Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Sách - Truyện đọc Sách-Ebook Giáo dục học tập Ebook Kỷ yếu hội thảo khoa học sinh thái nhân văn và phát triển bền vững một số ...

Tài liệu Ebook Kỷ yếu hội thảo khoa học sinh thái nhân văn và phát triển bền vững một số vấn đề từ lý luận đến thực tiễn - Phần 1

.PDF
97
433
135

Mô tả:

Ebook Kỷ yếu hội thảo khoa học sinh thái nhân văn và phát triển bền vững một số vấn đề từ lý luận đến thực tiễn - Phần 1 Nội dung của ebook trình bày về vai trò của nghiên cứu sinh thái nhân văn trong phát triển bền vững trong thời gian qua, củng cố nội dung đào tạo sinh thái nhân văn, xây dựng kế hoạch và phát triển mạng lưới nghiên cứu và đào tạo sinh thái nhân văn, nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn trong tình hình mới.
ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI VIỆN TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC SINH THÁI NHÂN VĂN V PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG MỘT SỐ VẤN ĐỀ TỪ LÝ LUẬN ĐẾN THỰC TIỄN HÀ NỘI, NGÀY 13 THÁNG 01 NĂM 2017 NHÀ XUẤT BẢN NÔNG NGHIỆP HÀ NỘI - 2017 i Ban Biên tập Lê Trọng Cúc (Chủ biên) Trần Đức Viên Lê Thị Vân Huệ Nghiêm Thị Phương Tuyến Đào Trọng Hưng Nguyễn Thanh Lâm Nguyễn Thị Phương Loan Võ Thanh Giang Trần Chí Trung Thư ký Nguyễn Thị Hiếu Lê Trọng Toán Bản quyền: Viện Tài nguyên và Môi trường Đại học Quốc gia Hà Nội 19, Lê Thánh Tông, Hà Nội Trích dẫn: Viện Tài nguyên và Môi trường, 2017. Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Sinh thái nhân văn và phát triển bền vững: Một số vấn đề từ lý luận đến thực tiễn”. Hà Nội, 13/01/2017. Viện Tài nguyên và Môi trường, Đại học Quốc gia Hà Nội. Nhà xuất bản Nông nghiệp, Hà Nội: 348 trang. Ảnh bìa: Trần Chí Trung ii MỤC LỤC LỜI GIỚI THIỆU vii Phát biểu của lãnh đạo Viện Tài nguyên và Môi trường ix Phần I: LÝ THUYẾT VỀ SINH THÁI NHÂN VĂN 1 Sinh thái nhân văn và phát triển bền vững: nghiên cứu ở Việt Nam Phan Thị Anh Đào và Lê Trọng Cúc...................................... 3 Một số vấn đề trong giảng dạy sinh thái nhân văn tại các trường đại học ở Việt Nam Nguyễn Thị Phương Loan .................................................... 23 Một số vấn đề sinh thái học nhân văn vùng Đông Bắc Nguyễn Công Thảo............................................................... 38 Sinh thái nhân văn và mạng lưới quốc gia các khu dự trữ sinh quyển thế giới của Việt Nam Nguyễn Hoàng Trí................................................................ 54 Bảo tồn thiên nhiên theo tiếp cận sinh thái nhân văn Nguyễn Mạnh Hiệp và Thạch Mai Hoàng ........................... 60 Khủng hoảng nông nghiệp Việt Nam: lý giải từ quan điểm sinh thái nhân văn Phạm Văn Hội ...................................................................... 75 Phần II: CÁC NGHIÊN CỨU ỨNG DỤNG VÀ THỰC TIỄN SINH THÁI NHÂN VĂN 87 Thực trạng và giải pháp quản lý đất canh tác nương rẫy bền vững ở vùng cao: nghiên cứu trường hợp ở xã Hương Lâm, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế Hoàng Huy Tuấn, Trần Thị Thúy Hằng và Lê Quang Vĩnh................................................................. 89 iii Hệ sinh thái nông nghiệp và vấn đề thích ứng với biến đổi khí hậu tại huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang Hà Văn Định ...................................................................... 101 Khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu của một số dân tộc thiểu số ở miền núi Đông Bắc Nguyễn Song Tùng và Nguyễn Thị Huyền Thu .................. 123 Chính sách đổi mới của Việt Nam: tác động tới cộng đồng vùng cao và quản lý rừng bền vững Trần Thị Thu Hà, Phạm Văn Điển, Đặng Tùng Hoa, Nguyễn Thị Thu Huyền và Trần Đức Viên ............................................................... 136 Vai trò của chi trả dịch vụ môi trường rừng trong quản lý rừng dựa trên cơ sở cộng đồng: trường hợp nghiên cứu tại bản Duống, xã Hoàng Trĩ, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn Cao Trường Sơn, Nguyễn Thanh Lâm và Trần Đức Viên ............................................................... 158 Nhu cầu của người dân địa phương về dịch vụ sinh thái rừng: trường hợp nghiên cứu tại vùng núi phía Bắc Việt Nam Nguyễn Thị Phương Mai .................................................... 178 Phát triển sinh kế bền vững cho hộ dân phụ thuộc vào rừng tại khu vực vùng cao tỉnh Bắc Kạn Nguyễn Hải Núi, Nguyễn Quốc Chỉnh, Đỗ Quang Giám và Nguyễn Thanh Lâm............................ 198 Biến động kiến thức bản địa của người Thái trong canh tác đất dốc ở vùng ven thành phố Sơn La Nguyễn Thị Hồng Viên ....................................................... 222 Lồng ghép tri thức bản địa vào bảo tồn và quản lý bền vững tài nguyên rừng cộng đồng thông qua trao quyền cho người dân: nghiên cứu trường hợp tại các cộng đồng dân tộc Vân Kiều và Ma Coong, tỉnh Quảng Bình Trần Trung Thành .............................................................. 238 iv Bước đầu nghiên cứu tác động của cống đập Ba Lai đến hệ sinh thái nhân văn huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre Ngô Xuân Quảng, Nguyễn Xuân Đồng, Ann Vanreusel và Ngô Thị Thu Trang ............................... 254 Nghiên cứu ứng dụng phương pháp Thai Baan: trường hợp nghiên cứu tại xã Đà Vị, huyện Na Hang, Tuyên Quang Nguyễn Thị Hiếu và Bùi Liên Phương ............................... 274 Nghiên cứu ứng dụng mô hình tự nhiên - xã hội trong quản lý rừng đặc dụng Phan Thị Thúy và Nguyễn Tuyết Lan ................................. 290 Tiếp cận hệ sinh thái - xã hội trong đánh giá tác động môi trường của các dự án phát triển giao thông đường bộ ở Tây Nguyên Phạm Hoài Nam................................................................. 305 Vai trò của con người trong giữ gìn, đảm bảo an ninh môi trường hướng tới phát triển bền vững tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Thị Phương Hảo, Trịnh Trị Thanh và Nguyễn Mai Hoa ........................................................... 325 v vi LỜI GIỚI THIỆU Sinh thái nhân văn là khoa học dựa trên nguyên tắc quan hệ có hệ thống giữa xã hội loài người (Hệ xã hội) và môi trường thiên nhiên (Hệ sinh thái), làm thành hệ sinh thái nhân văn. Mục đích của hệ sinh thái nhân văn là tìm hiểu và nhận biết các đặc điểm của mối quan hệ qua lại giữa các hệ thống này với nhau và sự hình thành những hình thái đặc trưng trong hệ xã hội và hệ sinh thái1. Nghiên cứu và đào tạo sinh thái nhân văn có mặt ở Việt Nam từ cuối những năm 1990, trong khuôn khổ hợp tác giữa Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường (CRES), Trung tâm Đông Tây (EWC) của Hoa Kỳ và Mạng lưới Hệ sinh thái Nông nghiệp các Trường Đại học ở Đông Nam Á. Kể từ đó đến nay, sinh thái nhân văn đã trở thành một môn học chính thức trong chương trình đào tạo đại học và sau đại học trong cả nước. Sinh thái nhân văn là khoa học liên ngành dựa trên tiếp cận hệ thống, đã và đang thể hiện tính ưu việt trong việc giải quyết các vấn đề môi trường ngày càng gia tăng trong bối cảnh xã hội luôn luôn thay đổi. Trong những thập niên vừa qua, đội ngũ được đào tạo về tiếp cận sinh thái nhân văn ở trong nước cũng như ngoài nước khá đông đảo và đang có những đóng góp lớn trong công cuộc phát triển bền vững của Việt Nam. Nhiều nghiên cứu sinh thái nhân văn thực hiện tại các vùng địa lý khác nhau, như miền núi, vùng ven biển, đồng bằng..., đã đưa ra những phát hiện và dự báo có tính thực tiễn cao. Đơn cử, nghiên cứu về xu hướng phát triển miền núi Việt Nam do CRES và Trung tâm Đông Tây thực hiện đã chỉ ra các yếu tố chi phối xu hướng phát triển miền núi của Việt Nam và nhiều gợi mở cho việc xây dựng các chính sách phù hợp, nhằm tránh khỏi một cuộc khủng hoảng phát triển miền núi2. Một số nghiên cứu đã nêu bật tầm quan trọng của kiến thức bản 1 Nguyễn Thanh Hóa, 2015. Khai mở ngành sinh thái nhân văn ở Việt Nam. Di sản các Nhà Khoa học Việt Nam Online. Trung tâm Di sản các Nhà Khoa học Việt Nam. http://cpd.vn/news/detail/tabid/77/newsid/2744/ seo/Khai-mo-nganh-sinh-thainhan-van-o-Viet-Nam/Default.aspx. 2 Jamieson N.L., Le Trong Cuc and A.T. Rambo, 1998. The Development Crisis in Upland of Vietnam. East-West Center, Honolulu, Hawaii: 32 p. Tran Duc Vien, A.T. Rambo and Nguyen Thanh Lam (Eds.), 2009. Farming with Fire and Water: The Human Ecology of a Composite Swiddening Community in Vietnam’s Northern Mountains. Kyoto Area Studies on Asia, Center for Southeast Asian Studies, Kyoto University, No.18. vii địa trong sử dụng và quản lý tài nguyên thiên nhiên, là nền tảng cho việc ban hành và xây dựng các chính sách quản lý tài nguyên thiên nhiên bền vững1. Mặc dù nhiều nghiên cứu với tiếp cận sinh thái nhân văn đã được thực hiện, nhưng còn tản mạn và chưa tập trung, các nhà quản lý và hoạch định chính sách chưa tiếp cận được các kết quả nghiên cứu đưa ra, hay đôi khi các nghiên cứu còn xa rời với thực tiễn. Không những thế, đào tạo sinh thái nhân văn cũng được triển khai ở nhiều trường đại học trong cả nước, như Đại học Quốc gia Hà Nội, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Đại học Vinh, Đại học Huế..., nhưng cách tiếp cận chưa thống nhất và không mang tính kế thừa, hơn nữa, lý thuyết chưa theo kịp và giải quyết các vấn đề thực tiễn đòi hỏi. Ngoài ra, cũng cần xem xét lại tiếp cận sinh thái nhân văn trong giải quyết các vấn đề môi trường và phát triển hiện nay, như biến đổi khí hậu, mâu thuẫn lợi ích trong sử dụng tài nguyên, thảm họa về môi trường trong bối cảnh xã hội, chính trị và kinh tế của Việt Nam... Chính vì vậy, chúng tôi đề xuất tổ chức Hội thảo Sinh thái nhân văn và phát triển bền vững nhằm nhìn nhận vai trò của nghiên cứu sinh thái nhân văn trong phát triển bền vững trong thời gian qua, củng cố nội dung đào tạo sinh thái nhân văn, xây dựng kế hoạch và phát triển mạng lưới nghiên cứu và đào tạo sinh thái nhân văn, nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn trong tình hình mới. Ban Biên tập 1 Hoàng Xuân Tý và Lê Trọng Cúc, 1998. Kiến thức bản địa của đồng bào vùng cao trong nông nghiệp và quản lý tài nguyên thiên nhiên. NXB Nông nghiệp, Hà Nội. viii PHÁT BIỂU CỦA LÃNH ĐẠO VIỆN TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG Kính thưa các quý vị đại biểu! Trước tiên, tôi thay mặt lãnh đạo Viện Tài nguyên và Môi trường (CRES), Đại học Quốc gia Hà Nội xin gửi tới các quý vị lời chào trân trọng nhất. Kính thưa các quý vị đại biểu, từ cuối những năm 1980 của thế kỷ trước, nhóm các nhà khoa học của CRES đã bắt đầu ý thức tầm quan trọng của việc quản lý và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường. Cũng chính thời gian này, các nhà khoa học của CRES, trong đó có GS. Lê Trọng Cúc, đã bắt đầu hợp tác với các trường đại học ở Đông Nam Á và Trung tâm Đông Tây, Hoa Kỳ, để đào tạo và nghiên cứu các vấn đề liên quan đến quản lý tài nguyên thiên nhiên. Cùng với xu thế trên thế giới trong thập niên 1980, tiếp cận hệ sinh thái với con người là trung tâm ngày càng được chú trọng. Vào chính những năm 1980 này, CRES đã cùng hợp tác với các học giả quốc tế hàng đầu về sinh thái nhân văn như GS. Andrew Vayda và Terry Rambo để đặt nền móng cho sự phát triển cách tiếp cận sinh thái nhân văn ở Việt Nam. Kể từ đó, CRES đã hợp tác với nhiều cơ quan trong và ngoài nước, như Đại học Nông nghiệp I Hà Nội, mà hiện nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam, với đại diện là GS. Trần Đức Viên, Đại học Vinh, Đại học Nông Lâm Huế, để thực hiện các nghiên cứu và đào tạo tiếp cận sinh thái nhân văn. Sau 30 năm kể từ khi được giới thiệu vào Việt Nam, sinh thái nhân văn, với tư duy hệ thống, đã trở thành một cách tiếp cận có hiệu quả trong nghiên cứu về các vấn đề môi trường và phát triển bền vững. Nhiều nghiên cứu có giá trị đã được triển khai như: Giám sát xu hướng phát triển miền núi Việt Nam, Kiến thức bản địa trong sử dụng và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, Quản lý môi trường lưu vực sông Cả, Hệ thống nương rẫy tổng hợp ở Đà Bắc, Hòa Bình... Nhiều nghiên cứu có tính dự báo cao và đóng góp cho việc xây dựng chính sách như Thách thức trong phát triển miền núi Việt Nam, xuất bản cả tiếng Việt và tiếng Anh trong năm 1998. Sinh thái nhân văn đã và đang là một trường phái lý thuyết mạnh trên thế giới. Sáng nay, tôi thử vào Google với từ khóa “Sinh thái nhân văn” thấy rằng, có tới hơn 2,2 triệu kết quả và từ khóa “Human ecology” có tới hơn 7,3 ix triệu kết quả trong vòng thời gian 1/2 giây. Điều đó chứng tỏ rằng, khái niệm về sinh thái nhân văn hay Human ecology đã được cộng đồng thế giới quan tâm đến rất nhiều. Trong những năm qua, một đội ngũ đông đảo các nhà khoa học và quản lý đã được đào tạo bài bản về tiếp cận sinh thái nhân văn, trong đó, nhiều người được đào tạo ở cả trong và ngoài nước, đã và đang đóng góp tích cực cho công cuộc phát triển bền vững ở Việt Nam. Hội thảo này đã thu hút sự quan tâm lớn từ các nhà quản lý và các nhà khoa học, đặc biệt có sự hiện diện của nhiều thế hệ các nhà nghiên cứu, quản lý hoạt động trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, chúng ta đều biết rằng, Việt Nam đang ngày càng phải đối mặt với nhiều thách thức phát triển trong những năm gần đây. Suy thoái môi trường và đa dạng sinh học ngày càng trầm trọng, xung đột trong quản lý tài nguyên, khủng hoảng môi trường, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu hiện diện ngày một rõ rệt, khoảng cách giàu nghèo, đặt biệt giữa các nhóm dân tộc thiểu số với nhóm đa số, ngày càng lớn. Bên cạnh đó, nhiều dự án phát triển và nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu vẫn chưa hiệu quả. Chính vì vậy, các thách thức này đang đòi hỏi việc điều chỉnh và vận dụng tiếp cận sinh thái nhân văn một cách hiệu quả và phù hợp hơn trong bối cảnh hiện nay. Do đó, mục đích của Hội thảo này nhằm thảo luận các ưu và nhược điểm của nghiên cứu và đào tạo sinh thái nhân văn ở Việt Nam và đề xuất hướng phát triển trong thời gian tới. Tôi hy vọng rằng, các đại biểu có một ngày làm việc và thảo luận sôi nổi với nhiều ý tưởng mới, nhằm tăng cường vai trò của tiếp cận sinh thái nhân văn đối với phát triển bền vững tại Việt Nam trong thời gian tới. Nhân đây, thay mặt Ban Tổ chức, tôi xin trân trọng cảm ơn sự hỗ trợ quý báu của Đại học Quốc gia Hà Nội, Tổ chức PanNature và Tropenbos trong việc tổ chức Hội thảo này. Kính chúc các quý vị đại biểu sức khỏe và chúc Hội thảo thành công tốt đẹp! TS. Hoàng Văn Thắng x Phần I: LÝ THUYẾT VỀ SINH THÁI NHÂN VĂN 1 2 SINH THÁI NHÂN VĂN VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG: NGHIÊN CỨU Ở VIỆT NAM Phan Thị Anh Đào Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi Khí hậu Lê Trọng Cúc Viện Tài nguyên và Môi trường, Đại học Quốc gia Hà Nội MỞ ĐẦU Khoa học về sinh thái nhân văn xuất hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn và ngày nay đã trở thành tâm điểm của khoa học sinh thái học. Sinh thái nhân văn là khoa học nghiên cứu quan hệ giữa con người với môi trường thiên nhiên ở mức độ hệ thống, bao gồm hệ xã hội và hệ tự nhiên (hệ sinh thái). Sinh thái nhân văn đã không chỉ mở rộng khái niệm sinh thái học, mà trở thành giao điểm hội tụ tư tưởng của nhiều ngành khoa học khác nhau. Sự hội tụ đó thể hiện tính hệ thống toàn vẹn bằng nghiên cứu các mối tương tác giữa các thành phần của hệ thống xã hội và hệ tự nhiên, trang bị cho nó vũ khí để có thể đương đầu được với các vấn đề môi trường ngày càng gia tăng và các hệ thống tự nhiên - xã hội luôn luôn thay đổi (Lê Trọng Cúc, 2015). Có nhiều cách tiếp cận khác nhau đã được đưa ra trong nghiên cứu sinh thái nhân văn: nhân chủng - sinh thái học, chủ nghĩa môi trường, sinh thái văn hóa, sinh thái xã hội học, tiếp cận tâm lý học, tiếp cận kiến trúc và quy hoạch đô thị, tiếp cận sinh học và tiến hóa (Bruhn, 1974; Kormondy, 1998). Odum (1975) đã cho rằng, sinh thái học là cầu nối giữa khoa học và xã hội, là cơ sở của việc liên kết các nghiên cứu khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Nhiều nhà khoa học đã khẳng định: cơ sở của sinh thái nhân văn là những kiến thức cơ bản về sinh thái học (Park, 1936; McKenzie, 1961; Kormondy, 1998). Một trong những đặc điểm nổi bật của nghiên cứu sinh thái nhân văn là tính đa ngành, liên ngành, với sự đóng góp của các nghiên cứu khoa học tự nhiên cũng như khoa học xã hội (Bruhn, 1974; Young, 1974). 3 Giá trị của sinh thái nhân văn là ở chỗ, nó giúp cho con người thấy được những mối quan hệ không được thừa nhận trước kia giữa con người và môi trường. Nó cũng giúp cho con người nhận thức sâu sắc về vị trí của con người trong thế giới và suy nghĩ của con người về môi trường của họ (Rambo, 1983). Sinh thái nhân văn đã được áp dụng vào những nghiên cứu ở Việt Nam từ những năm 1989 trong nhiều lĩnh vực. Bài báo này đề cập đến một số vấn đề lý luận và thực tiễn trong nghiên cứu sinh thái nhân văn với phát triển bền vững ở Việt Nam. 1. SINH THÁI NHÂN VĂN VÀ LÝ THUYẾT HỆ THỐNG Nghiên cứu một cách hệ thống sinh thái nhân văn mới chỉ bắt đầu từ những năm đầu của thế kỷ XX (Young, 1974). Nhiều nhà khoa học đã đưa ra những định nghĩa khác nhau về sinh thái nhân văn, nhưng có nội dung gần với nhau (Hens, 1996): sinh thái nhân văn đều có chung một điểm là khoa học nghiên cứu về phát triển của xã hội và quần thể người trong mối tác động qua lại với nhau và với toàn bộ môi trường của chúng. Rambo (1983) cũng định nghĩa tương tự: sinh thái nhân văn là khoa học nghiên cứu mối quan hệ giữa con người và môi trường. Theo Vayda (1983), trong nghiên cứu sinh thái nhân văn, sự chính xác mang tính định lượng và các mô hình thí nghiệm của các nghiên cứu cứng nhắc là không tuyệt đối cần thiết. Ông cho rằng, cần có phương pháp linh động để phù hợp với những vấn đề và quá trình trong việc nghiên cứu mối quan hệ giữa con người và môi trường trong nghiên cứu sinh thái nhân văn: chọn lựa các tổ hợp của các phương pháp định tính và định lượng: phương pháp định tính như là phỏng vấn bán chính thức, kỹ thuật nhân chủng học, việc quan sát, hay phương pháp định lượng như điều tra các thành phần của các hộ gia đình, phân phối thời gian, việc sử dụng đất. Trên thực tế, phương pháp đánh giá nhanh nông thôn (RRA - rapid rural appraisal), đánh giá nông thôn có sự tham gia (PRA - participatory rural appraisal) đã được sử dụng rộng rãi trong các công trình nghiên cứu sinh thái nhân văn (Lê Trọng Cúc và cs., 1990, 1993). Việc nghiên cứu sinh thái nhân văn dựa vào tiếp cận đánh giá bằng chỉ số, theo đặc tính và theo hiệu quả kinh tế chi phí lợi ích mở rộng cũng đã được tiến hành, ứng dụng cho nghiên cứu đánh giá tính bền vững của việc phát triển nuôi tôm tại vùng nuôi tập trung huyện Nghĩa Hưng, Nam Định (Nguyễn Thị Phương Loan, 2012). Tiếp cận hệ thống cũng được áp dụng rộng rãi trong nghiên cứu sinh thái nhân văn. Hệ thống là một tổ chức có nhiều bộ phận liên hệ 4 với nhau trong không gian và thời gian, chúng cùng hoạt động theo những cách thức nhất định để cho ra những kết quả nhất định (Lê Trọng Cúc, 2015). Mỗi hệ thống được tạo thành không phải do sự lựa chọn ngẫu nhiên các thành phần, mà chúng được hợp nhất theo chức năng và có “bản chất tương thích” một cách chắc chắn mới đảm bảo cho hệ, nếu như hệ này muốn hoạt động một cách hiệu quả và bền bỉ theo thời gian. Các thành phần cũng hướng tới sự thống nhất các chức năng. Hệ sinh thái và hệ xã hội cũng hướng tới tính thống nhất theo thời gian mà mỗi thành phần trở nên thích nghi hơn với sự tác động, ảnh hưởng bởi các thành phần khác. Một trong những khía cạnh quan trọng của hệ là các “đặc tính nổi bật". Các đặc tính này tạo cho hệ tính chất hệ thống hơn, chứ không đơn thuần chỉ là tổng các thành phần (Rambo, 1984). Các nhà khoa học đã đưa ra một số mô hình đơn giản về sinh thái nhân văn, như mô hình dựa trên cơ sở hệ sinh thái, mô hình dựa trên cơ sở “hành động cá nhân” (Rambo, 1983). A.T. Rambo cho rằng, các mô hình trên có những hạn chế nhất định, thế giới của chúng ta là một phức hệ và thật là sai lầm khi sử dụng các mô hình đơn giản để giải quyết hệ sinh thái phức tạp. Năm 1984, A.T. Rambo đã đề xuất mô hình mới về hệ sinh thái nhân văn trong các công trình nghiên cứu hệ sinh thái nông nghiệp. Trong đó, hệ sinh thái nhân văn bao gồm hệ thống xã hội (hệ xã hội) và hệ sinh thái nông nghiệp (hệ tự nhiên). Theo mô hình này, các thành phần của hệ tự nhiên, hệ xã hội liên quan đến nhau bởi các chức năng thông qua dòng năng lượng, vật chất và thông tin. Dòng năng lượng trong các hệ sinh thái là một chiều. Ngược lại, vật chất cần thiết để sản xuất ra các chất hữu cơ được quay vòng trong hệ sinh thái và được sử dụng lại nhiều lần. Ở quy mô toàn cầu, các dòng vật chất thường được thể hiện qua các chu trình sinh - địa - hóa. Các chu trình sinh - địa - hóa chủ yếu bao gồm chu trình C, N, P, S, nước, v.v... Các chu trình này đang bị các hoạt động của con người can thiệp mạnh mẽ. Nghiên cứu sinh thái nhân văn vùng rừng ngập mặn đã chỉ ra cấu trúc, dòng vật chất, năng lượng, thông tin của hệ ở vùng rừng miền Bắc và miền Nam (Phan Thị Anh Đào, 2001). Áp dụng lý thuyết sinh thái nhân văn vào nghiên cứu vùng nuôi tôm tập trung ven biển huyện Nghĩa Hưng đã chỉ ra được nguyên nhân của sự phát triển chưa bền vững trong bản chất bên trong của hệ thống, bao gồm sự thiếu một thể chế đủ mạnh để kiểm soát hệ thống, đặc biệt là cơ sở cho quản lý dựa vào cộng đồng, thiếu tri thức nghề và chưa tính đủ bài toán chi phí lợi ích mở rộng (Nguyễn Thị Phương Loan, 2012). Phương pháp chi phí lợi ích cũng được áp dụng trong Nghiên cứu sinh thái nhân văn làng nghề sản 5 xuất chè San Tuyết tại xã Nà Chì, huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang (Nguyễn Thị Phương Loan, 2016). Nghiên cứu của Nguyễn Thị Thu Hà (2014) đã cung cấp được những số liệu mới về thành phần hệ sinh thái nhân văn vùng đệm Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh để xác định vùng đệm Vườn Quốc gia như một hệ thống, gồm hệ tự nhiên và hệ xã hội, tác động qua lại lẫn nhau, tạo nên sự hài hòa giữa con người và thiên nhiên, nâng cao hiệu quả bảo tồn cho vùng lõi của Vườn Quốc gia. Sự liên hệ trong hệ thống không phải là con số cộng, mà các bộ phận phải cùng hoạt động và sản phẩm của nó là sự liên hệ giữa các bộ phận của hệ thống, chứ không phải là kết quả trực tiếp của một bộ phận nào đó trong các bộ phận. Mối liên hệ của các bộ phận trong hệ thống đồng thời cùng hoạt động để duy trì những quan hệ giữa chúng với nhau. Các bộ phận của hệ thống được “tổ chức” theo một cách đặc biệt nào đó. Cách tổ chức đó là rất quan trọng, vì chính nó làm cho hệ thống có hệ thống. Vì vậy, nếu có một hệ thống, để hiểu nó, cần phải nghiên cứu tổ chức, hay gọi là “cấu trúc” của hệ thống. Cấu trúc của một hệ thống có liên quan đến cái mà những bộ phận của hệ thống được tổ chức, cách chúng được sắp xếp, cách chúng được liên hệ với nhau trong không gian và thời gian. Thường thì các hệ thống bao giờ cũng được tổ chức có thứ bậc trên dưới. Chẳng hạn một hệ thống xã hội bao gồm nhiều cá nhân, các cá nhân này có quan hệ lại được tổ chức thành hộ gia đình, các hộ gia đình tổ chức thành thôn, xóm, các thôn, xóm thành làng xã, các làng xã tổ chức thành huyện, các huyện thành tỉnh và các tỉnh thành chính phủ quốc gia. Cũng như trong hệ thống sinh học từ gen lên tế bào, tế bào lên mô, mô lên các cơ quan, cơ thể, các cơ thể loài làm thành quần thể - quần xã - hệ sinh thái - sinh quyển (Lê Trọng Cúc, 2015). Tư duy hệ thống được đánh giá là yếu tố không thể thiếu được, để đảm bảo phát triển một cách bền vững và hữu hiệu trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam (Jamision, 1996). Lê Trọng Cúc (2015) cũng đã tiếp tục khẳng định rằng, tư duy hệ thống giúp cho các nghiên cứu, quản lý tài nguyên thiên nhiên hữu hiệu hơn, đặt kế hoạch cho sự phát triển trong tương lai vững chắc hơn. Đồng thời, bất cứ hệ xã hội và sinh thái nào cũng có thể được phân tích về mặt động thái. Động thái là quá trình của các “sự kiện”, thay đổi liên tục trong hệ và trong sự tiến hóa của nó theo thời gian. Mối quan hệ giữa hệ xã hội và hệ sinh thái là mối quan hệ biện chứng, trong đó, sự thay đổi của hệ thống này tiếp tục ảnh hưởng đến cơ cấu và chức năng của hệ thống kia (Lê Trọng Cúc và cs., 1990). Khái 6 niệm sinh thái nhân văn đã được áp dụng vào một số nghiên cứu ở Việt Nam từ năm 1989, tập trung vào 3 vấn đề cơ bản như sau (Lê Trọng Cúc và cs., 1990): 1. Các dòng năng lượng, vật chất và thông tin chuyển từ hệ tự nhiên đến hệ thống xã hội và từ hệ thống xã hội đến hệ tự nhiên như thế nào? 2. Hệ thống xã hội thích nghi và phản ứng như thế nào trước những thay đổi trong hệ tự nhiên? 3. Những hoạt động của con người đã gây nên những tác động gì đối với hệ tự nhiên? Có thể thấy, mục đích của nghiên cứu sinh thái nhân văn là tìm hiểu và nhận biết các đặc điểm và quan hệ qua lại giữa các hệ thống này với nhau và sự hình thành những hình thái đặc trưng trong hệ sinh thái nhân văn thông qua các dòng vật chất, năng lượng và thông tin (Lê Trọng Cúc, 2015; Phan Thị Anh Đào, 2001). Các nghiên cứu sinh thái nhân văn cũng đã đề xuất các giải pháp, nhằm góp phần quản lý tài nguyên rừng, đồng thời nâng cao đời sống người dân, dựa trên kết quả nghiên cứu sinh thái nhân văn (Nguyễn Thị Thu Hà, 2014). 2. SINH THÁI NHÂN VĂN Ở VIỆT NAM Trên cơ sở lý thuyết sinh thái nhân văn đã phân tích ở trên, các nghiên cứu về sinh thái nhân văn đã được tiến hành ở Việt Nam. Có thể liệt kê một số nghiên cứu chính ở một số vùng dưới đây: + Mở đầu nghiên cứu sinh thái văn ở Việt Nam được tiến hành ở 3 huyện Thanh Hòa, Đoan Hùng, Lập Thạch của tỉnh Vĩnh Phú vào năm 1990. + Kết quả nghiên cứu sinh thái nhân văn vùng lúa nước Thái Bình vào năm 1991 đã được trình bày trong cuốn “Too many people too little land - Đất chật người đông” (Le Trong Cuc và Rambo, 1993). + Năm 1995, tác động của cải cách kinh tế lên phục hồi sinh thái ở vùng trung du Việt Nam đã được tiến hành trên các điểm đã nghiên cứu ở tỉnh Vĩnh Phú trước đó 5 năm (The impact of economic reform on restoration ecology in the midlands of Northern Vietnam). 7 + Những khó khăn của công cuộc phát triển miền núi ở Việt Nam (The development cresis in Vietnam's mountains) vào năm 1998. + Các nghiên cứu sinh thái nhân văn về các cộng đồng mẫu đã được tiến hành ở các vùng như dân tộc Đan Lai ở Khe Nóng, Nghệ An, Mông Trắng ở xã Thái Phìn Tủng, Đồng Văn, Hà Giang, dân tộc Tày ở Đà Bắc, Hòa Bình, dân tộc Cao Lan ở thôn Ngọc Tân, Đoan Hùng, Vĩnh Phú, dân tộc Kinh ở Làng Thao, Vĩnh Phú. + Một số nghiên cứu khác được tiến hành ở Bình Trị Thiên, Nghệ An, Kon Tum... Bền vững là một trong những đặc tính quan trọng của hệ sinh thái nhân văn và đã được vận dụng linh hoạt trong các nghiên cứu sinh thái nhân văn ở Việt Nam. Dưới đây tóm tắt một số thành tựu trong nghiên cứu sinh thái nhân văn, hướng tới phát triển bền vững ở Việt Nam. 2.1. Hệ sinh thái nhân văn nông nghiệp Hệ sinh thái nông nghiệp là hệ sinh thái nhân văn điển hình (Lê Trọng Cúc, 2015). Các hệ sinh thái nông nghiệp không tự ổn định, mà đòi hỏi sự hỗ trợ đầu vào của con người, làm cho chúng khác với các hệ sinh thái tự nhiên là do con người tự thiết kế. Trong đó, có các loại hệ sinh thái nông nghiệp như sau: + Hệ sinh thái nông nghiệp truyền thống tương đồng với hệ sinh thái tự nhiên, xen canh rất nhiều loài cây trên cùng một cánh đồng, giống như hệ sinh thái tự nhiên. + Hệ sinh thái nông nghiệp hiện đại cần nhiều đầu vào, như máy móc nông nghiệp, phân hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, thủy lợi, giống cây trồng, vật nuôi cao sản, sản phẩm đầu ra lớn, bao gồm cả các chất thải. Hiện nay, nông nghiệp hiện đại đang có xu hướng tập trung vào nông nghiệp hữu cơ. Việc đánh giá các hệ sinh thái nông nghiệp dựa vào các đặc tính cơ bản, như khả năng sản xuất của hệ. Khi nghiên cứu sinh thái nhân văn tại các làng trồng lúa nước ở đồng bằng sông Hồng, Việt Nam, các nhà khoa học đã chỉ ra tác động của con người đến hệ sinh thái: mật độ dân số cao ở vùng này gây áp lực lớn lên hệ sinh thái nông nghiệp. Nguồn tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là đất nông nghiệp, thực sự là khan hiếm ở các cộng đồng, vùng miền chịu sức ép gay gắt của áp lực dân số. Hoạt động của con người dẫn đến tình trạng đa dạng loài, quần xã, hệ sinh thái thấp ở vùng này (Lê Trọng Cúc và Rambo, 1989, 1995). 8 Các nhà khoa học cũng đã nghiên cứu khá kỹ các dòng vật chất, năng lượng trong các hệ sinh thái nhân văn ở vùng đồng bằng sông Hồng, cũng như vùng trung du miền Bắc Việt Nam (Lê Trọng Cúc và cs., 1993). Hệ thống thứ bậc trong hệ tự nhiên và xã hội đã được nghiên cứu, đánh giá trong các nghiên cứu về sinh thái nhân văn nông nghiệp ở Việt Nam (Lê Trọng Cúc và Rambo, 1995). Đa dạng hệ sinh thái nông nghiệp ở vùng núi Việt Nam đang tồn tại nhiều kiểu hệ sinh thái nông nghiệp, đặc biệt là các hệ sinh thái nông nghiệp truyền thống vùng núi, hệ sinh thái ruộng nước trong các thung lũng lớn, ruộng bậc thang, thổ canh hốc đá, nông lâm kết hợp, v.v... Các nhà khoa học cũng đã phân tích một số đặc tính của hệ sinh thái nông nghiệp ở Việt Nam như: tính năng suất, tính bền vững, tính ổn định, tính tự trị, tính công bằng, tính hợp tác, tính đa dạng và thích nghi (Rambo, 1984; Lê Trọng Cúc và cs., 1990, 1993). Kết quả nghiên cứu hệ sinh thái nông nghiệp trung du miền Bắc và vùng núi Việt Nam đã chứng minh giá trị của việc áp dụng sinh thái nhân văn trong quá trình phân tích, tìm ra những mối quan hệ giữa các yếu tố xã hội và sinh thái (Lê Trọng Cúc và cs., 1990, 2002; Lê Trọng Cúc và Đào Trọng Hưng, 1999, 2000). Nghiên cứu sinh thái nhân văn đã được áp dụng để phân tích tương tác giữa các yếu tố trong hệ thống, để thấy rõ hiện trạng và xu hướng của quá trình phát triển, đề xuất một số giải pháp, nhằm cải thiện phần nào sự suy thoái ở vùng miền núi. Những người nông dân quen sinh sống ở vùng đồng bằng thâm canh lúa nước, khi chuyển lên định cư ở vùng đồi núi, cũng ứng dụng phần nào phương thức canh tác ở vùng đồng bằng, gây nên xói mòn trầm trọng, tàn phá tài nguyên thiên nhiên mạnh mẽ hơn, nhanh chóng hơn. Trong khi đó, phương thức canh tác trên đất dốc của đồng bào các dân tộc tỏ ra có hiệu quả trong việc chống xói mòn đất. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trong hệ thống, sự xấu đi của yếu tố này kéo theo sự xấu đi của yếu tố khác. Một tập hợp các yếu tố khách quan, như điều kiện đi lại khó khăn, dân cư đa dạng, dân số tăng, cơ sở hạ tầng, thông tin, thị trường yếu kém, môi trường suy thoái, trình độ học vấn thấp, chính sách chưa phù hợp, tác động với nhau và tự khuyếch đại làm thành cái gọi là “vòng xoáy trôn ốc đi xuống”; tất cả đã quyết định bản chất của những khó khăn ở vùng miền núi chứ không phải các yếu tố cục bộ, riêng lẻ (Jamieson và cs., 1999). Có thể thấy, vùng miền núi phía Bắc được đặc trưng bằng mức độ đa dạng sinh thái và xã hội rất cao. Nó trải qua một quá trình thay đổi khá nhanh và phân bố không đều (Rambo, 1997; Jamieson và cs., 1998). Nguồn sống của đồng bào miền núi phụ thuộc nhiều 9
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan