Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Thực trạng tranh chấp chủ quyền tại biển đông trong những năm đầu thế kỷ xxi...

Tài liệu Thực trạng tranh chấp chủ quyền tại biển đông trong những năm đầu thế kỷ xxi

.PDF
15
1344
73

Mô tả:

Thực trạng tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông trong những năm đầu thế kỷ XXI Hồ Thị Bích Ngọc Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Luận văn Thạc sĩ ngành: Quan hệ quốc tế; Mã số: 60 31 02 06 Người hướng dẫn: GS. TS Đỗ Tiến Sâm Năm bảo vệ: 2014 Abtracts: Nghiên cứu, đánh giá tầm quan trọng của Biển Đông trong môi trường chiến lược mới. Tìm hiểu lịch sử tranh chấp chủ quyền của các quốc gia tại khu vực Biển Đông, qua đó làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn của thực trạng tranh chấp tại Biển Đông giữa các bên liên quan. Nghiên cứu một số văn bản pháp lý liên quan việc giải quyết tình trạng tranh chấp tại Biển Đông, đồng thời tìm hiểu thái độ và sự tham gia của các bên tranh chấp đối với các văn bản pháp lý này. Phân tích quan điểm, lập trường, thực trạng chiếm đóng và các hoạt động của các nước có tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông hiện nay. Đánh giá việc giải quyết vấn đề tranh chấp tại Biển Đông thời gian qua, từ đó đưa ra một số giải pháp nhằm giải quyết tình trạng tranh chấp tại khu vực này. Đề xuất một số kiến nghị trong việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam tại Biển Đông. Keywords: Quan hệ quốc tế; Tranh chấp chủ quyền; Biển Đông Content PHẦN MỞ ĐẦU 1. LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI Biển Đông có vị trí địa chiến lược quan trọng đối với nhiều nước trong và ngoài khu vực. Biển Đông là một biển nửa kín ở khu vực Thái Bình Dương, có diện tích hơn 3.5 triệu km², có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú với trữ lượng lớn, đặc biệt là dầu, khí và hải sản. Các tài nguyên này là một điều kiện cần thiết cho sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế của các nước liên quan. Ngoài ra, Biển Đông còn là tuyến hàng hải nhộn nhịp thứ hai trên thế giới, sau tuyến Địa Trung Hải. Mỗi ngày có khoảng 150 - 200 tàu trọng tài lớn đi qua Biển Đông. Hàng hóa xuất nhập khẩu thiết yếu đối với các nền kinh tế như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông phụ thuộc rất nhiều vào tuyến đường biển này. Do vậy, tranh chấp Biển Đông giữa các nước trong khu vực thực chất là nhằm tranh chấp chủ quyền đối với các quần đảo, đảo, các tuyến hàng hải quan trọng, đồng thời kiểm soát các nguồn tài nguyên đa dạng tại khu vực này. Bối cảnh xung quanh khu vực Biển Đông đang có nhiều biến chuyển quan trọng. Vấn đề tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông từ lâu được xem là một trong những nguồn gốc chính của căng thẳng và bất ổn định trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Tranh chấp tại Biển Đông không chỉ là tranh chấp giữa các nước ASEAN với nhau mà còn là tranh chấp giữa các nước ASEAN với Trung Quốc. Tình trạng tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông là một vấn đề do lịch sử để lại. Tuy nhiên, trong bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều biến động như hiện nay, vấn đề biển đảo nổi lên như một trong những vấn đề quan trọng nhất trong chính sách phát triển của tất cả các quốc gia trên thế giới. Với tầm quan trọng đó, cộng đồng quốc tế đã xác định thế kỷ XXI là thế kỷ biển. Do vậy, từ khi bước sang thế kỷ XXI đến nay, các nước ASEAN như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei, Indonesia, Thái Lan, Singapore... một mặt tăng cường các hoạt động nhằm đòi hỏi chủ quyền biển, đảo của mình, mặt khác cũng đang đẩy mạnh hợp tác để tìm giải pháp cho vấn đề Biển Đông. Trong khi đó, về phía Trung Quốc, với tư cách là một nước lớn trong khu vực, Trung Quốc cũng đang gia tăng các hoạt động thực hiện quyền kiểm soát, quản lý của mình đối với các vùng biển, đảo mà họ yêu sách chủ quyền. Trung Quốc một mặt tích cực triển khai các hoạt động ngoại giao song phương và đa phương để xoa dịu mặc cảm về “mối đe dọa Trung Quốc”, thể hiện “thiện chí” mong muốn giải quyết tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình; mặt khác đối với các nước có tranh chấp trực tiếp, Trung Quốc vừa lôi kéo vừa gây sức ép, thậm chí răn đe bằng vũ lực để buộc các nước này phải chấp nhận việc giải quyết tranh chấp theo ý muốn của Trung Quốc. Điều này dẫn đến sự gia tăng của nhiều vụ va chạm và tranh luận về vấn đề Biển Đông, đặc biệt giữa Trung Quốc với Việt Nam và Philippines. Việc Trung Quốc đẩy mạnh các hoạt động tăng cường ảnh hưởng tại Biển Đông đã đe dọa đến an ninh và lợi ích của nhiều nước lớn như Ấn Độ, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia… và kể cả Mỹ. Do đó, tranh chấp Biển Đông không chỉ là vấn đề của riêng các nước liên quan trong khu vực mà nó còn thu hút sự quan tâm của nhiều nước lớn khác ngoài khu vực. Biển Đông hiện nay đang là địa bàn đóng quân và hoạt động của các hạm đội hải quân của nhiều nước trong và ngoài khu vực. Như vậy, vấn đề Biển Đông có sự đan xen rất chặt chẽ những lợi ích của nhiều nước với các mức độ khác nhau. Hòa bình và ổn định ở Biển Đông ảnh hưởng trực tiếp đến hòa bình và ổn định của khu vực và thế giới. Hiện nay, các văn bản pháp lý liên quan việc giải quyết tranh chấp tại các vùng biển nói chung và tại Biển Đông nói riêng có sự gia tăng và phát triển mạnh về số lượng và chất lượng, tạo ra nhiều sự ràng buộc khác nhau cho các bên tranh chấp. Các văn bản pháp lý này được xem như những luật chơi chung mà tất cả các quốc gia tranh chấp phải áp dụng và tuân thủ. Tuy nhiên trên thực tế vấn đề Biển Đông, trong khi hầu hết các bên tranh chấp đều dựa trên Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 để tuyên bố những đòi hỏi chủ quyền thì Trung Quốc lại đưa ra yêu sách “đường lưỡi bò” một cách phi lý và không dựa trên Luật pháp quốc tế. Theo đó, Trung Quốc yêu sách gần 80% Biển Đông và cho rằng đó là vùng nước lịch sử của họ. Yêu sách này hiện đang gây ra sự tranh cãi và gặp phải sự phản đối gay gắt của rất nhiều nước trong và ngoài khu vực. Điều này làm cho tình hình tranh chấp ở Biển Đông thêm căng thẳng và phức tạp. Ngoài ra, một số văn bản pháp lý khác mà các bên liên quan đã dành nhiều thời gian và mất công nghiên cứu soạn thảo để góp phần giảm bớt căng thẳng tại Biển Đông như Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông, tiến tới là Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC)… hiện vẫn chưa đạt được sự thống nhất triệt để và chưa thực sự được triển khai trên thực tế. Cuộc tranh chấp Biển Đông hiện vẫn đang là một “nguy cơ” gây bất ổn trong khu vực. Tranh chấp Biển Đông đã trở thành một trong những cuộc tranh chấp phức tạp bậc nhất trên thế giới. Sự phức tạp của tranh chấp Biển Đông đến từ các yêu sách phức tạp về chủ quyền của nhiều quốc gia đối với các khu vực chồng lấn, hơn thế nữa, nó không chỉ đơn thuần là tranh chấp về mặt luật pháp quốc tế về biên giới biển, lãnh thổ trên biển mà nó còn được đan xen với những lợi ích về địa – chính trị, về kiểm soát con đường vận tải biển chiến lược, và về khai thác các nguồn tài nguyên biển, đặc biệt là dầu mỏ. Thực tế cho thấy tranh chấp các đảo trong Biển Đông đã trở thành một trong những vấn đề an ninh quan trọng nhất trong khu vực bởi yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc sẽ có tác động rất lớn đến việc phân định các đường biên giới biển của khu vực này trong tương lai, và cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ cũng như quyền lợi trên biển của nhiều nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam. Vì vậy, nhu cầu nghiên cứu thực trạng tranh chấp tại Biển Đông hiện nay là một vấn đề cần thiết. Với lý do đó, tác giả đã chọn chủ đề “Thực trạng tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông trong những năm đầu thế kỷ XXI” để nghiên cứu luận văn cao học. 2. LỊCH SỬ NGHIÊN CỨU VẤN ĐỀ Biển Đông có một tầm quan trọng đáng kể nên từ trước đến nay, vấn đề này đã được nhiều tác giả quan tâm nghiên cứu. Ngay từ những triều đại phong kiến trước đây đã có những tác phẩm đề cập đến khu vực Biển Đông mà trọng tâm là quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa như: “Toàn tập Thiên nam Tứ chí Lộ đồ Thư” do Đỗ Bá biên soạn (1630 - 1653). Tài liệu này bao gồm các bản đồ An Nam từ thế kỷ XV trong đó có tấm vẽ các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong biển Đông dưới tên gọi Bãi Cát Vàng và Trường Sa, thuộc phủ Quảng Ngãi. Đến thời nhà Nguyễn, Hoàng Sa và Trường Sa đã được chính thức ghi trong các sách sử và địa lý của triều đình. Đó là: “Phủ biên Tạp lục” của Lê Quý Đôn (1776), “Lịch triều Hiến chương Loại chí” của phan Huy Chú (1821), “Việt sử Cương giám Khảo lược” của Nguyễn Thông (1876) và những cuốn sách do Quốc Sử quán triều Nguyễn biên soạn như: “Đại Nam Thực lục Tiền biên”, “Đại Nam Thực lục Chính biên”, “Đại Nam Nhất thống chí”, “Quốc Triều Chính biên Toát yếu”… Những tài liệu này mô tả chi tiết về các hoạt động của các đội Hoàng Sa, Bắc Hải, minh chứng sự xác lập và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đáng chú ý, trong cuốn “Đại Nam Thực lục Tiền biên”, phần về các chúa Nguyễn (1600 – 1775), quyển X ghi nhận địa danh Hoàng Sa, Trường Sa và các hoạt động quản lý của chính quyền Việt Nam: “Xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn, phủ Quảng Ngãi, ở ngoài biển, có hơn một trăm ba mươi bãi cát, cách nhau hoặc một ngày đường hoặc vài trống canh, kéo dài không biết mấy ngàn dặm, tục gọi là Vạn Lý Hoàng Sa, trên bãi có giếng nước ngọt. Sản vật có hải sâm, đồi mồi, ốc hoa, vích… Hồi đầu dựng nước, đặt đội Hoàng Sa gồm 70 người, lấy dân xã An Vĩnh sung vào, hằng năm đến tháng 3 đi thuyền ra đảo, bộ ba ngày đêm thì đến, thu lượm hóa vật, đến tháng 8 trở về nộp. Lại có đội Bắc Hải, mộ dân ở phường Tư Chính, ở Bình Thuận hoặc xã Cảnh Dương sung vào, được lệnh đi thuyền ra các vùng Bắc Hải, Côn Lôn, thu lượm hóa vật. Đội này cũng do đội Hoàng Sa kiêm quản”1. Đó đều là các nguồn tài liệu chính thức và có giá trị chân thực. Trước năm 1975, tài liệu đáng chú ý là công trình luận văn tốt nghiệp Ban Đốc Sự của Học viện Quốc gia Hành Chánh (Sài Gòn) của Đinh Văn Cư với đề tài: “Chủ quyền quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”, dày 137 trang đánh máy. Công trình này dành hơn một phần tư nội dung nói về hoàn cảnh địa lý và trình bày diễn tiến sự tranh chấp chủ quyền của nhiều quốc gia tại Hoàng Sa. Từ sau ngày 30/4/1975, một số cơ quan như Ban Biên giới Chính phủ, Viện Nghiên cứu Trung Quốc, các trường đại học bắt đầu quan tâm đến vấn đề Biển Đông, đặc biệt sau cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc tháng 2/1979. Tháng 9/1979, Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa Xã hội 1 Viện Sử học (1962), Đại Nam thực lục tiền biên, NXB Sử học,Hà Nội, t.1, tr.22 Chủ nghĩa Việt Nam công bố tài liệu “Chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”. Tháng 1/1982, Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tiếp tục công bố cuốn Sách trắng “Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, lãnh thổ Việt Nam”. Tháng 4/1988, Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam công bố tài liệu: “Các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và luật pháp quốc tế”. Các tài liệu này đã chứng minh một cách rõ ràng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo trên tất cả các khía cạnh: Lịch sử, pháp lý và thực tiễn quốc tế. Năm 1981, Mẫn Khánh Dương Kỵ và Trần Xuân Cầu viết bài “Từ Bãi Cát vàng đến Hoàng Sa và Trường Sa, lãnh thổ Việt Nam ” trong Sử học số 2 (nhà xuất bản Đại học và Trung học Chuyên nghiệp) đã đưa ra một vài thông tin mới, cách tiếp cận mới qua thực địa tại Cù Lao Ré. Trước đó, cuốn “Hoàng Sa, quần đảo Việt Nam” 90 trang của Văn Trọng xuất bản năm 1979 là đúc kết cô đọng và chú trọng về phần tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc thêm một số hình ảnh như bia chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa chụp năm 1938, trên quần đảo Trường Sa chụp năm 1961. Ngoài ra, cũng có một số cuốn sách khác có giá trị về mặt khoa học, lịch sử và pháp lý trong việc khẳng định chủ quyền hợp pháp của Việt Nam đối với hai quần đảo ở Biển Đông như: cuốn “Sự thật về những lần xuất quân của Trung Quốc và quan hệ Việt - Trung” do Nhà xuất bản Đà Nẵng in năm 1996 viết về vấn đề Hoàng Sa - Trường Sa trong quan hệ Việt – Trung; cuốn “Hoàng Sa Trường Sa - lãnh thổ Việt Nam nhìn từ công pháp quốc tế” của Nguyễn Q. Thắng do Nhà xuất bản Tri Thức phát hành năm 2008. Cuốn sách được chia thành 7 chương và vài phần phụ, cung cấp cho người đọc những kiến thức căn bản về Hoàng Sa, Trường Sa như: vị trí địa lý, khí hậu, tài nguyên, tham chiếu về Hoàng Sa – Trường Sa trong các bản đồ cổ, trong sử liệu cổ, diễn biến vụ tranh chấp chủ quyền giữa Việt Nam với một số nước khác trong khu vực (chủ yếu là Trung Quốc); cuốn “Hoàng Sa – Trường Sa: Hỏi và Đáp” của Trần Nam Tiến do Nhà xuất bản Trẻ ấn hành năm 2011. Cuốn sách được trình bày dưới dạng câu hỏi và trả lời, súc tích nhưng giàu thông tin về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đặc biệt sách có công bố một số bản đồ của châu Âu và Trung Quốc từ thế lỷ XVII cho thấy chủ quyền của Đại việt đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; cuốn “Bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý: Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam” của nhiều tác giả do Nhà xuất bản Trẻ phát hành năm 2011. Cuốn sách bao gồm các công trình nghiên cứu cùng các bài báo và tư liệu về chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Các tác giả còn đưa ra những luận cứ bác bỏ yêu sách phi lý về “đường lưỡi bò” của Trung Quốc ở Biển Đông. Ngoài ra, sách còn giới thiệu Biên niên sự kiện về Hoàng Sa – Trường Sa, phần Phụ lục với các văn kiện và điều ước quốc tế có liên quan, cùng những hình ảnh và kiến thức cơ bản về biển đảo Việt Nam… Bên cạnh đó, cũng có một số đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước liên quan Biển Đông, cụ thể là Hoàng Sa, Trường Sa đã được tiến hành. Trong đó có đề tài “Hợp đồng nghiên cứu khoa học về lịch sử chủ quyền của Việt Nam ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”, mã số BĐHĐ 01 - 01 do Tiến sĩ Nguyễn Quang Ngọc (Đại học Quốc gia Hà Nội) chủ trì đã báo cáo tổng kết ngày 30/4/1995. Đề tài bước đầu đã có những đóng góp đáng kể về bản đồ cổ Việt Nam do Trần Bá Chí phụ trách, tìm ra được 22 sách cổ có bản đồ vẽ Hoàng Sa và Trường Sa. Ngoài ra, 15 bản báo cáo trong Hội thảo Quốc gia “Luận cứ khoa học lịch sử, địa lý và pháp lý chủ quyền Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa” tại Hà Nội ngày 18/1/1996 đã đóng góp đáng kể vào việc nghiên cứu lịch sử tranh chấp Hoàng Sa với Trung Quốc và những tư liệu của phía Trung Quốc như việc tìm hiểu hệ thống bản đồ của Trung Quốc của Nguyễn Quang Ngọc để chứng minh việc đến 1909 bản đồ Trung Quốc chưa bao giờ vẽ đến Hoàng Sa, quan điểm của Trung Quốc về Hoàng Sa - Trường Sa của Hoàng Ngọc Bảo, quan điểm của Đài Loan về Hoàng Sa - Trường Sa của Nguyễn Huy Quý hay tìm hiểu về bộ sưu tập tư liệu Hoàng Sa của Hàn Chấn Hoa (Trung Quốc) chủ biên do Phạm Kim Hùng phụ trách… Ngoài ra còn có luận án tiến sĩ “Quá trình xác lập chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa” năm 2003 của Nguyễn Nhã. Trong công trình này, ông đã sử dụng các tài liệu của Trung Quốc và cả các sách vở, bản đồ, nhật ký… của phương Tây để phản bác các lập luận của Trung Quốc và chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã được thực hiện từ rất lâu trong lịch sử trước khi xảy ra tranh chấp với Trung Quốc. Một số bài viết đáng chú ý như bài “Chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa” của tác giả Từ Đặng Minh Thu và bài viết “Lập trường của Trung Quốc trong tranh chấp chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và luật quốc tế” của Luật gia Đào Văn Thụy. Cả hai bài viết này được đăng trên Tạp chí Nghiên cứu và thảo luận Thời đại mới số 11, tháng 7/2007. Trong bài viết của tác giả Từ Đặng Minh Thu, ông đã phân tích lập luận của Việt Nam và Trung Quốc để đưa ra những kết luận về cơ sở và thời gian thực hiện chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trong khi đó, Luật gia Đào Văn Thụy lại bàn về những chứng cứ lịch sử do phía Trung Quốc đưa ra, phân tích những điểm mập mờ, không chính xác, thậm chí mâu thuẫn trong các lập luận của Trung Quốc, đồng thời so sánh với những chứng cứ rõ ràng, rành mạch trong lập luận do Việt Nam đưa ra để chứng minh Việt Nam và quốc gia đầu tiên xác lập và thực hiện chủ quyền liên tục đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đáng chú ý, các nhà nghiên cứu phương Tây cũng ngày càng quan tâm hơn về vấn đề Biển Đông, cụ thể là hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Có thể kể đến một số tác giả như Marwyn S. Samuels với cuốn sách “Contest for the South China Sea (Tranh chấp Biển Đông)”, dày 225 trang, do Nhà xuất bản Methuen London ấn hành năm 1982. Trong phần đầu của cuốn sách này, tác giả đã nói tới những hoạt động của Trung Quốc trên khu vực Biển Đông và kết luận rằng trong lịch sử người Trung Quốc tuy có các chuyến du hành đường dài để phát triển buôn bán cùng tham vọng khống chế các tuyến vận tải đường biển, nhưng tham vọng này đã dần dần “chìm vào dĩ vãng” kể từ thế kỷ XV khi các quốc gia hùng mạnh của châu Âu như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hà Lan tăng cường giao thương trong khu vực này. Một tác giả khác là Giáo sư công pháp và khoa học chính trị trường Đại học Paris VII, nguyên Chủ tịch Hội luật gia dân chủ Pháp, nguyên Chủ tịch Hội Luật gia châu Âu – bà Monique Chemillier – Gendreau với cuốn sách “La Souveraireté sur les archipels Paracels et Spratleys (Chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa)” do Nhà xuất bản L’Harmattan Paris ấn hành năm 1996. Cuốn sách dày gần 300 trang của bà là một công trình nghiên cứu công phu, độc lập và kéo dài nhiều năm, trong đó bà đã nói đến những chứng cứ lịch sử và đánh giá lập luận của các bên, chủ yếu là Trung Quốc và Việt Nam, liên quan đến hai quần đảo, rồi dựa trên việc áp dụng luật pháp và thực tiễn quốc tế để đưa ra những phân tích sâu sắc về vấn đề chủ quyền đối với hai quần đảo. Bà có quan điểm khách quan khi cho rằng Việt Nam là nước có đủ danh nghĩa thực thi chủ quyền tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa... Hiện nay, các website và các diễn đàn trên mạng Internet có hàng ngàn tài liệu liên quan đến Biển Đông như các trang http://nghiencuubiendong.vn/, http://www.tranhchapbiendong.com/, http://biendong.vntime.vn/, http://truongsahoangsa.info/, http://www.mofa.gov.vn... Các trang mạng này đăng tải rất nhiều nội dung khác nhau như các bài viết phân tích đánh giá, các bài phát biểu, phân tích của những nhà lãnh đạo quốc gia trong các cuộc họp, diễn đàn trong nước và quốc tế hoặc của đại diện các cơ quan chức năng như Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam… liên quan đến vấn đề tranh chấp chủ quyền giữa các bên có đòi hỏi chủ quyền tại Biển Đông. Tất cả những tài liệu trên đều là những tư liệu quan trọng trong việc nghiên cứu các vấn đề liên quan tình hình Biển Đông, đặc biệt là trong việc khẳng định chủ quyền hợp pháp của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tuy nhiên, những tài liệu trên vẫn chưa có nhiều thông tin mới cập nhật về tình hình, diễn biến các sự kiện diễn ra gần đây. Mặt khác, tại Việt Nam hiện nay, các hoạt động nghiên cứu, đánh giá về thực trạng tranh chấp giữa các bên có đòi hỏi chủ quyền tại Biển Đông trong những năm đầu vẫn còn hạn chế. Với những lý do đó, tác giả luận văn mong muốn đi sâu nghiên cứu thực trạng vấn đề tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông trong những năm đầu thế kỷ XXI như là một công trình riêng, qua đó cố gắng bổ sung thêm những thông tin mới về tình hình tranh chấp giữa các bên có đòi hỏi chủ quyền tại Biển Đông, góp phần làm rõ hơn kết quả của các nghiên cứu trước đó về vấn đề này. 3. MỤC ĐÍCH, NHIỆM VỤ NGHIÊN CỨU VÀ ĐÓNG GÓP CỦA ĐỀ TÀI * Mục đích: Đánh giá vai trò của Biển Đông đối với các nước trong khu vực, các nước liên quan và thực trạng tranh chấp giữa các nước có đòi hỏi chủ quyền tại Biển Đông hiện nay, sau đó đưa một số giải pháp chung nhằm giải quyết tình trạng tranh chấp tại Biển Đông, đồng thời đề xuất một số kiến nghị trong việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam tại Biển Đông. Qua đó, góp phần cung cấp tư liệu một cách tổng hợp và có hệ thống về quá trình xác lập chủ quyền và thực trạng tranh chấp giữa các nước có đòi hỏi chủ quyền tại Biển Đông; rút ra những luận điểm vững chắc chứng minh chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; góp phần xây dựng nhận thức và trách nhiệm của mỗi người dân Việt Nam trong việc đấu tranh giành lại chủ quyền hợp pháp của Việt Nam tại hai quần đảo này. * Nhiệm vụ: - Nghiên cứu, đánh giá tầm quan trọng của Biển Đông trong môi trường chiến lược mới. - Tìm hiểu lịch sử tranh chấp chủ quyền của các quốc gia tại khu vực Biển Đông, qua đó làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn của thực trạng tranh chấp tại Biển Đông giữa các bên liên quan. - Nghiên cứu một số văn bản pháp lý liên quan việc giải quyết tình trạng tranh chấp tại Biển Đông, đồng thời tìm hiểu thái độ và sự tham gia của các bên tranh chấp đối với các văn bản pháp lý này. - Phân tích quan điểm, lập trường, thực trạng chiếm đóng và các hoạt động của các nước có tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông hiện nay. - Đánh giá việc giải quyết vấn đề tranh chấp tại Biển Đông thời gian qua, từ đó đưa ra một số giải pháp nhằm giải quyết tình trạng tranh chấp tại khu vực này. - Đề xuất một số kiến nghị trong việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam tại Biển Đông. * Đóng góp của đề tài: Đề tài “Thực trạng tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông trong những năm đầu thế kỷ XXI” là một đề tài vừa có ý nghĩa khoa học, vừa có ý nghĩa thực tiễn. Cho đến nay, Việt Nam tuy đã có nhiều công trình nghiên cứu chung về tình hình Biển Đông và về chủ quyền của Việt Nam đối với các quần đảo tại Biển Đông nhưng các công trình nghiên cứu tập trung vào thực trạng tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông trong những năm đầu thế kỷ XXI vẫn còn hạn chế. Do đó, về mặt khoa học, luận văn này sẽ góp phần nghiên cứu một cách cụ thể, sâu sắc và toàn diện hơn về thực trạng tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông giữa các bên liên quan trong giai đoạn hiện nay. Về mặt thực tiễn, việc nghiên cứu luận văn này sẽ tạo điệu kiện để đánh giá một cách khoa học, trung thực và toàn diện về các vấn đề có liên quan đến hoạt động tranh chấp giữa các bên có đòi hỏi chủ quyền tại Biển Đông trong những năm đầu thế kỷ XXI, từ đó bước đầu đưa ra những giải pháp cho các bên có đòi hỏi chủ quyền trong việc giải quyết tranh chấp tại Biển Đông, đồng thời đề xuất một số kiến nghị cho Việt Nam trong việc khẳng định và bảo vệ chủ quyền đối với những khu vực vốn thuộc chủ quyền của mình. 4. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU * Đối tượng: Thực trạng tranh chấp chủ quyền Biển Đông giữa các nước liên quan, giải pháp giải quyết vấn đề tranh chấp chủ quyền Biển Đông hiện nay và những kiến nghị trong việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam tại Biển Đông. * Phạm vi: Đề tài tập trung nghiên cứu một số vấn đề liên quan đến thực trạng tranh chấp Biển Đông như yêu sách chủ quyền, thực trạng chiếm đóng, hoạt động thực địa, biện pháp giải quyết… giữa các nước có yêu sách chủ quyền tại khu vực này trong những năm đầu thế kỷ XXI (từ 2000 đến 2013). 5. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU Đề tài được viết dựa trên các phương pháp khoa học như: thu thập dữ liệu, phân tích, tổng hợp, đối chiếu, so sánh, lịch sử, lôgic, hệ thống hóa. Các phương pháp này giúp cho việc đánh giá thực trạng vấn đề tranh chấp Biển Đông một cách tổng thể, toàn diện, theo trình tự thời gian và trong bối cảnh lịch sử cụ thể. Ngoài ra, do đề tài luận văn có đề cập tới tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông giữa nhiều nước trong giai đoạn hiện nay nên tác giả còn sử dụng các phương pháp nghiên cứu quốc tế khi phân tích những vấn đề liên quan đến quan hệ đối ngoại của các nước. 6. NGUỒN TÀI LIỆU THAM KHẢO Vấn đề tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông giữa các nước được đề cập nhiều trong các công trình nghiên cứu, các sách báo, tạp chí, tài liệu lịch sử. Do đó đề tài nghiên cứu này sẽ sử dụng những nguồn tài liệu tham khảo: Nguồn tài liệu gốc gồm: Các văn kiện pháp lý, các văn kiện Đảng Cộng sản Việt Nam, sách, những công trình nghiên cứu, báo và tạp chí về vấn đề Biển Đông, các website bằng tiếng Việt và tiếng Anh. 7. BỐ CỤC CỦA LUẬN VĂN Ngoài phần mở đầu và kết luận, luận văn được kết cấu gồm 3 chương: Chương 1: Khái quát về tình hình Biển Đông Chương 2: Thực trạng tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông trong những năm đầu thế kỷ XXI Chương 3: Giải pháp cho vấn đề tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông và một số kiến nghị đối với Việt Nam Trong quá trình hoàn thành luận văn này, tác giả đã tranh thủ sự hướng dẫn sát sao của giáo viên hướng dẫn, cố gắng đầu tư nhiều thời gian, công sức để thu thập tài liệu và tổ chức nghiên cứu. Tuy nhiên, đây là một chủ đề có phạm vi nghiên cứu rộng, khối lượng công việc nhiều, hơn nữa tác giả còn có những hạn chế nhất định nên luận văn không tránh khỏi những khiếm khuyết cần được tiếp tục bổ sung, hoàn chỉnh. References Tài liệu tham khảo tiếng Việt: 1. PGS.TS. Lưu Văn An (2011), Giáo trình Chính trị học so sánh, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2. Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (2003), Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám, khóa IX về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” 3. Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (2007), Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư, khóa X về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020” 4. Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Nghị quyết số 08NQ/TW ngày 17/12/1998 về Chiến lược An ninh quốc gia 5. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (9/2006), Báo cáo Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, Hà Nội 6. Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (1977), Tuyên bố về lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam ngày 12/5/1977 7. Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (1980), Tuyên bố về vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam 29/1/1980 8. Hồ An Cương (2003), Trung Quốc những chiến lược lớn, Nxb Thông tấn, Hà Nội 9. Nguyễn Văn Dân (2011), Địa chính trị trong chiến lược và chính sách phát triển quốc gia, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội 10. Nicole Gnesoto & Giovani Grevi (2005), Thế giới năm 2025, Nxb Tri thức, Hà Nội 11. GS.TS Dương Phú Hiệp – PGS.TS Vũ Văn Hà (chủ biên) (2006), Cục diện châu Á – Thái Bình Dương, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội 12. Học viện Ngoại giao (12/2011), “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển trong khu vực”, Hà Nội 13. Mẫn Khánh Dương Kỵ và Trần Xuân Cầu (1981), Từ Bãi Cát Vàng đến Hoàng Sa và Trường Sa – Lãnh thổ Việt Nam, Nxb Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội 14. Liên Hợp Quốc (1999), Công ước của Liên Hợp Quốc về luật biển, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội (bản dịch) 15. Lưu Văn Lợi (1995), Cuộc tranh chấp Việt – Trung về 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Nxb Công an Nhân dân, Hà Nội 16. Nguyễn Đình Luân (3/2010), Một số đặc điểm cạnh tranh quyền lực trong hai thập niên đầu thế kỷ XXI, Tạp chí Nghiên cứu Quốc tế, số 1, tr. 80 17. Phạm Bình Minh (chủ biên) (2010), Cục diện thế giới đến 2020, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội 18. Phạm Bình Minh (chủ biên) (2010), Định hướng Chiến lược Đối ngoại Việt Nam đến năm 2020, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội 19. Lê Minh Nghĩa (2007), Những vấn đề về chủ quyền lãnh thổ giữa Việt Nam với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Tạp chí Thời đại mới, số 12, tháng 11/2007 20. Nguyễn Nhâm, Quan điểm phát triển kinh tế biển gắn với đảm bảo quốc phòng – an ninh trong văn kiện Đại hội lần thứ X của Đảng, Tạp chí Công An Nhân dân, số 7/2006 21. Nhiều tác giả (1996), Sự thật về những lần xuất quân của Trung Quốc và quan hệ Việt - Trung”, Nxb Đà Nẵng, Đà Nẵng 22. Nhiều tác giả (2011), Bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý: Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam, Nxb Trẻ, Hồ Chí Minh 23. Lưu Minh Phúc (2010), Giấc mơ Trung Quốc- Tư duy nước lớn và định vị chiến lược trong thời đại hậu Mỹ, Nxb Thời Đại, Hà Nội 24. PGS.TS Lê Minh Quân (2010), Hòa bình – Hợp tác & Phát triển: Xu thế lớn trên thế giới hiện nay, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội 25. Đặng Đình Quý (2010), Biể n Đông: Hợp tác vì An ninh và Phát triể n trong Khu vực , Nxb Thế giới, Hà Nội 26. Đặng Đình Quý (2011), Biển Đông: Hướng tới một Khu vực Hòa bình, An ninh và Hợp tác, Nxb Thế giới, Hà Nội 27. Nguyễn Q. Thắng (6/2008), Hoàng Sa, Trường Sa lãnh thổ Việt Nam nhìn từ công pháp quốc tế, Nxb Tri Thức Trần Nam Tiến (2011), Hoàng Sa Trường Sa: Hỏi và đáp, Nxb Trẻ, Hồ Chí Minh 28. Văn Trọng (1979), Hoàng Sa – quần đảo Việt Nam, Nxb Khoa học, Hà Nội 29. Trương Như Vương, Về chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, Thông tin Nghiên cứu chiến lược và khoa học Công an, tháng 11/2008 30. Viện Sử học (1962), Đại Nam thực lục tiền biên, Nxb Sử học, Hà Nội Tài liệu tham khảo tiếng nước ngoài: 31. ASEAN-ISIS Conference (10/1995), ASEAN in the 21st century: Opportunities and Challenges, Hà Nội 32. Elizabeth Bumiller, US to Sustain Military Power in the Pacific, The New York Times, 23/10/2011 33. Felix K. Chang (Summer 1996), Beijing’s Reach in the South China Sea, Orbis. 34. Congressional Research Service (4/2008), China’s Foreign Policy and “soft power” in South America, Asia, and Africa, U.S. Government Printing Office 35. Patrick Cronin, Peter Dutton, Robert Kaplan, Will Rogers, M. Taylor Fravel, James Holmes, Ian Storey (1/2012), Cooperation from Strength: The United States, China and the South China Sea, Center for a New American Security 36. David B.H. Denoon and Evelyn Colbert (Winter 1998-99), Challenges for the Association of Southeast Asia Nations (ASEAN), Pacific Affairs, Vol. 71, No.4, University of British Columbia 37. Dana R. Dillon and John J. Tkacik, Jr. (10/2005), China and ASEAN: Endangered American Primacy in Southeast Asia, Backgrounder Review, No.1886, The heritage Foundation Press 38. Fenna Egberink and Frans-Paul van der Putten (2010), ASEAN and Strategic Rivalry among the Great Powers in Asia, Journal of Current Southeast Asian Affairs, Vol.29, No.3, Hamburg University Press 39. Fenna Egberink and Frans-Paul van der Putten (4/2011), ASEAN, China’s Rise and geopolitical Stability in Asia, Netherlands Institute of international relations Clingendael, Clingendael papers No. 2 40. Yang Fuchang (2003), Contemporary China and Its Foreign Policy, World Affairs, May 5 41. Monique Chemillier Gendreau (1996), La Souveraireté sur les archipels Paracels et Spratleys, Nxb L’Harmattan Paris, Paris 42. Marius Gjetnes (2000), “The Legal Regime of Islands in the South China Sea”, Masters Thesis of Law, Deparrtment of Public and International Law, University of Oslo 43. Zou Keyuan, “The Chinese Traditional Maritime Boundary Line in the South China Sea and its Legal Consequences for the Resolution of the dispute over the Spratly Islands”, 14 International Journal of Marine and Coastal Law I, 1999 44. Timo Kivimaki, War or Peace in the South China Sea?, NIAS Press, 2002 45. John Pomfret, Beijing claims indisputable sovereignty over South China Sea, The Washinton Post, 31/7/2010 46. Presidental Decree No. 1956, Declaring Certain Areas Part of the Philippine Territory and Providing for their Government and Administration, 11/6/1978 47. Alexis Romero, “Submarine for Navy? Noy bares AFP shop list”, The Philippine Star, 24/8/2011 48. Kokubun Ryosei and Wang Jisi, "China and Asia Pacific Regionalism", The Rise of China and a Changing East Asian Order; Tokyo: Japan Center for International Exchange, 2004 49. Asri Salleh, Che Hamdan Che Mogn Razil and Kamaruzan Jusoff, “Malaysia’s Policy towards its 1963 – 2008 territorial disputes”, Journal of Law and Conflict Resolution 107, 2009 50. Marwyn S. Samuels (1982), Contest for the South China Sea, London: Methuen 51. Johannes Dragsbaek Schmidt, China's Soft Power Diplomacy in Southeast Asia, The Copenhagen Journal of Asian Studies No. 26, 2008 52. Ivan Storey, Creeping Assertiveness: China, the Philippines, and the South China Sea, Contemporary Southeast Asia 21, 1, 4/1999 53. Carlyle A. Thayer, The United States, China and Southest Asia, Southeast Asian Affairs 2011, Singapore, 2011 54. Mark J. Valencia, Jon M. Van Dyke, Noel A. Ludwig, Sharing the Resources of the South China Sea, Univ of Hawaii Pr, 7/1999 55. Barry Wain, ASEAN Caught in a Tight Spot, The Straits Times, 16/9/2010 56. Craig Whitlock, The US has national interest in Asian Sea Disputes, The Washington Post, 12/10/2010 Website tham khảo: 57. Văn kiện pháp lý, http://nghiencuubiendong.Việt Nam /trung-tam-du-lieu-biendong/cat_view/136-Việt Nam -kien-phap-ly 58. Manila Conference on the South China, 5-6/7/2011, http://nghiencuubiendong.Việt Nam /trung-tam-du-lieu-bien-dong/cat_view/168-the-south-china-sea-toward-a- region-of-peace-cooperation-and-progress 59. ASEAN Secretariat, Roadmap for an ASEAN Community 2009-2015, http://www.asean.org/publications/RoadmapASEANCommunity.pdf 60. “A New China Approach”, http://www.cfr.org/publication/13020/new_china_approach.html?breadcrumb=%2F, 10 April, 2007 61. “China’s Views on the current International Situation” http://www.fmprc.gov.cn/eng/wjdt/wjzc/t24882.htm 62. http://www.tranhchapbiendong.com/ 63. http://truongsahoangsa.info/ 64. http://biendong.Việt Nam time.Việt Nam / 65. http://www.mofa.gov.Việt Nam / 66. http://www.seafoodsource.com 67. http://vi.wikipedia.org/ 68. http://www.biendong.net/
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan

Tài liệu xem nhiều nhất