Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Giới thiệu tác phầm đường cách mệnh...

Tài liệu Giới thiệu tác phầm đường cách mệnh

.DOCX
7
445
118

Mô tả:

đây là những luận cứ mới về tác phẩm của Bác
80 năm tác phẩm Đường Kách mệnh: Ý nghĩa lịch sử TS Chu Ðức Tính - Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh Trong suốt 80 năm, kể từ sau khi tác phẩm ra đời, những tư tưởng và lý luận mà Ðường Kách mệnh đề cập, luôn luôn có ý nghĩa to lớn đối với Ðảng Cộng sản Việt Nam và con đường phát triển của cách mạng Việt Nam trong tiến trình cách mạng. Bối cảnh ra đời Ðường Kách mệnh Sinh ra và lớn lên khi đất nước chìm đắm trong đêm dài nô lệ, yêu nước và thương dân, khâm phục ý chí không cam tâm làm nô lệ của đồng bào và tấm gương cứu nước của các vị tiền bối cách mạng, song không giống họ, Nguyễn Tất Thành (tên gọi Hồ Chí Minh khi đó) đã lựa chọn con đường ra nước ngoài, "tìm đường đi cho dân tộc". Chặng đường bôn ba gần 10 năm (1911-1920) đã đưa Hồ Chí Minh từ một người yêu nước trở thành một người cộng sản. Ðến với chủ nghĩa Mác - Lê-nin, đến với con đường cứu nước theo quỹ đạo cách mạng vô sản, với khát khao cháy bỏng: Ðộc lập cho Tổ quốc, tự do cho đồng bào, Hồ Chí Minh đã xác định lộ trình và quyết định trở về Quảng Châu, Trung Quốc (11-11-1924), xúc tiến công cuộc giải phóng dân tộc. Tại đây, Người đã thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, mở lớp Huấn luyện chính trị,ra báo Thanh Niên, truyền giảng cho đội ngũ cán bộ cốt cán đầu tiên của Việt Nam những nội dung cơ bản của học thuyết Mác - Lê-nin, chuẩn bị cho sự ra đời một chính đảng vô sản kiểu mới ở Việt Nam. "Vũ khí tư tưởng" của thời đại Ðường Kách mệnh được viết một cách mộc mạc, đơn giản, ngắn gọn, nhưng nội dung phong phú, hàm chứa những tư tưởng lớn mang tính quốc gia và quốc tế vĩ đại của Hồ Chí Minh. Người đã đưa chủ nghĩa Mác-Lê-nin vào Việt Nam theo cách của riêng mình. Với những lời mộc mạc, dễ hiểu về "vũ khí tư tưởng của thời đại", làm cho lý luận Mác - Lê-nin đến với Việt Nam, thật giản dị và sinh động. Ðường Kách mệnh đề cập trước tiên vấn đề Tư cách người cách mạng, với một hệ tiêu chuẩn: gồm ba bộ phận cấu thành (với mình, với người, với công việc). Với 23 điều răn, Người chỉ rõ: Tự mình phải cần kiệm, vị công vong tư, hy sinh, ít lòng ham muốn về vật chất, v.v... Ðối với từng người thì phải khoan thứ, với đoàn thể thì phải nghiêm, có lòng bày vẽ cho người, v.v... và làm việc phải dũng cảm quyết đoán nhưng không phiêu lưu mạo hiểm, phải phục tùng đoàn thể... thể hiện một quan niệm mới về nhân sinh quan, thế giới quan cách mạng, về ý thức và phương pháp tư tưởng của giai cấp công nhân. Hồ Chí Minh coi việc giáo dục đạo đức cách mạng là một trong những nguyên tắc cơ bản, nhằm xây dựng những con người cách mạng chân chính, để tiến tới xây dựng một Ðảng cách mạng chân chính của giai cấp công nhân Việt Nam. Có thể nói, việc lấy tiêu chuẩn đạo đức làm một trong hai tiêu chuẩn (đức và tài) của người cán bộ cách mạng, người đảng viên cộng sản, ngay từ khi chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời của Ðảng Cộng sản Việt Nam là một sáng tạo độc đáo, mang đậm dấu ấn Hồ Chí Minh. Ðường Kách mệnh xác định rõ mục tiêu Ðộc lập dân tộc và CNXH, khẳng định con đường cách mạng Việt Nam phải trải qua hai giai đoạn, đó là dân tộc cách mệnh (quốc gia) và cách mạng xã hội chủ nghĩa (quốc tế): Cương lĩnh Ðường Kách mệnh trình bày một cách khái quát những quan điểm cốt lõi của chủ nghĩa Mác - Lê-nin về con 1 đường cách mạng Việt Nam, con đường: Ðộc lập dân tộc gắn liền với CNXH, nhưng trước hết phải tập trung vào nhiệm vụ "dân tộc cách mệnh" 1, "giành lấy quyền tự do bình đẳng của dân nước mình", để chuẩn bị những tiền đề cho cuộc cách mạng thứ hai (thế giới cách mệnh) về chính trị, tổ chức, kinh tế, văn hóa. Ðối tượng của "dân tộc cách mệnh" là đánh đổ chính quyền thuộc địa của Pháp. Chủ thể là toàn dân tộc, lấy quần chúng công nông làm nền tảng. Thông qua việc đánh giá cao sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước truyền thống, và việc phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, Ðường Kách mệnh đã chỉ ra: "công nông là người chủ cách mệnh", còn học trò, nhà buôn nhỏ "chỉ là bầu bạn cách mệnh của công nông thôi" 2. Ðường Kách mệnh nhấn mạnh vai trò quan trọng hàng đầu của Ðảng - nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam và việc lựa chọn mô hình nhà nước trong tương lai: Nhận thức sâu sắc nguyên nhân của cuộc khủng hoảng đường lối cứu nước, Hồ Chí Minh đã luận giải về bản chất của thời đại mới, về nhiệm vụ và sứ mệnh lịch sử của giai cấp vô sản, về vai trò của những nhân tố đảm bảo cho cuộc cách mạng giải phóng dân tộc theo quỹ đạo của cách mạng vô sản đi đến thắng lợi cuối cùng và nêu rõ trong Ðường Kách mệnh: "Trước hết phải có Ðảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi. Ðảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy. Ðảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt... Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lê-nin" 3. Cùng với những định hướng cụ thể về mục đích, đối tượng, nhiệm vụ, lực lượng và tổ chức tiền phong lãnh đạo cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, Ðường Kách mệnh cũng đồng thời nêu lên mô hình nhà nước trong tương lai khi cách mạng thành công. Mặc dù đồng ý với tư tưởng dân chủ tiến bộ mà cách mạng Mỹ và cách mạng Pháp đã tuyên bố trong Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của Mỹ và Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Pháp năm 1791, nhưng theo Hồ Chí Minh: "Cách mệnh Pháp cũng như cách mệnh Mỹ, nghĩa là cách mệnh tư bản, cách mệnh không đến nơi"4, nên: Muốn dân tộc được độc lập, muốn nhân dân lao động thoát khỏi thân phận người nô lệ, thì phải làm cách mạng một cách triệt để. Không thể đi theo con đường cách mạng tư sản, không thể thiết lập mô hình nhà nước cộng hòa tư sản, nơi chính quyền chủ yếu thuộc về giai cấp hữu sản, Người đã viết: "Chúng ta đã hy sinh làm cách mệnh thì nên làm cho đến nơi, nghĩa là làm sao cách mệnh rồi thì quyền giao cho dân chúng số nhiều, chớ để trong tay một bọn ít người. Thế mới khỏi hy sinh nhiều lần, thế dân chúng mới được hạnh phúc" 5. Ðường Kách mệnh khẳng định cách mạng giải phóng dân tộc muốn thắng lợi phải đi theo con đường của cách mạng tháng Mười Nga với một phương pháp cách mạng mới: Ðể tiến hành một cuộc cách mạng mà khi chính quyền được thành lập là của quảng đại quần chúng, Hồ Chí Minh đã hướng về một cuộc cách mệnh "đến nơi", và nhấn mạnh, muốn cách mệnh thành công thì dân chúng (công nông) làm gốc, phải có đảng vững bền, phải bền gan, phải hy sinh, phải thống nhất. Vì vậy, cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam theo quỹ đạo cách mạng vô sản, nhằm thiết lập một thể chế quyền lực thuộc về nhân dân, chính là con đường: Ðộc lập dân tộc gắn liền với CNXH, để đi tới xã hội cộng sản chủ nghĩa, với phương pháp vận động quần chúng, phương pháp tổ chức đấu tranh cách mạng, cách thức xây dựng các tổ chức quần chúng, v.v... theo những nguyên tắc của chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Thông qua việc nêu rõ vai trò và cách thức tổ chức Công hội, tổ chức Dân cày, và Hợp tác xã, Phụ nữ quốc tế, Công nhân quốc tế, v.v... Ðường Kách mệnh khẳng định đó là nơi quy tụ, tập hợp, phát huy vai trò các tổ chức quần chúng của Ðảng, nhằm huy động mọi nguồn sức mạnh nội lực cho sự nghiệp cách mạng. Ngọn đuốc soi đường Với 15 đầu mục lớn, trong một số trang không nhiều (bản gốc dày 100 trang, bản in lẻ tháng 4-1982 của NXB Sự thật, nay là NXB Chính trị quốc gia, dày 146 trang), Ðường Kách mệnh tuy được viết rất ngắn gọn, nhưng những nội dung hàm chứa trong đó có giá trị thực tiễn lớn lao. Ðó thực sự là văn kiện nền tảng lý luận đầu tiên, là cơ sở cho sự ra đời Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Ðảng Cộng sản Việt Nam đầu năm 1930. 2 Trong suốt 80 năm, kể từ sau khi tác phẩm ra đời, những tư tưởng và lý luận mà Ðường Kách mệnh đề cập, luôn luôn có ý nghĩa to lớn đối với Ðảng Cộng sản Việt Nam và con đường phát triển của cách mạng Việt Nam trong tiến trình cách mạng. Giống như báo Tia lửa và cuốn Làm gì của V.I. Lê-nin đối với cách mạng Nga (1902), Ðường Kách mệnh là "cẩm nang", là ngọn đuốc soi đường cho cách mạng Việt Nam đi tới thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám 1945, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ, trong những năm cả nước cùng đi lên CNXH và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN, đặc biệt là trong 20 năm chúng ta tiến hành công cuộc đổi mới. -----------------------------------------1. Hồ Chí Minh, toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội 1996, t.2, tr 265. 2. Hồ Chí Minh, Sđd, t.2, tr 266. 3. Hồ Chí Minh, Sđd, t.2, tr 267, 268. 4. Hồ Chí Minh, Sđd, t.2, tr. 274. 5. Hồ Chí Minh, Sđd, t.2, tr. 270. Đường lối cách mạng Việt Nam trong tác phẩm Đường Kách mệnh của Nguyễn Ái Quốc Kỷ niệm 80 năm ra đời tác phẩm Đường Kách Mệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh ĐƯỜNG LỐI CÁCH MẠNG VIỆT NAM TRONG TÁC PHẨM ĐƯỜNG KÁCH MỆNH CỦA NGUYỄN ÁI QUỐC Năm 2007, năm kỷ niệm 80 năm ra đời tác phẩm Đường Kách Mệnh (1927- 2007). Đây là cuốn sách gồm những bài giảng của Nguyễn Ái Quốc (Chủ tịch Hồ Chí Minh) tại các lớp huấn luyện chính trị cho cán bộ của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, do Người tổ chức tại Quảng Châu (Trung Quốc) trong những năm 1925- 1927. Các lớp huấn luyện chính trị này nhằm truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng và phương pháp cách mạng cho những người cách mạng Việt Nam; chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Cuốn sách do Bộ Tuyên truyền của Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức ở Á Đông xuất bản năm 1927 để làm tài liệu học tập và tuyên truyền. Có 15 vấn đề cơ bản sau được trình bày ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu: tư cách một người cách mệnh; vì sao phải viết sách này; cách mệnh; lịch sử cách mệnh Mỹ; cách mệnh Pháp; cách mệnh Nga; quốc tế; phụ nữ quốc tế; công nhân quốc tế; cộng sản thanh niên quốc tế; quốc tế giúp đỡ; quốc tế cứu tế đỏ; cách tổ chức công hội; tổ chức dân cày; hợp tác xã. Đường Kách Mệnh là một trong những tác phẩm lớn đánh dấu một trong những mốc quan trọng trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Nguyễn Ái Quốc, đồng thời là một trong những văn kiện lý luận đầu tiên của Đảng ta, đặt cơ sở tư tưởng cho đường lối cách mạng Việt Nam. Nội dung và ý nghĩa đường lối chính trị của Đường Kách Mệnh đã được Người đề cập một cách phong phú và sâu sắc, trong đó tập trung một số vấn đề sau: - Tác phẩm đã xác định rõ tính chất của cách mạng Việt Nam là dân tộc cách mạng và giai cấp cách mạng. 3 Nguyễn Ái Quốc cho rằng phải làm dân tộc cách mạng vì thực dân Pháp bắt dân ta làm nô lệ, nên toàn dân tộc phải hiệp lực đánh đuổi bọn xâm lược. Thà chết tự do còn hơn sống nô lệ. Việt Nam cũng phải làm giai cấp cách mạng vì chủ tư bản Tây bóc lột công nhân Việt Nam, chủ đồn điền Tây chiếm đoạt ruộng đất của nông dân Việt Nam nên công nông phải đứng lên làm cách mạng để đánh đuổi tư bản thực dân. Điều đáng nói ở đây là xét về loại hình cách mạng, Nguyễn Ái Quốc xác định phải có loại cách mạng dân tộc riêng, khác cách mạng tư sản và khác cách mạng vô sản (cách mạng XHCN). Người chia cách mạng ra làm 3 thứ: tư bản cách mạng, dân tộc cách mạng, giai cấp cách mạng. Các nước thuộc địa làm cách mạng để giành độc lập "như An Nam đuổi Pháp, Ấn Độ đuổi Anh, Cao Ly đuổi Nhật, Philippin đuổi Mỹ, Tàu đuổi các đế quốc chủ nghĩa... ấy là dân tộc kách mệnh". Còn cách mạng ở các nước phương Tây, thay chế độ phong kiến bằng chế độ tư bản, gọi là tư bản cách mạng. Nguyễn Ái Quốc không cho rằng hễ ở đâu có chống địa chủ phong kiến đều là cách mạng dân chủ tư sản. Cần phân biệt rõ về chất hai loại cách mạng ấy, dù đều chống địa chủ phong kiến. Khi đọc Đề cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lênin, Người đã vui mừng đến phát khóc lên, nhưng mấy năm sau, với Đường Kách Mệnh, Người không nói cách mạng dân chủ tư sản mà nói dân tộc cách mạng và giai cấp cách mạng ở các nước thuộc địa. Toàn bộ tác phẩm Đường Kách Mệnh đã được Người tập trung giải quyết vấn đề dân tộc cách mạng trên cơ sở học thuyết giai cấp và đấu tranh giai cấp của chủ nghĩa Mác-Lênin. Đây là một phát hiện về loại hình cách mạng, Người đã nghiên cứu nhiều lý luận cách mạng, tìm hiểu kỹ các cuộc cách mạng tư sản dân chủ Anh, Pháp, Mỹ; cách mạng vô sản ở Pháp, Nga. Cuộc cách mạng nào cũng rút ra được bài học cho Việt Nam, nhưng Người cho rằng Việt Nam là nước thuộc địa nửa phong kiến, không giống các nước trên, nên phải tìm một loại hình cách mạng thích hợp. Đường Kách Mệnh đã khởi xướng tên gọi "dân tộc cách mạng" và "giai cấp cách mạng"; hai cuộc cách mạng ấy luôn kết hợp với nhau. Hai cuộc cách mạng đó phải mất 24 năm hoàn chỉnh dần về nhận thức và thay đổi dần cách diễn đạt, đến năm 1951 mới hòa nhập thành tên chung là Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. - Về kẻ thù của cách mạng Việt Nam. Đường Kách Mệnh nhấn mạnh kẻ thù dân tộc và kẻ thù giai cấp là thực dân Pháp xâm lược, nhưng chưa có gì rõ nét khi nói đến giai cấp địa chủ phong kiến Việt Nam. Tác phẩm đề cập: "... còn học trò, nhà buôn nhỏ, điền chủ nhỏ cũng bị tư bản áp bức, song không cực khổ bằng công nông; ba hạng ấy chỉ là bầu bạn cách mệnh của công nông thôi". Ở phần giới thiệu Tổ chức dân cày, có đoạn viết: "Bất kỳ đàn ông đàn bà, từ những người tiểu điền chủ cho đến những người cày thuê cày rẻ, từ 18 tuổi trở lên thì được vào. (Những người đại địa chủ, mật thám, say mê rượu chè, cờ bạc và a phiến thì chớ cho vào hội)". Như vậy, tác phẩm chỉ nhắc đến tiểu địa chủ và xếp họ ngang hàng với tiểu tư sản, nhắc đến đại địa chủ và xếp họ vào loại tổ chức dân cày không chấp nhận được, không đề cập đến vấn đề ruộng đất, địa tô hay tay sai của đế quốc. Trong Đường Kách Mệnh, Người nêu hình mẫu Cách mạng Tháng Mười Nga bằng chỉ rõ từng kẻ thù bị đánh đổ: "Cách mạng Nga đã đuổi được vua, tư bản, địa chủ rồi". Nhưng khi nói đến vai trò cách mạng Nga giúp đỡ công nông các nước và dân tộc thuộc địa thì "làm cách mệnh để đập đổ tất cả đế quốc chủ nghĩa và tư bản trong thế giới". Những vấn đề nêu trên cho thấy quan điểm của Người về giai cấp phong kiến địa chủ Việt Nam nói chung, cũng như trong Đường Kách Mệnh nổi lên một số vấn đề như: Quan hệ giữa địa chủ và nông dân ở Việt Nam khác với phương Tây, Mỹ, Trung Quốc. Địa chủ Việt Nam cũng khác với chủ đồn điền Tây trong chiếm đoạt ruộng đất và bóc lột nông dân Việt Nam; phân loại địa chủ thành đại, trung và tiểu để có thái độ chính trị khác nhau, để nhằm đúng kẻ thù cụ thể trước mắt, tránh vơ đũa cả nắm; sau khi hoàn thành cách mạng giải phóng dân tộc, đã có chính quyền dân chủ nhân dân ổn định mới đánh đổ toàn bộ giai cấp địa chủ phong kiến; chống phong kiến thực hiện 4 từng bước, khi chưa xóa bỏ các quan hệ phong kiến vẫn giải quyết cơ bản vấn đề ruộng đất của nông dân bằng hình thức tịch thu ruộng đất của đế quốc và Việt gian chia cho dân cày, chia lại ruộng công, thực hiện giảm tô, giảm tức. Những vấn đề đó hoàn toàn phù hợp với thực tiễn Việt Nam, đã trở thành nội dung của đường lối cách mạng trong cách mạng dân tộc dân chủ. - Về phương pháp tổ chức. Đường Kách Mệnh đã dành một tỷ lệ khá lớn của tác phẩm - 43/67 trang (Theo Văn kiện Đảng toàn tập, tập I, NXB CTQG, HN, 1998...)- để giới thiệu tỉ mỉ các hình thức tổ chức cách mạng và tổ chức quần chúng quốc tế. Từ hệ thống hình thức tổ chức ấy, Người muốn làm cho thanh niên yêu nước hiểu biết về cách mạng vô sản thế giới, quan hệ quốc tế của cách mạng mỗi nước, sức mạnh của tổ chức quần chúng rộng rãi... Đặc biệt là giới thiệu về phương pháp tổ chức quần chúng của Quốc tế Cộng sản. Người thấy cần sớm khắc phục chỗ yếu kém đáng kể của những người yêu nước Việt Nam là công tác tổ chức nên Người đã trình bày khá công phu các hình thức tổ chức ấy. Bên cạnh việc giác ngộ lý luận thì phương pháp xây dựng lực lượng là vấn đề sống còn của cách mạng. Chuyển từ các hình thức kiểu cũ sang kiểu mới không chỉ là chuyển biến của phương pháp thay đổi phong cách, thói quen công tác mà là thay đổi về quan điểm quần chúng, về giáo dục và tổ chức lực lượng quần chúng, về trình độ khoa học đấu tranh và hoạt động thực tiễn cách mạng. Đây còn là việc mở rộng tầm nhìn ra cách mạng thế giới và đi sâu vào các quan hệ dân tộc, giai cấp, quốc tế. Cát Hoa ( Tổng hợp) Thông tin về tác phẩm “Đường cách mệnh” 15:44 | 31/01/2008 (ĐCSVN)- Bạn Cấn Long Hải, trường Đại học Kinh tế kỹ thuật công nghiệp, địa chỉ email: [email protected] hỏi: Em muốn biết nội dung chính và ý nghĩa của tác phẩm “Đường cách mệnh” Trả lời: Trong Giới thiệu tác phẩm của C.Mác và Ph.Ăngnghen, V.I. Lênin, Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng và chính quyền nhà nước, Nxb CTQG, H, 1999 đã phân tích những nội dung chính và ý nghĩa của tác phẩm “Đường cách mệnh”: * Nội dung của tác phẩm “Đường cách mệnh” - Tư cách một người cách mệnh: Nội dung gồm 3 phần: Tự mình phải cần kiệm - liêm chính - vị công vong tư. Giữ chủ nghĩa cho vững…; Đối người phải: với từng người thì khoan thứ. Trực mà không táo bạo. Hay xem xét người; - Làm việc phải : Xem xét hoàn cảnh kỹ càng. Quyết đoán, dũng cảm, phục tùng đoàn thể. Tác phẩm đã nêu lên những vấn đề cơ bản của đạo đức mới - đạo đức của người cộng sản. Đó là phải có đức và tài, trí và dũng, tư cách và năng lực theo kiểu người cộng sản. Đó là con người một lòng một dạ. Đó là con người có tổ chức, gắn bó với tổ chức, với đoàn thể. Đồng thời biết phát huy năng lực cá nhân. “Tư cách người cách mệnh” có giá trị khoa học và giáo dục lớn đặt cơ sở cho đạo đức học ở Việt Nam. 5 - Con đường cách mệnh Tác giả xác định các loại cách mạng: Tư bản cách mệnh như cách mệnh Pháp năm 1789, Mỹ cách mệnh độc lập năm 1776; Nhật cách mệnh năm 1864; Dân tộc cách mệnh như: Italia đuổi cường quyền Áo năm 1859; Tàu đuổi Mãn Thanh 1911; Giai cấp cách mệnh như công nông Nga đuổi tư bản và giành lấy chính quyền 1917. Tác giả giải thích nguyên nhân sinh ra các loại cách mệnh ấy. Tác giả phân tích kỹ Cách mạng tư sản Pháp 1789, Cách mạng tư sản Mỹ 1776, Cách mạng Tháng Mười Nga 1917 và chỉ ra kinh nghiệm lịch sử của các cuộc cách mạng này. Từ lịch sử và thực tiễn, tác giả đã định hướng cho các mạng Việt Namlà đi theo con đường Cách mạng tháng Mười Nga “theo chủ nghĩa Mã Khắc Tư và Lênin” - Về lực lượng cách mạng: Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cũng chỉ rõ: Công nông là người chủ cách mệnh “là vì công nông bị áp bức nặng hơn, là vì công nông là đông nhất cho nên sức mạnh hơn hết, là vì công nông là tay không chân rồi, nếu thua thì chỉ mất một cái kiếp khổ, nếu được thì được cả thế giới, cho nên họ gan góc”. “Học trò, nhà buôn nhỏ, điền chủ nhỏ cũng bị tư bản áp bức, song không cực khổ bằng công nông; 3 hạng ấy chỉ là bầu bạn cách mệnh của công nông thôi”. - Về đoàn kết quốc tế,Nguyễn Ái Quốc chỉ rõ rằng, cách mạng Việt Nam phải đoàn kết với các lực lượng cách mạng thế giới. Hồ Chí Minh nêu 3 vấn đề lớn: Cách mạng Việt Nam phải đứng hẳn về phía phong trào công nhân và phong trào giải phóng dân tộc thế giới để đạp đổ tất cả đế quốc chủ nghĩa trên thế giới; Xác định rõ quan hệ lợi ích dân tộc và cách mạng thế giới, giữa quyền lợi và trách nhiệm, sự thống nhất của quan hệ này; Xác định rõ quan hệ cách mạng thuộc địa và cách mạng chính quốc là tác động qua lại. Cách mạng thuộc địa không thụ động ngồi chờ cách mạng chính quốc. Với những luận điểm trên, tác phẩm đã đặt nền tảng đúng đắn cho đường lối quốc tế của đảng, và đặt cơ sở cho sự giúp đỡ của quốc tế trong thời kỳ thành lập Đảng. - Về phương pháp cách mạng, Nguyễn Ái Quốc khẳng định rằng, phương pháp cách mạng giữ vai trò hết sức quan trọng. Đó là: Phải làm cho dân giác ngộ; Phải giảng giải lý luận và chủ nghĩa cho dân hiểu; Phải hiểu phong trào thế giới, phải bày sách lược cho dân; Phải đoàn kết toàn dân “Cách mệnh là việc chung cả dân chúng chứ không phải việc của một hai người”; Phải biết tổ chức dân chúng lại; Phải giành chính quyền bằng bạo lực cách mạng của quần chúng, phải biết chọn thời cơ. - Về Đảng Cộng sản,Đảng là điều kiện đầu tiên để đảm bảo cho sự thắng lợi của cách mệnh. “Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy”. Để lãnh đạo cách mạng, Đảng phải theo chủ nghĩa Mác - Lênin. “Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam. Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”. * Ý nghĩa của tác phẩm“Đường cách mệnh” 1. Tác phẩm Đường cách mệnh có vai trò quan trọng trong việc chuẩn bị về tư tưởng, chính trị, tổ chức cho sự thành lập chính Đảng cách mạng ở Việt Nam. - Về tư tưởng:Tác phẩm có ý nghĩa giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng của Nguyễn Ái Quốc cho cán bộ và đông đảo quần chúng nhân dân, nhằm xây dựng sự thống nhất trong nhận thức tư tưởng, chuẩn bị thành lập Đảng. Tác phẩm khắc phục tư tưởng sai lầm, ám sát cá nhân, chủ nghĩa cải lương, chủ nghĩa quốc gia; xác lập hệ tư tưởng mới - tư tưởng của giai cấp công nhân. - Về chính trị:Tác phẩm xây dựng lập trường, quan điểm của giai cấp công nhận cho cán bộ và quần chúng công nông. Vạch ra được đường hướng cơ bản của cách mạng Việt Nam, làm cơ sở cho việc xây dựng Cương lĩnh chính trị của Đảng. Tác phẩm Đường cách mệnh ra đời đã chấm dứt cuộc khủng hoảng về đường lối của cách mạng Việt Nam; thúc đẩy phong trào yêu nước, phong trào công nhân phát triển mạnh mẽ . 6 - Về tổ chức:Đào tạo ra một lớp cán bộ cách mạng kiểu mới chuẩn bị cho việc thành lập Đảng. Tác phẩm cũng đưa ra hệ thống tổ chức của Đảng và các tổ chức quần chúng như công hội, nông hội, thanh niên, phụ nữ... để Đảng tập hợp quần chúng, chuẩn bị về mặt tổ chức cho sự ra đời của Đảng. 2. Tác phẩm Đường cách mệnh có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc. Lý luận của tác phẩm không sách vở mà vạch ra lý luận cách mạng Việt Nam thiết thực, tri thức lý luận cách mạng Việt Nam đã được hiện diện trong tác phẩm rất mácxít nhưng cũng rất Việt Nam, dễ hiểu, dễ tiếp thu, kết hợp rất tài tình phương pháp lịch sử và lôgích. Dùng lịch sử để nói lý luận, từ Cách mạng Pháp đến Cách mạng Nga và kết luận ở Cách mạng Nga, rồi lấy lý luận soi sáng thực tiễn Việt Nam, và kết luận: Chỉ có cách mạng vô sản mới giải phóng được dân tộc. Tác phẩm cũng là một hình mẫu của sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam của tác giả. Ví dụ: Lênin cho rằng, cách mạng thuộc địa chỉ có thể giành được thắng lợi khi có sự giúp đỡ của cách mạng chính quốc, khi cách mạng vô sản chính quốc đã giành thắng lợi, nhưng tác phẩm phát hiện thêm rằng, cách mạng thuộc địa có thể thành công trước cách mạng vô sản ở chính quốc và tác động tích cực đối với cách mạng chính quốc. Chủ nghĩa Mác - Lê nin bàn nhiều về vấn đề giải phóng dân tộc. Tác phẩm chỉ rõ dân tộc và giai cấp kết hợp với nhau, giải phóng dân tộc bằng con đường cách mạng vô sản... Tác phẩm Đường cách mệnh đã thể hiện thiên tài lý luận cách mạng của Nguyễn Ái Quốc, tác phẩm có giá trị thực tiễn lớn lao, tạo ra sự chuyển biến căn bản, nhanh chóng trong nhận thức và hành động cách mạng của cán bộ và đông đảo quần chúng, chuẩn bị tiền đề cho việc thành lập Đảng. Như vậy, trước khi Đảng ra đời, ở Việt Namđã có sự thống nhất về tư tưởng chính trị và tổ chức. Đó là điều kiện trực tiếp giữ vững sự thống nhất trong Đảng ngay từ khi mới thành lập cũng như sau này. Tác phẩm Đường cách mệnh là một kho tàng tri thức lý luận cách mạng Việt Nam, là sự thể hiện tư tưởng cơ bản của lãnh tụ Hồ Chí Minh. Giá trị của tác phẩm càng được khẳng định khi Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng Cộng sản Việt Nam tuyên bố rằng, Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động. Bạn có thể đọc tác phẩm “Đường cách mệnh” bằng cách truy cập vào Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam: http://www.dangcongsan.vn\Tư liệu Văn kiện\C.Mác, Ăngghen, Lê nin, Hồ Chí Minh\Hồ Chí Minh\Tác phẩm\Hồ Chí Minh toàn tập - tập 2 7
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan

Tài liệu vừa đăng