Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Phát huy giá trị truyền thống trong xây dựng gia đình văn hóa ở việt nam...

Tài liệu Phát huy giá trị truyền thống trong xây dựng gia đình văn hóa ở việt nam

.DOCX
6
454
131

Mô tả:

giáo dục gia đình
PHÁT HUY GIÁ TRỊ TRUYỀN THỐNG TRONG XÂY DỰNG GIA ĐÌNH VĂN HÓA Ở VIỆT NAM HIỆN NAY 1, Gia đình và các hình thức gia đình Gia đình là một hình thức cộng đồng xã hội đặc biệt, được hình thành, duy trì và củng cố trên hai mối quan hệ hôn nhân và huyết thống, đồng thời có sự cố kết nhất định về những điều kiện kinh tế qua đó nảy sinh quyền và nghĩa vụ cho các thành viên của mình. Bàn về vấn đề này, C.Mác khẳng định “hàng ngày tái tạo đời sống bản thân mình, con người bắt đầu tạo ra những người khác, sinh sôi, nảy nở. Đó là quan hệ giữa chồng và vợ, giữa cha mẹ và con cái, đó là gia đình” 1. Như vậy, theo quan niệm của các nhà mác - xít, yếu tố huyết thống và tình cảm là nét bản chất của gia đình. Liên hợp quốc cho rằng “gia đình là một đơn vị được quy định thông qua mối liên hệ của các cá nhân nói lên sự sản xuất thế hệ, đặc biệt ở mức độ mà những mối quan hệ này được quy phạm và thủ tục pháp lý phê chuẩn” 2. Khái niệm này tiếp cận gia đình ở yếu tố pháp lý của các mối quan hệ gia đình. Còn trong Luật Hôn nhân và gia đình ở nước ta xác định “Gia đình là tập hợp những những người gắn bó với nhau do hôn nhân, do quan hệ huyết thống hoặc do nuôi dưỡng làm phát sinh các nghĩa vụ và quyền lợi giữa họ với nhau theo quyết định của luật này”3. Quan niệm về gia đình này của Nhà nước ta vừa mang tính khoa học, vừa mang tính chặt chẽ và là cơ sở pháp lý giải quyết những vấn đề liên quan đến gia đình trong thực tiễn. Gia đình không chỉ là đơn vị tình cảm - tâm lý mà còn là một tổ chức kinh tế tiêu dùng. Bên cạnh đó, gia đình còn là một môi trường giáo dục – văn hóa. Gia đình là một giá trị văn hóa của xã hội. Gia đình văn hóa luôn gắn bó, tương tác với văn hóa cộng đồng dân tộc, giai cấp và tần lớp xã hội trong mỗi thời kỳ nhất định của mỗi quốc gia dân tộc nhất định. Thực tế cho thấy điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau nhà nhân tố quy định nên các hình thức tổ chức gia đình khác nhau. Trong lịch sử loài người đã xuất hiện các hình thức gia đình: gia đình huyết tộc, gia đình Punaluana, gia đình cặp đôi và gia đình một vợ một chồng4. Điều này được Ăng ghen trình bày cụ thể trong tác phẩm Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của nhà nước. Dưới Chủ nghĩa xã hội, Nhà nước tạo những điều kiện kinh tế, xã hội, văn hóa và luật pháp để thực hiện chế độ hôn nhân một vợ một chồng, hôn nhân tự nguyện, bình đẳng và tiến bộ. Vị trí của người phụ nữ được tôn trọng, họ có những quyền ngang với nam giới, không còn ở địa vị phụ thuộc nên trong quan hệ hôn nhân, họ được tự do để quyết định, không ai có quyền ép buộc, kể cả cha mẹ, ông bà. Đặc biệt với việc xác lập chế độ sở hữu Xã hội chủ nghĩa về tư liệu sản xuất chủ yếu của xã hội đã tạo ra địa vị kinh tế - xã hội bình đẳng cho người lao động, bên cạnh đó là những chính sách xã hội tạo điều kiện để người phụ nữ vừa có thể tham gia lao động sản xuất, vừa có thể thực hiện tốt nhiệm vụ làm vợ, làm mẹ, xây dựng tổ ấm. Tuy nhiên, trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội, các yếu tố cũ và mới còn tồn tại đan xen nhau. Trong xã hội tồn tại nhiều tư tưởng, thói quen của xã hội cũ, cùng với đó là cơ cấu kinh tế nhiều thành phần và cơ cấu giai cấp không thuần nhất nên gia đình chịu sự chi phối bởi nhiều yếu tố khác nhau. Do đó gia đình cũng có vai trò không giống nhau đối với sự phát triển của đất nước, với công cuộc xây dựng Chủ nghĩa xã hội. Chính vì vậy, xây dựng gia đình văn hóa là một yêu cầu tất yếu của quá trình xây dựng Chủ nghĩa xã hội. 2, Gia đình truyền thống và vấn đề xây dựng gia đình văn hóa ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay Quá trình xây dựng gia đình văn hóa mới ở nước ta trong giai đoạn hiện nay đang diễn ra trước hoàn cảnh đất nước và thế giới có rất nhiều biến đổi. Cùng với quá trình phát triển kinh tế, vấn đề đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ ở nước ta, khiến cho cấu trúc, quy mô gia đình có sự thay đổi: gia đình một thế hệ, gia đình hai thế hệ đang có xu hướng tăng nhanh. Vị trí, vai trò của các thành viên trong gia đình cũng có sự biến đổi so với thời kỳ trước, tạo ra sự dân chủ và bình đẳng giữa các thành viên trong gia đình. Tuy nhiên, điều đang nói ở đây là, cùng với quá trình phát triển nền kinh tế thị trường của đất nước, những mặt trái của kinh tế thị trường đang dần được bộc lộ có tác động, ảnh hưởng xấu đến đời sống xã hội, trong đó có gia đình. Bên cạnh đó là vấn đề các nước phát triển lợi dụng quá trình toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ để tiến hành “xâm lược văn hóa” với các nước đang phát triển và chậm phát triển như Việt Nam. Trong quá trình tiếp nhận thông tin, văn hóa từ bên ngoài, nếu không cẩn thận chúng ta không những không học được tinh hoa văn hóa của họ mà ngược lại, chỉ nhận được sản phẩm phi văn hóa, đồi trụy. Điều này làm cản trở quá trình xây dựng gia đình văn hóa. Những vấn đề như bạo lực gia đình mà nạn nhân là những người vợ, người mẹ vẫn còn tồn tại trong một bộ phận không nhỏ của các gia đình Việt, vấn đề ngoại tình, ly thân, ly hôn đang có xu hướng tăng, vấn đề chăm sóc, nuôi dạy con cái còn tồn tại rất nhiều bất cập. Vì thế trong quá trình xây dựng gia đình văn hóa ở Việt Nam hiện nay, chúng ta cần phải nhìn lại trong quá khứ, gia đình truyền thống có những giá trị nào mà chúng ta cần phải kế thừa và quá trình tiếp thu văn hóa từ bên ngoài, cần phải tiếp thu như thế nào để phù hợp với đạo đức, lối sống của ta. Hôn nhân gia đình ở thời đại nào cũng phải được xây dựng trên cơ sở tình yêu. Tuy nhiên, nếu chỉ có tình yêu thì chưa đủ để duy trì hôn nhân bền vững, hạnh phúc gia đình. Trong quá khứ, người ta cũng coi yếu tố tình yêu là yếu tố cơ bản và là yếu tố đầu tiên để dẫn đến hôn nhân gia đình “yêu nhau mấy núi cũng trèo, mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua”… Tuy nhiên, có một yếu tố mà người Việt đề cao hơn tình, coi trọng hơn tình đó chính là nghĩa. Người Việt sống rất trọng nghĩa “người dưng có nghĩa thì đãi người dưng. Anh em bất nghĩa thì đừng anh em”. Chữ nghĩa trong quan niệm của người Việt bắt nguồn từ Nho giáo. Đó là một trong năm đức tính cao quý của con người trong xã hội xưa cần có “nhân, nghĩa, lễ, trí tín”6. Ứng với năm mối quan hệ cơ bản trong xã hội mà Nho giáo gọi là Ngũ luân “quân thần, phụ tử, phu thê, huynh đệ, bằng hữu” 7 là ngũ thường “trung, hiếu, nghĩa, lễ, tín”8. Như vậy, nghĩa là một trong năm tương quan của xã hội, bao hàm ý nghĩa của một định chế tốt, được xã hội công nhân, và trong quan hệ vợ chồng thì nghĩa là yếu tố được đặt lên hàng đầu. Nghĩa vợ chồng hay nghĩa tào khang đều là một. Nghĩa tào khang, theo nghĩa đen, tào là một cái máng, cái chậu để súc vật ăn, khang là cám gạo. Tào khang theo nghĩa bóng được hiểu là khổ cực, nghĩa tào khang là một định chế phải đạo lấy trách nhiệm, sự hi sinh, trung tín, thủy chung lên hàng đầu trong quan hệ vợ chồng. Vận dụng vấn đề đó trong quan hệ vợ chồng hiện nay, trước sự thay đổi về kinh tế - xã hội so với thời kỳ trước, con người, ngoài quan hệ gia đình còn rất nhiều quan hệ xã hội khác. Khi đứng trước áp lực công việc, cám dỗ của cuộc sống, nếu chỉ dừng lại ở yếu tố tình yêu thì không thể đủ để duy trì hôn nhân gia đình, nhưng khi thêm chữ nghĩa vào thì con người sẽ thấy cần phải làm gì cho gia đình mình. Khi nghiên cứu về hôn nhân gia đình của người Việt xưa, dưới góc nhìn của người Pháp cho thấy nó vẫn còn nhiều giá trị tiến bộ mà chúng ta cần kế thừa. Theo nghiên cứu của Léopold Michel Cadière, một nhà Việt Nam học kiệt xuất cho rằng hôn nhân của người Việt dưới định chế xưa nhằm bảo vệ truyền thống gia đình. Gia đình là rường cột của xã hội. Xã hội ngày xưa được xây dựng trên nền tảng gia đình, gia tộc, làng xã. Hôn nhân gia đình trước tiên nhằm lợi ích cho cộng đồng làng xã nên mới có tục lệ: hôn nhân xác lập quan hệ hai gia tộc, điều này tạo ra sự khác biệt của hôn nhân của người Việt với hôn nhân của các nước Phương Tây. Ngày xưa cũng thế và ngày nay vẫn vậy, người Việt lấy vợ, lấy chồng không chỉ dừng lại ở sự riêng tư của hai người, họ ý thức hoặc đã quen với quan niệm, đó là việc chung của hai bên gia đình. Vì thế trước khi thành hôn, hai họ thường có quan hệ qua lại với nhau. Rất ít trường hợp mà hai họ không biết trước chuyện hôn nhân của con cháu. Hơn nữa, họ còn ý thức sau hôn nhân, sẽ là thông gia với nhau nên vấn đề bàn bạc ngày cưới, nghi thức, quà tặng như thế nào được người Việt rất coi trọng. Đây vẫn còn là một nét văn hóa ở các vùng nông thôn Việt Nam. Bên cạnh đó là đức hi sinh cho dòng họ được người Việt rất chú trọng. Vợ chồng có giận nhau thì đóng cửa bảo nhau, không mang chuyện nhà cho bên ngoài biết nhằm giữ thanh danh cho nhau và cũng là tôn trọng phẩm giá của nhau. Đặc biệt, tình nghĩa phu thê, dưới con mắt của người Pháp là một hệ thống tình cảm đặc biệt của người Việt, khi đã yêu nhau yêu cả đường đi lối về. Tình yêu đó được lọc qua những vị kỷ, vị tha đến nỗi quên mất cả chính mình. Những trường hợp khi người bạn đời mất, người vợ “thờ chồng nuôi con”, hay “gà trống nuôi con” tồn tại phổ biến trong xã hội xưa, và cũng không phải là chuyện hiếm có trong xã hội nay. Một trong những vấn đề thể hiện sự sáng tạo trong việc tiếp thu văn hóa từ bên ngoài, biến nó thành nhân tố nội tại của dân tộc, phù hợp với truyền thống của dân tộc chính là vai trò của người phụ nữ trong gia đình. Nếu như Nho giáo đề cao tính gia trưởng của người đàn ông trong gia đình, không coi trọng vai trò của người phụ nữ. Tuy nhiên, người phụ nữ Việt dưới chế độ phong kiến không bị miệt thị như người phương Bắc. Những quan niệm “giàu vì bạn, sang vì vợ”, “của chồng công vợ” cho thấy tính dân chủ, bình đẳng trong gia đình Việt, không chịu nhiều tác động của tư tưởng Nho giáo. Điều đó có cơ sở kinh tế là nông nghiệp, huy động tất cả đàn ông, phụ nữ vào tham gia sản xuất, bên cạnh đó, người phụ nữ còn buôn bán nhỏ, làm nghề thủ công, đặc biệt, trong thời chiến, họ thay chồng gánh vác việc gia đình. Trong rất nhiều triều đại phong kiến Việt Nam có quy định nhà nào không có con trai, cho phép con gái có quyền thừa tự đất hương hỏa để lo việc cúng giỗ tổ tiên, đến nỗi có nhà nho ca thán “nước ta có cái lệ người nào không có con trai thì con gái thừa tự, không biết có từ thời nào. Ôi, nội ngoại đã chia hai họ, không lẽ hợp cả thân sơ mà cúng tế, hợp tế nội ngoại, như thế là loạn mất luân thường”9. Điều đó cho ta thấy vấn đề tiếp thu văn hóa bên ngoài, biến đổi cho phù hợp với văn hóa dân tộc, làm nó trở thành một nét văn hóa của dân tộc là điều mà cha ông ta đã làm rất tốt. Quá trình xây dựng nền văn hóa mới trong giai đoạn hiện nay, chúng ta cũng phải học tập tinh thần ấy. Bên cạnh đó, quan hệ giữa cha mẹ với con cái của người Việt mang nhiều nét nhân đạo cần được nghiên cứu và học tập. Người Việt thường chịu rất nhiều khổ cực để hi sinh vì con. Người Việt nói “chín chữ cù lao” là vì thế: cù là siêng năng, lao là khó nhọc, nghĩa là cha mẹ siêng năng, khó nhọc để nuôi dạy con cái. Chín chữ cù lao hay đức cù lao có nguồn gốc từ câu “cửu tự cù lao” tức cha mẹ nuôi con có chín điều khổ cực: sinh: đẻ; cúc: nâng đỡ; phủ: vuốt ve; xúc: cho bú; trưởng: nuôi cho lớn; dục: dạy dỗ; cố: trông nom; phụng: chăm sóc, dạy bảo; bảo: che chở, bảo vệ. Trong Kinh thi có câu: ai ai phụ mẫu, sinh ngã cù lao. Còn trong truyện Kiều có viết “duyên hội ngộ, đức cù lao. Bên tình bên hiếu, bên nào nặng hơn”. Trong quan niệm phong thủy, người Việt cho rằng: gặp ngôi đất tốt, người con phải khắc với cha mẹ mới ăn lên làm ra. Có lẽ trên thế giới này, ít có dân tộc nào, cha mẹ hi sinh vì con, đến chết vẫn một lòng hi sinh vì con như người Việt. Lối so sánh ví von “cá chuối đắm đuối vì con” thực sự là lối sống của người cha, người mẹ Việt dành cho con. Kết luận Hôn nhân – gia đình theo định chế xưa mặc dù còn tồn tại nhiều vấn đề bất cập nhưng bên cạnh đó vẫn còn những giá trị tích cực để ta khai thác và phát huy trong quá trình xây dựng gia đình văn hóa. Thực tế cho thấy rằng, không có một dân tộc nào có thể phát triển được khi họ xem thường truyền thống của mình. Chính truyền thống của dân tộc và tinh hoa văn hóa nhân loại sẽ là tiền đề cho dân tộc đó phát triển trong tương lai. Kết hợp truyền thống và hiện đại là nét đặc trưng nổi bật tạo nên những giá trị của gia đình Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. C.Mác và Ph.Ăngghen (1995), Toàn tập, tập 3, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.41. 2. Viện Thông tin khoa học xã hội (1981), Sưu tập chuyên đề xã hội học gia đình, NXB Khoa học xã hội, tr.96. 3. Học viện chính trị - hành chính quốc gia Hồ Chí Minh (2013), Giáo trình Chủ nghĩa xã hội khoa học, NXB Chính trị - hành chính, tr.204. 4. C.Mác và Ph.Ăngghen (1995), Toàn tập, tập 3, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.41. 5. Nguyễn Bằng Tường (2010), Giới thiệu tác phẩm nguồn gốc của gia đình của chế độ tư hữu và của nhà nước của Ăngghen, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội. 6,7,8. Lý Tường Hải (2007), Khổng Tử, NXB Văn hóa – Thông tin, Hà Nội, tr.358. 9. Insun Yu (1994), Luật vã xã hội Việt Nam thế kỷ XVII – XVIII, NXB Khoa học – xã hội, Hà Nội, tr.167./.
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan

Tài liệu vừa đăng