các nội dung, thông tin được trình bày trong luận văn là chính xác và trung thực. Tôi xin chịu hoàn toàn trách nhiệm về lời cam đoan trên của mình. Thành phố Hồ Chí Minh, ngày tháng năm 2022 Tác giả Dương Bích Tuyền DANH MỤC CÁC TỪ VIẾT TẮT Từ viết tắt Viết tắt 1 Bộ Luật Hình sự BLHS 2 Bộ Luật Tố tụng Hình sự BLTTHS 3 Chứng minh nhân dân CMND 4 Cơ quan cảnh sát điều tra CQCSĐT 5 Cơ quan điều tra CQĐT 6 Cơ quan tiến hành tố tụng CQTHTT 7 Hội đồng thẩm phán HĐTP 8 Hội đồng xét xử HĐXX 9 Hình sự phúc thẩm HSPT 10 Hình sự sơ thẩm HSST 11 Lừa đảo chiếm đoạt tài sản LĐCĐTS 12 Tòa án nhân dân TAND 13 Tòa án nhân dân tối cao TANDTC 14 Trách nhiệm hình sự TNHS 15 Thành phố TP 16 Thành phố Hồ Chí Minh TP.HCM 17 Thông tư liên tịch TTLT 18 Viện kiểm sát nhân dân VKSND STT MỤC LỤC PHẦN MỞ ĐẦU ...................................................................................................... 1 CHƯƠNG 1. ĐỊNH TỘI DANH TỘI LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN THEO HÀNH VI CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN ......................................................... 6 1.1. Quy định của pháp luật hình sự Việt Nam về hành vi chiếm đoạt tài sản của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản ...................................................................... 6 1.2. Một số vướng mắc trong thực tiễn định tội danh tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo hành vi chiếm đoạt tài sản .............................................................. 7 1.3. Một số kiến nghị hoàn thiện ...................................................................... 18 Kết luận Chương 1 ................................................................................................ 21 CHƯƠNG 2. ĐỊNH TỘI DANH TỘI LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN THEO THỦ ĐOẠN GIAN DỐI ........................................................................... 22 2.1. Quy định của pháp luật hình sự Việt Nam về thủ đoạn gian dối trong tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản ................................................................................ 22 2.2. Một số vướng mắc trong thực tiễn định tội danh tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo thủ đoạn gian dối .......................................................................... 23 2.3. Một số kiến nghị hoàn thiện ...................................................................... 39 Kết luận Chương 2 ................................................................................................ 42 KẾT LUẬN ............................................................................................................ 43 DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO PHỤ LỤC 1 PHẦN MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của đề tài Trong công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế hiện nay, bên cạnh những thành tựu quan trọng mà nước ta đã đạt được trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, thì mặt trái của nền kinh thị trường mang lại, đó là tình hình tội phạm diễn biến ngày càng phức tạp, tinh vi và nguy hiểm hơn. Trong đó, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là một trong các tội xâm phạm sở hữu có diễn biến theo chiều hướng ngày càng gia tăng cả về số lượng và tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội. Mặc dù BLHS năm 2015 đã có những sửa đổi, bổ sung nhất định so với quy định của BLHS năm 1999 nhưng thực tiễn xét xử cho thấy, việc định tội danh đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174 BLHS năm 2015) hiện nay vẫn còn nhiều vướng mắc trong quy định của pháp luật cũng như trong thực tiễn áp dụng như sau: Thứ nhất, quy định của pháp luật hình sự Việt Nam về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản còn có một số hạn chế như chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể thế nào là hành vi chiếm đoạt tài sản và thế nào là thủ đoạn gian dối của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; hành vi chiếm đoạt tài sản khác gì so với các hành vi xâm phạm sở hữu nhưng không có tính chất chiếm đoạt và các quan hệ pháp luật dân sự, kinh tế; thủ đoạn gian dối trong tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản khác biệt như thế nào so với thủ đoạn gian dối trong các tội xâm phạm sở hữu khác; có thể có trường hợp chuyển hóa từ hình thức chiếm đoạt ban đầu là lừa đảo chiếm đoạt tài sản sang tội cướp tài sản hay không… Thứ hai, thực tiễn định tội danh đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản cho thấy do không có văn bản hướng dẫn cụ thể về hành vi khách quan của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản cùng với năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của người tiến hành tố tụng khác nhau nên trong một số trường hợp, các cơ quan tiến hành tố tụng chưa có sự thống nhất trong việc xác định tội danh đối với người phạm tội. Ví dụ, cùng một hành vi nhưng có cơ quan tiến hành tố tụng thì điều tra, truy tố, xét xử về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174 BLHS năm 2015), có cơ quan tiến hành tố tụng thì điều tra, truy tố, xét xử về tội sử dụng trái phép tài sản (Điều 177 BLHS năm 2015); hoặc cùng một hành vi nhưng có cơ quan tiến hành tố tụng thì điều tra, truy tố, xét xử về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174 BLHS năm 2015), có cơ quan tiến hành tố tụng thì điều tra, truy tố, xét xử về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (Điều 175 BLHS năm 2015) hoặc có nơi thì kết luận là không phạm 2 tội…Chính vì sự nhận thức và áp dụng không thống nhất quy định về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như vậy nên trong một số trường hợp, các cơ quan tiến hành tố tụng có thể truy cứu trách nhiệm hình sự không đúng đối với người có hành vi vi phạm, hoặc kết án oan người vô tội hoặc cũng có thể bỏ lọt tội phạm. Xuất phát từ những vướng mắc, bất cập nêu trên cho nên việc nghiên cứu để khắc phục các hạn chế, từ đó đưa ra kiến nghị nhằm hoàn thiện quy định của pháp luật hình sự Việt Nam về tội danh này là điều mang tính cấp thiết. Vì vậy, tác giả chọn vấn đề “Định tội danh tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Luật Hình sự Việt Nam” làm đề tài Luận văn tốt nghiệp Cao học luật của mình. 2. Tình hình nghiên cứu đề tài Liên quan đến đề tài “Định tội danh tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Luật Hình sự Việt Nam”, có các công trình nghiên cứu như sau: 1) Các giáo trình, sách chuyên khảo: Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh (2021), Giáo trình Luật hình sự Việt Nam (Phần Các tội phạm – Quyển 1, Quyển 2), (Tái bản lần thứ nhất, có sửa chữa, bổ sung), NXB Hồng Đức; Trường Đại học Luật Hà Nội (2017), Giáo trình Luật hình sự Việt Nam – Phần Các tội phạm, NXB Công an nhân dân, Hà Nội; Trường Đại học quốc gia Hà Nội – Khoa luật (2007), Giáo trình Luật hình sự Việt Nam - Phần các tội phạm, NXB Đại học quốc gia Hà Nội; Võ Khánh Vinh (Chủ biên) (2012), Giáo trình Luật hình sự Việt Nam – Phần Các tội phạm, NXB Công an nhân dân, Hà Nội; PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Hoa – TS. Phan Anh Tuấn – Đồng chủ biên (2017), Bình luận khoa học những điểm mới của BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), NXB Hồng Đức; Nguyễn Ngọc Hòa (Chủ biên) (2018), Bình luận khoa học Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017, Quyển 2, Phần Các tội phạm, NXB Tư pháp, Hà Nội; Trần Văn Biên – Đinh Thế Hưng (2017), Bình luận khoa học Bộ Luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), NXB Thế giới, Hà Nội; … Trong nội dung của các giáo trình, sách chuyên khảo này đã nêu ra định nghĩa và phân tích về các dấu hiệu pháp lý (trong đó có dấu hiệu hành vi khách quan), dấu hiệu định khung tăng nặng, hình phạt và những điểm mới của Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. 2) Các Luận án, Luận văn Thạc sỹ: Nguyễn Ngọc Chí (2001), Trách nhiệm hình sự đối với các tội xâm phạm sở hữu, Luận án tiến sĩ Luật học, Viện Nghiên cứu Nhà nước và Pháp luật. Nội dung Luận án nghiên cứu về các tội xâm phạm sở hữu, trong đó, có tội lừa đảo chiếm 3 đoạt tài sản một cách toàn diện, có hệ thống trên cả hai phương diện, bao gồm luật hình sự và tội phạm học. Đặng Thị Thanh Huyền (2016), Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong pháp luật hình sự Việt Nam, Luận văn Thạc sĩ Luật, Trường Đại học Luật Hà Nội; Trần Thị Phương Hiền (2007), Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản – Những vấn đề lý luận và thực tiễn, Luận văn Thạc sĩ, Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội; Nguyễn Thị Thu Thủy (2020), Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Luật Hình sự Việt Nam, Luận văn Thạc sĩ, Trường Đại học Luật TP.HCM… Nội dung của các luận văn thạc sỹ Luật nêu trên đã phân tích những vấn đề lý luận về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như khái niệm, các dấu hiệu pháp lý, các dấu hiệu định khung tăng nặng, hình phạt theo quy định của pháp luật hình sự Việt Nam và quy định của pháp luật hình sự một số nước trên thế giới. Đồng thời, các Luận văn cũng phân tích thực trạng áp dụng quy định của pháp luật và những hạn chế, bất cập còn tồn tại; trên cơ sở đó, đưa ra kiến nghị hoàn thiện quy định của pháp luật hình sự Việt Nam và một số giải pháp nâng cao. 3) Các bài viết đăng trên các Tạp chí chuyên ngành như: Lê Đăng Doanh (2004), “Tội lừa dối khách hàng (Điều 162 BLHS) trong mối quan hệ với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 139 BLHS), Tòa án nhân dân, Số 22, tr.27-29; Lê Đăng Doanh (2005), “Sự khác nhau giữa tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 139 BLHS) với tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (Điều 140 BLHS)”, Tòa án nhân dân, Số 24, tr.06-10; Trần Công Phàn (2006), “Phân biệt tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản trong các trường hợp có liên quan đến vi phạm hợp đồng”, Kiểm sát, Số 20, tr.3-8; Mai Bộ (2007), “Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, Tòa án nhân dân, Số 12, tr.6-12; Nguyễn Thị Phương Thảo (2012), “Bàn về yếu tố chiếm đoạt tài sản trong các tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, Kiểm sát, Số 9, tr.52-54; Phạm Thị Hồng Đào (2015), “Nguyễn Văn V chỉ phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 139 BLHS”, Tòa án nhân dân, Số 16, tr.40-43; Lê Quang Thắng (2018), “Bình luận về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015”, Kiểm sát, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Số 11, tr.47-51; Võ Hải Phương (2015), “Một số ý kiến nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tội phạm liên quan đến nhóm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” trên địa bàn tỉnh Tiền Giang”, Kiểm sát, Số 19, tr.14-18;… Nội dung của các bài viết này đã phân 4 tích dấu hiệu định tội của Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trên cơ sở đó, nêu ra các hạn chế còn tồn tại và đưa ra kiến nghị hoàn thiện. Tóm lại, các công trình nghiên cứu về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định của pháp luật hình sự Việt Nam hiện nay là khá nhiều. Riêng với công trình nghiên cứu này của tác giả, tác giả sẽ đi sâu vào nghiên cứu những vướng mắc, khó khăn trong việc định tội danh đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên cơ sở thực tiễn các vụ án hình sự mà Tòa án đã xét xử để trên cơ sở đó, phân tích những hạn chế còn tồn tại và nguyên nhân của những hạn chế, từ đó, đưa ra kiến nghị hoàn thiện quy định của pháp luật hình sự Việt Nam về vấn đề này. Do nghiên cứu theo định hướng ứng dụng từ những vụ án điển hình trong thực tiễn xét xử để đưa ra kiến nghị hoàn thiện cho nên đây là định hướng nghiên cứu mới trong Luận văn Thạc sĩ của tác giả. 3. Mục đích, nhiệm vụ nghiên cứu 3.1. Mục đích nghiên cứu Mục đích nghiên cứu của Luận văn là thông qua quy định của BLHS năm 2015 cũng như các bản án thực tế để phân tích những hạn chế, vướng mắc còn tồn tại trong lý luận và thực tiễn định tội danh đối với Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174 BLHS năm 2015). Trên cơ sở đó, đưa ra kiến nghị hoàn thiện quy định của pháp luật hình sự Việt Nam về việc định tội danh đối với tội phạm này. 3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu Để đạt được mục đích nghiên cứu nêu trên, Luận văn xác định các nhiệm vụ: - Phân tích quy định của pháp luật hình sự Việt Nam về các dấu hiệu định tội của Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. - Phân tích, đánh giá thực tiễn áp dụng quy định của pháp luật hình sự Việt Nam về định tội danh Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trên cơ sở đó, phân tích những vướng mắc, bất cập còn tồn tại trên thực tế và nguyên nhân của những vướng mắc đó. - Đưa ra kiến nghị hoàn thiện quy định của pháp luật hình sự Việt Nam trong việc định tội danh đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. 4. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu Đối tượng nghiên cứu của Luận văn là quy định của Điều 174 BLHS năm 2015 về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và thực tiễn áp dụng quy định của BLHS năm 2015 về việc định tội danh đối với tội phạm này. Phạm vi nghiên cứu: - Về không gian: Luận văn nghiên cứu thực tiễn định tội danh tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên phạm vi cả nước 5 - Về thời gian: Luận văn nghiên cứu nội dung đề tài thông qua một số bản án điển hình của các Tòa án liên quan đến các vấn đề định tội danh đối với Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong giai đoạn từ năm 2017 - 2021. 5. Phương pháp nghiên cứu - Phương pháp phân tích, tổng hợp được sử dụng xuyên suốt trong Luận văn để phân tích các nội dung cần nghiên cứu và nhận thức một cách khái quát các nội dung nghiên cứu, khái quát kết quả nghiên cứu của luận văn. - Phương pháp nghiên cứu án điển hình được sử dụng để phân tích các vấn đề thực tiễn khi định tội danh đối với các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản được áp dụng trong một số vụ án hình sự cụ thể. - Phương pháp so sánh được sử dụng để tìm hiểu điểm tương đồng và khác biệt trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử giữa các bản án về dấu hiệu định tội của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. - Phương pháp tổng kết thực tiễn : Trên cơ sở thực tiễn, tổng kết, đánh giá những kết quả, tài liệu thu thập được từ thực tiễn để chỉ ra những hạn chế, vướng mắc còn tồn tại và nguyên nhân của các hạn chế, vướng mắc này. 6. Ý nghĩa khoa học và giá trị ứng dụng của Luận văn Mặc dù còn có nhiều hạn chế nhưng Luận văn sẽ là một nguồn tài liệu tham khảo cho những người nghiên cứu, những người làm thực tiễn và những người có quan tâm về vấn đề định tội danh tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong Luật Hình sự Việt Nam. Trong hoạt động lập pháp, nếu những kiến nghị nêu ra trong Luận văn được tham khảo trong hoạt động lập pháp thì có thể góp phần nhỏ vào việc hoàn thiện quy định của pháp luật hình sự Việt Nam về việc định tội danh đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong hoạt động thực tiễn, Luận văn có thể góp phần vào việc nâng cao nhận thức của những người tiến hành tố tụng khi định tội danh đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. 7. Bố cục của luận văn Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo, nội dung luận văn gồm 02 chương: Chương 1. Định tội danh tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo hành vi chiếm đoạt tài sản. Chương 2. Định tội danh tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo thủ đoạn gian dối. 6 CHƯƠNG 1 ĐỊNH TỘI DANH TỘI LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN THEO HÀNH VI CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN 1.1. Quy định của pháp luật hình sự Việt Nam về hành vi chiếm đoạt tài sản của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản Điều 174 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) (BLHS năm 2015) quy định tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (LĐCĐTS) như sau: “Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác…”. Như vậy, hành vi khách quan của tội LĐCĐTS là hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác bằng thủ đoạn gian dối. Hành vi khách quan của tội phạm này bao gồm hai hành vi là hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác và hành vi lừa dối (thủ đoạn gian dối). Trong nội dung chương này của Luận văn, tác giả chỉ đi vào phân tích và xác định hành vi chiếm đoạt tài sản trong tội LĐCĐTS. Hành vi chiếm đoạt tài sản của tội LĐCĐTS không được hướng dẫn cụ thể. Tuy nhiên, hành vi chiếm đoạt của tội LĐCĐTS (Điều 174 BLHS năm 2015) cũng là một trong các hành vi chiếm đoạt tài sản trong các tội phạm xâm phạm sở hữu có tính chất chiếm đoạt.1 Mặc dù không được hướng dẫn cụ thể, tuy nhiên, xuất phát từ lý luận về hành vi chiếm đoạt tài sản trong luật hình sự, đặc biệt là thông qua các giáo trình Luật hình sự hiện nay ở Việt Nam, có thể hiểu hành vi chiếm đoạt tài sản trong các tội phạm xâm phạm sở hữu có tính chiếm đoạt nói chung và trong tội LĐCĐTS nói riêng là hành vi cố ý chuyển biến trái pháp luật tài sản của người khác thành tài sản của mình.2 Từ khái niệm nêu trên, hành vi chiếm đoạt tài sản trong tội LĐCĐTS có các đặc điểm sau: - Hành vi chiếm đoạt tài sản là hành vi làm cho chủ sở hữu tài sản, người quản lý tài sản mất khả năng thực tế thực hiện các quyền của chủ sở hữu đối với tài sản, đồng thời, tạo cho người chiếm đoạt có thể thực hiện được các quyền này. Xét về mặt thực tế, chiếm đoạt tài sản là hành vi vừa làm cho người quản lý tài sản mất khả năng thực tế thực hiện các quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt Các tội xâm phạm sở hữu có tính chiếm đoạt bao gồm: Tội cướp tài sản (Điều 168 BLHS), tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (Điều 169 BLHS), tội cưỡng đoạt tài sản (Điều 170 BLHS), tội cướp giật tài sản (Điều 171 BLHS), tội công nhiên chiếm đoạt tài sản (Điều 172 BLHS), tội trộm cắp tài sản (Điều 173 BLHS), tội LĐCĐTS (Điều 174 BLHS) và tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (Điều 175 BLHS). 2 Trường Đại học Luật TP.HCM (2019), Giáo trình Luật Hình sự Việt Nam (Phần Các tội phạm – Quyển 1) (Tái bản lần thứ nhất, có sửa chữa, bổ sung), NXB Hồng Đức – Hội Luật gia Việt Nam, tr.179. 1 7 đối với tài sản của mình; vừa tạo cho người chiếm đoạt có thể thực hiện được các quyền đó. Tuy nhiên, xét về mặt pháp lý, hành vi chiếm đoạt tài sản là hành vi trái pháp luật nên không làm cho chủ sở hữu mất quyền sở hữu đối với tài sản của mình (tức là về mặt pháp lý, tài sản đó vẫn thuộc quyền sở hữu của chủ sở hữu tài sản); đồng thời cũng không tạo cho người phạm tội có được quyền sở hữu đối với tài sản đó. - Tài sản là đối tượng tác động của hành vi chiếm đoạt tài sản phải đang có người quản lý. Sự quản lý này có thể là sự quản lý hợp pháp (chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao cho quản lý tài sản hoặc trường hợp người được quản lý tài sản do pháp luật quy định) cũng có thể là sự quản lý bất hợp pháp. Nếu tài sản đã thoát ly khỏi sự quản lý, chiếm hữu của người quản lý tài sản thì không phải là đối tượng tác động của hành vi chiếm đoạt tài sản. - Xét về mặt chủ quan, người thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản trong tội LĐCĐTS phải có lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội biết rõ tài sản bị chiếm đoạt đang có người quản lý nhưng vẫn mong muốn chuyển dịch trái pháp luật tài sản đó thành tài sản của mình. Việc xác định đúng hành vi chiếm đoạt tài sản có ý nghĩa quan trọng trong việc phân biệt các tội xâm phạm sở hữu có tính chiếm đoạt với các tội xâm phạm sở hữu không có tính chiếm đoạt cùng nằm trong Chương các tội xâm phạm sở hữu (Chương XVI BLHS năm 2015) và phân biệt được các tội xâm phạm sở hữu có tính chiếm đoạt với các trường hợp không phải là tội phạm (quan hệ pháp luật dân sự, kinh tế…). 1.2. Một số vướng mắc trong thực tiễn định tội danh tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo hành vi chiếm đoạt tài sản Trong tội LĐCĐTS, khi thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của người bị hại, trước hết người phạm tội phải có ý định chiếm đoạt tài sản nên mới đưa ra thông tin gian dối nhằm làm cho người khác tin đó là sự thật mà tự nguyện giao tài sản. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử cho thấy, việc xác định hành vi chiếm đoạt tài sản trong tội LĐCĐTS vẫn còn có một số hạn chế, vướng mắc nhất định. Để làm rõ những vướng mắc này, tác giả đưa ra một vài vụ án điển hình để phân tích, chứng minh và đưa ra nhận xét. Thứ nhất, phân biệt giữa hành vi chiếm đoạt tài sản trong tội LĐCĐTS (Điều 174 BLHS năm 2015) với hành vi sử dụng trái phép tài sản trong tội sử dụng trái phép tài sản (Điều 177 BLHS năm 2015). 8 Vụ án thứ nhất:3 Bản án hình sự phúc thẩm (HSPT) số 165/2019/HS-PT ngày 25/6/2019 của Tòa án nhân dân (TAND) cấp cao tại Đà Nẵng. Nội dung vụ án: Khoảng tháng 3/2017, ông Hồ Đắc T, giám đốc Công ty C điều động M là nhân viên của Công ty vào làm kế toán kiêm thủ quỹ Phòng bán vé của Công ty C tại Bến xe Miền Đông, Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM). M có nhiệm vụ quản lý tiền phát sinh trong hoạt động kinh doanh và làm dịch vụ chuyển tiền cho khách hàng của Công ty C tại Bến xe Miền Đông. Trong thời gian này, D thường đến Phòng bán vé của Công ty C chuyển tiền về thành phố T5 nên biết được nhiệm vụ của M. D nảy sinh ý định chiếm đoạt tiền của Công ty C nên chủ động làm quen với M. Để tạo lòng tin, D thường xuyên mua trái cây đến Phòng bán vé cho M và các nhân viên ở đây, thường xuyên chuyển tiền về cho người thân ở thành phố T5. Sau khi đã tạo được lòng tin, D nhiều lần điện thoại, nhắn tin mượn tiền của M để chuyển cho người thân ở thành phố T5 và sau đó D trả tiền đầy đủ, đúng hẹn. Ngày 25/01/2018, D điện thoại nhờ M chuyển 13.800.000 đồng cho Lưu Mạnh D ở thành phố T5 và hứa sẽ trả cho M vào chiều cùng ngày, nhưng sau đó D không trả mà tiếp tục nhờ M chuyển tiền nhiều lần cho nhiều người ở thành phố T5. Khi số tiền lên đến khoảng hơn 60.000.000 đồng, M đòi thì D nói số tiền mượn đã hùn vốn đóng tàu với một người đàn ông ở TP.HCM, nhưng hiện còn đang thiếu vốn nên bảo M tiếp tục lấy tiền đưa cho D mượn đầu tư đóng xong tàu, xuất hóa đơn bán sẽ có tiền trả lại cho M. Để M tin tưởng, D nhiều lần đưa cho M từ 1.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng và nói là tiền của ông đóng tàu cho M, tổng cộng D đã đưa cho M 40.000.000 đồng. M không được chủ sở hữu tài sản là 04 thành viên góp vốn của Công ty C cho phép, nhưng do tin tưởng và được D cho 40.000.000 đồng nên đã tự ý lấy 1.430.000.000 đồng của Công ty C đưa cho D. M lấy tiền của Công ty C đưa cho D bằng hai hình thức: Một là, lợi dụng nhiệm vụ được giao làm dịch vụ chuyển tiền, M đã chuyển tiền về cho 9 người thân của D ở thành phố T5 để đưa lại hoặc trả nợ cho D, tổng cộng 658.600.000 đồng. Hai là, M nhiều lần lấy tiền mặt của Công ty C do M đang quản lý đưa cho D, tổng cộng 771.400.000 đồng. Với thủ đoạn trên, trong thời gian từ ngày 25/01/2018 đến ngày 06/03/2018, D đã chiếm đoạt của Công ty C 1.430.000.000 đồng để trả nợ và tiêu xài. 3 Phụ lục số: 01. 9 Quan điểm của các cơ quan tiến hành tố tụng (CQTHTT) về việc xác định tội danh đối với hành vi của D và M: - Tại bản án hình sự sơ thẩm (HSST) số 02/2019/HS-ST ngày 15/01/2019, TAND tỉnh Phú Yên tuyên phạt bị cáo D 16 năm tù về tội LĐCĐTS theo điểm a khoản 4 Điều 174 BLHS năm 2015 và tuyên phạt bị cáo M 2 năm tù về tội sử dụng trái phép tài sản theo điểm a khoản 2 Điều 177 BLHS năm 2015. - Tại bản án HSPT số 165/2019/HS-PT ngày 25/6/2019, TAND cấp cao tại Đà Nẵng quyết định giữ nguyên bản án HSST số 02/2019/HS-ST ngày 15/01/2019 của TAND tỉnh Phú tuyên phạt bị cáo M 2 năm tù về tội sử dụng trái phép tài sản theo điểm a khoản 2 Điều 177 BLHS năm 2015. Nhận xét, đánh giá và vướng mắc đặt ra từ vụ án: Trong vụ án trên, mặc dù hành vi của D và M đều có cùng khách thể và đối tượng tác động nhưng do tính chất của hành vi khách quan khác nhau nên D và M bị xét xử về hai tội danh khác nhau là phù hợp với quy định của pháp luật. Cụ thể: - Đối với D: Do D đã có ý định chiếm đoạt tài sản của công ty C ngay từ đầu nên D đã đưa ra thông tin gian dối đối với M. Theo đó, D nói với M là D mượn tiền để hùn vốn đóng tàu với một người đàn ông ở TP.HCM. Khi nào đầu tư đóng tàu xong, xuất hóa đơn bán sẽ có tiền trả lại cho M. Tuy nhiên, thông tin này của D là thông tin không đúng với sự thật nhằm làm cho M tin là thật để M lấy tiền của công ty C trị giá 1.430.000.000 đồng đưa cho D. Do đó, hành vi của D là hành vi cố ý đưa ra thông tin gian dối để M tin là thật và tự nguyện giao tài sản. D đã có hành vi cố ý chuyển dịch trái pháp luật tài sản của công ty C thành tài sản của mình. Vì thế, hành vi của D có đầy đủ yếu tố cấu thành tội LĐCĐTS theo Điều 174 BLHS năm 2015. - Đối với M: Do tin tưởng vào thông tin gian dối mà D đưa ra, với cương vị là kế toán kiêm thủ quỹ phòng bán vé của công ty C, trong thời gian từ ngày 25/1/2018 đến ngày 6/3/2018, mặc dù không được sự cho phép của chủ sở hữu tài sản là 4 thành viên góp vốn của công ty C nhưng vì vụ lợi 40 triệu đồng do D bồi dưỡng, M đã tự ý lấy 1.430.000.000 đồng – là tài sản của công ty C đưa cho D mượn, dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản. Như vậy, M đã vì vụ lợi 40 triệu đồng mà có hành vi khai thác công dụng tài sản của công ty C (1.430.000.000 đồng) mà không có sự đồng ý của chủ sở hữu. Khi đưa tài sản của công ty C (1.430.000.000 đồng) cho D, M không có ý định chiếm đoạt số tiền này của công ty C mà chỉ muốn sử dụng số tiền này để cho D mượn trong một khoảng thời gian nhất 10 định, rồi sau đó, khi D trả cho M thì M sẽ hoàn trả lại cho công ty C. Do M không có ý định chiếm đoạt số tiền 1.430.000 đồng của công ty C mà chỉ muốn khai thác công dụng do số tiền này đưa lại trong một khoảng thời gian nhất định, đồng thời, M đã tự ý sử dụng tài sản thuộc phạm vi quản lý của mình không đúng quy định nên hành vi của M là hành vi sử dụng trái phép tài sản theo quy định tại Điều 177 BLHS năm 2015. Như vậy, để xác định đúng tội danh trong vụ án trên cần phải phân biệt rõ ranh giới giữa hành vi LĐCĐTS của tội LĐCĐTS với hành vi sử dụng trái phép tài sản trong tội sử dụng trái phép tài sản. Theo đó, chiếm đoạt tài sản là hành vi cố ý chuyển dịch trái pháp luật tài sản của người khác thành tài sản của mình. Còn hành vi sử dụng trái phép tài sản là hành vi vì vụ lợi, khai thác công dụng do tài sản đem lại mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu, người quản lý tài sản trong một khoảng thời gian nhất định. Hành vi sử dụng trái phép tài sản không làm cho chủ sở hữu mất đi tài sản đó. Người phạm tội chỉ tự ý sử dụng tài sản của người khác trong một khoảng thời gian nhất định, sau đó, trả về cho chủ sở hữu hoặc người phạm tội tự ý sử dụng tài sản thuộc phạm vi quản lý của mình không đúng quy định. Chủ sở hữu chỉ tạm thời mất khả năng chiếm hữu, sử dụng tài sản của mình trong một thời gian nhất định, sau đó, họ có lại được tài sản.4 Do đó, hành vi sử dụng trái phép tài sản cũng xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản nhưng hành vi này không xâm phạm đến quyền định đoạt tài sản mà chỉ xâm phạm đến quyền sử dụng tài sản trong một khoảng thời gian nhất định. Đây chính là điểm khác biệt cơ bản giữa hành vi sử dụng trái phép tài sản với các hành vi phạm tội có tính chiếm đoạt, trong đó, có hành vi chiếm đoạt tài sản của tội LĐCĐTS.5 Từ vụ án này cho thấy vướng mắc đặt ra cần được giải quyết khi xác định hành vi chiếm đoạt tài sản trong tội LĐCĐTS (Điều 174 BLHS năm 2015) là cần có văn bản hướng dẫn để phân biệt được hành vi chiếm đoạt tài sản trong tội LĐCĐTS với hành vi sử dụng trái phép tài sản trong tội sử dụng trái phép tài sản (Điều 177 BLHS năm 2015). Thứ hai, phân biệt giữa hành vi chiếm đoạt tài sản trong tội LĐCĐTS (Điều 174 BLHS năm 2015) với các hành vi có liên quan đến hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có đã thực hiện trước đó của người phạm tội nhưng không phải là tội phạm. 4 5 Trường Đại học Luật TP.HCM (2019), tlđd (2), tr.216-217. Xem: Điều 177 BLHS năm 2015. 11 Vụ án thứ hai:6 Bản án HSPT số 382/2020/HS-PT ngày 11/9/2020 của TAND TP.HCM. Nội dung vụ án: Ngày 5/3/2018, Đặng Huy C thông qua trang web www.chotot.vn mua xe gắn máy nhãn hiệu Yamaha Exciter biển số 59V2-337.46 của một thanh niên chưa rõ lai lịch với giá 20 triệu đồng. Khi mua, C biết rõ xe là do trộm cắp mà có và hẹn đối tượng bán xe ngày hôm sau tại số 46/8C Quốc lộ 1A đưa giấy đăng ký xe cùng CMND mang tên Huỳnh Văn Liêm thì đưa thêm 4 triệu đồng. Sau đó, thông qua trang web www.chotot.vn, vào ngày 16/3/2018, C bán chiếc xe gắn máy trên với giá 35 triệu đồng cho Nguyễn Tấn Phước tại quán cà phê Bảo Hân số B12/5D1 Trần Đại Nghĩa. C đưa cho Phước giấy đăng ký xe cùng CMND mang tên Huỳnh Văn Liêm và hẹn 05 ngày sau ra công chứng mua bán xe. Nhưng sau đó Phước không liên lạc được với C, nghi ngờ là xe gian nên Phước tiếp tục đăng tin cần mua xe để tìm C. Thấy việc mua bán xe do người khác phạm tội mà có thu lợi nhiều nên khi thấy Phước đăng trên mạng tìm mua xe tiếp thì ngày 29/3/2018, C liên hệ với đối tượng trên để mua xe thì được đối tượng này giới thiệu một đối tượng khác chưa rõ lai lịch bán cho C một xe gắn máy hiệu Yamaha Exciter biển số 83C1-25787 với giá 20 triệu đồng và đặt đối tượng bán xe làm giả giấy đăng ký xe máy mang tên Đặng Huy C với giá 3 triệu đồng. Sau đó, C dùng số điện thoại khác liên lạc bán chiếc xe gắn máy hiệu Yamaha Exciter biển số 83C1-25787 giá 35 triệu đồng cho Phước và hẹn Phước khoảng 18 giờ ngày 30/3/2018 đến xem xe tại số 55D Kênh Tân Hóa. Do sợ bị phát hiện, C đưa xe gắn máy Yamaha Exciter biển số 83C1-25787 cùng giấy đăng ký xe giả mang tên Đặng Huy C cho Lê Duy An chạy đến điểm hẹn để bán cho Phước thì bị Phước bắt giữ giao cho Công an. Tại CQĐT, An khai khi đưa giấy đăng ký cùng xe máy trên đi bán nhìn vào giấy đăng ký xe thấy không đúng năm sinh của C, An nghĩ l à giấy giả, xe do phạm tội mà có nhưng vì C nói: “Tao xăm mình, sợ người mua xe không dám mua, mày ra bán xe dùm tao”, nghĩ C là bạn học, có thời gian ở chung phòng trọ nên An mang xe đến điểm hẹn bán dùm C và C cũng không nói cho An biết nguồn gốc của xe và không hứa hẹn cho An tiền. Do đó, chưa đủ cơ sở xác định An là đồng phạm với C nên CQĐT không xử lý An. 6 Phụ lục số: 02. 12 Quan điểm của các CQTHTT về việc xác định tội danh đối với hành vi của C: - VKSND quận Tân Phú truy tố C về tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có và tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. - Tại bản án HSST số 56/2020/HSST ngày 29/5/2020, TAND quận Tân Phú tuyên phạt C 1 năm tù về tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có và 1 năm tù về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn kiến nghị TAND TP.HCM xem xét hành vi LĐCĐTS của bị cáo C và vai trò đồng phạm của Lê Duy An. - Ngày 27/6/2020, VKSND TP.HCM ra quyết định kháng nghị phúc thẩm số 28/QĐ-VKS-P7 kháng nghị toàn bộ bản án HSST của TAND quận Tân Phú, đề nghị TAND TP.HCM xét xử phúc thẩm theo hướng hủy bản án sơ thẩm để điều tra, truy tố, xét xử lại theo thủ tục chung do bị cáo C sử dụng giấy đăng ký xe mô tô gắn máy, CMND giả để bán lại cho người khác là có dấu hiệu phạm thêm tội LĐCĐTS nhưng cấp sơ thẩm chưa điều tra làm rõ hành vi này của bị cáo là có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm. - Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện VKSND TP.HCM cho rằng ngoài tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có và tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; bị cáo C còn có dấu hiệu phạm thêm tội LĐCĐTS nhưng cấp sơ thẩm chưa điều tra làm rõ là có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm. Do đó, đề nghị HĐXX chấp nhận kháng nghị số 28/QĐ-VKS-P7 ngày 27/6/2020 của V K S N D T P . H C M , hủy bản án sơ thẩm để điều tra, truy tố, xét xử lại theo thủ tục chung. - Tại bản án HSPT số 382/2020/HS-PT ngày 11/9/2020, TAND TP.HCM không chấp nhận kháng nghị số 28/QĐ-VKS-P7 ngày 27/6/2020 của VKSND TP.HCM, giữ nguyên bản án sơ thẩm số 56/2020/HSST ngày 29/5/2020 của TAND quận Tân Phú; tuyên bị cáo C phạm tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có và tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Nhận xét, đánh giá và vướng mắc đặt ra từ vụ án: Trong vụ án này có hai quan điểm khác nhau liên quan đến việc xác định tội danh đối với hành vi của C như sau: - Tòa án cấp sơ thẩm và VKSND TP.HCM cho rằng ngoài tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có và tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; C còn phạm thêm tội LĐCĐTS vì C có hành vi sử dụng giấy đăng ký xe mô tô gắn máy, CMND giả để bán lại xe gắn máy cho người khác nhằm chiếm đoạt tài sản. 13 - VKSND quận Tân Phú và TAND TP.HCM đều cho rằng hành vi của C không phải là hành vi gian dối để chiếm đoạt tài sản, C không có hành vi chiếm đoạt tài sản nên C chỉ phạm tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có và tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức mà không phạm tội LĐCĐTS. Tác giả đồng tình với quan điểm của VKSND quận Tân Phú và TAND TP.HCM khi cho rằng hành vi của C không phạm tội LĐCĐTS. Trong vụ án này, để xác định C có phạm tội LĐCĐTS hay không thì cần phải xác định được C có hành vi chiếm đoạt tài sản của anh Phước hay không, hay C chỉ muốn bán chiếc xe cho anh Phước (tiêu thụ tài sản) để hưởng khoản tiền chênh lệch. Hồ sơ vụ án cho thấy, khi bán xe chiếc xe Exciter biển số 59V2-33746, C đã cho Phước xem giấy tờ xe mang tên Huỳnh Văn Liêm. Bản thân Phước biết xe không phải mang tên Đặng Huy C, Phước không biết địa chỉ của C ở đâu và Phước cũng biết có thể C sẽ không dẫn Liêm đi công chứng. Biết tình trạng xe như trên lẽ ra Phước phải từ chối mua xe do không mua từ chính chủ sở hữu nhưng vì tham rẻ nên Phước vẫn đồng ý mua và chấp nhận rủi ro. Khi mua bán, C đã giao xe (tài sản) và nhận tiền từ Phước, ý chí của cả hai bên là thuận mua vừa bán, không ai bị ép buộc. Bản thân C chỉ muốn bán được chiếc xe mà biết rõ là do phạm tội mà có nhằm hưởng khoản tiền chênh lệch (11 triệu đồng), thu lợi bất chính chứ hoàn toàn không có ý định gian dối nhằm chiếm đoạt tiền của Phước. Khi Phước đưa 35 triệu đồng cho C là để nhận lại chiếc xe máy và giấy tờ xe đứng tên Huỳnh Văn Liêm. Hơn nữa, nếu cho rằng C chiếm đoạt 35 triệu đồng của Phước là không hợp lý vì C đã bỏ ra 24 triệu đồng để mua chiếc xe này và thực tế, C đã giao xe và giấy tờ xe cho Phước. Tương tự với lần thứ hai, C nhờ An bán xe gắn máy hiệu Yamaha Exciter biển số 83C1-25787 cho Phước với giá 35 triệu đồng nhưng chưa kịp nhận tiền thì bị bắt giữ cùng vật chứng. Hành vi của C trong lần thứ hai này cũng chỉ là để bán được xe với giá cao hơn nhằm tiêu thụ được xe và hưởng lợi bất chính qua khoản tiền chênh lệch thu được. Chỉ với hai hành vi mua xe và làm giả giấy tờ tài liệu nhằm bán xe với giá cao hơn để thu lợi bất chính thì việc cấp sơ thẩm điều tra, truy tố và xét xử C về hai tội danh tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có và tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức mà không xử lý về tội LĐCĐTS là phù hợp. Vì C không có hành vi chiếm đoạt tài sản. Với vụ án trên, để xác định đúng tội danh đối với hành vi của C thì cần phải phân định rõ ranh giới giữa hành vi chiếm đoạt tài sản trong tội LĐCĐTS (Điều 174 BLHS năm 2015) với hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có trong 14 tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có (Điều 323 BLHS năm 2015) và các hành vi có liên quan đến hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có nhưng không phải là hành vi chiếm đoạt tài sản – tức không phải là tội phạm. Theo đó, chiếm đoạt tài sản là hành vi cố ý chuyển dịch trái pháp luật tài sản của người khác thành tài sản của mình. Còn tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có là hành vi của người không hứa hẹn trước mà thực hiện một trong các hành vi tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có như: mua, bán, thuê, cho thuê, trao đổi, cầm cố, thế chấp, đặt cọc, ký gửi, cho, tặng, nhận tài sản hoặc giúp cho việc thực hiện các hành vi đó.7 Hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có không có hành vi chiếm đoạt và không xâm phạm đến khách thể là quyền sở hữu tài sản. Hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có chỉ xâm phạm đến trật tự công cộng, trật tự trị an xã hội và xâm phạm đến hoạt động của các cơ quan tư pháp trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự. Như vậy, nếu chiếm đoạt tài sản là hành vi làm cho chủ sở hữu tài sản mất khả năng thực tế thực hiện quyền sở hữu đối với tài sản, đồng thời, tạo cho người chiếm đoạt có thể thực hiện được các quyền này và xâm phạm đến khách thể là quyền sở hữu tài sản thì tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có không có các đặc trưng này. Đây là điểm khác biệt cơ bản nhất giữa hành vi chiếm đoạt tài sản với hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Do đó, trong vụ án trên, để xác định C có hành vi chiếm đoạt tài sản và cấu thành tội LĐCĐTS hay không thì cần phải chứng minh được C có hành vi cố ý chuyển dịch trái pháp luật tài sản đang nằm trong sự quản lý của anh Phước (35 triệu đồng) thành tài sản của mình bằng thủ đoạn gian dối. Tức là C đã thực hiện hành vi xâm phạm đến quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt 35 triệu đồng của anh Phước chứ không phải là muốn bán được chiếc xe mà biết rõ là do phạm tội mà có với giá cao hơn nhằm tiêu thụ được xe và hưởng lợi bất chính qua khoản tiền chênh lệch. Từ vụ án này cho thấy vướng mắc được đặt ra là cần có văn bản hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xác định được thế nào là hành vi chiếm đoạt tài sản và từ đó, phân biệt được hành vi chiếm đoạt tài sản trong tội LĐCĐTS với các hành vi có liên quan đến hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có đã được thực hiện trước đó của người phạm tội nhưng không phải là hành vi chiếm đoạt tài sản và không phải là tội phạm. Khoản 2 Điều 2 Thông tư liên tịch số 09/2011/TTLT-BCA-BQP-BTP-NHNNVN-VKSNDTC-TANDTC ngày 30/11/2011 hướng dẫn áp dụng quy định của BLHS về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có và tội rửa tiền. 7 15 Thứ ba, phân biệt giữa hành vi chiếm đoạt tài sản trong tội LĐCĐTS (Điều 174 BLHS năm 2015) với các trường hợp không phải là tội phạm (không có hành vi chiếm đoạt tài sản và không phạm tội). Vụ án thứ ba:8 Quyết định Giám đốc thẩm số 12/2021/HS-GĐT ngày 6/4/2021 của TAND cấp cao tại Đà Nẵng về vụ án “Trộm cắp tài sản” đối với bị cáo Nguyễn Văn H, sinh năm 1987. Nội dung vụ án: Nguyễn Văn H là cháu của chị L. H đã nhiều lần mượn xe mô tô hiệu AirBlade biển số 92C1-090.06 của chị L. Lợi dụng việc mượn xe mô tô, H đã đánh thêm 1 chìa khóa và cất giữ với mục đích khi nào chị L đi vắng mà để xe ở nhà thì H sẽ lấy đi. Khoảng 08 giờ ngày 16/1/2018, chị L điều khiển xe mô tô nói trên đến để ở bãi giữ xe chợ Đ (không gửi xe) rồi vào chợ bán vải. H đi đến bãi xe, dùng chìa khóa đã đánh từ trước, mở khóa điều khiển xe của chị L về gửi tại nhà xe của Trường Cao đẳng M. Sau đó, từ ngày 17 đến ngày 19/1/2018, H mang xe mô tô trên đi bán nhiều nơi nhưng không ai mua vì không có giấy tờ. Đến ngày 20/1/2018, H nói với chị L là muốn tìm được xe thì thuê người quen của H tìm xe cho, đưa trước 4 triệu đồng, tìm được xe thì đưa tiếp 15 triệu đồng. Chị L nói lại là nếu tìm được xe, thấy xe thì đưa tiền chứ không đưa tiền trước. Nghe vậy, H mang xe đến bãi xe Bệnh viện T để gửi xe. Đến khoảng 2 giờ ngày 21/1/2018, H mượn điện thoại của người khác, nhắn tin cho chị L với nội dung xe mô tô đang để ở bãi xe của Bệnh viện T, phiếu gửi xe để trong cốp xe, dì xuống lấy xe thì 11 giờ trưa mang tiền đến quán cà phê “TT” để gửi cho họ. Khoảng 10 giờ 30 phút cùng ngày, H đến chợ Đ để chở chị L đi lấy xe, đến nơi, H biết chị L đã trình báo Công an. Khi H chuẩn bị bỏ trốn thì bị Công an mời làm việc. Quá trình làm việc tại cơ quan Công an, H khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Quan điểm của các CQTHTT về việc xác định tội danh đối với hành vi của H: - Tại Kết luận điều tra số 27/KL-ĐTHS ngày 28/5/2018, Cơ quan cảnh sát điều tra (CQCSĐT) Công an thành phố (TP) H đề nghị truy tố H về tội “Trộm cắp tài sản”. 8 Phụ lục số: 03.
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan