Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Khoa học tự nhiên Vật lý Bài giảng lịch sử thế giới cận đại...

Tài liệu Bài giảng lịch sử thế giới cận đại

.PDF
119
927
59

Mô tả:

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI 2 NGUYỄN THỊ BÍCH BÀI GIẢNG LỊCH SỬ THẾ GIỚI CẬN ĐẠI Hà Nội - 2013 2 MỤC LỤC LỜI GIỚI THIỆU.......................................................................................................................................... 5 CHƯƠNG 1: NHẬT BẢN THỜI CẬN ĐẠI............................................................................................ 7 1.1. Cuộc cải cách Minh Trị ở Nhật Bản (1868) ...................................................................... 7 1.2. Nước Nhật Bản cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX ............................................................. 16 Câu hỏi ôn tập ......................................................................................................................... 22 CHƯƠNG 2: TRUNG QUỐC THỜI CẬN ĐẠI................................................................................... 23 2.1. Tình hình Trung Quốc trước khi chủ nghĩa thực dân phương Tây xâm nhập ................. 23 2.2. Cuộc chiến tranh thuốc phiện lần thứ nhất (1840 – 1842) ............................................... 25 2.3. Phong trào nông dân Thái bình Thiên Quốc (1851 – 1864) ............................................ 30 2.4. Trung Quốc cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX ................................................................... 36 Câu hỏi ôn tập ......................................................................................................................... 49 CHƯƠNG 3: ẤN ĐỘ THỜI CẬN ĐẠI.................................................................................................. 50 3.1. Tình hình Ấn Độ trước khi chủ nghĩa tư bản phương Tây xâm nhập.............................. 50 3.2. Thực dân Anh xâm lược và cai trị Ấn Độ ........................................................................ 51 3.3. Cuộc khởi nghĩa của nhân dân Ấn Độ (1857 – 1859) ..................................................... 55 3.4. Chính sách thống trị của thực dân Anh và phong trào đấu tranh của nhân dân Ấn Độ cuối thế kỷ XIX....................................................................................................................... 58 3.5. Phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Ấn Độ đầu thế kỷ XX ......................... 61 Câu hỏi ôn tập ......................................................................................................................... 65 CHƯƠNG 4: ĐÔNG NAM Á THỜI CẬN ĐẠI .................................................................................... 66 4.1. Quá trình xâm chiếm Đông Nam Á của chủ nghĩa thực dân phương Tây (thế kỉ XVIXIX) ........................................................................................................................................ 66 4.2. Cuộc đấu tranh chống thực dân giành độc lập dân tộc của nhân dân Đông Nam Á .......... 67 4.3. Một số quốc gia Đông Nam Á tiêu biểu .......................................................................... 72 Câu hỏi ôn tập ......................................................................................................................... 95 CHƯƠNG 5: CHÂU PHI THỜI CẬN ĐẠI ........................................................................................... 96 5.1. Khái quát về tình hình châu Phi trước khi bị thực dân xâm lược .................................... 96 5.2. Sự xâm nhập của chủ nghĩa thực dân châu Âu ................................................................ 97 5.3. Phong trào đấu tranh chống thực dân của nhân dân châu Phi ....................................... 100 Câu hỏi ôn tập ....................................................................................................................... 103 CHƯƠNG 6: MĨ LATINH THỜI CẬN ĐẠI....................................................................................... 104 6.1. Tình hình các nước Mĩ Latinh trước cuộc chiến tranh giành độc lập ............................ 104 6.2. Phong trào giải phóng dân tộc ở Mĩ Latinh cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX ............ 106 6.3.Các nước Mĩ Latinh cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX ..................................................... 111 Câu hỏi ôn tập ....................................................................................................................... 116 KẾT LUẬN ................................................................................................................................................. 117 TÀI LIỆU THAM KHẢO ....................................................................................................................... 118 3 4 LỜI GIỚI THIỆU Nội dung cơ bản của Lịch sử thế giới thời cận đại là sự chuyển biến từ chế độ phong kiến sang chế độ tư bản chủ nghĩa, sự xác lập phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa trên phạm vi toàn thế giới. Những cuộc cách mạng tư sản ở Tây Âu và Bắc Mỹ (giữa thế kỷ XVI - XIX) đã từng bước thiết lập hệ thống chính trị tư sản trong các quốc gia phát triển như Hà Lan, Anh, Pháp, Mỹ, Đức..rồi lan tỏa ảnh hưởng ra các nước nước ở châu Âu, châu Á và Mỹ Latinh với những mức độ khác nhau. Cùng với việc hình thành bộ máy nhà nước tư sản là sự xuất hiện của các trào lưu tư tưởng về quyền con người và quyền công dân, các học thuyết về thể chế chính trị và quyền tự do dân chủ, nổi bật nhất là trào lưu Triết học Ánh sáng, các dòng văn học lãng mạn và hiện thực phản ánh cuộc vận động lớn lao đó. Thời kỳ này còn đánh dấu sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp, mở đầu bằng việc phát minh và sử dụng máy hơi nước vào sản xuất ở nước Anh cuối thế kỷ XVIII. Một quá trình công nghiệp hóa diễn ra rầm rộ ở châu Âu, tạo ra một bước ngoặt cơ bản “từ làn sóng văn minh nông nghiệp sang làn sóng văn minh công nghiệp” theo cách nói của A.Toffler. Sự phát triển của chủ nghĩa tư bản còn gắn liền với quá trình thực dân hóa ở các châu lục chậm phát triển. Từ các thuộc địa của người Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha trong các cuộc phát kiến địa lý (cuối thế kỷ XV) đến hệ thống thuộc địa rộng lớn của người Anh, người Pháp vào cuối thế kỷ XIX, trên thế giới hầu như không còn vùng “đất trống”, nghĩa là không còn nơi nào không bị người phương Tây xâm lược và thống trị. Các nước châu Á, Phi và Mỹ latinh không đứng vững được trước làn sóng thôn tính ào ạt của phương Tây có trình độ kinh tế cao hơn hẳn, được trang bị những thiết bị quân sự tối tân nên lần lượt trở thành các nước thuộc địa và phụ thuộc. Riêng Nhật Bản, với cuộc Duy Tân Minh Trị (1886), đã vượt qua được thử thách đó, giữ vững chủ quyền, vươn lên thành một nước tư bản và bước vào hàng ngũ các nước đế quốc. Thành công của Nhật Bản đã gây nên một tiếng vang lớn, thúc đẩy phong trào tư sản mới xuất hiện yếu ớt ở một số quốc gia châu Á. Người Trung Hoa thất bại trong việc áp dụng kinh nghiệm duy tân trong cuộc vận động năm Mậu Tuất (1898) đã tìm ra con đường cách mạng với học thuyết Tam Dân của Tôn Trung Sơn, dẫn đến cuộc cách mạng Tân Hợi (1911) nhưng phải dừng lại nửa chừng. Sự lựa chọn giữa hai khả năng cải lương và cách mạng của các nhà yêu nước phương Đông đã không đem lại kết quả gì khi thế giới bước vào cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất – cuộc giành giật thuộc địa giữa các nước đế quốc. Nhưng dẫu sao khu vực châu Á, Phi và Mỹ latinh cũng bị lôi cuốn một cách cưỡng bức vào vòng quay của chủ nghĩa tư bản thế giới. Trước quá trình tăng cường xâm chiếm và đặt ách thống trị thực dân thì ở các nước khu vực châu Á, châu Phi và Mĩ Latinh đã bùng nổ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở khu vực này. Phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc mang nhiều hình thái khác nhau, với nhiều giai tầng lãnh đạo và đông đảo quần chúng tham gia, mặc dù có những tổn thất nặng nề, nhưng không ngừng lớn mạnh ở khắp các châu lục. Từ chỗ đấu tranh theo ý thức hệ phong kiến, sang đầu thế kỷ XX, phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở châu Á, châu Phi và Mĩ Latinh đã có những bước phát triển mới, Lênin gọi đây là thời kỳ “châu Á thức tỉnh”. 5 Trên cơ sở kế thừa những nội dung cơ bản của các bài giảng, giáo trình, tài liệu tham khảo về Lịch sử thế giới cận đại của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường Đại học Khoa học xã hội nhân văn). Đây là những tài liệu rất cơ bản cho chúng tôi biên soạn Bài giảng Lịch sử thế giới cận đại 2 lần này. Với yêu cầu đổi mới của chương trình đào tạo theo học chế tín chỉ, thời gian học ở lớp của sinh viên ít hơn nhiều so với chương trình đào tạo niên chế. Vì vậy, bài giảng môn Lịch sử thế giới cận đại 2 lần này chú trọng đến việc đổi mới phương pháp dạy học lịch sử theo hướng phát huy tính tích cực tự học, tự nghiên cứu cũng như tăng thời lượng các buổi thuyết trình, thảo luận, thực hành... của sinh viên phù hợp yêu cầu học tập, nghiên cứu của sinh viên Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2. Mặc dù đã có nhiều cố gắng đầu tư công sức, thời gian để biên soạn. Tuy nhiên, Bài giảng chắc chắn không tránh khỏi những hạn chế và thiếu sót. Chúng tôi rất mong nhận được sự góp ý, giúp đỡ của các nhà khoa học và các bạn đồng nghiệp. 6 CHƯƠNG 1: NHẬT BẢN THỜI CẬN ĐẠI Nhật Bản là một quốc đảo ở châu Á. Đất nước Nhật Bản trải dài theo hình cánh cung gồm 4 đảo chính: Hônshu (Bản Châu), Hook-kai-đô (Bắc Hải đảo), Kyushu (Cửu Châu) và Shi-ko-ku (Tứ Quốc). Diện tích của quốc gia này chừng 374.000km2. Nhật Bản nằm ở vòng cung núi lửa và luôn xảy ra chấn động. Đất nước nhiều núi, ít sông, sông ngắn, vùng đồng bằng có thể trồng trọt được chỉ khoảng 15%, là một vùng cằn cỗi, ít tài nguyên, nhân dân Nhật Bản phải vật lộn vất vả để tồn tại và phát triển. Nhờ vị trí cách biển khá rộng với Trung Hoa nên ảnh hưởng của vòng cung văn hóa Trung Hoa đến Nhật Bản có nhiều hạn chế, do đó, Nhật Bản có khả năng tạo nên một thế giới mang bản sắc riêng. Vào thời cận đại, cũng nhờ vào những điều kiện của riêng mình, Nhật Bản đã tìm được con đường tự hội nhập với thế giới phát triển và với cuộc Minh Trị Duy tân, Nhật Bản đã trở thành đế quốc tư bản duy nhất ở châu Á. 1.1. Cuộc cải cách Minh Trị ở Nhật Bản (1868) Từ giữa thế kỷ XVIII đến giữa thế kỷ XIX, dưới sự thống trị của phong kiến Tôkưgaoa, kinh tế tư bản chủ nghĩa ngày càng phát triển ở thành thị và nông thôn Nhật Bản dẫn tới mâu thuẫn sâu sắc giữa lực lượng sản xuất mới với quan hệ phong kiến lỗi thời, lạc hậu. Sự phát triển kinh tế, nhất là của các phiên quốc Tây Nam làm biến đổi các giai cấp trong xã hội Nhật Bản, mâu thuẫn giữa giai cấp tư sản, quần chúng nhân dân với giai cấp phong kiến càng thêm gay gắt. Cuộc đấu tranh chống phong kiến của quần chúng nhân dân, đòi cải cách để đưa Nhật Bản phát triển gia tăng mạnh mẽ. Trước hành động kí Hiệp ước bất bình đẳng với phương Tây của Mạc phủ, quần chúng nhân dân cương quyết chống Mạc phủ và chống cả phương Tây. Tuy nhiên, Nhật Bản đã sớm nhận thức rằng họ chưa đủ mạnh để chống trả lại phương Tây. Vì vậy, phái “đảo Mạc”, nhất là các phiên quốc Tây Nam tập trung chống Mạc phủ đòi trao quyền lực cho Thiên Hoàng. Sau một thời gian chống cự nhưng không nổi, cùng với áp lực đấu tranh của quần chúng nhân dân, Mạc phủ đã đầu hàng, quyền hành được trao cho Thiên hoàng. Chính phủ mới do Thiên hoàng Minh Trị (Mâygi) lập ra, (cơ sở chủ yếu là các võ sĩ phiên quốc phương Nam) đã tiến hành một loạt cải cách trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, hành chính, quân sự, giáo dục... làm biến đổi lớn lao lịch sử Nhật Bản. Sau Minh Trị Duy tân, Nhật Bản chẳng những vẫn giữ được độc lập dân tộc, không bị nước ngoài thống trị, mà còn đưa đất nước phát triển theo con đường tư bản chủ nghĩa hùng cường. 1.1.1. Tình hình Nhật Bản trước cuộc Minh Trị Duy tân Từ đầu thế kỷ XVII, quyền hành trong nước nằm trong tay Sôgun (Tướng quân thuộc dòng họ Tôkưgaoa). Sự thống trị của Mạc phủ Tôkưgaoa kéo dài trong suốt 265 năm (1603 1868). Chính quyền Mạc phủ trực tiếp nắm khoảng ¼ đất nước, còn ¾ lãnh thổ phân cho các chư hầu phong kiến cai quản. Những vùng đất này được gọi là “phiên quốc”. Đứng đầu phiên quốc là Đaimiô (phiên chủ). Xã hội phong kiến Nhật Bản thời kì mới hình thành chia ra 4 đẳng cấp chủ yếu: sĩ, nông, công và thương. Theo tiến trình lịch sử, khi kinh tế hàng hóa xuất hiện và phát triển vai trò của 7 thương nhân và thợ thủ công ngày càng được coi trọng hơn so với nông dân. Xã hội được chia thành các bộ phận: Tầng lớp thống trị: bao gồm Thiên hoàng, Tướng quân, các phiên chủ cùng gia thần; Tầng lớp Samurrai (võ sĩ) và nhân dân bị trị gồm nông dân, thợ thủ công, thương nhân. Vì thời gian đóng cửa quá dài (gần 3 thế kỷ) không có các cuộc chiến tranh lớn, tầng lớp Samurrai, nhất là võ sĩ lớp dưới phần lớn bị phân hóa, chuyển sang nhiều ngành nghề khác nhau: kinh doanh thương mại, buôn bán bất động sản, ngân hàng, hoặc làm con nuôi của những nhà tư sản hoặc quý tộc tư sản hóa... Những người bị trị hết sức khổ sở, nhất là người nông dân chịu nhiều tầng áp bức bóc lột, đời sống nhân dân vô cùng cực khổ: mất mùa, đói kém thường xuyên xảy ra (từ năm 1790 đến năm 1840, ở Nhật Bản đã xảy ra 22 lần mất mùa, đói kém). Sự chia rẽ xã hội theo chế độ đẳng cấp rất khắt khe, là một trở ngại lớn cho sự phát triển xã hội và làm cho chế độ phong kiến ngày càng thêm suy yếu. Từ giữa thế kỷ XVIII, mầm mồng kinh tế tư bản chủ nghĩa đã bắt đầu phát triển ở thành thị và nông thôn Nhật Bản dẫn tới những mâu thuẫn ngày càng gay gắt giữa lực lượng sản xuất mới, với quan hệ phong kiến lỗi thời, lạc hậu. Nhiều công trường thủ công xuất hiện, nhất là công trường dệt vải lụa ở Tokyo, Osaca... Đến giữa thế kỷ XIX, các xưởng luyện thép, chế tạo máy, đóng tàu.. đã xuất hiện ngày càng nhiều, nhất là ở các phiên quốc Tây Nam. Nếu năm 1854, ở Nhật chỉ có 300 công trường thủ công thì đến 1869, con số này đã lên đến 400. Giai cấp tư sản (những chủ các công trường thủ công và tầng lớp thương nhân kiêm cho vay tiền...) ngày càng mở rộng sản xuất trên những lĩnh vực chủ yếu như ngành dệt, luyện thép, đóng tàu...và thu được những khoản lãi lớn, tiềm lực kinh tế của họ ngày càng lớn mạnh. Do giỏi kinh doanh, họ giàu lên rất nhanh chóng. Trong khi đó, các Samurrai, đặc biệt là các võ sĩ lớp dưới do ít bổng lộc, đời sống của họ ngày càng nghèo khổ. Tầng lớp võ sĩ này cũng như các Đaimiô phần lớn trở thành con nợ của giai cấp tư sản. Họ không đủ sống trước sự phát triển của kinh tế hàng hóa, phải chuyển sang kinh doanh tư bản chủ nghĩa trong các lĩnh vực công nghiệp và thương nghiệp hoặc nâng cao học vấn về nhiều mặt để trở thành bác sĩ, nhà giáo, trí thức... Thậm chí các võ sĩ còn bán cả chức tước, cung kiếm hoặc làm tôi tớ cho thương nhân. Chủ nghĩa tư bản càng phát triển, đời sống nông dân chẳng những không được cải thiện mà càng thêm khổ sở hơn (nông dân chiếm 80 - 90% cư dân Nhật Bản và bị bóc lột thậm tệ). Dưới tác động của kinh tế hàng hóa, nhiều nông dân phải bỏ nông thôn ra thành thị kiếm việc làm do vi phạm quy định mua bán ruộng đất. Để ngăn chặn việc nông dân bỏ nông thôn ra thành thị ngày càng nhiều, Mạc phủ tiến hành một số biện pháp như: Cấm nông dân rời bỏ nông thôn nếu không được lãnh chúa cho phép; miễn giảm hoặc xóa một số nợ của võ sĩ đối với thương nhân. Đồng thời để làm yếu các lực lượng chống đối khác, Mạc phủ cũng thực hiện một loạt chính sách, chẳng hạn như: đánh thuế vào thương nhân, trấn áp những người theo Tây học...1 Những biện pháp trên của Mạc phủ đã ngăn chặn, kìm hãm sự phát triển kinh tế hàng hóa tư bản chủ nghĩa, do đó, chỉ làm tăng thêm sự căm phẫn và mối mâu thuẫn giữa giai cấp tư sản, quần chúng nông dân với giai cấp phong kiến. Các cuộc đấu tranh của nông dân, thị dân ngày càng gia tăng từ cuối thế kỷ XVIII đến đầu thế kỷ XIX. Khởi nghĩa lan ra các thành phố lớn như: Êđô, Nagasaki, Takayama... Trong những năm 30 - 40 của thế kỷ XIX, khởi nghĩa nông dân lan ra thành thị đã thúc đẩy dân nghèo nổi dậy. Năm 1837, cuộc khởi nghĩa do một 1 Phan Ngọc Liên (cb), Đào Tuấn Thành, Nguyễn Thị Huyền Sâm, Mai Phú Phương, Lịch sử thế giới cận đại, tập 1, Nxb Sư phạm Hà Nội, 2008, tr 281. 8 Samurrai lãnh đạo đã nổ ra ở Osaka. Những người khởi nghĩa đã đòi giảm thuế, tô, chống đầu cơ tích trữ...Cuộc khởi nghĩa của nông dân Ômi nổ ra năm 1842...Các cuộc khởi nghĩa cho thấy chính quyền phong kiến Tôkưgaoa sau mấy thế kỷ tồn tại, đã không thể điều hòa được mâu thuẫn xã hội và giải quyết con đường phát triển xã hội của Nhật Bản. Lúc bấy giờ, cũng đã có sự phân hóa ngay trong giai cấp phong kiến, nhất là ở các phiên quốc Tây Nam (Hidên, Chôsu, Satsuma, Tôsa ...). Tầng lớp võ sĩ tư sản hóa cùng với giai cấp tư sản đã phối hợp với nhau chống lại những cản trở của chính quyền phong kiến Nhật Bản trong việc phát triển chủ nghĩa tư bản và sản xuất. Lực lượng giai cấp tư sản, đặc biệt là quý tộc tư sản hóa gây áp lực với các phiên quốc Tây Nam, đòi thực hiện một số cải cách nhằm tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế phát triển: giảm tô thuế cho nông dân vào những năm mất mùa ; chú trọng phát triển công nghiệp, hàng hải; khuyến khích học tập khoa học tự nhiên. Sau khi thực hiện một số cải cách nói trên, chính quyền phong kiến ở các phiên quốc Tây Nam mạnh hơn nhiều so với các phiên quốc khác. Trong khi chế độ phong kiến Mạc phủ suy yếu, tư bản Âu, Mĩ ngày càng phát triển mạnh, họ gây áp lực, đòi mở cửa Nhật Bản để giao thương. Năm 1853, Đô đốc Pêri (M.C. Perry) Mĩ đưa 4 chiếc thuyền đến cảng Uraga (trong vịnh Tokyo ngày nay) đòi Chính phủ Mạc phủ mở cửa thông thương cứu trợ và bảo vệ những thủy thủ Mĩ, đòi mở cửa buôn bán. Năm 1854, bằng sự uy hiếp vũ lực, Đô đốc Pêri buộc chính quyền Sôgun Nhật Bản phải kí Hiệp ước Kanagaoa, theo đó, Nhật Bản phải mở hai cảng thông thương (Simôđa, Hakôđatê). Năm 1858, Mĩ ép Nhật Bản phải kí Hiệp ước buôn bán bất bình đẳng với Mĩ. Nhật Bản phải mở thêm các cửa biển Êđô, Nigata, Kôbê, Yôkôhama, Osaka, Nagasaki và cho Mĩ nhiều quyền lợi khác. Sau Mĩ, các nước phương Tây khác: Anh, Pháp...cũng liên tiếp yêu cầu Nhật Bản mở cửa. Hoảng sợ trước sức mạnh của tư bản phương Tây, Mạc phủ Tôkưgaoa đã lần lượt kí những Hiệp ước bất bình đẳng với các nước này. Từ đó, thương nhân nước ngoài tự do vào Nhật Bản, vơ vét nguyên liệu như tơ, bông, chè và vàng với giá rẻ và bán vải lụa và các hàng tiêu dùng khác với giá cao. Giá cả hàng hóa, lương thực trong nước tăng vọt. Công việc kinh doanh của giai cấp tư sản trong nước gặp khó khăn, đời sống nhân dân sa sút. Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận rằng, bên cạnh những mặt tiêu cực, chính sách mở cửa của chính quyền Tôkygaoa sau nhiều thế kỷ “bế quan tỏa cảng” đã giúp tránh cho Nhật Bản phải đương đầu một cuộc xâm lược vũ trang của các nước phương Tây. Nhật Bản có điều kiện tái hòa nhập với những chuyển biến chung của kinh tế thế giới. Đồng thời làm cho Nhật Bản nhận thức rõ hơn về sự lạc hậu của mình để quyết tâm thúc đẩy cải cách Minh Trị thành công 2. Do hậu quả tiêu cực của việc “ký kết các Hiệp ước bất bình đẳng”, phong trào đấu tranh chống Mạc phủ càng phát triển mạnh mẽ hơn. Phong trào phát triển mạnh nhất là ở các phiên quốc Tây Nam, nơi kinh tế tư bản chủ nghĩa phát triển và chịu nhiều tác động xấu từ sự xâm nhập của phương Tây. Các phiên quốc trở thành lực lượng chủ yếu trong phong trào “Đảo Mạc” (Lật đổ Mạc phủ). Họ đưa ra khẩu hiệu “Tôn vương nhường Di” với ý nghĩa “khôi phục quyền lực của Thiên hoàng và đánh đuổi bọn tư bản nước ngoài man rợ”. Họ còn đề ra khẩu hiệu “Bốn giai cấp đều bình đẳng” để lôi kéo quần chúng nhân dân về phía mình. Ban đầu do chủ trương bài ngoại, các phiên quốc Tây Nam như Chôsu, Satsuma đã xung đột quân sự với các binh thuyền Anh, Pháp. Nhưng ngay trong trận đọ sức đầu tiên, Chôsu, Satsuma đã bị nếm đòn thất bại trước vũ khí hiện đại của phương Tây. Từ đó, không chỉ chính 2 Nguyễn Văn Kim, Nhật Bản ba lần mở cửa - ba lần lựa chọn, Tạp chí, NCLS, Số 5, 2004, tr. 55 9 quyền hai phiên quốc này mà cả đất nước Nhật Bản hiểu rằng không thể tiến hành bài ngoại một cách mù quáng mà phải xây dựng thực lực của đất nước hùng mạnh mới đủ sức đánh bại phương Tây. Nhật Bản không có cách gì khác là phải học tập các nước tư bản chủ nghĩa và phải bằng sự nỗ lực của bản thân. Do đó, các lực lượng chống Mạc phủ đã bỏ khẩu hiệu chống phương Tây chỉ tập trung vào việc lật đổ Mạc phủ. Phong trào “Đảo Mạc” ở các phiên quốc Tây Nam đã thu hút đông đảo nông dân và thị dân trong khắp cả nước nổi dậy khởi nghĩa. Phong trào đã diễn ra với một tinh thần dân tộc hết sức mạnh mẽ nhưng cũng đầy lí trí. Trước tác động của tình hình biến đổi trong nước và tác động quốc tế, phong trào tiếp tục phát triển thành một trào lưu cải cách sâu rộng. Sau nhiều lần đem quân chinh phạt các phiên quốc Tây Nam không thành, lại bị khốn đốn trước phong trào nổi dậy của quần chúng nhân dân, đặc biệt là bị thảm bại trong trận chiến ở Kyôtô ( ngày 2 - 1- 1868), và bị vây hãm ở thành Êđô (trung tuần tháng 3 - 1868), trước tình hình đó, tháng 4 - 1868, Sogun Kâyki (Keiki) phải dâng thành đầu hàng. Tuy vậy, các thế lực của Mạc phủ còn tiếp tục kháng cự ở một vài nơi đến ngày 27 - 6 - 1868 mới hoàn toàn bị đánh bại. Cuộc cách mạng 1868, tuy không đánh bại toàn bộ chế độ phong kiến, mà chỉ lật đổ quyền lực của Sôgun - dòng họ Tôcưgaoa, trao trả lại quyền lực cho Thiên hoàng, nhưng thực chất đây là một cuộc cách mạng tư sản. Bởi lẽ cuộc cách mạng này đã xóa bỏ những trở lực lớn, chủ yếu mở đường cho chủ nghĩa tư bản phát triển ở Nhật Bản. Chính phủ mới đã ban bố một loạt biện pháp đưa Nhật Bản phát triển mạnh mẽ, thoát khỏi ách thống trị của chủ nghĩa thực dân. Cuộc cách mạng này với sự tham gia đông đảo của mọi tầng lớp quần chúng nhân dân, nhất là nông dân, là kết quả đấu tranh lâu dài của nhân dân chống thế lực bảo thủ. 1.1.2. Sự thành lập chính phủ Minh Trị. Các biện pháp cải cách của Thiên hoàng Ngày 3-1-1868, Chính phủ mới được thành lập, do Thiên hoàng Minh Trị (Mâygi) đứng đầu, trên cơ sở liên minh quý tộc - tư sản. Nòng cốt của chính phủ là các võ sĩ có công trong phong trào “Đảo Mạc” ở các phiên quốc Tây Nam như Ôkubô, Saitô... Chỗ dựa về tài chính của chính phủ Thiên hoàng là tầng lớp thương nhân giàu có. Đa số thành viên trong Chính phủ Minh Trị là những người trẻ tuổi mặc dù chưa dày dạn kinh nghiệm lãnh đạo nhưng họ rất năng động, không cố chấp, dễ tiếp thu cái mới. Người lớn tuổi nhất lúc đó là Igoakura - 43 tuổi, trẻ nhất là Itô mới 27 tuổi 3. Tháng 7 năm 1868, Chính phủ mới đổi tên Êđô thành Tokyo Thủ đô của Nhật Bản. Ngày 8/9/1868, Thiên hoàng đổi niên hiệu thành Mâygi (“Minh Trị”, có nghĩa là “cai trị sáng suốt”). Thiên hoàng Minh Trị ra “Tuyên ngôn 5 điểm” (Ngũ điều ngự thề văn) tuyên bố tiến hành Minh Trị Duy tân, xây dựng đất nước theo con đường tư bản chủ nghĩa và thực hiện một loạt các cải cách về xã hội, kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục.... Minh Trị Duy tân là thuật ngữ được dịch từ cụm từ Meiji Ishin trong tiếng Nhật, trong đó Minh Trị là niên hiệu của Nhật hoàng Mutsuhito, vị thiên hoàng thứ 122 của Nhật Bản, trị vì từ 1867 – 1912, “duy” có nghĩa là rằng buộc, duy trì, cũng có nghĩa là bảo vệ, ủng hộ, “tân” là cái mới. Duy tân có nghĩa là ủng hộ, bảo vệ cái mới. Như vậy Minh Trị Duy tân là một chuỗi các sự kiện cải cách, cách mạng trên tất cả các lĩnh vực..đưa Nhật Bản từ một nước phong kiến chuyển sang thế chế quốc gia đầu tiên theo kiểu phương Tây ở châu Á và sau đó trở thành cường quốc duy nhất ngoài Âu – Mỹ. Đây được 3 Vĩnh Sính (1991), Nhật Bản cận đại, NXB, Thành phố Hồ Chí Minh, Tr 108 10 xem là sự kiện trọng đại đối với lịch sử Nhật Bản, lịch sử Đông Á và toàn thế giới với những nội dung cụ thể như sau: * Cải cách về mặt hành chính: nhằm thực hiện chế độ “Tam quyền phân lập”, mọi người đều được tự do... tạo thị trường thống nhất, khuyến khích phát triển công thương nghiệp, xóa bỏ đặc quyền của giai cấp võ sĩ, các giai cấp đều bình đẳng. Tháng 6 năm 1869, cải cách hành chính được tiến hành. Trên cơ sở quy định Thiên hoàng có quyền lực tối cao, thực hiện chế độ “Tam quyền phân lập” của chế độ dân chủ phương Tây , theo đó ba cơ quan Hành chính (hành pháp), Nghị chính (lập pháp) và Tư pháp được tách ra riêng biệt (chủ yếu là hình thức). Năm 1871, Chính phủ ban hành chính sách bỏ phiên quốc thay thế bằng các huyện. Đất đai trong toàn quốc phân thành 72 huyện và 3 phủ (Tokyo, Kyoto và Osaka) trực thuộc Trung ương. Các phiên chủ trước đây được bổ nhiệm làm tri huyện mới. Đaimiô ở các phiên quốc được tập trung về Tokyo và hưởng lương bổng của nhà nước. Xóa bỏ các trạm thuế đặt ở các vùng biên giới, cấm các phiên đúc tiền riêng.... Các cải cách trên tạo điều kiện thống nhất thị trường đất nước, thúc đẩy kinh tế phát triển. Chính phủ còn ban bố sắc lệnh xóa bỏ đẳng cấp và các đặc quyền phong kiến. Xóa bỏ các tước hiệu “Đại danh” (Đaimiô), đổi thành quý tộc cấp cao “Hoa tộc” (Kadoku) địa vị chỉ kém “Hoàng tộc” và danh hiệu “võ sĩ” (Samurrai) đổi thành “sĩ tộc” (Siđôku), nhưng vẫn được hưởng những bổng lộc nhất định. Tất cả các tầng lớp khác đều là “bình dân”, họ có quyền chọn nghề nghiệp, được di dời chỗ ở. * Về công - thương nghiệp: chủ trương chung của chính phủ Minh Trị là nhà nước sẽ can thiệp vào sự phát triển công thương nghiệp. Từ năm 1869 đến năm 1870, chính phủ thực hiện nhiều chính sách khuyến khích công thương nghiệp phát triển như: nhà nước xây dựng những xí nghiệp lớn, sử dụng kĩ thuật, thiết bị tiên tiến của phương Tây; chính phủ quản lý các xí nghiệp lớn trong ngành công nghiệp đường sắt, hầm mỏ, luyện kim...; nhà nước khuyến khích, hỗ trợ, nâng đỡ cho các công ty tư nhân ( Mítsui, Mítxuibixi...); xóa bỏ hàng rào thuế quan, thủ tiêu độc quyền của một số tập đoàn thương nhân, thống nhất tiền tệ. Về sau, chính phủ cho tư nhân vay vốn để sản xuất, thậm chí còn xây dựng các xí nghiệp rồi bán rẻ cho tư nhân ( từ tháng 11 năm 1880)... Hàng loạt biện pháp linh hoạt và có hiệu quả của chính phủ trong lĩnh vực công thương nghiệp nói trên đã có tác dụng thúc đẩy nhanh chóng sự phát triển kinh tế tư bản chủ nghĩa ở Nhật Bản. * Về nông nghiệp : chính phủ Thiên hoàng rất chú trọng đến nông dân và nông nghiệp. Năm 1871, chính phủ cho phép nông dân tự do trồng các loại cây tự chọn, xóa bỏ mọi hạn chế đối với nông nghiệp. Chính phủ cũng thấy rõ yêu cầu hàng đầu về cải cách ruộng đất, xóa bỏ những bóc lột kiểu phong kiến đối với nông dân để tạo điều kiện cho chủ nghĩa tư bản phát triển. Vào năm 1872, chính phủ Minh Trị xóa bỏ những quy định cấm bán ruộng (đã có từ 1693) và phát giấy chứng nhận ruộng đất cho những người đang chiếm hữu, cho phép tự do mua bán ruộng đất, sau đó ra quy định về giá thuế nông nghiệp bằng 3% giá đất, nộp bằng tiền. Chủ đất có quyền tự do trồng các loại cây có lãi nhất. Việc cải cách thuế ruộng đất đã tăng thêm nguồn thu cho chính phủ ( vào năm 1875, tỉ lệ này là 80%), đòn bẩy để tích lũy vốn trong phát triển kinh tế của đất nước. Chính sách ruộng đất mới đã kéo chủ đất vào tham gia đầu tư sản xuất, khuyến khích các chủ đất có thể mở rộng kinh doanh với giá thuế được giảm nhẹ, đưa kinh doanh nông nghiệp vào quỹ đạo của kinh tế thị trường. Nhưng những người nông dân 11 nghèo, không có đất đai thì không hề có lợi ích trong cuộc cải cách này, họ trở thành nguồn bổ sung nhân lực dồi dào cho các ngành công thương nghiệp. *Về Giáo dục : được xem là chiến lược hàng đầu để phát triển đất nước Nhật Bản. Ở Nhật lúc này, phong trào “Khai hóa Nhật Bản” rất sôi nổi, nhiều nhà tư tưởng, hoạt động xã hội đã đề ra khẩu hiệu: “Hòa hồn dương tài” (kỹ thuật phương Tây, tâm hồn Nhật Bản). Chính phủ Thiên hoàng rất coi trọng giáo dục nhưng phải trên cơ sở truyền thống Nhật Bản để học tập kĩ thuật phương Tây phục vụ cho công nghiệp hóa đất nước. Một nhà tư tưởng Nhật Bản lúc bấy giờ đã chỉ rõ: “Xác lập một nền tảng vững chắc không thể lay chuyển cho quốc gia chỉ có cách duy nhất là dựa vào con người, đồng thời, hy vọng nhân tài sẽ nối tiếp xuất hiện liên tục cho đến nghìn năm sau. Muốn được như vậy chỉ có đi vào con đường giáo dục mà thôi ” 4. Chương trình giáo dục được thống nhất trong cả nước, thực hiện cưỡng bức và phổ cập giáo dục tiểu học. Nhà nước và nhân dân đều có trách nhiệm chăm lo cơ sở vật chất cho giáo dục, học tập phương Tây để xây dựng giáo dục song giữ vững tinh thần Nhật Bản. Edwin O.Reichauer đã nhận xét rằng: Người Nhật có một ưu điểm đặc biệt là họ chứng tỏ khả năng học tập từ nước ngoài rất tài tình. Nhận xét này được sự đồng tình của rất nhiều nhà nghiên cứu về Nhật Bản Từ thời xa xưa, Nhật Bản đã nhiều lần cử các đoàn lưu học sinh sang các nước Đông Á, chủ yếu là Trung Quốc dưới thời Tùy - Đường để tiếp thu nền văn minh đại lục để phát triển đất nước. Đến thời cận đại, nhận thức được sự phát triển của văn minh phương Tây, Nhật Bản chủ động gửi thanh niên sang Âu Mỹ học tập để văn minh hóa, hiện đại hóa đất nước. Ngay từ lúc đó, chính quyền Minh trị đã biết căn cứ theo nhu cầu của đất nước để lựa chọn các nước có ngành học nổi tiếng nhất ở các trường đại học Âu – Mỹ để gửi lưu học sinh của mình đến đó học tập: học về máy móc, thương nghiệp, tài chính tiền tệ, đóng tàu..thì đi Anh, học luật, thực vật học, động vật học đi Pháp, học về chính trị, y học thì đi Đức, học bưu chính viễn thông, công nghiệp, khai khoáng..đi Mỹ. Chính phủ cũng ban hành chế độ học bổng để khuyến khích học tập, sau đó còn ban hành chế độ cho vay tiền đi du học. Mục đích đưa du học sinh đi học là nhằm dần thay thế lượng chuyên gia nước ngoài ở Nhật. Để thấy rõ hơn những đặc điểm của lưu học sinh Nhật Bản nửa sau thế kỷ XIX, ta so sánh với lưu học sinh Trung Quốc. Năm 1846, Trung Quốc cử 5 du học sinh nước ngoài du học, đến năm 1872 tăng lên thành 120 người sang Mỹ và sau đó còn sang nhiều nước châu Âu như Anh, Pháp, Đức..Tuy nhiên, những lưu học sinh Trung Quốc lại còn quá trẻ, chưa thông thạo ngoại ngữ, kiến thức chuyên ngành hạn chế, cũng không có ý thức dân tộc sâu sắc. Đối tượng du học thường là con nhà quyền quý nên họ chỉ coi đây là chuyến đi du lịch, tham quan là chính nên chưa chú tâm vào học. Điểm quan trọng nhất là sau khi học xong, lưu học sinh Trung Quốc về nước nhưng không có đất dụng võ vì quan điểm bài học thuật phương Tây vẫn còn mạnh. Trong khi đó chính phủ Nhật thì lại coi lưu học sinh là phương pháp tốt nhất để tiếp cận kiến thức và văn minh phương Tây. Do đó, các lưu học sinh rất quan tâm và gắn bó với các vấn đề trong nước, sau khi về nước đóng vai trò tích cực trong sự nghiệp giáo dục, phổ biến kiến thức. 4 Lưu Tộ Xương, Quang Nhân Hồng, Hàn Thừa Văn, Ngải Châu Xương (Chủ biên), sđd, tập4, tr. 89 12 Vào thời Minh Trị, hầu hết những người nắm thực quyền ở Nhật đều có kinh nghiệm thị sát hoặc đã từng du học ở phương Tây ở mức độ nhất định hoặc ít nhất cũng có hiểu biết về phương tây, do đó, vấn đề lưu học sinh càng được quan tâm. Cống hiến lớn nhất của lưu học sinh là tạo ra tầng lớp trí thức mới, đóng vai trò thúc đẩy quá trình tiến bộ của Nhật Bản. Họ tiếp thu tinh thần văn minh phương Tây, đóng vai trò phản biện xã hội tích cực, giúp chính quyền điều chỉnh những chính sách thích hợp và đúng đắn. Nhờ đó, thúc đẩy quá trình dân chủ hóa xã hội Nhật Bản thời cận đại. Ngoài ra, chính quyền Minh Trị còn đẩy mạnh dịch sách báo phương Tây phổ biến ở Nhật, thuê chuyên gia phương Tây làm cố vấn và giảng dạy ở Nhật. Việc mời chuyên gia nước ngoài đến Nhật làm việc đã có từ thế kỷ VIII như nhiều học giả, nhà sư từ Trung Quốc sang Nhật Bản giảng dạy quan niệm của đạo Phật, thế kỷ XVII, các chuyên gia phương Tây đầu tiên đến Nhật để truyền bá tôn giáo và khoa học như: năm 1854 – 1859, Hà Lan cử nhiều chuyên gia đến Nhật giảng dạy về kỹ thuật hàng hải và y học, chuyên gia Anh đến giảng dạy về hải cảng, hải đăng và dạy Anh ngữ, năm 1860, chuyên gia Pháp giúp Nhật hiện đại hóa lục quân, xây dựng hải quân và giảng dạy Pháp ngữ..Theo tính toán cuối thời Tokugawa, Nhật thuê khoảng 200 chuyên gia phương Tây. Đến thời Minh trị duy tân, điều này lại càng được đẩy mạnh thể hiện qua ngay từ điều thứ 5 trong 5 lời thề của chính phủ: “thỉnh cầu trí thức nhân loại, chấn hưng sự nghiệp quốc gia”, tháng 2/1870, chính phủ ban hành Sắc lệnh: “Các điều khoản về việc tiếp nhận chuyên gia nước ngoài” Các chuyên gia nước ngoài được chia làm 2 loại: loại do chính phủ Nhật thuê và do tư nhân thuê. Số lượng chuyên gia tăng lên theo từng năm, trong đó: Bộ công nghiệp là cơ quan thuê nhiều chuyên gia nước ngoài nhất, chiếm 1/3 tổng số chuyên gia. Họ chủ yếu là các kỹ sư trực tiếp chỉ đạo việc thi công các công trình lớn hay điều khiển các máy móc hiện đại, trong đó 60% là người Anh Bộ giáo dục chủ yếu thuê chuyên gia giảng dạy ở các ngành y học, khoa học tự nhiên, trong đó chuyên gia người Đức: 37,2%, Anh: 22,5%, Mỹ 20,1%, Pháp 13%. Bộ Nội vụ chủ yếu thuê chuyên gia người Đức: thiết lập hệ thống cảnh sát. Bộ lục quân thuê người Pháp. Công cuộc khai khẩn thuê chuyên gia người Mỹ. Bộ tài chính thuê người Anh, Pháp.. Các chuyên gia đến Nhật làm việc được trả lương rất cao, chiếm 2,3% tổng ngân sách chính phủ trong đó, 7% chuyên gia có lương tương đương Thái chính Đại thần (thủ tướng Nhật), thậm chí có 1% có lương cao gấp 2 lần Thái chính (mức lương cao nhất ở Nhật). Ví dụ như lương của Thái chính đại thần Sano Tsunemi là 800 yên, trong khi của Caipon, tổng công trình sư người Anh là 10.000 yên (1 yên = 1USD)..Ngoài ra họ còn được quyền cư trú tại nơi làm việc, có chính sách bảo vệ an toàn.. 5 Có thể nói chính phủ Nhật cố gắng rất nhiều trong việc thực hiện chế độ ưu đãi với chuyên gia nước ngoài. Mục tiêu của họ không chỉ đơn thuần sử dụng chất xám của các chuyên 5 Nguyễn Tiến Lực, (2010), Minh trị Duy tân và Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội, trang 227 - 228. 13 gia mà muốn nhờ đó đào tạo những chuyên gia người Nhật để nhật nhanh chóng tự lập trong quá trình phát triển đất nước. Bằng chủ trương đúng đắn, tiến bộ nói trên, chỉ trong một thời gian ngắn, cải cách giáo dục của Nhật Bản đã có những thành tựu thiết thực và đáng kể: nâng cao trình độ học vấn của nhân dân, nhân tài được đào tạo ngày càng nhiều, văn hóa tri thức phổ cập nhanh chóng đến toàn dân...Cải cách giáo dục có tác động to lớn, đặt cơ sở vững chắc cho Nhật Bản bước vào “kỷ nguyên cất cánh” lần thứ nhất trong lịch sử. *Về quân sự: Cùng với những cải cách trên, Chính phủ còn thực hiện một loạt các cải cách khác, trong đó có cải cách về quân sự. - Thành lập Ngự thân binh (sau này là Cận vệ binh) bao gồm quân đội của 3 han: Chosun, Satsuma và Tosa. Đây là lực lượng quân đội thường trực, có trách nhiệm bảo vệ trực tiếp Thiên hoàng và chính phủ. - Xây dựng quân đội Nhật theo mô hình quân đội phương Tây (đầu tiên là Pháp, sau đó là Phổ). - Ban hành lệnh “Trưng binh” theo đó nam giới đủ 20 tuổi, không phân biệt là quý tộc hay bình dân đều phải có nghĩa vụ nhập ngũ trong 3 năm và 4 năm dự bị. - Ngoài ra, để tăng cường sức mạnh cho quân đội, chính quyền Minh Trị còn mua vũ khí từ nước ngoài, hoặc thuê chuyên gia đến hướng dẫn đóng tàu chiến và sản xuất các loại vũ khí. Kết quả là quân đội Nhật ngày càng được tổ chức chặt chẽ, tinh thần kỷ luật cao, tinh nhuệ và đã giành được nhiều thắng lợi trong các cuộc chiến tranh sau này. Những cải cách của Thiên hoàng Minh Trị kéo dài đến cuối thế kỷ XIX, khi Nhật Bản ban hành Hiến pháp và triệu tập Quốc hội, mới chấm dứt thời kì Minh Trị Duy tân. 1.1.3.Tính chất, kết quả, ý nghĩa của cuộc cải cách Minh Trị Khi đánh giá về tính chất của phong trào Minh Trị Duy tân (1886) có rất nhiều quan điểm khác nhau trong đó, tác giả Nguyễn Tiến Lực trong cuốn “Minh Trị Duy tân và Việt Nam” đã tổng kết thành bốn quan điểm lớn như sau6: + Thứ nhất, coi Minh Trị Duy tân là một phong trào phục cổ, là sự thiết lập lại quyền lực chuyên chế tuyệt đối của Thiên hoàng. Tác phẩm tiêu biểu cho trường phái này là bộ “Lịch sử Minh trị” gồm 6 cuốn do Khoa Sử, trường Đại học đế quốc Tokyo, nay là trường Đại học Tokyo biên soạn. + Thứ hai, coi Minh Trị Duy tân là một cuộc cách mạng. Tuy nhiên, khi xem xét tính chất của cuộc cách mạng này thì cũng có những ý kiến khác nhau: *Theo nhà sử học Anh W.G.Beasley của ĐH Stanford (1972) nhấn mạnh rằng đây không phải là một cuộc cách mạng cũng không phải là nền chuyên chế tuyệt đối mà là cuộc cách mạng dân tộc. Theo ông, Minh Trị Duy tân mở đầu bằng phong trào “nhương Di” - chống phương Tây nhưng sau đó lại từ bỏ chính sách này, thi hành chính sách mở cửa và Duy tân đất nước. Về đối ngoại là bảo vệ độc lập dân tộc, về đối nội là cải cách, cải biến xã hội. 6 Nguyễn Tiến Lực, (2010), Minh trị Duy tân và Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội, trang 15 – 19. 14 * F.B.Gibney trong cuốn “Meiji: A cultural Revolution” (1985) lại đưa ra một cách nhận thức mới, coi Minh Trị Duy tân không chỉ là một cuộc cách mạng về chính trị mà là cuộc cách mạng văn hóa nguyên hình và là cuộc cách mạng toàn diện đầu tiên. Ông lý luận như sau: “Từ cuối thế kỷ XVIII đến nay, trên thế giới đã trải qua 5 cuộc cách mạng có tính chất quốc tế: Chiến tranh giành độc lập của Mỹ 1776, Cách mạng tư sản Pháp 1789, Cách mạng Nga 1917, Cách mạng Trung Quốc 1949 và Minh Trị Duy tân ở Nhật Bản. Cách mạng Mỹ và Pháp đã làm biến đổi kinh tế và xã hội ở các nước nhưng nó chủ yếu là cách mạng về chính trị. Cách mạng Nga và Cách mạng Trung Quốc chủ yếu là cách mạng về tư tưởng. Còn Minh Trị Duy tân ở Nhật Bản đầu tiên là cuộc cách mạng chính trị, cuộc cách mạng này châm ngòi cho sợ biến đổi văn hóa, dẫn đến hiện đại hóa đất nước. Về điểm này, Minh Trị Duy tân là sự thể nghiệm đầu tiên của cuộc cách mạng toàn diện thời cận đại”.7 *Đồng tình với quan điểm của Gibney là Kuwabata Takeo cho rằng: Minh Trị Duy tân là sự tiếp nhận một cách chủ động nền văn minh phương Tây dựa trên nền tảng văn hóa dân tộc Nhật Bản đã được phát triển ở trình độ cao trong suốt 250 năm hòa bình nên nó là “cuộc cách mạng văn hóa”. *Igor Latishev, nhà Đông phương học Liên Xô cũ thì coi Minh Trị Duy tân là một cuộc cách mạng tư sản chưa hoàn thành (unaccomplished bourgeois revolution), Takeda Kiyoko cũng sử dụng từ các cách mạng chưa hoàn thành nhưng lại sử dụng từ unfinished, có nghĩa là chưa kết thúc. Ở Nhật Bản, Tanaka Akira cũng có lúc quan niệm Minh Trị Duy tân là duy tân chưa hoàn thành nhưng ông không dùng từ cách mạng”. *Piotr Fedoseev, Viện hàn lâm Liên Xô lại phê phán quan điểm chỉ coi Minh Trị Duy tân là cuộc cách mạng văn hóa, ông nhấn mạnh đó là cuộc cách mạng toàn diện trên tất cả các lĩnh vực: chính trị, xã hội, kinh tế, văn hóa.. *Ở Trung Quốc vào những năm 1950s, các nhà sử học coi Minh Trị duy tân là cuộc cách mạng tư sản chưa triệt để. + Trường phái thứ ba coi Minh Trị Duy tân là một chuỗi cải cách. Quan điểm này chiếm ưu thế trong giới nghiên cứu Nhật Bản trong khoảng những năm 1980s trở về đây. Các nhà nghiên cứu Nhật Bản không dùng từ cách mạng mà dùng từ Duy tân hay cách tân để chỉ chuỗi cải cách thời Minh Trị. Quan điểm này gắn liền với việc coi Minh Trị Duy tân là sự kế thừa những cải cách cuối thời Tokugawa (1830 - 1844). Họ quan niệm Minh Trị Duy tân là “vương chính phục cổ” kết hợp với chuỗi cải cách để đưa Nhật Bản thành “phú quốc cường binh”. + Trường phái thứ tư coi Minh Trị Duy tân vừa là cuộc cách mạng vừa là cải cách. Họ cho rằng Minh Trị Duy tân có nhiều giai đoạn, trước hết là cách mạng lật đổ thể chế Bakufu và sau đó là chuỗi những cải cách nhằm biến Nhật từ một nước phong kiến sang một nước tư bản chủ nghĩa. Ở Việt Nam, các học giả hầu hết đều coi Minh Trị Duy tân có tính chất, ý nghĩa như một cuộc cách mạng tư sản. Cuộc cách mạng này chẳng những xóa bỏ những cản trở của chế độ phong kiến thiết lập chế độ tư bản chủ nghĩa, đưa Nhật Bản phát triển hùng cường mà còn làm cho Nhật Bản hùng mạnh, thoát khỏi ách nô dịch của tư bản nước ngoài. Tuy nhiên, đây là cuộc cách mạng tư sản không triệt để hay cuộc cách mạng còn nhiều hạn chế: lực lượng lãnh 7 Gibney, Frank.B, Meiji: A Cultural Revolution, Nagai Michio- Miguel Urrutia,1985, trang 105 – 106. 15 đạo cách mạng, nội dung cương lĩnh..Song cuộc cách mạng Minh Trị Duy tân đánh dấu một mốc lớn trong lịch sử Nhật Bản. Sau Minh Trị Duy tân, Nhật Bản dần bước vào con đường hiện đại hóa thành công, hoàn thành việc đàm phán lại các hiệp ước bất bình đẳng đã được kí kết trước đây. Quyền thuế quan đã lấy lại được một phần vào năm 1889 và hoàn toàn phục hồi quyền quan thuế vào năm 1911. Các quyền của tòa án từng bước lấy lại được trong khoảng thời gian từ 1894 đến năm 1899 8. Sau chiến tranh Trung - Nhật (1894 - 1895), Nhật Bản tiến hành đấu tranh thủ tiêu các Hiệp ước bất bình đẳng, giành được quyền ngang hàng với các nước tư bản Tây Âu và Mĩ. Từ đó, nước Nhật lớn mạnh và khi chuyển sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa, Nhật Bản trở thành một đế quốc phong kiến quân phiệt. Như vậy, sau năm 1868, chính quyền Nhật không nằm trong tay giai cấp tư sản mà là nền chuyên chế của Thiên hoàng, ra đời trên cơ sở liên minh với quý tộc tư sản để lật đổ chế độ Tokugawa. Các nhà lãnh đạo mới và tầng lớp ưu tú mới của đất nước đều có nguồn gốc võ sĩ, vì thế nước Nhật mới – Đại đế quốc Nhật bản vẫn mang nhiều tính chất quân phiệt. Điều này lý giải tại sao ở Nhật Bản, chủ nghĩa quân phiệt phát triển mạnh mẽ cho đến tận chiến tranh thế giới thứ hai. Thứ hai, công cuộc Minh Trị Duy tân nửa sau thế kỷ XIX đã biến Nhật từ một nước phong kiến thành một nước tư bản chủ nghĩa, thoát khỏi số phận trở thành nước thuộc địa hay phụ thuộc của các nước tư bản Âu – Mỹ, thậm chí, đưa nước Nhật có những bước phát triển kỳ diệu, trở thành một nước “phú quốc cường binh”. Thứ ba, về văn hóa – xã hội, từ một nước có sự phân chia đẳng cấp nghiệt ngã, Nhật Bản đã xây dựng cho mình một “xã hội văn minh”, “tứ dân bình đẳng”, một xã hội học tập vươn đến tầm cao. Thứ tư, Nhật Bản vươn lên trở thành cường quốc duy nhất ở châu Á, sánh vai với các nước Âu – Mỹ. Đối với thế giới, sự thành công của Nhật trở thành tấm gương cho các nước phương Đông noi theo: phong trào cải cách của Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu, chủ trương học theo Minh trị Duy tân để canh tân Trung Quốc, cổ vũ thanh niên Trung Quốc sang Nhật học tập. Phong trào còn tác động mạnh đến nhiều nước khác như: Thái lan, Philippines, Ấn Độ. Ở Việt nam, những nhà yêu nước đứng đầu là Phan Bội Châu đã phát động phong trào Đông Du, cổ vũ nhân dân VN học tập tinh thần duy tân, xây dựng Việt Nam theo khuôn mẫu của nước Nhật mới… Thậm chí nó còn ảnh hưởng đến phong trào cải cách, mở cửa thời hiện đại như: ở Trung quốc năm 1978, Malaisia với phong trào Look East những năm 70-80 của thế kỷ XX, ở Việt Nam thời kỳ đổi mới.. 1.2. Nước Nhật Bản cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX 1.2.1. Sự phát triển nhanh chóng về kinh tế Sau cuộc Minh Trị Duy tân (1868) cho đến cuối thế kỷ XIX, Nhật Bản phát triển mạnh mẽ chủ nghĩa tư bản và chuyển sang giai đoạn chủ nghĩa đế quốc với những đặc điểm riêng của nó. 8 http://www.grris.ac.jp/teacherr/oono/hp/lecturre.../lec03.htm 16 Từ năm 1868 đến trước khi xảy ra chiến tranh Trung - Nhật (1894 - 1895), Nhật Bản chủ yếu phát triển công nghiệp nhẹ. Nhìn chung, về cơ bản công nghiệp của Nhật Bản còn thua xa các nước tư bản Âu, Mĩ về cả trình độ kỹ thuật và trình độ sản xuất cũng như cả quy mô của các ngành công nghiệp. Công nghiệp nặng của Nhật Bản hầu như còn rất mờ nhạt. Nhật Bản chưa có điều kiện về vốn, nguyên vật liệu để đầu tư xây dựng công nghiệp nặng và sản xuất. Sau các cuộc chiến tranh với Trung Quốc và Nga, nhờ số tiền bồi thường chiến tranh lớn (Trung Quốc phải bồi thường cho Nhật Bản 230 triệu lạng bạc) và của cải cướp được ở Triều Tiên và Đông Bắc Trung Quốc, mặt khác chiếm đoạt được vùng cung cấp tài nguyên phong phú và thị trường tiêu thụ lớn, kinh tế Nhật Bản càng phát triển mạnh mẽ. Số xí nghiệp được xây dựng sau năm 1894 từ 2.900 lên 7000 vào năm 1898. Cơ sở hạ tầng ngày càng được chú trọng đầu tư, đặc biệt nhất là độ dài đường sắt được tăng lên không ngừng. Năm 1894 mới chỉ có 3.402 km thì đến năm 1904 đã lên đến 7.539 km. Các ngành công nghiệp nặng bắt đầu phát triển mạnh mẽ với hàng loạt các ngành mũi nhọn như: công nghiệp đóng tàu, chế tạo máy, chế tạo vũ khí, luyện kim, luyện gang thép, tăng cả với quy mô, sản lượng và mức độ hiện dại hóa. Chẳng hạn khu gang thép Yaoata hoàn thành năm 1901 đã sản xuất 53 % lượng gang và 83 % lượng thép trong cả nước. Sản lượng gang thép của Nhật bản tăng lên không ngừng cả số lượng và chất lượng. Nếu năm 1896, sản lượng gang của Nhật Bản là 26.000 tấn, thép là 1200 tấn thì chỉ 17 năm sau, năm 1913, sản lượng gang đã tăng gấp 9 lần, đạt 243.000 tấn và thép tăng gấp gần 19 lần, đạt 225.000 tấn 9. Trong vòng 14 năm (từ năm 1900 đến năm 1914), tỷ lệ giá trị công nghiệp trong nền kinh tế quốc dân đã tăng từ 19% lên 42%. Việc đẩy mạnh công nghiệp hóa đã kéo theo sự tập trung trong công nghiệp, thương nghiệp và ngân hàng. Năm 1889, trong số 6551 xí nghiệp, chỉ có 500 xí nghiệp thuê công nhân từ 500 người trở lên, với tổng số 127.000 công nhân, chiếm 1/3 tổng số công nhân cả nước. Nhiều công ty độc quyền xuất hiện như Mitsubisi, Mitsui (đến đầu thế kỷ XIX, 8 công ty lớn trong ngành dệt chiếm 51,5 % máy móc thiết bị của cả ngành sản xuất than đá của cả nước, do Mitsui quản lí và khai thác) giữ vai trò to lớn trong đời sống kinh tế, chính trị của nước Nhật. Các công ty này làm chủ nhiều ngân hàng, hầm mỏ, xí nghiệp, đường sắt, tàu biển... Lịch sử Nhật Bản gọi thời kỳ này là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai (1895 -1912). Nhiều Cácten và Xanhđica mới xuất hiện, như Xanhđica đường (năm 1908), Liên hiệp ximăng và Cácten thiết bị đường sắt (1909), Cácten dầu lửa (1910)... Vị trí của các công ty độc quyền ngày càng được tăng cường. Năm 1913, các công ty độc quyền đã khống chế gần 75% số vốn đầu tư trong công thương nghiệp của Nhật Bản. Các tập đoàn lũng đoạn, có truyền thống phong kiến lâu đời Mitsubisi, Mitsui đã chi phối và nắm các nhà máy dệt, làm giấy, điện cơ, hầm mỏ, chế tạo tàu biển... Uy thế của các nhóm tài phiệt này rất lớn, khống chế hầu hết đời sống chính trị và kinh tế Nhật Bản. Các tập đoàn độc quyền Nhật Bản tiến hành đầu tư ở nước ngoài, đối tượng chủ yếu là Trung Quốc và Triều Tiên. Năm 1895, lập xưởng làm đường ở Đài Loan. Năm 1896, lập xưởng sợi đầu tiên ở Thượng Hải sau đó gia tăng đầu tư; ngoài ra xây dựng đường sắt ở Trung Quốc và Triều Tiên. Mặc dù chuyển sang giai đoạn chủ nghĩa đế quốc nhưng tàn dư phong kiến vẫn còn tương đối đậm đặc ở Nhật Bản. Mặt khác, yếu tố quân phiệt vẫn còn rất nặng nề do lực lượng 9 Dẫn theo Phan Ngọc Liên ( Chủ biên), Đào Tuấn Thành,... (2008), Sđd, tr.143-144 17 nắm chính quyền sau Minh Trị là quý tộc tư sản hóa (Samurai cấp thấp) có nguồn gốc quân sự. Vì vậy, có thể nói rằng với những đặc điểm riêng biệt do các yếu tố lịch sử, xã hội, kinh tế và vị trí địa chính trị chi phối, chủ nghĩa tư bản Nhật Bản khi chuyển sang giai đoạn chủ nghĩa đế quốc mang đặc điểm là chủ nghĩa đế quốc phong kiến quân phiệt.. Tuy có tốc độ phát triển và tập trung sản xuất cao như vậy, nhưng đến trước Chiến tranh thế giới thứ nhất, về cơ bản Nhật Bản vẫn là nước nông nghiệp. Năm 1913, ở Nhật Bản có đến 60% cư dân sống bằng nghề nông. Công nghiệp nhìn chung còn kém nhiều so với các nước tư bản khác, bên cạnh xí nghiệp lớn vẫn tồn tại xí nghiệp nhỏ, chiếm đến 80% tổng số các xí nghiệp ở Nhật Bản. 1.2.2. Tình hình chính trị và Hiến pháp 1889 a. Tình hình chính trị Sau Minh Trị Duy tân , chủ nghĩa tư bản Nhật Bản trên đà phát triển và 30 năm cuối thế kỷ XIX, chủ nghĩa tư bản Nhật Bản đã chuyển biến mạnh mẽ trên con đường chuyển sang giai đoạn chủ nghĩa đế quốc. Trong xã hội Nhật Bản những mâu thuẫn ngày càng gia tăng, các cuộc đấu tranh chống Chính phủ bùng nổ khắp nơi đặc biệt nhất là phong trào đấu tranh của nông dân. Trong những năm từ 1871 đến năm 1874, phong trào nông dân liên tiếp diễn ra với hơn 80 cuộc bạo động của nông dân. Nông dân khởi nghĩa đã tấn công vào các trụ sở của chính quyền, đốt cháy tài liệu, sổ sách, phá nhà tù, giải thoát những người bị giam cầm... Những cuộc đấu tranh của nông dân đã tác động mạnh mẽ đến đời sống xã hội, buộc Chính phủ phải hạ mức trưng thu giá đất từ 3 % xuống còn 2,5 %. Các cuộc đấu tranh của nông dân được hợp lực với phong trào đòi tự do dân chủ (Người có công truyền bá tư tưởng tự do của phương Tây vào Nhật Bản, tiêu biểu là Fukuzaoa Yukichi. Ông đề cao tư tưởng mọi người phải được bình đẳng; đề cao trình độ học vấn, phản đối lối học kinh viện, đề cao lối học thực hành và đề cao ý nghĩa mục đích để giúp dân, giúp nước...) của giai cấp tư sản và các tầng lớp tri thức tiến bộ cùng với sự xuất hiện của các tổ chức đòi tự do dân quyền “Ái quốc công đảng”, “Ái quốc xã” tạo nên động lực buộc Chính phủ ban hành Hiến pháp năm 1874. Mặt khác, là cơ sở quan trọng để thành lập Đảng Tự do ở Tôkyô vào tháng 10/1881, do các đoàn thể tham gia phong trào tự do dân quyền lập ra. Đảng này đại diện cho lợi ích của địa chủ nhỏ và phú nông, vừa kinh doanh ruộng đất vừa kinh doanh công thương nghiệp, đòi giảm thuế đất và tạo điều kiện cho công thương nghiệp phát triển. Đảng lập Hiến cải tiến cũng được thành lập tháng 4 năm 1882 do Okuma, nguyên là Tham nghị trong chính phủ lập ra. Đảng này chủ trương thành lập nhà nước quân chủ lập hiến theo kiểu Anh, với phương châm chủ quyền thuộc về nhà vua và nhân dân. Phong trào đấu tranh đòi tự do dân quyền là một trong những tác nhân thúc đẩy việc truyền bá tư tưởng tự do tư sản, thúc đẩy phong trào đấu tranh đòi ban bố Hiến pháp. Cùng với phong trào trên, phong trào đấu tranh của nông dân và công nhân cũng phát triển sôi nổi. Giai cấp công nhân Nhật Bản ra đời và không ngừng phát triển do sự phát triển của nền kinh tế công thương nghiệp nhưng đời sống của họ rất cực khổ. Công nhân Nhật Bản phải làm việc mỗi ngày từ 12 đến 14 giờ, trong những điều kiện rất tồi tệ, mà tiền lương lại thấp hơn ở các nước Âu – Mĩ rất nhiều. Do đó, họ đấu tranh đòi tăng lương và cải thiện đời sống, đòi 18 quyền tự do, dân chủ. Các chính Đảng công nhân ra đời, tiếp thu học thuyết Mác. Năm 1901, Đảng Xã hội dân chủ Nhật Bản thành lập dưới sự lãnh đạo của Cataiama Xen. Từ năm 1906, dưới ảnh hưởng của Cách mạng Nga (1905 - 1907), phong trào công nhân ở Nhật Bản phát triển mạnh hơn. Phong trào đấu tranh của công nhân và các tầng lớp lao động khác chống tô, thuế, nạn đắt đỏ... cũng diễn ra rộng khắp và quyết liệt. b. Hiến Pháp 1889 Trước tác động của các phong trào đấu tranh trong xã hội Nhật Bản, Chính phủ buộc phải khởi thảo Hiến pháp mới. Năm 1882, Chính phủ Nhật Bản đã giao cho Hirôbumi (1841-1909) - xuất thân từ quý tộc Tây Nam Nhật Bản, đã từng đi du học ở Anh quốc, tham gia Minh Trị Duy tân và là thành viên của chính phủ mới, đã từng đi nhiều nước Âu - Mĩ và đã giữ chức Nội các Tổng lý đại thần (Thủ tướng - năm 1885) đầu tiên của Nhật Bản khởi thảo Hiến pháp Nhật Bản, theo mô hình quân chủ lập hiến của Đức. Hiến pháp Minh Trị (1889), giống như khuôn mẫu của nó là Hiếp pháp Đức, nhằm thiết lập một chế độ quân chủ lập hiến dựa trên quyền lực đa dạng của Thiên Hoàng10. Nội dung cơ bản của Hiến pháp đã được công bố năm 1889 quy định: - Nhật Bản theo thể chế nhà nước quân chủ lập hiến, Quốc hội gồm hai viện: Viện quý tộc (như Thượng viện) có 368 người, gồm các Hoàng thân, quý tộc và những người giàu có nhất. Viện Dân biểu (như Hạ viện) do các cuộc tuyển cử bầu ra, gồm có 300 đại biểu nhưng quyền lực tuyệt đối nằm trong tay Thiên hoàng. Cử tri được Hiến pháp quy định phải là nam 25 tuổi, có một số tài sản nhất định, đóng thuế hàng năm 15 yên trở lên, có thời gian cư trú là 1,5 năm. Còn người ứng cử theo Hiến pháp quy định phải là nam 30 tuổi trở lên và có đủ các điều kiện trên kèm theo mới được quyền ứng cử vào Quốc hội. Trong cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên, Nhật Bản chỉ có 450.000 người có quyền bầu cử, chiếm 1,24% dân số. - Hiến pháp 1889, đồng thời quy định, Nội các chịu trách nhiệm cá nhân trước Thiên Hoàng. Dự thảo Hiến pháp phải được Viện cơ mật (cơ quan tư vấn của Thiên Hoàng, thẩm định, góp ý kiến). Quốc hội chỉ tham gia soạn thảo pháp luật, nhưng không có quyền quyết định. Thiên Hoàng là người phê chuẩn, tức là làm luật 11. - Thiên Hoàng là nguyên thủ quốc gia có quyền lực thiêng liêng, bất khả xâm phạm (Thiên Hoàng được xem là thần thánh bất khả xâm phạm 12. Hiến pháp giành 17 điều khoản quy định quyền tối thượng của Thiên hoàng. Thiên hoàng có quyền lực tuyệt đối trong việc phê chuẩn pháp luật, bổ nhiệm, bãi miễn các đại thần, triệu tập hoặc giải tán Quốc hội, quyền tuyên chiến và giảng hòa, nắm quyền chỉ huy quân đội ( điều 11 đến điều 13). - Về quyền lợi và nghĩa vụ của “thần dân” - công dân Nhật Bản, sau khi nhắc nhở dân Nhật Bản phải có bổn phận phục vụ trong quân đội, đóng thuế, Hiến pháp nêu rõ họ được hưởng quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp, tín ngưỡng, nhưng phải trong phạm vi luật pháp. Thực tế quyền tự do của nhân dân đã bị hạn chế rất nhiều vì pháp luật cũng do quyền lực Hoàng đế Nhật Bản chi phối. Có thể thấy mặc dù là nhà nước quân chủ lập hiến nhưng theo Hiến pháp 1889 thì ở Nhật Bản quyền lực thực tế nằm trọn trong tay nhà vua, nhân dân được 10 Kishimoto Koichi (1998), Politics Modern Japan development and Organization Japan Echome, Tokyo Hoàng Thị Minh Hoa (1994), Từ Hiến pháp Minh Trị 1889 đến Hiến pháp 1946 của Nhật Bản, Nghiên cứu Lịch sử, số 4,, tr. 53 12 Quang Chính( 1957), Chính trị Nhật bản, 1854-1954), Nhà xuất bản Trình bày, Sài gòn, tr 68,71 11 19 tuyên bố có quyền tự do, dân chủ nhưng cũng chỉ là hình thức và rất hạn chế theo khuôn khổ của các luật định qua các thời điểm lịch sử khác nhau. 1.2.3. Sự bành trướng của đế quốc Nhật Bản Sau thành công của công cuộc duy tân đất nước, Nhật Bản chẳng những thoát khỏi ách thống trị thuộc địa của các cường quốc tư bản phương Tây mà còn phát triển đất nước hùng cường theo con đường tư bản chủ nghĩa. Tuy nhiên, để phát triển kinh tế trong thời kỳ độc quyền và dưới ảnh hưởng mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp, Nhật Bản buộc phải tính toán đến thị trường, nguồn tài nguyên thiên nhiên mà Nhật Bản vốn rất thiếu thốn. Chính sách đối ngoại mới của Nhật Bản có 2 mục đích lớn : - Xâm lược, bành trướng ra bên ngoài, trước hết là hướng vào Trung Quốc và Triều Tiên để tìm kiếm thị trường và nguyên vật liệu. - Tích cực sử dụng phương sách ngoại giao linh hoạt, khôn ngoan đấu tranh đòi xóa bỏ các hiệp ước bất bình đẳng đã kí trước đây với các nước phương Tây. Vào cuối thế kỷ XIX để giành quyền lợi với các nước khác trên lãnh thổ Trung Quốc, năm 1871, Nhật Bản phát động cuộc chiến tranh xâm lược Đài Loan của Trung Quốc với lý do là một số ngư dân Lưu Cầu (là khu vực từng cống nạp cho phong kiến Trung Quốc, bị Nhật Bản xâm lược xem là một phiên của mình) xung đột với ngư dân Đài Loan và bị giết chết. Kết quả, Triều đình Mãn Thanh buộc phải kí với Nhật Bản “Điều ước Bắc Kinh” bồi thường cho Nhật Bản 500 nghìn lạng bạc, đổi lại Nhật Bản mới chịu rút quân khỏi Đài Loan. Năm 1875, mục tiêu mà Nhật Bản hướng tới là gây chiến tranh với Triều Tiên. Vì đây là cơ sở làm bàn mở rộng xâm nhập vào Trung Quốc, Nhật Bản huy động quân đội đánh chiếm đảo Giang Hoa (Kanghwa) của Triều Tiên. Tháng 2- 1876, buộc Triều Tiên kí “Hiệp ước Giang Hoa”, thừa nhận Triều Tiên là nước phụ thuộc vào Nhật Bản. Đây là bước đầu tiên trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản tạo lập vị thế hợp pháp trong quan hệ hai nước để từ đó mở đường can thiệp sâu vào nội bộ của Triều Tiên. Hiệp ước này đánh dấu sự xâm lược đầu tiên của Nhật Bản đối với Triều Tiên. Theo Hiệp ước này, Triều Tiên buộc phải mở các cảng Nhân Xuyên và Nguyên Sơn cho Nhật Bản tự do buôn bán, Nhật Bản được quyền lãnh sự tài phán ở Triều Tiên và được đặt Đại sứ quán tại Triều tiên; Nhật Bản cũng đồng thời công nhận Triều Tiên là một nước độc lập tự chủ có chủ quyền. Như vậy quyền ngoại giao và quan thuế của Triều Tiên đã bị Nhật Bản khống chế. Năm 1882, lấy cớ nhân dân Hán Thành khởi nghĩa chống Nhật, Nhật Bản đã cho quân đổ bộ vào Tiều Tiên buộc Chính phủ nước này phải kí “Điều ước Nhân Xuyên” vào tháng 2-1882. Nhật Bản đã giành được quyền đóng quân ở khu vực này và còn được một món tiền chiến phí lớn. Từ năm 1894 đến 1911, lợi dụng sức mạnh quân sự của mình và mâu thuẫn giữa các nước đế quốc trên lãnh thổ Trung Quốc (Nhật Bản được coi là một trở lực mà Anh, Pháp tính đến để ngăn chặn sự bành trướng của Nga ở Trung Quốc), Nhật Bản đã xóa bỏ được các hiệp ước bất bình đẳng mà trước đây đã kí với Anh, Pháp, Mĩ. Đây là cơ sở quan trọng để Nhật Bản đẩy mạnh cuộc chiến tranh xâm lược, hoàn tất việc biến Triều Tiên thành thuộc địa của mình. Sau Hiệp ước Giang Hoa, là Hiệp ước bảo hộ mà Triều Tiên phải kí với Nhật Bản vào các năm 1904, 1905 và cuối cùng mục đích của Nhật Bản đã đạt được, Triều Tiên đã bị sáp nhập vào Nhật Bản (trở thành thuộc địa của Nhật vào ngày 22 - 8 - 1910). 20
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan