Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Tính triết lí trong truyện ngắn của nguyễn minh châu sau năm 1975...

Tài liệu Tính triết lí trong truyện ngắn của nguyễn minh châu sau năm 1975

.PDF
122
1664
100

Mô tả:

TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẦN THƠ KHOA KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN BỘ MÔN NGỮ VĂN    Sinh viên thực hiện NGUYỄN THỊ PHƯỢNG MSSV : 6095884 TÍNH TRIẾT LÍ TRONG TRUYỆN NGẮN CỦA NGUYỄN MINH CHÂU SAU NĂM 1975 Luận văn tốt nghiệp đại học Ngành ngữ văn Cán bộ hướng dẫn: Th.s LÊ THỊ NHIÊN Cần Thơ, 5 - 2013 1 ĐỀ CƯƠNG TỔNG QUÁT PHẦN MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài 2. Lịch sử vấn đề 3. Mục đích yêu cầu 4. Phạm vi đề tài 5. Phương pháp nghiên cứu PHẦN NỘI DUNG Chương I: NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG 1.1. Quan niệm về triết lí 1.1.1. Khái niệm về triết lí 1.1.2. Vấn đề triết lí trong văn học Việt Nam 1.2. Đôi nét về tác giả Nguyễn Minh Châu 1.2.1. Cuộc đời 1.2.2. Sự nghiệp sáng tác. 1.2.3. Quan niệm nghệ thuật của Nguyễn Minh Châu trước và sau năm 1975 Chương II: NỘI DUNG TRIẾT LÍ TRONG TRUYỆN NGẮN NGUYỄN MINH CHÂU SAU NĂM 1975 2.1. Quan niệm về chiến tranh 2.1.1. Chiến tranh luôn song hành cùng nỗi đau và sự mất mát. 2.1.2. Chiến tranh, nơi thử thách sự kiên – trung 2.2. Quan niệm về con người 2.2.1. Con người không là “thánh nhân” 2.2.2. Con người hoàn thiện chính mình qua quá trình tự nhận thức 2.3. Quan niệm về cuộc sống 2.3.1. Sống là một hành trình nhập cuộc với đời 2.3.2. Cuộc sống với những nghịch lý tồn tại một cách ngẫu nhiên 2 2.3.3. Truyện ngắn Nguyễn Minh Châu – sự đa dạng những bài học từ cuộc sống 2.4. Quan niệm về nghệ thuật 2.4.1. “Thành công của nghệ thuật có đôi lúc là một cái một cái gì rất cầu ơ” 2.4.2. Nghệ thuật phải là chiếc gương phản chiếu cuộc sống một cách chân thực nhất Chương III: NGHỆ THUẬT THỂ HIỆN TÍNH TRẾT LÍ TRONG TRUYỆN NGẮN NGUYỄN MINH CHÂU SAU NĂM 1975 3.1. Nghệ thuật xây dựng nhân vật 3.1.1. Nghệ thuật xây dựng tâm lý nhân vật thông qua quá trình độc thoại nội tâm 3.1.2. Yếu tố ngoại hình và tên gọi 3.2. Giọng điệu giàu chất triết lí 3.3. Nghệ thuật tạo dựng tình huống truyện 3.4. Điểm nhìn trần thuật 3.5. Biểu tượng nghệ thuật PHẦN KẾT LUẬN TÀI LIỆU THAM KHẢO PHẦN MỤC LỤC 3 PHẦN MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài Một nền văn học không bắt rễ từ nền tảng triết học cơ bản sẽ đi đến chỗ thiếu khám phá, thiếu chiều sâu tư tưởng. Trong nhu cầu xã hội ngày nay, nhận thức nghệ thuật không chỉ đóng khung trong những tầng đất quen thuộc. Những cách viết một chiều, đơn nghĩa, ngợi ca phẩm chất truyền thống trên cơ sở các nhận thức cũ không thể thỏa mãn nhu cầu người đọc. Nguyễn Minh Châu ý thức được điều đó và “hướng ngòi bút của anh vào việc phát hiện các hiện tượng đời sống trong chiều sâu triết học và lịch sử, thể hiện nhu cầu chiêm nghiệm, tự đối thoại với chính mình và ý thức của mình” [15; tr.189]. Ông là một trong những người đi tiên phong trong việc đổi mới phong cách nghệ thuật sau năm 1975. Từ một nhà văn đã có tên tuổi nhất định trong giai đoạn trước khi viết về đề tài người lính và chiến tranh. Sau này, Nguyễn Minh Châu càng khẳng định sự thành công vượt bậc trong thể loại truyện ngắn, ngoài hai đề tài chủ chốt nêu trên là những vấn đề nhân sinh xã hội đã được ông đúc kết trong suốt quá trình sống và lao động không mệt mỏi. Nhà văn đã khước từ việc hòa mình vào dòng chảy tuôn chào của cái tôi cảm xúc để có những cái nhìn tỉnh táo trước những mâu thuẫn, xung đột và giằng xé của thời đại trong tâm tư tình cảm con người. Gần 30 năm cầm bút, ông để lại mười ba tập văn xuôi (tiểu thuyết và truyện ngắn), một tập tiểu luận phê bình. Các tác phẩm của ông đã trở thành điểm đến của rất nhiều nhà nghiên cứu, là đề tài của rất nhiều luận văn, luận án…. Nguyễn Minh Châu được xem xét khá kỹ lưỡng ở từng tác phẩm cụ thể, ở từng giai đoạn sáng tác, ở chân dung con người và cả ở khu vực phê bình tiểu luận từ nội dung cho đến nghệ thuật. Tuy nhiên, việc nghiên cứu “Tính triết lý” trong sáng tác của ông đặc biệt là các tác phẩm truyện ngắn từ những năm sau 1975 thì nhìn chung vẫn chưa có công trình nào nghiên cứu một cách trọn vẹn. Ý thức được tầm quan trọng của vấn đề cần xây dựng một nền văn học hướng đến những quy luật vĩnh hằng của cuộc sống, đánh thức chiều sâu của những tư tưởng triết học thể hiện trong những tác phẩm ra đời sau năm 1975 và lòng mến mộ một tài năng đã sống và cống hiến hết mình cho nghệ thuật của Nguyễn Minh Châu đã thôi thúc người viết thể nghiệm mình qua đề tài “Tính triết lý trong truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu sau năm 1975” 4 Tiến hành nghiên cứu đề tài này sẽ giúp giúp người viết củng cố thêm năng lực quan sát, tư duy, trải nghiệm bản thân cũng như bổ sung kiến thức về tác giả lớn như Nguyễn Minh Châu. Chúng tôi hy vọng việc nghiên cứu về tính triết lý trong truyện ngắn của ông sau năm 1975 sẽ góp phần vào tiếng nói chung giúp mọi người nhận ra phần nào những quy luật vận động và phát triển của xã hội, từ đó làm cho con người sống tốt hơn, vững tin hơn trong cuộc sống đầy khó khăn, biến động này. 2. Lịch sử vấn đề Trình làng từ những tác phẩm đầu tiên, tuy chưa thể khẳng định đó là những thành tựu thật sự xuất sắc, nhưng một điều không thể phủ nhận là các sáng tác của Nguyễn Minh Châu luôn nhận được sự quan tâm nồng nhiệt từ phía độc giả cũng như giới phê bình văn học. “Chỉ nói riêng trong khoảng trên năm năm, với Cửa sông (1967) và Dấu chân người lính (1972), đã có hơn 17 bài phê bình đăng trên các báo và tạp chí trung ương”.[19; tr.18] Các sáng tác của ông dù ra đời ở giai đoạn trước hay sau chiến tranh thì nơi đây luôn được coi là mảnh đất màu mỡ cho các cây bút phê bình thể nghiệm các phương pháp phân tích mổ xẻ cũng như tiếp cận ở nhiều góc độ. Số bài viết về con người và tác phẩm của Nguyễn Minh Châu đăng trên các báo, tạp chí trung ương và địa phương cho đến trước ngày ông mất phần lớn đã được tập hợp, chọn lọc, phân loại và lên danh mục trong công trình Nguyễn Minh Châu – Con người và Tác phẩm và đầy đủ hơn là trong cuốn sách Nguyễn Minh Châu về tác giả và tác phẩm. Vì phạm vi và giới hạn đề tài, chúng tôi xin cố gắng nêu ra những ý kiến, bài viết liên quan đến vấn đề đang khảo sát. Nhìn chung, nói về triết lý trong truyện ngắn Nguyễn Minh Châu sau năm 1975 chưa xuất hiện một công trình nào nghiên cứu một cách toàn diện và có tính hệ thống. Các bài viết nếu có đề cập đến vấn đề này thì cũng là những nhận xét lướt qua hoặc mang tính lẻ tẻ ở một vài tác phẩm. Tuy nhiên, dù chỉ là những nhận xét lướt qua nhưng cũng đã có nhiều gợi mở cho việc tìm hiểu đề tài triết lý trong truyện ngắn của ông, cụ thể như sau: Với công trình nghiên cứu Phong cách nghệ thuật Nguyễn Minh Châu, Tôn Phương Lan đã đề cập đến những đổi mới trong phong cách nghệ thuật của Nguyễn Minh Châu trước và sau năm 1975, trong đó Chương I : “Tư Tưởng nghệ thuật – quan niệm 5 về hiện thực và con người của Nguyễn Minh châu”, người viết đã có những nhận định hết sức giá trị: “Nguyễn Minh Châu vừa đào xới ở tầng lộ thiên của tình cảm lớn, những nhân cách cao đẹp, đồng thời phát hiện và khai thác vỉa ngầm của những tình cảm gia đình, quê hương trong những trạng thái tâm thế khác nhau” [19; tr.38]. Ngay từ những tác phẩm đầu tay, Nguyễn Minh Châu đã bắt đầu thâm nhập vào lãnh địa của tình cảm riêng tư trong những con người bình thường. Truyện ngắn Sau một buổi tập tuy viết còn giản đơn, sơ lược nhưng đã lóe lên khả năng nắm bắt và soi thấu vào tình cảm gốc rễ trong con người khi ông miêu tả một cách cảm động cảnh người mẹ quê mùa lên thăm đứa con tân binh. Ngay trong Dấu chân người lính – một tác phẩm có bối cảnh là chiến trường, những trang hồi ức về tình cảm gia đình trước chiến tranh hay cảnh chia tay của bố con Khuê sau khi anh về thăm gia đình, mối tình cảm tự nhiên được dấu dưới vẻ ngoài thô mộc của Lượng… đã được Nguyễn Minh Châu miêu tả một cách tinh tế. Chính điều đó làm cho ta thấy rõ hơn giá trị của những thứ tình cảm được coi là cá nhân, riêng tư nhỏ bé không thể đem so sánh với tình cảm lớn lao của dân tộc, của đất nước. Tuy nhiên đó lại là nguồn mạch nuôi dưỡng khích lệ ý chí và khát vọng con người. Nguyễn Minh Châu luôn ý thức về trách nhiệm và lý tưởng của thanh niên. Trong bài viết Tiếp tục hành trình đọc Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Trọng Hoàn đã nói “Đọc Mảnh đất tình yêu, có thể nhận thấy những dấu hiệu đổi mới rõ rệt trong quan niệm sống, triết lý sống mà nhà văn gửi gắm vào ý nghĩ của nhân vật Quy – một thanh niên từng trải qua thử thách, sóng gió của cuộc đời: “Tôi mong muốn nhất từng con người chung quanh tôi hãy dám chịu trách nhiệm trước công việc, dám ngẩng cao đầu tự hào trước công việc làm của mình – sẽ đem lại niềm vui, no ấm và hạnh phúc cho con người và đóng góp vào tiến bộ xã hội”[15; tr.33], cũng trong bài viết này, khi đề cập đến thể loại truyện ngắn, một lãnh địa được các nhà nghiên cứu cho là thành công hơn mảng tiểu thuyết của của Nguyễn Minh Châu, người viết đã trích lời học giả nổi tiếng N.I. Niculin khi đề cập tới những sáng tác của ông trong bài “Cuộc chiến tranh giải phóng và truyện ngắn Việt Nam hiện đại (tạp chí Các dân tộc Á – Phi): “Cảm hứng các tác phẩm của Nguyễn Minh Châu, như tự anh nói, trước hết là cố gắng tìm cái hạt ngọc ẩn dấu trong bề sâu tâm hồn của người,… nhà văn dường như vượt lên khỏi cái hằng ngày và hướng về cái đẹp đẽ của cuộc đời; cái đẹp dường như được giải thoát khỏi gánh nặng của cái xấu, bay vượt lên khỏi cái thường nhật, truyện 6 ngắn Mảnh trăng cuối rừng được viết chính bởi chìa khóa ấy” [15; tr.34]. Vì vậy, ta không cảm thấy bất ngờ khi giai đoạn sau này, ông luôn khai thác những nhân vật đôi khi mang tính dị thường, hay xấu xí, lam lũ trong cuộc chiến với miếng cơm, manh áo vẫn lấp lánh những nhân cách sáng ngời như nhân vật người đàn bà trong Chiếc thuyền ngoài xa, để nhằm chứng tỏ rằng đằng sau vẻ bề ngoài thô kệch ấy luôn ẩn chứa một cái gì đó thật đẹp, những giá trị vĩnh hằng mà người đọc luôn muốn theo đuổi và tìm kiếm. Kể từ sau tiểu luận Viết về chiến tranh (Văn nghệ quân đội số 11-1978), với sự đổi mới tư duy nghệ thuật được thể hiện qua các sáng tác như: Bức tranh, Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành, Khách ở quê ra, dư luận bạn đọc đã có những ý kiến trái chiều khác nhau mà cuộc Trao đổi về truyện ngắn những năm gần đây của Nguyễn Minh Châu do tuần báo Văn nghệ tổ chức vào tháng 6 -1985 đã thể hiện tương đối đầy đủ, nổi bật là hai luồng ý kiến: Một bên tỏ ra nghi ngại, dè dặt về hướng tìm tòi đổi mới của ông, một bên khác lại khẳng định giá trị của sự tìm tòi đó mang tính hiệu quả cao. Góp mặt vào bầu không khí trang trọng của buổi trao đổi là những cái tên khá quen thuộc trong làng phê bình như Bùi Hiển, Phan Cự Đệ, Tô Hoài, Xuân Thiều, Lê Lựu, Phạm Tiến Duật, Phong Lê, Vương Trí Nhàn ... và đặc biệt với tiếng nói của chính tác giả, làm cho buổi trao đổi diễn ra một cách thẳng thắn và khách quan hơn. Trong cuộc hội thảo đó, một số ý kiến cho rằng sự cách tân trong những tác phẩm của ông gần đây được đẩy “theo một hướng có vẻ phức tạp hơn nhưng chưa chắc đã là sâu sắc hơn” [15; tr.291]. Vì thế trong tác phẩm của ông: “cái niềm tin ấy phần nào bị hẫng hụt. Đồng thời hình tượng quả có kém đi vẻ chân thực sinh động và sức mạnh thuyết phục” [15; tr.292] (Bùi Hiển) hoặc “do có điều gì đó bối rối trước hiện thực xã hội diễn biến phức tạp” nên người đọc “rất khó nắm bắt chủ đề tư tưởng của thiên truyện” [15; tr.298] (Xuân Thiều). “Một số nhân vật được xây dựng có tính chất khiên cưỡng”, “độc đáo nhưng hơi cá biệt”, “cảm hứng của tác giả hơi gán ghép” [15; tr.293] (Phan Cự Đệ). Có ý kiến lại cho rằng các truyện ngắn của ông “bị rối, có phần hơi khó hiểu” [15; tr.302] (Vũ Tú Nam, Đào Vũ), “nghiêng về những nhân vật dị thường” [15; tr.305] (Nguyễn Kiên), “thiếu đi cái nhìn đẹp đẽ, hợp lý”, “không ít khi rơi vào tự nhiên chủ nghĩa” [15; tr.305] (Triều Dương). Trái chiều với những ý kiến trên, Lê Lựu đã khẳng định Nguyễn Minh Châu với khả năng “nhìn đâu cũng ra truyện ngắn” [15; tr.299], Ông là nhà văn mà “cái đa giọng điệu, cái đa thanh 7 của cuộc đời đã vào anh” [15; tr.299] (Phong Lê). Với “đối tượng mới”, “văn phong Nguyễn Minh Châu như “hoạt” hẳn lên”, “tỏ rõ thêm một khía cạnh trong tài năng của mình”, “thật sự hết mình trong lao động nghệ thuật” [15; tr.302] (Lê Thành Nghị) …và đặc biệt chỉ với “những cái tưởng như bình thường, lặt vặt trong cuộc sống hằng ngày, dưới con mắt và ngòi bút Nguyễn Minh Châu đều trở thành những gợi ý đáng suy nghĩ và có tầm triết lý” [15; tr.295] (Tô Hoài). Tại cuộc hội thảo này, ông Xuân Trường – Trưởng Ban văn hóa – văn nghệ bấy giờ đã khẳng định “truyện ngắn Nguyễn Minh Châu những năm gần đây là một hiện tượng, là một khuynh hướng tìm tòi trong nghệ thuật của chúng ta”… “Anh muốn từ cái hằng ngày, cái thường ngày, vượt ra khỏi cái gì đã khô cứng, cái gì như đã thành định kiến, kể cả bản thân mình để đi tìm điều anh mong ước, đi tìm vấn đề và cách thể hiện mới. Tôi nghĩ, chỉ riêng ý định ấy, tinh thần trách nhiệm ấy, chúng ta đã phải trân trọng” [15; tr.309]. Trước những đánh giá đến từ nhiều chiều như vậy đã chứng tỏ rằng “hiện tượng” Nguyễn Minh Châu đã có sức lan tỏa mạnh mẽ, đặc biệt hướng vào việc đổi mới quan điểm, tư tưởng trong các sáng tác của ông khi cả đất nước và văn học đều song hành trên con đường hiện đại hóa. Từ sau năm 1975, với sự đổi mới cả về nội dung và hình thức, trong từng thể loại, đặc biệt là thể loại truyện ngắn. “Do yêu cầu phản ánh hiện thực trong tính chỉnh thể, đa chiều, truyện ngắn giờ đây không còn đơn thuần là lát cắt, những khoảnh khắc lịch sử, mà cần vươn đến bao quát những vấn đề có tính thời sự, cấp thời vừa vươn tới những chiêm nghiệm có ý nghĩa triết lý”. [9; tr.3839] Trong bài Truyện ngắn Nguyễn Minh Châu trong những năm 1980, Lại Nguyên Ân viết “Nhiều nhà nghiên cứu đã nhận thấy: ở văn học thế kỷ XX loại truyện ngụ ý, ngụ ngôn, triết lý, đã không còn chỉ là một thứ con rối cho các luận đề. Ngược lại, loại truyện này đã có dạng sinh hoạt tả thực rõ rệt, nhân vật đã được tạo dựng như một tính cách. Và bình diện ngụ ý triết lý luôn luôn chìm khuất sau bình diện sinh hoạt tả thực. Người ta thấy điều này ở truyện của Camus, Kafka, Golding v.v... hoặc trong văn học Xô-viết, ở Bykov, Aitmatov, Dumbatze v.v… Trong văn xuôi ở ta gần đây, chúng ta cũng thấy đặc điểm này ở các truyện của Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Nguyễn Kiên, v.v… Dìm sâu các ẩn ý triết lý vào mạch truyện "giống thực" là cách truyền sự sống cho ý tưởng ấy, tuy nhiên, mặt khác, người viết loại truyện này không thể không tìm cách cho ẩn ý kia 8 thỉnh thoảng lại lộ ra, nhô ra. Do vậy mà thường có những không khí khác thường cho nhân vật bộc lộ tâm sự, tâm trạng, giống như bị phục rượu mà phải nói to lên những ý nghĩ bao quát hơn, trừu tượng hơn so với lời nói của họ trong các cảnh ngộ thông thường”[1]. Ý thức được tầm quan trọng khi văn học không chỉ dừng để phản ánh những tình cảm hoặc hiện thực thông thường đang diễn ra trong cuộc sống mà người viết phải biết khái quát, chiêm nghiệm một cách sâu sắc, Nguyễn Minh Châu ngay từ đầu đã cho rằng “sự đời ngưng kết đến một mức độ nào đấy thì trở thành triết học. Đời sống dân tộc ta cũng đang đi qua một cơn bão táp ghê gớm và mỗi người anh hùng từ đấy đi ra đã là một triết nhân” [20; tr.77] (Nhà văn, nhân vật và bạn đọc). Những bài học triết lý có được là do con người ta sống và trải nghiệm, chính trong mỗi người dù không nhiều thì ít, nhờ có sự va chạm với cuộc đời cũng sẽ rút ra cho mình những bài học. Vì vậy mà việc đưa con người vào tác phẩm để thể hiện những triết lý nhân sinh là điều thật sự cần thiết. Tôn Phương Lan trong công trình Phong cách nghệ thuật Nguyễn Minh Châu đã nhận định ông là “người chủ trương đưa văn học trở về với những quy luật vĩnh hằng của đời sống con người” [19; tr.41]. Có thể nói nhà văn không chỉ là người khéo léo quan sát một cách tinh tế những gì đang diễn ra trong cuộc sống mà bên cạnh đó với một cái nhìn sâu sắc, thâm trầm hơn, ông luôn muốn suy ngẫm, chiêm nghiệm những quy luật ở ngay nơi cuộc sống đời thường như ông từng nói viết văn là phải đào xới đến tận cùng cái đáy của cuộc đời để săn tìm các quy luật. Nguyễn Minh Châu là người rất sớm nhận ra cái tội dễ dãi về cách nhìn và sự phô bày đời sống một cách đơn giản và dễ dãi về nghệ thuật trình diễn; đời sống chưa được khúc xạ qua lăng kính nghệ thuật. Không đồng tình với quan niệm viết về chiến tranh chủ yếu là sự kiện, “các nhân vật thường khi được miêu tả một chiều, thường là quá tốt, chưa thực” như lâu nay, coi con người là đối tượng của văn học, “ông đã tìm mọi cách để tiếp cận với cuộc đời, với hiện thực bằng chính triết lý sống của nhân vật của mình và trong trường hợp đó, ông hình dung sự kiện như một cái sàn của vỡ diễn” [19; tr.42]. Chúng ta đều biết Nguyễn Minh Châu chịu khá nhiều ảnh hưởng từ vị tiền bối của mình – nhà văn Nam Cao, một bậc thầy trong việc miêu tả tâm lí nhân vật. Chính vì vậy như ông đã tâm sự, ông “thích trình bày những vấn đề đạo đức xã hội 9 chủ nghĩa dưới dạng tâm lý, tập trung sự chú ý vào những diễn biến sâu kín mang tính chất quy luật bên trong của tâm lý con người ta” [19; tr.44] (Phỏng vấn đầu Xuân 1986). Với những nổ lực trong việc đổi mới hướng tiếp cận và phản ánh hiện thực cuộc sống, Nguyễn Minh Châu được các nhà nghiên cứu đánh giá cao “Thành công của ông trong những năm gần đây là sự gặp gỡ kỳ diệu giữa thời đại và cảm quan nghệ thuật nhạy bén của nghệ sĩ với những tìm kiếm chân lý kiên trì, những suy ngẫm, trăn trở đầy trách nhiệm của một nhà văn tài năng và tâm huyết” (Lã Nguyên) [19; tr.24]. Thành công đó đánh dấu sự trưởng thành của một ngòi bút đang tìm đúng mạch ngầm những địa hạt sâu xa của cuộc sống. Trong bài viết Đọc người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành, Huỳnh Như Phương đánh giá “Theo ý tôi, chất sắc sảo của ngòi bút Nguyễn Minh Châu không được phát huy qua những trang văn mang âm hưởng phê phán, trào lộng thói hư tật xấu của người đời bằng ở những chỗ anh đào xâu ý nghĩa triết lí rút ra từ các hiện tượng đời sống được miêu tả” [15; tr.174]. Nói như vậy để biết rằng việc đúc kết ra những triết lý, những bài học trong cuộc sống đã không đơn giản mà cách đưa triết lý vào văn học phản ánh như thế nào để đạt hiệu quả càng là điều khó khăn hơn nhiều. Nhà văn cần phải có nhiều “tâm” và “lực” luôn biết tìm kiếm và thử nghiệm những cách thể hiện mới để tạo ra những sản phẩm thật sự có giá trị đồng thời nâng cao năng lực tay nghề của bản thân. Trong bài viết Nguyễn Minh Châu một cây bút văn xuôi nhiều triển vọng, Phan Cự Đệ đã cho rằng“ vốn sống giàu có, khả năng khám phá và hiểu biết tính cách nhiều loại người, khả năng miêu tả và tái hiện hiện thực cuộc sống dưới hình thái cụ thể, cảm tính của nó, v v .Trong tác phẩm đôi khi anh đưa ra những triết lý, những nhận xét về tâm lý, về tính cách của nhiều loại người khác nhau. Điều cần chú ý là ở Nguyễn Minh Châu. Trí tuệ tỉnh táo lại kết hợp được với những tình cảm đôn hậu”[15; tr.74]. Nhà văn ngoài vốn sống phong phú, ngoài cái đầu tỉnh táo, minh mẫn cần có một trái tim nồng ấm đôn hậu, giàu lòng yêu thương. Nguyễn Minh Châu đã hội tụ đầy đủ những tố chất để trở thành một người nghệ sĩ chân chính và đáng được tôn vinh. Trong bài viết “Bến Quê, một phong cách trần thuật giàu chất triết lý”, Trần Đình Sử nhận định : Nguyễn Minh Châu đã “hướng ngòi bút của anh vào việc phát hiện các hiện tượng đời sống trong chiều sâu triết học và lịch sử, thể hiện nhu cầu chiêm nghiệm, 10 tự đối thoại với chính mình và với ý thức của mình” [15; tr.189]. Trong nhu cầu xã hội ngày hôm nay, nhận thức nghệ thuật không chỉ đóng khung trong các tầng đất quen thuộc. Những cách viết một chiều, đơn nghĩa, ngợi ca những phẩm chất truyền thống trên cơ sở những nhận thức cũ không còn thỏa mãn nhu cầu người đọc. Với cách thâm nhập vào chiều sâu triết học như Nguyễn Minh Châu đã thể hiện là một bước ngoặt mới đánh dấu sự thành công trong sự nghiệp văn chương của mình. Điều đó không chỉ được thể hiện trong Bến quê mà tập trung trong hầu hết các truyện được sáng tác sau năm 1975 như Bức tranh, Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành, sắm vai, Dấu vết nghề nghiệp, Một lần đối chứng … và “Con đường khái quát hóa của Nguyễn Minh Châu là phân tích các quan hệ sâu kín của những hiện tượng và tình huống cá biệt để làm bật lên cái phức hợp nội dung phong phú của nó, chứ không phải bằng con đường mở rộng diện phản ánh, liên kết, tập trung các hiện tượng cùng loại vào một người” [15;tr.193]. Tuy nhiên cũng trong bài viết này, Trần Đình Sử đã chỉ rõ những hạn chế trong việc phát hiện và tổ chức kết cấu trong truyện “Vấn đề đặt ra là làm sao cho yếu tố lịch sử và yếu tố triết học kết hợp với nhau hài hòa hơn nữa. Trong một số truyện như Bến quê, Khách ở quê ra,… yếu tố lịch sử còn có phần trừu tượng. Nhiều cốt truyện của anh chưa được tự nhiên như Dấu vết nghề nghiệp, Cơn dông, Sống mãi với cây xanh (phần 2). Con đường tiếp cận nhân vật của anh chưa thật sáng và có chỗ còn tập trung quá nhiều ngẫu nhiên (Cơn dông)” [15; tr.193]. Trong cuộc “Trao đổi về truyện ngắn những năm gần đây của Nguyễn Minh Châu”, Phan Cự Đệ cũng cho rằng “Có thể do ý muốn khái quát hóa, do tính luận đề thôi thúc nên ở một số truyện, bàn tay dẫn dắt của tác giả qua rõ… một số nhân vật của Nguyễn Minh Châu có tính chất khiên cưỡng” [15; tr.293] và chính tác giả cũng nhận định “Điều khiến tôi chưa thật thích là một vài truyện tính chất luận đề và đạo đức để lộ quá rõ” [15; tr.307]. Bao giờ cũng vậy, bước chân vào sự cách tân, đổi mới luôn phải đối mặt với những thách thức, trở ngại lớn, Nguyễn Minh Châu cũng không tránh khỏi những hạn chế mang tính quy luật, song với sự cố gắng và nổ lực hết mình thì điều mà ông làm được xứng đáng cho chúng ta trân trọng và ngưỡng mộ. Bùi Hiển đánh giá rất cao các sáng tác của nhà văn những năm sau này “Anh không lặp lại mình đã đành, anh lại còn có ý thức rất rõ phải đem lại một cái gì mới mỗi lần lại cầm 11 bút viết. Đến mức, đọc mỗi truyện ngắn như truyện Bức tranh chẳng hạn.... càng đọc, tôi lại thấy hay, thấy thấm thía, và bỗng khám phá ra rằng vẫn là cái dòng chảy tiếp tục của văn phong Nguyễn Minh Châu đấy chứ, tiếp tục trong sự đổi mới” [15; tr.291] Qua những ý kiến, những nhận định trên, có thể thấy việc nghiên cứu tính triết lý trong truyện ngắn Nguyễn Minh Châu sau năm 1975 vẫn chưa được tiến hành một cách hệ thống. Trong luận văn này, trên cơ sở kế thừa những đóng góp của các nhà nghiên cứu đi trước trong các vấn đề ít nhiều có liên quan, chúng tôi đi sâu nghiên cứu phương diện triết lý đã làm nên chất văn thâm trầm, sâu sắc của Nguyễn Minh châu. 3. Mục đích, yêu cầu Với đề tài này, đòi hỏi người viết phải làm nổi bật được những biểu hiện của triết lý và nghệ thuật tạo nên chất triết lý trong các tác phẩm truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu được viết sau năm 1975. Muốn làm được điều đó cần đặt chúng trong bối cảnh lịch sử xã hội, đối chiếu so sánh với các giai đoạn trước, thấy được những quan niệm về chiến tranh, con người, cuộc sống và nghệ thuật mà Nguyễn Minh Châu đã gửi gắm trong các tác phẩm của mình. Từ đó đưa đến cho người đọc những khám phá mới mẻ và những trải nghiệm thú vị khi bóc tách từng nét nghĩa mà tác giả kín đáo cất giấu sau từng con chữ. 4. Phạm vi nghiên cứu Nghiên cứu “Tính triết lý trong truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu sau năm 1975”, luận văn tập trung khảo sát ba tập truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu được viết sau năm 1975 như: Cỏ lau, Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành, Chiếc thuyền ngoài xa, đặc biệt tập trung vào các tác phẩm chứa đựng chất triết luận cao như: Bức tranh, Dấu vết nghề nghiệp, Hạng, Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành, Chiếc thuyền ngoài xa, Bến quê, Mẹ con chị Hằng, Một lần đối chứng ..v.v 5. Phương pháp nghiên cứu. Trong luận văn, chúng tôi vận dụng một số phương pháp nghiên cứu sau: Phương pháp so sánh đối chiếu: Phương pháp này giúp cho người viết có dịp nhìn nhận lại tiến trình phát triển của các tư tưởng chi phối từng giai đoạn văn học có sự khác nhau như thế nào, đồng thời thấy được sự đổi mới cách tân trong hướng tiếp cận và phản ánh hiện thực của tác giả qua hai giai đoạn trước và sau năm 1975. 12 Phương pháp hệ thống: Được chú ý vận dụng trong việc khảo sát tác phẩm, hệ thống những yếu tố làm nổi bật vấn đề của luận văn theo từng luận điểm, giúp chúng ta có một cái nhìn xuyên suốt và toàn diện. Phương pháp phân tích tổng hợp: Đây là phương pháp quan trọng nhất trong số các phương pháp, được người viết sử dụng rộng rãi trong luận văn giúp cho việc nghiên cứu đi sâu vào triển khai phân tích, lý giải, rút ra những đặc điểm, nhận xét và khái quát vấn đề. Ngoài ra luận văn còn vận dụng các thao tác tư duy quen thuộc như: giải thích, chứng minh, bình luận…. trong quá trình nghiên cứu, tất cả đều nhằm mục đích đưa đến tính thuyết phục và đạt hiệu quả cao cho luận văn. 13 PHẦN NỘI DUNG 14 Chương một : NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG 1.1 . Quan niệm về triết lí 1.1.1. Khái niệm triết lí Qua khảo sát, chúng tôi được biết có rất nhiều tài liệu nói đến khái niệm triết lí, nhưng nhìn chung các khái niệm đều có cùng quan điểm. Tiêu biểu như trong Từ điển tiếng việt, NXB Ngôn ngữ học Việt Nam: “Triết lí là những quan niệm chung của con người về những vấn đề nhân sinh và xã hội. Người ta thường nói bài thơ chứa đựng một thứ triết lí bi quan, yếm thế; Anh ta có một triết lí riêng về cuộc sống … ” [26; tr.1389]. Hay trong Đại từ điển Tiếng Việt của NXB Văn hóa thông tin thì triết lí được định nghĩa là : “Quan niệm chung và sâu sắc nhất của con người về những vấn đề nhân sinh và xã hội” [32; tr.1707]. Trong Từ điển Tiếng Việt Tường giải và liên tưởng của Nguyễn Văn Đạm, triết lí được định nghĩa là “Quan niệm về cuộc sống và cách giải quyết những vấn đề mà nó nêu lên”.[6; tr. 854] Với những định nghĩa như vậy có vẻ trừu tượng khó nắm bắt, tuy nhiên theo cách hiểu thông thường, người ta quan niệm: triết lí là những điều được rút kết từ cuộc sống có thể là những bài học, những suy tưởng, những quan niệm … trải qua sự kiểm duyệt của thời gian, nó trở thành những chân lí mang tính phổ quát. 1.1.2. Vấn đề triết lý trong văn học Việt Nam Trước khi nền văn học viết ra đời, văn học dân gian đã xuất hiện trong một thời gian khá dài. Do đó, văn học dân gian được coi là ngọn nguồn đầu tiên của văn học viết. Nhà 15 nghiên cứu Hoài Thanh đã nói: “Văn nghệ dân gian là cơ sở, là miếng đất tốt tươi trên đó sinh ra và lớn lên nền văn học, nghệ thuật cổ điển và hiện đại Việt Nam” [27; tr.11-12]. Chính vì thế ta có thể hiểu triết lí trong văn học viết chịu rất nhiều ảnh hưởng của văn học dân gian. Trước khi các tư tưởng ngoại lai: Nho, Phật, Lão du nhập vào Việt Nam, nước ta là một quốc gia độc lập – nước Văn Lang, Âu Lạc. Người Việt thời đó tuy có thể nghèo nàn về vật chất, thô sơ về công cụ tuy nhiên lại có một bề dày văn hóa tương đối độc đáo về lối sống, bản lĩnh, cốt cách … . Chắc hẳn nhân dân ta đã có một hệ thống triết luận của riêng mình. Hệ thống triết học ấy không tồn tại ở đâu khác là trong kho tàng văn học dân gian. Nó là toàn bộ những kiến thức, túi khôn, luân lí, thông điệp, kinh nghiệm … mà người xưa muốn gửi gắm lại cho con cháu. Những điều đó đã và sẽ góp phần nuôi dưỡng những truyền thống tốt đẹp của con người Việt Nam không chỉ đến ngày nay mà cả mai sau. 1.1.2.1. Triết lý trong văn học dân gian Văn học dân gian là sáng tác tập thể, truyền miệng của nhân dân lao động, ra đời từ thời kì công xã nguyên thủy, phát triển lâu dài trong các chế độ xã hội có giai cấp và tiếp tục tồn tại trong xã hội hiện nay. Văn học dân gian còn được gọi là văn chương bình dân, văn chương truyền khẩu , văn nghệ dân gian, sáng tác dân gian, vv… . Đây được coi là túi khôn nhân loại, nơi chứa đựng những kinh nghiệm, những đạo lý làm người, những nét đẹp truyền thống được đúc kết qua bao thế hệ như Lênin đã nói: văn học dân gian có sự thể hiện “thế giới quan”, “những mong chờ và khát vọng” của quần chúng, “tâm hồn của nhân dân”, và đã xem văn học dân gian là một trong những hình thức biểu hiện của “những tư tưởng triết học của nhân dân” [17; tr.15] Nói về văn học dân gian “thời thượng cổ” Gorki cũng cho rằng “Sáng tác nghệ thuật truyền khẩu của nhân dân lao động là yếu tố duy nhất tổ chức kinh nghiệm của họ lại, thể hiện các tư tưởng của họ thành hình tượng và thúc đẩy năng lực lao động của tập thể”. [12; tr. 267]. Điều đó chứng tỏ rằng ngay từ lâu người ta đã ý thức được vai trò và tầm quan trọng của văn học dân gian. Triết lý dân gian là những kinh nghiệm cộng đồng đúc kết qua nhiều thế hệ, đôi khi đơn giản, bình dị nhưng không kém phần ý nhị, sâu sắc, tồn 16 tại ở nhiều thể loại như : tục ngữ, ca dao, truyện cổ tích, ngụ ngôn … phản ánh quan niệm của người dân về những vấn đề nhân sinh xã hội. Vấn đề sinh mệnh, sống chết của con người là chủ đề được đề cập khác phổ biến. Loài người do lao động, đã nhận biết được thế giới xung quanh, dần dần tìm hiểu được mình, bắt đầu có ý thức về sự tồn tại của mình thì sự suy nghĩ về lẽ sống – chết là vấn đề lớn mà con người rất chú ý. Ngay từ xa xưa, khi thần thoại ra đời, con người đã quan tâm đến vấn đề sống chết như “rắn già rắn lột, người già người tụt vào săng”. Con người luôn luôn ước mơ được sống lâu, trừ những tư tưởng bi quan yếm thế của một số tôn giáo hoặc của những giai cấp đang suy vong, thì loài người luôn luôn đấu tranh xây dựng cho cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn, ngày một đáng sống hơn. Các thần thoại thuộc loại truyện Chú Cuội cây đa nói lên ước vọng ấy. Ngày một phát triển, con người bắt đầu ý thức về giới hạn của đời người “Đời người có một gang tay; ai hay ngủ ngày còn có nửa gang”, “Người đời khác nữa là hoa; sớm còn tối mất, nở ra lại tàn”, “Đời người như cánh phù du; Sớm còn tối mất, công phu nhọc nhằn”. Những suy nghĩ sơ khai về sự ngắn ngủi của đời người trong văn học dân gian lại là vấn đề phổ biến trong văn học viết sau này. Văn học dân gian có nhiều đóng góp trong việc xây dựng nhân cách con người Việt Nam như “đói cho sạch, rách cho thơm”, “giấy rách giữ lấy lề”, “lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”, “tốt gỗ hơn tốt nước sơn, xấu người đẹp nết còn hơn đẹp người”, “Đã sinh ra kiếp đàn ông; đèo cao núi thẳm sông cùng quản chi”. Khác với ca dao, tục ngữ thiên về lý trí (nội dung triết lí dân gian) còn ca dao thiên về tình cảm (nội dung trữ tình dân gian) nên nói đến tục ngữ là nói đến những kinh nghiệm sống, những triết lí nhân sinh về cuộc sống, về nghệ thuật xử thế, làm người. Nó là kho luân lý dân gian, qua đó phản chiếu tinh thần của cả một dân tộc. Kho tàng luân lý ấy căn bản dạy con người đức tính cần cù, lạc quan: “còn nước, còn tát”; “có công mài sắt có ngày nên kim”. Tục ngữ đề cao đức thanh liêm: “tốt danh hơn lành áo”; đừng bán gia tài mua danh phận”, vì miếng ăn dễ thành miếng nhục và dễ thay đổi con người: “no nên bụt, đói nên ma”. Tục ngữ nhắc nhở đạo lý làm người qua công ơn cha mẹ sinh thành, dưỡng dục: “Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”, khi chịu ơn thì nhớ ơn, đừng “được chim bẻ ná, được cá quên nơm”. Ăn ở phúc đức là chuyện nên làm: 17 “Làm phúc cũng như làm giàu”, “Đời trước đắp nấm đời sau ấm mồ”, đời cha làm việc phúc đức thì đời sau con cháu sẽ được sung sướng... Đấy là triết lí nhân sinh của người Việt trước khi đón nhận luân lí Nho giáo về “tu thân - trị quốc - bình thiên hạ”. Riêng câu tục ngữ “Tu đâu cho bằng tu nhà, thờ cha kính mẹ mới là chân tu” còn nhằm chống mê tín dị đoan, chống những thầy pháp, thầy số. Ca ngợi cái đẹp, cái đáng quý của con người, của sự sống được đề cập nhiều trong văn học dân gian, “người ta là hoa đất”, con người là tinh hoa của trời đất. Con người đáng quý vì lẽ “người sống, đống vàng”, “người làm ra của, của không làm ra người”, “người là vàng, của là ngãi”. Con người với nghĩa cử cao đẹp “Lá lành đùm lá rách” “Bà con vì tổ tiên, không ai bà con vì tiền vì gạo”. Cho nên, ông bà ta đã ý thức được tiền tài là vật ngoài thân: “Nén bạc đâm toạc tờ giấy”. Cuộc sống của những con người ấy là cuộc sống của chính nghĩa, của cái thiện “ở hiền gặp lành” như nhân vật trong những truyện cổ tích Tấm Cám, Sọ Dừa, Cây tre trăm đốt … Có những truyện đề cao tài nghệ khéo léo của người lao động như các truyện Ba chàng thiện nghệ, Người thợ mộc Nam Hoa, Bùi Cầm Hổ … hoặc đề cao tinh thần nổ lực kiên trì của người lao động như các truyện Cố Ghép, Cây tre trăm đốt. Nó biểu hiện cho chân lí và công lý, cho cách nhìn cuộc sống, xã hội và con người một cách lạc quan. Cái lạc quan thể hiện ở kết thúc truyện và ở lí trí sáng suốt khi kết thúc truyện. Nếu giai cấp phong kiến thống trị tuyên truyền thuyết nhân quả và thuyết định mệnh “Giàu nghèo tại số”, “Chạy trời không khỏi nắng”, “Con vua thì được làm vua, con sãi ở chùa thì quét lá đa”… để giam hảm người bình dân trong tư tưởng an phận thủ thường thì nhân dân ta lại hiểu thuyết số mệnh theo cách: “Ai giàu ba họ, ai khó ba đời”,”Sông có khúc; người có lúc”, “Có công mài sắt; có ngày nên kim”, ở ác thì số giàu cũng hết, thành tâm hối cải thì thay đổi được số phận, điều này được thể hiện trong các truyện cổ tích: Cái cân thủy ngân, Người học trò và con chó đá, Thủ Huồn,... Các tác phẩm dân gian là nơi chứa đựng túi khôn của nhân dân, nói lên những kinh nghiệm mà người dân rút ra trong quá trình lao động, đặc biệt với một nước nông nghiệp như chúng ta thì lại thật cần thiết. Những kinh nghiệm từ một nền văn hóa lúa nước: “Lúa chiêm là lúa bất nghì – cấy trước trổ trước chẳng thì đợi ai”, về việc cấy lúa: “Cơm quanh rá, mạ quanh bờ”, về việc cày bừa: “Nhai kĩ no lâu – cày sâu lúa tốt”, “nhất cày 18 ải – nhì vải phân”, kinh nghiệm đi lưới: “Tôm đi chạng vạng, cá đi rạng đông”… . Có thể nói trong mảng văn học dân gian, tư tưởng triết học của nhân dân được kết tinh nhiều trong truyện ngụ ngôn, nhiều truyện ngụ ngôn nói lên kinh nghiệm mà nhân dân rút ra được trong cuộc sống. Những kinh nghiệm này tuy chưa vươn lên thành một ý niệm triết học thực sự nhưng đã được đúc kết lại thành những bài học. Những truyện như Quạ mặc lông công, hoặc Cáo mượn oai hùm,… khuyên người ta không nên tự lực mà hành động, không nên dựa vào người, không nên vì hám hư danh mà chuốc lấy thực họa. Truyện Con giơi, loài chim và loài thú phê phán hạng người tráo trở hai mặt nhưng đồng thời cũng rút ra một kinh nghiệm thực tế : phải có một chỗ đứng, một lập trường nhất định thì mới có thể sinh tồn được. Con Giơi lợi dụng hình dạng nửa cầm, nửa thú để đánh lừa loài chim và loài thú mà nhập bọn với bên nào thắng trong cuộc chiến tranh giữa hai bên. Khi loài chim thắng thì giơi ta phô đôi cánh của mình ra để nhận họ hàng với chim và đã được loài chim chia phần chiến lợi phẩm. Khi loài thú thắng thì giơi ta lại lấy cớ rằng mình có vú để xin hộ tịch ở làng thú và cũng lại được loài thú công nhận. Nhưng khi hai bên giảng hòa với nhau thì bộ mặt tráo trở của giơi bị lật tẩy. Kết cục giơi bị cả hai loài căm ghét, đánh đuổi. Truyện Đẽo cày giữa đường dạy người ta ở đời phải có chủ kiến, vì nếu cứ thấy ai góp ý kiến cũng nghe theo thì không bao giờ làm nên một việc gì cả. Truyện Cây gai và đàn chim thì nêu ra một bài học về đức lo xa. Đàn chim non không nghe lời chim mẹ, không chịu bới ăn cho hết hạt gai đi để đến nỗi khi hạt mọc lên thành cây gai, người ta có sợi để làm lưới bắt chim, hối không kịp nữa. Ở những truyện trên, đạo lí nêu ra không nhất định có tính chất cao siêu nhưng bao giờ cũng sát với thực tế, đó là thứ đạo lí thực tiễn. Nó giúp người ta tránh khỏi thất bại trong hành động và ngày nay một số kinh nghiệm ấy vẫn còn có ích. Những truyện ngụ ngôn khác thì có tầm triết học cao hơn như truyện Xẩm xem voi và truyện Con vờ và con đom đóm. Mỗi anh Xẩm chỉ sờ được một bộ phận của cơ thể con voi mà anh nào cũng cứ yên chí rằng mình đã biết được con voi rồi, và các anh cải nhau, sau cùng đi đến chỗ đánh nhau. Ý nghĩa triết học ở truyện này là : xét một sự vật phải xét toàn diện, chừng nào chưa nắm được toàn diện thì chưa thể nói là hiểu biết về sự vật ấy được. Truyện Con vờ và con đom đóm thì lại phê phán thái độ đánh giá thực tại khách quan qua nhận xét chủ quan của mình. Theo quan niệm của nhân dân, con vờ là một giống côn trùng sớm sinh chiều chết; 19 cả đời nó không hề biết thế nào là mặt trời lặn, thế nào là đêm tối. Con đom đóm là một giống côn trùng có đời sống tương đối dài hơn; nó biết ngày biết đêm. Chỗ khác nhau đó làm cho hai con cãi nhau. Khi con đom đóm giải thích cho con vờ biết tác dụng của ngọn đèn xanh của mình lúc mặt trời lặn và màn đêm bao trùm tất cả, thì con vờ cãi lại rằng: “Lẽ đâu có lẽ mặt trời tắt” và cho rằng không thể có đêm tối được ! con vờ đại diện cho những kẻ chỉ muốn hiểu biết thế giới qua kinh nghiệm của bản thân mình. Bài học triết lí mà nhân dân rút ra là: người ta ở đời nếu chỉ dựa vào kinh nghiệm của bản thân thôi thì không làm sao có được nhận thức đúng đắn về thực tế. Cần phải tránh chủ quan chịu lắng nghe người khác thì mới có thể đi đến chân lí, vì mỗi người có một vốn sống riêng đều có thể bổ sung kinh nghiệm cho ta. Những bài học thực tiễn về cuộc sống trong xã hội còn được gửi gắm rất nhiều qua các câu chuyện cổ tích, tác giả dân gian vạch rõ rằng xét người không thể nhìn bề ngoài, những truyện như Sự tích Hồ Ba Bể, Dì phải thằng chết trôi… muốn nói lên một điều: những con người giả đạo đức trong chế độ Nam Mẫu kia hay gã trai trẻ nhiều thủ đoạn nọ không phải là hiếm trong xã hội. Có khi thì tác giả dân gian muốn tỏ rằng người ta ở đời không thể nóng vội được (truyện Lẩy bẩy như Cao Biền dậy non), hoặc không thể tự mãn tự túc được (truyện Thạch sùng còn thiếu mẻ kho). Đôi khi người ta công nhận có những may rủi trong cuộc sống (các truyện Thầy Lang hít, Trạng Ếch), nhưng mọi việc ở đời thành hay bại chủ yếu là do con người quyết định (các truyện về nhân vật có sức khỏe, có tài trí, lao động giỏi v.v... Những câu chuyện nêu trên thông qua những kinh nghiệm sống mà rút ra những kết luận nghiêm khắc, có ý nghĩa chua chát: thế tình có khi bạc bẽo, con người có khi bất nhân. Dù xuất hiện từ lâu đời nhưng văn học dân gian không những không trở nên lạc hậu mà ngày càng khẳng định được vị trí của mình trong nền văn học Việt Nam, đó là một nguồn tư liệu vô cùng phong phú và ý nghĩa cho những nhà nghiên cứu văn học. Với những câu từ đơn sơ, mộc mạc, dung dị nhưng lại chứa đựng cả một kho tư liệu về cuộc sống, với những triết lý có thể ra đời tự ngàn xưa nhưng đến ngày nay vẫn còn nguyên giá trị, điều đó sẽ làm nền tảng vững chắc cho những tư tưởng được các tác giả vận dụng trong văn học viết sau này. 20
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan

Tài liệu vừa đăng