Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Sách - Truyện đọc Sách-Ebook Giáo dục học tập Quá trình khai phá dai dat dang trong...

Tài liệu Quá trình khai phá dai dat dang trong

.DOC
12
288
146

Mô tả:

QUÁ TRÌNH KHAI PHÁ DẢI ĐẤT “ĐÀNG TRONG” TRONG CÁC THẾ KỶ XVI – XIX. TS. Phạm Văn Lực Khoa Sử - Địa, Trường Đại học Tây Bắc Abtract. The figur of Viet Nam nowaday is cause of the long prorcels of hardlly discoury of our fore father in our histery. In that, the divotationat is goverring of Nguyen gods. In my artical, I want to show out more cleurly the process of “Dang Trong” discovery in XVI – XIX centeris, thas isdeteil: Đặt vấn đề. Có được cương vực lãnh thổ nước Việt như ngày nay là thành quả của quá trình khai phá lâu dài gian khổ của cha ông ta trong lịch sử; trong đó công lao to lớn nhất thuộc về các chúa Nguyễn. Trong phạm vi của bài viết này tôi xin làm rõ thêm quá trình khai phá dải đất “Đàng Trong” trong các thế kỷ XVI-XIX, cụ thể như sau: Nội dung: 1. Vài nét khái quát về cương vực lãnh thổ và vùng biên giới phía Nam của nước Việt trong lịch sử. Từ khi nhà nước Văn Lang của các vua Hùng được thành lập vào khoảng thế kỷ VII – VIII TCN, khi đó cương vực lãnh thổ nước ta bao gồm địa bàn cư trú của 15 bộ lạc Việt cổ: Văn Lang, Tân Hưng, Lục Hải, Giao Chỉ, Hoài Hoan, Châu Diên, Vũ Định, Ninh Hải, Cửu Chân, Cửu Đức, Phú Lộc, Vũ Ninh, Dương Tuyền, Nhật Nam, Việt Thường; chủ yếu sinh sống ở lưu vực các con sông lớn: sông Cái (sông Hồng), sông Mã (Thanh Hoá), sông Cả (sông Lam - Nghệ An) và một số bộ lạc ở vùng Hà Tĩnh, Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Ngãi) [5,tr.33]. Đến năm 208 TCN, Thục Phán An Dương Vương thành lập nước Âu Lạc, cương vực lãnh thổ nước Âu Lạc được mở rộng thêm phần địa bàn cư trú của các bộ tộc Âu Việt (hay còn gọi là Tây Âu) ở vùng Đông Bắc nước ta hiện nay và một phàn của tỉnh Vân Nam, Quảng Đông, Quảng Tây của Trung Quốc. Năm 179 TCN nhà Triệu thôn tính Âu Lạc, nước ta bị sát nhập vào nước Nam Việt. Năm 111 TCN, nhà Hán tiêu diệt nhà Triệu, thống nhất Trung Quốc, tiếp tục cai trị và chia nước ta thành ba quận Giao Chỉ (Bắc Bộ) gồm có 12 huyện, 92440 hộ, 746.237 nhân khẩu; Cửu Chân (Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh) gồm có 7 huyện, 35.743 hộ, 166.013 nhân khẩu; Nhật Nam (từ Đèo Ngang – hay còn gọi là Hoành Sơn vào đến Quảng Nam, Quảng Ngãi) gồm 5 huyện đó là: Tây Quyển, Chu Ngô, Tỳ Cảnh, Lô Dung, Tượng Lâm; dân số quận Nhật Nam có khoảng 15.460 hộ; 69.485 nhân khẩu [6,tr.60]. Dươi ách cai trị tàn bạo của nhà Hán, nhân dân ta liên tiếp đứng lên đấu tranh giành độc lập, tiêu biểu nhất là cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng (năm 40 đầu Công Nguyên) lật đổ được ách thống trị của phong kiến Hán tộc, giành lại độc lập cho dân tộc, đóng đô ở Mê Linh. Đến năm 43, nhà Hán cử Mã Viện sang đàn áp cuộc khởi nghĩa của Trưng Trắc, Trưng Nhị, khôi phục lại quyền thống trị như cũ; thời kỳ này nước ta được chia thành hai quận Giao Chỉ, Cửu Chân và ổn định trong suốt thời Bắc Thuộc (Riêng quận Nhật Nam đã giành độc lập hình thành nhà nước Lâm Ấp đến thế kỷ VI đổi thành Chăm Pa). Đến triều đại nhà Lí (XI), biên giới phía Nam của Đại Việt cũng chỉ đến Đèo Ngang (hay còn gọi là Hoành Sơn - Hà Tĩnh). Như vậy, từ thời Văn Lang - Âu Lạc cho đến triều đại nhà Lí (XI), biên giới phía Nam của nước ta mới chỉ đến vùng Đèo Ngang (Hà Tĩnh), còn toàn bộ phần đất phía Nam vẫn chưa nằm trong lãnh thổ Đại Việt mà thuộc hai quốc gia Lâm Ấp (Chăm Pa) và Thuỷ Chân Lạp. 2. Quá trình khai phá vùng đất “Đàng Trong”. 2.1. Vài nét về lịch sử vùng đất “Đàng Trong”. Cho đến triều Lí (XI), toàn bộ vùng đất phía Nam nay thuộc lãnh thổ Đại Việt vẫn thuộc hai vương quốc Chăm Pa và Thuỷ Chân Lạp có lịch sử lâu đời và trình độ phát triển khá cao: *Vương quốc Chăm Pa. Về địa giới của vương quốc Chăm Pa chạy dài từ Đèo Ngang (hay còn gọi là Hoàng Sơn – Hà Tĩnh) cho đến hết địa phận các tỉnh Bình Thuận, Khánh Hoà, Phan Rang, Phan Thiết và toàn bộ đất đai của các bộ lạc Hoả Xá, Thuỷ Xá (thuộc vùng Tây Nguyên hiện nay). Nơi đây, từ rất sớm trong lịch sử (cuối thiên niên kỷ thứ nhất trước Công Nguyên) đã là địa bàn sinh sống lâu đời của hai bộ tộc Dừa (Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên) và Cau (Bình Thuận, Kháng Hoà, Phan Rang, Phan Thiết). Theo Đại Việt sử kí toàn thư của Ngô Sĩ Liên, cuộc sống của hai bộ tộc Cau và Dừa chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp: trồng trọt, chăn nuôi và đánh cá ở ven biển; đặc biệt nhóm cư dân này còn có biệt tài về đánh bắt cá ở các sông suối và ven biển. Về chính trị xã hội, đứng đầu nhà nước là một ông vua chuyên chế nắm tất cả mọi quyền hành, cả quyền hành pháp và quyền lập pháp, nắm toàn bộ đất đai và thần dân trong nước, đồng thời vua cũng là vị thần linh lớn nhất. Về tôn giáo, hai bộ tộc này theo tôn giáo tô tem, về sau này chịu ảnh hưởng của đạo Bà la môn du nhập từ Ấn Độ sang, nhưng vẫn giữ nét cổ truyền là tập tục thờ cúng ông bà, tổ tiên… Từ khi thay thế nhà Triệu cai trị đất nước ta (năm 111 TCN), nhà Hán đã đặt vùng đất này là quận Nhật Nam. Dưới ách cai trị tàn bạo của phong kiến Hán tộc, nhân dân Nhật Nam đã nhiều lần nổi dậy đấu tranh giành độc lập nhưng đều bị đàn áp. Từ khi cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng bùng nổ và giành được thắng lợi (năm 40 – 43 đầu công nguyên) đã cổ vũ mạnh mẽ tinh thần đấu tranh của nhân dân quận Nhật Nam. Lợi dụng địa thế xa xôi, cách trở và được nhân dân Giao Chỉ, Cửu Chân ủng hộ, vào năm 100 nhân dân Nhật Nam nổi dậy đốt dinh thự của bọn quan quân đô hộ nhà Hán. Sau đó, nhân dân Tượng Lâm lại tiếp tục nổi dậy đấu tranh và đã lật đỏ chính quyền đô hộ của phong kiến Hán tộc, đưa đến sự ra đời của nhà nước Lâm Ấp độc lập vào năm 193 … Từ đó vùng biên giới phía Nam của nước ta tiếp giáp với nhà nước Lâm Ấp độc lập (đến thế kỷ thứ VI đổi tên gọi là Chăm Pa); qua quá trình thời gian cùng những thăng trầm của lịch sử, vương quốc Chăm Pa ngày càng trở nên cường thịnh và cũng đã nhiều lần quấy rối biến giới phía Nam của Đại Việt, thậm chí có thời điểm còn kéo quân ra đánh phá cả kinh thành Thăng Long làm cho các vương triều nhà Trần, nhà Lê phải rất vất vả mới đuổi được giặc. *Vương quốc Phù Nam. Dựa vào kết quả nghiên cứu của nhà khảo cổ học, nhất là công trình nghiên cứu của các nhà khảo cổ học Pháp, tiêu biểu là các công trình của La Batheret (1903) và thành tựu của khảo cổ học Việt Nam trong việc phát hiện một loạt các di chỉ khảo cổ thuộc nền văn hoá Óc eo (An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp), chúng ta có thể hình dung diện mạo lịch sử vùng đất cổ này như sau: Từ rất sớm trong lịch sử vùng đồng bằng sông Cửu Long đã là địa bàn cư trú của nhóm cư dân Indonêdiêng, họ chủ yếu sinh sồng dựa vào nghề trồng lúa nước, chăn nuôi và đánh bắt cá ở các sông, rạch. Trên cơ sở trình độ phát triển của nhóm cư dân này, kết hợp sự tiếp xúc với một số cư dân từ Ấn Độ sang, vào thế kỷ I sau Công Nguyên ở đây đã hình thành một quốc gia của cư dân bản địa, gọi là Phù Nam (từ gốc là Ba Phnôm = Người đi săn). Trong qúa trình phát triển, Phù Nam dần trở thành một quốc gia cường thịnh. Theo các tài liệu của Trung Quốc từ Tiền Hán đến Hậu Hán thư thì quốc gia này một thời đã có sự giao thiệp rất rộng với các quốc gia trong khu vực và đã khống chế được nhiều tiểu quốc xung quanh như: Chân Lạp, các tiểu quốc ở vùng lưu vực sông Inrauoadi, bán đảo Mã Lai và có quan hệ mật thiết với nhà nước Lâm Ấp (Chăm Pa). Từ thế kỷ thứ VI, do mâu thuẫn nội tộc trong việc tranh giành ngôi báu nên hoàng tộc bị chia rẽ, đất nước phân liệt… Trong bối cảnh đó, Phù Nam bị sát nhập vào Chân Lạp, cho đến thế kỷ XVI, XVII khi người Việt vào khai phá vùng đất phương Nam nơi đây vẫn là một bộ phận của vương quốc Chân Lạp [7, tr.22]. 2.2. Quá trình khai phá dải đât “Đàng Trong”. Công cuộc “Nam Tiến” là xu thế chung của các dân tộc ở khu vực Đông Nam Á trong lịch sử. Vào khoảng thế kỷ thứ VII - VIII, người Miến (Myanma) cũng đã từng “Nam tiến” để choán ngợp toàn bộ vùng bình nguyên - phần đất màu mỡ nhất của hai con sông lớn Mê Nam và Ỉrauoadi – hình thành vương quốc Myanma cường thịnh. Từ thế kỷ IX – XIII, nhóm cư dân nói tiếng Thái từ vùng cao nguyên Thanh Tạng (Trung Quốc) do không chịu thần phục các vương triều “Hán tộc” cũng đã xuôi theo dòng Mê Công và sông Hồng (Nặm Tao) thiên di xuống khai phá đất đai ở vùng Trung và Hạ lưu của sông Mê Công, chiếm cứ vùng bình nguyên màu mỡ - vựa lúa lớn nhất của Đông Nam Á; sau đó hình thành vương quốc Xiêm (Thái Lan) hùng cường. Đối với dân tộc Việt Nam tồn tại bên cạnh một đế chế Trung Hoa đầy tham vọng đồng hoá thôn tính các dân tộc xung quanh cũng đã tiến hành công cuộc “Nam Tiến” mở mang lãnh thổ, phần để bù lại những vùng đất đã bị Trung Quôc cướp mất ở phương Bắc; phần vì mục đích tạo cơ sở thực lực về sức người, sức của mới có thể đương đầu với nguy cơ đe doạ thường xuyên, liên tục từ phương Bắc, trường tồn cho đến ngày nay. Có thể nói, vì nhiều lí do khác nhau nên một số các dân tộc ở khu vực Đông Nam Á, trong đó có dân tộc Việt đã tiến hành công cuộc “Nam Tiến”. Công cuộc này diễn ra trong một thời gian dài và trải qua không ít hiểm nguy; thành quả đạt được cũng không phải là ngày một, ngày hai mà là cả một quá trình. Có ý kiến cho rằng công cuộc “Nam Tiến” của dân tộc Việt bắt đầu từ thế kỷ XVI với sự kiện năm 1558 Nguyễn Hoàng vào trấn thủ vùng đất Thuận Hóa (Huế ngày nay). Nhưng, thực ra không phải, việc này được bắt đầu từ rất sớm ngay sau khi dân tộc ta khôi phục được quyền tự chủ trong thế kỷ X, đến triều Lí và rõ nét nhất là từ triều đại nhà Trần trở đi. Ngay từ khi được thành lập, nhà Tràn đã có những biện pháp tích cực như: phân chia lại các đơn vị hành chính trong nước, lập sổ hộ tịch; mục đích của những việc làm trên là để nắm chắc nguồn thu tô thuế, lao dịch đinh điền và toàn bộ cương vực lãnh thổ của đát nước; riêng đối với vùng biên giới phía Nam của đất nước, mặc dù chưa ổn định nhà Trần vẫn đặt thành lộ Lâm Bình (thuộc Quảng Bình, Quảng Trị ngày nay). Cùng với những biện pháp trên, với mục đích củng cố vùng biên viễn xa xôi, các vua Trần còn gả công chúa cho các tù trưởng, tộc trưởng miền núi để giàng buộc bằng con đường hôn nhân. Các vua Trần đặc biệt chú trọng vùng biên ải phía Nam, coi đó như là “phên” là “dậu” che chắn cho muôn dân [7, tr.133]. Để củng cố vùng biên giới phía Nam của đất nước và tìm cách mở rộng lãnh thổ, năm 1306, Thái Thượng hoàng Trần Nhân Tông đã gả công chúa Huyền Trân cho vua Chăm Pa là Chế Mân, đổi lại vua Chăm Pa cắt hai châu Ô và Rí (Thừa Thiên – Huế) cho Đại Việt và ngay lập tức được nhà Trần sát nhập đổi thành châu Thuận và châu Hoá. Lúc này, biên giới phía Nam của nước ta đã mở rộng đến đèo Hải Vân [7,tr.233]. Đầu những năm 60 của thế kỷ XIV, Chăm Pa mạnh lên, thường xuyên quấy phá vùng Thuận – Hoá, cướp của, giết người, đòi đất, buộc nhà Trần phải đem quân vào chống cự, nhưng đã nhiều lần thất bại; từ đó Chăm Pa trở nên hung hãn thường xuyên mang quân ra đánh phá Đại Việt: + Năm 1371, quân Chăm Pa tiến theo đường biển vào cửa biển Đại An (Nghĩa Hưng – Nam Định) cướp phá, rồi tiến đánh Thăng Long, nhà Trần phải rất vất vả mới đuổi được chúng về. + Năm 1376, Chăm Pa đánh ra Hoá châu, Trần Nghệ Tông cùng con là Trần Thuận Tông kéo đại quân vào đánh Chăm Pa và bị mắc bẫy của Chế Bồng Nga (vua Chăm Pa) Trần Duệ Tông bị tử trận, nhà Trần buộc phải lui quân. + Năm 1380, Chăm Pa lại kéo quân ra đánh phá Nghệ An, rồi từ Nghệ An tiến đánh Thăng Long, nhà Trần cũng phải hết sức vất vả mới đuổi được giặc. + Năm 1382 Chăm Pa lại mạng quân đánh ra Thanh Hoá nhưng bị quân của Hồ Quí Ly đánh lui. + Cuối năm 1382, quân Chăm Pa do Chế Bồng Nga và La Ngai làm tiên phong theo đường biển vào đánh phá vùng Quốc Oai, sau đó tiến vào đánh phá Thăng Long, nhà Trần cử Lê Mật mang quân đi cản giặc nhưng không được, vua Trần phải bỏ kinh thành Thăng Long chạy lên Đông Ngàn (Băc Ninh) chỉ để lại tướng Nguyễn Đa Phương chống giặc, nhưng không mấy hiệu quả. Đến đầu năm sau, quân Chăm Pa tự rút về nước. + Năm 1389, Chế Bồng Nga lại đem đại binh ra đánh Thanh Hoá, tướng nhà Trần là Hồ Quý Ly được lệnh mang quân đi cản giặc nhưng thất bại, xin quân tiếp viện không được, Hồ Quý Ly tự giải tán binh mã; nhà Trần vội cử tướng Trần Khát Chân mang quân ra vùng Hưng Nhân (Thái bình) chống giặc. Lần này, được một tiểu tướng của đối phương ngầm báo, Chế Bồng Nga (vua Chăm Pa) ngự trên chiếc thuyền sơn màu xanh nên Trần Khát Chân liền tập trung súng lớn bắn vào, giết chết Chế Bồng Nga… Từ đó Chăm Pa suy yếu, không còn đủ sức mang quân ra quấy nhiễu Đại Việt. Đến thời nhà Hồ (đầu thế kỷ XV), nhân lúc Đại Việt không ổn định, Chăm Pa lại có ý quấy nhiễu để đòi lại vùng đất thuộc hai châu Ô và Rí , nhưng đã bị nhà Hồ dẹp yên và chiếm cứ thêm một vùng rộng lớn ở phía Nam đèo Hải Vân (ranh giới giữa Thừa Thiên, Huế với Quảng Nam Đà Nẵng) Đến thời Lê sơ (XV), sự hưng thịnh của quốc gia phong kiến Đại Việt đã tạo điều kiện thuận lợi để nhà nước củng cố biên thuỳ và mở rộng lãnh thổ về phương Nam. Nhân sự kiện ngày 3/7/1470, quân Chăm Pa đánh ra châu Hoá, Lê Thánh Tông đã xuống chiếu và đích thân mang đại binh vào đánh Chăm Pa, đến tháng 4/1471 Lê Thánh Tông chiếm được kinh đô Trà Bàn, bắt sống được vua Chăm Pa là Trà Toàn. Sau đó, Ông quyết định sát nhập vùng đất từ Nam Hoá Châu ranh giới giữa Thừa Thiên – Huế đến đèo Cù Mông (cả Đại Chiêm và Cổ Luỹ) vào lãnh thổ Đại Việt, lập thành Thừa tuyên thứ 13 và đặt tên là Quảng Nam. Phần còn lại của Chăm Pa chia làm ba: Chiêm Thành (vùng đất thuộc Quảng Ngãi, Bình Định), Hoa Anh (Phú yên , Khánh Hoà), Nam Bàn (trước đây gọi là Hoả Xá, Thuỷ Xá nay thuộc các tỉnh: Gia Lai, Kôn Tum, Đắc Lắc, Đắc Nông), giao cho ba vị vương người Chăm cai quản để dễ ràng buộc.. Từ đó Chăm Pa suy yếu. Từ sau triều đại của Lê Thánh Tông, nhà Lê bước sang bên kia đầu của dốc. Sự suy yếu của nhà Lê dẫn đến tình hình giữa các phe phái phong kiến lục đục. Năm 1527, Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê, lập ra nhà Mạc, đóng đô ở Thăng Long - lịch sử gọi là Bắc Triều. Sau đó, An Thành hầu Nguyễn Kim dựa vào sự giúp đỡ của vua Ai Lao, kết hợp với sự ủng hộ của các cựu thần nhà Lê đã đưa một người con của vua Lê Chiêu Tông tên là Ninh lên ngôi vua ở Thanh Hoá – lịch sử gọi là Nam Triều. Năm 1570, Trịnh Kiểm chết anh em Trịnh Côi và Trịnh Tùng sát hại lẫn nhau, cuối cùng Trịnh Tùng được kế vị quyền hành làm Tiết chế Tướng quốc công, năm 1592 mang quân ra chiếm Thăng Long, nhà Mạc phải bỏ chạy lên Cao Bằng. Năm 1593, Trịnh Tùng cho người vào Thanh Hoá rước vua Lê ra Thăng Long, khôi phục lại vương triều nhà Lê và cũng từ đó tập đoàn phong kiến họ Trịnh cậy công lộng hành; năm 1600, Trịnh Tùng lập ra phủ Chúa bên cạnh vua Lê… Như vậy, quốc gia phong kiến tập quyền Việt Nam đã có sự phân liệt thành Nam – Bắc Triều và đối chọi nhau kịch liệt, đưa đến tình trạng chiến tranh giữa hai tập đoàn phong kiến diễn ra liên miên. Trong lúc Nam Triều đang hưng thịnh, năm 1545 Thái sư Hưng quốc công Nguyễn Kim (sau khi giúp nhà Lê khôi phục được vương triều ở Thanh Hoá ông đã được vua Lê phong cho chức Thái sư) đã bị một hàng tướng của nhà Mạc đầu độc. Sau khi Nguyễn Kim chết, vua Lê trao toàn bộ quyền hành cho Trịnh Kiểm là con rể của Nguyễn Kim (Trịnh Kiểm lấy Ngọc Bảo em của Nguyễn Uông), ngay lập tức Trịnh Kiểm tìm mọi cách loại bỏ thế lực của Nguyễn Kim và đã hãm hại Nguyễn Uông (con trai của Nguyễn Kim). Nhận biết được mưu đồ của Trịnh Kiểm đối với dòng họ của mình, Nguyễn Hoàng là em của Nguyễn Uông đã cho người đến hỏi ý kiến Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm; sau đó Ông nhờ chị gái mình là Ngọc Bảo – vợ của Trịnh Kiểm xin anh rể cho vào trấn thủ vùng đất Thuận Hoá để khỏi bị hãm hại. Năm 1558, Nguyễn Hoàng từ vùng đất Tống Sơn (Thanh Hoá) đưa toàn bộ gia quyến cùng trung thần ở Thanh Hóa, Nghệ An theo đường biển vào trấn thủ vùng đất Thuận Hoá, nuôi ý đồ xây dựng cơ nghiệp lâu dài. Từ khi vào trấn thủ vùng đất Thuận Hoá, trước mắt bề ngoài Nguyễn Hoàng vẫn tỏ ra thần phục vua Lê – Chúa Trịnh ở Đàng Ngoài, việc cống nạp được duy trì đều đặn. Nhưng, bên trong Nguyễn Hoàng ngấm ngầm tìm cách nhanh chóng khai phá dải đất “Đàng Trong”, tạo thực lực để đối chọi với tập đoàn phong kiến Lê – Trịnh vê sau này. Ý đồ lớn lao đó được thể hiện qua lời chăng chối của Nguyễn Hoàng đối với con là Nguyễn Phúc Nguyên như sau: “Đất Thuận Quảng phía Bắc có Hoành Sơn và Linh Giang, phía Nam có Hải Vân và Thạch Bi, địa thế hiểm trở, thật là nơi để cho người anh hùng dụng võ. Nếu biết dạy bảo nhân dân, luyện tập binh sĩ, kháng cự lại nhà Trịnh thì sẽ gây dựng được cơ nghiệp muôn đời” [7, tr.234]. Từ khi lên nối nghiệp cha, Nguyễn Phúc Nguyên tổ chức lại chính quyền, tách khỏi sự lệ thuộc họ Trịnh, chỉ chịu nộp phú thuế theo lệ. Năm 1620, họ Trịnh mang quân vào, Nguyễn Phúc Nguyên không chịu nộp thuế nữa. Năm 1627, lấy cớ đó họ Trịnh đem quân vào đánh Thuận Hoá. Cuộc chiến tranh khốc liệt giữa hai tập đoàn phong kiến Trịnh ở Đàng Ngoài– Nguyễn ở Đàng Trong bắt đầu. Trong gần nửa thế kỷ, hai bên đánh nhau 7 lần, vào các năm: 1627, 1630, 1643, 1648, 1655 - 1660, 1661 và 1672; trong đó có một số lần quân Nguyễn vượt sông Gianh tiến đánh quân Trịnh, chiếm vùng đất Nam Nghệ An, rồi rút về. Trong thời gian này vùng đất Nam Nghệ An đến Bắc Quảng Bình trở thành chiến trường. Sau 7 lần đánh nhau dữ dội không phân thắng bại, cuối cùng từ năm 1672 hai tập đoàn phong kiến Trịnh – Nguyễn đành ngừng chiến lấy sông Gianh làm giới tuyến, chia cắt thành Đàng Ngoài, Đàng Trong. Sự kết thúc cuộc chiến tranh giữa hai tập đoàn phong kiến Nguyễn ở Đàng Trong, Lê – Trịnh ở Đàng ngoài đã tạo điều kiện cho các chúa Nguyễn được rảnh tay đẩy mạnh công cuộc khẩn hoang vùng đất phia Nam Thuận Quảng. Từ năm 1611, Nguyễn Hoàng đã cử chủ sự Văn Phong, nhân sự cướp phá biên giới của quân Chăm Pa đánh vào chiếm đất và đặt thành phủ Phú Yên. Năm 1693, tướng Nguyễn Hữu Kính (Cảnh) – hậu duệ đời thứ 17 của Nguyễn Trãi được lệnh mang quân vào chiếm nốt vùng đất còn lại của Chăm Pa, vua Bà Tranh bị bắt. Vốn suy nhược từ cuối thế kỷ XV, Chăm Pa không còn cơ sở và điều kiện để hồi phục và đến đây hoàn toàn hoà nhập vào Đại Việt. Đối với vùng đất ở Đồng Nai và Cửu Long, từ lâu các chúa Nguyễn đã biết đến vùng đất này, nhưng cơ hội chưa thuận lợi để phát triển về phía Nam. Trong thời gian từ thế kỷ XVI-XVIII, Chân Lạp ngày càng suy yếu và bị phân liệt thành hai tiểu quốc, Lục Chân Lạp và Thuỷ Chân Lạp. Vùng đất Thuỷ Chân Lạp vốn là trung tâm của vương quốc Phù Nam, dân cư thưa thớt, đất đai vẫn chưa được khai phá bao nhiêu. Trong tình thế chiến tranh với Đàng Ngoài, nhiều dân nghèo ở Bắc Thuận Hoá tìm cách chạy vào Chân Lạp khai hoang lập làng sinh sống; thậm chí có nhóm dân Việt còn sang khai phá đất đai tận bên Xiêm. Nhân cơ hội đó từ năm 1620, chúa Nguyễn Phúc Nguyên đã thiết lập quan hệ thân thiện với vua Chân Lạp là Châychitta và yêu cầu cho phép cư dân Việt được vào Thuỷ Chân Lạp buôn bán, khai phá đất đai và lập làng. Từ đó trong các thập kỷ sau, làn sóng di dân của người Việt đông nhất là cư dân ở Bắc Thuận Quảng vào những năm mất mùa đói kém, ồ ạt rủ nhau vào khai phá vùng đất Mô Xoài (Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai. Năm 1623 một phái bộ của chúa Nguyễn đến Ou Đông yêu cầu được lập cơ sở ở PreiNokor (vùng Sài Gòn) để thu thuế hàng hoá. Năm 1653, Nguyễn Phúc Tần lại cử tướng mang quân vào chiếm phần đất từ Nam Phú Yên đến bờ sông Phan Lang, đặt ra hai phủ Thái Khang và Diên Khánh. Năm 1658, khi còn bận giao tranh với chúa Trịnh ở Đàng Ngoài, chúa Nguyễn Phúc Hiền đã cho quan Khâm mạng đến Trấn Biên dinh Phú Yên đem 2000 quân đến Mỗi Xoài (Mô Xoài) để đánh phá bắt vua Chân Lạp là Nặc Ông Chân đưa về Quảng Bình. Khi ấy ở Mỗi Xui (vùng Bà Rịa ngày nay) và ở Đồng Nai, đã có lưu dân Việt đến sống chung với dân Cao Miên khai khẩn ruộng đất. “Người Cao Miên khâm phục oai đức của triều đình đem nhượng hết cả đất ấy rồi đi lánh chỗ khác, không dám gây chuyện gì” [7,tr.88]. Năm 1672, Chúa Nguyễn Phúc Hiền đánh thắng chúa Trịnh, lấy sông Gianh làm ranh giới phân chia thành Đàng Trong và Đàng Ngoài càng tạo điều kiện thuận lợi để cho các chúa Nguyễn đẩy nhanh công cuộc khai phá vùng đất Đàng Trong. Năm 1674, ở Cao Miên có loạn, thêm lí do để quân chúa Nguyễn can thiệp, lần này quân của Hiền Vương phá tan được các đồn binh Cao Miên ở Sài Gòn, Gò Bích và Nam Vang sau khi thắng ở Mô Xoài. Giữa thế kỷ XVII, nhà Minh đổ nhà Thanh được thành lập, nhiều cựu thần nhà Minh không chịu thần phục đã mang gia quyến và trung thần siêu bạt sang các nước lân cận. Năm 1679, Trần Thắng Tài và Dương Ngạn Định đem binh biền và gia quyến hơn 3000 người và hơn 50 chiến thuyền đến gần kinh đô Đàng Trong, chua Hiền Vương sai người thông thạo đường đi lối lại đưa đường cho bọn di thần nhà Minh vào khai phá đất đai ở vùng Biên Hoà, Mỹ Tho. Đến thời điểm này, miền Nam vẫn còn hai nơi quan trọng khác ở phía Tây và Tây Nam chưa được khai phá (tức về phía vịnh Xiêm La -Thái Lan). Tiếp theo nhóm Minh hương do Trần Tắng Tài và Dương Ngạn Địnhn vào khai phá vùng Biên Hoà, Mỹ Tho, vào khoảng năm 1680, Mạc Cửu (cũng là di thần nhà Minh dạt sang) cùng toàn bộ gia quyến, trung thần cũng vào khai phá vùng đất từ Vũng Thơm, Trủng Kè, Cần Vọt, Rạch Giá, Cà Mau; Hà Tiên. Do lợi thế về đất đai và nguồn lợi sản vật phong phú nên khu vực này kinh tế nhanh chóng phồn thịnh và Hà Tiên đã trở thành thương cảng quan trọng cho ghe thuyền ra vào buôn bán. Trong buổi đầu một số thương nhân người Hoa kiều có thế lực quân sự lại tinh thông buôn bán làm ăn nên gần như họ độc quyền về giao lưu thương mại; còn dân Việt ở xen kẽ với người Hoa, Cao Miên chủ yếu là làm ruộng, trồng trọt chăn nuôi tạo ra sản phẩm để giao bán cho thương nhân. Ở cù lao Phố, Trần Thắng Tài sống hoà thuận với chúa Nguyễn, năm 1700 ông cùng quân sĩ tham gia trận đánh quyết định tại Nam Vang. Con Trần Thắng Tài là Trần Đại Định cưới con gái Mặc Cửu, tức là em gái của Mạc Thiên Tứ (vợ Mạc Cửu là người Việt Nam, quê ở Đồng Môn, thuộc Biên Hoà), về sau Trần Đại Định vì bị hiểu lầm làm phản và thông dâm nên bị lưu đày, buồn tủi chết trong ngục. Dương Ngạn Định chết vì phó tướng là Hoàng Tấn làm phản, Hoàng Tấn lại bị quân sĩ Việt Nam trừng trị. Họ Mạc ở Hà Tiên được chúa Nguyễn cho hưởng qui chế “Tự quản”. Dòng họ này trung thành với chúa Nguyễn, nhưng lại bị Xiêm Vương là Phi Nhã Tân quấy rối (ông vua Xiêm này gốc là người Triều Châu – Trung Quốc). Một viên tướng người Triều Châu tên là Trần Liên đã đem binh qua đốt phá Hà Tiên, quyết sinh tử với Mạc Thiên Tử. Hai tên cướp Triều Châu khác là Hoắc Nhiên và Trần Thái cũng gây khá nhiều rắc cho họ Mạc ở Hà Tiên. Tuy nhiên, để bảo vệ thành quả công lao khai phá đất đai của dân chúng vùng miền Tây và Tây Nam sông Cửu Long, lại được sự ủng hộ của dân chúng, nên đại binh của các chúa Nguyễn lần nào kéo đại binh vào đánh quân Xiêm cũng thắng lợi; từ đó giặc Xiêm bớt dần sự phiền nhiễu vùng Hà Tiên, An Giang. Năm 1698, trưởng Quân cơ Nguyễn Hữu Cảnh được lệnh của chúa Nguyễn đã vào vùng Biên Hoà, Đồng Nai lập ra Gia Định phủ, gồm có: xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên; xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn. Tình hình đất đai và cư dân được khai phá đã rất rộng lớn, cụ thể như sau: “Đất đai được mở rộng hơn 1000 dặm, dân số được hơn 40.000 hộ, chiêu mộ lưu dân từ Bố Chánh châu trở về Nam đến ở khắp nơi, mọi người phân chiếm ruộng đất, chuẩn bị thuế đinh điền và lập hộ tịch đinh điền. Từ đó, con cháu người Tàu ở nơi Trấn biên thì lập thành xã Thanh Hà, ở nơi Phiên Trấn thì lập thành xã Minh Hương, rồi ghép vào sổ hộ tịch. Nhóm di thần nhà Minh đến ở cù lao Phố và vùng Mỹ Tho gồm 3000 người khi tiên khởi. Hai mươi năm sau, con cái của họ lớn dần. Một số người Trung Hoa từ các nơi cũng lần hồi đến làm ăn buôn bán, rồi định cư luôn. Cùng với nhóm di thần nhà Minh còn có hơn 30.000 hộ gia đình Việt Nam cũng có mặt làm ăn khai phá vùng đất này. Những người lập nghiệp từ trước ở Mô Xoài (Bà Rịa); những người từ Bố Chánh (Quảng Bình) trở vào đến lập nghiệp ở rải rác từ Bà Rịa đến cù lao Phố (Biên Hoà), vùng Sài Gòn, Mỹ Tho. Địa danh Trấn Biên bao gồm một vùng rộng lớn từ ranh giới Bình Thuận đến tận Nhà Bè. Phiên Trấn bao gồm Tân Bình đến phía Cần Giuộc, Cần Đước, Tân An. Phủ Gia Định thuở ấy ăn đến tận vùng cái Bè (tả ngạn Tiền Giang), sau này là châu Định Viễn. Đây là những lưu dân, nhưng nên chú ý số người “có vật lực” từ miền Trung đến. Không có vốn liếng thì không làm ruộng được, người có chút ít vốn nếu chịu mang vào “đất mới” sẽ dễ trở thành điền chủ, phú hào. Lỵ sở thường đặt ở những nơi quan trọng, dân đông, kinh tế dồi dào, thuận lợi cho việc thương mại và là vị trí có giá trị chiến lược quân sự. Ở lưu vực sông Đồng Nai và Cửu Long, dân ta thiết lập được vùng cù lao Phố là lòng cốt của Biên Hoà; vùng Bến Nghe là nòng cốt của Gia Định; vùng Ba Giồng là nòng cốt của Định Tường; vùng Long Hồ là nòng cốt của Vĩnh Long, An Giang Năm 1699, ở Chân Lạp có biến Nguyễn Hữu Cảnh đã mang quân lên tận Nam Vang để can thiệp về quân sự. Khi về vào khoảng tháng 4 năm Canh Thìn (1700), ông cho quân sĩ theo dòng Tiền Giang xuôi về vùng Cái Sao (vùng Chợ Thủ của Long Xuyên) dựng lều trại ở khoảng hơn nửa tháng. Nhưng không may “Ba quân bị bệnh dịch và Nguyễn Hữu Cảnh cũng bị nhiếm bệnh, sau khi quân sĩ di chuyển được 2 ngày thì ông mất”. Sau sự kiện ấy, nhiều người trong binh đội của Nguyễn Hữu Cảnh đã tình nguyện ở lại nơi đây khai phá đất đai hình thành xóm làng trước khi được vua Cao Miên nhượng cho [8,tr.256]. Năm 1705, Nguyễn Cửu Vân cũng thừa lệnh chúa Nguyễn hành quân lên Cao Miên để dẹp quân Xiêm, khi trở về lại cho trú quân ở Vũng Gù (Tân An) lập đồn điền “làm thủ xướng cho quân dân”, đắp đồn và đào kênh cho rạch Vũng Gù và rạch Mĩ Tho ăn thông với nhau, nối liền sông Vàm Cỏ Tây qua Tiền Giang. Cứ như thế vùng Long Hồ nối vào đất Gia Định, vùng Mỹ Tho nối vào Gia Định, vùng An Giang nối vào Long Hồ (Vĩnh Long). Lúc Hà Tiên quá suy sụp, năm 1805 (đời Gia Long) dinh Vĩnh Trấn (Vĩnh Long) cai quản từ hữu ngạn Tiền Giang đến Rạch Giá, Cà Mau, tức vịnh Xiêm La để rồi năm 1810 trả lại cho trấn Hà Tiên như cũ. Có thể nói, công cuộc “Nam Tiến” hoàn tất vào năm 1759: Trần Thắng Tài khai phá vùng Đồng Nai; Dương Ngạn Định vùng Mỹ Tho; Nguyễn Hữu Cảnh vùng Tiền Giang, Nguyễn Cửu Vân vùng Vàm Cỏ; Mặc Cửu vùng Hà Tiên và các thế hệ di dân người Việt đã đi những bước đầu tiên khai phá vùng đât Đồng Nai, Cửu Long. Nhóm Minh hương và lưu dân Việt thực sự làm ruộng và định cư nơi đất lạ và phải đối mặt với không ít những hiểm nguy dồn dập đổ tới, nhất là cuộc tranh chấp về quân sự với người Cao Miên, người Xiêm. Mãi đến 134 năm sau (1834) vùng đất mà ông Nguyễn Hữu Cảnh khai phá vẫn còn phải chinh chiến với quân Xiêm; sau đó là việc tranh chấp dằng dai với anh em Tây Sơn, khiến việc khẩn hoang bị đình trệ hoặc hư hại. 3. Một số kết luận và nhận định. + Công cuộc “Nam Tiến” của các chúa Nguyễn ở Đàng Trong không chỉ là sự sống còn của hoàng tộc mà còn là nhu cầu phục quốc mở mang lãnh thổ vào phương Nam. Chính từ nhu cầu thiết yếu đó mà nhà nước phong kiến Nguyễn ở Đàng Trong đã có những bước đi và chính sách hết sức tích cực, trước hết là tập hợp dân lưu tán từ khắp mọi nơi cấp phát tiền bạc đưa vào khai phá đất đai, phát triển sản xuất – hình thành xóm làng theo tập tục của người Việt. Việc làm này không chỉ giải quyết được gánh nặng của xã hội – dân lưu tán mà còn sử dụng họ như là một lực lượng tiên phong để khai khẩn vùng đất mới. Thành quả lao động của họ lại được củng cố bảo vệ thông qua các biện pháp quân sự của nhà nước, đóng quân đồn trú làm chỗ dựa cho dân chúng; “phiến loạn thì dẹp, xâm lấn thì trị”; kết hợp ngoại giao với giàng buộc để tạo thế yên ổn và cuối cùng toàn bộ thành quả đất đai khai phá được sát nhập vào lãnh thổ Đại Việt… + Có thể nói “dân đi trước, nhà nước đi sau” là một nét đặc trưng của công cuộc khai phá vùng đất “Đàng Trong” của các chúa Nguyễn. Nhờ vậy đã mang lại thành quả to lớn, mở mang bờ cõi rộng bằng cả một quốc gia khi khởi phát. Công lao vĩ đại đó trước hết “thuộc về các thế hệ di dân Việt các chúa Nguyễn mà lịch sử mãi mãi không bao giờ được lãng quyên” [11,tr.22]. + Một thời điểm lịch sử có cả người Việt và người Hoa (di thần nhà Minh) cùng khai phá vùng đất “Đàng trong”, thế nhưng do ưu thế của người Hoa giỏi về buôn bán dần dần họ co cụm lại sinh sống tập trung ở các thành phố, thị trấn buôn bán làm ăn. Do không làm ruộng nữa nên toàn bộ ruộng đất khai phá của người Hoa từng bước được chuyển nhượng cho người Việt… Cứ như thế, qua quá trình thời gian cư dân Việt chiếm cứ và trở thành chủ nhân của phần lãnh thổ rộng lớn phương Nam. + Để có được cả xứ “Đàng trong” như hiện nay là kết quả của cả quá trình khai phá lâu dài của nhiều thế hệ người Việt; nhưng ồ ạt và hiệu quả nhất là dưới thời các chúa Nguyễn. Tài liệu tham khảo 1. Đinh Xuân Lâm (chủ biên). Lịch sử Việt Nam Đại cương, NXB Giáo dục, Hà Nội 2001. 2. Ngô Sĩ Liên. Đại Việt sứ kí toàn thư, NXB KHXH, Hà Nội năm 2001 3. Lịch sử Sài Gòn 4. Vương quốc Phù Nam, Lương Ninh, Nghiên cứu lịch sử số…. 5. Khâm Định Việt sử thông giám cương mục – Quốc sử quán triều Nguyễn. 6.Vương quốc Chăm Pa Khoa Sử Địa Trường Đại học Tây Bắc Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà điều hành Trường Đại học Tây Bắc - Phường Quyết Tâm TP Sơn La Điện thoại: 022.3.751.705 - Fax: 022.3.751.705 - E-mail: [email protected] Designed by PQT, ĐVC, GTT
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan